BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ HÀ NỘI
PHẠM THANH BÌNH
NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN VÀ KHAI THÁC
NGUỒN LỰC THÔNG TIN CỦA
TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC THƯ VIỆN
Hà Nội, 2011
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ HÀ NỘI
PHẠM THANH BÌNH
NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN VÀ KHAI THÁC
NGUỒN LỰC THÔNG TIN CỦA
TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI
Chuyên ngành: Khoa học Thư viện
Mã số: 60.32.20
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC THƯ VIỆN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. NGUYỄN HỮU HÙNG
Hà Nội, 2011
1
MỤC LỤC
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT........................................................................................................... 3
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU, ĐỒ THỊ .................................................................................... 4
DANH MỤC CÁC BẢNG THỐNG KÊ SỐ LIỆU........................................................................ 4
PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................................................... 5
CHƯƠNG 1: NGUỒN LỰC THÔNG TIN VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO,
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, THỰC HÀNH SẢN XUẤT CỦA TRƯỜNG ĐẠI
HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI.....................................................................................9
1.1.
Nguồn lực thông tin ........................................................................................9
1.1.1. Khái niệm về nguồn lực thông tin ....................................................................9
1.1.2. Các đặc trưng của nguồn lực thông tin .........................................................11
1.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của nguồn lực thông tin .................13
1.2.
Trung tâm Thông tin Thư viện với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và
thực hành sản xuất của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội .......................................17
1.2.1. Khái quát về Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội............................................17
1.2.3. Người dùng tin và nhu cầu tin của Trung tâm Thông tin Thư viện – Trường
Đại học Kiến trúc Hà Nội .........................................................................................25
1.3.
Vai trò của nguồn lực thông tin với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội .......33
1.3.1. Đặc trưng của thông tin chuyên ngành kiến trúc – xây dựng ........................33
1.3.2. Vai trò của nguồn lực thông tin phục vụ các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu
khoa học, chuyển giao công nghệ và thực hành sản xuất .........................................33
Tiểu kết chương 1......................................................................................................36
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ KHAI THÁC NGUỒN LỰC
THÔNG TIN TẠI TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN – TRƯỜNG ĐẠI
HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI...................................................................................37
2.1.
Cơ cấu nguồn lực thông tin ...........................................................................37
2.1.1. Nguồn lực thông tin truyền thống ..................................................................37
2.1.2. Nguồn lực thông tin hiện đại..........................................................................42
2.2.
Công tác tổ chức nguồn lực thông tin ...........................................................46
2.2.1. Diện bổ sung ..................................................................................................48
2.2.2. Nguồn bổ sung ...............................................................................................48
2.2.3. Kinh phí bổ sung ............................................................................................51
2.2.4. Quy trình bổ sung tài liệu ..............................................................................52
2.2.5. Công tác thanh lý tài liệu ...............................................................................53
2.3.
Công tác quản lý và khai thác nguồn lực thông tin.......................................54
2.3.1. Công cụ để quản lý và khai thác nguồn lực thông tin ...................................54
2
2.3.2. Công tác quản lý và khai thác nguồn lực thông tin truyền thống ..................56
2.3.3. Công tác quản lý và khai thác nguồn lực thông tin hiện đại .........................60
2.4.
Các công cụ tra cứu thông tin .......................................................................63
2.4.1. Công cụ truyền thống .....................................................................................63
2.4.2. Công cụ hiện đại ............................................................................................64
2.5.
Nhận xét và đánh giá về thực trạng nguồn lực thông tin của Trung tâm
Thông tin Thư viện....................................................................................................64
Tiểu kết chương 2.....................................................................................................67
CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ KHAI THÁC NGUỒN
LỰC THÔNG TIN TẠI TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN – TRƯỜNG
ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI ..........................................................................69
3.1.
Nguyên tắc thực hiện ....................................................................................69
3.1.1. Nguyên tắc phát triển có định hướng.............................................................69
3.1.1. Nguyên tắc phát triển có kế thừa ...................................................................69
3.1.2. Nguyên tắc hiệu quả tối ưu ............................................................................70
3.2.
Giải pháp về chính sách phát triển nguồn lực thông tin................................70
3.2.1. Xây dựng chính sách phát triển nguồn lực thông tin .....................................70
3.2.2. Chiến lược bổ sung tài liệu ............................................................................74
3.3.
Các giải pháp khai thác nguồn lực thông tin .................................................79
3.3.1. Công cụ tra cứu truyền thống ........................................................................79
3.3.2. Công cụ tra cứu hiện đại................................................................................79
3.4.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phát triển và khai
thác nguồn lực thông tin ............................................................................................80
3.4.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển nguồn lực thông tin ....80
3.4.2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức quản lý và khai thác nguồn
lực thông tin ..............................................................................................................84
3.5.
