ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC QUY HOẠCH VÀ GIẢI TỎA NÒ SÁO ĐẾN CỘNG ĐỒNG
NGƯ DÂN TẠI MỘT SỐ HUYỆN VEN ĐẦM PHÁ TAM GIANG CẦU HAI TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ.
Võ Điều, Trần Thị Thúy Hằng, Nguyễn Đức Thành
1
Khoa Thuỷ sản, Trường Đại học Nông Lâm Huế, 102 Phùng Hưng, Huế
TÓM TẮT
Việc quy hoạch và giải tỏa nò sáo trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những
ảnh hưởng đến cộng đồng ngư dân có đời sống gắn liền với đầm phá, đặc biệt là sinh kế của ngư hộ. Kết quả khảo
sát cho thấy, hoạt động sinh kế của ngư dân tại một số huyện ven phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế
có sự thay đổi trước và sau quy hoạch, giải tỏa nò sáo, không chỉ thay đổi về ngành nghề, mà còn ảnh hưởng đến
thu nhập và cũng gây ra khó khăn trong đời sống của ngư dân tại khu vực bị giải tỏa quy hoạch nò sáo.
1. GIỚI THIỆU
Quy hoạch nò sáo trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong
những hoạt động được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành và cộng đồng ngư dân trong những
năm gần đây. Với mục đích bảo vệ môi trường, ổn định sản xuất thủy sản và bảo vệ nguồn lợi
thủy sản, công tác quy hoạch, sắp xếp nò sáo đã được triển khai ở nhiều địa phương quanh đầm
phá.
Qua đánh giá của nhiều nhà quản lý thủy sản, nhà khoa học, việc quy hoạch nò sáo trên
đầm phá Tam Giang – Cầu Hai bước đầu đã có hiệu quả về môi trường, kinh tế,…Tuy nhiên, do
thời gian sau quy hoạch còn ngắn, nguồn lợi thủy sản chưa kịp phục hồi, ở một số vùng, thu nhập
từ khai thác thủy sản giảm ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của ngư dân. Do vậy, việc đánh
giá và xem xét những “ảnh hưởng của quy hoạch, sắp xếp nò sáo đến đời sống ngư dân tại các
huyện ven phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế”, góp phần tìm ra giải pháp ổn định đời sống
cho ngư dân là việc làm cấp thiết.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU, PHƯƠNG PHÁP
2.1. Nội dung nghiên cứu
- Hiện trạng quy hoạch nò sáo tại một số huyện ven phá Tam Giang, tỉnh TTHuế
- Ảnh hưởng của việc quy hoạch nò sáo đến hoạt động sinh kế của ngư dân
- Khó khăn sau quy hoạch nò sáo.
- Đánh giá chung của ngư hộ về việc quy hoạch nò sáo
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp: các thông tin thứ cấp về quy hoạch, giải tỏa nò sáo
được thu thập từ các báo cáo của các cơ quan có liên quan trên địa bàn như: Sở NN và PTNT
tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế; các
phòng NN và PTNT các huyện và UBND các xã có giải tỏa, sắp xếp nò sáo; các chương trình,
dự án có liên quan đến giải tỏa, sắp xếp nò sáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phương pháp thu thập thông tin sơ cấp: Thu thập bằng phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc,
phỏng vấn bằng phiếu, bảng hỏi cán bộ quản lý thủy sản ở các cấp và ngư dân; thảo luận nhóm,
….Số mẫu phỏng vấn từ ngư dân ở các huyện đã sắp xếp nò sáo, cụ thể được trình bày ở bảng
sau:
Bảng 1. Số lượng hộ điều tra mẫu
TT TP hộ điều tra Số hộ (hộ) Tỷ lệ (%)
1 Quảng Lợi, Quảng Điền
51 28.0
2 Quảng Ngạn, Quảng Điền
10 5.5
3 Quảng Phước, Quảng Điền
14 7.7
4 Quảng Thái, Quảng Điền
10 5.5
5 Điền Hải, Phong Điền
27 14.8
6 Vinh Giang, Phú Lộc
20 11.0
7 Vinh Hiền, Phú Lộc
30 16.5
8 Lộc Điền, Phú Lộc 20
11.0
Tổng số 182 100.0
Mẫu điều tra phải đảm bảo đại diện các nhóm hộ: nhóm hộ nằm trong diện sắp xếp lại nò
sáo và nhóm hộ nằm trong diện giải tỏa nò sáo.
