Tải bản đầy đủ (.pdf) (59 trang)

Bước đầu nghiên cứu phân loại chi thành ngạnh (cratoxylum blume) ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.82 MB, 59 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA SINH - KTNN

NGUYỄN THỊ LUYỆN

BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU PHÂN LOẠI
CHI THÀNH NGẠNH (CRATOXYLUM
BLUME) Ở VIỆT NAM

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Phân loại Thực vật

Người hướng dẫn khoa học:
TS. Đỗ Thị Xuyến
TS. Hà Minh Tâm

Hà Nội, 2011


LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình làm khóa luận, tôi đã nhận được sự hướng dẫn và giúp
đỡ của TS. Đỗ Thị Xuyến và TS. Hà Minh Tâm. Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ
lòng biết ơn sâu sắc nhất đến các thầy cô.
Tôi xin trân trọng cảm ơn TS. Dương Đức Huyến cùng tập thể cán bộ
phòng Thực vật – Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã tạo mọi điều kiện
thuận lợi và tận tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình nghiên cứu.
Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi còn nhận được sự giúp đỡ của
nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài trường. Nhân dịp này tôi xin trân
trọng cảm ơn Phòng Tiêu bản thực vật – Viện Dược liệu; Phòng Tiêu bản
thực vật – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội; Ban chủ


nhiệm khoa Sinh _ KTNN – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; đặc biệt là
sự giúp đỡ, động viên của gia đình, bạn bè trong suốt thời gian tôi học tập và
nghiên cứu.

Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn!

ĐHSP Hà Nội 2, ngày 10/ 05/ 2011
Sinh viên
Nguyễn Thị Luyện


LỜI CAM ĐOAN

Để đảm bảo tính trung thực của khóa luận, tôi xin cam đoan:

Khóa luận “Bước đầu nghiên cứu phân loại chi Thành ngạnh
(Cratoxylum Blume) ở Việt Nam” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi,
được thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Đỗ Thị Xuyến và TS. Hà Minh
Tâm. Các kết quả trình bày trong khóa luận là trung thực và chưa được công
bố trong bất kỳ công trình nào trước đây.

ĐHSP Hà Nội 2, ngày 10/ 05/ 2011
Sinh viên
Nguyễn Thị Luyện


MỤC LỤC
Trang
LỜI CẢM ƠN
LỜI CAM ĐOAN

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU....................................................................................................... 1
Chương 1: Tổng quan tài liệu ..................................................................... 3
Chương 2: Đối tương, phạm vi, thời gian và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu.............................................................................. 7
2.2. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................ 7
2.3. Thời gian nghiên cứu............................................................................... 7
2.4. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................ 7
Chương 3: Kết quả nghiên cứu
3.1. Hệ thống phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt Nam. 11
3.2. Đặc điểm phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt
Nam ............................................................................................................ 11
3.3. Khóa định loại các loài thuộc chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume)
ở Việt Nam.................................................................................................. 14
3.4. Đặc điểm phân loại các loài thuộc chi Thành ngạnh
(Cratoxylum Blume) ở Việt Nam ................................................................ 20
3.4.1. Cratoxylum cochinchinense (Lour.) Blume ....................................... 20
3.4.2. Cratoxylum sumatranum ( Jack) Blume ssp. neriifolium (Kurz) Gog. 23
3.4.3. Cratoxylum pruniflorum (Kurz) Kurz ................................................. 26
3.4.4. Cratoxylum formosum (Jack) Dyer ..................................................... 29
3.4.5. Cratoxylum maingayi Dyer................................................................. 32
3.5. Ứng dụng toán – tin học trong nghiên cứu phân loại chi Thành
ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt Nam ...................................................... 35
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.................................................................... 39
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài

Thế giới thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Trên thế giới cũng như
ở Việt Nam đã có rất nhiều chuyên ngành khoa học nghiên cứu về thực vật.
Trong đó, chuyên ngành Phân loại thực vật đóng vai trò nền tảng. Phân loại
thực vật một cách chính xác sẽ cung cấp tài liệu cho nhiều ngành khoa học
khác có liên quan.
Chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume), còn gọi là Đỏ ngọn hay Lành
ngạnh, thuộc họ Ban (Hypericaceae Juss.). Ở Việt Nam, tuy là một chi nhỏ,
nhưng chúng có mặt trong các hệ sinh thái rừng thứ sinh; cho đến nay tất cả
các loài đều được sử dụng làm thuốc, một số loài cho gỗ tương đối bền và
đẹp. Cho nên, bên cạnh giá trị về khoa học, chi này còn có giá trị về kinh tế.
Để chuẩn bị cho việc nghiên cứu một cách toàn diện về phân loại chi
Thành ngạnh ở Việt Nam và góp phần cung cấp dữ liệu cho việc nhận biết, sử
dụng các loài thuộc chi này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Bước
đầu nghiên cứu phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt
Nam”.
Mục đích nghiên cứu
Hoàn thành công trình khoa học về phân loại chi Thành ngạnh
(Cratoxylum Blume) ở Việt Nam một cách có hệ thống, làm cơ sở cho việc
nghiên cứu họ Ban (Hypericaceae Juss.), phục vụ cho việc biên soạn Thực vật
chí Việt Nam và cho những nghiên cứu có liên quan.
Nội dung nghiên cứu
– Phân tích các hệ thống phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume)
trên thế giới, từ đó lựa chọn hệ thống phù hợp để sắp xếp chi và các loài thuộc
chi Thành ngạnh ở Việt Nam.

