Tải bản đầy đủ (.pdf) (78 trang)

Đặc điểm trầm tích tầng mặt vùng ven biển sóc trăng và khoáng sản vật liệu xây dựng liên quan

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.41 MB, 78 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
---------------------

Hoàng Thị Việt Hiếu

ĐẶC ĐIỂM TRẦM TÍCH TẦNG MẶT VÙNG VEN
BIỂN SÓC TRĂNG VÀ KHOÁNG SẢN VẬT LIỆU
XÂY DỰNG LIÊN QUAN

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC

Hà Nội - 2015

i


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
---------------------

Hoàng Thị Việt Hiếu
ơ

ĐẶC ĐIỂM TRẦM TÍCH TẦNG MẶT VÙNG VEN
BIỂN SÓC TRĂNG VÀ KHOÁNG SẢN VẬT LIỆU
XÂY DỰNG LIÊN QUAN
Chuyên ngành:
Mã số:

Địa chất học


60440201

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC

XÁC NHậN CủA HộI ĐồNG CHấM

CÁN Bộ HƯớNG DẫN

LUậN VĂN
CHủ TịCH

KHOA HọC

GS. TS. Trần Nghi

TS. Đinh Xuân Thành

Hà Nội - 2015

ii


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành cuốn luận văn này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận
tình của thầy giáo hướng dẫn – TS. Đinh Xuân Thành, cán bộ Khoa Địa chất
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Với lòng biết ơn sâu sắc nhất, tôi xin dành
những dòng đầu tiên trong cuốn luận văn này để gửi lời cảm ơn tới Thầy.
Ngoài ra, tôi cũng đã nhận được sự góp ý chân thành từ TS. Nguyễn Đình
Nguyên - cán bộ Khoa Địa chất và các thầy cô trong Hội đồng đã bớt chút thời gian
để đọc và cho tôi những lời nhận xét xác đáng về bản luận văn này. Điều đó giúp

cho tôi có một cuốn luận văn hoàn thiện hơn. Tôi trân trọng và luôn ghi nhớ sự giúp
đỡ quý báu đó.
Trong suốt thời gian học tập tại Khoa Địa chất của Nhà trường, tôi rất may
mắn nhận được sự cộng tác và giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô và các bạn bè
đồng nghiệp. Bên cạnh đó là sự quan tâm chia sẻ của gia đình và người thân, luôn là
động lực để tôi phấn đấu học tập.
Xin cảm ơn tất cả.
Học viên

Hoàng Thị Việt Hiếu

iii


MỤC LỤC

MỤC LỤC ............................................................................................................. iv
DANH MỤC HÌNH ............................................................................................... vi
DANH MỤC BẢNG ............................................................................................. vii
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
Chương 1. ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG NGHIÊN CỨU .......................................................................................... 3
1.1. ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN .......................................................... 3
1.1.1. Vị trí địa lý............................................................................................ 3
1.1.2. Đặc điểm địa hình, địa mạo đáy biển..................................................... 4
1.1.3. Đặc điểm khí hậu .................................................................................. 5
1.1.4. Đặc điểm thủy, hải văn.......................................................................... 8
1.1.5. Đặc điểm địa chất................................................................................ 10
1.2. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI .............................................................. 21
1.2.1. Tình hình phát triển kinh tế ................................................................. 21

1.2.2. Tình hình phát triển xã hội .................................................................. 23
1.2.3. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ........................................................... 26
Chương 2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU .. 28
2.1. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU .......................................................................... 28
2.1.1. Giai đoạn trước 1975 .......................................................................... 28
2.1.2. Giai đoạn sau 1975.............................................................................. 29
2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU .............................................................. 34
2.2.1. Phương pháp luận nghiên cứu ............................................................. 34
2.2.2. Phương pháp nghiên cứu ngoài thực địa .............................................. 35
2.2.3. Phương pháp nghiên cứu trong phòng ................................................. 38

iv


Chương 3. ĐẶC ĐIỂM TRẦM TÍCH TẦNG MẶT .......................................... 41
3.1. CƠ SỞ PHÂN LOẠI TRẦM TÍCH............................................................ 41
3.2. ĐẶC ĐIỂM TRẦM TÍCH TẦNG MẶT .................................................... 42
3.2.1. Trầm tích sạn - G ............................................................................... 43
3.2.2. Trầm tích sạn cát – sG......................................................................... 43
3.2.3. Trầm tích sạn cát bùn - msG ............................................................... 43
3.2.4. Trầm tích cát sạn – gS ......................................................................... 44
3.2.5. Trầm tích cát bùn sạn – gmS ............................................................... 45
3.2.6. Trầm tích cát lẫn sạn - (g)S ................................................................. 46
3.2.7. Trầm tích cát - S.................................................................................. 47
3.2.8. Trầm tích cát bùn lẫn sạn – (g)mS ....................................................... 48
3.2.9. Trầm tích cát bột - siS ......................................................................... 49
3.2.10. Trầm tích cát bùn - mS ...................................................................... 50
3.2.11. Trầm tích bùn sạn - gM ..................................................................... 50
3.2.12. Trầm tích bột cát - sSi ....................................................................... 51
3.2.13. Trầm tích bùn cát - sM ...................................................................... 51

3.2.14. Trầm tích sét cát - sC ........................................................................ 52
3.2.15. Trầm tích bột, bùn và sét (Si, M, C) .................................................. 53
3.3. NHẬN XÉT VỀ QUY LUẬT PHÂN BỐ VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN .... 53
Chương 4. TRIỂN VỌNG KHOÁNG SẢN VÀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG
VÙNG BIỂN SÓC TRĂNG ................................................................................ 55
4.1. NGUYÊN TẮC PHÂN VÙNG TRIỂN VỌNG KHOÁNG SẢN VẬT LIỆU
XÂY DỰNG ......................................................................................................... 55
4.2. TRIỂN VỌNG KHOÁNG SẢN VẬT LIỆU XÂY DỰNG ........................ 56
4.2.1. Vùng triển vọng loại a (Vùng a1) ........................................................ 57
4.2.2. Vùng có triển vọng loại (b) ................................................................. 58
KẾT LUẬN.......................................................................................................... 65
TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................... 67

