Tải bản đầy đủ (.pdf) (77 trang)

Khuynh hướng vận động thơ tố hữu sau 1975 qua tập thơ một tiếng đờn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (606.35 KB, 77 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA: NGỮ VĂN
* * * * * * * * *

NGUYỄN THỊ VÓC

KHUYNH HƯỚNG VẬN ĐỘNG
THƠ TỐ HỮU SAU 1975 QUA TẬP THƠ
MỘT TIẾNG ĐỜN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Người hướng dẫn khoa học
TH.S VŨ VĂN KÝ

HÀ NỘI - 2011


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan:
Khóa luận “Khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975 qua tập thơ
Một tiếng đờn” là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, có tham khảo ý kiến của
những người đi trước, tham khảo các tài liệu có liên quan, dưới sự hướng dẫn
khoa học của TH.S Vũ Văn Ký.
Khóa luận không sao chép từ một tài liệu, một công trình nào sẵn có.
Kết quả khóa luận ít nhiều có đóng góp vào việc tìm hiểu, nghiên cứu


về tác giả Tố Hữu.
Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2011
Tác giả khóa luận
Nguyễn Thị Vóc

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

3


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình thực hiện khóa luận, tôi đã nhận được sự hướng dẫn
nhiệt tình và chu đáo của thầy giáo TH.S Vũ Văn Ký - Giảng viên tổ Văn học
Việt Nam cùng toàn thể các thầy cô trong khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư
phạm Hà Nội 2.
Tác giả khóa luận xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và gửi lời cảm
ơn trân trọng nhất tới các thầy cô, đặc biệt là TH.S Vũ Văn Ký, người đã
giúp tôi hoàn thành khóa luận này.

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2011
Tác giả khóa luận
Nguyễn Thị Vóc

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn


4


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài ..................................................................................... 7
2. Lịch sử vấn đề......................................................................................... 9
3. Mục đích nghiên cứu .............................................................................. 11
4. Nhiệm vụ nghiên cứu.............................................................................. 12
5. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ............................................................. 12
6. Phương pháp nghiên cứu ....................................................................... 12
7. Đóng góp của khóa luận......................................................................... 13
8. Bố cục của khóa luận.............................................................................. 13
NỘI DUNG ................................................................................................. 14
Chương 1: Tố Hữu và khuynh hướng chủ đạo thơ Tố Hữu trước 1975 . 14
1.1. Tố Hữu - nhà cách mạng, nhà thơ………………............................... 14
1.1.1.Cuộc đời Tố Hữu…………………………………………………… . 14
1.1.2. Các chặng đường thơ Tố Hữu…………………………………… ... 16
1.2. Từ phong cách nghệ thuật đến khuynh hướng chủ đạo thơ Tố Hữu
trước 1975 ................................................................................................... 22
1.2.1. Khái quát phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu ............................... 22
1.2.2. Khuynh hướng chủ đạo trong thơ Tố Hữu trước 1975 ................. 26
Chương 2: Khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975 qua tập thơ
Một tiếng đờn ............................................................................................. 39
2.1. Lịch sử xã hội - thời đại và sự ra đời của tập thơ .............................. 39
2.1.1. Đổi mới xã hội và công cuộc đổi mới văn học sau 1975 .................. 39

2.1.2. Tố Hữu - một chặng đường thơ mới................................................ 40
2.1.3. Tập thơ Một tiếng đờn ...................................................................... 41

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

5


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

2.2. Khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975 qua tập thơ
Một tiếng đờn .............................................................................................. 41
2.2.1. Từ khuynh hướng sử thi chuyển sang cảm hứng thế sự................. 42
2.2.2. Từ giọng điệu tráng ca, hào hùng chuyển sang giọng chiêm nghiệm
triết lý......................................................................................................... 58
2.2.3. Từ ngôn ngữ sử thi trang trọng, khoa trương chuyển sang ngôn
ngữ đời thường .......................................................................................... 68
KẾT LUẬN................................................................................................. 75
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 77

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

6


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Tố Hữu là một trong những tên tuổi lớn của thơ ca Việt Nam thế kỉ XX.
Ông được mệnh danh là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng. Với vai trò là
người tuyên truyền, cổ động, Tố Hữu đã bám sát và phản ánh kịp thời từng
chặng đường cách mạng của dân tộc. Do đó, ở Tố Hữu luôn có sự kết hợp
chặt chẽ giữa con đường cách mạng với con đường thơ ca, giữa bản lĩnh của
người chiến sĩ với tâm hồn của người nghệ sĩ. Nói như Đặng Thai Mai: Với
Tố Hữu “con người làm thơ và con người hành động chỉ là một. Sống là hành
động, thơ cũng là hành động. Thơ Tố Hữu là hình thức tươi đẹp của hoạt
động cách mạng, của sự sống”.
Tố Hữu còn là một nhà thơ có quan niệm rõ ràng. Đối với ông, văn học
và cuộc đời có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó cuộc đời là cái gốc
của văn học: “Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời.
Văn học sẽ không là gì cả nếu như không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi
xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học.”[7, 220]. Với quan niệm văn chương
hết sức mới mẻ và tiến bộ trên, Tố Hữu đã tự nguyện gắn bó đời mình với
cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông làm thơ để phục
vụ cách mạng, phục vụ cuộc sống. Cũng bởi lẽ đó mà trong thơ Tố Hữu xuất
hiện rất nhiều hình ảnh về Đảng, nhân dân, đất nước… Những vấn đề quen
thuộc trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong chiến đấu đi vào
thơ ông với muôn hình, muôn vẻ. Đối với bản thân người làm thơ, Tố Hữu
cũng nêu ra yêu cầu nghiêm ngặt: “Tôi cho người làm thơ trước hết phải chân
thật với mình, với đất nước mình, với Đảng mình, với nhân dân mình, với thời
đại mình. Thơ có tài là thơ nói rõ ra được cái thật.”[5, 265]