1


– Xây dựng bản mô tả các loài thuộc chi Thành ngạnh (Cratoxylum
Blume) ở Việt Nam”.

– Xây dựng khoá định loại các loài thuộc chi Thành ngạnh (Cratoxylum
Blume) ở Việt Nam.
– Tìm hiểu giá trị tài nguyên các loài thuộc chi Thành ngạnh
(Cratoxylum Blume) ở Việt Nam.
– Nhập kết quả nghiên cứu vào phần mềm Microsoft Office Access, giúp
cho việc định loại và tra cứu các thông tin được thuận lợi và chính xác.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
– Ý nghĩa khoa học: Cung cấp tài liệu phục vụ cho việc viết Thực vật chí
Việt Nam về họ Ban ở Việt Nam; bổ sung kiến thức cho chuyên ngành phân
loại thực vật và cơ sở dữ liệu cho những nghiên cứu sau này về chi Thành
ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt Nam.
– Ý nghĩa thực tiễn: Kết quả của đề tài phục vụ trực tiếp cho các ngành
ứng dụng và sản xuất lâm nghiệp, y dược, sinh thái và tài nguyên sinh vật,…
Điểm mới của đề tài
– Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam tiến hành phân loại chi Thành
ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt Nam một cách đầy đủ và có hệ thống.
– Bổ sung về phân bố cho loài Cratoxylum prunifolium.
Bố cục của khóa luận: gồm 40 trang, 10 hình vẽ, 12 ảnh, 1 bản đồ, 1 bảng
được chia thành các phần chính như sau: Mở đầu (2 trang), chương 1 (Tổng
quan tài liệu: 4 trang), chương 2 (Đối tượng, phạm vi, thời gian và phương
pháp nghiên cứu: 4 trang), chương 3 (Kết quả nghiên cứu: 28 trang), kết luận
và kiến nghị: 2 trang), tài liệu tham khảo: 19 tài liệu; bảng tra tên khoa học và
tên Việt Nam, phụ lục.

2


CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1. Trên thế giới

Trước khi chi Thành ngạnh được công bố, Loureiro (1790) đã công bố
loài Hyperium cochinchinense và Hyperium petiolatum (sau này được chuyển
vào chi Cratoxylum với tên gọi Cratoxylum cochinchinense (Lour) Blume)
trong Flora cochinchinensis [19]; Jack (1822) công bố loài Eloelea formosa
(sau này chuyển vào chi Thành ngạnh với tên gọi là Cratoxylum formosum
(Jack) Dyer).
Đến năm 1823, Blume mới chính thức công bố chi Thành ngạnh với tên
gọi là Cratoxylum với Typus là loài Cratoxylum homachuchii Blume và xếp
chi Cratoxylum trong họ Hypericaceae. Sau khi chi Thành ngạnh được công
bố, một số tác giả đã nghiên cứu công bố một số loài thuộc chi này như:
Korth (1842) công bố loài Cratoxylum glaucum; Blume (1852) công bố loài
Cratoxylum arborescens; Kurz (1874) công bố loài Cratoxylum prunifolium;
Dyer (1874) công bố loài Cratoxylum maingayi,...
Engler (1964) [15] khi xây dựng hệ thống phân loại cho ngành Hạt kín,
đã xếp chi Cratoxylum vào họ Hypericaceae Juss. Các Hệ thống của
Hutchinson (1969) [9] và Takhatajan (2009) [11] cũng có quan điểm giống
Engler.
Các nước lân cận Việt Nam, có một số công trình nghiên cứu về chi
Cratoxylum dưới dạng các công trình thực vật chí, như công trình của Baker&
Bakh f. (1963) [8] đã mô tả chi Cratoxylum, xếp chi này vào họ Hypericaceae
dựa trên đăc điểm: cây gỗ, hoa đỏ, hồng hoặc trắng; nhị gồm 3 bó, bó nhị hữu
thụ xen kẽ bó nhị bất thụ; quả nang gồm 3 mảnh vỏ; hạt có cánh về 1 phía; lá
có nhiều tuyến dạng diểm. Tác giả đã mô tả 3 loài ở đảo Java (Indonexia) là:
Cratoxylum formosum, Cratoxylum hypericinum, Cratoxylum racemosum.

