Tải bản đầy đủ (.doc) (14 trang)

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TRONG LĨNH VỰC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (151.15 KB, 14 trang )

Chuyên đề 12:
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TRONG LĨNH
VỰC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP
I. Tổng quan về quản lý hành chính - tư pháp ở xã
1. Sự cần thiết của quản lý hành chính - tư pháp ở xã
Quản lý công tác tư pháp là một lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước ở địa phương mà
bất cứ cấp chính quyền nhà nước nào cũng phải thực hiện. Quản lý nhà nước đối với công tác tư
pháp là sự tác động có tổ chức điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình vận
động xã hội và hành vi hoạt động của con người trong lĩnh vực tư pháp để duy trì, phát triển các
mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật, góp phần thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà
nước trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ đặc điểm xã, phường,
thị trấn là đơn vị cơ sở trong hệ thống hành chính của nhà nước ta, là nơi tổ chức, triển khai thực
hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, biến chúng thành hiện thực
trong đời sống hàng ngày. Đồng thời chính quyền xã là cấp chính quyền trực tiếp với dân nhất
nên có thể hiểu, nắm được những diễn biến, tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân;
công tác quản lý tư pháp ở xã có vai trò quan trọng đối với hoạt động quản lý của chính quyền xã
và nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Đối với chính quyền xã, công tác tư pháp thông qua các nội dung như phổ biến, giáo dục
pháp luật; hoà giải; hộ tịch; thi hành án... giúp chính quyền xã tổ chức tốt hoạt động thực thi pháp
luật, tăng cường pháp chế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, tạo lập môi trường
thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực
hiện công bằng xã hội ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền xã.
Đối với nhân dân ở xã, phường, thị trấn: công tác tư pháp góp phần củng cố đoàn kết
trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; nâng cao ý thức pháp luật; ngăn ngừa có
hiệu quả các việc vi phạm pháp luật; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát
huy vai trò và khả năng to lớn của nhân dân trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội góp phần
xây dựng đời sống mới văn minh, hạnh phúc ở cơ sở.
2. Cơ sở pháp lý của quản lý hành chính tư pháp ở xã
Quản lý hành chính tư pháp ở xã được thực hiện dựa trên các cơ sở pháp lý cơ bản sau:
- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân trong lĩnh vực quản lý hành chính tư
pháp, theo qui định của Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân


dân năm 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan.


- Về nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở địa phương; xây dựng tủ sách
pháp luật để cán bộ, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của nhà nước thực hiện theo qui định
của Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày
12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm
2008 đến năm 2012...
- Về nhiệm vụ tổ chức và hướng dẫn hoạt động của các tổ hoà giải; kịp thời giải quyết các
vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo qui định của pháp luật thực hiện theo
qui định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998.
- Nhiệm vụ tổ chức việc đăng ký và quản lý hộ tịch theo qui định của pháp luật thực hiện
theo qui định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch,
ngày 27/12/2005.

- Thực hiện một số việc về chứng thực theo qui định của pháp luật theo qui
định của Nghị định của Chính phủ số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản
sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
- Thực hiện một số công việc tư pháp khác theo qui định của pháp luật như thi hành án, tổ
chức xây dựng hương ước... theo các văn bản: Luật thi hành án dân sự năm 2008, Luật thi hành
án hình sự năm 2010...
3. Tổ chức quản lý hành chính tư pháp ở xã
a) Hệ thống các cơ quan quản lý hành chính tư pháp ở Việt Nam
- Ở trung ương:
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, có chức năng quản lý mọi mặt đời
sống xã hội nên Chính phủ có nhiệm vụ thống nhất quản lý lĩnh vực hành chính - tư pháp trong
toàn quốc.
Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ giúp Chính phủ quản lý lĩnh vực hành chính - tư
pháp.