Nâng cao trình độ cán bộ và đào tạo người dùng tin ....................................86
3.5.1. Nâng cao trình độ cán bộ ...............................................................................86
3.5.2. Đào tạo người dùng tin ..................................................................................88
Tiểu kết chương 3......................................................................................................91
KẾT LUẬN ......................................................................................................................... 92
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................................. 94
PHỤ LỤC............................................................................................................................ 98
3
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
CBGD
Cán bộ giảng dạy
CBQL
Cán bộ quản lý
CGCN
Chuyển giao công nghệ
CH
Học viên cao học
CNTT
Công nghệ thông tin
Consortium
Liên kết để bổ sung và chia sẻ nguồn lực thông tin
CSDL
Cơ sở dữ liệu
ĐH
Đại học
GS
Giáo sư
KH&CN
Khoa học và công nghệ
KHKT
Khoa học kỹ thuật
NCKH
Nghiên cứu khoa học
NCS
Nghiên cứu sinh
NDT
Người dùng tin
Nhà trường
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
PGS
Phó giáo sư
SV
Sinh viên
SX
Cán bộ sản xuất
TH
Trung học
ThS
Thạc sĩ
Trung tâm
Trung tâm Thông tin Thư viện
TS
Tiến sĩ
TTTTTV
Trung tâm Thông tin Thư viện
4
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU, ĐỒ THỊ
Trang
Hình 1: Biểu đồ xác định tạp chí hạt nhân ................................................................15
Hình 2: Sơ đồ cơ cấu tổ chức của Trung tâm thông tin thư viện ..............................24
Hình 3: Thành phần cơ cấu các nhóm người dùng tin tại Trung tâm Thông tin Thư
viện – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội..................................................................29
Hình 4: Thống kê giáo trình theo năm xuất bản .......................................................38
Hình 5: Tỷ lệ tài liệu tham khảo tiếng Việt, ngoại văn và giáo trình........................40
Hình 6: Kinh phí cho bổ sung tài liệu .......................................................................52
Hình 7: Quy trình xử lý tài liệu sách tại Trung tâm Thông tin Thư viện..................57
Hình 8: Sơ đồ quy trình xử lý tài liệu điện tử ...........................................................61
DANH MỤC CÁC BẢNG THỐNG KÊ SỐ LIỆU
Trang
Bảng 1: Nhu cầu thông tin của NDT về các lĩnh vực đào tạo...................................30
Bảng 2: Ngôn ngữ sử dụng của người dùng tin ........................................................31
Bảng 3: Dạng tài liệu mà người dùng tin thường sử dụng ........................................32
Bảng 4: Thống kê số lượng tạp chí có trong Trung tâm ...........................................40
Bảng 5: Thống kê tài liệu luận án, luận văn..............................................................41
Bảng 6: Thống kê tài liệu nộp lưu chiểu từ năm 2000 – 2010 ..................................50
Bảng 7: Số lượng tài liệu do quỹ Ford tài trợ ...........................................................51
Bảng 8: Tổng hợp kinh phí bổ sung ..........................................................................52
Bảng 9: Số lượng tài liệu thanh lý.............................................................................54
Bảng 10: Tài liệu xếp theo môn loại tri thức ............................................................58
Bảng 11: Mức độ đáp ứng thông tin đối với NDT ....................................................65
Bảng 12: Đánh giá chất lượng các sản phẩm và dịch vụ ..........................................66
5
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI – thế kỷ hình thành xã hội thông tin toàn
cầu và nền kinh tế tri thức, trong đó thông tin và tri thức đang trở thành sức mạnh
của nhân loại, là nguồn lực đặc biệt của riêng mỗi tổ chức và của toàn xã hội. Với
số lượng thông tin ngày càng gia tăng một cách mạnh mẽ, việc tổ chức để đưa thông
tin trở thành nguồn lực, từ đó tổ chức đáp ứng nhu cầu tin ngày càng tăng của người
dùng tin (NDT) đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho các cơ quan thông tin thư viện.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (ĐHKTHN) là một trường đầu ngành trong
lĩnh vực đào tạo các Kiến trúc sư, Kỹ sư chuyên ngành kiến trúc, xây dựng, quy
hoạch, kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, quản lý đô thị. Hiện nay, nhà trường
đang tiến hành, một mặt, mở rộng quy mô đào tạo gắn với chất lượng, đáp ứng thị
trường và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội, mặt khác, theo xu thế hội
nhập, đẩy mạnh áp dụng đào tạo theo hệ thống học chế tín chỉ.
Để đáp ứng những nhiệm vụ mới đề ra, công tác phát triển nguồn lực thông tin
(NLTT) của Trung tâm Thông tin Thư viện (TTTTTV) cần phải được chú trọng
quan tâm. Vậy làm thế nào để tổ chức, quản lý và phát triển NLTT hiện có và sử
dụng được NLTT bên ngoài sao cho đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của NDT
trong nhà trường một cách có hiệu quả? Đây là những đòi hỏi, thách thức với Nhà
trường mà trực tiếp là với đơn vị chuyên môn là TTTTTV. Trong bối cảnh đó, tác
giả lựa chọn chủ đề “Nghiên cứu phát triển và khai thác NLTT của TTTTTV –
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội” làm đề tài cho LV thạc sỹ này.
2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu
Vấn đề NLTT trong các cơ quan TTTV đã được không ít tác giả nghiên cứu ở
nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, có thể kể đến cuốn sách của PGS.TS. Nguyễn
Hữu Hùng “Thông tin – từ lý luận đến thực tiễn” (2005) trong đó tại Phần 2 -Tổ
chức và quản lý thông tin có chùm bài viết như “Phát triển thông tin Khoa học và
công nghệ để trở thành nguồn lực”, “Tổ chức và quản lý hoạt động thông tin khoa
học công nghệ trước thềm thế kỷ XXI", “Vấn đề phát triển và chia sẻ nguồn lực
6
thông tin số hóa tại Việt Nam”… Trong các công trình này, tác giả đã đã phác họa
bức tranh thông tin trong nền kinh tế mới, trình bày khái niệm và luận chứng vai trò
trung tâm của tài nguyên thông tin số trong hệ thống thông tin quốc gia, nghiên cứu
những vấn đề về chiến lược, phương thức tạo lập và chia sẻ, quản lý nhà nước và
chương trình phát triển thông tin nhằm biến thông tin trở thành nguồn lực phát triển
và trình bày các giải pháp tạo lập môi trường thông tin để phát triển NLTT số trong
điều kiện ở Việt Nam.
Nghiên cứu về chính sách phát triển NLTT có các bài: “Phương pháp luận xây
dựng chính sách phát triển nguồn tin” (2001) và “Một số vấn đề xung quanh việc
thu thập khác thác tài liệu xám” (2001) của TS. Nguyễn Viết Nghĩa và bài "Phác
thảo sơ bộ chính sách về NLTT" của TS. Lê Văn Viết. Các tác giả đã khẳng định vị
trí quan trọng trong chính sách phát triển NLTT đối với việc tạo nguồn, xây dựng
hệ thống các kho tài liệu của các thư viện và cơ quan thông tin. Những nội dung chủ
yếu cần được đề cập trong chính sách và cách thức trình bày kết cầu của chính sách
và một số giải pháp xây dựng chính sách tạo nguồn thông tin.
Về chủ đề chia sẻ NLTT, tiến sĩ Lê Văn Viết trong bài: “Một số vấn đề thiết lập
hình thức mượn, chia sẻ tài liệu, thông tin giữa các thư viện Việt Nam” (Kỷ yếu hội
thảo thư viện Việt Nam: Hội nhập và phát triển – 2006) đề cập tới việc thiết lập các
hình thức mượn, chia sẻ tài liệu, thông tin giữa các thư viện Việt Nam trong giai
đoạn hội nhập và phát triển đất nước.
