Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Dục vọng trong tiểu thuyết VN về chiến tranh từ 1986 đến 1996

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (91.67 KB, 3 trang )

Chiến tranh tàn phá về vật chất, gây nên những mất mát đau thương trên thân thể, trong tâm hồn, nhưng trước hết và trên
hết, nó đã làm ức chế, tước đoạt những nhu cầu tự nhiên nhất của bản năng con người.
Tình yêu là vấn đề muôn thuở của văn học nghệ thuật. Nhưng đằng sau lớp vỏ ngôn từ, tình yêu thường không chỉ hiện
ra trong vẻ đẹp thanh khiết, linh diệu của trái tim, của tâm hồn mà bao giờ cũng được gắn liền với tình dục, với những
yếu tố thuộc về bản năng và ham muốn đời thường. Điều này cũng tương đối dễ hiểu, vì theo triết lý nhà Phật, dục tính
chính là nhân tính. Con người bao giờ cũng muốn phóng khoáng, tự thỏa mãn nhưng ít khi dám nhìn thẳng vào bản thân
và đối diện với chính mình. Họ ngượng ngập tìm cách che giấu dục vọng, kìm nén nó để vững tin bước qua ranh giới của
luân lý xã hội. Nhưng chính lúc gạt bỏ luân lý để sống cho bản năng, cho dục vọng của mình, con người mới thực sự là
con người theo đúng nghĩa. Trong văn học nói chung, có những tác phẩm từng bị xem là “dâm thư” nhưng lại có giá trị
và sức sông vĩnh hằng, chứa đựng cả vấn đề văn hóa xã hội, cả triết lý sống và hệ giá trị chuẩn mực của con người
như:Nghìn lẻ một đêm, Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, Truyện Kiều…
Trước 1975, do hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, chúng ta đã tiếp thu tư tưởng Nho giáo trước đây về mẫu hình người
quân tử “sát thân thành nhân”, “xả sinh thủ nghĩa” để đưa ra khẩu hiệu mới “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của người
chiến sĩ cách mạng toàn tâm hướng vào mục tiêu phục vụ tổ quốc. Theo đó, văn học thời chiến bao giờ cũng miêu tả
người lính trong thái độ khắc kỷ, không suy nghĩ cho riêng bản thân mà bao giờ cũng sống cho cộng đồng, chết cho Tổ
quốc. Tình cảm của họ gắn liền và đại diện cho những tình cảm lớn lao, vĩ đại của toàn dân. Vì vậy, với hình dáng của
một thánh nhân, người lính trong tiểu thuyết viết về chiến tranh trước năm 1975 thường bị gạt bỏ đi những gì thuộc về
đời sống riêng tư, tình cảm cá nhân, những vấn đề thuộc về bản năng lại càng bị cấm kỵ.
Sau 1975, chiến tranh đã kết thúc và trong sự nhìn nhận, đánh giá, chiêm nghiệm về “những ngày tháng đau thương
nhưng huy hoàng” đó, tiểu thuyết về chiến tranh đã chạm đến những vấn đề thuộc về đời tư, bản nhiên của con người.
Đặc biệt là từ sau 1986, trong tinh thần đổi mới, cùng với sự thay đổi quan niệm về hiện thực chiến tranh cũng như quan
niệm nghệ thuật về con người, những yếu tố của đời sống cá nhân ngày càng được đào sâu hơn và trở thành một đề tài
nóng bỏng thu hút sự quan tâm của các nhà văn.
Chiến tranh là sự cô đặc của cuộc sống và tất cả những biểu hiện của cuộc sống đời thường đều có thể tìm thấy trong
chiến tranh. Ở đó con người sống mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, gấp gáp hơn. Họ ít có thời gian để cân nhắc, lựa chọn kỹ
càng cho một hành động, nhất là ở những thời khắc giao thời, ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, sự bộc lộ và hướng về
cái bản năng, cái tự nhiên là một điều dễ hiểu.
Trong Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), bên cạnh phẩm chất anh hùng, người lính còn có những khao khát rất đời thường. Cái
thiêng liêng, hào hùng và cái dục vọng, tầm thường cứ đan xen, trộn lẫn vào nhau trong mỗi con người. Tám Tính đánh
giặc kiên cường là thế nhưng cứ “đến giờ mụ mị. Không biết nói, không biết đẩy đưa, tán tỉnh, chỉ biết thèm, biết ào ào
bươn tới. Cứ thấy hơi hướng đàn bà, bất kể già trẻ lớn bé, miễn là có da có thịt là tâm thần bấn loạn, mắt nhìn như lồi ra,


