Tải bản đầy đủ (.pdf) (25 trang)

Quá trình hình thành và phát triển của phật giáo và một số ảnh hưởng đến đời sống xã hội, con người tỉnh tiền giang

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (563.88 KB, 25 trang )

1

NGUYỄN QUỐC THÁI







QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA
PHẬT GIÁO VÀ MỘT SỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI SỐNG XÃ
HỘI, CON NGƯỜI TỈNH TIỀN GIANG








Tiền Giang, tháng 8 năm 2014


2

MỤC LỤC
Trang
I. Dẫn luận 1
II. Sự ra đời của Phật giáo và những quan điểm chung của Triết
học Phật giáo 2


1. Tìm hiểu chung về Phật giáo 2
2. Những điểm tích cực của Phật giáo 4
3. Hạn chế của Phật giáo 8
III. Lịch sử Phật giáo Tiền Giang 9
1. Bối cảnh lịch sử, địa lý nhân văn 9
2. Tính ngưỡng và tôn giáo 11
3. Sự truyền bá đạo Phật vào tỉnh Tiền Giang 12
IV. Một số ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống xã hội và con
người Tiền Giang 14
1. Chùa Phật trong tỉnh Tiền Giang 14
2. Ảnh hưởng của Phật giáo về mặt tư tưởng và đạo lý 15
3. Ảnh hưởng của Phật giáo qua phong tục, tập quán 17
4. Ảnh hưởng của Phật giáo qua các loại hình văn hóa, nghệ
thuật, du lịch tâm linh 18
5. Đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội tỉnh Tiền Giang 20
V. Kết luận 21
Tài liệu tham khảo 23


1

I. DẪN LUẬN:
1.1. Đạo Phật là một trong những học thuyết Triết học - tôn giáo lớn nhất trên thế
giới, tồn tại rất lâu đời với hệ thống giáo lý đồ sộ và số lượng phật tử đông đảo được
phân bố rộng khắp. Đạo Phật được truyền bá vào nước ta khoảng thế kỷ II sau công
nguyên và đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống
tinh thần của người Việt, bên cạnh đạo Nho, đạo Lão và đạo Thiên chúa.
Tuy nhiên, tùy ở từng giai đoạn lịch sử của dân tộc mà học thuyết tư tưởng, tôn
giáo này hay học thuyết tư tưởng, tôn giáo khác nắm vai trò chủ đạo, có tác động
mạnh đến nếp sống, thói quen, suy nghĩ của người Việt, như Phật giáo ở thế kỷ thứ X

- XIV, Nho giáo thế kỷ thứ XV - XIX, học thuyết Mác - Lênin từ giữa thập kỷ 40 của
thế kỷ XX. Cho đến nay, những học thuyết này không giữ địa vị độc tôn mà song song
cùng tồn tại với các học thuyết, tôn giáo khác, tác động vào đời sống xã hội.
1.2. Trong công cuộc xây dựng đất nước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa
Mác - Lênin là tư tưởng chủ đạo, là vũ khí lý luận soi đường cho chúng ta. Nhưng bên
cạnh đó, bộ phận kiến trúc thượng tầng của xã hội cũ vẫn có sức sống dai dẳng, trong
đó giáo lý nhà Phật đã ít nhiều in sâu vào tư tưởng, tình cảm của một số bộ phận lớn
dân cư Việt Nam. Việc xoá bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của nó là không thể, nên chúng ta
cần vận dụng một cách phù hợp để góp phần đạt được mục tiêu của thời kỳ quá độ
cũng như sau này. Do đó, việc tìm hiểu nghiên cứu Phật giáo đối với thế giới quan,
nhân sinh quan của con người là hết sức cần thiết. Việc đi sâu nghiên cứu, đánh giá
những mặt tiến bộ cũng như hạn chế, Phật giáo giúp ta hiểu rõ tâm lý người dân hơn
và qua đó tìm ra được một phương cách để hướng đạo cho con người một cách chân
chính, đúng đắn. Theo đạo để làm điều thiện, tránh cái ác.
Hơn nữa quá trình Phật giáo phát triển, truyền bá ở Việt Nam gắn liền với quá
trình hình thành, phát triển tư tưởng, đạo đức của con người. Vì vậy, khi nghiên cứu
lịch sử, tư tưởng, đạo đức Việt Nam không thể không đề cập đến Phật giáo và những
mối quan hệ, tác động qua lại giữa chúng.
1.3. Ở Đồng bằng sông Cửu Long mà bắt nguồn từ Tiền Giang, từ thế kỷ XVII, các
cư dân nhiều nơi đã hội tụ về đây sinh sống. Cũng từ đây Phật giáo hình thành, phát

2

triển và có vai trò quan trọng đến đời sống tinh thần của một bộ phận quần chúng
nhân dân nơi đây.
Việc nghiên cứu một trường phái triết học, tôn giáo lớn đã có bề dày lịch sử
hàng ngàn năm giúp cho ta hiểu được một hệ thống lý luận triết học cổ, đồng thời
nhận thức rõ ràng hơn về một tôn giáo đã ảnh hưởng đến văn hoá của Việt Nam nói
chung và văn hoá của một cộng đồng người dân Tiền Giang nói riêng.
Tóm lại, nghiên cứu Phật giáo và nhìn nhận, đánh giá nó là một nội dung quan

trọng nhằm tìm hiểu lịch sử cũng như định hướng cho sự phát triển nhân cách, tư duy
con người Việt Nam trong tương lai.

II. SỰ RA ĐỜI CỦA PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG QUAN ĐIỂM CHUNG
CỦA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO:
1. Tìm hiểu chung về Phật giáo:
1.1. Sự ra đời của Phật giáo:
Ấn Độ là quê hương của Phật giáo, theo các tài liệu lịch sử thì xã hội Ấn Độ cổ
đại chia thành nhiểu đẳng cấp khác nhau. Bốn đẳng cấp lớn là tăng lữ, quí tộc, bình
dân tự do và tiện nô. Mỗi giai cấp giữ một thế sinh hoạt riêng và phân biệt sâu sắc
giữa các giai cấp. Trong khi những người Bà La Môn có uy tín tuyệt đối trong quần
chúng và hưởng rất nhiều đặc quyền thì giai cấp tiện nô lại sống cuộc sống cơ cực lầm
than, không có quyền ăn nói cũng như đóng góp ngang hàng với mọi người. Xã hội
Ấn Độ cổ đại đầy rẫy những bất công như vậy.
Nhìn rõ được cảnh khổ của chúng sinh, Đức Phật Thích Ca vốn là thái tử của
nước này đã quyết xuất gia tầm đạo để giải thoát khổ đau cho con người trong xã hội.
Ngài để lại vương triều và gia đình vì theo Ngài có cách khác để làm cuộc sống nhân
dân thoát khỏi lầm than chứ không phải cách cai trị cứng nhắc. Ròng rã sáu năm tu
hành khổ hạnh trong rừng sâu và 49 ngày nhập định dưới gốc cây Bồ Đề, Đức phật đã
giác ngộ được đạo quả vô – thượng, chính – đẳng, chính – giác. Bánh xe Phật giáo bắt
đầu lăn chuyển lần đầu tiên tại vườn lộc uyển để độ cho năm người bạn đồng tu với
Ngài lúc trước và họ đều chứng quả A La Hán. Sau khi Phật nhập diệt, giáo pháp của

3

Ngài được các chúng đệ tử kết tập lại thành giáo điển qua bốn lần diễn ra tại những
địa điểm và thời gian khác nhau.
Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam đã trên hai ngàn năm. Ngay từ rất
sớm, Phật giáo đã được tiếp nhận và trở thành một tư tưởng chủ đạo trong nền văn hóa
dân tộc, dĩ nhiên là sau khi đã bản địa hóa Phật giáo. Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử,