Về vấn đề xây dựng thư viện điện tử và số hóa tài liệu có “Xây dựng Thư viện
điện tử và vấn đề số hóa tài liệu ở Việt Nam” (Tạp chí Thông tin – Tư liệu, số 2,
2005) của thạc sỹ Nguyễn Tiến Đức, “Phát triển nội dung số ở Việt Nam: những
nguyên tắc chỉ đạo” (Tạp chí Thông tin và tư liệu, số 1, 2000) của tiến sĩ Tạ Bá
Hưng đã trình bày tiếp cận xây dựng và phát triển kho tư liệu số hóa của thư viện
điện tử, cũng như các tiền đề về pháp lý, tổ chức và kinh nghiệm để triển khai số
hóa tại các cơ quan thông tin, vấn đề xây dựng kho tài liệu số hóa và phát triển các
mối liên kết, chia sẻ của các thư viện khi xây dựng thư viện điện tử ở Việt Nam.
Trên bình diện các luận văn thạc sỹ, đến nay có khá nhiều Luận văn chuyên
ngành Khoa học thư viện cũng nghiên cứu vấn đề này, ví dụ như: “Nghiên cứu phát
triển NLTT tại Trung tâm Thông tin Thư viện trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà
7
Nội” (2008) của tác giả Bùi Thị Sen; “Tăng cường NLTT tại Trung tâm Thông tin
Thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội” (2006) của tác giả Nguyễn Thị Thuận;
“Tăng cường NLTT tại Thư viện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” (2005) của
tác giả Hà Thị Huệ; “Tổ chức và khai thác NLTT ở Thư viện Khoa học tổng hợp
thành phố Hồ Chí Minh: (2003) của tác giả Nguyễn Quang Hồng Phúc; “Tổ chức
quản lý và khai thác NLTT tại Trung tâm Thông tin thư viện Đại học Quốc gia Hà
Nội” (2000) của tác giả Trần Hữu Huỳnh;… Tuy nhiên, mỗi trường lại có những
hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, hơn nữa ĐHKTHN có những đặc thù riêng do
vậy bài toan về phát triển NLTT tại ĐHKTHN cần có cách tiếp cận và giải quyết
vấn đề khác.
Viết về NLTT tại ĐHKTHN đã có 01 luận văn thạc sĩ đó là: “Phát triển và
quản lý NLTT số tại TTTTTV trường Đại học Kiến trúc Hà Nội” (2008) của tác giả
Hoàng Sơn Công; tuy nhiên luận văn này mới chỉ tập trung vào nghiên cứu NLTT
số ở phương diện quy trình số hóa tài liệu và quản ly chúng. như vậy, vấn đề phát
triển và khai thác NLTT của TTTTTV ĐHKTHN từ cách nhìn tổ chức toàn diện thì
cho đến nay chưa có đề tài nào được nghiên cứu.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu về NLTT của TTTTTV ĐHKTHN về phương diện cơ cấu và tổ chức.
- Phạm vi nghiên cứu:
+ Phạm vi không gian: TTTTTV - ĐHKTHN.
+ Phạm vi thời gian: Từ năm 2005 đến nay.
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích: Phân tích và đánh giá thực trạng NLTT của TTTTTV – Trường
ĐHKTHN và đề xuất các giải pháp phát triển và khai thác NLTT của TTTTTV.
- Nhiệm vụ:
+ Nghiên cứu cơ sở lý luận về NLTT,
8
+ Nghiên cứu đối tượng NDT và nhu cầu tin của họ,
+ Khảo sát và phân tích thực trạng việc phát triển và khai thác NLTT ở
TTTTTV – ĐHKTHN,
+ Đề xuất các giải pháp thích hợp nhằm phát triển và khai thác NLTT của
TTTTTV - ĐHKTHN.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp luận: Luận văn dựa trên phương pháp luận của duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử, các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực
công tác thông tin và thư viện.
- Phương pháp cụ thể: Đề tài được tiến hành dựa trên các phương pháp nghiên
cứu cụ thể sau:
+ Nghiên cứu và phân tích tư liệu.
+ Điều tra xã hội học: Khảo sát thực tế, điều tra, phỏng vấn, quan sát và
ý kiến chuyên gia.
+ Thống kê: xử lý và phân tích các số liệu thu được.
+ Phân tích hệ thống: xem xét các nguồn lực trong các mối quan hệ.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và kiến nghị, phần tài liệu tham khảo, phần
phụ lục, luận văn gồm 03 chương:
Chương 1: Nguồn lực thông tin và công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học
và thực hành sản xuất tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Chương 2: Thực trạng tổ chức và khai thác nguồn lực thông tin tại Trung
tâm Thông tin Thư viện – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Chương 3: Các giải pháp phát triển và khai thác nguồn lực thông tin tại
Trung tâm Thông tin Thư viện – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
9
CHƯƠNG 1
NGUỒN LỰC THÔNG TIN VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO,
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, THỰC HÀNH SẢN XUẤT CỦA
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI
1.1. Nguồn lực thông tin
1.1.1.
Khái niệm về nguồn lực thông tin
Đối với mỗi cơ quan thông tin thư viện, NLTT là yếu tố vô cùng quan trọng,
cấu thành nên mọi hoạt động của thư viện và là cơ sở để từ đó phát triển các dịch vụ
nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin của NDT. Hiện nay, khái niệm về NLTT không
chỉ giới hạn ở nguồn thông tin được sở hữu bởi cơ quan thông tin, thư viện, vì ngoài
nguồn thông tin hiện có trong thư viện, còn có các nguồn thông tin cần thiết ở các
nơi khác nhau không tùy thuộc vào nơi bảo quản, lưu trữ mà các thư viện có thể với
tới để cung cấp cho NDT của mình.
Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, khái niệm về “nguồn lực thông tin” chưa
được hiểu một cách thống nhất. Khái niệm “nguồn lực thông tin” được dịch từ thuật
ngữ tiếng Anh “Information Resource”. Theo từ điển tiếng Việt “nguồn” là nơi bắt
đầu, nơi phát sinh ra hoặc là nơi có thể cung cấp, theo đó, nhiều người cho rằng
“nguồn lực thông tin” bao hàm cả tiềm lực thông tin và khả năng với tới các nguồn
tin khác nhau. Theo nghĩa này thì tất cả các nguồn thông tin có trong sở hữu của tổ
chức hoặc tổ chức có thể với tới được thì đều có thể gọi là nguồn lực thông tin.
