Tải bản đầy đủ (.pdf) (142 trang)

motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (743.9 KB, 142 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Bùi Thị Hạnh

MOTIF LI TÁN TRONG THẦN THOẠI VÀ
TRUYỀN THUYẾT CỦA CÁC TỘC NGƯỜI
THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2013


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Bùi Thị Hạnh

MOTIF LI TÁN TRONG THẦN THOẠI VÀ
TRUYỀN THUYẾT CỦA CÁC TỘC NGƯỜI
THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. HỒ QUỐC HÙNG


Thành phố Hồ Chí Minh – 2013


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến thầy Hồ Quốc Hùng, người đã trực tiếp hướng dẫn,
hết lòng giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Xin bày tỏ lòng biết ơn đến phòng Khoa học Công nghệ – sau đại học trường Đại học
Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, quý thầy cô trong Khoa Ngữ văn, gia đình, bạn bè, đã
tạo mọi điều kiện, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Luận văn không tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi kính mong nhận được sự góp ý của
quý thầy cô và các bạn.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2013
Bùi Thị Hạnh

1


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 1
MỤC LỤC .................................................................................................................... 2
MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 4
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................. 4
2. Lịch sử vấn đề ................................................................................................................. 4
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................................. 7
4. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................... 8
5. Đóng góp của luận văn ................................................................................................... 9
6. Kết cấu của luận văn ...................................................................................................... 9

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÍ THUYẾT ................................ 11
1.1. Một số vấn đề về lí thuyết motif và type .................................................................. 11

1.1.1. Lí thuyết về motif .................................................................................................. 11
1.1.2. Lí thuyết về type .................................................................................................... 13
1.1.3. Mối quan hệ giữa motif và type ............................................................................ 14
1.2. Lí thuyết về quá trình tộc người ............................................................................... 15
1.2.1. Tiêu chí xác định tộc người ................................................................................... 15
1.2.2. Quá trình tộc người ............................................................................................... 20
1.2.3. Li tán -một trong những xu hướng tất yếu của quá trình tộc người ...................... 21
1.3. Thần thoại, truyền thuyết các tộc người thiểu số trong mối quan hệ quá trình tộc
người................................................................................................................................... 23
1.4. Các tiêuchí để xác định motif li tántrong thần thoại và truyền thuyết của các tộc
người thiểu số .................................................................................................................... 30

CHƯƠNG 2: TÌNH HÌNH TƯ LIỆU,PHÂN LOẠIVÀ MÔ TẢ MOTIF LI TÁN
TRONG THẦN THOẠI, TRUYỀN THUYẾT CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU
SỐ Ở VIỆT NAM ...................................................................................................... 33
2.1. Tình hình tư liệu ........................................................................................................ 33
2.2. Phân loại tư liệu ......................................................................................................... 39
2.3. Các dạng thức của motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc
người thiểu số ở Việt Nam ................................................................................................ 43
2.3.1. Các dạngthứccủa motif li tán trong thần thoại ...................................................... 44
2.3.2. Các dạng thức của motif li tán trong truyền thuyết ............................................... 55

2


CHƯƠNG 3: MOTIF LI TÁN TRONG CẤU TẠO CỐT TRUYỆN THẦN
THOẠI VÀ TRUYỀN THUYẾT CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ Ở VIỆT
NAM ............................................................................................................................ 72
3.1. Motif li tán với vai trò là motif chi tiết..................................................................... 73
3.1.1. Motif li tán trong các kiểu truyện .......................................................................... 74

3.1.2. Vai trò của motif đối với cốt truyện ...................................................................... 89
3.2. Motif li tán với vai trò là motif chủ đề ..................................................................... 93
3.2.1. Kiểu truyện ............................................................................................................ 93
3.2.2. Kiểu nhân vật ...................................................................................................... 101

KẾT LUẬN .............................................................................................................. 109
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 111
PHỤ LỤC ................................................................................................................. 118

3


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ở các dân tộc ít người, thể loại thần thoại, truyền thuyết còn lưu giữ kí ức về quá khứ,
nguồn gốc của dân tộc khá sâu. Trên thực tế, qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy rằng motif
li tán nằm rải rác ở cả hai thể loại.
Hiện tượng li tán là một trong những vấn đề liên quan đến quá trình hình thành tộc
người của các dân tộc. Hiện tượng này lưu trong thần thoại, truyền thuyết trở thành motif
mang đặc điểm tư duy, đặc điểm văn hóa của mỗi dân tộc sáng tạo ra nó. Bởi thế, motif li
tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số, ngoài những đặc điểm
giống với motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của người Việt cũng như các dân tộc
khác trên thế giới sẽ có những điểm khác biệt do điều kiện xã hội, đời sống văn hóa, tâm
linh,...Ở một góc độ khác, chính kiểu tư duy này, thông qua motif li tán đã góp phần tạo nên
những đặc trưng về cấu tạo của một nhóm thần thoại, truyền thuyết mà luận văn muốn tìm
hiểu.
Motif li tán là motif có tần số xuất hiện không nhỏ trong thần thoại, truyền thuyết vàcó
liên quan đến một số type quen thuộc khác như nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, hồng
thủy,...Vậy nó có cấu trúc ra sao? Phải chăng motif li tán là một nhánh của những motif
nguồn gốc tộc người hay ngược lại? Motif này trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc

người thiểu số có gì khác biệt với motif li tán trong truyện cổ dân gian của người Việt? Nó
gắn bó như thế nào với đời sống văn hóa, lịch sử, cách phản ánh đời sống, tư duy nói chung
của các tộc người thiểu số? Với mong muốn trả lời cho những câu hỏi này, luận văn chọn đề
tài nghiên cứu là Motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu
số ở Việt Nam làm mục tiêu khoa học cho luận văn.

2. Lịch sử vấn đề
Di dân là một trong những xu hướng chủ yếu của quá trình tộc người trên thế giới và ở
nước ta. Đó là một phạm trù thuộc ngành dân tộc học mà nay được gọi là nhân học văn hóa
khá phổ biến. Quá trình đó chỉ còn lưu lại trong kí ức và khúc xạ thế nào qua thần thoại và
truyền thuyết các tộc người thiểu số Việt Nam? Vấn đề này đã được đề cập ở nhiều góc độ

4


khác nhau trong một số công trình nghiên cứu văn học dân gian. Qua quá trình tìm hiểu,
chúng tôi tổng hợp được các tài liệu cùng những nhận định sau:
Với công trình Rừng người Thượng – vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt
Nam (Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2008, Lưu Đình Trân dịch), Henri Maitre trong nghiên cứu về
“Truyền thuyết của người Mọi về nguồn gốc thế giới và sự phân tán các bộ lạc” (Người Mọi
- là cách gọi miệt thị của Henri Maitre đối với các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên - chúng
tôi xin gọi là tộc người, ở đây là tộc người thiểu số, trừ trường hợp trích dẫn nguyên văn) đã
đặt ra câu hỏi về tộc người thiểu số như: họ từ đâu tới, tổ quốc nguyên thủy của họ ở đâu?
Tác giả nhận định: “Có một số truyền thuyết còn giữ được những kí ức lưu truyền từ thế hệ
này sang thế hệ khác về những sự kiện mang tính sáng thế thường thấy ở nhiều nơi rất khác
nhau trên thế giới; ở một số bộ lạc Mọi, người ta có biết đến chuyện nạn hồng thủy, tháp
Baben, sự phân tán của các chủng tộc được kể theo cách riêng của họ, lắp các sự kiện và các
nhân vật vào khung cảnh nguyên sơ của họ” (trang 157). Trong quá trình nghiên cứu, tác giả
đã dẫn chứng những truyện liên quan đến nguồn gốc cũng như sự li tán của các tộc người
thiểu số: Ba Na, Giai Rai, XơĐăng,...

