CHUYÊN ĐỀ:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN TRONG DẠY HỌC
MÔN TỰ NHIÊN XÃ HỘI LỚP 2, 3 THEO MÔ HÌNH VNEN
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Mô hình VNEN là mô hình dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung
tâm. Giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng
tạo của học sinh.
Việc áp dụng mô hình VNEN vào trường Tiểu học hiện nay sẽ đạt hiệu quả cao
hơn và mô hình này đang được các cấp, các ngành rất quan tâm. Mô hình trường
học mới VNEN không những thay đổi phương pháp dạy mà thay đổi cả phương
pháp học: học sinh tự học, tự quản lí, tự đánh giá. Mô hình này còn có sự tham
gia tích cực của cộng đồng trong quá trình giáo dục.
Tuy đã là năm thứ hai thực hiện mô hình này nhưng đối với giáo viên và học
sinh khối lớp 2 + 3 của chúng tôi cũng còn rất nhiều điều băn khoăn, trăn trở.
Chính vì lý do trên mà chúng tôi mạnh dạn thực hiện chuyên đề về: Một số giải
pháp khắc phục khó khăn trong dạy học môn TNXH lớp 2,3 theo mô hình
VNEN.
II. THỰC TRẠNG:
1, Thuận lợi:
*Về phía nhà trường:
- Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo và triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản
của Bộ, Sở, Phòng về đổi mới phương pháp dạy học, quản lý chặt chẽ, chỉ đạo
chuyên môn sát sao.
- BGH nhà trường luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện động viên khuyến
khích giáo viên trong công tác chuyên môn.
- Nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục.
*Về phía giáo viên:
- Đội ngũ giáo viên nhiệt tình, hết lòng vì học sinh thân yêu.
- Tất cả giáo viên đều được tham gia vào lớp bồi dưỡng chuyên môn hàng năm
do Phòng giáo dục- Đào tạo Đơn Dương tổ chức.
- 100 % GV được tham gia tập huấn theo mô hình trường tiểu học mới VNEN.
*Về phía học sinh
- Đa số học sinh chăm ngoan, có ý thức học tập tốt.
- Đa số các em rất thích thú và hào hứng, muốn tự khám phá, tự chiếm lĩnh kiến
thức khi được học theo mô hình trường học mới.
*Về phía phụ huynh:
- Thường xuyên phối kết hợp với giáo viên trong công tác giảng dạy cũng như
trang trí lớp.
- Phụ huynh mua sắm đầy đủ đồ dùng học tập tạo điều kiện để các em học tập
tốt.
2. Khó khăn :
*Về phía giáo viên:
- Giáo viên còn lúng trong cách thức tổ chức dạy học môn TNXH theo mô hình
trường Tiểu học mới như thế nào để học sinh đạt kết quả cao nhất trong học tập.
- Giáo viên xử lý chưa tốt trong việc điều hành hoạt động giữa cá nhân hoặc các
nhóm học sinh có nhịp độ học tập chênh lệch nhau.
- Giáo viên chưa biết nên trang trí góc học tập môn TNXH như thế nào cho
phong phú và thu hút được học sinh.
*Về phía học sinh:
- Một số HS trong nhóm còn chưa thật sự tập trung vào việc thảo luận nhóm,
vẫn còn ngồi chơi hoặc làm việc riêng.
- Nhóm trưởng điều hành các hoạt động nhóm chưa năng động, sáng tạo còn thụ
động.
- Từ những thực trạng trên, chúng tôi đã đưa ra một số biện pháp sau nhằm khắc
phục những tồn tại như sau :
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN :
Một là: Nắm chắc cấu trúc của tài liệu môn TNXH
a, Cấu trúc của chương trình:
Tài liệu hướng dẫn học TNXH là một thành phần cơ bản của chương trình
EN. Tài liệu có những đặc điểm chính sau:
- Bảo đảm chuẩn KT- KN của chương trình môn TNXH hiện hành. Không thay
đổi về cấu trúc, nội dung của mỗi bài học song có thay đổi trong việc sắp xếp
nội dung của mỗi bài học theo hướng tích hợp cao hơn nên mỗi bài thường được
dạy từ 2 hoặc 3 tiết còn bài ôn tập có thời lượng 1 tiết.