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

7



Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

Thơ Tố Hữu trước 1975 luôn bám sát từng chặng đường cách mạng
của dân tộc. Trước cách mạng, thơ ông là tiếng reo ca náo nức của một cái tôi
đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” thì bắt gặp ánh sáng, lí tưởng của Đảng.
Cái tôi ấy tự nguyện gắn bó đời mình với nhân dân, đất nước, với cuộc đời
rộng lớn. Sau cách mạng, thơ ông tập trung vào hai mảng đề tài lớn: cuộc
kháng chiến chống Pháp - Mĩ vĩ đại và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở miền Bắc. Thời kì này, thơ ông chủ yếu được viết theo khuynh hướng sử thi
và cảm hứng lãng mạn. Đó là bản trường ca hào hùng về khí phách và sức
sống bền bỉ của con người Việt Nam, dân tộc anh hùng.
Thơ Tố Hữu sau năm 1975 và những năm cuối đời có một sự vận động
lớn so với chặng đường thơ sau cách mạng tháng Tám nhưng lại có một chút
gì đồng điệu phảng phất hơi thơ trước cách mạng. Thơ sau 1975 và những
năm cuối đời hướng mạnh vào thế sự và đời tư, thể hiện những chiêm
nghiệm, triết lý của một đời người qua bao thăng trầm của lịch sử.
Một tiếng đờn là một trong những tập thơ có tính chất chuyển giai đoạn
rõ nhất. Nghiên cứu tập thơ này đặt trong sự đối sánh với các tập thơ ở giai
đoạn trước đó có thể nhận rõ khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975.
Đồng thời, nó cũng mở ra một khuynh hướng vận động mới trong thơ Tố Hữu
ở giai đoạn sau đó, đặc biệt là qua tập thơ Ta với ta.
Trên đây là lí do để chúng tôi xác định lựa chọn đề tài khóa luận:
“Khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975 qua tập thơ Một tiếng đờn”.

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn


8


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

2. Lịch sử vấn đề
Sau năm 1975, với sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mĩ, đất
nước thống nhất và chuyển sang một thời kỳ mới với bao khó khăn của thời
hậu chiến. Đặc biệt, từ năm 1986, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn
diện trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã
hội…) nhằm đưa nước nhà thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Là
nhà thơ nhạy bén với sự chuyển biến và yêu cầu của thời đại, Tố Hữu đã có
sự biến đổi trong khuynh hướng cảm hứng, giọng điệu và ngôn ngữ thơ của
mình. Từ khuynh hướng sử thi với chất chính luận và âm hưởng anh hùng ca
trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, thơ Tố Hữu chuyển dần sang cảm hứng
thế sự, đời tư với sự suy ngẫm triết lý, từ hướng ngoại chuyển sang hướng
nội. Sự chuyển hướng ấy bắt đầu từ tập thơ Một tiếng đờn đến tập thơ Ta với
ta.
So với các tập thơ khác như Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và
hoa, tập Một tiếng đờn chưa có thật nhiều những bài viết và công trình nghiên
cứu quy mô, mặc dù nó là một tập thơ có giá trị dấu mốc quan trọng trong
bước chuyển thơ Tố Hữu.
Xoay quanh tập thơ này, các ý kiến nhìn nhận hầu như chỉ chung
chung và đặt trong hệ thống với các tập thơ khác : Từ ấy, Việt Bắc, Ra trận…
Theo Hà Minh Đức: “Theo dòng thời gian, Tố Hữu từ cuộc đời chung
đi dần về thế giới riêng tư. Từ Từ ấy đến Một tiếng đờn là một vòng khép kín
từ cái riêng tư đến mở ra cuộc đời chung rồi trở về với chính mình. Ở chặng
đường sau, thơ Tố Hữu mang nhiều tâm trạng buồn. Một tiếng đờn muốn tìm

đến những người bạn tri kỷ, Một tiếng đờn bày tỏ những suy nghĩ, tâm trạng
mang ý nghĩa đúc kết về triết lý nhân sinh của một đời người”[5, 241]

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

9


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

Gần đây, Đinh Hà Triệu - giáo viên THPT Xuân Diệu qua bài viết Về
hai tập thơ Một tiếng đờn và Ta với ta tại trang (Đinhhatrieu.vnweblogs.com)
đã trích dẫn ý kiến luận bàn của nhà thơ Hữu Thỉnh và của giáo sư Phong Lê
về hai tập thơ cuối đời của Tố Hữu.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh: “Có ý kiến cho rằng hai tập thơ Một tiếng
đờn và Ta với ta có nhiều nỗi buồn và sự cô đơn, không còn giữ được phong
độ như các tập trước đó. Tôi có ý nghĩ khác. Tôi nghĩ Tố Hữu đang tự bổ
sung và tự hoàn thiện một phong cách, một sự nghiệp thơ. Nếu anh không có
lúc nào buồn và cô đơn thì đó là điều đáng tiếc hơn là đáng trách vì nguy cơ
của sự đơn điệu. Trước một hiện thực mới mẻ, có lúc ngổn ngang, vật vã với
biết bao chấn động dữ dội, thì một giọng thơ trầm, đầy ắp chiêm nghiệm và
suy nghĩ là một khoảng lặng cần thiết và đáng quý để thơ lặn vào bề sâu của
tâm trạng xã hội. Qua đó, người đọc vẫn bắt gặp lo âu canh cánh về xã hội và
con người của Tố Hữu”.
Theo Giáo sư Phong Lê: “Từ sau 1975 ngọn lửa chiến tranh đã dần
dần tắt lặng. Công cuộc hòa bình xây dựng đất nước đã diễn ra một phần tư
thế kỷ. Một tiếng đờn, rồi Ta với ta, do vậy lại không thể là sự tiếp tục y
nguyên tiếng thơ cũ. Đã có một tiếng nói mới, một giọng điệu mới nơi Tố