- Ở địa phương:
+ UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý lĩnh vực hành chính - tư pháp trong phạm vi tỉnh. Sở
Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh quản lý lĩnh vực hành chính - tư pháp.
+ UBND cấp huyện thực hiện quản lý lĩnh vực hành chính - tư pháp trong phạm vi huyện.
Phòng Tư pháp giúp UBND cấp huyện quản lý lĩnh vực hành chính - tư pháp.
+ UBND xã thực hiện quản lý lĩnh vực hành chính - tư pháp trong phạm vi xã. Công chức
Tư pháp - hộ tịch giúp UBND xã quản lý lĩnh vực hành chính - tư pháp ở xã.


b) Tổ chức quản lý hành chính tư pháp ở xã
Công tác hành chính - tư pháp ở xã do Chủ tịch UBND xã phụ trách với sự thực hiện
nhiệm vụ chuyên môn của công chức Tư pháp - hộ tịch.
- Công chức Tư pháp - hộ tịch có nhiệm vụ sau:

+ Giúp Uỷ ban nhân dân xã soạn thảo, ban hành các văn bản quản lý theo
quy định của pháp luật; giúp Uỷ ban nhân dân xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối
với dự án luật, pháp lệnh theo kế hoạch của Uỷ ban nhân dân xã và hướng dẫn của
cơ quan chuyên môn cấp trên; giúp Uỷ ban nhân dân xã phổ biến, giáo dục pháp
luật trong nhân dân xã, phường, thị trấn.
+ Giúp UBND xã chỉ đạo cộng đồng dân cư tự quản xây dựng hương ước,
quy ước, kiểm tra việc thực hiện hương ước, quy ước; thực hiện trợ giúp pháp lý
cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật; quản lý tủ
sách pháp luật; tổ chức phục vụ nhân dân nghiên cứu pháp luật; phối hợp hướng
dẫn hoạt động đối với tổ hoà giải. Phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố
sơ kết, tổng kết công tác hoà giải, báo cáo với UBND xã và cơ quan tư pháp cấp
trên.
+ Thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch theo các nhiệm vụ cụ thể được
phân cấp quản lý và đúng thẩm quyền được giao.
+ Thực hiện việc chứng thực theo thẩm quyền đối với các công việc thuộc
nhiệm vụ được pháp luật quy định.

+ Giúp Uỷ ban nhân dân xã thực hiện một số công việc về quốc tịch theo quy
định của pháp luật.
+ Quản lý lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp ở xã, phường, thị trấn.
+ Giúp Uỷ ban nhân dân xã về công tác thi hành ánh theo nhiệm vụ cụ thể
được phân cấp.
+ Giúp Uỷ ban nhân dân xã trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên
quan quyết định việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
+ Giúp Uỷ ban nhân dân xã thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm về quyền
sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.


+ Chấp hành quy chế làm việc của cơ quan, các chế độ quản lý hồ sơ tài liệu,
chế độ báo cáo công tác theo quy định.
+ Thực hiện các nhiệm vụ Tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý hành chính - tư pháp, pháp
luật qui đinh công chức tư pháp hộ tịch cần có những tiêu chuẩn sau:

+ Tuổi đời: Không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.
+ Học vấn: tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên đối với khu vực miền núi.
+ Lý luận chính trị: Sau khi được tuyển dụng phải được bồi dưỡng lý luận
chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.
+ Chuyên môn nghiệp vụ: Với công chức đang công tác ở khu vực miền núi
hiện nay, tối thiểu được bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ tư pháp xã; nếu mới được
tuyển dụng lần đầu phải có trình độ trung cấp luật trở lên. Phải qua bồi dưỡng quản
lý hành chính Nhà nước sau khi được tuyển dụng.
II. Nội dung quản lý hành chính tư pháp ở xã
1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, là cầu nối
chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hình thành
ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật cho nhân dân nhằm phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật

trong đời sống xã hội. Do đó thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần
tăng cường pháp chế, nâng cao hiệu quả quản lý. Đối với xã phường thị trấn là cấp cơ sở trong hệ
thống chính quyền nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì
chính quyền có điều kiện để nắm vững nhu cầu, ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên việc tuyên
truyền phổ biến pháp luật phù hợp và có hiệu quả cao.
Để thực hiện tốt việc phổ biến, giáo dục pháp luật, cán bộ chính quyền xã cần nắm được
những vấn đề sau:
a) Yêu cầu đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở xã, phường, thị trấn
- Phổ biến, giáo dục pháp luật phải phù hợp và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa
phương.
- Đảm bảo trang bị cho các tầng lớp nhân dân những kiến thức pháp luật cơ bản về các
lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của họ để họ nắm được và vận dụng vào việc


bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thực hiện các nghĩa vụ công dân đối với nhà
nước và xã hội.
- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
- Nội dung phổ biến, tuyên truyền pháp luật phải đảm bảo ngắn gọn, chính xác.
- Hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở
địa phương, với đặc thù của từng vùng, miền, từng đối tượng.
- Phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và phải gắn với việc tổ chức thực hiện pháp
luật và các phong trào quần chúng ở địa phương.
b) Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả ở xã, phường, thị trấn
- Tuyên truyền miệng (phổ biến pháp luật qua hội nghị, tập huấn, hội họp).
- Phổ biến giáo dục pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh.
- Phổ biến giáo dục pháp luật qua lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hoá. (chủ yếu được
áp dụng ở các vùng nông thôn, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống).
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị
trấn.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình câu lạc bộ.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đấu tranh, phê phán, xoá bỏ phong tục tập quán
lạc hậu, xây dựng nếp sống mới.
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã, phường, thị
trấn
Xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền pháp luật là việc đề ra có hệ thống những công
việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật ở xã dự định làm trong một thời gian nhất định, với cách
thức, trình tự, thời hạn tiến hành cụ thể.
* Qui trình xây dựng kế hoạch
Giai đoạn chuẩn bị
Trong giai đoạn này cần tiến hành một công việc sau:
- Lựa chọn loại kế hoạch cần xây dựng.
Theo thời gian, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã được phân thành kế hoạch dài
hạn (từ ba đến năm năm), kế hoạch ngắn hạn (hàng năm, hàng quí, hàng tháng), kế hoạch theo
từng đợt tập trung tuyên truyền một nội dung pháp luật (về bầu cử, về phòng chống ma tuý, về
thuế sử dụng đất nông nghiệp...) hoặc một văn bản cụ thể.
- Xác định căn cứ xây dựng kế hoạch.


+ Các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên trong công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật.
+ Các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.
+ Mức độ hiểu biết và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân địa phương (xác
định bằng cách phát phiếu điều tra, thông qua đề xuất của cán bộ, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở,
qua giao tiếp với người dân trong giải quyết công việc...).
Giai đoạn xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí thực hiện
Nội dung cơ bản của kế hoạch.
- Mục đích, yêu cầu của kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật: cần nêu rõ mục đích, kết
quả cụ thể cần đạt được cũng như các yêu cầu đặt ra khi triển khai kế hoạch.
- Nội dung pháp luật cần phổ biến đến đối tượng: xác định căn cứ vào yêu cầu chung của

kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở xã, phường, thị
trấn (không chỉ các luật, pháp lệnh, văn bản của trung ương mà còn cả văn bản của chính quyền
cấp tỉnh, cấp huyện và xã).
- Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật; trên thực tế công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền miệng, thông qua các phương
tiện thông tin đại chúng, qua mạng lưới truyền thanh ở cơ sở... Tuỳ từng địa phương căn cứ vào
đặc thù của đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật (trình độ văn hoá, điều kiện sinh sống, nhận
thức, phong tục tập quán...), căn cứ vào điều kiện của từng địa phương để lựa chọn hình thức phổ
biến giáo dục pháp luật phù hợp và có tính khả thi.
- Tiến độ thực hiện: kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cần xác định thời gian thực
hiện các công việc dể ra. Tiến độ cụ thể cũng là căn cứ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế
hoạch.
- Các biện pháp bảo đảm việc thực hiện:
+ Xác định biện pháp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, với
địa bàn thực hiện: Có thể tổ chức các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật độc lập, cũng có thể
tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch khác ở địa
phương (như phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, các chương trình về xoá đói,
giảm nghèo, bảo vệ và phát triển rừng, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường...).
+ Phân công trách nhiệm hợp lý, rõ ràng cho các chủ thể tham gia phổ biến, giáo dục pháp
luật.
+ Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, chế độ thông tin, báo cáo thường
xuyên, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng kịp thời.


