Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Di tích lịch sử và lễ hội đền trạng trình nguyễn bỉnh khiêm ở huyện vĩnh bảo, hải phòng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.65 MB, 104 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI II
KHOA: LỊCH SỬ

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
ĐỀ TÀI: DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ LỄ HỘI ĐỀN TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH
KHIÊM Ở HUYỆN VĨNH BẢO, HẢI PHÒNG

SINH VIÊN THỰC HIỆN: ĐỖ THỊ TRANG
LỚP: K35 CỬ NHÂN LỊCH SỬ
GV HƯỚNG DẪN: NGUYỄN VĂN NAM

HÀ NỘI: 2013

1


LỜI CẢM ƠN

Tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy giáo, cô giáo trong khoa
Lịch sử, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 đã dạy dỗ, chỉ bảo và truyền đạt
kiến thức cho tôi trong suốt quá trình học tập và rèn luyện tại trường cũng
như trong quá trình thực hiện khoá luận tốt nghiệp này.
Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn thầy giáo Nguyễn Văn Nam đã tận
tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình nghiên cứu, thực hiện khoá
luận tốt nghiệp này.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè và những người
thân đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tôi hoàn thành khoá luận tốt
nghiệp này.
Trong quá trình thực hiện khoá luận tốt nghiệp, do thời gian có hạn và
bước đầu làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học nên không thể
tránh khỏi những thiếu xót, rất mong được sự đóng góp ý kiến của thầy giáo,


cô giáo và các bạn sinh viên.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người thực hiện

Đỗ Thị Trang

2


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đề tài khóa luận này là do sự cố gắng, nỗ lực tìm
hiểu, nghiên cứu của bản thân với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy giáo
Nguyễn Văn Nam.
Công trình này không trùng lặp với các kết quả nghiên cứu của các tác
giả khác.

Người thực hiện

Đỗ Thị Trang

3


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ....................................................................................................6
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề .....................................................................................7
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu .......................................8
4. Phương pháp nghiên cứu........................................................................................9

5. Đóng góp của khóa luận.........................................................................................9
6. Bố cục của khóa luận .......................................................................................... 10
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ THÂN THẾ SỰ NGHIỆP TRẠNG TRÌNH .......
NGUYỄN BỈNH KHIÊM ............................................................................ 11
1.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI, VĂN HÓA
HUYỆN VĨNH BẢO, HẢI PHÒNG ..................................................................... 11
1.2. THÂN THẾ SỰ NGHIỆP CỦA TRẠNG TRÌNH
NGUYỄN BỈNH KHIÊM ...................................................................................... 15
1.3. TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM TRONG TÂM THỨC CỦA
NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ..................................................................................... 25
Chương 2: DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ LỄ HỘI ĐỀN TRẠNG TRÌNH
NGUYỄN BỈNH KHIÊM Ở VĨNH BẢO, HẢI PHÒNG ............................. 26
2.1. DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM ....... 26
2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển ngôi đền ........................................... 31
2.1.2. Khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm .............................. 34
2.1.2.1. Nhà thờ chính .................................................................................. 34
2.1.2.2. Bạch Vân Am .................................................................................. 35
2.1.2.3. Nhà thờ song thân phụ mẫu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm .. 39
2.1.2.4. Phần mộ cụ Nguyễn Văn Định ........................................................ 40
2.1.2.5. Tháp bút Kình Thiên........................................................................ 41
2.1.2.6. Chùa Song Mai ................................................................................ 41
2.1.2.7. Quán Trung Tân .............................................................................. 44

4


2.1.2.8. Nhà trưng bày hiện vật..................................................................... 46
2.1.2.9. Các hạng mục công trình khác trong khu di tích .............................. 47
2.2. LỄ HỘI ĐỀN TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM .......................... 48
2.2.1. Công tác chuẩn bị ............................................................................... 48

2.2.2. Lễ hội ................................................................................................. 49
2.2.2.1. Phần lễ ............................................................................................. 49
2.2.2.2. Phần hội........................................................................................... 51
2.2.3. Công tác duy trì, bảo tồn di tích và lễ hội đền Nguyễn Bỉnh Khiêm ... 53
2.2.3.1. Công tác quản lý bảo tồn, tôn tạo di tích .......................................... 53
2.2.3.2. Hoạt động tâm linh ở khu vực Đền .................................................. 54
2.2.3.3. Công tác quản lý các hoạt động tâm linh ở Đền ............................... 56
Chương 3: VAI TRÒ, ĐẶC ĐIỂM DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ LỄ HỘI ĐỀN
TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM Ở VĨNH BẢO, HẢI PHÒNG .. 59
3.1. ĐẶC ĐIỂM ...................................................................................................... 59
3.1.1. Đây là khu di tích và lễ hội có từ lâu đời, “ăn sâu tiềm thức” của
nhân dân ....................................................................................................... 59
3.1.2. Đây là khu di tích và lễ hội lớn nhất về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ...... 60
3.1.3. Đây là khu di tích và lễ hội có nhiều nét độc đáo riêng ....................... 61
3.2. VAI TRÒ .......................................................................................................... 64
3.2.1. Thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân ....................................... 64
3.2.2. Giá trị giáo dục truyền thống .............................................................. 66
3.2.3. Cố kết cộng đồng ................................................................................ 67
3.2.4. Giá trị kinh tế, xã hội .......................................................................... 68
KẾT LUẬN.................................................................................................. 70
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .
.................................................................71