Hữu. Trước, ông nói với đời. Và ông nói với lòng tin, tiếng thơ ông là tiếng
nói lớn của đời. Hãy xem, hãy nghe, hãy nhớ!... Đừng quên, không thể, có thể
nào!...Đó là những lời quen thuộc của Tố Hữu mà cả đất nước một thời cùng
lắng nghe, cùng vọng. Bây giờ đã có lúc ông nói với mình, như một cách dặn
lòng: Dưỡng sinh, hai chữ, hay là! - Hít vào thong thả; thở ra nhẹ nhàngBàn tay xoa bóp dịu dàng - Vuốt đầu thanh thản, mịn màng tóc tơ - Lòng
không bợn chút bùn dơ - Biết đâu trăm tuổi, còn thơ với đời ( Dưỡng sinh,
1988)”.

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

10


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

Bản thân nhà thơ Tố Hữu khẳng định: “Thơ tôi có ba giọng điệu khác
nhau: Từ ấy là một giọng điệu của tuổi trẻ. Palette của Từ ấy rộng đặt ra
nhiều vấn đề tuổi trẻ và lý tưởng, cái riêng và cái chung, sống và chết, dân
tộc và quốc tế. Đó là tiếng nói rất chân tình vừa mang nhiều tâm sự và cũng
là những lời luận chiến với những quan điểm mình không đồng tình. Còn Việt
Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa là một tiếng nói, một giọng điệu, đó là
vấn đề dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đến Một tiếng đờn lại là một tiếng nói
khác, tiếng nói chiêm nghiệm của một đời người trước bao đổi thay, có nhiều
chuyện buồn hay đúng hơn là rất đau nhưng vẫn giữ niềm tin riêng…” [2, 3 ]
Giã từ với cảm hứng hào hùng về Tổ quốc, về thời đại, sau 1975, thơ
Tố Hữu trở về với những vấn đề vĩnh hằng của đời sống thường nhật với một
giọng trầm tư triết lý, man mác đượm buồn. Sự chuyển mình trong cảm hứng
và giọng điệu thơ Tố Hữu được Hà Minh Đức chỉ rõ: “Từ Từ ấy qua Việt Bắc

đến Ra trận, cảm hứng thi ca gắn liền với cảm hứng thời đại mang đậm chất
sử thi và trữ tình. Một tiếng đờn như trùng lại khi cảm hứng thơ trở lại với
riêng mình.” [ 3, 6]
Tóm lại, dù chưa có công trình nghiên cứu tập trung vào tập thơ Một
tiếng đờn nhưng các tác giả đã ít nhiều khẳng định tập thơ đánh dấu bước
chuyển mình trong khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975. Từ những
gợi ý của các nhà nghiên cứu, chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu và khẳng định
“bước chuyển mình” ấy và ý nghĩa của nó đối với hành trình thơ Tố Hữu và
rộng hơn là ý nghĩa của nó đối với sự chuyển mình của nền thơ ca dân tộc
bước vào thời kì đổi mới.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài “Khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975
qua tập thơ Một tiếng đờn”, chúng tôi hướng tới những mục đích sau:

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

11


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

Khái quát khuynh hướng chủ đạo thơ Tố Hữu trước 1975
Làm rõ khuynh hướng vận động của thơ Tố Hữu sau 1975 qua việc
khảo sát tập thơ Một tiếng đờn và đặt trong mối quan hệ tương quan, đối sánh
với các tập thơ khác trước đó của nhà thơ đồng thời thấy được sự vận động
mở ra ở những tập thơ sau đó.
Đánh giá vị trí của tập thơ trên hành trình thơ Tố Hữu.
Góp phần vào việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu tác phẩm văn

học, tác phẩm thơ nói chung và thơ Tố Hữu nói riêng.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Đề tài khóa luận đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau:
Tìm hiểu khái quát về tác giả Tố Hữu.
Tìm hiểu khuynh hướng chủ đạo thơ Tố Hữu trước 1975.
Đi sâu khắc họa khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975 và
trực tiếp khảo sát qua tập Một tiếng đờn.
Ý nghĩa và những đóng góp của sự vận động trong khuynh hướng
thơ Tố Hữu đối với chính sáng tác của nhà thơ và thơ ca dân tộc thời kì đổi
mới.
5. Đối tượng- phạm vi nghiên cứu
Tập trung vào tập thơ Một tiếng đờn (1979-1992) rút từ Thơ Tố Hữu,
NxbVăn học.
Đặt trong mối tương quan, đối sánh với các sáng tác của Tố Hữu và
các nhà thơ khác.
6. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp hệ thống
- Phương pháp so sánh đối chiếu
- Phương pháp phân tích văn học

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

12


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

7. Đóng góp của đề tài

Về mặt khoa học: Góp phần tìm hiểu khuynh hướng vận động thơ Tố
Hữu sau 1975 qua tập thơ Một tiếng đờn đặt trong sự tương quan so sánh với
các tập thơ trước và thấy được sự vận động mở ra ở các tập thơ sau đó của Tố
Hữu.
Về mặt thực tiễn: Góp phần cung cấp những tài liệu cho bạn đọc yêu thơ
Tố Hữu, cho người trực tiếp giảng dạy, học tập, nghiên cứu thơ Tố Hữu và
các sáng tác của ông, đặc biệt là tập Một tiếng đờn.
8. Bố cục
Khóa luận gồm 3 phần: Mở đầu - Nội dung - Kết luận.
Phần nội dung gồm 2 chương:
Chương 1: Tố Hữu và khuynh hướng chủ đạo thơ Tố Hữu trước 1975 (từ
trang 14 đến trang 39).
Chương 2: Khuynh hướng vận động thơ Tố Hữu sau 1975 qua tập thơ Một
tiếng đờn (từ trang 40 đến trang 76).
Ngoài ra, khóa luận còn có mục lục, danh mục tài liệu tham khảo.

