Tải bản đầy đủ (.pdf) (107 trang)

Quan hệ việt nam liên xô thời kỳ 1954 1975

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (903.16 KB, 107 trang )

LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành khóa luận, em đã nhận được sự giúp đỡ tận tình quý báu
của các thầy cô giáo trong khoa Lịch sử, các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy
bộ môn Lịch sử Việt Nam, sự đóng góp của các bạn sinh viên. Em xin chân
thành cảm ơn sự giúp đỡ và đóng góp quý báu của quý thầy cô và các bạn.
Em cũng xin gửi lời cảm ơn tới các cán bộ của thư viện trường Đại học
Sư phạm Hà Nội 2, cùng các cán bộ thư viện Quốc gia Việt Nam đã cung cấp
cho em những tài liệu có giá trị để em hoàn thành công trình này.
Đặc biệt, em xin chân thành cảm ơn cô giáo Phan Thị Thúy Châmđã
giúp đỡ, chỉ bảo tận tình để em hoàn thành khóa luận này.
Là một sinh viên lần đầu tiên nghiên cứu khoa học nên khóa luận của
em không tránh khỏi những thiếu sót, vì vậy em rất mong nhận được những ý
kiến đóng góp của các thầy cô và bạn bè để khóa luận được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 01 tháng 05 năm 2013
Sinh viên

Nguyễn Thị Xuyền


LỜI CAM ĐOAN

Dưới sự hướng dẫn tận tình của cô Phan Thị Thúy Châm, em đã hoàn
thành khóa luận với đề tài “Quan hệ Việt Nam – Liên Xô thời kỳ 1954 –
1975”. Em xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân, đồng em
xin cam đoan kết quả của khóa luận không trùng với bất kỳ một công trình
nghiên cứu nào. Nếu sai em xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Hà Nội, ngày 01 tháng 05 năm 2013
Sinh viên



Nguyễn Thị Xuyền


BẢNG KÝ HIỆU NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

XHCN

: Xã hội chủ nghĩa

CNĐQ

: Chủ nghĩa đế quốc

VNDCCH

: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

ĐCSVN

: Đảng cộng sản Việt Nam

ĐCSLX

: Đảng cộng sản Liên Xô

LBCHXHCN

: Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa



MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................... 01
1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................... 01
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ........................................................................ 01
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu ............................................. 03
4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu .............................................. 04
5. Đóng góp của khóa luận ........................................................................... 05
6. Bố cục của khóa luận................................................................................ 05

NỘI DUNG ................................................................................................ 06
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN
XÔ TRƯỚC NĂM 1954 .......................................................................... 06
1.1. Những nhân tố tác động tới quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước
năm 1954.............................................................................................. 06
1.1.1. Bối cảnh quốc tế ......................................................................... 06
1.1.2. Tình hình Liên Xô ...................................................................... 07
1.1.3. Tình hình Việt Nam .................................................................... 09
1.2. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trước năm 1954....................................... 12
1.2.1. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực chính trị, ngoại
giao............................................................................................. 12
1.2.2. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong viện trợ quân sự .................. 19
1.2.3. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực văn hóa và giáo
dục – đào tạo .............................................................................. 21
Tiểu kết chương 1 ........................................................................................ 24

Chương 2: QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN XÔ THỜI KỲ 1954
-1975 ........................................................................................................... 26



2.1. Những nhân tố tác động tới quan hệ Việt Nam - Liên Xô thời kỳ
1954 -1975 ........................................................................................... 26
2.1.1 Quan hệ giữa ba nước Mỹ - Xô – Trung Quốc ............................. 26
2.1.2 Chính sách của Liên Xô ............................................................... 31
2.1.3. Chính sách của Việt Nam ........................................................... 35
2.2. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô giai đoạn 1954 -1964 .............................. 36
2.2.1. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực chính trị - ngoại
giao............................................................................................. 36
2.2.2. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực kinh tế - thương
mại ............................................................................................. 42
2.2.3. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực giáo dục – đào
tạo, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, y tế ........................................ 48
2.3. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô giai đoạn 1965 -1975. ............................. 53
2.3.1. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực chính trị - ngoại
giao............................................................................................. 53
2.3.2. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong vấn đề viện trợ quân sự ....... 65
2.3.3. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực kinh tế - thương
mại ............................................................................................. 68
2.3.4. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực văn hóa – giáo
dục, khoa học – kỹ thuật, thông tin ............................................. 73
Tiểu kết chương 2 ........................................................................................ 78

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM, BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG
QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN XÔ THỜI KỲ 1954 -1975.............. 81
3.1. Đặc điểm của quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong thời kỳ 1954 -1975........ 81
3.1.1. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô được củng cố và phát triển
dựa trên cơ sở lợi ích riêng của mỗi bên trong sự kết hợp với


lợi ích chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ

nghĩa xã hội ................................................................................ 81
3.1.2. Sự giúp đỡ của Liên Xô là to lớn, toàn diện và có hiệu quả ........ 83
3.1.3. Quan hệ với Việt Nam thời kỳ này Liên Xô giữ thái độ chân
tình, bình đẳng và trọng thị ......................................................... 86
3.1.4. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô chịu ảnh hưởng lớn bởi nhân
tố Trung Quốc. ........................................................................... 88
3.2. Bài học kinh nghiệm trong quan hệ Việt Nam – Liên Xô ...................... 91
3.2.1. Kinh nghiệm tiến hành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,
đánh giá đúng bản chất ban lãnh đạo, coi trọng lợi ích chiến
lược toàn cầu của Liên Xô .......................................................... 91
3.2.2. Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và
tinh thần quốc tế của Xã hội chủ nghĩa ....................................... 94
3.2.3. Tăng cường hợp tác toàn diện ..................................................... 94
Tiểu kết chương 3......................................................................................... 95