5


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Có thể nói di tích lịch sử cùng với lễ hội truyền thống luôn là một đề tài
phong phú, bởi đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý

báu được ông cha ta gìn giữ và để lại cho con cháu đến tận ngày nay. Trải qua
những năm tháng hào hùng của lịch sử nước nhà, cho đến nay tất cả những di
tích lịch sử cùng với lễ hội truyền thống của Việt Nam vẫn giữ được những
nét đẹp truyền thống và có sự tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Vĩnh Bảo, Hải Phòng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, một vùng
quê nổi tiếng với những khu di tích, những lễ hội truyền thống gắn liền với
từng giai đoạn phát triển lịch sử của dân tộc như: chùa Mét, miếu Bến, chùa
Đồng Quan, miếu Cựu Điện, miếu Ba Vua... Trong đó, đặc biệt phải kể đến
khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng với lễ hội kỷ niệm
ngày mất danh nhân - một con người vĩ đại, không chỉ là niềm tự hào của
nhân dân Vĩnh Bảo mà còn là niềm hào của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có khoảng hơn 800 lễ hội truyền thống cùng
với số lượng di tích quốc gia vô cùng lớn nhưng di tích đền Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng với lễ hội tại đây đã để lại cho nhân dân Vĩnh Bảo
cũng như những người tới đây nhiều cảm xúc, ý nghĩa và hoài niệm riêng.
Nghiên cứu sâu hơn về khu di tích và lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm góp phần vào việc tìm hiểu về danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh
Khiêm, quá trình hình thành và phát triển của ngôi đền cùng với các di tích
liên quan tới ông. Ngoài ra, bên cạnh việc tìm hiểu về những giá trị còn được
lưu giữ lại ở khu di tích và lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về
nhiều mặt văn hóa, tư tưởng, giáo dục, kinh tế còn góp phần để đưa ra những
chính sách bảo tồn, tôn tạo di tích cùng lễ hội sao cho phù hợp với thực tiễn.

6


Với những lý do trên, đề tài Di tích lịch sử và lễ hội đền Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng không chỉ có ý nghĩa lý luận
mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một hiện
tượng hiếm thấy được nhắc đến với tư cách một nhà thơ, thà tư tưởng lớn,
một người thầy danh tiếng và một nhà văn hóa. Ông sống trọn thế kỷ XVI,
được đánh giá là “trong bóng rợp của cây đại thụ này còn che trùm nhiều năm
tháng mãi về sau”. Đến nay vẫn còn một vài ý kiến chưa thống nhất về tư
tưởng triết học, về nhân sinh quan và cả vài khía cạnh trong thơ ông. Song
hầu như khá thống nhất khi nhận định đánh giá về vị trí, vai trò của ông trong
nền văn học nước nhà. Trong tâm thức nhân dân ông luôn được nhắc đến với
lòng ngưỡng mộ về sự nghiệp lẫn cuộc đời trong tư tưởng cùng thơ ca, về tài
năng và nhân cách.
Do đó mà Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn là một đề tài được rất nhiều nhà
nghiên cứu quan tâm. Các tác phẩm viết về ông chủ yếu nghiên cứu về cuộc
đời, sấm ký, giai thoại, thơ văn: Tác giả Phạm Đan Quế với Giai thoại và sấm
ký Trạng Trình, tác giả Nguyễn Nghiệp với tác phẩm Trạng Trình sấm và ký.
Trong hai tác phẩm này, tác giả cũng đã phác họa cơ bản về tiểu sử, giai
thoại, đặc biệt là sấm ký Trạng Trình. Ngoài ra, trong tác phẩm còn nêu
những nhận định của một số nhà nghiên cứu, đây là hai trong những tác phẩm
hay để tham khảo về Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trong cuốn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (kỷ yếu Hội nghị khoa học
nhân 400 năm ngày mất của danh nhân) cũng là một tác phẩm có nhiều đánh giá
về phẩm chất cũng như tài năng Nguyễn Bỉnh Khiêm khi tìm hiểu về ông. Tác
giả đã dựa trên sự nghiên cứu lâu dài, thu thập nhiều tài liệu để có được cái nhìn
đúng nhất về cuộc đời, thơ văn, sấm ký của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

7


Bên cạnh đó còn rất nhiều những tác phẩm khác như: Sấm Trạng Trình
của tác giả Phạm Minh Thảo, Văn hóa trên quê hương Trạng của Phòng Văn
hóa thông tin Vĩnh Bảo, Giai thoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của

Lương Cao Rính sưu tầm, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và di tích do Uỷ
ban Nhân dân xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo soạn thảo...
Trong tất cả những tác phẩm trên chỉ có cuốn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm và di tích do Ủy ban Nhân dân xã Lý Học soạn thảo là đề cập nhiều
đến di tích lịch sử và những di tích liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm. Song chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống,
lô gic về quần thể di tích và lễ hội đền Trạng, một trong những khu di tích
lịch sử và lễ hội lớn nhất Hải Phòng. Tuy nhiên với nhiều tài liệu nghiên về
Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là những tư liệu quý giá để tác giả có thể kế thừa và
hoàn thiện được khóa luận của mình.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Mục đích
Khóa luận tìm hiểu về di tích lịch sử và lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn
Bỉnh Khiêm tại làng Trung Am, xã Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng
Nhiệm vụ
Để thực hiện mục đích trên, khóa luận có nhiệm vụ:
Thứ nhất: Khái quát về thân thế sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn
Bỉnh Khiêm
Thứ hai: Tìm hiểu về di tích lịch sử, lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm. Qua đó, nắm được những điểm mạnh và thực trạng còn tồn tại để đưa ra
một số giải pháp bảo tồn và phát triển di tích cũng như lễ hội tại đây.
Thứ ba: Phân tích vai trò, đặc điểm của khu di tích và lễ hội đền Trạng
Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

8


Đối tượng
Di tích lịch sử và lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Phạm vi nghiên cứu:

Thời gian
- Tập trung nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của di tích
đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ năm 1585 đến 2012.
- Tìm hiểu về lễ hội đền Trạng từ 1927 đến 2012.
Không gian
Khu di tích, lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại làng Trung
Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Ngoài ra tác giả còn có sự tìm hiểu về những đi tích liên quan đến
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại các địa phương khác ở Hải Phòng, Hà
Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Bộ
4. Phương pháp nghiên cứu
Công trình nghiên cứu dựa trên cơ sở thế gới quan và phương pháp
luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin về nghiên cứu Lịch sử. Khi nghiên cứu đề
tài, người viết sử dụng kết hợp giữa phương pháp lịch sử, phương pháp logic
là phương pháp chủ đạo.
Bên cạnh đó, khóa luận còn sử dụng phương pháp: miêu tả, tường
thuật, sưu tầm, thu thập, xử lí tư liệu, thống kê, phân tích, so sánh để xác minh
sự kiện, nội dung lịch sử.
5. Đóng góp của khóa luận
Về mặt lý luận: Đề tài góp phần vào việc tìm hiểu về danh nhân văn
hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Quá trình hình thành và phát triển của ngôi đền
cùng với các di tích liên quan tới ông. Bên cạnh đó, công trình cũng nghiên
cứu những giá trị truyền thống còn được lưu giữ lại trong lễ hội đền Trạng
Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