- Tài liệu có tính tương tác cao:
* Đối với giáo viên: Tài liệu tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức hoạt động dạy
học trên lớp vì tài liệu bao gồm cả phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.
* Đối với học sinh: Tài liệu có tính tương tác cao thuận lợi cho việc học cá nhân
và nhóm. Tài liệu bao gồm một chuỗi các hoạt động được thiết kế chú ý đến quy
trình để đưa ra các chỉ dẫn từng bước nhằm giúp học sinh tự học phù hợp với
đặc điểm và trình độ của từng đối tượng.
*Đối với phụ huynh HS: Tài liệu có chú trọng đến các hoạt động học tập được
thực hiện ở nhà của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh và
cộng đồng tham gia vào quá trình học tập của các em thông qua việc hướng dẫn,
giúp đỡ HS học tập, bổ sung các kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu
học tập của học sinh.
- Tài liệu có “tính mở” giáo viên được chủ động thay đổi, nâng cao trình độ học
sinh trên chuẩn phù hợp với điều kiện vùng miền.
b, Cấu trúc của một bài TNXH như sau:
- Tên bài.
- Mục tiêu bài học.
- Các hoạt động học tập:
A. Hoạt động cơ bản: Học sinh trải nghiệm, tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến
thức mới.
B. Hoạt động thực hành:
-Thực hành thí nghiệm à ít
- Làm bài tập.
- Đóng vai, trò chơi.
C. Hoạt động ứng dụng: Học sinh được chia sẽ với xã hội, với cộng đồng.
Hai là: Tổ chức lớp học VNEN:
- Thành lập Hội đồng tự quản học sinh: Giáo viên bộ môn kết hợp với giáo viên
chủ nhiệm lớp tập cho các thành viên biết công, biết việc của mình, biết cách
điều hành và lãnh đạo công việc.
- Bồi dưỡng kĩ năng điều hành hoạt động nhóm cho các nhóm trưởng:
Vì nhóm trưởng là linh hồn của hoạt động là người hỗ trợ đầu tiên trong nhóm
bởi vậy nên chọn bạn học tốt hơn các bạn khác trong nhóm.
Giáo viên tranh thủ thời gian vào giờ ra chơi hay cuối mỗi buổi học tập hợp các
nhóm trưởng lại họp triển khai công việc. Lúc này giáo viên đóng vai là một
nhóm trưởng thực thụ còn các nhóm trưởng làm các bạn học sinh trong nhóm để
hướng dẫn học sinh kĩ năng điều hành các hoạt động, kĩ năng đặt câu hỏi, trả lời,
nhận xét tuyên dương.
- Xây dựng góc học tập môn TNXH: Để góc học TNXH trở nên phong phú, gây
được niềm say mê đối với học sinh thì bản thân mỗi giáo viên phải là người
hướng dẫn và cùng với HS trực tiếp tham gia vào việc tổ chức sắp xếp góc học
TNXH cũng như các góc môn học khác. Vì thế, trong góc học tập môn TNXH,
chúng tôi cùng với HS chú ý tìm những loại tài liệu sau:
Các loại cây ( có đủ các bộ phận): có ở địa phương được được trồng hoặc phơi
khô trong đó có loại sống trên cạn,có loại sống dưới nước…
- Các loại hoa quả, lương thực, thực phẩm có ở địa phương mà các em thường
sử dụng.
Tài liệu in ấn: Sách, tờ rơi, áp phích, tranh ảnh minh họa về thực vật, động vật
giúp học sinh tăng cường hiểu biết và mở rộng kiến thức.
Ngoài ra, giáo viên luôn quan sát xem học sinh của mình thích loại cây nào ?
thích tìm hiểu về vấn đề gì?…. Từ đó, giáo viên động viên, thúc đẩy lòng yêu
thích công việc mà học sinh đang thực hiện.
Ba là: Dự kiến kế hoạch lên lớp:
- Để học sinh đạt được mục tiêu KT - KN của bài thì bản thân mỗi giáo viên
phải thật sự đầu tư vào chuyên môn. GV không phải soạn bài nhưng phải nghiên
cứu kĩ bài, đọc trước xem cần điều chỉnh lôgô, nội dung nào? Có tình huống gì?
Dự kiến tình huống xảy ra để chuẩn bị ghi vào sổ dự kiến kế hoạch dạy học và
chuẩn bị các tình huống phát sinh. BT nâng cao không để HS ngồi chơi.
