Tải bản đầy đủ (.pdf) (80 trang)

Khóa luận tốt nghiệp Đặc trưng một số thể loại truyện dân gian trong chương trình tiểu học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (577.41 KB, 80 trang )


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu
và kết quả nghiên cứu nêu trong khóa luận là trung thực và chưa từng được
công bố trong bất kì một công trình khác.
Đồng Hới, tháng 5 năm 2015
Tác giả

Nguyễn Thị Oanh



























LỜI CẢM ƠN

Xin trân trọng gửi lời tri ân đến cô giáo ThS. Trần Thị Mỹ Hồng, người
đã tận tình hướng dẫn tôi thực hiện và hoàn thành khóa luận này.
Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc quý thầy cô đã giảng dạy và đóng góp
những ý kiến quý báu cho tôi trong quá trình học tập.
Xin chân thành cảm ơn Khoa Sư phạm Tiểu học - Mầm non, Trường Đại
học Quảng Bình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi học tập và nghiên cứu.
Cảm ơn những người thân yêu trong gia đình, bạn bè đã động viên, giúp
đỡ tôi trong thời gian học tập và thực hiện khóa luận.
Nhân dịp này cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất.

Tác giả


Nguyễn Thị Oanh





















KÍ HIỆU VIẾT TẮT TRONG KHÓA LUẬN

Kí hiệu Chú giải
SGK Sách giáo khoa
NXB Nhà xuất bản
[19;tr.13] Trích dẫn từ tài liệu tham khảo 19,
trang 13















MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4
4. Phương pháp nghiên cứu 4
5. Đóng góp của đề tài 4
6. Cấu trúc của đề tài 5
NỘI DUNG 6
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN DÂN GIAN VÀ TRUYỆN DÂN
GIAN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC
1.1. Khái quát về truyện dân gian 6
1.1.1. Khái niệm 6
1.1.2. Một số thể loại truyện dân gian 7
1.1.2.1. Truyện thần thoại 7
1.1.2.2. Truyện truyền thuyết 8
1.1.2.3. Truyện cổ tích 9
1.1.2.4. Truyện cười 11
1.1.2.5. Truyện ngụ ngôn 13
1.2. Truyện dân gian trong chương trình Tiểu học 14
1.2.1. Hệ thống truyện dân gian trong chương trình Tiểu học 14
1.2.2. Đặc điểm truyện dân gian trong chương trình Tiểu học 15
1.2.3. Vai trò, ý nghĩa của truyện dân gian đối với học sinh Tiểu học 15
CHƯƠNG 2: ĐẶC TRƯNG VỀ TRUYỆN THẦN THOẠI, TRUYỆN
TRUYỀN THUYẾT, TRUYỆN CỔ TÍCH TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIỂU
HỌC
2.1. Đặc trưng về truyện thần thoại trong chương trình Tiểu học 17
2.1.1. Nhân vật 17

2.1.1.1. Nhân vật là vị thần 17
2.1.1.2. Nhân vật anh hùng chinh phục tự nhiên, lao động và sáng tạo văn hóa
20
2.1.2. Cốt truyện 21
2.2. Đặc trưng về truyện truyền thuyết trong chương trình Tiểu học 22
2.2.1. Nhân vật 22

2.2.1.1. Nhân vật là anh hùng lịch sử 22
2.2.1.2. Nhân vật khởi nguyên và anh hùng văn hóa 24
2.2.2. Cốt truyện 27
2.2.3. Ngôn ngữ 29
2.3. Đặc trưng về truyện cổ tích trong chương trình Tiểu học 30
2.3.1. Nhân vật 30
2.3.1.1 Nhân vật trong truyện cổ tích thần kì 30
2.3.1.2. Nhân vật trong truyện cổ tích sinh hoạt (thế sự) 33
2.3.1.3. Nhân vật trong truyện cổ tích loài vật 35
2.3.2. Kết cấu 39
2.3.2.1. Kết cấu của truyện cổ tích thần kì 39
2.3.2.2. Kết cấu của truyện cổ tích sinh hoạt (thế sự) 41
2.3.2.3. Kết cấu của truyện cổ tích loài vật 42
2.3.3. Ngôn ngữ 43
CHƯƠNG 3: ĐẶC TRƯNG VỀ TRUYỆN CƯỜI, TRUYỆN NGỤ NGÔN
TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC
3.1. Đặc trưng về truyện cười trong chương trình Tiểu học 47
3.1.1. Nhân vật 47
3.1.1.1. Nhân vật là trẻ em 47
3.1.1.2. Các nhân vật khác 49
3.1.2. Kết cấu 51
3.1.2.1. Kết cấu “tiệm tiến” 52
3.1.2.2. Kết cấu “gói kín, mở nhanh” 52

3.1.3. Ngôn ngữ 53
3.1.3.1. Lời văn kể chuyện 53
3.1.3.2. Ngôn ngữ đối thoại 54
3.2. Đặc trưng về truyện ngụ ngôn trong chương trình Tiểu học 55
3.2.1. Nhân vật 55
3.2.1.1. Nhân vật là loài vật 55
3.2.1.2. Các nhân vật khác 57
3.2.2. Kết cấu 59
3.2.2.1. Kết cấu dạng thể kịch 59
3.2.3. Ngôn ngữ và lời kể trong truyện ngụ ngôn 62
3.2.3.1. Ngôn ngữ 62

3.2.3.2. Lời kể 62
KẾT LUẬN 64
TÀI LIỆU THAM KHẢO 67
PHỤ LỤC…………………………………………………………………….









1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học dân gian là tài sản vô giá của dân tộc ta. Đó là những sáng tác

nghệ thuật truyền miệng do con người sáng tạo ra khi tham gia sinh hoạt tập
thể nhằm biểu đạt, ghi lại những tri thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm về
cuộc sống, xã hội, thiên nhiên và vũ trụ. Văn học dân gian chính là bộ “Bách
khoa toàn thư” vĩ đại, là nơi kết tinh rực rỡ những tri thức, tài năng nghệ
thuật, tinh hoa văn hóa của dân tộc. Do vậy, đối với nhân dân ở tất cả các thời
đã qua, văn học dân gian là nơi họ có thể tìm được những kinh nghiệm thực
tiễn để vận dụng vào cuộc sống hằng ngày. Không những thế, đối với chúng
ta ngày nay “Văn học dân gian giúp chúng ta nhận thức một cách đúng đắn,
toàn diện lịch sử của nhân dân mình, dân tộc mình trong quá khứ, để từ đó
hiểu được nhân dân mình, dân tộc mình trong giai đoạn cách mạng hiện tại”
[21;tr.15].
Nói đến văn học dân gian cùng những giá trị vĩnh hằng của nó, ta
không thể không nhắc đến truyện dân gian. Truyện dân gian là một bộ phận
của văn học dân gian Việt Nam. Những câu chuyện bình dân, gần gũi nhưng
có sức thu hút, sức hấp dẫn lớn đối với mọi tầng lớp, đặc biệt là thiếu nhi.
Thưởng thức truyện dân gian là nhu cầu giải trí hàng đầu của các em. Đến với
truyện dân gian các em không chỉ được thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình
mà còn được giáo dục về phẩm chất, về nhân cách, được bồi dưỡng những
tình cảm thẩm mĩ… Trẻ em vốn ưa tưởng tượng, thích ước mơ, sống với thế
giới nhiều xúc cảm mãnh liệt. Truyện dân gian lại là thế giới của ước mơ,
tưởng tượng, vì vậy, một số thể loại truyện dân gian đã trở thành món quà
tặng đầy yêu thương của người xưa dành cho các em.
Đáp ứng nhu cầu thưởng thức truyện dân gian của các em nhỏ, hàng
năm nhiều nhà xuất bản đã cho ra đời các truyện dân gian với số lượng đồ sộ.
Xuất phát từ những giá trị giáo dục và dạy học to lớn tiềm tàng trong truyện
dân gian, các nhà biên soạn cũng đã chọn lọc, đưa nhiều truyện dân gian vào
chương trình Tiểu học. Thế nhưng trên thực tế, nhiều giáo viên chưa chú
trọng đến việc giúp các em khám phá những giá trị đặc trưng của các thể loại
truyện dân gian, hiểu đúng đặc trưng thể loại là vô cùng cần thiết khi phân
tích tác phẩm văn học.


