Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Tính dục, bản năng như một phương diện khẳng định quyền bình đẳng giới trong sáng tác của y ban, lý lan, đỗ hoàng diệu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (236.53 KB, 9 trang )

TÍNH DỤC, BẢN NĂNG NHƯ MỘT PHƯƠNG DIỆN KHẲNG ĐỊNH
QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỚI
TRONG SÁNG TÁC CỦA Y BAN, LÝ LAN, ĐỖ HOÀNG DIỆU
Bùi Thị Thùy
1


Phản ánh con người với đời sống tình dục, bản năng là yêu cầu
muôn thuở của văn chương. Với địa vị được xác lập trong xã hội, văn
chương nói chung, viết về tình dục nói riêng đã trở thành địa hạt dành riêng
cho nam giới. Đến những năm 60 của thế kỉ XX, trào lưu văn học nữ quyền
ra đời thì tình dục đã trở thành một phương tiện để các nhà văn nữ khẳng
định ưu thế phái tính của mình. Dấu ấn của dòng văn học nữ quyền chỉ thực
sự xuất hiện ở Việt Nam vào những năm đổi mới với sự xuất hiện của hàng
loạt những cây bút nữ có thực tài. Trong đó, Y Ban, Lý Lan, Đỗ Hoàng Diệu
là những tác giả tiêu biểu. Tìm hiểu vấn đề tình dục, bản năng trong sáng
tác của các nhà văn này là hiểu thêm một vấn đề quan trọng trong việc
khẳng định ưu thế phái tính của họ.

1.Mở đầu
Tình dục là mối quan tâm muôn thuở của con người. Nhà Phật nói : “nhân tính là dục
tính”. Trong Kinh Thánh, tình dục được ví như một “trái cấm” đầy sức cám dỗ, mê hoặc mà
Adam và Eva đã không thể chống lại nổi. Từ đó, con người mang theo một thứ tội tổ tông vì
vi phạm điều cấm của Đấng Tối cao. “Văn học là nhân học”, vì thế, khi miêu tả con người, lẽ
tất nhiên văn học không thể bỏ qua địa hạt tính dục. Chỉ có điều, khi thì nó bị cấm đoán, khi
thì được biểu thị công khai. Sự công khai hay cấm đoán việc khai thác đề tài tính dục gắn liền
với sự phát triển ý thức cá nhân và tinh thần dân chủ trong toàn xã hội và trong lãnh địa sáng
tạo văn học nhân loại.
Dưới sự kiềm tỏa của chế độ phong kiến và những luật lệ hà khắc của giáo hội, văn
học viết về tính dục còn chịu nhiều ràng buộc. Phải đến thế kỉ XIX, khi mà khoa học kĩ thuật
phát triển mạnh mẽ thì vấn đề tính dục không chỉ được tìm hiểu dưới góc độ tôn giáo, đạo


đức mà còn được mổ xẻ bằng con mắt sinh học thực chứng nhằm hợp pháp hoá (cơ cấu hoá)
tính dục trong đời sống hàng ngày. Nó tạo tiền đề cho cuộc cách mạng tình dục không chỉ
trong đời sống xã hội mà cả trong lĩnh vực văn học. Nó cũng trở thành một phương tiện để
các nhà văn thuộc trào lưu văn học nữ quyền khẳng định sức mạnh của mình.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, sự xuất hiện của hàng loạt những cây bút nữ có
thực tài đã tạo nên một thời kì “âm thịnh dương suy” trong văn học. Các cây bút nữ đã khẳng
định vị thế của mình trong sáng tác văn chương, đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ trong
một xã hội vốn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ của đạo Nho”. Tính dục xưa nay
vốn là điều cấm kị được bàn tới trong thế giới đàn bà nay trở thành phương tiện không những
để các nhà văn nữ khẳng định quyền bình đẳng giới mà còn là lĩnh vực thể hiện ưu thế phái

