Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Huyền thoại T.T.Kh trong văn học Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (169.01 KB, 5 trang )

Giới thiệu
T.T.Kh bước vào làng văn một cách bí ẩn và biến mất, chỉ để lại bốn bài thơ Hai sắc hoa tigon, Bài thơ thứ nhất, Đan
áo và Bài thơ cuối cùng. Sự xuất hiện của T.T.Kh trên thi đàn làm cho khu vườn văn học bỗng trở nên xôn xao, bởi các
cuộc luận chiến văn chương xoay quanh T.T.Kh là ai?
Tiểu thuyết thứ Bảy còn mở một diễn đàn về "hiện tượng T.T.Kh". Các văn nghệ sĩ cũng lao vào cuộc truy tìm chân
tướng của thi sĩ "ẩn danh". Năm 1989, Phan Văn Học có bài Hai sắc hoa tigon một mối tình của nữ sĩ ẩn danh, in trong
cuốn Chuyện tình danh nhân. Đến năm 1994, Thế Nhật cho ra đời cuốn T.T.KH nàng là ai? Cùng thời điểm
này, Nguyễn Vỹ cũng dành nhiều trang trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến để viết về Thâm Tâm và T.T.Kh. Năm 1997,
Hoài Việt tiếp tục cuộc tìm kiếm với Thâm Tâm và T.T.Kh. Đến năm 2007, Trần Đình Thu đã rất công phu để Giải mã
nghi án văn học T.T.Kh và Ngọc Thiên Hoa với Huyền thoại Hai sắc hoa tigon cũng đã đem đến cho độc giả nhiều điều
lý thú về tác phẩm và tác giả Hai sắc hoa tigon.
Đứng trước vẻ đẹp của Hai sắc hoa tigon của huyền thoại T.T.Kh chúng tôi không thể nào không lại gần và chiêm
ngưỡng. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn giẫm lên bước chân người đi trước nên đã tìm một ngã rẽ khác trong đám
mây mù huyền thoại về tác giả, để đi tới vẻ đẹp ẩn sâu trong tác phẩm. Và Hai sắc hoa tigon từ huyền thoại đến tác
phẩm chính là bước đi của chúng tôi.
Nội dung
1. Khái lược về hoàn cảnh ra đời của Hai sắc hoa tigon
Hai sắc hoa tigon được gợi cảm hứng từ truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu. Điều này được ghi nhận trong Thi nhân
Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân viết: "Hồi september 1937, Tiểu thuyết thứ Bảy đăng một truyện ngắn của Ô. Thanh
Châu: Hoa ti gôn. Ít ngày sau tòa báo nhận được một bài thơ nhan đề "Bài thơ thứ nhất", rồi lại nhận được một bài
nữa. Hai bài đều ký tên T.T.Kh. và đều một nét chữ run run. Từ đấy tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy không nhận được bài
thơ nào nữa và cũng không biết T.T.Kh ở đâu" [6, 359]. Ta thấy thời gian không được ghi cụ thể.
Thanh Châu thì ghi "cùng dạo ấy", tức thời điểm cũng không xác định. [11, 82]
Theo Nguyễn Trung Kiên: Hai sắc hoa Tigon đăng trên "Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 179, ngày 30-10-1937…". Bài thơ thứ
nhất, "số 182, ngày 20-11-1937"… Bài thơ cuối cùng "số 217, ra ngày 23-7-1938…". [8]
Nguyễn Tấn Long ghi rõ truyện ngắn Hoa Ti-Gôn của Thanh Châu được Tiểu thuyết thứ Bảy, số 174 đăng "ngày 27
tháng 9 năm 1937". [8]
Thế Nhật cho rằng bài thơ Hai sắc hoa tigon được đăng vào "ngày 23 tháng 9 năm 1937" [11, 19]
Còn theo Ngọc Thiên Hoa thì Thanh Châu đăng truyện đầu tháng 9. Báo Tiểu thuyết thứ Bảy phát hành mỗi thứ bảy hàng
tuần. Do đó, báo đăng truyện Thanh Châu nhanh nhất cũng sẽ rơi vào thứ bảy của tuần thứ nhất trong tháng 9. Báo tới
tay T.T.Kh nếu ngay trong tuần phát hành thì cũng sẽ phải rơi vào tuần thứ nhì của tháng 9. Đọc xong, viết ngay thì cũng


