BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
BÙI BÍCH HẠNH
CÁI TÔI TRỮ TÌNH
TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM 1965 - 1975
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
TP. Hồ Chí Minh - 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
BÙI BÍCH HẠNH
CÁI TÔI TRỮ TÌNH
TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM 1965 - 1975
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 62.22.34.01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ
TP. Hồ Chí Minh - 2012
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của
tác giả luận án. Kết quả nghiên cứu không sao chép từ bất kì
một công trình nào khác. Tôi xin chịu trách nhiệm về lời cam
đoan danh dự này.
Tác giả
Bùi Bích Hạnh
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................ 5
MỤC LỤC ........................................................................................ 6
MỞ ĐẦU ........................................................................................... 8
1. Lí do chọn đề tài .......................................................................................... 8
2. Mục đích nghiên cứu ................................................................................... 8
3. Nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................................. 9
4. Lịch sử vấn đề .............................................................................................. 9
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................ 17
6. Phương pháp nghiên cứu.......................................................................... 17
7. Những đóng góp mới ................................................................................. 18
8. Cấu trúc luận án ........................................................................................ 18
CHƯƠNG 1: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT
NAM 1965 - 1975- MỘT CÁI NHÌN KHÁI QUÁT ................... 19
1.1. Quan niệm về cái tôi trữ tình ................................................................ 19
1.1.1. Cái tôi .........................................................................................................19
1.1.2. Cái tôi trữ tình ............................................................................................24
1.2. Đặc trưng của cái tôi trữ tình................................................................ 30
1.2.1. Nhu cầu tự bộc lộ và nhu cầu đối thoại....................................................30
1.2.2. Biểu hiện của cái tôi mang giá trị thẩm mĩ ..............................................31
1.3. Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975 - nhìn từ sự vận động của
cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam 1945 - 1975 ......................................... 36
1.3.1. Thơ trẻ 1965 - 1975 - một âm hưởng mới của thời đại ...........................36
1.3.2. Diện mạo cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975 - nhìn từ sự vận
động của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam 1945 - 1975 .................................40
CHƯƠNG 2: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT
NAM 1965 - 1975 - NHÌN TỪ DẠNG THỨC BIỂU HIỆN ...... 59
2.1. Cái tôi sử thi ............................................................................................ 59
2.1.1. Cái tôi ngưỡng vọng về Tổ quốc, nhân dân .............................................60
2.1.2. Cái tôi xốn xang trong sự ẩn nhường riêng - chung ...............................70
2.2. Cái tôi sử thi biến thể ............................................................................. 84
2.2.1. Cái tôi tự thức trong quan niệm về thơ .....................................................85
2.2.2. Cái tôi tự họa chân dung thế hệ ................................................................90
2.3. Cái tôi phi sử thi ..................................................................................... 98
2.3.1. Cái tôi thấm thía nỗi đau chiến tranh .......................................................99
2.3.2. Cái tôi tự nghiệm số phận đời tư.............................................................113
Chương 3: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ 1965 1975 - NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN ..................... 132
3.1. Trường ca và thơ tự do ........................................................................ 132
3.1.1. Trường ca - Từ triết luận cao cả đến suy ngẫm riêng tư .......................133
3.1.2. Thơ tự do - Sự tích hợp những vấn đề phức tạp của thế giới tinh thần
.............................................................................................................................144
3.2. Chất khẩu ngữ và yếu tố văn xuôi ...................................................... 160
3.2.1. Chất khẩu ngữ - Sự lột tả cái gân guốc của chất liệu hiện thực..........161
3.2.2. Yếu tố văn xuôi - Sự xích lại ngữ điệu đời thường ................................165
3.3. Thủ pháp đối lập và trùng điệp .......................................................... 169
3.3.1. Đối lập - Cái nhìn luận giải nhiều chiều kích ........................................170
3.3.2. Trùng điệp - Sự giải tỏa ám ảnh dồn nén ...............................................176
3.4. Bản tự thuật đa giọng điệu .................................................................. 182
3.4.1. Giọng ngợi ca, hào sảng ..........................................................................183
3.4.2. Giọng nồng ấm, yêu tin ...........................................................................185
3.4.3. Giọng nghiệm suy, chất vấn ....................................................................189
3.4.4. Giọng âu lo, dự cảm.................................................................................193
KẾT LUẬN .................................................................................. 198
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................... 201
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Hoàn cảnh đất nước Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ với hiện
thực chiến tranh khốc liệt đã tác động sâu sắc đến đời sống văn học. Nếu như tiếng
rít gầm hãi hùng của chiến tranh làm tổn thương đời sống nội cảm con người thì
tiếng thơ 1965 - 1975 là đất cựa mình sầm sịch trong khuya (Nguyễn Duy), là cuộc
đời như sắp sửa đi xa (Lưu Quang Vũ), là những vành môi khát sữa, những bước
nhớ lang thang (Trần Quang Long), là những bát cơm không đủ níu lòng (Trần Phá
Nhạc)… Thơ trẻ 1965 - 1975 là hiện tượng văn học mang lại cho thơ Việt Nam
1945 - 1975 những khuôn diện mới, trước hết nhìn từ khía cạnh cái tôi trữ tình. Nếu
quan niệm “văn chương là một tiếng gọi” [173, tr.63] thì thơ trẻ 1965 - 1975 sẽ còn
vẫy gọi tầm đón đợi của người tiếp nhận.
Với nguyện ước làm thơ ghi lấy cuộc đời mình (Hữu Thỉnh), một lớp nhà thơ thế hệ thơ trẻ - đối mặt với chiến tranh, nếm trải bi kịch chiến tranh. Họ đến với thơ
bằng trái tim tự nguyện của lớp tuổi hai mươi, ba mươi. Sống trong nỗi đau giằng
xé, mất mát, các nhà thơ khát khao tự họa chân dung thế hệ từ âm bản hiện thực tàn
khốc của chiến tranh. Hơn nữa, với cái nhìn “cuộc sống đã mong manh tái nhạt
trong từng cá thể con người”, một bộ phận sáng tác thậm chí bóc trần những thân
phận bi kịch thời chiến. Chính vì vậy, thơ trẻ 1965 - 1975 có thể được xem là bản tự
thuật đa giọng điệu, góp phần làm sinh động diện mạo thơ Việt Nam 1945 - 1975.
2.
Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975 là con đường tiếp
cận khơi sâu vào bản sắc của thơ trẻ. Việc xác định những dạng thức của cái tôi trữ
tình là nhằm khái quát hệ thống quan điểm thẩm mĩ cũng như năng lực chiếm lĩnh
hiện thực của nhà thơ; trên cơ sở đó, khẳng định bản sắc của thơ trẻ giai đoạn này.
Đồng thời, luận án đi sâu khám phá những dạng thức biểu hiện của cái tôi trữ tình
trong xu hướng vận động để thấy rằng chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, bối
cảnh đời sống văn học, lí tưởng thẩm mĩ..., cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam
1965 - 1975 mang diện mạo riêng.
3. Nhiệm vụ
nghiên cứu
Nếu thơ trẻ miền Bắc khẳng định được vị thế trong nền thơ cách mạng và thơ
trẻ vùng giải phóng đã tạo được nhiều phong cách riêng thì ở thơ trẻ vùng tạm
chiếm miền Nam, phải kể đến sự góp mặt của những cây bút “viết trên đường tranh
đấu” cùng một lớp nhà thơ không đứng trong dòng chủ lưu của văn học cách mạng,
thậm chí chỉ được xem là bộ phận “bên kia chiến tuyến”. Luận án xác định đối
tượng thơ trẻ ở miền Bắc, ở vùng giải phóng và ở vùng tạm chiếm miền Nam, tạo
nên cái nhìn toàn cảnh về thơ trẻ Việt Nam giai đoạn này. Qua đó, luận án khẳng
định sự đa dạng của cái tôi trữ tình, vốn là yếu tố căn cốt hình thành nên bản sắc thơ
trẻ giai đoạn này; đồng thời góp phần khôi phục khuôn mặt đa diện của thơ Việt
Nam 1945 - 1975.