KẾT LUẬN ......................................................................................... 96
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................. 98


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam - Liên
Xô (hiện nay là quan hệ Liên Bang Nga) có một vị trí đáng kể, đã và đang
góp phần tích cực vào sự phát triển của mỗi nước.
Quan hệ giữa hai dân tộc Việt -Xôtrong lịch sử được biểu hiện ngay từ
những lần tiếp xúc đầu tiên của người Nga với người Việt Nam vào giữa thế kỷ
XIX.Theo nguồn tài liệu Nga thì vào năm 1891, trong chuyến du khảo Viễn
Đông “một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nga là Nga hoàng Nikolai Đệ nhị khi còn là Thái tử đã viếng thăm Sài Gòn trên chiến hạm Gzov” [7, tr.27].Tuy
nhiên, mối quan hệ giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam chỉ thực sự
bắt đầu từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

Tuy nhiên, do tác động của hoàn cảnh lịch sử phức tạp lúc bấy giờ, phải
đến năm 1950 quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam -Liên Xô mới chính thức
được thiết lập.
Tính từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay, mối
quan hệ giữa Liên Xô - Việt Nam đã trải những giai đoạn phát triển khác
nhau.Nhưng giai đoạn 1954 - 1975 là giai đoạn quan hệ giữa hai nước để lại
dấu ấn sâu đậm trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Mối quan hệ ở
thời kỳ này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng đất nước,
đồng thời cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự lớn mạnh của Liên Xô.
Thời kỳ1954 -1975, cũng là thời kỳ mà mối quan hệ giữa Việt Nam và
Liên Xô được củng cố và phát triển trong bối cảnh quốc tế phức tạp với sự
đan xen lợi ích của các cường quốc. Vì vậy, quan hệ Việt Nam – Liên Xô,
nhất là thời kỳ 1954 – 1975 là vấn đề quan trọng trong lịch sử ngoại giao của
hai nước, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu.

1


Nghiên cứu vấn đề quan hệ Việt Nam – Liên Xô có ý nghĩa khoa học
sâu sắc: thấy được mối quan hệ của Việt Nam – Liên Xô kể từ khi hai nước
thiết lập mối quan hệ, nhất là thời kỳ 1954 – 1975, lợi ích của hai nước trong
mối quan hệ này, sự tác động của các nước lớn đối với quan hệ giữa hai nước.
Nghiên cứu vấn đề này còn mang ý nghĩa thực tiễn: trên cơ sở làm sáng
tỏ mối quan hệ Việt – Xô trong thời kỳ này tạo cơ sở cho chính sách ngoại giao
đúng đắn, phù hợp với Liên Xô trong bối cảnh ngày nay, góp phần xây dựng
kinh tế, văn hóa của đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tổ quốc.
Xuất phát từ ý nghĩa khoa học và thực tiễn đó, tôi đã chọn đề tài “Quan
hệ Việt Nam – Liên Xô thời kỳ 1954 – 1975” làm đề tài cho khóa luận tốt
nghiệp của mình.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Việc tìm hiểu mối quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong lịch sử nói chung
và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam nói riêng đã
được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu.
Trước tiên, ta phải kể đến các công trình nghiên cứu tiêu biểu như “Việt
Nam – Liên Xô 30 năm quan hệ 1950 – 1980” xuất bản năm 1983 của nhà
xuất bản ngoại giao Hà Nội và nhà xuất bản tiến bộ Matxcơva đã đề cập đến
mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô thông qua những văn kiện
quan trọng.
Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu tổng kết về thắng lợi của mối
quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa cũng được công bố,
như cuốn “Quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên Xô” do
nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1975, cuốn “Thắng lợi của tình hữu nghị
và hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên Xô” do nhà xuất bản Sự thật Hà Nội ấn
hành năm 1983.

2


Đặc biệt là công trình nghiên cứu “Quan hệ Việt Nam – Liên Xô 1917 –
1991: những sự kiện lịch sử” của TS. Nguyễn Thị Hồng Vân do nhà xuất bản
Từ điển bách khoa ấn hành năm 2010 đã ghi lại những sự kiện quan trọng
trong hoạt động chính trị - ngoại giao, văn hóa – xã hội giữa Việt Nam và
Liên Xô trong thời kỳ 1917 – 1991.
Các bài viết “Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong kháng chiến chống Mỹ
1954 – 1975” của tác giả Phạm Quang Minh in trên Tạp chí Lịch sử quân sự
số 205(2009), “Góp phần tìm hiểu về quan hệ Việt – Xô 1954 – 1964” của tác
giả Nguyễn Thị Mai Hoa in trên Tạp chí Lịch sử quân sự số 239, (2011) đã
phản ánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trong thời kỳ kháng chiến
chống Mỹ.

Kế thừa kết quả của những người đi trước, tôi nghiên cứu vấn đề
“Quan hệ Việt Nam – Liên Xô thời kỳ 1954 – 1975” một cách hệ thống và
toàn diện với mong muốn phác họa toàn cảnh mối quan hệ Việt – Xô cũng
như nêu lên được thực chất, đặc điểm của mối quan hệ Việt Nam – Liên Xô
thời kỳ này. Qua đó, chúng ta có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm
cho mối quan hệ Việt – Xô ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
3.1.Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của đề tài là nhằm nêu rõ quan hệ Việt Nam –
Liên Xô thời kỳ 1954 – 1975.Từ đó, rút ra những đặc điểm và bài học kinh
nghiệm trong quan hệ Việt Nam – Liên Xô.
3.2.Nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này tôi giải quyết các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất,khái quát về mối quan hệ Việt Nam–Liên Xô trước năm 1954.
Thứ hai,nêu rõ quan hệ Việt Nam – Liên Xô thời kỳ 1954 – 1975.