9


Về mặt thực tiễn: Khóa luận có đóng góp về mặt tư liệu cho những ai
quan tâm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng với những di tích và lễ hội đền liên

quan đến ông. Qua đó có thể thấy được giá trị về mặt văn hóa, tư tưởng, giáo
dục, kinh tế để vạch ra những chính sách bảo tồn, tôn tạo di tích cùng lễ hội
sao cho hợp lý.
6. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục,
khóa luận gồm ba chương:
Chương 1: Khái quát về thân thế sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn
Bỉnh Khiêm
Chương 2: Di tích lịch sử và lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng
Chương 3: Vai trò, đặc điểm di tích lịch sử và lễ hội đền Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

10


Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ THÂN THẾ SỰ NGHIỆP TRẠNG TRÌNH
NGUYỄN BỈNH KHIÊM
1.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI, VĂN
HÓA HUYỆN VĨNH BẢO, HẢI PHÒNG
Điều kiện tự nhiên:
Huyện Vĩnh Bảo nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hải Phòng,
có diện tích đất tự nhiên trên 180 km2, dân số trên 19 vạn (16.1). Huyện nằm
trên vùng hạ lưu sông Thái Bình, bao bọc quanh là sông Luộc, sông Hóa. Phía
Đông Bắc giáp huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Phía Tây bắc giáp huyện Ninh
Giang, Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương). Phía Đông Nam, Tây Nam giáp huyện
Quỳnh Phụ, Thái Thuỵ (tỉnh Thái Bình). Vĩnh Bảo có quốc lộ 10 và quốc lộ
37 đi qua là điểm nối giữa Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam.
Chính trị:

Huyện có 1 thị trấn và 29 xã (Tam Đa, Nhân Hòa, Hưng Nhân, Giang
Biên, Dũng Tiến, Việt Tiến, Vĩnh An, Vĩnh Long, Thắng Thủy, Trung Lập,
Hiệp Hòa, An Hòa, Hùng Tiến, Tân Liên, Tân Hưng, Vinh Quang, Đồng
Minh, Thanh Lương, Cộng Hiền, Tiền Phong, Vĩnh Phong, Cao Minh, Tam
Cường, Liên Am, Cổ Am, Lý Học, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Trấn Dương).
Kinh tế - Văn hóa – Xã hội:
Vĩnh Bảo là địa phương giàu truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá,
truyền thống hiếu học, là quê hương của Danh nhân văn hoá Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lịch sử hình thành vùng quê Vĩnh Bảo gắn với giai đoạn phát triển
châu thổ sông Hồng và sông Thái Bình. Mảnh đất này từ ngàn xưa đã có nghề
trồng lúa nước. Quá trình hình thành đất đai, sự xuất hiện của cộng đồng làng

11


xã và cung cách làm ăn đã tạo nên một Vĩnh Bảo có nền văn hóa đậm nét xứ
Đông – vùng văn hóa Bắc Bộ. Do vậy, Vĩnh Bảo không chỉ là huyện trọng
điểm lúa của Hải Phòng, mà còn là một vùng quê giầu truyền thống văn hóa.
Nơi đây, một thời Việt cổ đã từng ghi những dấu ấn vàng son về đạo đức, về
võ công, về sự nghiệp kinh bang tế thế.
Từ một nghìn năm trăm năm trước (504) đã có Nguyên soái Cao Đức
Lang (người làng Hu Trì – Vinh Quang) từng được biết đến với “Đinh tiền,
Lê hậu nhất nhân” gắn liền với sự nghiệp của Lý Bí dựng nước Vạn Xuân.
Rồi đến thế kỷ XIII, có đô đốc Quận công Hoa Duy Thành (Đồng Minh) đã
từng nổi danh trong việc hộ giá vua Trần đánh giặc, tham chiến trên Bạch
Đằng giang, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi. Được vua Trần sắc phong: “Hùng
kiệt dũng quả, Hổ quốc an dân, Đương cảnh thành hoàng, Ngưng Hưu Trung
Đẳng thần”
Sử sách thời xưa đã từng ghi rằng: Vĩnh Bảo có nhiều người đỗ đại

khoa, có một trạng nguyên, một bảng nhãn, một hoàng giáp, một phó bảng và
11 đồng tiến sĩ [12, tr.8]. Tiêu biểu nhất là danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh
Khiêm (1491 – 1585), một nhà trí thức rực rỡ một thời và tiêu biểu cho nhiều
tầng lớp trí thức Việt Nam. Đó là Tô Phú Vượng (Bảo Hà – Đồng Minh) một
nghệ nhân, người trong tù dùng ngón tay khắc nên đàn voi từ những hạt gạo,
được vua Lê phong là Hoàng Tín đại phu Kỳ tái hầu...
“Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, thành ngữ này giới thiệu một địa
danh tiêu biểu cho “đất học”, “đất quan” ở hai vùng xứ Đông và xứ Nam. Cổ
Am là vùng quê tiêu biểu cho Vĩnh Bảo giàu truyền thống văn hóa và hiếu
học. Ngày xưa, là tiến sĩ Trần Công Hân (khoa Ất Sửu – 1775), ngày nay có
tới 40 người có học vị tiến sĩ, trong đó có nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ có
tên tuổi [12, tr.8].
Kinh tế của Vĩnh Bảo chủ yếu nông nghiệp và thủ công nghiệp đặc biêt
có nhiều nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng như: dệt vải, dệt thảm, chiếu
12