Phật giáo đã luôn đồng cam cộng khổ với vận mệnh thăng trầm của xứ sở, trong công
cuộc chống ngoại xâm cũng như sự nghiệp dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh bật âm
mưu xâm lăng và nô dịch nền văn hóa của thế lực phương Bắc trong nhiều giai đoạn.
1.2. Tìm hiểu chung về tư tưởng của Phật giáo:
1.2.1. Nền tảng của Phật giáo:
Tứ Diệu Đế mà chính Đức Phật đã khám phá và truyền dạy cho thế gian là đặc
điểm chánh yếu mà cũng là nền tảng vững chắc của Phật giáo.
Bốn Chân Lý Thâm Diệu là “khổ” (lý do tồn tại của Phật giáo), nguồn gốc của
sự khổ (ái dục), chấm dứt sự khổ (Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật giáo), và con
đường “Trung Đạo”.
Ba chân lý đầu tiên là phần triết lý của Phật giáo. Chân lý thứ tư là phần luận lý
căn cứ trên lý thuyết ấy. Tất cả bốn, gồm trọn vẹn giáo lý của Đức Phật, đều tùy thuộc
nơi cơ thể vật chất này. Đây là những sự kiện hoàn toàn dính liền với con người và
những chúng sanh khác, những sự kiện hiển nhiên, không còn tranh luận gì nữa.
Phật giáo nằm vững trên nền tảng đau khổ, mặc dù nhấn mạnh vào sự hiện hữu
của đau khổ. Phật giáo không phải là một giáo lý bi quan, Phật giáo không hoàn toàn
bi quan cũng không hoàn toàn lạc quan mà chỉ là thực tiễn. Người ta sẽ có lý do để
chủ trương rằng Phật giáo là bi quan nếu giáo lý này chỉ đề cập đến trạng thái đau khổ
mà không vạch ra con đường để thoát khổ và tiến đến hạnh phúc trường cửu. Đức
Phật đã nhận ra tính cách phổ thông của sự khổ và liệt kê ra một phương thuốc trị liệu
cho chứng bệnh chung của nhân loại. Đức Phật Niết Bàn, sự chấm dứt đau khổ, là
hạnh phúc cao thượng nhất mà con người có thể quan niệm.
1.2.2. Giáo lý chung của Phật giáo:
Phật giáo gồm một hệ thống giáo lý đa diện, cống hiến cho xã hội loài người về
mặt an sinh và tu chứng. Mặt an sinh xã hội, Phật giáo chủ trương thế giới đại đồng
huynh đệ trong tình tương thân tương ái. Còn về mặt tu chứng, với phương pháp tu

4

hành đạt đến giải thoát khỏi luân hồi, sinh tử để chứng nhập vào cảnh niết bàn tịch

diệt an vui.
Phật giáo vì thế được quan niệm như một tôn giáo, một triết lý sống thực, một
siêu hình học hay một mớ giáo điều mê tín dị đoan như người duy vật nhận xét thì
Phật giáo vẫn giữ được cương vị của nó trên bình diện khách quan. Vì chân lý không
bao giờ thay đổi trước bất kỳ thế lực hay khuynh hướng chính trị nào. Điều này chứng
tỏ giáo pháp của đạo Phật suốt 2500 năm lịch sử vẫn giữ được địa vị độc tôn mà
không bị chi phối bởi không gian và thời gian. Phật giáo đem lại cho con người sự
thoải mái trong đời sống nội tâm mà không bị quay cuồng tròn đời sống văn minh vật
chất.
2. Những điểm tích cực của Phật giáo:
2.1. Điểm tích cực trong Nhân – Sinh – Quan:
Phật giáo như ánh sáng mặt trời mà nhìn ánh sáng ấy chúng ta chỉ có cặp mắt
nhỏ hẹp. Tuy nhiên một là tất cả, chúng ta có thể căn cứ một vài điều sau đây mà biết
tất cả đặc điểm của Phật giáo.
- Đặc điểm thứ nhất, đặt điểm của Phật giáo là “In như sự thật”: lý thuyết,
phương pháp cùng kết quả đều hợp lý, đều như thật. Phật giáo không chen chủ quan
của mình vào trước hay trong khi suy nghiệm sự thật, và chân lý của đạo Phật là lời
kết luận sau sự suy nghiệm trung thực ấy. Đạo Phật chỉ thấy và chỉ nói những sự thật
mà sự vật có, không thêm không bớt. Đạo Phật, nhân đó, cấm đoán những tín ngưỡng
và những hành động không phát sinh từ sự hiểu biết như thật, luôn theo, đạo Phật
không công nhận những kết quả của tín ngưỡng mê mờ, hành động manh động là hợp
lý. Cho nên đạo Phật cũng được gọi là Đạo Như Thật.
- Đặc điểm thứ hai là “tôn trọng sự sống”. Ăn chay, không sát sanh là những
điều tượng trưng cụ thể cho đặc điểm ấy. Đạo Phật xem sự sống trên tất cả. Hết thảy
cái gì gọi là có giá trị là phải bảo vệ sự sống ấy. Giết sự sống để nuôi sự sống là mê
muội, ham sống nên hại sự sống cũng là vô minh. Cho nên tôn trọng sự sống không
những bằng cách giúp nhau để sống mà còn phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống,
nghĩa là có khi tiêu cực như ăn chay để cứu muôn loài. Đạo Phật đặc biệt chú trọng và
nêu cao chủ nghĩa lợi tha, nhưng chữ lợi ấy là phải hướng về mục đích tôn trọng sự
sống.


5

- Đặc điểm thứ ba của đạo Phật là chỉ thừa nhận sự “tương quan sinh tồn”.
Đạo Phật day cho người ta thấy ở đời phải tự lập chứ không thể biệt lập. Phật tử
không thấy, không tạo nên một đối tượng. Vũ trụ là một lò tương quan; không có gì là
trung tâm, không có gì là phụ thuộc, hay là ngược lại. Bởi thế cho nên phân ly là tự
tạo một ung nhọt, mà chiến đấu (theo nghĩa hẹp) chỉ là tương đối. Chiến đấu phải là
một hành động vì bảo vệ sự sinh tồn mà bất đắc dĩ phải áp dụng trong trường hợp
bất đắc dĩ. Nếu biến sự bất đắc dĩ ấy thành sự tuyệt đối cần thiết trong mọi trường
hợp, thì chiến đấu sẽ trở thành chiến tranh.
- Đặc điểm thứ tư của đạo Phật là xác nhận “người là trung tâm điểm của xã
hội loài người”. Đạo Phật không nói duy tâm, không nói duy vật, mà tất cả đều do
người phát sinh và đều phát sinh vì người. Kết luận này thật tế ở đâu cũng rõ rệt cả.
Trên thế giới loài người này không có gì tự nhiên sinh ra hay từ hư không rơi xuống,
mà đều do năng lực hoạt động của con người tạo thành. Năng lực hoạt động
của con người tạo tác chi phối tất cả. Tất cả khổ hay vui, tiến hóa hay thoái hóa, là
đều do con người dã man hay văn minh. Người là chúa tể của xã hội loài người, xã
hội loài người không thể có chúa trời thứ hai.
- Đặc điểm thứ năm là đạo Phật chú trọng “đối trị tâm bệnh con người trước
hết”. Lý do rất dễ hiểu. Con người là trung tâm điểm của xã hội loài người, xã hội
ấy tiến hoá hay thoái hóa là hoàn toàn do hoạt động con người chi phối; mà hoạt
động con người lại do tâm trí con người chủ đạo, vậy xã hội là phản ảnh trung
thành của tâm trí con người. Cho nên muốn cải tạo xã hội, căn bản là phải cải tạo
con người, cải tạo tâm bệnh con người. Tâm bịnh con người nếu còn độc tài, tham
lam, thì xã hội loài người là địa ngục; tâm bnh con người được đối trị rồi thì hoạt
động con người rất sáng suốt mà xã hội con người, kết qủa của hoạt động ấy, cũng
rất cực lạc.
- Đặc điểm thứ sáu, mục đích đạo Phật là “đào luyện con người thành bi, trí,
dũng”. Bi là tôn trọng quyền sống của người khác. Trí là hành động sáng suốt lợi

lạc. Dũng là quyết tâm qủa cảm hành động. Dũng không có bi và trí thì sẽ thành tàn
ác và manh động. Trí không có bi và dũng thì sẽ thành gian xảo và mộng tưởng. Bi
không có trí và dũng sẽ thành tình cảm và nhút nhát. Bi là tư cách tiến hóa, trí là trí

