Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông cửu long

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (210.98 KB, 4 trang )

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Sau gần ba năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long
(ÐBSCL) đã có sự chuyển biến tích cực; nhất là ở những xã, huyện được chọn
làm điểm. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện
rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, một số địa
phương vẫn còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện do gặp phải những khó
khăn, vướng mắc.
Ðổi thay làng mới
Theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM thì xã Mỹ
Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) được coi là điển hình năng động trong
việc triển khai thực hiện XDNTM ở ÐBSCL. Trước đây, Mỹ Long Nam là xã
bãi ngang, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hàng loạt hộ dân bỏ xứ đi
khắp nơi làm thuê kiếm sống. Nay xã này được chọn là một trong 11 xã thí điểm
XDNTM trong cả nước. Kết quả bước đầu của chương trình có tác động làm
chuyển biến nhận thức trong cán bộ và người dân nông thôn, làm bộ mặt nông
thôn đổi mới theo chiều hướng tích cực. Từ một xã đặc biệt khó khăn, sau thời
gian triển khai thực hiện mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đã giúp
Mỹ Long Nam trở thành xã giàu của tỉnh. Chia sẻ kinh nghiệm thành công bước
đầu, Trưởng ban quản lý XDNTM xã Nguyễn Văn Bền, cho biết: Trong sản xuất
nông nghiệp, xã giảm dần các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả thấp để chuyển
sang nuôi tôm sú. Theo đó, tập trung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi khép kín, làm
đường giao thông, đưa điện về các ấp phục vụ nuôi tôm công nghiệp, mời kỹ sư
thủy sản về tập huấn kỹ thuật, tạo nguồn giống tốt để hỗ trợ bà con nuôi tôm
hiệu quả. Năm 2011, toàn xã có 911 hộ nuôi tôm có lãi, chiếm 95% tổng số hộ
nuôi. Ðáng chú ý, trong đó nhiều hộ có lãi từ một đến ba tỷ đồng/năm. Hiện nay
thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm, gấp 1,8 lần so thu nhập
bình quân của toàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Dinh, nông dân ấp 5 có năm ha đất
nhiễm phèn nặng, trước đây là vùng trũng của cánh đồng cỏ năn nay lợi nhuận


hằng năm hơn 600 triệu đồng. Ông Dinh phấn khởi cho biết: Nhờ có con kênh
thủy lợi tháo chua, rửa phèn mà nông dân ở đây mạnh dạn đầu tư đưa con tôm
sú vào nuôi cho nên mới khấm khá như vầy. Không chỉ gia đình ông Dinh mà
phần lớn bà con nơi đây đều ăn nên làm ra nhờ nuôi tôm sú. Một trong những
đổi thay rõ nhất ở Mỹ Long Nam là việc phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều con
đường được mở rộng, bê-tông hóa, trải nhựa khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh
nguồn vốn do ngân sách cấp, nhiều nông dân hăng hái hiến đất nâng cấp đường
và các công trình phúc lợi khác. Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam Phạm Văn
Liêm cho biết: Cán bộ cùng nhân dân đã tự nguyện hiến gần 3.000 m2 đất. Hiện
nay, Mỹ Long Nam đã hoàn thành 15 trong số 19 tiêu chí XDNTM, phấn đấu
cuối năm nay đạt thêm ba tiêu chí nữa.
Ðến huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng
khi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của một huyện nghèo thuần nông.
Trước kia người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng cây lúa nước,
năng suất bấp bênh. Giờ đây, nông thôn Phước Long có nhiều căn nhà cao tầng
được xây dựng mới, trị giá hàng tỷ đồng. Nhất là ở xóm Nhà Lầu 1, Nhà Lầu 2,
nhiều căn nhà mái ngói nằm sát nhau giống như dãy phố ở đô thị. Phó Chủ tịch
UBND huyện Phạm Quốc Nam, cho biết, Phước Long là một trong năm huyện
của cả nước được Trung ương chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới giai
đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, không chỉ đợi đến khi được chọn làm thí điểm mới
bắt tay vào xây dựng mà trước đó, Ðảng bộ và chính quyền huyện Phước Long
chủ động ban hành đề án về XDNTM phát triển toàn diện. Lúc đó chưa có tiêu
chí, cho nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm với mục tiêu để Phước Long không
còn là huyện nghèo. Hàng loạt nghị quyết của Huyện ủy ra đời nhằm đẩy mạnh
chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, nhân rộng mô hình
sản xuất, nhất là mạnh dạn chuyển đổi 18 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả
sang nuôi tôm hoặc kết hợp mô hình tôm - lúa. Nhờ đó, sản lượng thủy sản tăng
từ hai nghìn tấn lên 20 nghìn tấn/năm; sản lượng lương thực từ 140 nghìn tấn
tăng lên 171 nghìn tấn/năm dù diện tích đất nông nghiệp có giảm. Tốc độ tăng
trưởng hằng năm đạt 15 - 16% , thu nhập bình quân 15,5 triệu đồng/người/năm,

