Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Chất lượng tăng trưởng kinh tế ở việt nam từ một số mục tiêu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (314.28 KB, 7 trang )

CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM TỪ MỘT
SỐ MỤC TIÊU
Nguyễn Thị Nhung
1

Tóm tắt: Một trong những vấn đề mà các quốc gia trên thế giới quan tâm hàng đầu là tăng
trưởng kinh tế. Tuy nhiên Việt Nam trong những năm qua chủ yếu vẫn là tăng trưởng nóng,
tăng trưởng theo chiều rộng. Để phát triển kinh tế bền vững chúng ta cần quan tâm đến chất
lượng tăng trưởng: như tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng phải bảo vệ môi trường.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Có nhiều cách tiếp cận vấn đề chất lượng tăng trưởng kinh tế. Chất lượng tăng trưởng
kinh tế là sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của nền kinh tế, thể hiện qua năng suất
các nhân tố tổng hợp tăng và ổn định, mức sống của người dân được nâng cao không ngừng,
cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với từng thời kì phát triển, sản xuất có tính cạnh tranh
cao, đi theo đó là tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, quản lí kinh tế của nhà
nước có hiệu quả…[3]. Khác với chất lượng tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế
phản ánh mặt ngoài của quá trình tăng trưởng, thể hiện mức độ lớn, nhỏ, nhanh, chậm của
việc mở rộng qui mô của nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng
kinh tế là hai mặt của một vấn đề, có quan hệ biện chứng và thống nhất với nhau. Trong quá
trình phát triển kinh tế, việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đồng thời nâng cao
chất lượng tăng trưởng kinh tế, điều đó mới tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững.
Như vậy, chất lượng tăng trưởng kinh tế thể hiện qua các đặc trưng sau:
- Tốc độ tăng trưởng cao và được duy trì trong một thời gian dài.
- Tăng trưởng có hiệu quả, thể hiện qua năng suất lao động cao và ổn định, và đóng góp
của TFP cao (hệ số tổng hợp các yếu tố như sự thay đổi công nghệ, tăng trưởng kĩ năng sản
xuất, vốn nhân lực và các yếu tố khác liên quan tới tăng trưởng kinh tế).
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn
phát triển.
- Nền kinh tế có tính cạnh tranh cao.
- Tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo hài hòa đời sống xã hội.


- Tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái - Quản lí có hiệu quả
của Nhà nước [3].
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2000 đến nay
Thành công:

1
ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2
Trong hơn hai thập niên qua, kể từ khi áp dụng những chính sách cải cách kinh tế toàn
diện với nội dung cốt lõi là sự kết hợp của tự do hóa, ổn định hóa, thay đổi thế chế, cải cách
cơ cấu và mở cửa ra nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng
ghi nhận.
Tốc độ tăng GDP trong giai đoạn 2000 cho đến hết cuối năm 2007 liên tục tăng (biểu đồ
2.1) và ở mức độ cao như năm 2005 lên tới 8,44%, năm 2007 là 8,48%. Tuy nhiên, đến năm
2008 và năm 2009 tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm xuống một cách nhanh chóng do chịu
ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Điều này đã làm cho
tốc độ tăng GDP của năm 2008 chỉ là 6,23% và năm 2009 thì chỉ ở mức 5,32%, nhất là từ
năm 2011 đến nay (2011 tăng 6.24 %, năm 2012 tăng 5.25% và 2013 tăng 5.42%)
Biểu đồ 2.1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2002 - 2012