Phương pháp phân tích số liệu: số liệu sau khi thu thập được xử lý trên phần mềm SPSS phiên
bản 16.0; phân tích số liệu bằng phương pháp SWOT và một số phương pháp khác.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Hiện trạng quy hoạch nò sáo tại một số huyện trên đầm phá Tam Giang
3.1.1.Tiến độ giải tỏa, sắp xếp nò sáo
Công tác quy hoạch, sắp xếp nò sáo trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được triển khai
trong những năm gần đây và đã đạt được một số kết quả khả quan. Kết quả cụ thể được trình bày
ở bảng sau:
Bảng 2. Hiện trạng quy hoạch nò sáo tại một số huyện trên đầm phá Tam Giang, tỉnh
Thừa Thiên Huế
TT Địa phương
Trước QH Sau QH
Số trộ sáo Số hộ
Số trộ
sáo còn
lại
Số hộ
còn nò
sáo
Số trộ
sáo giải
tỏa
Số hộ có
nò sáo bị
giải tỏa
1 Phú Lộc 665 291 281
2 Hương Trà 44 44 22 22 22 22
3 Phong Điền 113 (118) 116 48 (46) 65
4 Quảng Điền 441 370 198 198 243 172
5 Phú Vang 351 361 193 203 158 158
Nguồn: Các quyết định quy hoạch của các huyện; số liệu khảo sát năm 2011 của nhóm nghiên
cứu
Qua số liệu bảng trên cho thấy, hầu hết các địa phương đều có số lượng nò sáo giảm
khoảng 50%, trong đó, nhiều nhất là huyện Quảng Điền với 243 (trên tổng số 411) hộ bị giải tỏa.
Cho đến nay, Phú Lộc, Quảng Điền và Phong Điền đã hoàn thành quy hoạch, các huyện Hương
Trà và Phú Vang đang trong tiến trình triển khai.
3.1.2. Tiêu chí quy hoạch nò sáo và chính sách hỗ trợ
Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy, hầu hết các huyện đều căn cứ vào tiêu chí của
tỉnh để quy hoạch, sắp xếp nò sáo, cụ thể bố trí nò sáo phải đảm bảo các tiêu chí như sau:
(i) Không vi phạm đường giao thông, vùng bảo vệ thủy sản, vùng đệm ven bờ, vùng đệm giữa hai
xã;
(ii) Hàng cách hàng tối thiểu là 150m;
(iii) Khoảng cách tối thiểu giữa hai cánh sáo liền kề là 10m;
(iv) Chiều dài tối đa của cánh sáo không quá 350m;
(v) Sáo đặt hình chữ V;
(vi) Kích thước mắt lưới tối thiểu( của Nò) 2a = 18mm.
3.1.3. Các thuận lợi và khó khăn trong triển khai quy hoạch nò sáo
Thuận lợi: Công tác quy hoạch, sắp xếp nò sáo trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có một số
thuận lợi cơ bản sau:
- Được sự chỉ đạo và hỗ trợ về cơ chế chính sách của chính quyền tỉnh
- Có sự hỗ trợ về kinh phí của chính quyền tỉnh và huyện
- Được sự ủng hộ của nhiều ngư dân
Khó khăn: một số khó khăn chính trong quá trình quy hoạch và sau quy hoạch nò sáo gồm:
- Chính sách hỗ trợ chưa thỏa đáng
- Một số ngư dân không có việc làm sau đào tạo nghề
- Người già, mất sức lao động không có khả năng học nghề và chuyển sang hoạt động nghề
khác.
- Một số ngư hộ không ủng hộ chính sách quy hoạch nò sáo do ảnh hưởng đến sinh kế và
thu nhập.
3.2. Ảnh hưởng của việc quy hoạch nò sáo đến thu nhập của ngư hộ
3.2.1. Hoạt động sinh kế của ngư hộ
Qua kết quả khảo sát các ngư hộ nằm trong diện quy hoạch nò sáo có sự thay đổi về hoạt
động sinh kế của gia đình trước và sau khi việc quy hoạch và giải tỏa nò sáo diễn ra.