toàn thân cứng ngắc như bị thôi miên, như bị hóa thạch, như cái dáng ngồi lì lợm kia. Ngồi rất lâu, ngồi im lìm, chẳng ho
hắng, chẳng ngọ nguậy, chỉ thở, chỉ như rên. Rồi vào một thời điểm nào đó lý trí mất hoàn toàn khả năng kiểm soát,
không đắn đo, không nghĩ ngợi, không cần biết đối tượng là ai, hậu quả gì sẽ xảy đến…”. Cái tật mê gái, “vồ” gái tưởng
như rất tầm thường và thô tục ấy lại chính là cội nguồn sinh lực, làm sống dậy và bùng lên khát vọng sống, khát vọng
làm người của nhân vật này. Mặc dù bị thương rất nặng, tưởng như không thể qua khỏi sau một trận đánh, nhưng nhờ
sức quyến rũ của màu trắng và mùi thơm từ bộ ngực cô y sĩ mà Tám Tính đã có được một sức sống kỳ lạ, để suy nghĩ và
vượt qua cái chết: “Cuộc đời còn đang đẹp thế, đàn bà con gái còn đang nhiều quá trời, thơm tho thế, chết uổng lắm,
ráng mà sống, sống què quặt cũng được…”.
Và cũng rất bình thường khi nhà văn miêu tả nỗi khao khát tình dục đau đớn và nghiệt ngã của Khiển, một chàng ngư
dân hai mươi mốt tuổi đầy nhiệt huyết, phải xa người vợ mới cưới để vào chiến trường, lầm lũi, cô đơn cất giấu và mở ra
cho riêng mình những kỷ niệm đặc biệt của những giây phút vợ chồng. Vì thế, “những vật thể lỏng màu trắng đục từ mép
võng tia nhẹ xuống thảm lá rừng khô cũng như bàn tay thẫn thờ của Khiển nhặt mấy chiếc lá khô khác đậy điệm kỹ càng
lên cái vật thể đó như thể chôn cất rồi vật mình nằm ngửa ra, mặt nhìn xuyên qua vòm lá vào bầu trời chan hòa ánh nắng,
buồn rười rượi…” không phải là hình ảnh của cái xấu mà chính là một ham muốn rất bình thường thấm đẫm nước mắt,
thấm đẫm nỗi đau của con người. Cái vô lý, cái tàn bạo của chiến tranh đã làm hợp lý hơn những khao khát trần trụi của
họ.
Chiến tranh tàn phá về vật chất, gây nên những mất mát đau thương trên thân thể, trong tâm hồn, nhưng trước hết và trên
hết, nó đã làm ức chế, tước đoạt những nhu cầu tự nhiên nhất của bản năng con người. Thèm khát để thỏa mãn nhu cầu
trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đến kinh khủng ở ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết thì không bao
giờ đáng trách.
Chuyện tình ngắn ngủi của Tuấn và Thu vội vàng, nông nổi nhưng vô cùng mãnh liệt và dữ dội. Nếu theo tư duy nhìn
con người dưới góc độ thánh nhân như trong tiểu thuyết trước năm 1975, mấy ai chấp nhận được lời thú nhận vô tư, chân
thành mà… tội lỗi của Tuấn: “Em đã phải dùng cả hai tay nắm chặt đầu dây võng đu rướn người lên. Mỗi lần rướn là
mỗi lần đưa cả thân hình Thu lên theo tới nửa mét. Rồi lại buông xuống. Cứ thế rướn rồi buông, buông rồi lại rướn, hai
đứa miết vào nhau, quay cuồng đảo lộn, thây kệ cho vải võng kêu như pháo rít. Mà pháo có rít thật lúc ấy cũng mặc,


thậm chí nếu anh có đứng bên cạnh và quát: “Đồng chí Tuấn! Tôi sẽ khai trừ Đảng đồng chí!” thì em cũng đành để bị
khai trừ quá!”.
Sự bùng dậy của bản năng đã làm sống thêm một tình yêu, đẹp hơn một tình người, cao quý hơn lòng hy sinh và đau hơn