1
Học viên Cao học K13, trường ĐHSP Hà Nội 2
tính trong sáng tác văn chương. Trong số đó, Y Ban, Lý Lan và Đỗ Hoàng Diệu là những
gương mặt nổi bật.
2. Nội dung
2.1. Tình dục là một phương tiện khẳng định quyền bình đẳng giới, ưu thế phái tính
trong sáng tác văn học
2.1.1. Công khai viết về tình dục
Trong lịch sử văn học thế giới, dòng văn học Phục hưng với những tên tuổi như
Bôcaxiô, Rabơle…, đã từng mở đường cho văn chương viết về sex như muốn trả lại cho con
người những khát khao, ước vọng, để con người được là chính mình. Trong văn học trung đại
Việt Nam, dù hiếm hoi, nhưng tính dục vẫn xuất hiện trong vẻ kín đáo và e lệ. Ngay cả
Truyện Kiều mới nói đến chuyện “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” đã bị coi là một
cuốn dâm thư. Còn trường hợp mô tả tình dục táo bạo như Hồ Xuân Hương trong xã hội xưa
là điều không thể chấp nhận dù nhà thơ đã nói bằng ngôn ngữ bóng gió đầy ẩn ý. Những tác
phẩm trực tiếp miêu tả đến yếu tố tính dục trong văn học sớm nhất phải kể đến là Hoa viên kỳ
ngộ tập (thế kỷ XVIII), Hà Hương phong nguyệt (đầu thế kỉ XX), và sau đó, được miêu kỹ
hơn trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, những tác phẩm ấy luôn bị coi là những
cuốn sách “dâm tục”, và hệ quả: khen thì ít mà chê thì nhiều. Phải đến văn học Việt Nam sau

1975, khi đời sống cá nhân của con người dược giải phóng, khía cạnh dục tính mới được
nhiều người quan tâm thực sự. Khởi đầu cho công cuộc này là các nhà văn như Nguyễn Huy
Thiệp, Nguyễn Bình Phương… và tiếp đó là hàng loạt cây bút nữ. Họ không cần phải dùng
tới những ẩn dụ, tượng trưng như Hồ Xuân Hương mà công khai đi vào vấn đề tình dục, bản
năng, công khai thể hiện những cảm xúc riêng của giới mình trong lĩnh vực mà xưa nay
người phụ nữ không được phép đề cập đến.
Trong số ba tác giả nữ kể trên, Đỗ Hoàng Diệu có thể coi là cây bút tiên phong trong
việc viết về tình dục. Tập truyện Bóng đè của cô khi mới ra đời đã gây một làn sóng xôn xao
dư luận, bởi những cảnh miêu tả tình dục nóng bỏng mà ngay cả các nhà văn nam thời kì đổi
mới cũng chưa từng chạm đến. Trong 9 câu chuyện viết trong Bóng đè, câu chuyện nào cũng
có yếu tố sắc dục trong đó truyện Bóng đè là tiêu biểu hơn cả. Câu chuyện xoay quanh việc
cô gái bị chính tổ tiên nhà chồng hãm hiếp trong mỗi lần về quê ăn giỗ. Với cách miêu tả tình
dục táo bạo, Bóng đè đã từng gây xôn xao trong dư luận. Nhân vật cô gái trong Vu quy được
miêu tả trong tình yêu với năm người đàn ông, người nào cũng được miêu tả những cảnh làm
tình cụ thể, cặn kẽ, còn đời sống tình dục của nhân vật “tôi” trong Dòng sông hủi cũng không
kém phần mãnh liệt với chồng và cả người tình. Có thể nói cả tập truyện của Đỗ Hoàng Diệu
đậm màu sắc dục.
Y Ban cũng đề cập nhiều đến vấn đề tình dục, đặc biệt trong tập truyện I am đàn bà và
tiểu thuyết Xuân Từ Chiều của nhà văn. Những nhân vật phụ nữ trong I am đàn bà đều có
một cảm xúc về tình dục phong phú, cuộc sống tình dục không chỉ được miêu tả với chồng
mà khi không được thỏa mãn họ còn có đời sống tình dục ngoài vợ chồng. Đó có thể coi là
một gáo nước lạnh dội vào hệ tư tưởng chính thống khi mà diễn ngôn tình dục luôn bị quy
chiếu bởi hệ diễn ngôn đạo đức. Trong Xuân Từ Chiều, bên cạnh cuộc sống tình dục được
miêu tả chi tiết qua lời kể của Xuân còn là những khao khát bản năng trong đời sống của vợ
chồng Từ, những kiến thức sinh học cũng được miêu tả một cách căn kẽ.
Đến với Lý Lan, cách viết về tình dục của bà có vẻ rất tự nhiên, đó được coi là một
phần tất yếu của cuộc sống trong những truyện Cô con gái, Tai nạn và đặc biệt là Tiểu thuyết
đàn bà. Những đoạn miêu tả chuyện ái ân của Ted và Không Bé được diễn tả một cách rất tự
nhiên như không có một dụng ý kỹ thuật nào cả, như đó là một phần tất yếu của cuộc sống.
Có lẽ do sống ở nước ngoài nên quan điểm của Lý Lan có phần giống với quan điểm của nhà