Nguồn: Tổng cục thống kê
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2000 - 2012 vẫn ở mức
độ cao 7,261% . Các chỉ số này thể hiện một xu hướng phục hồi rõ rệt của nền kinh tế Việt
Nam sau khi khủng hoảng kinh tế.
Bên cạnh đó, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng có những cải thiện.
Nếu như năm 2002 thu nhập bình quân đầu người chỉ là 441 USD thì đến năm 2008 đã tăng
lên là 1070 USD; năm 2012 tăng lên là 1540 USD. Như vậy, từ năm 2000 cho đến nay
GDP/người của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần.
Tăng trưởng kinh tế ổn định được thể hiện tỉ lệ thất nghiệp giảm: đây là một trong những
mặt tích cực phản ánh sự nỗ lực khá lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm hàng năm. Cụ

thể theo năm 2006 cả nước là 2.1 % trong khi đó khu vực thành thị là 4,8% nhưng đến năm
2011 cả nước có 2.3 % và khu vực nhà nước tỷ lệ này giảm còn 3,6%. Điều này, thể hiện Việt
Nam không chỉ quan tâm đến tăng trưởng mà còn quan tâm đến tăng trưởng phải giải quyết
được việc làm[3].
Tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn có sự đổi mới cơ cấu kinh tế: từ năm 2000 đến nay,
đổi mới về cơ cấu ngành kinh tế được thực hiện trên một số mặt chủ yếu: xét về tổng thể cơ
cấu ngành kinh tế ở Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng hiện đại: tỷ trọng nhóm
ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục giảm, tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây
dựng tăng lên, tỉ trọng nhóm ngành dịch vụ đã chặn lại được sự giảm sút liên tục trong 10
năm. Cơ cấu thành phần kinh tế cũng có sự chuyển biến khá rõ nét, thể hiện sự tham gia ngày
càng nhiều và sâu rộng của khu vực ngoài quốc doanh, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư
nước ngoài vào các hoạt động kinh tế. Theo xu hướng này, tỉ trọng trong GDP của kinh tế
nhà nước giảm xuống, tỉ trọng trong GDP của khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn
đầu tư nước ngoài tăng đánh dấu những bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở nước
ta.
Về Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: mặc dù chỉ số cạnh tranh tổng hợp toàn cầu năm
2009 của Việt Nam chưa có cải thiện nhưng Diễn đàn Kinh tế thế giới vẫn đánh giá Việt Nam
đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh kể từ 2001 (năm đầu tiên Việt
Nam được Diễn đàn Kinh tế xếp hạng), thậm chí về trung và dài hạn, Việt Nam có nhiều
điểm mạnh và có tiềm năng tăng trưởng cao “rất giống với Trung Quốc”.
Về tiến bộ và công bằng xã hội: đánh giá mảng giáo dục chúng ta thấy trong những năm
qua sự nghiệp giáo dục phát triển mới về qui mô, đa dạng hóa các loại hình trường lớp từ
mầm non, tiểu học đến cao đẳng, đại học. Trong báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm
2005, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO đánh giá về tiến
bộ thực hiện mục tiêu “giáo dục cho tất cả đến năm 2015” do Liên hợp quốc đề ra, chỉ số
giáo dục cho tất cả của nước ta được xếp vị trí 64/127 nước được xếp hạng, đứng trên một số
nước trong khu vực như Indonesia, Philipin, Ấn Độ.
Kết quả tăng trưởng cũng đem lại những thay đổi quan trọng với lĩnh vực y tế. Hệ thống
y tế tạo điều kiện cho tất cả người dân có nhu cầu đều được thụ hưởng các dịch vụ khám,
chữa bệnh ở các bệnh viện công và bệnh viện ngoài công lập. Số lượng cán bộ ngành y gia

tăng nhanh chóng. Nhờ đó, những chỉ tiêu về sức khoẻ người dân Việt Nam được nâng cao rõ
rệt trong những năm qua. Về tuổi thọ bình quân, nếu như năm 1990 mới đạt 64,8 tuổi, năm
1995 là 65,2 tuổi, 70,9 tuổi năm 2006, đến năm 2011 trên 75 tuổi, tuổi của phụ nữ cao hơn
nam giới từ 4-5 tuổi.
Chỉ số HDI của Việt Nam được đánh giá là nước tiến nhanh nhất trong các nước Ðông -
Nam Á (ASEAN) về tăng chỉ số HDI. Ðây là bằng chứng và là sự ghi nhận của cộng đồng
quốc tế đối với nỗ lực của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp phát triển
kinh tế gắn liền với sự quan tâm phát triển con người. Theo báo cáo về tình hình phát triển
con người năm 2011 do chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy chỉ số HDI
Việt Nam được 0,593 điểm và được xếp vào các nước có chỉ số phát triển HDI tăng cao.
Bảng 2.2: Chỉ số phát triển của con người (HDI) của Việt Nam từ
1990 - 2011