3


Trái với quan điểm xếp Cratoxylum trong họ Hypericaceae, các tác giả Trung
Quốc (1972) [16] trong Iconographia Cormophytorum Sinicorum đã mô tả 2

loài là Cratoxylum cochinchinense và Cratoxylum formosum và xếp chi
Cratoxylum được xếp trong họ Clusiacea. Các tác giả trong công trình Flora
of China năm 2007 [17] cũng giữ nguyên quan điểm xếp chi này vào họ
Clusiacea.
Robson (1974) [10] khi nghiên cứu về các loài của chi Cratoxylum ở
vùng Malesiana, đã mô tả 6 loài (Cratoxylum sumatranum với 3 phân loài là
ssp. sumatranum, ssp. blancoi, ssp. neriifolium; Cratoxylum formosum với 2
phân loài là ssp. formosum, ssp. prunifolium; Cratoxylum cochinchinense;
Cratoxylum glaucum; Cratoxylum maingayi; Cratoxylum arborescens) và xếp
chi này vào họ Hypericaceae dựa trên những đặc điểm: cây gỗ; hoa đỏ, hồng
hoặc trắng; lá có tuyến đen hoặc đỏ; bó nhị hữu thụ xen kẽ bó nhị bất thụ; quả
nang 3 mảnh vỏ; hạt có cánh. Trong công trình này tác giả đã mô tả cụ thể đặc
điểm của chi Cratoxylum xây dựng khóa định loại các loài, cung cấp các
thông tin về danh pháp, đặc điểm phân bố, sinh thái, giá trị sử dụng của các
loài.
Năm 1977, C. Y. Wu & al. trong Flora Yunnannica [18] đã mô tả 2 loài
là Cratoxylum formosum và Cratoxylum cochinchinense.
Bên cạnh các công trình phân loại nêu trên, trong công trình Tài nguyên
thực vật Đông Nam Á (Plant Resources of South-East Asia) xuất bản năm
1994 [7], các tác giả đã đề cập đến giá trị sử dụng, nguồn gốc, phân bố, sự
phát triển, sinh thái của 6 loài có ở Đông Nam Á: Cratoxylum arborescens,
Cratoxylum glaucum, Cratoxylum maingayi, Cratoxylum sumatranum,
Cratoxylum formosum, Cratoxylum cochinchinense, Cratoxylum arborescens.

4


1.2. Ở Việt Nam
Người đầu tiên đề cập đến chi Thành ngạnh là nhà thực vật người Bồ
Đào Nha Loureiro trong công trình Thực vật Nam Bộ được xuất bản năm

1790, tác giả đã công bố loài Hyperium cochinchinenese và Hyperium
petiolatum, sau này được xếp vào chi Cratoxylum với tên gọi là Cratoxylum
cochinchinense.
Năm 1885, trong công trình Flora Forestière de la Cochinchine, Pierre
đã tóm tắt đặc điểm của chi Cratoxylum và mô tả các loài thuộc chi này ở
Nam Bộ. Tuy nhiên, một số dẫn liệu vẫn chưa đầy đủ. Ngoài ra, công trình
này được viết bằng tiếng Pháp, nên rất khó khăn cho việc tra cứu [14].
Gagnepain (1912) [12], trong công trình Thực vật chí đại cương Đông
Dương (Flore Générale de l'.Indo-Chine) đã mô tả đặc điểm của chi, xây dựng
Cratoxylum neriifolium, Cratoxylum

khóa định loại và mô tả 5 loài là:

prunifolium, Cratoxylum harmandii, Cratoxylum polyanthum, Cratoxylum
formosum trong công trình này. Tác giả xếp chi Cratoxylum vào họ Hypericaceae
dựa trên các đặc điểm: quả nang, hạt có cánh. Năm 1943, trong phần bổ sung cho
Thực vật chí đại cương Đông Dương, ông đã bổ sung thêm loài Cratoxylum
thorelii (có ở Lào).
Trong công trình Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ (1991) [3],
(được tái bản năm 1999) [4], tác giả đã tóm tắt đặc điểm nhận biết của 3 loài
và 2 phân loài cùng hình ảnh sơ bộ kèm theo. Trong các công trình này, các
chi thuộc họ Ban (Hypericacea), trong đó có chi Thành ngạnh được xếp vào
họ Bứa (Guttiferae = Clusiaceae).
Nguyễn Tiến Bân (2003) [1] đã thống kê sự có mặt của 4 loài và 1 phân
loài thuộc chi Thành ngạnh ở Việt Nam, đồng thời cung cấp một số thông tin
về phân bố, giá trị sử dụng.