Với bài viết Thần thoại và truyền thuyết các dân tộc ít người, một bộ phận của
nền văn học dân gian Việt Nam thống nhất mà đa dạng đăng trên Tạp chí Văn học, Hà
Nội, 1977, số 6 (In lại trong: “Tổng tập Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam Nhận định và tra cứu, tập 23, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010), Võ Quang Nhơn đã
nhận định các nhóm dân tộc ở Việt Nam đều cùng một nguồn gốc. Từ một nguồn gốc chung
đó, do sự vận động của lịch sử mà những nhóm dân tộc anh em đã li tán ra hoặc hòa hợp lại,
tùy vào từng hoàn cảnh. Tác giả khẳng định: “Nếu thần thoại Việt - Mường quan niệm các
dân tộc anh em do bố mẹ chủ động chia ra, dẫn đi ăn ở các nơi thì thần thoại Ba Na quan
niệm việc các dân tộc phân tán là do các lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài (Trời) gây ra”.
Đồng thời tác giả kết luận: “Thần thoại về nguồn gốc các dân tộc ở Việt Nam gặp nhau và
giống nhau ở điểm cơ bản (cùng một nguồn gốc) và chỉ khác nhau ở tiểu tiết (cách quan
niệm, suy đoán về nguyên nhân phân tán)” (trang 782). Vấn đề này được tác giả tái khẳng
định trong Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam, tập 2 (Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà
Nội, 1997) khi nghiên cứu về “Thần thoại các dân tộc ít người Việt Nam” (trang 84) và đi
sâu làm rõ hơn các luận điểm trên thông qua một số truyện có liên quan.
5


Với công trình Lịch sử văn học Việt Nam – Văn học dân gian, phần I, in lần thứ 5
(Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1978), tác giả Bùi Văn Nguyên khi nhận định về ý niệm các dân tộc
trên đất nước Việt Nam đều là anh em một nhà cũng đã đề cập đến sự li tán và khẳng định
quá trình ấy chính là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt của các tộc người sau này. Tác giả
viết: “Thần thoại của các dân tộc anh em của chúng ta qua những hình ảnh tương tự hình
ảnh một bọc trăm trứng trong thần thoại Kinh (và Mường) đã giải thích rằng các dân tộc vốn
cùng cha mẹ, chỉ về sau phân tán đi các nơi mà dần dần có sự khác biệt” (trang 99-100).
Với bài viết Từ những truyền thuyết Pakohđăng trênTạp chí sông Hương, Huế,
1987, số 34 với bài viết, khi làm rõ vấn đề nguồn gốc tộc danh nhóm Pa Cô (ngày nay các
nhà dân tộc học cho rằng nhóm này thuộc tộc người Tà Ôi) cũng như tìm hiểu liệu đây có
phải là tộc người bản địa trên vùng đất Bình Trị Thiên, tác giả Hồ Quốc Hùng đã nhận định:
“Môtip cùng một hợp thể (cùng một dân tộc) chia ra từng nhóm nhỏ sau một sự kiện lịch sử,
xã hội nào đấy của truyền thuyết trên, có dáng dấp như một số truyện các dân tộc phía nam

Trường Sơn. Truyền thuyết Nguồn gốc các dân tộc Tây Nguyên kể rằng: sau nạn hồng
thủy, con cháu của hai anh em Bok Sơgor lạc nhau, họ cùng nhau làm nhà ở chung. Khi nhà
gần xong, bỗng trời đất gầm thét, mưa to bão lớn. Sau mấy hôm, họ không hiểu nhau nữa.
Rồi buồn bực ôm nhau khóc, từ giã mỗi người đi một ngả”. Tác giả gián tiếp đề cập đến
“tính bi kịch của nhân loại trước sự tan vỡ gia đình lớn (cùng huyết tộc)” (trang 83). Nói
cách khác, đó là những truyền thuyết di dân - một dạng của truyền thuyết anh hùng ca.
VớiBình giảng truyện dân gian khi bình giảng truyền thuyết “Lạc Long Quân và
Âu Cơ” (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994 (dẫn theo [28, tr.142])), nhà nghiên cứu Hoàng Tiến
Tựu khi so sánh với thần thoại “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường đã đưa ra một số nhận
định về cội nguồn các tộc người cũng như biểu hiện tự hào với các sắc thái khác nhau. Khi
khẳng định cuộc hôn phối của Lạc Long Quân và Âu Cơ phản ánh sự giao lưu, hòa huyết
giữa các tộc người phương Nam - phương Bắc, miền biển - miền núi, tác giả đưa ra kết luận
“việc chia con, tách đôi gia đình [...] phản ánh một bước phát triển mới của dân tộc. Hợp rồi
phân, tụ rồi tán và ngược lại, đó là những quá trình phát triển tự nhiên mang tính phổ biến
của các dân tộc ở các thời kì lịch sử. Xưa là thế mà nay cũng thế. Chỗ khác nhau là ở qui
mô, trình độ và hình thức tổ chức thực hiện”.

6


Với công trìnhNghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam, tập 1(Nxb Văn hóa Dân
tộc, Hà Nội, 1997)Đặng Nghiêm Vạn khi đề cập đến “Huyền thoại về nạn hồng thủy và
nguồn gốc các tộc người” đã khẳng định: “Huyền thoại về nguồn gốc các tộc người không
chỉ có dạng kể trên mà còn nhiều dạng khác nhau giải thích địa điểm nơi quê hương ban đầu
của tộc người, thời gian và con đường chuyển cư nửa hư, nửa thực với những chiến công và
thất bại được khuếch đại theo qui luật của văn học bình dân [...]. Hoặc còn có các loại huyền
thoại giải thích vì sao tộc người này ở núi cao? Tộc người kia ở ven biển, dọc sông” (trang
840). Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã đưa ra các dạng về nguồn gốc các tộc người.
Với công trình Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên – Trường hợp của Mạ và K’ho
(Nxb Văn học, Hà Nội, 2006), Lê Hồng Phong khi tìm hiểu “Về nguồn gốc tộc người” cho

rằng nạn lụt lớn hủy diệt loài người thứ nhất, loài người thứ hai được sinh ra sau nạn lụt đã
đặt ra một số câu hỏi đối với trường hợp truyện cổ Mạ - Cơ Ho: Vì sao lụt? Ai báo tin? Nơi
tránh lụt? Ai sống sót sau lụt? Cuộc hôn phối đó như thế nào? Kết quả sinh ra những tộc
nào? Để lí giải, tác giả đưa ra một số bảng tóm tắt các truyện cổ có liên quan và đưa ra một
số kết luận, một trong số những kết luận này khẳng định rằng: “Cả bảy dị bản đều nhắc tới
ba người nữ [...] là Ka Grup, Ka Grum, Ka Grau [...]. Từ ba mẹ này đã thành ra (sinh ra
hoặc lấy) ba tộc người hay ba nhóm tộc người cơ bản” (trang 45 – 46). Những nhóm đó
gồm: Chăm (trưởng), Kon Chau (thứ), Việt (út). Tác giả cũng đề cập tới sự li tán của các
nhóm người Chil, Lạch (thuộc nhóm Cơ Ho- Chil, Cơ Ho- Lạch) và Mạ: “Trong huyền
thoại Chặt cây thầncó nói đến việc chia cây, mỗi người lấy một thứ rồi thành ra các tộc
người” (trang 47).
Nhìn chung các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến nguồn gốc của các tộc người thiểu số
Việt Nam, coi li tán như một biểu hiện trong quá trình hình thành tộc người. Tuy nhiên,
chưa có một công trình nào đề cập đến li tán như một motif hay nói cách khác, motif li tán
trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số Việt Nam chưa được đặt thành
một vấn đề nghiên cứu hệ thống, riêng biệt và đặt ra vấn đề chuyển hóa hay tương tác về
mặt thể loại.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu khoa học này, luận văn chúng tôi tập trung khảo sát các tác
phẩm thuộc thần thoại và truyền thuyết có chứa motif li tán của 53 tộc người thiểu số ở Việt
7


Nam và tiến hành phân loại để nghiên cứu cấu tạo của chúng.Luận văn còn đặt chúng trong
mối quan hệ với cốt truyện thần thoại và truyền thuyết để so sánh cấu tạo motif này trong
hai thể loại nhằm tìm ra nét đặc trưng của motif li tán ở mỗi thể loại cùng sự tương tác thể
loại giữa chúng. Ngoài ra, vì li tán là một trong những xu hướng tất yếu của quá trình tộc
người nên hiện tượng này sẽ được soi chiếu qua tư liệu của dân tộc học, nhân học văn hóa.
Vì đây là hiện tượng phổ quát của quá trình hình thành tộc người nên bước đầu luận

văn tìm hiểu một số biểu hiện của thần thoại và truyền thuyết Lào, Malaysia nhằm so sánh
với thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số để rút ra những điểm tương đồng,
dị biệt trong cách xây dựng cốt truyện, nhân vật cũng như tư duy thần thoại và truyền thuyết
của các vùng, khu vực văn hóa tương cận.