2

Việc nghiên cứu đặc trưng một số thể loại truyện dân gian sẽ giúp giáo
viên không những có khả năng hiểu đúng các thể loại được giới thiệu trong
chương trình Tiểu học mà còn có khả năng hoàn thiện thao tác phân tích tác
phẩm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học truyện dân gian trong chương
trình Tiểu học. Chính vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn và nghiên cứu đề tài “Đặc
trưng một số thể loại truyện dân gian trong chương trình Tiểu học”.
2. Lịch sử vấn đề
Việc nghiên cứu truyện dân gian của chúng ta trong nhiều năm qua vẫn
không ngừng được tiến hành và phát triển. Truyện dân gian đã là đối tượng quan
tâm của nhiều thế hệ các nhà khoa học và những thành tựu đạt được về lĩnh vực
nghiên cứu này rất đáng ghi nhận. Họ đã tiến hành nghiên cứu đặc trưng của
truyện dân gian trên cơ sở những đặc sắc của từng thể loại truyện dân gian, phân
loại và nhận diện các thể loại. Trong khóa luận này, chúng tôi chỉ đề cập đến
những công trình nghiên cứu trong phạm vi tư liệu bao quát được.
Trước hết, chúng ta có thể kể đến “Tuyển tập văn học dân gian Việt
Nam” của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia – Viện văn học.
Công trình nghiên cứu này đã nhận định rằng “Công việc điều tra sưu tầm văn
học dân gian đã được tiến hành thường xuyên liên tục trên một diện rộng
nhằm tìm kiếm tối đa các giá trị văn học và văn hóa đang lưu truyền trong
nhân dân các địa phương, các dân tộc trong nước. Gần như trên đất nước có
bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu sắc thái văn học gồm đủ thể loại như
truyền thuyết, thần thoại, cổ tích… Có thể hình dung tổng thể văn học dân
gian Việt Nam như một tấm thổ cẩm nhiều màu sắc” [20;tr.4].
Trong giáo trình “Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học
dân gian” tài liệu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Tiểu học, tác giả Đỗ Bình
Trị đã chỉ ra những đặc trưng thi pháp của bốn thể loại truyện dân gian:
truyện cổ tích, truyện truyền thuyết, truyện cười, truyện ngụ ngôn. Tác giả

cho rằng “Những đặc trưng thể loại phải được coi như một chỉnh thể. Chính
chỉnh thể này chứ không phải những đặc trưng xét riêng rẻ, tạo nên diện mạo
xác định của thể loại và biến thái của nó, tạo nên mối liên hệ giữa các thể loại.
Mỗi thể loại văn học dân gian có cách nói riêng của nó. Thi pháp thể loại
chính là cách nói riêng ấy. Vì thế, có nắm được thi pháp thể loại mới có khả
năng “giải mã” được các tác phẩm thuộc thể loại” [3;tr.3].

3

Nhà nghiên cứu Cao Đức Tiến cũng đã khái quát đặc trưng các loại
truyện cổ dân gian, đó là thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn,
truyện cười trong cuốn giáo trình “Văn học” tài liệu đào tạo giáo viên Tiểu
học. Trong đó, tác giả đã bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình trước từng thể
loại truyện dân gian.
Bên cạnh đó cũng có các công trình đã nghiên cứu chuyên sâu từng thể
loại truyện dân gian. Nghiên cứu “Đặc trưng truyện ngụ ngôn trong chương
trình Tiếng Việt Tiểu học” là công trình của Lê Thị Mỹ Huệ. Trong đó, tác
giả đã nói đến truyện ngụ ngôn với các đặc điểm về nhân vật, kết cấu và lời
kể. Trong cuốn khóa luận “So sánh truyện cổ tích và truyện ngụ ngôn trong
chương trình Tiếng Việt Tiểu học từ gốc nhìn thi pháp” của Phạm Thị Vân,
tác giả đã chỉ ra được những nét đặc sắc của hai thể loại, đồng thời đi sâu vào
nhiều khía cạnh khác nhau của truyện cổ tích và truyện ngụ ngôn, xét trên
bình diện về thi pháp học. Đây cũng là cơ sở cần thiết cho người viết trong
việc nghiên cứu đề tài.
Ngoài ra, còn có các công trình nghiên cứu về một số phương diện đặc
điểm của truyện dân gian như “Giáo trình văn học dân gian” của Phạm Thu
Yến, Lê Trường Phát, Nguyễn Bích Hà; “Giáo trình văn học dân gian Việt
Nam” của Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn…
Trong các giáo trình này, các nhà nghiên cứu đã đề cập đến định nghĩa, nguồn
gốc ra đời, phân loại và một vài đặc trưng của từng thể loại truyện dân gian.

Qua việc điểm xuyết các công trình nghiên cứu về những đặc trưng của
một số thể loại truyện dân gian, chúng tôi nhận thấy có một vài tác giả đã
phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về các thể loại và những đặc sắc của chúng
nhưng chưa đi vào các tác phẩm cụ thể phù hợp với lứa tuổi học sinh Tiểu
học. Bên cạnh đó, cũng có công trình đã nhắc đến vấn đề trên nhưng chỉ
nghiên cứu chuyên sâu một thể loại truyện dân gian. Như vậy, các công trình
nghiên cứu kể trên chưa có công trình nào tổng hợp một cách đầy đủ các thể
loại truyện dân gian, xem xét những đặc trưng của chúng ở các tác phẩm cụ
thể trong chương trình Tiểu học. Đề tài “Đặc trưng một số thể loại truyện dân
gian trong chương trình Tiểu học” là một đề tài tập trung nghiên cứu những
đặc trưng của từng thể loại truyện dân gian ứng với các tác phẩm cụ thể trong
chương trình Tiểu học. Các công trình nhắc tới ở trên là những gợi ý quý báu
cho chúng tôi trong việc thực hiện đề tài.