phải tới tuần thứ ba của tháng 9 mới xong. T.T.Kh nếu gửi thư tới tòa soạn bằng xe… hai chân thì mau hơn gởi tới Bưu
điện Hà Nội cho "bưu tá" chuyển bằng xe… bốn chân (xe kéo). Tòa soạn có nhận bài nhanh nhất cũng phải chuyển qua
tuần đầu tháng 10 mới in. In xong thì đã là tuần thứ nhất tháng 10 ngày thứ bảy. Làm sao thơ T.T.Kh ra trong tháng 9
được? Do đó, Hai sắc hoa tigon chỉ có thể được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, số 179 thứ bảy, ngày 30/10/1937. [14]
2. Huyền thoại T.T.Kh
2.1 Huyền thoại là gì?
Theo Đặng Anh Đào, "Huyền thoại hay thần thoại là một câu chuyện, một lời nói huyền hoặc, hão huyền và có tác dụng
huyền diệu người khác. Huyền thoại là cái không thật, hoang đường, bịa đặt, tưởng tượng. Nhưng đối với người sơ khai,
huyền thoại là chân lý, sự thật, và họ tin như vậy". [23]
2.2 Huyền thoại T.T.Kh
Hai sắc hoa tigon có những câu rất hay, phù hợp với tâm trạng của lớp thanh niên thời bấy giờ. Bài thơ hay là một phần
nhưng điều khiến mọi người bàn tán nhiều nhất lại chính là danh tính của tác giả. Vì bút danh ký tắt này làm cho bao
nhiêu người phải đoán xa, đoán gần. Cùng với thời gian, nó như thách đố mọi người – T.T.Kh là ai? Nam hay nữ, và từ
đâu đến?
Có nhiều cách lý giải được đưa ra về bút danh này, chẳng hạn như đó là tên viết tắt của: Trần Thị Khánh, Tào Thị Khuê,
Trần Thị Khải, Thái Thị Khương… Và cũng có thể là tên ghép"Tuấn Trình – Khánh". Ngọc Thiên Hoa suy đoán vui, đó
là: "Tuấn Trình Kí hiệu"[14] Thế Nhật (tức Thế Phong và Trần Đình Thu) thì cho rằng: "– T chữ thứ nhất là: TRẦN – T
chữ thứ hai là: THANH – KH. hai chữ sau cùng: KHÓC. T.T.KH cả hai cùng khóc cho mối tình chân ngoài đời – mối
tình thơ trong dòng thơ lệ". [11, 46]
Sau đây, chúng tôi xin điểm qua các nhân vật được xem là T.T.Kh.
2.2.1 Thâm Tâm
Chàng thi sĩ Tống biệt hành, là ứng cử viên "nặng kí" nhất về bút danh "T.T.Kh".Bởi Thâm Tâm từng có mối tình với cô
nữ sinh tên Trần Thị Khánh và đã bị phụ tình – người yêu đi lấy chồng. Thâm Tâm làm việc tại tòa soạn Tiểu thuyết thứ
Bảy (nơi đăng các bài thơ ký dưới bút danh T.T.Kh). Hơn thế nữa, theo lời của nhiều văn nghệ sĩ như Nguyễn Vỹ, Bùi
Viết Tân, Nguyễn Tố, Hồ Thông, Anh Đào, Hoài Anh, Hoàng Tấn, Lê Công Tâm, Đỗ Nhân Tâm, Ngân Giang…Thâm
Tâm đã kể lại cho họ nghe về việc chính mình (Thâm Tâm) là T.T.Kh: "Vào những ngày đầu của cuộc chiến chống thực
dân Pháp năm 1947, tình cờ tôi được điều về đơn vị có nhà thơ Thâm Tâm hiện diện… Do đấy tôi đã ở chung với Thâm
Tâm trong một thời gian và gạn hỏi chính Thâm Tâm về huyền thoại nàng T.T.Kh, với bài thơ "Hai sắc hoa Ty-gôn"



