TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
BỘ MÔN NGỮ VĂN
NGUYỄN THÚY QUỲNH
QUAN NIỆM VỀ CÁI ĐẸP TRONG
“VANG BÓNG MỘT THỜI”
CỦA NGUYỄN TUÂN
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn
Cán bộ hướng dẫn: HỒ THỊ XUÂN QUỲNH
CẦN THƠ, THÁNG 5_2011
LỜI CẢM ƠN
Qua thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và làm việc nghiêm túc tôi đã hoàn thành luận
văn của mình. Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến cô Hồ Thị Xuân Quỳnh, người
đã trực tiếp chỉ dẫn và giúp đỡ tôi. Cảm ơn Bộ môn Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ
tạo điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành luận văn này.
Mặc dù trong quá trình nghiên cứu, được chỉ bảo tận tình và bản thân đã rất cố
gắng, nhưng luận văn chắc chắn còn nhiều sai sót. Rất mong nhận được nhiều ý kiến nhận
xét, giúp tôi có thể nhận ra những hạn chế của mình.
Chân thành cảm ơn!
Sinh viên
Nguyễn Thúy Quỳnh.
ĐỀ CƯƠNG
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài.
2. Lịch sử vấn đề.
3. Mục đích nghiên cứu.
4. Phạm vi nghiên cứu.
5. Phương pháp nghiên cứu.
B. PHẦN NỘI DUNG
Chương I:
TẬP TRUYỆN VANG BÓNG MỘT THỜI TRONG SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC
CỦA NGUYỄN TUÂN
1.1. Mấy nét về nhà văn Nguyễn Tuân
1.1.1.Tiểu sử
1.2.2.Con người
1.2. Sự nghiệp sáng tác văn chương của Nguyễn Tuân
1.2.1. Quá trình sáng tác và các đề tài chính của Nguyễn Tuân
1.2.2. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân
1.3. Vị trí của Vang bóng một thời trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân
1.4. Vang bóng một thời thể hiện khá đậm nét quan niệm về cái đẹp của Nguyễn
Tuân
Chương II:
Vang bóng một thời thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp
2.1. Giới thuyết: quan niệm về cái đẹp
2.1.1. Các quan niệm khác nhau về cái đẹp
2.1.2 Quan niệm hiện đại về cái đẹp
2.2. Nhan đề tập truyện Vang bóng một thời
2.3. Hoàn cảnh sáng tác của tập truyện Vang bóng một thời
2.4. Những cái đẹp đã mất trong Vang bóng một thời
2.4.1. Cái đẹp trong cách uống trà
2.4.2. Cái đẹp trong cách uống rượu, ngâm thơ
2.4.3. Cái đẹp trong cách đánh bạc bằng thơ
2.4.4. Cái đẹp khi làm đèn kéo quân
2.4.5. Cái đẹp trong cách cho chữ
Chương III:
TÀI NĂNG SÁNG TẠO CỦA NGUYỄN TUÂN KHI THỂ HIỆN QUAN
NIỆM VỀ CÁI ĐẸP
3.1. Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong kết cấu tác phẩm
3.1.1. Khái niệm về kết cấu tác phẩm
3.1.2. Sự đa dạng trong nghệ thuật kết cấu tác phẩm của Nguyễn Tuân
3.1.1.1. Kết cấu thời gian
3.1.1.2. Kết cấu tâm lí nhân vật
3.2.Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong tạo dựng chi tiết nghệ thuật, các
tình huống truyện
3.3. Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong ngôn ngữ trữ tình ngoại đề
3.3.1. Khái niệm trữ tình ngoại đề
3.3.2.Trữ tình ngoại đề trong tác phẩm Vang bóng một thời
3.4. Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong xây dựng các hình tượng nhân
vật
3.4.1. Hình tượng các nhà nho trong xã hội buổi giao thời
3.4.2. Hình tượng người phụ nữ Việt Nam
3.4.3. Hình tượng người anh hùng
C. PHẦN KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài.
Thời gian có thể khiến cho một con người trở nên già nua, xấu xí. Nhưng có
những thứ luôn bền bỉ và ngự trị cùng thời gian. Vang bóng một thời của Nguyên Tuân là
một trong những tài sản quí giá ấy. Nguyễn Tuân đi nhiều, thâm nhập nhiều vào cuộc
sống để tìm cái đẹp. Và ông viết nhiều, sáng tác nhiều cũng vì mục đích thể hiện, phản
ánh vẻ đẹp ấy vào tác phẩm văn chương. Suốt đời ông tận tụy phục vụ bạn đọc bằng cách
bày biện cái đẹp ra trang giấy để người đọc thưởng thức. Trước Cách mạng tháng Tám
ông ca ngợi cái đẹp, mà đó lại là cái đẹp của quá khứ. Ông say mê vào cõi quá khứ để tìm
tòi, phát hiện ghi chép và lưu trữ tất cả những gì thuộc lĩnh vực văn hóa dân tộc. Trong
Vang bóng một thời, thời vàng son mà Nguyễn Tuân nhận thấy có khi là những sinh hoạt
bình thường gần gũi xung quanh con người, do hờ hững mà người ta đã vô tình bỏ quên.
Đó là những thú chơi tao nhã, những nét đẹp cổ truyền của dân tộc Việt Nam như: uống
đẹp (Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm); nhắm đẹp (Hương cuội); chơi
đẹp (Thả thơ, Đánh thơ, Một cảnh thu muộn); hoa tay đẹp ( Trên đỉnh non tản); tài
nghệ đẹp (Chém treo ngành, Ném bút chì) và nhân cách đẹp (Chữ người tử tù)... những
cái đẹp mà con người đã vô tình quên đi và có lẽ là đời sau sẽ không biết đến nữa.
Cái đẹp luôn tồn tại muôn đời trong tâm tưởng chúng ta, và cái đẹp của Vang
bóng một thời như Vũ Ngọc Phan đã từng nói “cái tiếng vang của thời đã qua, cái bóng
của thời đã qua, mà ngày nay tưởng như văng vẳng”. Nói đến Nguyễn Tuân thì người ta
nhớ đến ngay đó là con người tài hoa, uyên bác. Dưới ngòi bút của ông tất cả như hiện
hữu trong tâm trí người đọc. Đọc Vang bóng một thời ta có cảm giác đang quay về quá
khứ, đó là quá khứ có cuộc sống nhàn nhã, êm đềm như “xem bức tranh cổ kính”.
Với đề tài “Quan niệm về cái đẹp trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân”
không phải là vấn đề mới với nhiều nhà nghiên cứu. Nhưng chưa có công trình nào
nghiên cứu xuyên suốt để đi đến kết luận, mà họ chỉ đề cập đến nhiều khía cạnh khác
nhau. Người viết cảm thấy bị cuốn hút vào vấn đề cái đẹp trong “Vang bóng một thời”
của Nguyễn Tuân, mong muốn đi sâu vào vấn đề để hiểu thêm về Nguyên Tuân, một con
người tài hoa luôn khát khao đi tìm cái đẹp cái thật. Dẫu biết năng lực có hạn nhưng vẫn
muốn tìm hiểu “Quan niệm về cái đẹp trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân” với
lòng nhiệt huyết muốn tìm tòi, hiểu biết thêm về những nét đẹp truyền thống của dân tộc
Việt Nam. Từ đó giúp chúng tôi nắm vững một số vấn đề cần thiết để bổ sung vào kiến
thức văn chương.