6

thức tiến hoá, dũng là năng lực tiến hoá. Con người như thế là con người mới, căn
bản của xã hội mới.
- Đặc điểm thứ bảy của đạo Phật là “kiến thiết một xã hội mới” mà căn bản
là con người mới. Cho nên tranh đấu cho xã hội mới ấy, trở lại vấn đề, là phải chiến
thắng chính mình trước hết. Con người tự chiến thắng con người, nghĩa là cái
“nhân cũ” (bóc lột, đàn áp, độc tài, xâm lược) không còn nữa, thì kết qủa được cái
“quả mới” là một xã hội mới. Trong xã hội ấy, quyền sống tuyệt đối bình đẳng như
sự sống: bình đẳng trong nhiệm vụ, bình đẳng trong hưởng thụ.
- Đặc điểm thứ tám của đạo Phật là “tiến lên vô thượng giác”. Đào luyện
một con người mới, kiến thiết một xã hội mới rồi, không phải mục đích của đạo Phật
cứu cánh ở đó. Cao xa, đạo Phật còn hướng dẫn con người tiến dần lên chóp đỉnh
của sự tiến hoá là địa vị vô thượng giác, địa vị vô minh toàn diệt, trí tuệ toàn giác,
địa vị Phật đà.
- Đặc điểm thứ chín là đạo Phật dạy phải “tự lực giải thoát”. Đấy là một tinh
thần tuyệt đối cần thiết. Đức Phật chỉ là một đạo sư dẫn đạo con đường sáng cho
chúng ta. Còn chúng ta phải tự thắp đuốc trí tuệ của mình mà soi đường, phải tự động
cặp chân năng lực của mình mà đi. Con người mới là phải tự rèn luyện; xã hội mới là
phải tự kiến thiết; vô thượng giác là phải tự tu, tự chứng. Tự lực giảì thóat là con
đường duy nhất của mười phương các đức Phật Bồ-Tát. An lạc không phải cầu xin,
trí giác không do cầu hồ. Phật tử không có đứng vào hàng ngũ thông minh mà phải
hướng về lớp người ngu dốt dìu dắt họ.
- Đặc điểm thứ mười của đạo Phật là “hiện chứng thể nghiệm”. Đức Phật chỉ
hướng dẫn chúng ta, chứ chân lý không phải là thứ đem quay phim cho người thấy
được. Đức Phật là đạo sư, nhưng trí giác không phải là thứ ai dạy khôn cho ai. Cho

nên đối với chân lý tối cao, ta phải tự lực thể nghiệm. Sự tự lực thể nghiệm ấy,
không những áp dụng với tinh thần tự lực giải thóat mà thôi, mà còn đặc biệt chú ý
đến sự hiện chứng. Đức Phật tạo cho ta cái thang, nhưng không kéo dàn hoa xuống
hay đẩy thẳng ta lên được. Ta phải tự lực mà trèo từng nấc thang lên dàn hoa chân
lý. Trèo được nấc nào là tự thể nghiệm chân lý nấc ấy. Đối với chân lý chưa hiện
chứng, chúng ta chỉ nói học, không nói biết. Tinh thần tu chứng đạo Phật là thế.

7

Do tất cả đặ điểm trên đây, chúng ta thấy đạo Phật không phải chỉ là một tôn
giáo. “Đạo Phật là tất cả”, đó là một đặc điểm vừa cuối cùng vừa trước hết của đạo
Phật. Phật tử tự nhiên không thể không phủ nhận sự tàn sát, sự manh động và sự nô lệ.
Cho nên họ phải tự lực hành động để thượng thượng năng tiến. Và hành động ấy
không có lãnh vực trong không gian, không có giới hạn trên thời gian, không có phạm
vi trong tổ chức, không có khu phân trong trường hợp. Ở đâu và lúc nào, với ai và
cảnh nào, Phật tử cũng áp dụng căn bản và tinh thần bi, trí dũng của đạo Phật vào để
hoàn thiện mình.
2.2. Điểm tích cực trong lý luận triết học:
Giới nghiên cứu đều thấy rằng, triết học phương Tây thường gắn với những
thành tựu khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Còn triết học phương Đông thường
gắn với tôn giáo (Ấn Độ), với chính trị, xã hội, đạo đức (Trung Quốc).
Dù ra đời rất sớm (2500 năm trước) nhưng trình độ tư duy, phân tích của triết
học đã đạt đến mức cao: Phật giáo nhìn nhận thế giới tự nhiên cũng như nhân sinh
bằng sự phân tích nhân – quả. Theo Phật giáo, nhân – quả là một chuỗi liên tục không
gián đoạn và không hỗn độn, có nghĩa là nhân nào quả ấy. Mối quan hệ nhân – quả
Phật giáo thường gọi là nhân duyên với ý nghĩa là một kết quả của nguyên nhân của
một kết quả khác. Bằng phân tích nhân quả, Phật giáo cho rằng không thể tìm nguyên
nhân đầu tiên cho vũ trụ, có nghĩa là không có một đấng tối cao nào sáng tạo ra vũ trụ.
Với lý luận như vậy, Phật giáo nghiên hẳn về chủ nghĩa duy vật.
Người tu Phật đều có một định hướng duy nhất: giải thoát thân tâm ra khỏi

mạng lưới “thực tại” giả lập, nhìn thẳng vào thế giới trùng trùng duyên khởi, thấu hiểu
bản chất không tính của vạn hữu, và phát khởi Bồ Đề Tâm đối với tất cả chúng sinh
còn đang vướng mắc trong vòng vây của ảo giác. Ảo giác lớn nhất của con người là
cho rằng có tồn tại một thế giới thực hữu hoàn toàn biệt lập với nhận thức của chủ thể
và thế giới đó hằng hữu, tồn tại như một đối tượng của ham muốn chinh phục hoặc
khao khát sở hữu. Triết học Phật giáo không phải là một chủ thuyết duy tâm chủ quan
giống như toàn bộ hệ thống triết học duy niệm Đức thế kỷ XIX, cũng không phải là
một chủ nghĩa duy thực ngây thơ (nave realism). Trọng điểm chính trong thực tại luận
Phật giáo xoay quanh lời khẳng định rằng thế giới khách quan (cảnh/sắc) có mối quan
hệ cộng sinh với thể cách nhận thức của chủ thể (tâm/thức). Chính vì vậy về phương

8

diện triết học Phật giáo cưu mang tinh thần xã hội ở mức cao nhất: sự cải tạo thế giới
khách quan là một tiến trình gắn bó chặt chẽ với sự cải tạo bản thân, sự chuyển hóa
nhận thức của chủ thể. Hai tiến trình này liên lập và bổ sung cho nhau không ngừng.
3. Những hạn chế của Phật giáo:
3.1. Hạn chế chủ quan:
Phật giáo thể hiện cách nhìn cuộc đời khá bi quan. “Nước mắt chúng sinh nhiều
hơn bể cả”. Trong kinh phật ta có thể thấy nhiều đoạn nói về cuộc sống khổ đau mà
con người phải chịu đựng. Vì cuộc sống là bể khổ như vậy nên tư tưởng của Phật giáo
là xuất thế và xa rời hiện thực. Những nhà chùa thường lui về những nơi vắng vẻ, ít
người qua lại. Phật giáo răn dạy con người cố gắng tìm đến cõi niết bàn mà bỏ lại
cuộc sống trần gian đầy rẫy bất công, đau khổ. Phật giáo răn dạy con người biết chịu
đựng mà không biết đấu tranh, phản kháng. Điều này đã phần nào thủ tiêu tính chiến
đấu của con người.
Phật giáo quan niệm về hôn nhân rất khai phóng. Phật tử không có lý do gì để
hạn chế việc sinh đẻ. Quan niệm này không còn phù hợp với thời đại hiện nay khi mà
vấn đề dân số đang được nhắc tới nhiều.
3.2. Hạn chế khách quan:

Khi xưa, trước khi nhập Niết Bàn, Phật tổ từng dặn dò đệ tử không được bói
toán, xem sao, xem tướng làm mê hoặc quần chúng. Nhưng một số kẻ lợi dụng chùa
làm nơi bói toán, lên đồng, xem sao, xem tướng, giải hạn… để kiếm tiền bất chính.
Trước cổng chùa bày bán đủ loại tử vi, cúng sao, giải hạn không có nguồn gốc xuất xứ
làm mê hoặc quần chúng. Lợi dùng lòng tốt của khách đến chùa, một số người trẻ
tuổi, lành lặn, khỏe khoắn, lười lao động ngồi dọc lối vào chùa làm nghề ăn xin, níu
khéo làm mất lòng khách. Biểu hiện móc túi, lừa đảo khách, bán đồ giả có xu hướng
gia tăng. Trong các ngôi chùa có trang bị thùng rác, nhưng vẫn có nhiều người thiếu ý
thức xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Những năm gần đây, người đến chùa càng đông, đa số cử chỉ nhã nhặn, ăn mặc
trang nhã, thể hiện sự thành kính chốn trang nghiêm. Nhưng vẫn có hiện tượng một số
người ăn mặc hở hang không phù hợp với cảnh chùa.
Vì vậy để xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực như đã nêu, khai thác những ảnh
hưởng tích cực của Phật giáo tới đạo đức, lối sống nhân dân, chính quyền và các cơ

9

quan chức năng cần có những biện pháp nhằm loại trừ các tệ nạn trên, ổn định trật tự
an toàn xã hội, giữ gìn sự tinh khiết của Phật giáo.

III. LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TỈNH TIỀN GIANG:
1. Bối cảnh lịch sử, địa lý nhân văn:
Cho đến thế kỷ thứ XXVII, vùng đất Nam Bộ bấy giờ từ Đồng Nai, Gia Định
đến vùng đồng bằng sông Cửu Long chí mũi Cà Màu vẫn cón là một vùng đất sơ khai,
hoang hóa, nửa biển nửa đất xen lẫn những gò cao gọi là “gò”, hay những nơi đất cao
có điều kiện thổ nhưỡng cho các bộ lạc sinh sống gọi là “sóc”, những đụn cát trãi dài
hàng trăm km do phù sa kết hợp nên có chất mầu mỡ được gọi là “giồng” hay “vồng”.
Chẳng hạn như Gò Quao, Gò Lũy, Gò Công… như Sóc Trăng, Sóc Sải, Sóc Bom
Bo… như Giồng Riềng, Giồng Ông Cộ, Giồng Quít, Ba Giồng…
Cũng có những nơi cao ráo, mặt bằng rộng lớn, chan hòa ánh nắng mặt trời

thích hợp cho điều kiện trồng trọt chăn nuôi, gọi là “trảng” như Trảng Bàng, Trảng
Bom…Ngoài ra có những hồ, ao, vũng… chứa nước ngọt nhờ vậy nơi đây hệ thực vật
và sinh vật có điều kiện sinh sôi nẩy nở, cũng được người dân tìm đến sinh sống gọi là
“vũng” như Vũng Gù, Vũng Luông, Vũng Liêm…
Nam bộ thuở bấy giờ thực sự chưa được xác nhận chủ quyền của một quốc gia
nào, tuy nhiên đã từ lâu chịu ảnh hưởng văn minh Phù Nam, bây giờ ở Nam Bộ ngay
cả tại tỉnh Tiền Giang, những di sản thời Phù Nam còn lại rất nhiều. Sau đó nền văn
minh này sụp đổ một cách bí mật, đến nay sử sách cũng không hề nói đến, thì một dân
tộc khác rải rác đến định cư đó là dân tộc Khmer. Dân tộc Khmer tức là người Chân
Lạp, là người Cao Miên trước đây, mà dân gian thường gọi là người Thổ hay người
Đàng Thổ. Người Pháp khi đô hộ Cao Miên gọi là Cambodge, sau 1975 khi người
Cao Miên làm chủ đất nước, Cao Miên được đổi tên là Căm-pu-chia.
Có thể nói người Khmer đến vùng đất này trước ta vì một lẽ dễ hiểu là vì họ ở
gần hơn ta, nên kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị… của vương quốc Cao Miên lúc đó
gọi là Chân Lạp, mà vùng đất ở về miền nam của họ còn gọi là Thủy Chân Lạp, ảnh
hưởng rất mạnh đối với số cư dân này.
Trong thời gian này ở Việt Nam, Chúa Nguyễn, lực lượng Đàng Trong, đã có
nhu cầu nam tiến rất mạnh, để có thêm thế lực hầu chống đối với Đàng Ngoài do Chúa

10

Trịnh lãnh đạo. Ngoài ra cũng đã có một số người dân Việt từ Thanh Nghệ, xứ Quảng,
Thuận Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận bây giờ, đã linh cảm được một vùng đất mới phì
nhiêu nên đã dùng đường bộ và đường biển vào đây rồi lập thành cộng đồng sống
chúng với số người Khmer hay Thủy Chân Lạp. Cuối cùng bước Nam Tiến của Chúa
Nguyễn cũng đã kịp thời và đúng lúc đưa số người Việt Nam đông đảo từ vùng đất
miền Trung vào đây để khai thác vùng đất mầu mở, hứa hẹn một tương lai xán lạn.
Tuy nhiên lúc bấy giờ ở đây không hẳn là chỉ có số người Khmer và người Việt
ở mà thôi, một số người gốc Pô-ly-nê-si-en tận cùng của Đông Nam Á, mà ta gọi là
người Miền Dưới, bằng đường bộ qua ngõ Nam Dương (In-đô-nê-si-a), Mã Lai (Ma-

lai-si-a), Xiêm-la (Thái Lan) rồi Chân Lạp (Căm-pu-chia) để đến đây. Những người
Miền Dưới này - được ông cha ta gọi như vậy rất đúng vì họ là những người, nếu xem
trên bản đồ thế giới thì thực sự họ ở cực Nam của ta, tức là dưới ta –còn để lại ta biết
bao di sản. Chẳng hạn áo bà ba, áo cổ bà lai, xà rong, khăn rằng, tục ăn trầu, thức ăn
với nước cốt dừa, dầu dừa, ớt, nhất là các loại gia vị như đậu khấu, cà ri, ngũ vị hương

Còn phải kể một số người Chăm, gốc Chiêm Thành mà khi vương quốc Chiêm
Thành đổ vỡ cũng đã đến đây, mãi đến bây giờ một cộng động người này đang sống
và sống một cách đàng hoàng mạnh mẽ hòa bình với tât cả tập tục, lề thói phong hóa,
lễ nghi tín ngưỡng, tiếng nói, chữ nghĩa… của họ trong một làng, một xã một quần cư
gần như tự trị từ bao thời nay. Đó là cộng đồng gốc người Chăm, có một ngôi làng
riêng biệt, xã Châu Phong, trước kia gọi là làng Châu Giang, thuộc quận Tân Châu,
tỉnh Châu Đốc nay là huyện Phú Tân tỉnh An Giang.
Niềm tự hào của họ là dù xa xứ hàng bao thế kỷ họ vẫn giữ được nếp sống tinh
thần truyền thống của dân tộc: cưới hỏi, ma chay, tín ngưỡng. Lẽ tất nhiên họ đều là
tín đồ Hồi Giáo. Những tín đồ Hồi Giáo này nếu cò điều kiện tài chánh hàng năm họ
vẫn không bỏ lệ, về quê cha đất tổ hành hương tại Thánh địa La Méc (La Mecque)
thuộc Á-rập Sa-u-đi (Arabie Saoudite) vùng vịnh Á-rập.
Nhưng phải kể thêm người Hoa, người Hoa vốn là một dân tộc có máu “thiên
cư” vì quá đông, nên đã đến đây cũng rất sớm rải rác, lưa thưa nhưng phải nói là vào
năm 1680 khi có hai tướng “Phản Thanh Phục Minh” là Dương Ngạn Địch và Trần
Thượng Xuyên đấu tranh thất bại, đem theo mỗi người 3000 tùy tướng vào miền

11

Trung xin Chúa Nguyễn Phúc Tần cho lánh nạn. Chúa Tần xin vua Miên cho phép
một đoàn do Dương Ngạn Địch đến tá túc tại Mỹ Chánh, tiền thân của Mỹ Tho và một
đoàn do Trần Thượng Xuyên đến Cù Lao Phố, Biên Hoà.
Nam Bộ xưa, cách nay 400 năm, đã có một lịch sử nhân văn về chủng tộc rất
đa dạng, một nến văn hóa đầy mầu sắc, lẽ tức nhiên cư dân gồm khá nhiều sắc tộc,

