Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Thành thị nhật bản thời cận thế (qua nghiên cứu trường hợp EDO)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (435.72 KB, 10 trang )


Thành thị Nhật Bản thời cận thế (Qua nghiên
cứu trường hợp EDO)

Phan Quỳnh Hoa

Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Luận văn ThS ngành: Châu Á học; Mã số: 60 31 50
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Văn Kim
Năm bảo vệ: 2010

Abstract: Nghiên cứu thành thị Nhật Bản cận thế để hiểu lịch sử, xã hội Nhật
Bản. Tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của thành thị và nguyên nhân, động
lực dẫn đến quá trình hình thành, phát triển đó. Nghiên cứu thành thị để hiểu thêm
chủ trương, chính sách của chính quyền Edo và vai trò của thành thị đối với sự
phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu thành thị để hiểu đặc điểm, cấu trúc xã hội
đô thị, các luồng di dân, các hoạt động kinh tế, quan hệ xã hội, đời sống văn hóa,
giáo dục. Nghiên cứu thành thị để lý giải vì sao Nhật Bản có thể tiếp nhận, phát
triển các khuynh hướng tư tưởng mới, đó chính là điều kiện căn bản để Nhật Bản
có thể tiến hành công cuộc cải cách và cải cách thành công.
Keywords: Nhật bản; Thành thị; Đô thị
Content
1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài
Sự phát triển “thần kỳ” của Nhật Bản luôn là chủ đề nghiên cứu, tranh luận của
nhiều học giả trên khắp thế giới. Tuy phạm vi chuyên môn, mục đích nghiên cứu, phương
pháp tiếp cận của mỗi người có khác nhau nhưng những kết quả thu được thực sự là
những đóng góp có giá trị trong việc tìm hiểu về con người và đất nước Nhật Bản, về mô
hình của Nhật Bản cũng như những nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng cao của nền
kinh tế nước này.
Không thể phủ nhận xã hội Nhật Bản có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với những
yếu tố truyền thống. Những di sản có sức mạnh tiềm ẩn từ quá khứ chính là động lực cho


sự phát triển của Nhật Bản ngày nay. Sẽ không thể lý giải được đầy đủ những phát triển
hiện tại nếu không nghiên cứu những giá trị truyền thống. Với cách nhìn nhận đó, cần
phải nghiên cứu sâu hơn lịch sử Nhật Bản, đặc biệt là thời cận thế
1
bởi đây không chỉ là
thời kỳ phát triển cuối cùng và cao nhất của chế độ phong kiến Nhật Bản mà nó còn tạo
ra những tiền đề kinh tế - xã hội vô cùng quan trọng cho sự chuyển mình của Nhật Bản từ
phong kiến sang tư sản vào giữa thế kỷ XIX.
Vào giai đoạn chuyển giao giữa hai thời kỳ trung thế và cận thế, thành thị Nhật
Bản đã có sự phát triển bùng phát. Những điều kiện xã hội đặc thù của Nhật Bản mà
nguyên nhân chủ yếu là quyền lực của các lãnh chúa địa phương được khẳng định cùng
với nhu cầu cần phải có các công trình kiến trúc kiên cố để chống lại sức công phá của vũ
khí phương Tây đã tạo nên cơ sở cho sự xuất hiện của nhiều thành luỹ có quy mô lớn.
Đây chính là phần cốt lõi để rồi từ phần “thành” đã xuất hiện “thị” và khả năng cuốn hút
các luồng di cư, nhu cầu tìm đến các thành thị với nhiều mục tiêu khác nhau.
Thành thị Nhật Bản thời cận thế được hình thành từ nhiều cơ sở khác nhau. Sự
phát triển của mỗi thành thị vừa phụ thuộc vào những biến đổi chung vừa thể hiện những
điều kiện chính trị, kinh tế, tôn giáo và nhiều nhân tố xã hội riêng biệt khác. Vào thời cận
thế, thành thị đã vươn lên giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động kinh tế và chính trị. Sự
phát triển của kinh tế công-thương và nhu cầu tiêu dùng cao trong các thành thị đã cuốn
hút một lực lượng lao động dư thừa lớn trong nông thôn đồng thời đẩy nhanh quá trình đô
thị hóa ở Nhật Bản. Với một lực lượng xã hội tương đối đông đảo, dựa vào nền tảng của
kinh tế công-thương nghiệp, các tầng lớp thị dân chính là những người đã sáng tạo ra
dòng văn hóa mới mang đầy chất thành thị. Họ đồng thời là những người đón nhận những
tư tưởng mới, quan điểm khoa học từ châu Âu du nhập vào xã hội Nhật Bản. Thành thị đã
tạo nên những động lực phát triển nội tại, hết sức căn bản của Nhật Bản không chỉ ở lĩnh
vực kinh tế mà còn cả trong tư tưởng và chiều sâu văn hoá. Và lần đầu tiên trong lịch sử
Nhật Bản, những nhân tố tư sản đã xuất hiện, hội tụ thành lực lượng vật chất mạnh mẽ,