3


Thứ ba,rút ra đặc điểm, bài học kinh nghiệm trong quan hệ Việt Nam –
Liên Xô thời kỳ 1954 – 1975.
3.3.Phạm vi nghiên cứu
Về thời gian: Khóa luận nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Liên Xô thời
kỳ 1954 -1975. Bên cạnh đó, khóa luận cũng khái quát về mối quan hệ giữa
hai nước trong giai đoạn trước đó để làm cơ sở cho việc phân tích quan hệ
Việt Nam – Liên Xô trong kháng chiến chống Mỹ.
Về nội dung: Nghiên cứu mối quan hệ Việt – Xô trên tất cả các mặt
chính trị - ngoại giao, quan hệ trên lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Trong đó, tôi chú trọng khai thác những điểm tích cực trong mối quan hệ này.
4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu

4.1. Nguồn tài liệu
Nghiên cứu đề tài, tôi sử dụng nguồn tài liệu gốc như những tuyên bố
chính thức của hai Đảng, hai Nhà nước về quan hệ ngoại giao, các phát biểu
của những nhà lãnh đạo, báo cáo của các cơ quan Nhà nước về viện trợ của
Liên Xô cho Việt Nam.
Ngoài ra, tôi sử dụng nhiều nguồn tài liệu tham khảo khác như sách
viết về quan hệ Việt Nam – Liên Xô giai đoạn này và những bài nghiên cứu
có liên quan đăng trên tạp chí Lịch sử quân sự, Tạp chí nghiên cứu lịch sử…
nguồn tài liệu trên mạng Internet.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, tôi đã sử dụng phương pháp luận sử học mácxít và
tư tưởng Hồ Chí Minh để đánh giá, nhận xét các sự kiện, hiện tượng lịch sử.
Sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp phương pháp logic, trong đó
phương pháp lịch sử là chủ yếu.Ngoài ra, còn sử dụng phương pháp thống kê,
đối chiếu, phân tích, so sánh xác minh sự kiện, hiện tượng lịch sử.

4


5. Đóng góp của khóa luận
Trên cơ sở nguồn tài liệu đã tập hợp, khóa luận bước đầu hệ thống bức
tranh toàn cảnh quan hệ Việt Nam – Liên Xô thời kỳ 1954 – 1975.
Khóa luận góp phần vào hệ thống tư liệu phục vụ cho quá trình tìm
hiểu về mối quan hệ Việt Nam – Liên Xô.
6. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục các tài liệu tham
khảo, khóa luận gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát về quan hệ Việt Nam – Liên Xô trước năm 1954.
Chương 2: Quan hệ Việt Nam - Liên Xô thời kỳ 1954 -1975.
Chương 3: Đặc điểm, bài học kinh nghiệm của quan hệ Việt Nam Liên Xô thời kỳ 1954 -1975.


5


NỘI DUNG

Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN XÔ
TRƯỚC NĂM 1954
1.1.NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TỚI QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN
XÔ TRƯỚC NĂM 1954
1.1.1. Bối cảnh quốc tế
Sau chiến tranh thế giới thứ II (1939 -1945), bản đồ chính trị thế giới
về căn bản thay đổi, trật tự thế giới mới - trật tự hai cực Ianta được hình thành
trên cơ sở lợi ích của các cường quốc với hai hệ thống đối lập nhau: một bên
là do Liên Xô đứng đầu đại diện cho các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và chủ nghĩa xã hội, một bên do Mỹ đứng đầu đại diện cho các lực
lượng đế quốc và phản động quốc tế.
Vì bị chi phối nặng nề bởi “chiến tranh lạnh” do Mỹ phát động, trật tự
hai cực Xô - Mỹ đã có những ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ mối quan hệ
quốc tế, lôi cuốn các khu vực, các quốc gia phát triển theo xu hướng có lợi
cho mỗi cực.
Đến giai đoạn 1950 -1954, sự đối đầu giữa hai cực Xô - Mỹ ngày càng
trở nên gay gắt, chiến tranh lạnh đã lên đến đỉnh điểm được đánh dấu bằng
cuộc chiến tranh cục bộ Triều Tiên (1950 -1953).
Cùng với việc củng cố địa vị của mình ở Tây Âu và những khu vực
khác, Mỹ đã xác lập những căn cứ và liên minh quân sự bao quanh Châu Á Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản đang phát triển ở Châu
Á. Năm 1951, Mỹ ký hiệp ước an ninh với Philippin, lập khối liên minh quân
sự ANZUS gồm Mỹ, Ôtxtrâylia, Niudilân, ký hiệp ước hòa bình với Nhật.


6


Theo đó, Mỹ có quyền đóng quân lâu dài trên đất Nhật. Trong những năm
1952, 1953 và 1954, Mỹ tiếp tục ký Hiệp ước phòng thủ chung với Nam
Triều Tiên, thành lập khối liên minh quân sự của Mỹ ở Nhật, Nam Triều Tiên,
Đài Loan, Philippin, Thái Lan, Pakixtan,...
1.1.2. Tình hình Liên Xô
Sau chiến tranh, vị trí của Liên Xô được nâng cao trên trường quốc tế,
trở thành cường quốc mạnh nhất ở Châu Âu, là trụ cột của phe XHCN. Tuy
nhiên, do bị tổn thất nặng nề, nên sau khi chiến tranh kết thúc, Liên Xô khẩn
trương bắt tay vào việc khôi phục đất nước mà không có bất kỳ sự viện trợ
nào từ bên ngoài. Bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, tự lực cánh
sinh, Liên Xô đã giành được những thắng lợi quan trọng trong kế hoạch 5
năm lần thứ IV (1946 -1950) về khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân.
Trên các lĩnh vực khác, Liên Xô cũng gặt hái được những thành tựu, nhất là
lĩnh vực quốc phòng.Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử,
chấm dứt sự độc quyền của Mỹ về loại vũ khí này.
Là một nhà nước XHCN, kể từ khi thành lập chính sách hòa bình, hợp
tác hữu nghị vẫn là điểm chủ chốt cơ bản trong hoạt động ngoại giao của nhà
nước Xô Viết. Chính sách đó càng được Liên Xô đề cao trong điều kiện Mỹ
luôn tìm cách phá vỡ nền hòa bình bằng việc phát động “chiến tranh lạnh”
nhằm tiêu diệt Liên Xô và hệ thống XHCN.
Sau chiến tranh, chính sách đối ngoại của Liên Xô đó là: “Phát triển
tình đoàn kết anh em với các nước dân chủ nhân dân, củng cố toàn diện hệ
thống Xã hội chủ nghĩa thế giới, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của các
nước đang đấu tranh xóa bỏ ách thống trị thực dân, hợp tác hữu nghị với các
quốc gia độc lập trẻ tuổi, bảo vệ hòa bình, vạch trần chính sách đe dọa an ninh
chung của giới cầm quyền Mỹ và có những biện pháp đích đáng đối với
những hành động của chúng” [12,tr.26].


