Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Tiền giả định ngữ dụng trong ca dao tình yêu của người việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (237.52 KB, 6 trang )

TIỀN GIẢ ĐỊNH NGỮ DỤNG TRONG CA DAO TÌNH YÊU
CỦA NGƯỜI VIỆT
Vũ Thị Tuyết
1

Tóm tắt: Tiền giả định ngữ dụng là căn cứ quan trọng để tìm hiểu các bài ca dao tình yêu.
Đó là những hiểu biết của độc giả về nhiều lĩnh vực của đời sống và của ngôn ngữ. Trong đó,
có tiền giả định ngữ dụng về từ chỉ xuất (xưng hô) và hành vi ngôn ngữ. Bài viết này tập
trung tìm hiểu về tiền giả định về từ xưng hô và hành vi hỏi - đáp trong 1920 bài ca dao tình
yêu.

1. MỞ ĐẦU
Tiền giả định là một trong những phạm trù cơ bản của ngôn ngữ học. Việc nắm được tiền
giả định là một trong những căn cứ cơ bản để hiểu nội dung trong các phát ngôn. Tiền giả
định (kí hiệu là pp’) “là những căn cứ cần thiết để người nói tạo ra ý nghĩa tường minh trong
phát ngôn của mình” [1, II, 362]. Ca dao tình yêu là một loại hình văn học dân gian đặc sắc.
Để hiểu ý nghĩa của các bài ca dao, người đọc phải giải mã các lớp ý nghĩa ẩn sâu trong các
đơn vị ngôn ngữ. Bước đầu tiên của quá trình đó chính là việc người đọc nhận thức được tiền
giả định - đó là những hiểu biết được xem là có sẵn của độc giả, bất tất phải bàn cãi. Tiền giả
định khá đa dạng và phong phú có những tri thức tiền giả định mang tính bách khoa (tiền giả
định bách khoa) và có những tri thức mang lại do những dấu hiệu ngôn ngữ, một trong những
dấu hiệu ngôn ngữ đó chính là các dấu hiệu ngữ dụng. Loại tiền giả định đó được gọi là tiền
giả định ngữ dụng. Bài viết sau đây, sẽ vận dụng lí thuyết về tiền giả định ngữ dụng vào
nghiên cứu 1920 bài ca dao tình yêu với hi vọng làm rõ những yếu tố ngữ dụng xuất hiện
trong các bài ca dao với tư cách là những dấu hiệu làm rõ nội dung các đơn vị lời ca.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Tiền giả định ngữ dụng là một trong những căn cứ cần thiết mà người đọc cần phải có
khi tìm hiểu các bài ca dao tình yêu. Hệ thống tiền giả định ngữ dụng rất đa dạng, phong phú.
Qua quá trình khảo sát và phân loại những bài ca dao tình yêu chúng tôi đã thu được kết quả
về các loại tiền giả định ngữ dụng của các từ chỉ xuất và tiền giả định hành vi ngôn ngữ như
sau:


Tiền giả định ngữ dụng trong ca dao tình yêu của người Việt
Tiền giả định ngữ dụng
Số bài
Tỉ lệ %
Tiền giả định về từ xưng hô
1407
73,3
Tiền giả định về kết cấu trao - đáp
513
26,7
Kết quả khảo sát và thống kê cho thấy rằng số lượng tiền giả định ngữ dụng về từ xưng
hô xuất hiện khá nhiều chiếm 73,3 % và đây chỉ là những từ cặp từ xưng hô điển hình nhất.