2. Lịch sử vấn đề.
Nguyễn Tuân là người tài hoa, uyên bác, ông để lại cho đời sự nghiệp văn học đồ
sộ với những áng văn bất tử. Theo các nhà phê bình đánh giá thì ông là nhà văn đứng hẳn
ra một phía riêng. Điều đó chứng tỏ tài năng của Nguyễn Tuân được đánh giá rất cao. Khi
nhìn nhận, đánh giá tài năng của Nguyễn Tuân thì người nghiên cứu thường khảo sát với
thể loại tùy bút vì đó là những tác phẩm được kết tinh trên chặng đường dài sau Cách
mạng tháng Tám. Mặt khác, khi đánh giá Nguyễn Tuân ở phương diện khác, đó là
phương diện về con người yêu cái đẹp, khát khao đi tìm cái đẹp của một thời đã qua thì
chúng ta không cần suy nghĩ mà nhớ ngay đến tác phẩm Vang bóng một thời của ông.
Một nhà văn thành công có khi chỉ có một hoặc vài tác phẩm tiêu biểu và độc đáo,
nhưng đối với Nguyễn Tuân không phải một mà rất nhiều tác phẩm đã đưa tên tuổi ông
đến rất nhanh với người đọc. Đó là những tác phẩm như: Vang bóng một thời, Thiếu quê
hương, Chiếc lư đồng mắc cua, Đường vui, Tình chiến dịch, Sông đà, Hà nội ta đánh Mĩ
giỏi, Tóc chị Hoài... mỗi tác phẩm đều ghi lại dấu ấn về cuộc đời của Nguyễn Tuân nhưng
“ rút cục lại, trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân chỉ có Vang bóng một thời là có cách điệu
khác”.
Với tác phẩm Vang bóng một thời có rất nhiều nhà phê bình, nghiên cứu, tìm hiểu
ở những khía cạnh khác nhau. Sau đây người viết xin trình bày những công trình nghiên
cứu ấy như sau:
2.1. Nhà văn hiện đại (tập 1)- (Vũ Ngọc Phan)
Vũ Ngọc Phan đã nhận định sâu sắc và nêu lên cái quí phái của người ăn mày khi
uống trà. Từ đó ta thấy, Nguyễn Tuân quan niệm cái đẹp không chỉ có ở người thượng
lưu, quyền quí mà cái đẹp tồn tại ở tất cả mọi con người biết thưởng thức nó.
Trong bài viết này Vũ Ngọc Phan cũng nói nhiều đến những cảnh mà Nguyễn
Tuân miêu tả thật đậm đà và cổ kính “tác giả đã vẽ lại những cảnh xưa bằng những nét
thật êm dịu”
2.2. Nguyễn Tuân, người đi tìm cái đẹp (Hoàng Xuân)
Công trình này sưu tầm rất nhiều bài viết có liên quan đến đề tài “Quan niệm về cái
đẹp trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân”.
Thạch Lam trong bài “Đọc Vang bóng một thời” đã nêu lên được quan niệm của
Nguyễn Tuân về cái đẹp, không phải cái đẹp bình thường hiện ra trước mắt mà ông “tìm
những cái đẹp xưa mà các nhà văn ta thường sao nhãng”. (Trích ngày nay, số 212, ngày
15 -6- 1940).
Bài viết của Trương Chính “Nguyễn Tuân và Vang bóng một thời” lại một lần
nữa khẳng định Nguyễn Tuân là con người tài hoa, thích cái đẹp, đẹp hình thức và đẹp
tâm hồn “đọc Vang bóng một thời ta có cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu như xem một tập
tranh cổ họa”
Các bài viết trong công trình này thường đề cập đến tính tài hoa, tài tử của những
nhân vật trong tác phẩm “Vốn là người tài hoa, ông tìm sự tài hoa trong quá khứ. Tất cả
những chuyện cũ, người cũ ở đây, ông kể lại bằng giọng thán phục và luyến tiếc như
những cái gì cố hữu của người Việt Nam”
2.3. Nguyễn Tuân – về tác gia tác phẩm (Tôn Thảo Miên)
Công trình này cũng là những bài viết nói về lớp nhà nho lỡ thời trong xã hội
phong kiến, đó là những con người tài hoa tài tử.
Văn Tâm “Về truỵên ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân” bài viết này
người nghiên cứu cho ta thấy mỗi tác phẩm trong Vang bóng một thời đều mang một cái
đẹp khác nhau. Đặc biệt ở bài nghiên cứu này Văn Tâm đã đề cập đến cái đẹp nhân phẩm,
thiên lương trong sáng của con người giữa chốn bùn nhơ “ trong những nét nhân cách
quý giá của nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân nhấn mạnh tố chất thiên lương và đặc biệt
đề cao tài năng đột xuất về thư pháp”
Tôn Thảo Miên “Nguyễn Tuân- tài hoa văn chương” bài viết này đánh giá cao
Nguyễn Tuân về sự hiểu biết sâu sắc những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc,
những phong tục tốt đẹp mà bị lãng quên.
2.4. Nguyễn Tuân- cây bút tài hoa độc đáo (Phương Ngân)
Đây là công trình hội tụ rất nhiều bài viết có liên quan đến vấn đề về “Quan niệm
của Nguyễn Tuân về cái đẹp trong Vang bóng một thời”. Mỗi bài viết đều khẳng định tài
năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân, đồng thời cũng làm nổi bật quan niệm của Nguyễn
Tuân về cái đẹp trước và sau Cách mạng tháng Tám
* Nguyễn Đình Thi “Người đi tìm cái đẹp, cái thật”.
Nguyễn Đình Thi đã nêu lên nhận định của mình về nhà văn Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân là người “đi tìm cái đẹp và đi tìm cái thật, là nỗi khao khát cái đẹp và nỗi
khao khát cái thật, là lòng yêu cái đẹp và yêu cái thật với sức mạnh muốn phá lên mọi
ràng buộc, khuôn sáo có sẵn...”. Bài viết này tuy chưa nêu rõ quan niệm của Nguyên
Tuân về cái đẹp nhưng đây là minh chứng hùng hồn khẳng định một con người luôn khát
khao đến với cái đẹp. (Báo văn nghệ, số 32, ngày 8-8-1987)
* Hà Văn Đức “Nguyễn Tuân và cái đẹp”.
Hà Văn Đức đã nêu ra vài vẻ đẹp trong Vang bóng một thời, đó là những thú như
vui uống trà, đánh thơ, thả thơ,... rồi đến tâm hồn cao đẹp của Huấn Cao. Đây là những
nét đẹp không hiện hữu trong cuộc đời thực, nhưng đó là những nét đẹp xưa mà Nguyễn
Tuân đã quay về tìm kiếm của một thời vang bóng. (Tạp chí khoa học, số 5, năm 1994)
Ngoài ra còn rất nghiều công trình nghiên cứu cũng như bài viết về tác phẩm Vang
bóng một thời của Nguyễn Tuân. Đa số các bài viết tìm hiểu nhiều khía cạnh về văn của
Nguyễn Tuân, đây là những công trình nghiên cứu rất bổ ích và cần thiết cho người
nghiên cứu vấn đề “Quan niệm về cái đẹp trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân”.
3. Mục đích – yêu cầu.
Khi nhắc đến Nguyễn Tuân thì ta liền nhớ đến đó một tác gia tài hoa, uyên bác, một
người luôn tìm cái đẹp và khát khao với cái đẹp. Nhưng đó là nhìn nhận đánh giá của các
nhà phê bình, nghiên cứu. Bản thân người viết chưa được tìm hiểu một cách sâu sắc về
Nguyễn Tuân cũng như những nét đẹp cổ truyền của dân tộc đã được khơi gợi trong Vang
bóng một thời. Với đề tài “Quan niệm về cái đẹp trong Vang bóng một thời của Nguyễn
Tuân” trước hết giúp cho người viết tìm hiều thế nào là quan niệm về cái đẹp, sau đó biết
được quan niệm về cái đẹp của nhà văn lớn Nguyễn Tuân trong tập truyện ngắn Vang
bóng một thời. Đồng thời, thấy được những biểu hiện của quan niệm về cái đẹp trong
Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.
