Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

CHUYÊN đề rèn kĩ NĂNG làm văn NGHỊ LUẬN xã hội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (155.57 KB, 11 trang )

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ X
TRƯỜNG THPT CHUYÊN TUYÊN
QUANG
*
MÔN: NGỮ VĂN
CHUYÊN ĐỀ: RÈN KĨ NĂNG LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Người viết: Nguyễn Thị Thu Huyền
Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị công tác: Trường THPT Chuyên
Tuyên Quang
Trong những năm gần đây, dạng bài nghị luận xã hội xuất hiện ở nhiều đề
thi. Dạng bài này cho phép người viết phát huy các năng lực bản thân: năng lực tư
duy, suy nghĩ, huy động vốn hiểu biết và năng lực trình bày một vấn đề xã hội nào
đó sao cho giàu sức thuyết phục. Nó đòi hỏi ở người viết vốn sống phong phú, sâu
sắc, sự độc lập tự chủ trong suy nghĩ và khả năng sáng tạo cao. Do đó dạng bài
này thường làm các em học sinh thích thú nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi
giải quyết các đề bài cụ thể. Chuyên đề này nhằm giúp các em nắm vững phương
pháp làm văn nghị luận xã hội và cách tích lũy kiến thức cho dạng bài này.
I. Nghị luận xã hội và cách làm bài nghị luận xã hội
1. Nghị luận xã hội là gì?
Nghị luận xã hội là thể văn hướng tới phân tích, bàn bạc về các vấn đề liên
quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Mục đích cuối
cùng là tạo ra những tác động tích cực đến con người và những mối quan hệ giữa
người với người trong xã hội
2. Yêu cầu của một bài nghị luận xã hội:
- Đảm bảo kĩ năng nghị luận nói chung: tập trung hướng sâu vào luận đề để
bài viết đúng hướng, chặt chẽ, nhất quán với những dẫn chứng xác đáng, giàu sức
thuyết phục
- Đảm bảo kiến thức mang màu sắc chính trị - xã hội: bài viết phải thể hiện
được những hiểu biết về chính trị - pháp luật, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo
đức, tâm lí – xã hội…, những tin tức thời sự cập nhật…


- Đảm bảo mục đích tư tưởng đúng đắn: phải xuất phát từ một lập trường tư
tưởng tiến bộ, cao đẹp để bàn bạc, phân tích, đánh giá, đề xuất ý kiến
3. Các dạng đề chính
Nghị luận xã hội ở nhà trường phổ thông có ba dạng chính:
- Nghị luận về một hiện tượng đời sống
1


- Nghị luận về một tư tưởng đạo lí
- Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học
4. Cách nhận diện đề và cách làm bài
a) Cách nhận diện và cách làm đề nghị luận về một hiện tượng đời sống
* Cách nhận diện
Dạng đề này thường nêu lên một hiện tượng có thật trong đời sống (hiện
tượng tích cực, hiện tượng tiêu cực, hiện tượng có cả mặt tích cực và tiêu cực) đòi
hỏi người viết phải thể hiện được chủ kiến của mình, lập luận chặt chẽ, phân tích sắc
sảo, toàn diện để biểu dương, ngợi ca cái tốt, cái đẹp, cái tích cực, lên án cái xấu, cái
ác, cái tiêu cực.
Ví dụ:
Đề 1: Bạn nghĩ gì về du học và học trong nước
Đề 2: Người Việt trẻ hiện nay ngày càng không thích đọc sách
Đề 3: Bạn có thích học Lịch sử
Đề 4: Hiện nay, khủng bố đang là một vấn nạn có ảnh hưởng trên phạm vi
toàn cầu. Anh/chị suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này?
* Cách làm bài
- Bước 1: Phân tích đề: Cần xác định:
+ Yêu cầu về thể loại (hình thức + các thao tác chính)
+ Yêu cầu về nội dung
+ Yêu cầu về phạm vi tư liệu
- Bước 2: Lập dàn ý