cói, mây tre đan, tạc tượng, sơn mài, điều khắc gỗ, thêu mỹ nghệ, thuốc lào...đó
đều là những nghề truyền thống rất có tiềm năng cần được đầu tư phát triển.
Với một bề dày lịch sử cũng như sự phong phú về văn hóa Vĩnh Bảo
được lưu giữ như “bảo tàng sống” ở các nghành nghề truyền thống, lễ hội
dân gian ở các làng xã. Có thể kể đến nghề dệt vải Cổ Am nổi tiếng ở Kinh kỳ
từ thế kỷ XV, nghề sơn mài, điêu khắc, tạc tượng ở Đồng Minh, “Bàn tay ta
khắc gỗ nên vàng” của các nghệ nhân làng nghề Bảo Hà với lối tả thực sinh
động, tạo nên dòng tượng độc đáo, đậm yếu tố dân gian. Tượng ở đây có hồn,
chiêm ngưỡng dòng tượng này ta thấy được cả mạch máu đang chảy, tiếng
cười sảng khoái mãn nguyện sau mỗi việc làm, cả tiếng thở dài trước nhân
tình thế thái. Pho tượng Nguyễn Công Huệ, tượng Linh Lang Đại Vương,
hàng chục pho tượng Phật đang thờ ở miếu Bảo Hà, chùa Miễu (Đồng Minh)
là những kiệt tác do con cháu Kỳ tài hầu Tô Phú Vượng nối nhau chế tác.

Đặc sắc hơn cả là từ vỏ dừa, xơ mướp, hoa quả trong vườn, qua “bàn
tay vàng” của các nghệ nhân Nhân Mục (Nhân Hòa) trở thành các con giống,
những mâm ngũ quả, những rồng, phượng, chim muông... nhiều màu sắc,
nhiều dáng cầu kỳ tinh xảo, dựng lại những huyền thoại dân gian của làng.
Những bàn tay tàu hoa ấy còn tạo nên cả ngôi cổ tự mà chỉ bằng những dóng
mía xếp, quả cà, quả ớt...Hơn 20 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và hệ
thống đình, đền, chùa, miếu hiện có ở hầu khắp các làng xã Vĩnh Bảo được
bảo tồn đến ngày nay không những là bằng chứng về sự tham gia của những
chủ nhân đất Vĩnh Bảo từ thời Hùng Vương; là nguồn tư liệu lịch sử, mà còn
là những công trình kiến trúc độc đáo của cha ông, là kết tinh tài hoa, khiếu
thẩm mỹ của người Vĩnh Bảo, vốn quý của kho tàng văn hóa một vùng. Đó là
đình An Quý (cột đá, thềm đá), đình Quán Khái (Vĩnh Phong), đình Nhân
Mục, miếu Cựu Điện (Nhân Hòa)...Chùa trăm cột (Vĩnh Tiến) có quy mô bề
thế mà thanh thoát, uyển chuyển do mái đao cong vút “cửa tùng, khung

13


khách” các bộ vì kèo, đầu rư...đặc biệt là cửa võng, hoành phi tinh xảo. Đồ tế
khí tế tự, bát hương, chân đèn, ngũ sự, bát bửu có niên đại từ thế kỷ XI đến
XVII cuả đình Mục. Hay ngọn núi nhân tạo lớn nhất Hải Phòng ở miếu Cựu
Điện (Nhân Hòa) có đủ suối khe, có thiền am, có đài điếu ngư...tạo nên cảnh
sơn thủy hữu tình là những bảo vật, những công trình kiến trúc nghệ thuật dân
tộc độc đáo.
Lễ hội dân gian ở Vĩnh Bảo chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật chất và
tinh thần gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, những kỳ tích của các
danh nhân, danh tướng và những tập tục sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian
của địa phương. Đó là hội thi pháo đất ở các xã thuộc tổng Đông (Tân Liên,
Việt Tiến, Vĩnh An) và tổng Bắc (Thắng Thủy, An Hòa...) mà tương truyền
có từ thời Hai Bà Trưng, là thú chơi độc đáo của cư dân lúa nước, mang sắc

thái dân gian, thể hiện sự gắn bó với đất đai và tràn đầy tinh thần thượng võ.
Vĩnh Bảo còn rất nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước ở Nhân Hòa,
múa rối cạn Đồng Minh. Mỗi một nơi có những nét độc đáo riêng của mình.
Rối nước Nhân Hòa với những tích trò đa dạng, gần gũi với đời thường. Đáng
quý là cảnh chế tác các loại pháo hoa, có loại pháo phụt lên tỏa sáng từ dưới
mặt nước, có loại pháo đầy màu sắc trên không trung tạo ra không khí náo
nhiệt, huyền ảo, kỳ vĩ của buổi diễn. Phường rối cạn Bảo Hà – Đồng Minh lại
có nghệ thuật độc đáo khác. Nghệ nhân ở vùng này cũng tự chế tác các con
giống, họ đều khiển con rối khác hẳn với các phường rối khác ở Việt Nam.
Đỉnh cao tài năng là ở: Con rối tự mặc áo, cởi áo, phi ngựa. Trò diễn cũng
vậy, những sinh hoạt đời thường, những vở Thạch Sanh, Trương Viên, những
đoạn trích chèo cổ đều được phường dàn dựng biểu diễn bởi bàn tay thông
minh, tài nghệ. Nghệ thuật làm con rối và làn điệu chèo, các lời thoại mộc
mạc cũng đủ quyến rũ du khách trong và ngoài nước khi tới thưởng thức.