4

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu: đặc trưng một số thể loại truyện dân gian
trong chương trình Tiểu học.
3.2. Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu những tác phẩm thể loại truyện
thần thoại, truyện truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn
trong chương trình SGK Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách Truyện đọc từ
lớp 1 đến lớp 5.
4. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Phân tích các tác phẩm truyện dân
gian trong chương trình Tiểu học để thấy được đặc sắc về nhân vật, ngôn ngữ,
cốt truyện và kết cấu của từng thể loại truyện dân gian, từ đó tổng hợp, khái

quát lại và đưa ra kết luận chung.
- Phương pháp thống kê, phân loại: Dùng để thống kê, phân loại và xác
định tần số xuất hiện của truyện thần thoại, truyện truyền thuyết, truyện cổ tích,
truyện ngụ ngôn, truyện cười trong chương trình Tiểu học. Từ đó, xác định vị trí
và tầm quan trọng của các thể loại truyện dân gian trong chương trình.
- Phương pháp so sánh: Dùng để thấy được điểm chung và điểm khác
biệt của từng thể loại truyện dân gian. Từ đó, làm nổi bật các đặc trưng cơ bản
của các thể loại.
5. Đóng góp của đề tài
- Về lí luận: Kết quả nghiên cứu đề tài nhằm chỉ ra những đặc trưng của
các thể loại truyện dân gian, qua đó thấy được đặc sắc của từng thể loại bằng
việc tìm hiểu các tác phẩm truyện cụ thể trong chương trình Tiểu học.
- Về thực tiễn: Ngoài ra kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu cần
thiết giúp giáo viên hiểu đúng các thể loại được giới thiệu trong chương trình
Tiểu học và hoàn thiện thao tác phân tích tác phẩm nhằm nâng cao chất lượng
dạy và học truyện dân gian trong chương trình Tiểu học.







5

6. Cấu trúc của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung
gồm ba chương:
Chương 1: Khái quát về truyện dân gian và truyện dân gian trong
chương trình Tiểu học.

Chương 2: Đặc trưng về truyện thần thoại, truyện truyền thuyết, truyện
cổ tích trong chương trình Tiểu học.
Chương 3: Đặc trưng về truyện cười, truyện ngụ ngôn trong chương
trình Tiểu học.
























6


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN DÂN GIAN VÀ
TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC

1.1. Khái quát về truyện dân gian
1.1.1. Khái niệm
Truyện dân gian thường là văn xuôi nhưng cũng có khi là văn vần được
lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Là sáng tác nghệ thuật của nhân dân,
truyện dân gian phản ánh đời sống và thế giới tinh thần, tình cảm của nhân
dân theo quan điểm của họ. Đó là toàn bộ sinh hoạt nhân dân, là cuộc sống
lao động và quan hệ gia đình của họ, là những sự kiện những vấn đề thiết yếu
đối với nhân dân, là cuộc đấu tranh của nhân dân chống áp bức, chống ngoại
xâm. Sinh hoạt nhân dân là mảnh đất nảy sinh, là nguồn nuôi dưỡng, là nhân
tố kích thích sự sáng tạo vốn có tính chất tự phát của truyện dân gian. Nhân
vật trung tâm của các thể loại truyện dân gian chính là bản thân nhân dân, bắt
nguồn từ những nguyên mẫu có thực trong cuộc sống mà khái quát lên thành
nhân vật văn học. Qua việc phản ánh đời sống nhân dân, đề cập đến những
vấn đề thân thiết đối với nhân dân, truyện dân gian biểu đạt những kinh
nghiệm đời sống, diễn tả những khát vọng và lí tưởng của nhân dân, thể hiện
những quan niệm của nhân dân về tự nhiên, xã hội và con người, về đạo đức,
về mĩ học. Truyện dân gian mang tính dân tộc, tính quốc tế của văn học dân
gian nói chung, càng tiếp xúc rộng rãi với kho tàng truyện dân gian các dân
tộc ở khắp nơi trên thế giới, ta càng thấy rõ những đặc sắc trong nội dung và
nghệ thuật của truyện dân gian dân tộc mình không hề biệt lập mà chỉ biểu
hiện trong tương quan với những cái tương đồng nhân loại. Nghiên cứu so
sánh các thể loại truyện dân gian, ta có thể bắt gặp những hiện tượng trùng lặp
tương tự nhau về đề tài, về cốt truyện, hình tượng nhân vật, về các mô típ
nghệ thuật, các yếu tố thi pháp.
Trong giai đoạn đầu tiên của sự nảy sinh và phát triển, truyện dân gian
là hình thức sơ khai của nghệ thuật, đồng thời cũng là hình thức nguyên hợp

của sự sản xuất tinh thần nói chung, về sau đã chuyển thành hình thức tổng
hợp tự nhiên của sáng tác tạo văn hóa và sáng tác nghệ thuật của nhân dân lao
động. Kho tàng truyện dân gian Việt Nam rất phong phú với nhiều thể loại
như truyện thần thoại, truyện truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn,

7

truyện cười. Mỗi thể loại của truyện dân gian với những đặc sắc của nó làm
nên những giá trị to lớn cho truyện dân gian để truyện dân gian vượt qua cuộc
chọn lọc tự nhiên của thời gian, khẳng định được sức sống ngay cả trong thời
đại mới. Đi sâu vào từng thể loại truyện dân gian để tìm hiểu những đặc điểm
của mỗi thể loại, chúng ta sẽ hiểu hơn khả năng trường tồn của truyện dân
gian bất chấp quy luật đào thải khắc nghiệt của thời gian.
1.1.2. Một số thể loại truyện dân gian
1.1.2.1. Truyện thần thoại
Khái niệm
Thần thoại là loại truyện dân gian kể về các vị thần, các nhân vật được
sùng bái, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa phản ánh nhận
thức và quan niệm của thời cổ về nguồn gốc thế giới và đời sống con người.
C. Mác đã khẳng định: “Với tư cách là hình thức văn hóa tinh thần đầu
tiên của loài người, thần thoại tức là tự nhiên và bản thân các hình thái ý thức
xã hội đã được trí tưởng tượng chế biến đi một cách vô ý thức” [21;tr.17].
Trên cơ sở định nghĩa trên về thần thoại chúng ta có thể thấy, thần thoại
chính là hình thức nhận thức thế giới mang tính đặc trưng của con người thời
cổ. Thông qua sự thần thánh hóa và mĩ hóa các hiện tượng tự nhiên, xã hội,
con người đã gửi gắm khát vọng giải thích tự nhiên, xã hội và ước mơ chinh
phục thế giới đó.
Đọc truyện thần thoại các em học sinh Tiểu học như được hòa mình vào
những câu chuyện kì bí, viết thêm trong bộ sưu tập những câu chuyện lí thú của
các em. Thế giới những câu chuyện thần thoại trong chương trình Tiểu học là vô

cùng phong phú, những mơ ước của con người được gửi gắm trong những người
anh hùng thần thánh của cộng đồng. Học sinh Tiểu học lại vô cùng thích những
nhân vật anh hùng, người mà luôn bênh vực công lí, bảo vệ chính nghĩa… Qua
những mẫu truyện các em vừa được thư giãn sau những giờ học căng thẳng, vừa
có kiến thức về nguồn gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên.
Nguồn gốc ra đời của thần thoại
Cơ sở đầu tiên dẫn đến sự ra đời của thần thoại là sự phát triển của xã
hội công xã nguyên thủy khi con người đã xuất hiện tư duy và hoạt động ngôn
ngữ. Con người thời kì nguyên thủy trong khi tiếp xúc với thiên nhiên, tiếp
xúc với các hiện tượng vũ trụ kì bí, họ đã muốn cố gắng tìm hiểu, xuyên qua
cái bề ngoài để nhận thức thế giới, nhận thức tự nhiên. Sự nhận thức thế giới