(Theo: Báo cáo phát triển con người các năm UNDP)
Một số hạn chế:
Trong những năm qua, tỉ lệ vốn đầu tư/GDP của Việt Nam ở mức rất cao. Năm 2001:
35,4%; 2002: 37,4%; 2003: 39%; 2005: 40,9%; 2007: 45,6% (vượt cả Trung Quốc là nước
giữ kỉ lục trong nhiều năm về tỉ lệ vốn đầu tư so với GDP); năm 2008: 43,1%. Rõ ràng đây là
những con số cho thấy đầu tư ở Việt Nam còn rất hạn chế. Hiệu quả đầu tư thấp có nhiều
nguyên nhân: đối với vốn đầu tư khu vực nhà nước thường bị co kéo, dàn trải, qui hoạch còn
thiếu tầm nhìn xa trông rộng, chi phí giải phóng mặt bằng lớn, thi công chậm, tỉ lệ thất thoát
lãng phí lớn… Đối với vốn ngoài nhà nước, đặc biệt là vốn của dân cư, thường chưa dồn đầu
tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, mà còn chạy lòng vòng ở nhiều kênh khác nhau (chứng
khoán, bất động sản, vàng, USD…) tạo ra các cơn sốt giá.
Trong phần đánh giá tiến bộ và công bằng xã hội ở trên, chúng ta đã thấy được là trong
những năm qua cùng với mức độ tăng trưởng cao thì tình trạng bất bình đẳng đã gia tăng mặc
dù tỉ lệ hộ nghèo đã giảm xuống. Và từ việc phân tích tình hình biến đổi về thu nhập của các
nhóm dân cư cho thấy, người giàu hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, mức độ cải
thiện thu nhập của người nghèo chậm hơn nhiều so với mức sống chung và đặc biệt so với
nhóm có mức sống cao. Điều này làm cản trở đến việc nâng cao chất lượng tăng trưởng

chung của nền kinh tế. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam
là do trong những năm qua, Việt Nam đã chọn mô hình trăng trưởng và cơ chế phân bổ
nguồn lực chưa hợp lí. Việc định hướng ưu tiên phân bổ nguồn lực cho doanh nghiệp, ngành
và dự án dùng nhiều vốn, ưu ái các vùng có khả năng tăng trưởng cao đã tạo ra sự bất cân đối
giữa các vùng miền và làm gia tăng bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế nhà nước và khu vực
tư nhân. Thêm vào đó, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã dẫn đến tình trạng mất đất
của nông dân. Ở Đồng bằng sông Mêkông, 1/3 người nghèo nông thôn không có đất, và tỉ lệ
người dân mất đất đã tăng gấp đôi. Hệ quả là nguồn thu nhập chính của họ bị giảm sút mạnh,
khiến khoảng cách nông thôn và thành thị ngày càng gia tăng. Đó là chưa kể quá trình chuyển
đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường cũng tạo ra những cú sốc và tổn
thương đối với tầng lớp lao động và người nghèo ở nước ta. Do vậy, hạn chế trong khả năng
tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội cũng làm gia tăng bất bình đẳng. Bất bình đẳng gia tăng
làm cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng gặp nhiều khó khăn.
Tăng trưởng kinh tế nhưng đối mặt với vấn đề cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, một đất nước dù có tài nguyên thiên nhiên dồi dào đến đâu
cũng khó thể trở nên thịnh vượng và phát triển tốt đẹp nếu không có cách ứng xử đúng mực.
Đây cũng là tình trạng của chúng ta khi tài nguyên thiên nhiên được xem là phong phú, với
trên 5.000 mỏ và khoảng 60 loại khoáng sản, nhưng vẫn không làm đất nước giàu lên, đặc
biệt người dân sống ngay trong khu vực chứa đựng tài nguyên vẫn bị cái nghèo đeo bám.
2.2. Các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Trước hết, tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm nâng cao trình độ khoa học
công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn.
Tiếp theo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả các chính sách khuyến khích
đầu tư trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân.
Đồng thời, tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài nước, cụ thể là FDI
và ODA.
Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là nhân tố chính quyết định tốc độ
và chất lượng của tăng trưởng kinh tế.