14


Văn hóa ẩm thực Vĩnh Bảo cũng có những nét riêng. Trước hết là các
loại bánh: bánh trôi, bánh hú, bánh khoai, bánh đúc...được chế biến từ nông
sản: gạo, ngô, khoai, đỗ, sắn, lạc, vừng...
Nhân dân Vĩnh Bảo luôn cố gắng giữ gìn và phát huy truyền thống của
vùng quê văn hóa, Vĩnh bảo đã sưu tầm và xây dựng được phòng truyền
thống, đầu tư mở mang, nâng cấp khuôn viên một số di tích lịch sử, văn hóa,
đầu tư khai thác và phát huy tiềm năng văn hóa dân gian các làng xã.
Với bề dày lịch sử và phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội cùng với sự
quan tâm của các cấp ủy chính quyền, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân
dân và với truyền thống của quê hương Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh
Khiêm, mảnh đất hứa hẹn những bước đi vững chắc trong thế kỷ XXI.
1.2. THÂN THẾ SỰ NGHIỆP CỦA TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH

KHIÊM
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491), năm Hồng Đức thứ 21
đời vua Lê Thánh Tông. Thủa nhỏ ông có tên là Nguyễn Văn Đạt. Ông sinh ra
và lớn lên tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương
nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Cha của Nguyễn Bỉnh Khiêm tên là Nguyễn Văn Định được phong
tước Thái Bảo nghiêm quận công, đạo hiệu là Cù Xuyên tiên sinh. Cụ văn
Định học rộng tài cao, có đức tốt đã có lần sung chức Thái học sinh đời Lê.
Mẹ Trạng là Nhữ Thị Thục – Từ thục phu nhân, là con quan Thượng
thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan ở làng Am Tử Hạ (Tiên Lãng). Bà là một người phụ
nữ có tính cách mạnh mẽ, khác thường, nổi tiếng là người tinh thông Hán học
và giỏi thuật số. Bà kén chồng, khi ngoài 30 tuổi, thấy Văn Định có tướng
sinh quý tử mới lấy.
Nguyễn Văn Đạt từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, lại được bố mẹ hết
lòng dạy dỗ, rèn cặp nên năng khiếu thông minh ngày càng bộc lộ. Một tuổi
15


đã nói sõi, năm tuổi đã thuộc nhiều thơ ca quốc âm do mẹ truyền khẩu. Sau
này Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thừa nhận ông chịu nhiều ảnh hưởng của giáo
dục gia đình: “Tôi lúc nhỏ được dạy dỗ của gia đình, trưởng thành thi đỗ ra
làm quan, cuộc đời ưa ẩn dật” (Bạch Vân Am thi tập)
Năm 1497, khi lên 7 tuổi Nguyễn Văn Đạt phải sống với cha, vì mẹ đã
bỏ về quê ngoại vì bất đồng với cha trong việc dạy dỗ con cái. Nguyễn Văn
Đạt theo học thầy Dương Đức Nhan – Người Hà Dương (Cộng Hiền).
Năm 18 tuổi (1509), Nguyễn Văn Đạt vào Thanh Hóa theo học Đình
nguyên Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng, một người nổi tiếng tinh thông Lý học
đã đem sở học Dịch lý truyền dạy cho các học trò yêu của mình. Sau đó, nhân
việc về quê dự tang cha, Nguyễn Văn Đạt ở quê nhà mở trường dạy học. Học
trò các nơi theo học rất đông, nhiều người tận Sơn Tây, Kinh Bắc, Thăng

Long...về thụ giáo.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê xưng hoàng đế, đổi niên
hiệu là Minh Đức, lấy Cổ Trai (Kiến Thụy) làm Dương Kinh lập ra nhà Mạc.
Lúc này Nguyễn Văn Đạt đã ngoài 30 tuổi và nhà Mạc đã tổ chức hai kỳ thi
1529 – 1532, ông vẫn không ra ứng thi.
Tới năm 1535, mùa xuân Kỷ Mùi niên hiệu Nguyễn Hòa thứ 3 đời Mạc
Đăng Doanh, Nguyễn Văn Đạt đổi tên thành Nguyễn Bỉnh Khiêm dự thi Hội
ở Văn miếu Mao Điền (Trấn lỵ Hải Dương) ông đỗ đầu (Hội Nguyên). Tiếp
đó vào thi Đình để xếp hạng cao thấp ông lại đỗ đầu ba giáp Tiến sĩ đạt danh
hiệu Tiến sĩ cập đệ nhất danh (Trạng Nguyên). Sau đó vua Mạc bổ nhiệm
chức Đông các hiệu thư, rồi Tả thị lang Bộ Hình, rồi đông các Đại học sĩ, Tả
thị lang bộ lại.
Song chẳng được bao lâu Mạc Đăng Doanh chết (1540), con là Mạc
Phúc Hải lên thay, nội bộ triều đình bất ổn, các phe đảng hình thành, gian
thần thao túng chính sự. Tháng 8 năm Nhâm Dần 1542, sau khi dâng sớ xin

16


chém 18 lộng thần, không được vua Mạc chấp thuận, ông treo ấn từ quan về
quê mở trường dạy học. Về quê, ông dựng quán Trung Tân, lập Am Bạch Vân
làm trường dạy học, sáng tác thơ ca, tập hợp các thi gia sáng tác, xướng họa.
Kể từ khi ông từ quan đến khi ông qua đời ở tuổi 95 là 43 năm. Trong 43 năm
đó, “Tiên sinh không tham dự quốc chính, nhưng nhà Mạc vẫn kính như bậc
thầy. Mỗi khi có việc trọng đại của vua Mạc thường sai quan về hỏi hoặc mời
lên kinh đô nói chuyện” (Phả ký Vũ Khâm Lân). Cũng trong thời gian đó, ông
đã nhiều lần theo vua Mạc dẹp loạn. Do đó, ông được vua Mạc ban cho chức
tước từ hàm thị Lang đến tước Trình tuyền hầu rồi đến Thái phó, Trình Quốc
công. Đối với quê hương, ông đã tham gia nhiều việc của đời thường như:
dựng quán, xây chùa, trồng cây, dạy trẻ, cho câu đối, viết văn bia...gắn bó sâu

sắc với quê hương.
Năm Ất Dậu (1585), Trạng Trình ốm nặng. Vua Mạc cử sứ giả và quan
ngự y về hỏi thăm và chạy chữa bệnh. Biết mình không qua khỏi, ông vẫn bày
kế sách bảo toàn nhà Mạc: “Cao Bằng tuy thiếu khả duyên số thế” (Đất Cao
Bằng tuy nhỏ nhưng cũng ở được mấy đời). Sau khi thất bại 1592, nhà Mạc
đã kéo quân lên Cao Bằng, tồn lại được hơn 70 năm nữa.
Ngày 28-11 cũng năm Ất Dậu, Trạng Trình mất, vua Mạc cử phụ chính
triều đình Ứng vương Mạc Đôn Nhượng và văn võ bá quan về viếng tang. Lễ
tang được cử hành trọng thể, bạn bè và môn sinh khắp nơi kéo về dự tang. Tại
đây Trương Thời Cử thay mặt môn sinh đọc bài văn điếu tiên sinh, một bài
văn tế rất cảm động mà Đinh Thời Trung đã soạn.
Tháng Giêng năm Bính Tuất (1586) sau đó, vua Mạc ban cấp cho làng
Trung Am, ba ngàn quan tiền để lập đền thờ ông, có gắn biển chính nhà vua
đề chữ: Mạc Triều Trạng Nguyên tể tướng từ, (Đền thờ quan tể tướng, Trạng
nguyên triều Mạc), một danh hiệu truy tặng, đồng thời nhà vua ban cho địa
phương một trăm mẫu ruộng thờ.