4. Lịch sử vấn đề
4.1. Thơ 1965 - 1975 tạo nên một vị trí xứng đáng trong dòng chảy của thơ
Việt Nam 1945 - 1975, thu hút nhiều cây bút nghiên cứu, phê bình. “Tập trung vào
chủ đề đánh Mỹ, thơ chống Mỹ rất chính trị, nhưng lại là một thứ chính trị tự nhiên,
nằm ngay trong đời sống, không lên gân, không giả tạo” [208, tr.137]. Và đây cũng
chính là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của thơ giai đoạn này, đặc biệt là sáng tác của
thế hệ cầm bút trẻ. Không ít công trình nghiên cứu, phê bình nhận định, đánh giá sự
xuất hiện của thơ trẻ thời chống Mỹ như là một bước chuyển mình đáng kể của văn
học cách mạng vốn đã tạo được hương sắc riêng từ thế hệ các nhà thơ lớp trước.
Biểu hiện của cái tôi trữ tình, một trong những đóng góp đáng kể của thơ trẻ Việt
Nam 1965 - 1975, trở thành vấn đề nghiên cứu được quan tâm, trong đó hầu hết nêu
nhận định về đặc điểm cơ bản của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ.
Trong bài viết “Đội ngũ nhà văn trong chiến tranh chống Mỹ”, Ngô Thảo nhận
định về tâm thế mới của cái tôi thơ trẻ chống Mỹ: “Lớp trẻ vào thơ chống Mỹ
không còn phân vân đo đếm tỷ lệ “riêng - chung”, “tôi và chúng ta” trong tác
phẩm… Họ không khoác cho tác phẩm tấm áo đồng phục hay mảnh dù ngụy trang”
[199, tr.257]. Cũng nhận định về cái tôi trữ tình trong thơ chống Mỹ, Nguyễn Bá
Thành cho rằng: “Vị trí số một của nhân vật trữ tình trong thơ thời chống Mỹ là một
cái Ta. Cái ta lấn át cái tôi”. [197, tr.189]. Từ đó, tác giả khẳng định “Đến giai đoạn
chống Mỹ, cái tôi trữ tình thật sự trở thành cái tôi phương tiện, cái tôi chứng kiến sự
vận động của lịch sử. Thời kỳ chống Mỹ, cái tôi trữ tình có mờ nhạt đi” [197,
tr.191]. Theo Nguyễn Bá Thành, “Xu hướng ẩn khuất của cái tôi trữ tình ngày càng
thể hiện rõ trong thơ chống Mỹ ở giai đoạn sau. Nhất là trong loại thơ suy tưởng,
chính luận, thơ đánh giặc” [197, tr.193]. Một mặt nhà nghiên cứu này nêu lên đặc
trưng của cái tôi trữ tình thơ chống Mỹ, mặt khác chỉ ra sự nhòe mờ, ẩn khuất của
cái tôi trữ tình giai đoạn này. Trong bài viết “Về một đặc điểm của thơ 1955 1975”, Trần Đăng Xuyền khẳng định “cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước không
cho phép con người nghĩ đến cái tôi cá nhân riêng tư, nhất là cái cá nhân ấy lại đối
lập, cản trở cái chung của cộng đồng, của toàn dân tộc (...) Nỗi đau của cái tôi riêng
tư hòa vào nỗi đau chung của toàn dân tộc” [33, tr.259].
Tiếp nối hướng khai thác của các nhà nghiên cứu trước về diện mạo cái tôi trữ
tình trong thơ Việt Nam 1945 - 1975, trong “Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945 - 1995
(Nhìn từ phương diện vận động của cái tôi trữ tình), Vũ Tuấn Anh đã khái quát sự
vận động, phát triển cũng như rút ra được những dạng thức biểu hiện chính của cái
tôi trữ tình trong thơ cách mạng, từ cái tôi trữ tình yêu nước - kháng chiến (1945 1954), cái tôi ngợi ca cuộc sống mới (1954 - 1964) đến sự phát triển đỉnh cao của
cái tôi trữ tình công dân (1964 -1975). Vũ Tuấn Anh nhận định thơ chống Mỹ là
“giai đoạn phát triển đến đỉnh điểm của cái tôi trữ tình công dân để trở thành cái tôi
khái quát, cái tôi tập hợp, cái tôi nhân danh cái Ta dân tộc và Thời đại” [4, tr.124].
Xuất phát từ nhận định đó, tác giả xác định hai dạng thức biểu hiện cơ bản của cái
tôi thơ chống Mỹ là “cái tôi sử thi” và “cái tôi thế hệ”. Với tâm thế cái tôi sử thi,
tiếng nói của cái tôi trữ tình ở các nhà thơ trẻ chống Mỹ “có sức âm vang của hàng
ngàn giọng nói, có sức thuyết phục của chân lý phổ quát” [4, tr.126]. Vũ Tuấn Anh
nhìn thấy mối quan hệ khăng khít giữa cái tôi - cái ta như là một sự thể hiện nhất
quán của cái tôi sử thi, đồng thời cũng nhận dạng một kiểu cái tôi trữ tình chủ yếu
thuộc vào lớp nhà thơ trẻ, “thể hiện cách nhìn, cách cảm riêng của một lứa tuổi trẻ
gánh trên vai họ thử thách nặng nề nhất của cuộc chiến tranh, với những gian lao,
hy sinh mà họ nếm trải đến tận cùng xương thịt” [4, tr.137]. Chính sự xuất hiện của
“cái tôi thế hệ” đã tạo nên tư thế trữ tình mới của thơ 1945 - 1975: là độc thoại, đối
thoại với thế hệ mình - “Cái tôi thế hệ, bằng cách chiếm lĩnh hiện thực riêng, là sự
tăng cường và bổ sung quý báu phẩm chất hiện thực cho nền thơ chống Mỹ” [4,
tr.140]. Lê Lưu Oanh, trong “Thơ trữ tình Việt Nam (1975 - 1990)”, đề cập đến đặc
điểm của cái tôi trữ tình trong thơ chống Mỹ, nhằm so sánh với biểu hiện của cái tôi
trữ tình trong thơ sau 1975. Chuyên luận đặt những dạng thức của cái tôi sử thi
tương ứng với kiểu nhà thơ hiện thực cách mạng, từ đó cho rằng “vị trí chủ yếu của
con người trữ tình là vị trí của cái tôi xã hội, cái tôi công dân mang một sinh khí
mới mẻ, mạnh mẽ và kiêu hãnh. Đây là giai đoạn các nhà thơ tuyên bố rời bỏ cái tôi
cá nhân, để cái riêng tư hòa lẫn trong cái chung” [152, tr.74]. Trường Lưu lại so
sánh: “Cái tôi mà phần lớn lớp nhà văn trước Cách Mạng Tháng Tám đã đấu tranh
vất vả khi thể hiện những con người và xóm làng trong kháng chiến chống Pháp, thì
giờ đây đã nhuần nhuyễn hòa vào cái ta, cái chúng ta chung của cảm nghĩ dân tộc”
[97, tr.98]. Trong khi đó, Vũ Văn Sỹ lại cho rằng: “Một trong các hình thức tồn tại
ước lệ của cái tôi nhân chứng, khiến ta nhận diện một cách dễ dàng, đó là hình thức
nhân vật xưng tôi đứng ra trần thuật. Cái hình thức trần thuật như vậy không chỉ là
kinh nghiệm thơ ca, mà còn là nội dung nghệ thuật, một hình thức biểu hiện của con
người mang dấu ấn thẩm mĩ lịch sử” [183, tr.134]. Từ đó, Vũ Văn Sỹ khẳng định:
“Trong quá trình vận động của lịch sử thơ ca, chữ “tôi” nhân xưng trần thuật ngày
càng biến hóa đa dạng ở lớp nhà thơ chống Mỹ, gắn với những cá tính thơ khác
nhau như Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần
Phương, Thanh Thảo (…) tạo nên bức chân dung hoàn chỉnh về chữ “Tôi” của thơ
trữ tình Cách mạng” [183, tr.135]. Đây là vấn đề được luận án tiếp tục làm sáng rõ
khi khám phá bản chất cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975. Hữu