Trong Nghị định 159/2004/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thông tin
KH&CN, chương 1, điều 2 có giải thích thuật ngữ “nguồn tin khoa học và công
nghệ” như sau: “nguồn tin khoa học và công nghệ” bao gồm sách, báo, tạp chí,
CSDL; tài liệu hội nghị, hội thảo khoa học, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ
nghiên cứu khoa học và công nghệ; tài liệu về sở hữu trí tuệ, tài liệu về tiêu chuẩn,
đo lường chất lượng, luận văn, luận án sau đại học và các nguồn tin khác được tổ
chức, cá nhân thu thập”.
Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay thì nhiều nhà quản lý, cán bộ thông tin thư
10
viện có thói quen sử dụng “nguồn lực thông tin” để chỉ các dạng tài liệu khác nhau
và đó cũng chính là “nguồn tin”: “Ở đây nguồn lực thông tin là loại tài sản cố định
đặc biệt, càng được khai thác sử dùng thì càng giàu thêm mà không hề bị hao mòn
mất mát đi. Trong đó việc đầu tư, bảo quản và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai
thác sử dụng các nguồn tin như tổ chức kho, lưu trữ, bảo quản, xây dựng các mục
lục, các CSDL chính là làm tăng thêm giá trị sử dụng của vốn tài liệu cố định đó”
[33].
“Ở dạng chung nhất, NLTT được hiểu như là tổ hợp các thông tin nhận được
và tích lũy được trong quá trình phát triển khoa học và hoạt động thực tiễn của con
người, để sử dụng nhiều lần trong sản xuất và quản lý xã hội. NLTT phản ánh các
quá trình và hiện tượng tự nhiên được ghi nhận trong kết quả của các công trình
nghiên cứu khoa học và trong các dạng tài liệu khác của hoạt động nhận thức và
thực tiễn. NLTT bao gồm các dữ liệu thể hiện dưới dạng văn bản, dạng số, hình
ảnh, âm thanh hoặc được ghi lại trên phương tiện theo quy ước và không theo quy
ước, các sưu tập, những kiến thức của con người, những kiến thức của tổ chức và
ngành công nghiệp thông tin” [29 tr. 6-9].
NLTT là một dạng sản phẩm trí óc, trí tuệ của con người, là những thông tin
được tổ chức, kiểm soát và có giá trị trong hoạt động thực tiễn của con người,
NLTT được coi là phần tích cực của tiềm lực thông tin được tổ chức, kiểm soát sao
cho NDT có thể truy cập, tìm kiếm, khai thác, sử dụng để phục vụ cho các lợi ích
khác nhau của xã hội.
Như vậy, về cơ bản các khái niệm “nguồn lực thông tin” được trình bày ở các
mục trên là đồng nghĩa với nhau và đều chỉ tới các nguồn tài liệu, sách, báo, dưới
mọi định dạng khác nhau và tương tự như khái niệm “nguồn tin”. Tuy nhiên, trong
một chừng mực nhất định, khái niệm “nguồn lực thông tin” có nội hàm rộng hơn
khái niệm “nguồn tin”.
Ngoài ra, có một số tác giả cho rằng NLTT còn bao gồm: nguồn nhân lực,
nguồn kinh phí và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, từ các phân tích trên, trong luận văn
11
này, tác giả chỉ xem xét và giải quyết vấn đề NLTT ở TTTTTV theo nghĩa NLTT
bao gồm các nguồn tài liệu, sách, báo, tạp chí, luận án, luận văn, đồ án tốt
nghiệp, các CSDL,... dưới mọi hình thức vật lý khác nhau được kiểm soát.
1.1.2.
Các đặc trưng của nguồn lực thông tin
Trong các thư viên, các cơ quan thông tin hiện nay, nguồn tài liệu rất đa dạng
về hình thức và phong phú về chủng loại, bao gồm cả tài liệu truyền thống (tài liệu
dạng giấy) và các loại tài liệu trên các phương tiện hiện đại (tài liệu phi giấy) như:
CSDL trực tuyến, DVD-ROM, CD-ROM, đĩa mềm, vi phim, vi phiếu,v.v... Nhưng
để nguồn tài liệu đó trở thành nguồn lực thì chúng phải có đầy đủ các đặc trưng
dưới đây:
- Tính vật lý:
NLTT là những phần thông tin hoặc tri thức được ghi lại, định vị lại thông qua
một hệ thống dấu hiệu nội dung và hình thức, được lưu trữ trên các vật mang tin
truyền thống như giấy, phim, ảnh,... cũng như trên các vật mang tin điện tử như đĩa
từ, đĩa quang, DVD-ROM, CD-ROM, CSDL trực tuyến,...
Phương thức lưu trữ thông tin ở các giai đoạn khác nhau là khác nhau. Đối với
phương thức truyền thống (còn gọi là phương thức tư liệu) thì vật mang tin là tài
liệu, có tính hữu hình, là cái ở dạng vật thể mà ta có thể nhận thấy bằng giác quan:
thư viện phải có mặt bằng, cơ sở vật chất như kho tàng, kệ, giá... để lưu trữ các tài
liệu này. Đối với phương thức hiện đại (còn gọi là phương thức điện tử), thong tin
được mã hóa cho máy đọc, những tài liệu điện tử, các CSDL, tài liệu số được lưu
trữ trên các máy tính điện tử hoặc trên mạng các máy tính dưới dạng tín hiệu nhị
phân,.... Như vậy, bất cứ dạng NLTT nào thì chúng cũng mang đặc trưng vật lý, tồn
tại trên nền giá đỡ vật chất.
- Tính cấu trúc:
NLTT muốn kiểm soát được thì phải có tính cấu trúc, đó là những thông tin
được ghi lại theo những thể thức và tiêu chuẩn nhất quán (về nội dung và hình thức)
12
đảm bảo cho việc bảo quản, khai thác và sử dụng dễ dàng, thuận lợi.
Điển hình của tính cấu trúc của NLTT là tính phân cấp trong tổ chức dữ liệu:
trật tự của các yếu tố dữ liệu trong kho hay các biểu ghi trong CSDL đều phải dựa
vào nguyên lý ngôi thứ, quan hệ hay mạng dữ liệu nội dung và/hoặc hình thức của
tài liệu.