Giai đoạn tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo kế hoạch và hoàn chỉnh nội dung kế
hoạch
- Dự thảo kế hoạch được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cán bộ, công chức Uỷ ban
nhân dân xã, cán bộ Mặt trận tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể (là những người sẽ trực tiếp tham gia
triển khai kế hoạch sau khi được phê duyệt).
- Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp, công chức Tư pháp - Hộ tịch hoàn chỉnh nội dung

bản kế hoạch để trình phê duyệt.
Giai đoạn lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch
Dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch phải được lập đồng thời với kế hoạch. Một số mức
chi kinh phí triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo quy định của Thông tư số
63/2005 ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kính phí bảo
đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và theo hướng dẫn, quy định của Uỷ ban nhân dân
cấp trên về mức chi cụ thể trên địa bàn.
* Tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật.
Sau khi được phê duyệt, cần tiến hành tổ chức thực hiện kế hoạch. Việc tổ chức thực hiện
kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã, phường thị trấn thường theo những bước cơ bản sau:
- Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo: Tuỳ theo tình hình cụ thể, tuỳ từng hình thức phổ biến
giáo dục pháp luật mà chuẩn bị các điều kiện (Ví dụ: nếu dùng hình thức tuyên truyền qua loa
truyền thanh cần chuẩn bị nội dung pháp luật, loa đài, phát thanh viên...Nếu dùng hình thức cổ
động cần chuẩn bị, loa, cờ, trống khẩu hiệu...).
- Thực hiện kế hoạch: Sau khi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, việc thực hiện kế hoạch sẽ
thuận lợi, đảm bảo hiệu quả.Trong quá trình thực hiện cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời,
bảo đảm tiến độ, thời gian, chất lượng.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch cần kiểm tra, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm; đưa
ra những giải pháp tiếp theo nếu cần thiết.
2. Thực hiện hoạt động chứng thực trong phạm vi thẩm quyền

Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền và trách nhiệm:
- Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.
- Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.
Đối với các giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng Việt hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
của Việt Nam cấp bằng tiếng Việt, có xen một số từ bằng tiếng nước ngoài (ví dụ: Giấy chứng
nhận kết hôn của người Việt Nam và người nước ngoài, trong đó có ghi tên, địa chỉ của người


nước ngoài bằng tiếng nước ngoài...) thì cơ quan có thẩm quyền chứng thực là Uỷ ban nhân dân

xã.
Đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ (ví dụ: Hộ chiếu của công dân Việt
Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học của nước
ngoài... trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) thì người yêu cầu chứng
thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc Uỷ ban nhân dân xã.

Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thực hiện chứng thực các
việc trên và đóng dấu của Ủy ban nhân dân xã.
3. Thi hành án trong phạm vi thẩm quyền
a) Đối với công tác thi hành án hình sự
Ủy ban nhân dân xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người chấp
hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân và án treo. Công an xã tham
mưu, giúp Ủy ban nhân dân xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật
thi hành án hình sự năm 2010.
b) Đối với công tác thi hành án dân sự
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với
Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều
kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ
khác về thi hành án dân sự trên địa bàn.
4. Tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở
Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, tự
nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Với
phạm vi hoạt động phong phú và đa dạng, hoà giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc góp
phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật; đảm bảo
trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, phát huy vai trò của nhân dân trong việc giải quyết
các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa
phương. Hoà giải ở cơ sở được thực hiện chủ yếu thông qua Tổ hoà giải ở cơ sở ở thôn, xóm,
bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác.
a) Phạm vi hòa giải

Hoà giải chỉ được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng
đồng dân cư, bao gồm:
- Mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân với nhau.


- Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình
- Tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật,
những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lí bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính.
Không hoà giải các vụ việc: các tội phạm hình sự; hành vi vi phạm pháp luật bị xử lí vi
phạm hành chính; các vi phạm pháp luật về tranh chấp mà theo qui định của pháp luật không
được hoà giải ở cơ sở.
b) Nguyên tắc hoà giải
- Việc hoà giải phải phù hợp với đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước,
đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân.
- Tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt, các bên tranh chấp phải
tiến hành hoà giải.
- Hoà giải phải khách quan, công minh, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin đời tư của các
bên tranh chấp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích của
nhà nước, lợi ích công cộng.
- Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằn ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế các hậu quả xấu
khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải.
c) Trách nhiệm của UBND xã trong quản lý công tác hòa giải cơ sở
- Ban hành văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động hoà giải.
- Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hoà giải.
- Tổ chức bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao
nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải.
- Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải.
5. Quản lý công tác hộ tịch
Việc đăng ký và quản lý hộ tịch giúp cho chính quyền xã theo dõi thực trạng sự biến
động về hộ tịch, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; thống kê,

phân tích dân số, thu thập các thông số quan trọng về gia đình và xã hội, hoạch định các chính
sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình.
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hộ tịch Uỷ ban nhân dân xã có nhiệm vụ, quyền hạn
sau đây:
- Thực hiện đăng ký các việc hộ tịch thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã theo quy
định của pháp luật.
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ
tịch.
- Quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp.


- Lưu trữ sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch.
- Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.
- Tổng hợp tình hình và số liệu thống kê hộ tịch báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện theo
định kỳ 6 tháng và hàng năm.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch theo thẩm quyền.
Cán bộ Tư pháp hộ tịch có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân xã thực hiện các nhiệm vụ,
quyền hạn cụ thể trong lĩnh vực hộ tịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm về tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch
của địa phương. Trong trường hợp do buông lỏng quản lý mà dẫn đến những sai phạm, tiêu cực
của cán bộ, công chức trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương mình, thì Chủ tịch
Ủy ban nhân dân xã phải chịu trách nhiệm.
Để thực hiện tốt công tác quản lý hộ tịch, cán bộ chính quyền xã cần nắm được những nội
dung sau:
a) Thủ tục đăng ký kết hôn

Theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý
hộ tịch, ngày 27/12/2005 thì UBND xã nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực
hiện việc đăng ký kết hôn. Nơi cư trú, theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Dân sự,
bao gồm: Nơi một người thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu thường trú, hoặc

nơi một người tạm trú và có đăng ký tạm trú.
Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình
Giấy chứng minh nhân dân.
Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại
xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, nơi cư trú về tình trạng
hôn nhân của người đó.
Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng
ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về
tình trạng hôn nhân của người đó.
Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của
người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký
kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.


Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ
có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì Ủy ban nhân dân xã
đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5
ngày.
- Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân xã yêu cầu
hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ
tịch ghi vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng
nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký và cấp cho mỗi bên vợ,
chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của
vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được
cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.

b) Thủ tục đăng ký khai sinh

- Thẩm quyền đăng ký khai sinh.
+ Ủy ban nhân dân xã, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ
em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân xã, nơi cư trú của
người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
+ Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy
ban nhân dân xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.
+ Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân xã, nơi
cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi
dưỡng trẻ em đó.
- Thời hạn đi khai sinh và trách nhiệm khai sinh.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con;
nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh
cho trẻ em.
- Thủ tục đăng ký khai sinh.
+ Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình
Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế,
thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp
không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em,
thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.


+ Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh
và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký và cấp cho người đi khai sinh một
bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
+ Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha,
thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời
điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân xã kết hợp giải quyết việc nhận
con và đăng ký khai sinh.

c)Thủ tục đăng ký khai tử
- Thẩm quyền đăng ký khai tử.
+ Ủy ban nhân dân xã, nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
+ Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì Ủy ban
nhân dân xã, nơi người đó chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
- Thời hạn đi khai tử và trách nhiệm khai tử
+ Thời hạn đi khai tử là 15 ngày, kể từ ngày chết:
+ Thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử; nếu người chết không có thân
nhân, thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức, nơi người đó cư trú
hoặc công tác trước khi chết đi khai tử.
- Thủ tục đăng ký khai tử.
+ Người đi khai tử phải nộp giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định
của pháp luật.
+ Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai tử
và Giấy chứng tử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký và cấp cho người đi khai tử một bản chính
Giấy chứng tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử.
BÀI TẬP TÌNH HUỐNG

