SINH VIÊN
TOÀN TẬP
Mục lục:
1) Những nghịch lý mọi thời đại khi đi học 4
2) 5 câu nói "khó đúng" bạn thường được nghe ở trường học 7
3) Từ cấp ba lên đến Đại học bạn đã thay đổi như thế nào? 8
4) 7 khác biệt lớn giữa trường trung học và đại học 9
5) Chuẩn bị tinh thần để bước vào đại học 11
6) Cẩm nang đặc biệt dành cho tân sinh viên 12
7) Lời khuyên cho tân sinh viên khi thuê nhà trọ 13
8) Lời khuyên cho sinh viên ở ký túc xá 15
9) Những điều hấp dẫn của xe buýt với sinh viên 16
10) Những lưu ý khi đi xe buýt dành cho tân sinh viên 17
11) Xe buýt dành riêng cho nữ giới: Nữ sinh thở phào nhẹ nhõm 19
12) Tân sinh viên với những cái bẫy rình rập cần tránh 20
13) Sinh viên cần cẩn thận nạn cướp giật sáng sớm tại các ngõ hẻm 21
14) Những sai lầm phổ biến cần tránh khi trở thành sinh viên 23
15) Sự khác biệt giữa sinh viên mới và cũ 24
16) 8 kiểu sinh viên bạn sẽ gặp trong trường đại học 25
17) 5 điều sinh viên năm nhất hay bị "vỡ mộng" 26
18) Những điều sinh viên năm nhất không hề biết 28
19) 5 lý do để tham gia các câu lạc bộ và tổ chức của sinh viên 29
20) 6 điều giúp bạn trở nên nổi bật khi làm việc nhóm 30
21) Tân sinh viên đừng bỏ học vì học phí 31
22) Vì sao bạn nên trân trọng thời gian học đại học? 33
23) Tân sinh viên – Hãy bắt đầu ngay từ năm đầu tiên 34
24) Những lý giải cho căn bệnh “ngại học” của tân sinh viên 35
25) 7 việc làm nhỏ nhặt làm lãng phí thời gian của sinh viên 36
26) Giúp sinh viên quản lý thời gian hiệu quả 38
27) 7 câu hỏi để tìm ra đam mê của bạn 39
28) Học tập tích cực và những nguyên tắc “vàng” 40
29) Làm sao để vượt qua một môn học khó nhằn? 41
30) Làm sao để nổi bật giữa một giảng đường rộng lớn 43
31) Đừng lo lắng nếu bạn không nổi bật ở trường 44
32) 10 thói quen của những sinh viên thành công 45
33) Những cách kiếm tiền phổ biến của sinh viên 47
34) Lời khuyên dành cho sinh viên vừa học vừa làm 49
35) 4 điều then chốt nên nhớ khi sinh viên đi làm thêm 51
36) Những điều tân SV nên làm khi đến mùa thi cuối kỳ 52
37) "Hàng hà sa số" nỗi lo của thực tập sinh 53
38) Đủ kiểu đi thực tập của sinh viên 54
39) Nghệ thuật “ghi điểm” khi đi thực tập 55
40) Xác định mục đích học tiếng Anh của bản thân 57
41) 6 “vết xe đổ” nên tránh để bạn học tiếng Anh tốt hơn 58
42) 9 mẹo học tiếng Anh hiệu quả dành cho “tân binh” 60
43) 12 quy tắc vàng cho người mới học tiếng Anh 61
44) Muốn học tiếng Anh tốt: Đừng nghĩ là đang học 63
45) Khắc phục việc học lệch các kỹ năng tiếng Anh 64
46) Mục tiêu quan trọng cho sinh viên năm cuối 65
47) Bạn lựa chọn gì sau khi ra trường? 67
48) Cần chuẩn bị gì để “đắt giá” khi ra trường? 69
49) 8 điều chỉ có sinh viên đã tốt nghiệp mới hiểu 70
50) Sinh viên và nỗi lo việc làm 71
51) Những “vũ khí” lợi hại mà sinh viên mới ra trường nên có 73
52) 7 điều nên làm trước khi tốt nghiệp đại học 74
53) Hậu Đại học – Đi làm hay học tiếp? 75
54) Phải làm sao khi đã ra trường nhưng chưa xin được việc 76
55) Sinh viên được nhận việc – đừng đồng ý vội 78
1) Những nghịch lý mọi thời đại khi đi học
Có rất nhiều điều trái khoáy của học sinh khi đi học mà ngay đến cả chính những người trong
cuộc cũng không thể lí giải nổi “tại sao lại như vậy?”.
Kiểu như:
Khi học bài thì rất buồn ngủ nhưng khi lên giường lại trằn trọc mãi không ngủ được
Với nhiều bạn ban đầu rất có quyết tâm, ý chí học hành với suy nghĩ nhất định hôm nay mình phải làm xong đống bài
tập về nhà kia hay phải soạn cho đầy đủ mấy bài Ngữ văn. Nhưng đến khi mới giở sách ra, lật qua lật lại được vài
trang, hay mới chỉ cầm bút viết được vài dòng thì tâm trạng chán nản bắt xuất hiện cùng cơn buồn ngủ kéo đến. Dẫu
có dùng biện pháp gì thì hai mắt bạn vẫn cứ díp lại. Sau một thời gian đấu tranh nội tâm “ác liệt” giữa việc học tiếp
hay đi ngủ thì bạn quyết định lên giường làm một giấc thật ngon lành rồi sau đó dậy học tiếp. Thế nhưng sự đời oái
oăm. Lên giường trằn trọc mãi mà chúng ta không tài nào ngủ được. Đến nước này thì nhiều bạn học sinh không biết
nên làm gì? Dậy học tiếp cũng không hiệu quả mà “yên vị” trên giường cũng không xong.
Để đối phó với tình huống này có lẽ ngay từ khi cơn buồn ngủ mới xuất hiện ta nên đứng dậy vươn vai đi ra ngoài, hít
thở không khí cho tới khi nào “cắt cơn” thì vào học bài tiếp.
Giờ học môn này thì không học lại thích đem môn khác ra học
Việc này thường bị giáo viên cho vào tội thích làm việc riêng trong lớp và rất dễ các bạn sẽ có “vinh dự” có tên trong
sổ đầu bài. Vì với các thầy, cô giáo việc trong giờ của mình mà học sinh đem môn khác ra học cũng đồng nghĩa với
việc học sinh đó không tôn trọng giờ của mình và không tôn trọng cả chính bản thân giáo viên dạy môn đó nữa.
Nhưng theo những lời “ngụy biện” của teen thì “không hiểu sao khi giờ Văn lại rất thích mang Toán ra học. Hay giờ
Toán thì lại rất thích mang Vật lí ra làm… khi đó rất có hứng thú với những môn trái giờ kia, chứ không hề có ý không
tôn trọng giáo viên.” Vẫn biết là giờ nào việc đó, chúng ta nên chăm chú lắng nghe thầy, cô giảng bài như vậy sẽ hiểu
đúng bản chất của các vấn đề hơn, hay những phần trọng tâm của bài, phần nào khi đi thi thường có. Nhưng biết làm
sao được khi mà “lí trí không thể thắng nổi con tim”.
Phải đi học thì muốn nghỉ nhưng được nghỉ lại muốn được đi học
Chuyện này chẳng còn xa lạ gì với tất cả học sinh nữa. Đi học lên lớp thì chỉ mong được nghỉ giờ, được về sớm hay
thầy cô có việc bận đột xuất để “đỡ phải học”. Nhất là khi có ai đó thông báo “hôm nay thầy/cô ốm nên các bạn/các
em được nghỉ tiết này hay các em được về”. Thì không ai bảo ai, cả lớp vỗ tay, cười sung sướng. Các thầy cô thường
đùa với nhau rằng “Chẳng hiểu tại sao học sinh lại vỗ tay khi biết tin thầy cô của mình bị ốm?” Dẫu cho các thầy, các
cô rất hiểu tâm lí học sinh “vỗ tay vì được nghỉ, không phải học.”
Thế nhưng đến những dịp như 20/11 hay tết Dương lịch, tết Nguyên đán… được nghỉ vài ngày thì ai ai ở nhà cũng kêu
chán, thấy nhớ trường lớp, bạn bè quá. Lúc đó ai cũng mong muốn thời gian trôi nhanh để đi học. Học trò đúng thật là
“được voi lại còn đòi Hai Bà Trưng”.
Dù dậy sớm vẫn thích đi muộn
Rất nhiều bạn sau này khi lên đại học rồi, hay khi đã ra trường đi làm, mỗi lần họp lớp lại cảm thấy rất tự hào với
thành tích “đi học muộn” của mình. Nhà xa thì chớ nhưng đằng này, càng nhà ở gần trường, các bạn học sinh lại càng
hay đi muộn. Có lẽ là do tâm lí chủ quan, nhà gần đợi khi nào sắp đánh trống đi cũng kịp. Lại có rất nhiều bạn như một
thói quen không thể đi sớm được, mặc dù ở nhà dậy rất sớm, cặp sách, quần áo cũng đã chuẩn bị xong, chỉ việc lên
đường nữa thôi. Nhưng không hiểu sao vẫn không thể đi được. Cứ phải đợi đến “giờ đó-giờ hoàng đạo của mình” thì
mới xách cặp đi, dẫu cho trong lòng biết rằng đi giờ này có thể bị muộn.
Bạn hãy thử một lần đi sớm, sẽ có rất nhiều điều thú vị mà bạn chưa khám phá ra. Ví như bạn sẽ thấy cảnh vật thật
mới lạ, đường phố thật ít người, không khí thật trong lành, không có xe cộ tấp nập, còi xe inh ỏi, những làn gió sớm
mai khoan khoái dễ chịu…
Ở nhà không học bài cũ, lên lớp chuẩn bị đến giờ mới đem sách ra học
Kiểm tra bài cũ luôn là phần khoai nhất và là khoảng thời gian thử thách tâm lí của học sinh. Hầu hết 99 % học sinh
đều ngại học bài cũ ở nhà. Đó chính là lí do ở nhà có rất rất nhiều thời gian để học bài cũ nhưng ta lại không học. Mà
cứ phải tới khi gần đến giờ học ta mới cuống cuồng lôi sách ra đọc, hoặc đến giờ vào lớp mới giở sách vội ra xem lại
bài hôm trước. Có bạn thổ lộ rằng “ở nhà học mãi không tài nào thuộc được, nhưng có lẽ sắp đến giờ “tử”, không nhớ
cũng phải cố nhớ. Vì thế mà học nhanh hơn.” Nhưng nhanh đến mấy cũng không giúp bạn có thể học thuộc toàn bộ
kiến thức bài hôm trước một cách trơn chu, nhuần nhuyễn. Và học kiểu như vậy, học sinh sẽ rất dễ quên, thậm chí chỉ
cần qua giờ kiểm tra đầu giờ là chúng ta đã quên những gì khi nãy vừa cố học thuộc rồi.