phải có một niềm tín ngưỡng sâu sắc, để từ đó có một nền tôn giáo tiến bộ, trí tuệ,
uyên thâm.
2. Tính ngưỡng và tôn giáo:
Vùng đất Thủy Chân lạp thời xưa đã tập họp được một số dân thuộc các sắc
tộc vốn đã có một quá khứ văn minh rực rỡ, như văn minh Phù Nam, văn minh Óc
Eo, văn minh Khmer, văn minh Pô-ly-nê-si-a vốn pha trộn văn minh Ấn Độ, Mã
Lai, văn minh Chiêm Thành, văn minh Chăm, văn minh Trung Quốc, văn minh Cổ
Loa của người Việt…Cộng đồng dân cư của vùng Thủy Chân Lạp này càng ngày
càng phát triển và lẽ tất nhiên theo luật đào thải tự nhiên của luật sinh tồn, một số
sắc dân đã biến mất hay suy yếu, một số khác phát triển và lớn mạnh. Cho đến giữa
thế kỷ thứ XVIII, toàn thể vùng đất mới này từ Bình Thuận đến Cà Màu đã có chủ
quyền và sáp nhập vào bản đồ Việt Nam với danh nghĩa là Đất Phương Nam (hay
Miền Nam hay Nam Việt hay Nam Kỳ Lục Tỉnh hay Nam Bộ).
Tuy nhiên tất cả cộng đồng sắc tộc anh em đã từng cùng nhau kề vai sát
cánh khai hoang lập ấp từ thuở khai hoang đến nay còn lại dù nhiều hay ít cũng
đều được người Việt Nam ta xem như ruột thịt cùng một nước. Trong số đó phải kể
nhiều nhất là người Việt gốc Khmer ở đông đảo tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng,
Rạch Giá, An Giang, Tây Ninh…, người Hoa rải rác trong toàn lãnh thổ và con
cháu họ sau bao thế hệ, hầu hết đếu trở thành những người Việt thuần chủng, người
Chiêm Thành, người Chăm, người Châu Giang cũng đang sống chung thanh bình
hòa hợp từng đơn vị nhỏ với người Việt ở Nam Bộ.
Một dân tộc tiến bộ văn minh có văn hóa tức nhiên có đời sống hướng thiện
nhằm giải tỏa bớt những lo âu đau khổ do cuộc sống gây nên. Do vậy, con người
tìm một nơi, một đối tượng nào đó để đặt niềm tin và gởi gấm cuộc sống mình
trong đó. Từ đó có những tổ chức xã hội gọi là tôn giáo, hay là đạo. Trên thế giới

12

đã từ lâu có những tổ chức như vậy và dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn
ở Trung Quốc cách nay 2561 năm đã có Khổng Giáo, Lão Giáo… còn gọi là Đạo

Khổng, Đạo Lão. Ở Ấn Độ cách nay 2568 năm Phật Giáo ra đời, ở Trung Đông
cách nay 2010 năm đã có Thiên Chúa Giáo, ngoài ra còn có Ấn Độ Giáo, Hồi
Giáo…
Riêng về tại vùng đất Nam Bộ như trên đã nói là một vùng đất có cơ duyên hội tụ
những hình thức tôn giáo đa dạng từ Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Thiên
Chúa Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Bà La Môn Giáo đến nét tín ngưỡng của
Chiêm Thành với những Tháp Chàm, chùa Ông của người Hoa…
Nhưng gần đây vùng đất Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc còn gọi là Nam kỳ
đã có những tổ chức tôn giáo mới thành lập như Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo, Đạo
Thờ cúng Ông Bà của Phái Tứ Ân… Song song với những chùa Phật, nhà Thờ
Chúa…còn có những ngôi Đình để dân làng thờ cúng Thần Hoàng Bổn Cảnh tức là
vị Thần mà vua phong để phù hộ cho dân làng dược an cư lập nghiệp. Ngoài ra còn
có những ngôi miễu hay miếu với qui mô khiêm nhường để thờ những vị mà người
dân tôn sùng là “Bà” cũng nhằm tạo một niềm tin cho đời sống tâm linh của người
dân.
Nét đặc thù này vùng đất Nam Bộ xưa nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng
đã sớm có được một nét văn hóa tín ngưỡng căn bản có căn cơ truyền thống của
các tôn giáo lớn trong thế giới vì vậy nơi đây có nhiều chùa chiền, nhà thờ, đình,
miếu qui mô, hoành tráng.
3. Sự truyền bá đạo Phật vào tỉnh Tiền Giang:
Việc xác định niên đại Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến nay vẫn chưa
có đủ tư liệu để biết chính xác. Sử liệu chỉ nói đến tình hình Phật giáo nước ta từ thế
kỷ thứ II sau Công Nguyên, lúc bấy giờ trung tâm Phật giáo ở Luy Lâu (vùng Dâu -
Thuận Thành – Hà Bắc) đã khá thịnh đạt. Điều đó khiến ta có thể suy đoán rằng Phật
giáo từ phía Nam Ấn Độ qua đường bieån vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ I sau Công
Nguyên. Các vị sư đầu tiên là người Ấn Độ, nhưng về sau lại thấy xuất hiện tên nhiều
vị sư Trung AÙ và Trung Hoa. Có thể nói rằng, ngay từ thời rất xưa, Việt Nam đã được
cao tăng Ấn Độ đi đến truyền giáo trực tiếp. Trải qua các Triều đại từ Đinh, Lê, Lý,

13


Trần… đặc biệt là dưới hai triều đại Lý, Trần, Phật giáo đã để lại dấu ấn một thời
vàng son.
Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam qua ngõ Trung Quốc nên được gọi là
Phật Giáo Bắc Tông cũng còn gọi là Phái Đại Thừa từ đầu Công Nguyên vào thế kỷ
thứ II, sau đó phát triển vào Nam Bộ.
Chỉ nói riêng ở Nam Bộ, thoạt tiên Phật Giáo phát xuất từ một nguồn gốc rồi
sau đó chia làm nhiều dòng nhiều hệ phái. Đó là hệ Tổ Nguyên Thiều - Thọ Tôn do
dòng Thiền Lâm Tế hoằng khai đạo pháp, sau đó lại tách ra năm dòng là:
1- Lâm Tế Thiên Đồng,
2- Lâm Tế Gia Phổ,
3- Lấm Tế Trí Huệ,
4- Lâm Tế Chúc Thánh,
5- Lâm Tế Thiên Thai.
Trong năm dòng này thì có 4 dòng các vị Tổ sư đều là người Tàu nên ít phát
triển, chỉ có dòng Thiên Thai do Tổ sư người Việt Nam phù hợp với người Việt Nam
nên phát triển rất nhanh và đều khắp.
Phật Giáo du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc xưa tức là từ phương Bắc
nên còn gọi là Phái Bắc Tông hay là Phái Đại Thừa. Các chùa của dòng phái này
ngoài Đức Phật Tổ ra còn thờ Đức Quan Thế Âm, Phật Di Lạc, Phật Địa Tạng, Thập
Bát La Hán… điển hình là Chùa Vĩnh Tràng, một ngôi chùa nổi tiếng trong tỉnh tọa
lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho.
Còn một Phái nữa gọi là Nguyên Thủy, hay Nam Tông du nhập vào Việt Nam
rất trễ, từ hướng Nam, trực tiếp từ Ấn Độ, qua ngã Miến Điện, Thái Lan còn gọi là
Phái Tiểu Thừa. Ở những ngôi chùa này chỉ thờ duy nhất Đức Phật Tổ. Điển hình là
Chùa Pháp Bảo Tự, Phường 5 Thành phố Mỹ Tho.
Như vậy các hệ phái khác cũng của Phật Giáo hay do gốc Phật Giáo, so với
lịch sử Phật giáo thì đến với người dân Nam Bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng cũng
nằm trong thế kỷ này. Ngay cả hệ phái Nguyên Thủy nói trên cũng đến với người dân
Việt Nam trong thời kỳ cận đại. Còn có các hệ phái Khất Sĩ, Tịnh Độ Tông, Bửu Sơn

Kỳ Hương, Minh Sư… chỉ phát triển từ những năm 1940.