văn Thuận: “Tôi không ngạc nhiên khi một số nhà văn nữ ở Việt Nam đòi quyền tự do phát
biểu về tình dục. Nhưng sinh sống tại một nơi coi sex như cơm ăn nước uống hàng ngày, tôi
chẳng có lý do nào để phải đấu tranh cho nó. Công việc đó, các nhà văn nữ Tây Âu đã thực
hiện từ thế kỉ trước. Chính vì vậy, tôi chỉ có quyền coi tình dục như những đề tài sáng tác
khác. Nếu viết về nó, tôi cũng bắt buộc phải tìm ra một nghệ thuật riêng. Sự dũng cảm trong
trường hợp của tôi là không cần thiết, thậm chí nực cười” [3].
Viết về tình dục ngập tràn trong sáng tác của những cây bút nữ, từ những trang thơ của
Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…, đến những trang văn của Thuận, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị
Thu Huệ và Y Ban, Lý Lan, Đỗ Hoàng Diệu. Tất cả đang khẳng định không có lĩnh vực nào
là vùng đất cấm đối với bước chân của người phụ nữ. Họ có quyền được viết về tình dục và
sự thành công của các nhà văn nữ khi viết về lĩnh vực này chính là minh chứng cho tài năng
của họ.
2.1.2. Người phụ nữ và sự chủ động trong tình dục
Viết về tình dục, mở được cánh cửa nội tâm con người. Nó bày được những trạng thái
tâm, sinh lý thường nhật. Phụ nữ viết về sex để diễn đạt những cảm quan của mình. Họ cũng
có trí tưởng tượng như nam giới nhưng xã hội đã dạy họ rằng phụ nữ chỉ được quyền làm cái
này, tránh làm cái kia, hoặc làm như thế mới là người phụ nữ tốt. Việc sử dụng ngôn ngữ
thân xác giúp cho phụ nữ giải tỏa những ẩn ức đó. Ta bắt gặp trong tác phẩm của những nhà
văn nữ là sự chủ động của những nhân vật nữ trong vấn đề tình dục. Họ không hiện lên như
một nô lệ tình dục của những người đàn ông mà họ tôn trọng, yêu quý chính bản thân mình,
họ chủ động đòi quyền lợi của mình trong vấn đề tình dục.
Trong Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, một điều đi ngược với chuẩn mực của truyền thống
đó là việc nhân vật nữ chính có một đòi hỏi về đời sống tình dục một cách mãnh liệt. Sự đòi
hỏi đó khiến cho người chồng phải kêu ca vì người vợ mình là “hổ cái”, đây là một sự đảo
lộn hoàn toàn trật tự âm dương truyền thống khi nam giới luôn giữ vai trò chủ động còn phụ
nữ thì phục tùng. Không những thế, nhân vật của Đỗ Hoàng Diệu bị hãm hiếp nhưng lại tìm
thấy sự khoái lạc trong cuộc hãm hiếp để trở thành kẻ đồng lõa, mong chờ tới những ngày giỗ
hàng tháng. Đây là cách mà Đỗ Hoàng Diệu miêu tả nhân vật của mình: “Nhưng thân thể tôi
thì không im lặng. Đêm khuya, khi đèn đường nguội lạnh, cạnh mình Thụ xoay lưng thin thít
thì làn da tôi lại hực hội khát thèm. Tôi thấy vú tôi nở ra trong đêm tối, nở lớn như một đóa

