THPT Đồng Bành
Các tình huống giao tiếp sư phạm
Tình huống 1:
Học sinh B lớp 11A do giáo viên G làm chủ nhiệm mắc khuyết điểm nên giáo viên G
đã nghiêm giọng nói:
- Tối tôi sẽ đến nhà
Buổi tối, đúng hẹn giáo viên G đã đến thăm gia đình học sinh B. Ngồi đối diện với
phụ huynh học sinh B, giáo viên G bắt đầu vào cuộc trò chuyện. Học sinh B ngồi thu
lu trong góc tường gục mặt xuống chờ giáo viên G kể tội.
? Nếu là giáo viên G, bạn sẽ xử sự như thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 1:
a. Kể tội của học sinh B cho phụ huynh để phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên
chủ nhiệm giáo dục học sinh.
b. Không kể tội học sinh mà chỉ nói chuyện về tương lai học tập của các em với phụ
huynh.
c. Không những không kể tội của học sinh mà còn nói chuyện với phụ huynh học sinh
về những ưu điểm của học sinh đó (khi thấy phụ huynh tỏ ra sốt ruột muốn biết lí do
giáo viên đến nhà học học sinh) và mong gia đình động viên con em họ tiếp tục phát
huy những ưu điểm đó.
d. Nói với phụ huynh: “ lí do hôm nay tôi đến nhà học sinh trước hết là để thăm gia
đình và kế đó là để tìm hiểu tình hình học tập của học sinh ở nhà, vì tôi mới được
phân công làm công tác chủ nhiệm lớp các em”.
e. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 2:
Một hôm cô giáo G đến nhà học sinh D (để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh),
một trẻ nhỏ (em của học sinh D) muốn xin chiếc khăn mà cô giáo G đang quàng.
Chiếc khăn đó là một vật kỉ niệm mà cô giáo G rất quý và nâng niu.
? Nếu là cô giáo trong trường hợp trên, bạn sẽ xử lí như thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 2:
a. Tìm cách lảng sang chuyện khác.
b. Hứa với cháu bé rằng ngay ngày mai cô sẽ mua tặng cho cháu một chiếc khăn đẹp
tương tự như thế.
c. Tặng cho cháu bé ngay chiếc khăn đó, không chút chần chừ.
d. Nói với cháu bé: “Không được cháu ạ, vì đây là vật kỉ niệm của cô”.
e. Quàng chiếc khăn đó vào cổ cháu bé và nói: “Hôm nay cô cho cháu mượn chiếc
khăn này, nhưng ngày mai cô sẽ mua cho cháu một chiếc khăn đẹp hơn như thế này
và cháu hứa là sẽ đổi lại cho cô chứ?”.
g. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 3:
Chiều 30 Tết, ông giáo Thiện đi chơi ở nhà bạn về, bà giáo Thiện cho hay: Một ông
bố học trò vừa đến chúc Tết biếu chai rượu, gói mứt và một phong bì đựng 100 ngàn.
Chắc sợ chồng phàn nàn sao nhận quà có phong bì, bà Thiện liền thanh minh:
- Ông ta về rồi, tôi giở ra mới biết trong có phong bì
? Nếu là ông giáo Thiện, bạn sẽ làm như thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 3:
a.Cho qua, vì đó là chuyện rất đời thường (phụ huynh biếu quà thầy giáo để tỏ lòng
biết ơn thầy).
b. Tìm đến nhà vị phụ huynh nọ để trả lại chiếc phong bì.
c.Đợi ra Tết, sẽ mang chiếc phong bì tới lớp học nhờ con của vị phụ huynh đó mang
về trả lại cho bố.
d. Tìm đến nhà cảm ơn, chúc Tết gia đình vị phụ huynh, trước khi ra về nói: “Tôi rất
cảm ơn tấm lòng ông bà. Quà ông bà biếu tôi nhận hết. Đây là phần tôi mừng tuổi
hai cháu” và đưa số tiền đó cho vị phụ huynh.
e. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 4:
Em B là một học sinh khá trong lớp, nhưng vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn về
kinh tế, phụ huynh học sinh đó đã đến gặp giáo viên chủ nhiệm trình bày hoàn cảnh
để xin cho em học sinh đó nghỉ học.