Qua quá trình tìm hiểu, người viết có thể cảm nhận được những biểu hiện về cái
đẹp mà Nguyễn Tuân miêu tả trong Vang bóng một thời rất đa dạng, nhiều vẻ, không đơn
điệu. Từ đó, ta thấy được tài năng sáng tạo của Nguyễn Tuân khi thể hiện quan niệm về
cái đẹp. Đó là lí do vì sao Vang bóng một thời là tác phẩm độc đáo mà không một tác
phẩm nào có thể thay thế được.
4. Phạm vi nghiên cứu.
Trong khuôn khổ một luận văn tốt nghiệp đại học, người viết đi vào nghiên cứu
“Quan niệm về cái đẹp trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân”. Vấn đề đặt ra chỉ
trong khuôn khổ một tập truyện ngắn nhưng đòi hỏi phải có kiến thức tổng quát để làm
bài viết sâu sắc, rõ ràng. Do đó việc tìm hiểu thêm về quan niệm cái đẹp của các nhà văn
cùng thời và trước đó là rất cần thiết.
5. Phương pháp nghiên cứu.
Để tìm hiểu đề tài “Quan niệm về cái đẹp trong Vang bóng một thời của Nguyễn
Tuân” việc đầu tiên người nghiên cứu phải làm là đọc tác phẩm. Từ đó làm nổi bật lên nét
đẹp được Nguyễn Tuân miêu tả trong Vang bóng một thời là như thế nào.
Mặt khác, người viết còn tham khảo nhiều công trình nghiên cứu khác về tác phẩm
Vang bóng một thời rồi đi đến tổng hợp các vấn đề có liên quan.
Đồng thời người viết còn sử dụng các thao tác tư duy sau đây:
Phương pháp thống kê: thống kê những bài nghiên cứu có liên quan đến đề tài, tìm
ra được những vấn đề trọng tâm gần với đề tài, để từ đó phân tích dẫn chứng để làm nổi
bật vấn đề.
Phương pháp so sánh: so sánh quan niệm về cái đẹp trong Vang bóng một thời của
Nguyễn Tuân với các nhà văn khác, để thấy được nét đẹp độc đáo trong văn chương của
Nguyễn Tuân. Đồng thời đối chiếu những nhận xét đánh giá của các nhà nghiên cứu để đi
đến kết luận chính xác hơn về “Quan niệm cái đẹp trong Vang bóng một thời của Nguyễn
Tuân”
B. PHẦN NỘI DUNG
Chương I
TẬP TRUYỆN NGẮN VANG BÓNG MỘT THỜI
TRONG SỰ
NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN TUÂN
1.1. Mấy nét về nhà văn Nguyễn Tuân
1.1.1. Tiểu sử
Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910, quê làng Mộc, tức Nhân Mục, nay thuộc
phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sinh tại Hà Nội, trong một gia đình
nhà nho. Bố là một ông ấm, đỗ Tú tài khoa thi chữ Hán cuối cùng, sau làm kí lục, đã sống
ở nhiều nơi; mẹ bán hàng tạp hóa. Khi còn ít tuổi cùng gia đình theo bố sống ở nhiều tỉnh
miền Trung đặc biệt các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh và
lâu hơn cả là Thanh Hóa. Ông học thành chung ở thành phố Nam Định, ông tham gia bãi
khóa, bị đuổi học. Ông lại cùng một số thanh niên có đầu óc tiến bộ lúc đó, rủ nhau trốn
ra nước ngoài, nhưng bị bắt ở Băng Cốc, Thái Lan, bị kết án giam và quản thúc ở Thanh
Hóa.
Ông còn bị chính quyền thuộc địa bắt lần thứ hai tại Hà Nội và bị giam ở Nam Định
vào năm 1941. Có thời kỳ làm ở nhà máy đèn Thanh Hóa. Thời gian này bắt đầu viết báo,
viết văn, làm phóng viên báo Đông Tây. Hết hạn quản thúc, ra Hà Nội sống bằng nghề
làm báo, làm văn. Đã viết trên các báo Đông Tây, Nhật tân, Hà thành ngọ báo, Tiểu
thuyết thứ bảy, Hà Nội tân văn, Tao đàn, Thanh nghị, Trung Bắc chủ nhật...
Ngoài tên thật còn dùng các bút danh: Nhất Lang, Thanh Thủy, Ngột Lôi Quật,
Thanh Hà, Tuấn Thừa Sắc...Ông thật sự đi vào nghề văn 1937 và nổi tiếng với một loạt
truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Tao đàn những năm 1938-1939, sau tập hợp
trong Vang bóng một thời (1940). Năm 1938, ông tham gia vào đoàn làm phim Cánh
đồng ma, quay tại Hồng Kông. Trong Đại chiến II bị đưa đi tập trung ở Vụ Bản, Nho
Quan hơn một năm; được tha về, lại tiếp tục sáng tác.
Cách mạng tháng Tám thành công đã đưa Nguyễn Tuân đến với những trang viết
mới. Ông hân hoan chào đón cuộc đổi đời của lịch sử và chân thành đứng vào hàng ngũ
cách mạng. Năm 1946 ông cùng đoàn Văn nghệ sĩ vào công tác khu V (Trung Bộ) đang
kháng chiến; 1947 phụ trách một đoàn kịch lưu động. Trong Đại hội thành lập Hội Văn
nghệ Việt Nam (1948) ở Việt Bắc, ông được bầu làm Tổng thư kí ban chấp hành Hội và
giữ chức vụ này đến 1958. Thời gian kháng chiến chống Pháp, ông công tác ở Hội Văn
nghệ đóng ở Việt Bắc; đã tham gia nhiều chiến dịch và có chuyến đi thực tế trong vùng
hậu dịch. Từ 1958, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên Hiệp văn học nghệ thuật Việt
Nam.
Nguyễn Tuân hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực: viết văn, làm báo, diễn
kịch…ở lĩnh vực nào ông cũng say sưa thể hiện cái “Tôi” của mình. Trong số các nhà văn
đã từng kinh qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ,
Nguyễn Tuân là người đến với cách mạng khá sớm. Ông mất ngày 28-7-1987 tại Hà Nội.
Với những đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, ông được truy tặng giải
thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.
1.1.2. Con người
Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Lòng yêu nước
của ông có màu sắc riêng: gắn liền với những văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông am
tường cả Hán học lẫn Tây học. Đặc biệt ông yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn
chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà…, những nhạc điệu hoặc
đài các của lối hát ca trù, hoặc dân dã mà thiết tha của giọng hà Quảng Trị, Thừa Thiên,
Nam Bộ…, những phong cảnh đẹp của quê hương đất nước, những thú chơi tao nhã như
uống trà, nhắm rượu, chơi hoa, chơi chữ đẹp, đánh thơ…, những món ăn truyền thống thể
hiện khẩu vị tinh tế của người Việt.
Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Ông viết văn trước hết để khẳng
định cá tính độc đáo của mình. Vì rất mực đề cao và giữ gìn nhân cách của kẻ sĩ, nên ông
rất căm ghét những thói xấu xa đê tiện, rởm đời, vô văn hóa.
Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Đọc văn ông không chỉ có khoái cảm
thẩm mĩ về nghệ thuật ngôn từ mà còn được bồi dưỡng thêm về nhạc, họa, điêu khắc, kiến
trúc, lịch sử, địa lý, điện ảnh,…Ông còn là một diễn viên kịch nói và là một trong những
diễn viên điện ảnh đầu tiên của nước ta. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành
nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn
chương. Thực tế ấy chứng tỏ Nguyễn Tuân là một tài năng phong phú, có năng lực ở
nhiều lĩnh vực nghệ thuật.
Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quí trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Ngay từ
trước Cách mạng tháng Tám, ông đã quan niệm nghề văn là một cái gì đối lập với tính vụ
lợi của con buôn, và ở đâu có đồng tiền phàm tục thì ở đấy không thể có cái đẹp. Đối với
ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc và ông đã lấy chính cuộc đời cầm
bút hơn nửa thế kỉ để chứng minh cho quan niệm ấy.
Trên con đường đi tới cái đẹp chân chính, đích thực Nguyễn Tuân là con người có
nhiều tìm tòi và phát hiện mới mẻ, đạt tới những giá trị thẩm mĩ thật sự. Chẳng hạn cái
giọng khinh bạc của Nguyễn Tuân đã được phát huy trên lập trường mới, là vũ khí lợi hại
đánh vào kẻ thù của dân tộc và của chủ nghĩa xã hội. Trước Cách mạng tháng Tám,
Nguyễn Tuân là một lữ khách say sưa ngắm cảnh, là kẻ đi chiêm ngưỡng. Khi bế tắc
trong cuộc đời thực tại, chán ghét cuộc sống tầm thường tẻ nhạt, Nguyễn Tuân đi tìm cái
đẹp trong thiên nhiên hay quá khứ xa xưa. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân đi
tìm cái đẹp, chất thơ ngay trong cuộc đời thực tại, ngay trong tâm hồn của những con
người say sưa xây dựng đất nước, ông thật sự là người trong cuộc, nhiệt tình tham gia vào
cuộc đấu tranh của cách mạng. Hành trình đi đến cái đẹp, đến với chân lí của Nguyễn
Tuân cũng là hành trình nhà văn trở về với nhân dân, với dân tộc. Đó là nơi mà nhà văn
đã tiếp nhận thêm một nguồn sinh lực mới, để vươn xa hơn trên con đường sáng tác của
mình.
1.2. Sự nghiệp sáng tác văn chương của Nguyễn Tuân
1.2.1. Quá trình sáng tác và các đề tài chính của Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân không phải là nhà văn thành công ngay từ những tác phẩm đầu tay.
Ông đã “thử bút” với nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn hiện thực trào phúng. Nhưng
mãi đến năm 1938, ông mới nhận ra sở trường của mình và thành công xuất sắc với thể
loại tùy bút.
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân được chia làm hai giai đoạn chính: trước và
sau cách mạng tháng tám.
Những tác phẩm chính trước Cách mạng tháng Tám: Vang bóng một thời (1940),
Tuỳ bút I (1941), Thiếu quê hương (1943), Nhà Bác Nguyễn (1940), Một chuyến đi
(1941), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Ngọn đèn dầu lạc (1939), Tàn đèn đầu lạc (1941),
Tùy bút II (1943), Tóc chị Hoài (1943), Nguyễn (1945)…
Và sau Cách mạng tháng Tám, ông bắt đầu bằng Chùa Đàn, rồi được khẳng định là
nhà văn có sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng. Một số tác phẩm: Chùa Đàn (1946), Đường
vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Thắng càn (1953), Tùy bút kháng chiến (1955), Tùy
bút kháng chiến và hòa bình (1956), Bút ký Trung Hoa (1955), Sông Đà (1960), Hà Nội
ta đánh Mỹ giỏi (1972), Ký (1976)…
Do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Hán học, sáng tác của ông trước năm 1937, hầu hết
được viết theo bút pháp cổ điển. Những sáng tác buổi đầu ấy chưa gây được tiếng vang.
Tuy nhiên, có thể bắt gặp một số trang viết tiêu biểu như Giang hồ hành (thơ), Vườn xuân
lan tạ chủ (truyện ngắn). Đây là những tác phẩm ghi lại dấu ấn về phong cách nghệ thuật
của Nguyễn Tuân. Qua những tác phẩm này Nguyễn Tuân đã thể hiện được tinh thần hoài
cổ, ông luôn chăm chút nhặt nhạnh vẻ đẹp xưa dù tàn tạ, cuối mùa; xây dựng một hệ
thống nhân vật tài hoa tài tử, là lối văn cầu kỳ trúc trắc mà uyên bác hơn người.
Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân xuất hiện trong văn học như cây bút
văn xuôi đầy tài năng, tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn thời kỳ cuối (1940-1945).
Hầu hết sáng tác của ông - chủ yếu là tùy bút, truyện ngắn - đều tập trung làm nổi bật cái
“tôi” tài hoa, độc đáo, bất hòa sâu sắc với trật tự ngột ngạt đương thời. Đó là “một nguồn
sống bồng bột tắc lối thoát”, đã “nổi loạn” bằng lối sống ngông nghênh tài tử. Đó cũng
chỉ là thoát ly: thoát ly vào cái đẹp của một thời đã qua, vào “chủ nghĩa xê dịch” và vào
cuộc sống hành lạc ở nhà hát, thuốc phiện; song thoát ly mà vẫn giàu lòng ưu ái không
nguôi vào thời thế, vẫn gắn bó sâu nặng với cuộc đời, với quê hương đất nước.
Đến 1937, Nguyễn Tuân xuất hiện trên các báo với các truyện ngắn hiện thực trào
phúng, ở đó thường vỡ ra những tràng cười chăm biếm thoải mái, đậm đà phong vị dân
gian (Đánh mất ví, Một vụ bắt rượu, Mười năm trời mới gặp lại cố nhân). Tuy nhiên do
trào lưu hiện thực phê phán lúc bấy giờ đã phát triển rất mạnh với nhiều nhà văn lớn như
Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao…cho nên thật không dễ dàng
đối với Nguyễn Tuân để tìm một vị trí có hạng trên văn đàn. Nhưng bằng sự nổ lực của
mình, Nguyễn Tuân đã khẳng định tài năng bằng phong cách nghệ thuật độc đáo và tên
tuổi của ông đã tỏa sáng cho đến ngày nay.
Nguyễn Tuân chỉ thật sự công nhận như một phong cách văn chương độc đáo kể từ
tùy bút – du ký Một chuyến đi, năm 1938. Tác phẩm là tập hợp những trang viết từ
chuyến du lịch không mất tiền của ông sang Hương Cảng để tham gia thực hiện bộ phim
Cánh đồng ma. Nét đặc sắc nhất ở Một chuyến đi chính là giọng điệu. Có thể nói đến đây
Nguyễn Tuân mới tìm được cách thể hiện giọng điệu riêng, một giọng điệu hết sức phóng
túng, linh hoạt đến kỳ ảo. Nhân vật chính trong tác phẩm là cái Tôi ngông nghênh kiêu
bạc của nhà văn, sau quá nhiều đắng cay tủi nhục hầu như đã hoài nghi tất cả, chỉ còn tin
ở cái vốn tình cảm, ý nghĩ, cảm xúc sắc sảo và tinh tế mà mình tích lũy được trên bước
đường xê dịch.
Vang bóng một thời là tập truyện ngắn viết về những Nho sĩ cuối mùa, bất đắc chí,
không chịu làm lành với trật tự mới, đã tìm đến lối sống tiêu dao nhàn tản, lấy việc nhấm
nháp “Chén trà trong sương sớm” chén rượu “Thạch lan hương”, chơi cờ trong tưởng
tượng lúc đi cáng trên đường trường, đánh bạc bằng thơ trên sông Hương... làm “đạo
sông”. Tuy buông xuôi bất lực, “đành cam phận chữ bài”, họ vẫn cố giữ thiên lương và
sự trong sạch tâm hồn. Lối sống ngông tài tử đó chính là biểu hiện của thái độ bất hợp tác
với chế độ thực dân, sự trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trong
truyện ngắn Chữ người tử tù, tác giả đã ca ngợi một trang anh hùng nghĩa liệt ngang
tàng, bất khuất và cũng là nghệ sĩ rất mực tài hoa.