+ Mở bài: Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận
+ Thân bài: Giải thích, bình luận hiện tượng ; mô tả thực trạng; hậu quả/kết
quả tác động đến đời sống xã hội; nguyên nhân dẫn đến hiện tượng; giải pháp
+ Kết bài: Đánh giá ý nghĩa của hiện tượng đối với đời sống con người.;
nhiệm vụ bản thân (bài học liên hệ).
- Một số chú ý khi làm dạng bài nghị luận về một hiện tượng đời sống:
Để viết dạng bài này, trước hết, học sinh phải biết nhận diện hiện tượng (sự
việc, con người): các biểu hiện, dạng tồn tại, thậm chí cả số liệu cụ thể. Thực hiện
thao tác này đòi hỏi học sinh phải quan tâm và hiểu biết và có suy ngẫm sâu sắc
về các vấn đề tồn tại trong xã hội, các em phải chú ý nghe thời sự hàng ngày, cập
nhật thông tin về các vấn đề trong nước và quốc tế. Những vấn đề xã hội được đặt
ra trong các đề thường là những hiện tượng có ảnh hưởng rộng đến đời sống cộng
đồng đặc biệt là cuộc sống của chính lứa tuổi học sinh
Sau khi nhận diện hiện tượng, cần phân tích hiện tượng ở các mặt nguyên
nhân, hậu quả, tìm ra giải pháp đề giải quyết vấn đề đó. Trong quá trình tích lũy
hiểu biết về hiện tượng, cần chú ý tới cách nói của các phóng viên, bình luận viên
2


trên báo đài, quan tâm tới dư luận xã hội, chịu khó tìm hiểu về cuộc sống xung
quanh. Tuy nhiên khi tiếp nhận thông tin, cần tỉnh táo xem xét, chọn lọc và xử lí
đích đáng trên cơ sở hiểu biết, cố gắng xây dựng một lập trường vững vàng. Khi
phân tích nguyên nhân nên chú ý tới các mặt chủ quan – khách quan, khi đánh giá
hậu quả cần xem xét ở phạm vi cá nhân – cộng đồng, hiện tại – tương lai….
Sau khi phân tích, bình luận về nguyên nhâ, kết/hậu quả, cần đề xuất giải
pháp. Cần xem lại nguyên nhân vì nó là gợi ý tốt nhất để tìm ra các giải pháp.
Bài nghị luận về một hiện tượng đời sống cần là sự bộc lộ vốn hiểu biết, lập
trường thái độ của người viết về các hiện tượng nên bên cạnh việc nắm vững các
bước làm bài, người viết còn phải thể hiện tiếng nói cá nhân, quan điểm đánh giá
rõ ràng, sắc sảo thì bài viết mới có sức thuyết phục cao.

b)Cách nhận diện và cách làm đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí
* Cách nhận diện
Dạng đề này thường nêu lên một ý kiến, một quan điểm về tư tưởng, đạo lí
(thường được gợi mở qua một câu danh ngôn: tục ngữ, ca dao, câu nói của các bậc
hiền triết, lãnh tụ, các nhà văn hoá, khoa học, nhà văn nổi tiếng…
Ví dụ:
Đề 1: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Ý kiến trên của
M.Xi-xê-rông – nhà triết học La Mã cổ đại gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về
việc tu dưỡng và học tập của bản thân.
Đề 2: Phân tích và làm sáng tỏ câu nói: Đường đi khó không phải vì ngăn
song cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông (Nguyễn Bá Học).
Đề 3: Nghĩ về sức mạnh tinh thần.
Đề 4: Nhà văn Nga L.Tôn-xtôi nói: Lí tưởng như ngọn đèn chỉ đường.
Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định mà không có phương
hướng thì không có cuộc sống. Hãy trình bày suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên.
* Cách làm bài
- Bước 1: Phân tích đề: Cần xác định:
+ Yêu cầu về thể loại (hình thức + các thao tác chính)
+ Yêu cầu về nội dung
+ Yêu cầu về phạm vi tư liệu
- Bước 2: Lập dàn ý
+ Mở bài: Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận
+ Thân bài: Giải thích ý kiến (giải thích từ ngữ, giải thích nghĩa của cả câu,
ý nghĩa của câu nói: ý kiến muốn nhấn mạnh, phê phán, khẳng định…điều gì);
Bình luận, phân tích, chứng minh(ý kiến đúng, có tác động tích cực đến người
đọc; tại sao; chứng minh (thực tế đời sống và văn học), ý kiến sai; tại sao; chứng
minh; ý kiến có phần đúng, có phần hạn chế; tại sao; chứng minh); thái độ, hành
động (Đồng tình, biểu dương, trân trọng những tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa tích
3