v


DANH MỤC HÌNH
Hình 1. 1. Vị trí vùng nghiên cứu ............................................................................ 3
Hình 1. 2. Mặt cắt đo sâu đáy biển khu vực Sóc Trăng. a) Địa hình nghiêng thoải
phía tây nam vùng nghiên cứu; b) Địa hình dốc trung tâm vùng nghiên cứu ............ 4
Hình 2. 1. Biểu đồ phân loại trầm tích của Cục Địa chất Hoàng Gia Anh .............. 36
Hình 3. 1. Trầm tích sạn cát, sạn cát bùn, cát sạn, biển tuổi Q21-2 gặp trên băng
địa chấn nông độ phân giải cao tuyến Tu09-35 ...................................................... 45
Hình 3. 2. Băng sonar tuyến 33 thể hiện cấu tạo gợn sóng trên mặt lớp của trầm tích
hạt thô cát sạn. ...................................................................................................... 46
Hình 3. 3. Băng sonar tuyến 33 thể hiện cấu tạo gợn sóng trên mặt lớp của trầm tích
cát, cát lẫn sạn sạn, cát bột .................................................................................... 46
Hình 3. 4. Trầm tích cát bùn sạn, cát sạn, cát lẫn sạn biển tuổi Q21-2 gặp trên băng
địa chấn nông độ phân giải cao tuyến 32 ............................................................... 48
Hình 3. 5. Trầm tích cát sạn, cát lẫn sạn tuổi Q21-2 lộ trên băng địa chấn tuyến 35 .... 48

Hình 3. 6. Băng sonar tuyến 33 thể hiện trầm tích hạt mịn là bùn cát và bùn. ........ 49
Hình 3. 7. Sơ đồ trầm tích tầng mặt vùng biển Sóc Trăng...................................... 54
Hình 4. 1. Sơ đồ phân vùng triển vọng khoáng sản vùng biển Sóc Trăng .............. 58
Hình 4. 2. Mặt cắt địa chấn cho thấy triển vọng VLXD trong khu vực đào khoét
lòng sông (vùng a1)............................................................................................... 59
Hình 4. 3. Mặt cắt địa chấn cho thấy có triển vọng VLXD trong các sóng cát
(vùng b2)............................................................................................................... 60
Hình 4. 4. Băng Sonar quét sườn phản ánh thành phần là cát hạt thô, triển vọng
vật liệu xây dựng -vùng b2 .................................................................................... 60
Hình 4. 5. Mặt cắt địa chấn cho thấy có triển vọng VLXD (vùng b3). ................... 62
Hình 4. 6. Mặt cắt địa chấn cho thấy có triển vọng VLXD (vùng b4). ................... 63
Hình 4. 7. Băng sonar cho thấy trầm tích có thành phần là cát, cát lẫn sạn có
triển vọng vật liệu xây dựng - Vùng b4 ................................................................. 63
Hình 4. 8. Mặt cắt địa chấn tuyến 35 cho thấy có triển vọng VLXD (vùng b5) ...... 64

vi


DANH MỤC BẢNG
Bảng 1. 1. Tọa độ các điểm giới hạn diện tích vùng nghiên cứu .............................. 4
Bảng 1. 2. Lượng mưa trung bình các tháng trong năm (mm) .................................. 5
Bảng 1. 3. Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm (0C) ........................................ 6
Bảng 1. 4. Số giờ nắng trung bình các tháng trong năm ........................................... 7
Bảng 1. 5. Độ ẩm trung bình các tháng trong năm ................................................... 7
Bảng 1. 6. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng hải sản ở Sóc Trăng (1992 - 2008) ... 22
Bảng 1. 7. Diện tích và dân số các huyện ven biển Sóc Trăng ............................... 24
Bảng 3. 1. Phân cấp độ hạt theo thang phi ()........................................................ 41

vii



MỞ ĐẦU
Vùng biển Sóc Trăng được đánh giá là một trong những vùng có triển vọng
khoáng sản rắn, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Đây là nguồn tài nguyên đem lại giá
trị kinh tế lớn, nhu cầu khai thác ngày càng nhiều. Hiện nay không chỉ phục vụ nhu
cầu vật liệu xây dựng trong nước mà nhiều quốc gia đông nam á cũng đã đặt vấn đề
nhập khẩu nguồn tài nguyên này. Một trong những cơ sở khoa học để nghiên cứu
đánh giá tiềm năng vật liệu xây dựng quan trọng nhất đó là nghiên cứu đặc điểm và
quy luật phân bố trầm tích tầng mặt bởi vì bản thân các trầm tích hạt trung – thô
chính là nguồn vật liệu xây dựng.
Với lý do nêu trên học viên chọn đề tài luận văn thạc sĩ với tiêu đề: “Đặc
điểm trầm tích tầng mặt và khoáng sản vật liệu xây dựng liên quan”.
Mục tiêu nghiên cứu
Làm sáng tỏ đặc điểm và quy luật phân bố trầm tích tầng mặt và triển vọng
vật liệu xây dựng liên quan.
Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu đặc điểm và quy luật phân bố trầm tích tầng mặt vùng biển Sóc
Trăng.
- Nghiên cứu đánh giá triển vọng khoáng sản vật liệu xây dựng trên cơ sở
nghiên cứu trầm tích tầng mặt.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
- Ý nghĩa khoa học: Kết quả nghiên cứu của đề tài luận văn sẽ góp phần làm
sáng tỏ quy luật phân bố trầm tích tầng mặt vùng biển của cửa sông châu thổ bồi tụ
và triển vọng khoáng sản liên quan.
- Ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học phục vụ nghiên cứu
đánh giá triển vọng khoáng sản vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế biển.

1



Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Trầm tích tầng mặt đáy biển (0 – 30m nước).
- Khu vực nghiên cứu: Vùng biển tỉnh Sóc Trăng.
Cơ sở số liệu và tài liệu thực hiện luận văn
- Số liệu phân tích thu thập: độ hạt, khoáng vật, các chỉ tiêu địa hóa môi
trường trầm tích, cổ sinh.
- Tài liệu thuộc các đề tài, dự án và các công trình liên quan đến nội dung
luận văn;
Cấu trúc luận văn bao gồm
Mở đầu
Chương 1: Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Chương 2. Lịch sử nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Chương 3. Đặc điểm trầm tích tầng mặt vùng biển Sóc Trăng
Chương 4. Triển vọng khoáng sản vật liệu xây dựng vùng biển Sóc Trăng
Kết luận
Tài liệu tham khảo