14

IV. MỘT SỐ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG XÃ
HỘI VÀ CON NGƯỜI TIỀN GIANG:
1. Chùa phật trong tỉnh Tiền Giang:
Tiền Giang khi xưa có thời điểm còn thuộc về phủ Kiến Hòa, trấn Định Tường,
sau đó có lúc là tỉnh Mỹ Tho, có lúc sáp nhập với Gò Công, có lúc tách rời, rồi lại
nhập. Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía bắc và đông bắc
giáp tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, phía nam là tỉnh Bến Tre và Vĩnh
Long, phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía đông giáp với biển. Diện tích tự nhiên là
2.481,77 km
2
, dân số là 1,67 triệu người (thống kê năm 2009).
Trong các tôn giáo, Phật giáo có mặt trước nhất trong vùng này nên cư dân, kể
cả người Miên đa số hướng về đạo Phật. Khi khai phá lập nghiệp đến đâu là người dân
lo cất đình, cất chùa thờ cúng để cầu được sự bình an. Ban đầu thì chùa chiền được cất
tạm, dần dần cuộc sống người dân ổn đinh, ruộng vườn đem lại hoa mầu, đời sống
được nâng cao, người ta mới xây cất chùa chiền qui mô hơn, theo đúng qui cách hơn.
Tuy nhiên những ngôi chùa đầu tiên hay đúng hơn chỉ là những cái am nhỏ đơn sơ,
bằng cây lá, chỉ có những gia đình tu hành cùng một số người dân Phật tử sớm hôm
trông nom chăm sóc, sau đó mới có mời các vị sư về trụ trì.
Tuy vậy mặc dù miền Nam là vùng đất mới khai phá chưa đầy 4 thế kỷ, nhưng
nhờ vào địa lợi, nên đời sống kinh tế được phát triển nên tính đến nay đã có những
ngôi chùa Phật qui mô hoành tráng có tuổi thọ đến ba trăm năm. Cũng như ở các tỉnh
Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đã có những ngôi chùa Miên được xây cất từ xa xưa
với một lối kiến trúc đặc trưng chùa Miên đến nay vẫn còn mang dáng vẽ tân kỳ.
Sau ngày thống nhất đât nước, Tiền Giang có 7 huyện, 1 thành phố, 1 thị xã, 7
thị trấn. Hòa bình trở lại dân cư đông đúc, kinh tế phồn thịnh, đời sống vật chất được

nâng cao, nhờ vậy đời sống tâm linh cũng được tầng lớp quần chúng quan tâm. Phật
giáo có điều kiện phát triển, chùa chiền được nâng cấp trùng tu.
Tính đến nay trong tỉnh Tiền Giang có tất cả 388 ngôi chùa chia ra như sau:
1. Hệ phái Bắc Tông có 339 chùa
2. Hệ phái Nam Tông có 2 chùa
3. Hệ phái Khất sĩ có 21 chùa
4. Hệ phái Tịnh Độ Cư Sĩ có 18 chùa

15

5. Hệ phái Minh Sư có 8 chùa.
Trong 339 ngôi chùa trong tỉnh Tiền Giang có tất cả 19 chùa xây cất vào thế
kỷ XVIII, trong đó xin đơn cứ 5 ngôi chùa cổ nhất:
1. Chùa Sắc Tứ Linh Thứu còn gọi là chùa Long Tuyền, xã Thạnh Phú, huyện
Châu Thanh xây cất vào năm 1702.
2. Chùa Long Châu Tự, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy xây cất vào năm 1735.
3. Chùa Hội Phước, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè xây cất vào năm 1740.
4. Bửu Lâm Cổ Tự, Phường 3, TP Mỹ Tho xấy cất vào năm 1742.
5. Đức Lâm Cổ Tự, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, xây cất vào năm 1798.
Và có một số chùa xây cất vào thế kỷ XIX, tuổi thọ trên dưới 200 năm.
* Riêng Thành phố Mỹ Tho (chỉ tính đến cuối năm 2009) có 44 chùa chia ra như sau:
Hệ phái Bắc Tông có 33 chùa.
Hệ phái Nam Tông có 1 chùa.
Hệ phái khất sĩ có 7 chùa.
Hệ phái Minh Sư có 2 chùa
Hệ phái Tịnh Độ Cư Sĩ có 1 chùa
2. Ảnh hưởng của Phật giáo về mặt tư tưởng và đạo lý:
2.1. Ảnh hưởng của Phật giáo về mặt tư tưởng:
Tư tưởng hay đạo lý căn bản của Phật Giáo là đạo lý Duyên Khởi, Tứ Diệu Đế
và Bát chánh Đạo. Ba đạo lý này là nền tảng cho tất cả các tông phái Phật giáo,

Nguyên Thủy cũng như Đại Thừa đã ăn sâu vào lòng của người dân Việt. Về giáo lý
nghiệp báo hay nghiệp nhân quả báo của Đạo Phật đã được truyền vào nước ta rất
sớm. Giáo lý này đương nhiên đã trở thành nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối
với người Việt Nam có hiểu biết, có suy nghĩ.
Người ta biết lựa chọn ăn ở hiền lành, dù tối thiểu thì đó cũng là kết quả tự
nhiên âm thầm của lý nghiệp báo, nó chẳng những thích hợp với giới bình dân mà còn
ảnh huởng đến giới trí thức. Có thể nói mọi người dân Việt điều ảnh hưởng ít nhiều
qua giáo lý này. Vì thế, lý nghiệp báo luân hồi đã in dấu đậm nét trong văn chương
bình dân, trong văn học chữ Nôm, chữ Hán, từ xưa cho đến nay để dẫn dắt từng thế hệ
con người biết soi sáng tâm trí mình vào lý nhân quả nghiệp báo mà hành động sao
cho tốt đẹp đem lại hòa bình an vui cho con người. Mỗi người dân Tiền Giang đều tự

16

nhiên biết câu "ác giả ác báo". Họ phát biểu câu rất đúng hoàn cảnh sự việc xảy ra cho
đối phương, hay "chạy trời không khỏi nắng". Mặt khác họ hiểu rằng nghiệp nhân
không phải là định nghiệp mà có thể làm thay đổi, do đó họ tự biết sửa chữa, tu tập cải
ác tùng thiện. Ta không nên ngồi một chỗ tưởng tượng đến những kết quả tốt đẹp sẽ
đến với mình. Từ những hành nghiệp thiện, giảm bớt điều ác, dần dần ta sẽ chuyển
hóa và tạo cho ta có một cuộc sống yên vui cho hiện tại và mai sau.
2.2. Ảnh hưởng của Phật giáo về mặt đạo lý:
Đạo lý ảnh hưởng nhất là giáo lý từ bi, tinh thần hiếu hòa, hiếu sinh của Phật
giáo đã ảnh hưởng và thấm nhuần sâu sắc trong tâm hồn của người Việt ở Nam Bộ.
Tinh thần thương người như thể thương thân này đã biến thành ca dao tục ngữ rất phổ
biến trong quần chúng Việt Nam như "lá lành đùm lá rách", hay:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Đó là những câu ca dao, tục ngữ mà bất cứ người Việt Nam nào cũng điều thấm
nhuần và thuộc nằm lòng, nói lên lòng nhân ái vị tha của dân tộc Việt Nam.
Ngoài đạo lý Từ Bi, người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu sắc một đạo lý khác của

đạo phật là đạo lý Tứ Ân, gồm ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân chúng sanh.
Đạo lý này được xây dựng theo một trình tự phù hợp với bước phát triển của tâm lý về
tình cảm của dân tộc Việt. Tình thương ở mọi người bắt đầu từ gaàn đến xa, từ tình
thương cha mẹ, họ hàng lan dần đến tình thương trong các mối quan hệ xã hội với
thầy, bạn, đồng bào và mở rộng đến quê hương cao cả đối với cuộc sống của nhân loại
trên vũ trụ này. Đặc biệt trong đạo lý tứ ân, ta thấy ân cha mẹ là nổi bật và ảnh hưởng
rất sâu đậm trong tình cảm và đạo lý của người Việt. Bởi Phật giáo đặc biệt chú trọng
chữ hiếu như thế nên thích hợp với nếp sống đạo lý truyền thống của dân tộc Việt.
Nhìn chung, đạo lý hiếu ân trong ý nghĩa mở rộng có cùng một đối tượng thực
hiện là nhắm vào người thân, cha mẹ, đất nước, nhân dân , chúng sanh, vũ trụ, đó là
môi trường sống của chúng sanh gồm cả mặt tâm linh nữa. Đạo lý Tứ Ân còn có
chung cái động cơ thúc đẩy là từ bi khiến cho ta sống hài hòa với xã hội, với thiên
nhiên để tiến đến hạnh phúc chân thực và miên trường. Từ cơ sở tư tưởng triết học và
đạo lý trên đã giúp cho Phật giáo Việt Nam hình thành được một bản sắc đặc thù rất

