Tải bản đầy đủ (.pdf) (60 trang)

Khai thác đặc sắc lễ hội chùa bái đính trong phát triển du lịch ở ninh bình

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.09 MB, 60 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
…………..

PHẠM LAN HƯƠNG

KHAI THÁC ĐẶC SẮC LỄ HỘI
CHÙA BÁI ĐÍNH
TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Ở NINH BÌNH

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành Việt Nam học

HÀ NỘI, 2015


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
…………..

PHẠM LAN HƯƠNG

KHAI THÁC ĐẶC SẮC LỄ HỘI
CHÙA BÁI ĐÍNH
TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Ở NINH BÌNH

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành Việt Nam học
Người hướng dẫn khoa học


ThS. Vũ Ngọc Doanh

HÀ NỘI, 2015


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành khóa luận này, em xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Thạc sĩ
Vũ Ngọc Doanh, thầy là người đã giúp đỡ, chỉ bảo em rất tận tình trong suốt thời
gian viết bài.
Em xin chân thành cảm ơn quý thầy cô trong khoa Ngữ Văn – Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội 2 đã rất nhiệt tình và tâm huyết truyền đạt kiến thức cho chúng em
trong suốt 4 năm học tập. Các thầy cô không chỉ dạy chúng em kiến thức chuyên
ngành mà còn truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu, đó là hành trang, là nền
tảng để chúng em có thể tự tin hơn trong cuộc sống sau này.
Cuối cùng, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới gia đình, bạn bè đã luôn chia sẻ,
động viên trong thời gian học tập và hoàn thành luận văn tốt nghiệp.
Dù đã rất cố gắng hoàn thiện để nghiên cứu, sưu tầm tư liệu nhưng khóa luận
cũng không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp
ý của quý thầy cô và các bạn.
Em xin chân thành cảm ơn!
Sinh viên thực hiện

Phạm Lan Hương


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đề tài “Khai thác đặc sắc Lễ hội chùa Bái Đính trong phát
triển du lịch ở Ninh Bình” là một đề tài độc lập, những nội dung trình bày trong
khóa luận này là kết quả nghiên cứu của tôi dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thạc sĩ

Vũ Ngọc Doanh.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của mình trong khóa
luận này.
Sinh viên cam đoan

Phạm Lan Hương


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU...................................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài....................................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề...........................................................................................................2
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu...............................................................................4
4 . Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................................5
5. Phương pháp nghiên cứu..........................................................................................5
6. Cấu trúc của khóa luận............................................................................................. 6
NỘI DUNG...................................................................................................................7
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ DU LỊCH VÀ LỄ HỘI.................... 7
1.1. Một số vấn đề về du lịch....................................................................................... 7
1.1.1. Một số khái niệm................................................................................................7
1.1.1.1. Du lịch............................................................................................................ 7
1.1.1.2. Khách du lịch...................................................................................................8
1.1.1.3. Tài nguyên du lịch...........................................................................................8
1.1.2. Các loại hình du lịch...........................................................................................9
1.2. Một số vấn đề về lễ hội....................................................................................... 10
1.2.1. Khái niệm lễ hội............................................................................................... 10
1.2.2. Phân loại lễ hội................................................................................................. 12
1.2.3. Thời gian và không gian diễn ra lễ hội............................................................ 12
1.2.3.1. Thời gian tổ chức lễ hội................................................................................ 12

1.2.3.2. Không gian tổ chức lễ hội............................................................................. 13
1.2.4. Cấu trúc của lễ hội............................................................................................13
1.2.5. Những giá trị của lễ hội cổ truyền....................................................................14


CHƯƠNG 2: KHAI THÁC ĐẶC SẮC LỄ HỘI CHÙA BÁI ĐÍNH....................... 17
TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở NINH BÌNH...................................................17
2.1. Khái quát chung về lễ hội chùa Bái Đính........................................................... 17
2.1.1. Không gian tổ chức.......................................................................................... 17
2.1.2. Thời gian tổ chức..............................................................................................19
2.1.3. Đối tượng thờ cúng...........................................................................................20
2.1.3.1. Thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không (1066 – 1141)..................................20
2.1.3.2. Thờ Phật.........................................................................................................22
2.1.3.3. Thờ Thần Cao Sơn........................................................................................ 26
2.1.3.4. Thờ Mẫu........................................................................................................ 29
2.2.Cấu trúc của lễ hội chùa Bái Đính....................................................................... 31
2.2.1. Phần lễ.............................................................................................................. 31
2.2.1.1. Lễ rước nước................................................................................................. 31
2.2.1.2. Lễ dâng hương...............................................................................................34
2.2.2. Phần hội............................................................................................................ 35
2.2.2.1.Viết thư pháp.................................................................................................. 35
2.2.2.2. Màn trống hội Hoa Lư...................................................................................37
2.3. Giá trị của lễ hội chùa Bái Đính..........................................................................38
CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC GIÁ TRỊ.................42
LỄ HỘI CHÙA BÁI ĐÍNH VÀO PHÁT TRIỂN DU LỊCH....................................42
3.1. Thực trạng............................................................................................................42
3.1.1. Thế mạnh.......................................................................................................... 42
3.1.2. Hạn chế............................................................................................................. 43
3.2. Giải pháp đề xuất.................................................................................................44
KẾT LUẬN................................................................................................................ 49

TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của người Việt thì
lễ hội là một trong những loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm màu
sắc tôn giáo tín ngưỡng dân gian, chứa đựng các giá trị tinh thần, ý nghĩa lịch sử
văn hóa. Lễ hội là “tấm gương” phản chiếu trung thực đời sống văn hoá của mỗi
dân tộc, nó ra đời, tồn tại gắn với quá trình phát triển của làng xã người Việt, nó
phản ánh nhiều giá trị trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của cộng đồng. Khi
xã hội ngày một phát triển, cuộc sống con người ngày càng đòi hỏi cao về tinh thần
như: vui chơi giải trí, tìm hiểu lịch sử văn hoá nghệ thuật, phong tục tập quán thì lễ
hội gần như đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó.
Lễ hội truyền thống với các giá trị văn hóa tiêu biểu là nguồn tài nguyên đặc
biệt, là sản phẩm độc đáo cho phát triển du lịch. Khác với các loại hình du lịch
khác, du lịch lễ hội với ý nghĩa tâm linh, các giá trị văn hóa cội nguồn độc đáo có
sức thu hút khách du lịch mà các loại hình khác ít có được. Lễ hội mang lại lợi ích
nhiều mặt về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội cho cộng đồng địa phương.
Ninh Bình là vùng đất được biết đến là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền
Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ - Việt Nam, theo quy hoạch xây dựng phát triển
kinh tế thì tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây từng là kinh đô của Việt Nam ở
thế kỷ X, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần,
Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là
tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng. Ninh Bình được ví như một Việt
Nam thu nhỏ, bởi thế, vùng đất này không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng
cảnh như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Nhà Thờ Đá Phát Diệm, vườn Quốc gia
Cúc Phương, chùa Bái Đính…mà còn được biết đến với nhiều lễ hội truyền.
Trong số đó chùa Bái Đính nổi tiếng không chỉ với tư cách là một trong những

Trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta hiện nay mà còn bởi nó có giá trị lịch sử, giá

1


trị văn hóa của tín ngưỡng tâm linh qua lễ hội chùa Bái Đính. Ngôi chùa cổ ngàn
năm tuổi là sự tổng hòa nhiều tôn giáo tín ngưỡng trong nhân dân như sùng bái tự
nhiên, sùng Phật, sùng Đạo... Bên cạnh đó là sự bề thế, nguy nga của khu chùa Bái
Đính tân tự tạo ra một không gian diễn xướng đặc sắc. Đây là một tiềm năng to lớn
cho phát triển du lịch lễ hội ở Ninh Bình.
Là một người con của mảnh đất Ninh Bình, tôi mạnh dạn chọn đề tài: “Khai
thác đặc sắc lễ hội chùa Bái Đính trong phát triển du lịch ở Ninh Bình” làm đề tài
khóa luận tốt nghiệp để mong có dịp tìm hiểu sâu hơn về văn hóa nói chung và lễ
hội chùa Bái Đính nói riêng. Trên cơ sở đó, tôi mong muốn sẽ góp một tiếng nói để
khẳng định và bảo tồn phát huy di sản văn hóa địa phương.
2. Lịch sử vấn đề
- Về lễ hội nói chung:
Cho đến nay ở Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về lễ hội.
Năm 1984, Thu Linh và Đặng Văn Lung đã công bố chuyên luận Lễ hội truyền
thống và hiện đại. Sau khi nhìn lại về quá trình phát triển của hội, hai tác giả đã
dành 5 chương từ chương 2 đến chương 6 trong chuyên luận của mình để tìm hiểu
về lễ hội truyền thống và hiện đại. Bằng cách tiến hành tìm hiểu Đặc trưng và chức
năng của hội đối với đời sống của con người, hai tác giả triển khai tìm hiểu vấn đề
theo các chương. Chương 2 và chương 3 tác giả chỉ ra Cấu trúc của hội; Chương 4
và chương 5 tác giả tập trung làm sáng tỏ Hội với đời sống và Hội trong thời đại
chúng ta đã phần nào giúp người tìm hiểu hiểu rõ được vai trò của “hội” trong đời
sống hiện nay; Chương 6: Phương pháp tổ chức hội. Đây được coi là công trình
nghiên cứu về lễ hội đầu tiên ở nước ta.
Năm 2004, Dương Văn Sáu đã công bố công trình Lễ hội Việt Nam trong sự
phát triển du lịch. Tác giả đề cập đến những vấn đề lễ hội trong thời kỳ đương đại

đặt trong sự phát triển du lịch. Tác giả đã đưa ra cái nhìn chân thực về lễ hội hiện
nay qua phân tích thực trạng của một số lễ hội. Công trình đã đưa ra và cụ thể hoá

2


những biện pháp qua cách thức tiến hành và triển khai các nội dung của từng công
việc của lễ hội. Đây là một công trình được đánh giá về độ xác thực cao.
Năm 2012, Nguyễn Trọng Báu công bố công trình Phong tục tập quán và lễ hội
của người Việt. Tác giả đã dành toàn bộ chương 3 để nói về lễ hội của người Việt.
Tác giả đã nêu ra khái niệm về lễ hội và phân tích lịch sử hình thành phát triển lễ
hội của người Việt. Cấu trúc của một lễ hội truyền thống gồm có 2 phần là phần lễ
và phần hội. Tác giả đã giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu của người Việt như: Lễ hội
Đền Hùng, Lễ hội chùa Hương, Hội Gióng, Lễ hội Trường Yên... qua các phương
diện thời gian, địa điểm và cấu trúc của lễ hội.
- Về lễ hội ở Ninh Bình:
Đối với tỉnh Ninh Bình đã có một số công trình nghiên cứu như: Một số lễ hội
điển hình ở Ninh Bình của Đỗ Danh Gia công bố năm 2011 (Nxb Lao động). Công
trình đề cập nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian và lễ hội cổ truyền của Ninh Bình.
Chương 1: Miền quê Ninh Bình và sự hình thành phát triển lễ hội; Chương 2: Một
số lễ hội điển hình Ninh Bình. Tác giả đã thống kê các lễ hội cổ truyền diễn ra hiện
nay ở Ninh Bình, qua việc thống kê đó, tác giả đã đi sâu tìm hiểu các lễ hội điển
hình ở Ninh Nình như: Lễ hội Trường Yên, Lễ hội Đền Thái Vi, Lễ hội đền Thái
Nguyễn….trên các phương diện: mục đích tổ chức lễ hội, đối tượng thờ cúng, về
thời gian, không gian tổ chức lễ hội và cấu trúc lễ hội. Từ đó, tác giả đã nêu lên vai
trò và giá trị của kho tàng lễ hội cổ truyền Ninh Bình trong văn hóa và đời sống tâm
linh của con người nơi đây.
Trương Đình Tưởng, với công trình Bái Đính ngàn năm tâm linh và huyền thoại
(Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013) là công trình nghiên cứu tìm hiểu sâu về khu chùa
Bái Đính nhất hiện nay, công trình được triển khai qua 4 chương. Chương 1: Giới