4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp lịch sử - xã hội:chúng tôi sử dụng phương pháp này để tìm hiểu những
cơ sở lịch sử, xã hội liên quan đến motif, thể loại.
- Phương pháp mô hình hóa: từ nội dung của các thần thoại và truyền thuyết được
khảo sát, người viết sẽ lập mô hình chung nhất cho từng nhóm truyện có kết cấu tương
đồng. Từ những mô hình này, chúng ta có thể thấy được nội dung, vai trò, chức năng của
motif li tán trong cốt truyện của thần thoại và truyền thuyết.
- Phương pháp loại hình học: “Loại hình học trong khoa văn học dân gian là phương
pháp nhận thức các hiện tượng và tác phẩm văn học dân gian thông qua việc khám phá các
yếu tố cấu thành cũng như quá trình, những mối liên hệ biện chứng giữa chúng trong sự vận
động của thời gian và không gian” [55, tr.196]. Luận văn áp dụng phương pháp trên nhằm
đặt motif li tán trong mối liên quan với diễn biến cốt truyện trong thần thoại và truyền
thuyết được khảo sát, từ đó thấy được chức năng của motif li tán trong kết cấu cốt truyện
thần thoại và truyền thuyết.
- Phương pháp thống kê: đây là phương pháp thông qua những con số để khẳng định,
chứng minh cho một kết luận một quan điểm mà chúng tôi đưa ra.
- Phương pháp phân loại: Là phương pháp nhóm những đối tượng có chung những đặc
điểm thành từng nhóm riêng. Chúng tôi sử dụng phương pháp này để phân chia motif li tán
thành các nhóm dựa trên một số tiêu chí nhất định.
8


- Phương pháp so sánh: Là phương pháp nhằm chỉ ra những tương đồng và khác biệt
giữa hai nhóm, hai đối tượng nào đó. Chúng tôi dùng phương pháp so sánh để đưa ra một số
nhận xét so sánh về những tương đồng và dị biệt về biểu hiện giữa motif li tán trong thần

thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số với truyện cổ dân gian của người Việt và
một số nước trong khu vực Châu Á.
- Phương pháp dân tộc học: Là phương pháp đắc dụng trong nghiên cứu văn học dân
gian. V.Ia.Propp khẳng định “tách ra khỏi dân tộc học thì không thể nghiên cứu folklore một
cách duy vật được”. Chúng tôi sử dụng phương pháp này làm cơ sở để có thể lí giải xu
hướng li tán, một xu hướng tất yếu trong quá trình tộc người của nhân loại. Dựa vào đặc
điểm dân tộc học của quá trình tộc người, luận văn làm sáng tỏ một số nội dung, đặc trưng
của motif này trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số.

5. Đóng góp của luận văn
Thực hiện đề tài Motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người
thiểu số ở Việt Nam chúng tôi muốn đạt những mục đích sau:
- Làm rõ các dạng thức li tán trong hai thể loại thần thoại và truyền thuyết của các tộc
người thiểu số.
- Làm rõ cấu tạo motif li tán trong hai thể loại thần thoại và truyền thuyết ở hai bình
diện trong mối quan hệ với cốt truyện:
+ Motif li tán với vai trò là motif chi tiết
+ Motif li tán với vai trò là motif chủ đề
Khám phá các lớp văn hóa, chủ yếu là quan niệm về li tán ẩn sau motif li tán trong hai
thể loại. Tầng văn hóa này không chỉ biểu hiện trong sự chia tách tộc người gốc và hình
thành nên các tộc người mới mà nó còn tham gia vào việc nhào nặn các yếu tố nghệ thuật.

6. Kết cấu của luận văn
Ngoài các phần Mở đầu,Kết luận,phần Nội dung của luận văn được triển khai thành ba
chương với nhiệm vụ của từng chương như sau:
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÍ THUYẾT (25 trang)
Trong chương này, chúng tôi trình bày một số lí thuyết có liên qua đến đề tài, tạo tiền
đề cho sự triển khai hai chương sau. Chương 1 tập trung vào bốn vấn đề sau: thứ nhất là một
9



số vấn đề về lí thuyết motif và type;thứ hai là lí thuyết về quá trình tộc người;thứ ba là thần
thoại, truyền thuyết các tộc người thiểu số trong mối quan hệ quá trình tộc người;thứ tư là
các tiêu chí để xác định motif li tántrong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu
số.
Chương 2. TÌNH HÌNH TƯ LIỆU VÀ PHÂN LOẠI MOTIF LI TÁN TRONG THẦN
THOẠI, TRUYỀN THUYẾT CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM (44
trang)
Trong chương này, chúng tôikhảo sát tình hình tư liệu, phân loại và mô tả motif li tán
nhằmlàm rõ biểu hiện của motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người
thiểu số ở Việt Nam. Chương 2 tập trung vào ba vấn đề sau: thứ nhất là tình hình tư liệu; thứ
hai là phân loại tư liệu; thứ ba là mô tả các dạng thức của motif li tán trong thần thoại và
truyền thuyết của các tộc người thiểu số ở Việt Nam.
Chương 3. MOTIF LI TÁN TRONG CẤU TẠO CỐT TRUYỆN THẦN THOẠI VÀ
TRUYỀN THUYẾT CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM (42 trang)
Ở chương này, đối với vai trò motif li tán là motif chi tiết, chúng tôi tiến hành mô hình
hóa các kiểu truyện có chứa motif li tán đồng thời phân tích vai trò, vị trí của nó đối với cốt
truyện thần thoại, truyền thuyết. Đối với vai trò motif li tán là motif chủ đề, trên cơ sở lí
thuyết về type chúng tôi tập trung phân tích về cốt truyện, hệ thống motif và kiểu nhân vật
xuất hiện trong type.
Ngoài ra luận văn còn có phần Phụ lục. Nội dung của phụ lụctrình bày danh mục các
truyện theo các nhóm ngôn ngữ cụ thể, các kết quả thống kê, tóm tắt truyện được sử dụng
trong chính văn và danh mục các tư liệu đã khảo sát.