Phần học kĩ thì đề thi không có, phần không học thì đề lại ra
Còn gì đau hơn khi mà trong đề cương ôn tập có 10 bài. Ta học rất kĩ 8 bài, còn bài sau mới xem qua và bài nữa thì
chưa xem tới. Và cứ nghĩ rằng, có lẽ đề cũng không ra vào bài đó đâu. Nhưng thế gian đâu biết được chữ ngờ. Phần
mình học thì đề bài không có, phần không học thì lại chiếm nhiều điểm nhất.
Khổ một điều nữa là, đọc đề bài, câu nào cũng thấy quen quen, lơ mơ trong đầu hình như bài này mình làm rồi, câu
này mình đã đọc ở trong sách rồi, bài bao nhiêu, trang thứ mấy còn nhớ mà sao nội dung trả lời thì hoàn toàn không có
chút ấn tượng nào là sao? dù có vò đầu bứt tai, cắn nát bút cũng không thể nhớ ra chữ nào. Lúc này chỉ biết ngậm ngùi
khóc thầm trong lòng mà thôi.
Vẫn còn rất rất nhiều những nghịch lí nữa mà chúng ta không thể giải thích nổi ở lứa tuổi “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba
học trò” này. Thôi thì hãy cứ để học sinh sống với đúng với những vô tư lự của mình.
2) 5 câu nói "khó đúng" bạn thường được nghe ở trường học
Khi đi học, chắc chắn những câu nói dưới đây bạn rất hay được nghe. Nhưng việc thực hiện
được những câu nói này thường là không nhiều.
1. Đây sẽ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của bạn
Đây là một trong những câu nói đầu tiên bạn được nghe ở trường trung học. Điều này có thể đúng trong một số trường
hợp, nhưng không phải tất cả. Trên thực tế, những tháng năm học ở trường trung học chỉ là một sự khởi đầu. Chúng ta
còn rất nhiều con đường phía trước, có thể 3 năm học trung học chưa phải điểm nhấn của cuộc đời.
2. Bạn sẽ sử dụng kiến thức này trong một ngày không xa
Bao nhiêu lần bạn được ngồi trong lớp học và các kiến thức này sẽ áp dụng như thế nào vào cuộc sống. Bạn sẽ sử dụng
lượng giác, tích phân, giải phương trình để làm gì? Tuy nhiên, tất cả các giáo viên đều nói rằng bạn sẽ sử dụng kiến
thức này vào một ngày không xa.
3. Các giáo viên sẵn sàng giúp bạn
Một phần câu nói này là đúng, nhưng không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng giúp bạn. Nếu may mắn, bạn sẽ tìm
được một giáo viên có thể hướng dẫn bạn đi đúng hướng, dạy cho bạn những bài học quý giá không chỉ liên quan đến
môn học mà họ dạy. Việc tìm kiếm một giáo viên như thế này rất khó khăn bởi hầu hết giáo viên đều cố gắng tỏ ra thật
nghiêm túc.
4. Tất cả các giáo viên đều đối xử công bằng
Sự thật là giáo viên chọn và yêu thích một số học sinh nhiều hơn một cách vô thức. Họ có thể nói rằng họ đối xử với
các học sinh như nhau nhưng sự thật thì họ cũng cảm tính như chúng ta vậy. Một số giáo viên có xu hướng yêu quý
một số em học sinh nhiều hơn và có chút phân biệt đối xử với học trò mà họ không thích. Là học sinh, chúng ta thường
phải sống chung với điều đó.
5. Trường học là sự chuẩn bị cho thế giới thực
Trường trung học chưa thật sự mang đến cho bạn nhiều kỹ năng đối mặt với thực tế. Đó là lý do tại sao bạn cần phải
học thêm đại học, chuẩn bị thật kỹ những kiến thức chuyên ngành và bắt đầu "ra đời" bằng 3 tháng thực tập ở môi
trường thực tế.
3) Từ cấp ba lên đến Đại học bạn đã thay đổi như thế nào?
Hãy cùng xem từ cấp ba lên đến Đại học bạn đã thay đổi như nào nhé.
Dự định tương lai
Đối với cấp ba: Khi đó bạn đang miệt mài ôn thi, lịch học kín mít từ sáng cho đến chiều tối, ước mơ vào Đại học luôn
cháy bùng trong tâm trí. Lúc này bạn vẽ ra rất nhiều dự định cho tương lai, học trường gì, thi khoa nào, sau này tốt
nghiệp làm gì, những hoạt động cực oách mà mình sẽ tham gia… Bạn thấy mình tràn đầy nhiệt huyết và cố gắng
không ngừng nghỉ về tương lai tươi sáng sau này.
Lên đến Đại học: Sau khi học Đại học một thời gian bạn bắt đầu giật mình về tương lai và lý tưởng sống của mình. Có
lẽ bạn đang mất phương hướng ở những năm tháng tuổi 20, bạn không chắc chắn về thứ mình đang học và tương lai
sau này. Nhìn ra xung quanh, bạn thấy hoảng hốt vì mình chưa làm được gì trong khi thời gian cứ vùn vụt trôi, khi
được hỏi dự định trong 2 đến 3 năm tới là gì, bạn suy nghĩ và trả lời “không biết”.
Cạnh tranh học tập
Đối với cấp ba: Bạn thấy mình học thế nào cũng vẫn chưa đủ và luôn có cuộc cạnh tranh ngầm về kết quả học tập đối
với những đứa bạn cùng lớp. Bạn một lòng chăm chỉ học tập để có kết quả vượt trội, để vào được Đại học hoặc có một
bộ hồ sơ đẹp để đi du học. Lúc này bạn chỉ muốn mình thật giỏi hơn hẳn những đứa khác cả ở lớp học thêm cũng như
học chính.
Lên đến Đại học: Vào được Đại học rồi bạn tự cho phép mình một khoảng thời nghỉ ngơi xả láng sau những tháng
ngày ôn luyện vất vả. Bạn không còn quan trọng việc giữ thành tích cao nhất như trước nữa, miễn làm sao không phải
thi lại, nợ môn hay học vét là ổn đối với bạn rồi.
Bạn bè
Đối với cấp ba: Bạn luôn có 1 đến 2 người bạn thân thiết làm gì cũng có nhau và chia sẻ mọi chuyện. Những người
bạn này thường là làm quen lúc đầu năm hoặc đã biết nhau từ cấp hai và học chung lên đến hết cấp ba.
Lên đến Đại học: Mối quan hệ bạn bè của bạn được mở rộng hơn nữa, lần này bạn sẽ gặp được những người bạn thú vị
đến từ khắp nơi trên đất nước, thậm chí là có một số trường có sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, cũng có những người thấy
lên Đại học khó tìm được bạn hơn và tình bạn cũng trở nên phức tạp hơn.
Các mối quan hệ xã hội
Đối với cấp ba: Thời gian này bạn lấy việc học hàng đầu và cũng chưa hiểu “quan hệ xã hội” là gì. Các mối quan hệ
thân thiết nhất là bạn bè, thầy cô ở lớp hay những chỗ dạy học thêm.
Lên đến Đại học: Ở Đại học bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, bạn có thể vừa cân bằng việc học lẫn việc làm thêm
hay các hoạt động ở trường. Lúc này bạn sẽ chủ động đi tìm những cơ hội khác đến với mình thay vì chờ đợi như
trước.
Tự lập
Đối với cấp ba: Bạn vẫn còn đang phụ thuộc vào bố mẹ rất nhiều thứ và chỉ biết một việc duy nhất là học. Mọi việc
đều đã có cha mẹ lo lắng hoặc thầy cô giảng giải, giúp đỡ.
Lên đến Đại học: Đây là một bước ngoặt lớn. Lần đầu tiên bạn phải xa gia đình đến một nơi xa lạ, tự mình lo và xoay
xở tìm chỗ ở, tính toán những khoản chi tiêu hàng tháng, những công việc phát sinh hàng ngày. Có những bạn còn đi
làm thêm để có thêm thu nhập trang trải. Ngay cả việc học bạn cũng phải tự mình cố gắng, không còn chuyện được chỉ
bảo tỉ mỉ như hồi cấp 3, bạn phải tự mình đăng kí môn học, tự ôn luyện để đi thi, không thể chờ đợi người khác giục
giã, nhắc nhở được. Nếu không chỉ còn cách thi lại với nợ môn mà thôi.
4) 7 khác biệt lớn giữa trường trung học và đại học
Với nhiều bạn học sinh, trường trung học và đại học có thể là một quá trình chuyển đổi khá
bất ngờ.
1. Diện tích và số lượng sinh viên
Một trường trung học có thể là nơi học tập của 1.000 - 2.000 học sinh, nhưng trường đại học lại có diện tích và số
lượng sinh viên lớn hơn rất nhiều. Hầu hết các trường trung học đều rất nhỏ so với các trường đại học có kích cỡ trung
bình. Chính vì có diện tích lớn, các trường đại học có những giảng đường rộng và tiện nghi hơn. Trong khuôn viên
trường đại học còn có vô vàn những khu nhà phục vụ những nhu cầu học tập đặc thù như phòng thí nghiệm, phòng học
tin học, sân vận động, bể bơi… Số lượng sinh viên theo học ở trường đại học đông hơn so với trường trung học nhiều
lần. Đó là lý do bạn có thể dễ dàng gặp được rất nhiều tài năng, tính cách trong trường đại học.
2. Phương thức giáo dục
Giáo viên và các giảng viên có phương pháp giảng dạy hoàn toàn khác nhau. Nếu học tập ở trường trung học, bạn
được thầy cô quan tâm, định hướng nhiều hơn thì ở trường đại học, giảng viên đánh giá cao tinh thần tự học, tự tìm tòi,
nghiên cứu của các sinh viên. Giảng viên ở trường đại học là những người có kiến thức và kinh nghiệm thực tế, nhưng
đôi khi những kiến thức và kinh nghiệm đó làm các bài giảng của họ trở nên khô khan, giáo điều khiến sinh viên cảm
thấy khó tiếp cận hơn kiến thức ở trường trung học.