2


Chương 1
ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG NGHIÊN CỨU
1.1. ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1.1.1. Vị trí địa lý
Khu vực nghiên cứu của luận văn thuộc vùng biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng
đến độ sâu 30m nước. Bờ biển Sóc Trăng kéo dài khoảng 90km, bị chia cắt bởi ba
cửa sông chính: cửa Trần Đề, cửa Định An (thuộc sông Hậu) và cửa Mỹ Thạnh
(sông Mỹ Thạnh). Khu vực nghiên cứu (hình 1.1) được giới hạn bởi đường bờ biển
và các điểm có tọa độ được trình bày ở bảng 1.1


Hình 1. 1. Vị trí vùng nghiên cứu

3


Bảng 1. 1: Tọa độ các điểm giới hạn diện tích vùng nghiên cứu

STT
I
II
III
IV

Vĩ độ Bắc
9° 33' 48"
9° 00' 43"
8° 40' 05"
9° 13' 42"

Kinh độ Đông
106° 18' 28"
106° 49' 52"
106° 22' 30"
105° 50' 00"

1.1.2. Đặc điểm địa hình, địa mạo đáy biển
Địa hình ven biển tỉnh Sóc Trăng có xu hướng nghiêng thoải từ bờ biển về
phía đất liền và từ cửa sông Hậu về phía Tây Nam. Vùng nội đồng có độ cao trung
bình từ 0,5 - 1,0m [8]. Vùng ven biển, ven sông do phù sa, gió và sóng biển đã tạo

nên những giồng cát chạy dọc ven bờ biển. Các giồng cát có độ cao từ 1,2 đến 2m
[3]. Địa hình phân cắt nhiều bởi hệ thống sông rạch và kênh mương thủy lợi. Do địa
hình thấp và thông với biển bởi hệ thống sông kênh rạch nên dễ bị nước biển xâm
nhập (nhiễm mặn).

a.

b.
Hình 1. 2. Mặt cắt đo sâu đáy biển khu vực Sóc Trăng. a) Địa hình nghiêng thoải
phía tây nam vùng nghiên cứu; b) Địa hình dốc trung tâm vùng nghiên cứu

4


Địa hình vùng biển ven bờ Sóc Trăng có sự phân bậc rõ rệt ở ba mức độ sâu:
- Từ 0 - 5m nước: nhìn chung địa hình khá thoải. Đây là khu vực cửa sông
nên có địa hình khá phức tạp, thay đổi theo mùa do tương tác động lực sông biển.
Tai đây có nhiều cồn và doi cát ngầm đan xen với các luồng lạch.
- Từ 5 - 20m nước: địa hình có dạng sườn dốc. Ở phía Đông Bắc nơi gần cửa
sông địa hình dốc hơn phía Tây Nam. Độ sâu 18-20m nước có thể là giới hạn ngoài
của khu vực lắng đọng trầm tích hiện đại và vì thế địa hình có biến đổi theo thời
gian nhưng không rõ nét như khu vực 0-5m nước.
- Từ 20 - 30m nước: địa hình thoải phát triển không theo một hướng nhất
định hình thành nhiều sóng cát, đôi nơi phân bố các cồn ngầm thoải.
1.1.3. Đặc điểm khí hậu
Sóc Trăng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng gió mùa, chia
thành mùa là mùa khô và mùa mưa, trong đó mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng
10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau [8].
a) Lượng mưa
Theo số liệu thống kê trong giai đoạn (từ 2000 - 2008), lượng mưa trong năm

trung bình khoảng 2.025,4 mm (bảng 1.2) trong đó năm 2006 có lượng mưa thấp
nhất (1.660,0mm). Tại vùng cửa sông Hậu, trong mùa mưa còn bị ảnh hưởng mạnh
bởi những đợt lũ đã làm thay đổi đáng kể biến trình mực nước và thường gây ra lũ
lớn. Mùa khô hầu như không mưa dẫn tới tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông
nghiệp và sinh hoạt.
Bảng 1. 2. Lượng mưa trung bình các tháng trong năm (mm)

Năm
Tháng
Tháng 1
Tháng 2
Tháng 3
Tháng 4
Tháng 5

2000

2005

2006

2007

2008

17,7
17,7
175,8
206,8


0,1
1,6
6,6
253,8

4,9
1,4
117,8
82,4

68,5
8,4
15,5
308,7

0.5
2,0
3,7
71,7
435,6

5


Năm
Tháng
Tháng 6
Tháng 7
Tháng 8
Tháng 9

Tháng 10
Tháng 11
Tháng 12
Lượng mưa cả năm

2000

2005

2006

2007

2008

298,2
215,5
402,3
260,6
414,9
75,9
108,0
2193,4

229,4
419,0
208,9
346,7
354,4
164,8

119,9
2105,2

388,4
243,2
369,4
249,4
129,6
29,2
44,4
1660,0

277,8
123,0
339,6
243,6
467,6
85,5
1938,2

207,1
200,3
293,5
277,7
432,5
272,8
32,8
2230,2

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Sóc Trăng 2009


b) Nhiệt độ và số giờ nắng
- Nhiệt độ không khí của vùng nghiên cứu khá điều hòa, nhiệt độ trung bình
trong năm là 26,80C. Nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm thường là tháng 4
(28,20C) và nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1 (25,50C) (bảng 1.3).
- Nhiệt độ nước bề mặt vùng biển Sóc Trăng thuộc loại cao, thường trên dưới
300C. Ở gần khu vực Côn Đảo nhiệt độ nước biển trung bình trong năm là 28,50C.
Vào mùa hè nhiệt độ nước biển tương đối đồng nhất từ tầng mặt đến tầng đáy.
Bảng 1. 3. Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm (0C)

Năm
Tháng
Tháng 1
Tháng 2
Tháng 3
Tháng 4
Tháng 5
Tháng 6
Tháng 7
Tháng 8
Tháng 9
Tháng 10
Tháng 11
Tháng 12
Trung bình năm

2000

2005


2006

2007

2008

26,1
26,3
27,4
27,7
27,8
27,0
26,9
26,6
26,9
26,6
26,7
26,2
26,8

24,6
26,1
27,9
28,06
28,4
27,9
26,2
27,2
26,8
27,2

26,7
25,3
26,9

25,6
26,8
27,2
28,1
27,7
27,1
26,9
26,5
26,5
27,2
27,4
26,1
26,9

25,6
25,3
27,3
28,7
27,6
27,8
26,9
26,8
26,9
26,9
26,2
25,9

26,8

25,4
25,8
26,8
28,2
27,2
27,4
26,8
26,6
26,5
27,0
26,2
25,7
26,6

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Sóc Trăng, năm 2009

6


Khu vực nghiên cứu có số giờ nắng trong năm khá cao. Số giờ nắng trung
bình năm khoảng 2.345,0 giờ, cao nhất vào tháng 3 và thấp nhất vào tháng 10
(Bảng 1.4).
Bảng 1. 4. Số giờ nắng trung bình các tháng trong năm

