Tải bản đầy đủ (.pdf) (163 trang)

chính quyền chúa nguyễn trong quan hệ thương mại với nhật bản từ thế kỉ xvi đến thế kỉ xviii

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.07 MB, 163 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cao Thị Thanh Thanh

CHÍNH QUYỀN CHÚA NGUYỄN TRONG
QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VỚI NHẬT BẢN
TỪ THẾ KỈ XVI ĐẾN THẾ KỈ XVIII

Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60 22 03 13

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
TS. TRẦN THỊ THANH THANH

Thành phố Hồ Chí Minh - 2014


1

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi do TS.Trần Thị
Thanh Thanh hướng dẫn. Các tài liệu trích dẫn trong luận văn là trung thực. Cho đến
nay chưa có công trình nghiên cứu nào trùng với tên đề tài được công bố.
Tác giả luận văn

Cao Thị Thanh Thanh



2

LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám Hiệu, Ban Chủ Nhiệm khoa Lịch sử,
Phòng Sau Đại học và quý Thầy, Cô trong khoa Lịch sử của trường Đại học sư phạm
thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ và dạy dỗ trong suốt quá trình học tập tại trường.
Để hoàn thành luận văn này, tôi xin kính gửi sự tri ơn và lòng biết ơn sâu sắc tới
TS.Trần Thị Thanh Thanh, người đã không ngại khó khăn, tận tình hướng dẫn và động
viên tôi mọi mặt về tinh thần cũng như những kiến thức quý báu, giúp tôi hoàn thành
luận văn này.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn tới thư viện trường Đại học sư phạm Tp Hồ Chí
Minh, Thư viện Khoa học xã hội, Thư viện Khoa học tổng hợp đã giúp đỡ tôi trong
quá trình tìm kiếm tư liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu và hoàn thành đề tài.
Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới gia đình, những anh chị thân quen trong
lớp Cao học Lịch sử Việt Nam khóa 23 đã dành tình cảm, động viên và giúp đỡ tôi
trong những ngày học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn này.
Với khả năng hiểu biết còn có hạn, chắc chắn nội dung của luận văn khó tránh
khỏi những hạn chế, khiếm khuyết, kính mong nhận được sự hướng dẫn, góp ý từ quý
Thầy Cô.
Xin trân trọng cảm ơn!
Tp Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 09 năm 2014
Người thực hiện
Cao Thị Thanh Thanh


3

MỤC LỤC
Trang


LỜI CAM ĐOAN .......................................................................................................... 1
LỜI CẢM ƠN ................................................................................................................ 2
MỤC LỤC ................................................................................................................... 3
DANH MỤC CÁC BẢNG............................................................................................. 5
PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................................ 6
1. Lý do chọn đề tài ......................................................................................................6
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề .......................................................................................7
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu .........................................................12
3.1. Mục đích nghiên cứu .......................................................................................12
3.2. Đối tượng nghiên cứu ......................................................................................13
3.3. Phạm vi nghiên cứu .........................................................................................13
4. Nguồn tài liệu .........................................................................................................13
5. Phương pháp nghiên cứu........................................................................................15
6. Đóng góp của đề tài................................................................................................15
7. Cấu trúc của luận văn .............................................................................................16
CHƯƠNG 1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ CỦA QUAN HỆ ĐÀNG TRONG VỚI
NHẬT BẢN TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XVIII ....................... 17
1.1. Vai trò của Đàng Trong trong quá trình xác lập và củng cố quyền lực của các
chúa Nguyễn...............................................................................................................17
1.1.1. Vài nét về xứ Đàng Trong ............................................................................17
1.1.2. Vai trò của Đàng Trong trong quá trình xác lập và củng cố quyền lực của
các chúa Nguyễn .....................................................................................................19
1.2. Nhận thức của các chúa Nguyễn về nhu cầu quốc phòng và phát triển thương
mại ..............................................................................................................................28
1.2.1. Nhận thức của các chúa Nguyễn về nhu cầu quốc phòng ............................28
1.2.2. Nhận thức của các chúa Nguyễn về nhu cầu phát triển thương mại ............39


4


CHƯƠNG 2 . CHÍNH QUYỀN CHÚA NGUYỄN TRONG QUAN HỆ THƯƠNG
MẠI VỚI NHẬT BẢN TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XVIII ..... 50
2.1. Hoạt động thương mại với Nhật Bản trong chính sách đối ngoại về kinh tế của
các chúa Nguyễn ........................................................................................................50
2.2. Chính sách đối ngoại về kinh tế của chính quyền chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI
đến thế kỷ XVIII ........................................................................................................68
2.2.1. Chú trọng phát triển giao thương ..................................................................69
2.2.2. Cơ quan quản lí và thể lệ ngoại thương ở Đàng Trong ................................80
2.2.3. Chính sách trưng thu thuế .............................................................................85
2.2.4. Chính sách tiền tệ và lưu thông tiền tệ .........................................................88
2.3. Chính quyền Tokugawa Ieyasu và chính sách đối ngoại về kinh tế của nước
Nhật thời kì Edo .........................................................................................................93
2.3.1. Chế độ Châu ấn thuyền (1592 - 1635) ..........................................................93
2.3.2. Chính sách “tỏa quốc” – Sakoku (1636 - 1853) .........................................100
2.4. Vài nét về “Ngoại phiên thông thư”- một tài liệu quan trọng trong mối quan hệ
bang giao giữa chính quyền chúa Nguyễn và Nhật Bản ..........................................104
CHƯƠNG 3. VỊ TRÍ LỊCH SỬ VÀ VAI TRÒ CỦA QUAN HỆ THƯƠNG MẠI
VỚI NHẬT BẢN TRONG CHÍNH SÁCH VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI
NGOẠI CỦA CHÍNH QUYỀN ĐÀNG TRONG ............................. 110
3.1. Đối với nền kinh tế Đàng Trong .......................................................................110
3.2. Đối với việc củng cố và phát triển quyền lực của các chúa Nguyễn ................123
3.3. Đối với tiến trình lịch sử Việt Nam ..................................................................135
KẾT LUẬN ............................................................................................................... 147
TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................................................... 152


5

DANH MỤC CÁC BẢNG
Trang


Bảng 2.1. Số thuyền Châu ấn của Nhật tới các nước Đông Nam Á (1604-1635) ........ 53
Bảng 2.2. Số giấy phép chính quyền Nhật cấp thương thuyền Nhật (1604-1634)… ... 55
Bảng 2.3. Đường nhập vào Nhật Bản (năm 1663) ........................................................ 61
Bảng 2.4. Số lượng Bạc và thuyền Nhật Bản đến Đại Việt (1600-1640) .................... 64
Bảng 2.5. Số ghe thuyền Trung Hoa từ các nước Đông Nam Á tới Nhật Bản (16471720) .............................................................................................................................. 66
Bảng 2.6. Bảng thống kê thuyền buôn của Hoa thương từ Đàng Trong đến Ngasaki
(1647-1683) ................................................................................................................... 67