3. Lối sống
Khi còn học trường trung học, bạn ở nhà cùng với bố mẹ và hằng ngày đều đi lại từ nhà đến trường. Cuộc sống của
một học sinh trung học được gần gũi và gắn bó với gia đình nhiều hơn. Tuy nhiên, ở trường đại học, phần lớn các sinh
viên đều sống ở nhà trọ hoặc ký túc xá. Nơi ở mới đem lại nhiều xáo trộn trong lối sống của bạn. Bạn có thể tự do
quyết định lịch trình hoạt động, đi lại của bản thân. Điều này cho phép bạn tự chủ hơn và bắt đầu những bước đầu tiên
để trở thành một người trưởng thành.
4. Tiền bạc
Là một học sinh, bạn có thể phụ thuộc toàn bộ vào gia đình và hầu như hiếm khi phải lo nghĩ về vấn đề này. Trái lại,
tiền bạc trở thành một mối quan tâm thực sự trong trường đại học, ngoài việc bạn phải tự cân đối chi tiêu với khoản
tiền từ gia đình, bạn cũng có thể bắt đầu một công việc bán thời gian và tự kiếm được những đồng tiền đầu tiên và dần
dần trở nên độc lập về tài chính. Bạn cũng có thể tìm kiếm những học bổng trong trường hoặc từ các tổ chức, doanh
nghiệp để giúp cho việc học trở nên thuận lợi hơn.
5. Tự do
Một trong những điều mà nhiều học sinh trung học mong muốn học đại học là tự do. Sống trong nhà trọ hoặc ký túc
xá, bạn sẽ không phải lo xin phép cha mẹ mỗi khi đi ra ngoài hoặc mua sắm đồ gì đó. Tuy nhiên, tự do là quyền lợi và
cũng là một trách nhiệm rất lớn. Sự tự do ở trường đại học gắn liền với việc bạn phải sống có trách nhiệm với chính
bản thân mình và học cách nói “không” khi cần thiết.
6. Sự căng thẳng
Ở trường đại học, không chỉ bậc học của bạn cao lên mà sự căng thẳng cũng vậy. Công việc, bài tập, điểm số, chuyện
hẹn hò và cả những dự định tương lai đều có thể làm bạn căng thẳng và áp lực. Và những điều này ngày càng trở nên
căng thẳng hơn ở trường đại học bởi vì đây đã là ngưỡng cửa để bạn bước ra ngoài cuộc sống với tư cách là một người
có học thức và trưởng thành. Bạn sẽ phải căng thẳng và suy nghĩ nhiều hơn khi sắp tốt nghiệp, làm luận văn/thi tốt
nghiệp và việc tìm kiếm một công việc phù hợp là điều quan trọng hơn cả. Đừng để sự căng thẳng mang đến những
ảnh hưởng tiêu cực cho hành trình theo đuổi ước mơ của bạn.
7. Chuyện hẹn hò
Chuyện hẹn hò ở trường đại học là một trò chơi hoàn toàn khác đối với chuyện hẹn hò ở trường trung học. Trước hết,
nhiều học sinh cảm thấy lo lắng và không mong muốn hẹn hò ở trường trung học vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập và
quan niệm rằng sẽ tìm thấy nhiều cơ hội tốt hơn khi học tập ở trường đại học. Nếu bạn đã từng hẹn hò ở trường trung
học, bạn sẽ cảm thấy những biến đổi lớn trong thái độ của phụ huynh đối với chuyện hẹn hò của bạn. Cha mẹ sẽ cho
phép bạn tự do hơn và đôi khi là rất ủng hộ mối quan hệ của hai bạn! Điều đó có nghĩa là bạn sẽ được tự do hơn,
nhưng cũng nhiều trách nhiệm hơn. Bạn phải biết suy nghĩ và chắc chắn rằng bạn đang có những quyết định khôn
ngoan nhất và tốt nhất cho bạn khi hẹn hò ở trường đại học.
5) Chuẩn bị tinh thần để bước vào đại học
Có rất nhiều điều để bạn cần chuẩn bị tinh thần. Đại học sẽ là một môi trường tuyệt vời và
đáng mơ ước, miễn là bạn cảm thấy sẵn sàng.
1. Sự đa dạng
Một trong những điều quan trọng về để chuẩn bị tinh thần cho mình trước khi học đại học là sự đa dạng. Cho dù bạn
học tập ở một trường đại học quốc tế nổi tiếng hoặc đại học cộng đồng ở một thị trấn nhỏ, bạn có thể mong đợi rất
nhiều sự đa dạng. Một trường đại học là sự quy tụ của hàng ngàn sinh viên đại học đến từ các tỉnh thành, các đất nước
khác nhau vào mỗi năm. Hãy sẵn sàng để trở nên thân thiện và cởi mở với tất cả mọi người từ các chủng tộc, tôn giáo
và văn hóa khác nhau.
2. Áp lực tài chính
Áp lực tài chính trở nên rất thực tế khi bạn bắt đầu học đại học. Bạn có thể sẽ đối mặt với các khoản nợ, chi phí ăn ở,
sinh hoạt, đi lại và những buổi tiệc tùng sẽ khiến bạn đau đầu. Đó là lý do tại sao trước khi bắt đầu học đại học, bạn
cần phải chuẩn bị tinh thần để hạch toán chi tiêu thật khoa học, có sẵn một khoản tiết kiệm khi còn học trung học, cũng
cho phép bạn học cách tiết kiệm và tự quản lý chi tiêu.
3. Làm bạn với tất cả mọi người
Học tập đại học sẽ cho bạn cơ hội gặp rất nhiều người bạn mới, đặc biệt với các trường đại học đào tạo theo tín chỉ.
Đại học không giống như trường trung học nơi bạn chỉ gặp một vài trăm sinh viên trong bốn năm. Thay vào đó, bạn sẽ
có cơ hội được kết bạn, học tập với rất nhiều bạn mới trong lớp học, trong khu ký túc xá và cả trong những sự kiện,
chiến dịch mà Đoàn trường tổ chức. Bạn có thể phải chuẩn bị thêm nhiều kỹ năng mềm để tránh bị bối rối và khó xử
khi gặp những người mới.
4. Độc lập
Khi học sinh nghĩ đến "độc lập", điều đầu tiên họ nghĩ đến là sự tự do. Nhưng độc lập và tự do không phải như bạn
nghĩ. Trong khi tự do là được làm những điều mình muốn và mình thích, thì độc lập là tự chịu trách nhiệm cho cuộc
sống của mình mà không dựa vào bất cứ ai. Để chuẩn bị tinh thần bước vào đại học, bạn nên bắt đầu học cách nấu ăn,
đi chợ, mua sắm và giặt giũ.
5. Công việc đầu tiên
Đối với nhiều sinh viên, quãng thời gian học đại học là lần đầu tiên họ kiếm tiền để chi tiêu và tồn tại. Nếu bạn chuẩn
bị đi học đại học, hãy chuẩn bị tinh thần để làm việc khi còn là sinh viên, cân bằng công việc và học tập sẽ không phải
là nhiệm vụ dễ dàng và cuối cùng bạn sẽ nhận được rất nhiều từ những nỗ lực này. Đừng lao đầu vào làm việc, học tập
và ngược đãi bản thân bằng những bữa ăn qua loa vội vàng với bánh mì, mì gói và cafe.
6. Yêu cầu giúp đỡ
Một điều tốt khi học đại học là bạn vẫn có thể nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người. Có thể bạn sẽ cảm thấy không
nên, nhưng nếu gặp vấn đề nào đó, hãy yêu cầu sự giúp đỡ và lời khuyên từ những người thân yêu và các giảng viên.
7. Có những niềm vui
Mặc dù có rất nhiều điều khó khăn đang chờ phía trước, nhưng quãng thời gian học tập ở trường đại học cũng tràn
ngập niềm vui. Đó là quãng thời gian bạn ít hay chưa phải lo nghĩ đến chuyện mưu sinh. Bạn có thể có những tình bạn,
tình yêu mới. Nhiều người đã coi thời đại học là thời gian vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời họ. Hãy hòa mình, vui
chơi và tận hưởng tuổi trẻ của bạn, nhưng vẫn nên thông minh, an toàn và hãy cẩn thận!
6) Cẩm nang đặc biệt dành cho tân sinh viên
“Chân ướt chân ráo” bước vào cổng trường đại học, các bạn tân sinh viên đã phải đối mặt với
hàng loạt những câu hỏi đau đầu.
1. “Học đại học” là học như thế nào?
Suốt mười hai năm học, các bạn đã quá quen với những phương pháp học thụ động ở trường phổ thông khi
mà “thầy cô đọc bài, học trò chép bài” cũng như chuyện thầy cô giao bài tập, học trò làm hết bài tập. Nhưng
liệu phương pháp học ở trường đại học có như vậy hay không?
Bạn Thu Nga (18 tuổi, tân sinh viên trường đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ:“Mình đã được các anh
chị khóa trên chia sẻ kinh nghiệm học đại học, thế nhưng mình vẫn rất mơ hồ về phương pháp học đại học hiệu quả
nhất. Ở trường đại học, sinh viên phải dành rất nhiều thời gian để tự học ở nhà, nhưng làm sao để tự học tốt thì không
ai cho mình câu trả lời rõ ràng cả.”
2. “Đường xá” đi ra sao?
Bạn Vân Anh (18 tuổi, tân sinh viên trường đại học Hoa Sen) chia sẻ: “Mình sống ở Sài Gòn từ nhỏ nhưng mỗi lần có
hẹn với bạn, mình đều phải chuẩn bị đi trước 1 tiếng bởi lần nào cũng bị đi lòng vòng rồi lạc tùm lum lên, chưa kể đi
vào giờ tắc đường thì thôi rồi. Chắc mất khoảng 2 tiếng mất.”
Câu chuyện tìm đường đến trường, đường đến nhà bạn hay đến những tụ điểm ăn chơi, giải trí nhiều khi khiến các bạn
sinh viên “phát khóc” vì quá bực mình do đường phố ở Sài Gòn lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp, mà lại lòng vòng rất
dễ lạc. Điều này khiến không ít các bạn sinh viên, thậm chí ngay cả các bạn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cũng bận tâm
rất nhiều mỗi lần bước chân ra đường.
3. Làm sao cập nhật đủ thông tin?
Bằng cách nào để cập nhật thông tin về phim ảnh hay những ca khúc mới của ca sĩ thần tượng khi mà khu nhà trọ còn
chưa có mạng?