Thỉnh khẳng định “nhập cuộc và hành động là vẻ đẹp của thơ ca kháng chiến” và
cho rằng đấy là tâm thế hình thành nên một lớp thi sĩ kiểu mới trong thơ kháng
chiến, “một cuộc dấn thân để tìm thấy sự kết hợp hài hòa giữa chủ thể sáng tạo và
khách thể thẩm mĩ” [209, tr.7-8]. Cùng hướng khai thác với Vũ Tuấn Anh, trong
“Văn học Việt Nam trong thời đại mới”, Nguyễn Văn Long cũng cho rằng cái “tôi”
sử thi và cái “tôi” thế hệ là hai dạng thức tiêu biểu của cái tôi trữ tình trong sáng tác
của các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước, trong đó cái tôi thế hệ “thống nhất với
cái “tôi” sử thi và có thể coi là một biến thể, một dạng độc đáo và cụ thể của cái
“tôi” sử thi” [92, tr.112]. Theo Nguyễn Văn Long, “cái “tôi” sử thi trong thơ thời kì
chống Mỹ tuy rất thống nhất nhưng không đơn điệu, không hoàn toàn thủ tiêu cái
“tôi” của tác giả, vì thế bản sắc, cá tính của mỗi nhà thơ vẫn có chỗ để bộc lộ, phát
huy” [92, tr.112]. Nguyễn Văn Long cảm nhận: “từ cái náo nức, say sưa với cảm
hứng của buổi đầu, đến sự trải nghiệm với nhiều suy tư, trầm tĩnh trong giai đoạn
cuối của cuộc chiến tranh, cái “tôi” của thơ trẻ muốn tìm cho mình một tiếng nói
trầm tĩnh, trực tiếp, thậm chí đến trần trụi, chối bỏ những gì hoa mĩ và sáo mòn
trong thơ” [92, tr.114]. Bài viết “Chuyển biến nhận thức của đội ngũ nhà thơ trẻ
trong chiến tranh giải phóng” của Lê Thị Bích Hồng cũng góp phần khái quát một
số biểu hiện của cái tôi trữ tình, trong đó có những nhận định khá xác đáng trên tinh
thần phát triển thành quả nghiên cứu của người đi trước: “Chữ tôi trong thơ mang
một tâm thế hoàn toàn mới mẻ. Đó là cái tôi chung, cái tôi cộng đồng, cái tôi giai
cấp, cái tôi thế hệ. Có lúc thơ phải bằng lòng một sự phiến diện để yên lòng người
đánh giặc” [66, tr.15]. Tuy nhiên, biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt
Nam 1965 - 1975 được các nhà nghiên cứu đặt trong quá trình vận động của cái tôi
trữ tình trong tiến trình văn học cách mạng, vì thế vẫn chưa phải là một cách nhìn
nhận toàn diện về diện mạo cái tôi trữ tình.
Xem cái tôi trữ tình như một biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con
người trong thơ chống Mỹ, Trần Đình Sử đánh giá: “Con người của văn học mười
năm cả nước đánh Mỹ vẫn là con người chính trị và dân tộc, con người của sự
nghiệp chung, quên mình vì nghĩa lớn, vì tập thể” [130, tr.68] và theo Trần Đình
Sử, “chiến tranh dầu ở đâu cũng là một hoàn cảnh bất thường, và gương mặt con
người trong chiến tranh thường là gương mặt đau thương, nghị lực và ý chí” [130,
tr.73] nhưng các nhà thơ “tránh nói những gì đau thương mất mát” [130, tr.73]. Đây
cũng là một gợi ý để tác giả luận án có cơ hội tìm tòi, suy ngẫm thêm về những biểu
hiện khác nữa của cái tôi trữ tình trong thơ 1965 - 1975, ở đó người nghệ sĩ không
hề lảng tránh bi kịch chiến tranh. Đứng từ góc nhìn cái tôi trữ tình gắn với ý thức
khẳng định bản sắc sáng tạo của người nghệ sĩ, theo Vũ Văn Sỹ, “Những nhà thơ
xuất sắc của thế hệ chống Mỹ như Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Xuân Quỳnh,
Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh… đều là những cây bút đã
chạm khắc được rõ nét chân dung tinh thần của mình, đồng thời cũng là của thế hệ
mình vào những mảng sự kiện và biến cố lịch sử” [183, tr.115].
Nhìn một cách tổng thể, cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975 đã được đề
cập đến ở một vài góc độ trong các công trình nghiên cứu về thơ chống Mỹ, tuy
nhiên, phần lớn chỉ tập trung khái quát nên một số dạng thức cơ bản và có tính chất
phổ quát của cái tôi trữ tình, đó là cái tôi sử thi, cái tôi thế hệ. Ở công trình luận văn
Thạc sĩ “Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ”, tác giả luận án cũng đã nhận thấy
trong thế giới nghệ thuật thơ ấy, có biểu hiện của cái tôi thế sự, đời tư - cái tôi dằn
vặt, nhìn thấu vào chiều đau xót bi thương của chiến tranh hay cũng có cái tôi cô
đơn đến tuyệt vọng, chông chênh trong chuỗi bi kịch vụn vỡ của tình yêu. Lưu
Quang Vũ một mình lặng lẽ trở về góc riêng dành cho những điều bình thường mà
cả dân tộc đang bận rộn với nhiều điều lớn lao, thiết thực hơn dường như đã bỏ
quên và dừng lại ở thế giới thơ tình Lưu Quang Vũ, hẳn chúng ta sẽ ngẫm ngợi
được nhiều điều trăn trở của cái tôi giữa cõi riêng tư thăm thẳm. Như vậy, dù không
phải là một dạng thức phổ biến nhưng trong thơ trẻ thời chống Mỹ, không thể
khuyết sự thể hiện sâu sắc của cái tôi trữ tình đời tư, vốn là một đặc trưng nổi bật
của thơ trữ tình sau 1975. Việc khảo sát dạng thức này cũng là một trong những
mục đích nghiên cứu của luận án. Đến gần đây, với chuyên luận “Thơ với cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, Lê Thị Bích Hồng nhận diện bên cạnh cái tôi sử
thi và cái tôi thế hệ, còn có cái tôi phi sử thi - vốn là một dạng thức hiện hữu trong
thơ chống Mỹ những năm cuối chiến tranh: “Con người một mặt vừa chịu áp lực sử
thi, một mặt lại trở về với cái tôi nhân bản. Thơ chống Mỹ đã góp một thành tựu
trong việc thể hiện con người, khát vọng con người từ cái nhìn phi sử thi” [68,
tr.118]. Đây là một dạng thức cái tôi mà hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình trước
đây gần như không bàn đến, hoặc chỉ khẳng định đó là diện mạo cái tôi trữ tình của
thơ sau 1975, khi cuộc sống dần trở lại những quy luật bình thường, con người phải
đối mặt với bao nhiêu biến động của xã hội. Lúc đó, cái tôi cá nhân mới thực sự
bừng tỉnh, “trở về những giá trị truyền thống nhân bản” [4, tr.174]. Lê Thị Bích
Hồng khẳng định: “Thật ra, cái tôi nhìn theo số phận cá nhân đã có mặt ngay trong
thời điểm chiến tranh” [68, tr.108]. Tác giả chuyên luận này cũng đã tập trung vào
chủ yếu hiện tượng thơ Lưu Quang Vũ; bên cạnh đó, tác giả còn nhắc đến một số
cây bút “bên kia chiến tuyến” ở các đô thị miền Nam khi đề cập đến xu hướng chiến
tranh nhìn từ sự mất mát, hi sinh.