Nguyễn Tuân đã đề xướng và cổ động cho “chủ nghĩa xê dịch” một cách say sưa
trong một loạt sáng tác: Thiếu quê hương, Một chuyến đi, Lại đi nữa, Thèm đi, Chiếc vali...Với chủ trương “lấy sự hoàn toàn phát triển giác quan của mình làm lẽ chính cuộc
sống” và luôn đòi “thay thực đơn cho giác quan”, nhà văn cho rằng “đi” là hình thức tốt
đẹp nhất của sự thoát ly, thoát ly khỏi cái tủn mủn của cuộc sống hàng ngày. Từ những
trang viết đầy cảm hứng, có khi chếch choáng men say giang hồ, hiện lên cái “tôi” tác giả
- một lãng tử ngông nghênh khinh bạc, dường như chỉ biết trông theo lối sống phóng
đãng, vô trách nhiệm, kỳ thực vẫn đầy tâm huyết, đau khổ u uất trong cảnh đời tù túng,
nhàm tẻ, luôn cháy bỏng niềm khao khát tự do, sáng tạo.
Cái “tôi” ấy sống giữa quê hương mà cảm thấy như kẻ lạc loài, tuy vẫn gắn bó với
cảnh vật và cuộc sống của quê hương một cách chân thành, tha thiết. Tác phẩm đã ghi lại
những hình ảnh thiên nhiên và sinh hoạt của nhiều miền đất nước bằng một ngòi bút chân
thực, tài hoa.
Chiếc lư đồng mắt cua và hai tập phóng sự Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc đi
vào đề tài cuộc sống trụy lạc của mình “có thể nói Nguyễn Tuân đã ghi lại khá đầy đủ và
chân thực cuộc sống bê tha trụy lạc của mình”[14;361]. Chiếc lư đồng mắt cua như một
hồi ký, một tự truyện ghi lại thời kỳ khủng hoảng tinh thần của tác giả: bế tắc lao vào
cuộc sống ăn chơi “hành viện”, nhưng không buông xuôi, phóng đãng vẫn day dứt hướng
về cuộc sống trong lành. Tác phẩm thể hiện tâm trạng bế tắc của một con người bất đắc
chí muốn dãy dụa muốn thoát khỏi xã hội phàm tục mà không được. Nhiều trang thấm
đượm chất thơ, nhất là những trang viết về những nhân vật tài hoa, tài tử bị ném vào cảnh
trụy lạc mà vẫn tự trọng, lấy tiếng đàn giọng hát để cảm thông, an ủi nhau và khinh ngạo
lại thế nhân. Càng về sau, Nguyễn Tuân càng chìm sâu vào bế tắc, khủng hoảng và cho in
những sáng tác thần kỳ quái đản, mà ông gọi là “yêu ngôn” (Xác Ngọc Lam, Đới Roi,
Loạn âm, Rượu bệnh...). Cuối cùng ông không viết được nữa; hơn một lần ông nói đến tự
sát (Hai tấm vé số, Võng ngô đồng).
Cách mạng đã giải thoát cho tâm hồn nghệ thuật Nguyễn Tuân. Ông viết những dòng
ghi nhận “bừng tỉnh” của mình: “mê say với những ánh sáng trắng vừa được giải phóng,
tôi là một dạ lữ khách không mỏi, như quên của một đêm phong hội mới”. Nhà văn tuyên
bố “lột xác”, chân thành đi theo cách mạng, nỗ lực vươn lên làm người chiến sĩ trên mặt
trận văn hóa -nghệ thuật. Ông hăng hái đi thực tế chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến và
thực tế sản xuất ở miền Bắc, hòa mình với nhân dân, bộ đội, sáng tác với ý thức phục vụ
công cuộc chiến đấu và xây dựng Tổ quốc.
Qua tập tùy bút kháng chiến (1955) ta thấy Nguyễn Tuân đã có cái nhìn ấm áp, tin
yêu đối với cuộc đời mới và tình cảm gắn bó cảm động giữa nhà văn và quần chúng
kháng chiến hơn. Trong một số truyện, ông đã cố gắng thể hiện chân thực những người
lao động bình thường giản dị mà rất mực anh dũng trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ của
dân tộc (Những con đò danh dự, Thắng càn). Trong tập tùy bút Sông Đà (1960) bên cạnh
những trang viết về cuộc sống tối tăm xưa kia của vùng Tây Bắc, thì phần lớn là ông ca
ngợi những vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và ca ngợi nhịp sống tưng bừng của con người Tây
Bắc hôm nay. Có thể coi Sông Đà là một kiệt tác mới của Nguyễn Tuân sau cách mạng,
với nhiều bài thật đặc sắc.
Những năm chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Tuân được bạn đọc chú ý nhiều trong
những tùy bút về phi công Mỹ bị bắt làm tù binh và về cuộc chiến đấu anh hùng của thủ
đô Hà Nội hạ máy bay phản Mỹ ( phần lớn được tập hợp trong Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi,
1972). Qua tác phẩm ta thấy được tư thế đàng hoàng, hiên ngang, đầy tự hào của một dân
tộc có văn hóa, có chính nghĩa và chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Với vốn hiểu biết sâu
rộng về nhiều lĩnh vực và bút pháp châm biếm già dặn, Nguyễn Tuân đã vẽ lên đủ loại
chân tướng của những “yêng hùng không lực Huê Kỳ”.
Ngoài truyện ký, Nguyễn Tuân còn có những tùy bút tinh tế về cỏ cây quê hương,
món ăn dân tộc, thể hiện một tấm lòng trân trọng gắn bó sâu nặng với cảnh sắc, hương vị
đất nước, với vẻ đẹp trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền: Phở, Cây Hà Nội, Cốm, Giò lụa,
Tờ hoa, Tình rừng... được tập hợp trong cuốn Cảnh sắc và hương vị đất nước (1988). Ông
cũng viết tiểu luận phê bình và dựng chân dung văn học: Ông viết về tiếng Việt giàu và
đẹp, về Truyện Kiều, về Tú Xương, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên
Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Thạch Lam, về Đôxtôiepxki, Sêkhôp, Lỗ Tấn. Thực chất đó
cũng là những “tùy bút nghệ thuật”, tuy có phần chủ quan tài tử, song với niềm cảm thông
sâu xa những tâm hồn nghệ sĩ chân chính, với vốn hiểu biết phong phú nhiều lĩnh vực, với
năng lực thẩm mỹ sắc sảo và lối viết tài hoa phóng túng, những bài viết đó thường đậm
đà, có những phát hiện độc đáo, tâm đắc.
Với gần năm mươi năm hoạt động văn học liên tục, Nguyễn Tuân có một vị trí quan
trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Con đường nghệ thuật của Nguyễn Tuân cũng
có ý nghĩa điển hình cho một lớp văn nghệ sĩ Việt Nam có tinh thần dân tộc nhưng mang
nặng quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, đã chuyển mình trở thành văn nghệ sĩ cách
mạng. Một tinh thần dân tộc thiết tha, nhất là đối với những giá trị văn hóa cổ truyền,
quán xuyến toàn bộ sáng tác của Nguyễn Tuân. Chính tinh thần dân tộc là sức mạnh bên
trong làm cho nhà văn chủ động tiếp nhận ánh sáng của cách mạng, vững bước trên con
đường văn nghệ phục vụ Tổ quốc và nhân dân, trong đó “thiên lương” và bản sắc độc đáo
của nhà văn được phát huy hơn nữa.