thiệu về vị trí địa lý cũng như cảnh quan thiên nhiên về Bái Đính; Chương 2 và
chương 3: Phân tích chi tiết về hai ngôi chùa trong quần thể chùa Bái Đính là ngôi
chùa Bái Đính cổ tự và chùa Bái Đính tân tự cũng như các công trình kiến trúc tiêu
biểu của ngôi chùa; Chương 4: Tìm hiểu về huyền thoại chùa Bái Đính qua các
truyền thuyết về các nhân vật liên quan như Đinh Tiên Hoàng Đế và các truyền

3


thuyết về cuộc đời sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không. Ngoài ra, trên địa
bàn Tỉnh cũng đã tổ chức được nhiều hội thảo liên quan đến vấn đề này.
Trên đây là một số công trình tiêu biểu về lễ hội ở Việt Nam nói chung và lễ hội
Ninh Bình nói riêng. Tuy nhiên, các công trình trên đều chưa hoặc ít đề cập tới lễ
hội chùa Bái Đính cũng như khai thác lễ hội chùa Bái Đính nhằm mục đích phát
triển du lịch tỉnh Ninh Bình.
Dưới sự tiếp thu, kế thừa thành quả của các công trình nghiên cứu của các tác
giả đi trước, cùng với những kiến thức sưu tầm, trong quá trình khảo sát thực tế,
công trình này sẽ làm sáng tỏ thêm về lễ hội chùa Bái Đính nhằm mục đích phục vụ
phát triển du lịch Ninh Bình.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu lễ hội diễn ra ở chùa Bái Đính và nội dung liên quan để từ đó đề
xuất các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của lễ hội nhằm mục đích phát
triển du lịch Ninh Bình.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Căn cứ vào mục đích nghiên cứu của đề tài, đề tài sẽ triển khai thực hiện những
nhiệm vụ sau.
Thứ nhất: Làm rõ khái niệm về du lịch, khách du lịch, nêu đặc điểm và vai trò
của tài nguyên du lịch. Tìm hiểu khái niệm về lễ hội, quá trình hình thành và cách
phân loại lễ hội ở Việt Nam.

Thứ hai: Tìm hiểu về lễ hội chùa Bái Đính về không gian, thời gian tổ chức, đối
tượng thờ cúng, cấu trúc của lễ hội. Từ đó nêu lên giá trị đặc sắc của lễ hội chùa Bái
Đính.
Thứ 3: Phân tích các nhân tố ảnh hưởng, từ đó tìm hiểu thực trạng về lễ hội
chùa Bái Đính. Sau đó đánh giá và đưa ra những đề xuất giải pháp khai thác lễ hội
chùa Bái Đính vào phát triển du lịch Ninh Bình.
4 . Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4


Đối tượng nghiên cứu:
Đề tài lấy Lễ hội chùa Bái Đính Ninh Bình làm đối tượng nghiên cứu, trong đó
chú trọng nội dung tôn giáo, tín ngưỡng trong lễ hội.
Phạm vi nghiên cứu:
+ Về nội dung:
Đề tài tập trung vào việc phân tích đánh giá vị trí, vai trò và khả năng khai thác
lễ hội chùa Bái Đính phục vụ vào mục đích phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình.
+ Về thời gian:
Đề tài tập trung điều tra, thu thập số liệu, phân tích và nghiên cứu chủ yếu từ
2008 đến nay, hướng đến năm 2020.
+ Về không gian: Luận văn lấy lễ hội chùa Bái Đính Ninh Bình để khảo sát
nghiên cứu.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành bài khoá luận tốt nghiệp này, tôi đã sử dụng một số phương pháp
sau như:
Phương pháp điền dã: đây là phương pháp chủ yếu trong quá trình nghiên cứu
đề tài, qua sự quan sát, trải nghiệm, phân tích kết quả của hoạt động điền dã làm cơ
sở đánh giá hiện trạng của lễ hội hiện nay và khả năng phục vụ du khách tại điểm
đến.

Phương pháp thu thập và xử lý thông tin: dùng phương pháp thu thập và xử lý
thông tin dựa trên những nguồn tài liệu tại sách, báo, internet, tài liệu của Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình….kết hợp với phương pháp phân tích chọn lọc
các dữ liệu vào bài viết một cách hợp lý làm nổi bật vấn đề nghiên cứu.
6. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, phần nội dung chính của
khóa luận gồm 3 chương:
Chương 1. Một số vấn đề chung về du lịch và lễ hội

5


Chương 2. Khai thác đặc sắc lễ hội chùa Bái Đính trong phát triển du lịch ở
Ninh Bình
Chương 3. Thực trạng và giải pháp khai thác giá trị lễ hội chùa Bái Đính vào
phát triển du lịch.

