Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Vài nét so sánh về nhân vật thúy kiều trong truyện kiều (nguyễn du) kim vân kiều truyện (thanh tâm tài nhân)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.17 KB, 10 trang )

Vài nét so sánh về nhân vật Thúy Kiều
trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) & Kim Vân
Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân)
Người viết:
Đinh Nữ Bình Minh
Trường
THPT Chuyên Cao Bằng
Chúng ta đều biết rằng Truyện Kiều của Nguyễn
Du được sáng tác dựa theo Kim Vân Kiều truyện của
Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng nếu Kim Vân Kiều
truyện chỉ là một tác phẩm tầm thường, không được
chú ý thì Truyện Kiều lại là “đỉnh cao của thiên tài
Nguyễn Du và thơ ca cổ điển Việt Nam, là niềm tự
hào chính đáng của nhân dân ta”. Điều gì đã làm
nên sự khác biệt đó? Một trong những lí do quan
trọng là Nguyễn Du đã sáng tạo lại hình tượng các


nhân vật từ hành động, tâm lí đến tính cách để các
nhân vật trở nên chân thật hơn, sinh động
hơn khiến cho nhân dân say mê, đồng tình với những
buồn, vui, giận, ghét… trong truyện. Vài nét so
sánh về nhân vật Thúy Kiều trong hai tác phẩm sẽ
cho thấy rõ điều đó.
1. Thúy Kiều trong sự kiện bán mình chuộc cha.
Trong Kim Vân Kiều truyện, mụ mối đưa Mã
Giám Sinh tới, Thúy Kiều tự đứng ra mặc cả bán
mình, thu xếp các thủ tục mua bán, tự viết hôn thư.
Nàng nhận bạc còn đem cân lại, thấy thiếu năm lạng,
bắt họ Mã phải “bù thêm cho đủ số”... Hành động
này cho thấy một cô Kiều lí trí, tính toán đến đáng sợ,


khác hẳn với hình ảnh Thúy Kiều đầy đau đớn, tủi hổ
của Nguyễn Du:
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.
Ngại ngùng giợn gió e sương,
Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,


Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.”
Độc giả cảm thấy khó hiểu, khó đồng cảm với
cách miêu tả hành động, tâm lí nhân vật của Thanh
Tâm Tài Nhân. Nó không thực sự phù hợp với Thúy
Kiều - một cô gái trẻ đa sầu, đa cảm, sinh ra và lớn
lên trong khung cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che”,
lần đầu tiên phải đối mặt với những biến cố dữ dội,
kinh hoàng. Và như thế, ta lại càng thấy rõ cái thấu
tình đạt lí của Nguyễn Du.
2. Thúy Kiều lúc trao duyên cho Thúy Vân
Trong Truyện Kiều, sự kiện Thuý Kiều trao
duyên cho Thuý Vân được Nguyễn Du miêu tả trong
một tình huống mới, khác hẳn so với Kim Vân Kiều
truyện.
Thanh Tâm Tài Nhân để cho việc trao duyên
diễn ra ngay sau quyết định bán mình, đan xen cùng
nhiều sự kiện khác. Khi đó, Vương ông và Vương
Quan vẫn bị bọn công sai đưa đi, Vương bà phải theo
chúng để biết lối mang cơm nước. Còn lại hai chị em,
Thuý Kiều lập tức bày tỏ nỗi lòng với Thuý Vân; mời



em ngồi lên lạy tạ “nhờ em đền bồi thay chị” và
gắng vượt qua nỗi đau khổ để viết thư từ biệt Kim
Trọng. Bởi vì nàng liệu trước được cảnh ngộ của
mình: “Mẹ trở về, mụ mối tất cũng đến. Việc này liên
quan đến chuyện trộm cướp, chắc rằng trong vùng
không ai dám lấy chị, nhất định phải là người xa. Họ
cưới rồi tất giục đi ngay. Lúc bấy giờ ruột gan rối
bời, dù muốn viết để lại nửa chữ cũng không thể
viết”. Dẫu nhiều lúc khóc gọi Kim Trọng, mấy lần
đau đớn đến ngất đi nhưng khi tỉnh lại Thuý Kiều vẫn
bình tĩnh, chủ động, thu xếp mọi việc đâu vào đó.
Khác với Thanh Tâm Tài Nhân, Thuý Kiều của
Nguyễn Du không một lần nghĩ đến Kim Trọng trong
lúc gia sự còn đang rối bời, như thể chỉ cần một kỉ
niệm tình yêu thức dậy là sẽ lấy đi của nàng tất cả
sức lực và lòng can đảm. Phải đến khi “Việc nhà đã
tạm thong dong”, cha và em đã thoát khỏi gông cùm
và sáng hôm sau Mã Giám Sinh sẽ đến lấy người nàng mới sống với nỗi đau khổ của mình.