5



Ngoài ra còn một số công trình đề cập đến chi Cratoxylum dưới dạng tài
nguyên như: Võ Văn Chi (1997) [2] giới thiệu 3 loài làm thuốc là Cratoxylum
cochinchinense, Cratoxylum fomorsum và Cratoxylum prunifolium; Viện điều
tra quy hoạch rừng, Bộ Lâm nghiệp (1982) giới thiệu giá trị làm thuốc của
loài Cratoxylum prunifolium trong công trình Cây gỗ rừng Việt Nam [6].
Trong số các công trình nêu trên, công trình của Gagnepain (1912) được
coi là công trình đầy đủ nhất về phân loại chi Cratoxylum ở Việt Nam. Tuy
nhiên, công trình này đã được xuất bản cách đây 100 năm, cho đến nay, danh
pháp một số loài không còn phù hợp, các dẫn liệu vẫn chưa đầy đủ, nhất là
các thông tin về phân bố, sinh thái... Ngoài ra, công trình này viết bằng tiếng
Pháp, nên không thuận lợi cho việc tra cứu; bên cạnh đó các công trình của
Phạm Hoàng Hộ chỉ nêu tóm tắt đặc điểm nhận biết các loài. Chính vì vậy,
công trình nghiên cứu: “Bước đầu nghiên cứu phân loại chi Thành ngạnh
(Cratoxylum Blume) ở Việt Nam” của chúng tôi sẽ là công trình đầu tiên

nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống về phân loại chi Thành ngạnh
(Cratoxylum Blume) ở Việt Nam.

6


CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN
VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Các loài thuộc chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt Nam, dựa
trên cơ sở mẫu vật và tài liệu.
Tài liệu: Các tài liệu về phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume)
trên thế giới và của Việt Nam, nhất là các chuyên khảo.
Mẫu vật: Các mẫu vật thực vật thuộc chi Thành ngạnh (Cratoxylum
Blume) ở Việt Nam, hiện được lưu giữ ở các phòng tiêu bản thực vật Viện

Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (HN), phòng tiêu bản thực vật trường Đại
học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (HNU), phòng tiêu bản
thực vật, Viện Dược liệu, Hà Nội (HNPM).
Tổng số mẫu nghiên cứu là 38 số hiệu với hơn 70 tiêu bản. Việc phân
tích mẫu vật được tiến hành tại phòng tiêu bản thực vật (Viện Sinh thái và Tài
nguyên Sinh vật). Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo 45 mẫu tiêu bản ở phòng
tiêu bản thực vật thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc
gia Hà Nội (HNU), 10 mẫu tiêu bản ở Viện Dược liệu (HNPM) và một số
mẫu thu thập được trong khi điều tra thực địa và các ảnh chụp mẫu vật trên
internet.
2.2. Phạm vi nghiên cứu: Khắp cả nước
2.3. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 12/2008 - 4/2011
2.4. Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume), chúng
tôi sử dụng phương pháp Hình thái so sánh [5]. Đây là phương pháp cổ điển
nhưng cho tới nay vẫn là phương pháp chính và phổ biến nhất trên thế giới và
phù hợp với điều kiện nghiên cứu ở nước ta. Phương pháp này dựa trên đặc
điểm cấu tạo bên ngoài các cơ quan của thực vật, quan trọng nhất là cơ quan

7


sinh sản vì đặc điểm của nó liên quan chặt chẽ với bộ mã di truyền và ít biến
đổi bởi tác động của môi trường. Việc so sánh dựa trên nguyên tắc chỉ so sánh
các cơ quan tương ứng với nhau trong cùng một giai đoạn phát triển (cây
trưởng thành so sánh với cây trưởng thành, nụ so sánh với nụ, hoa so sánh với
hoa,...).
Để làm tốt phương pháp nghiên cứu hình thái so sánh, cần tiến hành
đồng thời cả 2 công tác là ngoại nghiệp và nội nghiệp.
Công tác ngoại nghiệp: Được thực hiện trong các chuyến đi thực địa