1

Có nhiều cách phân kỳ lịch sử Nhật Bản nhưng luận văn này sử dụng cách phân kỳ như sau:
Thời cổ đại (từ khi nhà nước Yamato ra đời cho đến hết thời kỳ Heian năm 1185), thời trung thế
(từ khi Mạc phủ Kamakura thành lập năm 1185 đến khi Mạc phủ Muromachi sụp đổ năm 1573),
thời cận thế (bắt đầu từ thời kỳ Azuchi - Momoyama năm 1573 đến hết thời Tokugawa năm
1868)
làm rung chuyển thể chế phong kiến để rồi đi tới lật đổ chế độ này. Đó là một trong
những nhân tố đưa Nhật Bản thoát khỏi vòng quay truyền thống của xã hội châu Á để trở
thành một cường quốc công nghiệp đầu tiên ở khu vực.
Thời Tokugawa, loại hình jokamachi (thành thị được thành lập xung quanh tòa
thành của lãnh chúa) vừa là dạng thức phổ biến, lại vừa giữ vai trò quan trọng nhất trong
các loại hình thành thị thời bấy giờ. Và Edo là một jokamachi cận thế điển hình. Thời cận
thế, Edo không những có tốc độ phát triển và quy mô dân số lớn nhất Nhật Bản mà còn là
thành thị lớn của thế giới. Đến năm 1800, thành thị này là một trong 70 thành thị trên thế
giới, trong đó có 5 thành thị ở Nhật Bản, có dân số 100.000 người. Edo cũng đồng thời là
một trong 20 thành thị (trong đó 3 thành thị ở Nhật Bản) có dân số trên 300.000 người.
Điều đáng chú ý là, Edo là thành thị duy nhất đạt đến quy mô dân số trên 1 triệu người
vào đầu thế kỷ XIX. Khi tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển “thần kỳ” của
Nhật Bản trong những năm 1960-1970, một số nhà nghiên cứu đã chú ý đến vai trò của
thành thị Nhật Bản. Điều có thể thấy được là, so với các nước công nghiệp Tây Âu, Nhật
Bản là quốc gia có quá trình công nghiệp hóa muộn nhất nhưng lại đạt được trình độ hiện
đại hóa sớm và cao nhất ở phương Đông. Từ hiện thực đó người ta đã chú ý đến mối liên
hệ giữa quá trình đô thị hóa thời cận thế với sự phát triển của Nhật Bản hiện đại. Trong
khi đi sâu tìm hiểu vai trò của Edo truyền thống, các nhà nghiên cứu đã rất chú ý đến quá
trình hình thành, phát triển của Edo, cấu trúc xã hội, kinh tế cũng như ảnh hưởng rộng lớn
của nó đối với sự phát triển chung của Nhật Bản.
Xuất phát từ nhận thức như vậy, luận văn đã chọn đề tài: “Thành thị Nhật Bản thời
cận thế (qua nghiên cứu trường hợp Edo)” để làm định hướng nghiên cứu. Mục tiêu của
luận văn:
1. Nghiên cứu thành thị Nhật Bản cận thế để hiểu lịch sử, xã hội Nhật Bản.
2. Tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của thành thị và nguyên nhân, động