Ví dụ: Bài 7: Cần làm gì để bảo vệ cơ quan thần kinh. Tài liệu TNXH trang 42.
HĐ1a: GV dự kiến sau khi học thực hiện nhóm 2 xong, mời một số bạn lên
trước lớp thể hiện lại nét mặt ở các trạng thái, cười, tức giận, lo lắng, sợ hãi cho
cả lớp cùng quan sát, xem các em đã nắm vững và hiểu đúng nội dung bài học
chưa?
HĐ2a/45: Dự kiến câu hỏi mà GV sẽ kiểm tra :
+ Hình nào có lợi cho cơ quan thần kinh? Vì sao?
+ Hình nào không có lợi cho cơ quan thần kinh? Vì sao?
·
Dự kiến tình huống sẽ xảy ra:
+ Cùng một thời điểm có nhóm đã làm xong hoạt động 4 chẳng hạn mà hoạt
động 5 tiếp theo là hoạt động cả lớp. Trong khi đó có nhóm mới làm đến hoạt
động 2 hoặc 3.
+ Với tình huống này giáo viên giao tiếp bài tập nâng cao cho nhóm đó hoạt
động tiếp không để học sinh ngồi chơi.
Ví dụ: Bài “ Các loại côn trùng” lớp 3
HĐ2/33: Dự kiến câu hỏi mà GV sẽ kiểm tra :
+ Nêu tên côn trùng có trong hình số 5?
+ Kể tên các bộ phận bên ngoài của con kiến ?
+ Em hãy chỉ cho cô và các bạn xem đâu là đầu? đâu là ngực? đâu là bụng? đâu
là chân ?
+ Theo em chân của kiến có gì đặc biệt? ( có các đốt chân )
+ Em thử đoán xem cơ thể của kiến có xương sống không ?.....
* Giáo viên chú ý khi kiểm tra HS trong nhóm: Các câu hỏi phải được phân chia
cho từng HS trả lời để xem mức độ nắm bài của các em, tuyệt đối không tập
trung nhiều câu hỏi vào một em.
·
Dự kiến tình huống sẽ xảy ra:
Ví dụ: Câu c của bài “ Các loại côn trùng” lớp 3: Nói điểm giống nhau của
các loại côn trùng trên ?
- HS có thể trả lời: Đầu, bụng, ngực và chân. Thiếu mất ý: côn trùng có 6 chân
và chân phân thành các đốt.
- GV đưa ra câu hỏi gợi mở: Các em hãy quan sát 2 hình một lần nữa, và cho cô
biết: Kiến vàng có mấy chân? Bọ lá có mấy chân? ( 6 chân)
Chân của kiến vàng và bọ lá có đặc điểm gì giống nhau? ( chân đều phân thành
các đốt).
Muốn tiết học đi đến thành công thì đòi hỏi việc chuẩn bị đồ dùng như: tranh
ảnh, phiếu bài tập, thẻ từ…. cho từng tiết học cũng hết sức quan trọng.
Tất cả những sự chuẩn bị trên của giáo viên đều phải ghi cụ thể ở sổ “Dự kiến
kế hoạch lên lớp” của giáo viên.
Bốn là: Cách thức tổ chức dạy học môn TNXH theo mô hình trường Tiểu
học mới.
Dạy theo mô hình VNEN giáo viên cần giúp học sinh phát huy tính tự học, sáng
tạo, tính tự giác, sự tự tin, hứng thú trong học tập. Tăng khả năng thực hành, vận
dụng.
- Để thực hiện tốt một tiết dạy, bên cạnh việc tham khảo tài liệu hướng dẫn
giảng dạy, giáo viên cần thường xuyên cập nhật những kiến thức, chuẩn bị bài,
dự kiến các tình huống trong tiết dạy để xử lí tốt các tình huống đó.
- Tùy từng bài, tùy điều kiện của lớp, tùy trình độ của HS lớp mình mà GV có
thể thay thế hình thức dạy học, thay thế câu hỏi, thuật ngữ sao cho phù hợp giúp
học sinh tham gia vào tiến trình phân tích, thảo luận một cách thuận lợi và hiệu
quả.
Ví dụ: Bài 12: Cây sống ở đâu? ( Tài liệu TNXH Lớp 2 trang 71).