8

của con người lúc đó là hoang đường và ấu trĩ. Con người tưởng tượng ra và
đặt niềm tin vào sự tưởng tượng ấy.
Trong quá trình lao động, sản xuất, con người nguyên thủy đã vận dụng
lí trí non nớt, sự nhận biết thô sơ của mình về thiên nhiên, vũ trụ để tìm câu
trả lời cho những gì xảy ra xung quanh như: Tại sao lại có ngày? Tại sao lại
có đêm? Tại sao lại có bầu trời? Tại sao lại có mặt đất? Tại sao lại có mặt trời,
mặt trăng và các vì sao? Tại sao lại có sự sống, sự chết? Con người sinh ra từ
đâu? Tại sao lại có mưa gió, bão lụt, hạn hán? và còn rất nhiều câu hỏi khác.
Chính vì thế, họ đã làm ra thần thoại.
Giai đoạn này, con người cũng đã nhận thức được mình là một bộ phận
của thiên nhiên và hơn nữa còn muốn khẳng định mình là bộ phận tinh túy
nhất của thiên nhiên. Sự phân biệt giai cấp, phân biệt lợi ích giữa bộ tộc này
và bộ tộc khác, sự đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm đã chuyển hóa bộ phận
thần tự nhiên sang bộ phận thần thoại anh hùng văn hóa.
1.1.2.2. Truyện truyền thuyết
Khái niệm

Truyền thuyết là những truyện kể truyền miệng kể lại truyện tích các
nhân vật lịch sử được lí tưởng hóa hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật
địa phương theo quan điểm của nhân dân, đồng thời nó cũng sử dụng yếu tố
hư ảo, thần kì như cổ tích và thần thoại.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Những truyền thuyết dân
gian thường có một cái lõi là sự thực lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lí
tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng.
Chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác
phẩm văn hóa mà đời đời con cháu còn ưa thích” [21;tr.38]. Như vậy, ta cũng
thấy được rằng, điều chủ yếu mà truyền thuyết muốn phản ánh không phải là lịch
sử như thế nào mà là lịch sử đem lại cái gì cho nhận thức và tình cảm của nhân
dân. Nếu lịch sử quan tâm đến các diễn biến, các sự kiện thì truyền thuyết quan
tâm đến các mô típ, chi tiết đẫm màu sắc nhân văn.
Đến với những câu chuyện truyền thuyết mang yếu tố kì ảo và đậm
màu sắc lịch sử, li kì, hấp dẫn, các em nhỏ vừa có kiến thức lịch sử vừa được
đắm mình vào khung cảnh chiến sự vừa hư vừa thực. Ngoài ra, các em sẽ cảm
thấy thêm yêu lịch sử của dân tộc và quyết tâm giữ gìn nó.


9

Nguồn gốc ra đời của truyền thuyết
Theo Ph. AWngghen: “Tất cả các dân tộc trong quá trình phát triển lịch
sử của nó đều phải trải qua thời đại anh hùng”. Truyền thuyết Việt Nam ra đời
và phát triển trong thời đại anh hùng Việt Nam, thời đại mà những yếu tố xã
hội – lịch sử của nó mang đặc trưng chung của thời đại anh hùng trong lịch sử
nhân loại. Đó là thời kì con người bứt ra khỏi đời sống dã man, bước vào chế
độ văn minh đầu tiên. Thời kì được đánh dấu bằng những chiến công lao động
và những biến đổi xã hội sâu sắc. Ở Việt Nam, nó được đánh dấu bằng sự kết
thúc của thời kBì tiền sử, sự khởi đầu của thời kì sơ sử, với sự hình thành của

nhà nước Văn Lang đầu tiên, thuộc thời kì văn hoá kim khí mà đỉnh cao là
văn hoá Đông Sơn.
Việc sử dụng công cụ kim loại được coi như một cuộc cách mạng kĩ
thuật. Công cụ sản xuất vô cùng phong phú và tiến bộ đã dẫn đến thành quả
lao động được nâng cao, đời sống con người được cải thiện. Nhu cầu mở rộng
thêm các vùng định cư và sản xuất, khai thác thêm các thị trường mới để trao
đổi sản phẩm, khám phá đất hoang… ngày càng dâng cao trong cộng
đồng. Chiến tranh giữa các bộ tộc xảy ra liên miên nhằm xâm lấn đất đai, mở
rộng địa bàn, thôn tính lẫn nhau (dẫn đến sự hình thành nhà nước đầu tiên).
Các bộ lạc có xu hướng, hoặc là thâu tóm lẫn nhau hoặc đoàn kết để chống lại
các bộ lạc lớn mạnh khác.
Hoàn cảnh đó đã tạo nên một không khí hào hùng cho thời đại mà
Ăngnghen nhận xét là: “thời đại mà mỗi thành viên nam giới của bộ lạc đến
tuổi thành niên đều là những chiến binh”. Các thành viên trong cộng đồng có
điều kiện bộc lộ phẩm chất anh hùng của mình, ý thức về lịch sử, dân tộc, chủ
quyền lãnh thổ được nuôi dưỡng, xuất hiện các cá nhân anh hùng và tập thể
anh hùng. Truyền thuyết ra đời nhằm tôn vinh sức mạnh, phẩm chất người
anh hùng của mình, cộng đồng của mình.
1.1.2.3. Truyện cổ tích
Khái niệm
Truyện cổ tích là những truyện truyền miệng dân gian kể lại những câu
chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật quen thuộc như nhân vật tài
giỏi, nhân vật dũng sĩ, người mồ côi, người em út, người con riêng, người
nghèo khổ, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, người ngốc nghếch