7


Thực hiện chính sách đó, trong thời gian từ 1945 đến 1950 Liên Xô đã
ký một loạt các hiệp ước hữu nghị, tương trợ với các nước như: Hiệp ước
hữu nghị, tương trợ và hợp tác sau chiến tranh giữa Liên Xô – Tiệp Khắc
ngày 12/12/1943, Hiệp ước giữa Liên Xô – Ba Lan ngày 21/4/1945,Hiệpước
giữaLiênXô-Bungari ngày18/3/1948, Hiệp ước giữa Liên Xô – Hunggari
ngày 18/2/1948, Hiệp ước giữa Liên Xô – Rumani ngày 4/2/1948...Với các
hiệp ước hữu nghị, hợp tác này Liên Xô đã dành cho các nước Trung – Đông
Âu những khoản tín dụng dài hạn, giúp đỡ khoa học, kỹ thuật, công nghệ,
lương thực, nguyên liệu và kinh nghiệm quản lý kinh tế, giúp các nước Đông
Âu chống lại chính sách bao vây, cô lập kinh tế do Mỹ và các nước Tây Âu
tiên hành. Đồng thời, qua đó Liên Xô đã xác lập vai trò ảnh hưởng của mình ở
khu vực Trung – Đông Âu.Liên Xô cũng đóng vai trò trụ cột là nhân tố quyết
định sự tồn tại của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) thành lập tháng 1/1949
giữa các nước đó.
Bên cạnh việc bảo vệ, giúp đỡ các nước ở Châu Âu, Liên Xô tiếp tục
mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngày 14/2/1950, Liên Xô ký với Trung Quốc “Hiệp ước hữu nghị, đồng minh
và tương trợ lẫn nhau”. Đây là sự kiện có tác động mạnh mẽ tới quan hệ giữa
Liên Xô với các nước Châu Á, đặc biệt tạo sự chuyển biến mới trong quan hệ
Việt Nam – Trung Quốc – Liên Xô. Để củng cố mối quan hệ Xô – Trung,
năm 1952, Liên Xô còn ký với Trung Quốc một hiệp ước trị giá 300 triệu
USD, sau đó cấp 500 triệu rúp với lãi xuất ưu đãi.
Tiếp đó, trong chuyến đi thăm Trung Quốc tháng 10/1954, Khơrupsốp
đã ký một loạt Hiệp định với Trung Quốc để khẳng định tình đoàn kết, hữu
nghị giữa hai nước và ký kết 5 văn kiện phụ lục: Liên Xô rút khỏi cảng Đại
Liên, Lữ Thuận; bán lại các Công ty liên doanh Xô – Trung thành lập năm

1950 – 1951 cho Trung Quốc; xây dựng đường sắt Lan Châu – Alma Ata và
Cát Lân – Ulan Bato; ký kết chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật 5 năm.

8


Thời gian này, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc rất tốt đẹp.Trong
giai đoạn này Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ đường lối và thừa nhận sự lãnh
đạo của Liên Xô đối với phe XHCN.Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung
Quốc đã khôi phục được nền kinh tế trong thời gian ngắn và đã xây dựng
được sơ sở quan trọng cho nền công nghiệp nặng của mình.
Bên cạnh Trung Quốc, Liên Xô còn ký Hiệp ước hữu nghị và tương trợ
lẫn nhau ngày 27/2/1946 với Mông Cổ; Hiệp định hợp tác về kinh tế và văn
hóa tháng 3/1949 với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.Những hiệp ước
này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công cuộc xây dựng và củng cố nền
độc lập của các nước, đồng thời tăng cường sức mạnh cho hệ thống
XHCN.Qua đó, Liên Xô cũng có điều kiện thuận lợi hơn để giúp đỡ cách
mạng Việt Nam và ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ.
Như vậy, chính sách ngoại giao tích cực, chủ động của Liên Xô là một
trong những nhân tố góp phần đưa tới sự xác lập mối quan hệ Việt Nam Liên Xô, đồng thời đưa tới sự lớn mạnh không ngừng của phe XHCN.
1.1.3. Tình hình Việt Nam
Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Nhà nước VNDCCH vừa mới ra
đời (2/9/1945) còn đang trong trứng nước đã phải đương đầu với muôn vàn
khó khăn, chính quyền cách mạng vừa mới thành lập song đã phải đối đầu với
giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Vận mệnh dân tộc lúc đó như “ngàn cân
treo sợi tóc”.
Trước tình hình đó, ngày 3/10/1945 Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã
kịp thời đưa ra chính sách ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc
tế và xem đây là một trong những nhân tố góp phần đưa nước nhà đến sự độc
lập hoàn toàn vĩnh viễn. Nội dung cơ bản của chính sách ngoại giao là mong

muốn hợp tác với các nước đồng minh, sẵn sàng thân thiện, hợp tác với các
nước nhược tiểu dân tộc, cùng với hai người bạn Lào và Cao Miên chống lại