tăng gấp ba lần so với năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% xuống còn dưới
4% (theo tiêu chí cũ). Các công trình, hệ thống hạ tầng ở ấp, xã đều được xây
dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Việc xây dựng huyện
nông thôn mới đã tạo đà cho huyện nghèo Phước Long cất cánh. Ðến nay, trong
19 tiêu chí XDNTM thì Phước Long đã hoàn thành tám tiêu chí. Huyện đang
phát huy mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2015 có 6 trong số 8 xã đạt tiêu chí
xã nông thôn mới và huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Có thể nói, từ khi có chủ trương XDNTM, các địa phương vùng ÐBSCL
đã nhanh chóng vào cuộc và được người dân tích cực hưởng ứng với nhiều mô
hình, cách làm hiệu quả. Nhiều địa phương dù không được chọn làm thí điểm
vẫn tích cực triển khai chương trình, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng giao
thông nông thôn và phát triển mô hình sản xuất mới, đúc kết được kinh nghiệm
và đang khẩn trương bắt tay kiến thiết lại nông thôn một cách căn bản hơn.
Tuy nhiên, chủ trương XDNTM là một chương trình lớn, toàn diện và
còn khá mới mẻ cho nên nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình
triển khai thực hiện. Ðó là nhận thức về XDNTM ở một số địa phương chưa sâu,
chưa nắm rõ quy trình thực hiện cho nên sự quan tâm chỉ đạo chưa đúng mức.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn nội dung của một số bộ, ngành
Trung ương còn chậm, chưa có sự hỗ trợ kịp thời đến các địa phương và người
dân. Do đó, các địa phương còn lúng túng trong cơ chế huy động nội lực, cơ chế
lồng ghép các nguồn vốn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng; trong tiếp cận và giải
ngân các nguồn vốn ngân sách cấp. Tiến độ triển khai một số nội dung công việc
còn chậm so với kế hoạch đề ra. Trong thực hiện các nội dung, mới chú trọng
nhiều đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà ít quan tâm đến các hoạt động phát
triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, xây dựng đời sống văn
hóa khu dân cư… Ngoài ra, việc triển khai quy hoạch cấp xã theo tiêu chí NTM
cũng còn nhiều vướng mắc, chưa phản ánh đầy đủ và toàn diện thực trạng nông
thôn. Mặt khác, theo các địa phương vùng ÐBSCL, thì một số tiêu chí XDNTM
cũng chưa phù hợp với tình hình thực tế. Nhất là các tiêu chí chuyển đổi cơ cấu

lao động, kiên cố hóa kênh mương, cứng hóa đường trục chính nội đồng và tiêu
chí 65% số lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ là khó đạt
được. Bởi lẽ, hiện nay ở ÐBSCL, tình trạng thiếu lao động vào mùa thu hoạch,
thiếu vốn phát triển sản xuất vẫn còn khá phổ biến. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng nông
thôn còn nhiều hạn chế, khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, giải
quyết việc làm, góp phần chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lao động nông thôn…
Ðể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện
phong trào XDNTM ở ÐBSCL, thời gian tới, cần nghiên cứu rút kinh nghiệm
những mặt làm được, chưa được từ thực tế các địa phương để thống nhất cơ chế,
chính sách và có sự chỉ đạo, định hướng kịp thời. Ðối với các tiêu chí NTM,
không nhất thiết phải làm đúng theo quy định mà tùy tình hình thực tế từng địa
phương mà vận dụng một cách linh hoạt, hợp lý và hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ÐBSCL, để XDNTM
đạt mục tiêu đề ra, tạo sự thuận lợi cho các cấp chính quyền địa phương và sự
đồng thuận của người dân, cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành Trung
ương, nhất là việc ban hành kịp thời hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách
về hỗ trợ đầu tư; chính sách khuyến khích nông dân, địa phương giữ đất trồng
lúa; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách
liên kết “bốn nhà” trong xây dựng nông thôn mới. Nhất là chính sách khuyến
khích, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nông thôn phát triển, mở rộng mối quan hệ
liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp chế
biến nông sản, thương mại, dịch vụ ở nông thôn phát triển. Ðồng thời chuyển
dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, góp phần giải
quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn.
Nguồn: Nhân dân

×