kia... Người tôi yêu tên là Kh. Khi viết, tôi định ký rõ dưới bài là Thâm Tâm, giản dị vậy thôi, như những bài thơ tôi vẫn
thường ký khi đăng báo. Tuy nhiên, cảm về chuyện Hoa Ty – gôn, một tối, tôi lại làm bài "Hai sắc hoa Ty – gôn" cực tả
mối tình của ai kia, và… liều chọn một bí danh ký dưới bài thơ bằng ba chữ viết tắt T.T.Kh. Ba chữ viết tắt ấy chỉ có
nàng và tôi hiểu". [7, 191]
Chuyện mình là T.T.Kh được Thâm Tâm kể với rất nhiều người bạn, và bây giờ họ lại kể lại. Nhưng thực tế, Thâm Tâm
không bao giờ nhận mình là tác giả T.T.Kh trên báo giới mà chỉ được người sau nhắc lại theo motip: "Thâm Tâm kể
lại…". Như thế liệu độc giả có tin tưởng được hay không?
2.2.2 Trần Thị Khánh
Nhưng một số người khác như: Thạch Hồ, Giang Tử, Trần Quân (tức Trần Viết Hương – cậu nhà văn Thanh Châu),
Hoàng Tiến, Lương Trúc thì cho rằng: "T.T.Kh tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu
nhau, nhưng không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này. Cô Khánh đọc Tiểu
thuyết thứ Bảy, in truyện ngắn Hoa tigon của nhà văn Thanh Châu (số 9, năm 1937), xúc động, tự thổ lộ câu chuyện
riêng bài thơ Hai sắc hoa tigon và gửi đăng ở Tiểu thuyết thứ Bảy"[13, 133]. Nhưng nhìn chung, các chứng cớ để
khẳng định cho độc giả thấy được T.T.Kh chính là Trần Thị Khánh đều không có sức thuyết phục.
2.2.3 Nguyễn Bính
Nguyễn Bính là người sáng tác bài "Cô gái vườn Thanh" (hay Dòng dư lệ) với dòng đề từ "tặng T.T.Kh" và ông cũng
làm việc ở Tiểu thuyết thứ Bảy. Do đó, người ta nghĩ ông là tác giả Hai sắc hoa tigon thì cũng không có gì ngạc
nhiên. Ngoài ra,Ngọc Thiên Hoa còn đưa ra vài đặc điểm giống nhau trong thơ của Nguyễn Bính với thơ của T.T.Kh.
– Những thi sĩ khác hay dùng "thi sĩ", Nguyễn Bính dùng "nghệ sĩ":
"Ta vẫn là nghệ sĩ ta vẫn là nhà thơ
nghệ thuật vẫn chung thủy
không chết yểu bao giờ"
(Thư gửi Trần Huyền Trân)
– Trong Lỡ bước sang ngang, Nguyễn Bính có nhắc tới "nhà nghệ sĩ":
"Dừng chân bên bến sông buồn,
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang"
"Nhà nghệ sĩ" mà trong "Bài thơ thứ nhất", T.T.Kh đã nhớ:
"Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương"
– Nguyễn Bính dùng "dòng nước mắt thừa – dòng dư lệ":

"Tặng người gọi một dòng thơ
Hay là dòng nước mắt thừa đêm qua"
Trong hai bài thơ của mình, T.T.Kh cũng từng nhắc đến:
"Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên"
(Bài thơ thứ nhất)
"Giận anh, em viết dòng dư lệ
Là chút dư hương điệu cuối cùng"
(Bài thơ cuối cùng) [14, 295-316]
Như vậy, thơ T.TKh và thơ Nguyễn Bính có nhiều nét tương đồng. Nhưng những điều đó có thể trở thành những luận cứ
xác đáng để minh chứng Nguyễn Bính là T.T.Kh hay không?
2.2.4 Trần Thị Vân Chung
Đây là ứng cử viên mới nhất được Thế Nhật và Trần Đình Thu đưa vào ngôi vị chủ nhân của bút hiệu T.T.Kh với một
tham vọng: "Tôi tin rằng tôi là người cuối cùng khép lại được nghi án này sau 70 năm để ngỏ". [13, 87] Và Trần Đình
Thu đã đưa ra hai tiêu chí để xác định người có thể là T.T.Kh:
"Thứ nhất, T.T. Kh phải là một người phụ nữ". Do trong thơ T.T.Kh có những câu thơ đầy "tính nữ".
"Thứ hai, T.T.Kh phải là người thân thiết với nhà văn Thanh Châu, cụ thể hơn người đó phải là người yêu của nhà văn
Thanh Châu".
(…) Và "Ai có thể là T.T.Kh?": "Trong số những người phụ nữ được giả định trước đây, chỉ có một ứng viên" duy nhất
phù hợp với vị trí của T.T.Kh theo tiêu chí nói trên. Đó chính là bà Trần Thị Vân Chung… ". [13, 68]
Nhưng người trong cuộc là nhà văn Thanh Châu – người yêu của T.T.Kh, lúc gần đất xa trời" lại khẳng định: "Không!
Không phải! Bà Vân Chung không phải là T.T.Kh. Toàn là bày vẽ chuyện". [14, 575]. Và chính Vân Chung đã gửi thư
phản đối cuốn "T.T.KH nàng là ai" (năm 1994) của Thế Nhật, trong đó viết: "Điều trước nhất tôi xin thưa Tôi không
phải là T.T.KH!". [11, 122]
Tiểu kết: Các nhà thơ như Trần Huyền Trân, J.Leiba (Lê Văn Bái), Đinh Hùng… cũng được xem là T.T.Kh nhưng do
các tác giả này ít được tranh cãi, và một phần cũng vì khuôn khổ của đề tài, chúng tôi mạn phép không giới thiệu.
Mấy chục năm trôi qua, các nhà nghiên cứu vẫn miệt mài làm nhiệm vụ "trinh sát" nhưng danh tính thật sự về người thi
sĩ ẩn danh T.T.Kh vẫn "biệt vô âm tín". Những bài thơ của tác giả như những chiếc lá dâu xanh mơn mởn, tạo ra sức
cuốn hút không thể nào cưỡng lại cho các nhà nghiên cứu. Họ là những con tằm quấn quýt bên nông dâu. Tằm ăn lá dâu,
để rồi rút ruột nhả những sợi tơ óng mượt. Các "thợ dệt" (nhà nghiên cứu) đã cùng nhau miệt mài dệt nên bức