1
ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2
Từ xưng hô xuất hiện nhiều như vậy bởi vì chủ thể trong các bài ca dao là con người nên tất
nhiên phải có sự xuất hiện của các đại từ xưng hô (từ chỉ xuất). Qua khảo sát, chúng tôi nhận
thấy rằng trong hai hình thức của tiền giả định ngữ dụng thì tiền giả định về các từ chỉ xuất
xuất hiện rất lớn trong khi đó tiền giả định về hành vi ngôn ngữ - đó là những bài ca dao được
xây dựng theo kết cấu đối đáp xuất hiện ít hơn. Mặc dù vậy, nó cũng góp phần làm đa dạng
các loại kết cấu và cũng là dấu hiệu ngôn ngữ giúp độc giả hiểu rõ hơn các bài ca dao tình
yêu.
Các từ chỉ xuất có tiền giả định ngữ dụng là các điều kiện sử dụng chúng. Các từ chỉ xuất
trong các bài ca dao tình yêu chính là các đại từ xưng hô. Có những bài ca dao đại từ xưng hô
chỉ xuất hiện một mình song phần đa các đại từ xưng hô thường xuất hiện thành từng cặp và
những cặp này phải có sự tương hợp với nhau. Đó là những đại từ xưng hô đích thực như:
anh - em, chàng - thiếp, anh - tôi, bậu - qua, chàng - em, tôi - mình… và còn có cả những bài
ca dao sử dụng những từ chỉ xuất mang tính lâm thời. Khảo sát và thống kê trong kho tàng ca
dao người Việt, chúng tôi nhận thấy rằng cặp đại từ xưng hô được sử dụng nhiều nhất là anh
- em có mặt trong 537 bài chiếm 17,9 % các bài ca dao tình yêu. Đây là cặp đại từ xưng hô

được sử dụng nhiều nhất và phổ biến nhất. Anh - em là cách xưng hô có thể sử dụng đa dạng
và linh hoạt trong mọi hoàn cảnh: trong tình yêu đơn phương, tương tư, đau khổ… trong tình
yêu. Cách xưng hô này được các nhân vật trữ tình lựa chọn để làm điểm tựa giãi bày tâm tư,
tình cảm của mình. Cặp anh - em thể hiện sắc thái tình cảm tự nhiên, gần gũi và phổ biến
nhất. Hàng rào ngăn cách đã được khai thông; sự e ấp của cái thuở “Tình trong như đã mặt
ngoài còn e” qua đi để sang một bước ngoặt mới về tình cảm.
Em thương anh như chỉ buộc trọn vòng
Anh đừng bạc dạ đem lòng quên em.
(4, Quyển 1, tr.1075)
Cách xưng hô này giúp cho người đọc cảm nhận được màu sắc của tình yêu. Đây là cách
xưng hô của những người còn trẻ và đồng trang lứa và có sự gần gũi trong giao tiếp. Đó là
tiền giả định mà người đọc có thể nhận thức qua cách xưng hô này.
Trong tình yêu, những chàng trai - cô gái có thể lựa chọn rất nhiều từ ngữ khác nhau để
xưng hô và mỗi cách xưng hô đó lại tiền giả định những ý nghĩa nhất định. Có một cách xưng
hô mà nhân vật trữ tình sống trong vùng phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ thường sử dụng
là bậu - qua. Bậu - qua là cách xưng hô rất thân thiết, dân giã và đầy tình cảm của người
miền Trung, Nam Bộ. Và người đọc cũng biết được rằng đây là cách xưng hô của những
người đồng trang lứa. “Qua” là đại từ, ngôi thứ nhất, dùng riêng rẽ là từ xưng hô của người
lớn tuổi với người nhỏ tuổi, nghĩa là tôi, ta (cô, chú, bác, anh, chị). Khi dùng chung với “bậu”
nghĩa là anh, là cách xưng hô của chồng với vợ hoặc của người con trai xưng vớicô gái anh
yêu. “Bậu” cũng là đại từ, ngôi thứ hai, nghĩa là người vợ hay người yêu hay người con gái
được mến chuộng. Trong tiếng Việt phương Nam, “bậu” luôn luôn ngôi thứ hai (nữ) với
nghĩa là mình, em yêu, nàng (người con gái ở thời kì tán tỉnh) mang ý nghĩa thân mật. Ngoài
ra trong ca dao đại từ “bậu” dùng để gọi một chàng trai trẻ. “Qua”, “bậu” trở thành những từ
ngữ của tình cảm, của thương yêu, của lứa đôi. Đây là cách xưng hô đầy tình cảm thân mật.
Việc sử dụng đại từ xưng hô này đã tiền giả định những ý nghĩa.
Qua đã hết giọng kèn giọng sáo
Bậu hãy còn ngơ ngáo kìm, tranh
Đành thôi dứt sợi chỉ mành
Bậu ôm cây độc để dành tiêu diêu.