lực dẫn đến quá trình hình thành, phát triển đó.
3. Nghiên cứu thành thị để hiểu thêm chủ trương, chính sách của chính quyền Edo
và vai trò của thành thị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
4. Nghiên cứu thành thị để hiểu đặc điểm, cấu trúc xã hội đô thị, các luồng di dân,
các hoạt động kinh tế, quan hệ xã hội, đời sống văn hóa, giáo dục.
5. Nghiên cứu thành thị để lý giải vì sao Nhật Bản có thể tiếp nhận, phát triển các
khuynh hướng tư tưởng mới, đó chính là điều kiện căn bản để Nhật Bản có thể tiến hành
công cuộc cải cách và cải cách thành công.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Nhật Bản từ lâu đã là đối tượng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả
trên thế giới.
Từ đầu thế kỷ XVII, để phục vụ cho việc truyền giáo, nhiều giáo sĩ châu Âu đã bắt
đầu tìm hiểu về Nhật Bản. Có thể kể đến những công trình nổi bật thời kỳ này như “Từ
điển Bồ - Nhật” (xuất bản năm 1603 ở Nagasaki), “Lịch sử Thiên chúa giáo ở Nhật Bản”
của Xavier de Charlevoix năm 1715, “Lịch sử Nhật Bản với diện mạo của nó ở Vương
quốc Siam 1690-1692” của Engebert Kaempfer xuất bản năm 1727 và cuốn “Nippon”
của Philipp Franz von Siebold (1796-1866) viết khoảng năm 1832-1852. Những cuốn
sách này được ra đời trong bối cảnh Nhật Bản đóng cửa đất nước với mục đích giới thiệu
đảo quốc phương Đông này với người châu Âu.
Từ cuối thế kỷ XIX, nhiều cuốn sách nghiên cứu liên quan đến xã hội, văn hóa
Nhật Bản đã lần lượt xuất hiện do nhu cầu tìm hiểu về nền văn hóa Nhật Bản được khích
lệ ở châu Âu. Những cuốn sách này đặt nền tảng cho việc xây dựng ngành Nhật Bản học
ở châu Âu sau này. Từ những tư liệu do các công ty Đông Ấn để lại, nhiều học giả đã
biên soạn những tác phẩm có giá trị, chứa đựng nhiều thông tin khoa học quí báu như
“The English Factory in Japan 1613-1623” (của Anthony Farrington xuất bản năm 1991),
“The Deshima Diaries Marginalia 1700-1740” (của J.L. Blusse, Paul van der Velde và
Rudofl Bachofner ấn hành năm 1992), “A History of Christianity in Japan” (của Otis
Cary). Ở Nhật Bản, một số trường đại học, viện nghiên cứu cũng tổ chức sưu tập, biên
soạn các tư liệu lịch sử trong đó nổi bật là “Tokugawa kinreiko” (1959) và “Law and
Justice in Tokugawa Japan” (1985).

