Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Công nghệ thông tin và dạy học ở trường đại học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (223.33 KB, 9 trang )

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
VÀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Đặng Thành Hưng
1
, Nguyễn Khải Hoàn
2
Tóm tắt: Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để nâng cao tính tích cực nhận thức của
người học nói chung, ở trường đại học nói riêng là một nhu cầu tất yếu. Bài viết này giới thiệu
một số khía cạnh của công nghệ thông tin và dạy học ở trường đại học.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá
trình giáo dục là xu thế tất yếu. Hiệu quả của việc sử dụng công nghệ, các trang thiết bị dạy
học hiện đại trong quá trình giáo dục đã được khẳng định trong thực tế, nhất là khả năng làm
cho bài giảng trở nên sinh động, giảng viên có thể định hướng sinh viên tiếp cận với một
nguồn tri thức phong phú và phát huy tính tích cực tự học, tự tìm tòi thông tin qua Internet
của người học; tạo điều kiện để người học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, tìm được nội dung
học phù hợp; xóa bỏ sự lạc hậu về công nghệ và thông tin do khoảng cách địa lí đem lại.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và hệ thống giáo dục đại học nói riêng,
công nghệ thông tin là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và hỗ
trợ đổi mới quản lí giáo dục, góp phần nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục. Phát
triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục là
một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định sự phát triển công nghệ thông tin của đất
nước theo xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Chức năng và nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
2.1.1. Các chức năng của công nghệ thông tin trong dạy học
a) Công nghệ thông tin và thiết kế dạy học
Công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực cho thiết kế dạy học, đặc biệt ở đại học. Các phần
mềm ứng dụng giúp người dạy thiết kế bài học (thể hiện ở giáo án và học liệu, phương tiện
kèm theo), thiết kế các công cụ đánh giá (Tests và các bảng hỏi), thiết kế các kĩ thuật dạy học


như câu hỏi, bài tập, hoạt động nhóm và cá nhân, phiếu học tập, thiết kế phương pháp và kĩ
thuật dạy học cụ thể (các sơ đồ Graph, bản đồ, sa bàn, đồ họa minh họa và giải thích, các biểu
số liệu, các mẫu hoạt động của người học như tìm tòi, thu thập thông tin, xử lí thông tin, áp
dụng, đánh giá).

1
PGS.TS, Trường ĐHSP Hà Nội 2
2
ThS, Trường Đại học Tân Trào
Trong thiết kế dạy học, công nghệ thông tin do ưu thế chuẩn hóa của nó nên mang lại
hiệu quả rất lớn: nhanh, giá thành thấp, chính xác, đa phương án, đẹp, nhiều cơ hội tích hợp,
nhiều cơ hội phân hóa dạy học, dễ giám sát, chỉ dẫn quá trình học tập và dễ thay đổi, nâng
cấp.
b) Công nghệ thông tin và phương pháp, kĩ thuật dạy học
Hầu hết những mô hình phương pháp dạy học dù là truyền thống hay hiện đại đều có thể
được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả tác động và nhanh chóng hơn. Các mô
hình phương pháp thông báo nếu được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin thì nâng cao tương
tác rất nhiều, giảm mức độ nhàm chán đơn điệu vì người học được làm việc cùng lúc trên
nhiều kênh (nghe, nhìn, thao tác, suy nghĩ, đánh giá, nhận xét, bày tỏ ý kiến, can thiệp), và họ
có điều kiện thu nhận thông tin phức tạp, ẩn hoặc trừu tượng (ví dụ thông tin về các quá trình
xảy ra trong máy móc hay cơ thể sinh vật).
Các mô hình phương pháp kiến tạo cũng có thể được hỗ trợ bằng phần mềm nhưng mức
độ tùy thuộc vào tính chất của nội dung học tập. Nếu nội dung học tập chủ yếu là kĩ năng, giá
trị và kinh nghiệm xã hội (đạo đức, văn hóa, pháp luật, sinh hoạt…) thì sự can thiệp của công
nghệ thông tin vào quá trình dạy học và quá trình học tập là khá hạn chế bởi vì phải trải
nghiệm và rèn luyện thực tế mới học được những điều đó. Những mô hình kiến tạo kiểu tìm
tòi và xử lí thông tin, giải quyết vấn đề theo thuật toán (chương trình hóa), phát triển ngôn
ngữ và trí tuệ logic thì rất thích hợp với phần mềm.
Công nghệ thông tin cũng hỗ trợ rất mạnh các kiểu phương pháp tham gia và nghiên cứu,
nhất là ở trường đại học. Việc tổ chức học tập hợp tác theo nhóm hoặc theo dự án rất cần hỗ