vạn thọ bất chợt bung cánh, to bằng một cái bát. Thân thể tôi giống một quả mít tố ngậy
thơm đợi bổ đôi. Lẫn trong thao thức, tôi nhớ những bức ảnh truyền thần trên chiếc bàn thờ
vĩ đại…” [1, tr.27]. Nguyên Ngọc cho rằng: Nhân vật của Đỗ Hoàng Diệu “tràn đầy dục
tính”. Họ là những người phụ nữ luôn chủ động trong tình yêu, tình dục.
Nhân vật trong sáng tác của Y Ban cũng ngập tràn những khát khao về tình dục. Trong
11 truyện của I am đàn bà, có đến 6 câu chuyện nói về sự khát khao, chủ động của người phụ
nữ. Khi người mẹ chồng trong Tự nói về quan niệm của mình trong vấn đề gối chăn với
người đàn ông: “Đàn ông ấy mà cái chuyện ấy là họ mê muội lắm. Đàn bà mình chỉ cốt là
cho nó có con chứ có phải sung sướng gì đâu”, thì có thể coi bà đã phát biểu cho quan niệm
của truyền thống coi tình dục là một bổn phận của người phụ nữ đối với người đàn ông chứ
không phải là một yêu cầu tự thần. Nay người phụ nữ của Y Ban đã phản kháng quyết liệt:
“Tôi lại muốn gào lên lần nữa rằng là tôi cũng thích chuyện ấy với chồng tôi nếu không có
tiếng đằng hắng của mẹ và tiếng cười khúc khích của chị dâu”. Người phụ nữ của Y Ban
không chỉ im lặng chịu đựng mà lúc nào cũng khát khao đòi hỏi, nàng đã đi tìm tình dục ở
những người đàn ông khác sau khi chồng bỏ đi, thất vọng, nàng tự tìm cho mình giải pháp là
sử dụng cái chim giả. Có lẽ Y Ban là người đầu tiên sử dụng chi tiết này trong văn học Việt.
Cái chim giả không còn được nhìn ở khía cạnh suy đồi đạo đức mà là một sự tự thỏa mãn của
người phụ nữ khi họ hiểu, họ yêu thân thể của mình, họ có quyền tự mình tìm đến những
hạnh phúc, thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Người phụ nữ của Y Ban như vậy đã có một bước
tiến lớn so với những người phụ nữ truyền thống. Những cảnh tưởng tượng đầy yếu tố nhục
cảm như trong truyện I am đàn bà, Sau chớp là dông bão, Người đàn bà đứng trước gương,
Hai bảy bước chân là lên thiên đường, chắc chắn sẽ có tồn tại trong tư duy của người phụ nữ
truyền thống. Thế nhưng để giữ mình theo những khuôn phép của đạo đức chắc chắn họ phải
cảm thấy điều đó thật xấu hổ, đáng khinh, họ phải vùi chôn ý nghĩ đó ngay lập tức. Ngày nay,
trái lại người phụ nữ không chỉ còn tự nhủ mà còn dám nói to lên với mọi người rằng đó là
những khao khát ước mong của họ: “Anh ấy đuổi theo tôi, bắt được tôi rồi ôm ghì lấy và
hôn… Tôi đắm mình trong sự tưởng tượng của mình. Ngọt ngào đến đê mê.”(Sau chớp là
dông bão). Người phụ nữ còn khao khát ngắm nhìn thân thể của mình, tự hào về thân xác của
mình và chủ động đòi hỏi người đàn ông nhìn ngắm nó: “Trong tấm gương phản lại hình ảnh
nàng từng khối, từng mô rắn chắc và nõn nà như đàn bà trong tranh Phục hưng vậy. Nàng

hài lòng lắm ! Nàng để mắt ngắm mình đến hàng chục phút mà không chán mắt. Miệng nàng
lại ngân nga câu hát. Nàng chợt ước ao giá bây giờ Hùng trở về nhỉ, bắt gặp hình ảnh đẹp
trong gương này thì sẽ lãng mạn biết bao” (Người đàn bà đứng trước gương). Trong Xuân
Từ Chiều bên cạnh việc miêu tả đời sống tình dục khá hoàn hảo của vợ chồng Xuân, là những
trao đổi rất thẳng thắn của vợ chồng Từ về vấn đề phòng the, Từ là người đề xuất đến vấn đề
khớp N, nơi cần thiết để người phụ nữ cảm thấy thỏa mãn.
Lý Lan cũng là người viết khá mạnh tay trong lĩnh vực tình dục, những trang văn mô tả
sex của Lý Lan nhiều khi tự nhiên chứ không còn được tô vẽ bóng bẩy hay thi vị hóa như
truyện của Y Ban hay Đỗ Hoàng Diệu. Đó là khi tình dục được biến thành nơi mặc cả giữa
hai nền văn hóa của Ted và Không Bé, hành động tự mình thỏa mãn của Ted đã thể hiện sự
không thỏa hiệp của cái tôi cá nhân được đề cao. Ta cũng gặp những trang văn như vậy ở Cô
con gái hay Tai nạn. Toát lên trong tính cách của những cô gái trong truyện Lý Lan luôn là
sự độc lập, tự chủ, sự độc lập ấy được thể hiện trong cả lĩnh vực tình dục. Trong Cô con gái,
nhân vật không chỉ biết mua bao cao su để tự bảo vệ mình, cô còn đi đến những cuộc hội thảo
về sex, ủng hộ cho ý kiến đàn bà có quyền làm chủ thân thể mình, tự mình được sung sướng
chứ không cần phải thụ động trong vấn đề tình dục. Cẩm trong Tai nạn thì tự coi lần đầu tiên
của mình với một kẻ mà cô chẳng yêu, chẳng tôn trọng, biết rõ là không thể hòa hợp là một
tai nạn. Cô sẵn sàng chấp nhận nuôi con một mình mà không cần dựa dẫm vào người đàn ông
đó.
Tự mình chủ động trong tình yêu, tình dục là yếu tố thể hiện khá rõ trong truyện ngắn
các cây bút nữ. Các nhà văn nam cũng viết về sự chủ động của phái nữ. Lấy ví dụ như đời
sống tình dục khá phong phú của Hoàn trong Người đi vắng chẳng hạn. Hoàn biết sức mạnh
của tình dục, tận hưởng nó với cả chồng và người tình. Thế nhưng cách nguyễn Bình Phương
miêu tả gợi cho ta nghĩ đến sự suy đồi đạo đức, sự băng hoại của giá trị truyền thống, sự tha
hóa của con người. Tình dục của các nhà văn nữ trái lại là sự ngợi ca, tôn vinh thân thể của
người phụ nữ, quyền được làm chủ thân thể, làm chủ đời sống tình dục, địa hạt xưa nay phụ
nữ chỉ được “đứng trong bóng tối để nhìn”.
2.1.3. Ưu thế của các nhà văn nữ khi mô tả những cảm xúc tình dục
Viết về vấn đề tình dục, bản năng người phụ nữ còn thể hiện ưu thế của mình trong việc
miêu tả những trải nghiệm tình dục của phái nữ, điều vốn là một mảnh đất bí ẩn đối với đàn