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

13


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
TỐ HỮU VÀ KHUYNH HƯỚNG CHỦ ĐẠO THƠ TỐ HỮU
TRƯỚC 1975
1.1. Tố Hữu - nhà cách mạng, nhà thơ

1.1.1. Cuộc đời Tố Hữu
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920 tại làng
Phù Lai (nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế)
trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông thân sinh theo Nho học, có đi thi
nhưng không đỗ đạt và phải chật vật kiếm sống bằng nhiều nghề, lại ham
thích thơ văn, thích sưu tầm ca dao, tục ngữ. Mẹ ông là con một cụ Tú, một
người phụ nữ xứ Huế giàu tình thương và thuộc nhiều ca dao, dân ca.
Tuổi thơ của Tố Hữu thiếu thốn tình cảm. Năm 12 tuổi, mẹ mất, cha đi
làm ăn xa, Tố Hữu phải vào Đà Nẵng theo người anh để được đi học tiếp. 14
tuổi, ông thi đỗ vào trường Quốc học Huế và hầu như từ đó, ông đã phải sống
xa gia đình.
Bước vào tuổi thanh niên đúng vào thời kì phong trào của Mặt trận
Dân chủ Đông Dương đang phát triển mạnh mẽ, Tố Hữu sớm được giác ngộ lí
tưởng cộng sản. Năm 1936, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở
thành người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Cũng
những năm này, Tố Hữu đã đến với thơ và năm 1937, ông bắt đầu có thơ đăng
báo. Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đầu năm 1939, khi Đại chiến thế giới II sắp nổ ra, Chính phủ Mặt
trận Nhân dân Pháp bị đổ, thực dân Pháp ở Đông Dương tăng cường đàn áp
phong trào cách mạng. Cuối tháng 4/1939, Tố Hữu bị bắt giam tại nhà lao
Thừa Thiên, rồi ở nhiều nhà tù các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tháng

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

14


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp


3/1942,Tố Hữu thoát khỏi nhà tù Đắc Lay, vượt rừng núi Tây Nguyên và sự
truy lùng của thực dân, tìm ra Thanh Hóa bắt liên lạc với tổ chức Đảng và tiếp
tục hoạt động. Năm 1945, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Tố Hữu được điều động
trở lại Huế làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố
quê hương. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, Tố Hữu tiếp tục
đảm nhận những trọng trách trong chính quyền cách mạng ở Huế đồng thời
làm nhiệm vụ tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức đến với cách mạng.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tố Hữu được điều động ra Thanh
Hóa hoạt động và làm bí thư Tỉnh ủy. Cuối năm 1947, ông lên Việt Bắc ở cơ
quan Trung ương Đảng, phụ trách công tác văn hóa văn nghệ. Ông đã tham
gia thành lập và ở trong ban lãnh đạo Hội Văn nghệ Việt Nam từ 1948. Trong
gần ba mươi năm, Tố Hữu đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy
lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ông từng là Trưởng ban Tuyên huấn, Bí thư
Trung ương Đảng, được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội lần thứ V của
Đảng Cộng sản Việt Nam (1981) và giữ chức phó Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng đến năm 1986.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông đã từ trần ngày 9/12/2002 tại
Hà Nội, thọ 82 tuổi.
Có thể nói, điểm nổi bật ở Tố Hữu là sự thống nhất giữa nhà cách
mạng và nhà thơ, giữa con đường cách mạng và con đường thơ. Thơ với Tố
Hữu là một phần của sự nghiệp cách mạng, phục vụ cho lí tưởng cách mạng.
Tố Hữu đã được tặng nhiều giải thưởng văn học cao quý như: Giải Nhất Giải
thưởng văn học của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955) cho tập thơ Việt
Bắc; Giải thưởng Văn học Đông Nam Á của Thái Lan (1996) cho tập thơ Một
tiếng đờn; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật ( đợt I, 1996).

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

15



Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

1.1.2. Các chặng đường thơ Tố Hữu
Con đường thơ Tố Hữu song hành với con đường cách mạng của tác
giả và gắn bó mật thiết với các chặng đường đấu tranh của dân tộc suốt hơn
nửa thế kỉ kể từ phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939).
Thơ Tố Hữu gồm bảy tập thơ và có thể phân chia thành năm chặng đường.
1.1.2.1. Từ ấy, tập thơ đầu tay (1937 - 1946)
Đây là chặng đường mười năm thơ Tố Hữu cũng là mười năm hoạt
động sôi nổi, say mê từ giác ngộ qua thử thách đến trưởng thành của người
thanh niên cách mạng trong một giai đoạn lịch sử sôi động đã diễn ra nhiều
biến cố lớn làm rung chuyển và đổi thay sâu sắc xã hội Việt Nam.
Từ ấy được in lần đầu năm 1946 và tái bản có sửa chữa năm 1959.
Tập thơ gồm 71 bài (theo bản in năm 1959), được chia làm 3 phần: Máu lửa,
Xiềng xích, Giải phóng, tương ứng với ba chặng đường hoạt động cách mạng
trong mười năm đầu của Tố Hữu.
Máu lửa là tiếng reo ca náo nức của một tâm hồn trẻ đang “băn
khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” thì gặp gỡ lí tưởng cách mạng. Lí tưởng ấy là nguồn
cảm hứng dạt dào trong suốt tập thơ. Nó là “mặt trời chân lý”, là “hương chân
lý”, “vườn hoa lá”, là “ngày mai huy hoàng”…
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
( Từ ấy)
Lí tưởng ấy đã hướng tình thương của nhà thơ về quần chúng lao khổ. Nhà

thơ cảm thông sâu sắc và sẵn sàng sẻ chia với nỗi cô đơn, tủi nhục của những
kiếp người lao khổ (Mồ côi; Đi đi em!; Vú em; Lão đầy tớ; Cô gái sông