trợ của công nghệ thông tin, chẳng hạn trong xử lí số liệu quan sát, đánh giá thống kê, tập
hợp dữ liệu, trình bày báo cáo và thảo luận, cộng tác và tham gia giải quyết vấn đề… Học
hợp tác luôn cần chia sẻ học liệu và thông tin, trao đổi ý tưởng và kết quả học tập, và điều đó
được thực hiện nhẹ nhàng qua học liệu số và các công cụ mạng như diễn đàn, website học
tập, thư điện tử, messenger…
c) Công nghệ thông tin và môi trường học tập
Khi có sự tham gia của công nghệ thông tin thì môi trường học tập biến đổi mạnh mẽ,
thậm chí rất nhiều chỉ số truyền thống thay đổi so với môi trường truyền thống. Những cung
cách hành vi giao tiếp sư phạm khác trước đáng kể, ví dụ ngôn ngữ giao tiếp ngắn gọn hơn,
tích hợp hơn và tính logic cao hơn (đơn trị hơn so với lời nói bình thường). Hành vi dạy học
và hành vi học tập cũng biến đổi rất nhiều. Chẳng hạn học sinh tiểu học trong môi trường
truyền thống chỉ tập trung chú ý được trong một thời gian rất ngắn nhưng nếu học với máy
tính và phần mềm thì thời gian tập trung có thể lâu hàng giờ.
Công nghệ thông tin giúp người học chủ động hơn rất nhiều trong học tập, nhất là khai
thác nội dung học tập và suy nghĩ, phản biện trước người dạy và giáo trình. Điều này phần
nào gây ra ngại ngần cho không ít nhà giáo, nhất là những người có tuổi khi nói đến ứng
dụng công nghệ thông tin để dạy học. Giáo trình và thầy cô không thực sự “thiêng” như thánh
nữa vì người học có rất nhiều cơ hội để phán xét họ nhờ công nghệ thông tin.
d) Công nghệ thông tin và quản lí dạy học
Ngoài việc sử dụng phần mềm để quản lí hồ sơ giảng dạy, hồ sơ học tập, lập kế hoạch
dạy học và xây dựng thời khóa biểu thì công nghệ thông tin là công cụ mạnh can thiệp và
nâng cao hiệu quả đánh giá, giám sát dạy học và học tập, tạo nhiều điều kiện để thực hiện
công khai, minh bạch trong quản lí. Các Website và diễn đàn chính thức của trường, của
khối, của khoa, của lớp nếu có ý thức và kĩ năng sử dụng hữu ích thì chúng góp phần rất lớn
vào quản lí dạy học kèm theo khả năng huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng vào
quản lí.
e) Công nghệ thông tin và quá trình phát triển nghề nghiệp của giảng viên
Các phương tiện học tập dựa vào công nghệ thông tin như máy tính, học liệu và thư viện
điện tử, mạng và tài nguyên Internet cũng như các công cụ truyền thông dựa vào web (diễn
đàn, blog, wesite…) ngày càng giúp nhà giáo đắc lực và hiệu quả trong tự học và bồi dưỡng