6


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ DU LỊCH VÀ LỄ HỘI
1.1. Một số vấn đề về du lịch
1.1.1. Một số khái niệm
1.1.1.1. Du lịch
Để có thể hiểu một cách chính xác về du lịch, chúng ta cần tìm hiểu được khái
niệm của du lịch. Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về du
lịch tùy thuộc vào cách tiếp cận mà mỗi người lại có một cách hiểu khác nhau.
Theo định nghĩa của tổ chức Du lịch Thế Giới: “Du lịch được hiểu là tổng hợp

các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành
trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi cư trú thường xuyên của
họ với mục đích hòa bình. Nơi họ đến không phải là nơi làm việc của họ”.
Trong Luật du lịch Việt Nam (2005) tại điều 4, chương I định nghĩa: “Du lịch là
các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường
xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng
trong một khoảng thời gian nhất định”.
Như vậy, Du lịch là hoạt động di chuyển của con người ra ngoài nơi cư trú
thường xuyên mang tính tự nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của con người
như giải trí, nâng cao nhận thức, nghỉ ngơi… trong một khoảng thời gian nhất định.
1.1.1.2. Khách du lịch
Đối tượng chính của hoạt động chính là khách du lịch. Trong Luật du lịch Việt
Nam ban hành năm 2005, tại điểm 2, điều 4, chương I có định nghĩa về khách du
lịch: “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi
học, làm việc hoặc hành nghề nhận thu nhập ở nơi đến”.

7


Tại điều 34, chương V phân loại: “Khách du lịch bao gồm khách du lịch nội địa
và khách du lịch quốc tế”.
Trong đó nêu rõ: “Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước
ngoài thường trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam”;
“Khách quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào
Việt Nam du lịch, công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra
nước ngoài du lịch.”
Như vậy, Khách du lịch là một người hay một nhóm người tự nguyện, mang
tính chất nhất thời, mong muốn được giải trí từ những điều mới lạ mà họ nhận được
từ chuyến đi.
1.1.1.3. Tài nguyên du lịch

Theo Luật du lịch Việt Nam (2005) “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên
nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình lao động, sáng
tạo của con người có thể sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch; là yếu tố cơ bản
đề hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch”.
- Đặc điểm:
Tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng bao gồm cả tài nguyên dưới dạng
vật thể và tài nguyên dưới dạng phi vật thể. Nhìn chung, phần lớn các dạng tài
nguyên du lịch ở dạng vật thể (hang động, Vườn quốc gia, Di tích văn hóa – Lịch
sử,…), phần còn lại là dưới dạng phi vật thể (nhã nhạc cung đình Huế, Không gian
văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ…).
Tài nguyên du lịch có đặc điểm là không bị suy giảm trong quá trình khai thác
và nguồn tài nguyên này có thể được sử dụng với số lần không hạn chế, nếu như
chúng được bảo vệ, tôn tạo. Chúng không giống như một số loại hình tài nguyên
thiên nhiên bị cạn kiệt khi sử dụng (ví dụ như khoáng sản).
Tài nguyên du lịch không phải là bất biến. Phạm vi của nó có xu hướng ngày
càng mở rộng, phụ thuộc vào trình độ phát triển khoa học - công nghệ và nhu cầu
của khách du lịch.

8


Về nguyên tắc, cần phải nắm vững các đặc điểm của tài nguyên du lịch, bởi
chúng tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển của một lãnh thổ
(vùng, quốc gia).
-

Vai trò:
Tài nguyên du lịch là nhân tố ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển du lịch.

Nếu không có tài nguyên du lịch hoặc tài nguyên du lịch quá nghèo nàn thì hoạt

động du lịch không thể phát triển mạnh mẽ được. Và thực tế cũng đã chứng minh
tài nguyên du lịch càng phong phú, đặc sắc bao nhêu thì sức hấp dẫn và hiệu quả
của hoạt động du lịch càng cao bấy nhiêu.
Tài nguyên du lịch là một trong những yếu tố cơ sở để tạo nên vùng du lịch. Số
lượng tài nguyên vốn có, số lượng của chúng và mức độ kết hợp các loại tài nguyên
trên lãnh thổ có ý nghĩa đặc biệt trong việc hình thành và phát triển du lịch của một
vùng hay một quốc gia. Một lãnh thổ nào đó có nhiều tài nguyên du lịch với chất
lượng cao và mức độ kết hợp các loại tài nguyên càng phong phú thì sức thu hút
khách du lịch của nó càng mạnh.
1.1.2. Các loại hình du lịch
Qua việc tìm hiểu về khái niệm du lịch, khách du lịch, tài nguyên du lịch ở trên
thì tùy theo yêu cầu và mục đích khác nhau mà hoạt động du lịch được phân loại
thành các loại hình khác nhau.
+ Dựa vào mục đích chuyến đi, du lịch được chia thành: du lịch tham quan, du
lịch nghỉ dưỡng, du lịch công vụ, du lịch giải trí, du lịch thể thao, du lịch tôn giáo,
du lịch khám phá….
+ Dựa vào tài nguyên du lịch, du lịch được phân loại thành hai hình thức cơ bản
sau: du lịch nhân văn, du lịch tự nhiên.
+ Dựa vào phạm vi lãnh thổ, du lịch được chia thành: du lịch quốc tế và du lịch
nội địa.
+ Dựa vào đặc điểm vị trí địa lý, du lịch bao gồm: du lịch biển, du lịch núi, du
lịch đô thị, du lịch đồng quê.