tranh "huyền thoại hoa tigon và T.T.Kh". Đứng trước một công trình nghệ thuật, công chúng luôn khao khát chiêm
ngưỡng và đòi hỏi được biết thông tin về tác phẩm đó. Nhưng thời gian qua, bức tranh "huyền thoại" ấy vẫn giữ bên
mình bí mật – như nụ cười đầy bí ẩn của "nàng Mona Lisa". Độc giả càng nhìn càng say mê càng cuốn hút. Chẳng thể
mà, Nguyễn Trung Kiên thật có lý khi nói rằng: "Huyền thoại, chỉ nên mãi mãi là huyền thoại". Hay như cách nói của
nhà văn Thanh Châu: "Riêng tôi, đọc lại thơ T.T.KH tôi ngạc nhiên thấy phong cách thơ bà khác xa thơ của ba ông bạn
Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân cùng thời…. T.T.KH. là ai? Có lẽ ta cũng chẳng cần biết rõ đó là ai!".[11,
90].
Vì những lẽ ấy, trong bài nghiên cứu này, chúng tôi chỉ giới thiệu một cách khái lược những nhận định về các "đối
tượng" được giả thuyết nhiều nhất là T.T.Kh, để độc giả có dịp hồi cố lại và tự đi tìm câu trả lời cho trả lời trong một thế
giới mở đó.
3. Thi pháp trong Hai sắc hoa tigon
Chuyện tình T.T.Kh với Hai sắc hoa tigon là một huyền thoại đẹp, hấp dẫn trong thi ca. Nhưng mục đích chính của bài
nghiên cứu này là tìm ra vẻ đẹp ẩn sâu trong lớp mây mù huyền thoại. Và chúng tôi mạn phép soi chiếu bài thơ nổi tiếng
này dưới lăng kính thi pháp học. Theo Bakhtin "Thi pháp học được định nghĩa có hệ thống phải là mỹ học sáng tạo nghệ
thuật ngôn từ". Lăng kính thi pháp chiếu vào tác phẩm ở nhiều góc độ: không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật, điểm
nhìn… nhưng do khuôn khổ bài nghiên cứu và tránh sự lặp lại những điều đã nói. Bởi thi pháp học là một hệ thống, do
đó các yếu tố nghệ thuật đan xen nhau, ranh giới giữa chúng có sự nhập nhòa. Cho nên, chúng tôi chỉ chọn thi pháp điểm
nhìn; trong đó sẽ trình bày các yếu tố cấu thành hệ thống điểm nhìn: nhân vật, không gian, thời gian, tâm lý và điểm nhìn
tu từ.
3.1. Điểm nhìn thời – không (gian): Không gian và thời gian tồn tại khách quan trong thế giới vật chất. Không gian và
thời gian chỉ mang tính quan niệm khi được nhìn qua ý thức chủ quan của tác giả. Chúng gắn liền với nhau, chi phối lẫn
nhau, tạo nên hệ thống "thời – không". Điểm nhìn của nhân vật trữ tình được đặt trong điểm nhìn"thời – không".
Có thể nói, trong Hai sắc hoa tigon, không gian tràn ngập sắc thu. Hình tượng"thu" trong thi phẩm được lặp lại mười
lần. Nó trở thành nỗi ám ảnh đối với nhân vật trữ tình "tôi".
"Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn", câu thơ ấy, không gian ấy gợi nhớ về mùa thu đã qua với thời gian được trần thuật
– "mỗi hoàng hôn". Đây chính là khung cảnh quen thuộc của đôi tình nhân và "câu chuyện" thơ mộng đã mở ra. Mùa thu
thường mang nỗi buồn, lại được cộng hưởng bởi màu vàng hoàng hôn tạo ra một xúc cảm man mác, bồn chồn. Thế nên
cô gái cứ "nhặt cánh hoa rơi" mà "chẳng thấy buồn". Hành động trái ngược ấy của nhân vật thể hiện sự ngây thơ, hồn

