Tải bản đầy đủ (.pdf) (79 trang)

so sánh nguyên tác và bản dịch thơ một số bài thơ trong tập nhật ký trong tù của hồ chí minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (827.3 KB, 79 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN
------------------------



TRẦN CHÚC LY
MSSV: 6095868

SO SÁNH NGUYÊN TÁC VÀ BẢN DỊCH THƠ
MỘT SỐ BÀI THƠ TRONG
TẬP NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA HỒ CHÍ
MINH

Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS.GVC. LÊ THỊ NGỌC BÍCH

Cần thơ, 2013


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu



PHẦN NỘI DUNG CHÍNH
Chương 1: VÀI NÉT VỀ CHỮ HÁN, HỒ CHÍ MINH VÀ
NHẬT KÝ TRONG TÙ
1.1. Về chữ Hán
1.1.1. Nguồn gốc chữ Hán
1.1.2. Lược sử chữ Hán
1.1.2.1. Lược sử chữ Hán theo góc độ Thư pháp: (Khái quát về chữ
Hán theo góc dộ thư pháp, các loại chữ Hán)
1.1.2.2. Lược sử chữ Hán theo góc độ văn tự học
1.1.2.3. Những đặc điểm cơ bản của chữ Hán
1.1.3 Thực trạng chữ Hán
1.1.3.1. Chữ Hán ở Trung Quốc và các nước
1.1.3.2. Chữ Hán ở Việt Nam
1.2. Hồ Chí Minh
1.2.1. Tiểu sử và con người
1.2.2. Tác phẩm chính
1.3. Nhật ký trong tù
1.3.1. Vị trí của tập thơ Nhật ký trong tù
1.3.2. Vài nét về việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu tập
thơ Nhật ký trong tù
1.3.3. Các bài thơ được khảo sát và đối chiếu


Chương 2: LÝ THUYẾT VỀ VĂN HỌC SO SÁNH VÀ VẤN
ĐỀ DỊCH THƠ CHỮ HÁN
2.1 Một số lý thuyết về văn học so sánh
2.1.1. Mục đích và đối tượng của văn học so sánh
2.1.1.1. Mục đích
2.1.1.2. Đối tượng

2.1.1.2.1.Các mối quan hệ trực tiếp
2.1.1.2.2. Các hiện tượng tương đồng
2.1.1.2.3.Các hiện tượng khác biệt độc lập
2.1.2. Chức năng của văn học so sánh
2.1.3. Vị trí của văn học so sánh trong bối cảnh khoa học và văn hóa
ngày nay
2.2. Đôi nét tình hình dịch thơ chữ Hán ở Việt Nam
2.3. Những thuận lợi và khó khăn trong việc dịch thơ chữ Hán
2.4. Nguyên nhân bản dịch thơ mất chữ, mất ngữ và thoát nghĩa
so với nguyên tác

Chương 3: SO SÁNH NGUYÊN TÁC VÀ BẢN DỊCH THƠ
MỘT SỐ BÀI THƠ TRONG TẬP NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA
HỒ CHÍ MINH
3.1. Ưu điểm chung của các bản dịch
3.2. Một số nhược điểm của các bản dịch
3.2.1 Bài thơ Quyển đầu
3.2.2. Bài thơ Nạn hữu xuy dịch (Người bạn tù thổi sáo)
3.2.3. Bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng)
3.2.4. Bài thơ Phân thủy (Chia nước)
3.2.5. Bài thơ Tẩu lộ (Đi đường)
3.2.6. Bài thơ Mộ (Chiều tối)
3.2.7. Bài thơ Tảo giải (Giải đi sớm)
3.2.8. Bài thơ Lộ thượng (Trên đường)


3.2.9. Bài thơ Lai Tân (Lai Tân)
3.2.10. Bài thơ Vãn cảnh (Cảnh chiều hôm)
3.2.11. Bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm (Cảm tưởng đọc “Thiên
gia thi”)


PHẦN KẾT LUẬN


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đã từ lâu văn thơ chữ Hán đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Kể từ
sau thời Đường của Trung Quốc, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê,
Tây Sơn, nhà Nguyễn của Việt Nam, cho đến nay vẫn còn gìn giữ được một khối
lượng đồ sộ những tác phẩm văn thơ viết bằng chữ Hán. Văn thơ chữ Hán đã đi vào
lòng người, bất kể tầng lớp, địa vị, từ tầng lớp trên như: tăng sĩ, vương tôn quý tộc cho
đến quần chúng nhân dân. Và nó cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ thành thị cho đến
nông thôn. Thơ văn chữ Hán, rất tự nhiên đã trở thành nét truyền thống lâu đời, đi sâu
vào đời sống của người dân, và có nhiều giá trị phong phú, từ thơ của Phật giáo, Nho
giáo đến những áng thơ hào hùng của chủ nghĩa yêu nước. Có thời kỳ, thơ văn chữ
Hán trở thành một trào lưu chính trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật cổ điển của Việt
Nam, và nó có một ảnh hưởng sâu sắc đến những tác phẩm văn hóa nghệ thuật hiện
đại của Việt Nam.
Mặc dù, nền Hán học một thời hưng thịnh ấy đã không còn. Giờ đây dân tộc ta
đã có chữ viết riêng và sự giao lưu văn hóa trong quá trình hội nhập đã thu nạp thêm
nhiều thứ tiếng thông dụng hơn, mang tính quốc tế. Thế nhưng, con cháu dân tộc ta
vẫn dành một góc riêng thiêng liêng cho những tác phẩm sáng tác bằng Hán tự. Đó đã
trở thành một thứ tinh hoa cần được giữ gìn. Nó gợi nhắc đến một thời kỳ của lịch sử
với những con người đáng để cho thế hệ sau nể phục. Một thời kỳ mà đất nước trải qua
nhiều lần tranh đấu để gìn giữ độc lập. Quá trình vĩ đại ấy sản sinh ra những con người
xuất chúng.
Hồ Chí Minh là một con người như thế. Người đã trở thành niềm tự hào của
dân tộc ta, chính Bác là người dẫn dắt dân tộc đi qua cơn bão lửa của chiến tranh để
tiến đến độc lập, tự cường. Con người ấy luôn luôn nghĩ cho nhân dân, lo cho dân tộc
và trong phương diện sáng tác cũng không phải là ngoại lệ. Trong quá trình Bác bị

chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ, Người đã cho ra đời tập thơ Nhật ký trong
tù. Đây là một tập thơ nhưng lại không hẳn là thơ, nói một cách chính xác thì đây là
một tập nhật ký bằng thơ. Bởi vì tính chất đặc biệt đó mà trong quá trình dịch thơ từ
Hán văn sang Việt văn nhiều dịch giả đã gặp không ít khó khăn do nhiều điều kiện.
Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã tiến hành thực hiện đề tài: So sánh nguyên tác và bản dịch
1


thơ một số bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Về nội dung thì đây là
một đề tài không mới nhưng chúng tôi đang cố gắng để thực hiện nó trên cơ sở kế thừa
nghiên cứu của các công trình đi trước, nhưng có hoàn thiện và đi sâu làm rõ những
vấn đề còn tồn đọng từ lâu, nhằm đi đến một cách hiểu hoàn chỉnh nhất có thể về tập
thơ của Hồ Chí Minh.