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

16


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

Hương; Một tiếng rao đêm…). Cũng nhờ giác ngộ lý tưởng, nhà thơ đã nhìn
rõ thực trạng ngang trái, bất công của xã hội thành thị quanh mình. Ông kêu
gọi những con người lao khổ ấy “Hãy đứng lên” và “Liên hiệp lại” để đấu
tranh:
Quyết chiến đấu! Nào, ta liên hiệp lại
Hỡi tù nhân khốn nạn của bần cùng!
Ngày mai đây, tất cả sẽ là chung
Tất cả sẽ là vui và ánh sáng!
(Liên hiệp lại)
Lí tưởng cách mạng ấy còn giúp người thanh niên cộng sản Tố Hữu xác định
phương hướng phấn đấu, rèn luyện: khắc phục chủ nghĩa cá nhân, hòa cái tôi
riêng vào cái ta chung của giai cấp, đặt lợi ích của cách mạng, của đoàn thể
lên trên hết.
Xiềng xích là chặng thơ tù. Nó gồm những bài thơ được tác giả sáng
tác trong ba năm bị giam cầm, đày ải trong các nhà tù thực dân. Phần thơ này
tập trung miêu tả nỗi cô đơn của một chiến sĩ trẻ đang say sưa hoạt động cách
mạng thì bị giam cầm. Và chính trong cảnh lao tù, ý chí - nghị lực của người
chiến sĩ càng tỏa sáng. Nó được xem là bản “quyết tâm thư” của người chiến

sĩ cách mạng quyết giữ vững ý chí chiến đấu, khí tiết của người cộng sản
trước mọi gian nguy, thử thách:
Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ
Sống đã vì cách mạng, anh em ta
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng.
(Trăng trối)

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

17


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

Giải phóng là phần cuối của tập thơ, được sáng tác từ sau khi Tố Hữu
thoát khỏi nhà tù thực dân (1942) đến cách mạng tháng Tám và năm đầu của
chế độ mới. Khép lại phần Giải phóng là những bài thơ diễn tả niềm vui lớn
khi đất nước được giải phóng (Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt…)
Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt
Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn
Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn
Hồn ta cháy sáng ngời trên ngọn đuốc
Lòng ta múa lồng lên theo đám rước
Ta xông lên trời với pháo thăng thiên
Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên
Đôi cánh mở của đất trời giải phóng.
(Vui bất tuyệt)

Từ ấy là tập thơ có vị trí đặc biệt trong con đường thơ của Tố Hữu.
Nó chứa đựng những rung động chân thành, niềm say mê trong trẻo của một
tâm hồn trẻ ở buổi đầu đến với lý tưởng cách mạng và thơ ca. Là tập thơ đầu
tay của một cây bút trẻ nên những non nớt, vụng dại là điều khó tránh khỏi.
Nhưng tình cảm chân thành, cảm xúc dồi dào, tư tưởng tiên tiến và niềm tin
trong sáng của một cái tôi trữ tình mới mẻ… tất cả đã tạo nên vẻ đẹp riêng
biệt và sức hấp dẫn lâu dài của tập thơ, đặc biệt là với tuổi trẻ cách mạng.
1.1.2.2. Việt Bắc (1947 - 1954)
Tập thơ Việt Bắc in lần đầu vào cuối 1954, gồm 24 bài thơ được sáng
tác trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp ( trong đó có 5 bài dịch
thơ nước ngoài). Trong những lần in sau, Tố Hữu có bổ sung 4 bài được viết
năm 1946 chưa đưa vào tập Từ ấy (Đêm xanh, Lạnh lạt, Trường tôi, Tình
khoai sắn).

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

18


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

Tập thơ thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ của thơ Tố Hữu theo hướng
dân tộc và đại chúng, phù hợp với phương châm của nền văn nghệ thời kì
kháng chiến chống thực dân Pháp. Nếu như ở tập thơ Từ ấy, nổi bật và kết
tinh giá trị là hình tượng “cái tôi” trữ tình tác giả - người thanh niên cộng sản
thì đến Việt Bắc, “cái tôi” trữ tình tác giả đã hóa thân vào các nhân vật quần
chúng, trực tiếp bày tỏ lòng yêu mến và niềm cảm phục với họ trong sự gần
gũi, thân thiết của tình đồng bào, đồng chí. Quần chúng nhân dân kháng chiến