nhiên: "thuở ấy nào tôi đã hiểu gì".
Từ "thu" được luyến đi luyến lại, nhằm chỉ sự lặp đi lặp lại của thời gian. Năm tháng qua đi nhưng lòng người không
thay đổi vẫn còn "giá" băng trong tim không biết"đến bao giờ" mới tan chảy bởi vì trong lòng nhân vật trữ tình "vẫn
giấu trong tim một bóng người". Điệp ngữ "từng thu chết" lặp lại hai lần trong một câu thơ bảy chữ đã diễn tả một nỗi
đau như khứa vào tim "tôi" không ngơi nghỉ. Nó là vết thương âm ỉ càng ngày càng lan ra mà không thể cầm được
máu. "Bóng" của người yêu đã xâm chiếm cả không gian lòng của "tôi". Ta thấy, trái tim là một không gian "lớn", vì nó
chứa cả hình bóng của một con người; nhưng nó cũng thật nhỏ bé khi chỉ chứa đủ "một" và chỉ "một" người mà thôi.
Tình yêu thủy chung của nhân vật trữ tình được thể hiện qua hình tượng độc đáo: "bóng" trong "tim".
Thời gian xưa cũ – "một mùa thu trước" lại ùa về trong đôi mắt chất chứa nỗi"nhớ" của cô gái. Và không gian đã được
mở rộng ra với sự kết hợp của phụ từ"rất" và từ láy "xa xôi". Nỗi buồn của tác giả đã tăng thêm, trào dâng, chực trào ra,
và chiếm lĩnh cả không gian thực tại. Từ cảm giác buồn tác giả chuyển sang cảm giác "sợ" khi chiều thu đến. Không
gian đất trời như được "phớt" bởi một chút ánh "nắng mờ", sự nhạt nhòa của không gian như gợi lên sự u buồn đến đáng
sợ trong lòng tác giả. Không gian rộng lớn của trời đất như nhỏ bé lại khi hai từ "chiều thu" án ngữ đầu và cuối câu thơ
thứ hai: "chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu". Sự nhạt mờ của trời chiều tạo cảm giác cô đơn, trống vắng trong tâm hồn
nhân vật trữ tình. Không gian chật hẹp ấy làm nỗi buồn cô đọng lại thành "hoa đỏ" để rồi rụng trong "chiều thu" – không
gian mênh mông, trống vắng. Tất cả tạo nên một vòng lẩn quẩn, bế tắc trong cõi lòng, không thể nào hóa giải được.
3.2. Điểm nhìn nhân vật: Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự thể hiện tâm tư tình cảm của con người. Hai sắc hoa
tigon chính là tiếng lòng của tác giả. Do đó, điểm nhìn của tác giả chính là điểm nhìn bên trong của nhân vật trữ
tình"tôi". Trong bài thơ, đại từ ngôi thứ nhất "tôi" được lặp lại mười lăm lần. Nó bộc lộ cách nhìn chủ quan của tác giả,
một cách chân thành về tâm trạng của mình.
Trong Hai sắc hoa tigon, ngoài điểm nhìn đầy sắc thu, còn có một hệ thống "thời – không" được nhìn ở một góc độ khác.
Thời gian mang tính sự kiện "lần đi một lỡ làng" với không gian tang tóc: "dưới trời đau khổ chết yêu đương". Người
chỉ một lần đi, cũng không có cơ hội quay trở lại, dẫu rằng người ra đi "đâu biết" điều đó.Điểm nhìn của tác giả được đặt
trong không gian "dưới trời" đầy nỗi "gian khổ".Những nỗi đau ấy là những lưỡi kiếm giết "chết yêu thương" trong tâm
hồn con người. Người đi đến một khung trời xa lạ, kẻ ở nhà mỏi mắt ngóng trông. Không gian"xa xăm quá", tạo thành
một khoảng không trống trải trong lòng, nên "buồn lắm".Từ ngữ thật giản đơn, mang đầy tính khẩu ngữ nhưng thể hiện
được nỗi buồn một cách sâu sắc. Mỗi độ thời gian trôi qua, cô gái vẫn day dứt trong nỗi nhớ khắc khoải dâng đầy. Thời
gian sự kiện khác là "một ngày vui" – ngày vu quy được báo hiệu bằng sắc đỏ thắm của xác pháo "nhuộm" đầy "đường".
Động từ "nhuộm" như một thi liệu nhằm diễn tả niềm vui đang tràn ngập trong không gian. Nhưng tả niềm vui để khẳng
định nỗi buồn – Khi người chồng ấy không phải người mình yêu!