Có lẽ trong những trang viết của Nguyễn Tuân, đằng sau những ngoa ngắt và khinh
bạc của một thời tù túng, bế tắc, là niềm khao khát cái đẹp và cái thật, khát khao tự do và
sáng tạo, với sức mạnh muốn phá hết mọi ràng buộc, khuôn phép có sẵn. Văn Nguyễn
Tuân vừa có màu sắc cổ điển vừa mới mẻ, hiện đại. Với một phong cách nghệ thuật độc
đáo, một trình độ sử dụng tiếng Việt bậc thầy, Nguyễn Tuân có đóng góp to lớn vào sự
phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Với những đóng góp đó, 1996 ông được truy
tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I.
1.2.2 Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật độc đáo và sâu sắc. Mỗi khi cầm bút
ông đều chứng tỏ được cái tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự
vật ở mặt thẩm mỹ của nó, cố tìm cho ra ở đấy những cái gì nên họa nên thơ. Trước và
sau cách mạng tháng Tám, ông luôn tìm tòi khám phá cái đẹp. Nên ông nhìn tất cả sự vật
đều có những vẻ đẹp riêng của nó.
Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài
hoa và uyên bác, mỗi nhân vật dù thuộc loại người nào cũng đều là những nghệ sĩ trong
nghề nghiệp của mình. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được
quan sát chủ yếu ở phương diện văn hóa, mĩ thuật.
Trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân quan niệm đời sống cơ khí hiện đại giết
chết cái đẹp. Ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng
một thời. Ông tìm cái đẹp trong thú vui uống trà, trong cách chơi cờ, nghệ thuật làm đèn
kéo quân, trong cách chơi đánh thơ, thả thơ... Thế giới nhân vật mà ông ưa thích hầu hết
là những con người thuộc về cái thời vang bóng ấy, nếu họ còn sống trong hiện tại thì
cũng bơ vơ lạc lỏng như những kẻ “sinh lầm thế kỉ”.
Sau cách mạng, ông không đối lập xưa với nay, cổ với kim mà tìm thấy sự gắn bó
giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn Nguyễn Tuân thì bao giờ cũng vậy, vừa đĩnh đạc
cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại. Nguyễn Tuân học theo “chủ nghĩa xê dịch” chẳng qua là
luôn luôn thèm khát những cảm giác mới lạ. Đấy là “một nguồn sống bồng bột tắc lối
thoát” (Tóc chị Hoài). Vì thế Nguyễn Tuân không thích cái gì bằng phẳng, nhợt nhạt, yên
ổn. Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh
liệt, của những phong cách tuyệt mĩ. Sau cách mạng quan niệm của ông có những thay
đổi rõ rệt. Ông đã hòa nhập vào cái chung của quần chúng, chân thành đến với cách mạng
và có nhiều trang viết về đời sống lao động của nhân dân.
Nguyễn Tuân là một con người yêu thiên nhiên tha thiết. Ông có nhiều phát hiện hết
sức tinh tế và độc đáo về núi sông cây cỏ trên đất nước mình. Phong cách tự do phóng
túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến với thể loại tùy
bút, xét đến cùng, phụ thuộc ở chỗ cái tôi của người cầm bút có thực sự độc đáo, phong
phú và tài hoa hay không. Điều ấy nói rằng không phải ai cũng có thể trở thành nhà tùy
bút xuất sắc như Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân còn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ học Việt
Nam. Ông có một kho từ vựng phong phú và khả năng tổ chức câu văn xuôi giàu giá trị
tạo hình, lại có nhạc điệu trầm bỗng và như Nguyễn Tuân thường nói là biết co duỗi nhịp
nhàng…
Sau cách mạng tháng tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng.
Ông vẫn tiếp cận thế giới thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, tiếp cận con người ở
phương diện tài hoa nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông không đối lập xưa với nay, và tìm thấy
chất tài hoa nghệ sĩ không chỉ ở những tầng lớp trí thức, những tính cách phi thường, mà
ở cả nhân dân đại chúng: ở anh bộ đội, chị dân quân, ông lái đò sông Đà…Còn giọng
khinh bạc nếu như còn tồn tại thì chủ yếu là để ném vào kẻ thù của dân tộc hay những tiêu
cực của xã hội.
1.3. Vị trí của Vang bóng một thời trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn
Tuân.
Nguyễn Tuân như ta đã thấy, là một nhà văn “đứng hẳn ra một phía”. Chỉ người ưa
suy sét đọc văn của Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ
văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam
được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, thì chắc chắn rằng những văn phẩm của
Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị rất xứng đáng hơn nữa trên văn đàn văn học.
Điều khiến ta phải nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ sáng tác của nhà văn Nguyễn
Tuân, một cách đúng đắn và công bằng hơn, là ở chỗ, mặc dù chúng ta có thể không đồng
ý với Nguyễn Tuân ở nhiều điểm, nhưng ta không thể quên được tác phẩm đầu tay của
ông. Dù chỉ lướt qua một lần thôi, nhưng Vang bóng một thời hàng mấy chục năm sau
vẫn cứ quanh quất bên tay ta, trước mắt ta như là vang bóng. Chính đó là sự thử thách của
thời gian khiến cho tác phẩm của một nhà văn không bao giờ chết mà làm cho ta phải trân
trọng và đọc lại kỹ hơn. “Cái giọng khinh bạc, sâu cay, bừa bãi, lôi thôi, chúng ta thường
nói, là những tác phẩm khác, nhất là Chiếc lư đồng mắt cua, chứ trong Vang bóng một
thời thì trong sáng đến lạ lùng, đến kinh ngạc.”[16;238]
Nguyễn Tuân là một người tài hoa thích cái đẹp hình thức, đẹp tâm hồn. Trong nhiều
tác phẩm, ông thường nói quá đi, nên người đọc có cảm tưởng ông theo “chủ nghĩa cá
nhân cực đoan”, sống phóng túng không trách nhiệm. Xét cho cùng, giọng khinh bạc của
ông là do ông phủ nhận thực tại xấu xa của xã hội, do lòng hoài nghi đạo đức giả, dối
người đời. Nhưng riêng Vang bóng một thời thì khác hẳn, dù ra đời trong xã hội buổi
giao thời nhưng tập truyện không đi vào bế tắc. Ngược lại, tác phẩm là đỉnh cao của cái
đẹp, cái thật, những cái đẹp mà giờ đây ta không tìm thấy nữa. Ông ngợi ca chắt chiu
bằng tấm lòng thành kính, vì thế tác phẩm không mất đi mà làm cho ta trân trọng, giữ gìn
và đọc kỹ hơn nữa “Cái quí giá ấy sẽ còn tăng lên nữa với ta, như một thứ đồ cổ
vậy”[16;30].
Vốn là một người tài hoa, ông tìm sự tài hoa trong quá khứ. Tất cả những chuyện cũ,
người cũ ở đây, ông kể lại bằng giọng thán phục và luyến tiếc như những gì cố hữu của
người Việt Nam nay đã mất đi. “Đọc Vang bóng một thời, chúng ta có cảm giác nhẹ
nhàng, êm dịu như xem một tập tranh cổ họa”(16;25). Đó là lý do vì sao, sau cách mạng,
chúng ta vẫn nhắc đến Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân mà không dè dặt gì cả.
Năm 1988, nhà xuất bản Văn học in lại 30.000 bản giấy đẹp, bìa cứng, đề “in lần thứ
sáu”. Ít có một tác phẩm nào mà được trân trọng như vậy.