tay nghề, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp. Những điều kiện và cơ hội như vậy có tính
thường trực, thường xuyên và hoàn toàn dễ khai thác. Không chỉ giúp học tập, công nghệ
thông tin còn hỗ trợ nhà giáo nghiên cứu khoa học - công nghệ và giao tiếp xã hội, mở rộng
quan hệ hợp tác và có thể phát triển các dịch vụ tư vấn chuyên môn. Đó cũng là những yếu tố
giúp họ phát triển nghề nghiệp mạnh mẽ.
f) Công nghệ thông tin và quá trình học độc lập của cá nhân
Từ bản chất của nó, công nghệ thông tin luôn có tính kích thích nhu cầu hiểu biết và tự
học (học độc lập - Independent Learrning) của cá nhân. Do nguồn thông tin đa dạng và luôn
sẵn có nên nhu cầu tự học thường dễ được đáp ứng. Mặt khác, muốn tự học có hiệu quả cao
tất nhiên phải nhờ công nghệ thông tin. Mặc dù xưa kia người ta vẫn tự học, song điều đó ít
phổ biến và gặp nhiều khó khăn hơn ngày nay rất nhiều. công nghệ thông tin giúp cho nguồn
học liệu phong phú và cập nhật, dễ khai thác, chuyển tải và lưu trữ, dễ chia sẻ và tổ chức lại
khi cần, và thường kèm theo các công cụ hỗ trợ và các chỉ dẫn học tập.
Do lượng tri thức ngày nay cực kì khổng lồ, nếu tự học trong điều kiện xưa kia thì kết
quả chẳng đáng là bao. Nhưng ngày nay nhờ công nghệ thông tin người ta có thể tự học được
rất nhiều lĩnh vực khác nhau và thành công ở mức độ sâu sắc. Công nghệ thông tin như một
dạng văn hóa có tính toàn cầu nên ai làm chủ được nó để học tập và làm việc thì hoàn toàn có
cơ hội để hiểu biết những giá trị chung của đời sống nhân loại.
g) Công nghệ thông tin và nguồn lực học tập
Các nguồn lực học tập dựa vào công nghệ thông tin chứa vô tận những tài liệu và công
cụ học tập cho mọi lĩnh vực và cho mọi người học ở các lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau,
thậm chí cả những người khuyết tật. E-learrning và các công nghệ học tập từ xa hiện nay hết
sức phổ biến, hoàn toàn nhờ công nghệ thông tin hiện đại. Internet đã tích hợp các nguồn lực
học tập từ khắp nơi trên thế giới, từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế, từ các thư viện và cơ
sở dữ liệu số của các đại học, viện nghiên cứu khoa học -công nghệ và các tổ chức nghệ
thuật. Đó là nguồn lực luôn cập nhật, dễ chia sẻ và dễ khai thác nhất từ xưa tới nay.
Vấn đề đối với sinh viên và nhà giáo khi khai thác nguồn lực học tập từ Internet toàn cầu
chính là nhu cầu và kĩ năng học tập hiện đại. Cần phải biết các từ khóa phổ biến để tìm kiếm
nguồn, có kĩ năng sử dụng các trình duyệt khác nhau để thu thập, lưu giữ và truy cập các địa
chỉ website, các thư viện và cơ sở dữ liệu trực tuyến, kĩ năng đọc nhanh bằng ngoại ngữ (chủ