Bạn Thủy Nguyên (18 tuổi, tân sinh viên trường đại học sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khu
mình ở trọ chưa có mạng, mình lại chưa có máy tính nên gặp rất nhiều rắc rối vì hầu hết thông tin ở trường đều đưa
lên mạng. Giống như kiểu bị mù thông tin ý.”
Thấu hiểu những lo lắng này, MobiFone đã mở ra “túi thần kì” cho các bạn tân sinh viên với vô vàn những món bảo
bối.
Khi hòa mạng MobiFone và đăng ký gói cước Q-Student, với gói cước MIU chỉ có 25.000đ/tháng, bạn có thể thoải
mái lướt web để tìm kiếm, cập nhật những thông tin mới nhất về thần tượng yêu quý, về xu hướng thời trang mới nhất
hay những ca khúc đang thịnh hành.
Hơn nữa, bạn sẽ có 250 phút gọi và 250 tin nhắn trong ngày với tối đa 10 thuê bao khác. Không chỉ thế, bạn
còn được sử dụng những gói cước dịch vụ cực kì thú vị như Funring, mMusic, uTeen, 2Learn… mà hoàn
toàn miễn phí của MobiFone.
Cuối cùng, bộ quà tặng “Hành trang sinh viên” với rất nhiều địa chỉ của những quán cà phê đẹp và độc đáo;
chuỗi rạp chiếu phim trong khu vực thành phố Sài Gòn; siêu thị, bệnh viện và cả trung tâm hỗ trợ được dành
riêng cho các bạn tân sinh viên tại 76 trường đại học, cao đẳng khu vực TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, một thông tin hữu ích dành cho các bạn sinh viên thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại.
Trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2014, MobiFone sẽ triển khai phát Wifi 3G miễn phí trên các tuyến xe 10,
50, 55 tại khu vực TP.Hồ Chí Minh.
Thông tin chi tiết về chương trình, quý khách hàng có thể tham khảo tại:
-
-
-
- Tổng đài hỗ trợ khách hàng 9090.
7) Lời khuyên cho tân sinh viên khi thuê nhà trọ
Bên cạnh niềm vui đỗ đại học, nỗi lo với gia đình các bạn tân sinh viên khi lần đầu đến học
tập ở các thành phố lớn chính là việc thuê nhà trọ.
Thuê phòng ở gần trường luôn là lựa chọn tối ưu
Nhiều bạn tân sinh viên chọn đến thuê trọ cùng với các anh/chị, hay bạn thân khi bắt đầu nhập học. Tuy nhiên, do mật
độ phương tiện lưu thông dày đặc nên việc đi lại trong thành phố lớn và đông đúc như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí
Minh… là không đơn giản. Thuê trọ ở xa khiến các bạn sinh viên mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để có
thể đến trường. Quỳnh Mai (sinh viên năm 2 ĐH Công đoàn) có thuê trọ cùng bạn thân ở Cầu Giấy cho biết: “Mới đầu
vì quý mến nhau và chưa quen biết ai nên mình đến ở cùng bạn thân ở Cầu Giấy, cách trường mình học 7 km. Tuy
nhiên, việc hằng ngày phải dành 1-2 tiếng để đi lại rất mệt mỏi và bất tiện nên sau 2 tháng mình đành xin lỗi bạn và
chuyển đến 1 xóm trọ gần trường.”
Ở thành phố lớn, chuyện tắc đường thường xuyên xảy ra khiến cho việc đi lại, di chuyển trở nên khó khăn nhất là
trong giờ cao điểm. Không những thế, ở xa trường bạn sẽ phải mất thêm 1 khoản chi phí, thời gian và công sức đi lại.
Vì vậy, bạn nên tìm thuê 1 phòng trọ gần trường, càng gần càng tốt để có thể tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền
bạc. 1 khảo sát trong môn Xã hội học của SV Học viện Báo chí Tuyên truyền cho thấy : Khả năng sinh viên ở gần
trường trong khoảng thời gian lâu dài cao hơn rất nhiều so với những sinh viên ở xa trường.
Dành thời gian để xem xét kỹ ngôi nhà
Đừng thuê nhà quá vội vàng! Bạn và gia đình hãy dành thời gian để quan sát kỹ về nơi ở và nấu ăn, phơi quần áo, để
xe cộ trong khu nhà bạn muốn thuê. Vấn đề an ninh rất quan trọng cho tân sinh viên sống ở phòng trọ. Rất nhiều vụ
trộm cắp laptop, xe máy, tiền, điện thoại… của sinh viên đã để lại 1 nỗi ám ảnh đối với bất cứ bạn sinh viên nào. Hoặc
đơn giản là vụ trộm vặt quần áo, phụ kiện cũng gây khó chịu và bất an cho nhiều sinh viên. Vì vậy, hãy chọn thuê ở 1
xóm trọ đảm bảo an ninh, cổng cửa chắc chắn. Lan Hương (sinh viên năm cuối CĐ Sư phạm Hà Nội) kể về câu
chuyện thật của mình: “Vì không xem xét kỹ ngôi nhà để thuê nên mình đã thuê ở 1 xóm trọ có cổng cửa lỏng lẻo và đã
bị mất trộm nhiều lần. Trong khi ngủ, trộm đã cạy cửa vào và cuỗm sạch đồ đạc giá trị của 3 chị em mình.”
Trao đổi trước với chủ nhà về tất cả những chi phí
Hãy trao đổi và làm hợp đồng trước về tất cả các chi phí phát sinh khi ở tại nhà, bao gồm tiền phòng, tiền điện nước,
mạng internet, truyền hình cáp và các chi phí khác. Bạn nên làm hợp đồng với chủ nhà về các khoản thu để tránh
những khoản chi phí tiềm ẩn và phát sinh trong quá trình ở trọ.
Anh Tuấn (sinh viên năm 3 ĐH Điện lực) kể về người chủ nhà của mình: “Do không trao đổi trước về chi phí trong
khi ở trọ nên ngoài tiền điện, nước, mạng, hàng tháng, chủ nhà của mình lại “nghĩ” ra hàng loạt các chi phí phát sinh
như: tiền điện cầu thang, tiền lau dọn vệ sinh, tiền đổ rác, tiền “bảo vệ môi trường”… Điều này làm sinh viên chúng
mình rất khó chịu và mệt mỏi.”
Tìm hiểu trước về nội quy xóm trọ
Hãy đọc nội quy phòng trọ (nếu được ghi trên giấy) hoặc hỏi trước chủ nhà về nội quy xóm trọ bao gồm những vấn đề
liên quan trực tiếp đến bạn như : giờ giấc đóng cửa, hay việc cho phép bạn bè đến chơi. Việc chuyển đến ở trọ mà
chưa biết rõ nội quy sẽ làm nhiều tân sinh viên vỡ mộng.
Lan Anh (sinh viên năm 3 ĐH Sư phạm Hà Nội) kể lại: “Khi mình vừa chuyển đến ở nhà bà T – ngõ 28 – Trần Thái
Tông - Cầu Giấy - Hà Nội, thì bà chủ mới đến và giảng 1 bài nội quy xóm trọ, bao gồm việc không cho phép bạn đến
nhà chơi. Thật tiếc vì đã không hỏi trước về vấn đề này.”
Ở trọ và bắt đầu cuộc sống tự lập chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ bạn sinh viên nào, ngay cả với những người
đã đi làm. Vì vậy, việc cẩn thận khi chọn phòng trọ, sống chan hòa với mọi người ở xóm trọ sẽ giúp bạn có 1 khoảng
thời gian ở trọ với nhiều kỷ niệm đẹp.
8) Lời khuyên cho sinh viên ở ký túc xá
Học đại học là khoảng thời gian thú vị để trải nghiệm cuộc sống của một người trưởng thành.
Và ký túc xá là nơi mà nhiều bạn sinh viên ao ước được đến ở. Dưới đây là một vài lời
khuyên để các bạn có thể có một quãng đời sinh viên đẹp ở trong ký túc xá.
1. Đừng làm ảnh hưởng đến các bạn khác
Bạn đang ở ký túc xá, nơi có khá nhiều sinh viên ở chung một phòng, vì vậy, âm nhạc trong máy điện thoại, cuộc trò
chuyện trên điện thoại, hoặc đơn giản cuộc trò chuyện với bạn cùng phòng hàng giờ cũng có thể làm ảnh hưởng đến
những người bạn cùng phòng khác. Đây là một thách thức lớn và bạn nên kiên nhẫn và suy nghĩ trước khi gây ảnh
hưởng đến các bạn khác.
2. Tìm một không gian cho riêng mình
Giữa một môi trường tập thể, và một căn phòng luôn rộn rã tiếng cười nói, bạn không biết tìm đâu ra một không gian
cho riêng mình. Hãy thử rời khỏi phòng trọ và tìm cho mình một góc nhỏ làm không gian cho riêng mình. Nó có thể là
thư viện, ghế đá dưới bóng cây, hoặc quán café nhỏ yên tĩnh gần trường.
3. Suy nghĩ trước khi đóng gói hành lý
Nhiều sinh viên đã rất vui mừng trong ngày được đóng gói hành lý để lên thành phố học tập. Bạn sẽ muốn mang rất
nhiều thứ từ nhà đi, đó có thể là quần áo đẹp, tranh ảnh thần tượng, bạn bè, gia đình bạn, đồ lưu niệm, gấu bông đáng
yêu. Nhưng xin nhớ rằng, một ký túc xá điển hình có thể chỉ có 10 đến 15 mét vuông cho 5-8 người. Diện tích riêng
cho mỗi bạn sinh viên sẽ rất nhỏ, và nếu mang nhiều hành lý, bạn sẽ không thể để hết trong phòng ký túc xá của mình.
4. Hãy nghiêm túc chấp hành giờ giới nghiêm
Khi bạn sống trong một ký túc xá, bạn sẽ bị ràng buộc với nội quy của ký túc xá. Nếu không muốn gặp phiền phức,
bạn hãy nghiêm túc chấp hành giờ mở cửa và đóng cửa của ký túc xá. Nếu bạn thực sự cần phải về muộn, vì lý do gì,
hãy thông báo cho bạn cùng phòng và ban quản lý ký túc xá của bạn.