ông. Ai cũng biết giữa hai phái tính luôn có rất nhiều sự khác biệt và một trong những nơi
biểu hiện rõ sự khác biệt đó chính là vấn đề sinh lý, tình dục. Tuy nhiên, nếu cảm giác, mong
muốn nhu cầu của người phụ nữ bình thường được bỏ qua thì đến hôm nay phái nữ đang nói
to rằng nhu cầu cảm giác của họ cần được tôn trọng.
Đi suốt cùng Bóng đè tưởng như là đi suốt cùng nỗi sợ hãi của cô gái trẻ khi bị tổ tiên
nhà chồng hãm hiếp. Thế nhưng nhân vật của Đỗ Hoàng Diệu lại đồng thuận, chấp nhận
thậm chí thèm khát cảm giác bị chiếm đoạt đó. Rõ ràng những bóng ma đã giải tỏa được
những ẩn ức tình dục mà bấy lâu nay người chồng của cô không thể hiểu nổi: “Ngón tay anh
ve vuốt dịu dàng, người tôi mềm nhũn. Nhưng anh dịu dàng lâu quá, dịu dàng tôi không chịu
nổi” [1, tr.35]. Không những thế với tâm lý gánh chịu tội đồ tổ tông của một cô gái đa cảm, đi
từ bất lực đến đồng thuận là một tâm lý đương nhiên. Đỗ Hoàng Diệu đã mở ra cánh cửa vốn
bí mật, bí ẩn về những cảm xúc tình dục của người phụ nữ. Trong Vu quy cũng vậy, người
đọc được thỏa mãn cơn khát khi dõi theo những trải nghiệm của nhân vật nữ trong những
cuộc tình, khi là với người đàn ông đã có vợ, khi là với người đàn ông tàu hay người đàn ông
ngoại quốc. Mỗi một người lại đem đến cho cô những cảm xuc tình dục khác nhau. Đó là
những trải nghiệm phong phú và các nhà văn nữ bằng sự nhạy cảm riêng của giới mình đã bắt
đúng mạch cảm xúc để viết những trang văn đầy mê hoặc.
Trong sáng tác của Y Ban, người phụ nữ hiện lên với những cảm xúc tình dục phong
phú. Khi mãnh liệt, ồn ào, khi lại đòi hỏi sự nhẹ nhàng lắng sâu. Y Ban đã viết những trang
văn giản dị mà ngẫm lại thật thấm thía và sâu sắc. Liệu có thể coi là quá đáng khi những khao
khát tình dục của người phụ nữ trong Tự bị đè nén quá lâu đến mức cô nổi giận…khao khát
được yêu thương, được sống đời sống vợ chồng tự do chẳng phải là một khao khát rất chính
đáng sao? Thế mà khi được tự do đến với nhân tình, khi đã có một căn phòng của riêng mình
rồi thì những khao khát đó lại bị dập tắt. Bởi trong trí tưởng tượng của người đàn bà tình dục
không đơn thuần chỉ là tình dục thế thôi, tình dục còn phải đến bởi một tình cảm rung động
khác giữa hai phái, bằng những cử chỉ, dịu dàng, tế nhị, chứ không phải bằng hai bịch sữa,
bằng những tin nhắn “hay ho” kiểu như nhớ em đến phải “thủ dâm”. Những cảm xúc đó vốn
thật khó hiểu với nam giới bởi với họ tình dục đơn giản chỉ là tình dục, có thể không cần tình
yêu vẫn có thể nhận, còn phụ nữ đòi nhiều hơn là “một chiếc giường”. Bằng những trải
nghiệm rất riêng của mình Y Ban đã mở ra những bí ẩn về cảm xúc của người phụ nữ khi