Nguyễn Du đã có hẳn một khúc đoạn dành riêng
cho nỗi đau này:
“Việc nhà đã tạm thong dong,
Tinh kỳ giục giã đã mong độ về.
Một mình nàng ngọn đèn khuya,
Áo đầm giọt lệ tóc se mái sầu:
“Phận dầu dầu vậy cũng dầu,
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi,

Vì ta khăng khít cho người dở dang.
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa!
Trời Liêu non nước bao xa,
Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi!
Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì ?
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan! »


Nỗi riêng riêng những bàn hoàn,"
Dầu chong trắng đĩa lệ tràn tấm khăn.”
Đối diện với lòng mình, Thuý Kiều chấp nhận
số phận éo le, bất hạnh nhưng không nguôi được nỗi
day dứt, đau đớn vì phải phụ lời thề ước sâu nặng,
thiêng liêng, phải để lại cho người yêu nỗi đau dang
dở. Đúng lúc Thúy Kiều đang đắm chìm trong đau
khổ, Thuý Vân cất lên lời hỏi han, chia sẻ ân cần và
chuyện trao duyên đến bất ngờ, thuận theo diễn biến
tự nhiên của tâm trạng nhân vật chứ không phải là
chủ ý được tính toán trước.
Lúc trao duyên cho Thuý Vân, Thuý Kiều của
Thanh Tâm Tài Nhân khẳng định mình đã dũng cảm
nhận lấy sự hi sinh lớn nhất: “Em là người lương
thần hiếu thờ cha mẹ, chị là người trung thần sát
thân thành nhân”. Lời nàng thuyết phục em cũng rất
khác Truyện Kiều: “Chị sợ người tài tình như chàng

Kim, khó lòng mà gặp, chị cùng chàng thề thốt bao
nhiêu, tất cả phải nhờ em giữ cho trọn vẹn. Sau này


chồng quí vợ vinh, đừng có quên chị!” vì Thuý Vân
từng có ý định cùng chị chung mối duyên tình.
Trong khi đó, nàng Kiều của Nguyễn Du lại nặng
về tình cảm, nghĩ nhiều đến bổn phận tự nhiên với
những người ruột thịt: “Thà rằng liều một thân con/
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây”. Nàng không coi
việc bán mình là hành động phi thường của liệt nữ,
hiếu nữ mà là lẽ thường của người làm con, làm chị.
Nàng cũng rất hiểu sự thiệt thòi của em. Cho nên, lời
Thuý Kiều nhờ cậy, dặn dò lúc trao duyên chứa đựng
không chỉ tình nghĩa với Kim Trọng mà cả tấm lòng
yêu thương, trân trọng và biết ơn dành cho Thuý
Vân.
« Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
...
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”


Như vậy, Nguyễn Du đã thay đổi, sáng tạo lại việc
sắp xếp trình tự các chi tiết và tập trung khám phá thế
giới nội tâm với những cảm xúc phong phú, phức tạp,
đan xen của nhân vật chứ không chỉ chăm chú vào

hành động của nhân vật. Người đọc say mê Truyện
Kiều của Nguyễn Du chính vì thế giới phong phú của
tâm trạng, cảm xúc ấy, chính vì “con mắt trông thấu
cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” của tác
giả.
3. Sự kiện Thúy Kiều báo ân báo oán
Trong Kim Văn Kiều truyện, Thanh Tâm Tài
Nhân miêu tả rất kĩ lưỡng cảnh trả thù của Thúy Kiều
với nhiều chi tiết tàn bạo, dã man, không chừa một ai.
Nàng đã để cho bọn cung nữ "túm tóc Hoạn Thư, lôi
ra, lột hết áo quần, chỉ để lại cho một cái khố, tóc bị
buộc lên xà nhà, hai tên cung nữ mỗi tên túm lấy một
tay để lôi giăng ra, hai tên thì cầm roi ngựa đứng
trước và sau, một tên từ trên đánh xuống, một tên từ
dưới đánh lên, đánh như con đỉa bỏ trong thùng vôi,
con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn giãy giụa


kêu trời, toàn thân chẳng còn miếng da nào lành
lặn", Hoạn phu nhân – mẹ của Hoạn Thư do quá sợ
hãi mà chết.
Không như thế, nàng Kiều của Nguyễn Du lại có
cách hành xử khác hẳn. Khi nghe Hoạn Thư tự biện
hộ: "Rằng: Tôi chút phận đàn bà,/Ghen tuông thì
cũng người ta thường tình.../Lòng riêng, riêng những
kính yêu,/Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai" và
kể công "Nghĩ cho khi gác viết kinh /Với khi khỏi cửa
dứt tình chẳng theo”, Thúy Kiều đã "truyền quân
lệnh xuống trướng tiền tha ngay". Nhận xét về cách
hành xử này, Vũ Hạnh viết: "nàng Kiều của Nguyễn

Tố Như không phải là con người có những hận thù
nhỏ mọn. Nàng biết uất hận như mọi con người đau
khổ, bị nhiều chà đạp nhưng nàng cũng biết khoan
dung như kẻ rộng lượng xét thấu những điều khuất
khúc nơi kẻ tội đồ. Lòng khoan dung ấy, nơi Kiều, lại
là sắc thái tiêu biểu của dân tộc Việt".
Như vậy, trong cách xây dựng nhân vật, Nguyễn
Du đã "có sự gạn lọc". trên cơ sở tác phẩm của Thanh


Tâm Tài Nhân, ông đã “sáng tạo một Thúy Kiều
khác, một nàng Thúy Kiều thực sự nhất trí, đẹp đẽ
hơn nhiều, quý giá hơn nhiều.” Đó là “một nàng
Thúy Kiều có tình, có nghĩa, có những bản sắc tinh
thần hợp với truyền thống tốt đẹp của giống nòi
mình, để cho nhân vật được hòa lẫn vào sinh hoạt
dân tộc qua nhiều thế hệ".
Những nét so sánh trên đây về nhân vật Thúy
Kiều trong hai tác phẩm của Nguyễn Du và Thanh
Tâm Tài Nhân đã góp phần khẳng định: dù mượn cốt
truyện của tác phẩm văn học Trung Quốc nhưng
Truyện Kiều vẫn mang những giá trị dân tộc rất lớn.



×