Bên cạnh những công trình mang tính chất nhận định về diện mạo cái tôi trữ
tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, còn một số bài viết đi vào khảo sát phong
cách nghệ thuật của thơ trẻ, ít nhiều cũng đề cập đến một vài nét biểu hiện của cái
tôi trữ tình. Tuy nhiên, các công trình chủ yếu mới dừng lại phác thảo một số dạng
thức cái tôi trữ tình trong thơ trẻ một cách khái quát hoặc chỉ dừng lại khảo sát chân
dung cái tôi trữ tình trong một số ít hiện tượng tiêu biểu.
4.2. Một số bài viết như: “Thơ miền Nam, tiếng hát của quê hương” (Tế Hanh
- Khái Vinh), “Sự nghiệp giải phóng dân tộc và thơ trẻ ở miền Nam” (Bùi Công
Hùng), “Thơ ca chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam 1954 - 1970” (Phạm Văn Sĩ)…
đã đề cập đến tư tưởng, quan điểm nghệ thuật, cảm hứng sáng tác của thơ trẻ miền
Nam. Song hầu hết chỉ mới dừng ở mức độ giới thiệu, khái lược, chưa đi sâu nhận
diện bản chất của cái tôi trữ tình.
Đối với các nhà thơ trẻ vùng tạm chiếm miền Nam, giới nghiên cứu phê bình
dành không ít sự quan tâm. Bàn về tư duy nghệ thuật của một số cây bút học sinh
sinh viên, Thạch Phương đã nhận định tiếng nói chủ đạo của lực lượng sáng tác thơ
trẻ miền Nam giai đoạn này là “tiếng nói phủ định cái trật tự xã hội khốn nạn “đầy
rẫy những dây kẽm gai, mộ địa và lưỡi lê” [158, tr.46]; cho rằng đây là “một sự chối
bỏ toàn diện” nhằm “lật tung cái bộ mặt thật của thuộc địa trá hình” [158, tr.47].
Khi đề cập đến sức bật của lực lượng cầm bút trẻ thành thị miền Nam 1965 - 1975,
Thạch Phương cảm nhận: “Đọc thơ họ, ta cũng bắt gặp không ít những nỗi quằn
quại, ngột ngạt giữa một cuộc sống tù đọng” [208, tr.421]. Song Thạch Phương
cũng khẳng định cảm hứng chủ đạo của thơ trẻ thành thị miền Nam là “những thao
thức, trăn trở của con người, hay nói rộng hơn của cả một thế hệ mang tinh thần
thức tỉnh trước một thực tế cần phải đổi thay” [208, tr.422]; đồng thời, bước đầu
nhận diện được một số biểu hiện của cái tôi trữ tình ở một vài cây bút tiêu biểu: “Có
chất anh hùng ca của Trần Quang Long, Đam San, cũng có cái trữ tình da diết của
Võ Quê, Thái Ngọc San. Có cách suy tư lắng đọng kiểu Đông Trình…” [158, tr.52].
Trong bài viết “Nghĩ về tuổi trẻ, nghĩ về thơ, nghĩ…”, Trần Hữu Tá khái quát một
số đặc sắc trong cá tính sáng tạo của các cây bút học sinh sinh viên: “Ta dễ nhận ra
giọng thơ hào sảng thấm đẫm nhiệt tình của Trần Quang Long, cách thể hiện cô
đọng và hiện đại trong thơ Ngô Kha. Ta dễ mến tiếng thơ hồn nhiên chân thật của
Hữu Đạo, Võ Quê và lối viết mực thước, tinh tế của Đông Trình… Quan trọng hơn,
xét chung cả đội ngũ, sáng tác của họ thật sự có một sinh khí dồi dào và một diện
mạo mới mẻ” [64, tr.20-21]. Người nghiên cứu rút ra nhận định cảm hứng sáng tạo
của thơ trẻ trong lòng đô thị miền Nam “thể hiện thật nhức nhối nỗi buồn, niềm đau
của những người sống trên nơi chôn rau cắt rốn” [64, tr.21]; qua đó, đi đến khẳng
định biểu hiện cơ bản của cái tôi trữ tình ở vùng thơ này là “ý thức nhân danh cộng
đồng để suy nghĩ, phát biểu và hành động” [64, tr.23].
Tôn Thất Bút, trong bài viết “Xuân và niềm tin đã mất với người thơ hôm
nay”, lại nhận diện chân dung tinh thần của bộ phận thơ trong vùng tạm chiếm miền
Nam đánh mất niềm tin vào cuộc đời: “Sự lạc lõng đã trở thành như một ám ảnh
thường trực” [10, tr.44] và “Cuộc sống đã mong manh tái nhạt trong từng cá thể con
người” [10, tr.45]. Đối với những cây bút vùng tạm chiếm miền Nam không thuộc
dòng thơ “viết trên đường tranh đấu” như Nhã Ca, Lệ Khánh, Nguyên Sa, Du Tử
Lê, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Dạ Từ…, nhìn chung
rải rác đã có một số công trình bàn đến, chủ yếu dừng lại giới thiệu và thẩm bình
một số nét cá tính sáng tạo, cốt phác họa diện mạo thơ trẻ ở bộ phận này như một
yếu tố mới của văn học vùng tạm chiếm miền Nam. Tuy nhiên, các cây bút phê bình
phần nào đã điểm chân dung của cái tôi trữ tình trong một số hiện tượng thơ. Chiếm
lĩnh thế giới nghệ thuật thơ Du Tử Lê, Nguyễn Vy Khanh nhận thấy: “Trong cuộc
tìm kiếm chính mình, chính bản chân diện mục, cái Tôi sâu thẳm và thực, có khi
nhận ra cái Tôi bị động, tan nát, vì tâm động” [254] hay đến với thơ tình Du Tử Lê,
tác giả bài viết này lại khám phá: “Du Tử Lê còn có những bài đầy một nỗi buồn
tuyệt vọng và chân thành, nhiều giãi bày và tiên tri của một người tin ở sứ mệnh đến
với đời” [254]. Trong “Thơ Tô Thùy Yên - quán trọ hồn Đông phương”, Nguyễn Vy Khanh
nhận diện cái tôi “hãnh tiến trong hoang vu cũng như trong bức rối của thời đại”
[255]. Còn đứng từ góc nhìn về tâm thức của các nhà thơ vùng tạm chiếm miền
Nam đầu thập niên 70 của thế kỉ XX nói chung và Nguyễn Tất Nhiên nói riêng,
Nguyễn Bảo Hưng đã nhìn nhận: “Thảm kịch của tuổi trẻ miền Nam Việt Nam ở
những năm đầu của thập niên 70 là thế đó. Và Nguyễn Tất Nhiên đã sống đằm mình
trong thảm kịch này. Anh đã sống đày đủ. Sống nhiệt tình. Sống trọn vẹn. Như mọi
thanh niên cùng lứa tuổi” [251]...
Tuy hầu hết các bài viết, công trình chưa đi sâu khám phá cái tôi trữ tình, song
qua đó tác giả luận án cũng nhận diện một số đặc trưng cơ bản trong tư tưởng nghệ
thuật của thơ trẻ đô thị miền Nam, có cơ sở khoa học trong việc nhìn nhận những
nhân tố tác động đến đặc điểm thơ của thế hệ trẻ đồng thời cũng có cái nhìn khái
quát về một số phong cách thơ tiêu biểu như Ngô Kha, Trần Quang Long, Thái
Ngọc San, Ngụy Ngữ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên,
Trần Dạ Từ, Nguyễn Bắc Sơn… Từ đó, tác giả luận án mở rộng diện nghiên cứu và
đi sâu tìm hiểu sắc diện của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ vùng tạm chiếm miền Nam.