5. Nói trước về quy tắc chia sẻ đồ dùng
Có thể các bạn trong phòng đã quá thân thiết và hợp nhau đến mức có thể chia sẻ mọi đồ dùng với nhau. Nhưng nếu
bạn không muốn chia sẻ đồ dùng của mình hãy nhẹ nhàng nói trước với các bạn cùng phòng của mình.
6. Phân chia công việc rõ ràng
Ai cũng muốn ở trong một phòng sạch sẽ, thoáng mát và đầy ánh sáng. Vì vậy các bạn cần phải phân chia rõ ràng công
việc dọn vệ sinh trong phòng và cùng chấp hành nghiêm túc. Nhiều khi, các bạn cũng cần phải có một cuộc “họp
phòng” hàng tuần để nói về những điều thích và không thích để hiểu nhau và sống tốt với nhau hơn.
7. Cẩn thận với đồ đạc của mình
Ký túc xá là nơi đông người, những người xấu có thể dễ dàng trà trộn vào ký túc xá của bạn và lấy đi những gì họ cần.
Vì vậy bạn nên cẩn thận với những đồ đạc của mình. Nếu bạn mua một chiếc áo/quần mới, hãy coi chừng khi phơi nó
bên ngoài. Bạn nên để những đồ vật giá trị vào hòm khóa. Hãy mở một tài khoản ngân hàng để cất giữ tiền bạc.
9) Những điều hấp dẫn của xe buýt với sinh viên
Từ trước tới nay, xe buýt luôn là phương tiện phổ biến và quen thuộc với hầu hết các bạn
sinh viên. Bên cạnh những ý kiến “chê” xe buýt vì nhiều nguyên nhân khác nhau thì cũng có
không ít bạn lại “thích” đi xe buýt vì những lí do như sau.
Xe buýt - một phương tiện đi du lịch quanh thành phố
Rẻ, không sợ lạc đường, nhất là với những bạn sinh viên năm nhất mới rời quê lên thành phố trọ học xa nhà. Bên cạnh
đó bạn có thể vừa ngồi trên xe vừa ngắm cảnh đường phố, nhà cửa, dòng người bên ngoài tấp nập mà không cần lo
lắng phải nhìn đường để lái xe cho an toàn, lại vừa được thưởng thức những bản nhạc hay hay những câu chuyện hài
hước trên kênh của đài FM như VOV giao thông… Chỉ với một tấm vé tháng, bạn có thể đi bất cứ đâu bạn muốn ở
thành phố, từ nội thành cho tới ngoại thành mà không phải lo lắng về đường đi, xăng xe… Chỉ cần xách ba lô lên và
nhảy lên một chuyến xe mình thích. Còn đi tới đâu đã có bác tài xế lo.
Xe buýt - phương tiện đi học
Nếu bạn nào nhà ở gần bến xe buýt thì hầu như đều chọn cho mình phương tiện đến trường là xe buýt. Nhất là các bạn
tiện đường xe buýt, như có nhiều tuyến chạy trên cung đường đó, chỉ cần bắt một chuyến xe là có thể đi nhà tới
trường. Đặc biệt những hôm trời mưa thì đi xe buýt khá tiện. Chỉ cần một chiếc ô để ra đến trạm xe buýt và việc còn
lại là lên xe và chờ đến trường mà thôi. Bạn không cần phải áo mưa rộng thùng thình, không phải lo trên đường đi bị
mưa phả hay nước của những xe khác đi trên đường hắt vào, cũng không cần phải lo chỗ để áo mưa ở đâu và cũng
chẳng cần quan tâm đến vấn đề lúc về đối phó với cái áo mưa ướt nhẹp từ sáng như thế nào?
Xe buýt - phương thuốc chữa say xe
Nghe thì có vẻ lạ lẫm với nhiều người, nhưng với các bạn sinh viên xa nhà và bị chứng say tàu xe thì không có gì là
mới mẻ cả. Các bạn chỉ cần làm một vé tháng xe buýt. Và sau đó là leo lên và đi thôi. Đi bất cứ xe tuyến bao nhiêu bạn
thích, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. Nếu khi nào bạn thấy mình có cảm giác lâng lâng say xe thì đến điểm dừng, chúng
ta xuống. Ngồi nghỉ. Khi nào thấy trong người khá hơn lại lên xe và đi tiếp. Hoặc thay vì đi chơi, đi học bằng xe đạp,
xe máy nhiều bạn tập đi xe buýt thường xuyên hơn. Và một khi cứ đi nhiều như vậy cảm giác say xe biến mất lúc nào
không hay? Và bạn có thể tự tin đi tàu xe. Tạm biệt nỗi kinh hoàng say xe mỗi lần về quê.
Xe buýt - kênh cung cấp những thông tin mới, từ đời sống xã hội tới giải trí
Đi xe buýt bạn sẽ được chứng kiến những việc xảy ra trong cuộc sống thực tế, có rất nhiều tình huống học trong ghế
nhà trường thì mình phải làm thế này thế kia nhưng khi chính bản thân gặp tình huống đó thì lại ko biết xử sự thế nào
cho đúng. Chẳng hạn như bạn thấy một thanh niên đang móc túi người khác, theo lý thuyết ai cũng nói là sẽ hô lên cho
mọi người biết, nhưng thực tế thì lúc đó bạn sẽ không “dám” hoặc có thể “lờ đi” coi như không biết… Mọi điều đều
không thể nói trước được.
Đi xe buýt bạn cũng sẽ nghe được rất nhiều tin tức, câu chuyện vui có, buồn có, hài hước có, mà châm biếm cũng
không ít từ những người đi trên xe buýt.
Đi xe buýt bạn sẽ bắt gặp những người tốt với những hành động đẹp, cảm động, người đó có thể là một em bé, một
người bạn cùng tuổi với mình hay cũng có thể là một bác trung niên, một cụ già. Đi xe buýt bạn cũng sẽ phải chứng
kiến những cảnh tượng không đẹp mắt chút nào của nhiều bạn giới trẻ. Nhưng chung quy lại những việc làm tốt hay
xấu đều cho chúng ta những bài học ý nghĩa trong cuộc sống.
Với nhiều bạn sinh viên, có thể nói xe buýt cũng là một xã hội thu nhỏ trong đó.
10) Những lưu ý khi đi xe buýt dành cho tân sinh viên
Dưới đây là một số lưu ý, có thể giúp cho những bạn mới làm quen với xe buýt phần nào bớt
bỡ ngỡ.
Khi lên đại học, nhiều bạn mới bắt đầu học những trường ở xa nhà và để tiết kiệm phí xăng, nhiều bạn bắt đầu chọn xe
buýt làm phương tiện di chuyển. Lần đầu sử dụng loại phương tiện công cộng này hoàn toàn chẳng có gì phải đáng
ngại ngùng cả. Cái bạn cần lo là hãy lướt qua những lưu ý dưới đây để khi sử dụng sẽ không cảm thấy lúng túng. Với
những bạn thường xuyên sử dụng thì cũng có một số cách để tiết kiệm chi phí hơn, hoặc hạn chế việc gặp tai nạn ở
trên phương tiện này.
Thẻ sinh viên tạm thời đôi khi không được chấp nhận
Là học sinh, sinh viên đồng nghĩa cới việc bạn có “đặc quyền” được đi xe buýt với giá rẻ. Khi mới nhập học nhà
trường chỉ cấp cho bạn thẻ sinh viên tạm thời, còn thẻ sinh viên chính thức ít nhất phải hai tháng sau bạn mới được
cầm trên tay. Thế nhưng, không phải lúc nào thẻ sinh viên tạm thời cũng có giá trị.
Thế Anh, sinh viên trường đại học KHXH&NV, nhớ lại: “Mình đi xe buýt một thời gian không có chuyện gì xảy ra,
đến một hôm chú bán vé không chấp nhận thẻ vì thiếu hình. Hôm sau mình dùng thẻ đã dán hình thì lại bị bắt bẻ vì
thiếu dấu mộc đỏ. Mà trường mình làm gì có chuyện đóng dấu mộc đỏ vào thẻ tạm thời.”
Dù thẻ tạm thời có hình và có dấu mộc đỏ chứng minh Khải là sinh viên của trường đại học Y Dược hẳn hoi nhưng
cậu vẫn gặp trường hợp phải mua vé giá 6.000 đồng vì chú bán vé chỉ đồng ý bán vé với giá 2.000 đồng cho những ai
có thẻ sinh viên chính thức tại TP.HCM. Khải chia sẻ: “Mình khuyên các bạn tân sinh viên nên mau chóng làm giấy
chứng nhận sinh viên. Có như vậy xe buýt mới thôi bắt bẻ chuyện thẻ tạm thời hay thẻ chính thức.”
Chuẩn bị tiền lẻ
“Chuẩn bị tiền lẻ khi lên xe buýt” là câu khẩu hiệu không thể thiếu trên bất kỳ chiếc xe buýt nào. Nếu “lỡ” đưa tờ tiền
có giá 50.000 đồng trở lên, bạn sẽ nhận được cái nhăn mặt, một trận “tổng sỉ vả” trước khi nhận được tiền thối hoặc bị
đuổi xuống xe nếu hôm đó kém may mắn.
Mệnh giá tờ tiền càng lớn đồng nghĩa với khả năng bạn bị đuổi xuống xe càng cao, nhất là khi bác tài xe kiêm luôn
người bán vé. “Chân lý” này đã được nhiều sinh viên đúc kết và rỉ tai nhau. Mai Anh, sinh viên trường đại học Quốc
Tế, cho biết sau khi chứng kiến bác tài lớn tiếng đuổi một bác xuống xe vì “dám” dùng tờ 200.000 trả tiền vé, cô bạn
chuẩn bị hẳn một hộp tiền lẻ dành riêng cho việc đi xe buýt.
Việc chuẩn bị tiền lẻ trước khi lên xe buýt vừa giúp quá trình đón khách diễn ra nhanh chóng vừa thể hiện nét đẹp của
văn hóa xe buýt. Do đó, luôn để dành và chuẩn bị tiền lẻ là một trong những “bí kíp” dành cho các tân sinh viên chọn
xe buýt làm phương tiện đi lại.
Móc túi – Luôn phải đề cao cảnh giác
Vào giờ cao điểm, xe buýt luôn chật cứng hành khách, người sát người chính là cơ hội cho những tên móc túi thỏa sức
hành động. Tài sản mà các đối tượng móc túi thường hướng tới là điện thoại, ví tiền. Chúng chỉ tìm cơ hội áp sát bạn,
nhanh tay “hành nghề” và xuống ở trạm tiếp theo. Bạn chỉ biết tài sản của mình đã bị mất khi bọn đạo chích đã cao
chạy xa bay. Nhân viên xe buýt thấy cũng làm ngơ hoặc chỉ cảnh báo chung chung để mọi người đề phòng chứ không
dám chỉ đích danh vì không có bằng chứng.