10


CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÍ THUYẾT
1.1. Một số vấn đề về lí thuyết motif và type
Từ lâu đối với ngành văn học dân gian, các vấn đề về motif đã nhận được sự quan tâm

của các nhà nghiên cứu. Trong phần này, chúng tôi sẽ làm rõ lí thuyết về motif và lí thuyết
về một số vấn đề liên quan đến motif như type, mối quan hệ giữa chúng để có cái nhìn toàn
diện nhất về motif.
1.1.1. Lí thuyết về motif
Nghiên cứu truyện cổ dân gian nói chung, thần thoại và truyền thuyết nói riêng bằng
motif có thể giúp người nghiên cứu khám phá được mạch ngầm liên hệ trong những tác
phẩm thuộc cùng một kiểu truyện hay cùng chứa đựng những motif như nhau. Ngoài ra, ý
nghĩa của nó được thể hiện như thế nào cũng là một bước cơ bản trong công việc của người
nghiên cứu.
Trên thế giới, việc nghiên cứu các truyện kể dân gian bằng motif, type diễn ra khá sôi
động và phổ biến. Đầu thế kỉ XX, với tư cách là một phạm trù của nghiên cứu văn học,
motif đã được A.N.Vexelopxki (1838-1906) và V.Ia.Propp (1895- 1970) khảo sát. Kế đến,
chúng ta được tiếp nhận thành tựu của các học giả khác khi nghiên cứu về type, motif như:
S.Thompson (1885-1976), A.Aarne (1867-1925),... Ở Việt Nam cũng có rất nhiều công
trình đã áp dụng lí thuyết về type, motif và gặt hái được những thành công nhất định như:
Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif (Nguyễn Tấn Đắc), Nghiên cứu truyện cổ
dân gian Việt Nam theo bảng mục lục tra cứu típ và mô típ truyện cổ dân gian của
Antti và Stith Thompson (Nguyễn Thị Hiền), Nét khác biệt ở một số motif trong type
truyện người con riêng của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (Nguyễn Thị Minh
Thu), Mô típ “trừng phạt” trong kiểu truyện người em (Khảo sát qua truyện cổ tích
thần kỳ Việt Nam) (Nguyễn Thị Ngọc Lan),...
Theo Từ điển văn học (bộ mới)thìmotif “(phiên âm từ tiếng Pháp motif, tiếng Đức
motive, đều bắt nguồn từ tiếng Latinh moveo- chuyển động; giới nghiên cứu Trung Quốc
phiên âm là mẫu đề)”. Thuật ngữ này “có thể chuyển thành các từ khuôn, dạng hoặc kiểu
trong tiếng Việt nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành
ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật dân gian”
[21, tr.197].
11



Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Xô Viết (dẫn theo [59, tr.57]) thuật ngữ motif bắt
nguồn từ gốc La - tinh Môreo- chỉ một yếu tố của cấu trúc âm nhạc. Ngày nay, trong ngôn
ngữ âm nhạc, motif được hiểu như âm điệu, điệp khúc tức những câu hay đoạn được lặp lại
nhiều lần.
Ở nghệ thuật dân gian, hình phác họa tức các hình mẫu thường lặp lại hay kết hợp với
những hình mẫu khác thành một kiểu cách đặc biệt chính là motif. Lĩnh vực mà motif được
nghiên cứu nhiều và cẩn trọng nhất là truyện kể dân gian như thần thoại, truyền thuyết,
truyện cổ tích,...
Trong văn học dân gian, motif được hiểu là chi tiết nhỏ nhất tạo nên một cốt truyện, là
công thức để triển khai cốt truyện ấy. Chính vì đặc điểm này mà motif rất linh động. Nó có
khả năng lắp ghép hoặc tách khỏi cốt truyện này và nhập vào một truyện khác. Motif trong
truyện kể dân gian có khi là những khái niệm khá đơn giản. Nó có thể là những tạo vật khác
thường như các vị thần, yêu tinh, con vật biết nói,...hay thế giới thần tiên, nơi mà ở đó tồn
tại ma thuật, phép thuật, những hiện tượng tự nhiên khác thường. “Motif có thể là sản phẩm
của trí tưởng tượng non trẻ, thơ ngây của loài người ở trước thời kì tư duy khoa học” [46,
tr.50]. Motif có thể là những mẩu kể đơn giản, ngắn gây ấn tượng và sự thích thú cho người
nghe. Dù thuật ngữ motif được dùng không chặt chẽ, nghĩa là nó có thể được đưa vào bất kì
yếu tố nào trong truyện kể dân gian nhưng để trở thành một phần thực sự của cốt truyện thì
yếu tố đó nhất định phải có cái riêng, khác thường làm cho người ta nhớ và lặp đi lặp lại nó.
Một con nhím thông thường không phải là một motif. Một con nhím biết nói, biết nạn lụt
sắp xảy ra và biết chỉ cách cho người ta tránh nạn ấy là một motif. Một quả bầu thông
thường không phải là motif, một quả bầu cứu người thoát khỏi nạn đại hồng thủy và sinh ra
các dân tộc là một motif. Cục thịt, bọc trứng bình thường không phải là motif, mà cục thịt,
bọc trứng sinh ra người trong thần thoại của nhiều dân tộc là motif. Ở đây “mô típ còn là sự
khái quát hóa nghệ thuật nguyên sơ, phản ánh những ấn tượng quan trọng nhất và có tính
lặp lại mà con người tiếp nhận được trong quá trình quan sát, nhận thức cuộc sống” [70,
tr.107-115].
Như vậy, chúng ta có thể hiểu motif :
Thứ nhất là những chi tiết nhỏ nhất tạo nên một cốt truyện.
Thứ hai là sự lặp đi lặp lại nhiều lần trong truyện.

Thứ ba là mang tính chất khác lạ, bất thường, đặc biệt.
12


Nghiên cứu motif đóng vai trò rất quan trọng đối với người muốn tìm hiểu các nền văn
hóa. Kết quả của sự nghiên cứu này sẽ chỉ ra mối quan hệ quốc tế của motif. Khi bóc tách
các lớp văn hóa trong truyện kể, nhiều trường hợp chúng ta nhận ra ở đây sự giống nhau bởi
tính logic trong quá trình tư duy của nhân loại qua các thời kì lịch sử để từ đó tìm được con
đường dẫn dắt từ truyện này đến truyện kia.
1.1.2. Lí thuyết về type
Theo Từ điển Văn học (bộ mới) “Tập hợp những truyện có cùng chủ đề và cốt truyện
tương tự như nhau, được gọi là kiểu truyện” [24, tr.1841]. Theo Nguyễn Tấn Đắc “Type chỉ
một tập hợp những truyện có cùng cốt kể thuộc cùng một kiểu truyện, hay một đơn vị
truyện” [16, tr.136]. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu dùng khá nhiều thuật ngữ chỉ nội hàm
khái niệm type: dạng thức, típ truyện, dạng truyện. Những thuật ngữ này, xét cho cùng được
dùng để chỉ những truyện có các yếu tố tương tự nhau trong nòng cốt của cốt truyện.
Như đã nói, motif chính là phần tử đơn vị cấu tạo lên cốt truyện. Motif nhỏ hơn type.
Nói cách khác, type là đơn vị lớn hơn motif, một type có thể chứa nhiều motif. Trong
trường hợp truyện có một motif thì motif đó được xem như type. Trong truyện kể dân gian,
type là những cốt kể độc lập. Vì thế, truyện nào được kể với một cốt kể độc lập, dù đơn giản
chỉ với một motif hay phức tạp khi chứa đựng rất nhiều motif đều được coi là type.
Nghiên cứu type truyện trong văn học dân gian tức là nghiên cứu những truyện có
chung một chủ đề, cốt truyện. Các truyện có chung các motif, tất nhiên các motif này không
hoàn toàn trùng khớp nhau trong tất cả các truyện, làm thành một type truyện và mỗi type
truyện có một hệ thống motif đặc trưng với quan niệm nghệ thuật và ý nghĩa phản ánh riêng.
Để lập ra một kiểu truyện, cách thức duy nhất là nghiên cứu các dị bản của kiểu truyện
đó. Trong quá trình phân tích, khi phát hiện nhiều truyện có những chỗ tương tự nhau thì
xếp chúng vào cùng một loại, nghiên cứu những điểm giống nhau đồng thời ghi giữ những
điểm giống nhau ấy. Tiếp theo, người nghiên cứu tập hợp tất cả các dị bản có những đặc
điểm đó lại để trình bày nội dung kiểu truyện đó một cách hoàn hảo nhất.