6

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, lịch sử dân tộc Việt Nam chứng kiến sự phân
liệt sâu sắc giữa các tập đoàn phong kiến. Năm 1592, cuộc chiến tranh Nam triều - Bắc
triều kết thúc cũng là lúc nội bộ Nam triều nảy sinh mâu thuẫn giữa hai dòng họ có
công trung hưng triều Lê: họ Trịnh và họ Nguyễn. Điều này dẫn tới nước Đại Việt một
lần nữa rơi vào tình trạng chia cắt bởi sự phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài, với
cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài hơn 200 năm. Tuy nhiên, trong các thế kỷ
này, lịch sử Việt Nam cũng đã bước sang một trang mới, cùng với những thành tựu to
lớn trong công cuộc mở rộng lãnh thổ về phương Nam, các chúa Nguyễn ở Đàng
Trong đã thiết lập được một nền ngoại thương khá hưng thịnh, tạo nên một nền kinh tế
phát triển ổn định trong một thời gian tương đối dài.
Sau khi trở về từ Trung đô (1600), Nguyễn Hoàng quyết chí xây dựng một giang
sơn riêng cho họ Nguyễn ở phương nam. Bằng sự tinh tường về chính trị, trong ứng xử
với họ Trịnh và trong tầm nhìn chiến lược về quyền lực, Nguyễn Hoàng và các chúa
Nguyễn đời sau nhanh chóng xác định cách thức xây dựng thế và lực trên vùng đất
mới. Trên cơ sở các thương cảng của vương quốc Champa trước đó, cùng những chính
sách thương mại của các chúa Nguyễn, Đàng Trong đã nhanh chóng hòa nhập vào

luồng thương mại quốc tế đang có khuynh hướng mở rộng và phát triển. Bên cạnh đối
tác truyền thống là Trung Hoa và các nước Đông Nam Á, chính quyền chúa Nguyễn
đặc biệt chú trọng mở rộng mối quan hệ giao thương với nước Nhật Bản. Có thể nói
Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại được chúa Nguyễn coi trọng nhất bấy
giờ.
Mối quan hệ giao thương giữa Đàng Trong với Nhật Bản mặc dù chỉ phát triển
rực rỡ trong khoảng bốn mươi năm đầu thế kỷ XVII, nhưng thông qua hoạt động trao
đổi, buôn bán với thương gia Nhật, chính sách đối ngoại về kinh tế của các chúa
Nguyễn được thực thi một cách triệt để. Tính tích cực trong chính sách phát triển
ngoại thương là điều kiện thúc đẩy mối quan hệ giao thương giữa Đàng Trong với
Nhật Bản diễn ra một cách tốt đẹp. Điều đó đã tạo sự gắn kết giữa thị trường Đàng


7

Trong với Nhật Bản, khiến nền kinh tế ngoại thương Đàng Trong được kích thích phát
triển, tạo một thế đứng chân vững chắc về kinh tế cho chính quyền Phú Xuân.
Vì vậy, thực hiện đề tài có thể giúp tác giả rút ra được những khái luận mang ý
nghĩa lịch sử về mối quan hệ thương mại giữa Đàng Trong với Nhật Bản trong chính
sách đối ngoại về kinh tế của chính quyền chúa Nguyễn trong các thế kỷ XVI - XVIII
cũng như một thời kỳ duy nhất trong lịch sử phong kiến của dân tộc, kinh tế ngoại
thương có sự phát triển rực rỡ ở Đàng Trong. Kinh tế Đàng Trong là một hiện tượng
đáng nghiên cứu trong lịch sử kinh tế Việt Nam, nhất là lịch sử kinh tế ngoại thương.
Hơn nữa, việc tìm hiểu chính quyền chúa Nguyễn trong quan hệ thương mại với Nhật
Bản còn góp phần cung cấp cơ sở khoa học, giúp chúng ta có cái nhìn lịch sử về vai
trò của nhà nước, chính quyền trong việc đề ra chính sách, biện pháp trong vấn đề phát
triển kinh tế ngoại thương của đất nước hiện nay.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, nhằm tìm hiểu sâu sắc hơn về mối bang giao giữa Đàng
Trong với Nhật Bản cách đây 400 năm, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy mối quan
hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với Nhật Bản hiện nay, tác giả luận văn đã

chọn vấn đề “CHÍNH QUYỀN CHÚA NGUYỄN TRONG QUAN HỆ THƯƠNG
MẠI VỚI NHẬT BẢN TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XVIII” làm đề tài nghiên
cứu.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Mối quan hệ bang giao giữa chính quyền chúa Nguyễn và Nhật Bản từ thế kỷ
XVI đến thế kỷ XVIII, nhất là trên lĩnh vực thương mại vẫn đang là đề tài thu hút
được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, nhiều bài viết,
công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước ít nhiều đã đề cập đến các
mảng khác nhau về mối quan hệ bang giao giữa Đàng Trong và Nhật Bản với mức độ
chuyên sâu khác nhau được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Cụ thể:
Đầu thế kỷ XX, Sở Cuồng Lê Dư với “Cổ đại Nam Nhật giao thông khảo” và
“Cổ đại ngã quốc dữ Nhật Bản chi giao thông” đăng trên tạp chí Nam Phong, phần
Hán văn, số 54 và 56 của quyển IX và quyển X, đã lần lượt giới thiệu 35 bức thư trao
đổi giữa chúa Trịnh, chúa Nguyễn và Mạc phủ Tokugawa in trong tập Ngoại phiên
thông thư - An Nam quốc thư. Như vậy, có thể nói Sở Cuồng Lê Dư là người Việt


8

Nam đầu tiên nghiên cứu về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời
cũng là người đầu tiên giới thiệu những văn thư trao đổi giữa hai nước trong thế kỷ
XVII qua nguồn tư liệu Nhật Bản. Điều này đã khơi nguồn cho những nhà nghiên cứu
lịch sử tìm hiểu hệ thống văn thư quan trọng này.
Đến nửa sau thế kỷ XX, những tác phẩm, bài viết nghiên cứu về mối quan hệ
Việt - Nhật nói chung, Đàng Trong - Nhật Bản nói riêng bắt đầu xuất hiện trên các tạp
chí nghiên cứu khoa học. Trước hết kể đến Bửu Cầm đã giới thiệu một số di tích của
người Nhật tại Hội An với bài viết “Bang giao lịch sử giữa Việt Nam và Nhật Bản”;
Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) đã phác thảo về mối quan hệ buôn bán của Đàng
Trong với Nhật Bản qua bài “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại
Hội An” đăng trên Việt Nam khảo cổ tập san. Trong bài viết, tác giả cho rằng năm

1593 là mốc mở đầu mối quan hệ giao thương giữa Đàng Trong và Nhật Bản và khẳng
định vị trí hàng đầu của Hội An trong quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với các nước
Đông Nam Á từ bảng thống kê số tàu Nhật đến Đông Dương.
Năm 1961, Nhà xuất bản (NXB) Sử học phát hành cuốn “Ngoại thương Việt Nam
hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX” của Thành Thế Vỹ. Đây là tác phẩm có giá trị khoa
học để tìm hiểu về nền ngoại thương Việt Nam nói chung, Đàng Trong nói riêng với
các nước, trong đó có Nhật Bản. Trong tác phẩm, tác giả đề cập đến hoàn cảnh trong
nước và thế giới tác động đến ngoại thương Việt Nam trong các thế kỷ XVII, XVIII và
XIX. Trong mối quan hệ buôn bán Việt - Nhật, tác phẩm khái quát các loại hàng hóa,
thuế, thể lệ buôn bán giữa hai nước và giới thiệu bức tranh của dòng họ Chaya ở Nhật
Bản thế kỷ XVII. Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên, Đinh Xuân Lâm
trong “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” cũng đề cập đến quan hệ ngoại thương
Đàng Trong - Nhật Bản và giới thiệu một số di tích của người Nhật ở Hội An. Phan
Khoang với “Việt sử Xứ Đàng Trong 1558-1777”, cũng khái quát những nét lớn về
quan hệ của chúa Nguyễn với Nhật Bản trong thế kỷ XVII và trích dịch đại ý nội dung
các bức thư được Sở Cuồng Lê Dư đăng lên trước đó. Đặng Chí Huyển trong “Phổ Đà
Sơn linh trung Phật” giới thiệu một tư liệu văn bia có giá trị để tìm hiểu hoạt động của
Nhật kiều ở Quảng Nam (1640) sau khi Mạc phủ thi hành chính sách “tỏa quốc”.