2. Lịch sử vấn đề
Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã được dịch (bản dịch đầu tiên vào 5 - 1960), giới thiệu và xuất bản nhiều lần, bằng
nhiều thứ tiếng, dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, có nhiều công trình
nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước đề cập về toàn bộ tác phẩm, bao
gồm cả những công trình có chỉnh lí, sửa chữa nhiều lần. Nhật ký trong tù là một tác
phẩm văn học độc đáo đã trở thành nguồn cảm hứng đối với nhiều nhà thư pháp trong
nước và nước ngoài, các nhà lịch sử và đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn học, đã có
nhiều hội thảo khoa học về Nhật ký trong tù, các công trình nghiên cứu nhiều tâm
huyết của các tác giả về vấn đề dịch tác phẩm.
Những công trình đó đều nói đến giá trị đặc biệt về nội dung, tư tưởng và nghệ
thuật diễn tả và kể cả những điều về vấn đề dịch tác phẩm. Trong đề tài này, chúng tôi
xin được nêu một số công trình cũng như những bài viết xoay quanh vấn đề dịch tác
phẩm. Đó là những bài viết: Bản dịch nhật ký trong tù dưới ánh sáng tiếp nhận của hai
tác giả Nguyễn Vũ Cư và Nguyễn Huệ Chi được in trong cuốn Suy nghĩ mới về Nhật
ký trong tù, Thử đi vào chỗ tinh vi của nguyên tác và bản dịch Nhật ký trong tù của Lê

Trí Viễn được in trong cuốn Học tập phong cách ngôn ngữ của chủ tịch Hồ Chí Minh,
và bài viết Nguyên tác và bản dịch Nhật ký trong tù - những câu chuyện nhỏ của tác
giả Hoàng Quảng Uyên.
- Bài viết Bản dịch nhật ký trong tù dưới ánh sáng tiếp nhận của hai tác giả
Nguyễn Vũ Cư và Nguyễn Huệ Chi [3; tr.238] đã đề cập đến những giá trị chuyển ngữ
của bản dịch thơ đầu tiên tập Nhật ký trong tù năm 1960. Trước hết hai tác giả đã nêu
lên rằng bản dịch thơ năm 60 có một vai trò đặc biệt trong việc kéo gần khoảng cách
của độc giả với nguyên tác tác phẩm. Bản dịch đã tạo ra một “vận mệnh riêng”, ít
nhiều có thể xứng được với nguyên tác. Hai tác giả cũng nhấn mạnh rằng những điều
làm nên sắc thái của bản dịch như: ngôn ngữ thể loại, nhịp điệu, tiết tấu, âm hưởng, cả
mặt ưu điểm và hạn chế đều là những đối tượng khảo sát của chuyên luận về Nhật ký
2


trong tù. Có thể nói, người dịch có điều kiện thuận lợi để thâm nhập vào thế giới của
nguyên tác và tác giả tập thơ. Công việc ấy, có lúc đã không còn là công việc “tìm vần
gọt chữ”, trái lại đã trở thành công việc mang ý nghĩa “cộng đồng suy nghĩ và sáng
tạo” với tác giả. Và, cả dân tộc như đã bày tỏ mối cộng cảm với “con người hiện thân
cho ánh sáng lương tri của chính mình” thông qua bản dịch [3; tr.240]. Đó là những
thành công ban đầu mà bản dịch năm 1960 đạt được.
Với những thành công như vậy, có thể thấy rằng bản dịch thơ năm 60 đã giúp
cho tác phẩm gia nhập hẳn vào giữa dòng thời cuộc sống động, xa rời phương thức tồn
tại “18 năm lặng lẽ” của nguyên tác. Các tác giả cũng đề cập đến tính chất đặc biệt
của tập thơ: Nhật ký trong tù là một tập thơ này được tác giả viết với mục đích “trước
hết là cho mình đọc, một mình mình cảm xúc, suy ngẫm” [3; tr.241]. Cho nên, tập thơ
vì vậy mang tính chất kín và chất nặng những thanh âm hướng nội. Với đặc điểm đó,
tác phẩm sẽ có một vòng vận động khép kín - tác giả và người đọc luôn luôn chồng
khít lên nhau. Yếu tố ấy sẽ làm cho tác phẩm có kết cấu ngôn từ khác hẳn với thơ Hán
- Việt cổ điển. Điều này là những khó khăn mà các dịch giả nên chú ý để tìm ra hướng
giải quyết phù hợp trong việc dịch tác phẩm.

Ngoài ra, bài viết còn nêu lên những khó khăn trong quá trình thực hiện bản
dịch của các dịch giả. Đầu tiên là việc trước đó chưa có một thể nghiệm chuyển từ
hình thức chữ Hán cổ pha Bạch thoại sang hình thức thơ Việt kiểu mới trên thi đàn thơ
dịch, nhất là thơ dịch Hán - Việt để làm tiền lệ. Và thực tế đó đòi hỏi các dịch giả phải
chọn một phương thức phù hợp ? Các dịch giả đã lựa chọn phương thức: mã Đường
luật xen Bạch thoại trong nguyên tác được chuyển thành hai mã thơ chủ yếu trong bản
dịch là lục bát và luật đường. Với lựa chọn này, những trợ từ của cú pháp bạch thoại
trong nguyên tác đều bị lượt bỏ; do yêu cầu hiển nhiên của hai mã thơ lục bát và luật
đường là cô đúc từ ngữ đến mức khắt khe, lại phải có cấu trúc, thanh âm cân đối, nhịp
nhàng [3; tr243]. Có thể cách lựa chọn phương thức dịch như vậy sẽ có lúc ít nhiều
làm cho bản dịch thơ mất đi phần chắc khỏe của nguyên văn, hay có lúc làm cho
những câu thơ không bóng bẩy trở nên thanh thoát hơn. Nhưng điều quan trọng là phải
giữ và tôn lên được chất thơ vốn có trong nguyên tác. Bài viết cũng cho chúng ta thấy
rằng, bản dịch Nhật lý trong tù còn phải lột tả được phong cách ngôn ngữ của tập thơ
trong yêu cầu thống nhất với phong cách ngôn ngữ con người Hồ Chí Minh. Có làm
được việc ấy thì mới có thể có được một bản dịch sát với tinh thần nguyên tác. Nguyên
3


nhân của sự khó khăn ấy là do, thế hệ bạn đọc lúc bấy giờ đã khá thân thuộc với Bác,
việc dịch sát từng chữ từng câu trong nguyên tác chưa hẳn đã nắm được ngôn từ của
Người. Và cách giải quyết mà các dịch giả lựa chọn là hợp lí: dịch làm sao để đảm bảo
rằng trang nhã mà dung dị, giản dị mà uyên súc.
Các tác giả cũng đề cập trong bài viết rằng những công thức giáo điều về lý
luận đang trói buộc tầm nhìn của chúng ta, làm hạn chế tư tưởng của người dịch.
Ngoài ra, sự so le nhiều mặt về chủ thể tác giả và người tiếp nhận trong đó có người
dịch cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến cách dịch. Tất nhiên trong khuôn khổ tầm nhìn
của thế hệ năm 60 không thể đòi hỏi một sự toàn diện hơn, yêu cầu bổ sung, chỉnh lý
cho phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của những người sau năm 60 là một yêu cầu cần
thiết.

Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù là quyển sách có một đóng góp không nhỏ cho
độc giả về một bản dịch thơ tác phẩm trọn vẹn và những công trình nghiên cứu có giá
trị “chỉnh đốn” lại những sai sót gặp phải trong rất nhiều năm đã qua, góp phần tạo ra
một cái nhìn đầy đủ hơn, chính xác hơn cho giá trị của tác phẩm. Cùng với những bài
viết và bản dịch đầy đủ kèm theo trong quyển sách, bài viết này đã góp một cách nhìn
tổng quan hơn công việc của các dịch giả khi thực hiện bản dịch năm 1960.
- Lê Trí Viễn là người có nhiều nghiên cứu về tập thơ Nhật ký trong tù và ông
cũng đã có nhiều bài viết đi sâu vào tìm hiểu tác phẩm này. Đáng chú ý nhất có lẽ là
bài viết Thử đi vào chỗ tinh vi của nguyên tác và bản dịch Nhật ký trong tù (đề cập đến
những bài thơ trong bản dịch đầu tiên năm 1960) được in trong cuốn Học tập phong
cách ngôn ngữ của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết này chỉ ra những sự chênh lệch
giữa bản dịch so với nguyên tác về mặt vần điệu của bài thơ. Bên cạnh yếu tố ngôn từ
trong một bản dịch, thì yếu tố vần điệu cũng không kém phần quan trọng. Có nhiều khi
đó lại là yếu tố quyết định tinh thần của một bài thơ.
Tác giả bài viết cũng đã đưa ra một ví dụ, đó là bài thơ đầu tiên trong tập. Theo
tác giả, bản dịch rất sát với nguyên tác: “Chữ Hán đâu, tiếng Việt đó, rất sát. Lời
trong, ý rõ” [9; tr.123]. Thế nhưng, ông cũng cho rằng, bản dịch không lột tả hết được
tinh thần của nguyên tác. Bốn câu thơ, có hai chữ đại, chữ đại trước chồng lên chữ đại
sau, chữ sau cao hơn chữ trước. Hai chữ đại ấy làm nên sức nặng của bài thơ, như có
cái gì đó khó chịu, bực bội. Thêm vào đó, ở nguyên tác bài thơ có rất nhiều vần trắc,
nhất là ở cuối câu thơ, sức mạnh con người dồn vào bên trong câu thơ. Còn ở bản dịch
4