Như vậy, nghiên cứu type giúp chúng ta nghiên cứu một cách có hệ thống các cốt kể
với tư cách là từng đơn vị truyện chứ không phải từng mẩu truyện. Có thể thấy số lượng
type truyện của một quốc gia, một tộc người,...ít hơn, ổn định hơn số lượng của các mẩu
truyện. Nghiên cứu type cũng giúp ta xem xét truyện kể dân gian ở dạng cốt kể (type,
13


truyện) với các dạng dị bản của nó. Thêm nữa, type giúp người nghiên cứu đối sánh giữa
các kho truyện kể ở cấp độ kiểu truyện hay truyện - đơn vị.
Trong luận văn, chúng tôi vận dụng type để nghiên cứu truyện kể dân gian ở dạng cốt
kể (type, truyện). Vì điều này phù hợp với sự so sánh motif li tán của các tộc người thiểu số
ở Việt Nam với vai trò là motif chủ đề (cũng chính là type) cũng như sự tương tác thể loại ở
thần thoại và truyền thuyết.
1.1.3. Mối quan hệ giữa motif và type
Motif là yếu tố bất biến, có khả năng di chuyển hay bảo lưu trong truyện kể dân gian
nói chung, trong thần thoại, truyền thuyết nói riêng. Chẳng hạn, motif “lũ lụt” trong Kinh
sáng thế ở Phương Tây với truyệnNạnhồng thủy ở Việt Nam. Sự lặp lại của motif trong
truyện kể của những dân tộc khác nhau trên thế giới có thể là sự tương đồng về các điều
kiện lịch sử xã hội hoặc là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Motif là yếu tố
nhỏ nhất cấu thành type. Những truyện thần thoại, truyền thuyết có cùng motif giống nhau
sẽ thuộc về một type. Tên của type có thể đặt bằng cách gọi ra tên của motif đặc trưng trong
truyện.
Type, motif là một trong những phần tử đơn vị không chỉ mang tính đặc trưng mà còn
mang tính bền vững của truyện kể dân gian. Vì type là những cốt kể (narratives) có khả
năng tồn tại độc lập trong kho truyện kể dân gian nên dẫu đơn giản với một motif hay phức
tạp với rất nhiều motif, bất cứ truyện nào được kể với một cốt kể độc lập đều được xem là
một type. Trong trường hợp truyện chỉ có một motif đơn lẻ, nghĩa là cốt truyện chỉ gồm một
motif thì type và motif đồng nhất. Song nếu cốt truyện thuộc về một type nào đó mà di
chuyển vào một cốt truyện phức tạp hơn để trở thành một phần trong cốt truyện ấy thì nó trở
thành motif chứ không còn là type nữa. Như vậy, giữa motif và type có thể chuyển hóa qua

lại cho nhau.
Dựa vào mối quan hệ biện chứng trên, có thể phân chia motif thành hai loại: motif chi
tiết và motif chủ đề. Nếu motif này đóng vai trò tình tiết, chi tiết trong cốt truyện và tham
gia lắp ghép vào nhiều type khác nhau thì đó là motif chi tiết; còn nếu từ motif này có thể
phát triển thành một cốt kể và tạo ra những cốt kể tương tự nhau hình thành nên type thì đó
là motif chủ đề.

14


1.2. Lí thuyết về quá trình tộc người
Trong mục này, chúng tôi tập trung giới thuyết về tộc người, tiêu chí xác định tộc
người, quá trình tộc người để tạo tiền đề cho việc triển khai hai chương sau. Chúng tôi đi
sâu làm rõ bốn vấn đề sau:
Một là lí thuyết về tộc người
Hai là tiêu chí xác định tộc người
Ba là quá trình tộc người
Bốn là li tán – một trong những xu hướng tất yếu của quá trình tộc người
1.2.1. Tiêu chí xác định tộc người
Xác định tộc người là nhiệm vụ của ngành dân tộc học. Tuy nhiên để có cái nhìn thấu
đáo về hiện tượng li tán trong văn học dân gian, chúng tôi căn cứ vào những tiêu chí xác
định tộc người của ngành khoa học trên.Trước tiên, cần có sự hiểu biết chính xác về tộc
người. “Tộc người là một tập đoàn người người ổn định hoặc tương đối ổn định được hình
thành trong lịch sử, dựa trên những mối liên hệ chung về ngôn ngữ, sinh hoạt văn hóa và ý
thức tự giác dân tộc thể hiện bằng một tộc danh chung”(dẫn theo [61, tr.71]). Theo cách
hiểu này, Việt Nam có 54 tộc người bao gồm tộc người Kinh là tộc người đa số và 53 tộc
người thiểu số khác.
Trên cơ sở này, giới nghiên cứu đưa ra ba tiêu chí là đặc trưng cơ bản để phân biệt các
tộc người với nhau: ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác tộc người. Tộc người còn tồn tại
cho đến chừng nào những yếu tố này được đảm bảo và ngược lại. Như vậy, khi xác định

một tộc người, người ta căn cứ vào những điểm sau:
1.2.1.1. Có chung tiếng nói
Dù ở bất cứ nơi đâu người ta cũng dễ dàng nhận ra nhau khi họ cùng tộc người bởi
“ngôn ngữ là hệ thống dấu hiệu đặc biệt, được dùng làm phương tiện giao tiếp quan trọng
nhất và phương tiện tư duy của con người” [15, tr.7]. Có thể nói “ngôn ngữ còn, dân tộc
còn, tộc người còn” [73, tr.53]. Ngôn ngữ là dấu hiệu cơ bản để người ta xem xét sự tồn tại
của một dân tộc và để phân biệt các tộc người khác nhau. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp
cơ bản, phục vụ cho mọi lĩnh vực xã hội từ sản xuất đến các hình thái văn hóa tinh thần. Vì
vậy, khi xác định tiêu chí tộc người, ngôn ngữ thường được đặt ở vị trí đầu tiên.Ngôn ngữ là
một hệ thống, có vốn từ vựng, ngữ pháp và ngữ âm nhất định. Trong giao tiếp, nó là hàng
15


rào ngăn cách những người thuộc các thành phần tộc người khác nhau. Ngôn ngữ đóng vai
trò rất quan trọng trong việc cố kết nội bộ cộng đồng tộc người thể hiện thành phần và tình
cảm tộc người. Đối với các thành viên trong một tộc người, tiếng mẹ đẻ vừa là phương tiện
giao tiếp vừa là phương tiện chuyển tải nền văn hóa độc đáo của tộc người, tình cảm và giá
trị tộc người. “Với hơn 6000 ngàn ngôn ngữ và hàng vạn phương ngữ hay thổ ngữ và hơn
500 văn tự, phần lớn kho tàng văn hóa phi vật thể các tộc người được lưu giữ qua quá trình
lịch sử” [73, tr.54]. Ngôn ngữ là hành trang được truyền miệng, được gia tăng qua các thế
hệ và là phương tiện để phát triển những hình thái văn hóa tinh thần như văn học, nghệ
thuật, giáo dục. Tiếng mẹ đẻ do chính dân tộc đó sáng tạo ra, được mọi người tiếp thu, sử
dụng từ thuở thơ ấu nên có khả năng biểu hiện những nét tế vi nhất trong tâm hồn của con
người. Ngôn ngữ mẹ đẻ là huyết tủy của tộc người. Tình yêu mãnh liệt đối với ngôn ngữ mẹ
đẻ được nảy sinh và phát triển mạnh mẽ khi kẻ thù dùng bạo lực đồng hóa ngôn ngữ của họ.
Người ta bảo vệ ngôn ngữ tộc người ngay từ khi nó chưa có chữ viết và cả khi có chữ viết.
Bảo vệ ngôn ngữ là bảo vệ tính dân tộc của mình, mất ngôn ngữ chính là nguyên nhân làm
mất tộc người đó. Cho nên tiếng mẹ đẻ được coi là đặc trưng tộc người và là tiêu chuẩn
hàng đầu để xác định thành phần tộc người. Khi xem ngôn ngữ là đặc trưng tộc người và là
tiêu chuẩn để xác định thành phần tộc người, người nghiên cứu cần lưu ý có tình trạng một