trở thành hình tượng trung tâm của Việt Bắc.
Tình cảm bao trùm và sâu đậm nhất trong cả tập thơ là lòng yêu nước
và Việt Bắc xứng đáng được gọi là “khúc trường ca của tình quê hương đất
nước”(Hoài Thanh). Tình cảm ấy được biểu hiện phong phú, sâu sắc trong
nhiều trạng thái đa dạng. Với tập thơ này,Tố Hữu xứng đáng là “nhà thơ của
Tổ quốc Việt Nam, là hồn thơ dân tộc.”[ 11, 41]. Nói về Việt Bắc, trong Hồi
kí Nhớ lại một thời, Tố Hữu cũng khẳng định: “ bảy năm gian khổ cùng đồng
bào, đồng chí sống chết đùm bọc yêu thương nhau. Việt Bắc đã thực sự là
máu thịt, là tình cảm, tâm hồn của tôi”.
Những bài cuối tập thơ được viết trong không khí thắng lợi của chiến
dịch Điện Biên Phủ (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc…) đã
mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lịch sử. Ở những bài thơ này nổi bật
lên là hình tượng “cái tôi” sử thi mang tính khái quát và đại diện cho nhân
dân, dân tộc, cách mạng. Đi liền với “cái tôi” sử thi ấy là giọng hào sảng, kiêu
hãnh và đầy tin tưởng.
Việt Bắc là chặng đường có vị trí quan trọng trên hành trình thơ của Tố
Hữu. Đến tập thơ này, thơ Tố Hữu đã bắt được vào mạch nguồn sâu xa và bền
bỉ của truyền thống văn hóa tinh thần dân tộc và nhân dân; đồng thời thể hiện

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

19


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

được lí tưởng cách mạng, tinh thần của thời đại trong việc làm, hành động, ý
thức và tình cảm của đông đảo quần chúng.

1.1.2.3. Gió lộng (1955 - 1961)
Chặng đường thứ ba của thơ Tố Hữu gắn liền với giai đoạn mới của
cách mạng, với hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tập thơ gồm 25 bài
thơ khai thác hai nguồn cảm hứng lớn: niềm vui, niềm tin tưởng, tự hào trước
cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc và tình cảm với miền Nam ruột
thịt cùng ý chí thống nhất nước nhà.
Gió lộng tiếp tục phát triển khuynh hướng sử thi và cái nhìn khái quát,
tổng hợp được mở ra từ cuối tập Việt Bắc với một nghệ thuật biểu hiện già
giặn và chủ động hơn, nhiều chỗ đạt tới tính cổ điển. Cái tôi trữ tình của Tố
Hữu trong tập thơ dựa trên sự thống nhất riêng - chung, có sự hòa nhập tự
nhiên giữa cái tôi riêng tư, cái tôi tiểu sử và cái tôi sử thi. Sự thống nhất ấy là
cơ sở tạo nên những bài thơ đặc sắc của tập thơ: Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bài ca
mùa xuân 1961…
Về mặt nghệ thuật, “đến Gió lộng hình thức nghệ thuật lại được mở
rộng, phóng khoáng với thơ tự do, phù hợp với cái bát ngát, đẹp tươi của Tổ
quốc trong một thời kì mới, có chất căm giận, sục sôi của Thù muôn đời muôn
kiếp không tan, có điệu mượt mà của Em ơi… Ba Lan… và nhịp ngắt linh
hoạt với Tiếng chổi tre. Tố Hữu luôn tìm cách biểu hiện phù hợp với đối
tượng qua những chặng đường thơ. Tố Hữu đã kết hợp thành công hai
phương châm dân tộc và hiện đại trong thơ.”[ 3, 17]
Tuy nhiên, Gió lộng cũng bộc lộ nhược điểm nhất định: Ngợi ca một
chiều cuộc sống mới, thể hiện cái nhìn giản đơn về chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

20


Trường ĐHSP Hà Nội 2


Khoá luận tốt nghiệp

1.1.2.4. Thơ Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ: Ra trận (19621971), Máu và hoa (1972 - 1977)
Ra trận gồm 31 bài, Máu và hoa có 13 bài. Hai tập này là chặng đường
thơ Tố Hữu trong một thời kỳ đau thương và hào hùng bậc nhất của lịch sử
dân tộc: Cuộc kháng chiến chống Mĩ giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc,
tiến tới thống nhất đất nước.
Đáp ứng yêu cầu của thời đại, thơ Tố Hữu trong những năm chống Mỹ
thiên về khuynh hướng sử thi và chất chính luận – thời sự; nhiều khi vươn tới
âm hưởng anh hùng ca, kết hợp cảm hứng trữ tình với chất suy tưởng, triết lý,
nhất là những bài thơ ở giai đoạn cuối cuộc chiến tranh và sau ngày toàn
thắng. Phù hợp với nội dung tư tưởng, cảm hứng ấy là giọng thơ hùng tráng,
có lúc thôi thúc như mệnh lệnh, khẩu hiệu, phối hợp với giọng thơ trữ tình tha
thiết và giọng trầm tư suy ngẫm.
Tuy nhiên, cũng chính do sự quy định của thời đại và phần nào do
giới hạn của bản thân tác giả nên thơ Tố Hữu trong thời kỳ này không tránh
khỏi tình trạng có những chỗ đơn điệu, trùng lặp; chất chính luận lấn át chất
trữ tình, cảm xúc không theo kịp tư tưởng; hình tượng thơ ít có sự tìm tòi,
sáng tạo mới, đã có hiện tượng tự lặp lại mình trong những hình ảnh quen
thuộc mang tính ước lệ, sáo mòn.
1.1.2.5. Thơ Tố Hữu sau cuộc kháng chiến chống Mỹ: Một tiếng đờn (1979 1992), Ta với ta (1993 - 2001)
Đây là hai tập thơ thuộc chặng đường cuối cùng của thơ Tố Hữu, khi
ông đã trải qua nhiều biến cố, thử thách và cả những thăng trầm trong cuộc
đời một người cách mạng. Ở chặng đường này, khuynh hướng trữ tình –
chính trị với sự nhạy cảm trước các vấn đề thời sự tuy vẫn dễ nhận ra như một
nét ổn định của thơ Tố Hữu nhưng đã không còn là mạch cảm hứng duy nhất