thì có phần quá thanh thoát, nhẹ nhàng khi dùng vần bằng, làm mất đi tinh thần vốn có
của bài thơ. Ông cho rằng, đây là một bài thơ mở đầu tập sách, cũng là cảm tưởng đầu
của một giai đoạn trớ trêu, đày đọa. Phải thắng được cái trớ trêu, đày đọa này, cho nên
cả sức mạnh con người dồn vào bên trong. Đọc bài thơ ta cảm nhận được độ vang
ngân mà rất kín.
Bên cạnh đó, Lê Trí Viễn cũng chỉ ra những bài thơ dịch chưa tốt, những bài

thơ được ông so sánh về mặt câu chữ giữa nguyên tác và bản dịch. Đặc biệt trong số
ấy có bài Ngưới bạn tù thổi sáo, tuy dịch chưa sát nhưng cái cảm giác ngóng trông,
thương nhớ dằng dặc, mênh mông trong bản dịch thì cũng không thua gì so với nguyên
tác [9; tr.127]. Tuy vậy, cái chưa tốt vẫn phải được nói đến, đặc biệt là hai chữ vi vu
được thêm vào, rõ ràng hai chữ ấy làm hỏng đi không khí trong veo của bài thơ, âm
thanh này thật không phù hợp. Và trước hết theo Lê Trí Viễn: “Ở đây là người trong
ngục nghe người trong ngục: người thổi sáo nhớ nhà, người nghe thổi sáo cũng nhớ
nước, hai người có chung một tâm sự tư hương” [9; tr.127]. Rõ ràng chẳng có một
nhân vật thứ 3 hiển hiện nào ở tại ngục với 2 người tù, có chăng chỉ là hình ảnh người
khuê phụ do Bác tưởng tượng ra mà thôi, vậy thì làm sao có thể dịch là vi vu. Vi vu là
một từ miêu tả, nó thật không phải là ý tưởng mà nguyên tác hướng tới - chỉ nặng về
gợi chứ không tả.
Đó là một số ví dụ về bài viết của Lê Trí Viễn. Các nhận xét của tác giả trong
bài viết này có độ sâu và bao quát trong phân tích, đánh giá, là những tư liệu quý báu
cho những ai tìm hiểu tập thơ.
- Bài viết Nguyên tác và bản dịch Nhật ký trong tù - những câu chuyện nhỏ của
tác giả Hoàng Quảng Uyên cũng đã đề cập đến vấn đề bản dịch ở một số bài thơ.
Trong bài viết tác giả có nêu lên một số điểm chú ý về cách giảng dạy một số bài thơ
trong tập thơ của chương trình phổ thông. Tác giả đã nêu lên những sự sai lệch về cách
hiểu một số từ ngữ trong bài thơ, mà có lẽ nguyên nhân không phải ở trình độ hiểu biết
của các dịch giả mà nằm ở thái độ kiêng dè, né tránh vì những lí do về chính trị mà
bản thân họ cho là tế nhị, khó nói. Chính điều này đã làm cho bản dịch thơ trở nên sai
lệch về ý nghĩa, tạo ra sự mập mờ không đáng có, so với một nguyên tác rất rõ ràng
mà tinh tế của Hồ Chí Minh. Đơn cử là bài thơ Lai Tân, bản dịch năm 1960 của Nam
Trân. Bài thơ này, theo tác giả để giảng cho đúng, tuy khó mà dễ.

5


Trong bản dịch nhà thơ Nam Trân đã dịch chữ thiêu đăng (đốt đèn) thành

chong đèn (điểm đăng). Cộng thêm chữ biện công sự (làm công việc) được các nhà
phân tích hiểu thành làm việc công đã đủ cơ sở xây dựng nên hình ảnh một ông huyện
trưởng mẫn cán, làm việc công tới tận khuya mà lơ là vịêc giám sát cấp dưới. Điều này
được tác giả bài viết cho rằng như vậy là không đúng, vì theo ông cung cấp thì đồng
chí tuỳ viên văn hoá Trung Quốc cho biết rằng: ở Trung Quốc câu này trước hết có
nghĩa là: Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện. Thêm vào đó, khi Viện Văn học đã
gửi công văn xin ý kiến Bác Hồ về bài thơ, Bác Hồ đã dùng bút chì gạch 3 chữ hút
thuốc phiện đi, viết thay vào 2 chữ làm việc. Như tác giả bài viết này nhận định:“Nếu
người ta không muốn xấu mặt vì có ông huyện trưởng hút thuốc phiện thì gạch chữ hút
thuốc phiện đi, còn trong nguyên tác vẫn là huyện trưởng thiêu đăng biện công sự
không hề sửa” [22; tr.9]. Khi Nhật ký trong tù được in bằng chữ Hán, độc giả Trung
Quốc hiểu theo truyền thống văn hoá và ngôn ngữ Trung Quốc thế nào là quyền của
họ. Hoàng Quảng Uyên còn cho biết rằng Trong lần chuyện trò với nhà văn Phùng
Nghệ, chủ tịch Hội nhà văn Quảng Tây (Trung Quốc) và hỏi ông về câu thơ: Huyện
trưởng thiêu đăng biện công sự, ông cho biết “đó là tiếng lóng của vùng Quảng Tây
hay dùng để chỉ việc hút thuốc phiện” [22; tr.10].
Vậy thì cớ gì người Việt Nam không được giảng theo ý ấy ? Giảng như thế thì
mới thấy được cái tầm của bài thơ, thấy lô gích của bài thơ mà không bị gợn là điều
quan trọng. Qua đó càng giúp ta hiểu thêm thơ Bác, hiểu thêm về nghệ thuật của bài
thơ: mỉa mai, trào lộng, châm biếm một cách kín đáo, sâu cay.
Công trình nghiên cứu nào cũng có những điểm được và chưa được, tùy theo
mức độ, trong việc tìm hiểu, phân tích vấn đề. Và ở đây, đề tài của chúng tôi sẽ cố
gắng tập hợp, lí giải những vấn đề mà trong những công trình trên đã đưa ra. Bên cạnh
đó, với khả năng còn non kém, chúng tôi cũng cố gắng có những lí giải đứng trên
nhiều góc độ: tác giả, tác phẩm và người tiếp nhận để làm cho vấn đề được đề cập trở
nên sáng tỏ hơn.

3. Mục đích nghiên cứu
Đây là một đề tài không mới, đã có nhiều tác giả đi sâu vào nghiên cứu với
những địa hạt khác nhau. Và, sức của chúng tôi thì chưa thể làm nhiều điều lớn ngoài

khả năng, phần đóng góp của đề tài là rất nhỏ so với các tác giả ấy. Tuy nhiên, chúng
tôi cũng mong đem một chút sức lực nhỏ bé của mình để tìm tòi, đi sâu và sát hơn với
6


bản dịch của một số bài thơ trong tập Nhật ký trong tù và nguyên tác, nhằm phát hiện
ra những vấn đề còn tồn đọng nhiều năm nay để đi đến hiểu đúng tinh thần cũng như ý
niệm của Bác gửi gấm trong những bài thơ ấy.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn đề tài của mình tôn vinh, trân trọng những
đóng góp to lớn của các tác giả, dịch giả trong việc đưa tập Nhật ký trong tù đến gần
với độc giả. Bởi những đóng góp của họ đã mang lại nhiều hiểu biết sâu rộng, đầy đủ
về tập thơ. Tuy vậy, do nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, bất cứ một tác phẩm
dịch nào cũng có những phần, những điểm chưa sát, chưa đúng với nguyên tác cho nên
việc đưa ra so sánh trong đề tài cũng chỉ nhằm đưa đến những cách hiểu hợp lí nhất
trong một điều kiện nhất định. Và mục đích cuối cùng vẫn là nhằm hướng công chúng
yêu thơ, yêu con người Bác có những cảm nhận thật đúng, thật sát với tư tưởng của
Bác trong những bài thơ ấy.