- Tính truy cập:
NLTT phải được tổ chức và kiểm soát để NDT có thể tìm ra nó thông qua các
điểm truy cập (từ khóa, chủ đề, tên tác giả, loại hình tài liệu...). Các điểm truy cập
này được tạo ra trong quá trình xử lý tài liệu. Nhờ bộ máy tra cứu, NDT có thể tìm
được tài liệu thông qua các dấu hiệu nội dung hay hình thức của tài liệu.
Đối với tài liệu truyền thống, việc truy cập chủ yếu được thực hiện thông qua
hệ thống mục lục, các bản chỉ mục, mục lục thư mục truy cập trực tuyến OPAC
(Online Public Access Catalog)... Còn với môi trường mạng điện tử, tài liệu, ngoài
cách truy cập như trên thì còn được truy cập bằng các siêu liên kết (Hyperlink)
trong các ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản HTML... NDT dễ dàng tìm được tài liệu
mình cần.
- Tính có thể chia sẻ được:
Để thỏa mãn nhu cầu thông tin một cách cao nhất và để tiết kiệm kinh phí
trong các thao tác nghiệp vụ như bổ sung, xử lý,…các thư viện và trung tâm thông
tin cần có khả năng sử dụng nhiều loại TT từ các nơi khác nhau. Thực chất đây
chính là sự chia sẻ NLTT. Tính có thể chia sẻ được của NLTT thể hiện ở khả năng
có thể trao đổi thông tin theo nhiều chiều giữa các hệ thống thông tin với nhau.
Tính có thể chia sẻ của NLTT hiện nay đang được các thư viện và trung tâm
thông tin rất quan tâm, bởi vì nó là phương tiện để các thư viện và trung tâm thông
tin đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của NDT khi NLTT của mỗi thư viện riêng lẻ không
đáp ứng được, đặc biệt là nhu cầu ngày càng đa dạng về thông tin tài liệu trong thời
đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
13
Việc chia sẻ NLTT truyền thống chủ yếu dựa vào các bản ghi thư mục. NDT
của các thư viện khác có thể tìm thấy tài liệu mà mình cần quan các bản ghi thư
mục mà thư viện bạn cung cấp nhưng phải đến thư viện đó để mượn tài liệu. Việc
chia sẻ NLTT điện tử thì đơn giản và thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu là các CSDL trực
tuyến thì NDT có thể đọc trực tiếp trên mạng mà không cần phải đến tận nơi lưu trữ
tài liệu đó. Việc chia sẻ chỉ là cách thức truy cập tới nguồn thông tin đó mà thôi.
- Tính có giá trị:
Giá trị thông tin càng cao khi càng có nhiều người sử dụng. Khác với các
nguồn lực vật chất, việc khai thác NLTT không bao giờ làm nguồn lực này cạn kiệt
đi mà trái lại càng trở nên phong phú, giàu có do được tái tạo và bổ sung thêm các
nguồn thông tin mới. NLTT có giá trị sẽ tác động mạnh mẽ tới các quá trình hoạt
động xã hội, kích thích sự sáng tạo của con người.
Thông tin và tài liệu phải có người khai thác và sử dụng. Nếu thông tin không
có người sử dụng thì đó là thông tin không có giá trị, thông tin chết. Thông tin cần
phải được nhiều người sử dụng và trong quá trình sử dụng họ lại tạo ra những thông
tin mới, và những thông tin này lại mang giá trị thực tiễn của con người. Như vậy,
khi thông tin được lựa chọn phù hợp, được kiểm soát và tổ chức tốt thì càng trở nên
có giá trị và việc sử dụng trong cộng đồng NDT càng lớn .
Hiểu về khái niệm và những đặc trưng về NLTT trên đây giúp cho ta thêm
khẳng định, trên thế giới đã có sự xuất hiện một loại hình nguồn lực mới. Song, bởi
hiện nay với việc bùng nổ thông tin và môi trường thông tin bị "ô nhiễm", ngoài xã
hội, nhiều tài liệu thông tin chưa được kiểm soát, do vậy, để thông tin tiềm năng trở
thành nguồn lực cần có những nỗ lực và tác động mạnh mẽ từ nhiều phương diện
như tổ chức, pháp lý, công nghệ.
1.1.3.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của nguồn lực thông tin
Tài liệu là một vật thể mang tin, trên đó những thông tin được ghi lại dưới
dạng chính văn, âm thanh, hình ảnh... để lưu truyền trong không gian và thời gian,
nhằm mục đích bảo quản và sử dụng.
14
Sự phát triển của tài liệu KHKT chịu ảnh hưởng trực tiếp của cách mạng
KHKT và công nghệ đang diễn ra trên toàn thế giới. Các tài liệu KHKT tăng nhanh
và bị chi phối bởi quy luật phát triển của tài liệu:
* Quy luật về sự gia tăng tài liệu:
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đội ngũ những
người làm công tác khoa học đang tăng lên và sản phẩm của họ là cá tài liệu KHKT
cũng tăng lên nhanh chóng, nó ảnh hưởng không nhỏ tới thành phần vốn tài liệu của
mỗi thư viện. Điều này đã dẫn tới một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là hiện
tượng “bùng nổ thông tin”, thể hiện ở sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm thông
tin tư liệu trên thế giới mấy chục năm gần đây. Khoa học kỹ thuật phát triển đã làm
khối lượng tri thức khoa học trong xã hội tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh những loại hình tài liệu đã xuất bản theo phương thức truyền thống như
sách, báo, tạp chí... là những dạng tài liệu điện tử như đĩa từ, đĩa quang, băng từ,
CSDL trực tuyến... Và điều này có ảnh hưởng lớn tới thành phần, cơ cấu kho tài
liệu. Từ những năm 60, nhà lịch sử khoa học Price D.J đã nghiên cứu ảnh hưởng
của quy luật gia tăng tài liệu đối với sự phát triển của vốn tài liệu như sau: Cứ 10-12
năm vốn tài liệu của xã hội lại tăng gấp đôi. Quy luật đó được tính bằng công thức:
Vt = Vo.er(t-to)
Trong đó:
Vt: Vốn tài liệu ở thời điểm t,
Vo: Vốn tài liệu ở thời điểm ban đầu,
e: Cơ số loga tự nhiên,
r: Tốc độ phát triển trung bình,
to: Thời điểm ban đầu
Do ảnh hưởng của quy luật gia tăng tài liệu, các cơ quan thông tin thư viện
phải tăng cường thu thập, chọn lọc và xử lý tài liệu.