Có một không gian rất khác, rất lạ và độc đáo trong bài thơ: "Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời". Câu thơ giàu chất suy
tư. "Bên cạnh" nghĩa là không gắn kết, không hòa hợp. Hai khách thể tồn tại song song, hai không gian sóng đôi xuyên
suốt một khoảng thời gian kéo dài qua phụ từ chỉ thời gian "vẫn". Nhân vật "tôi" nhìn cuộc sống vợ chồng với một ánh
nhìn rất hờ hững, dường như nàng chẳng quan tâm đến. Mặc cho sự "ái ân lạt lẽo của chồng", nàng vẫn không màn,
không để ý. Vì không gian trong lòng nàng chỉ có hình bóng của "một người" và hiện tại đối với nàng chỉ là sự hoài niệm


về "thuở ấy". Có một cái gì đó buồn mênh mang như thầm tiếc nuối cho mối tình của chính mình:
"Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Lầm lỡ tình duyên cũ mất rồi"
Đến khổ thơ cuối cùng, cảm xúc trữ tình của nhân vật "tôi" như bức phá, trào dâng. Tựa loài chim yến ép xương dùng
nước miếng của mình tạo ra "vàng trắng" cho đời, T.T.Kh đã trút hết tâm huyết của mình. "Dòng dư lệ" nhỏ xuống nức
nở nghẹn ngào khi:
"Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?"
Chỉ khi đau khổ tuyệt vọng, bế tắc không lối thoát, con người mới kêu lên hai tiếng"trời ơi". Hai từ ấy không của riêng
ai, nhưng trong thơ văn trang trọng tiếng khẩu ngữ ấy dường như rất mới. Lời than "trời ơi" bật ra thành tiếng kêu lớn,
thoát ra tự đáy lòng, nhưng rồi nghẹn lại trong tim đến chảy máu như loài "hoa tim vỡ". Bởi nàng "đã lấy chồng", đây là
một sự việc đã rồi, không thể nào cứu vãn được. Trước sự việc như thế, nhân vật trữ tình thể hiện cái nhìn tâm lý của
mình: "người ấy có buồn không?". Câu hỏi mang dáng dấp tu từ, và câu trả lời là một ẩn ngữ mà nó đang khắc khoải,
đau đớn bởi "máu hồng" vẫn chảy trong lòng.
Đó là cái nhìn thực tại của tác giả khi đã "lầm lỡ tình duyên". Nhưng nhân vật "tôi"còn có cái nhìn rất ngây thơ trong
sáng trong buổi ban đầu biết đến tình yêu:
"Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương"
Con gái thường đa sầu đa cảm, chỉ những việc nhỏ của tự nhiên như lá rụng, hoa rơi cũng khiến họ man mác buồn.
Nhưng nhân vật nữ trong Hai sắc hoa tigon thì ngược lại – "chẳng thấy buồn". Đôi mắt nàng thật hồn nhiên, trong sáng,

chẳng lo nghĩ những chuyện u sầu. Và hình ảnh mái tóc nàng được "nhuộm" bằng "ánh nắng tà". Ánh nắng của buổi
chiều "tà" với sắc vàng "hoàng hôn" như rơi, như rót vào mái tóc nàng. Đây là một hình ảnh rất đẹp giàu chất thơ. Chính
vẻ đẹp của không gian lúc này, mà khi nhớ lại nhân vật mới cảm giác "sợ chiều thu phớt nắng mờ".Cái màu đó như
khắc, như in trong lòng tác giả và nó trở thành sắc "màu ám ảnh".Bởi trong màu không gian ấy, họ đã đến với nhau và
họ đã đứng đợi nhau. Tình yêu là thế. Đã yêu nhau thì luôn nhung nhớ và mong chờ "người đến" để "yêu đương".Tình
yêu của nhân vật trữ tình thật đẹp, thật hồn nhiên và trong sáng.
Cũng có một cái nhìn tinh tế đối với tình yêu như thế, trong bài "Xa cách", "Ông hoàng thơ tình" – Xuân Diệu
viết: "Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt". Đó cũng chính là điểm nhìn của "người ấy" – nhân vật thứ hai trong câu chuyện
thơ:
"Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài những lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"
Trái lại với người con gái, nhân vật xưng "anh" rất hay "thở dài". Điều đó đã nói lên tâm trạng lo lắng cho mối tình của
chúng "ta" sẽ tan vỡ. Nỗi sợ hãi này được cái nhìn trần thuật của tác giả miêu tả lại. Và cái mầm âu lo ấy nảy nở vẫn
ngay trong niềm vui của nàng, ngay trong cái không khí thân mật của hai người: chàng trai"vuốt tóc" cô gái. Bởi vì, tình
yêu của đôi ta giống như "dáng tim vỡ". Nhưng trước linh cảm phải xa cách nhau của chàng trai, thì người con gái
chỉ "cười" và "đáp":
"Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng,
Là chút lòng trong chẳng biến suy!"
Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, sự thanh bạch trong tâm hồn. Qua đôi mắt nàng, màu trắng của hoa tigon chính
là biểu hiện của sự thủy chung, trước sau như một "chẳng biến suy".
Không gian hiện thực trở lại với nhân vật trữ tình khi "gió về lạnh lẽo chân mây vắng". Sắc lạnh của sự cô độc như bao
trùm lên con người khi "người ấy ngang sông đứng ngóng đò". Hình tượng đứng ở bờ sông để "ngóng đò" là hình ảnh
quen thuộc trong thi ca nay được nhìn qua cái nhìn của nhân vật "tôi". Nàng như cảm và hiểu được sự chờ mong, sự
trông ngóng của chàng trai. Điểm nhìn của nàng như trùng khít với điểm nhìn của "người ấy".
Trong Hai sắc hoa tigon, cái nhìn của nhân vật tôi không chỉ hướng về "người ấy"mà còn hướng về cách nhìn của người
chồng:
"Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ"