17


Vợ con ông cũng được truy tặng chức tước, ba người vợ và bảy người
con trai cũng được thứ tự phong hàm. Con trưởng lấy hiệu là Hàn Giang cư sĩ,
được tập ấm phong hàm Trung Trinh đại phu, sau làm quan đến chức Phó
hiến. Con thứ hai là Tuy Am tiên sinh được phong hàm Triều liệt đại phu,
tước Quảng nghĩa hầu; con thứ tư hiệu Thuần Phu hàm Hoằng Nghi đại phu,
tước Quảng đô hầu; con thứ năm là Thuần Đức, tước Bá thư hầu...
Học trò và sĩ phu đương thời tôn xưng ông là Tuyết Giang phu tử, một
vinh dự đặc biệt cao quý và chỉ có vài nhà Nho đức nghiệp cao ở nước ta đạt
được như Chu Phu Tử (Chu An – Đời Trần) và La Sơn Phu Tử (Nguyễn Thiếp
– đời Tây Sơn). Trong Bạch Vân Am cư sĩ Phả ký, Ôn đình hầu Vũ Khâm Lân

có viết: “Tiên sinh thiên tử sáng suốt, ôm cái học thánh hiền, giá như gặp thời
mà thực hiện được cái đạo của mình, thì cũng có thể khiến cho sự bình trị củng
cố cho nền văn hiến vẻ vang, làm cho tệ rối loạn bớt đi, mà phần lễ nghĩa tăng
lên. Cái đức của ông đáng dùng cho vương đạo, thì lại rơi vào thời bá đạo, nên
tài năng của ông không được dùng. Tiếc thay” và ông kết luận: “Trên trăm năm
về trước, dưới trăm năm về sau, không ai hơn được tiên sinh”.
Về sự nghiệp thơ văn, ông là người có nhiều cống hiến cao nhất đối với
nền văn học nước ta thế kỷ XVI. Tác phẩm của ông sinh thời được đánh giá là
đồ sộ. Song, do thời gian lùi xa hàng nửa thiên niên kỷ nên bị thất lạc nhiều,
phần còn lại đến nay sưu tầm và tập hợp lại là: Bạch Vân am thi tập (chữ
Hán), Bạch Vân quốc ngữ thi (chữ Nôm), Trình Quốc công Bạch Vân ký và
Trình Quốc công sấm ký...
Nội dung thơ của ông: Lòng lo đời, thương người, thể hiện ra ở thơ ca.
Văn chương ông tự nhiên, viết ra không cần gọt dũa, giản dị mà linh hoạt,
không màu mè mà ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời. Chính vì đạt được
những đặc sắc chủ chốt đó của thơ, ông đã trở thành một tác giả lớn của thế
kỷ XVI, ngang tầm với Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV.
Thơ văn ông là khát vọng hòa bình, là nỗi lo lắng về tương lai đất nước,
là nỗi hoài nghi trật tự phong kiến. Dù là một ông quan đầy uy vọng, ông vẫn
18


khảng khái tố cáo sự tha hóa của cái trật tự, cái thể chế mà trong đó các tập
đoàn phong kiến thoán đoạt lẫn nhau, khắp nơi diễn ra cảnh “núi xương, sông
máu”, các tiêu chuẩn đạo đức xuống cấp:
Ở triều đình thì tranh giành nhau cái danh,
Ở chợ búa thì giành nhau cái lợi,
Khoe nhà sang thì xe mát quán ấm
Khoe nhà giàu thì nhà múa, lầu hát
Thấy người chết đói dọc đường thì không dám bỏ một đồng

tiền ra cứu giúp...
(Bia ký Quán Trung Tân) [15, tr.16]
Ông đại diện cho nhân dân, lên án chiến tranh giữa các tập đoàn phong
kiến làm cho đất nước chìm đắm trong máu lửa, ông ao ước hòa bình, tan cơn
binh lửa:
Bao giờ được thấy lại cảnh thịnh trị như đời Đường Ngu
Trời đất như xưa một vẻ thái hòa
(Ngụ Hứng)
Vốn là người tinh thông kinh dịch, nhìn sự biến đổi của cuộc đời với
con mắt của nhà triết học, ông lý giải sự vần xoay của cuộc đời là chuyển biến
tuần hoàn, nên ông cảnh báo bọn thống trị hãy coi trừng đừng càn rỡ quá:
Có thủa được thời mèo đuổi chuột
Đến khu thất thế kiến tha bò
(Thơ Nôm, bài 75)
Ông lên án, mỉa mai bọn phong kiến đã đánh rơi mất giá trị đạo đức để
đồng tiền tha hóa con người:
Đạo nọ, nghĩa này trăm tiếng
Nghe bui thinh thỉnh lại đồng tiền
(Thơ Nôm, bài 5)
Ông còn vạch ra sự tha hóa về đạo đức, thói trục lợi, xu nịnh, hám danh:
19


Thớt có tanh tao ruồi đậu đến
Anh không mật mỡ, kiến bò chi
(Thơ nôm, bài 55) [15, tr.17]
Là một người yêu nước, thương dân, gần như cả cuộc đời gắn liền với
quê hương, gắn liền với mọi sinh hoạt của nhà nông, với cả những thức ăn,
thức uống dân gian, thơ ông hồn hậu như làng quê:
Nhá rau, lại tiếc mùi canh ngọt