yếu là tiếng Anh), có nhu cầu và văn hóa học hỏi thường trực qua trải nghiệm và chia sẻ với
những người khác, với cộng đồng học tập trên mạng.
h) Công nghệ thông tin và dạy học dựa vào tương tác
Công nghệ thông tin nâng cao những kiểu tương tác truyền thống qua lời nói và hành vi
giao tiếp thông thường, qua những thao tác học tập như tra cứu từ điển, đọc sách in, tìm và
lập thư mục, viết tóm tắt… Hầu hết những kĩ năng học tập và kĩ năng dạy học truyền thống
đều được cải thiện nhờ công nghệ thông tin. Các kĩ năng nhận thức học tập được công nghệ
thông tin trợ giúp tăng hiệu suất và tốc độ làm việc, giúp thu thập và tổ chức dữ liệu và đánh
giá tốt hơn rất nhiều vì người học tương tác nhiều hơn với học liệu. Các kĩ năng giao tiếp và
quản lí học tập lại càng được tăng cường tương tác, không chỉ về hình thức, phong cách mà
còn về hiệu quả. Một trong những kĩ năng dạy học cơ bản là thiết kế dạy học xưa kia chỉ
được hiểu đơn giản là soạn giáo án thì nay đó thực sự là thiết kế, trong đó thể hiện đồng thời
cả ý tưởng sư phạm, cả phương pháp và kĩ thuật dạy học, cả cách tổ chức nội dung và cả tiến
độ dạy học…
i) Công nghệ thông tin và nghiên cứu khoa học của sinh viên
Nếu khai thác tốt hạ tầng công nghệ thông tin ở trường và mạng lưới trường cũng như
Internet thì việc tổ chức nghiên cứu khoa học của sinh viên chắc chắn thu được hiệu quả cao
và hỗ trợ học tập rất mạnh mẽ, thậm chí góp phần thực sự vào công tác nghiên cứu khoa học
của trường. Các phần mềm quản lí khoa học và nhân sự là công cụ mạnh để tổ chức nghiên
cứu, quản lí tiến độ, tư liệu và kết quả nghiên cứu lâu dài, chính xác, dễ xuất nhập và giám
sát, thuận tiện khi đánh giá, và đặc biệt giúp ích rất nhiều khi tổng kết định kì.
k) Công nghệ thông tin và phương tiện kĩ thuật dạy học
Mặc dù rất đa năng song công nghệ thông tin hiện đại (công nghệ số hóa) không thể thay
thế một số phương tiện kĩ thuật dạy học truyền thống gắn liền với dạy học kĩ năng và rèn
luyện vận động thể chất, cũng như những phương tiện kĩ thuật phục vụ việc tổ chức và tiến
hành các thí nghiệm, thực nghiệm khoa học. Nó có thể thay thế hoặc kết hợp với rất nhiều
loại phương tiện kĩ thuật có chức năng nguồn tri thức (sách báo, từ điển, giáo trình…), biểu
diễn sự kiện, ôn tập, kiểm tra, quản lí dạy học (lịch lên lớp, thời khóa biểu, sổ liên lạc, nhật
kí…). Công nghệ thông tin hiện đại không hề có mâu thuẫn gì với các phương tiện kĩ thuật
dạy học truyền thống. Nó không chỉ kết hợp được mà còn nâng cao tính năng và trong nhiều

trường hợp thay thế phương tiện kĩ thuật dạy học truyền thống.
2.1.2. Nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin
Qua phân tích, làm rõ các chức năng của công nghệ thông tin trong dạy học, có thể đưa
ra 8 nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học như sau:
a) Công nghệ thông tin phải cải thiện hiệu quả giáo dục của dạy học và của các phương
tiện kĩ thuật khác khi được sử dụng, nâng cao hiệu suất giảng dạy.
b) Công nghệ thông tin phải tạo điều kiện và môi trường học tập thuận lợi và năng động
hơn, nâng cao kết quả học tập.
c) Công nghệ thông tin phải bảo đảm an toàn hơn cho người dạy, người học cũng như
tình trạng an toàn của các phương tiện kĩ thuật khác.
d) Công nghệ thông tin phải có khả năng tích hợp nhiều phương tiện kĩ thuật hay hệ
thống phương tiện kĩ thuật theo nguyên tắc nhất định của môn học.
e) Công nghệ thông tin phải đồng thời đáp ứng yêu cầu sử dụng cá nhân và lớp dưới
nhiều hình thức khác nhau (tại PC, tại mạng LAN, tại Internet).
f) Công nghệ thông tin không gây phức tạp và khó khăn hơn cho người dạy và người học
khi sử dụng phương tiện kĩ thuật dạy học và tiến hành dạy học.
g) Công nghệ thông tin phải bảo đảm giá thành hợp lí trong sản xuất và sử dụng phương
tiện kĩ thuật dạy học.
h) Không lạm dụng công nghệ thông tin hoặc sử dụng gò ép nếu chúng không tác động
tích cực đến học tập và giảng dạy, hoặc làm cho người sử dụng mệt mỏi, chán nản, khó chịu.
2.2. Căn cứ để đưa công nghệ thông tin vào dạy học
2.2.1. Chủng loại phương tiện kĩ thuật
Các phương tiện kĩ thuật là học cụ thì đòi hỏi sự can thiệp của công nghệ thông tin không
nhiều. Một là, do phần lớn những học cụ hiện đại chính là phương tiện kĩ thuật thông tin, thí
dụ như máy chiếu, máy tính, camera, kính hiển vi điện tử… Hai là, do công nghệ thông tin
không cần can thiệp vào một số học cụ truyền thống như thước, đồng hồ điện, giấy, bút viết,
bút vẽ, các dụng cụ học tập khác vì nếu có can thiệp cũng không mang lại hiệu quả gì hơn,
thậm chí còn có hại. Nếu phương tiện kĩ thuật là học liệu hoặc vừa là học liệu vừa là học cụ
thì nên ưu tiên áp dụng công nghệ thông tin. Các mô hình kĩ thuật (động cơ đốt trong, giải
phẫu người, cấu tạo máy móc hay kết cấu công trình…) và các quá trình trong đó rất thích