9

Từ cuối thập niên 1980, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu nồng ấm trở lại,
việc học tập, nghiên cứu và trao đổi chuyên môn về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam và
Nhật Bản được tăng cường, mở rộng. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học trong và ngoài
nước đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế liên quan đến mối quan hệ hai nước
Việt Nam - Nhật Bản thế kỷ XVI - XVIII. Đó là:
Tháng 3.1990, giới sử học hai nước đã mở hội thảo quốc tế về “Đô thị cổ Hội
An”, nơi còn lưu lại nhiều dấu tích về giao thương Việt Nam và Nhật Bản thế kỷ XVII.
Hội thảo quốc tế về phố cổ Hội An năm 1990 là cơ hội để các nhà khoa học trong và

nước ngoài trao đổi những kết quả nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành. Trong 38
bài báo cáo khoa học của các tiểu ban khảo cổ học và văn hóa, lịch sử, kiến trúc và bảo
tồn đã có một số báo cáo liên quan đến vấn đề quan hệ Đàng Trong - Nhật Bản từ thế
kỷ XVI đến thế kỷ XVIII như Phan Huy Lê với “Hội An: Lịch sử và hiện trạng”; GS.
Yoshiaki Ishizawa với “Hội An và cư dân Nhật trước đây”; GS. Kawamoto Kuniye,
“Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại Phiên Thông
Thư”; Ogura Sadao với “Về bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ và Thác
kiến Quan thế âm”; Vũ Minh Giang với “Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở
Hội An”; Shigeru Ikuta với “Vai trò của các cảng thị vùng ven biển Đông Nam Á từ
thế kỉ II trước công nguyên đến đầu thế kỉ XIX”; Phan Đại Doãn với “Hội An và Đàng
Trong”…Những bài tham luận trên cung cấp nhiều nguồn tài liệu về mặt lịch sử, khảo
cổ học và văn hóa để làm sáng tỏ mối quan hệ của Việt Nam - Nhật Bản nói chung,
Đàng Trong - Nhật Bản nói riêng trong các thế kỉ XVI - XVIII.
Tháng 12.1999, Hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt - Nhật qua giao lưu gốm sứ”
được tổ chức tại Hà Nội đã làm sáng tỏ thêm về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và
Nhật Bản qua con đường gốm sứ với các bài tham luận của Tsuzuki Shinichiro trong
“Gốm Việt Nam khai quật từ di chỉ hào thành Sakai”, “Gốm sứ Việt Nam qua cuộc
điều tra khảo cổ ở Nagasaki” của Mori Tsuyoshi. Các nhà nghiên cứu của Việt Nam
như Nguyễn Thừa Hỷ và Phan Hải Linh cũng có bài tham luận “Quan hệ thương mại
giữa Nhật Bản và Việt Nam thế kỷ XVI, XVII” tại Hội thảo… Những bài nghiên cứu
của các nhà khoa học hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã góp phần cung cấp thêm tư
liệu để làm rõ một số vấn đề: kỹ thuật chế tác, đặc điểm gốm sứ và giao lưu hai nước


10

trong bối cảnh quốc tế, khu vực đang có những chuyển biến lớn về lịch sử, kinh tế xã
hội trong các thế kỉ XV - XVII, bổ sung nhận thức toàn diện hơn nữa về giao lưu Đàng
Trong - Nhật Bản qua nguồn tư liệu thành văn và khảo cổ học.
Gần đây nhất, tháng 11.2013, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Việt Nam và Nhật Bản (1973-2013) Hội thảo quốc tế với chủ đề “Lịch sử và triển
vọng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhìn từ miền Trung Việt Nam” được tổ chức
tại Đà Nẵng. Trong số 13 tham luận được trình bày tại Hội thảo, các tham luận: “Lịch
sử giao thương Việt Nam và Nhật Bản - Những phân tích từ đồ gốm sứ Việt Nam giao
dịch với Nhật Bản” của Nishino Noriko; “Những tồn nghi quanh nổ lực bang giao
giữa Nguyễn Hoàng với Nhật Bản cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII” của Nguyễn
Quang Trung Tiến; “Giao thương đường biển giữa miền Trung Việt Nam và Nhật Bản
vào thế kỷ XVII - XVIII” của Nguyễn Văn Kim và “Quan hệ giữa dòng họ Chaya và
chúa Nguyễn thông qua chiếc chuông đồng và bức tranh Thác Kiến Quan Thế Âm”
của Michizuki Shincho…đã tiếp tục góp phần giải mã thêm mối quan hệ giao thương
giữa Đàng Trong với Nhật Bản trong các thế kỷ XVI - XVIII.
Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu được công bố trong thời gian gần đây của
các tác giả:
“Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII” do NXB
trẻ ấn hành là công trình nghiên cứu của Li Tana - một nhà nghiên cứu Việt Nam học
người Trung Hoa. Nội dung của cuốn sách nói về các chính sách cai trị của chúa
Nguyễn, các hoạt động thương mại, hệ thống tiền tệ và ngoại thương của khu vực, giải
thích tên gọi một số địa danh ở Đàng Trong. Đáng chú ý là tác phẩm đề cập đến hoạt
động buôn bán với người nước ngoài ở Đàng Trong, trong đó có Nhật Bản. Trong
phần quan hệ ngoại thương với Nhật Bản, tác giả trình bày những hoạt động thư từ qua
lại giữa chúa Nguyễn với chính quyền Mạc Phủ; đưa ra số lượng Châu ấn thuyền đến
Đàng Trong thông qua bảng số liệu của Iwao Seiichi; nêu các mặt hàng trao đổi chủ
yếu giữa Đàng Trong với Nhật Bản, thời gian hoạt động của các Shuinsen. Tuy đây là
một tác phẩm của một tác giả nước ngoài nhưng cũng đã thể hiện những hiểu biết khá
sâu sắc về Đàng Trong.


11

“Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam thế kỉ XVI - XVII”, luận án tiến sĩ chuyên ngành

lịch sử thế giới của Thầy Trịnh Tiến Thuận, Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh. Luận
án đề cập đến toàn bộ mối quan hệ của hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam, trong đó
có đề cập đến mối quan hệ Nhật - Việt tại Đàng Trong mà nổi bật là hoạt động thương
mại của người Nhật tại cảng thị Hội An trong các thế kỉ XVI - XVII. Đây là một
nguồn tài liệu tham khảo quý để tác giả tiếp thu và phát triển thêm đề tài của mình.
Tuy nhiên, luận án của Thầy chỉ nghiên cứu trong khoảng thời gian thế kỉ XVI - XVII
và trải rộng vấn đề ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của Việt Nam.
Về mối quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, GS.Nguyễn Văn Kim có nhiều
công trình nghiên cứu về đề tài này như “Nhật Bản và Châu Á - những mối liên hệ lịch
sử và chuyển biến kinh tế - xã hội”; hoặc tác phẩm “Quan hệ của Nhật Bản với Đông
Nam Á thế kỷ XV - XVII”, tác giả tập trung thể hiện tổng thể các hoạt động buôn bán
của người Nhật trong các thế kỉ XV- XVI tại khu vực Đông Nam Á. Tác phẩm gồm có
4 chương, trong đó chương ba “Quan hệ thương mại Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỉ
XVI - XVII” trình bày chi tiết về sự xâm nhập của người Nhật vào khu vực Đông Nam
Á (trong đó có Đại Việt), hoạt động buôn bán của các thương nhân Nhật thông qua hệ
thống Shuinsen (Châu ấn trạng) - giấy phép thương mại do Mạc Phủ cấp, cũng như
việc hình thành các “phố Nhật” ở khu vực này (trong đó có Hội An). Tuy tác phẩm
không nghiên cứu riêng về quan hệ Đàng Trong - Nhật Bản nhưng qua mối quan hệ
tổng thể vẫn có được những nét nổi bật của ngoại thương Việt Nam thời kì này, đặc
biệt là vai trò nổi lên của cảng thị Hội An, một cảng trung chuyển mang tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều bài nghiên cứu đề cập đến mối quan hệ thương mại
giữa Đàng Trong với Nhật Bản của các tác giả trong và ngoài nước được đăng trên các
tạp chí như Tân Á học báo, Việt Nam khảo cổ tập san, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp
chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á...Có thể điểm qua một số bài như: Kikuchi
Seiichi (2003), “Phố Nhật Bản ở Hội An qua nghiên cứu khảo cổ học”, Nghiên cứu
lịch sử, số 2, tr. 36-47; Miki Sakuraba (Nguyễn Tiến Dũng dịch) (2008), “Đồ sứ Nhật
Bản xuất khẩu đến Việt Nam và Đông Nam Á thế kỉ XVII”, Nghiên cứu lịch sử, số
9+10, tr. 87-96; Nguyễn Văn Kim (2002), “Thương mại Việt Nam - Nhật Bản thế kỉ
XVI - XVII”, Nghiên cứu kinh tế, số 3 (286), tr. 56-76; Vũ Duy Mền (2002), “Ngoại