9


+ Dựa vào việc sử dụng các phương tiện giao thông, du lịch gồm: du lịch xe
đạp, du lịch ô tô, du lịch máy bay, du lịch tàu thủy, du lịch tàu hỏa.
+ Dựa vào hình thức tổ chức, du lịch bao gồm: du lịch theo đoàn, du lịch cá
nhân, du lịch gia đình.

Ngoài các cách phân loại trên còn nhiều cách phân loại khác như: theo lứa tuổi,
theo phương thức hợp đồng (du lịch trọn gói, du lịch từng phần)…
1.2. Một số vấn đề về lễ hội
1.2.1. Khái niệm lễ hội
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội được tổ chức trong một năm, trong
đó 7.039 lễ hội dân gian, chiếm 88,36%; 332 lễ hội lịch sử cách mạng, chiếm 4,16%;
544 lễ hội tôn giáo, chiếm 6,82%; 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào, chiếm
0,12%, các lễ hội khác, chiếm 0,50%. [2, tr.7]. Chính sự tồn tại và phát triển của hội
làng đã phản ánh và thể hiện nét đặc sắc của bản sắc văn hóa dân tộc địa phương
vùng miền trong một lãnh thổ quốc gia thống nhất - một nền văn hóa “thống nhất
trong sự đa dạng”.
Lễ hội ra đời cùng lịch sử, tồn tại và vận hành cùng lịch sử. Lễ hội có từ trước
năm 1945 được gọi là “Lễ hội cổ truyền”, “Lễ hội dân gian”... Những lễ hội ra đời
từ sau 1945 được gọi là “Lễ hội hiện đại”. Và dù là lễ hội dân gian hay lễ hội hiện
đại thì ở mỗi nơi, mỗi con người có những cách tiếp cận khác nhau mà gọi bằng tên
khác nhau. Tựu trung lại, có thể kể đến hai dòng tên gọi: Dòng tên gọi dân gian (trò,
hội, Đám xứ, Tiệc làng, Việc làng, Hội làng, Làng vào đám, Làng mở hội, Hội hè
đình đám) và dòng tên gọi theo các nhà nghiên cứu (Lễ hội, Hội lễ, Lễ hội cổ truyền,
Lễ hội dân gian, Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống, Ngày hội văn hóa thể
thao các dân tộc, Lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch, Lễ hội du lịch, Festival). Cách
gọi “lễ hội” về cơ bản đã đi vào đời sống văn hóa ở nước ta và được đặt trong quy
chế tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành năm 2001.
Có nhiều quan niệm khác nhau về lễ hội tùy thuộc vào cách tiếp cận.

10


Khi nghiên cứu những đặc tính và ý nghĩa của lễ hội nước Nga, M.Bachie cho
rằng: “Thực chất lễ hội là cuộc sống được tái hiện dưới hình thức lễ tế và trò diễn
là cuộc sống lao động và chiến đấu của cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, bản thân

cuộc sống không hình thể hình thành lễ hội được nếu như chính nó không được sự
thăng hoa, liên kết và quy tụ lại thành thế giới của tâm linh, tư tưởng của các biểu
tượng, vượt lên trên thế giới của những phương tiện và điều kiện tất yếu. Đó là thế
giới, là cuộc sống thứ hai thoát ly tạm thời thực tại hữu hiệu, đạt tới hiện thực lý
tưởng mà ở đó, mọi thứ đều trở nên đẹp đẽ, lung linh, siêu việt và cao cả” [6, tr.23].
Ở Việt Nam, trong cuốn Bản sắc văn hóa lễ hội, Thuận Hải cho rằng: “Lễ là hệ
thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính của con người đối với
thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà
bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. Hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ
thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển của
cộng đồng, sự yên bình cho từng cá nhân, hạnh phúc cho từng gia đình, sự vững
mạnh cho từng dòng họ, sự sinh sôi nảy nở của gia súc, sự bội thu của mùa màng,
mà bao đời nay đã quy tụ vào miền ước mơ chung với 4 chữ “nhân khang vật
thịnh”[7, tr.5].
Theo Dương Văn Sáu trong cuốn Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch
thì “Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng diễn ra trên một địa bàn dân
cư trong thời gian không gian xác định; nhằm nhắc lại một sự kiện, nhân vật lịch
sử hay huyền thoại, đồng thời là dịp để biểu hiện cách ứng xử văn hóa của con
người với tự nhiên - thần thánh và con người trong xã hội”.
Mỗi định nghĩa, mỗi cách hiểu khác nhau, tùy thuộc vào góc tiếp cận lại có
những cách nhìn nhận khác nhau nhưng nhìn chung đều cho rằng lễ hội tạo ra một
môi trường mới, huyền diệu, giúp con người thỏa mãn nhu cầu tâm linh và nhu cầu
giải trí. Vì vậy lễ hội là một tài nguyên có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển
du lịch.
1.2.2. Phân loại lễ hội