4. Phạm vi nghiên cứu
Nhật ký trong tù là một tác phẩm lớn, có đến 134 bài thơ (bao gồm cả bài thơ
không có tựa, được xem là bài thơ đề từ cho tập thơ). Việc tìm hiểu tất cả những bài
thơ hay tất cả những điểm đáng chú ý ở rất nhiều bài thơ là một điều có thể nói là quá
sức. Cho nên, ở đây, trong phạm vi của đề tài chúng tôi sẽ tìm hiểu những điểm nổi
bật, những điều được nhiều người bàn luận, và những vấn đề cần được làm rõ trong
một số bài thơ, cụ thể là 11 bài thơ.
Bên cạnh đó, trong quá trình tìm hiểu chúng tôi sẽ có sự liên hệ trong hệ thống
toàn tập thơ, kèm theo một số tác phẩm có liên quan của Hồ Chí Minh và một số tác
phẩm của các tác giả khác.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong thời đại mà công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, đề tài của
chúng tôi đã được hỗ trợ một cách đắc lực. Chúng tôi chủ yếu sử dụng phương tiện
điện toán để đánh máy chữ Hán một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, việc tham khảo văn
bản chữ Hán của tác phẩm trên các diễn đàn về Hán Nôm như Viện nghiên cứu Hán
Nôm là sự hỗ trợ rất lớn cho chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài.
Việc tham khảo các công trình, bài viết xoay quanh vấn đề bản dịch của tác
phẩm đã giúp cho chúng tôi có thêm nhiều cơ sở để so sánh và khẳng định lại thực
chất vấn đề. Phương pháp được sử dụng chủ yếu là so sánh chữ Hán của nguyên tác

7


với bản dịch thơ để rút ra được một số lỗi trong quá trình dịch, cuối cùng đi đến khẳng
định những vấn đề then chốt về nội dung, cũng như về ý nghĩa văn bản.
Bên cạnh đó, phương pháp so sánh, đối chiếu với các văn bản dịch của một số
tác giả cũng được thực hiện. Một bài thơ trong tập thơ sẽ có thể được nhiều dịch giả
thực hiện, vì vậy việc so sánh đối chiếu sẽ chỉ được thực hiện với những bản dịch có
vấn đề.

8


PHẦN NỘI DUNG CHÍNH
Chương 1: VÀI NÉT VỀ CHỮ HÁN, HỒ CHÍ MINH VÀ
NHẬT KÝ TRONG TÙ
1.1. Về chữ Hán
1.1.1. Nguồn gốc chữ Hán
Chữ Hán bắt nguồn từ Trung Quốc từ thời xa xưa dựa trên việc quan sát đồ vật
xung quanh và vẽ thành dạng chữ tượng hình, chữ mang ý nghĩa. Chữ Hán đã trải qua
nhiều thời kỳ phát triển. Cho tới hiện nay, chữ Hán cổ nhất được cho là loại chữ Giáp

Cốt (Giáp Cốt Tự - 甲骨字), chữ viết xuất hiện vào đời nhà Ân - 殷 vào khoảng thời
1600-1020 trước Công Nguyên. Chữ Giáp Cốt là chữ Hán cổ viết trên các mảnh
xương thú vật và có hình dạng rất gần với những vật thật quan sát được. Chữ Giáp Cốt
tiếp tục được phát triển qua các thời: Nhà Chu - 周朝 (1021-256 TCN) có chữ Kim
(Kim Văn - 金文), là chữ viết trên các chuông bằng đồng và kim loại. Chiến Quốc 戰國 (403-221 TCN) và thời nhà Tần - 泰朝 (221-206 TCN) có chữ Triện (Đại Triện
và Tiểu Triện) và có chữ Lệ (Lệ Thư - 隸書). Nhà Hán - 漢朝 (Tiền Hán 206 TCN-8
CN, Hậu Hán 25-220) có chữ Khải (Khải Thư - 楷書).
Chữ Khải còn có thể được chia thành chữ Hành (Hành Thư - 行書) và chữ
Thảo (Thảo Thư - 草書). Chữ Khải là loại chữ được dùng bút lông chấm mực tàu viết
trên giấy và rất gần với hình dáng chữ Hán ngày nay vẫn còn được dùng ở Nhật, Đài
Loan hay Hồng Kông. Chữ Thảo là loại chữ được viết bằng bút lông có lược bớt hoặc
ghép một số nét lại. Sự phát triển chữ Hán trải qua các thời kỳ có thể được minh họa
bằng một số chữ sau:
Chữ Giáp Cốt → Chữ Kim → Chữ Triện (Tiểu Triện) → Chữ Lệ → Chữ Khải →
Chữ Thư (chữ Thảo → chữ Hành).
Ngày nay chữ Hán ở Trung Quốc đã có xu thế được giản lược đơn giản hơn và
ở Trung Quốc còn sử dụng hai loại chữ: chữ Chính thể (正體字) và chữ Giản thể
(簡體字).
Khi đề cập đến vấn đề nguồn gốc chữ Hán (thời điểm ra đời của chữ Hán) có
rất nhiều nguồn cứ liệu để tham khảo và mỗi người sẽ có một cách nhìn từ nhiều góc
độ khác nhau. Trong bài viết này chúng tôi xin được đơn cử ra hai cách nhìn nhận về
9


nguồn gốc chữ Hán: nguồn gốc chữ Hán nhìn từ góc độ thư pháp và nguồn gốc chữ
Hán nhìn từ góc độ tổng hợp về văn tự học. Hai quan điểm này dựa theo giáo trình
Hán Nôm của Huỳnh Văn Minh và bài giảng Hán Nôm 1 của Tạ Đức Tú được dẫn
theo luận văn Khảo sát văn bản Tây qua truyện trong Lĩnh nam chích quái của Trần
Thế Pháp của Lê Văn Khánh [8, tr.5].


1.1.2. Lược sử chữ Hán
1.1.2.1. Lược sử chữ Hán nhìn từ góc độ Thư pháp
Từ góc độ thư pháp (書法) sẽ cho ta thấy diễn biến về hình thể của nó với các
dạng: Giáp cốt văn → Kim văn → Tiểu triện → Lệ thư → Khải thư → Thảo thư →
Hành thư.
Chữ Hán được nhìn nhận qua cách viết ở từng giai đoạn, tức là diễn biến về sự
thay đổi hình thể của chữ Hán. Ở đây, cũng có nhiều quan điểm khác nhau, xin dẫn ra
những quan điểm lớn sau:
* Theo Leon Wieger
Theo Leon Wieger trong cuốn Caracteres Chinois (Chữ Hán: 漢字) thì chữ Hán
bắt đầu từ đời Chu: người ta viết chữ trên thẻ tre, gỗ với bút là ống tre có gắn bình
mực ở trên, có một tim giữa thân bút để điều hoà dòng mực. Bút ấy khi viết phải đặt
thẳng góc với thẻ tre, gỗ và có thể di chuyển đầu bút được mọi chiều mà dòng mực
vẫn tròn, đều do tim bút. Chữ ấy chính là chữ Triện (Triện thư: 篆書) với nét bút tròn
đều. Vào đời Tần (nhà Tần: 秦朝), trong khuôn khổ thống nhất chữ viết ở Trung Hoa
của Tần Thuỷ Hoàng (秦始皇), Trình Diểu chế ra cây bút gỗ, đầu buột vải thô và viết
trên lụa. Khí cụ này tạo ra các nét dày cho chữ, các nét tròn thành vuông (ví dụ:
→日 chữ nhật), nét cong thành thẳng góc và người ta đã viết nó được nhanh hơn.
Chữ Lệ (Lệ Thư: 隸書) ra đời.
Cũng có người cho rằng, cũng vào đời Tần, trong lúc đánh Hung Nô (匈奴),
Đại tướng Mông Điềm (蒙恬) sáng tạo ra bút lông, mực và giấy. Viết trên giấy thì
mực thấm nhanh, không viết được những nét ngược như chữ Triện, nhờ vậy nhiều nét
cồng kềnh của chữ Triện và chữ Lệ biến mất. Chữ Khải (Khải thư: 楷書) ra đời. Bút
lông viết được nhanh, người ta bèn gom một số nét phức tạp lại cho đơn giản, vì thế
chữ Thảo (Thảo thư: 草書) ra đời.