tộc người nói hai hoặc nhiều thứ tiếng. Vì vậy, ngôn ngữ là một trong những tiêu chí cơ bản
nhưng không phải là tiêu chuẩn duy nhất để xác định tộc người. Chúng ta cần chú ý đến
những đặc trưng khác nữa.
Trong thực tế, có nhiều dân tộc vốn là những tộc người độc lập có thể nói chung một
thứ tiếng. Chẳng hạn, tộc người Cao Lan - Sán Chỉ, tiếng nói nhóm Cao Lan thuộc ngôn
ngữ Tày - Thái, còn tiếng Sán Chỉ lại thuộc ngôn ngữ Hán.
Trình bày những vấn đề trên để thấy rằng, trong thần thoại, truyền thuyết kể về li tán
thường thấy chi tiết các nhóm người sau bị tách ra do hoạn nạn khi gặp lại không còn nhận
ra nhau do tiếng nói khác nhau.
1.2.1.2. Có chung những đặc điểm sinh hoạt văn hóa
Văn hóa là một tiêu chí quan trọng để xác định tộc người. Văn hóa tộc người bao gồm
tổng thể những yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể giúp phân biệt các tộc người với nhau.
Đây chính là cơ sở của sự phát triển ý thức tự giác tộc người. Văn hóa tộc người là tổng thể
những yếu tố văn hóa mang tính đặc trưng và đặc thù tộc người, có vai trò cố kết tộc người
16


giúp khu biệt giữa các tộc người. Tổng thể những đặc điểm sinh hoạt tộc người làm thành
truyền thống tộc người. Những truyền thống này là sự kết tinh của cả một quá trình lâu dài
trong lịch sử gắn chặt với hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên, địa lí trong đời
sống của từng tộc người. Những yếu tố này sau khi xuất hiện tồn tại bền vững, được duy trì
lâu dài ngay cả khi hoàn cảnh sống của tộc người đã bị biến đổi.
Các thành tố văn hóa vật thể như: làng, bản, nhà cửa, công cụ sản xuất,...cùng với các
thành tố văn hóa phi vật thể như: tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, các nghi lễ đời người làm nên
diện mạo văn hóa tộc người truyền thống. Các thành tố này đi sâu vào tâm thức cộng đồng,
được các tộc người nâng niu, trân trọng, gìn giữ và chọn làm biểu tượng cho tộc người.
Mỗi tộc người có đặc trưng sinh hoạt văn hóa riêng, đặc trưng này dùng để phân biệt
các tộc người với nhau. Những đặc trưng này thường được các nhà nghiên cứu phân tích
bằng phương pháp so sánh để khẳng định một cách cụ thể. Tuy là kết quả của cả một quá
trình nghiên cứu công phu nhưng đối với các thành viên của tộc người, không phải điều nào

cũng có thể chấp nhận. Đối với họ, đôi khi sự phân biệt mang tính tộc người là những dấu
hiệu giản đơn, dễ nhận biết trong cuộc sống. Chẳng hạn, người Tày ăn cơm nhưng người
H’mông lại ăn ngô, giọng nói, những điều cấm kị,...
Vì thế, đối với một tộc người, tiêu chí xác định về văn hóa là những đặc trưng trong lối
sống văn hóa tộc người, không hẳn là tổng thể sinh hoạt văn hóa hay sinh hoạt văn hóa diễn
ra thường ngày. Những đặc trưng này bền vững, tồn tại song hành cùng những chặng đường
lịch sử tộc người, tạo nên tính cách văn hóa của tộc người.
Như vậy, đặc thù văn hóa tộc người là dấu hiệu cơ bản của một tộc người, dùng để
phân biệt tộc người này với tộc người kia. Thật khó để tồn tại thành một tộc người riêng biệt
nếu đặc điểm văn hóa tộc người bị mất đi. Thậm chí, như đã khẳng định, dù ngôn ngữ được
coi là nhân tố chủ yếu để xác định tộc người cũng cần liên kết chặt chẽ với văn hóa tộc
người nói ngôn ngữ đó vì văn hóa tinh thần thể hiện sâu sắc qua tiếng mẹ đẻ.
Từ những vấn đề này cho thấy ở nhóm truyện thần thoại, truyền thuyết của các tộc
người thiểu số vốn cùng một nguồn gốc nhưng khi nhận của cải cùng những dụng cụ lao
động khác nhau họ chia tách nhau, dần tạo nên các tộc người mới với những đặc trưng riêng
mang bản sắc riêng.

17


1.2.1.3. Có cùng ý thức tự giác, tự nhận cùng một tộc người
Nếu xem sự hình thành và tồn tại của một tộc người trong lịch sử là một hiện tượng xã
hội thì ý thức tộc người là yếu tố rất quan trọng khi xác định một tộc người. Ý thức tự giác
tộc người chính là ý thức tự xem mình thuộc về một tộc người nhất định. Ý thức này được
thể hiện qua hàng loạt yếu tố: dùng một tên gọi tộc người chung, có ý niệm chung về nguồn
gốc lịch sử, huyền thoại về tổ tiên và vận mệnh lịch sử tộc người. Ý thức này biểu hiện qua
sự cùng nhau tuân thủ những phong tục, tập quán, lối sống của tộc người, kiêng cữ,... Ý
thức tự giác tộc người bền vững và ít thay đổi. Điều đó thể hiện trước tiên ởtên gọi (tộc
danh). Đúng như Ph.Ăngghen khẳng định: “Tên gọi là một đặc tính của dân tộc” [51,
tr.141]. Khi tộc người được hình thành người ta thường có nhu cầu tự đặt tên gọi cho mình

hoặc do tộc người khác gán cho. Nó phải nhận được sự đồng thuận của chính thành viên
trong tộc người. Trong thực tế, tên tự gọi của tộc người không nhiều bằng tên các tộc người
khác đặt cho họ. Dường như “tên gọi của bộ lạc phần nhiều được đặt ra một cách ngẫu
nhiên hơn là được chọn lựa một cách có ý thức. Trong quá trình chung sống, thông thường
các bộ lạc đã nhận tên gọi từ những bộ lạc láng giềng đặt cho mình” [51, tr.147]. Khi tính
chất của tộc người thay đổi sẽ nảy sinh nhu cầu có một tên gọi phù hợp với tộc người mới là
một thực tế.
Tộc danh của tộc người có thể do tộc người tự đặt cho mình. Chẳng hạn, Mảng là tên
tự gọi với ý nghĩa là người du cư,người Bru -Vân Kiều nghĩa là người ở rừng, người Tày tự
gọi mình với tên gọi này để chỉ bản thân là những người làm ruộng. Tên gọi là sự thể hiện
lòng tự hào tộc người, có vai trò củng cố thêm ý thức tộc người.
Những người trong cùng một tộc người đều có ý thức về nguồn gốc lịch sử của mình,
vì thế, dù cư trú biệt lập nhưng hết thảy đều hoài niệm về lai lịch gốc của mình. Ý thức tự
giác tộc người thể hiện rõ nét trong tinh thần tộc người, kí ức về nguồn gốc và lịch sử của
dân tộc qua huyền thoại, lịch sử, “những câu chuyện gắn liền với sự thiên di, chuyển cư,
những sự kiện lịch sử: chiến tranh, loạn lạc, dịch bệnh,...” [73, tr.69]. Người Tày ở các tỉnh
miền núi phía Bắc “còn lưu lại nhiều truyện cổ về nguồn gốc dân tộc mình: Nạn hồng thủy,
Báo Luông Slao Cải, hayPú Lương Quân, Cẩu Chủa Cheng Vùa (Chín chúa tranh
vua), Nùng Trí Cao” [17, tr.484], người Dao nhớ về nguồn gốc của mình qua truyện Bàn
Hồ, người Việt qua truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết Hồng Bàng tự
hào mình là con cháu vua Hùng và luôn tưởng nhớ đến tổ tiên thời lập quốc. Các tộc người
18