9


sự xâm lăng của Pháp và giúp đỡ nhau trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Riêng với chính phủ Pháp Đờ Gôn, chủ trương thống trị Việt Nam thì quan
điểm đối ngoại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là kiên quyết chống lại.
Còn những kiều đân Pháp, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho họ làm ăn sinh
sống, nếu họ tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam.
Từ năm 1947 đến năm 1949, cùng với những thắng lợi trên các chiến
trường, hoạt động đối ngoại của nhà nước Việt Nam trở nên sôi động, chủ
động và tích cực hơn bằng những hình thức phong phú, đa dạng. Lúc này,
hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam bắt đầu hướng ra quan hệ hợp
tác với quốc tế.Ngày 14/7/1947, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Băng Cốc
chính thức đi vào hoạt động.Năm 1948, Việt Nam lập cơ quan đại diện ở
Miến Điện, đồng thời lập quan hệ với Ấn Độ, Inđônêxia, Pakixtan dưới nhiều
hình thức khác nhau.Chính phủ Việt Nam còn cử phái viên đến các nước để
mở rộng quan hệ với các tổ chức dân chủ, hòa bình, các Đảng anh em ở các
châu lục.Trên các diễn đàn quốc tế, các đại biểu của Việt Nam đã dự 12 hội
nghị quốc tế và khu vực. Trong thời gian này, Việt Nam đã tổ chức được 10
phòng thông tin ở các quốc gia khác nhau như Pari, NiuOóc, Luân Đôn, Băng
Cốc, Hồng Kông, Tân Đảo, Singapo, Niuđêli.
Nếu như sau cách mạng tháng Tám, Việt Nam bị cô lập không nhận
được sự công nhận cũng như sự giúp đỡ của các nước thì đến thời gian này,
hoạt động ngoại giao của nước VNDCCH đã thu được những thắng lợi đáng
kể, bước đầu phá được sự cô lập với bên ngoài, tranh thủ được sự đồng tình,
ủng hộ của các nước làm cho cuộc kháng chiến hòa với xu hướng chống chủ
nghĩa thực dân, CNĐQ vì độc lập, hòa bình và dân chủ.

Riêng đối với Liên Xô, trụ cột của phe chủ nghĩa xã hội, Đảng ta vẫn
tiếp tục phát triển mối quan hệ truyền thống cũ, tuyên truyền bảo vệ Liên Xô
khỏi sự xuyên tạc của bọn thù địch, nâng cao vai trò của Liên Xô trên vũ đài
quốc tế, tiến hành tổ chức kỷ niệm cách mạng tháng Mười.

10


Một điều đáng chú ý là với tư cách một nước vừa mới giành độc lập,
Việt Nam đã rất sớm có mối quan hệ với nhà nước Xô Viết để tranh thủ sự
ủng hộ và giúp đỡ của bạn.
Hai mươi ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí
Minh gửi mật điện cho Chủ tịch I.V. Xtalin, thông báo khẩn cấp về tình hình
Việt Nam và đề nghị Liên Xô có giải pháp hỗ trợ. Ngày 21/10/1945, Chủ tịch
Hồ Chí Minh gửi công hàm cho chính phủ Liên Xô. Nội dung công hàm lên
án mạnh mẽ chính sách phản động, nhu nhược và đầu hàng phát xít Nhật của
thực dân Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và âm mưu tái chiến
Đông Dương của chúng sau khi nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập.
Bức công hàm nêu rõ: “Nhân dân An Nam muốn hợp tác với Liên Hợp Quốc
trong việc bảo vệ hòa bình lâu dài trên thế giới...Cương quyết đấu tranh chống
lại chúng bất cứ tình huống nào...” [27, tr.101].
Ngày 30/1/1950, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoàng
Minh Giám gửi công hàm cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai
nước “kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi đại sứ” [26, tr.112].
Kể từ chiến thắng Biên Giới tháng 10/1950, cuộc kháng chiến chống
Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn mới với liên tiếp những
thắng lợi trên chiến trường: Năm 1953 -1954 thắng lợi trong chiến cuộc Đông
- Xuân và tháng 5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân dân Campuchia và
Lào cũng giành được thắng lợi to lớn. Với viện trợ của Mỹ cũng đã không
giúp Pháp giữ được Việt Nam và Đông Dương. Để Đông Dương không rơi

vào tay cộng sản, không trở thành phản ứng dây chuyền “đe dọa” đến địa vị
của Mỹ ở khu vực như thuyết Đôminô của Mỹ đưa ra, Mỹ tìm cách thay thế
Pháp nhằm xác lập vị trí của mình ở Đông Dương.
Từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, khi “chiến tranh lạnh” đến đỉnh
điểm, xuất hiện xu thế hòa dịu giữa các cường quốc để giải quyết vấn đề quốc