Nếm ếch còn thèm có giống măng
(Thơ nôm, bài 72)
Hoặc:
Một mai, một quốc, một cần câu
(Thơ nôm, bài 73)
Và:
Ruộng thời hai khóm đất con ong
Đầy tớ ta cày kẻo muộn màng
(Thơ nôm, bài 52)
Đau lòng trước cảnh suy tàn của đạo đức phong kiến, đặc biệt là bọn
quan lại, ông đã dâng sớ chém 18 lộng thần nhưng không được chấp thuận
ông dồn vào thơ văn, cảnh tỉnh mọi người “ Đời nay nhân nghĩa tựa vàng
mười”, ông ao ước:
Dân lầm than khổ cực sẽ được nằm trên nệm chiếu yên ổn
Quan trọng nhất là bậc đế vương phải nêu cao nhân nghĩa
(Liệt Khê trú doanh) [15, tr.18]
Ông khuyên nhủ mọi người hãy trở về với tính thiện, với nhân nghĩa:
“Trung là cái chính giữa, tính thiện. Tân là cái bến bãi để và theo...Biết dùng
đúng chỗ là đúng bến ngày...trung ở chỗ nào thì cái thiện ở chỗ đó”.
(Bia Quán Trung Tân)

20


Thơ văn của ông là tài sản tinh thần vô giá, những khát vọng, ưu tư,
tình yêu con người, thiên nhiên, ước vọng hòa bình, lòng căm ghét chiến
tranh, thái độ coi thường công danh phú quý, an bần, lạc đạo...mãi mãi còn lại
và tham gia vào bước tiến của dân tộc ta hôm nay.
Đôi nét về Sấm ký Trạng Trình: Sấm ký Trạng Trình là một đề tài mà
từ mấy thế kỷ nay đã là một bức màn thần bí bao phủ lên cả cuộc đời Nguyễn

Bỉnh Khiêm. Thực hư ra sao thì cũng chưa ai dám khẳng định. Nhưng, có một
điều mà lịch sử xưa nay đối với những vĩ nhân, thường có chuyện những lời
tiên tri hữu nghiệm được truyền tụng.
Ở Trung Quốc, nhà triết học Vương Sung, (khoảng năm 27-97) đã trích
dẫn lại trong “Thực tri thiên” của ông, cho thấy diện mạo siêu phàm của
Khổng Tử (551-479 TCN). Chuyện kể rằng ở Khổng miếu có để lại sấm thư,
nói rằng:
“Không biết rằng một chàng trai nào đó, tự xưng là Tần Thủy Hoàng,
bước vào nhà ta, ngồi xổm trên giường ta, làm đảo lộn áo xiêm ta, đi đến Sa
Khâu thì chết”. Về sau Tần Thủy Hoàng (221TCN – 206 TCN), sau khi thống
nhất thiên hạ, đi qua nước Lỗ vào xem nhà Khổng Tử, rồi đi đến Sa Khâu,
dọc đường ốm mà chết...Đó là việc linh nghiệm của khả năng biết rõ việc trên
đời. Rồi thời Tam Quốc ở đền thờ Gia Cát Lượng có câu đối:
Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng
Thống nhất sơn hà Tư Mã Viêm.
Quả nhiên sau này, chính Tư Mã Viêm là người thống nhất cả 3 thế lực
Ngụy, Thục, Ngô lập lên nhà Tấn, khi đến đền thờ Gia Cát Lượng định phá
đền, thì đã phải dừng lại vì kính nể tài tiên tri của Khổng Minh.
Ở Việt Nam, dưới thời Lý có sư Vạn Hạnh (939 – 1025) theo truyền
thuyết cũng rất giỏi về tiên đoán. Tương truyền ông dự đoán được tiền vận,
hậu vận của con người, nên đã hết lòng dạy dỗ Lý Công Uẩn và quả nhiên sau
21


này Lý Công Uẩn đã làm vua, lập ra triều đình nhà Lý. Rồi thế kỷ XVIII, La
Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 – 1804) đã dự đoán về chiến thắng của
Quang Trung quét sạch 20 vạn quân Thanh “ trong vòng mười hôm”.
Trong thời kỳ cận đại và hiện đại, nhiều nhà chính trị, triết gia cũng từng
đưa ra những dự đoán tài giỏi về chiều hướng của lịch sử và chính trị thế giới.
Song, kho Sấm ngữ Trạng Trình có đặc điểm là được tập hợp lại thành

những mẩu chuyện thần kỳ, giải thích các hiện tượng xảy ra trong lịch sử dân
tộc trong vòng bốn đến tận năm thế kỷ.
Gần thì như các chuyện khuyên Nguyễn Hoàng “ Hoành sơn nhất đái,
khả dĩ dung thân” hay với chúa Trịnh “ Thờ phật thì được ăn oản” hoặc với
nhà Mạc “ Cao Bằng tuy thiểu, khả duyên số thế”...
Hay như khi Người đã mất, thì các chuyện để lại với quê hương, con
cháu, như “Minh Mạng thập tứ, thằng Trứ phá đền” rồi “Cha con thằng Khả
đánh ngã bia tao” hoặc “Ngã cứu nhĩ thượng chi ách, nhữ cứu ngã thất thế chi
tôn”...
Về sau này, là những lời nói về khởi nghĩa Yên Bái của Quốc dân Đảng
do Nguyễn Thái Học lãnh đạo:
Khi cơn gió thổi lá rung cây
Rung Bắc, rung Nam, Đông tới Tây.
Tan tác Kiến kiều An đất nước
Sơn Lâm nổi sóng, mù Thao cát
Hưng địa tràn dâng, Hóa nước đầy
Một giỏ, một Yên ai sùng Bái
Cha con người Vĩnh, Bảo cho hay
[12, tr.24]
Bài thơ trên, các từ ghép nhau lại là thành địa danh và sự kiện có liên
quan tới khởi nghĩa Yên Bái.