Nhà nước có chính sách thiết thực khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có kinh
nghiệm, có trình độ quản lí thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo
người lao động.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần có chính sách
hình thành và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của 5 loại thị trường cơ bản: thị trường hàng hoá
- dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường khoa học - công nghệ và thị trường
bất động sản.
Giải pháp nhằm hạn chế quá trình tăng trưởng cao nhưng kéo theo tình trạng gia
tăng bất bình đẳng
Với nhận thức thúc đẩy tăng trưởng nhanh một cách bền vững, đạt được thành công về
giảm nghèo, đồng thời vẫn duy trì một xã hội tương đối công bằng trong suốt công cuộc đổi
mới cho đến nay. Quan điểm tổng quát mà Đảng ta đã khẳng định là “tăng trưởng kinh tế
phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình
phát triển”. Muốn vậy, cần cụ thể hoá bằng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, đa
sở hữu phải triệt để khắc phục những tàn dư của chế độ phân phối bình quân, “cào bằng”,
chia đều các nguồn lực và của cải làm ra, bất chấp chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh
và sự đóng góp công sức, trí tuệ, tài sản của một người cho sự phát triển chung của đất nước.
Thứ hai, để thực hiện công bằng trong kinh tế điều quan trọng trước hết là cần đảm bảo
công bằng về cơ hội làm việc, bình đẳng trong việc sử dụng các nguồn lực phát triển, và được
đối xử bình đẳng trong các hoạt động làm ăn kinh doanh theo pháp luật.
Thứ ba, để thực hiện được tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội trong
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò quản lí và điều tiết vĩ mô của Nhà
nước là hết sức quan trọng.
Giải pháp để phát triển “bình đẳng và cân đối” giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ
môi trường
Một là, thay đổi nhận thức của các chủ thể kinh tế theo định hướng mới cần thiết về phát
triển kinh tế (cả cấp vĩ mô và vi mô) trong việc ngăn cản sự chuyển biến nhanh những nhận
thức về sinh thái trong hoạt động kinh tế, chấm dứt cách tư duy: một nền kinh tế hài hòa với
môi trường sẽ làm thiệt hại đến mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế thật cao là vấn đề

trọng tâm cần làm trước còn việc bảo vệ môi trường thì sẽ thực hiện sau và có thừa tiền để
sửa sai nếu xảy ra ô nhiễm môi trường… Xã hội hoá giáo dục môi trường cần được thực hiện
và triển khai nhanh chóng đối với các chủ thể kinh tế.
Hai là, việc đưa các vấn đề môi trường vào trong quá trình lập kế hoạch phát triển quốc
gia nói chung, trong phát triển kinh tế nói riêng phải được coi là một trong những giải pháp
quan trọng để vượt qua thách thức về môi trường; cần sớm đưa bảo vệ môi trường thành một
ngành kinh tế, thành chính sách kinh tế điều tiết hoạt động phát triển.
Ba là, giảm thiểu giới hạn mâu thuẫn giữa hệ thống kinh tế và hệ thống sinh thái thông
qua việc thích ứng mục tiêu kinh tế và cách thức tác động nó vào nhu cầu sinh thái.
Bốn là, áp dụng biện pháp kinh tế trong quản lí môi trường: đánh thuế các sản phẩm có
thể và gây ô nhiễm môi trường, thu lệ phí với các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm môi trường,
cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lí các vi
phạm về môi trường của các tổ chức, cá nhân theo Luật Môi trường ban hành; ưu đãi, đầu tư
cho các hoạt động kinh tế thân thiện, cải thiện với môi trường tự nhiên.
Giải pháp tăng trưởng kinh tế cao đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
- Thực hiện triệt để việc cải cách hành chính và đổi mới phương thức quản lí nhà nước,
giảm thiểu tối đa những cơ chế đòi hỏi có sự xét duyệt cấp phép trực tiếp của cơ quan quản lí
nhà nước, thúc đẩy việc phát triển các tổ chức dịch vụ của hiệp hội ngành nghề thực hiện
chức năng dịch vụ công thay cho các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh việc xây dựng “chính phủ
điện tử”, nâng cao tính minh bạch, công khai công việc của các cơ quan chính quyền…
- Tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu nền kinh tế, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, tập trung nâng
cao nhanh năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế.
- Nghiên cứu, xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp với các quy
định của WTO, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có được các thông tin về thị trường và xúc tiến
thương mại ở nước ngoài; xây dựng các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu,
nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập….
- Tập trung quan tâm giải quyết các vấn đề kết cấu hạ tầng như cung cấp điện, hệ thống
hạ tầng giao thông và thông tin cho nền kinh tế, khắc phục tình trạng yếu kém của kết cấu hạ
tầng để không ảnh hưởng gây ách tắc đến quá trình phát triển và chiến lược hội nhập. Cần
nhanh chóng xây dựng chiến lược khả thi với lộ trình tích cực để căn bản khắc phục được