11


tế. Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao bốn cường quốc: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp
tại Beclin tháng 1/1954, đưa ra những biện pháp làm dịu tình hình trong quan
hệ quốc tế và triệu tập Hội nghị năm nước lớn với sự tham gia của Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa để giải quyết hàng lọat vấn đề, trong đó sẽ triệu tập Hội
nghị Giơnevơ về chấm dứt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và
lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Tình hình trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Xô – Việt. Một mặt,
Liên Xô ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, mặt khác
vì lợi ích chiến lược, muốn tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương.
1.2. QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN XÔ TRƯỚC NĂM 1954
1.2.1. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao
Liên Xô và Việt Nam tuy cách xa nhau hàng vạn dặm, nhưng giữa hai
dân tộc đã có những cuộc tiếp xúc với nhau từ rất sớm. Theo những tài liệu do
các nhà sử học Nga sưu tầm: vào năm 1862, một chiếc tàu thuộc hạm đội hải
quân Nga trên chuyến vòng quanh thế giới đã thả leo tại vịnh Sài Gòn. Trong
số những người trên tàu, có nhà văn dân chủ Nga Makhailôvich Xtanhiucôvich
– người đã ghi lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong hồi ký của mình về mảnh
đất Nam Bộ của Việt Nam: “Người dân địa phương khi biết rằng con tàu lạ
lẫm này tới đây với mục đích hòa bình, đã đón tiếp những sứ giả của đất nước
Nga xa xôi với một tình cảm chân thành. Về phía mình, những người thủy thủ
Nga cũng đáp lại họ bằng một lòng cảm thông sâu sắc với cuộc đấu tranh bi

tráng của nhân dân Việt Nam chống lại bọn thực dân ngoại
quốc”[18,tr.3].Như vậy, ngay từ giữa thế kỷ XIX, những người thủy thủ Nga
đã đem những bức thông điệp của tình hữu nghị đầu tiên đến với Việt Nam.
Song phải đến khi cuộc Cách mạng tháng Mười Nga thành công thì tên
gọi nước Nga mới trở nên quen thuộc với những nhà yêu nước Việt Nam và
toàn thể nhân dân lao động Việt Nam.

12


Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười Nga vang vọng đến “năm
châu bốn biển”, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người, cổ vũ mạnh
mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Như chủ
tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Như ánh mặt trời chói lọi cách mạng tháng
Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp
bức bóclột trên toàn thế giới [13,5].
Tác động to lớn nhất và quan trọng nhất của cách mạng tháng mười
Nga đối với cách mạng Việt Nam là đã vạch ra con đường cứu nước đúng đắn
cho dân tộc Việt Nam. Khi đọc được “Luận cương về các vấn đề dân tộc và
thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc nhận thức được rằng: chính cách
mạng vô sản theo khuôn mẫu của Cách mạng tháng Mười là con đường đúng
đắn duy nhất để giải phóng dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở những ý kiến của
Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng một
hệ thống chiến lược cho cách mạng Việt Nam, dẫn đến thắng lợi của Cách
mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam độc lập. Nguyễn Ái Quốc là
người Việt Nam đầu tiên nhận thức được một cách đầy đủ và sáng tạo nhất tư
tưởng tiến bộ của Cách mạng tháng Mười, của Lênin – tư tưởng kết hợp chủ
nghĩa xã hội với độc lập dân tộc và coi đó là con đường duy nhất đúng đắn để
giảiphóng đất nước, giải phóng dân tộc.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc được sơ thảo đề cương về vấn

đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Bản đề cương đã chỉ cho Người thấy con
đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc mình. Từ đó, Người tin theo Lênin.
Tháng 6/1923, được sự giúp đỡ của Đảng cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc
được cử sang công tác ở Maxcơva. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ trong
cuộc đời hoạt động của Người mà còn với cách mạng Việt Nam.Trong thời
gian sống và hoạt động tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tận mắt chứng kiến
những thành quả đặc biệt trong lĩnh vực xã hội của đất nước và nhân dân Xô

13


Viết.Tại quê hương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc vừa công tác tại Quốc tế
nông dân, vừa công tác tại bộ Phương Đông, tham gia lớp học ngắn ngày tại
Trường Đại học Phương Đông Matxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã tham dự nhiều
đại hội quốc tế quan trọng ở Liên Xô: Đại hội thành lập quốc tế nông dân, Đại
hội quốc tế nông hội đỏ, đặc biệt là Đại hội V Quốc tế cộng sản (17/6 đến
8/7/1924). Tại các diễn đàn, Nguyễn Ái Quốc đều có những bài tham luận
trình bày chi tiết đời sống của công nhân,nông dân ở các nước thuộc địa, đánh
giá các cuộc đấu tranh của họ, vừa để thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế
đối với cuộc đấu tranh ở Việt Nam, vừa để tuyên truyền, giương cao ngọn cờ
của Lênin. Sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô trong những năm 20 30 của thế kỷ XX đã góp phần mở đầu cho các mối quan hệ Liên Xô – Việt
Nam, từng bước thiết lập một cách vững chắc và lâu dài tình hữu nghị, đoàn
kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Ngay sau khi ra đời, Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí
Minh, đã tích cực tiến hành các hoạt động ngoại giao để các nước trên thế
giới, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa phải công nhận và ủng hộ Việt
Nam, song những cố gắng đó chưa đem lại kết quả. Sau chiến tranh, Liên Xô
còn lo củng cố các mối quan hệ quốc tế và ổn định tình hình trong nước.Mặt
khác do các nhà lãnh đạo Liên Xô chưa tin tưởng vào mặt trận Việt Minh do
Đảng cộng sản lãnh đạo cho nên Việt Nam chưa nhận được sự ủng hộ nào từ

phía Liên Xô.
Trong thời gian từ 1917 đến 1950 Việt Nam – Liên Xô chưa thiết lập
quan hệ ngoại giao, mối quan hệ ấy mới chỉ dừng lại ở việc Liên Xô với tư
cách là trung tâm của phong trào cộng sản thế giới đã giúp đỡ Việt Nam đào
tạo cán bộ cốt cán, còn về phía Việt Nam những người yêu nước mà nổi bật là
Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt
Nam từ sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga, đó là con đường cách
mạng vô sản và quyết tâm đi theo con đường ấy.