cực; phê phán những tư tưởng có ý nghĩa tiêu cực; nhận thức rõ những đóng góp hạn chế của của tư tưởng để phát huy và bổ khuyết; phương hướng hành động; rút
ra bài học cho bản thân (có thể chuyển xuống phần kết bài)
+ Kết bài: Đánh giá ý nghĩa tư tưởng, đạo lí được bàn luận.
- Một số chú ý khi làm dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí:
Khi giải thích khái niệm tùy từng yêu cầu cụ thể mà mức độ và cách giải
thích có thể sẽ khác nhau. Có những đề bài khâu giải thích có thể làm gọn gàng,
đơn giản , nhất là trong các đề bài mà yêu cầu, nhận định không có các khái niệm
phức tạp, khó hiểu hay những hình ảnh có ý nghĩa sâu xa. Nhưng cũng có những
đề bài khâu giải thích làm rất công phu như quan niệm của Viên Mai: “Làm người
không thể không phân biệt giữa nhu mì và nhu nhược, giữa cứng cỏi và cường
bạo, giữa tiết kiệm và keo kiệt, giữa trung hậu và khờ khạo, giữa sáng suốt và cay
nghiệt, giữa tự trọng và tự đại, giữa khiêm tốn và hèn hạ. Mấy cái ấy hình như
giống nhau mà thực là khác nhau”. Nếu không giải thích tường tận, thấu đáo
những mệnh đề trong quan niệm thì không xác định nổi ý nghĩa, phạm vi ý nghĩa
trong quan niệm
Khi phân tích, lí giải để làm sáng tỏ bản chất vấn đề cùng các khía cạnh và
mối quan hệ của nó cần phải tách vấn đề thành từng khía cạnh nhỏ để xem xét,
nghiên cứu. Cách đơn giản nhất là đặt ra các câu hỏi để khảo sát, tìm hiểu.
Khi bình luận, đánh giá, cần nhìn nhận đánh giá ở các bình diện, khía cạnh
khác nhau: ý nghĩa, tư tưởng, ý nghĩa thực tế mức độ đúng – sai, đóng góp, hạn
chế…Từ đó cần nhìn nhận giá trị của vấn đề như một bài học kinh nghiệm trong
cuộc sống và trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tình cảm. Ngoài ra,
học sinh giỏi có thể linh hoạt đề xuất nhiều ý, nhiều bố cục khác miễn là làm sáng
tỏ được vấn đề và có sức thuyết phục cao.
c) Cách nhận diện và cách làm đề nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra
trong tác phẩm văn học
* Cách nhận diện:
Dạng dề này thường đề cập đến các vấn đề có ý nghĩa xã hội được đặt ra
trong tác phẩm văn học. Các vấn đề xã hội có ý nghĩa trong tác phẩm được đưa ra

bàn bạc có thể lấy từ hai nguồn chính:
- Từ các tác phẩm đã học trong chương trình.
- Từ những mẩu chuyện nhỏ hoặc những văn bản ngắn gọn chưa được học
nhưng dễ tiếp nhận.
Ví dụ:
Đề 1: Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ,
nhân vật Trương Ba nói: không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được.
Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Câu nói trên để lại cho anh (chị) những suy nghĩ
gì?

4


Đề 2: Từ bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, nghĩ về danh và thực
trong xã hội chúng ta hiện nay.
Đề 3: Bài thơ Tôi yêu em của Puskinvà suy nghĩ của anh chị về một tình
yêu đẹp.
Đề 4: Suy nghĩ của anh chị từ câu chuyện sau:
Hoa Hồng Tặng Mẹ
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. mẹ anh
sống ở cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái
đang đứng khóc trên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
- Cháu muốn mua một bông hoa hồng để tặng mẹ cháu - Nó khóc nức nở nhưng cháu chỉ có bảy mươi lăm xu trong khi giá hoa hồng lên đến hai đôla.
Anh liền mua cho cô bé và lại đặt một bó hoa hồng gửi cho mẹ mẹ anh.
Xong xuôi anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và
trả lời:
- Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ
vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
- Đây là nhà của mẹ cháu.