Những chuyện trong Vang bóng một thời phần lớn đã in trên Tiểu thuyết thứ bảy và
Tao Đàn, Năm 1940 mới xuất bản lần đầu. Và nó được xem như tập truyện đầu tay của
nhà văn và được giới độc giả hoan nghênh ngay không chút ngần ngại. Nhà phê bình Vũ
Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, nhận định rằng: “Tác phẩm đầu tay của ông là một
văn phẩm gần tới sự toàn thiện toàn mỹ. Đó là tập Vang bóng một thời” (17;415). Có lẽ
không riêng gì nhà văn Vũ Ngọc Phan, mà hầu hết các nhà văn khác cũng như chúng ta
khi nói đến Nguyễn Tuân thì đều gọi ông là tác giả của Vang bóng một thời. Điều đó đã
khẳng định rằng Vang bóng một thời nó không chỉ là tiếng vang của một thời đã qua, mà
cho đến bây giờ nó vẫn hiện hữu trong lòng độc giả.“Khi đứng ngắm một bức cổ họa,
người ta thường hay chú ý đến những nét, những màu, những cách bố trí, mà không chú ý
ngay đến cảnh vật; người ta chỉ chú ý đến vẻ riêng của nó gây nên bởi những cái thông
thường và đó là đặc điểm của một bức cổ họa xưa”[17;415]
Đọc Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân người ta có cảm tưởng gần giống như
những cảm tưởng trong khi ngắm một bức cổ họa. Gần giống vì họa sĩ, tác giả bức cổ
họa, là những người thời xưa, có cái óc của mình và có những nét, những màu của thời
mình; còn tác giả của Vang bóng một thời khơi lại cho ta thấy những cái đẹp của quá
khứ, những nét đẹp mà trong mỗi chúng ta, những thế hệ trẻ chưa bao giờ được nghe
người khác kể lại một cách tỉ mỉ, như Nguyễn Tuân đã miêu tả trong Vang bóng một
thời. Ông đã kể lại bằng một tấm lòng trân trọng và thành kính, để ta có thể biết những
cái đã qua và những cái mà ta chưa biết rõ.
Cùng thời với Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân có viết một cuốn tiểu thuyết Thiếu
quê hương. “Đứng về mặt bố cục, Thiếu quê hương là một cuốn tiểu thuyết dở. Có một
số nhân vật, và một số sự việc xảy ra, nhưng đều rất phụ. Nhân vật chính vẫn là tác giả.
Đó là một thiên tùy bút kéo dài. Rút cục lại, trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân,
chỉ có Vang bóng một thời là có cách điệu khác”(16;86 )
Vang bóng một thời không bị đám mây đen hành lạc làm u ám. Vốn là một người tài
hoa, ông đã tìm sự tài hoa trong một thời quá khứ. Và tất cả những chuyện, người cũ đó,
ông kể lại bằng giọng thán phục và luyến tiếc như là những gì cố hữu của người Việt Nam
ta. Dù sao, đọc Vang bóng một thời ngày nay, ta vẫn tìm được một cảm giác nhẹ nhàng,
êm dịu như xem một tập tranh cổ. Và đó là lí do vì sao mỗi lần nói đến Nguyễn Tuân,
người ta muốn nhắc đến Vang bóng một thời hơn là Chiếc lư mắt cua hay là một tập tùy
bút nào khác.
Bằng tập truyện Vang bóng một thời Nguyễn Tuân đã vươn đến đỉnh cao của sáng
tạo nghệ thuật. Tác phẩm “toàn thiện tòan mỹ” này góp phần đưa nghệ thuật văn xuôi
Việt Nam phát triển thêm bước mới trên con đường hiện đại hóa. Vang bóng một thời
gồm 12 truyện ngắn, vẽ lại những cái đẹp xưa của thời phong kiến suy tàn, thời có những
ông Nghè, ông Cống, ông Tú thích chơi lan chơi cúc, thích đánh bạc bằng thơ dưới ánh
trăng hoặc nhấm nháp chén trà Tàu trong sương sớm với tất cả các lễ nghi thành kính đến
thiêng liêng. Vào thời ấy, tên đao phủ chém người bằng đao, người ta còn đi lại trên
đường bằng võng, bằng cáng, vừa đi vừa đánh cờ dềnh dàng bằng miệng,…Thời gian hầu
như chưa trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với con người, bởi nó còn được đo bằng mùa, bằng
tiết. Nhưng những vẻ đẹp có màu sắc truyền thống ấy đang có nguy cơ bị mai một đi. Đau
đớn nhận ra điều đó, Nguyễn Tuân ra sức níu giữ, gom góp và phục chế lại bằng tất cả
tấm lòng thành kính. Vang bóng một thời, vì thế có thể được xem như bảo tàng lưu trữ
các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. “in cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân,
người ta thấy khác nào thêm một ngôi sao vừa hiện lên ở một góc riêng trên bầu trời văn
học sầm tối”[16;15]
Có thể nói rằng, trong hàng loạt sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng, Vang
bóng một thời là tập truyện để lại dấu ấn đậm đà và sâu sắc nhất. Trương Chính đã khẳng
định rằng: “Về văn phong phải nói Nguyễn Tuân trong tác phẩm đầu tay này đã đạt đến
đỉnh cao mà về sau ông không đạt tới nữa”(14;358). Ta có thể thấy, dù chỉ lướt qua một
lần nhưng Vang bóng một thời cứ quanh quất bên tai ta và vẫn tồn tại vĩnh hằng đối với
những ai đã từng đọc qua nó. Vang bóng một thời nó gợi cho ta phải suy ngẫm từng câu
từng chữ, từng nhân vật trong tác phẩm, từng tình huống truyện,… “Vang bóng một thời
đã đạt độ chín về nghệ thuật”(14;360). Tất cả điều đó đã làm cho Vang bóng một thời
vẫn sống mãi với thời gian.
Như vậy, ta có thể khẳng định Vang bóng một thời có vị trí hết sức quan trọng trong
sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám, giúp nhà văn có thể
khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học dân tộc.
Từ sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân tiếp tục sáng tác với những đề tài mới,
ông có cả một quá trình “lột xác” đau đớn để dấn thân vào cuộc đời mới. Sau này ông còn
đạt được những thành tựu khác nữa, nhưng xét chung Vang bóng một thời xứng đáng là
một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân.
1.4. Vang bóng một thời thể hiện khá đậm nét quan niệm về cái đẹp của
Nguyễn Tuân
Đỉnh cao của Vang bóng một thời là đem đến cho người đọc những áng văn đẹp,
những nhân vật luôn trân trọng cái đẹp. Nguyễn Tuân chiêm ngưỡng chắt chiu cái đẹp
trong quá khứ, cái đẹp đang đi vào quên lãng. Cái đẹp trên mọi phương diện của cuộc
sống, có cái đẹp được hình thành từ những công việc bình thường nhất, cũng có cái đẹp
được tạo ra một cách rất công phu. Tất cả đều được Nguyễn Tuân thể hiện với một thái độ
trân trọng và nâng nó lên đến mức hoàn mỹ.
Đọc tác phẩm của Nguyễn Tuân, điều dễ nhận thấy là ông hết sức nâng niu, trân
trọng và khao khát cái đẹp. Khát vọng mà nhà văn thể hiện trong tác phẩm của mình là cái
đẹp và chỉ là cái đẹp. Chính sự nhạy cảm với cái đẹp và nhìn sự vật nghiêng về góc độ
thẩm mỹ, mà nhà văn mang đến cho ta những áng văn đẹp và nhân vật trong tác phẩm
luôn có cái nhìn thẩm mỹ. Không tìm thấy cái đẹp hiện hữu trong cuộc đời thực, Nguyễn
Tuân đã quay về tìm kiếm nét đẹp xưa của một thời vang bóng. Ông ngợi ca vẻ đẹp của
cuộc sống nhàn nhã, bình dị, không màn danh lợi của những ông Nghè, ông Cử…, hay
những thú vui uống trà, đánh thơ, thả thơ, với cái nhìn thi vị đượm chất thơ.