nữa những nỗi mất mát. Mặc cho kẻ địch truy lùng, mặc cho cái chết đang đe dọa, mặc chiến tranh, mặc súng đạn, tình
yêu giữa Hai Hùng và Ba Sương vẫn ngọt ngào và thắm thiết; trong căn hầm bí mật, nơi sự sống mong manh và cái chết
gần kề, họ đã trao cho nhau giây phút dịu ngọt và tuyệt vời nhất: “Buổi sáng hôm đó, với tất cả sức lực của tuổi trẻ, của
mười năm dồn nén, của hết thảy những khổ đau, mất mát và dịu ngọt đã trải qua, sắp trải qua hay không bao giờ còn dịp
được trải qua nữa, chúng tôi, hai sinh vật của thời loạn đi vào nhau trọn vẹn, đam mê tột cùng và ngậm ngùi tột độ…”.
Khi đã yêu thực sự, trong tâm tưởng ai chẳng có khao khát được hiến dâng cho nhau trọn vẹn, ai chẳng muốn dành cho
nhau thời khắc tột cùng của hạnh phúc? Họ đã đi vào nhau chính lúc cái chết đang treo lơ lửng trên đầu, chính khi con
người không thể tự tin vào sự sống của ngày mai, họ trao cho nhau tất cả để mà vực dậy và động viên nhau vượt qua
nguy hiểm, chính bản năng đã khơi dậy sự sống và làm cho tình yêu nở hoa.
Khói lửa chiến tranh làm cho những mối tình càng thêm mãnh liệt, nồng nàn, bỏng cháy. Có thể là tình yêu thật sự, có
thể chỉ là sự trả lời cho bản năng, nhưng những câu chuyện tình ấy khiến mỗi chúng ta không thể không bàng hoàng và
tha thiết mong được sẻ chia, thương cảm cùng họ – những con người khốn khổ.
Đọc Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), mấy ai có thể quên chuyện yêu đương kỳ lạ của phân đội trinh sát với ba cô gái
Mây, HBia, Thơm thuộc khu trại tăng gia huyện đội 67 bị bỏ quên bên kia núi truông Gọi Hồn. Họ tìm đến với nhau,
cùng nhau thỏa mãn nhu cầu dục vọng nhưng cũng là để gieo cho nhau sức mạnh và niềm tin trong cõi chết, trong thẳm
sâu bất tận của “cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà,
là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Chuyện của họ lạ lùng đến bất ngờ,
bản năng nhiều hơn tình yêu: “không phải là cả phân đội, cả mười ba người, song cũng không phải chỉ có ba cái bóng
nhất định nào đấy trong bấy nhiêu đêm” nhưng vì thời buổi chiến tranh là thời buổi ngược đời nên những chuyện khủng
khiếp nhất vẫn có thể xảy ra và con người phải chấp nhận nó một cách bình thường để tiếp tục sống và tiếp tục chiến
đấu.
Câu chuyện tình “bi thảm và mông muội” của họ đã làm cho Kiên “đau đớn, vừa xót thương, vừa giận, tủi, ngờ vực và lo
sợ”, để rồi nó lại thôi thúc ở mỗi người đọc phải nhìn nhận lại cho kỹ càng hơn sự khốc liệt và nghiệt ngã mà mỗi con
người trong chiến tranh phải gánh chịu. Cái đói, cái rét, cái chết, sự thiếu thốn về vật chất, về tình yêu… đã khiến những
người lính thèm khát biết bao những giây phút ngọt ngào của kỷ niệm, dù chỉ là giấc mơ, dù chỉ là giả dối nhưng họ vẫn
khao khát được đắm chìm, đê mê trong những thời khắc tuyệt đẹp ấy.
Kiên và đồng đội sấy bông hoa hồng ma kỳ bí trộn với thuốc rê để hút, để được nhập thân hoàn toàn, ngụp lặn trong
những giấc mơ bí ẩn và tráng lệ mà lúc bình thường tâm hồn chẳng thể với tới. Trong những ảo giác mà khói hồng ma
đem lại, họ có thể “quên mọi nông nổi đời lính, quên đói khổ, chết chóc, quên béng ngày mai” và họ được trở về với
những ước mơ của chính họ, được chiếm hữu những gì còn thiếu thốn và luôn hau háu chờ đợi. Bản thân Kiên được trở