Hình 1. Sự thay đổi về hoạt động sinh kế của ngư hộ trước và sau quy hoạch, giải tỏa nò sáo
Qua hình 1, có thể thấy rằng sinh kế của người dân trước và sau quy hoạch có sự thay
đổi. Trong các hoạt động sinh kế, chỉ có nghề khai thác bằng nò sáo giảm đến 12%, còn các nghề
khác như khai thác thủy sản bằng các nghề khác tăng 7.07% ; Trong khi các hoạt động nghề
nghiệp khác có sự tăng nhẹ như nuôi trồng thủy sản tăng 0.24%; nông nghiệp tăng 0.22%; Buôn
bán tăng 1.5% và lao động, làm nghề tăng 2.96%.
Mặc dù trước và sau quy hoạch, giải tỏa nò sáo có sự thay đổi về sinh kế, nhưng để kiểm
tra xem sự thay đổi đó có ý nghĩa về mặt thống kê hay không, chúng tôi đã tiến hành kiểm định
dấu và hạng Wilcoxon.
Bảng 3. Kiểm định Wilcoxon về sự khác nhau về sinh kế của người dân trước và
sau quy hoạch
Tổng
Hạng trung
bình
Tổng xếp
hạng
Sinh kế trước quy hoạch;
Sinh kế sau quy hoạch
Chênh lệch âm 3
a
60.67 182.00
Chênh lệch dương 95
b
49.15 4669.00
Không chênh lệch 230
c
Tổng 328
a. Sinh kế sau quy hoạch < Sinh kế trước quy hoạch;
b. Sinh kế sau quy hoạch > Sinh kế trước quy hoạch
c. Sinh kế sau quy hoạch = Sinh kế trước quy hoạch
Kết quả kiểm định cho thấy sinh kế của ngư dân có sự thay đổi trước và sau quy hoạch nò
sáo và có ý nghĩa về mặt thống kê, với Sig. = .000 < α = 0.05. Vậy hoạt động sinh kế của ngư
dân nói chung có sự thay đổi trước và sau khi giải tỏa nò sáo. Hay nói cách khác, hoạt động sinh
kế của ngư dân sau quy hoạch có sự thay đổi rõ rệt và theo chiều hướng tăng (các hoạt động sinh
kế không phải bằng khai thác bằng nò sáo).
3.2.2. Thu nhập của ngư hộ
Sau quy hoạch nò sáo, theo nhận định của các ngư hộ điều tra được, 32.97% ý kiến cho rằng
thu nhập của họ cao hơn sau với lúc trước quy hoạch. Khi tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến việc thu
nhập của ngư hộ tăng cao hơn chủ yếu là do sản lượng thủy sản khai thác được tăng (57.14%), giá
bán thủy sản cao hơn trước (35.71%) và 7.14% là do chuyển đổi nghề nghiệp.
Hình 2. Thu nhập của ngư hộ sau quy hoạch
Bên cạnh những phát huy tích cực của quy hoạch nò sáo như trên, do thời gian quy hoạch
còn ngắn, thời gian để nguồn lợi thủy sản phục hồi chưa nhiều, nên nhiều vùng chưa thấy được
hiệu quả của quy hoạch, cụ thể có 39.07% số hộ có thu nhập thấp hơn trước. Do vậy, để người
dân yên tâm sản xuất trong thời gian nguồn lợi thủy sản chưa kịp phục hồi, đặc biệt là những hộ
có thu nhập từ khai thác thủy sản thấp hơn trước, chính quyền địa phương cần phải tiếp tục tuyên
truyền, giải thích những lợi ích về quy hoạch cho người dân.
3.3. Khó khăn ngư hộ gặp phải sau quy hoạch
Kết quả khảo sát cho thấy có đến 58.15% ngư hộ gặp khó khăn sau quy hoạch, 41.85%
không gặp khó khăn sau quy hoạch nò sáo (hình 3).
Hình 3. Tỷ lệ gặp khó khăn của ngư hộ sau quy hoạch
Qua hình 4 cho thấy, khó khăn lớn nhất của các ngư hộ sau quy hoạch là nợ tiền vay đầu
tư nò sáo. Ngoài ra, các khó khăn như thu nhập từ khai thác thủy sản giảm, chưa tìm ra nghề thay
thế, không đủ sức lao động để làm các nghề khác là nhũng nhóm khó khăn chiếm tỷ lệ lớn trong
các ngư hộ sau quy hoạch nò sáo.
Hình 4. Những khó khăn của ngư hộ sau quy hoạch nò sáo
3.4. Đánh giá chung của ngư hộ về quy hoạch nò sáo
Nhìn chung, mặt dù hiệu quả của quy hoạch chưa được phát huy hết ở các vùng, địa
phương do thời gian sau quy hoạch ngắn nhưng phần lớn các ngư hộ đều đánh giá tích cực về
quy hoạch nò sáo trên đầm phá.