- Thay vì học tập trong bốn bức tường quan sát tranh, ảnh trong tài liệu giáo
viên có thể tổ chức cho học sinh ra sân trường quan sát trên cây thật bằng các
giác quan:
- Dùng mắt để quan sát kết hợp tay chỉ và nói đúng tên các bộ phận của cây hoa
( rễ, thân, lá, hoa).
- Dùng mũi để nhận biết hương thơm.
- Dùng tay để sờ thân xem cứng hay mềm, sờ lá xem trơn hay nhám…
Qua thực tế học sinh được tận mắt nhìn, sờ, ngửi giúp cho học sinh có hứng thú
học tập hơn, nắm chắc kiến thức và nhớ kiến thức lâu hơn.
+Tăng cường tính chủ động nhận thức và khai thác vốn sống của học
sinh:
Giáo viên lựa chọn những bài có vấn đề nhằm củng cố và phát huy trình độ vốn
có của học sinh trong chương trình để lựa chọn phương pháp. Trong chương
trình TNXH lớp 2 từ bài 1 đến bài 33 đều có thể sử dụng giải pháp này.
Ví dụ: Dạy bài 1 “Vì sao chúng ta vận động được” Tài liệu TNXH lớp
2.
Giáo viên dẫn dắt học sinh từ cái cụ thể, những kinh nghiệm vốn có của học
sinh: tự co tay, duỗi tay, tự co chân, duỗi chân, tự véo vào mông, vào bụng…để
thấy được cơ bám vào xương và nhờ có cơ mà ta có thể thực hiện được mọi cử
động như chạy, nhảy, đi đứng, viết, xoay người, cười, nói, ăn, uống…
* Thông qua hoạt động đóng vai, trò chơi trong học tập để tạo hứng thú cho
học sinh:
Trò chơi trong môn Tự nhiên và xã hội thường được sử dụng khởi động để giới
thiệu bài, để thư giãn hay để truyền tải một kiến thức nào đó hoặc để kết thúc bài
học.
Ví dụ : Bài 7: Cần làm gì để bảo về cơ quan thần kinh - Tài liệu 3 trang 42.
Phần khởi động tạo hứng thú để vào bài học giáo viên định hướng cho ban văn
nghệ lên tổ chức trò chơi “ Tôi bảo”; bảo các bạn cười, khóc, nhăn nhó… Kết
thúc trò chơi giáo viên đặt vấn đề dẫn dắt vào bài học.
- Để kiểm tra xem học sinh đã hiểu đúng nội dung bài học chưa thì cuối tiết học
giáo viên có thể tổ chức cho học sinh chơi trò chơi : “Ai nhanh ai đúng” theo
hình thức nối tiếp nhau lên gắn các thẻ chữ giáo viên ghi sẵn các nhóm đồ ăn,
thức uống những việc làm theo hai nhóm; nhóm có lợi cho sức khỏe, nhóm có
hại cho sức khỏe.
Ví dụ: Bài: “Chăm sóc và bảo vệ răng”
Phần khởi động tạo hứng thú để vào bài học giáo viên cho hai học sinh đóng vai
“ Quảng cáo thuốc đánh răng”.
- Phát minh mới PS trà xanh đây! Giúp ngăn ngừa các bệnh răng miệng do nhiệt.
Học sinh tiểu học dùng chống sún, ngăn sâu, chống đen răng đây! Mua ngay,
mua ngay.
- Colgate lừng danh, giúp răng trắng nhanh, ăn nhiều nhai khoẻ. Mua đi, mua đi,
hàm răng chắc khoẻ, trắng nhanh, trắng nhanh.
- Từ hai vai quảng cáo xong giáo viên đặt vấn đề vào bài học.
Ví du : - Trò chơi : “Đi chợ giúp mẹ” sử dụng phần khởi động để giới thiệu bài
“An uống đầy đủ”.
- Trò chơi : “ Đi đúng quy định” sử dụng để truyền tải kiến thức đến học sinh là
biết thực hiện những quy định về trật tự an toàn giao thông ở
bài 15 “ An toàn khi đi xe đạp”. Tài liệu TNXH lớp 3 trang 90.
- Trò chơi : “Ghép chữ vào hình” sử dụng để củng cố bài học “ Cơ quan tiêu
hóa”.