15
* Quy luật về sự tập trung và tản mạn thông tin:
Quy luật này hình thành do đặc điểm phân hóa và tổng hợp khoa học của sự
phát triển khoa học hiện đại. Quá trình phân hóa theo chuyên môn dẫn đến hình
thành các tài liệu theo chuyên môn hẹp. Quá trình liên kết các khoa học hình thành
các tài liệu khoa học liên ngành.
Năm 1934, qua thống kê của nhà khoa học người Anh S. Bradford cho thấy
rằng: Nếu sắp xếp số tạp chí khoa học theo thứ tự giảm dần số bài báo về một
chuyên ngành nào đó thì trong danh sách nhận được ta có thể tìm thấy các “tạp chí
hạt nhân”. Số tạp chí này không lớn, chỉ chiếm 10% đến 15% số tạp chí nhưng chứa
đựng tới 90% số bài báo liên quan đến ngành đó.
Hình 1: Biểu đồ xác định tạp chí hạt nhân
Nhìn vào biểu đồ ta thấy chỉ có khoảng 10% đến 15% số tạp chí là có hiệu
suất cao, chúng chứa đựng hầu hết các thông tin về một chuyên ngành nào đó.
Nhờ xác định tạp chí hạt nhân, người ta xây dựng được danh mục các tạp chí
cần mua một cách hợp lý và tránh được lãng phí. [30]
16
* Quy luật về thời gian hữu ích và tính lỗi thời của tài liệu:
Thời gian hữu ích hay tuổi thọ của tài liệu KHKT phụ thuộc vào lĩnh vực tri
thức và giá trị nội dung của tài liệu. Tuổi thọ tài liệu được tính từ lúc công bố đến
lúc lỗi thời, không còn được sử dụng nữa. Tài liệu được sản sinh theo một yêu cầu
nào đó thường giảm dần giá trị sử dụng cùng với sự phát triển của yêu cầu này cho
đến khi trở nên lỗi thời.
Ý nghĩa của quy luật này có tác dụng trong việc thanh lọc tài liệu ở các cơ
quan thông tin, thư viện. Tài liệu khi không còn giá trị, không đáp ứng được nhu
cầu của NDT nữa thì nên thanh lọc để tiết kiệm diện tích kho, công sức của cán bộ,
kinh phí cũng như để nâng cao chất lượng của kho sách.
* Quy luật giá cả tăng liên tục:
Hiện nay, do nhiều yếu tố tác động như lạm phát, giá cả tiêu dùng tăng, chi phí
lao động cũng tăng lên nên giá cả tài liệu cũng tăng lên nhanh trong nhiều thập kỷ
qua. Giá cả tài liệu bao hàm hai yếu tố cấu thành, đó là giá cả thông tin mà tài liệu
chứa đựng và giá cả phần vật chất chứa đựng thông tin và các phương tiện phân
phối tài liệu.
Nghiên cứu của một số tác giả trên tạp chí Library Resourse and Technical
Service cho thấy, trong khoảng 10 năm, từ 1986 đến 1996, giá các loại tạp chí tăng
khẳng 15,4%/năm và giá của tài liệu khoa học công nghệ tăng trung bình 1213%/năm.
Các nguyên nhân của sự tăng giá tài liệu là do:
− Lạm phát của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới,
− Số trang, số tập của các tạp chí đều tăng dẫn tới khối lượng tăng,
− Giá giấy và giá các nguyên vật liệu khác tăng,
− Chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm tăng,
− CNTT tác động mạnh đến công nghệ xuất bản.
17
Do giá cả tăng liên tục nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phát triển
NLTT của các cơ quan thông tin, thư viện, làm cho số lượng tài liệu mua bằng kinh
phí mỗi năm một giảm đi. Do vậy, để công tác phát triển NLTT tốt và mang lại hiệu
quả cao thì phải chú ý tới sự chi phối của các quy luật trên và tìm ra những giải
pháp hữu hiệu để giảm thiểu sự chi phối đó.
* Ảnh hưởng của xuất bản điện tử:
Trong thời đại hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và truyền thông đã
làm thay đổi cơ cấu các loại hình tài liệu có trong mỗi thư viện và cơ quan thông
tin. Tài liệu truyền thống không còn là nguồn tài liệu duy nhất, cùng với đó là sự
cân bằng với các tài liệu hiện đại, tài liệu điện tử , tài liệu số, các CSDL và thậm chí
là ngân hàng dữ liệu... Ấn phẩm điện tử, ấn phẩm số ra đời cùng với công nghệ hiện
đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, liên kết, trao đổi thông tin có chất
lượng cao và nhanh chóng.
Các ấn phẩm thông tin hiện đại với ưu điểm nổi bật là dễ kiểm soát thông tin
và khả năng tìm kiếm thông tin nhanh. Các lợi ích mà nó mang lại là trên phạm vi
toàn cầu, thông qua mạng Internet, thời gian xuất bản nhanh, tiết kiệm diện tích lưu
trữ, khả năng liên kết tới tài liệu gốc, hỗ trợ đa phương tiện..., vì thế nó đang lấn át
các vật mang tin truyền thống. Do vậy, công tác phát triển NLTT ở các cơ quan
thông tin thư viện cần phải có chính sách phát triển hợp lý, hài hòa giữa các loại
hình tài liệu mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của NDT.
1.2. Trung tâm Thông tin Thư viện với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học
và thực hành sản xuất của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
1.2.1.
1.2.1.1.
Khái quát về Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Cơ cấu tổ chức
Trường ĐHKTHN được thành lập theo quyết định số 181/CP ngày 17 tháng 9
năm 1969 của Hội đồng Chính phủ. Qua 42 năm xây dựng và phát triển, Trường
ĐHKTN đã trở thành trung tâm đào tạo đầu ngành của quốc gia, đạt được nhiều
18
thành tựu trong hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế. Trong xu thế phát triển mạnh
mẽ của khoa học và công nghệ, thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ sang nền kinh
tế tri thức, giáo dục đại học đang không ngừng phát triển theo hướng nâng cao chất
lượng và quốc tế hóa, Trường ĐHKTHN đã xác định tầm nhìn chiến lược phát triển
Nhà trường.