đều có thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện dã sử,... được ghi nhớ qua các thế hệ bằng
nhiều hình thức như truyền miệng, ghi chép,...Chính vì thế, ý thức tộc người luôn được bồi
đắp dù các thành viên tộc người phải sống rất xa nhau thậm chí không còn quan hệ lãnh thổ,
kinh tế, văn hóa.
Với sức sống bền vững, ý thức tự giác tộc người là tiêu chí hàng đầu để phân biệt các
tộc người với nhau, nói như Đặng Nghiêm Vạn: “có thể coi tiêu chí tự giác tộc người dường

như có giá trị duy nhất” [73, tr.70]. Đó là lí do mà hầu hết các truyện thần thoại, truyền
thuyết có chứa motif li tán đều đều đề cập đến tộc danh của từng tộc người hay nhóm tộc
người.
1.2.1.4. Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của tộc người
Chủ nghĩa Mác - Lênin coi tộc người là một sản phẩm của lịch sử mà quá trình hình
thành và phát triển luôn gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định. Những đặc trưng trên, ở
mỗi thời kì sẽ có mức độ ảnh hưởng nhất định và giống nhau qua các thời kì, thậm chí mất
hẳn tác dụng. Ngoài những yếu tố mang tính tộc người là ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tự giác
còn có những yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của tộc người như: lãnh thổ, mối
quan hệ kinh tế,...
Thứ nhất: Lãnh thổ tộc người
Một tộc người ban đầu bao giờ cũng cư trú trên một lãnh thổ nhất định. Đây chính là
nơi mà họ tạo ra những đặc trưng mang tính tộc người. Lãnh thổ tộc người là khu vực phân
bố của tộc người, phân chia ranh giới giữa các tộc người. Nó là điều kiện hình thành tộc
người, là điều kiện để đảm bảo sự tái sản xuất tộc người nghĩa là đảm bảo cho mối dây liên
hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế.
Lãnh thổ là cơ sở để hình thành tộc người và lãnh thổ này có thể mở rộng hay thu hẹp,
thậm chí biến mất nhưng cũng có thể khôi phục được. Lãnh thổ của người Việt (Kinh) ban
đầu là vùng trung du, đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả và bắt đầu mở rộng
từ sau thế kỉ XV đến thế kỉ XVII chuyển cư đến Trung Bộ và Nam Bộ ngày nay.
Hiện nay, ở nước ta hiện tượng cư trú đan xen khá phổ biến. Chẳng hạn, ở phía Bắc,
phần đông các tộc người không phải cư dân bản địa, các tộc người này trong lịch sử thiên di
từ Trung Quốc sang nước ta. Ở Tây Nguyên, sau ngày đất nước giải phóng, thực hiện chính
sách của Đảng người Kinh, một số tộc người thiểu số phía Bắc đã di cư vào đây và sống xen
19


kẽ với các tộc người đã có từ lâu đời như Ba Na, Mạ, Cơ Ho,... Ở Nam Bộ hiện tượng cư trú
đan xen giữa tộc người Khơ Me, Hoa, Chăm, Kinh đã diễn ra từ lâu.
Như vậy, lãnh thổ đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành tộc người nhưng vì

thường xảy ra sự biến động trong lịch sử nên nó chưa trở thành tiêu chí xác định tộc người
trong dân tộc học. Tuy nhiên, có thể nhận thấy vị trí đặc biệt của lãnh thổ đối với sự tồn tại
của tộc người trong thần thoại, truyền thuyết. Bởi thế, phần lớn truyện đề cập đến sự li tán
xảy ra do sự phân tách địa vực cư trú.
Thứ hai: Cơ sở kinh tế tộc người
“Cộng đồng kinh tế là điều kiện bắt buộc khi ra đời một tộc người (hay tiền tộc người:
bộ lạc – thị tộc), nhưng nó không còn là tiêu chí của một tộc người bất kì, có chăng chỉ còn
là nhân tố cố kết tộc người” [74, tr.61]. Lịch sử tộc người trong quá trình phát triển đã
chứng minh rằng ban đầu dù là tộc người lớn hay nhỏ, có cùng một tộc danh, nói chung một
thứ tiếng, sống cùng một lãnh thổ nhất định phải tiến hành hoạt động kinh tế để duy trì, phát
triển cuộc sống của cộng đồng. Cho tới nay, các tài liệu dân tộc học đã chỉ cho chúng ta thấy
tộc người ngay từ thời ấu thơ của nó phải bao gồm những tập thể người có sự gắn kết với
nhau về kinh tế. Trong giai đoạn sơ khai của quá trình tộc người, các bộ lạc thường có
những lãnh thổ riêng để hoạt động kinh tế, và dù đây là nền kinh tế tự cấp tự túc trong lòng
nó vẫn diễn ra sự trao đổi hiện vật giữa các tập thể, cá nhân: công cụ canh tác, trang sức, vũ
khí,...
Như vậy, sự phát triển của mối quan hệ kinh tế là một trong những nhân tố quan trọng
để hợp thành tộc người. Sự phát triển trong quá quá độ lên một bậc mới cao hơn bên cạnh
thế mạnh của nó cũng gây ra không ít hệ quả và một trong số đó là sự chia tách tộc người
mà dấu ấn còn lưu giữ trong kho tàng truyện cổ dân gian các tộc người thiểu số ở Việt Nam.
1.2.2. Quá trình tộc người
Tộc người là một hệ thống động và sự thay đổi của chúng tạo nên bản chất lịch sử tộc
người của nhân loại. Sự thay đổi của bất kì thành tố tộc người nào cũng được xem là quá
trình tộc người. Như vậy, sự thay đổi ý thức hay thuộc tính tộc người đều được xem là quá
trình tộc người.
Sự thay đổi về ý thức phản ánh sự thay đổi mang tính tiến hóa của tộc người. Tuy
nhiên, trong thực tiễn quá trình tộc người được ghi nhận chủ yếu ở sự thay đổi những thuộc
tính tộc người phản ánh sự quá độ sang trạng thái tộc người hoàn toàn mới. Sự thay đổi các
20



thành tố riêng mang tính chất tiến hóa của hệ thống tộc người không dẫn đến sự phá hủy hệ
thống nói chung tức tộc người vẫn được giữ lại. Đó là quá trình tiến hóa tộc người. Còn quá
trình tộc người gắn liền với sự đứt đoạn dần cùng sự quá độ chuyển sang một tộc người mới
có thể gọi là quá trình biến thể tộc người. Nhìn chung, quá trình tộc người dưới dạng tiến
hóa hay biến thể bao gồm tất cả những sự thay đổi đang diễn ra với tộc người.
Trong khoảng thời gian tồn tại, ở mỗi tộc người thường diễn ra sự thay đổi mang tính
tiến hóa. Tái sản xuất sự thay đổi này đảm bảo cho mối liên hệ thông tin bên trong tộc
người. Ở mối liên hệ đồng đại, cái mới được đưa vào bên trong tộc người và mang tính đại
chúng nhất. Nói cách khác, trong mỗi thời kì tồn tại, tộc người lại đưa vào những lớp thông
tin tộc người mới. Nó làm cho tính bền vững của tộc người mất dần đi một số yếu tố nào đó.
Xong khi một tộc người tồn tại thì nó vẫn giữ được một bộ phận nhất định tính truyền thống
của mình. Bởi thế, giữ vai trò quyết định là mối quan hệ lịch đại vì chỉ có sự chuyển giao
cái mới giữa các thế hệ mới tạo nên tính ổn định tương đối truyền thống - yếu tố rất cần
thiết đối với thành tố bất kì nào của chức năng tộc người. Do đó, thông tin văn hóa tộc
người trong mỗi thời điểm thường có nhiều lớp. Nó là tổng hợp của truyền thống mới hình
thành và những lớp xuất hiện trong thời kì hình thành tộc người.
1.2.3. Li tán -một trong những xu hướng tất yếu của quá trình tộc người
Giới thuyết về tộc người và quá trình tộc người, các nhà nghiên cứu nhận định lịch sử
các tộc người trên thế giới có hai loại hình cơ bản trong quá trình tộc người: xu hướng phân
chia (hoặc phân li) - dưới góc độ nghệ thuật chúng tôi xin gọi là li tán và xu hướng hợp
nhất.
Quá trình hợp nhất tộc người mang tính qui luật của lịch sử đó là sự củng cố các tộc
người. Xu hướng hợp nhất tộc người được chia làm ba loại hình riêng: quá trình cố kết hay
kết hợp (consoliaton), quá trình đồng hóa (assimilation) và quá trình hòa hợp (integration).
Trong các xu hướng này thì xu hướng li tán được xem như cơ sở để tạo ra xu hướng hợp
nhất. Nói cách khác, quá trình hợp nhất bao giờ cũng xảy ra sau khi đã li tán. Tất nhiên, sự
hợp nhất còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác như hoàn cảnh bắt buộc, tự nguyện,...
Quá trình li tán tộc người (tộc người cùng nguồn gốc) chia làm hai loại hình cơ bản:
quá trình chia nhỏ và quá trình chia tách. Ở loại hình thứ nhất, một tộc người thống nhất