Chỉ cần thiếu cảnh giác một chút, nhiều bạn đã phải để “vật đi thay người”. Nguyên Ngọc, sinh viên trường Tôn Đức
Thắng cho biết: “Một lần mình chen lên xe buýt, khi kiểm tra lại mới thấy điện thoại của mình đã mất. Chiếc điện
thoại không có giá trị bao nhiêu nhưng toàn bộ số liên lạc của bạn bè không thể lấy lại được”.
Cách hữu hiệu nhất để đề phòng móc túi vẫn là mỗi người tự nâng cao cảnh giác. Bạn thì đeo ba lô ngược để tiện theo
dõi, bạn thì lên xe buýt lập tức để balo xuống dưới chân. Có bạn cẩn thận hơn còn mua cả ổ khoá mini để khóa cặp lại.
Tư trang của mình phải tự mình giữ lấy, mất rồi có kiện cáo cũng không được.
Thẻ sinh viên và chuyện đeo khẩu trang
Để chống nắng, chống bụi, sinh viên thường mang khẩu trang khi đi xe buýt. Một số tuyến xe buýt lại muốn kiểm tra
xem thẻ sinh viên có thực sự “chính chủ” hay không nên chuyện đeo khẩu trang trở thành trở ngại lớn.
Thiên Hải kể lại, do chuyển nhà nên cậu bạn phải đổi tuyến xe buýt 59 sang tuyến 103. Xe 59 chỉ cần đeo thẻ trước
ngực, mặt bịt khẩu trang hay không cũng không sao nhưng tuyến 103 thì khắt khe hơn. Bác tài phải cầm tận tay chiếc
thẻ sinh viên, đối chiếu tấm hình trên thẻ rồi mới bán vé. Nhiều bạn lóng ngóng là bị bác tài “sạc” ngay.
Một chị bán vé trên tuyến xe số 3 tâm sự: “Không phải chị muốn làm khó sinh viên. Nhưng chị bắt gặp trường hợp
nhiều bạn dùng thẻ đã hết hạn, không dùng thẻ của mình mà mượn của bạn, thậm chí còn có trường hợp một bạn nữ
mà trình cho chị thẻ sinh viên của bạn nam nào đó. Làm không nghiêm thì khi kiểm soát viên lên kiểm tra, tụi chị bị
lập biên bản rồi phải nộp tiền phạt nữa.”
Không phải tuyến xe buýt nào cũng đòi “kiểm tra nhận dạng”, do đó tốt nhất bạn nên hỏi kinh nghiệm của các chị đi
trước.
Tạm kết
Chi phí đi lại rẻ, lại được nhà nước trợ giá dành cho sinh viên tại TP.HCM với mức 2.000 đồng/lượt nên không có gì lạ
khi xe buýt là một trong những lựa chọn hàng đầu của sinh viên. Đây chỉ là một trong những lưu ý khiến tân sinh viên
không quá lúng túng khi lần đầu dùng xe buýt làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề khác mà bạn
phải tự mình trải nghiệm.
11) Xe buýt dành riêng cho nữ giới: Nữ sinh thở phào nhẹ nhõm
Từng sợ hãi khi bị quấy rối và cảm thấy ngột ngạt trong những đám đông chen chúc trên xe
buýt, nhiều nữ sinh đã thở phào trước quyết định sẽ thí điểm xe buýt dành riêng cho nữ giới
vào đầu năm 2015.
Quyết định thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ vào đầu năm 2015 ngay lập tức thu hút được sự quan tâm
của rất nhiều đối tượng là học sinh sinh viên, người lao động những người thường xuyên sử dụng phương tiện công
cộng như xe buýt để đi lại.
Đa phần đồng tình
Nhiều nữ sinh và những người lao động nữ tỏ ra khá lạc quan và ủng hộ trước quyết định này của UBND TP Hà Nội.
Những chiếc xe bus dành riêng cho nữ giới sẽ giúp họ cảm thấy tự tin và an tâm hơn.
Bạn Nguyễn Thị Hồng (SV Học viện Ngân hàng) cho biết: “Mình thường xuyên phải đi xe bus đến trường và cảm
thấy rất ngại khi phải đứng chen chúc trong một đám đông có nhiều nam giới. Nếu có xe bus dành riêng cho nữ giới ắt
hẳn sẽ giúp ích cho nữ sinh như mình.”
Chị Phùng Hoài Thu (Nhân viên bán hàng tại siêu thị Big C) chia sẻ: “Trong những hôm làm việc về muộn, mình rất
ngại đi xe bus vì sợ bị trêu ghẹo. Xe bus dành riêng cho nữ giới sẽ giúp mình cảm thấy an tâm hơn.”
Băn khoăn về số lượng và chất lượng
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến thắc mắc về số lượng và chất lượng của các tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ này.
Khi nạn quấy rối tình dục được giải quyết thì vẫn còn đó những vấn đề nhức nhối ở phương tiện di chuyển công cộng,
khiến nhiều người phải ngao ngán như tình trạng quá tải vào giờ cao điểm, móc túi,
Bạn Thủy Tiên (SV Cao đẳng Cộng đồng HN) bày tỏ thắc mắc: “Mình rất muốn đi xe buýt dành riêng cho nữ giới.
Tuy nhiên, mình không biết số lượng của loại xe này có đủ để đáp ứng nhu cầu của các hành khách hay không? Thiếu
xe buýt này trong giờ cao điểm sẽ khiến rất nhiều bạn nữ sẽ buộc phải đi những tuyến xe buýt thông thường nếu không
muốn bị muộn giờ.”
Kim Anh (SV Cao đẳng Cộng đồng HN) thì băn khoăn: “Những kẻ biến thái, hoặc lên nhầm xe buýt dành cho nữ giới
thì sẽ bị xử lý thế nào? Vì trong những vụ trộm cắp trắng trợn trên xe buýt mình đã từng chứng kiến thì lái xe và phụ
xe thường không thể xử lý kịp và cũng chỉ biết đứng nhìn.”
Một số ý kiến khác cho rằng, xe buýt dành riêng cho nữ giới sẽ chia cách những nhóm bạn bè có cả nam và nữ hoặc
những đôi tình nhân vì họ không thể đi chung một chiếc xe bus nữa.
Thông tin về chiếc xe buýt thí điểm dành riêng cho nữ giới đã khiến hầu hết các nữ sinh và những người lao động nữ
thường xuyên di chuyển bằng xe buýt vui mừng và thở phào. Tuy nhiên, những chiếc xe buýt này có đáp ứng được các
nhu cầu của hành khách và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà UBND TP Hà Nội đề ra hay không thì còn phụ
thuộc vào nhiều yếu tố.
12) Tân sinh viên với những cái bẫy rình rập cần tránh
Vẫn còn lâng lâng trong cảm giác vừa thi đỗ Đại học, lại bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên đi nhập
trường, cũng như sự mới lạ của một môi trường mới. Đó là những điều mà kẻ gian thường lợi
dụng để “đánh quả lừa” đối với các tân sinh viên.
Dưới đây là những “quả lừa” mà tân sinh viên cần hết sức tỉnh táo nếu không muốn phải nếm trái đắng.
1. “Tăm tặc”
Núp mình dưới bóng của những người làm công tác thiện nguyện như: Nhân viên của trung tâm A, B, C, rồi tình
nguyện viên giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam, người của một tổ chức từ thiện nào đó những “diễn viên” này
thường “diễn” ở các bến xe khách, các điểm dừng xe bus, thậm chí trước cổng các trường đại học để “săn đón” các tân
sinh viên.
Chiêu trò mà họ sử dụng là van nài bạn mua tăm với giá khá cao, từ 10.000 – 20.000 đồng/gói tăm để ủng hộ những
người có hoàn cảnh khó khăn, để tăng thêm độ tin cậy những “diễn viên” này đôi khi còn cầm theo cuốn sổ và xin các
thông tin về bạn để “tri ân” trên các đài truyền hình, báo chí. Thực chất, đây là những kẻ sức dài, vai rộng, lười nhác
lao động nên đã lợi dụng lòng thương của con người để chuộc lợi. Do vậy, các bạn tân sinh viên hãy thật tỉnh táo để
tránh được bẫy này.
2. Xe ôm
Lạ lẫm ở nơi đất khách, quê người với một đống đồ đạc cồng kềnh, việc chọn được một xe ôm tử tế cũng là một điều
không dễ, trong những ngày này lợi dụng sự bỡ ngỡ của bạn cánh xe ôm có thể “chém” nhiệt tình như một quãng
đường chưa đầy 1km nhưng họ có thể đưa bạn đi du lịch thành phố “bất đắc dĩ” với quãng đường dài hơn thế nhiều và
bạn mất tiền oan.
Ngoài ra, đã có khá nhiều trường hợp các bạn tân sinh viên bị cánh xe ôm trấn, cướp tài sản. Họ có thể chở bạn đến
một nơi vắng người và dọa nạt để lấy tiền của bạn. Do vậy, bạn cần phải thật tỉnh táo, nghiên cứu kỹ trước đường xá,
xe cộ để có thể đi đến trường một cách suôn sẻ nhất.
3. Cái bẫy mang tên hàng đa cấp
Có một hình thức kiếm tiền được PR là vô cùng dễ dàng đang chờ đón các bạn tân sinh viên, đó là bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, có một thực tế chỉ ra rằng, đã có không ít tân sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy này và không thể nào thoát
ra được. Tiền thì chẳng thấy đâu mà các mối quan hệ thì dần trôi vào dĩ vãng, ai nhìn bạn cũng dưới con mắt đầy tính
đề phòng. Tại sao vậy?
Hình thức kinh doanh này đánh vào lòng tham của con người và suy nghĩ bồng bột muốn tự lập ngay và luôn, “thấy
tiền là phải nhặt”. Một công việc nhẹ nhàng, bạn bỏ ra một số tiền làm vốn ban đầu và nhận các mặt hàng để kinh
doanh ăn hoa hồng, rồi kêu gọi bạn bè cùng tham gia góp vốn và kinh doanh như bạn, cứ mỗi người tham gia bạn sẽ
nhận được một khoản hoa hồng khá hời. Như vậy, nếu bạn kêu gọi được càng nhiều người, bạn sẽ có thật nhiều tiền.