những ách tắc này cho quá trình phát triển.
- Tạo một bước chuyển biến cơ bản trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ hội
nhập kinh tế quốc tế, nâng cao trình độ đào tạo trong nước để đáp ứng được đòi hỏi của thực
tiễn, tạo nguồn kinh phí và có chính sách cho đi đào tạo nước ngoài, bố trí công việc và cải
cách chế độ tiền lương hợp lí
- Xây dựng chính sách khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia
vào hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại, đồng thời mở rộng đầu tư về nước, giới
thiệu bạn hàng mua bán cho các doanh nghiệp trong nước và tham gia vào việc phân phối,
tiêu thụ hàng Việt Nam tại nước ngoài.
3. KẾT LUẬN
Như vậy, tỷ trọng đóng góp của các yếu tố đưa tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn ở
cao trong khi yếu tố quan trọng nhất để làm cho nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu thì
vẫn còn rất khiêm tốn. Đây sẽ là những nhân tố chính làm cho tăng trưởng không bền vững.
Đồng thời, với những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới như là bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế
tri thức sẽ là những thách thức vô cùng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Điều quan trọng
nhất trong giai đoạn tới chính là phải tăng nhanh tỷ trọng của yếu tố năng suất các nhân tố
tổng hợp vào tăng trưởng GDP thông qua đầu tư vào vốn nhân lực và tiếp nhận hiệu quả sự
chuyển giao công nghệ. Đây chính là yếu tố cơ bản để nâng cao sự tích lũy vốn vật chất, tạo
nên sự tăng trưởng TFP cao hơn và từ đó duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và nâng cao
chất lượng kinh tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Thị Giáng Hương, Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của một số nước ASEAN và
bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế chính trị, 2006.
2. Nguyễn Trần Quế, Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở một số nước châu Á và
Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 1998.
3. Thời báo kinh tế Việt Nam năm 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013.
4. Edward K. Y. Chen, The Total Factor Productivity Debate: Determinants of Economic
Growth in East Asia, Asia - Pacific Economic Literature, No.11, 1997.
5. Medhi Krongkaew, Income Distribution in East Asian Developing Countries, Asia -
Pacific Economic Literature, No.8, 1994.

6. Shahid Yusuf, Remodelling East Asian Development, Asean Economic Bulletin, No.4,
2002.
QUALITY OF ECONOMIC GROWTH IN VIETNAM FROM A NUMBER
OF GOALS
Nguyen Thi Nhung
Abstract
One of the problems that the nations of the world are interested in leading economic
growth. In Vietnam, in recent years mainly hot growth, growth in width. To develop a
sustainable economy we need to consider the quality of growth: as intensive growth, growth
to protect the environment

×