? Nếu là giáo viên chủ nhiệm lớp đó, bạn xử lí như thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 4:
a. Tìm hiểu hoàn cảnh qua việc đi thăm gia đình học sinh B, sau đó đề nghị với nhà
trường xem xét, tìm cách giải quyết để em học sinh đó vẫn tiếp tục đi học.
b. Họp lớp và kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả học sinh trong lớp đối với B về vật chất
(quần áo cũ, sách vở đồ dùng học tập) và hằng ngày cử 1- 2 em đến giúp đỡ bạn B
các công việc nhà
c. Đưa ra cuộc họp phụ huynh kêu gọi sự giúp đỡ của cha mẹ học sinh trong lớp về
tiền của để giúp em học sinh đó tiếp tục đến trường.
d. Đưa lên đài báo địa phương (trung ương) kêu gọi sự giúp đỡ, tương trợ về vật chất
của những người hảo tâm.
e. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 5:
Giáo viên K là giáo viên dạy Toán đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A- lớp
chuyên Toán. Một hôm, giáo viên K được giáo viên P là giáo viên dạy môn Kĩ thuật
phàn nàn rằng: “Học sinh lớp anh dạo này lười học quá, nhiều đứa không chịu làm
bài tập. Anh cần phải nhắc nhở học trò của anh nhé”.
? Nếu là giáo viên K, bạn sẽ xử sự như thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 5:
a.Im lặng.
b. Nói với giáo viên P: “Anh cần nhắc nhở trực tiếp với học sinh, vì mỗi giáo viên bộ
môn đều phải có trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, tác phong, ý thức trong
học tập, chứ đó không phải chỉ là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm”.
c. Nói với giáo viên P: “Được, buổi sinh hoạt tới tôi sẽ nhắc nhở các em, nhưng anh
phải cùng phối hợp với chúng tôi thì việc giáo dục các em mới có hiệu quả”.
d. Nói với giáo viên P: “Anh thông cảm, cuối cấp rồi chúng còn phải lo học những
môn học chính để còn đi thi tốt nghiệp và thi vào đại học, cao đẳng, còn môn Kĩ thuật
chỉ là môn phụ, chúng có thể tự bổ túc sau”.
e. Nói với giáo viên P: “Anh đã tìm hiểu kĩ nguyên nhân chưa? Cái gì cũng có căn
nguyên của nó. Chúng ta thế nào cũng sẽ tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Anh cứ yên
tâm đi, vì tôi đã làm chủ nhiệm lớp này gần 3 năm rồi nên tôi rất hiểu chúng nó”.
g. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 6:
Học sinh lớp 11A nhân dịp đến thăm cô giáo chủ nhiệm đã phàn nàn với cô về thầy
giáo dạy môn Hóa rằng thầy dạy khó hiểu và còn tỏ ra thiên vị, không công bằng đối
với học sinh.
? Nếu là cô giáo chủ nhiệm lớp 11A, bạn sẽ làm gì? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 6:
a.Đồng tình với học sinh, thậm chí còn có những lời nói không hay về thầy giáo đó.
b.Nhắc nhở các em không nên nhận xét vội vàng về thầy giáo, đồng thời hứa sẽ góp ý
với thầy về cách dạy cho dễ hiểu hơn và cũng khuyên các em cần phải tự cố gắng,
không nên ỷ lại thầy.
c. Chỉ nghe mà không tỏ thái độ gì và lập tức chuyển sang chủ đề khác.
d. Hứa là sẽ phản ánh việc này với Ban giám hiệu nhà trường để tìm cách giải quyết
cho thỏa đáng.
