ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ
PHẠM MINH TUẤN
NGHIÊN CỨU ÁP DỤNG QUẢN TRỊ TINH GỌN
TRONG CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT NHỎ VÀ
VỪA CỦA VIỆT NAM
NGÀNH: QUẢN TRỊ KINH DOANH
MÃ SỐ: 62 34 05 01
TÓM TẮT
LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC 1: PGS.TS. TRẦN ANH TÀI
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC 2: TS. NGUYỄN ĐĂNG MINH
HÀ NỘI, THÁNG 7 NĂM 2015
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay chủ yếu là DNNVV. Các DN này
đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế và đang trở thành một
bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Xác định rõ vai trò đó, trong
những năm qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến phát triển các DNNVV
bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Ngày 23/10/2006, Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Quyết định số 239/QĐ-TTg, kế hoạch phát triển
DNNVV 5 năm (2006-2010), ngày 7/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định số 1231/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch phát triển DNNVV giai
đoạn 2011-2015”. Đây là Kế hoạch lần thứ hai phát triển DNNVV của Việt
Nam, xác định mục tiêu tổng quát nhằm “đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng
cao năng lực cạnh tranh của DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh
thuận lợi, lành mạnh để các DNNVV đóng góp ngày càng cao vào phát triển
kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế”.
Theo báo cáo giữa kỳ tình hình trợ giúp phát triển DNNVV của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư năm 2012, DNNVV chiếm 97,6% tổng số DN trên cả nước
(trong đó 37,1% DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất), đóng góp gần
40 tổng thu nhập quốc dân, tạo ra hơn 1 triệu việc làm mỗi năm… Tính đến
20/8/2012, cả nước có 46.054 DN thành lập mới giảm 11,5% về số lượng so
cùng kỳ năm trước, số DN ngừng hoạt động giải thể 35.483 DN tăng 7,7% so
với cùng kỳ 2011. Đến năm 2014, có 78.842 DN đăng ký mới, tăng 11,5% so
với năm 2013 nhưng có 67.823 DN khó khăn buộc phá sản hoặc ngừng buộc
hoạt động tăng 14,5 so với năm trước.
Theo một khảo sát khác của Tổng cục Thống kê năm 2014 về các
nguyên nhân chính khiến các DN giải thể, phá sản, gần 70% cho rằng hoạt
động SXKD kém hiệu quả, 30% do thiếu vốn và cơ chế chính sách … trong
đó có 4 nguyên nhân chính: (1) DN Việt phụ thuộc rất nhiều vào xuất
khẩu; (2) DN Việt chủ yếu là DNNVV, có vốn đầu tư thấp, tay nghề, trình độ
quản lý SXKD thấp; (3) DN Việt nhỏ bé về quy mô nên tâm lý của các ông
chủ cũng dễ dàng buông xuôi khi gặp khó khăn hơn các DN lớn; (4) cuối
cùng, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo quản lý lao động còn yếu
kém, công tác quản lý hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ ở nước ta còn
nhiều hạn chế, còn thua kém các nước khác rất nhiều. Như vậy một trong
những nguyên nhân chủ yếu DNNVV của Việt Nam là do chính nội lực từ
quản lý điều hành tới trình độ nhân lực trong DN còn hạn chế.
Trên thế giới, qua quá trình SX và lưu thông sản phẩm hàng hóa, phát
triển từ SX thủ công đơn giản đến SX hàng loạt, tiếp đến là SX đáp ứng được
những thay đổi của khách hàng – SXTG và phát triển thành tư duy quản trị
tinh gọn. Sau thành công của Toyota với hệ thống SX Toyota – TPS, nhiều
kết quả nghiên cứu và thực tiễn đã khẳng định lợi ích mà QTTG mang lại cho
DN. Theo nghiên cứu của Aza Badurdeen (2007) chỉ ra rằng nếu một công ty
áp dụng SXTG có thể: Giảm thời gian SX chính ít nhất 50%, giảm chi phí SX
dở dang tới 80%, tiết kiệm mặt bằng SX trên mỗi máy khoảng 30%, tăng
năng suất tối thiểu 30% …
Đứng trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của thị trường, các DN
Việt ngày càng nhận thức mạnh mẽ việc áp dụng QTTG trong SX nhằm nhận
diện các lãnh phí từ đó cắt giảm chi phí lãng phí, nâng cao năng lực SX và
chất lượng, đảm bảo sự thân thiện bền vững với môi trường và tập trung chính
xác vào những gì khách hàng mong muốn.
Tuy nhiên, do sự khác biệt về môi trường hoạt động, nguồn lực, văn hóa
tổ chức, trình độ nhân lực, điều kiện triển khai thực hiện…, các tổ chức như
VVCI, Trung tâm năng suất và chất lượng, hiệp hội DNNVV… cũng đã triển
khai nhiều chương trình tư vấn, đào tạo, hội thảo về QTTG, nhưng nhiều DN
Việt chưa áp dụng QTTG hoặc triển khai áp dụng QTTG chưa hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế khách quan này, trước tình hình nghiên cứu trên thế
giới và trong nước về QTTG, luận án mong muốn nghiên cứu sâu về tình hình
cụ thể của các DNNVV của Việt Nam khi áp dụng QTTG: những khó khăn
và thuận lợi, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy áp dụng QTTG vào các
DNNNV trong lĩnh vực SX của Việt Nam phù hợp với đặc điểm của DN tại
Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho DN, giúp các DN
phát triển bền vững, đóng góp chung vào xây dựng nền kinh tế đất nước.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Đề xuất các giải pháp chính nhằm thúc đẩy việc áp dụng QTTG phù hợp
với các DNNVV trong lĩnh vực SX của Việt Nam.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu 1: Phân tích lý thuyết căn bản QTTG và kinh nghiệm của các
DN trên thế giới khi áp dụng QTTG.