hợp với công nghệ mô phỏng.
Hầu hết các dụng cụ và phương tiện kĩ thuật cho thí nghiệm, thực nghiệm khoa học
không nên chuyển sang phần mềm. Nói chung thí nghiệm và thực nghiệm đòi hỏi sinh viên
phải thực hiện được kĩ năng thực sự, bằng tay và kĩ năng tâm vận như quan sát, ghi chép,
phân tích… Không nên lạm dụng các trình diễn thí nghiệm ảo bằng công nghệ thông tin. Đó
chỉ là trình diễn chứ không còn là thí nghiệm nữa. Khi đó sinh viên bị hạn chế ở hành động
quan sát, và cũng chỉ là quan sát các sự vật ảo. Giáo dục khoa học và giáo dục công nghệ đòi
hỏi sinh viên phải thực sự tiến hành các kĩ năng nghiên cứu trên vật liệu, đối tượng, thiết bị
và những quá trình thật.
2.2.2. Tính chất vật lí của phương tiện kĩ thuật (kích thước, hình dạng, cấu tạo…)
Một số học liệu có thể kết hợp với phương tiện công nghệ hoặc được thay thế bằng tài
liệu số hóa như:
- Các bản đồ địa lí, lịch sử, các sa bàn, mô hình, mẫu vật có kích thước lớn, có khối
lượng lớn hoặc ngược lại quá nhỏ (thí dụ mô hình chuỗi AND, cấu trúc phân tử), những mô
hình dễ gãy vỡ khi di chuyển hoặc lắp ráp phức tạp mất nhiều thời gian, các quá trình vật lí,
hóa học, các quan hệ và chuyển động phức tạp trong không gian… có thể chuyển thành bản
đồ số, đồ họa mô phỏng trong các phần mềm. Các sơ đồ động của máy công cụ, động cơ
nhiệt, các cấu kiện cơ khí hay mạch điện từ nên chuyển thành đồ họa mô phỏng để dạy học
trước khi thực hành trên thiết bị thật.
- Một số tranh, ảnh minh họa (trừ các tranh nghệ thuật) bằng giấy in hay vải có thể
chuyển thành files đồ họa hoặc ảnh số, tạo thành sưu tập trong CD-ROM hoặc dữ liệu số nào
đó.
- Sách tham khảo và sách tra cứu hầu hết có thể chuyển thành E-Book nhưng giao diện
phải tiện dụng và các kênh hình, kênh chữ phải dễ đọc, hiệu suất chuyển tải và mật độ thông
tin phải cao hơn sách in.