12

thương Việt Nam thế kỷ XVII- XVIII”, Nghiên cứu kinh tế, số 292, tr.60-68; Nguyễn
Văn Kim (2006), “Về các mối quan hệ, giao lưu kinh tế, văn hóa Việt Nam - Nhật Bản
trong lịch sử”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5, tr. 36-47; Phan Thanh Hải (2007), “Về
những văn thư trao đổi giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản (thế kỉ XVI - XVII)”, Nghiên
cứu lịch sử, số 7, tr. 59-68; …Tất cả những bài viết này đều chủ yếu tìm hiểu về mối
quan hệ của Đàng Trong với Nhật Bản, đặc biệt là hoạt động buôn bán của thương gia
Nhật Bản tại Đàng Trong.
Như vậy, việc nghiên cứu quan hệ thương mại giữa Đàng Trong với Nhật Bản từ
thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII khá phong phú và ngày càng sâu rộng song chưa có tác
phẩm nào đi sâu nghiên cứu, đánh giá vai trò của chúa Nguyễn trong mối quan hệ
thương mại với Nhật Bản, bao quát toàn bộ mối quan hệ tác động, ảnh hưởng lẫn nhau
của hoạt động đối ngoại về thương mại với Nhật Bản trong vấn đề xây dựng và củng
cố quyền lực của các chúa Nguyễn trên vùng đất này. Vì vậy, kế thừa thành quả
nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, trên cơ sở hệ thống quá trình hình thành,
phát triển của mối quan hệ thương mại giữa Đàng Trong với Nhật Bản, luận văn đưa
ra những nhận định thỏa đáng về các nội dung mà những công trình trên chưa đề cập
đầy đủ.
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là nhằm tìm hiểu chính quyền chúa Nguyễn
trong quan hệ thương mại với Nhật Bản từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Các hoạt
động buôn bán, trao đổi giữa thương gia Nhật Bản với Đàng Trong hình thành và phát
triển như thế nào? Chính quyền chúa Nguyễn có vai trò gì trong hoạt động thương mại
đó? Nó ảnh hưởng ra sao đối với nền kinh tế Đàng Trong ở thế kỷ XVI - XVIII và đặc
biệt là mối quan hệ kinh tế đó đã có vai trò, vị trí lịch sử như thế nào trong việc xác
lập, củng cố chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong. Từ đó có thể khẳng định sự lựa
chọn mở rộng giao thương với Nhật Bản không phải một sự ngẫu nhiên trong chính

sách “mở cửa” của chính quyền Phú Xuân mà là sự tính toán kỹ lưỡng trên cả hai
phương diện kinh tế và chính trị.


13

3.2. Đối tượng nghiên cứu
- Nhận thức của các chúa Nguyễn về nhu cầu phát triển thương mại và quốc
phòng trong quá trình xây dựng, củng cố lực lượng ở Đàng Trong. Từ đó giải thích
nguyên nhân các chúa Nguyễn lựa chọn mở rộng giao thương với các nước trên thế
giới và khu vực, trong đó có Nhật Bản.
- Khôi phục, phát họa bức tranh về mối quan hệ giao thương của thương nhân
Nhật với Đàng Trong. Thông qua hoạt động thương mại đó để phản ánh chính sách đối
ngoại về kinh tế của chúa Nguyễn cũng như chính quyền Mạc Phủ liên quan đến vấn
đề thương mại. Ngược lại, chính sách đó cũng được thực thế hóa qua hoạt động trao
đổi buôn bán.
- Đề cập vài nét về “Ngoại phiên thông thư”, một tài liệu quan trọng để nghiên
cứu mối bang giao giữa chính quyền chúa Nguyễn với Nhật Bản trong thế kỷ XVII.
- Quan hệ thương mại với Nhật Bản có vai trò, ảnh hưởng lớn đến sự khởi sắc
của nền kinh tế Đàng Trong và quá trình xác lập, củng cố chính quyền của họ Nguyễn
ở Đàng Trong cũng như tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: Xứ Đàng Trong
- Về thời gian: Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII
4. Nguồn tài liệu
Để hoàn thành bài luận văn của mình, tác giả đã đọc, tham khảo và sử dụng một
số nguồn tài liệu sau:
Nguồn tài liệu Địa chí có liên quan đến các vùng Thuận Quảng như: Ô châu cận
lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn…Thế mạnh của nguồn tài
liệu này mang đến những thông tin đáng tin cậy về địa danh, nhân vật lịch sử, các phố,

chợ, đường, bến đò, thành lũy…Trong đó, tác giá chú ý khai thác cuốn Phủ biên tạp
lục của Lê Quý Đôn nhất là Quyển 4 nói về Lệ thuế đầu nguồn, tuần ty, ao đầm, sông
bến, thuế chợ và thuế chuyên chở vàng, bạc, đồng, sắt ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng
Nam và quyển thứ 6 nói về Sản vật và phong tục.
Nguồn tài liệu trong các bộ biên niên dưới thời phong kiến cũng được tác giả
tham khảo như: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt


14

truyện…Nguồn tài liệu này nói chung ít đề cập đến các hoạt động ở đô thị và tình hình
thương nghiệp nước ta. Song, nguồn tài liệu này thỉnh thoảng có ghi chép vài sự kiện
của triều đình có liên quan đến hoạt động thương mại ở một số cảng thị như Hội An,
Đà Nẵng, Thanh Hà…nhất là chính sách của nhà nước quy định đối với thương nhân
nước ngoài.
Nguồn tài liệu lưu trữ ở nước ngoài, nhất là Nhật Bản liên quan về quan hệ Nhật
- Việt được các dịch giả Việt Nam dịch sang tiếng việt. Đáng kể nhất có bộ “Gwaiban
shusho” - Ngoại phiên thông thư, là tập văn kiện ngoại giao của Mạc phủ với các nước
trên thế giới vào thế kỷ XVII. Trong đó, phần “An Nam quốc thư” tập hợp những văn
thư trao đổi giữa vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn với chính quyền Mạc Phủ, cũng
như các thương nhân Nhật Bản đến buôn bán ở Việt Nam và quan chức Nhật Bản vào
cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đây là một tài liệu quan trọng để nghiên cứu mối
quan hệ bang giao giữa chính quyền chúa Nguyễn và Nhật Bản bấy giờ.
Nguồn tài liệu du ký của người nước ngoài có mặt ở vùng đất Thuận Quảng
trong các thế kỷ đó cũng được tác giả đặc biệt quan tâm. Tuy đó là những ghi chép
riêng lẻ, phiến diện mang tính chủ quan của giới thương nhân, giáo sĩ, sư sãi, quan
chức…nhưng tập hợp lại thì đó là bức tranh đa dạng, phong phú, phản ánh nhiều mặt
về đời sống kinh tế - xã hội của ở Đàng Trong đương thời. Điển hình như tác phẩm Xứ
Đàng Trong năm 1621 của Cristoforo Borri; Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, Một
chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 của William Dampier…