về với Hà Nội cổ kính và tráng lệ, với những kỷ niệm về Phương – mối tình đầu trong sáng và tươi đẹp. Còn đồng đội
của anh thì “mỗi người mỗi kiểu say sưa mơ màng trong khói hồng ma. Mỗi người mỗi lối đi lạc khỏi thực cảnh chung.
Như Cừ thì rượu sắn hay hồng ma đều chỉ khuấy lên độc một cảnh tượng ủy mị, khó tin của ngày trở về với những sum
họp đoàn tụ dễ chịu đến nỗi nghe Cừ kể lại ai cũng rớt nước mắt với hắn. Còn Vĩnh thì chỉ rặt mơ thấy đàn bà, và hắn
thường xuyên khoái trá tả thực cho anh em nghe về những cuộc làm tình tưởng tượng vô cùng tham lam, phức tạp rất
ngóc ngách, đầy kỳ thú và sống sượng với chị em huyền thoại của hắn. Còn Tạo “voi” lại đặc biệt hay mơ sự ăn uống.
Không chỉ mơ được ăn no, Tạo còn vẽ ra trong đầu những mâm cỗ ăm ắp những món ăn béo bở do tâm thần mộng mị
của hắn bịa tạc nên”.
Người ta thường mơ về những điều xa vời không có thực trong cuộc sống, giấc mơ của những người lính đã khắc họa rõ
nét sự thiếu thốn đến kinh hồn, sự thèm khát đến cháy bỏng những nhu cầu bình thường nhất trong hoàn cảnh khắc
nghiệt ấy. Vì thế, đến với hoa hồng ma là một bản năng nhưng thông qua đó để con người ta hướng về những khao khát
của tính người và tình người. Họ đã nghiện hút – một hành động không lành mạnh để truy lùng một đời sống lành mạnh,
vui vẻ và hạnh phúc. Ngay chính Kiên, người lính may mắn được sống sót trở về trong ngày hòa bình thì trên chuyến tàu
xuyên Việt năm 1976, trong sự sống dậy và điều khiển của dục vọng anh đã tìm thấy những giây phút hạnh phúc cuối
cùng của đời lính bên cô thương binh Hiền như một sự bù đắp, khi con người ta choáng váng và có cảm giác chưa thoát
ra khỏi sự khắc nghiệt của chiến tranh: “Suốt đêm, trong nhịp tàu dồn dập lắc lư, mặc kệ rằng xung quanh lính tráng đùa
cợt trêu chọc, hai người thoải mái ôm xiết lấy nhau mà ngủ, cùng nhau nói mê, thỉnh thoảng thức dậy càng ôm chặt nhau,
thỏa sức hôn hít nhau, sống gấp lên với nhau những cây số cuối cùng còn vương lại của tuổi thanh xuân chiến hào”.
Những con người như thế, những hành động như thế cần ở chúng ta sự thông cảm hơn là chê cười và trách móc.
Trong Những mảnh đời đen trắng (Nguyễn Quang Lập), những câu chuyện “rối rít đực cái muôn đời” được tác giả miêu
tả rất nhiều nhưng bao giờ gắn liền với nó cũng là vấn đề đạo đức, vấn đề tình người. Chẳng hạn như nói về mối tình của
Hoàng và Thùy Linh, Đại úy Thìn đã vô cùng sửng sốt, “mắt trợn ngược lên” nhìn vào cái cảnh mà ông không thể tin
nổi: “Hai đứa trẻ hỷ chưa sạch mũi đang trần truồng trước mắt ông. Cái gì thế? Cái gì thế? Vú và đùi, mông và mông
trắng đầy trên cái giường cưới của vợ chồng ông. Môi đứa này áp vào má đứa kia, bốn cánh tay trần cuốn lấy nhau chặt
khư".
Nhưng cuộc giao hoan điên dại của Hoàng và Thùy Linh chính là một cách để họ chống trả lại nỗi cô đơn khủng khiếp
đang phủ kín lên tâm hồn mỗi người. Chiến tranh và sự tham gia của con người vào chiến tranh đã để lại những khoảng
trống tình thương quá lớn, cái tai họa sau lưng chiến tranh gieo vào con người nỗi cô độc đến lạnh lùng, sẽ đau đớn như
thế nào nếu nỗi buồn và sự cô đơn lạc lõng của con người đã đi đến tột cùng nhưng không thể tìm kiếm sự chia sẻ, cảm
thông của bất cứ ai khác. Khi đó, sự chống đỡ duy nhất con người ta có thể làm, không phải là cách tốt nhất nhưng là