nhằm thu thập mẫu vật, chụp ảnh, quan sát và ghi chép các đặc điểm của mẫu
ở trạng thái tươi, quan sát về phân bố, môi trường sống và các đặc điểm khác.
Công tác nội nghiệp: Xử lý và bảo quản mẫu vật. Việc nghiên cứu các
mẫu vật khô được tiến hành tại các phòng thí nghiệm. Tại đây, các mẫu vật
được phân tích, chụp ảnh, vẽ hình và mô tả, sau đó dựa vào các bản mô tả gốc
và mẫu vật chuẩn (nếu có), các chuyên khảo, các bộ thực vật chí (nhất là của
Việt Nam và các nước lân cận) để phân tích, so sánh và định loại.
Việc nghiên cứu phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume) được
tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Tổng hợp, phân tích các tài liệu trong và ngoài nước về chi
Thành ngạnh (Cratoxylum Blume). Từ đó lựa chọn hệ thống phân loại phù
hợp với việc phân loại chi này ở Việt Nam.
Bước 2: Phân tích, định loại các mẫu vật thuộc chi Thành ngạnh
(Cratoxylum Blume) hiện có.
Bước 3: Tham gia các chuyến điều tra, nghiên cứu thực địa để thu thêm
mẫu, tìm hiểu thêm về sinh thái học, sự phân bố và các thông tin có liên quan
khác.
Bước 4: Tổng hợp kết quả nghiên cứu, mô tả các đặc điểm chung của
chi, xây dựng khoá định loại, mô tả các phân chi và các loài, chỉnh lý phần

8


danh pháp theo luật danh pháp quốc tế và cuối cùng hoàn chỉnh các nội dung
khoa học khác của đề tài.
– Soạn thảo chi và các loài dựa theo quy ước quốc tế về soạn thảo thực
vật và quy phạm soạn thảo thực vật chí Việt Nam, thứ tự như sau:
Thứ tự soạn thảo chi: Tên khoa học chính thức kèm theo tên tác giả công
bố tên gọi, tên Việt Nam thường dùng, trích dẫn lại tên tác giả công bố tên
khoa học, năm công bố, tài liệu công bố, số trang, tài liệu chính và các tài liệu

ở Việt Nam đề cập đến, các tên đồng nghĩa (nếu có), tên Việt Nam khác (nếu
có), mô tả, loài typ của chi, ghi chú (nếu có).
Thứ tự soạn thảo loài và dưới loài: Tên khoa học chính thức kèm theo
tên tác giả công bố tên gọi, tên Việt Nam thường dùng, trích dẫn lại tên tác
giả công bố tên khoa học, năm công bố, tài liệu công bố, số trang, tài liệu
chính và các tài liệu ở Việt nam đề cập đến, tên đồng nghĩa gốc (nếu có), các
tên đồng nghĩa (nếu có), tên Việt Nam khác (nếu có), mô tả, địa điểm thu mẫu
chuẩn (Loc. class.), mẫu vật chuẩn (Typus) kèm theo nơi bảo quản (theo quy
ước quốc tế), sinh học và sinh thái, phân bố, mẫu nghiên cứu, giá trị sử dụng,
ghi chú (nếu có).
– Cách mô tả: Mô tả liên tục những đặc điểm cơ bản theo nguyên tắc
truyền tin ngắn gọn, theo trình tự từ cơ quan dinh dưỡng (dạng sống, cành,
lá,...) đến cơ quan sinh sản (cụm hoa, cấu trúc của hoa, quả, hạt).
Để xây dựng bản mô tả cho một loài, chúng tôi tập hợp các số liệu đã
phân tích về loài đó sau đó so sánh với tài liệu gốc, các chuyên khảo và mẫu
typ (nếu có), từ đó xác định các tiêu chuẩn và dấu hiệu định loại cho loài. Bản
mô tả chi được xây dựng trên cơ sở tập hợp các bản mô tả của các loài trong
chi. Nếu bản mô tả này có sự khác biệt so với tài liệu gốc và các tài liệu khác
(thường do số loài trong chi ở mỗi tài liệu khác nhau), chúng tôi sẽ có những
ghi chú bổ sung.

9


– Xây dựng khoá định loại: Trong phạm vi của đề tài này, chúng tôi lựa
chọn cách xây dựng khoá lưỡng phân kiểu zic-zắc, cách làm được tiến hành
như sau: Từ tập hợp các đặc điểm mô tả cho các taxon, chọn ra cặp các tập
hợp đặc điểm đối lập và xếp chúng vào hai nhóm (các đặc điểm được chọn
phải ổn định, dễ nhận biết và thể hiện tính chất phân biệt giữa các taxon).
Trong mỗi nhóm, lại tiếp tục chọn ra cặp đặc điểm đối lập và xếp chúng vào

hai nhóm khác, cứ tiếp tục như vậy đến khi phân biệt hết các taxon.
Danh pháp của các taxon được chỉnh lý theo luật danh pháp quốc tế hiện
hành và theo Quy phạm soạn thảo thực vật chí Việt Nam.