(4, Quyển 3, tr.1739)
Chính vì vậy, trước khi đi vào giải mã ý nghĩa của các bài ca dao thì việc giải mã ý nghĩa
của của các đại từ xưng hô là rất cần thiết và quan trọng. Đó là những chỉ dẫn quan trọng để
dẫn người đọc đi vào khám phá nội dung trong các bài ca dao tình yêu. Nói chung, có rất
nhiều cách xưng hô khác nhau trong tình yêu, có những cách xưng hô mang tính phổ quát
nhưng cũng có những cách xưng hô rất hạn chế sử dụng. Mỗi cách xưng hô mang một ý
nghĩa khác nhau và đó là những gợi ý cho độc giả trong quá trình tìm hiểu ca dao tình yêu.
Có những cách xưng hô gợi cho người đọc cảm giác yêu thương tha thiết nhưng cũng có
những cách xưng hô lại gợi cho người đọc cảm giác xa xôi. Và có những khi việc sử dụng đại
từ xưng hô lại giúp cho người đọc cảm nhận được nhân vật trữ tình đang ở trong trạng thái
hay giai đoạn nào của tình yêu. Trong ca dao chúng ta có thể bắt gặp những cách xưng hô có
vẻ rất an toàn như tôi - em. Tôi là một đại từ xưng hô mang tính trung hòa dùng để xưng hô
cho người nói, đây là cách mà người ta dùng nhiều trong những trường hợp mà tình yêu chưa
định được màu sắc rõ nét. Cách xưng hô này rất hay được sử dụng trong những tình yêu đơn
phương một chiều khi mà người ta chưa biết được người bên kia có đáp lại tình cảm của
mình hay không. Trong cách xưng hô này chúng ta thấy dù là nam hay nữ, đều xưng hô là
“tôi” hoặc “tui” (biến thể phát âm Nam bộ). Đại từ này dùng trong giao tiếp mang tính nghi
thức thì có sắc thái biểu cảm trung tính, nhưng nếu dùng trong giao tiếp không nghi thức thì
có thể mang sắc thái biểu cảm âm tính. Thực tế cho thấy khi nói năng hàng ngày, dùng đại từ
này thường tạo ra sự xa cách và để biểu lộ thái độ không đồng tình, phản đối hay tạo ra một
khoảng cách an toàn nếu ta không muốn tình cảm tiến xa. Với hai người vốn đã thân quen, có
quan hệ gần gũi, đại từ này ít khi dùng và nếu có là dấu hiệu báo cho biết sự thay đổi tình
cảm, thái độ. Cũng cần phải nói thêm, sắc thái biểu cảm của đại từ “tôi” không hoàn toàn âm
tính mà có khi chỉ là phương tiện để thể hiện sự giận dỗi, trách hờn của hai người đang yêu.
Trong ca dao nói chung, đại từ “tôi”, vốn mang tính chỉ định cá thể cao, ít xuất hiện. Có khi
tôi được dùng để nói về sự mâu thuẫn trong cách thể hiện tình cảm. Cách xưng hô này nhiều
khi lại tạo ra một khoảng cách vô hình giữa những chàng trai - cô gái. Đôi khi họ bộc lộ công
khai, rõ ràng cái tôi của mình khi bày tỏ tình yêu nhưng lại có phần “thủ thế” không tự tin,
ngại ngần chưa dám xưng thân mật với người mình thương.
Cùng thể hiện mối quan hệ tình cảm lứa đôi nhưng có rất nhiều cặp từ xưng hô. Rất khó

so sánh cung bậc tình cảm giữa những cặp từ xưng hô trên, nhưng chúng ta cũng dễ dàng
nhận thấy sự khác nhau về sắc thái biểu cảm cũng như mối quan hệ tiệm tiến hay tiệm thoái
của hai nhân vật. Có thể nói, những cặp từ xưng hô này đã thể hiện đầy đủ những bước
“thăng - trầm”, “li - hợp” của tình yêu đôi lứa. Theo tôi, cặp “đó - đây” thể hiện tình cảm
giữa hai người còn một khoảng cách nhất định. Nó chỉ mới dừng ở mức đánh tiếng, thăm dò
và phần nào đó còn là tình yêu đơn phương. “Đây” thường là người mở lời dò hỏi hay than
thân trách phận, tiếc nuối duyên nợ không thành:
Căn duyên dù đã lỡ rồi
Lòng đây thương đó biết đời nào nguôi
(4, Quyển 1, tr.399)