10


Nhìn chung, cách cắt nghĩa sự biến thiên chữ Hán của Wieger chủ yếu dựa trên

nét viết của chữ ấy ứng với khí cụ tạo ra nó và đặt nó vào một giai đoạn lịch sử. Do
vậy mà tính giải thích văn tự của nó cao hơn hẳn tính khoa học cần thiết.
* Theo Hứa Thận
Theo Hứa Thận (許慎) trong Thuyết văn giải tự (說文解字) cho rằng chữ Hán
ra đời bởi Sử quan Thương Hiệt (倉頡) đời Hoàng Đế (黃帝): “Nhìn dấu chân chim
mà đặt ra Thư Khế”. Đến đời Chu Tuyên Vương (周宣王), Thái Sử Trụ (太使紂) viết
15 thiên Đại triện (大篆), đem so với Thư Khế (書契) thì đã khác nhiều. Đến thời
Chiến Quốc (國), chư hầu dùng sức trị nhau, bảy nước tranh hùng vương bá (Thất
hùng: 七雄). Từ đó ngôn ngữ khác thanh, văn tự khác hình. Chẳng hạn, ngôn ngữ Sở
phương Nam trong Li Tao (離騷) của Khuất Nguyên (屈原) khác xa ngôn ngữ Tề
(齊), Yên (燕), Triệu (趙),… phương Bắc còn lưu lại trong tản văn. Sau khi Tần Thuỷ
Hoàng Đế (秦始皇帝) thống nhất Trung Nguyên, Thừa tướng Lý Tư (李斯) tâu xin
thống nhất văn tự để quản lí nhà nước một cách thống nhất. Quan Thái sử Hồ Mẫn
Sinh viết Bác học thiên lấy chữ từ Đại Triện, có thay đổi chút ít gọi là Tiểu Triện. Khi
Tần Thuỷ Hoàng thực hiện chính sách “Phần thư khanh nho” (焚書坑儒) (đốt sách và
chôn sống học trò) cùng với công việc xây Vạn Lí Trường Thành (萬里長城), công
việc bề bộn nên người ta tạo ra chữ Lệ cho giản tiện. Chữ Triện mất hẳn, nhà Hán lên
và ra đời chữ Thảo (Thảo Thư: 草書).
Cũng theo Hứa Thận, trong thời gian “Chữ viết dị hình” là do nét bút thay đổi
của các vùng phù hợp tính cách bản xứ. Vì vậy, sự khác hình của văn tự Hán giữa các
thờin kì thực ra là sự thay đổi nét bút cho giản tiện. Nên các chữ Triện, Lệ, Chân,
Hành, Thảo (篆, 隸, 真, 行, 草) chỉ là một.
* Theo khảo cổ học
Theo khảo cổ học, tức theo những gì còn lại của chữ Hán trong khảo cổ mà suy
đoán thì chữ Hán bao gồm: Giáp cốt văn (甲骨文 - Giai đoạn vẽ hình sơ đẳng), Kim
văn (金文) hay còn gọi là chữ Chung Đỉnh (Chung đỉnh văn - 鐘鼎文), giai đoạn vạch
đường thẳng), Tiểu Triện, Lệ Thư, Khải Thư, Thảo Thư, Hành Thư và Giản Thể tự (简体字: chữ giản thể, Gọi chung là giai đoạn viết chữ thành nét).

11



Khảo cổ học tìm thấy chữ xưa nhất của Trung Quốc là chữ Giáp Cốt ở thời Ân
Thương - 殷商 chứ không phải Thư Khế - 書契 như trong Thuyết văn giải tự
(說文解字) nói. Theo khảo cổ học cũng như một số sách cổ xưa có luận bàn đến văn
tự thì rõ ràng từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế (三皇五帝) chưa có chữ viết. Mà chưa có
chữ viết thì làm gì có Sử quan để chép sử ? Những người đồng ý với Thuyết văn giải
tự giải thích, sở dĩ người ta cho rằng Sử quan Thương Hiệt (倉頡) tạo ra chữ viết là vì
họ muốn lí giải sự ra đời của chữ viết ứng với tên một nhân vật trong truyền thuyết.
Điều này cũng tương ứng với việc núi sông, muôn vật, trời đất đều do bàn tay thần
thánh của những nhân vật huyền thoại. Cho nên, theo khảo cổ học, chữ viết đầu tiên
của Trung Hoa là Giáp Cốt văn. Ta có thể sắp xếp lịch sử chữ Hán theo trình tự như
sau:
 Giáp Cốt văn: chữ viết trên những mảnh mai rùa (giáp) và xương thú (cốt) tìm
thấy năm 1899 ở vùng đất Ân Khư - 殷墟 - kinh đô cũ của nhà Ân. Nó được
dùng vào việc ghi chép, bói toán là chính nên còn gọi là Bốc từ (lời bói). Chữ
Giáp cốt thu thập được trên 4000 nhưng chỉ đọc được hơn 1000 chữ. Dạng chữ
này khá hoàn chỉnh nhưng có khá nhiều nét và khó nhận diện bộ thủ, do bộ thủ
giai đoạn này chưa hình thành. Chữ có hình dạng gần giống với vật thật.
 Kim văn: chữ được khắc trên những cái chuông (Chung) và vạc (Đỉnh) nên gọi
là chữ Chung đỉnh. Cả chuông và vạc đều thuộc kim khí đồng thau, được đúc
nên từ đồng thau nên còn gọi là Kim văn. Những chữ này được xác định là có
từ thời nhà Tây Chu - 西周 (1027-771 TCN). Về mặt hình thể đã tương đối
hoàn chỉnh do công nghệ đúc đồng thời này đã khá hoàn chỉnh. Chữ Kim được
tìm thấy hơn 6000 chữ và phần lớn là đọc được. Đời Chu - 周朝 có văn bản
Kim văn dài hơn 500 chữ (ghi trong sách Thượng Thư - 上書). Điều đó cho
thấy chữ viết đã được quan tâm và khá thịnh hành vào đời Chu.
 Đại triện: Cuối đời Chu, người ta đã biết dùng đầu tre nhọn chấm vào sơn để
viết nên viết được những chữ thẳng và xiên khá cân đối, gọi là chữ Đại triện.
Loại chữ này được sử dụng rộng rãi sang thời Xuân Thu - 春秋 (770-476) và
Chiến Quốc - 戰國 (475 - 221 TCN), nhằm vào giai đoạn của thời Đông Chu 東周. Chữ Đại triện ở giai đoạn này là văn tự khác hình vì chúng có nhiều biến

thể chữ ở các nước chư hầu.
12


 Tiểu triện: Đến đời Tần (Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Nguyên năm 221207 TCN), do tạo cách viết thống nhất từ lối viết Đại triện trước đó, có thay đổi
chút ít nên gọi là Tiểu triện hay Tần triện. Chữ Tiểu triện là chuẩn mực chữ viết
trên toàn quốc từ đời Tần. Và công cuộc thống nhất văn tự này đã có tác dụng
lớn cho việc quy phạm hoá hoàn toàn văn tự Trung Quốc vào đời Hán - 漢朝
(206 TCN - 220).
 Lệ thư: dạng chữ bắt đầu vào cuối đời Tần, thông dụng vào đời Hán nên còn có
tên là Hán Lệ - 漢隸. Giai đoạn đầu chữ Lệ khá gần với Tiểu triện, sau các nét
mác, lượn sóng tăng dần và trở thành đặc trưng của chữ Lệ; chữ Lệ đã vuông và
có những nét cố định. Chữ Lệ thông dụng từ đời Hán đến thời Tam Quốc 三國 (220-265), chữ Lệ là cơ sở của chữ Khải giai đoạn sau.
 Khải thư: dạng chữ bắt đầu xuất hiện vào gần cuối đời Hán và lưu hành mãi
cho đến ngày nay. Vì chữ Khải được viết trong ô vuông quy ước ngay ngắn,
cân đối, nét viết thẳng đẹp - ngang bằng sổ thẳng - đáng coi là chuẩn mực nên
còn có tên là Chính thư hay chân phương, rõ ràng cũng gọi là Chân thư. Chữ
Chân sau trở thành tên gọi của chữ Khải, và người ta cũng dựa vào chữ Chân để
đếm nét của chữ. Do chữ Chân này xuất hiện vào đời Hán (thời đại thống nhất
Trung Nguyên với cục diện quốc gia hoàn chỉnh và lâu dài) khi mà dân tộc
sống trên đất nước Trung Hoa xưng là Hán tộc và chữ viết dùng được gọi chung
là chữ Hán (漢字: Hán tự). Khi chữ Hán truyền sang Việt Nam (bắt đầu từ nhà
Hán) vẫn được gọi là chữ Hán.
 Thảo thư: Thảo thư thực chất cũng là chữ Khải, và sớm hơn cả chữ Khải, nó là
biến thể chữ Lệ theo lối viết nhanh nên còn gọi là Thảo lệ. Khi chữ Khải hoàn
thiện, nó thoát li hẳn chữ Lệ và viết chữ Khải theo lối viết nhanh (Giản lược
một số nét liền nhau, rườm rà, bộ thủ vay mượn lẫn nhau, cốt cho ngắn gọn để
viết nhanh). Vào đời Đường - 唐朝 còn xuất hiện một lối viết chữ rất khó đọc,
xuất phát từ chữ Thảo - 草書, gọi là Cuồng thảo - 狂草, (chữ thảo viết điên
cuồng) của Hoài Tố - 懷素 (khoảng 730-780).