10


CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Hệ thống phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt
Nam
Sau khi phân tích các hệ thống phân loại chi Thành ngạnh và họ Ban,
tham khảo các công trình thực vật chí ở các nước gần Việt Nam và các công
trình nghiên cứu về họ Ban ở Việt Nam, chúng tôi thấy quan điểm xếp chi
Thành ngạnh vào họ Bứa (Guttiferae) của các tác giả Trung Quốc và Phạm
Hoàng Hộ đến nay đã không còn phù hợp. Trong khi đó, quan điểm xếp chi
Thành ngạnh vào họ Ban (Hypericaceae) của Engler (1964) và Takhtajan
(2009) đã giải thích tương đối thoả đáng mối quan hệ giữa các taxon. Quan
điểm này hiện được hầu hết các tác giả nghiên cứu về chi Thành ngạnh sử
dụng để sắp xếp chi và các loài. Chính vì vậy, tôi đã lựa chọn hệ thống của
Takhtajan (2009) để xác định giới hạn và vị trí của chi và sắp xếp các loài
thuộc chi Thành ngạnh ở Việt Nam. Trên cơ sở hệ thống này chi Thành ngạnh
(Cratoxylum Blume) ở Việt Nam có 4 loài và 1 phân loài, được xếp vào họ
Ban (Hypericaceae), lớp Mộc lan (Magnoliopsida) hay còn gọi là lớp Hai lá
mầm (Dicotyledons), ngành Mộc lan (Magnoliophyta) hay còn gọi là ngành
Hạt kín (Angiospermae).

3.2. Đặc điểm phân loại chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume) ở Việt
Nam.
CRATOXYLUM Blume – THÀNH NGẠNH

Blume, 1823. Verh. Bat. Gen. 9: 172; Backer & Bakh f. 1963. Fl. Jav. 1: 383;
Hutch. 1969. Fam. Flow. Pl. 1: 297; Robson, 1974. Fl. Males. 8(1): 4-14;
Phamh. 1999. Illustr. Fl. Vietn. 1: 464-465; Takht. 2009. Divers. Class. Flow.
Plat. 168.

11


– Lành ngạnh, đỏ ngọn
3.2.1. Dạng sống (ảnh 7)
Cây gỗ hoặc cây bụi, rụng lá, sống lâu năm. Thân cây mọc đứng, phân
nhiều cành, đặc trưng bởi lúc non có hình vuông, không có lông (C.
cochinchinense, C. sumatranum) hoặc có lông (C. prunifolium); gốc cây
thường có gai; khi già thường bong vảy làm thân trở nên nhẵn; ở cành mang
lá, phía trên chồi có mấu lồi nhỏ (tên tiếng anh có thuật ngữ là interpetiolar).
3.2.2. Lá (hình 3.1)
Lá đơn, nguyên, mọc đối; cuống lá ngắn; phiến lá hình bầu dục (C.
formosum), thuôn dài (C. pruniflorum) hay trứng ngược (C. maingayi); chóp
lá tròn (C. maingayi) hay nhọn (C. sumatranum, C. prunifolium); gốc thường
nhọn hoặc tù; mặt dưới đôi khi có những nốt màu xanh hiện rõ (C.
cochinchinense); gân hình mạng lông chim, gân chính thường nổi rõ ở mặt
dưới, gân bên thường vấn hợp đều ở gần mép lá (C. prunifolium) hay vấn hợp
không đều (C. cochinchinense).
3.2.3. Cụm hoa (hình 3.2)
Cụm hoa mọc ở đỉnh cành hay nách lá; dạng xim hoặc hoa mọc đơn độc
ở nách lá; số lượng hoa trên cụm hoa thay đổi từ vài hoa (C. cochinchinense)
đến nhiều hoa (C. sumatranum).
3.2.4. Hoa (hình 3.3, 3.4)
Hoa lưỡng tính, đều, bao hoa mẫu 5. Đài rời, dạng da, tồn tại ở quả, xếp
lợp kiểu nanh sấu. Cánh hoa rời, xếp lợp, màu sắc biến đổi từ đỏ thẫm đến

hồng hoặc trắng, đôi khi pha màu cam hoặc xanh, hình thìa với gân hình dải;
mặt trong gốc cánh hoa có phần phụ dạng vẩy (C. formosum, C. prunifolium)
hoặc không (C. cochinchinense, C. sumatranum); mặt ngoài có lông ở mép
(C. prunifolium) hoặc không có lông (C. cochinchinense). Bộ nhị gồm nhiều
nhị, tạo thành 3 bó hữu thụ xếp xen kẽ 3 bó nhị bất thụ; bó nhị hữu thụ sớm