Năm
Tháng
Tháng 1
Tháng 2

Tháng 3
Tháng 4
Tháng 5
Tháng 6
Tháng 7
Tháng 8
Tháng 9
Tháng 10
Tháng 11
Tháng 12
Trung bình năm

2000

2005

2006

2007

2008

250.8
192.8
216.3
218.2
176.3
152.5
160.6
139.1

177.2
101.5
177.6
186.5
2149,4

253,1
278,0
290,1
272,6
203,6
200,1
141,6
201,6
150,7
187,1
192,7
117,2
2488,4

213,6
240,5
249,8
234,8
196,4
156,5
171,4
163,6
166,1
199,3

262,1
217,8
2471,9

198,3
268,2
253,6
260,7
180,1
172,1
137,1
141,8
142,5
175,6
180,7
211,8
2322,5

193,7
211,4
282,3
234,0
177,1
184,3
197,9
190,3
141,5
178,1
149,9
152,2

2292,7

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Sóc Trăng, năm 2009

c) Độ ẩm
Do nằm trong khu vực gió mùa kiểu xích đạo và chịu ảnh hưởng trực tiếp
của khí hậu biển nên thường xuyên có độ ẩm cao, về mùa lạnh thời tiết hanh, khô
nên độ ẩm giảm đi. Độ ẩm thay đổi trong khoảng 79 – 89%, trung bình năm là
83,8%, tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 8 và thấp nhất là tháng 4 [10] (bảng 1.5)
Bảng 1. 5: Độ ẩm trung bình các tháng trong năm

Năm
Tháng
Tháng 1
Tháng 2
Tháng 3
Tháng 4
Tháng 5

2000

2005

2006

2007

2008

83

80
81
89
90

80
82
80
85
87

81
81
83
83
86

80
79
80
80
86

83
81
81
73
89

7


Trung bình
(2000-2008)
81.4
80.6
81.0
82.0
87.6


Năm
Tháng
Tháng 6
Tháng 7
Tháng 8
Tháng 9
Tháng 10
Tháng 11
Tháng 12
Trung bình năm

2000

2005

2006

2007

2008


90
90
88
87
90
87
83
86.5

88
88
88
87
87
86
85
85.25

87
88
91
90
91
87
83
85.92

92
88

91
90
89
89
86
85.83

88
91
91
90
89
86
84
85.5

Trung bình
(2000-2008)
89.0
89.0
89.8
88.8
89.2
87.0
84.2
85.8

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Sóc Trăng 2008

d) Lượng bốc hơi

Lượng bốc hơi trung bình nhiều năm trên 1.000mm (tại thị xã Sóc Trăng là
1.014mm), mùa khô lượng bốc hơi bình quân tháng là 130 – 140mm, mùa mưa
lượng bốc hơi bình quân nhỏ hơn (khoảng từ 60 – 70mm) [10].
e) Chế độ gió
Chế độ gió: chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa đông hướng gió thịnh hành là Đông
Bắc, Đông; mùa hè hướng gió thịnh hành là Tây, Tây Nam. Trong cả năm thời gian
lặng gió hoặc gió yếu chiếm khoảng 8%. Tháng 10 và tháng 4 là hai tháng giao
mùa, tốc độ gió trong thời kỳ này chỉ đạt khoảng 3m/s, nhưng hướng gió thay đổi
phức tạp.
1.1.4. Đặc điểm thủy, hải văn
Chế độ thủy, hải văn ven biển và biển Sóc Trăng chịu ảnh hưởng của dòng
chảy, lưu lượng nước của sông Cửu Long và chế độ thủy triều.
Với lưu lượng nước lớn (400x109 m3/năm), hàng năm hệ thống sông Mê
Công chuyển tải ra biển một lượng bùn cát rất đáng kể qua 7 cửa, riêng đổ ra biển
Sóc Trăng qua 2 cửa Trần Đề và Định An chiếm tới khoảng 30%. Nhiều tài liệu đã
xác định, hàng năm sông Mê Công tải ra biển khoảng 80 triệu tấn bùn cát. Thực tế có
thể còn lớn hơn, vì ngoài lượng bùn cát di chuyển dưới dạng lơ lửng còn có thêm một
lượng bùn cát đáng kể di chuyển dưới dạng lăn trượt theo đáy. Theo số liệu đo đạc tại

8


trạm quan trắc Pakse (Lào) trong vòng 30 năm (1960 - 1989), hàng năm lượng bùn cát
vận chuyển qua đây khoảng 170 - 180 triệu tấn vật liệu trầm tích [6]. Như vậy có thể
thấy hàng năm sông Mê Công mang ra biển một lượng vật liệu trầm tích không dưới
100 triệu tấn. Từ đó có thể sơ bộ xác định, hàng năm lượng bùn cát chuyển tải ra
khu vực biển nông ven bờ tỉnh Sóc Trăng qua hai của Trần Đề và Định An có thể
tới 30 triệu tấn.
Hệ thống các kênh rạch trong vùng đều có cửa thông với sông Hậu, cho nên
chế độ thủy văn phụ thuộc vào chế độ thủy triều của biển. Vùng biển ven bờ Sóc

Trăng có chế độ bán nhật triều không đều. Trong tháng có 2 đợt triều cường vào
ngày 15 và 30 âm lịch, biên độ dao động trung bình 3 - 4m [9]. Về mùa mưa một
phần các huyện Thạnh Trị và Mỹ Tú bị úng ngập. Mùa khô các huyện ven biển, ven
cửa sông Hậu bị nhiễm mặn. Nguồn nước mặt từ sông Hậu đổ vào hệ thống kênh
rạch trong tỉnh là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất và đời sống. Lưu
lượng sông Hậu vào mùa mưa khoảng 7.000 - 8.000m3/s.
a)