2.2.3. Nội dung học tập (hay tính chất sư phạm) trong phương tiện kĩ thuật
Nếu học liệu chứa nội dung luyện tập, ôn tập thì rất nên chuyển sang dạng số hóa vì công
nghệ lúc này hoàn toàn bảo đảm cung cấp thông tin, hệ thống hóa và tổ chức các liên hệ nội
dung học tập tốt hơn rất nhiều so với tài liệu in và so với mọi lời giải thích của giáo viên.

Những tài liệu chủ yếu hướng dẫn kĩ năng có tính thuật giải như tests, qui trình giải mạch
điện, qui trình canh tác lúa, học ngoại ngữ… nên chuyển thành phần mềm huấn luyện.
Những vấn đề trừu tượng trong văn học, nghệ thuật, chính trị, triết học… cần được hỗ trợ
bằng các nguồn khác nhau. Các nguồn này được cung cấp và khai thác rất hiệu quả bằng
công nghệ thông tin và phần mềm. Tuy vậy các trình diễn ảo hoặc các tài liệu số hóa chỉ có
thể minh họa chứ không thể thay thế việc trực tiếp dạy và luyện tập các kĩ năng nghệ thuật.
2.2.4. Mục tiêu, yêu cầu về phương pháp dạy học của môn học
Nếu mục tiêu môn học, bài học cụ thể qui định sinh viên phải thực hành các thao tác
chân tay hoặc trí óc thì không thể thay học liệu hay học cụ bằng công nghệ thông tin được.
Chẳng hạn, sinh viên phải tập kĩ năng gia công vật liệu, làm chế bản điện tử, phẫu thuật các
tiêu bản thực vật, động vật, rèn luyện các kĩ năng vận động, âm nhạc, hội họa… thì các em
phải tiến hành các hoạt động vật chất thực sự. Phần mềm và công nghệ thông tin chỉ hỗ trợ việc
tổ chức học tập, trình bày báo cáo, xử lí số liệu và biểu diễn kết quả.
Rất nhiều kĩ năng học tập mà các môn học đòi hỏi được thể hiện trong thiết bị (đặc biệt
trong dụng cụ thực nghiệm, tài liệu thực hành) nhằm nâng cao tính tích cực học tập của sinh
viên từ những hành vi vật chất cảm tính. Điều này công nghệ thông tin không thay thế được
và cũng không nên lạm dụng.
Trên nguyên tắc, những yêu cầu rèn luyện kĩ năng (khoa học, công nghệ, nghệ thuật và
kĩ năng xã hội) cần được tôn trọng và không được thay thế bằng phần mềm hay công nghệ
mô phỏng. Thí dụ, kĩ năng nối hai đoạn dây điện trong mạch điện, kĩ năng trồng một cái
cây… được thực hiện một cách vật chất thì tác động tâm lí và văn hóa khác hẳn khi nó được
thực hiện trong môi trường ảo. Sinh viên cần được trải nghiệm thực sự những hành động thực
sự này, chứ không phải trải nghiệm những kĩ năng sử dụng con chuột và bàn phím computer.
Trong học Toán hay Ngôn ngữ cũng vậy. Kĩ năng kẻ vẽ các hình hình học, biến đổi các hình,
tính toán và giải các bài toán khác nhau cũng không nên thay bằng kĩ năng sử dụng chuột,
bàn phím và các phần mềm đồ họa.
2.2.5. Khả năng của phần mềm và các giải pháp công nghệ thông tin
Phần mềm hay các giải pháp công nghệ thường bị hạn chế khá nhiều về chức năng sư
phạm nên nói chung chúng không bao giờ thay thế hoàn toàn các phương tiện kĩ thuật dạy
học truyền thống. Nếu thiết bị chủ yếu có chức năng trình bày thông tin và minh họa thì công