Cặp “thiếp - chàng” dù có sắc thái biểu cảm dương tính nhưng có phần khuôn sáo, xa lạ
với tình cảm chân chất, mộc mạc, sôi nổi và tự nhiên của người dân lao động.
Chàng về thiếp cũng xin đưa
Xin trời đừng nắng chớ mưa trơn đường
(4, Quyển 1, tr.453)
Cặp xưng hô “ta (em)-mình” đã vươn tới sự gần gũi, thân quen, nồng thắm và khoảng
cách giữa hai người dường như không còn nữa. Từ “anh” (hoặc “em”) đến “mình” là một
bước tiến dài về tình cảm, một sự thay đổi về chất trong mối quan hệ. Từ cách xưng hô “ta -
mình” dẫn đến lối xưng hô mà khoảng cách giữa hai người đã được xoá nhoà, không còn giới
hạn. Đó là cách nói gộp kiểu như “Đôi ta ” hay “Chúng mình ”:
Đôi ta như thể con ong
Con quấn con quýt con trong con ngoài.
(4, Quyển 1, tr.954)
Khi khảo sát các bài ca dao tình yêu, tôi nhận thấy các nhân vật trữ tình sử dụng rất đa
dạng các đại từ xưng hô. Mỗi cách sử dụng đó lại mang những dụng ý và chứa đựng tình cảm
khác nhau. Cũng có khi những chàng trai, cô gái còn sử dụng những đại từ xưng hô lâm thời
bằng cách mượn từ ngữ định danh của thực thể, động vật hay thực vật để tạo thành những cặp
như: trúc - mai, mận - đào, rồng - mây, hồ - sen, loan - phượng, bướm - hoa, trầu - cau…
Những cách xưng hô này bao giờ tạo ra một cảm giác vô cùng an toàn và cũng thật tế nhị

trong tình yêu. Cách xưng hô này thường được các nhân vật trữ tình sử dụng trong giai đoạn
đầu khi hai bên còn đang tìm hiểu, thăm dò đối phương của mình.
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
(4, Quyển 1, tr.287)
Nói tóm lại, có rất nhiều cách xưng hô, mỗi cách xưng hô lại chứa đựng những tiền giả
định khác nhau. Vì vậy, trong quá trình tìm hiểu các bài ca dao tình yêu, người đọc cần phải
có những hiểu biết về những từ ngữ xưng hô này. Bởi đây cũng là một đường kênh tham gia
vào việc giải mã nội dung của các bài ca dao tình yêu.
Trong các bài ca dao tình yêu mặc dù tiền giả định về hành vi ngôn ngữ xuất hiện ít song
đó lại là minh chứng cho kiểu kết cấu đối - đáp trong ca dao và cũng là một hình thức của
tiền giả định ngữ dụng. Các hành vi ngôn ngữ luôn có sự tương hợp với nhau, ví dụ: hành vi
bác bỏ tiền giả định hành vi khẳng định; hành vi biện hộ, chối cãi tiền giả định hành vi buộc
tội lên án… và hành vi trả lời tiền giả định hành vi hỏi. Bởi vì có hỏi mới có trả lời. Và hành
vi hỏi cũng tiền giả định hành vi trả lời. Trên thực tế hành vi trả lời chỉ xuất hiện khi có hành
vi hỏi. Nhưng ngược lại hành vi hỏi không phải bao giờ cũng tiền giả định hành vi trả lời. Bởi
vì cũng có khi hỏi mà không được trả lời. Trong các bài ca dao tình yêu có 513 bài chiếm
26,7 % có xuất hiện cả hai hành vi này. Đó là những bài ca dao được xây dựng theo kết cấu
đối đáp, đây cũng là kết cấu phổ biến của ca dao. Khi tiếp cận những bài ca dao này người
đọc đã tiền giả định được rằng đây là những cuộc thoại được duy trì bởi nguyên tắc cộng tác.
Những bài ca dao đó có mặt cả hai hành vi hỏi - trả lời đã chứng tỏ rằng các nhân vật giao
tiếp (chàng trai - cô gái) có sự hợp tác với nhau.
Theo nguyên tắc ngữ dụng học, hành vi hỏi và trả lời sẽ tiền giả định lẫn nhau. Xét về
mặt nguồn gốc, có nhiều bài ca dao được ra đời trong những cuộc đối đáp giao duyên nên đã
có những bài ca dao được xây dựng theo kết cấu này. Khi có lời ca trao đi thì thường có lời
ca đáp lại hay nói cách khác là có hô thì có ứng. Khi lời hỏi được trao đi mà có lời đáp thì đó
là dấu hiệu ban đầu chứng tỏ cuộc trao - đáp lời được duy trì và phát triển. Nhân vật chính
trong những cuộc đối đáp này là những chàng trai và cô gái còn rất trẻ. Khi tiếp cận những