Và tất nhiên, bên công ty sẽ giới thiệu cho bạn “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” những gương điển hình đã trở nên vô cùng
giàu có chỉ trong một thời gian siêu ngắn.
Tuy nhiên, đó chỉ là những viễn cảnh đầy màu hồng mà họ vẽ ra cho bạn thôi, có rất nhiều bạn đã mất tất cả khi theo
đuổi “đam mê” nhất thời này.
4. Việc làm thêm
Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn thường nghĩ đến làm thêm để tự lập cuộc sống của mình. Đó là
một điều rất đáng trân quý, tuy nhiên, trong 2, 3 tháng đầu tiên các bạn nên ổn định và làm quen dần với cuộc sống
mới này đã nhé. Trên các trang mạng về tìm việc làm, rồi khắp ngõ ngách ở thành phố này sẽ được trang trí bằng
những tờ rơi quảng cáo những công việc làm nhẹ nhàng mà lương bổng thì rất hấp dẫn. Điều đặc biệt, họ sẽ ghi chú
thêm: Chỉ tuyển 95 – 96er, bạn biết vì sao không?
Thông thường các bạn sinh viên năm nhất, năm hai thường chưa đủ độ “cáo” trước những chiêu trò của họ và họ dễ
móc túi các bạn nhất, những công việc làm ca 2-3h/ngày với mức lương 200-300 nghìn thường là con số ảo và bạn nên
tỉnh táo, tránh bị đưa vào rọ nhé.
5. Vung tay quá trán
Điều mà mình muốn đề cập ở đây chắc ai cũng biết là tiêu tiền. Vừa đỗ Đại học, khi đi nhập trường dù ít nhiều thì các
tân sinh viên đa số túi khá dày đúng không nào? Các mối quan hệ mới, rồi tính sỹ diện, thích thể hiện nhiều khi bạn
đóng vai “chủ chi” rất hoành tráng. Ngoài ra, việc tiêu tiền chưa có kế hoạch, thấy gì cũng thích, mà thích gì cũng mua
thì chẳng mấy chốc chưa đầy nửa tháng bạn đã gọi về nhà xin tiền rồi đấy.
Chơi game, lô đề, rượu chè, cờ bạc, cũng là những cạm bẫy có thể ngay lập tức biến bạn từ một “con ngoan, trò giỏi”
cách đó 2, 3 tháng trở nên tha hóa ngay lập tức và nó sẽ ảnh hưởng đến hết quá trình học mấy năm Đại học của bạn
đấy.
“Vạn sự khởi đầu nan”, chúc các bạn - những tân sinh viên sẽ thật may mắn và tỉnh táo trên hành trình quan trọng
nhất của cuộc đời mình.
13) Sinh viên cần cẩn thận nạn cướp giật sáng sớm tại các ngõ hẻm
Nạn cướp giật vào khoảng thời điểm sáng sớm tinh mơ vắng người qua lại hiện đang hoành
hành trong những ngõ hẻm tại quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông…, nạn nhân chính là các
bạn sinh viên.
Cướp giữa ban ngày
Hà Nội nổi tiếng với những ngõ hẻm sâu hun hút thông nhau. Đất chật, người đông nên hầu như lúc nào trong ngõ
hẻm đều có người qua lại. Tuy nhiên lợi dụng thời điểm 5-6h sáng là lúc ngõ hẻm vắng người nhất, những kẻ cướp,
thường là hai thanh niên đi xe máy, nhào đến cướp giật đồ của người đi đường. Nạn nhân của những vụ cướp giật sáng
sớm này chủ yếu là các bạn sinh viên đi học xa, những người đi làm sớm.
Lan Hương (sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Sư phạm 1) – 1 nạn nhân của vụ cướp ở phố Dương Quảng Hàm kể
lại: “Vì đi làm thêm buổi sáng nên khoảng 6h sáng mình đã đi bộ ra khỏi nhà đến điểm chờ xe buýt, đang cầm túi xách
và ô trên tay thì có 2 thanh niên đi xe máy nhào đến giật mạnh túi xách trên tay của mình. Tài sản bên trong túi gồm
có điện thoại, nữ trang, và tất cả tiền mặt của mình”.
Do ngõ hẻm vắng, ít người qua lại nên những tên cướp được thể hoành hành, Trung Hiếu (nhân viên truyền thông trọ
tại ngõ 23 – Trần Phú – Hà Đông) cũng là nạn nhân của một vụ cướp vào buổi sáng. “Hôm đó mình ra khỏi nhà vào
lúc gần 7h, mình đi bộ ra đầu ngõ để chờ xe của công ty đến đón và đã bị 2 tên cướp xô ngã và giật mất chiếc cặp
laptop trên tay. Tài sản bên trong cặp laptop gồm có laptop, ví tiền, điện thoại và rất nhiều giấy tờ, tài liệu quan trọng
của mình và công ty mình.”
Lợi dụng những ngõ hẻm dày đặc và thông nhau, những tên cướp có thể tẩu thoát dễ dàng mà nạn nhân không thể đuổi
theo được. Để có thể cướp được tài sản của con mồi, các đối tượng này không ngại bỏ ra thời gian dài, mai phục và
chờ đợi, chỉ cần một sơ hở nhỏ là con mồi đã trở thành nạn nhân của chúng. Lợi hại hơn chúng còn ăn mặc chải chuốt
lịch sự như người có học thức rồi lượn quanh các ngõ hẻm theo dõi, rồi đợi thời cơ ra tay cướp giật.
Những vụ cướp giật manh động, trắng trợn giữa ban ngày này không những làm ảnh hưởng đến vật chất, mà còn làm
tổn hại đến tinh thần của những người bị hại.
Lan Hương chia sẻ: “Sau vụ cướp ấy mình lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, đi đâu cũng nhìn trước nhìn sau, nhưng vì
công việc nên mình thường phải ra khỏi nhà từ lúc sáng sớm.”
Chị Thanh Vân – chủ 1 nhà trọ ở ngõ 79/49 phố Dương Quảng Hàm – Cầu Giấy cũng đưa ra lời cảnh báo: “Tôi cũng
đã cảnh báo nhiều với những khách thuê trọ của mình để họ cẩn thận và cảnh giác hơn khi đi học, đi làm vào sáng
sớm.”
Cảnh giác cao độ không bao giờ thừa
Các bạn sinh viên và những người đi làm vào buổi sáng sớm nên chú ý, cảnh giác cao độ khi đi một mình trong các
ngõ hẻm vắng. Khi đi bộ, các bạn nên giữ chặt đồ đạc, tài sản của mình trong tay, luôn cảnh giác và phản ứng nhanh
nếu tài sản của mình bị giật mạnh. Nếu đi xe máy, các bạn nên để tài sản vào cốp xe hoặc được móc nối, chằng buộc
thật chắc chắn. Sự chủ động, và cảnh giác cao độ sẽ không bao giờ thừa với các bạn sinh viên và những người đi làm
vào buổi sáng sớm.
14) Những sai lầm phổ biến cần tránh khi trở thành sinh viên
Trở thành sinh viên sẽ là một trải nghiệm quý báu của cuộc đời mỗi người. Bên cạnh sự háo
hức, hồi hộp mong chờ một môi trường hoàn toàn mới thì những sai lầm sẽ là điều không thể
tránh khỏi.
Hãy cùng chỉ ra những lỗi phổ biến mà không ít sinh viên Việt Nam từng mắc phải và cùng nhau tìm cách loại bỏ
chúng để có những ngày tháng sinh viên tuyệt vời nhất có thể.
1. Lười khám phá
Một trong những điều tuyệt vời nhất của thời sinh viên là tự mình khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Đừng chỉ nhất nhất vào việc học, hãy thử các điều tuyệt vời khác "màu mè" hơn. Hãy năng động hơn bằng việc tham
gia các câu lạc bộ, các hội nhóm của trường. Hãy “bụi bặm” hơn bằng các chuyến đi phượt xa nhà. Hãy uyên bác hơn
khi tham gia các đề tài khoa học do khoa hay trường tổ chức. Hãy trải nghiệm hơn với những công việc làm thêm. Hãy
nhiệt huyết hơn bằng việc tham gia các kì thi… Bỏ qua những điều này chính là sai lầm lớn nhất đời sinh viên của bạn.
2. Chi tiêu không hợp lí
Ăn uống, đi lại, dã ngoại, tiệc tùng, yêu đương, bạn bè, là những điều không thể thiếu đối với mỗi người, đặc biệt là
với sinh viên. Nhưng nếu không biết cách chi tiêu hợp lí thì tất yếu sẽ dẫn đến sự hoang phí. Hãy luôn nhắc nhở bản
thân rằng, tiền này là ở đâu ra, kiếm được nó có dễ không,… và có cách chi tiêu thật hợp lí để không làm phí đi công
sức của người kiếm ra tiền đưa cho bạn.
3. Không học ngoại ngữ
Chúng ta chẳng cần nói nhiều về tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với sự thành công của con người trong xã hội hiện
nay. Tất nhiên vẫn có những người “mù tịt” ngoại ngữ nhưng vẫn thành công, làm “ông nọ bà kia”, nhưng đó chỉ là
thiểu số. Còn với xã hội hiện tại, không học ngoại ngữ là sai lầm lớn nhất của sinh viên. Bởi yếu tố quyết định đến khả
năng xin việc sau khi tốt nghiệp chính là ngoại ngữ.
4. Không mở rộng các mối quan hệ
Một trong những yếu tố tạo nên thành công là các mối quan hệ. Người có mối quan hệ rộng sẽ được người khác đánh
giá cao bởi chỉ có người năng động, tự tin, giỏi giao tiếp,… mới có được những mối quan hệ xã hội rộng lớn. Các mối
quan hệ cũng đem lại các lợi ích không ngờ. Chính vì thế thật sai lầm nếu không chú ý việc “nâng cấp” mối quan hệ xã
hội của bản thân. Hãy liên tục mở rộng các mối quan hệ của mình, mở rộng theo hướng vừa sâu vừa rộng trong xã hội.
5. Mất định hướng ngay trong ngày nhập học
Rất nhiều bạn xem nhẹ buổi định hướng trong ngày đầu tiên (các buổi học chính trị cho các khóa tân sinh viên của
trường). Không phải tự nhiên mà các thầy cô lại dành thời gian cho việc mà bạn coi là "thừa thãi". Chắc chắn sẽ có rất
nhiều điều bổ ích bạn sẽ tích lũy được từ các buổi học chung đầu tiên đó.