10

và cả những câu chuyện kể về các con vật nói năng và hoạt động như con
người.
Thế giới truyện cổ tích là thế giới có sự phân hóa giàu nghèo, tốt xấu,

một thế giới với nhiều số phận con người nhỏ bé bị áp bức. Qua những số
phận khác nhau của nhân vật, truyện trình bày kinh nghiệm sống, quan niệm
đạo đức, lí tưởng và mơ ước của nhân dân lao động. Trong truyện cổ tích có
nhiều con người với tấm lòng cao thượng và luôn chứa đựng luật nhân quả
nên những con người bình dân đã gửi gắm tình cảm của mình với truyện cổ
tích:
“Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật tiên độ trì”
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Trong chương trình Tiểu học có rất nhiều mẫu truyện cổ tích mang yếu
tố hoang đường kì ảo làm hấp dẫn các em nhỏ. Khi đọc truyện cổ tích các em
được bắt gặp nhiều số phận con người với nhiều hoàn cảnh, tính cách khác
nhau, qua đó các em sẽ biết cảm thông cho những số phận con người đáng
thương.
Phân loại truyện cổ tích
Có rất nhiều cách phân loại truyện cổ tích, cách phân loại phổ biến hiện
nay dựa trên những khác biệt của đối tượng phản ánh thế giới đặc trưng của
mỗi thể loại. Truyện cổ tích được chia làm ba tiểu loại, đó là truyện cổ tích
thần kì, truyện cổ tích sinh hoạt (thế sự), truyện cổ tích loài vật.
+ Truyện cổ tích thần kì là nhóm truyện tiêu biểu nhất của truyện cổ
tích. Nó ra đời sớm và những đặc trưng nổi bật của truyện cổ tích đều có thể
tìm thấy trong nhóm truyện này. Khuynh hướng nổi bật của truyện cổ tích
thần kì không phải là nhấn mạnh hiện thực mà là trình bày mơ ước, nguyện
vọng và lí tưởng xã hội của nhân dân, thông qua chiến thắng tất yếu của cái
đẹp và cái thiện hoàn hảo. Yếu tố kì ảo rất đậm và tham gia như một phần
không thể thiếu trong sự phát triển cốt truyện, nó đề cao trí tưởng tượng

phong phú và lãng mạn của các tác giả dân gian. Kết thúc của truyện cổ tích

11

thần kì thường có hậu, mang lại sự vui vẻ, lạc quan, thỏa mãn mơ ước của
nhân dân.
+ Truyện cổ tích sinh hoạt (thế sự) là nhóm truyện ra đời muộn, khi
mâu thuẫn và đấu tranh xã hội trở nên gay gắt, nhân dân không còn ảo tưởng
giải quyết những vấn đề xã hội bằng yếu tố kì ảo. Tính thực tế đã chi phối
những sáng tạo nghệ thuật của nhóm truyện này, những sinh hoạt đời thường,
những quan hệ xã hội cụ thể phong phú, khiến cho yếu tố hiện thực đậm hơn
yếu tố hoang đường. Mơ ước công bằng, dân chủ được phản ánh tập trung
trong nhóm truyện phân xử, tinh thần đề cao đạo đức tập trung trong nhóm
truyện ca ngợi tình nghĩa và phê phán thói vô đạo. Yếu tố kì ảo ít hơn truyện
cổ tích thần kì và thường tập trung ở cuối truyện, nhằm tô đậm hiện thực hơn
là phản ánh ước mơ.
+ Truyện cổ tích loài vật là nhóm truyện mà nhân vật chính là các con
vật trong thế giới loài vật. Các con vật đó có thể là hoang dã hoặc là vật nuôi.
Thông qua mối quan hệ của các con vật đó mà tác giả dân gian gián tiếp phản
ánh mối quan hệ giữa con người. Do vậy, truyện cổ tích loài vật có những yếu
tố gần giống với truyện ngụ ngôn. Tuy nhiên, chúng có những nét khác nhau
khá đặc trưng. Truyện cổ tích thường thiên về nội dung giải thích nguồn gốc,
qua đó nêu bài học giáo dục, còn truyện ngụ ngôn thiên về việc nhấn mạnh
trực tiếp những bài học đạo đức và kinh nghiệm sống. Truyện cổ tích trình
bày cả số phận nhân vật và chỉ kết thúc khi có câu trả lời chắc chắn về kết cục
của những nhân vật đó, trong khi truyện ngụ ngôn chỉ quan tâm đến một nét
tính cách, một hành động hoặc một mẫu đối thoại nào đó giữa các nhân vật.
Trong truyện cổ tích loài vật của các dân tộc Việt Nam thì những con vật nhỏ
bé và những vật nuôi thường chiếm thiện cảm của các tác giả dân gian nhiều
hơn những con vật to lớn và những con vật hoang dã.

1.1.2.4. Truyện cười
Khái niệm
Truyện cười là một lĩnh vực truyện kể dân gian rộng lớn, đa dạng, phức
tạp bao gồm những hình thức được gọi bằng những danh từ khác nhau như
truyện tiếu lâm, truyện khôi hài, truyện trào phúng, truyện trạng, giai thoại hài
hước
Truyện cười là loại truyện kể ngắn gọn bậc nhất. Dài cũng chỉ 15 đến
20 câu, ngắn thì 5 đến 7 câu, trung bình khoảng trên dưới 10 câu. Tuy ngắn

12

thế nhưng cũng là cả một câu chuyện có mở đầu, có diễn biến, có kết thúc và
cũng có nhân vật lại phần lớn là nhân vật “có nét” khó quên. Toàn bộ các yếu
tố thi pháp của truyện cười như kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện đều
phục vụ mục đích gây cười.
Những mẫu truyện cười trong chương trình Tiểu học, một mặt giúp các
em được thư giãn sau những giờ học căng thẳng, mặt khác qua tiếng cười đó
để các em hiểu được ý nghĩa giáo dục trong truyện.
Phân loại truyện cười
Có nhiều cách phân loại truyện cười do căn cứ vào những tiêu chí khác
nhau:
Căn cứ vào đặc điểm thi pháp, các nhà nghiên cứu đã chia thành truyện
cười không kết chuỗi và truyện cười kết chuỗi.
- Truyện cười không kết chuỗi
Tiểu loại này gồm những truyện cười có kết cấu độc đáo, khép kín,
hoàn chỉnh. Tính chất phiếm chỉ về nhân vật, địa điểm và thời gian xảy ra “sự
kiện nghệ thuật” là đặc điểm bao trùm các truyện. Chính tính phiếm chỉ ấy
khiến đề tài của truyện rất rộng, thế giới nhân vật cực kì đa dạng và do vậy
chúng không thể kết chuỗi với nhau được.
- Truyện cười kết chuỗi

Tiểu loại này gồm nhiều hệ thống truyện xoay quanh một nhân vật
chính. Mỗi hệ thống là một chuỗi. Mỗi chuỗi gồm nhiều hạt. Mỗi hạt là một
truyện vừa hoàn chỉnh, có thể tồn tại độc lập, lại vừa là một kết cấu mở nghĩa
là có thể kết dính với những hạt khác, chất keo kết dính chính là một nhân vật
chủ chốt – trung tâm. Nhân vật trung tâm ấy vừa gợi nhắc đến một nguyên
mẫu, thực tại, vừa vẫn là một hư cấu nghệ thuật khác xa nguyên mẫu đủ trở
thành một hình tượng nhân vật của thế giới nghệ thuật truyện cười. Đó là
những Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột…
Căn cứ vào nội dung của truyện, có thể chia thành truyện khôi hài và
truyện trào phúng.
- Truyện khôi hài
Tiểu loại truyện này gồm những mẫu truyện có mục đích chủ yếu là để
“người nông dân giải trí sau một ngày lao động mệt nhọc”, nhưng trong tiếng
cười và cùng với tiếng cười, truyện cũng nhằm cả mục đích giáo dục nhẹ
nhàng như truyện “Cháy”…