14


Ngày 30/1/1950, sau khi cách mạng Việt Nam giành được những thắng
lợi đáng kể và tình hình Châu Á có thay đổi lớn sau thắng lợi của cách mạng
Trung Quốc, Liên Xô đã tuyên bố công nhận và chính thức thiết lập quan hệ
ngoại giao với Việt Nam, mở ra một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ hợp tác
toàn diện giữa hai nước.Quan hệ Việt Nam – Liên Xô từng bước được đẩy
mạnh từ sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyên soái Xtalin
(3/2/1950). Liên Xô chủ động phối hợp với Việt Nam và các nước dân chủ
nhân dân tuyên truyền, từng bước nâng cao vị thế củaViệt Nam trên trường
quốc tế, đề cao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt
nam. Trước đó, năm 1949, Chính phủ Pháp đã đề nghị Liên Xô công nhận và
ủng hộ Chính phủ Bảo Đại và Liên Hợp Quốc.Song Liên Xô không ủng hộ đề
nghị này của Pháp. Ngày 25/9/1949, trong báo cáo gửi I.V.Xtalin về vấn đề
này, Thứ trưởng thứ nhất bộ ngoại giao Liên Xô A. A. Grômưcô viết: “...
Chính phủ Bảo Đại mà Chính phủ Pháp mưu toan sử dụng trong cuộc đấu
tranh chống lại phong trào giải phóng dân tộc không được sự ủng hộ thực tế
nào trong nước và là bù nhìn của Chính phủ Pháp.Liên Xô tất nhiên không thể
thừa nhận sự tồn tại của chính phủ này và giá trị các thỏa thuận của nó với
nước Pháp” [26, tr.113].

Ngày 31/1/1950, báo Sự thật (Liên Xô) đăng bài tẩy chay Chính phủ
Bảo Đại và nêu rõ: “Chính phủ bù nhìn Bảo Đại là bọn người vô dụng, bởi vì
chúng chỉ là một nhóm nhỏ gồm bọn phản động và không đại diện được cho
ai cả” [26, tr.113].
Tháng 2/1952, với tư cách là Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên
Hợp Quốc, Liên Xô phủ quyết đề nghị của chính quyền Bảo Đại xin gia nhập
tổ chức này, trước sau khẳng định VNDCCH là đại biểu duy nhất và hợp pháp
của nhân dân Việt Nam và ủng hộ VNDCCH trở thành thành viên của Liên
Hợp Quốc. Tuy nhiên, đề nghị của Liên Xô đã bị Pháp, Mỹ, Anh phản đối và

15


phủ quyết.Theo họ nước VNDCCH “không phải là một quốc gia”.Còn lập
trường của Liên Xô vẫn luôn luôn khẳng định VNDCCH là đại biểu duy nhất
và hợp pháp của nhân dân Việt Nam.
Song từ năm 1953, vì lợi ích chiến lược của mình, Liên Xô bắt đầu điều
chỉnh sâu hơn chính sách đối ngoại nhằm làm dịu tình hình căng thẳng.Liên
Xô đã nhận lời với Anh – Pháp điều đình với chính phủ Triều Tiên giải quyết
vấn đề tù binh, chiến tranh và ngoại kiều trên cơ sở giữa nguyên hiện trạng
hai miền Triều Tiên.Kết cục chiến tranh Triều Tiên đã mở ra xu hướng mới
cho việc giải quyết vấn đề xung đột vũ trang ở Đông Dương bằng một giải
pháp hòa bình, bằng thương lượng giữa các nước lớn và dân tộc bị xâm
chiếm. Vì vậy, ngày 4/8/1953 Liên Xô gửi công hàm cho Anh, Pháp, Mỹ đề
nghị triệu tập Hội nghị 5 nước: Liên Xô, Pháp, Anh, Mỹ và Trung Quốc để
tìm cách làm giảm bớt tình hình căng thẳng ở Viễn Đông và Đông Dương.
Việc Liên Xô chủ động đề nghị họp Hội nghị Giơnevơ 1954 trong lúc ở
Việt Nam, tình hình chiến sự đang trên đà tiến mạnh có lợi cho cách mạng.
Việt Nam quyết tâm giành thắng lợi trên mặt trận quân sự “đánh quỵ Pháp”
[15, tr.113] rồi mới đàm phán để tránh trường hợp như đã xảy ra ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, chính phủ nước VNDCCH cũng luôn có giải pháp mềm dẻo phù
hợp hoàn cảnh để giành thế có lợi cho cách mạng, nên cũng khẳng định lập
trường của mình: sẵn sàng kết thúc chiến tranh bằng thương lượng nếu “chính
phủ Pháp thật thà tôn trọng độc lập thật sự của Việt Nam” và “Việc thương
lượng đình chiến chủ yếu là việc giữa chính phủ VNDCCH với chính phủ
Pháp” [15, tr.169].
Đây cũng là thời điểm Mỹ từng bước thay thế Pháp ở Đông Dương và
Việt Nam để mở rộng chiến tranh ở khu vực này.Vì vậy, đề nghị của Liên Xô
là phù hợp với chủ trương hòa dịu tránh đụng đầu với Mỹ để chuẩn bị đi vào
hòa hoãn với Mỹ. Hơn nữa, Liên Xô cũng muốn đáp ứng ý đồ của Pháp là