Nhìn chung, các cây bút nghiên cứu phê bình đã khám phá được một số dạng
thức cơ bản cũng như khái quát một số biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ
Việt Nam 1965 - 1975. Qua đó, thấy được diện mạo mới của cái tôi trữ tình trong
một giai đoạn lịch sử văn học đầy biến động thông qua cái nhìn đối chiếu với cái tôi
trữ tình của những thế hệ nhà thơ lớp trước. Một số công trình khá dày dặn song
cũng nhiều bài viết chỉ mới dừng ở dạng định hướng nhận diện về những biểu hiện
của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ giai đoạn này.
Với lịch sử vấn đề nghiên cứu trên, luận án có cơ sở đi sâu tìm hiểu cái tôi trữ
tình trong thơ trẻ 1965 - 1975 dưới một góc nhìn toàn diện hơn; tiếp tục đưa ra
những nhận định mà các công trình trước giải quyết chưa triệt để hoặc mới dừng ở
mức độ gợi mở. Xuất phát từ việc mở rộng nội hàm khái niệm thơ trẻ, tác giả luận
án cụ thể hóa những dạng thức nổi trội của cái tôi trữ tình ở cả ba vùng sáng tác:
miền Bắc, vùng giải phóng và vùng tạm chiếm miền Nam. Qua đó nhận diện các
dạng thức cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975; khẳng định thành tựu của thơ trẻ
giai đoạn này trong dòng chảy thơ Việt Nam 1945 - 1975.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu: Thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, tập trung vào
những tác phẩm của ba vùng thơ: miền Bắc, vùng giải phóng và vùng tạm chiếm
miền Nam.
5.2. Phạm vi nghiên cứu: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975
với những dạng thức biểu hiện và một số phương thức thể hiện nổi bật.
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp hệ thống: Khảo sát cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975
trong sự vận động và phát triển của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam 1945 - 1975.
6.2. Phương pháp phân tích - tổng hợp: Phân tích những nét biểu hiện của cái
tôi trữ tình trong sáng tác của các nhà thơ trẻ tiêu biểu; qua đó, tổng hợp, khái quát
thành những dạng thức cái tôi trữ tình của thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975.
6.3. Phương pháp loại hình: Nhận diện đặc trưng từng kiểu dạng cái tôi trong
quy luật vận động và phát triển của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 1975; qua đó, phân loại, đánh giá hiệu quả thẩm mĩ các dạng thức cái tôi trữ tình
giai đoạn này.
6.4. Phương pháp so sánh - đối chiếu: So sánh những biểu hiện của cái tôi trữ
tình trong thơ trẻ 1965 - 1975 với các giai đoạn văn học khác, đồng thời kiến giải
những nét tương đồng, khác biệt của cái tôi trữ tình giữa các vùng thơ.
6.5. Phương pháp thống kê: Thống kê tần số xuất hiện của thể thơ tự do - một
phương tiện nghệ thuật quan trọng biểu đạt cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975.
7. Những đóng góp mới
Khảo sát diện mạo cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam ở cả miền Bắc, vùng
giải phóng và vùng tạm chiếm miền Nam, luận án góp phần mở rộng nội hàm thơ
trẻ Việt Nam 1965 - 1975, hướng tới khái quát một cách toàn diện hơn chân dung
cái tôi trữ tình và nhận diện một cách thỏa đáng hơn tư tưởng nghệ thuật, cũng như
đặc điểm nổi bật của thơ Việt Nam 1965 - 1975. Đồng thời, mong muốn khôi phục
khuôn mặt vốn đa diện của thơ 1945 - 1975, trước hết là giai đoạn 1965 - 1975. Từ
đó, luận án mở ra hướng nghiên cứu mới, khi quan điểm đánh giá không còn “trượt
theo quán tính” hầu hết cho rằng văn học Việt Nam 1945 - 1975 chỉ là sự hợp thành
của văn học miền Bắc và vùng giải phóng.
Luận án nhận định trong thơ trẻ 1965 - 1975, cái tôi sử thi là diện mạo cơ bản
của cái tôi trữ tình song cái tôi sử thi biến thể, cái tôi phi sử thi mới là những dạng
thức biểu hiện nổi trội, in đậm bản sắc thơ trẻ giai đoạn này.
8. Cấu trúc luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận án được cấu trúc thành 3 chương
Chương 1. Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975
- một cái nhìn khái quát
Chương 2. Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975
- nhìn từ dạng thức biểu hiện
Chương 3. Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975
- nhìn từ phương thức thể hiện
CHƯƠNG 1: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT
NAM 1965 - 1975- MỘT CÁI NHÌN KHÁI QUÁT
Trong tiến trình phát triển của thơ Việt Nam 1945 - 1975, cái tôi trữ tình
không ngừng vận động, góp phần làm nên diện mạo của từng giai đoạn thơ. “Tiếng
thơ phải được nói lên từ một tấm lòng, từ những rung động sâu xa của một trái tim
đang xúc động. Những thương mến, căm giận và những nỗi niềm khác nhau bộc lộ
trong hình tượng thơ đều phải chân thành, tự nhiên, như một lời tâm sự, một tình
cảm không nén lại được” [45, tr.117]. Đây có thể xem là sứ mệnh thơ trẻ 1965 1975, trước hết nhìn từ ý nghĩa tồn tại của cái tôi trữ tình. Với những dạng thức biểu
hiện phong phú, cái tôi trữ tình tạo cho thơ trẻ một chân dung tinh thần, một phong
cách thời đại.
1.1. Quan niệm về cái tôi trữ tình
1.1.1. Cái tôi
Cái tôi thuộc về bản chất, là chiều sâu tinh thần con người. “Cái tôi tự khẳng
định chính nó và tìm được tiếng vang của nó trong cái ta, đồng thời cái ta cũng tự
khẳng định khi bao bọc cái tôi và tìm được tiếng vang bên trong của nó trong cái
tôi” [201, tr.82]. Cái tôi là sự thức tỉnh đầu tiên của con người, để xác lập vị trí của
cá thể này so với cá thể khác.
Trong lịch sử triết học phương Đông, cái tôi mang diện mạo riêng. Với Lão
giáo, con người cá nhân không thể là trung tâm vũ trụ; chừng nào con người quên
“tôi” thì mới có thể sống trong cái vô cùng của không gian và cái vô tận của thời
gian. Theo Nho giáo, con người được đặt trong mối quan hệ với thiên mệnh: “Con
người kính sợ trời, tin thiên mệnh, tin huyền tưởng, ngưỡng vọng siêu nhân” [150,
tr.74]. Bên cạnh đó, Nho giáo lại quan tâm đến cá nhân trong mối quan hệ luân lí,
cương thường giữa người với người; đưa con người vào cái đại ngã của gia tộc,
quốc gia nhưng cũng hướng con người vào tự do nội tâm. Cái tôi trong tư tưởng
Nho giáo không tồn tại với ý nghĩa tự thân mà chỉ tồn tại với ý nghĩa con người là
“cái đức của trời đất, là sự kết giao của âm dương…”. Còn với Phật giáo, con người
được thiết lập trong quan hệ với chính mình và được lí giải trên học thuyết “vô
ngã”. Đạo Phật đưa con người đến nhu cầu hướng nội. Như vậy không có nghĩa là
Phật giáo phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của cái tôi. “Con đường đắc đạo của đạo
Phật là một con đường cá nhân, chứ không thể cộng đồng” [150, tr.75]. Tuy tam
giáo đều quan niệm về cái tôi cá nhân dựa trên khuynh hướng “vô ngã” song hoàn
toàn không phải là sự triệt tiêu cái “ngã”. Lão giáo dùng “ngã” để khước từ, tiêu
diệt danh lợi chính là khẳng định vai trò của yếu tố cá nhân trên con đường thực
hiện lí tưởng đó. Nho giáo một mặt đặt con người vào mối quan hệ khăng khít với
thiên mệnh, khuôn con người vào cương thường, luân lí; mặt khác lại đưa con người
quay vào thế giới nội tại. Điều này có nghĩa là “cá nhân hòa tan vào một bản chất
chung của con người - tự nhiên, con người - chức năng, con người - cương thường,
và không còn ý nghĩa như một cái tôi tồn tại độc lập” [4, tr.22]. Như vậy, dù xuất
phát từ quan niệm về cái tôi cá nhân của mỗi triết thuyết có những đặc trưng khác
nhau song đều thừa nhận ý nghĩa của con người trong việc thực hiện tư tưởng. Ở
mỗi triết thuyết, con người cá nhân dù không tồn tại độc lập nhưng vẫn được bộc lộ
ở một hình thức nhất định. Và “tất cả đều dựa vào phẩm chất cá nhân để giải phóng
cho cái “ngã” nội tại khao khát tự do được bước sang một thế giới khác, không gò
bó, tạm bợ” [150, tr.75].