e. Phê bình học sinh là lười học lại còn đổ lỗi cho giáo viên, vì theo quan niệm của cô
thì giáo viên dạy Hóa đã tốt nghiệp vào loại giỏi nên không thể có chuyện dạy khó
hiểu được.
g. Khuyên học sinh nên họp lớp, ghi biên bản rồi cử người đại diện nói chuyên trực
tiếp với giáo viên dạy Hóa để thầy rút kinh nghiệm.
h. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 7:
Lớp bạn phụ trách có học sinh X tháo vát, lanh lợi nhưng có lần đã bị góp ý về
khuyết điểm mượn tiền của bạn không chịu trả đúng hạn. Sắp đến ngày 26- 3, lớp tổ
chức đi dã ngoại, có ý kiến đề xuất nên cử X đảm trách việc thu tiền, mua sắm một số
thứ cần thiết phục vụ cho chuyến đi.
? Là giáo viên chủ nhiệm lớp, bạn xử lí thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 7:
a. Giao tiền cho nó thì giống như “giao trứng cho ác”. Cử em khác làm.
b. Mạnh dạn giao tiền cho X quản lí.
c. Trao đổi với bạn cán sự lớp về trường hợp của X rồi mới đi đến quyết định có cử X
hay không.
d. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 8:
Ở lớp bạn dạy có học sinh hay gây gổ với các bạn, học lực lại quá yếu. Một hôm em
dũng cảm cùng người khác bắt được kẻ gian.
? Bạn đánh giá thế nào về hành động này? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 8:
a. Coi đây là hành động bột phát nên không cần quan tâm đến.
b. Không dám khen việc làm này vì sợ em đó không sửa chữa khuyết điểm của mình.
c. Coi đây là hành vi tốt nên đã kịp thời khen em trước lớp, đề nghị nhà trường khen
và thông báo về gia đình.
d. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 9:
Hai xe ô tô chở học sinh đi tham quan. Thầy giáo sắp xếp chỗ ngồi theo tổ để tiện
theo dõi. Ở xe nào học sinh cũng muốn đi cùng với thầy giáo.
? Nếu là thầy giáo đó bạn xử lí thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 9:
a. Đi cùng với xe có nhiều học sinh nữ vì sợ các em học sinh nữ hay say xe nên cần
có thầy để xử lí trong những trường hợp đặc biệt.
b. Đi cùng với xe có nhiều học sinh nam, vì sợ học sinh nam hay nghịch ngợm, nên
cần có thầy để nhắc nhở.
c. Giải thích với các em rằng, xe nào thầy cũng muốn đi cùng nhưng thầy phải đi xe
trước để đến trước lo sắp xếp mọi công việc cho các em tham quan. Đến lúc về thầy
sẽ đi cùng với xe mà lúc đầu thầy không đi cùng.
d. Tiện đâu thầy đi đấy, không giải thích dài dòng, lôi thôi.
e. Đi bằng xe máy của thầy để khi lo xong công việc thầy sẽ về luôn, còn học sinh
tham quan xong tự về theo các xe đã quy định.
g. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 10:
Trong lớp bạn làm chủ nhiệm có một học sinh mà bạn cho là ngoan và học giỏi, bỗng
nhiên hôm nay công an đến thông báo cho nhà trường biết là em đó đang tham gia
trong một nhóm trộm cắp.
? Bạn xử lí như thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 10:
a. Bình tĩnh để xem xét có đúng sự thực không, hay là công an nhầm với học sinh
khác, trường khác
b. Báo cáo ngay về gia đình.
c. Khẳng định với công an rằng là họ đã nhầm vì em đó là học sinh giỏi mà lại ngoan
nên không thể làm những chuyện như vậy được.
d. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huông 11:
Anh (chị) là thầy (cô) giáo trẻ vừa ra trường về làm giáo viên chủ nhiệm ở một lớp có
40 học sinh. Lớp này rất nghịch và có một em làm đầu trò, không thầy cô nào chịu
nổi lớp này. Hôm nay anh (chị) vào nhận lớp, em đầu trò định giương súng cao su
bắn vào anh (chị).