Cải cách Minh Trị thành công đã thu hút đông đảo giới nghiên cứu cả trong lẫn
ngoài Nhật Bản. Những công trình xuất bản trong giai đoạn đầu thế kỷ XX ít nhiều có
khuynh hướng ngợi ca những thành tựu to lớn mà Nhật Bản đạt được nhờ Cải cách Minh
Trị. Những công trình của họ đã để lại những đóng góp to lớn trong việc đi sâu nghiên
cứu khách quan hơn về lịch sử Nhật Bản nói chung và kinh tế - xã hội nói riêng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, một số trung tâm nghiên cứu Nhật Bản được mở
tại Mỹ để phục vụ mục tiêu chiếm đóng Nhật Bản cũng như chính sách châu Á của Mỹ.
Từ cuối những năm 1950, giới nghiên cứu Mỹ bắt đầu tập trung vào một số vấn đề khoa
học cơ bản như: thể chế chính trị, lịch sử, kinh tế, xã hội học Xu hướng nghiên cứu
chuyên sâu này ngày càng gia tăng và cũng thịnh hành ở châu Âu và bản thân nước Nhật.
Việc áp dụng những quan điểm, phương pháp nghiên cứu mới đã đem lạo nhiều thành
tựu khoa học mới mẻ trong những công trình xuất bản thời kỳ 1960 – 1980. Có thể kể
đến một số công trình tiêu biểu như “Japan: The story of a Nation”, “Japan: Tradition and
Transformation”, “East Asian Civilization” của Edwin O. Reichauer, giáo sư Đại học
Harvard; và một số tác phẩm của John W. Hall, chuyên gia về lịch sử chính trị Nhật Bản
như “Japan from Prehistory to Modern Times”, “Studies in the Institutional History of
Early Modern Japan” và 4 tập “The Cambridge History of Japan” Những công trình
này đều có độ khái quát cao và tính định hướng lớn.
Ở Việt Nam, trước năm 1975, một số tác giả ở miền Nam như Đào Trinh Nhất,
Trần Minh Tiết, Đoàn Văn An đã viết về Minh Trị duy tân, con người và giáo dục Nhật
Bản. Trong khi đó, ở miền Bắc, tìm hiểu Nhật Bản mới chỉ dừng lại ở các vấn đề ngoại
giao hay giáo trình cho học sinh, sinh viên. Dưới tác động của công cuộc Đổi mới, sau
năm 1986, việc nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam có nhiều tiến triển. Trong đó, một số
tác phẩm nổi bật như “Lịch sử giáo giục thời Minh Trị” của Nguyễn Văn Hồng hay “Lịch
sử Nhật Bản” của nhóm tác giả Phan Ngọc Liên, Đinh Ngọc Bảo Các công trình không
chỉ trình bày những vấn đề căn bản trong lịch sử - văn hóa Nhật Bản mà còn gợi mở
nhiều hướng nghiên cứu mới chuyên sâu. Những năm gần đây, nhiều nhà khoa học trong
nước cho ra đời nhưng chuyên khảo về kinh tế-xã hội như Nguyễn Văn Kim với “Nhật
Bản với châu Á - những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế xã hội” tập trung chủ
yếu nghiên cứu Nhật Bản thời Tokugawa.

Riêng về đề tài thành thị Nhật Bản, trước đây đã có rất nhiều học giả nghiên cứu
vấn đề này và đạt được một số thành tựu đáng kể. Có thể kể ra một số học giả Nhật Bản
như Ono Koji với “Nghiên cứu jokamachi cận thế” (近世城下町の研究), Ishii Susumu
với “Thành và jokamachi” (城と城下町) hay Naito Akira với “Edo và thành Edo”
(江戸と江戸城), Hitoshi Mogi với “Lịch sử phát triển của Edo 1600-1860” (A History
of the Development of Edo 1600-1860), Yoshida Nobusuke với “Cấu trúc hai thành phần
của jokamachi vĩ đại Edo” (巨大城下町江戸の分節構造)… Còn ở Việt Nam, không thể
không kể đến bài viết “Thành Edo và những đặc điểm phát triển của thành thị Nhật Bản
thời Tokugawa” của Nguyễn Văn Kim trong “Nhật Bản với châu Á - những mối liên hệ
lịch sử và chuyển biến kinh tế xã hội” và một số công trình khác nữa như các tác phẩm
nghiên cứu lịch sử, văn hoá Nhật Bản…
Tuy cách tiếp cận và quan điểm khoa học của các tác giả có nhiều điểm khác nhau
nhưng những thành tựu nghiên cứu của những người đi trước đã giúp tác giả Luận văn có
một cái nhìn khái quát, khách quan hơn về nội dung và bản chất của vấn đề nghiên cứu
để từ đó tiếp tục đi sâu vào đề tài của mình.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Với mục tiêu đề ra, Luận văn đã chọn Edo thời Tokugawa (hay còn gọi là thời
Edo,1600 – 1868) làm đối tượng nghiên cứu cụ thể để từ đó có thể rút ra những đặc điểm
chung của thành thị Nhật Bản thời cận thế.
Luận văn tập trung vào các vấn đề sau:
1. Quá trình hình thành, phát triển của Edo đến trước thời Tokugawa
2. Cấu trúc thành và thị Edo thời Tokugawa
3. Hoạt động kinh tế – đời sống xã hội của Edo thời Tokugawa.
Luận văn sẽ cố gắng Việt hoá những thuật ngữ tiếng Nhật, tuy nhiên với những
thuật ngữ quen thuộc hoặc trường hợp không có thuật ngữ tiếng Việt tương đương xin
được giữ nguyên ở dạng phiên âm.
4. Phương pháp nghiên cứu
Là một đề tài lịch sử nên phương pháp lịch sử, phân tích mối liên hệ giữa các sự
kiện lịch sử đồng đại và lịch đại luôn là dòng mạch chính trong nội dung luận văn. Mặt
khác, những phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp so sánh, phương pháp xã