Chế độ sóng
Chế độ sóng vùng nghiên cứu hình thành 2 mùa rõ rệt.
Mùa khô sóng có hướng thịnh hành là Đông Bắc chiếm khoảng 75 - 85%, độ

cao sóng trung bình khoảng 2 - 3,5m [7]. Sóng lớn có tần suất xuất hiện nhiều nhất
vào tháng 11, với độ cao sóng cực đại có thể lên tới 5 - 6m.
Mùa mưa sóng chủ yếu có hướng Tây Nam hoặc Tây. Độ cao sóng trung
bình khoảng 2 - 3m. Sóng hướng Tây Nam có tần suất xuất hiện cực đại vào tháng 8
- 9, với độ cao cực đại 4 - 5m. Thời gian lặng sóng hoặc có sóng yếu trong năm chỉ
xấp xỉ 2%.
b) Chế độ dòng chảy vùng biển ven bờ:
Trong mùa mưa dòng chảy các tầng nhìn chung có xu thế đi từ Nam lên Bắc.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của đường bờ và địa hình đáy mà từng nơi có xuất hiện các
hướng riêng biệt lệch khỏi hướng chính, tạo nên các hướng dòng cục bộ. Ngoài
khơi, dòng chảy ổn định hơn với tốc độ trung bình 0,4 - 0,5 m/s. Đặc biệt tại khu

9


vực cửa Định An và Trần Đề, do dòng chảy sông khống chế nên hướng dòng chảy
bị biến đổi phức tạp theo luồng sông và đạt tốc độ trung bình khoảng 0,6 - 0,8m/s.
Mùa khô dòng chảy thường kỳ có hướng từ Bắc xuống Nam và chịu ảnh

hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc. Khu vực ngoài khơi, dòng chảy có hướng
tương đối ổn định. Ở gần bờ, do ảnh hưởng của các cửa sông và kênh rạch đổ ra
biển, cùng với dòng chảy của sông Hậu đã gây tác động đến hướng của dòng chảy.
c) Dòng triều
Trong thời kỳ triều lên, dòng triều có hướng thịnh hành là Tây - Tây Bắc với
tốc độ trung bình vào khoảng 0,4 - 0,6 hải lý/giờ. Trong thời kỳ triều xuống, dòng
triều có tốc độ trung bình 0,5 - 1,5 hải lý/giờ. Vận tốc dòng triều cực đại có thể lên
tới 2 - 3 hải lý/giờ. Hướng dâng lên và rút xuống của dòng triều gần ngược nhau
(~1800).
d) Bão
Vùng biển, ven biển Sóc Trăng gặp ít bão hơn so với các vùng biển phía Bắc.
Trong khoảng 60 năm trở lại đây (1950 - 2010) ở vùng biển Nam Việt Nam đã xuất
hiện 34 cơn bão, trong đó chỉ có 9 cơn bão đổ bộ vào vùng biển Sóc Trăng [11].
Mùa bão thường xảy ra vào những tháng cuối năm. Tuy ít bão nhưng cũng có cơn
bão gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.
1.1.5. Đặc điểm địa chất
1.1.5.1. Địa tầng
a) Địa tầng trước Đệ tứ
1. Hệ tầng Nha Trang (Knt)
Các đá phun trào thuộc hệ tầng Nha Trang chủ yếu phân bố ở hòn Đá Bạc. Ở
đáy biển vùng nghiên cứu, các đá của hệ tầng này được phát hiện trên băng địa chấn
nông độ phân giải cao xung quanh hòn Đá Bạc và khu vực Côn Đảo ở độ sâu 20 25m nước, chúng bị phủ bởi các trầm tích Đệ tứ mỏng [1].

10


- Phần dưới chủ yếu là andesit, andesitodacit và tuf của chúng. Đôi nơi có
cuội kết, sạn kết tuffogen xen ít lớp cát kết, bột kết phân lớp màu đỏ nâu.
- Phần trên gồm chủ yếu: ryolit, trachyriolit, felsit porphyr, ít hơn có ryođasit
porphyr. Tuf ryolit màu xám đến xám xanh, cấu tạo dòng chảy yếu, kiến trúc nổi

ban với nền felsit. Thành phần khoáng vật gồm: ban tinh chiếm 20-30% (felspat,
thạch anh, plagiocla). Nền hiếm 70-80% (thạch anh, felspat, sferolit) [1]. Ngoài ra
còn một khối lượng lớn các đá tuf có thành phần tương ứng xen kẽ với các phun
trào kể trên.
Chiều dày hệ tầng có thể quan sát thấy ở khu vực Côn Đảo là khoảng 100m.
2. Hệ tầng Năm Căn (N22nc)
Hệ tầng Năm Căn được phân bố ở độ sâu từ 256 đến 165m. Trong vùng ven
biển khu vực nghiên cứu, hệ tầng Năm Căn (Cà Mau) có mặt trong lỗ khoan LK1AT tại độ sâu 229,8, LK-2TB ở độ sâu 167m và LK99-I (Đại Bái) gặp ở 162m [1].
Thành phần trầm tích của hệ tầng bao gồm phần trên là cát sạn thạch anh màu xám
phớt nâu vàng, cát bột sét xen nhau màu xám, phớt tím, màu vàng loang lổ trắng,
phân lớp vừa tới dày, phần dưới bao gồm cát hạt mịn xen nhiều lớp mỏng thực vật
hoá than, trầm tích phân lớp mỏng đến vừa, màu xám phớt vàng đôi chỗ xám sẫm
phân lớp xiên chéo.
Tại lỗ khoan LK-1AT (Nông trường 30/4, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao
Dung, tỉnh Sóc Trăng) gặp được ở độ sâu 229,8 đến 250m. Thành phần trầm tích từ
dưới lên gồm:
+ Từ 246,7-250m: cát bột, bột sét màu xám - xám nâu - xám tím có xen lẫn
lớp cát hạt thô màu xám sáng chứa lẫn sạn nhỏ. Trong đó: Cát chiếm 14,3%; bột
49,7%; sét 36%. So=3,75; Sk=0,28; Md=0,019.
+ Từ 243,5-246,7m: cát bột, bột sét màu xám nâu, xám tím, phân lớp nằm
ngang. Trong đó: Cát chiếm 63%; bột 18%; sét 19%. So=2,55; Sk=0,32; Md=0,009.
+ Từ 241,2-243,5m: cát mịn xen kẹp các lớp bột sét phân lớp mỏng. Trong
đó: cát chiếm 81,6%; bột 9,5%; sét 8,9%. So=1,41; Sk=0,8; Md=0,15.
11