? Anh (chị) sẽ giải quyết bằng cách nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 11:
a. Họp lớp, kiểm điểm thái độ của từng học sinh.
b. Xin Ban giám hiệu không làm chủ nhiệm và dạy ở lớp đó nữa.
c. Gặp gỡ riêng em học trò đó để khuyên bảo.
d. Mời cha mẹ em đầu trò đến trường bàn bạc.
e. Họp hội đồng kỉ luật nhà trường để góp ý và thi hành kỉ luật em đầu trò.
g. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 12:
Là một thầy (cô) giáo trẻ, bạn được một học sinh khác giới trong lớp chủ nhiệm tỏ ý
cảm mến,thậm chí em đó đã bộc lộ tình cảm yêu đương rất “sâu sắc” với bạn.
Nếu là giáo viên đó, bạn sẽ xử lí như thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 12:
a. Tỏ ra lúng túng, ngại ngùng, tìm mọi cách tránh tiếp xúc, gặp gỡ em học sinh đó.
b. Gặp ngay em học sinh đó để nhắc nhở, “phê bình”.
c. Coi như không biết tình cảm của em học sinh đó(chừng nào em còn giữ trong vòng
bí mật chưa thổ lộ trực tiếp với bạn) và vẫn cư xử bình thường, tự nhiên như với tất
cả học sinh khác trong lớp, đặc biệt không được tỏ ra quan tâm khác thường đối với
em đó, tìm cơ hội công khai rằng bạn không có tình cảm gì đặc biệt ngoài tình thầy-
trò. Bị từ chối tế nhị, học sinh đó sẽ không cảm thấy xấu hổ.
d. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 13:
G là giáo viên chủ nhiệm lớp 10X. Hôm đó, trong giờ của cô, khi bài học vừa bắt đầu
được vài phút, bỗng một em đứng lên thất thanh:
- Thưa cô! Em bị mất tiền. Em mang tiền đi đóng góp quỹ lớp, sau giờ ra chơi vừa rồi
em mới phát hiện.
Cả lớp nhốn nháo, em học sinh đó thì không ngừng khóc.
Nếu bạn là giáo viên đó, bạn sẽ xử lí như thế nào? Tại sao?
Gợi ý trả lời tình huống 13:
a.Yêu cầu học sinh đó ngồi xuống và nói: “Tiền em mang đi thì phải cất giữ cẩn thận,
giờ trót mất rồi, số tiền không đáng là bao, em về nhà xin lại bố mẹ, mai mang đi nộp
là được!”.
b. Dừng ngay bài giảng và tiến hành truy tìm thủ phạm.
c.Trấn an học sinh, hứa sẽ giải quyết sau giờ học.
d. Hỏi học sinh: “ em đa kiểm tra kĩ lại chưa?”, rồi nói với cả lớp: “Nếu em nào trêu
bạn thì trả lại bạn, nếu nhặt được tiền của bạn thì vui lòng cho bạn xin lại, và nếu em
nào trót lấy của bạn(cô nghĩ chỉ vì một phút nông nổi) thì có thể gặp trực tiếp cô để
đóng tiền quỹ lớp cho bạn ấy. Cô tin tất cả các em đều trung thực, thật thà, dũng
cảm. Cô chờ câu trả lời cuối buổi học hôm nay.”
e. Cách giải quyết khác của bạn?
Tình huống 14:
Đầu giờ học môn Địa lý của giáo viên chủ nhiệm lớp 10B, một học sinh đứng dậy,
giọng run run: “Thưa cô! Sổ ghi đầu bài của lớp mình bị xé rách rất nhiều trang. Em
có lỗi vì hôm qua em đã để quên sổ ghi đầu bài ở lớp. Em xin chịu mọi hình phạt”.
Nếu bạn là giáo viên đó, bạn sẽ xử lí tình huống trên như thế nào? Tại sao?