Mục tiêu 2: Phân tích thực trạng áp dụng QTTG tại các DNNVV trong
lĩnh vực SX của Việt Nam.
Mục tiêu 3: Đề xuất giải pháp chính để thúc đẩy việc áp dụng QTTG phù
hợp với các DNNNV hoạt động trong lĩnh vực SX của Việt Nam.
3. Câu hỏi nghiên cứu
3.1. Câu hỏi nghiên cứu chính
Làm thế nào để thúc đẩy các DNNNV trong lĩnh vực SX của Việt Nam
ứng dụng lý thuyết và bài học kinh nghiệm áp dụng QTTG của các nước trên
thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam?
3.2. Câu hỏi nghiên cứu phụ
Câu hỏi 1: Cơ sở khoa học QTTG nào trong DN và bài học gì của các
DN trên thế giới khi áp dụng lý thuyết QTTG?
Câu hỏi 2: Thực trạng việc áp dụng QTTG trong các DNNVV trong
trong lĩnh vực SX của Việt Nam như thế nào và yếu tố ảnh hưởng chính?
Câu hỏi 3: Giải pháp gì để thúc đẩy các DNNNV trong lĩnh vực SX của
Việt Nam ứng dụng lý thuyết và bài học kinh nghiệm khi áp dụng QTTG của
các nước trên thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam?
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Các công cụ của QTTG được áp dụng tại các DNNVV trong lĩnh vực
SX ở Việt nam (5S, Kaizen, Quản lý trực quan, …).
- Phương pháp của QTTG được áp dụng tại các DNNNV trong lĩnh vực
SX của Việt Nam (quy trình áp dụng, phương thức kiểm tra đánh giá, cơ cấu
tổ chức).
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: Nghiên cứu các DNNVV trong lĩnh vực SX của Việt
Nam đã và đang áp dụng QTTG chọn mẫu chính trong 150 DN điển hình
được tổ chức Thương mại Quốc tế của Nhật tại Việt Nam công bố năm 2013.
- Về Thời gian: Nghiên cứu việc áp dụng QTTG của các DNNVV trong
lĩnh vực SX của Việt Nam từ năm 2000 đến nay được phân nhóm thành: (1)
Các DN áp dụng QTTG dưới 5 năm; (2) Các DN áp dụng QTTG từ 5 năm
đến 10 năm và (3) Các DN áp dụng QTTG trên 10 năm.
4.3. Phương pháp nghiên cứu
- Quy trình nghiên cứu: Tiến hành theo 3 bước
Bước 1: Nghiên cứu phân tích cơ sở lý thuyết QTTG được áp dụng cho
các DNNVV và tình hình áp dụng QTTG trên thế giới. thu thập dữ liệu sơ cấp
thông qua điều tra khảo sát bảng hỏi và phỏng vấn chuyên sâu về tình hình áp
dụng QTTG, thêm vào đó là các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng QTTG
trong các DNSX NVV tại Việt Nam.
Bước 2: Nghiên cứu phân tích thực trạng việc áp dụng QTTG trong các
DNNNV trong lĩnh vực SX của Việt Nam, bài học kinh nghiệm khi áp dụng
QTTG của các nước trên thế giới và trường hợp điển hình của hai DN Việt
Nam áp dụng QTTG.
Bước 3: Thảo luận và đưa ra các đề xuất giải pháp để thúc đẩy các
DNNNV trong lĩnh vực SX của Việt Nam ứng dụng lý thuyết QTTG phù hợp
với điều kiện Việt Nam.
- Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp định lượng: Thông qua điều tra, khảo sát phân tích dữ liệu.
Phương pháp định tính: Nghiên cứu tình huống tại 2 DN điển hình áp
dụng QTTG
5. Đóng góp của luận án
- Thứ nhất, luận án sẽ hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về QTTG; các công
cụ và phương pháp trong QTTG trên thế giới thường được áp dụng tại DN.
Hiệu quả khi áp dụng QTTG và bài học kinh nghiệm của các DN trên thế giới
khi áp dụng QTTG. Nền tảng lý thuyết này sẽ là cơ sở để các nhà thực tiễn
tìm hiểu về QTTG và để giới học thuật triển khai các nghiên cứu ứng dụng
quản trị tinh gọn tại Việt Nam.
- Thứ hai, luận án phân tích thực trạng việc áp dụng QTTG của các
DNNNV trong lĩnh vực SX của Việt Nam được thu thập và tổng hợp trong
nghiên cứu này. Do vậy, luận án cung cấp bằng chứng chứng thực về hiện
trạng áp dụng QTTG tại các DNSX, cụ thể là những điểm thành công, những
tồn tại và nguyên nhân trong quá trình áp dụng QTTG tại DN, bài học của
một số DN điển hình khi áp dụng QTTG.
- Thứ ba, luận án nghiên cứu nhằm đề xuất phương pháp áp dụng QTTG
phù hợp với điều kiện của DNNNV trong lĩnh vực SX của Việt Nam (5S,
Kaizen, Quản lý trực quan, Jidoka …) thông qua việc đối chiếu giữa những
lợi ích mong muốn của DN khi áp dụng QTTG, từ đó đưa ra các giải pháp
nhằm thúc đẩy việc áp dụng QTTG vào các DN.
6. Kết cấu của luận án
Luận án gồm 2 phần 4 chương
• Phần mở đầu
• Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
• Chương 2: Phương pháp nghiên cứu
• Chương 3: Thực trạng việc áp dụng QTTG tại các DNNNV trong lĩnh
vực sản xuất của Việt Nam, trường hợp điển hình
• Chương 4: Đề xuất giải pháp và kiến nghị
• Kết luận