Bên cạnh đó, tác giả còn chú ý tới nguồn tư liệu đã được giới thiệu và công bố
trong các công trình khoa học ở trong nước, các cuộc hội thảo quốc tế kể trên. Đặc biệt
là các công trình khoa học như các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ có liên quan.
Ngoài ra, còn có các tài liệu dân tộc học, khảo cổ học liên quan phản ánh một số hoạt
động của người Nhật ở Đàng Trong thế kỷ XVI - XVII của các nhà nghiên cứu trong
và ngoài nước.
Những nguồn tài liệu trên, được thu thập ở những mức độ khác nhau, đã cung
cấp những thông tin hết sức quý giá giúp cho luận văn được hoàn chỉnh. Tuy nhiên,
một số vấn đề do tư liệu hiện có còn hạn chế nên chưa được giải quyết thấu đáo. Mong


15

rằng trong thời gian tới, với những nghiên cứu và phát hiện của các nhà sử học, những
vấn đề này sẽ được sáng tỏ.
5. Phương pháp nghiên cứu
Việc nghiên cứu đề tài dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mac - Leenin và tư
tưởng Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt chú trọng đến các quan điểm về khoa học lịch
sử. Trong quá trình hoàn thành đề tài, tác giả vận dụng một số phương pháp nghiên
cứu sau:
- Phương pháp tiếp cận hệ thống: Đặt mối quan hệ thương mại giữa Đàng Trong
với Nhật Bản trong hệ thống mối quan hệ ngoại giao giữa Đàng Trong với các nước
trên thế giới và khu vực để nghiên cứu.
- Phương pháp lịch sử kết hợp phương pháp logic: Ngoài việc trình bày, phân
tích và so sánh mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử liên quan mối quan hệ thương mại
của Đàng Trong với Nhật Bản từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, đề tài cố gắng đưa ra
những luận điểm nhận định về mối quan hệ này trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
- Phương pháp liên ngành: Là một đề tài thuộc lĩnh vực lịch sử quan hệ quốc tế
và lịch sử văn hóa, việc kết hợp hai loại tài liệu khảo cổ học và sử học, trong đó tài
liệu khảo cổ học đã cung cấp nhiều thông tin để có một cách nhìn khách quan và giải

quyết vấn đề tốt hơn.
6. Đóng góp của đề tài
Qua nội dung nghiên cứu của luận văn được thực hiện trên cơ sở tiếp thu những
thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, tác giả cố gắng đóng
góp một số điểm mới:
- Bước đầu dựng lại bức tranh mối quan hệ đối ngoại về thương mại của chính
quyền chúa Nguyễn với Nhật Bản để thấy được mối liên hệ giữa hoạt động thương mại
ở Đàng Trong có sự liên hệ mật thiết qua lại hữu cơ với sự quản lý, khai thác của
chính quyền chúa Nguyễn. Nó vừa phản ánh chủ trương chính sách của chính quyền,
vừa tác động ảnh hưởng trở lại đến các ý đồ, mục đích của chính quyền Đàng Trong.
- Trình bày một số đánh giá về vai trò, vị trí của quan hệ thương mại giữa Đàng
Trong với Nhật Bản trong chính sách đối ngoại về kinh tế của các chúa Nguyễn.


16

- Công trình được nghiên cứu theo chuyên đề, nên có thể sử dụng làm tài liệu
tham khảo để phục vụ cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học về lĩnh
vực quan hệ quốc tế nói chung, cũng như của Đàng Trong với Nhật Bản nói riêng.
7. Cấu trúc của luận văn
Tên đề tài của luận văn: CHÍNH QUYỀN CHÚA NGUYỄN TRONG QUAN
HỆ THƯƠNG MẠI VỚI NHẬT BẢN TỪ THẾ KỈ XVI ĐẾN THẾ KỈ XVIII
Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Điều kiện lịch sử của quan hệ Đàng Trong với Nhật Bản từ thế kỷ
XVI đến thế kỷ XVIII
1.1. Vai trò của Đàng Trong trong quá trình xác lập và củng cố quyền lực của các
chúa Nguyễn
1.2. Nhận thức của các chúa Nguyễn về nhu cầu quốc phòng và phát triển thương
mại
Chương 2: Chính quyền chúa Nguyễn trong quan hệ thương mại với Nhật Bản từ

thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII
2.1. Hoạt động thương mại giữa Đàng Trong với Nhật Bản trong chính sách đối
ngoại về kinh tế của các chúa Nguyễn
2.2. Chính sách đối ngoại về kinh tế của chính quyền chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI
đến thế kỷ XVIII
2.3. Chính quyền Tokugawa Ieyasu và chính sách đối ngoại về kinh tế của Nhật
thời kỳ Edo
2.4. Vài nét về “Ngoại phiên thông thư” – một tài liệu quan trọng trong mối quan
hệ bang giao giữa chính quyền chúa Nguyễn và Nhật Bản
Chương 3: Vị trí lịch sử và vai trò của quan hệ thương mại với Nhật Bản trong
chính sách và hoạt động đối ngoại của chính quyền Đàng Trong
3.1. Đối với nền kinh tế Đàng Trong
3.2. Đối với việc củng cố và phát triển quyền lực của các chúa Nguyễn
3.3. Đối với tiến trình lịch sử Việt Nam


17

CHƯƠNG 1
ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ CỦA QUAN HỆ ĐÀNG TRONG VỚI NHẬT
BẢN TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XVIII
1.1. Vai trò của Đàng Trong trong quá trình xác lập và củng cố quyền lực
của các chúa Nguyễn
1.1.1. Vài nét về xứ Đàng Trong
Xứ Đàng Trong hay Nam Hà là tên gọi của vùng đất từ miền Nam sông Gianh
trở vào nam thuộc sự cai quản của chính quyền chúa Nguyễn. Thời Trịnh - Nguyễn
phân tranh, trải qua bảy lần đánh nhau bất phân thắng bại trong gần nửa thế kỷ (16271672), họ Trịnh và họ Nguyễn phải ngừng chiến, quyết định lấy sông Gianh (tỉnh
Quảng Bình) làm giới tuyến tạm thời chia cắt lãnh thổ thành hai miền Đàng Trong Đàng Ngoài. Từ đó, danh xưng Đàng Trong xuất hiện trong lịch sử Việt Nam để phân
biệt xứ Đàng Ngoài hay Bắc Hà của vua Lê - chúa Trịnh.
Lãnh thổ Đàng Trong ban đầu chỉ gồm hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam nhỏ

hẹp gồm 5 phủ: Tiên Bình, Triệu Phong, Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn 1. Đến
0F

thế kỷ XVIII, trong quá trình xây dựng và củng cố quyền lực của mình, lãnh thổ Đàng
Trong được các chúa Nguyễn không ngừng mở rộng về phía nam, phần lãnh thổ của
vương quốc Champa và Chân Lạp. Trên lãnh thổ phía Nam sông Gianh đến mũi Cà
Mau, chúa Nguyễn chia thành 12 đơn vị hành chính gọi là Dinh. Vùng Thuận Quảng
cũ gồm 6 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu (hay Chính dinh cũ), Chính
Dinh, Quảng Nam. Vùng đất mới khai thác chia làm 6 dinh: Phú Yên, Bình Khang,
Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ. Ngoài ra có một trấn phụ thuộc là Hà
Tiên.
Vương quốc Champa là vương quốc của người Chăm, nằm ở phía nam của nước
Đại Việt xưa, bao gồm địa phận từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận ngày nay. Từ
thế kỷ thứ II đến thế kỷ X, vương quốc Champa trải qua nhiều giai đoạn phát triển
hưng thịnh, trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự hùng mạnh. Trong
các thế kỷ XI - XIV, các vương triều Champa liên tiếp có những mâu thuẫn nội bộ,