nghệ thông tin và phần mềm được sử dụng phải có chức năng tương tự. Nếu thiết bị có chức
năng học cụ hay công cụ hoạt động thì phải sử dụng công nghệ thông tin và phần mềm
Multimedia.
2.2.6. Mục đích áp dụng công nghệ thông tin
Trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở đại học, cần xác định rõ tính
mục đích, cụ thể như sau:
- Mục đích là quản lí học tập thì phải áp dụng công nghệ và phần mềm quản lí phù hợp.
- Mục đích là kích hoạt quá trình học tập thì phải áp dụng các công nghệ đa tương tác và
hấp dẫn sinh viên.
- Mục đích là giảm nhẹ lao động của giáo viên thì phải áp dụng các công nghệ và phần
mềm có chức năng hỗ trợ, hiệu suất cao.
- Mục đích là đánh giá sinh viên và kết quả học tập thì phải áp dụng các công nghệ và
phần mềm đo lường, đánh giá.
- Mục đích là cung cấp tài liệu nguồn cho sinh viên thì phải áp dụng các cơ sở dữ liệu và
công cụ tra cứu, tìm kiếm thông tin.
2.2.7. Mức độ phù hợp giữa công nghệ thông tin và phương tiện kĩ thuật
Giữa phương tiện kĩ thuật và công nghệ thông tin phải có sự phù hợp nhất định, đặc biệt
về giá trị sư phạm. Nếu như công nghệ mô phỏng không thể phản ánh đúng nội dung và giá
trị nghệ thuật của tác phẩm văn học thì không nên sử dụng. Những phương tiện, dụng cụ thí
nghiệm căn bản chỉ được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin chứ không thể bị thay thế hoàn
toàn bằng công nghệ thông tin.
2.2.8. Tình trạng trang bị phương tiện kĩ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin của
trường hay địa phương
Nếu tình trạng mạng thông tin còn chưa đủ đáp ứng việc áp dụng các công nghệ thông
tin nào đó thì đương nhiên không nên gượng ép đưa vào trường, tránh lãng phí. Trong trường
hợp địa phương hay trường còn yếu kém về nhân sự kĩ thuật thì nên tập trung sử dụng hiệu
quả các thiết bị bình thường, không nên gượng ép đưa những công nghệ thông tin mới lạ
chưa biết cách khai thác vào dạy học.
2.3. Tương lai của công nghệ thông tin trong dạy học
2.3.1. Môi trường học tập đa phương tiện, đa tương tác

Có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin dù dưới hình thức nào, môi trường học tập lập tức
trở nên giàu thông tin hơn, nhiều cơ hội hoạt động và suy nghĩ hơn, nhiều tương tác hơn giữa
người học với nhau, giữa người học và người dạy, giữa cá nhân và nhóm, giữa người học và
học liệu, phương tiện học tập, giữa quá trình học tập và các điều kiện môi trường… Môi
trường học tập Multimedia thường cởi mở, năng động, hấp dẫn và tạo điều kiện sáng tạo cho
người học. Đây là xu thế ngày càng diễn ra mạnh mẽ trong tương lai.
2.3.2. Nguồn lực học tập mở và chia sẻ được ở qui mô toàn cầu
Công nghệ thông tin ngày nay và sau này luôn và sẽ càng là công cụ mạnh lưu trữ, quản
lí các nguồn lực học tập (Learning Resources) có dung lượng hầu như vô hạn và có thể phân
phối, chia sẻ ở bất cứ đâu, đến mọi nơi trên thế giới, dựa vào mạng Internet toàn cầu và các
mạng thông tin, mạng xã hội và mạng học tập của nhiều quốc gia. Nhờ nguồn lực học tập số
hóa vô tận này mà người ta có thể học ở mọi nơi, mọi chỗ và học bất cứ cái gì nếu muốn học.
Khi chưa có công nghệ thông tin số hóa thì không thể có nguồn lực học tập phong phú, cơ
động và rộng lớn như thế này. Nó mở rộng khái niệm học tập và hỗ trợ hiệu quả cho học độc lập
của mỗi người, đào tạo từ xa và học tập suốt đời.
2.3.3. Phương tiện dạy học ảo và hiệu quả
Các phương tiện dạy học số hóa rõ ràng rẻ hơn, nhẹ nhàng hơn, cơ động hơn và dễ thay
đổi hơn rất nhiều so với các phương tiện vật thật. Chỉ nói về học liệu thôi thì riêng ổ cứng
máy tính cũng chứa được hàng chục hay hàng trăm ngàn cuốn sách điện tử, gọn nhẹ và dễ
quản lí, dễ khai thác hơn rất nhiều so với các phòng và giá sách in truyền thống. Ngoài ra có
nhiều tài liệu học tập media (động) đòi hỏi phải xây dựng, thiết kế, lưu trữ, bảo quản và khai
thác bằng công nghệ thông tin chứ không thể in ra như trước được. Các phần mềm đa tương
tác hiện nay ngày càng tăng cường vai trò học cụ, tức là làm công cụ hoạt động trong học tập
và giảng dạy. Trong tương lai phần mềm giáo dục sẽ tăng cường vai trò công cụ và kết hợp
tốt hơn nó với vai trò nguồn thông tin để hỗ trợ học tập toàn diện hơn.
2.3.4. Phương tiện quản lí dạy học minh bạch và hiệu quả cao
Các hồ sơ quản lí dạy học (giảng dạy, học tập, giảng viên, sinh viên, học liệu, học cụ,
thời gian, tiến độ dạy học…) gọn nhẹ và chính xác hơn, dễ cập nhật hơn rất nhiều khi có sự
hỗ trợ của công nghệ thông tin. Nhưng giá trị nổi bật hơn cả của công nghệ thông tin trong
quản lí chuyên môn chính là tính công khai, minh bạch của hồ sơ và quá trình quản lí. Những