Tình huống 1:
Trước khi chung sống với anh A chị B đã có 2 đứa con riêng là C (sinh
năm 1997) và D (sinh năm 1993). Cả 2 đều chưa được đăng ký khai sinh và chưa
có tên trong sổ hộ khẩu gia đình anh A. Anh A muốn nhận 2 người con riêng của
chị B làm con nuôi. Vậy thủ tục nhận cha con được thực hiện như thế nào?
Tình huống 2:


Xã Cúc Phương là một xã vùng cao có 95% dân tộc Mường. Trước đây và
cũng như hiện nay ranh giới giữa gia đình này và gia đình khác được xác định là
hàng rào tre hoặc cây dâm bụt...Nhiều gia đình trồng cây vải, nhãn, vừa làm hàng
rào, vừa lấy quả. Những năm gần đây hoa quả là hàng hóa có giá trị, nhiều cây vải,

nhãn nếu được mùa họ thu tiền triệu. Chính vì vậy đã xảy ra tranh chấp dẫn đến
mất đoàn kết giữa hai gia đình vì một cây nhãn có tuổi thọ 20 năm. Sự việc diễn ra
như sau:
Gia đình ông A và ông B đã sống gần nhau 40 năm rất vui vẻ và hòa thuận.
Nhưng đột nhiên giữa hai gia đình xảy ra mâu thuẫn rất căng thẳng. Lý do là một
cây nhãn nhà ông A trồng làm hàng rào có cành đua sang nhà ông B. Trước đây
mỗi khi thu hoạch quả ông A đều chia cho cả làng cùng ăn và tất nhiên nhà ông B ở
gần đó được chia phần nhiều hơn và con ông B có thể hái quả tự nhiên như ở nhà.
Thời gian qua đi, tình hình đã khác và hai gia đình cũng đã thay đổi. Bây giờ không
có chuyện chia cả làng nữa và mỗi năm thuận, nhà ông A thu được từ cây nhãn
khoảng từ 14 đến 15 triệu đồng. Vài năm diễn ra như vậy không có vấn đề gì,
nhưng tự nhiên nhà ông B đòi chặt toàn bộ phần cành nhãn đua sang đất nhà ông.
Cũng có lần con ông B đã chặt vài cành, vì vậy mâu thuẫn đã xảy ra.
Trước tiên 2 gia đình tự giải quyết nhưng không giải quyết được. Ông A cho
rằng gốc cây ở đất nhà ông A, còn cành cây đua sang khoảng không nhà ông B
không ảnh hưởng đến nhà ông B. Ông B lại cho rằng ranh giới là cả đất, cả trời, cây
nhà ông A rễ xuyên sang nhà ông B và cành cây che ánh sáng mặt trời nên ông B
không trồng được cây gì ở dưới. Hai gia đình làm đơn lên UBND xã yêu cầu giải
quyết.
Nhận được đơn của 2 gia đình, theo anh, chị, UBND xã sẽ giải quyết như thế
nào?
Tình huống 3:


Ông Nguyễn văn A tại xã H đồng ý bán cho ông Trần Khắc M một nhà cấp
bốn. Hai bên đã làm giấy đặt cọc là 10 triệu đồng và hẹn 20 ngày sau sẽ thanh toán
tiền và nhận nhà. Mười ngày sau, do biến động về giá nhà đất nên ông A không bán
cho ông M nữa dẫn đến hai bên mâu thuẫn. Ông M cho rằng ông A do tham lợi nên
khi giá đất lên đã bội ước vì vậy có đơn yêu cầu UBND xã giải quyết. Chủ tịch
UBND xã đã cho công an xã triệu tập nhiều lần hai bên lên trụ sở và yêu cầu ông A

phải thực hiện đúng những gì đã cam kết trong giấy đặt cọc, nhưng ông A vẫn
không chấp nhận. Với cương vị chủ tịch xã, đồng chí đồng ý hay có cách giải quyết
khác đối với tình huống trên?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi năm 2001).
- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003.
- Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
- Luật Thi hành án hình sự năm 2010.
- Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, ngày
27/12/2005.
- Nghị định của Chính phủ số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc,
chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
- Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012.
- Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
- Thông tư số 63/2005 ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử
dụng kính phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.



×