hội học cũng được vận dụng.
Để phân tích khách quan hơn các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội trong bối cảnh
xã hội Edo, luận văn đã vận dụng phương pháp cấu trúc vào nghiên cứu. Từ việc coi sự
phát triển của thành thị là một hệ thống, do nhiều bộ phận kinh tế - xã hội cấu thành, luận
văn không chỉ tập trung phân tích ảnh hưởng của hệ thống đối với từng thành tố mà còn
đi sâu xem xét sự tác động tương hỗ giữa các thành tố cũng như ảnh hưởng trở lại của
từng thành tố đối với toàn bộ hệ thống trong sự chuyển biến của Nhật Bản thời
Tokugawa.
5. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của
luận văn tập trung vào 3 chương:
Chương 1: Sự hình thành và phát triển của Edo trước thời Tokugawa
Chương 2: Cấu trúc thành và thị Edo
Chương 3: Hoạt động kinh tế và đời sống xã hội Edo

References
I. Tài liệu tham khảo tiếng Việt
1. Edwin O. Reischauer (1998), Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, NXB Thống kê,
Hà Nội
2. Đặng Thái Hoàng (2000), Lịch sử đô thị, NXB Xây dựng, Hà Nội
3. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên) (2007), Lịch sử Nhật Bản, NXB Thế giới, Hà Nội
4. R. H. P Mason & J. G. Caiger (người dịch: Nguyễn Văn Sỹ) (2003), Lịch sử Nhật
Bản, NXB Lao động, Hà Nội
5. Michio Morishima (1991), Tại sao Nhật Bản “thành công”? Công nghệ phương Tây
và tính cách Nhật Bản, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
6. Naito Akira (2003), Edo và thành Edo – Phát triển một thủ đô, Tạp chí Nipponia, số
25, tr. 4-5
7. Đỗ Văn Ninh (1983), Thành cổ Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
8. Chie Nakane (1990), Xã hội Nhật Bản¸NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
9. Nguyễn Văn Kim (2003), Nhật Bản với châu Á - Những mối liên hệ lịch sử và chuyển

biến kinh tế xã hội, NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội
10. Nguyễn Văn Kim (2000), Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa:
Nguyên nhân và hệ quả, NXB Thế giới, Hà Nội
11. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh… (2003), Lịch sử thế giới trung đại, NXB Giáo
dục, Hà Nội
12. G. B. Sansom (1989), Lược sử văn hoá Nhật Bản (tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà
Nội
13. G.B. Sansom (1994), Lịch sử Nhật Bản (tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
14. Vĩnh Sính (1990), Nhật Bản cận đại, Văn hoá Tùng Thư.
15. Owada Tetsuo (2001), Vẻ bí ẩn của thành quách Nhật Bản, Tạp chí Nipponia, số 17,
tr 4-5
16. Văn Tạo (1989), Đô thị cổ Việt Nam, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện sử
học, Hà Nội
II. Tài liệu tham khảo tiếng Anh
17. Hitoshi Mogi, A historical study of the Devolopment of Edo 1600 – 1860, A Thesis
presented to The Faculty of the Graduate School, Cornell University
18. Nishiyama Matsunosuke (Translated and edited by Gerald Groemer) (1997), Edo
culture: Daily Life and Diversions in Urban Japan 1600-1868, University of Hawai’i
Press, Honolulu

×