Nói xong nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ. Tức thì anh quay lại tiệm
bán hoa hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đem
đó anh lái xe một mạch 300km về nhà mẹ anh và trao tận tay bà bó hoa.
* Cách làm bài
- Bước 1: Phân tích đề: Cần xác định:
+ Yêu cầu về thể loại (hình thức + các thao tác chính)
+ Yêu cầu về nội dung
+ Yêu cầu về phạm vi tư liệu
- Bước 2: Lập dàn ý
+ Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm có vấn đề cần nghị luận; Giới thiệu
vấn đề được đưa ra bàn bạc.
+ Thân bài: Nêu vấn đề được đặt ra trong tác phẩm văn học (Vấn đề đó là
gì? Được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?); từ vấn đề rút ra, tiến hành nghị
luận xã hội
+ Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề trong việc tạo nên giá trị tác phẩm
và trong cuộc sống con người (ý nghĩa thời sự); rút ra bài học cho bản thân
- Một số chú ý khi làm dạng bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong
tác phẩm văn học
Để làm dạng bài này, người viết trước hết phải nêu và phân tích làm rõ vấn
đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cùng với các khía cạnh, các phương diện
biểu hiện của nó. Sau khi đã xác định chính xác vấn đề xã hội, cần xem xét ý nghĩa
5


của nó ở thời điểm tác phẩm ra đời rồi mới nghị luận về ý nghĩa của vấn đề đó trong
cuộc sống hôm nay.
Khi bàn về mối liên hệ của vấn đề với cuộc sống hôm nay, ta tuỳ theo tính
chất của vấn đề mà xử lí cụ thể. Có những vấn đề thuộc về hiện tượng xã hội, có
những vấn đề thuộc tư tưởng đạo lí, có những vấn đề vừa mang màu sắc tư tưởng
đạo lí, vừa mang dáng dấp của một hiện tượng đời sống.

Cũng cần lưu ý dạng bài này rất dễ lẫn với bài nghị luận văn học vì buộc
phải có khâu phân tích tác phẩm để xác định vấn đề nghị luận. để tránh nhầm lẫn,
cần xác định và phân biệt rõ sự khác biệt về mục đích, cách thức tiến hành. Mục
đích của nghị luận văn học là bàn bạc, phân tích, đánh giá chất lượng nội dung và
nghệ thuật tác phẩm còn mục đích của nghị luận xã hội chỉ nhằm rút ra và làm
sáng tỏ vấn đề xã hội được đặt ra ở văn bản tác phẩm đó trước khi nghị luận ở
phần chính. Vì thế khi nghị luận văn học cần bình giá, cắt nghĩa cái hay cái đẹp
của các yếu tố văn bản như ngôn ngữ, hình tượng về cả hai phương diện nội dung,
ý nghĩa và đặc sắc nghệ thuật còn nghị luận xã hội lại chỉ cần chú ý tới mặt nội
dung.
* * *
* *
Lưu ý chung:
- Mô hình các dạng đề trên chỉ là tương đối, người viết phải có sự vận dụng
linh hoạt khi vận dụng chứ không nên máy móc.
- Trong thao tác chứng minh ở các dạng bài, người viết có thể tổ chức thành
một phần riêng nhưng cũng có thể linh hoạt gắn việc chứng minh với các khâu
khác trong quá trình viết bài, mỗi ý kiến lí giải, đánh giá đều có thể gắn với thực
tế đời sống để làm rõ tính chân thực của nó. Các dẫn chứng có thể lấy từ nhiều
nguồn song chú trọng nguồn dẫn chứng từ thực tiễn đời sống bởi chúng có tính
xác thực, cụ thể, có sức thuyết phục cao. Đưa dẫn chứng nên kèm thái độ, quan
điểm đánh giá rõ ràng trên cơ sở lập trường nhân văn, tinh thần vì tiến bộ chung
để làm nổi bật tính tư tưởng của bài viết.
- Khi liên hệ, người viết cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tránh cách
nói sáo mòn, gượng ép, giả tạo. Phần mở bài và kết bài cố gắng tạo ấn tượng, tạo
tính hấp dẫn cho bài viết
II. Thực hành
1. Đề 1: Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận
trẻ em lang thang, cơ nhỡ, kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái
âm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên trong cuộc