sửa đổi tùy tiện trong hồ sơ (ví dụ điểm, lí lịch, thời gian, công việc…) được quản lí bằng
công nghệ thông tin sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì chúng đã công khai trên diễn đàn, website của
trường hay cơ quan quản lí giáo dục. Vì vậy, ngoài việc làm nhẹ lao động thể chất của người
dạy, người học và nhà quản lí, công nghệ thông tin ngày càng góp phần tích cực vào quá trình
dân chủ hóa, công khai, minh bạch trong quản lí dạy học.
3. KẾT LUẬN
Trong quá trình dạy học, sử dụng công nghệ hiện đại đúng cách sẽ mang lại nhiều hiệu quả
tích cực. Tuy nhiên, nếu sử dụng không phù hợp, lạm dụng sẽ dẫn tới phản tác dụng.
Qua phân tích ở trên cho thấy cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng
công nghệ thông tin trong dạy học, nhất là dạy học ở trường đại học để góp phần vào công
cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Andrew Kim, ICT in Education with Teaching MATE Suite, Daul Soft Co., Ltd, Korea,
2008.
2. Dang Xuan Thu, Howard Nicholas & Ramon Lewis, ICT Training & ICT Use Among
Vietnamese Foreign Language Teachers, La Trobe University, Australia, 2012.
3. Đặng Thành Hưng, Công nghệ thông tin và thiết bị dạy học ở trường trung học phổ
thông, Tạp chí Khoa học giáo dục, số 21/6/2007, tr.44-46, 2007.
4. Päivi ATJONEN, Siu Cheung LI, ICT in Education in Finland and Hong Kong. An
Overview of the Present State of the Educational System at Various Levels. Informatics
in Education, 2006, Vol. 5, No. 2, pp.183-194- Institute of Mathematics and Informatics,
Vilnius, Finland, 2006.
5. UNESCO, Applications of ICT in Education, Bangkok, Thai Land, 2011.
6. UNESCO, ICT for higher education - case studies from Asia and the Pacific. Bangkok,
Thai Land, 2011.
INFORMATION TECHNOLOGY
AND TEACHING - STUDYING AT UNIVERSITIES
Dang Thanh Hung, Nguyen Khai Hoan

Abstract

Applying information technology in order to enhance activeness in teaching and studying
is an indispensable trend in the time of technology. Information technology provides people
with various functions, such as gathering, processing, storing, communicating data and lots
of others. Applying information technology in teaching and studying at universities is a vital
demand to get a better teaching and studying. This article presents some aspects of
information technology and teaching - studying at universities.

×