Đây một cái nhìn rất nhỏ trong bài thơ nhưng nó chứa đựng một giá trị lớn. Lấy người mình không yêu nên người vợ
luôn có trạng thái "đồng sàng dị mộng". Những lời thơ của T.T.Kh như đả phá vào cái vòng xiềng xích "tam tòng" của lễ
giáo phong kiến. Đã có chồng mà vẫn còn nhớ đến "người ấy", vẫn "giữ trong tim bóng một người". Vậy nhân vật trữ
tình đáng thương hay đáng trách? Nhà phê bình Chu Văn Sơn có bình luận như sau: "Người thiếu thông cảm chỉ thấy cái
bề ngoài, người tri kỷ thì thấu gan ruột mà ra". Cho nên, sự trách hay thương là tùy thuộc vào quan điểm nhìn nhận của
độc giả về T.T.Kh.
Trong Hai sắc hoa tigon, không gian và thời gian, hiện tại và quá khứ đan xen nhau. Ở đó câu chuyện được kể qua cái
nhìn trần thuật của nhân vật tôi. Không gian đã gợi "hứng thơ" cho tác giả. Và nhân vật trữ tình mang không gian vào
trong bản thân mình rồi trải mình ra cùng với không gian. Chiếm lĩnh không gian như một đối tượng thẩm mỹ, nghĩa là


qua sự hoà nhập tuyệt đối vào không gian. Thời gian thì mang tính hồi ức hiện về với bao kỉ niệm, nó là lớp phù sa bồi
lắng trong lòng tác giả. Khi không gian kỉ niệm chợt hiện về, nó là mái chèo khẽ khuấy động lớp phù sa để bật ra tiếng
nói tâm hồn. Chính kết cấu như thế, tạo nên một câu chuyện tình yêu đầy chất hư ảo, huyền thoại trong Hai sắc hoa
tigon. Nhưng ở đó, ta cảm giác như rất thực bởi giọng thơ mang tính trần thuật đầy chân thật, cảm xúc nghẹn ngào.
3.3 Điểm nhìn tu từ: Đây là cái nhìn được tạo nên bởi cái nhìn độc đáo của tác giả về đối tượng miêu tả, bằng biện pháp
tu từ. Và hình tượng đặc sắc nhất trong bài thơ có lẽ là hình tượng "hoa tigon".
Thanh Châu và Khái Hưng cũng từng viết về loài hoa tigon. Nhưng thật sự, chỉ T.T.Kh là người đã nhân rộng loài hoa
này đến với công chúng văn chương và bảo chứng nó bằng bài thơ Hai sắc hoa tigon. Trong thi phẩm, hình tượng hoa
tigon được thể hiện ba lần qua ánh nhìn của nhân vật "người ấy" và nhân vật "tôi":
"Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng,
Là chút lòng trong chẳng biến suy!"
"Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai!"
"Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng"
Lấy cảm hứng từ thơ T.T.Kh, Nghiêm Phái – Thư Linh trong "Những dòng thơ hoa"viết:
"Giây leo mỏng mảnh kết chùm hoa
Nho nhỏ xinh xinh dáng dịu hòa
Mấy cánh hồng hình tim khắng khít