Khi thực hiện phương pháp này giáo viên cần lưu ý đến tình huống đưa ra phải
có mục đích rõ ràng và liên quan đến bài học, dễ đóng vai không quá khó và
phức tạp.
Vì đặc điểm hồn nhiên và hiếu động của trẻ nên việc tổ chức trò chơi học tập sẽ
làm cho các em thấy vui mà học, học mà chơi, chơi mà học.
- Trong tiết học tăng cường phân loại đối tượng học sinh để nâng cao dần độ khó
đối với học sinh trên chuẩn phù hợp với trình độ, năng lực của học sinh.
Trong lớp học chủ yếu là học sinh tự học theo chỉ dẫn của Tài liệu hướng dẫn
học, học theo nhóm, theo cặp, hoặc giáo viên làm việc trực tiếp với cá nhân,
nhóm.
Giáo viên không nhất thiết phải tổng kết, kết luận kiến thức ở cả lớp mà chỉ cần
thực hiện nhận xét, kết luận ở nhóm. Chỉ khi một một dung kiến thức nào đó mà
phần đông là học sinh không hiểu hoặc hiểu sai vấn đề thì giáo viên mời giảng
giải trước lớp.
* Với logo ở trước mỗi hoạt động, HS có thể dễ dàng nhìn vào đó và lần lượt
thực hiện các yêu cầu trong từng hoạt động. Thực tế khi giảng dạy, giáo viên
lúng túng khi yêu cầu của logo tiếp theo là hoạt động cả lớp nhưng do nhịp độ
học tập của HS chênh lệch nhau có nhóm làm nhanh có nhóm làm chậm giáo
viên chưa biết xử lý thế nào? Với khó khăn trên, chúng tôi đã thống nhất đưa ra
một số giải pháp sau:
1, Nhóm hoặc cá nhân làm xong giáo viên kiểm tra và có thể phân công các bạn
đó đi đến giúp đỡ những bạn chưa hoàn thành xong.
2, Hoặc trong khi kiểm tra, giáo viên cảm thấy nhóm đó còn một hoặc hai học
sinh chưa nắm kỹ kiến thức hay một nội dung nào đó thì giáo viên có thể yêu
cầu nhóm kiểm tra và giúp đỡ bạn nội dung đó.
3. Giao thêm nhiệm vụ có nội dung tương đương với nhiệm vụ mà các em vừa
làm xong hoặc giáo viên cho HS làm thêm bài tập *
Năm là: Làm thế nào để GV giám sát và hỗ trợ hoạt động học tập của cả
lớp?
- Giáo viên có thể đứng xung quanh lớp quan sát về sắc thái, nét mặt, hành
động, cử chỉ xem học sinh đã hiểu nhiệm vụ chưa? Có chú tâm vào thực hiện
nhiệm vụ không? Có chăm chú thảo luận không? Thấy nét mặt biểu lộ hoài nghi,
ngơ ngác tư thế không bình thường, người lắc lư bất ổn, đây là dấu hiệu cho thấy
học sinh chưa thực sự hiểu nhiệm vụ. Giáo viên cần đến bên cạnh hỏi xem em
đang gặp khó khăn gì? Cô hay bạn nào có thể giúp được em?
- Tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ HS khá giỏi hơn: HĐTQHS, nhóm trưởng.
- Vậy làm sao để tránh học sinh trong nhóm ỷ lại nhóm trưởng? Giáo viên tách
HS yếu để hỗ trợ trực tiếp, giúp các em tự tin, sau khi đã đạt mặt bằng chung
cùng với các bạn trong lớp thì thả về nhóm. Thay đổi HS trong các nhóm, không
để nhóm cố định.
- Làm sao để GV giám sát kiến thức của các em để đảm bảo học sinh hiểu đúng.
Đặc biệt ở môn TNXH là nghiên cứu về sự vật hiện tượng, môi trường xung
quanh các em. Kinh nghiệm các em có nhưng để chính xác kiến thức của các em
từ cuộc sống thành những kiến thức phù hợp với mục tiêu bài học (từ đó hình
thành khái niệm đúng) là rất khó. Với vấn đề này chúng tôi giải quyết như sau:
- GV phải bao quát lớp, dùng HS giỏi để điều khiển nhóm. GV phải giám sát
nguồn tài liệu, đồ dùng học tập hình thành kiến thức (tranh, bài đọc) phải chính
xác
- GV test kiến thức, giám sát kiến thức: Nếu các em đã làm qua bài tập đó, GV
có thể hỏi 1-2 em kết quả bài tập đó. Nếu các em yếu nhất nhóm mà trả lời đúng
à có thể yên tâm kiến thức các em chính xác.