+ Từ 238.7 - 241,2m: cát mịn -trung màu xám, xám xanh xen kẹp bột sét
màu nâu phân lớp mỏng. Trong đó: Cát chiếm 72,2%; bột 14,3%; sét 13,5%.
So=1,82; Sk=0,47; Md=0,12.
+ Từ 236 - 238,7m: bột sét màu nâu phân lớp mỏng nằm xen kẹp với cát mịn

màu xám, xám xanh.
+ Từ 230,5-236m: cát mịn -trung màu xám, xám vàng, xám xanh, đôi chỗ có
xen kẹp các lớp bột sét màu nâu phân lớp mỏng.Trong đó: sạn sỏi chiếm 0,7%; cát
80,5%; bột 11,9%; sét 6,9%. So=2; Sk=0,59.
+ Từ 229,8-230,5m: Bột sét màu xám - xám nâu chứa lẫn các ổ cát mịn màu
xám - xám xanh. Cát mài tròn và chọn lọc tốt, thành phần đơn khoáng.
Ở đáy biển vùng nghiên cứu, trầm tích của tầng gặp được trong hầu hết các
băng địa chấn nông độ phân giải cao Tu07-2; Tu07-8; Tu07-105; Tu07-108; Tu07112; ..., chúng bị phủ lớp trầm tích Đệ tứ dày 140-200m [1] .
Về quan hệ địa tầng, phía dưới chúng phủ bất chỉnh hợp trên trầm tích
Miocen phía trên bị phủ bởi các trầm tích Đệ tứ. Ranh giới này quan sát khá rõ trên
các mặt cắt địa chấn nông độ phân dải cao trong khu vực.
b) Địa tầng Đệ tứ
1. Trầm tích sông (aQ11)
Trầm tích sông Pleistocen dưới của vùng nghiên cứu bắt gặp được ở cửa
sông Hậu, diện phân bố của chúng không lớn, chủ yếu theo hệ thống các dòng chảy
cổ xuất hiện vào giai đoạn đầu Pleistocen sớm. Ngoài ra trầm tích này còn gặp được
trong lỗ khoan LK-1AT, độ sâu 213 – 229,8m [2]. Thành phần trầm tích gồm: phía
trên là cát bột màu xám nâu, xám đen chuyển xuống dưới là cát, cát sạn.
Trầm tích của tầng nằm phủ trực tiếp trên các thành tạo Neogen hệ tầng Năm
Căn (N22nc) tại những đới đào khoét và bị các trầm tích Pleistosen sớm phần sớm
nguồn gốc sông biển nằm phủ lên trên. Bề dày chung 5-18m. (bề dày theo lỗ khoan:
16,8m).

12


2. Trầm tích sông - biển (amQ11)
Trong vùng nghiên cứu tầng trầm tích này chủ yếu gặp trong một số mặt cắt
địa chấn nông độ phân dải cao thuộc các tuyến Tu08-19, Tu09-35, Tu09-110, …
(vùng biển ngoài khơi cửa sông Hậu). Chúng được thành tạo trong các hố trũng nằm

trên bề mặt bào mòn của trầm tích Neogen. Phần phía trên chuyển tiếp lên các trầm
tích biển nông ven bờ. Thành phần trầm tích thường là cát, sạn, cát bột, cát sét đôi
khi phong hoá màu loang lổ, vàng, đỏ.
Vùng ngoài khơi trầm tích amQ11 được liên kết với một số mặt cắt địa chấn
nông, trên đó phát triển các đới đào khoét lòng sông cổ và được lấp đầy bằng các
vật liệu thô. Bề dày: 10-60m [3].
3. Trầm tích biển (mQ11)
Các thành tạo trầm tích biển tuổi Pleistocen sớm gặp trong lỗ khoan máy bãi
triều LK-1AT, khu vực xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng ở độ
sâu 169,7-187,5m, LK-2TB ở độ sâu 139,5-147m và trên các mặt cắt băng địa chấn
nông độ phân giải cao (ở độ sâu hơn 100m) tuyến Tu07-08, Tu07-05, Tu07-108,
Tu08-19, Tu08-110, Tu09-35, …Thành phần trầm tích gồm: cát, cát bột, bột sét
màu xám phớt xanh.
Trong vùng nghiên cứu, trong các băng địa chấn nông độ phân giải cao trầm
tích mQ11 tương ứng với tập địa chấn địa tầng D, với các sóng phản xạ đặc trưng:
dưới là sóng bán song song, đứt đoạn, tán xạ mạnh (trầm tích hạt thô), trên là dạng
sóng song song ngang, rõ nét xen với các dải mờ nhạt (trầm tích hạt mịn). Bề dày
trầm tích co xu hướng mỏng dần từ bờ ra ngoài khơi (về phía đới nâng Côn Sơn).
Phía dưới phủ bất chỉnh hợp trên các thành tạo Neogen, phía trên bị phủ bất chỉnh
hợp bởi trầm tích Pleistocen trung. Bề dày chung 10-60m. (Chiều dày theo lỗ khoan
LK-1AT: 17,8m).
4. Trầm tích sông (aQ12)
Các thành tạo aQ12 gặp trong lỗ khoan máy bãi triều LK-1AT, ở độ sâu
144,2-169,7m và LK-2TB, ở độ sâu 120-139,5m [2]. Thành phần trầm tích của tầng
gồm: cát, cát sạn màu xám, xám sáng.