12


rụng hoặc tồn tại ở quả, mỗi bó có 20-35 nhị; chỉ nhị mảnh, đỏ thẫm đến
trắng; bao phấn hình thuôn ngắn đến thoi, màu đỏ thẫm đến trắng, đính lưng;
các bó nhị bất thụ tiêu giảm thành khối nạc có hình dạng và kích thước thay
đổi. Bộ nhụy gồm 3 lá noãn hợp thành bầu thượng có 3 ô; mỗi ô có nhiều
noãn hoặc giảm còn 5 noãn, đính ở nửa dưới của trụ giữa; vòi nhụy 3, tương
ứng với số lá noãn, rời nhau, mảnh; núm nhụy nhỏ, hình đầu.
3.2.5. Quả và hạt (hình 3.5)
Quả nang, xẻ vách dọc thành 3 mảnh vỏ; vỏ quả hoá gỗ, mặt ngoài có
vạch dài hơi lồi lên, mặt trong có vách ngăn; gốc quả có đài tồn tại, đài bao
nửa quả (C. cochinchinense) đến gần hết quả (C. sumatranum). Hạt nhiều (C.
prunifolium) hoặc giảm chỉ còn vài hạt trong mỗi ô (C. maingayi), đính đè lên
nhau trên trụ giữa đã hóa gỗ, hình mác ngược (C. formosum, C. prunifolium)
hoặc hình thuôn (C. cochinchinense, C. sumatranum); vỏ hạt nhẵn, có cánh ở
một phía hoặc xung quanh. Phôi hình trụ, thẳng, có lá mầm dài hơn trụ dưới
lá mầm, không có nội nhũ.
Typus: Cratoxylum homachuchii Blume
Chi Thành ngành có khoảng 6 loài, phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới
châu Á, Việt Nam hiện biết có 4 loài và 1 phân loài, phân bố rải rác khắp cả
nước.

13



1

2

3

4

Hình 3.1. Một số dạng lá
1. Lá hình trứng ngược (C. maingayi); 2. Lá hình thuôn (C. sumatranum); 3.
Lá hình thuôn dài (C. prunifolium)); 4. Lá hình bầu dục (C. formosum)
(1, 2. theo Robson, 1974; 3. theo ICS, 1972; 4. theo Auct. 1994)

14


1

2

Hình 3.2. Vị trí của cụm hoa
1. Cụm hoa ở nách lá (C. prunifolium); 2. Cụm hoa ở đỉnh cành (C.
sumatranum)
(1. theo Robson, 1974 ; 2. Theo Phạm Hoàng Hộ, 1999)

15



Hình 3.3. Một số đặc điểm về dạng cánh hoa
1, 2.Tràng hoa không lông (C. formosum); 3, 4. Tràng hoa có lông (C.
prunifolium)
(1, 2. theo Robson, 1974; 3,4. theo Pierre, 1885)

16


Hình 3.4. Sơ đồ cấu tạo hoa
1. Hoa; 2. Hoa đã tách đài và tràng (C. formosum)
(Hình theo Robson, 1974)

17


Hình 3.5. Hình thái quả và hạt
1. quả ở C. prunifolium; 2. quả ở C. cochinchinense; 3. hạt với cánh bao
quanh ở C. prunifolium; 4. hạt với cánh ở một phần ở C. formosum; 5-6. hạt
với cánh ở một phần ở C. maingayi
(1,2. theo ICS, 1972); 3. theo Pierre, 1885; 4-6. theo Robson, 1974)

18


3.3. Khoá định loại các loài thuộc chi Thành ngạnh (Cratoxylum Blume) ở
Việt Nam.
1A. Cánh hoa không có vảy. Bó nhị lép ít phát triển.
2A. Lá hình bầu dục. Đài dài bằng một nửa quả ........ 1. C. cochinchinense
2B. Lá hình thuôn. Đài dài gần bằng quả…...2. C. sumatranum ssp.
neriifolium

1B. Cánh hoa có vảy. Bó nhị lép rất phát triển.
3A. Thân non và lá có lông. Cánh hoa có lông ở nửa trên.........................
..................................................................................... 3.C. prunifolium
3B. Thân non và lá không lông. Cánh hoa không có lông.
4A. Lá hình bầu dục, hình thuôn, mác hoặc hình trứng, dài 5-11 cm.
Quả hình bầu dục.............................................................4.C. formosum
4B. Lá hình trứng ngược, dài 2-4 cm. Quả hình thoi......5.C. maingayi