16


muốn sớm có đình chiến để tranh thủ Pháp gạt bỏ Hiệp ước cộng đồng phòng
thủ Châu Âu.
Với tư cách là đồng Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, Liên
Xô đã phối hợp với các nước XHCN khác thúc đẩy nhanh quá trình ký kết
Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Về phía Việt Nam, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với tinh thần
chủ động, tích cực, ngày 3/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp tầu liên vận
tiếp tục cuộc hành trình bí mật sang Matxcơva sau khi đã sang thăm và tranh
thủ được sự ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc (ngày 2/1/1950). Đây là một
sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Liên Xô. Bởi lẽ trong
cuộc gặp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp những nhà trong Ban lãnh đạo
cấp cao Liên Xô như: Xtalin, Malencôp, Môlôtôp, Bulganhin, Khơrutsôp.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo về tình hình đấu
tranh cách mạng ở Việt Nam, về đường lối chiến lược, sách lược của Đảng
cộng sản Đông Dương, về sự giúp đỡ của quốc tế đối với cách mạng Việt
Nam. Sau khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, Ban lãnh đạo Liên Xô

nhìn chung tán thành đường lối chiến lược và sách lược của Đảng cộng sản
Việt Nam và đồng chí Xtalin nói: “Trước kia do nhiều nguồn tin chưa chính
xác nên lãnh đạo Liên Xô chưa hiểu tình hình Đông Dương và Việt Nam, nay
Liên Xô đồng tình với đường lối của Đảng Việt Nam sẽ cùng với các nước Xã
hội chủ nghĩa công nhận VNDCCH và tích cực viện trợ cho Việt Nam trong
cuộc kháng chiến và đào tạo cán bộ cho xây dựng hòa bình, Liên Xô sẽ phối
hợp với Trung Quốc về vấn đề viện trợ” [19, tr.121].
Sau chuyến thăm Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà lãnh
đạo Liên Xô hiểu rõ hơn về sự nghiệp cách mạng và cuộc chiến đấu của
nhân dân Việt Nam.Kể từ đây, các hoạt động hợp tác giữa hai bên từng bước
được tiến hành.

17


Trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 1954, Việt Nam đã có
những hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển.Nghị
quyết ngày 10/10/1950 của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương về Kỷ
niệm cách mạng tháng Mười Nga đã nhấn mạnh ý nghĩa hòa bình thế giới.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng cộng sản Đông Dương, các hoạt động kỷ
niệm cách mạng tháng Mười Nga diễn ra dưới nhiều hình thức: tại nhiều địa
phương xuất hiện quốc kỳ Việt Nam và Liên Xô cùng các khẩu hiệu, biểu ngữ
ca ngợi tình hữu nghị Việt – Xô, ủng hộ đất nước Xô Viết.
Ngày 6/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân kỷ niệm
Cách mạng tháng Mười. Nội dung bức điện có đoạn: “... Là thành trì của nhân
loại mới và tiến bộ, chúng tôi tin chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của
Ngài và Chính phủ Liên Xô, nước Xã hội chủ nghĩa Liên Xô càng ngày càng
cường thịnh, do đó mà hòa bình thế giới được bảo vệ, dân chủ được phát triển
và các dân tộc nhược tiểu được mau chóng giải phóng” [26, tr.116].
Trước tình hình thế giới và trong nước có những thay đổi thuận lợi cho

cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, đặc biệt là sau chiến thắng
Biên giới (1950), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng cộng sản Đông
Dương được triệu tập (tháng 2/1951). Đại hội khẳng định: “Cách mạng Việt
Nam là một bộ phận của phe dân chủ chống đế quốc do Liên Xô lãnh đạo” và
đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết củng cố tình hữu nghị với Liên Xô, đoàn
kết chặt chẽ với Liên Xô và học tập Liên Xô [26, tr.18].
Cũng trong năm 1952, một sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ
ngoại giao giữa hai nước đó là sự kiện Việt Nam chính thức mở Đại sứ quán
tại Matxcơva. Ngày 23/4/1952, tại điện Kremli, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại
Liên Xô, Nguyễn Lương Bằng đã trình quốc thư lên Chủ tịch Đoàn chủ tịch
Xô Viết tối cao Liên Xô N. M. Serơnich. Nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt
Nam tại Liên Xô lúc này là phát triển quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam với

18


Liên Xô và các nước Dân chủ nhân dân trong phe Xã hội chủ nghĩa, thu thập
tài liệu và kinh nghiệm về xây dựng và quản lý kinh tế, về đối nội và đối
ngoại, về chính sách ruộng đất và tổ chức chính quyền nhân dân của Liên Xô.
Cùng với đó, ngày 10/10/1952, nhân kỷ niệm lần thứ 35 Cách mạng
tháng Mười Nga, Trung ương Đảng ra Nghị quyết nhấn mạnh đến tình hữu
nghị Việt – Xô, vai trò to lớn của Liên Xô đối với phong trào đấu tranh vì hòa
bình trên thế giới. Thực hiện nghị quyết trên, tháng 10/1952 theo lời mời của
Ban chấp hành trung ương ĐCSLX Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự Đại hội
lần thứ XIX Đảng cộng sản Liên Xô. Tại đại hội, Người đã bày tỏ tình đoàn
kết gắn bó của Đảng và nhân dân Việt Nam với Đảng cộng sản và nhân dân
Liên Xô, qua đó giúp nhân dân Liên Xô và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc
đấu tranh chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành.
Trên diễn đàn quốc tế khác, Việt Nam luôn luôn đứng về phía Liên Xô
đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Kể từ năm 1950, cùng với

Liên Xô, Việt Nam tích cực tham gia nhiều hoạt động quốc tế bảo vệ hòa bình
như Đại hội hòa bình thế giới ở Viên (11/1951); Hội nghị Châu Á – Thái Bình
Dương vì hòa bình tổ chức ở Bắc Kinh (10/1952).
Có thể nói, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước thời gian này
đã rất thuận lợi cho các mối quan hệ trên những lĩnh vực khác.Ở giai đoạn
này, tuy Việt Nam và Liên Xô đã thiết lập quan hệ ngoại giao, song chưa có
những hoạt động trao đổi chính thức về mặt nhà nước.
1.2.2. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong viện trợ quân sự
Sau khi Việt Nam – Liên Xô thiết lập quan hệ với nhau, thực hiện lời
hứa trong cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xtalin, ngày 3/2/1950
Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Việt Nam. Hàng viện trợ của Liên Xô sẽ được
chuyển sang Trung Quốc, cùng hàng viện trợ của Trung Quốc đến với cách
mạng Việt Nam.

19


×