17

riêng biệt của nó tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói
riêng, góp phần làm phong phú và đa dạng hóa nền văn hóa tinh thần của dân tộc Việt.
3. Ảnh hưởng của Phật giáo qua phong tục, tập quán:
Về ăn chay, hầu như tất cả người Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nếp sống văn
hóa này. Ăn chay hay ăn lạt xuất phát từ quan niệm từ bi của Phật giáo. Đạo Phật
không muốn sát sinh hại vật, mà trái lại phải thương yêu mọi loài. Không chỉ người
dân ở Tiền Giang mà khắp cả nước cũng theo tục lệ này.
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay số lượng người dân Tiền Giang dù không phải
Phật tử nhưng vẫn đi chùa sám hối và ăn chay vào các ngày: rằm, mùng một và những
ngày hội lớn như ngày rằm tháng giêng, rằm tháng tư (Phật Đản) và rằm tháng bảy (lễ
Vu lan), lễ Quan Thế Âm tương đối đông, nhất là với những người già và phụ nữ.
Đa số các cơ sở chùa Phật giáo trên địa bàn thành phố hiện nay đều có sự cúng dường
hỗ trợ từ các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Nhiều người dù không phải

là phật tử cũng dựng tượng phật hay tranh ảnh có yếu tố phật giáo để chiêm ngưỡng
và trang trí cho cảnh nhà đẹp và trang nghiêm.
Phật giáo có nhiều tư tưởng, giáo lý có điểm tương đồng với phong tục thờ
cúng tổ tiên của người dân và các tín ngưỡng bản địa có mặt tại tỉnh như: tín ngưỡng
thờ Mẫu, thờ Ông, thờ thần nông, thần sông, thần biển
Tục thờ cúng tổ tiên xuất phát từ lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên
và được xem là một dạng tín ngưỡng quan trọng nhất của dân tộc. Tính ngưỡng này
được một số bình dân Nam Bộ nhập làm một với đạo Phật, vì trong Phật giáo có nhiều
kinh đề cập đén vấn đề này như kinh Vu Lan, kinh Báo Phụ Mẫu Ân… Vào những
ngày rằm, mồng một, những gia đình không theo đạo phật cũng mua hoa quả, thắp
nhang trên bàn thờ tổ tiên.
Cũng xuất phát từ tinh thần từ bi của đạo Phật, tục lệ bố thí và phóng sanh đã
ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của quần chúng nhân dân lao động ở Tiền Giang. Đến
ngày rằm và mùng một, người dân thường hay mua chim, cá… để phóng sanh. Người
dân Tiền Giang cũng hay làm phước bố thí và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó,
hoạn nạn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại những biểu hiện mang tính chất hình thức
trên ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó mọi người tham gia vào những đợt cứu trợ,

18

tương tế cho các đồng bào gặp thiên tai, hoạn nạn, hoàn cảnh sống gặp khó khăn đúng
với truyền thống đạo lý của dân tộc lá lành đùm lá rách.
Tập tục đến chùa để tìm sự bình an cho tâm hồn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh
thoát của các pho tượng, lắng nghe tiếng chuông ngân vang, đã trở thành một nét
phong tục “đi chùa lễ phật” lâu đời của tổ tiên.
Những ngày lễ hội lớn trong năm bắt đầu từ Phật giáo như lễ Phật Đản, lễ Vu
Lan, lễ tắm Phật,…thực sự đã trở thành ngày hội văn hóa của người dân Tiền Giang.
Điều này phù hợp với nếp sinh hoạt cộng đồng, một sinh hoạt truyền thống ở vùng đất
mới.
Phong tục tập quán tại Việt Nam trong quá trình tồn tại và phát triển đã chịu

nhiều tác động của trào lưu văn hóa khác nhau, nhất là từ Trung Quốc, trong đó Phật
giáo đã dự phần quan trọng trong việc định hình và duy trì không ít các tập tục dân
gian mà chúng ta thấy vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Tuy nhiên, không phải các tập
tục có sự ảnh hưởng của Phật giáo là tốt tất cả, mà trong đó có tập tục cần phải chắc
lọc lại như tập tục xin xăm bói quẻ, tục cúng sao hạn, tục coi ngày giờ, tục đốt vàng
mã, để phù hợp với chánh pháp. Đó là nhiệm vụ nặng nề của các nhà truyền giáo trong
thời hiện đại.
4. Ảnh hưởng của Phật giáo qua các loại hình văn hoá, nghệ thuật, du
lịch tâm linh:
* Về văn hóa:
Phật giáo suy cho cùng không phải chỉ là tôn giáo thuần thúy, nó không chỉ tạo
ra tư tưởng khoan hòa, nhân ái trong chính sách an dân mà còn góp phần rất quan
trọng trong việc định hình lối sống, phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam.
Vượt qua chốn thờ tự tôn kính linh thiêng, Phật giáo đã tham dự vào cấu trúc văn hóa
Việt với tư cách là thành tố văn hóa tinh thần, nhưng lại để lại dấu ấn sâu sắc cả trong
văn hóa sinh hoạt vật chất.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều khẳng định, qua hàng ngàn năm tồn tại
và phát triển ở Việt Nam Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa
tinh thần đối với con người Việt Nam.
Tại tỉnh Tiền Giang, ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa được thể
hiện khá rõ nét trong các công trình kiến trúc của gần 400 cơ sở Phật giáo, trong đó

19

đáng chú ý là hệ thống các chùa cổ như: chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm, chùa Sắc
Tứ, chùa Đức Lâm… Tiếp đến là qua các nghi lễ lớn của Phật giáo, qua các phong
tục: tổ chức tang lễ, cưới hỏi, ăn chay, thờ phật theo truyền thống Phật giáo của đại đa
số người dân Tiền Giang. Ngoài ra, Phật giáo tại Tiền Giang còn có ảnh hưởng đến
văn hóa kinh doanh của nhiều công ty đóng trên địa bàn tỉnh, biểu hiện qua việc có
không ít các nhà doanh nghiệp đến chùa cầu cúng, làm từ thiện để mong được Phật gia

hộ trong kinh doanh.
* Phật giáo thể hiện qua nghệ thuật sân khấu:
Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với nghệ thuật hát bội, đờn ca tài tử hay cải lương.
Tính triết lý "nhân quả báo ứng" của Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong các bài
ca tuồng, vở diễn phù hợp với đạo lý phương Đông và nếp sống truyền thống của dân
tộc. Nghệ thuật sân khấu cải lương, chính nhờ yếu tố phóng khoáng, nên nó dễ dàng
tiến sâu vào chân lý của Phật giáo, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ
thuật này. Tiêu biểu như các vở "Thích Ca Đắc Đạo", "Quan Âm Thị Kính", "Mục
Liên Thanh Đề". Đặc biệt gần đây (đầu thập niên 90) có hai vở đáng chú ý là "Thoát
Vòng Tục Lụy" và “Thái Tử A Xà Thế” của soạn giả Giác Đạo Dương Kinh Thành là
hai vở tuồng chuyên chính đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có các vở
chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng Phật giáo như các vở "Phạm Công Cúc Hoa", "Tấm
Cám", "Kim Vân Kiều" do sự ảnh hưởng tinh thần từ bi, hỷ xả của Phật giáo nên
luôn luôn các tuồng cải lương ở phần kết thúc đều có hậu.
* Về du lịch tâm linh:
Riêng trong lĩnh vực du lịch tâm linh, loại hình du lịch nhằm thõa mãn nhu cầu
tâm linh của con người, khách du lịch không những đi đến các đình, chùa, để vãn
cảnh, chiêm bái, cầu nguyện,… mà còn là tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa, tâm linh,
tham gia tu học.
Tại Tiền Giang loại hình này đang có xu hướng ngày càng phát triển, đi cùng
sự phát triển du lịch chung của tỉnh, đồng thời hầu như các ngôi chùa lớn tại Tiền
Giang đều gắn liền với cảnh quan, và kiến trúc hấp dẫn như: chùa Vĩnh Tràng – một
ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia - là một điểm hành
hương và du lịch nổi tiếng. Ngoài ra còn có một số ngôi chùa nổi tiếng khác như chùa

20

Sắc Tứ Linh Thứu được xây cất vào năm 1702 hay Phước Long Cổ Tự, Bửu Lâm Cổ
Tự, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác…
Ngoài ra, vào các lễ hội Phật giáo có quy mô lớn, các hoạt động thuyết giảng