1

Đất của tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định hiện nay


18

Champa ngày càng suy yếu, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại xâm
lược và quấy phá vùng giáp giới với các nước xung quanh, trong đó có Đại Việt, làm
hao tổn tiềm lực quốc gia. Champa nhiều lần liên kết với Trung Hoa và Chân Lạp tiến
đánh Đại Việt. Đến thất bại năm 1471, lãnh thổ Champa bị thu hẹp lại chỉ còn một
vùng bằng khoảng 1/5 lãnh thổ trước kia, bao gồm địa phận tỉnh Phú Yên đến tỉnh
Bình Thuận ngày nay và bị chia thành ba tiểu quốc nhỏ. Sau sự kiện này, Champa

không còn khả năng khôi phục sự phát triển hùng mạnh như trước.
Trong thời các chúa Nguyễn các thế kỷ XVI - XVIII, các phần đất còn lại của
Champa dần dần được sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Năm 1611, sau khi đánh bại
lực lượng quân đội Champa xâm lấn biên giới, Nguyễn Hoàng mở rộng ảnh hưởng
trên lãnh thổ vùng đất từ Cù Mông đến Thạch Bi, lập phủ mới là phủ Phú Yên, gồm
hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc dinh Quảng Nam. Năm 1653, chúa Nguyễn
Phúc Tần tiến thêm một bước nữa trên đường tiến vào đất Chiêm Thành khi xác lập
chủ quyền vùng đất từ địa đầu Phú Yên đến bờ tả ngạn sông Phan Rang, đặt hai phủ
Thái Khang và Diên Khánh. Đến năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu sau khi đánh bại
vua nước Champa là Bà Tranh làm phản đã sáp nhập lãnh thổ còn lại của vương quốc
Champa vào lãnh thổ Đàng Trong, chỉ để lại cho họ phần đất Thuận Thành và một
tước Phiên vương tồn tại thêm một thời gian để đến năm 1697 lập thành phủ Bình
Thuận. Phan Rang, Phan Rí được đổi thành huyện Yên Phúc và huyện Hòa Đa. Triều
đình Champa diệt vong. Phần lớn cư dân Champa vẫn sống trên quê hương mình,
trong sự hòa nhập văn hóa và hòa đồng dân tộc với người Việt. Người Chăm trở thành
một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc của nước Đại Việt.
Cũng vào đầu thế kỷ XVII, lưu dân người Việt trên đường chạy trốn cuộc nội
chiến, bắt đầu di cư đến vùng đất Thủy Chân Lạp, tiến hành khai khẩn tạo nên hai
vùng định cư, một tại Đồng Nai (Biên Hòa), một tại Mô Xoài (Bà Rịa). Vùng đất này
ở phía đông nam của nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay), tương đương với vùng
đồng bằng Nam bộ nước ta ngày nay, trước đó là lãnh thổ của vương quốc cổ Phù
Nam. Vương quốc cổ Phù Nam tồn tại đến thế kỷ VII thì bị người Khmer của nước
Chân Lạp thôn tính. Sau khi chiếm được lãnh thổ vương quốc Phù Nam, người Khmer
đã không tiếp tục xuống phía Nam mà chỉ dừng lại sinh sống trên vùng đất thuộc lãnh


19

thổ Campuchia ngày nay. Chính quyền Chân Lạp cũng không thể kiểm soát được vùng
đất này. Vì vậy, vùng đất này bấy giờ gần như vô chủ và chỉ là những vùng đầm lầy,

đất chua phèn, đầy rẫy muỗi, cá sấu, cọp beo. Đến khi những lưu dân người Việt dần
dần tiến xuống phía Nam khai phá, vùng đất này dần trở thành vùng đồng bằng trù
phú. Từ thời điểm đó, các chúa Nguyễn đã sử dụng nhiều đối sách khác nhau, có khi
dùng sức mạnh quân sự để đánh đuổi kẻ thù và phòng thủ từ xa, có khi bằng biện pháp
ngoại giao khôn khéo, có khi tiếp nhận đất đai do sự “trả ơn” một cách tự nguyện hay
nhờ tạo điều kiện thuận lợi của một cuộc “hôn nhân chính trị” để sáp nhập vùng đất
Thủy Chân Lạp vào lãnh thổ Đàng Trong, hoàn thành quá trình mở rộng xuống phía
nam xuất phát từ vùng núi Hoành Sơn của nhà nước phong kiến Đại Việt.
Như vậy, trong quá trình mở rộng lãnh thổ về phía nam của nhà nước phong kiến
Đại Việt, hai quốc gia Champa và Chân Lạp ngày càng suy yếu và lãnh thổ dần dần
sáp nhập vào lãnh thổ của nước Đại Việt. Theo Li Tana đây là một vùng đất mà mọi
người thường gọi là “vùng đất mới”, bao gồm lãnh thổ thuộc các tỉnh miền Trung và
Nam Trung Bộ ngày nay. Là một dải đất dài và hẹp, nằm giữa núi và biển, được chia
thành ba vùng tự nhiên khác nhau:
“Vùng thứ nhất, ngày nay là Quảng Nam, là một đồng bằng phì nhiêu, khoảng
1800 cây số vuông. Nước do sông Thu Bồn và nhiều nhánh của con sông này cung
cấp.
Vùng thứ hai tương ứng với vùng đồng bằng Bình Định trù phú ngày nay, có
tổng diện tích là 1.550 cây số vuông, có hai dãy núi khác nhau bao quanh. Hai thung
lũng của vùng đất này được sử dụng nguồn nước của hai con sông Đà Rằng và Lai
Giang.
Vùng thứ ba gồm ba thung lũng thông thương với nhau một cách dễ dàng, một
vùng khác biệt, các sách của Trung Hoa được viết trong thời kỳ từ thế kỷ 8 đến thế kỷ
10 coi đây như là một quốc gia riêng biệt” [80,tr.22].
1.1.2. Vai trò của Đàng Trong trong quá trình xác lập và củng cố quyền lực
của các chúa Nguyễn
Vào đầu thế kỷ XVI, triều Lê lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, Mạc Đăng
Dung đã nhân cơ hội đó nổi dậy cướp ngôi và lập ra nhà Mạc. Các cựu thần nhà Lê,



