Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (53.91 KB, 1 trang )
Anh cán bộ làm công tác khí tượng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa
Pa thật là một hình tượng đẹp về tấm gương lao động mà nhiều
người cần học tập.
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là một câu chuyện hay nói về một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa một ông hoạ sĩ,
một cô kĩ sư nông nghiệp với nhân vật chính - anh thanh niên làm công tác khí tượng sống một mình trên
đỉnh Yên Sơn. Và điều làm tôi tâm đắc nhất ở truyện ngắn này chính là đặc điểm tính cách của nhân vật
này.
Tôi yêu mến và cảm phục tính cách của anh có lẽ là do anh là một người trẻ tuổi nhưng đã ý thức sâu sắc
công việc của mình, có cuộc sống ngăn nắp, mẫu mực và luôn chân thành quan tâm đến mọi người. Anh
cũng là người có hiểu biết sâu sắc trách nhiệm của mình trong một công việc hoàn toàn tự nguyện, đầy
khó khăn gian khổ và đơn độc.
Sống một mình trên đỉnh Yên Sơn quanh năm vắng bóng người, bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh
lẽo, anh thanh niên vẫn chủ động gắn mình với cuộc sống chung của xã hội bằng mọi hoạt động bình
thường và dường như không thể thiếu được đối với cuộc sống một con người. Anh có đặc điểm là luôn
gắn bó với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào bằng nhiệm vụ từng ngày, từng giờ, từng phút của
anh như: đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất,... để mỗi ngày báo bốn lần bằng máy bộ đàm
vào những giờ nhất định. Công việc không phải là không khó khăn nhưng anh vẫn hoàn thành chu đáo và
vui vẻ với nhiệm vụ của mình. Bên cạnh việc chu toàn nhiệm vụ, anh còn biết tổ chức một cuộc sống nội
tâm phong phú. Sống một mình nhưng anh không hề tuềnh toàng, cẩu thả như hoạ sĩ thầm nghĩ sai về
anh. Anh có vườn hoa, có một chuồng gà, có vườn cây thuốc quý và đặc biệt là một giá sách được anh coi
như một người bạn tinh thần. Bằng ấy công việc đủ để tạo cho anh một cuộc sống đầy hữu ích. Anh cũng
là một người biết quên mình và luôn quan tâm đến mọi người. Anh không muốn ông hoạ sĩ vẽ anh vì anh
nghĩ còn có những người xứng đáng hơn anh. Với những người chỉ một lần ghé thăm, anh đã xem họ như
bạn bè, người thân; anh không thấy nỗi gian khổ của mình mà lại thêm cái gian khổ của người khác (anh
nghĩ làm khí tượng ở đỉnh Phan-xi-păng mới là lí tưởng). Đó là những đức tính phẩm chất tốt đẹp ở anh,
khiến cho anh càng trở nên lí tưởng cho một bức chân dung mà ông hoạ sĩ già muốn vẽ.
Anh cán bộ làm công tác khí tượng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa thật là một hình tượng đẹp về tấm
gương lao động mà nhiều người cần học tập.
Trích: loigiaihay.com