Bao tua xanh sắc lá nhạt pha
Gió lên lồng lộng bông rơi rụng
Nắng thoảng mờ phai dạ xót xa (…)" [11, 48]
Trích khổ thơ này, chúng tôi muốn độc giả biết thêm về đặc điểm sinh học của loài hoa tigon và từ đó để xem cái nhìn
của T.T.Kh về loài hoa này như thế nào?
Thứ nhất, màu hoa là biểu tượng cho lòng chung thủy, dù hoàn cảnh như thế nào đi chăng nữa, tình yêu của người con
gái ấy "chẳng biến suy" qua ánh nhìn ngây thơ của nhân vật "tôi". Thứ hai, đó là hình ảnh của trái tim "yêu". Nó được
gợi nhớ ở thời gian sự kiện "buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết", bất chợt nhận ra hình bóng cũ. Cái hình bóng ấy đang
đau đớn, quằn quại bởi "trái tim vỡ", và "máu hồng" – màu máu của tình yêu tuôn chảy đề rồi con tim trở nên chết lặng,
bị "phai" màu. Động từ "phai" mang sắc thái nhẹ nhàng, phải có yếu tố thời gian. Điều đó, chứng tỏ người con gái đau
đớn khi máu từng giọt, từng giọt nhỏ xuống, và nàng đã chết mòn theo năm tháng. Thật đau đớn biết bao, bởi màu hoa là
màu máu… và hình tượng hoa được ví với hình tượng trái tim của tình nhân. Hoa vỡ, tình tàn. Hoa vỡ vì hoa đã tới độ
căng tràn, con tim yêu nhạt nhòa vì cạn máu. Hai hình tượng như quyện vào nhau, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ đối với hai
nhân vật trong câu chuyện tình Hai sắc hoa tigon. Nó mãi là hình tượng ám ảnh độc giả khi nhắc về loài hoa này.
Kết luận
Có thể nói trong nhân gian và cả trong văn học có rất nhiều câu chuyện huyền thoại về tình yêu. Mỗi huyền thoại mang
một màu sắc riêng. Và cũng có nhiều nhà thơ chỉ nổi tiếng với một bài duy nhất. Huyền thoại về T.T.Kh và Hai sắc hoa
tigon, mang một vẻ đẹp của sự u buồn, thấm đẫm màu hoa.
Trắng và đen, thực và ảo, hiện thực và lãng mạn… là những đối cực trong cuộc sống. Và tiến trình lịch sử của một nền
văn học có thể được tạo nên bởi cuộc đời và tác phẩm của những nhà văn chân chính. Nhưng một chút hư ảo, mông lung,
huyền bí của thế giới cổ tích, thần thoại, truyền thuyết… cũng góp phần làm nên vẻ đẹp của một nền văn học. Thật vậy,
huyền thoại về loài hoa tim vỡ, cùng với bút danh T.T.Kh đã tạo nên vẻ đẹp huyền bí trong văn học Việt Nam hiện đại.
Nó như đóa hoa trong khu vườn văn học này. Hơn 2/3 thế kỉ đã qua, vượt qua thử thách của thời gian, vẻ đẹp của nó đã
được khẳng định.
Qua việc tìm hiểu thi pháp Hai sắc hoa tigon, ta càng thấy rõ vẻ đẹp trữ tình ẩn sau áng mây huyền thoại về tác giả. Xin
mượn lời của nhà văn Thanh Châu để khẳng định một lần cuối về giá trị của thi phẩm này: "Tôi đọc bài thơ đầu của
T.T.Kh. với một sự cảm động thực thà. Tôi cho là những lời thơ xuất tự tâm hồn, giản dị nhẹ nhàng và chân thật ấy còn
đẹp hơn cả những lời thơ đẹp nhất của các Desbordes Valmores hay Rosemonde Gérard của Pháp nữa. Và tôi thấy chán
cả cái nghề viết tiểu thuyết… Tôi đã nghe bàn tán nhiều về T.T.Kh. Người ta tò mò muốn biết rõ đời riêng của người đàn
bà có cái tâm sự kia… Tôi thì tôi chưa được biết mặt, biết tên thực của T.T.Kh… Tôi cầu chẳng bao giờ gặp mặt T.T.Kh.

để được yêu thơ hơn. Và tôi lại có ý muốn lạ lùng này, đừng bao giờ người đàn bà ấy viết thêm một bài thơ nào nữa. Tôi
chỉ sợ những bài thơ sau sẽ làm giảm bớt giá trị của bà đi…" [11, 71].
Đinh Quốc Duy (SV ĐH Văn Hiến)

• Xem thêm: Tìm hiểu bài thơ Hai sắc hoa Ti Gôn và tác giả T.T.Kh



×