Vì là người trân trọng và tôn vinh cái đẹp nên Nguyễn Tuân đã “lên án bọn người
xấu xa bởi vì chúng dám ngồi xổm lên cái đẹp, chứ không phải vì chúng áp bức bóc lột”
(16; 208). Nguyễn Tuân là thế đấy, ông không thể chấp nhận được những gì thô tục, xấu
xa. Nhưng xã hội thực tại không phải là nơi để nhà văn tìm được nét đẹp cho riêng mình,
nên ông đã quay về với quá khứ để tìm lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ông
đã chăm chỉ ghi lại những nét đẹp và “có thể coi như là mười nén tâm hương nguyện cầu
cho cái Đẹp Việt Nam” (14;197), đó là: uống đẹp (Những chiếc ấm đất; Chén trà trong
sương sớm); nhắm đẹp (Hương cuội); chơi đẹp (Thả thơ, Đánh thơ, Một cảnh thu muộn);
ứng xử đẹp (Ngôi mả cũ); hoa tay đẹp (Trên đỉnh non Tản); tài nghệ đẹp (Ném bút chì);
nhân cách đẹp( Chữ người tử tù).
Vang bóng một thời là tổng hòa của những nét đẹp khác nhau, tất cả nét đẹp của
người Việt Nam từ thói quen uống trà, nghệ thuật làm đèn kéo quân, thả thơ…,đều được
Nguyễn Tuân ghi lại một cách cẩn thận tỉ mỉ và chi tiết. Cũng chính sự trở về với những
nét đẹp của dân tộc ấy, đã khiến cho Nguyễn Tuân trở về với lòng Dân tộc, với Quê
hương, mà không phiêu lưu đến bến bờ xa lạ. “Chắc chắn viết những câu chuyện về
những nhân vật trong Vang bóng một thời, nhà văn còn muốn đem ra đối chiếu với cách
ăn chơi tục tằn của bọn hãnh tiến cậy có của mà trác tang, thô bỉ” (16;234). Ta thấy
Vang bóng một thời không chỉ đơn thuần là ca ngợi cái đẹp hình thức, mà ẩn sâu bên
trong là sức phản kháng, chống đối của tác giả trước thực tại đen tối. Đó là một con người
luôn có tấm lòng thiết tha với quê hương, đất nước.
Khi ca ngợi những nét đẹp truyền thống của dân tộc, Nguyễn Tuân không lý tưởng
hóa chế độ phong kiến, không ngợi ca chế độ phong kiến là thời kỳ vàng son. Mà những
nhân vật trong tác phẩm của ông là những ông Phủ, ông Nghè, ông Ấm…Họ không phải
là lớp quan lại hám danh lợi, ô trọc mà là những con người biết sống thanh cao, thích
cuộc sống bình dị và đặc biệt biết hưởng thụ những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc,
nhấm nháp những hương vị ẩm thực của Việt Nam, và đương nhiên trong cách sống ấy
cũng pha một chút cầu kỳ của các cụ. Đây là những cụ Ấm thích uống trà trong sương
sớm và pha trà với thứ nước đọng trên lá sen “Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả
trong cách chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào
đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha
ngon, người ta chưa nhận chút mùi thơ và, một tị triết lý và tâm lý”(14;188); kia là cụ
Kép đã để quãng đời còn lại của mình để chăm sóc cho một vườn hoa quí. Cụ thường nói
rằng: “Người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành chí tình mà ra đối đãi với giống
hoa cỏ không bao giờ biết lên tiếng. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người tài tử. Chứ
còn cứ gây được lên một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ ở các nơi về mà trồng, phó mặc cho
chúng ở giữa trời, đày chúng ra mưa nắng với thờ ơ, chúng trổ bông không biết, tàn lá
cũng không hay thì chơi hoa làm gì thêm tội”(20;67,68). Cụ yêu hoa nên cụ trân trọng và
chăm sóc chúng một cách chân tình, chơi hoa mà đạt đến đạo như cụ thì thật là là hiếm
có. Hàng năm cái tiệc Thạch Lan hương của cụ vào ngày nguyên tiêu là cả một nghệ thuật
công phu, là một lối chơi lễ nghi, trịnh trọng. Và đây là cụ Sáu chỉ uống trà với nước
giếng ở chùa Đồi Mai, thứ nước mà “chốc chốc một vài giọt nước ngọt lại rời mạch đá tổ
ông, thánh thót rớt xuống”(20;20), một lọai nước tinh túy nhỏ xuống từng giọt và cụ Sáu
chỉ pha trà với một loại nước như thế.
Vang bóng một thời không chỉ nêu lên cái đẹp trong nghệ thuật uống trà tàu của cụ
Ấm, cụ Sáu; cái đẹp trong tiệc “Thạch Lan hương” của cụ Kép; mà Nguyễn Tuân tìm thấy
cái đẹp của nhân vật có lối sống nghệ sĩ. Họ không thích dừng chân ở một nơi nào nhất
định họ thích đi khắp nơi để ngắm cảnh đẹp của đất nước, họ chỉ thích cuộc sống tự do tự
tại. Phó Sứ và Mộng Liên là một đôi tài tử họ đi khắp dải Trung Kỳ để làm nghề đánh
thơ. Mỗi tuần trăng cặp tài tử này ở một tỉnh. Rồi cái đẹp trong nghệ thuật làm đèn kéo
quân của ông Cử Hai trong Một cảnh thu muộn “quân đèn bắt đầu diễn vòng đầu. Mặt
trước đèn có nến soi vào, sáng như một sân khấu rạp tuồng. Thuyền Tây Thi từ từ tiến
vào sân khấu. Lúc nàng vào được đến phần ba lòng sân khấu, lướt qua thuyền Phạm Lãi,
động đến cái máy gạt thứ nhất ở góc trái đèn, thì thuyền Phạm Lãi quay vào trong và lẩn
mất”(20; 117). Chiếc đèn là cả một vở tuồng về nàng Tây Thi khi bị cống sang Ngô quốc.
Rồi nét đẹp văn hóa trong Thả thơ, và đặc biệt là nhân cách đẹp của những nhân vật trong
Chữ người tử tù…, mỗi tác phẩm trong Vang bóng một thời là mỗi cái đẹp khác nhau, thể
hiện rõ tư tưởng của nhà văn suốt cuộc đời “đi tìm cái đẹp, cái thật”(16;13).
Qua nhiều loại người khác nhau, Nguyễn Tuân đều tìm thấy ở họ những nét đẹp của
nghệ thuật, một lối sống khá cầu kỳ, ở đâu tác giả cũng cố gắng tìm thấy cái đẹp nên đôi
khi cái đẹp nghệ thuật vị nghệ thuật của ông xuất hiện vào những trường hợp khá oái
oăm, tàn nhẫn: cái đẹp của nghệ thuật “ném bút chì”, cái đẹp của những dòng chữ một
người tử tù, cái đẹp của một nghệ thuật “chém treo ngành” rất ngọt. Ông đã tìm cái đẹp
ngay cả những hành động tàn bạo trong đao phủ.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một số lượng rất ít trong Vang bóng một thời, phần lớn
đó là hình ảnh của những con người chỉ thích cuộc sống bình dị, không màn danh lợi như
Cụ Sáu, Cụ Ấm, Cụ Kép…; những con người có phẩm chất đáng quí như cô Tú tần tảo
nuôi em ăn học, một viên coi ngục có nhân cách thanh cao và tâm hồn yêu, quí cái đẹp.
Có lẽ thu nhặt và kể lại những chuyện ngày xưa đã khó, làm sao để nó sống mãi với
thời gian thì còn khó hơn. Nhưng Nguyễn Tuân đã làm việc ấy rất thành công. Phải có
một tấm lòng yêu mến dĩ vãng, phải tiếc thương và muốn vớt lại những cái đẹp đã qua thì
mới có thể làm sống lại cả thời xưa được. “Vang bóng một thời là sản phẩm đáng quí,
đánh dấu bước đường trở lại tìm những cái đẹp xưa mà các nhà văn ta thường sao
nhãng”(16;229).