11


Theo Quy chế tổ chức lễ hội (ban hành theo Quyết định số 39/2001/

QĐ - BVHTT ngày 23/8/2001 của Bộ VHTT này là Bộ VHTTDL) lễ hội ở nước
ta gồm 4 loại hình:
1. Lễ hội dân gian
2. Lễ hội tôn giáo
3. Lễ hội lịch sử, cách mạng
4. Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam
1.2.3. Thời gian và không gian diễn ra lễ hội
1.2.3.1. Thời gian tổ chức lễ hội
Lễ hội thường diễn ra vào hai dịp xuân thu nhị kỳ: Mùa xuân thì mở màn vụ
gieo trồng, mùa thu là để bước vào vụ thu hoạch. Đây chính là các mốc mở đầu và
kết thúc, tái sinh một chu trình sản xuất. Quá trình nông nghiệp lệ thuộc vào thiên
nhiên là chính. Vì vậy, từ lúc cắm cây mạ, gieo hạt xuống ruộng nương, người
nông dân chỉ còn biết trông chờ vào sự phù hộ của các lực lượng siêu nhiên. Để
tăng thêm niềm tin họ tìm mọi cách tác động, cầu xin các lực lượng tự nhiên giúp
đỡ. Từ đó sinh hoạt lễ hội và các tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ sự cầu mùa. Do
vậy, phần lớn các lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, từ tháng giêng đến tháng ba
âm lịch. Phần khác, một số lễ hội lại được tổ chức vào mùa thu, từ tháng bảy đến
tháng tám âm lịch. Đó là thời gian làng quê đã xong công việc cày bừa, cấy hái.
Khoảng thời gian nghỉ ngơi này cũng là dịp để người dân cảm tạ thần linh phù hộ
cho họ một mùa màng đã qua, vừa cầu xin thần linh phù hộ cho một mùa màng sắp
tới.
1.2.3.2. Không gian tổ chức lễ hội
Lễ hội thường được tổ chức ở nơi thờ tự như: Đình, Đền, Phủ, Miếu, Chùa... Lễ
sơ kỳ xuất phát từ nơi thần linh ngự, nhất là Đình - trung tâm của cả làng, sau đó toả
ra vùng rộng, ra nhiều địa điểm để thực hiện các hình thức sinh hoạt văn hoá - nghệ
thuật khác.

12



1.2.4. Cấu trúc của lễ hội
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật
chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật, linh thiêng và đời thường… là một
sinh hoạt có sức hút một số lượng lớn những hiện tượng của đời sống xã hội. Lễ hội
là dịp để mọi người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, hoặc liên
quan đến những sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, hoặc chỉ đơn thuần là những
hoạt động có tính chất giải trí. Thông thường lễ hội được chia thành hai phần: phần
lễ và phần hội.
Phần lễ (hay còn gọi là phần nghi lễ)
Phần lễ là các nghi thức được thực thi trong lễ hội. Tuỳ vào tính chất của lễ hội
mà nội dung của phần lễ sẽ mang ý nghĩa riêng. Có thể phần nghi lễ mở đầu ngày
hội mang tính tưởng niệm lịch sử hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại, tưởng
niệm một vị anh hùng dân tộc. Cũng có thể phần lễ là nghi thức thuộc về tín ngưỡng,
tôn giáo bày tỏ lòng tôn kính đối với các bậc thánh hiền và thần linh, cầu mong
được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Phần nghi lễ có ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng, chứa đựng những giá trị văn
hoá truyền thống, giá trị thẩm mỹ và triết học sâu sắc của cộng đồng. Nó mang trọn
ý nghĩa hấp dẫn của cả lễ hội đối với du khách. Phần nghi lễ chính là phần hạt nhân
của cả lễ hội.

Phần hội
Phần hội là phần có tổ chức những trò chơi, thi đấu biểu diễn… mặc dù cũng
hàm chứa những yếu tố văn hoá truyền thống nhưng phạm vi nội dung của nó
không khô cứng mà hết sức linh hoạt, luôn luôn được bổ sung bởi những yếu tố văn
hoá mới. Tuy nhiên, chính nơi nào bảo tồn và phát triển được những nét truyền
thống trong phần hội với những trò chơi mang tính dân gian thì lễ hội nơi đó sẽ thu
hút được đông đảo quần chúng tham gia. Thông thường phần hội gắn với tình yêu,
giao duyên nam nữ.

13



Cũng có những lễ hội mà ở đó hai phần lễ và hội hoà quyện với nhau, trong đó
trọng tâm là phần hội, nhưng bản thân phần hội đã mang trong mình ý nghĩa tâm
linh của phần lễ. Tách biệt các phần kể trên cũng chỉ là để xem xét cho rõ ràng để
nhìn nhận, còn trong lễ hội tất cả luôn đan xen với nhau một cách linh hoạt.
Lễ hội nói chung là một hiện tượng văn hoá tổng hợp trong đó các yếu tố của nó
đan xen, liên kết chặt chẽ với nhau nhưng đồng thời cũng tác động, bổ sung cho
nhau để tạo nên diện mạo của lễ hội tồn tại cùng lịch sử - xã hội loài người.
1.2.5. Những giá trị của lễ hội cổ truyền
Lễ hội là yếu tố vừa đặc trưng cho mỗi dân tộc, vừa góp phần làm cho văn hóa
đất nước đặc sắc hơn. Lễ hội là sự kết tinh thành quả lao động sản xuất, chiến đấu
của các cá nhân, tập thể trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lễ hội
còn là dịp hội tụ, kết tinh và lan toả những giá trị văn hoá được hun đúc trong quá
trình phát triển đi lên của đất nước. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tổng hợp bao
gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật, linh
thiêng và đời thường… là một sinh hoạt có sức hút một số lượng lớn những hiện
tượng của đời sống xã hội.
1. Giá trị cố kết cộng đồng, trong ngày hội giá trị cố kết cộng đồng là giá trị biểu
trưng nhất, lễ hội chính là “sự biểu dương sức mạnh của cộng đồng” và là chất kết
dính tạo nên “sức cố kết cộng đồng”. Lễ hội là môi trường góp phần quan trọng tạo
nên niềm cộng mệnh và cộng cảm của sức mạnh cộng đồng.
2. Giá trị hướng về cội nguồn, đó là nguồn gốc tự nhiên, nguồn gốc cộng đồng,
và chính vì thế, lễ hội thường gắn với hành hương - du lịch.
3. Giá trị cân bằng đời sống tâm linh, theo đó lễ hội góp phần làm thỏa mãn nhu
cầu về đời sống tâm linh của con người.
4. Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, trong đó, các lễ hội do nhân dân tự tổ
chức, làm tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, và cũng chính bản thân họ là
những người hưởng thụ các sinh hoạt văn hóa đó.