20

đứng đầu là Nguyễn Kim đã chiêu mộ nghĩa binh âm mưu khôi phục nhà Lê. Năm
1533, để danh chính ngôn thuận, Nguyễn Kim tôn Lê Ninh lên làm vua, gây dựng sự
nghiệp. Công cuộc trung hưng nhà Lê mới bắt đầu có thanh thế thì Nguyễn Kim đột
ngột qua đời. Sau khi Nguyễn Kim mất, toàn bộ quyền bính rơi vào tay Trịnh Kiểm con rể của Nguyễn Kim. Từ đây, dòng họ Trịnh bước lên vũ đài chính trị, từ một dòng
họ nghèo khó trở thành “phi vương phi bá quyền khuynh thiên hạ”. Trịnh Kiểm lo sợ
trước công trạng ngày càng lớn của anh em Nguyên Uông và Nguyễn Hoàng đã sinh
lòng nghi kỵ, sát hại Nguyễn Uông. Trước tình hình đó, Nguyễn Hoàng hết sức lo lắng
và tìm cách thoát thân, ông bàn với thái phó Nguyễn Ư Kỷ, được Ư Kỷ khuyên: “Kiểm
có lòng nham hiểm, ta nên tránh xa. Thuận Hóa là đất hiểm trở kiên cố có thể giữ
mình được. Vậy nên nhờ chị là Ngọc Bảo (Ngọc Bảo là con gái Triệu Tổ, và là Chánh
phi của Trịnh Kiểm) nói với Kiểm, xin vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi sau sẽ mưu làm
việc lớn” [101,tr.63]. Điều này càng thôi thúc Nguyễn Hoàng khi ông tìm đến Nguyễn
Bỉnh Khiêm thì được khuyên rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (nghĩa là
Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được). Hiểu được gợi ý đó, Nguyễn
Hoàng nhờ chị mình là Ngọc Bảo xin cho mình trấn thủ đất Thuận Hóa.
Trịnh Kiểm đã tâu lên vua Anh Tông xin cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, Lê
Quý Đôn ghi lại sự kiện này trong Phủ biên tạp lục như sau: “Anh Tông, năm Chính trị
thứ 1 (1558), Mậu Ngọ, Thế tổ Thái vương (Trịnh Kiểm) sai Đoan quận công Nguyễn
Hoàng đem quân bản dinh đi trấn thủ Thuận Hóa để phòng giữ giặc phía đông, cùng
với trấn thủ Quảng Nam Trấn quốc công (Bùi Tá Hán) cứu giúp lẫn nhau, việc địa
phương không cứ lớn nhỏ, quân dân thuế khóa đều giao cả. Họ Nguyễn có đất Thuận
Hóa từ đấy” [29,tr.53]. Tháng 10 năm 1558 (Mậu Ngọ), Nguyễn Hoàng vào nam
nhậm chức Trấn thủ Thuận Hóa với quyền hạn rộng lớn “phàm mọi việc ở địa phương
không kể to nhỏ đều cho tùy tiện xử trí” [29,tr.53]. Theo chân Nguyễn Hoàng vào
Thuận Hóa là những người thân thuộc của dòng họ và những trung thần của nhà Lê. Li
Tana ghi lại như sau: “Họ là những trung thần của nhà Lê. Một gia phả ở Quảng Nam
ghi nhận ông tổ của họ là một viên chức cao cấp của Lê Duy Tri, anh em với vua Lê
Kính Tông (1600 -1619). Khi vua Lê Kính Tông bị chúa Trịnh ép thắt cổ chết vào năm

1619, Lê Duy Tri và tùy tùng đã tới trốn ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa và ở xã Thanh


21

Châu, phủ Điện Bàn, Quảng Nam năm 1623. Cũng chính Tiền Biên đã ghi là một số
quan chức cao cấp của nhà Lê bỏ đi về phương nam năm 1558 với Nguyễn Hoàng và
nhiều gia đình cùng quê với họ Nguyễn ở Thanh Hóa” [80,tr.30].
Đến năm 1570, Nguyễn Hoàng được kiêm luôn chức trấn thủ Quảng Nam, vùng
đất biên viễn Quảng Nam với vùng đất cực nam là huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài
Nhân (nay là Tuy Phước, Bình Định), bên kia đèo Cù Mông là nước Champa. Sự kiện
này được Lê Quý Đôn chép lại trong Phủ biên tạp lục như sau: “Năm thứ 11 (1568),
Mậu Thìn, Trấn thủ Quảng Nam là Trấn quốc công (Bùi Tá Hán) chết, lấy Nguyên
quận công Nguyễn Bá Quýnh lên thay. Năm thứ 13 (1570), triệu Bá Quỳnh về, sai
Đoan quận công kiêm hành chức thống suất tổng trấn tướng quân hai xứ Thuận
Quảng, cầm binh voi và thuyền để trấn thủ dân địa phương. Họ Nguyễn gồm có hai xứ
tự bấy giờ” [29,tr.53].
Nguyễn Hoàng là người có tầm nhìn chiến lược, hiển nhiên ông hiểu được những
khó khăn, thách thức đồng thời cơ hội đang và sẽ đặt ra đối với bản thân khi tiến vào
vùng đất này. Bởi dường như phần đất bên kia “Hoành sơn” là nơi “đáng sợ hơn đáng
ở”, là “chỗ đất hiểm trở xa xôi”, nhưng đó lại là vùng đất tự do, “miền đất hứa”, một
“tân thế giới”. Vùng đất này sẽ trở thành một phương trời mới để dung thân và tạo lập
cơ nghiệp cho dòng họ Nguyễn trong bối cảnh xảy ra cuộc chiến tranh khốc liệt về
quyền lực giữa hai dòng họ: họ Trịnh và họ Nguyễn. Đây chính là một suy tính lâu dài,
một tính toán mang tính chiến lược của một con người có tài “kinh bang tế thế”. Lời
khuyên của Nguyễn Ư Kỷ cùng lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến
cho Đoan quận công đi đến quyết định cuối cùng. Vì vậy, nhân lúc Trịnh Kiểm còn
đang mải đối phó với quân Mạc ở mặt Bắc, không thể trực tiếp khống chế, kiểm soát
được vùng đất Thuận Quảng, nơi mà dưới con mắt của chính quyền Lê Trịnh chỉ là
một vùng đất “ô châu ác địa”, đầy bí hiểm và luôn chất chứa các mối hiểm nguy đáng

quan ngại, Nguyễn Hoàng đã “lập tức tâu với chị” để mình có thể được ra đi tránh xa
“móng vuốt” của Trịnh Kiểm, đảm bảo được tính mạng.
Vùng đất Thuận Hóa thời Nguyễn Hoàng mới đến trấn nhậm gồm hai phủ Tiên
Bình (xưa là Tân Bình) và Triệu Phong, trải dài từ châu Nam Bố Chính ở phía Nam
sông Gianh cho đến Điện Bàn, phía bắc Quảng Nam ngày nay. Bấy giờ đây là nơi ác


22

địa và là một vùng rất khó trị an vì lòng dân nơi dây phản trắc khó lường. Đây còn là
vùng đất mới còn lam sơn chướng khí, lại thêm quân nhà Mạc thường xuyên lui tới
quấy rối, lòng dân chưa thực sự hướng về phía vua Lê, một số còn ngả theo họ Mạc,
rất nguy hiểm. Đã thế thành phần nhân dân vùng này thực phức tạp. Phần đông là hạng
lưu dân, quan quân bất mãn họ Trịnh, thổ hào, thổ tù quen tánh hung bạo, ương ngạnh,
phóng túng, buông lung, lại từng được dung dưỡng cái không khí hỗn loạn qua bao
nhiêu biến cố dồn dập, kế tiếp nên họ bất chấp cả kỷ cương, pháp lệnh. Quốc sử quán
triều Nguyễn có ghi lại trong Đại Nam thực lục: “Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều
kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn
thủ võ yên thì không thể xong” [100,tr.28]. Hay Linh mục Cristoforo Borri có quãng
thời gian sống ở Đàng Trong (1618-1622), đã ghi nhận về sự phức tạp đó: “Xứ Đàng
Trong trải dài hơn một trăm dặm theo bờ biển, ở vĩ tuyến 11, cho tới khoảng vĩ tuyến
17, chỗ bắt đầu quốc gia của chúa Đàng Ngoài. Bề rộng không lớn lắm, chỉ chừng hai
mươi dặm Ý, đất bằng, một bên là biển và một bên là dãy núi chạy dài có Kẻ Mọi ở,
tên gọi này có nghĩa là man di. Mặc dù họ là người Đàng Trong nhưng họ không nhìn
nhận chúa cũng không thuần phục ngài. Họ đóng đô và chiếm giữ miền núi rất hiểm
trở” [20,tr.13].
Tuy nhiên, vùng đất Thuận Hóa lại có một vai trò và vị trí hết sức quan trọng,
chính Trịnh Kiểm đã nói: “Xứ Thuận Hóa là một kho tinh binh trong thiên hạ, thời
xưa quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp, cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp giặc
Ngô. Xứ ấy địa hình hiểm trở, dân khí cương cường, lại có rất nhiều nguồn lợi trên

rừng và dưới bể sông. Về phương diện trọng yếu không có xứ nào có thể hơn”
[28,tr.185]. Đây là nơi có địa hình rất thuận lợi cho việc phòng thủ: phía tây là dãy
Trường Sơn với những núi cao như Đâu Mâu, Thần Đinh có thể quan sát dễ dàng và
phát hiện kẻ thù từ xa. Đặc biệt, núi Hoành Sơn là một dải núi ở phía tây giăng ngang
ra tới tận biển, trông như bức trường thành. Phía đông là biển với những đoạn bờ biển
khúc khuỷu có nhiều cửa sông tạo thành nhiều vịnh sâu kín gió. Đoạn bờ biển này có
nhiều bãi cát và cồn cát kéo dài, một phần được phù sa bồi lắp, tạo thành chuỗi đồng
bằng hẹp ven biển - chân núi. Ngoài ra, còn có nhiều sóng to gió lớn nên hình thành