đụng chạm đến thân xác của một người đàn ông nơi xứ lạ xa chồng con, gia đình trong I am
đàn bà. Đó là những cảm xúc mà chỉ có người phụ nữ tinh tế mới nhận ra và mô tả. Cũng như
thế trong Xuân Từ Chiều, những khao khát của Xuân khi muốn được nhìn thấy “vật linh
thiêng” của chồng là một khao khát rất chính đáng đến cả khi chồng cô đã mất, những đòi hỏi
thẳng thắn của Từ là những yêu cầu của người phụ nữ với người bạn đời, họ phải hiểu và tôn
trọng những cảm xúc riêng của nữ giới.
Lý Lan ít đi sâu vào miêu tả tình dục, những cảm xúc tình dục của người phụ nữ đôi
phần được miêu tả như sự thăng hoa của tình yêu (Dị mộng), như một phần của cuộc sống mà
người phụ nữ có quyền làm chủ (Cô con gái). Tiểu thuyết đàn bà có lẽ đậm yếu tố sex hơn cả,
những cảm xúc của Không Bé trong việc làm tình với Tedy được Lý Lan miêu tả khá cụ thể,
không thi vị hóa mà thực sự là đời sống tình dục của hai vợ chồng với cả những bất đồng,
những quan điểm khác nhau. Người phụ nữ của Lý Lan đôi lúc còn muốn “lừa” cả chồng khi
ở trên giường để đạt được mục đích. Đó là một cách viết rất thực để từ đó người ta nhận ra
rằng không phải cuộc sống lúc nào cũng lãng mạn, thăng hoa. Phút giây hai thể xác hòa hợp
chưa hẳn đã có sự hòa hợp của hai tâm hồn, hiện thực còn rất nhiều điều khác để nói.
2.2. Tính đa dạng trong miêu tả tính dục trong sáng tác của các cây bút nữ
2.2.1. Đa dạng là yêu cầu của sáng tạo
Trong sáng tác văn chương, yếu tố sáng tạo, cá tính riêng của nhà văn là yêu cầu luôn
được đặt lên hàng đầu. Sinh thời L.Tolstoi đã viết: “Thực ra khi chúng ta đọc hoặc quan sát
tác phẩm nghệ thuật của một tác giả mới thì câu hỏi chủ yếu nảy ra trong lòng chúng ta bao
giờ cũng là như sau: “Nào anh là con người như thế nào đây? Anh có gì khác với tất cả
những người tôi đã biết, và anh có thể cho tôi một điều gì mới về việc phải nhìn cuộc sống
của chúng ta như thế nào ? ” [dẫn theo 2, tr.219-220]. I.Turghenev lại nói về những đặc
điểm của một nghệ sĩ chân chính: “Cái quan trọng trong tài năng văn học… và tôi nghĩ rằng
cũng có thể trong bất kì một tài năng nào, là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của mình. Đúng
thế, cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái quan trọng là cái giọng riêng biệt của chính
mình không thể tìm thấy trong bất kì cổ họng của một người nào khác…” [dẫn theo 2, tr.220].
Quả đúng như vậy, văn chương hấp dẫn độc giả ở cái mới mẻ, sáng tạo, cùng viết về một vấn
đề, một đối tượng nhưng mỗi nhà văn sẽ có cách tiếp cận khác nhau, cách trình bày khác
nhau và hấp dẫn độc giả ở những phương diện khác nhau.