 Hành thư: Là dạng của chữ Khải, ở giữa Chân thư và Thảo thư, phổ biến vào
đời Tam Quốc (220-265). Lối Hành - 行 viết nhanh hơn Chân - 真, và chậm

13


hơn Thảo - 草, viết nhanh mà dễ đọc nên quần chúng rất ưa thích. Lối viết chữ
này đã tạo nên danh viết chữ đẹp cho nhiều người trong làng nho học.
 Chữ giản thể: Được các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra năm 1956 và là chữ
thông dụng hiện nay. Chữ Giản thể thật ra được sử dụng từ khá sớm để viết
nhanh và thay đổi hình thể chữ Hán, như chữ Tiểu triện - 小篆 do giản thể chữ
Đại triện - 大篆. Chữ Giản thể Trung Hoa hiện nay là 2.274 chữ do đơn giản
chữ Khải theo lối Thảo thư Khải hoá - 草書楷化. Và như vậy, hệ thống chữ
viết Trung Hoa ngày nay tồn tại cả chữ Giản thể và chữ chưa giản thể. Chữ
Giản thể là chữ bớt nét từ chữ Khải, chữ giữ nguyên chính là chữ Khải chân
phương, gọi nó là phồn thể - 繁体.
Có bao nhiêu chữ Hán tồn tại cho đến ngày nay ? Theo Thuyết văn giải tự của
Hứa Thận là 9.353 chữ (thế kỉ I). Theo Khang Hy tự điển là 47.040 chữ (năm 1716).
Còn theo Từ Hải từ điển là 85.000 chữ (năm 1994).

1.1.2.2. Lược sử chữ Hán theo góc độ văn tự học
Nếu nhìn nhận chữ Hán theo góc độ thuần túy văn tự học hay gốc độ cấu tạo
chữ chúng ta thấy rằng chữ Hán nổi bật qua Lục thư - 6 cách cấu tạo nên chữ Hán.
Nếu xem xét lịch sử chữ Hán từ góc độ thư pháp, tức chú trọng vào cách viết,
đường nét và hình thức của nó thì chưa đề cập đến phương tiện ra đời của chữ Hán
một cách khoa học. Ngữ văn học Trung Hoa truyền thống đã xem xét lịch sử chữ Hán
theo cấu tạo chữ, tức cấu tạo chữ gồm sáu cách, gọi là Lục thư. Thực ra, Lục thư cũng
chính là tính chất của chữ Hán, bởi nó giải thích (Thuyết văn giải tự) chữ Hán trên cơ
sở hình họa và ý âm. Cụ thể, ngay thế kỉ đầu của Công Nguyên, Hứa Thận đã trình bày
Lục thư trong Thuyết văn giải tự gồm: Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Giả tá, Chuyển chú

và Hình thanh. Thuyết văn giải tự được biên soạn trong 22 năm (99-221) gồm 15 tập,
chia thành thượng - hạ và giải thích được 9.353 chữ. Từ đó đã có khá nhiều nhà nghiên
cứu về Lục thư - nghiên cứu chữ Hán. Khảo qua lịch sử nghiên cứu đó, chúng tôi thấy
có khá nhiều cách sắp xếp và tên gọi của chúng không thống nhất. Và nhận thấy rằng
nếu xét Lục thư như là lịch sử hình thành chữ Hán thì cách sắp xếp của Ban Cố (Tác
giả sách Hán thư) là hợp lí nhất, bao gồm: Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh,
Chuyển chú, Giả tá (tên gọi các loại chữ trùng với Hứa Thận).
Lục thư theo Thuyết văn giải tự cắt nghĩa là sáu phép cấu tạo chữ Hán. Lục thư
thực chất là cách phân loại chữ Hán để dạy chữ Hán. Vì vậy Lục thư vừa có tác dụng
14


giải thích kết cấu chữ Hán, vừa có tầm khái quát thực tế trong việc tạo ra và sử dụng
chữ Hán. Lục thư là cách cấu tạo ra chữ Hán (tính chất), đồng thời cũng thể hiện quá
trình tiến hoá của chữ Hán (lịch sử). Trong đó, Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh
là phép tạo chữ, còn Chuyển chú và Giả tá là phép dùng chữ.
 Tượng hình - 象形: Là những chữ mô tả lại hình tướng cụ thể của sự vật. Cách
tạo chữ này hình thành sớm nhất và là “chất liệu” để tạo nên các loại chữ khác
theo các phép khác nhau. Và theo Hứa Thận thì: “Tượng hình giả, họa thành kỳ
vật, tùy thể cật khuất, nhật nguyệt thị dã” nghĩa là, “Chữ tượng hình là chữ vẽ
thành các vật căn cứ theo hình thể của nó, như chữ nhật, chữ nguyệt”.
Ví dụ: Muốn chỉ mặt trời, Trung Hoa vẽ
trăng, Trung Hoa vẽ

sau thành chữ 日; Muốn chỉ mặt

(người Ai Cập vẽ khác một tí

), sau thành chữ 月.


Trong kho văn tự Hán, chữ Tượng hình không nhiều mà có chủ yếu ở thư tịch
cổ, nhất là Kim văn.
 Chỉ sự - 指事: Nhìn vào nét bút biết được sự việc được chỉ, hay tính chất sự vật.
Chữ Chỉ sự bao hàm những kí tự trừu tượng để tạo nên những nét nghĩa trừu
tượng - nó bổ khuyết cho điều mà chữ Tượng hình không làm được.
Chỉ sự còn gọi là (văn tự chỉ sự - 指事文字) hay chữ Biểu Ý (văn tự biểu ý 表意文字). Cùng với sự phát triển của con người, chữ Hán đã được phát triển
lên một bước cao hơn để đáp ứng đủ nhu cầu diễn tả những sự việc đó là chữ
Chỉ sự.
Ví dụ, để tạo nên chữ Bản - 本, diễn đạt nghĩa gốc rễ của cây, thì người ta dùng
chữ Mộc - 木 và thêm gạch ngang diễn tả ý nghĩa ở đây là gốc rễ và chữ Bản 本 được hình thành. Chữ Thượng - 上, chữ Hạ - 下 và chữ Thiên - 天 cũng là
những chữ Chỉ sự được hình thành theo cách tương tự. Chỉ sự có nghĩa là chỉ
định một sự vật và biểu diễn bằng chữ. Chữ Chỉ sự khá linh hoạt, nó đã bổ
khuyết được một phần những bế tắc của chữ Tượng hình - 象形. Nhưng rồi nó
cũng bế tắc. Thực tế đòi hỏi phải có nhiều chữ hơn để ghi âm tiếng Hán, và
những phép tạo chữ khác đã lần lượt ra đời. Ngày nay, trong kho văn tự Hán,
chữ Chỉ sự chiếm số lượng ít nhất.
 Hội ý - 會意: Có nghĩa là một chữ gồm những bộ phận khác hợp lại mà thành.
Đó là sự “hội” nghĩa từ những chữ cấu tạo nên nó. Loại chữ này không thể hiện
15


được bằng phương pháp Tượng hình. Chẳng hạn, làm thế nào để hỏi tên (danh)
của người ? Người ta cho rằng đi đêm không thể nhìn thấy mặt nhau, muốn biết
tên phải hỏi bằng miệng, tịch: đêm, đi đêm không thấy nhau mới hỏi tên nhau
dẫn đến chứ 名 - Danh ra đời.
Chữ Hội Ý (Hội Ý Văn Tự - 會意文字): Để tăng thêm chữ Hán, cho đến nay
người ta có nhiều phương pháp tạo nhiều chữ mới có ý nghĩa mới. Ví dụ, chữ
Lâm - 林 (nơi có nhiều cây) có hai chữ Mộc - 木 xếp hàng đứng cạnh nhau
được làm bằng cách ghép hai chữ Mộc với nhau (rừng thì có nhiều cây). Chữ
Sâm - 森 (rừng rậm nơi có rất nhiều cây) được tạo thành bằng cách ghép ba chữ