14


5. Giá trị bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lễ hội truyền
thống là một bảo tàng sống về văn hóa dân tộc, nhờ đó, nền văn hóa ấy được hồi
sinh, tái tạo và chuyển giao qua các thế hệ.
Do vậy, lễ hội là dịp để nhân dân bày tỏ lòng thành, sự ngưỡng vọng của mình
đối với bề trên thông qua hệ thống các nghi thức tôn giáo, nhắc lại công lao của vị
thần đang được dân làng thờ phụng, để toàn thể nhân dân được ngưỡng mộ, ghi
nhớ, coi như một lần đọc lại lịch sử trước dân làng. Đồng thời đây cũng là dịp để
người ta dâng lên vị thần những sản phẩm do dân làng làm ra với lòng kính trọng,
với sự biết ơn về sự bảo trợ của thần cho dân làng năm qua được yên ổn thịnh
vượng. Nhân đó, người ta lại tiếp tục cầu xin thần phù hộ, giúp đỡ cho dân làng
trong những năm tới lại càng thịnh vượng và bình an hơn nữa. Cứ như vậy tạo nên
một tâm lý vững vàng và những thử thách mới cho tất cả cộng đồng. Đồng thời đây
cũng là dịp để người ta tập hợp cộng đồng trong một niềm cộng cảm, tình đoàn kết
gắn bó một cách chặt chẽ giữa các thành viên, dòng họ với nhau trước một vị thần
linh chung của toàn cộng đồng. Một sự đoàn kết, cộng cảm tự giác và bền chặt.
Như vậy, lễ hội là yếu tố vừa đặc trưng cho mỗi dân tộc, vừa góp phần làm cho
văn hóa đất nước đặc sắc hơn. Lễ hội là sự kết tinh thành quả lao động sản xuất,
chiến đấu của các cá nhân, tập thể trong quá trình xây dựng và gìn giữ đất nước. Lễ
hội còn là dịp hội tụ, kết tinh và lan toả những giá trị văn hoá được hun đúc trong
quá trình phát triển đi lên của đất nước. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tổng hợp
bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật,
linh thiêng và đời thường…
Như một thông lệ truyền thống, lễ hội thường được mở vào mùa xuân, từ tháng
Giêng đến tháng 3 âm lịch, là nơi để con người được trở về nguồn cội, tỏ lòng biết
ơn tới các vị Thần đối với cộng đồng, trong khi đó du lịch là một hoạt động dành
cho khách du lịch khi họ có thời gian, tiền bạc và có nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Lễ
hội là một hoạt động văn hóa tinh thần mang tính phổ quát, trong khi đó du lịch lại


15


là một hoạt động kinh tế mang tính tổng hợp. Trong bước phát triển, ngành du lịch
đã tìm đến, khai thác và sử dụng lễ hội với tư cánh là một sản phẩm văn hóa.
Việc gặp gỡ giữa hai yếu tố trên đã đưa đến mối quan hệ biện chứng lẫn nhau,
những giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội sẽ có tác động thúc đẩy du lịch phát triển,
còn các yếu tố tiêu cực, phản giá trị thì sẽ cản trở hoặc kìm hãm sự phát triển du
lịch. Ngược lại sự phát triển của du lịch sẽ tác động trở lại đối với bảo tồn phát huy
các giá trị văn hóa của lễ hội hoặc có thể ảnh hưởng tiêu cực làm biến đổi lễ hội
truyền thống.

16


CHƯƠNG 2
KHAI THÁC ĐẶC SẮC LỄ HỘI CHÙA BÁI ĐÍNH
TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở NINH BÌNH

Hằng năm cứ vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, khi mùa xuân bắt đầu điểm tô
mầm xanh trên triền núi Bái Đính, đem đến nhựa sống căng tràn, vui tươi cho bao
người thì cũng là lúc nhân dân quanh vùng và từ nhiều nơi khác lại nô nức hành
hương trẩy hội chùa Bái Đính. Lễ hội sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, tất cả các
động, đền, chùa trên núi Bái Đính đều được treo cờ hội khói hương nghi ngút, từng
dòng người hành hương đông vui tạo nên không khí lễ hội dân gian đặc sắc. Phần
lễ được tổ chức khá long trọng và là sự tổng hòa nhiều tín ngưỡng tôn giáo trong
nhân dân như sùng bái tự nhiên, Phật, Nho và Đạo vì Bái Đính cổ tự vừa là nơi thờ
Phật, Sơn thần, Mẫu lại vừa là nơi thờ các vị Thánh.
2.1. Khái quát chung về lễ hội chùa Bái Đính

2.1.1. Không gian tổ chức
Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, Huyện Gia
Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là một mảnh đất thiêng “sinh Vương, sinh Thánh” chẳng
thế mà từ ngàn xưa tới nay ở đây vẫn truyền câu ca rằng:
“Đại Hữu sinh vương,
Điềm Dương sinh thánh”
(Đinh Tiên Hoàng đế và đức thánh Nguyễn Minh Không)
Về mặt không gian, lễ hội được diễn ra tại núi chùa Bái Đính. Xét về phong
thủy, theo quan niệm dân gian cổ truyền thì núi chùa Bái Đính nằm ở thế “Long
chầu, Lân phục” là một thế đất quý được núi đồi chầu quy thành hai vòng cung
chính.