6. Vi phạm những điều cấm
Trước khi đến bất kì nơi nào, hãy bỏ một chút thời gian để tìm hiểu về nơi đó. Và với sinh viên, hai nơi đầu tiên bạn
cần tìm hiểu là trường học của bạn và nơi ở của bạn. Với trường học hãy đọc kĩ các nội quy của trường để nắm rõ các
điều được làm và không được làm. Với nơi bạn ở, hãy tìm hiểu qua chủ nhà, qua bạn cùng xóm để biết được những
điều cấm kỵ nơi đây. Sự vi phạm vào những điều cấm kị luôn rất khó được tha thứ dù bạn là người mới đến.
7. Để bị lừa đảo
Có hàng chục loại "tặc" mà bạn phải đề phòng khi là sinh viên. Từ các loại "tặc" nhỏ như: tăm tặc, xe ôm, ăn xin
giả,… đến các loại "tặc" lớn như: bán hàng đa cấp, môi giới việc làm,… Tất cả đều đòi hỏi sự tìm hiểu kỹ lưỡng và kỹ
năng đối phó của sinh viên, nếu không bạn sẽ phải "ôm hận".
8. "Bỏ quên" gia đình
Nỗi nhớ nhà thường chỉ "rộn ràng" những tháng ngày mới xa nhà. Sau khi đã hòa nhập được với cuộc sống mới, bạn
rất dễ bỏ quên gia đình. Rồi khi bạn về nhà, bạn sẽ thấy mình bị lệch pha so với mọi người. Hãy thường xuyên về thăm
nhà nếu có thể, nếu không hãy thường xuyên gọi điện hỏi thăm và hỏi về tất cả những thứ liên quan về gia đình. Có
nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để về đó là gia đình và những người thân của bạn.
15) Sự khác biệt giữa sinh viên mới và cũ
4 năm sinh viên là thời gian không dài, nhưng vẫn đủ tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa tân
sinh viên và các sinh viên năm 2, 3, 4.
Chắc chắn bạn sẽ nhận ra những điểm khác biệt giữa sinh viên năm nhất và sinh viên năm 2, 3, 4.
1. Cách bạn ăn mặc
Vào ngày đầu tiên đi học, bạn muốn tạo một ấn tượng đẹp, bạn bỏ ra hàng giờ để trang điểm và tìm kiếm trang phục
phù hợp với vóc dáng. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, bạn dần nhận ra vẻ đẹp không quan trọng bằng sự thoải mái. Vào
những năm 2, 3, 4 bạn rất khó khăn mới có thể ra khỏi chăn, mặc tạm bộ quần áo thể dục và thậm chí đến lớp mà quên
chải đầu. Đó là một sự khác biệt lớn trong lượng thời gian chuẩn bị của sinh viên năm nhất và sinh viên năm 2, 3, 4.
2. Những thứ bạn mang trong cặp đi học
Là một sinh viên năm đầu, bạn luôn mang đủ các đồ dùng học tập khi đi học. Bạn có thể mang cả máy tính xách tay,
bút, vở học, giáo trình và cả dập ghim. Nhưng khi bạn đã là sinh viên năm 2, 3, 4 có thể bạn chỉ mang một quyển vở,
một cái bút hoặc thậm chí là mỗi một chiếc tai nghe và một chiếc bút.
3. Cách bạn học
Khi bạn là một sinh viên năm nhất, bạn rất chú trọng vào việc học. Bạn chăm chỉ đọc giáo trình, ôn lại kiến thức và
làm bài tập thầy cô giao rất nhanh. Nhưng khi bạn học năm 2, 3, 4 bạn luôn làm bài tập sát deadline, hoặc có khi đi học
mà chẳng hiểu điều gì đang xảy ra trên lớp.
4. Cách bạn nghe giảng
Khi bạn là một sinh viên năm nhất, bạn sẽ lắng nghe mọi lời thầy giáo giảng. Bạn có thể thỉnh thoảng nhìn vào một hot
boy, hot girl trong lớp nhưng sau đó bạn sẽ quay trở lại bài giảng ngay. Nhưng khi bạn đã học sang năm thứ 2, 3, 4 bạn
chẳng bận tâm nhiều vào giờ giảng nữa.
5. Khi bạn thức dậy
Khi bạn là một sinh viên năm nhất, bạn thức dậy rất sớm để chuẩn bị sẵn sàng, ăn sáng và đi đến lớp. Khi bạn là sinh
viên năm 2, 3, 4 bạn thức khuya hơn và muốn được ngủ nhiều hơn. Bạn sẽ thường lên lớp muộn với một gói đồ ăn
sáng đang ăn dở.
6. Bạn bè của bạn
Là một sinh viên năm nhất, bạn muốn tìm kiếm những người bạn mới. Bạn rất mong muốn được ở bên và dành thời
gian với những người bạn thân. Là sinh viên năm 2, 3, 4 sau những cuộc gặp gỡ, vui chơi với bạn bè, đôi khi bạn chỉ
muốn được ở một mình.
7. Kiến thức của bạn
Khi bạn bắt đầu đi học, bạn thậm chí còn chưa thể mường tượng về nghề nghiệp tương lai của mình. Bạn chỉ cố gắng
học tập và tiếp tục hy vọng. Đến năm 2, 3, 4 bạn đã có những nhận thức nhất định về nghề nghiệp tương lai của mình.
Bạn thậm chí đã có một công việc làm thêm phù hợp với nghề nghiệp tương lai của mình. Bạn cũng biết cách làm một
bài thi tốt hơn, một bài tiểu luận chất lượng hơn và đạt điểm cao hơn so với năm nhất rất nhiều.
16) 8 kiểu sinh viên bạn sẽ gặp trong trường đại học
Khi bạn đang học trong trường đại học, bạn sẽ gặp rất nhiều kiểu sinh viên. Một số thì đáng
để học tập, một số thì thật khó chịu.
1. Sinh viên thích làm dáng
Sinh viên thích làm đỏm có thể dành 5 tiếng cho kiểu tóc mới, nhưng chỉ dành 10 phút cho bài tiểu luận. Đây là kiểu
sinh viên chúng ta thường gặp trong các lớp học. Họ lúc nào cũng trông thật xinh đẹp và thời trang, còn chuyện học
hành thì miễn – bàn.
2. Sinh viên thông minh
Sinh viên thông có thể trả lời tất cả các câu hỏi của thầy/cô giáo và thậm chí đưa ra thêm những câu hỏi “vặn lại”
giảng viên của mình.
3. Sinh viên “yêu” chiếc điện thoại
Sinh viên “yêu” chiếc điện thoại thường dành cả tiết học của mình với chiếc “dế yêu” của mình. Cô/cậu ấy có thể chat
chít, lướt web, Facebook, chụp ảnh tự sướng mà không biết chán.
4. Sinh viên thích ăn quà
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy những sinh viên hay vào muộn sau mỗi giờ nghỉ và mang theo rất nhiều “lương thực”
gồm bim bim, bánh, sữa, ô mai, cóc, sấu dầm…
5. Sinh viên vui tính
Những sinh viên vui tính thường khuấy động giờ giảng bằng những câu hỏi hoặc câu trả lời trời –ơi- đất –hỡi. Những
sinh viên này cũng thường làm đám đông cười nghiêng ngả với những phát ngôn không- giống – ai của mình.
6. Sinh viên coi giảng đường là sàn catwalk
Bạn không nên đến giảng đường trong bộ dạng quá tuềnh toàng. Nhưng bạn cũng không cần dành ra 2 tiếng trước giờ
học để trang điểm và chọn đồ trước khi đến trường.
7. Sinh viên thường xuyên đi học muộn
Trong lớp của bạn, ắt hẳn sẽ có nhóm bạn sinh viên thường xuyên đi học muộn, đó thường là những bạn sinh viên ở
nhà quá xa hoặc quá gần so với trường.
8. Sinh viên chăm chỉ
Nếu bạn thường nhìn thấy một số sinh viên ở thư viện hoặc trên giảng đường với một cuốn sách trên tay. Bạn sẽ không
quá bất ngờ với thành tích và bảng điểm của họ.
17) 5 điều sinh viên năm nhất hay bị "vỡ mộng"
Từng trải qua một thời gian bị coi là "ma mới" trong trường đại học, nhiều tân sinh viên sẽ
không ít lần bị "vỡ mộng" vì những điều sau.
Sự học
Khi nhận được giấy báo đại học, ắt hẳn ai cũng sẽ tưởng tượng ra cho mình những tháng ngày "ăn chơi sa đọa", có thể
gọi là chơi và ngủ để bù lại những ngày tháng ôn thi đại học vất vả. Thế nhưng mọi thứ đều chỉ là ảo mộng khi bạn
bước chân vào cổng trường đại học, một đống bài vở đang chờ ở phía trước. Các thầy cô sẽ không giám sát ta như ở
cấp 3, mà ta sẽ phải tự học, học được thì thi qua, còn không, thì đóng tiền mà thi lại.
Chỗ ở
Việc đau đầu nhất với một sinh viên năm nhất là chọn chỗ ở. Đầu tiên, ai cũng sẽ nghĩ cho mình rằng nếu ở trọ ngoài,
chỗ trọ sẽ được như trong phim, nào là ở nhà 3-4 tầng cùng với các bạn, có máy lạnh , máy giặt… hoặc ở ký túc xá sẽ
đẹp như trong phim, cả phòng 5-6 người vui vẻ tràn đầy tiếng cười. Thế nhưng sự thật thì, nhà trọ cái gì cũng không
có, nếu ai dư giả hoặc may mắn thì thuê được cái nhà trọ sạch sẽ, đẹp đẽ và đảm bảo an ninh. Nếu ai đen đủi hay khó
khăn hơn, thì thuê phải cái nhà trọ cũ kỹ bẩn thỉu và vấn nạn chung của sinh viên bên ngoài là trộm cắp luôn rình rập.
Có những trường hợp cả xóm trọ nhà nào cũng mất một vài chiếc máy tính xách tay, ký túc xá thì xảy ra bao nhiêu là
vấn đề nào là người trong phòng lấy đồ của nhau, ăn uống thì không thể ăn một mình mà phải chia cho cả phòng có thể
lên đến 14 người. Khi đó phần của mình còn lại được bao nhiêu? và rất hay xảy ra xích mích với nhau, chỗ tắm rửa thì
gặp được ký túc xá nào đẹp, mới thì được khép kín cho từng phòng.