Hình 5. Đánh giá chung của ngư hộ về quy hoạch nò sáo
Phần lớn các ngư hộ cho rằng quy hoạch nò sáo trên đầm phá đem lại lợi ích chung cho
cộng đồng và ổn định sinh kế cho các ngư hộ khai thác thủy sản trên đầm phá; chỉ có một tỷ lệ
nhỏ 8% số hộ cho rằng quy hoạch nò sáo không công bằng với các hộ làm nghề nò sáo vì: các hộ
khai thác di động được hưởng lợi nhiều hơn sau quy hoạch.
4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
IV.1. Kết luận
Qua đánh giá hiện trạng về quy hoạch nò sáo và các ảnh hưởng của quy hoạch đến sinh
kế của cộng đồng ngư dân chúng tôi có một số kết luận sau:
(i) Công tác quy hoạch nò sáo đã triển khai ở phần lớn các địa phương trên đầm phá Tam Giang -
Cầu Hai. Một số địa phương đã hoàn thành công tác quy hoạch như: Phú Lộc, Quảng Điền,
Phong Điền.
(ii) Một bộ phận không nhỏ ngư dân có thu nhập thấp hơn do ảnh hưởng của quy hoạch, đặc biệt là
nhóm ngư hộ nghèo. Có nhiều nguyên nhân làm cho nhóm ngư hộ nghèo có thu nhập thấp như:
chưa tìm ra nghề mới thay thế nò sáo, thiếu vốn sản xuất, không đủ sức lao động làm các nghề
khác,…
(iii) Phần lớn cộng đồng ngư dân đánh giá: quy hoạch nò sáo mang lại lợi ích chung cho cộng đồng,
ổn định sinh kế cho ngư dân.
IV.2. Kiến nghị
Qua các nội dung của hoạt động, nhóm nghiên cứu có một số kiến nghị sau:
(i) Cần có đánh giá về nhu cầu đào tạo nghề phù hợp với điều kiện các địa phương của nhóm ngư
hộ
(ii) Cần có nghiên cứu về các hoạt động sinh kế thay thế cho nhóm ngư hộ nằm trong diện quy
hoạch nò sáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. HĐND huyện Phú Lộc,2006. Nghị Quyết số 7e/2006/NQ-HĐND9 về quy hoạch khu bảo tồn
sinh học (bảo tồn nguồn gen, bải đẻ), quy hoạch sắp xếp nghề nò sáo, đáy khai thác thủy sản
huyện Phú Lộc.
2. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế,2008. Quyết định số: 2034/QĐ-UBND, Về việc phê duyệt Kế
hoạch sắp xếp lại nò sáo trên đầm phá thuộc huyện Phong Điền giai đoạn 2008-2009.
3. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế,2009. Quyết định số: 1958/QĐ-UBND, Về việc phê duyệt điều
chỉnh, bổ sung một số chính sách sắp xếp lại nò sáo trên đầm phá thuộc huyện Phong Điền.
4. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, 2010. Quyết định số: 1134/QĐ-UBND, Về việc phê duyệt Kế
hoạch giải tỏa sắp xếp lại nò sáo trên phá Tam Giang, huyện Quảng Điền.
5. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, 2010. Quyết định số: 1135/QĐ-UBND, Về việc phê duyệt Kế
hoạch giải tỏa sắp xếp lại nò sáo trên phá Tam Giang, huyện Phú Lộc năm 2010.
6. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, 2011. Quyết định số: 1142/QĐ-UBND, Về việc phê duyệt Kế
hoạch giải tỏa sắp xếp lại nò sáo trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc huyện Phú
Vang.
7. UBND huyện Hương Trà, 2011. Báo cáo quy hoạch nghề khai thác cố định ở đầm phá huyện
Hương Trà.
SUMMARY
Planning and clearance of fish corral in Tam Giang – Cau Hai lagoon, Thua Thien Hue province has an influence
for fishermen community, especially their livelihoods. Investigated results showed that the livelihoods of fishermen
in a coastal district of Tam Giang - Cau Hai lagoon, Thua Thien Hue changed before and after planning and
clearance fish corral, not only changed career, but also affected to the income, and also caused of the difficulties in
the lives of fishermen.