- Làm thế nào để GV hỗ trợ một vài HS yếu trong các nhóm? GV giám sát kiểm
tra ở nhiều cấp độ: Cặp đôi giám sát, nhóm trưởng giám sát,
-Dùng HS để hỗ trợ HS khác. GV có nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo HS có thói
quen hỗ trợ, giúp đỡ các bạn; càng nhiều HS có thói quen hỗ trợ bạn càng tốt.
Sáu là: Đánh giá kết quả học tập của học sinh:
- Đánh giá học sinh theo công văn số 5737/BGDĐT-GDTH ngày 21 tháng 8
năm 2013 V/v Hướng dẫn thí điểm đánh giá học sinh tiểu học theo Mô hình
trường học mới Việt Nam.
- Đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo
chuẩn KT – KN của chương trình.
- Đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực chung; tự phục vụ, tự quản, giao
tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề.
-Đánh giá thường xuyên quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhận xét
( không sử dụng điểm số) về kiến thức, kĩ năng đạt được theo từng bài học, chủ
đề và thông qua các biểu hiện năng lực, phẩm chất.
- Đánh giá các hoạt động của cá nhân và nhóm học sinh; có sự phối hợp của giáo
viên với học sinh, phụ huynh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng
nhất.
- Đánh giá kịp thời giúp học sinh phát huy mặt mạnh và khắc phục hạn chế
nhằm cải thiện kết quả học tập và hiệu quả giáo dục.
- Có nhiều cách đánh giá thường xuyên học sinh như: quan sát; kiểm tra nhanh;
phỏng vấn nhanh; đánh giá sản phẩm của học sinh; tham khảo kết quả tự đánh
giá của học sinh, của nhóm học sinh; tham khảo ý kiến đánh giá của phụ huynh.
IV. KẾT QUẢ:
Qua một hơn một năm trải nghiệm dạy theo mô hình mới, chúng tôi nhận thấy:
Các em học sinh thực sự là trung tâm của hoạt động học tập, các em được phát
huy năng lực độc lập, tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức.
Dạy học môn TNXH theo mô hình VNEN thì học sinh đạt kết quả ở những điểm
sau:
+ Học sinh được tự học, học phù hợp với năng lực của mình, được chủ động hơn
trong học tập, có nhiều cơ hội được phát triển tư duy phê phán và tư duy sáng
tạo.
+ Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, từ
đó các em biết thừa nhận người khác, học hỏi người khác để điều chỉnh bản
thân.
+ Học sinh được rèn luyện nhiều hơn kỹ năng của các môn học khác. Ví dụ: kĩ
năng nghe, nói, đọc, viết của môn Tiếng Việt, kĩ năng vẽ, hát của môn HĐGD…
và phát triển kĩ năng đánh giá bản thân và các bạn.
V. KẾT LUẬN:
Việc giảng dạy theo mô hình trường Tiểu học kiểu mới giúp các em tự tin hơn
và có cách nhìn nhiều chiều về vấn đề, không bị áp đặt theo khuôn mẫu định
sẵn. Đáp ứng được sự phân hóa đối tượng học sinh và tạo nhiều cơ hội hơn cho
học sinh được sáng tạo, phát triển tư duy cũng như vận dụng những kiến thức,
kỹ năng học ở trường vào cuộc sống thực của học sinh.
Không chỉ học sinh thích thú được học theo mô hình trường học mới này mà đối
với giáo viên chúng tôi cũng thật sự thích thú với phương pháp giảng dạy theo
mô hình VNEN này.
Với sự nỗ lực của giáo viên, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của nhà trường, của các
ban ngành, đoàn thể chắc chắn mô hình trường tiểu học kiểu mới sẽ đào tạo
được những con người mới thật năng động, sáng tạo và tự tin.
Trên đây là một số giải pháp mà chúng tôi đã đúc kết được qua quá trình giảng
dạy. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của Ban giám hiệu nhà trường cùng
toàn thể các chị em đồng nghiệp để giải pháp của chúng được hoàn thiện hơn và
áp dụng đạt hiệu quả cao hơn.