cách đơn giản nhất và cũng dễ được thông cảm, là trở về sống với cái bản năng của chính mình, ở đó vừa có sự thiêng
liêng vừa có sự hèn hạ, nhưng nó cho con người cảm giác được thỏa mãn, được hạnh phúc, được sẻ chia.
Hay trong Bến không chồng (Dương Hướng), sự kết tụ và ngưng đọng đến mức dày đặc, không thể giải tỏa của nỗi buồn,
nỗi cô đơn khi một người đàn bà trẻ đẹp, đang ở tuổi xuân xanh căng tràn nhựa sống phải sống xa chồng, lầm lũi trong
cảnh bặt vô âm tín do sự chia cắt của chiến tranh, đã giày vò Hạnh, xé nát trái tim cô. Cảnh nổi loạn của Hạnh ở "Bến
không chồng” là sự thấm thía, xót xa cho cuộc đời thụ động chỉ biết chờ đợi và hy vọng vào cuộc chiến tranh tàn bạo và
vô lý ấy. Hạnh ngâm mình dưới “Bến không chồng”, để mặc cho thân xác cô cuồng loạn trong nỗi khát thèm nhục dục:
“Cơ thể lâu ngày khô héo bỗng rạo rực, ngập tràn hưng phấn. Hạnh vùng vẫy, quẫy đạp trong ham muốn làm tình với
nước”. Đó là giây phút của bản năng, còn sau đó Hạnh vẫn là một người phụ nữ thủy chung thủ tiết chờ chồng. Ở đây,
chiến tranh không hủy diệt được sự son sắt và vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Với Nguyễn Vạn, con người muốn làm mực thước, làm thánh nhân để xứng đáng với sự ngưỡng mộ của dân làng và đã
hy sinh một đời cho ảo tưởng đó trong cuộc sống khắc kỷ đến ngốc ngếch, cũng không thể thoát khỏi sức cuốn mạnh mẽ
của bản năng: “Nguyễn Vạn bàng hoàng cả người không hiểu mình đang mơ hay tỉnh. Men rượu vẫn nung nấu trái tim
làm tâm trí Nguyễn Vạn quay cuồng. Da thịt đàn bà nần nẫn trong vòng tay và hơi thở đầy dục vọng phả vào mặt Vạn.
Sự ham muốn của Nguyễn Vạn lần này còn mãnh liệt hơn lần Vạn chạm vào ngực mụ Hơn. Vạn buông thả cho thân xác
tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà. Lần đầu tiên trong Vạn thấy sung sướng cực độ
và quên hẳn mình. Mưa gió vẫn ràn rạt ngoài cửa…”.
Phần người, phần bản năng đã chiến thắng phần thánh nhân của Vạn – con người ta không thể mãi mãi ép xác theo lý
tưởng và ảo tưởng của mình. Phút giây bản năng trỗi dậy là khi Nguyễn Vạn sống bằng dục vọng, sống cho dục vọng
nhưng không phải là lúc Nguyễn Vạn bị trụy lạc mà đó chính là thời khắc anh được làm người – một con người đúng
nghĩa.
Tình yêu muôn đời không có tội, chỉ có những thế lực cản trở tình yêu mới là tội lỗi. Bản năng của con người cũng đáng
được thông cảm khi họ bị đặt vào một hoàn cảnh quá nghiệt ngã và tàn khốc, khi con người không thể dự đoán và tự
định đoạt cho số phận của mình.
Trong tiểu thuyết viết về chiến tranh từ 1986 – 1996 ta thấy hầu như tác phẩm nào cũng có đề cập đến chuyện bản năng,
tình yêu – tình dục của con người và thể hiện nó một cách tự nhiên, chân thực. Điều đó càng phản ánh rõ hơn bộ mặt trần
trụi của chiến tranh và số phận khốc liệt của con người trong hiện thực tàn bạo ấy, qua đó hợp lý hóa đời sống bản năng
của con người, đề cao nó trong một tinh thần nhân văn cao đẹp; lên án, phê phán chiến tranh là một thế lực phi nhân tính

đã tước đoạt, cướp mất của con người quyền được sống với chính những nhu cầu bình thường và thiết yếu của họ.
So với giai đoạn trước đây, đó là một biểu hiện mới, một cách tân mới của tiểu thuyết về mặt quan điểm khi viết về cuộc
chiến tranh đã qua. Dục vọng và bản năng của con người được miêu tả đầy rẫy trong chiến tranh nhưng không phải để
phê phán con người mà là để tố cáo chiến tranh với sức tàn phá, hủy diệt ghê gớm của nó, không cho con người có quyền
được sống như chính họ mong muốn và khao khát. Vì thế đó là một biểu hiện của tư tưởng nhân văn cao đẹp, một tiếng
nói cho khát vọng con người.
Nguyễn Thị Xuân Dung



×