Viết về tình dục trong sáng tác của các cây bút nữ là một minh chứng rõ ràng. Tình dục
là một điều cổ xưa, cả nhân loại ai cũng biết, văn học viết về nó cũng không phải là một điều
mới mẻ. Nếu nhìn nhận cách viết về tính dục ở hai phái tính thì đương nhiên sẽ phát hiện
những đặc điểm, ưu thế riêng của phái tính này mà không có ở phái tính khác. Không những
thế, cùng một lĩnh vực các cây bút nữ lại thể hiện cái tôi riêng của mình trong từng trang viết.
Nguyễn Thị Thu Huệ cũng là một cây bút nữ để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn. Cũng
như những nhà văn nữ khác Thu Huệ không ngần ngại miêu tả tình dục. Đây là bản năng của
người đàn bà trong Thiếu phụ chưa chồng: “Cô vùng lên. Dang tay ôm lấy người Dương…
Cả hai đã chìm trong đống rơm,” hay những đụng chạm thân xác trong Tân cảng: “Vô thức
thấy rạo rực đôi môi. Và tim vô thức đập nhanh. Mọi thứ đều vô thức. Chắc tại một thứ
không vô thức là bản năng đàn bà khao khát trỗi dậy bên trong”. Thế nhưng điều mà dễ nhận
ra ở Nguyễn Thị Thu Huệ đó là cách viết gần gũi với truyền thống, nhân vật của cô ít khi nổi
loạn đòi hỏi, mà ngôn ngữ thân xác luôn đi cùng với những rung động, những khao khát của
tình yêu.
Năm 2005, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư cũng đem lại sự tranh cãi trong
giới phê bình văn học trong nước. Nhiều người “choáng” vì sự thay đổi của Nguyễn Ngọc Tư
với những trang mô tả sex táo bạo. Truyện có bốn nhân vật chính và không gian là những
vùng đồng ruộng hoang vu nơi chăn nuôi một đàn vịt, sinh kế của một gia đình sống lang
thang trên những vùng sông nước. Bốn nhân vật bốn cá tính. Cô gái điếm, sau trận bị đánh
ghen tàn nhẫn, đã nhảy lên chiếc ghe của một gia đình bé nhỏ gồm ba cha con. Người cha bị
vợ bỏ vì bà này ham muốn những vải vóc của một người buôn bán tạp hóa dạo bằng ghe và
bỏ nhà đi theo, để lại một mối hận thù đàn bà trong lòng người chồng. Hai chị em, sống cô
đơn ở những vùng vắng bóng người, có tâm tính bất bình thường của những người bị dồn
nén. Nhất là người em tên Điền, một cậu trai mười bảy tuổi, đã chứng kiến cảnh người mẹ
ngoại tình và cũng thấy người cha bạc tình lạnh lùng bỏ rơi những người đàn bà sau khi
chiếm đoạt thân xác họ, nên tâm tính trở thành người bất thường, lúc thì tàn ác lúc thì lạnh
lùng không để ý tới chuyện sinh lý mà tuổi dậy thì phải có. Nguyễn Ngọc Tư đã không ngần
ngại mô tả chuyện tình dục, cưỡng hiếp. Dưới cái nhìn của văn học nữ quyền, Nguyễn Ngọc
Tư đã đi bước đầu tiên trong khi khẳng định mình có quyền đi vào đề tài cấm kị. Thế nhưng
Nguyễn Ngọc Tư không đi vào miêu tả cảm xúc của người đàn bà, người đàn ông thì đã coi

đó là một cuộc chơi không vướng víu phủi tay ra đi. Cái mà Nguyễn Ngọc Tư quan tâm
không phải là đòi quyền cho người phụ nữ trong sex, mà là vấn đề tình cảm của những con
người, sự hi sinh của một người đàn bà làm điếm biết trọng ân tình. Sex ở đây là phương tiện
để phản ánh một xã hội đang đánh mất đi những giá trị nhân bản vốn có.
2.2.2. Sự đa dạng trong sáng tác của Y Ban, Lý Lan, Đỗ Hoàng Diệu
So với các cây bút nữ đã nói ở trên, tình dục trong sáng tác của ba nhà văn nữ này táo
bạo hơn nhiều. Thậm chí, sự khiêu khích, gây hấn của họ khiến nhiều người so sánh với sự
nổi loạn của Vệ Tuệ hay Cửu Đan (Trung Quốc). Tuy nhiên vấn đề sex ấy không hẳn đơn
thuần chỉ là sự miêu tả đời sống bản năng, những khao khát của con người được là chính
mình mà đôi khi còn mang nhiều ý nghĩa khác.
Vấn đề sex mà Lý Lan đề cập còn là vấn đề hội nhập của các nền văn hóa giữa một đất
nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến và giữa một đất nước mà cách mạng
tình dục đã giải phóng cho người phụ nữ từ những thế kỉ trước. Vấn đề sex mà Đỗ Hoàng
Diệu đề cập cũng mang nặng vấn đề văn hóa. Đây không còn là sự cưỡng hiếp bình thường
mà là sự cưỡng hiếp của hai nền văn hóa. Nguyễn Huy Thiệp đã từng khai mào vấn đề này
khi viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều dưới ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Nhưng cách
viết của Nguyễn Huy Thiệp chỉ nằm trong hai chữ “cưỡng hiếp” thì cách viết của Đỗ Hoàng
Diệu táo bạo và ám ảnh hơn rất nhiều. Từ gương mặt của những ông tổ thuộc dòng giống
Trung Hoa, cho đến hành động, cách chiếm đoạt. Còn những người phụ nữ hiện lên như
mang “một thứ tội tổ tông”, bị gánh nặng của quá khứ đeo đuổi. Thi thoảng Đỗ Hoàng Diệu
viết về sự cưỡng ép giữa văn hóa Việt và văn hóa phương Tây với sự hiện diện của những tờ
đô la như trong Vu quy. Và người chịu đựng tất cả, đại diện cho văn hóa dân tộc để thực hiện
cuộc lai tạo ấy là những người phụ nữ. Rõ ràng vấn đề mà nhà văn đề cập lớn hơn nhiều so
với vấn đề tính dục thông thường.
Cách viết về tình dục của Đỗ Hoàng Diệu trong Bóng đè cũng rất đặc biệt. Từ việc khai
thác đề tài tâm linh, Đỗ Hoàng Diệu đã mượn những giấc mơ để hợp lý hóa cho sự hãm hiếp
của tổ tiên dòng giống Trung Hoa đối với nhân vật “tôi” trong tác phẩm. Thông thường để
tránh thông tục hóa cho tác phẩm người ta thường coi sex là cái vỏ để bọc bên trong những ý
đồ khác. Ở phương diện đó, Đỗ Hoàng Diệu đã khá thành công. Tuy nhiên cùng sự phát triển
của văn học, người ta không còn mấy dè dặt khi nói đến vấn đề sex, nó được đưa vào tác