19


3.4. Đặc điểm phân loại các loài thuộc chi Thành ngạnh Cratoxylum
Blume ở Việt Nam.
3.4.1. Cratoxylum cochinchinense (Lour.) Blume – Thành ngạnh nam
Blume, 1852. Mus. Bot. Lugd. Bat. 2: 17; Phamh. 1991. Illustr. Fl. Vietn. 1:
465; Robson, 1974. Fl. Males. ser. I, 8(1): 7- 9; Phamh. 1999. Illustr. Fl.
Vietn. 1: 465; N. T. Ban, 2003. Checkl. Pl. Sp. Vietn. 2: 370.
– Hyperium cochinchinense Lour. 1790. Fl. Cochinch. 472.
– Hypericum petiolatum Lour. 1790. Fl. Cochinch. 472.
– Cratoxylum polyanthum Korth. Verh. Nat. Gesch. Bot 1842. Fl. Males. 175.
– Cratoxylum ligustrinum Blume, 1852. Mus. Bot. 2: 16.
– Lành ngạnh hôi, Long Gieng, Hong dau moc.
Cây gỗ hoặc cây bụi, rụng lá, cao tới 15m, không có lông, gốc có gai
nhọn; bề mặt vỏ thân có các vảy hình tam giác hoặc vảy dài (tùy theo tuổi
cây) màu nâu nhạt bong ra, ít khi nhẵn; mặt trong màu xanh nhạt tới
vàng xanh. Cành non nhẵn. Lá hình bầu dục, kích thước 3-10 x 1-4 cm, dạng
cỏ hay dạng giấy; chóp tù hoặc nhọn; gốc hình nêm rộng hay thót dần; mặt
dưới lá luôn có nốt màu xanh; cuống dài 2-5 mm. Cụm hoa thường mọc ở
nách lá, hình xim, mang 1-3 hoa, cuống hoa dài 1-2 mm. Lá đài hình trứng,
kích thước 4-5 x 2-4 mm. Cánh hoa hình thìa, màu đỏ đậm tới hồng hoặc

vàng da cam, kích thước 6-10 x 3-4 mm, không có vảy. Bộ nhị gồm 3 bó, cao
3-8 mm, mỗi bó có 22-25 nhị mọc xen kẽ nhau; bao phấn đôi khi có tuyến
dính; các bó nhị lép ít phát triển hoặc nếu phát triển thì có màu vàng, dẹt, hình
thuôn đến trứng ngược, dạng nắp, dài tới 3 mm. Bầu dài 2-3 mm; vòi nhụy
dài 1-2 mm. Quả nang hình bầu dục hoặc hình trụ, kích thước 8-10 x 3-5 mm,
gấp 2 lần so với chiều dài của lá đài. Hạt hình mác ngược tới bầu dục hoặc
thuôn, kích thước 6-7 x 2.5 mm. (Hình 3.5(2), 3.6; ảnh 8).

20


Loc. class.: Vietnam (“Cochinchine”).
Sinh học và sinh thái: Mọc rải rác trên các đồi hoang, nương rẫy cũ, ven
chân núi, trảng cây bụi, ven biển,... trong điều kiện thổ nhưỡng thay đổi, có
khi rất cằn cỗi; ở độ cao lên đến 500m. Mùa hoa tháng 4-8, quả chín rải rác từ
tháng 7-10.
Phân bố: Sơn La (Mộc Châu), Lạng Sơn (Hữu Lũng), Vĩnh Phúc (Phúc
Yên), Hà Nội (Ba Vì), Thừa Thiên Huế (Bạch Mã, Phú Lộc), Ninh Thuận
(Núi Chúa). Còn có ở Trung Quốc, Inđônêxia, Malaixia.
Mẫu nghiên cứu: SƠN LA (Mộc Châu), 23X86 (HN); N347a (HN);
N347k (HN); VN884 (HN); N. H. Hiển B137 (HN). – LẠNG SƠN (Hữu
Lũng), Ngô Chính Dật 2037 (HN); Nguyễn Đăng Khôi 1796 (HN). – VĨNH
PHÚC (Phúc Yên), N. T. Cường, V. P. Phương 7542 (HN). – HÀ NỘI (Lâm
trường Minh Quang, Ba Vì), Đoàn điều tra Việt Trung 3619 (HN). – THỪA
THIÊN HUẾ (Bạch Mã), N. T. Hiệp & al. 1522 (HN). – NINH THUẬN (Núi
Chúa), Hà Minh Tâm 62 (HN).
Giá trị sử dụng: Gỗ màu hồng, nặng, dẻo, tốt. Dùng trong xây dựng nhà
cửa hoặc đóng đồ gia dụng. Rễ, vỏ cây dùng trị cảm mạo trúng nóng phát sốt,
viêm ruột ỉa chảy, ho khản cổ. Lá dùng trị đau dạ dày, ngứa lở. Có thể dùng
trị kiết lị, lậu nhiệt, băng đới, đàn bà máu xấu, kinh nguyệt không đều, đại tiện

không thông. Dùng rễ hay vỏ cây tươi 40g, lá tươi 20g sắc nước uống. Lá
non sắc uống thay trà để phòng cảm nắng và bệnh lị.

21


×