sống. Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng đó.
Tìm hiểu đề

6


- Thể loại : Nghị luận về một hiện tượng đời sống, thao tác nghị luận: phân
tích, chứng minh, bình luận…
- Nội dung: Bàn về hiện tượng: Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia
đình, tổ chức thu nhận trẻ em lang thang, cơ nhỡ, kiếm sống trong các thành phố,
thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện,
vươn lên trong cuộc sống.
- Phạm vi tư liệu: đời sống thực tế, sách báo.
Lập dàn ý
a) MB
b) TB: Cần nêu được một số ý cơ bản như sau:
* Thực trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ
- Trẻ em lang thang cơ nhỡ là những trẻ ở lứa tuổi vị thành niên bị mồ côi
cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, do cha mẹ bất hoà, gia đình khó
khăn hay một lí do nào đó mà không có người chăm sóc, nuôi dưỡng, sớm phải
sống lang thang, tự lập.
- Cuộc sống của trẻ em lang thang, cơ nhỡ phần lớn là đói rách, nghèo khổ,
không được học hành đến nơi đến chốn, không được bao bọc, chở che trong vòng
tay yêu thương của cha mẹ hay người thân. Nhìn chung đó là những trẻ em chịu
thiệt thòi, bất hạnh bởi trẻ thơ mà không có tuổi thơ.
- Trẻ em lang thang, cơ nhỡ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức: luôn bị
đói nghèo, bệnh tật đe doạ; bị bóc lột sức lao động; dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lạm
dụng; dễ bị tha hoá; cuộc sống không ổn định; tương lai mờ mịt, bấp bênh….
- Số lượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ tăng, có nhiều biểu hiện tiêu cực sẽ
ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội….

* Hoạt động giúp trẻ em lang thang, cơ nhỡ
- Trên khắp cả nước có nhiêu tập thể, cá nhân tư nguyện chung ta giúp đỡ
những trẻ em bất hạnh này (…)
- Nhiều cá nhân và tập thể hảo tâm tuy không trực tiếp nuôi dưỡng, chăm
sóc trẻ em lang thang, cơ nhỡ nhưng luôn sẵn lòng ủng hộ, quyên góp tiền, quà,
quần áo, sách vở, thuốc men cho những cá nhân và tập thể đang cưu mang nhưng
trẻ bất hạnh. Đáng quan tâm là các cuộ vận động lớn Nhịp cầu trái tim, Nối vòng
tay lớn được tổ chức hàng năm…
* Trình bày quan điểm cá nhân
- Ý nghĩa hoạt động: Có thể khẳng định đây là hoạt động có ý nghĩa XH lớn
lao, mang tinh thần nhân đạo cao cả. Nó góp phần giảm bớt những bất hạnh mà
trẻ em lang thang cơ nhỡ đang gánh chịu; trả lại cho các em nụ cười hồn nhiên của
trẻ thơ; giúp các em có được môi trường lành mạnh để phát triển nhân cách, tạo
cho các em cơ hội thuận lợi để sống tự lập khi bước vào cuộc sống; giảm bớt nguy
cơ tội phạm và tệ nạn xã hội…
7


-> Là biểu hiện của bản chất, truyền thống nhân đạo của dân tộc. Những
hoạt động đó cần phải được biểu dương và nhân rộng.
- Bài học liên hệ: Chúng ta hãy biết trân trọng những tấm lòng nhân hậu với
những nghĩa cử cao đẹp của nhưng cá nhâ, tổ chức, tập thể đang cưu mang trẻ em
lang thang, cơ nhỡ; hãy góp phần công sức, vật chất bé nhỏ của mình vào các hoạt
động giúp đỡ trẻ em bất hạnh để vừa đem lại niềm vui, sự thanh thản trong tâm
hồn vừa góp phần vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp.
c) KB
2. Đề 2: Phân tích và làm sáng tỏ câu nói: Đường đi khó không phải vì ngăn
sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông (Nguyễn Bá Học).
Tìm hiểu đề
- Thể loại : Nghị luận về một tư tưởng đạo lí; thao tác nghị luận: phân tích,