phẩm như một chi tiết nghệ thuật bình thường. Ta bắt gặp điều đó trong tác phẩm của Lý
Lan, đặc biệt là Y Ban. Việc miêu tả tình dục một cách tự nhiên như một phần tất yếu của
cuộc sống thể hiện phần nào quan niệm của nhà văn về lĩnh vực này. Đó là vấn đề mà người
phụ nữ hoàn toàn có thể tham gia và có quyền bình đẳng như nam giới.
Vậy là cùng viết về tình dục, cùng táo bạo, mãnh liệt đòi hỏi chủ động được yêu, được
chiếm lĩnh, được tôn trọng. Nhưng sex của Đỗ Hoàng Diệu mang trong mình sức nặng của
những ám ảnh cưỡng bức văn hóa, của một thứ tội tổ tông. Sex của Lý Lan là vấn đề độc lập,
tự chủ của các cô gái thời hiện đại. Còn sex trong văn Y Ban là một phần tất yếu của cuộc
sống, con người bản năng cần được coi trọng dù cái bản năng ấy mang đậm thiên tính nữ.
3.Kết luận
Như vậy, với yếu tố tính dục được miêu tả trong tác phẩm, Y Ban, Lý Lan, Đỗ Hoàng
Diệu đã là những nhà văn nữ tiêu biểu đòi quyền lợi cho người phụ nữ viết văn nói riêng,
người phụ nữ nói chung trong lĩnh vực tình dục của một đất nước mang nặng tư tưởng Nho
giáo. Lẽ tất nhiên văn học viết về tình dục không phải là một điều mới mẻ, công việc đòi
quyền bình đẳng giới cũng được các nhà văn nữ Tây phương thực hiện từ nhiều thập kỉ trước.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, đó còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, các nhà văn nữ vẫn gặp
phải không ít khó khăn khi viết về tính dục trong tác phẩm của mình. Người ta luôn muốn
tránh thông tục hóa cho tác phẩm, gán cho tính dục một ý nghĩa “cao siêu” hơn. Tuy nhiên để
đạt được điều đó, trước tiên nên chăng hãy trả cho tính dục vị trí vốn có của nó, một vị trí của
bản năng, của một phần không thể thiếu trong con người. Chỉ khi nào viết về tính dục như
một phương tiện để biểu hiện nhân vật cùng với các phương tiện khác, yếu tố tính dục mới
thực sự được giải phóng. Cũng như, chỉ khi nào người cầm bút và độc giả không còn phải
bận tâm đến vấn đề phái tính mà chỉ quan tâm tới cái tài, cái tâm của người cầm bút thì vấn
đề giới trong sáng tác văn chương mới thực sự được giải quyết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Hoàng Diệu, Bóng đè, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2005.
2. M.B. Khrapchenko, (Lại Nguyên Ân – Duy Lập – Lê Sơn – Trần Đình Sử dịch. Trần
Đình Sử tuyển chọn và giới thiệu), Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên
cứu văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

3. Phỏng vấn Thuận, Phỏng vấn Thuận (tác giả Made in Vietnam), www.tienve.org.


SEXUALITY, INSTINCTS - MEANS ASSERT GENDER EQUALITY IN CREATION
OF Y BAN, LY LAN, ĐO HOANG DIEU
Bui Thi Thuy

Abstract
Literature must reflect human needs sexual instinct. literature in general and in
particular sex is a land for men. Until 60 years of the twentieth century, feminist literary
movement was born, the sex became a means for women writers assert their sexual
superiority. Hallmark of feminist literary appeared in Vietnam in those years of innovation
with many talented women writers. Y Ban, Ly Lan, Do Hoang Dieu is typical of writers.
Learn sexuality, instincts in writing of the writer is more an important issue about the
advantages of their sex.

×