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn


21


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

hay nổi trội nhất. Cái nhìn chiêm nghiệm, nỗi buồn nhân thế thấm thía ở hai
tập này.
Nhận xét về thơ Tố Hữu ở chặng đường này, Hà Minh Đức khẳng
định: “Theo dòng thời gian, Tố Hữu từ cuộc đời chung đi dần về thế giới
riêng tư. Từ Từ ấy đến Một tiếng đờn là một vòng khép kín từ cái riêng tư đến
mở ra cuộc đời chung rồi trở về với chính mình. Ở chặng thơ sau, thơ Tố Hữu
mang nhiều tâm trạng buồn. Một tiếng đờn muốn tìm đến những người bạn tri
kỷ, Một tiếng đờn bày tỏ những suy nghĩ tâm trạng mang ý nghĩa đúc kết về
triết lý nhân sinh của một đời người”[ 5, 241]
Như vậy, có thể nói, qua năm chặng đường sáng tác, Tố Hữu đã thể
hiện được cái tình và sự gắn bó của mình với cách mạng. Tố Hữu làm thơ là
để phục vụ cách mạng. Hiện thực cách mạng sôi động khơi nguồn cảm hứng
vô tận cho nhà thơ. Đối với Tố Hữu, con đường thơ và con đường cách mạng
là một. Tố Hữu xứng đáng là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng. Đúng như
lời nhận xét của Đặng Thai Mai: “ Tố Hữu là nhà thơ chỉ viết để phục vụ cách
mạng từ trước đến sau”.
1.2. Từ phong cách nghệ thuật đến khuynh hướng chủ đạo thơ Tố Hữu
trước 1975
1.2.1. Khái quát phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu
1.2.1.1. Thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình- chính trị
Thơ trữ tình - chính trị theo Trần Đình Sử là dòng thơ có “sự kết hợp
hai yếu tố: trữ tình và tuyên truyền. Yếu tố tuyên truyền gắn liền với nhu cầu
tìm tòi và truyền bá tư tưởng mới rất khẩn trương của thời đại, một hiện

tượng chỉ có được sau khi tư tưởng tôn quân đã bị sụp đổ. Yếu tố trữ tình gắn
liền với sự bộc lộ trực tiếp tình cảm cách mạng mãnh liệt của người công dân
vừa mới trỗi lên, thay thế cho người thần dân xưa cũ”[13, 37-38]. Thơ Tố

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

22


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

Hữu hầu như không có sự phân biệt giữa thơ tuyên truyền vận động cách
mạng và thơ biểu hiện cảm xúc cá nhân, không có sự phân biệt giữa tuyên
truyền vận động người khác và thể hiện tình cảm, cảm xúc của chính mình.
Thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình - chính trị.
Tố Hữu đến với thơ ca cùng lúc với sự gặp gỡ lí tưởng cách mạng,
hồn thơ Tố Hữu được chiếu rọi và bừng nở dưới ánh sáng của lí tưởng ấy. Đối
với Tố Hữu, thơ trước hết là phương tiện phục vụ cho lí tưởng cách mạng,
cho sự nghiệp cách mạng, cho những nhiệm vụ được hình thành trong những
giai đoạn lịch sử khác nhau. Đời sống được nhà thơ cảm nhận chủ yếu trên
phương diện chính trị. Và chính trị trở thành nguồn cảm xúc chân thật sâu xa,
thành lẽ sống, niềm vui…
“Thơ Tố Hữu hay nhất khi cảm hứng thơ kết hợp được một cách tự
nhiên ba chủ đề sau: Ngợi ca lẽ sống cao đẹp của người cách mạng, diễn tả
niềm vui hướng về tương lai xã hội chủ nghĩa, thể hiện những cảm nghĩ ân
tình chung thủy…Trong thơ Tố Hữu, ba chủ đề nói trên thật ra vẫn có một cơ
sở thống nhất: lí tưởng cộng sản chủ nghĩa” [ 11, 33]
Thơ Tố Hữu là thành tựu xuất sắc nhất của khuynh hướng thơ trữ

tình - chính trị trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Đó là sự kế tục dòng thơ
cách mạng ở đầu thế kỉ XX của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, thơ của các
chiến sĩ cộng sản lớp trước ở nửa đầu những năm ba mươi nhưng đã được đổi
mới trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hóa thơ ca đương thời, đem
đến cho văn học cách mạng một tiếng thơ sôi nổi, trẻ trung, mới mẻ và tràn
đầy cảm hứng lãng mạn. Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, khuynh hướng
trữ tình - chính trị đã trở thành khuynh hướng chủ đạo của cả nền thơ và chi
phối con đường sáng tác của nhiều nhà thơ. Và Tố Hữu là đại diện tiêu biểu
nhất.

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

23


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

1.2.1.2. Nội dung trữ tình - chính trị trong thơ Tố Hữu gắn với khuynh hướng
sử thi và cảm hứng lãng mạn
Khuynh hướng sử thi đã có ở thơ Tố Hữu ngay ở chặng đường đầu
nhưng bộc lộ rõ rệt và ngày càng đậm nét là ở cuối tập Việt Bắc, đặc biệt là
trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. “Cái tôi” trữ tình trong thơ Tố Hữu ngay
từ đầu đã là “cái tôi” chiến sĩ, về sau càng trở thành “cái tôi” nhân danh cộng
đồng, nhân danh Đảng và dân tộc. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là con
người thể hiện được những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, đến cuộc kháng
chiến chống Mĩ được nâng lên thành những hình tượng anh hùng mang tầm
vóc thời đại và lịch sử, được tác giả khắc họa với tất cả niềm cảm phục,
ngưỡng mộ và bằng giọng ngợi ca, trang trọng.