13

- Truyện trào phúng
Tiểu loại này gồm những truyện nhằm thẳng vào cái xấu có tính bản
chất của đối tượng. Về mặt xã hội, những tiếng cười này có ý nghĩa sâu sắc ở
chỗ vạch trần, phê phán những cái đã lỗi thời mà lại cứ bảo thủ, đang thống trị
xã hội.
1.1.2.5. Truyện ngụ ngôn
Khái niệm
Truyện ngụ ngôn là loại truyện dân gian mượn truyện về loài vật, đồ
vật hoặc về chính con người để nêu lên những bài học luân lí, triết lí, hay một
kinh nghiệm sống nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta.
Truyện ngụ ngôn có thể được xem như vở kịch nhỏ mà nhân vật có thể
là bất cứ vật gì trong vũ trụ, sân khấu có thể là bất cứ ở đâu. Truyện ngụ ngôn

mang đến cho các em nhỏ một thế giới gần gũi và quen thuộc với những loài
vật, con vật, đồ vật xung quanh cuộc sống.
Những câu chuyện ngụ ngôn nhẹ nhàng dễ dàng đi vào lòng các em
nhỏ, chứa đựng ý nghĩa giáo dục lớn. Bởi vậy trong chương trình Tiểu học có
rất nhiều mẫu truyện ngụ ngôn.
Nguồn gốc xuất hiện của truyện ngụ ngôn
Sự xuất hiện của truyện ngụ ngôn đánh dấu một thời điểm mà ý thức xã
hội đã phát triển khá cao. Một số nhà nghiên cứu cho rằng truyện ngụ ngôn
hoàn toàn thuộc lĩnh vực văn chương bác học, thậm chí có ý kiến còn khẳng
định nguồn gốc ngoại lai của truyện ngụ ngôn Việt Nam. Quả thật có nhiều tư
liệu phù hợp với luận điểm ấy. Đầu tiên, khá nhiều truyện ngụ ngôn Ấn Độ
vào nước ta từ đầu Công nguyên cùng với đạo phật và đặc biệt nở rộ ở thời
Lí, Trần. Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, theo chân những nhà sư
Tây Trúc, những truyện ngụ ngôn Ấn Độ như Bốn anh xẩm sờ voi, Con cò,
Con quạ với đàn cá tép, Mèo lại hoàn mèo… đã vào nước ta và được Việt hóa
đến mức nhuần nhuyễn. Ngoài ra một số truyện ngụ ngôn Ấn Độ nữa truyền
vào nước ta qua con đường văn học Hán, văn học Chăm và văn học Khơ Me.
Lại có những truyện ngụ ngôn vốn của Trung Quốc (những truyện như Kéo
cây lúa lên cho chóng lớn của Mạnh Tử, Ôm cây đợi thỏ của Hàn Phi Tử,…)
cũng vào nước ta theo con đường Hán học. Thời cận đại, cùng với ảnh hưởng
của văn học Pháp, không ít truyện ngụ ngôn của La Phoongten, của Êdốp đã
du nhập vào nước ta.

14

Nhưng thực ra truyện ngụ ngôn không chỉ có nguồn gốc từ ảnh hưởng
của văn hóa ngoại lai. Từ lâu rồi trong dân gian đã có nhiều truyện cổ tích về
loài vật, trong quá trình phát triển, không ít trong số đó đã dần trở thành
truyện ngụ ngôn. Trong nhân dân ta còn sớm hình thành lối nói so sánh kiểu:
cao như sếu, chậm như rùa, nhanh như thỏ, yếu như sên, mạnh như hổ, ngốc

như lừa…
Tóm lại, có thể truyện ngụ ngôn sớm được các nhà hoạt động văn hóa –
xã hội sáng tác và là một bộ phận văn học thành văn. Nhưng chắc chắn nguồn
gốc của truyện ngụ ngôn vốn từ văn học dân gian, sau này do sự tác động qua
lại giữa hai dòng văn học dân gian và bác học, truyện ngụ ngôn phát triển
mạnh hẳn lên.
1.2. Truyện dân gian trong chương trình Tiểu học
1.2.1. Hệ thống truyện dân gian trong chương trình Tiểu học
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, trong chương trình đổi mới
SGK Tiếng Việt Tiểu học và sách Truyện đọc Tiểu học được biên soạn với
nội dung chương trình phong phú. Trong đó, truyện dân gian cũng chiếm một
số lượng tương đối lớn được phân bố rải rác từ lớp 1 đến lớp 5. Trong sách
Tiếng Việt Tiểu học và sách Truyện đọc Tiểu học các thể loại truyện dân gian
được biên soạn đan xen với nhau. Theo thống kê trong SGK Tiếng Việt Tiểu
học và sách Truyện đọc Tiểu học, chúng tôi thu được kết quả như sau:

Lớp Số lượng tác phẩm Tỉ lệ (%)
Một 34 26%
Hai 28 22%
Ba 23 18%
Bốn 33 25%
Năm 12 9%

Như vậy ta thấy truyện dân gian trong chương trình Tiểu học chủ yếu
phân bố ở các lớp 1, 2, 3, 4 còn lớp 5 chiếm số lượng ít hơn. Điều này cũng là
dụng ý nghệ thuật của người biên soạn chương trình. Ở những lứa tuổi càng
nhỏ thì những câu chuyện với các giá trị giáo dục lại càng cần thiết hơn.




15

1.2.2. Đặc điểm truyện dân gian trong chương trình Tiểu học
Trong chương trình Tiểu học, truyện dân gian được phân bố ở nhiều
phân môn nhưng chủ yếu là tập đọc và kể chuyện. Số lượng tác phẩm truyện
dân gian được sử dụng nhiều trong cả sách Tiếng Việt và sách Truyện đọc,
trong đó, các tác phẩm truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích chiếm số lượng lớn
hơn so với các tác phẩm của các thể loại còn lại.
Hệ thống tác phẩm truyện dân gian trong chương trình Tiểu học với
những chủ đề, đề tài đa dạng, nội dung phong phú với những nhân vật, những
màu sắc, dáng vẻ bút pháp khác nhau. Truyện dân gian cung cấp cho các em
nhiều kiến thức quý, các em có kiến thức về lịch sử, về tự nhiên thông qua các
câu chuyện truyền thuyết, thần thoại, các em nhỏ được hòa mình vào thế giới
của các loài vật khi đọc truyện cổ tích và ngụ ngôn hay có tiếng cười giòn giã,
thoải mái nhờ truyện cười. Ngoài ra, các em sẽ tích lũy cho mình những bài
học đạo đức quý báu.
Thế giới truyện dân gian trong chương trình Tiểu học thật phong phú
và đa dạng. Nhờ đó, các em học sinh sẽ được tiếp xúc với nhiều kiểu nhân vật
khác nhau có thể là loài vật, con người, đặc biệt là các nhân vật thần và bán
thần. Tất cả mang đến cho các em một thế giới muôn màu muôn vẻ. Nhân vật
trong truyện dân gian tuy đa dạng nhưng lại rất gần gũi và quen thuộc đối với
các em, các con vật như thỏ, rùa, lừa, ngựa, sói, hổ, mèo, chó, chuột… Con
người thì chủ yếu là cụ già, cậu bé, người nông dân… Nhân vật thần và bán
thần tuy có năng lực phi thường nhưng cũng có những hành động, tính cách
như con người. Người biên soạn muốn đưa những gì chân thật và gần gũi nhất
đến với các em học sinh Tiểu học.
Đặc điểm cấu trúc của các thể loại truyện dân gian là khác nhau, tuy
đều là truyện dân gian nhưng mỗi thể loại lại có những nét riêng mà không
thể nhầm lẫn được. Do đó, học sinh Tiểu học có thể dễ dàng phân biệt các loại
truyện trong chương trình học của mình.