được chia ra làm nhiều bộ phận khác nhau, những bộ phận này trở thành những tộc người
21


mới trong quá trình li tán. Ở loại hình thứ hai, một bộ phận nhỏ tộc người gốc nào đó được
chia tách dần dần trở thành một tộc người độc lập. Trong quá trình chia nhỏ, tộc người xuất
phát ngừng sự tồn tại của mình còn trong quá trình chia tách tộc người gốc vẫn tiếp tục
được giữ lại. Loại hình chia tách tộc người được chia ra làm hai tiểu loại: chia tách tộc
người di cư, chia tách tộc người chính trị. Nó phụ thuộc vào những nhân tố tạo nên sự li tán
tộc người. Nếu có một bộ phận nhỏ tách khỏi tộc người gốc do quá trình di cư đến một vùng
đất mới thì đó là quá trình chia tách tộc người di cư. Nếu nhân tố cơ bản của quá trình này là
sự phân chia số đông tộc người giữa các quốc gia thì gọi là sự li tán tộc người chính trị. Ở
dạng chia tách bao giờ cũng để lại vết hằn trong kí ức sâu đậm. Kí ức được tạo nên do sự
đan kết giữa tập quán, huyết thống nên khá bền vững. Điều này có thể thấy mơ hồ qua thần
thoại, truyền thuyết các tộc người Ê Đê vốn có gốc ở quần đảo Nam Dương vào định cư ở
Việt Nam. Trong đề tài, chúng tôi nhận thấy sự li tán ở đây là quá trình chia tách tộc người
di cư và một số kiểu li tán khác.
Xu hướng li tán là đặc điểm vốn có của xã hội nguyên thủy. Một mặt, vì sự gia tăng
không ngừng về số lượng thành viên, nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ngày càng cạn
kiệt, các thị tộc, bộ lạc buộc phải kiếm thêm các vùng đất mới để hái lượm, săn bắt, đánh cá,
trồng trọt nhằm đảm bảo sự sinh tồn cho con người. Mặt khác, do trình độ, kinh nghiệm tổ
chức quản lí cuộc sống cộng đồng có hạn nên từ một khối thống nhất buộc phải chia thành
những nhóm nhỏ li tán đi các nơi. Quá trình li tán này là cơ sở của sự phân cư con người từ
khu vực hình thành người Homo sapiens đến các vùng khác nhau trên trái đất.
Ở xã hội có giai cấp,cơ sở cho sự xuất hiện của các tộc người khác nhau chính là quá
trình li tán tộc người gắn liền với sự di cư số đông. Trong này, có áp bức giai cấp và áp bức
dân tộc, những tộc người có dân số ít, ở trình độ phát triển kinh tế văn hóa thấp, trước áp lực
của dân tộc đa số, với số dân đông hơn, và ở trình độ phát triển kinh tế - văn hóa cao hơn,
buộc phải rời địa bàn sinh tụ của mình để đi tìm không gian sinh tồn mới. “Những cuộc di
cư như vậy diễn ra không phải một lần, mà là nhiều lần, kéo dài hàng thế kỉ, mỗi lần như

vậy gồm một bộ phận dân cư, thường là những nhóm gia đình đồng tộc. Kết quả là các tộc
người bị phân chia ra thành nhiều bộ phận, nhiều ngành nhỏ” [11, tr.457]. Khi các quốc gia
xuất hiện, biên giới chính trị chính là nhân tố li tán tộc người. Trong lịch sử ta từng được
chứng kiến quá trình chia nhỏ tộc người của người Nga cổ để từ đó hình thành ba tộc người:
Nga, Ucraina, Bêlơrútxia hay tại Việt Nam từ cộng đồng người Việt cổ hình thành người
22


Việt, Chứt. Quá trình này khá phổ biến ở các tộc người Việt Nam và Đông Nam Á. Từ
người Thái ở Vân Nam, Quí Châu, Trung Quốc trong quá trình di cư đến Lào, Thái Lan,
Việt Nam hình thành các tộc người Thái (ở Thái Lan), Lào (ở Lào), Thái (ở Việt Nam).
Cũng có những tộc người do quá trình thiên di đến Việt Nam đã tách ra hình thành những
nhóm địa phương của người Nùng, Dao, H’mông. Ở người Chăm, quá trình phân li tộc
người do sự khác biệt về tôn giáo của các nhóm cư dân: nhóm Chăm theo Hồi giáo ở thành
phố Hồ Chí Minh và nhóm Chăm theo Bà La Môn giáo ở Bình Thuận. Cònngười Stiêng do
sự phân chia chính trịbị tách thành hai khối: ở tỉnh Bình Phước Việt Nam và ở bên kia biên
giới Campuchia.

1.3. Thần thoại, truyền thuyết các tộc người thiểu số trong mối quan hệ quá
trình tộc người
Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên đã chỉ ra một số sự kiện lịch sử - văn hóa làm tiền đề
cho việc nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc Việt Nam trên nền của mối quan hệ tộc
người. Phó Giáo sư khẳng định “Căn bản văn hóa chung này là sợi dây liên kết văn hóa nói
chung và văn hóa dân gian nói riêng của các tộc người thành một cấu trúc văn hóa, văn học
dân gian của toàn thể cộng đồng quốc gia dân tộc; nó nhào nặn lại văn hóa và văn học dân
gian của mỗi tộc người, khiến cho văn hóa và văn học dân gian của mỗi tộc người đều
“mang dấu ấn Việt Nam”, do đó có thể phân biệt được ngay cả với văn hóa và văn học dân
gian của người đồng tộc với chính tộc người ấy ở cộng đồng chính trị - xã hội khác” [12,
tr.178]. Thật vậy, với điểm nhìn từ mối quan hệ lịch sử - văn hóa tộc người thì thần thoại,
truyền thuyết của các tộc người thiểu số sẽ hiện ra với tất cả sự phong phú, đa dạng được

xem như biểu hiện của những biến thể tộc người.
Như đã biết, Việt Nam là một quốc gia đa tộc người nên 54 dân tộc dù sinh tụ ở đâu
trên dải đất này cũng có một di sản văn học dân gian truyền miệng nhất định dẫu sẽ có sự
khác nhau về trữ lượng, đề tài, motif hay phương thức biểu hiện,...Trong phạm vi đề tài,
chúng tôi trên cơ sở công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư Chu Xuân Diên là Văn học dân
gian các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh các mối quan hệ văn hóa – tộc người(Nxb
Giáo dục, Hà Nội, 2008), thành tựu của ngành dân tộc học sẽ giới thiệu những nét khái quát
nhất về quá trình tộc người cùng với thần thoại, truyền thuyết của các một số nhóm ngôn
ngữ: Việt - Mường, Tày - Thái, Môn - Khơ Me, Malayo - Polynesia, H’mông - Dao, Tạng 23


×