Phật pháp, các khóa tu học Phật diễn ra hằng tháng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng
thu hút một lượng khách du lịch lớn đến tham gia.
5. Đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội tỉnh Tiền Giang:
Cùng với việc tập trung đẩy mạnh sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh
vực để sớm đưa Tiền Giang trở thành một tỉnh văn minh, hiện đại; chính quyền tỉnh
cũng đã dồn sức chăm lo đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với các đối
tượng chính sách, đồng bào nghèo, đồng bào gặp khó khăn bất hạnh…từ việc ăn, ở, đi
lại, khám chữa bệnh, học hành… Tất cả đều được chăm sóc với tinh thần trách nhiệm
cao, nên cuộc sống của người dân được cải thiện ngày càng tốt hơn. Trong đó, Phật
giáo tỉnh cũng đã có nhiều đóng góp đáng kể.
Chủ trương của Phật giáo nói chung, Phật giáo tại Tiền Giang nói riêng là
khuyến thiện, tránh ác, với phương châm: "Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm
phước cứu cho một người". Do đó, cùng với việc hướng dẫn cho tín đồ có cuộc sống
tâm linh theo tôn chỉ, giáo lý và mục đích của đạo Phật; một nội dung rất quan trọng là
phật giáo thành phố luôn chăm lo đến cuộc sống vật chất của người dân theo tinh
thần "từ bi, bác ái", "cứu độ chúng sinh"… nhằm góp phần làm cho nhân dân, không
chỉ tín đồ tôn giáo mình vơi bớt nỗi khổ đau, bất hạnh trong cuộc sống đời thường.
Theo Báo cáo tổng kết công tác Phật sự tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ VII (2007 –
2012), Phật giáo Tiền Giang đã thực hiện nhiều hoạt động Phật sự quan trọng trên tinh
thần đoàn kết hòa hợp giữa các hệ phái Phật giáo và sự đồng lòng, cùng chung nhịp
đập của chư Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 395 tự viện với có 1.081
Tăng Ni, có 132 đạo tràng tu học với hàng chục ngàn Phật tử tu học. Trong nhiệm kỳ
VII, Phật giáo tỉnh tiếp nhận 176 cư sĩ xuất gia, xin phép trùng tu 57 tự viện; bổ nhiệm
trụ trì 56 tự viện; thực hiện công tác từ thiện xã hội đạt hơn 95 tỷ đồng.
Thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo, Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã có
nhiều đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội. Điển hình như chùa Tịnh
Nghiêm do ni sư Thích Nữ Tịnh Nghiêm trụ trì đã đứng ra quyên góp xây dựng
Trường Mần non bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm với hơn 2 tỷ đồng. Trường hiện nuôi

21


dạy hơn 200 trẻ em mần non của những gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra
chùa còn sản xuất bánh Trung thu gây quỹ giúp trẻ em nghèo, tổ chức tiệc buffet chay
gây quỹ từ thiện hàng tháng… Các cơ sở khám chữa bệnh đông y miễn phí cho người
dân tại các ngôi chùa hay các tổ chức từ thiện đóng trên địa bàn tỉnh tham gia các
chương trình nhân đạo đều đặn hàng tháng do các cá nhân, nhóm từ thiện hoặc các tổ
chức lớn như Đài Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang tổ chức.
Đây là những hoạt động mang nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu
sắc của Phật giáo Tiền Giang, nhằm góp phần cùng chính quyền và nhân dân trong
tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo và an sinh xã hội tại tỉnh Tiền
Giang hiện nay.

V. KẾT LUẬN
Phật giáo từ lâu đã thâm nhập vào tâm hồn, nếp nghĩ, lối sống của dân tộc Việt
Nam và đã trở thành bản chất và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đạo Phật đã ảnh
hưởng đến mọi sinh hoạt của người Việt từ triết lý, tư tưởng, đạo đức, văn học, nghệ
thuật cho đến phong tục tập quán, nếp sống nếp nghĩ Từ quan niệm nhân sinh quan,
thế giới quan, đạo lý, thẩm mỹ cho đến lời ăn tiếng nói của quảng đại quần chúng ít
nhiều đều chịu ảnh hưởng của triết lý và tư tưởng Phật giáo. Qua quá trình lịch sử, trãi
qua bao cuộc biến đổi thăng trầm của đất nước, Phật giáo đã khẳng định mình và có
một chỗ đứng vững chắc trong lòng của dân tộc, tồn tại và phát triển cùng với dân tộc.
Rõ ràng Phật giáo đã đóng góp cho dân tộc ta nhiều thành tựu đáng kể về kinh tế,
chính trị, văn hóa và xã hội.
Những tác động, ảnh hưởng của Phật giáo lên đời sống cư dân Tiền Giang là hệ
quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa văn hóa dân tộc. Trong đó những yếu tố mang
tính truyền thống, hình thành nhân cách, bản lĩnh và bản chất của dân tộc là chủ yếu -
đã gặp gỡ, hòa quyện trong những yếu tố tinh thần, tư tưởng từ bi cứu khổ của Phật
giáo Việt Nam. Những yếu tố ngoại sinh đã góp phần lớn vào việc củng cố, duy trì và
phát triển nội hàm bản sắc dân tộc. Trong đó Phật giáo góp phần vào việc làm phong
phú thêm cá tính, đặc trưng người dân Tiền Giang. Ngược lại, chính những bản chất

dân tộc đã làm giàu hơn nền văn hóa Phật giáo. Một minh chứng của sự tác động qua
lại này chính là sự kết hợp giữa truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc

22

với tinh thần tập thể của Phật giáo Việt Nam, đã đưa đến nét đặc thù của Việt Nam,
đem lại hình ảnh sống động của tăng ni Phật tử qua hai cuộc đấu tranh giành độc lập
dân tộc trong gần một thế kỷ nay.
Tiền Giang, với vị trí địa lý - văn hóa đặc biệt, dù có muốn hay không cũng tạo
ra một sự hội nhập văn hóa, không phải là một sự hội nhập văn hóa bình thường, mà
là một sự hội nhập văn hóa của những tinh hoa đến từ các trung tâm văn hóa tầm cỡ
thế giới, như Ấn Độ, Trung Hoa, được kết tinh trong một tôn giáo lớn - Phật giáo. Đó
cũng là một sự hội nhập mà cư dân nơi đây làm chủ, lợi ích của dân tộc và đất nước là
chuẩn mực cao nhất của sự hội nhập, sự hội nhập đó là thử thách và kiểm nghiệm
bằng một bề dày lịch sử. Qua thực tế cho thấy rằng, Phật giáo sau khi nhập vào nền
văn hóa nước ta đã tạo ra một thế ổn định xã hội kéo dài.
Nhân dân Tiền Giang, qua các thế hệ, đã làm cho các giá trị nhân bản của đạo
Phật bén rễ sâu sắc và cắm gốc vững bền trong tâm hồn mình. Một phần là nhờ ở tính
uyển chuyển trong giáo lý, tính bao dung không cố chấp của đạo Phật, nhưng một
phần không nhỏ là do sức sáng tạo của người dân Nam Bộ. Tin ở sức mình, tin ở luật
nhân - quả nghiệp báo, động viên nhân dân hướng tới chân - thiện - mỹ, đó là công lao
của văn hóa Phật giáo, là sự sáng tạo của nhân dân nơi đây.
Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình để hòa nhập vào trào lưu phát triển
với thế giới, Việt Nam cần phải mở cửa để giao lưu với bạn bè quốc tế ngỏ hầu tiếp
thu và học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại. Điều đó sẽ dẫn đến sự du
nhập nhiều luồng văn hóa ngoại lai. Trong đó có cái tốt, có cái xấu, làm sao chúng ta
có thể phân biệt và tiếp thu cái tốt và giải trừ cái xấu? Đây là một câu hỏi lớn cho các
nhà giáo dục, đạo đức, xã hội, tôn giáo và nó đã trở thành một vấn đề của quốc gia
chứ không phải chỉ là chuyện cá nhân hay riêng tư nữa. Lời giải đáp rõ ràng nhất là
nếu chúng ta có một nền văn hóa lành mạnh; đậm đà bản sắc dân tộc với những tư

tưởng truyền thống tốt đẹp sẽ giúp chúng ta nhận định, chắc lọc và cũng là liều thuốc
tốt nhất giúp chúng ta chống lại những cặn bã văn hóa ngoại nhập hoặc văn hóa mê tín
phát sinh từ bản địa. Những yếu tố tích cực của Phật giáo là một phần tư tưởng văn
hóa Việt sẽ cùng với văn hóa dân tộc Việt làm nhiệm vụ chọn lọc và phát triển văn
hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cấp
bách ./.

23

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình triết học, Bộ giáo dục và Đào tạo, NXB Lý luận chính trị, 2006.
2. Đại Cương Triết học Phật Giáo Việt Nam, tác giả Nguyễn Hùng Hậu, NXB Khoa
Học Xã Hội, 2002.
3. Triết học Ấn Độ, Tác giả: Nguyễn Ước
4. Lược sử hệ phái và kiến trúc chùa Vĩnh Tràng, Tác giả: Mặc Nhân TVC
5. Và một số website trên internet như:
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam -
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang -
- Báo Giác Ngộ -





×