bài ca dao này, độc giả có thể nhận thấy những dấu hiệu của những cuộc tình có thể được
diễn tiến và phát triển:
Trăng lên hỏi chiếc sáo chầu
Hỏi thăm đào liễu đã ăn trầu ai chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
(4, Quyển 3, tr.2175)
Đây là một bài ca dao được xây dựng theo kết cấu đối đáp, hai nhân vật của cuộc đối
thoại này là chàng trai và cô gái. Họ sử dụng cách xưng hô đầy ý nhị và điều đó làm cho cuộc
giao tiếp thật độc đáo. Có lẽ người trao lời là chàng trai bởi lời ca này ra đời trong xã hội xưa,
ở đó khi giao duyên tỏ bày thì người phát tín hiệu thường là người con trai. Khi lời ca trao đi
thì có lời ca đáp lại. Đây chính là minh chứng cho sự tương hợp của hành vi ngôn ngữ hỏi -
đáp. Sự hồi đáp của cô gái đầy ý tứ và đã cho chàng trai một tín hiệu về sự đồng thuận mở lối
cho chàng trai. Qua đó, chúng ta cũng nhận thấy dấu hiệu của sự diễn tiến trong tình yêu.
Trong khi khảo sát các bài ca dao tình yêu, chúng tôi còn nhận thấy có những bài ca dao
chỉ có lời đáp. Theo nguyên tắc ngữ dụng học thì hành vi trả lời tiền giả định hành vi hỏi thì
chúng ta có thể nhận định rằng trước đó phải có một hành vi hỏi.
Bao giờ cho chuối có cành
Cho sung có nụ cho hành có hoa
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.
(4, Quyển 1, tr.251)
Mặc dù số lượng những bài ca dao được xây dựng theo kiểu chỉ có lời đáp không nhiều
song nó cũng giúp người đọc đoán biết được nội dung và ý nghĩa của các bài ca dao. Ví dụ
trên cho chúng ta thấy được đó là lời khước từ của cô gái trước lời tỏ tình hoặc lời cầu hôn
của chàng trai bởi vì có hỏi thì mới có câu trả lời. Cho nên có thể khẳng định rằng các hành vi
ngôn ngữ luôn tiền giả định lẫn nhau đặc biệt hành vi hỏi và hành vi trả lời. Đó cũng là một
trong những căn cứ để độc giả tiếp cận và tìm hiểu các bài ca dao tình yêu.

3. KẾT LUẬN
Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, việc giải mã ý nghĩa của các bài ca dao nói
chung và ca dao tình yêu nói riêng cần sử dụng tri năng của nhiều lĩnh vực, phạm vi khác
nhau. Trong đó tiền giả định ngữ dụng là một trong những căn cứ quan trọng. Những dấu
hiệu ngữ dụng này đòi hỏi người tiếp nhận cần có một tri thức rộng rãi về các lĩnh vực của
đời sống xã hội và các tính chất, dấu hiệu của ngôn ngữ cũng như mối liên hệ của các yếu tố
ngôn ngữ với văn hóa và đời sống. Có thể nhận thấy rằng hai hình thức của tiền giả định ngữ
dụng là tiền giả định về từ xưng hô và tiền giả định về kết cấu trao đáp có một vai trò không
hề nhỏ trong việc nhận thức và lí giải các bài ca dao tình yêu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học, tập hai - ngữ dụng học, Nxb Giáo dục, H.,
2001.
2. Tô Thị Phương Dung, Tiền giả định trong câu đố của người Việt, Luận văn Thạc sĩ khoa
học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.
3. Nguyễn Thiện Giáp, Dụng học Việt ngữ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2004.
4. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên), Kho tàng ca dao người Việt (bốn tập),
Nxb Văn hóa Thông tin, H., 1995.
PRAGMATICAL PRESUPPOSITION IN VIETNAMESE LOVE FOLK SONGS
Vu Thi Tuyet
Abstract
Pragmatical presupposition is the key foundation to learn about love folk songs. It is reader’s
knowledge about variety fields of life and languages. Of which, there are presuppontions of
addressing and language acts. This writing is to focus on presuppotion of addressing words
and asking-answering acts in 3001 love folk songs

×