Mộc. Còn chữ Minh - 鳴 (kêu, hót) được hình thành bằng cách ghép chữ Điểu 鳥 (con chim) bên cạnh chữ Khẩu - 口 (miệng); chữ Thủ - 取 (cầm, nắm) được
hình thành bằng cách chữ Nhĩ - 耳 (tai) của động vật với tay (chữ Thủ - 手, chữ
Hựu - 又). Những chữ được tạo thành theo phương pháp ghép như trên gọi là
chữ Hội Ý. Hội Ý có nghĩa là ghép các ý nghĩa với nhau tạo thành ý nghĩa
chung. Cũng theo Hứa Thận, “Hội ý giả, tỉ loại hợp nghi, dĩ kiến chỉ vi, võ tín
thị dã”có nghĩa là Hội ý là chữ “hợp ý của các phần để tạo được nghĩa, thấy
như chữ võ (武), chữ tín (信)”. Chữ Hội ý gồm: Những chữ giống nhau được
ghép lại để biểu thị sự gia tăng chất và lượng: ví dụ 炎 - viêm: nóng, phương
cách này gọi là Chính lệ.
Chữ Hội ý: Ghép những chữ khác nhau nhằm biểu thị một nghĩa mới, hoặc hàm
ý giải thích tự như: 劣 - liệt: yếu kém (少 - thiểu: ít và 力 - lực: sức; gộp chung
nghĩa là sức rất yếu - liệt); hoặc biểu thị quan hệ hỗn hợp (女 - nữ: nữ giới hợp
với 子 - tử: con - thành 好 - hảo: tốt).
Chữ Hội ý: Kết hợp tự bằng cách bớt nét của một trong những thành tố gọi là
Biến lệ, ví dụ: 孝 - hiếu: lòng hiếu (老 - lão: già và 子 - tử: con). Chữ tử thay
vào phần dưới của chữ lão.
 Hình thanh - 形聲: Là biện pháp phổ biến nhất để tạo chữ. Tượng hình là chữ
kết hợp được chức năng biểu ý và biểu âm. Nó gồm hai bộ phận: Bộ phận chỉ ý
là Hình, Bộ phận âm đọc là Thanh.

16


Chữ Hình thanh (形聲文字): Cùng với những chữ Tượng hình, Chỉ sự và Hội
ý, có nhiều phương pháp tạo nên chữ Hán, nhưng có thể nói là đa số các chữ
Hán được hình thành bằng phương pháp hình thanh, gọi là chữ Hình thanh
(形聲文字). Chữ Hình thanh chiếm tới 80% toàn bộ chữ Hán. Chữ Hình thanh
là những chữ bao gồm hai phần: phần hình (形) là phần biễu diễn ý nghĩa chính
mà đã được dùng từ lâu đời, và phần thanh (声) là phần biểu diễn cách phát âm
chính xác của từ đó. Ví dụ, chữ Khẩu -口 có hình biểu diễn việc ăn hoặc nói, và

chữ Vị - 未 có các phát âm giống chữ vị (trong khẩu vị) khi ghép hai chữ với
nhau tạo nên chữ Vị - 味 của khẩu vị. Bộ Thủy -氵 biểu diễn nghĩa dòng sông
hoặc dòng nước chảy, khi ghép cùng với chữ Thanh - 青 (màu xanh) tạo thành
chữ Thanh - 清 có nghĩa là trong suốt hoặc trong xanh, sạch. Hình là những chữ
đơn và thường có gốc là chữ Tượng hình. Thanh có thể là chữ đơn hoặc là chữ
phức có gốc là Hội ý.
Về phương thức cấu tạo: Chữ Hình thanh cấu tạo bằng cách dùng một chữ Hán
làm Thanh (gợi âm đọc) và dung một bộ thủ hoặc chữ nêu lên ý nghĩa của chữ.
Về cách thể hiện bộ phận chỉ ý (Hình) và âm (Thanh): Vị trí của hai bộ phận
Hình và Thanh trong chữ Hình thanh là khá ổn định. Theo Hứa Thận thì chữ
Hình thanh là chữ “lấy sự làm tên, lấy bộ phận có âm đọc gần giống để so sánh
đối chiếu mà tạo thành, như giang - 江, chữ hà - 河”. Có thể khái quát dấu hiệu
chỉ nghĩa và chỉ thanh trong chữ hình thanh có vị trí không nhất định thành 6
trường hợp:
Trên hình dưới thanh, như: 萊 - lai và 巖 - nham;
Dưới hình trên thanh, như 舅 - cữu và 惑 - hoặc;
Trái hình phải thanh, như 蛛 - chu và 伴 - bạn;
Phải hình trái thanh, như 削 - tước và 鵡 - vũ;
Ngoài hình trong thanh, như 疥 - giới và 裏 - lý;
Trong hình ngoài thanh 悶 - muộn và 辮 - biện.
Ngày nay, người ta cũng thường dùng cách ghép hình thanh để đặt ra những
chữ mới, ví dụ: 搞 cảo: làm 極 cực: rất... và cũng có thể gọi cho những từ
nhóm ngôn ngữ chắp dính: 金 - kim ghép 由 - do để chỉ uranium.
17


 Giả tá - 假借: Giả tá là loại chữ vay mượn một loại chữ có sẵn để ghi lại một
chữ khác trên cơ sở đồng âm hoặc cận âm. Tuy chúng có nghĩa khác nhau
nhưng âm đọc gần giống nhaunên người ta chọn một chữ có âm đọc giống hoặc
gần giống với nó trong những chữ hiện có để đại diện cho nó. Chữ do vay

mượn mà có như vậy gọi là Giả tá.
Giả Tá (cũng gọi là văn tự giả tá: 假借文字): Những chữ được hình thành theo
phương pháp bằng cách mượn chữ có cùng cách phát âm được gọi là chữ Giả tá
(假借文字). Cách cấu tạo này, giả tá có thể được dùng ghi lại danh từ, động từ,
tính từ, phó từ, đại từ, liên từ, số từ,… trong phân từ loại nội hàm ngữ pháp.
Giả tá được phân ra thành hai loại: Thuần giả tá, ví dụ: 萬 - vạn nghĩa gốc là
con bò cạp là (danh từ, chữ Tượng hình) nhưng biểu thị sang số từ (số lượng):
mười nghìn, hàng vạn. Loại chữ Giả tá với kí hiệu phân biệt (phân biệt tự): ví
dụ: 何 - hà bộ phận chỉ âm: để hỏi: sao, chăng ?, mượn thêm 艹 - thảo: bộ phận
chỉ nghĩa chung đặc tính hoa cỏ, để thành 荷 - hà (hoa sen). Bộ phận chỉ nghĩa
đóng vai trò chính. Loại chữ phân biệt này là tiền thân của của chữ Hình thanh.
Hứa Thận cũng có nói về giả tá “vốn không có chữ đó, mượn thanh và gửi sự,
như chữ lệnh - 令, chữ trường - 長”.
Chuyển chú - 轉注: Đây Là một hình thức sinh sôi nảy nở của chữ viết, có
nghĩa là từ một chữ nào đó do thay đổi về ý nghĩa dẫn đến thay đổi về hình thể,
từ đó sinh ra chữ mới. Nói cách khác, khi thấy hai chữ khác nhau về hình thể và
âm đọc nhưng không khác nhau về ý nghĩa thì nói hai chữ ấy chuyển chú cho
nhau. Có thể phân chuyển chú ra hai loại: Chữ cùng bộ, cùng loại: uyển: cái
chén, chuyển chú cho 盂 - vu: cái chén. Hai chữ này đều thuộc bộ mãnh: chỉ
chén bát (chung) [4; tr.13-17].

1.1.2.3. Những đặc điểm cơ bản của chữ Hán
Văn tự Hán là một hệ thống chữ Viết có lịch sử khá lâu đời, thoát thai từ hình
vẽ. Về cơ bản nó có những đặc điểm sau:
 Về mặt hình thể: Sau khi vượt qua giai đoạn hình vẽ, chữ Hán được cấu tạo bởi
8 nét cơ bản (có nhiều biến thể) được sắp xếp theo những qui tắc nhất định. Mỗi
chữ nằm gọn trong một ô vuông. Vì vậy chữ Hán còn được gọi là chữ ô vuông.