22


- Yên Bái, là nơi đêm 9 – 3 -1930 Nguyễn Thị Giang tổ chức lực lượng
tấn công vào thành Yên Bái do thiếu tá Le Taron chỉ huy.
- Lâm Thao, Hưng Hóa là nơi Nguyễn Khắc Nhu tổ chức tiến công.
- Vĩnh Bảo, là nơi Trần Quan Diệu (người làng Cổ Am) tấn công vào
huyện lị, bắt tri phủ Hoàng Gia Mô.

- Vì ông Trần Quang Diệu ở Cổ Am, nên sau đó Pháp đã huy động máy
bay triệt hạ làng Cổ Am.
Nói về Đại chiến thế giới thứ hai có bài:
Long vĩ, xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khổ đao binh
Mã đề Dương cước anh hùng tận
Thân, Dậu niên lai kiến Thái Bình.
[12, tr.24]
Hai câu đầu ứng với cuộc đại chiến mở rộng vào cuối năm Rồng ( 1940
– Canh Thìn) và mở đầu năm Rắn (Tân Tỵ - 1941) nhân dân đau khổ. Có thể
dịch hai câu đầu như sau:
Đuôi rồng, đầu rắn khởi chiến tranh
Khắp mọi nơi, dân khổ vì chiến tranh
Hai câu cuối, đến tháng 1 – 1943 (chân ngựa – cuối năm ngọ) Liên Xô
phản công ở Stalingrat rồi sang cuối năm 1943 (móng dê – năm mùi) phát xít
Hitle bắt đầu núng thế:
Móng dê, chân ngựa, anh hùng tận.
Để rồi kết thúc bằng chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đem lại hòa
bình cho toàn thế giới vào cuối năm Giáp Thân (1944) đầu năm Ất Dậu
(1945)
Thân, Dậu rồi ra mới thái bình.

23


Rồi đến Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, cũng thấy xuất hiện
Sấm Trạng.
Đầu thu gà gáy xôn xao
Mặt trăng xưa sáng tỏ vào Thăng Long.
Đầu thu là tháng 7 âm lịch (tức tháng 8 dương lịch) năm gà là Ất Dậu

(1945) thì Bác Hồ về Hà Nội. “Mặt trăng xưa” theo tiếng Hán là cổ nguyệt,
theo triết tự thì chữ Cổ và chữ Nguyệt ghét lại thành chữ Hồ. Cụ Hồ về Hà
Nội vào ngày 26 – 8 – 1945 (tức 19 tháng 7 năm Ất Dậu).
Gần đây nhất sau 400 năm ngày mất của Trạng thì có câu:
Bao giờ Tiên Lãng chia đôi
Sông Hàn nối lại thì tôi lại về.
[12, tr.25]
Hai câu ứng với việc dòng sông đào chia đôi huyện Tiên Lãng được mở
rộng, chiến cầu phao nối hai huyện Tiên Lãng – Vĩnh Bảo để cả nước về thăm
quê Trạng. “Tôi lại về” vào dịp thành phố tổ chức kỉ niệm 400 năm ngày mất
của Trạng. Đến thời điểm 1991 (Tân Mùi) khi đất nước trở lại thành một
Quốc gia có vị thế trên thế giới, đất trời thanh bình:
Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ
Hưng tộ diên trường ức vạn xuân.
(Dịch là: Đất nước Hồng Lam sau ta 500 năm sẽ là một thời kì hưng
thịnh vạn mùa xuân) [12, tr.26].
Vài điều kể trên chỉ nói lên một điều là dù xuất xứ khác nhau như thế
nào về thời gian, những mẩu chuyện như trên dần dần được tập hợp lại, trở
thành một hệ thống, với một nhân vật đóng vai dẫn truyện: Trạng Trình. Đủ
nói lên rằng, đã từ lâu, ông là một con người đã được huyền thoại hóa, có sức
thu hút mạnh mẽ đối với đời sống tâm linh của xã hội Việt Nam.

24


Với đương thời, ông là một vĩ nhân đứng trên thế tục một tầm, có
những chỉ dẫn sáng suốt, làm quân sư cho các thế lực Trịnh, Lê, Mạc, Nguyễn
nên đều được họ kính nể. Bạn bè đông niên của ông, học trò của ông bấy giờ
cũng đã ca ngợi tài tiên tri của ông là:
Một mình lý học tinh thông

Hai nước anh hùng không đối thủ
(Văn tế Tuyết Giang phu tử) [13, tr.83]
Với hậu thế 4 -5 trăm năm lại đây, nhiều sự kiện chính trị - xã hội được
lan truyền, được cắt nghĩa qua Sấm Trạng. Những câu Sấm Trạng chưa rõ đâu
là nguyên bản, đâu là do người đời sau mượn uy danh của Người mà thêm
vào, nhưng sự thực đã thành lời truyền tụng trong dân gian. Lược bỏ yếu tố
thần bí, dị đoan, trân trọng một trí tuệ vĩ đại “Mắt tai sáng suốt”, “Lòng dạ
thênh thang”, “ Học tài chẳng kém Âu, Tộ”, “Văn lực không nhường Lý, Đỗ”
(Văn tế Tuyết Giang phu tử) có khả năng dự báo tốt lành cho đất nước, cũng
là một nội dung văn hóa sâu sắc, làm cho ta thêm phấn chấn tự hào.
1.3. TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM TRONG TÂM THỨC
CỦA NGƯỜI DÂN VIỆT NAM
Trong lời kết bài Nguyễn Công Văn Đạt phả ký soạn năm Quý Hợi
(1743), Ôn Đình Hầu Vũ Khâm Lân viết: “Ôi! Trong thiên hạ có nhiều vua
chúa và người hiền. Những người ấy lúc sốn thì vinh, lúc chết thì hết. Nhưng
Ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đến nay đã được 7,8 đời, gần thì sĩ phu dân
thường chiêm ngưỡng như núi Thái Sơn, như Sao Bắc Đẩu; xa thì xứ nhà
Thanh là Chu Xán nói rằng nhân vật Lĩnh Nam, tinh thông lý học có Trình
Tuyền, đã viết vào sách truyền vào Trung Quốc, coi là một bậc thánh nhân ở
nước Nam vậy” [15, tr.54]

25


×