Bộ máy tổ chức của Trường được chia làm 4 khối như sau (Hình 1):
- Khối quản lý: Gồm 8 đơn vị,
- Khối đào tạo: Gồm 8 khoa, 2 trung tâm và 1 bộ môn trực thuộc,
- Khối khoa học công nghệ và thông tin: Gồm 4 đơn vị (TTTTTV thuộc khối
này),
- Khối lao động sản xuất và dịch vụ: Gồm 3 đơn vị.
Hiện nay, Trường ĐHKTHN có khoảng 850 cán bộ viên chức, trong đó có 440
cán bộ giảng dạy với 24 giáo sư và phó giáo sư, 64 tiến sĩ, 204 thạc sĩ, 70 giảng
viên chính và tương đương, phục vụ cho gần 9000 sinh viên, học viên cao học và
nghiên cứu sinh đang theo học tại Trường.
1.2.1.2.
Hoạt động đào tạo
Trường hiện đào tạo các hệ đại học, sau đại học, với chỉ tiêu tuyển sinh hàng
năm của Trường là: Hệ chính quy: 1100-1200; Hệ cử tuyển: 50; Hệ không chính
quy: 750-800; Thạc sĩ: 120-150; Tiến sĩ: 10-20 nghiên cứu sinh.
Các chuyên ngành đào tạo đại học:
- Khoa Kiến trúc đào tạo và cấp bằng Kiến trúc sư và bằng Cử nhân Mỹ thuật
công nghiệp các chuyên ngành thiết kế đồ họa, nội thất và hoành tráng.
- Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn đào tạo và cấp bằng Kiến trúc sư quy
hoạch đô thị và nông thôn.
- Khoa Xây dựng đào tạo và cấp bằng Kỹ sư xây dựng dân dụng và công
nghiệp, Kỹ sư xây dựng công trình ngầm.
19
- Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường đô thị đào tạo và cấp bằng Kỹ sư cấp
thoát nước, Kỹ sư kỹ thuật hạ tầng đô thị, Kỹ sư kỹ thuật môi trường đô thị.
- Khoa Quản lý đô thị đào tạo và cấp bằng Kỹ sư quản lý xây dựng đô thị.
Các chuyên ngành đào tạo sau đại học:
- Bằng tiến sĩ kiến trúc được cấp cho 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ: Lý
thuyết và lịch sử kiến trúc – mã số: 62.58.01.01, Kiến trúc công trình – mã
số 62.58.01.05, Quy hoạch vùng – mã số 62.58.05.01, Quy hoạch đô thị và
nông thôn – mã số: 62.58.05.05.
- Bằng tiến sĩ Kỹ thuật được cấp cho 3 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ: Xây
dựng công trình dân dụng và công nghiệp – mã số: 62.58.20.01, Cấp thoát
nước – mã số: 62.58.70.01, Kỹ thuật hạ tầng đô thị – mã số: 62.58.22.01.
- Bằng tiến sĩ Quản lí đô thị và công trình – mã số: 62.58.10.01 được cấp cho
đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Quản lí đô thị và công trình.
- Bằng thạc sỹ kiến trúc được cấp cho 2 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ: Kiến
trúc – mã số: 60.58.01, Quy hoạch – mã số: 60.58.05.
- Bằng thạc sĩ Kỹ thuật được cấp cho 3 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ: Xây
dựng dân dụng và công nghiệp - mã số: 60.58.20, Hạ tầng kỹ thuật đô thị
mã số: 60.58.22, Cấp thoát nước mã số: 60.58.70.
- Bằng thạc sĩ Quản lí đô thị - mã số: 60.58.10 được cấp cho chuyên ngành
Quản lí đô thị và công trình.
Chứng chỉ Bồi dưỡng sau đại học được cấp cho các khoá bồi dưỡng ngắn hạn,
đối tượng là những người đã có bằng đại học hoặc sau đại học của tất cả các chuyên
ngành Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng, Quản lí đô thị, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Cấp
thoát nước.
1.2.1.3.
Hoạt động nghiên cứu khoa học
NCKH góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến nội dung
20
chương trình đào tạo các ngành học, mở các ngành mới, cải tiến phương pháp dạy
và học, cải tiến nội dung chương trình các môn học. NCKH góp phần đào tạo nâng
cao trình độ nhân lực ngành xây dựng trong Trường ĐHKTHN và ngoài xã hội.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của NCKH đối với công tác đào tạo
và nghiên cứu, Trường ĐHKTHN đã quan tâm đến việc triển khai đề tài nghiên cứu
NCKH các cấp, tổ chức hoạt động NCKH co sinh viên, đẩy mạnh hợp tác quốc tế
về công tác NCKH.
* Triển khai đề tài NCKH các cấp:
Các đề tài do Nhà trường quản lý đã giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế xã
hội theo yêu cầu của thực tế để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm kiến trúc –
xây dựng, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp, hoá hiện đại hoá đất nước.
Trong 5 năm gần đây, Nhà trường đã thực 2 đề tài độc lập cấp Nhà nước với
tổng kinh phí thực hiện là 2.100 triệu đồng, cụ thể là các đề tài:
- Mô hình và các giải pháp quy hoạch - kiến trúc các vùng sinh thái đặc trưng
ở Việt Nam (đề tài đã được nghiệm thu, xếp loại xuất sắc).
- Nghiên cứu lựa chọn công nghệ thích hợp phục vụ công nghiệp hoá xây
dựng nhà ở Việt Nam đến năm 2020 (đề tài đã nghiệm thu xếp loại khá).
Nhà trường đã thực hiện 27 đề tài cấp Bộ, hầu hết đã nghiệm thu. Trong số 21
đề tài đã nghiệm thu có 8 đề tài xếp loại xuất sắc, 13 đề tài xếp loại khá. Hầu hết các
đề tài đã được ứng dụng phục vụ đào tạo và sản xuất thực tế, ngoài ra nhà trường
còn triển khai thực hiện 3 dự án sự nghiệp kinh tế. Tổng kinh phí thực hiện các
nhiệm vụ NCKH cấp Bộ và dự án sự nghiệp kinh tế 5 năm qua là 3.165 triệu đồng.
Tình hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ: Các đề tài
NCKH phục vụ đào tạo đã được Nhà trường áp dụng để nâng cao chất lượng đào
tạo, một số đề tài phục vụ sản xuất đã được ứng dụng ở một số doanh nghiệp mang
lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp như công ty Cổ phần bê tông và Xây dựng
VINACONEX Xuân Mai. Ngoài ra, Trường còn có Văn phòng Tư vấn và Chuyển
21
giao Công nghệ Xây dựng, Viện Kiến trúc Nhiệt đới, Công ty Xây dựng và Phát
triển Đô thị... là những cơ sở thực hiện chuyển giao công nghệ.
* Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên
Sinh viên của Trường đã tích cực tham gia hoạt động NCKH với 292 đề tài
trong 5 năm qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quỹ VIFOTEC đã tặng 36 giải thưởng
cho các đề tài của sinh viên, trong đó có 01 giải Nhất, 09 giải Nhì, 07 giải Ba và 19
giải Khuyến khích. Nhà trường được bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có nhiều thành
tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học sinh viên giai đoạn 1990 - 2004.
Kinh phí hàng năm cho công tác NCKH sinh viên là trên 300 triệu đồng.
* Hợp tác quốc tế về NCKH
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực NCKH là thế mạnh của Nhà trường. Trường có
quan hệ hợp tác về NCKH và đào tạo với 36 trường đại học, viện nghiên cứu của 22
quốc gia và tổ chức quốc tế. Các đề tài, dự án tiêu biểu đã và đang thực hiện bao
gồm:
- Cải thiện điều kiện môi trường và năng lượng các khu nhà ở cao tầng, hợp
tác với DANIDA Đan Mạch.
- Nâng cao năng lực quy hoạch và quản lý môi trường đô thị, hợp tác với
DANIDA Đan Mạch.
- Bếp và lò đun cải tiến, hợp tác với tổ chức ARECOP và SIDA.
- Dự án quản lý đô thị ở Việt Nam, hợp tác với Canada.
- Dự án đào tạo cán bộ quản lý đô thị, hợp tác với Hà Lan.
- Dự án đào tạo thạc sỹ chuyên ngành bảo tồn di sản kiến trúc ở Việt Nam,
hợp tác với Cộng hoà Pháp.
- Dự án đào tạo cán bộ quản lý đô thị bằng vốn ADB tài trợ, do Bộ Nội vụ
giao, lớp đào tạo cán bộ giảng viên do WB tài trợ...
22
1.2.2.
Khái quát về Trung tâm Thông tin Thư viện – Trường Đại học Kiến trúc
Hà Nội
1.2.2.1.
Chức năng, nhiệm vụ
TTTTTV – ĐHKTHN ra đời cùng với sự thành lập của Trường. Giai đoạn
trước năm 2001, Trung tâm trực thuộc Phòng quản lý đào tạo. Đến tháng 6 năm
2001, Trung tâm được tách ra thành một đơn vị độc lập và có tên gọi là Trung tâm
Thông tin Thư viện với các chức năng, nhiệm vụ được quy định theo quyết định số
43QĐ - BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ngày 08 tháng 01 năm 2001.
Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường, Trung tâm trực thuộc khối
phòng ban Khoa học Công nghệ. Trung tâm đã có những đóng góp nhất định trong
sự nghiệp giáo dục của Trường. Trước đây Trung tâm có chức năng lưu trữ, quản lý
kho tài liệu sách, báo tạp chí truyền thống và phục vụ bạn đọc. Ngày nay, trong tình
hình phát triển mới, Trung tâm là đơn vị có nhiệm vụ quản lý, xây dựng và phát
triển phương thức cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động đào tạo và NCKH
trong trường đại học. Theo sát chiến lược phát triển của trường ĐHKTHN trong giai
đoạn phát triển tới năm 2020, Trung tâm đã phát triển, mở rộng quy mô hoạt động
và nâng cao chất lượng trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng
của NDT. Với chức năng cung cấp thông tin, Trung tâm có những nhiệm vụ cơ bản
như sau:
Thu thập, xử lý, lưu trữ, quản lý, sử dụng các tài liệu, tin tức hoạt động về đào
tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… để phục vụ các nhiệm vụ của
Trường.
Lập CSDL, xây dựng, quản lý, tổ chức phát triển thông tin trên Website, tham
gia vào công tác xây dựng phát triển cổng thông tin điện tử của Trường đáp ứng nhu
cầu khai thác thông tin trên mạng, phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, quản lý
điều hành công việc của Nhà trường.
Chủ trì biên tập, trình bày chế bản, in ấn phát hành bản tin hoạt động khoa học
công nghệ và đào tạo của Trường, tham gia biên tập, trình bày chế bản, in ấn, phát
23
hành các tài liệu, ấn phẩm, giáo trình theo yêu cầu của Nhà trường.
Xây dựng và thực hiện các dự án, đề tài về thông tin thư viện, CSDL do
Trường giao.
Phát triển mối quan hệ hợp tác với các trường, cơ sở nghiên cứu trong và
ngoài nước về công tác thông tin tư liệu, tư liệu theo định hướng phát triển của
Trường.
Quản lý cán bộ viên chức, người lao động hợp đồng thuộc Trung tâm theo
phân cấp Hiệu trưởng; quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư được
Nhà trường giao để thực hiện nhiệm vụ.
Chủ trì phối hợp, tham gia với các đơn vị liên quan để thực hiện các nhiệm vụ
khác theo sự phân công của Trường.
1.2.2.2.
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Trung tâm gồm có Ban Giám đốc và 05 tổ chuyên môn với
các chức năng nhiệm vụ cụ thể như sau:
Tổ thông tin tư liệu: có nhiệm vụ xây dựng, phát triển nguồn khai thác thông
tin, tổ chức, quản lý, xử lý, biên tập, chế bản và phổ biến thông tin
Tổ biên tập chế bản: có nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển thông tin – xuất
bản, quản trị thông tin Website, hệ thống mạng và thiết bị thông tin tư liệu, chế bản
và quản lý ấn phẩm theo luật xuất bản
Tổ quản trị mạng: có nhiệm vụ quản trị mạng, xây dựng, tư vấn đề án phát
triển mạng và an ninh mạng
Tổ chuyên môn nghiệp vụ: có nhiệm vụ sưu tầm, bổ sung, phân loại, biên
dịch, biên mục các tài liệu chuyên ngành xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, kỹ thuật
hạ tầng và môi trường đô thị … trong và ngoài nước
Tổ phục vụ - tra cứu có nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp, tuyên truyền, phổ biến,
phục vụ đọc, mượn tài liệu cho cán bộ và sinh viên trong trường, gồm có 05 phòng