23

nhiều đụn cát cao, có nơi còn di động. Nhiều đầm phá chưa bị bồi lấp, dài nhất là phá
Tam Giang, rộng nhất là đầm Cầu Hai.
Vùng Thuận Hóa còn có nhiều sông, phát nguồn từ dãy Trường Sơn và cao
nguyên phía Tây. Sông ngắn, độ dốc đổ ra biển Đông, tạo thành nhiều cửa khẩu và
thương cảng. Cửa biển Nhật Lệ với nước sâu dễ dàng cho tàu thuyền ra vào, đây là
một trong những con đường mà thế lực Đàng Ngoài tiến vào để đánh chúa Nguyễn vì
nếu vượt qua được phòng tuyến cửa biển Nhật Lệ thì có thể cho thuyền đi sâu vào đất
liền với con sông Nhật Lệ. Trên đường bộ thì có sông Gianh ngăn trở bước tiến của
quân Trịnh từ bắc vào. Điều đáng nói ở đây là sông Gianh nối liền với biển cả, với cửa
biển rộng, tương đối sâu, dễ dàng cho thuyền ra vào. Hơn nữa, phía tây là thượng
nguồn với rừng núi rậm rạp, từ đây có thể đi qua nước Lào. Sách Đại nam nhất thống
chí dưới triều Nguyễn đánh giá cao về hình thế nơi đây: “núi cao thì có núi Đâu Mâu,
Thần Đình; sông lớn thì có sông Linh Giang (Gianh) và Nhật Lệ; hiểm trở thì trong có
trường thành Định Bắc, thành đặt hai cửa quan có thêm phần hiểm trở, ngoài có một
dãy Hoành Sơn (đèo Ngang), trên núi đặt cửa quan, có thể chống chọi, biển lớn bao
bọc, sông dài quanh co, cửa ngang lũy doc, chặn đường xung yếu của hữu kì, giữ vững
miền thượng du của Bắc Trực; hình thể có thể nhờ vậy làm bức bình phong cho kinh
sư” [99,tr.13-14].

Không chỉ Thuận Hóa, mà Quảng Nam cũng là một vùng đất được Nguyễn
Hoàng cho là nơi “đất tốt, dân đông, sản vật giàu có” [100,tr.35]. Sau khi từ Đông Đô
trở về, để chuẩn bị cho công việc hưng khởi nghiệp lớn, Nguyễn Hoàng đã bắt đầu chú
trọng đến vùng đất Quảng Nam. Năm 1601, Nguyễn Hoàng có một cuộc kinh lý đến
vùng đất phía Bắc đèo Hải Vân. Khi đặt chân lên Ải Vân quan, ngắm xem địa hình địa
vật, cảnh trí núi sông, với cặp mắt của một người khá sành về phong thủy, với cái nhìn
của một Tổng trấn tướng quân nặng mang hoài bão kiến tạo nghiệp vương, nghiệp bá,
Tiên chúa Nguyễn Hoàng hẳn phải nhận rõ được tầm quan trọng và những ưu thế của
trấn này, nhất là của vùng thuộc phần đất Quảng Nam, Quảng Tín hiện nay, về mặt
quân sự, hành chính cũng như kinh tế. Đó là những ưu thế về tài nguyên, vật lực để có
thể chặn đứng được các cuộc tấn công của họ Trịnh ở phía Bắc xuống và là nơi có thể
tạo bàn đạp cho cuộc Nam tiến mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Tác giả Phan Du


24

nhận xét trong sách “Quảng Nam qua các thời đại”: “Muốn gây nghiệp lớn, trong cái
thế của Tiên chúa Nguyễn Hoàng thời đó, cần phải tạo một cơ sở vừa đem lại cái thể ỷ
dốc cho Thượng Đô và cho cả Chính Dinh, nhằm có đủ khả năng, lực lượng chặn
đứng mọi cuộc tiến chiếm của quân Trịnh từ phía Bắc tràn xuống, và mặt khác, vừa
tạo được một bàn đạp để bành trướng thế lực, mở rộng bờ cõi về Nam” [21,tr.58].
Vì vậy, vị trí của Dinh trấn Quảng Nam đã được khéo chọn bởi nó hội tụ đầy đủ
các yếu tố đáp ứng mục tiêu trên. Nguyễn Hoàng đã cho lập Dinh Trấn mới tại xã Cần
Húc huyện Duy Xuyên hay xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước 2 và giao cho Nguyễn
F
1

Phúc Nguyên làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Đại Nam thực lục đã cho biết rằng:
“Tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), năm 45 đời Gia Dũ hoàng đế, lập Dinh Trấn Quảng
Nam tại xã Cần Húc (hay Hốc), huyện Duy Xuyên xây đền Long Hưng ở phía đông”

[100,tr.36] và Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Nam cũng có ghi chép sau: “Quốc
triều ban đầu dựng trấn dinh ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, sau nhân biến
loạn phải bỏ” [99,tr.388]. Về sự kiện này, GS. Phan Khoang đã ghi như sau: “…
Hoằng Định năm thứ III (1602), chúa đi chơi núi Hải Vân, thấy núi non hiểm trở,
phán rằng: Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng. Chúa lại vượt qua núi xem
hình thế sai lập dinh ở xã Cần húc, xây kho tàng, chứa lương thực, rồi sai Công tử thứ
sáu là Nguyễn Nguyên trấn giữ” [55,tr.125]. Ngay từ thuở ấy, Dinh trấn Quảng Nam
đã bắt đầu giữ một vai trò lịch sử khá quan trọng trong quá trình xác lập quyền lực
cũng như công cuộc Nam tiến của họ Nguyễn ở phương Nam. Nó không chỉ là một
trung tâm chính trị và hành chính quan trọng, mà còn có vị trí quan trọng về mặt quân
sự. Được thiết lập trên bờ một con sông lớn nối liền vùng cao với đại dương theo chiều
Đông - Tây, lại nằm chính giữa trục giao thông quan trọng nhất là đường quan lộ Nam
Bắc, không quá thế thủ bằng cách tựa sâu vào núi non, cũng không chênh vênh ở ngoài
bãi bể để quá đối diện trực tiếp với biển. Có thể nói, đó là một địa điểm lý tưởng cho
sự phòng thủ. Nơi đây trở thành một căn cứ thủy, lục quân hùng mạnh vào bậc nhất
của Đàng Trong, không kém gì Quảng Bình hay Thuận Hóa. Chính lực lượng từ Dinh
trấn đã yểm hộ một cách đắc lực cho kinh đô và tiếp cứu cho Quảng Bình, chặn đứng
các cuộc tấn công của họ Trịnh, đồng thời tạo nên một vùng an ninh để phòng có chỗ
2

Nay là thôn Thanh Chiêm, xã Vĩnh Thọ, huyện Điện Bàn


×