Đến với một số triết thuyết phương Tây, có thể cũng tìm thấy những quan
niệm về con người. Với Descartes, con người đặt mình trong tư thế đối diện với vũ
trụ, là một “bản thể suy tư”; bản chất con người là bản chất cá thể. Theo quan niệm
của Descartes, con người không chỉ tồn tại trong mối liên hệ giữa thể xác và linh
hồn mà người là Người vì người biết đau khổ, đam mê trong sự so sánh với tộc loại;
con người dù nhỏ bé cũng không bị cô lập trong vũ trụ mà luôn tự nhận thức mình
là một phần của trật tự toàn vẹn và có vị thế nhất định trong trật tự toàn vẹn đó. Như
Héraclite quan niệm “giữa vũ trụ và con người luôn luôn có một liên hệ” [114,
tr.182]. Dừng lại ở Kant, một đại diện tiêu biểu của triết học duy tâm, cũng thấy rất
rõ ý nghĩa của cái tôi trong đời sống con người. Cái tôi tồn tại vừa là chủ thể vừa là
khách thể của quá trình nhận thức, đồng thời Kant còn tuyệt đối hóa khả năng nhận
thức của cái tôi: “Tính thống nhất của tự nhiên không phải ở trong tính vật chất của
nó, mà ở trong tính thống nhất của chủ thể nhận thức, của cái tôi” [147, tr.113]. Như
vậy, cái tôi cá nhân được thừa nhận như là một đối tượng khám phá phức tạp của
con người. Hay đối với Hegel, cái tôi tồn tại như một cá thể độc lập. Cái tôi có khả
năng tự biểu hiện mình, thể hiện khát vọng của con người. Xét đến sự ảnh hưởng
trực tiếp hoặc có mối liên hệ với quan niệm cái tôi trữ tình, dừng lại ở triết học hiện
tượng luận của Husserl, thấy rằng cái tôi được chú trọng với tư cách “chủ tri”, là
suy tư về chính chủ thể; khách thể chỉ là cái cớ để chủ thể suy tư. Chính tư tưởng
này đã đẩy triết thuyết của Husserl đến một quan niệm về con người tự do. Ở đó con
người tự thân đã là một chủ thể sáng tạo không có một mối dây ràng buộc nào với
thực tại khách quan. Gặp gỡ Husserl, J.P.Sartre cũng đưa ra một quan niệm hiện
sinh về ý thức của cái tôi, trong đó cái tôi không chỉ thiết lập sự khác biệt của nó với
ngoại vật, với tha nhân mà còn với chính mình. Theo quan niệm của triết học hiện
sinh, “Con người cũng là một toàn thể không phân chia; do đó mỗi cử chỉ, hành
động của nó, dù bé nhỏ, tầm thường cũng bày tỏ một ý nghĩa, một thái độ của con
người hiểu như một toàn thể trước cuộc đời” [232, tr.252]. Con người được đặt
trong sự tự do hóa tuyệt đối, là hữu thể trong mối quan hệ với chính nó, không có
tha tính, là sự “tự ý thức”. Như một sự kế thừa hiện tượng học của Husserl, J.P.
Sartre cho rằng chính cá nhân ra luật cho toàn thế giới, cá nhân phải xác định ý
nghĩa của thực thể trong mình và bên ngoài mình. Từ đó, Sartre quan niệm: “không
có vũ trụ nào khác ngoài vũ trụ con người” [172, tr.31] và khẳng định “con người
không phải là đóng kín trong bản thân mình mà luôn luôn có mặt trong một vũ trụ
con người” [172, tr.32]. Đối lập với những triết thuyết tuyệt đối hóa cái tôi cá nhân,
đến triết học Marx, giá trị con người cá nhân được xác lập với tư cách vừa là chủ
thể vừa là khách thể của các mối quan hệ xã hội. Cá nhân luôn tự thiết lập quan hệ
với môi trường xã hội, là “bộ mặt xã hội”. Đến đây, cái tôi tồn tại như là trung tâm
của cá tính con người không tách rời khỏi hiện thực: “Trong tính hiện thực của nó,
bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” [102, tr.11].
Theo lí giải của triết học, cái tôi là một yếu tố của chủ thể, là quan niệm của
chủ thể về chính mình. Hay nói cách khác, cái tôi chính là khả năng tự nhận thức
của chủ thể. Sự khu biệt cơ bản nhất của hai phạm trù này là nếu chức năng của chủ
thể là nhận thức và cải tạo thế giới thì chức năng của cái tôi là xác lập vị thế của
mình trong thế giới. Chủ thể, theo quan niệm của triết học, không hẳn là một cá
nhân đơn lẻ, mà đó có thể là một tập thể, một cộng đồng. Như vậy, tương ứng với
chủ thể của mỗi thời đại là sự biểu hiện một loại hình cái tôi phù hợp.
“Sẽ giản đơn, siêu hình nếu xem cái tôi cá nhân là một cái gì nhỏ hẹp, hạn chế,
khép kín” [181, tr.136]. Mang những đặc tính riêng, cái tôi không đơn thuần là cái
tôi cá nhân riêng lẻ, nhỏ hẹp, bất biến mà đó là một phạm trù mang tính “động”,
“không chỉ là chức năng tự ý thức của chủ thể, mà còn là chức năng tự ý thức về
bản chất xã hội của chủ thể” [181, tr.136]. Cái tôi tự thân có sức dung chứa vô cùng
bởi cái tôi có chức năng thâu nhận thế giới khách quan qua lăng kính nội cảm. Sự
thâu nhận này đã tạo nên một thế giới chủ quan của cái tôi, ở đó sức nội cảm của cái
tôi tỉ lệ thuận với sự phong phú đa dạng của cuộc đời. Đây chính là thế giới của
những giá trị qua cách nhìn của cái tôi, là thế giới khó tách bạch đâu là chủ quan
đâu là khách quan: Khúc thu/ Khúc thu/ Bần bật lá vàng/ Đôi giày nhỏ xinh xinh
nàng công chúa (Dương Kiều Minh); Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau/
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa/ Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa/ Núi
uốn mình trong chiếc áo the xanh (Đoàn Văn Cừ). Chính đặc tính này tạo nên sự đa
dạng trong những dạng thức biểu hiện của cái tôi trữ tình: cái tôi hướng nội, cái tôi
hướng ngoại… Cái tôi luôn tự thiết lập một cách ứng xử “thống nhất bền vững” đối
với cuộc sống. Điều đó không có nghĩa cái tôi là một phạm trù bất biến. Sự bền
vững ở đây có thể hiểu là sự nhất quán trong bản chất tinh thần con người, nghĩa là
ý thức khẳng định bản chất tinh thần qua nhiều biến cố của đời sống: Biển vẫn cậy
mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút/ đã cô đơn (Hữu Thỉnh); Ký hiệu đời
tôi là một chấm xanh xanh ngắt/ Ký hiệu thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến/
khôn cùng (Phùng Khắc Bắc). Như đã khẳng định, cái tôi là một phạm trù có tính
“động”. Đây có thể là sự xung đột trong nội tại cái tôi, hay cũng có thể hiểu là sự
xung đột với thế giới để đi đến một sự thống nhất của chủ quan. Nghĩa là đích đến
cuối cùng của cái tôi là xác lập giá trị của mình trong thế giới khách quan. Hay nói
khác hơn, cái tôi là một cách “lựa chọn”. Cái tôi luôn nhận ra mình trong cái nhìn
thể nghiệm: Nghĩa lớn ai mua bán chợ chiều/ Dập vùi hoa lá biết bao nhiêu (Trần
Huyền Trân); Suốt đời thương không thương hết được đời/ Điều ấy làm tôi day dứt
mãi/ Tôi từng trải và tôi vụng dại (Trần Nhuận Minh). Từ cách lí giải này, khi đi
vào làm rõ bản chất của cái tôi trữ tình, hẳn sẽ có cái nhìn thỏa đáng hơn; không thể
quy cái tôi trữ tình vào trong cái tôi cá nhân thuần túy, cũng như không thể đồng
nhất cái tôi trữ tình với cái tôi cá nhân.
Văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của
tư tưởng triết học. Cái tôi gắn với những bước tiến hóa của nhân loại trong quan
niệm về con người của triết học đã ảnh hưởng đến ý thức nghệ thuật văn chương
trong việc thiết lập quan niệm về cái tôi trữ tình. Suy cho cùng, cái tôi trong thế giới
trữ tình khởi đi từ ý thức về cái tôi trong nguồn gốc triết học song đi vào thế giới
thơ ca, cái tôi lại mang một diện mạo riêng. Đó là nhu cầu được biểu hiện và nhìn
nhận về hiện thực khách quan. Và những dạng thức khác nhau của cái tôi trải qua
các nền văn học đều ít nhiều thể hiện sự ảnh hưởng của quan niệm cái tôi triết học,
tạo thành biểu hiện phong phú của cái tôi trữ tình trong thơ. Nếu như thơ Thiền gắn
với “cái tôi vô ngã” của phạm trù thi pháp văn học trung đại thì thơ ca lãng mạn lại
gắn mình với “cái tôi cá nhân” là một, là riêng, là thứ nhất. Và khi đi ra khỏi thời
của cái tôi co mình trong thế giới cô đơn, rợn ngợp của Thơ mới, thơ 1945 - 1975
lại là môi trường nảy nở những dạng thức mới của cái tôi.
Trong ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ, cái tôi được quan niệm dưới nhiều
khía cạnh phong phú. Đó là ý thức về cá tính sáng tạo của con người, là cách nhìn
nhận về con người như là một đối tượng thẩm mĩ của quá trình sáng tác, là số phận
con người không lặp lại ở mỗi giai đoạn sáng tác và mang dấu ấn thời đại. Xuất
phát từ căn nguyên của cái tôi trữ tình trong thế giới nghệ thuật, có thể hình dung
ban đầu về cái tôi trữ tình là “sự tự ý thức của cái tôi được biểu hiện trong nghệ
thuật và bằng nghệ thuật, cái tôi của hành vi sáng tạo, là quan niệm về cái tôi được
thể hiện thông qua phương tiện trữ tình” [4, tr.26-27].
1.1.2. Cái tôi trữ tình
Theo Hegel, nguồn gốc và điểm tựa của thơ trữ tình là “ở chủ thể, và chủ thể
là người duy nhất và độc nhất mang nội dung” [60, tr.995]. Thơ ca là tiếng nói xuất
phát từ nhu cầu nội tại của con người, có khi đó là nhu cầu độc bạch của thế giới
tâm hồn. Nhiều định nghĩa về thơ trữ tình đều hướng đến giải mã sự thôi thúc của
nhu cầu sáng tạo xuất phát từ góc độ đó. Thơ là sự bắt nhịp của những tâm hồn
đồng điệu, là tiếng nói tri âm… Quá trình sáng tạo thơ ca trước hết là nhu cầu rung
cảm tự thân của người nghệ sĩ, là con đường tìm sự đồng vọng. Thơ trữ tình với tư
cách là sự biểu hiện của cái tôi, là phương tiện để con người cảm thấy sự tồn tại của
mình” [181, tr.140]. Bản chất của thơ chính là sự hiện diện của cái tôi trữ tình. Vì
thế có thể xem cái tôi là nhân tố xuyên suốt hành trình sáng tạo thơ trữ tình.
“Thơ trữ tình là phương tiện để con người tự khẳng định bản chất tinh thần
của mình so với tồn tại vật chất, là phương tiện để tự đồng nhất mình, xây dựng
hình tượng về mình…” [181, tr.140]. Cái tôi có vai trò quan trọng trong thơ với tư
cách là trung tâm để bộc lộ tất cả suy nghĩ, tình cảm, thái độ bằng giọng điệu riêng;
nhờ vậy làm nên cái độc đáo không lẫn giữa thế giới nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ.
Sáng tạo thơ ca là kết quả tất yếu của quá trình dồn tụ cảm xúc, là khoảnh khắc
thăng hoa của cái tôi thi sĩ khao khát tự bộc bạch, giãi bày. Không có sự thúc bách
bên trong đời sống nội cảm, không có cái tôi chênh chao giữa thế giới hiện hữu,
không có niềm vọng tưởng về một quá khứ mờ xa thì không thể có Điêu tàn đi về
trong những miền hư tưởng. Sẽ không có Di cảo thơ như một cuộc chạy đua dốc
sức cuối cùng về với bến bờ của đời người nếu không có một tâm hồn luôn trên
hành trình suy tưởng về số phận, về cái chênh vênh giữa cõi sống và cõi lò thiêu.
Cũng như nếu không có cái tôi cảm nghiệm thân phận buồn trống trải thì không thể
có thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ, không thể có lời tự thú xót cay: Nhiều khi muốn mình
như chiếc bóng/ Tan trong màn đêm/ Để không ai nhận ra/ Mình có mặt trong đời
(Tặng nỗi buồn riêng). Hegel đã khẳng định: “điều làm thành trung tâm và nội dung
thực sự của thơ trữ tình, đó chính là cái chủ thể” [60, tr.1007]. Tác phẩm thơ trữ
tình chỉ tồn tại khi đó là nhu cầu tự ý thức, nhu cầu xúc cảm của chủ thể sáng tạo.
Điều đó có nghĩa sẽ không có tác phẩm trữ tình nếu không có nhu cầu tự khẳng
định, không có nhu cầu tìm kiếm tri âm của chủ thể. Hoặc có thể tác phẩm trữ tình
vẫn ra đời nhưng không thể nhận được sự đón đợi của công chúng. Vậy để có một
tác phẩm trữ tình đích thực, trước hết phải khởi đi từ sự rung động của chính chủ
thể. Sự xuất hiện của cái tôi trữ tình là điều kiện cốt yếu của thơ trữ tình.
Từ những cơ sở lí luận nền tảng trên, tác giả luận án quan niệm cái tôi trữ tình
là biểu hiện của cách nhận thức và suy tư của chủ thể trước thế giới hiện thực; qua
những điểm nhìn nghệ thuật, thể hiện tư tưởng, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
Ở đây, cái tôi trữ tình được hiểu theo nghĩa rộng, là “bản chất chủ quan của thể loại
trữ tình” [152, tr.22]. Và bản chất của thơ trữ tình là sự hiện diện của cái tôi.