Cảm hứng nổi trội trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố
Hữu luôn hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say
mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình của con người cách mạng.
Có thể nói, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là một
phương tiện đắc lực để Tố Hữu truyền tải nội dung trữ tình - chính trị trong
thơ của mình.
1.2.1.3. Giọng điệu đặc trưng cho thơ Tố Hữu là giọng tâm tình ngọt ngào
tha thiết, giọng của tình thương mến
Nét độc đáo của thơ Tố Hữu là nói chuyện về lẽ sống, chính trị bằng
giọng điệu, ngôn ngữ của tình yêu, bằng giọng của tình thương mến. Ở mỗi
bài thơ, ta đều thấy xuất hiện một đối tượng cụ thể để nhà thơ trò chuyện,
giãi bày tâm trạng hay thuyết phục. Trước cách mạng tháng Tám đó là những
em bé mồ côi, chị vú em, lão đầy tớ, những người đồng chí…mà Tố Hữu gọi
bằng cái tên thân mật “bạn đời”. Từ sau cách mạng và trong hai cuộc kháng
chiến, nhà thơ đã dành tình cảm mến yêu, cảm phục của mình cho quần chúng

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

24


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp

cách mạng, đồng bào đồng chí. Vì thế, thơ Tố Hữu dùng nhiều từ ngữ xưng
hô, mời gọi thể hiện được sự thân tình, trang trọng giữa nhà thơ và đối tượng
tâm tình.
Nhờ giọng điệu riêng này mà thơ Tố Hữu đã tăng thêm nhiều sức
truyền cảm, dễ dàng đem những tư tưởng, tình cảm cách mạng đến với công

chúng.
1.2.1.4. Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc
Tố Hữu không chỉ là nhà thơ của lí tưởng cộng sản mà ông còn là
một hồn thơ giàu tính dân tộc.Tính dân tộc đậm đà trong cả nội dung tư tưởng
và hình thức nghệ thuật thơ Tố Hữu.
Về nội dung tư tưởng, thơ Tố Hữu đã nêu được những vấn đề liên
quan đến đời sống tư tưởng, vận mệnh dân tộc trong suốt giai đoạn lịch sử
qua hai cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại. Do đó, tình cảm chính trị trong thơ
Tố Hữu bao hàm tình yêu quê hương đất nước. Cảnh vật trong thơ ông hết
sức gần gũi, quen thuộc đối với người Việt Nam chúng ta. Những tình cảm
chính trị, đạo lí cách mạng qua sự cảm nhận và thể hiện của Tố Hữu rất gần
gũi với cách cảm, cách nghĩ của nhân dân ta, hòa nhập với truyền thống tinh
thần tình cảm và đạo lí của dân tộc.
Về hình thức nghệ thuật, thơ Tố Hữu cũng mang đậm tính dân
tộc. Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn có hiệu quả những thể thơ truyền thống
như: lục bát, thơ bốn tiếng, bảy tiếng và có những sáng tạo làm phong phú
thêm cho các hình thức thơ ca này. Trong thơ ông, ta có thể bắt gặp một cách
phổ biến những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và diễn đạt trong thơ ca
dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt. Tính dân tộc trong
nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu còn thể hiện ở việc sáng tạo hình ảnh.
Hình ảnh trong thơ Tố Hữu thiên về giá trị biểu hiện tình cảm hơn là giá trị

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

25


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khoá luận tốt nghiệp


tạo hình, thậm chí nhà thơ còn sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ, biểu tượng khá
quen thuộc.
Chiều sâu của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở nhạc điệu. Nhận
xét về tính nhạc trong thơ Tố Hữu, Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định: “Nhưng
sức mạnh thẩm mĩ trội nhất của thơ Tố Hữu có lẽ là tính nhạc rất giàu của
nó. Chất dân tộc sâu đậm nhất ở đấy chăng? Nhiều câu thơ Tố Hữu đọc lên
cứ thấy réo rắt âm hưởng của câu thơ Kiều, câu thơ Chinh phụ. Có khi lại là
cái giọng mộc mạc, đằm thắm của ca dao, dân ca. Sáng tạo tài năng nhất của
Tố Hữu, nhìn chung không ở những từ ngữ mới lạ, những so sánh tân kì, mà
ở những hòa phối âm thanh, nhịp điệu có sức diễn tả độc đáo.”[ 11, 42]. Nhạc
tính của câu thơ không chỉ ở chữ nghĩa mà còn ở những khoảng trống, những
chỗ im lặng giữa các chữ, các dòng. Và nhạc của câu thơ không chỉ là nhạc
của âm thanh, lời thơ mà quan trọng hơn là ở thứ nhạc của tâm tình, cảm xúc
được phổ vào những chữ, lời trong một cách tổ chức đặc biệt của thơ ca.
Tất cả những nét độc đáo trên về nội dung tư tưởng cũng như về
hình thức nghệ thuật trong các sáng tác của thơ Tố Hữu đã tạo nên Tố Hữumột cây bút xuất sắc nhất, một gương mặt tiêu biểu nhất của nền văn học cách
mạng Việt Nam thế kỉ XX.
1.2.2. Khuynh hướng chủ đạo trong thơ Tố Hữu trước 1975
1.2.2.1. Thuật ngữ “khuynh hướng”
Khuynh hướng ( tiếng Anh: tendency, tiếng Pháp: tandancy)
Theo Từ điển thuật ngữ Mĩ thuật phổ thông có ba cách hiểu:
1. Sức mạnh hướng một người nào đó vào một số mục đích.
2. Định hướng đặc biệt của một sự việc, một phong trào chính trị,
nghệ thuật hay kinh tế.

Nguyễn Thị Vóc - K33A Văn

26



×