giải thích, chứng minh, bình luận…
- Nội dung: Qua câu nói của Nguyễn Bá Học -> vai trò của ý chí, quyết tâm
trong cuộc sống con người.
- Phạm vi tư liệu : vốn sống thực tế, sách báo, văn học.
Lập dàn ý
a) MB
b) TB: Cần đảm bảo một số ý cơ bản như sau:
* Bước 1: Giải thích
- Đường đi khó: không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn là cách nói khái quát về
công việc, sự nghiệp, về đường đời đầy chông gai thử thách.
- Ngăn sông cách núi: là hình ảnh vừa mang ý nghĩa cụ thể, chỉ những
không gian địa lí hiểm trở, vừa có ý nghĩa khái quát về những chướng ngại, thử
thách, khó khăn khách quan
- Lòng người ngại núi e sông: diễn tả những chướng ngại, thử thách, khó
khăn thuộc chủ quan. Bản thân con người chưa thông suốt về tư tưởng, không có
ý chí vàquyết tâm; nhụt chí, nản lòng.
-> Nội dung câu nói: Trong cuộc đời, trong công việc nếu bản thân con
người chưa thông suốt về tư tưởng, không có ý chí, quyết tâm, dễ nản lòng, nhụt
chí thì khó có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách.
- Câu nói muốn khẳng định và nhấn mạnh yếu tố tinh thần, tư tưởng của con
người trong cuộc sống cũng như trong công việc. Một khi tư tưởng thông suốt,
tinh thần vững vàng thì sẽ có quyết tâm cao, có ý chí mạnh mẽ để vượt qua mọi
khó khăn, thử thách.
* Bình luận, phân tích, chứng minh
- Ý kiến của Nguyễn Bá Học đã nêu ra một quan niệm sống hoàn toàn đúng
đắn, có ý nghĩa tích cực đối với đời sống con người.
8


- Tại sao Nguyễn Bá Học khẳng định như vậy? Bởi cuộc sống muôn màu

muôn vẻ, đường đời nhiều ngã rẽ quanh co và mọi điều tốt đẹp cũng không phải
bỗng dưng mà có mà đều nảy sinh và phát triển từ một quá trình lâu dài, từ những
gian khổ, trở ngại. Chỉ khi con người có nhận thức đúng đắn, sâu sắc tức tư tưởng
thông suốt, tinh thần vững vàng với ý chí, nghị lực và quyết tâm cao thì mới có
thể vượt mọi gian khó, ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách tưởng như
quá khả năng, con người vẫn sẽ có cách để khắc phục và chiến thắng.
- Biểu hiện:
+ Trong lịch sử giữ nước, với các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên –
Mông; chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mĩ,… dân tộc ta đã nêu cao tinh thần
yêu nước sáng ngời với ý chí, quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập dân tộc. Trong quá
trình dựng xây đất nước, bằng sức mạnh tinh thần của cả dân tộc, chúng ta đã
vượt nhiều khó khăn, thiếu thốn để xây dựng một đất nước ngày càng đoàng
hoàng hơn, to đẹp hơn, có thể sánh vai cùng bạn bè quốc tế….
+ Nhờ có ý chí, quyết tâm cao độ, Bác Hồ kính yêu mới vượt qua khó khăn,
thử thách trên hành trình bôn ba suốt ba mươi năm tìm đường cứu nước. Không chỉ ở
VN mà trên thế giới cũng có bao tấm gương sáng, bao con người, bao dân tộc nhờ
có ý chí, quyết tâm, có nghị lực phi thường đã tạo nên những chiến công, những
thành tựu tuyệt vời (Crixtốp Côlông, Lê-ô-na Đơ Vanh-xi, Mari Quyri …)
- Trong văn học: Có nhiều tác phẩm ca ngợi khẳng định sức mạnh diệu kì
của ý chí, nghị lực con người và hình tượng những nv giàu ý chí, nghị lực để thực
hiện lí tưởng sống cao đẹp như: người thanh niên làm khí tượng một mình trên
đỉnh Hoàng Liên Sơn cao 2.600m trong Lặng lẽ Sapa, người lính trong Đồng chí,
Tiểu đội xe không kính…sẽ mãi để lại những ấn tượng đẹp trong lòng độc giả, đó
cũng chính là một trong lí do khiến cho những tác phẩm ấy bất tử với thời gian….
* Bài học, liên hệ
- Bài học: dám nghĩ, dám làm, nhận định sáng suốt và quyết tâm hành động
thì chúng ta sẽ biến ước mơ thành hiện thực; phê phán những kẻ thiếu nghị lực, dễ
nản lòng bởi đó là những kẻ luôn gặp thất bại trong cuộc đời.
c) KB
3. Đề 3:

DỰA VÀO CHÍNH MÌNH
Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ của nó: “Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra
phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng thế? Thật là thiệt chết đi được!”
- “Vì cơ thể chúng ta không có xương sống để chống đỡ, chỉ có thể bò mà
bò cũng không nhanh”. Mẹ nó nói.
- Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không
đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?
- Vì chị sâu róm sẽ thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy.

9


- Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng
không biến hóa được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?
- Vì em giun sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy.
Ốc sên con bật khóc nói: “Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo
vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta”.
- “Vì vậy chúng ta có cái bình”- ốc sên mẹ an ủi con con- “Chúng ta không
dựa vào trời cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân
chúng ta”.
Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì?
Phân tích đề
- Thể loại: Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học,
thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
- Nội dung: Cần phải dựa vào chính mình để tồn tại và phát triển.
- Phạm vi tư liệu: thực tế đời sống
Lập dàn ý
a) MB
b) TB: Cần đảm bảo được một số nội dung cơ bản sau:
- Nêu vấn đề: tóm tắt ngắn gọn -> ý nghĩa: Câu chuyện là ẩn dụ về con

người trong cuộc sống. Con người có những lúc gặp may mắn được chở che, giúp
đỡ như sâu róm, giun được bầu trời và lòng đất bảo vệ. Nhưng không phải lúc nào
con người cũng may mắn bởi vậy con người phải biết chấp nhận hoàn cảnh, biết
tự vươn lên, tự cứu lấy mình bằng cách dựa vào chính sức mình.
- Vì sao phải dựa vào chính mình?
+ Trong cuộc sống, sự giúp đỡ luôn đáng quý và cần thiết. Nhưng chỉ trông
chờ vào sự giúp đỡ sẽ khiến cho con người mất đi cơ hội để rèn luyện, trưởng
thành, thiếu đi kỹ năng sống và hậu quả là thói quen sống dựa dẫm, phụ thuộc vào
người khác, yếu đuối, không có nghị lực để vươn lên. Vậy nên, sự nỗ lực, cố gắng
tự vượt qua khó khăn sẽ giúp ta có thêm sức mạnh, kinh nghiệm và cơ hội đạt đến
thành công.
+ Con người là cá thể độc lập, nó phải tồn tại, phát triển bằng chính nguồn
nội lực của nó thì mới là sự tồn tại và phát triển lâu dài, bền vững. Đó cũng chính
là một biểu hiện của nhu cầu tự khẳng định mình ở mỗi con người.
- Bình luận, phân tích, chứng minh: Đây là câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh
sâu sắc : Con người dựa vào chính mình để sinh tồn; để sáng tạo; để phát triển;
dựa vào chính mình là cách thể hiện lòng tự trọng - một biểu hiện của nhân tính ở
mỗi con người; dựa vào chính mình còn là danh dự của quốc gia, là tinh thần tự
cường tự tôn dân tộc…
- Thái độ, hành động: Con người phải tự dựa vào chính mình để tồn tại, phát
triển, chứ không được ỷ lại, dựa dẫm; để dựa vào chính mình con người cần phải
10


có ý thức, khát vọng, nỗ lực không mệt mỏi; cũng cần phải biết hài hòa giữa cá
nhân và xã hội, biết tự trọng, tự tôn nhưng không tự mãn….
c) KB
- Hết-

11




×