1.2.3. Vai trò, ý nghĩa của truyện dân gian đối với học sinh Tiểu học
Lứa tuổi thiếu nhi là một giai đoạn phát triển phức tạp và có vị trí đặc
biệt quan trọng trong đời sống con người. Cùng với sự hoàn thiện dần về thể
chất, lứa tuổi này có những đặc điểm tâm sinh lý riêng biệt, tư duy hình tượng
cụ thể chiếm ưu thế, giàu cảm xúc, thích tìm tòi khám phá ham hiểu biết.
Nhân cách của các em đang trong giai đoạn phát triển và chịu sự chi phối tác

16

động của nhiều yếu tố, các em dễ bắt chước. Việc in những dấu hằn đầu tiên
về cái đẹp vào tâm trí các em có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành
những cảm xúc và quan niệm thẩm mỹ, lòng nhân ái của các em sau này.
Chính lẽ đó mà truyện dân gian đã trở thành một phương tiện giáo dục rất
hiệu nghiệm đối với trẻ thơ.
Khi bước vào thế giới của mỗi câu chuyện dân gian, các em như được
cưỡi trên mình cỗ máy thời gian quay trở về quá khứ với những câu chuyện
lịch sử li kì, gặp gỡ những nhân vật lịch sử có công lao lớn trong lịch sử đất
nước thông qua truyện truyền thuyết. Những câu chuyện thần thoại giúp các
em được bay bổng vào thế giới thần tiên, hiểu được nguồn gốc của loài người
và các hiện tượng xã hội. Những bài học triết lí rút ra từ những mẫu truyện cổ
tích, ngụ ngôn, truyện cười giúp các em áp dụng ngay trong thực tiễn cuộc
sống hằng ngày, các em sẽ biết thông cảm cho những số phận đáng thương,
trong lớp học phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không được đánh bạn, có ý
thức giúp đỡ, yêu thương bạn bè. Đây là những mầm móng tốt đẹp giúp các
em hình thành và phát triển nhân cách sau này. Truyện dân gian trong chương
trình Tiểu học đã thành công trong việc khái quát được các bài học nhận thức
thành các tình huống thực tiễn. Những tác phẩm truyện cười của truyện dân
gian mang đến cho các em học sinh những phút giây thư giãn thoải mái,
những tiếng cười sảng khoái sau những giờ học căng thẳng. Truyện dân gian
giúp các em hiểu rõ hơn về nguồn gốc của con người, của tự nhiên, về những

phẩm chất đạo đức giúp trẻ có thêm nhiều kiến thức cần thiết, biết sống đẹp
với đời, biết ứng xử tốt với những người xung quanh, nhiều khi còn giúp trẻ
cảm nhận một cách nhạy bén đối với cái thiêng liêng nhất, cao đẹp nhất trong
tình cảm con người.
Tóm lại, truyện dân gian có tác động mạnh mẽ trong việc bồi dưỡng
tâm hồn trẻ thơ, đem đến cho trẻ những ước mơ bay bổng, những xúc cảm
thẩm mĩ về một thế giới huyền ảo, kích thích và phát triển trí tưởng tượng của
các em, mở cánh cửa sổ cho tâm hồn các em hướng vào những ước mơ đẹp
đẽ, kích thích những khát vọng của các em muốn hiểu biết, muốn vươn lên
những tầm cao của tư tưởng, tình cảm và trí tuệ sau này. Đặc biệt các em sẽ là
thế hệ lưu truyền và gìn giữ những mẫu truyện dân gian đáng quý này.



17

CHƯƠNG 2: ĐẶC TRƯNG VỀ TRUYỆN THẦN THOẠI,
TRUYỆN TRUYỀN THUYẾT, TRUYỆN CỔ TÍCH
TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC

2.1. Đặc trưng về truyện thần thoại trong chương trình Tiểu học
2.1.1. Nhân vật
2.1.1.1. Nhân vật là vị thần
Nhân vật chính trong thần thoại là thần, thần trong thần thoại gắn với
quan niệm vạn vật có linh hồn nên nó khác với thần của tôn giáo. Thần được
gọi bằng những cái tên khác nhau như Ông, Bà, Thần, Trời… Các vị thần
trong thần thoại khác ở chức năng việc làm.
M. Gorki đã từng nhận xét: “Trong trí tưởng tượng của người nguyên
thủy, một vị thần không phải là cái gì trừu tượng mà là một nhân vật có thực
được trang bị bằng một công cụ lao động nào đó” [4;tr.15]. Những vị thần trong

mỗi câu chuyện thần thoại đều lí giải những điều bí ẩn của tự nhiên hay nguồn
gốc của loài người một cách thơ mộng bằng trí tưởng tượng và mơ ước.
Câu chuyện Thần Biển kể rằng, Thần là một con rùa khổng lồ nằm giữa
đáy đại dương, Thần không ăn uống chỉ hô hấp để tồn tại. Mỗi khi Thần hít
vào, nước theo hơi thở của Thần ào ào chảy vào bụng Thần làm cho nước
biển hạ xuống làm thành thủy triều xuống, khi Thần thở ra nước từ bụng Thần
ào ra làm nước biển bỗng nhiên cao lên làm thành hiện tượng thủy triều lên.
Còn Thần Mặt Trời hằng ngày đi tuần thú trần gian đều cưỡi lên một chiếc
kiệu, chiếc kiệu đó do hai tốp người khiêng. Những người già khiêng kiệu
thường rất cần mẫn, đi đến nơi về đến chốn khiến Thần Mặt Trời về nhà sớm
vì thế mặt đất nhanh tối, đó là những ngày mùa đông. Còn tốp kia do những
chàng thanh niên khiêng, họ nhởn nhơ vừa đi vừa ngắm trời ngắm đất không
chăm chú đến công việc khiến kiệu về nhà chậm vì vậy ngày ở mặt đất dài
hơn, đó là những ngày mùa hè. Thần Mưa thì không cần mẫn như Thần Mặt
trời ông được phân công làm mưa nhưng lại ham chơi nên nhiều khi quên
việc. Chỗ đã cho mưa rồi lại tưới đi tưới lại mặt đất sinh ra lụt lội còn có chỗ
quên cho mưa khiến đất đai khô nẻ, người vật chết khô. Người ta muốn có
mưa phải đánh trống sấm, cúng tế Thần để thức tỉnh Thần nhớ nhiệm vụ của
người. Thần Trụ Trời dùng đôi tay khổng lồ đào đất, đắp cột chống trời, khi
trời đất xa nhau Thần mới phá cột đi, đất đá văng ra thành đồi núi, nơi đào đất
thành biển. Thần trong thần thoại không thể trong chớp mắt xây xong một