13


Tại lỗ khoan LK-2TB, ở độ sâu 120-139,5m, thành phần trầm tích gồm: cát,

cát sạn màu xám - xám vàng đôi chỗ có xen kẹp lớp sạn gắn kết yếu. Sạn có kích
thước (3 - 4 mm), thành phần đơn khoáng chủ yếu là thạch anh và bột kết. Trong
đó: sạn sỏi chiếm 4,7% cát: 81,4%, bột: 8,4%, sét: 5,5%. So=1,82; Sk=0,83;
Md=0,36.
Trầm tích của tầng thường lấp đầy trong các trong các hố đào khoét trên bề
mặt của các trầm tích nguồn gốc biển tuổi Pleistocen sớm. Chiều dày theo lỗ khoan
LK-1AT 25,5m.
5. Trầm tích sông - biển (amQ12)
Các thành tạo trầm tích tuổi Pleistocen giữa, nguồn gốc sông - biển gặp trong
lỗ khoan máy bãi triều LK-1AT, ở độ sâu 129,0-144,2m và LK-2TB ở độ sâu 104,2130m. Trên các băng địa chấn nông độ phân giải cao Tu07-108, Tu07-08, Tu07-05,
Tu08-19, Tu08-110, Tu09-35, Tu09-109,… các thành tạo này phân bố ở các hố đào
khoét dạng lòng sông cổ. Thành phần trầm tích gồm: phía dưới là cát, cát bột màu
xám sáng chuyển lên là sét, sét bột màu xám sáng, xám xanh. Bề dày chung 5-45m.
(Chiều dày theo lỗ khoan LK-1AT: 15,2m).
6. Trầm tích biển (mQ12)
Các thành tạo trầm tích tuổi Pleistocen giữa, nguồn gốc biển bắt gặp trong LK99 - I
(Đại Bái, Vĩnh Châu, Sóc Trăng) ở độ sâu 84,7-102m, và gặp trong hầu hết các băng địa
chấn nông độ phân giải cao tuyến Tu07-108, Tu07-08, Tu07-05, Tu08-19, Tu08110, T09-35 …. Thành phần trầm tích gồm: cát, cát bùn, bùn sét màu xám xanh lẫn ít ổ
kết vón limonit màu xám vàng đến nâu đen.
Ngoài khơi, qua giải đoán các mặt cắt địa chấn nông độ phân giải cao, tầng
trầm tích này được liên kết với tập địa chấn địa tầng C, gặp được trong hầu hết các
tuyến đo địa chấn.
Ranh giới trên và dưới của tầng được phân biệt bằng mặt phản xạ R4, R3.
Các sóng phản xạ của tầng thường là phân dải ngang song song, đậm nét xen mờ
nét, một số đoạn có cấu tạo nêm, thấu kính. Ranh giới R3 chính là bề mặt phong

14


hóa sét loang lổ là ranh giới địa tầng giữa trầm tích Q12 và Q13a. Trầm tích có xu thế

mỏng dần từ bờ ra ngoài khơi (về phía đới nâng Côn Sơn), bề dày thay đổi từ trong
bờ ra ngoài biển khơi là 80-50-30m. Chiều dày chung của trầm tích mQ12 thay đổi
trong khoảng 30-60m.
7. Trầm tích biển sông biển đầm lầy (ambQ13a)
Các thành tạo trầm tích sông biển đầm lấy tuổi Pleistocen muộn, phần sớm
gặp tại lỗ khoan máy bãi triều LK-1AT, ở độ sâu 87,8-129,0m. Thành phần trầm
tích gồm: cát mịn đến vừa, bột, bột xen sét màu xám tối, xám phớt xanh, xám nâu.
Trong các băng địa chấn nông độ phân giải cao trầm tích ambQ13a thường vát
nhọn về phía lục địa.
Chiều dày chung: 10-35m.
8. Trầm tích sông biển (amQ13a)
Trầm tích của tầng gặp trong lỗ khoan máy bãi triều LK-1AT, ở độ sâu 61,087,8m, LK-2TB ở độ sâu 75,5-95,7m và LK99-1 (Đại Bái). Ngoài ra, trầm tích
amQ13a còn gặp trên các băng địa chấn nông độ phân giải cao khu vực đông bắc bãi
cạn Định An tuyến Tu07-08, Tu07-105, Tu07-102. Thành phần trầm tích gồm: cát,
cát sạn sỏi màu xám, xám vàng.
Trong các băng địa chấn nông độ phân giải cao các trầm tích của tầng thường
chuyển tướng ngang sang nguồn gốc biển cùng tuổi. Thành phần trầm tích chủ yếu
là hạt thô (h. Chiều dày chung: 5-15m.
9. Trầm tích biển (mQ13a)
Trầm tích mQ13a gặp trong lỗ khoan LK1AT khu vực xã An Thạnh Nam,
huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng ở độ sâu 40,8-61m và trên các băng địa chấn nông độ
phân dải cao tuyến Tu07-112, Tu07-08, Tu07-108, Tu07-02, Tu07-105, Tu08-19,
Tu08-110, Tu09-35, Tu09-109, … Các sóng địa chấn thường có dạng song song, bán
song song hoặc đứt đoạn, thể hiện trầm tích có sự phân lớp giữa các lớp cát, bột và
sét. Thành phần trầm tích qua giải đoán băng địa chấn gồm: cát, cát bột, bột sét.

15


Ranh giới trên và dưới của tầng được phân biệt bằng mặt phản xạ R2, R2a.

Theo hướng từ ngoài khơi vào bờ tầng trầm tích bị mỏng dần. Trầm tích của tầng
nằm phủ trực tiếp lên trầm tích tuổi Q12 và bị các trầm tích Q13b nằm phủ lên trên.
Bề dày chung : 10-25m.
10. Trầm tích sông biển (amQ13b)
Các thành tạo trầm tích biển tuổi Pleistocen muộn, phần muộn gặp trong lỗ
khoan máy LK-1AT tại độ sâu 28,5-40,8m, LK-2TB ở độ sâu 32,7-59m và trên các
băng địa chấn nông độ phân giải cao ngoài khơi cửa Định An. Thành phần trầm tích
gồm: cát, cát bột sét lẫn ít sạn. Bề dày 2-15m. (Chiều dày theo lỗ khoan LK1-AT
là12,3m).
11. Trầm tích biển (mQ13b)
Các thành tạo trầm tích biển tuổi Pleistocen muộn, phần muộn bắt gặp trong
lỗ khoan máy LK-1AT tại độ sâu 19,5-28,5m và lộ trên đáy biển, kéo dài theo
phương Đông Bắc – Tây Nam, ở độ sâu 20-25m nước phía Đông Nam bãi cạn Định
An và trên hầu hết các băng địa chấn nông độ phân giải cao vùng biển Sóc Trăng
tuyến Tu07-02, Tu07-08, Tu07-102, Tu07-108, Tu08-19, Tu08-110, Tu09-35, …
Phần lộ trên mặt là sét bột, bột cát phong hóa loang lổ xám vàng, nâu đỏ. Trầm tích
trong lỗ khoan gồm: các lớp sét, bột, bột sét xen cát, chứa di tích sinh vật. Trầm tích
có màu xám xanh loang lổ nâu, vàng.
Tại lỗ khoan LK-1AT trầm tích của tầng gặp ở độ sâu 19,5-28,5m. Thành
phần trầm tích gồm: sét, sét bột màu xám - xám vàng - xám nâu - xám trắng loang lổ .
Trong đó: cát chiếm 11,1%, bột: 18,1%, sét: 70,8%. So=5,83; Sk=1,36; Md=0,0025.
Tập trầm tích mQ13b liên kết tương ứng với tập địa chấn địa tầng B nằm giữa
ranh giới R1 và R2. Các sóng phản xạ đặc trưng dạng phân dải ngang, song song,
bán song song. Bề mặt R1 rất rõ nét thể hiện dưới dạng bào mòn, đào khoét trên
trầm tích Q13b (các dòng chảy cổ, hố trũng, lagun). Thành phần trầm tích qua giải
đoán các băng địa chấn nông độ phân giải cao chủ yếu là cát mịn xen cát bột hoặc
thấu kính bột sét. Chiều dày của trầm tích thay đổi từ 5 đến 30m. (Chiều dày theo
lỗ khoan LK-1AT là: 9,0m).