18



 Về mặt kết cấu: Có thể chia chữ Hán thành hai loại lớn: Loại có kết cấu đơn
giản (gọi là Văn). Loại có kết cấu phức tạp (gọi là Tự).
Những chữ phức tạp thường là kết do sự kết hợp của hai chữ giản đơn để biểu
thị một từ có ý nghĩa nội hàm phức tạp.
 Về mối quan hệ giữa ngôn ngữ Hán và văn tự Hán: Trong chữ Hán, chúng ta
thấy mỗi chữ (mỗi đơn vị văn tự - xét theo hình thể kết cấu) tương ứng với một
âm tiết. Do đó mỗi chữ có thể là một từ hoặc có thể là một bộ phận của từ.
 Về sự kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt hình thể - âm đọc - ý nghĩa, trong đó nổi bật
nhất là vai trò biểu đạt ý nghĩa qua hình thể kết cấu. Do tính chất biểu ý nằm
ngay trong hình thể kết cấu của chữ cho nên chữ Hán có khả năng giúp người
đọc phân biệt được những ý nghĩa khác nhau của nhóm từ đồng âm mà tiếng
Việt ngày nay không có sự phân biệt rõ ràng lắm khi những từ đó xuất hiện độc
lập. Cũng do tính chất biểu ý của chữ Hán cho nên ta thấy ngày nay có nhiều
chữ Hán là chứng tích về các mặt sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán của
người Trung Hoa cổ xưa. Nhưng khi phụ quyền trọng nam khinh nữ xuất hiện
thì đại bộ phận chữ ghi những từ có nghĩa xấu, khiếm nhã đều có thành tố nữ.


Là một hệ thống chữ viết cơ bản thuộc loại biểu ý, nhưng để thích ứng với sự
phát triển ngày càng cao của ngôn ngữ, chữ Hán được cải tiến phát triển theo
hướng biểu âm. Biện pháp chủ yếu mà văn tự Hán dựa vào để bám sát sự phát
triển của ngôn ngữ là tạo thêm từ mới. Các từ mới này ngày càng gia tăng để
đáp ứng nhu cầu ghi lại những hình ảnh, hoạt động nảy sinh trong xã hội. Từ
con số trên dưới 2000 chữ thời Ân Thương (cách đây trên 3000 năm) đến cuối
thời Tần Hán, số chữ đã tăng lên tới gần 10.000 và cho tới thời nhà Thanh thì số
chữ đã là 60.000 chữ. Để nhận thức và sử dụng hết các từ Hán trên quả là một
việc xa vời.

1.1.3 Thực trạng chữ Hán

1.1.3.1. Chữ Hán ở Trung Quốc và các nước
* Chữ Hán ở Trung Quốc
Nói đến chữ Hán tức là nói đến mặt ngôn ngữ và văn tự, đồng thời cũng đề cập
đến mặt nội dung - ngữ nghĩa - văn hóa chứa đựng trong hệ thống ngôn ngữ văn tự
Hán.

19


Xét về hình thức văn tự: chữ Hán là hệ thống văn tự thiên về biểu ý, cố định
tiếng Hán. Nếu nhìn vào lịch sử, ta thấy lịch sử tiếng Hán khá dài lâu kể từ khi có văn
tự cho đến những biến đổi về hình thể, cách thức thể hiện của văn tự, cho nên ngôn
ngữ viết tiếng Hán cũng là một vấn đề vô cùng phức tạp. Ngôn ngữ viết dựa trên cơ sở
ngôn ngữ nói của tiếng Hán cổ gọi là văn ngôn. Văn ngôn là ngôn ngữ viết tồn tại ở
Trung Quốc cho đến tận đầu thế kỉ XX. Vị trí của văn ngôn khá cao, nó được xem là
có vị trí thượng đẳng. Viết bằng văn ngôn được xem là cao quý, viết có nhiều yếu tố
của ngôn ngữ nói hay bằng ngôn ngữ nói thì bị xem là thông tục, thấp hèn. Ngôn ngữ
viết chữ Hán trung cổ được gọi là Bạch thoại trung đại (Bạch thoại sớm, Bạch thoại
cổ). Đặc điểm của hình thái ngôn ngữ viết này là: trực tiếp dựa trên cơ sở ngôn ngữ
nói đương thời. Các văn bản dịch kinh Phật, ngữ lục, tiểu thuyết, kịch…đều được viết
theo ngôn ngữ này. Do bám theo ngôn ngữ nói đương thời nên Bạch thoại trung đại có
cú pháp giản đơn, câu viết theo tuyến của tư duy, có hệ thống hư từ diễn đạt ý nghĩa
ngữ pháp của tiếng Hán trung đại. Đây là ngôn ngữ viết bị giới văn nhân xem khinh,
triều đình coi nhẹ nhưng lại được đa số bình dân ưa thích. Các tác phẩm lớn của văn
học Trung Quốc trung đại đều được viết bằng ngôn ngữ này như: Kịch của Quan Hán
Khanh, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử truyện của Thi Nại Am…
Bạch thoại hiện đại là ngôn ngữ văn học của tiếng Hán hiện đại.
* Bán đảo Triều Tiên
Thế kỷ thứ IV trước công nguyên xuất hiện các văn bản viết tay của người
Triều Tiên. Các bản viết tay này được sử dụng chữ Hán. Tiếng Hán là thứ ngôn ngữ

khó, dùng chữ Hán để viết tiếng Triều Tiên trở nên phức tạp, cho nên các học giả
người Triều Tiên đã tìm cách cải biến chữ Hán để phù hợp với âm đọc của tiếng Triều
Tiên. Vào khoảng thế kỷ thứ 15, ở Triều Tiên xuất hiện chữ ký âm, được gọi là Hangul
(한글) hay Chosŏn'gŭl (조선글), chữ này trải qua nhiều thế kỷ phát triển thăng trầm,
cuối cùng chính thức được dùng thay thế cho chữ Hán cho tới ngày nay. Tuy
Chosŏn'gŭl đã xuất hiện nhưng chữ Hán (Hancha) vẫn còn được giảng dạy trong
trường học. Năm 1972, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quy định phải dạy 1800 chữ Hán cơ
bản cho học sinh. Còn ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, người ta đã bỏ hẳn
chữ Hán.

20


* Nhật Bản
Chữ Hán du nhập vào Nhật Bản thông qua con đường Triều Tiên. Chữ Hán ở
Nhật được gọi là Kanji (漢字 Hán tự) và được du nhập vào Nhật theo con đường giao
lưu buôn bán giữa Nhật và Triều Tiên vào khoảng thế kỷ thứ IV, V. Tiếng Nhật cổ đại
vốn không có chữ viết, nên khi chữ Hán du nhập vào Nhật, người Nhật dùng chữ Hán
để viết tiếng nói của họ. Dạng chữ đầu tiên người Nhật sáng tạo từ chữ Hán để viết
tiếng Nhật là chữ Man-yogana (萬葉假名 Vạn Diệp Giả Danh). Hệ thống chữ viết này
dựa trên chữ Hán và khá phức tạp. Man-yogana được đơn giản hóa thành Hiragana
ひらがな (平假名 Bình Giả Danh) và Katakana カタカナ (片假名 Phiến Giả Danh).
Cả hai loại chữ này trải qua nhiều lần chỉnh lý và hoàn thiện mới trở thành chữ viết
ngày nay ở Nhật. Tiếng Nhật hiện đại được viết bằng bốn loại ký tự:
Chữ Hán (hay Kanji 漢字)
Chữ mềm (hay Hiragana ひらがな)
Chữ cứng (hay Katakana カタカナ)
Chữ La Tinh (hay Romaji ローマ字).
Chữ Hán trong tiếng Nhật thường có ít nhất hai cách đọc, cách đọc theo âm
Hán cổ, được gọi là On-yomi. Và cách đọc theo âm tiếng Nhật được gọi là Kun-yomi.

Trong quá trình phát triển chữ viết cho tiếng Nhật, người Nhật còn mượn chữ Hán để
sáng tạo ra một số chữ (khoảng vài trăm chữ) và mỗi chữ này chỉ có cách đọc theo âm
tiếng Nhật; các chữ này được gọi là Kokuji, tiếng Nhật gọi là Quốc Tự Quốc Huấn
(國字國訓), nghĩa là “chữ quốc ngữ âm quốc ngữ”. Tháng 11 năm 1946, Bộ Giáo dục
Nhật đề nghị đưa vào giảng dạy 1850 chữ Hán cơ bản trong trường học, và được Quốc
hội Nhật thông qua năm 1947.
Đến năm 1981 thì lượng chữ Hán thông dụng được điều chỉnh lại gồm khoảng
1945 chữ thường dùng, khoảng 300 chữ thông dụng khác dùng để viết tên người. Đến
năm 2000, các chữ Hán dùng để viết tên người được điều chỉnh thêm, số lượng tăng
lên trên 400 chữ. Các chữ Hán này được lập thành bảng gọi là Bảng chữ Hán thường
dùng (Jyoyo Kanji Hyo, 常用漢字表 Thường Dụng Hán Tự Biểu) và Bảng chữ Hán
dùng viết tên người (Jinmeiyo Kanji Hyo, 人名用漢字表 Nhân Danh Dụng Hán Tự
Biểu).

21


×