18

cung điện lộng lẫy, thần cũng không phẩy tay dời núi lấp sông hoặc đọc thần
chú lập tức các món sơn hào hải vị hiện ra ngon lành như các nhân vật trong
truyện cổ tích. Muốn chống trời thần phải hì hục đào đất, đắp đá, dựng cột,
muốn cho trời rộng đất dài, trời đất khớp nhau các thần phải ra sức co kéo,
muốn đội bầu trời thần phải dùng đôi vai vĩ đại của mình… Có một nhà
nghiên cứu đã nhận xét “Thần trong thần thoại không phải là cái gì khác hơn

sự thần thánh hóa con người”.
Nhân vật thần trong thần thoại có thể đem lại sự may mắn mà cũng có
thể đem lại sự rủi ro cho con người. Các nhân vật thần mang nhiều tính cách
khác nhau có thể thiện cũng có thể ác nhưng thường thì uy nghiêm. Truyện
thần thoại trong chương trình Tiểu học với số lượng không nhiều nhưng mỗi
câu chuyện các vị thần lại có những nét tính cách riêng, đưa các em vào thế
giới vừa thực vừa ảo. Chẳng hạn trong câu chuyện “Ông Mạnh thắng Thần
Gió” (Tiếng Việt 2, tập 2).
“Ngày xưa loài người chưa biết làm nhà phải ở hang núi… Từ đó,
Thần Gió thường đến thăm ông, đem cho ngôi nhà không khí mát lành từ biển
cả và hương thơm ngào ngạt của các loài hoa” [12;tr.13].
Đọc truyện thần thoại trên chắc hẳn người đọc cảm thấy Thần Gió
trong truyện thật không tốt, Thần xô ông Mạnh ngã lăn quay, quật đổ nhà của
ông Mạnh. Tuy nhiên, mấy tháng sau Thần Gió đã biết ăn năn, hối hận về lỗi
lầm của mình thể hiện ở việc Thần thường đến thăm ông Mạnh, đem cho ông
Mạnh không khí mát lành từ biển và hương thơm ngào ngạt của các loài hoa.
Qua câu chuyện, các em nhỏ cảm nhận được tuy Thần Gió có lỗi nhưng đã
biết ăn năn nên đã được tha thứ, cũng giống như khi các em phạm phải một
sai lầm nào đó nếu biết hối lỗi và sửa sai thì sẽ được mọi người tha thứ.
Khi đọc truyện thần thoại các em nhỏ không chỉ được gặp những vị
thần hiền lành mà còn được biết những vị thần có tính khí thất thường khiến
loài người luôn phải chịu những cơn nổi giận của thần và hậu quả là lũ lụt,
hạn hán… xảy ra. Tuy vậy đừng tưởng rằng các vị thần muốn làm gì thì làm,
những vị thần sai trái sẽ bị trừng trị. Trong thần thoại “Cóc kiện trời” (Tiếng
Việt 3, tập 2).
“Ngày xưa, có một năm nắng hạn rất lâu, ruộng đồng nứt nẻ, cây cối
trụi trơ, chim muông khát khô cả họng… Từ đó, hễ Cóc nghiến răng là trời đổ
mưa” [14;tr.122].

19


Vì Thần Mưa không chịu đổ mưa làm cho hạn hán xảy ra nên Cóc đã
cùng những người bạn của mình lên thiên đình kiện Thần Mưa. Lên đó, Cóc
và những người bạn đã cho Thần Sét một trận vì tội ngăn cản lên kiện Thần
Mưa, Thần Sét bị Ong đốt, Thần bị “Cua giơ càng ra kẹp”, “bị Cọp vồ” và
cuối cùng, Cóc và những người bạn đã chiến thắng. Câu chuyện thần thoại
này nhằm giải thích hiện tượng mưa qua câu cuối “Từ đó, hễ Cóc nghiến răng
là trời đổ mưa”.
Không phải chỉ có thế giới con người mới có sự tranh đấu mà thế giới
các thần cũng vậy, thần cũng rất hiếu thắng như trong truyện “sự tích Sông
Cửu Long” (Truyện đọc 3).
“Cửu Long có nhiều tên, trong đó một tên rất quen thuộc với Việt Nam
cũng như trên thế giới là sông Công… Người ta còn nói vì Thần đi đi lại lại
chờ đợi nên chỗ ấy trở thành chín cửa sông như chín con rồng, vì thế còn có
tên là Cửu Long” [24;tr39].
Trong truyện, Thần Săn và Thần Câu là bạn thân nhưng không hiểu vì
lí do gì giữa hai thần lại nảy ra một cuộc tranh cãi gay gắt, thiên thần đã phải
giải quyết bằng cách cho hai người thi đấu, đó là một cuộc chạy đua. Thần
Săn chạy đá văng đất lún, trở thành dòng sông, chỗ Thần Săn ngồi lại nghỉ
nay là Biển Hồ. Chỗ Thần Câu chạy cũng thành sông nhưng có lắm khúc
quanh co. Câu chuyện giải thích sự hình thành Sông Cửu Long với chín cửa
sông “Vì Thần đi đi lại lại chờ đợi nên chỗ đó thành chín cửa sông, vì thế còn
có tên là Cửu Long”. Cũng có những vị thần tốt bụng, luôn giúp đỡ con người
và giúp cho con người nhận ra nhiều điều trong cuộc sống như trong truyện
“Điều ước của vua Mi-đát” (Tiếng việt 4, tập 1), câu chuyện kể về Thần Đi-ô-
ni-dốt đã giúp vua Mi-đát nhận ra rằng hạnh phúc không thể xây dựng bằng
ước muốn tham lam.
Như vậy, trong chương trình Tiểu học không có nhiều truyện thần thoại
nhưng hệ thống nhân vật thần trong thần thoại được xây dựng với nhiều nét
tính cách khác nhau. Đặc biệt với cách viết tưởng tượng, hư cấu nhân vật thần

trong thần thoại được mô tả hết sức thần kì, đưa các em nhỏ vào thế giới kì bí,
siêu nhiên của các vị thần để giúp các em dễ dàng hiểu rõ nguồn gốc của vũ
trụ, tự nhiên và những mơ ước mà con người gửi gắm vào các vị thần này.
Ngoài ra những câu chuyện trong chương trình Tiểu học cũng mang ý nghĩa
giáo dục.

×