16



12. Trầm tích sông (aQ21- 2)
Trầm tích sông tuổi Holocen sớm-giữa không lộ trên đáy biển mà được xác
định trên các băng địa chấn nông độ phân giải cao Tu07-08 phía ngoài khơi hệ
thống sông Mê Công. Trên các mặt cắt này đã phát hiện được những dấu hiệu của
lòng sông Hậu phát triển vào đầu Holocen. Các sóng phản xạ đặc trưng: phía dưới
là loại sóng phản xạ trắng hoặc xiên chéo hoặc lấp đầy, phía trên là các dải sóng
ngang, song song đậm nét. Thành phần thạch học theo giải đoán: phía dưới là các
lớp cát sạn, cuội sạn chuyển lên phía trên là các lớp bột sét, bùn sét. Chiều dày trầm
tích theo băng địa chấn là 5-10 m.
13. Trầm tích biển sông (maQ21- 2)
Các thành tạo trầm tích biển-sông tuổi Holocen sớm-giữa, lộ thành các diện
tích rộng 50-150km2 kéo dài song song với bờ biển hiện đại trên đáy biển ở độ sâu
20-22m nước và một diện tích rộng kéo dài ở độ sâu 27-30m nước. Đây là hệ thống
các cồn cát ngầm. Chúng là dấu hiệu của các đường bờ biển cổ, được thành tạo
trong giai đoạn Holocen sớm – giữa. Thành phần trầm tích chủ yếu là hạt thô như
cát sạn, cát, cát bột, độ chọn lọc và mài tròn tốt. Cát hạt trung có độ chọn lọc tốt,
mài tròn tốt đến trung bình. Các thông số trầmtích: So: 1,08-1,41, Sk: 0,81-1,5, Md:
0,14-0,34.
Với các đặc điểm về trầm tích có thể nhận định rằng thành tạo địa chất này
rất có triển vọng về vật xây dựng.
Trên các băng địa chấn nông độ phân giải cao các tuyến Tu07-108, Tu07-08,
Tu07-102, Tu08-19, Tu08-110, Tu09-35, … các thành tạo này phát triển thành các
dạng cồn với hình dạng thấu kính. Thành phần chủ yếu là cát sạn. Chiều dày trầm
tích thay đổi từ 2 đến10m.
14. Trầm tích biển (mQ21- 2)
Các thành tạo trầm tích biển tuổi Holocen sớm-giữa phân bố phổ biến trên
đáy biển Sóc Trăng ở độ sâu ngoài 20m nước và gặp hầu hết trên các băng địa chấn
nông độ phân giải cao vùng biển Sóc Trăng. Thành phần trầm tích đặc trưng là cát


17


hạt mịn màu xám nhạt đến xám phớt vàng, vàng nhạt chứa phong phú
Foraminifera. Cát có độ chon lọc và mài tròn tốt

So=1,3-1,67; Sk=0,5-2;

Md=0,095-1,091.
Trầm tích trong thành tạo này chủ yếu là hạt thô như : cát sạn, cát, cát bột.
Trầm tích cát và cát sạn có độ chọn lọc và mài tròn tốt, diện phân bố trên mặt rộng.
Đây là thành tạo rất có triển vọng về vật liệu xây dựng, đặc biệt là trong trường cát
và cát sạn.
Về quan hệ địa tầng: trầm tích biển Holocen sớm-giữa phủ trên bề mặt trầm
tích Q13b, phía trên bị phủ bởi trầm tích Holocen trên. Chiều dày trầm tích thay đổi
từ 2-10m.
15. Trầm tích biển sông (maQ23)
Trầm tích biển-sông tuổi Holocen muộn hình thành ở vùng cửa sông. Trầm
tích lộ ra trên đáy biển khu vực cửa Định An, cửa Trần Đề và phổ biến ở phần ven
bờ có độ sâu 0 - 20m nước. Từ bờ ra khơi và từ Đông Bắc xuống Tây Nam trầm
tích có sự thay đổi rõ rệt về thành phần, kích thước hạt theo chiều xa dần các cửa
sông. Theo hướng từ bờ ra khơi, độ hạt giảm dần từ cát đến cát bùn, bùn cát, bùn và
sét. Theo hướng từ Đông Bắc xuống Tây Nam độ hạt giảm dần từ cát xuống cát
bùn, bùn cát rồi bùn.
Thành phần cấp hạt cát bùn gồm: sét: 6,88-16,56%; bột: 9,82-31,89%; cát:
51,54-83,3%; So: 1,44-3,48%; Sk: 0,35-1,66; Md: 0,077-0,125. Trầm tích có độ chọc
lọc khá, mài tròn tốt đến trung bình. Chiều dày chung của trầm tích thay đổi 4 - 5m.
16.Trầm tích biển - sông - đầm lầy (mabQ23)
Các thành tạo trầm tích nguồn gốc biển - sông - đầm lầy tuổi Holocen muộn

lộ ra ở khu vực Cù Lao Dung khu vực bãi triều lầy và gặp trong lỗ khoan LK-1AT
tại độ sâu 0-8m, lỗ khoan LK-2TB ở độ sâu 0-5m. Các thành tạo này phát triển trên
các khu vực có bãi triều lầy và rừng ngập mặn. Thành phần trầm tích chủ yếu là bùn
sét, bùn cát màu xám tới xám đen, giàu mùn thực vật, rễ cây và thân cây đang bị
phân hủy tạo mùn. Chiều dày thay đổi 3 - 8m.

18


×