Cái tôi trữ tình và cái tôi tác giả có mối quan hệ thống nhất nhưng hoàn toàn
không đồng nhất. “Cái tôi trữ tình chỉ là sự hiện diện bộ mặt tinh thần của nhà thơ
trong những tác phẩm thơ ca” [46, tr.167]. Việc quy cái tôi trữ tình vào khuôn nghĩa
hẹp tương ứng với cái tôi tác giả hoặc gán ghép cái tôi trữ tình vào cái tôi tiểu sử sẽ
đưa đến một cách nhìn phiến diện về bản chất của cái tôi trữ tình trong thơ. Trong
thực tế sáng tác, tác phẩm và người sáng tạo quan hệ mật thiết. Có khi thơ chính là
âm bản, là hồn phách của người nghệ sĩ. Cái tôi trữ tình bộc lộ trong thơ “dưới dạng
trực tiếp của một tình cảm riêng tư, một câu chuyện, một cảnh ngộ, một sự việc gắn
với cuộc đời riêng của người viết” [45, tr.73]. Nguyễn Trãi với nỗi lòng chồng chất
ở non nước Côn Sơn; Hồ Xuân Hương với kiếp lấy chồng chung; Xuân Diệu cùng
nhịp sống nôn nao, cuống quýt, vội vàng; Hàn Mặc Tử tủi phận trước tình đời hờ
hững hay một Lưu Quang Vũ lận đận với nỗi niềm bài hát ấy vẫn còn dang dở…
Nhà thơ mang thế giới riêng tư in vào trang viết. “Nhà thơ là nhân vật, là cái tôi, là
hình tượng trung tâm. Đọc thơ, chúng ta thấy giữa thơ và cuộc đời tác giả là một, là
thống nhất” [86, tr.19]. Cái tôi trữ tình ở đây dường như chính là cái tôi nhà thơ.
Não nề đến rên xiết, cô độc đến trống rỗng, khát thèm đến đê mê… là cõi
riêng tây của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Trong đó, Đau thương là duyên phận lỡ làng
của đời thơ ông. Lỡ làng yêu đương, lỡ làng thân phận và cuộc phiêu diêu vào
mộng tưởng cũng lỡ làng. Ở đó, người thơ dấn thân vào tận cùng bi kịch bằng một
cái tôi mê dại. Xa đời, xa người và xem thế giới ảo mộng là người tình tri kỉ, Hàn
Mặc Tử mê tơi trong những ảnh hình kì dị. Cái tôi trao phận vào cõi hư vô ắp đầy
ám gợi. Để tự giải thoát sượng sần thân xác. Để thỏa ẩn ức đời tư và bức bách hơn
là để chạm tới cạn sâu những ước vọng mà chủ thể không tìm thấy trong thực tại:
Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng/ Cho ngây người mê dại đến tâm can (Rướm
máu). Không nén nổi cơn khát yêu mà trong ngắn ngủi cuộc đời, nhà thơ vắt kiệt
mình nếm trải. Vườn yêu trong cõi Hàn Mặc Tử dậy men tình mà cũng chật ních
rạn vỡ tái tê. Dự cảm đổ vỡ đón đợi người thơ ngay trong khoảnh khắc say sưa nhất
của ái tình, sẽ chán chường và sẽ chán chê (Tối tân hôn). Trải nghiệm đau thương là
đối mặt với định mệnh. Song tận sâu tâm thức Hàn Mặc Tử là sự cưỡng lại thân
phận. Say trăng, rượt trăng, chơi trên trăng hay ngủ với trăng âu cũng là sự phân
thân của cái tôi mê dại. Cái tôi đắm mình trong trăng đến hoang tưởng. Rượt đuổi
trăng mà viễn tưởng đến ái tình không xác thịt. Ngủ với trăng lại tưởng vọng đến
thổn thức, phập phồng niềm yêu đương… Không phải là sự quy chụp cuộc đời bệnh
tật của Hàn Mặc Tử vào thế giới nghệ thuật thơ của chủ thể, giữa cái tôi nhà thơ và
thế giới hình tượng thơ vẫn có một độ “vênh” nhất định. Sáng tạo thơ ca trước hết là
cái nhìn qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Dẫu là cuộc đời thi sĩ đấy nhưng
chưa hẳn là đời, là tôi nhưng cũng không hoàn toàn là tôi. Song nếu không có một
Hàn Mặc Tử cô đơn giữa cõi người rộng rinh trong mặc cảm bệnh tật giày vò,
không có một Hàn Mặc Tử cồn cào khát sống thì sẽ không có Đau thương. Quả
thật, khi người thơ đóng dấu ấn đời tư vào tác phẩm, cái tôi trữ tình ít nhiều đều
mang bóng dáng của cái tôi tác giả như là sự phơi trải chính mình.
Cái tôi trữ tình có thể bộc lộ gián tiếp qua cảnh ngộ không phải của riêng mình
mà tác giả chỉ nói lên cảm nghĩ của mình về những cảnh ngộ, những sự kiện đó.
Lúc này, “cái tôi trữ tình là nhân vật trữ tình chủ yếu của sáng tác” [45, tr.74]. Tây
Tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đây mùa thu tới của
Xuân Diệu… là những trường hợp như thế. Hay cũng không ít tác phẩm viết về một
nhân vật trữ tình được xác định nào đó: Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Trần Thị Lý, Nguyễn
Văn Trỗi…, khi đó “nhân vật trữ tình của sáng tác tồn tại bên cạnh cái tôi trữ tình
của nhà thơ” [45, tr.74]. Đối với những trường hợp này, dù cái tôi nhà thơ không
bộc lộ trực tiếp song qua nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình vẫn tiềm ẩn. “Từ cảm
hứng chủ đạo đến giọng điệu thi ca, nhà thơ luôn cần phải hiện diện. Chính cái khác
nhau của những cái tôi trữ tình góp phần quyết định tạo nên những tiếng nói thơ ca
khác nhau” [45, tr.74-75]. Như trong địa hạt thơ tình, người đọc luôn nhận ra sự
khác nhau, đa dạng của những lời “tự hát”: một Xuân Quỳnh giăng mắc dự cảm;
một Ý Nhi duyên thầm, trầm lắng; một Dương Hương Ly ngọt ngào, thao thức; một
Lê Anh Xuân mãnh liệt, chân thành…
Thơ là độc bạch mà cũng là đối thoại. Chừng nào có sự phân thân của tác giả
để nhập vai vào từng số phận - nhà thơ đồng nhất cảm xúc với khách thể được phản
ánh thì chừng đó xuất hiện cái tôi trữ tình. Ở không ít trường hợp, cái tôi trữ tình
không đơn thuần là cái tôi hóa thân vào đối tượng miêu tả, cũng không chỉ là cái tôi
nói hộ tiếng lòng người khác, tiếng lòng chung. Trước khi hóa thành cái tôi trữ tình,
người đọc nhận ra cái tôi của chính chủ thể đang bộc lộ cảm xúc, suy tư. Và dẫu là
trực tiếp hay gián tiếp thì sự xuất hiện của cái tôi trữ tình không thể đi ra ngoài cái
tôi chủ thể. Rõ ràng ở đây, “cái tôi trữ tình là cái tôi được nghệ thuật hóa” [45,
tr.74] nhưng không tách rời khỏi cái tôi nhà thơ mà thống nhất trong biểu hiện
phong phú của cái tôi chủ thể sáng tạo. Như chốn dừng chân cuối cùng của kiếp
người trở thành nỗi trở trăn không dứt trong hồn thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có
phải nhà thơ mang nặng quá những dự cảm chia xa hay đó là nỗi lo sợ cõi đời vội
vàng đóng khép? Thế giới tâm linh, thế giới cõi âm rờn rợn... đều thành gần gụi như
thể tự đó con người tái sinh: Mai kia về ngủ trên đồi/ Nắng rải hoa vàng quanh chỗ
tôi/ Con chim sơn ca ngày thơ bé/ Nó bay về khóc mãi không thôi (Sinh nhật). Thơ
Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều lần chạm vào cái chết. Con người hiện sinh trong
ông dằn vặt quá nhiều với sự cô đơn đến trống rỗng. Đến nỗi thi sĩ ban cho mình