17


Vòng cung phía Đông Bắc khởi đầu là núi Hàm Rồng, tiếp đến là các núi Hàm
Xà, Hàn Cay, Trai Sơn, Oản/Ỏn và núi Phường.
Vòng cung phía Tây khởi nguồn là núi Lê, sát sông Hoàng Long, như con Kỳ
Lân khổng lồ, tiếp đến các núi Khám, U Bõ, Thanh Lương, núi Thờ, Ba Chạc, núi
Lê chạy dài vào đến núi Khơi và vùng đồi núi của các xã Sơn Lai, Quỳnh Lưu của
huyện Nho Quan.
Cả hai vòng cung núi này đều chầu quy về núi Bái Đính và núi Kỳ Lân. Núi Bái
Đính đứng ở vị trí đầu hai cánh cung núi này và cũng là “ngưỡng thủy” vòng cung
sông Đại Hoàng. Đầu cánh cung phía Tây Bắc là núi Lê hình một con Kỳ Lân. Đầu
vòng cung Đông Bắc là núi Hàm Rồng (như đầu còn Rồng khổng lồ, phủ phục bên
bờ sông Hoàng Long). Chính vì thế theo “thuyết phong thủy cổ gọi đây là kiểu đất
“Rồng chầu, lân phục”. Không những thế, phía trước núi Bái Đính là sông Hoàng
Long, phía sau núi lại tựa lưng vào dãy trường thành sơn lũy, gọi là thế “tiền thủy,
hậu sơn” thực là một vùng đất quý hiếm.” [13, tr. 26-27]
Không gian thiêng còn được biểu hiện ở thế đất lập chùa. Đạo giáo thì gọi là

“cảnh sắc”. Còn Nguyễn Minh Không gọi là : “Trạch đắc long xà địa khả cư”[13,
tr. 27], “Long” là rồng được coi là “Dương”; “Xà” là rắn được coi là “Lưỡng Âm
Dương” có nghĩa là việc lựa chịn thế đất tốt là thế đất có đủ yếu tố Long, Xà và là
vùng đất có thể sinh sống được.
Người Việt chọn đất dựng chùa không chỉ để hướng về cõi hư vô, mà còn với
mục đích hướng về nơi sinh sôi phát triển. Đất tốt theo quan niệm phong thủy cổ
phải là đất bên trái trống không, hoặc có sông ngòi, ao hồ bao bọc; bên phải cao đầy
có hình hoa sen, tràng phướn, lọng báu hoặc có hình rồng, phượng, quy, xà chầu bái.
Trước mặt có minh đường, phía sau không có núi áp kề là đất tốt. Chùa Bái Đính lại
chọn được “Cảnh có đủ bốn điều: Một là Nước; hai là Hỏa; ba là Lương; bốn là
Thực phẩm. Cảnh không gần dân gian mà cũng không xa nhân gian. Vì gần thì ồn
ào, mà xa thì cô quạnh, không có ai giúp đỡ. Cảnh có thể trú, là chỗ yên nghiệp có

18


thể dưỡng thân, nuôi tính, tâm linh sáng suốt, trường dưỡng thảnh thơi, để được
dưỡng đạo, ấy là cứu cánh” [ 12, tr.17]
Không gian thiêng của khu chùa Bái Đính là sự kết hợp vừa đời vừa đạo.
Phần đời thể hiện ở chỗ: Bên trái trống không, theo triết học cổ phương Đông
“vô cực sinh thái cực”, có nghĩa là vật chất từ không thành có. Sông, hồ, ao ngòi là
nước – yếu tố khởi nguyên của sự sống. Bên phải có rồng, phượng, quy, xà là hội tụ
đủ âm dương, điều kiện cần và đủ cho sự sống sinh sôi và phát triển. Đời còn được
biểu hiện ở chỗ có lương thực, rau, nước, lửa để duy trì sự sống.
Phần đạo thể hiện ở chỗ: Phía trước có minh đường - cả cận minh đường và viễn
minh đường (là nơi tụ thủy có nước tụ lại bốn mùa). Phía sau không có núi áp kề là
không có dương, hàm ý chỉ cầu âm theo quan niệm của đạo Phật. Chùa cần sự yên
tĩnh và phải xa dân. Nhưng đạo Phật là cứu sinh độ thế nên cần có dân. Chùa Bái
Đính vừa có dân vừa không quá gần dân để có không gian tĩnh độ.
Chẳng thế mà vua Đinh Tiên Hoàng, sau khi dẹp 12 sứ quân cát cứ, mở ra thời

kỳ độc lập thống nhất, đức Vua đã cho lập đàn tràng ở núi chùa Bái Đính để làm lễ
phong hầu bái tướng, phong chức tước cho các quan văn võ. Nơi đây, nhà Đinh Tiền Lê và cả những năm đầu của nhà Lý dùng làm nơi lập đàn xã tắc để tế Trời Đất. Sau này Quang Trung tiến quân ra Thăng Long đại phá quân Thanh đã làm lễ
tế cờ động viên quân sĩ tại đây.
Đó là sự lặp lại kỳ thú của nghi lễ diễn xướng lễ bái hàng trăm năm trước và
được truyền lại đến tận ngày nay, hàng năm vào mùng 6 tháng Giêng, xã Gia Sinh
lại tổ chức lễ hội chùa Bái Đính giống như sự tiếp nối dòng chảy tâm linh trên
mảnh đất thiêng này.
2.1.2. Thời gian tổ chức
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng
âm lịch. Trước kia, lễ hội diễn ra trong vòng một tuần nhưng hiện nay, do đáp ứng
nhu cầu của du khách hành hương và phát triển du lịch mà lễ hội kéo dài đến hết

19


×