Tải bản đầy đủ (.pdf) (139 trang)

phong cách nghệ thuật thơ ý nhi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.65 MB, 139 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Lê Thị Thanh Huyền

PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
THƠ Ý NHI

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Lê Thị Thanh Huyền

PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
THƠ Ý NHI
Chuyên ngành

: Văn học Việt Nam

Mã số

: 60 22 34

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:


TS. LÊ THỊ THANH TÂM

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012


KÝ HỌA NHÀ THƠ Ý NHI


LỜI CẢM ƠN
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến:
TS. Lê Thị Thanh Tâm tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và luôn
động viên giúp đỡ em trong quá trình học tập, làm luận văn.
Nhà thơ Ý Nhi đã hết lòng giúp đỡ và cung cấp nhiều tư liệu quý báu cho
luận văn của em.
Ban giám hiệu, Phòng đào tạo sau đại học, Khoa Ngữ văn đã tạo điều
kiện thuận lợi cho em trong suốt thời gian học tập và làm luận văn ở trường.
Các Thầy, Cô trong hội đồng đã dành thời gian đọc và đóng góp nhiều ý
kiến cho luận văn của em.

Lê Thị Thanh Huyền


MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cảm ơn
Mục lục
DẪN LUẬN ............................................................................................................... 1
Chương 1: CƠ SỞ NGHIÊN CỨU PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ CÁC
YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI ............. 11
1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật.......................................................11

1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi ................................14
1.2.1. Hoàn cảnh xã hội – thời đại .....................................................................14
1.1.2. Nền tảng quê hương, gia đình và đặc điểm con người nhà thơ ...............18
1.3. Khái lược về các chặng đường sáng tác thơ Ý Nhi ........................................21
Chương 2: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ
NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI, KẾT CẤU ................................................................... 34
2.1. Phong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật .........................................................34
2.1.1. Ngôn từ giản dị mà chân thành ................................................................35
2.1.2. Ngôn từ mang tính khái quát, triết luận ...................................................41
2.1.3. Một số biện pháp tu từ tiêu biểu ..............................................................46
2.2. Phong cách thể loại.........................................................................................57
2.2.1. Thơ tự do – thể nghiệm và thành tựu.......................................................58
2.2.2. Bản lĩnh cách tân trong thể thơ năm chữ .................................................62
2.3. Phong cách kết cấu .........................................................................................67
2.3.1. Kết cấu theo mô hình triết luận................................................................67
2.3.2. Cách tạo khoảng lặng trong kết cấu thơ ..................................................71
Chương 3: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ
TRIẾT LUẬN VỀ CÁI ĐẸP VÀ ĐỜI SỐNG ...................................................... 77
3.1. Cơ sở nghiên cứu ............................................................................................77
3.1.1. Về khái niệm triết luận ............................................................................77


3.1.2. Xung quanh vấn đề cái đẹp và đời sống trong thơ Ý Nhi .......................78
3.2. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về cái đẹp ................80
3.2.1. Triết luận về cái đẹp khách quan .............................................................80
3.2.2. Triết luận về vẻ đẹp của thiên chức nghệ sĩ.............................................86
3.2.3. Triết luận về vẻ đẹp của tâm hồn tri ân ...................................................94
3.3. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi từ góc độ triết luận về đời sống .............102
3.3.1. Triết luận về đời sống qua các biểu tượng thơ ......................................102
3.3.2. Triết luận về đời sống qua các phạm trù đối lập....................................107

TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 115
PHỤ LỤC ............................................................................................................... 123


DẪN LUẬN
1. Lý do chọn đề tài
Trên một đất nước thi ca như ở Việt Nam ta thì việc sáng tác thơ có thể ví
như một mạch nước ngầm không bao giờ cạn kiệt. Mạch ngầm đó chứa đựng
một lượng không nhỏ những khoáng chất giá trị làm nên sự giàu có của văn hóa
– văn học dân tộc. Một trong những khoáng chất quý báu của nền văn học Việt
Nam ta là lực lượng nữ thi sĩ.
Theo thời gian, những nữ thi sĩ đã khẳng định một vị trí nhất định trên thi
đàn dân tộc. Giở lại những trang viết của phụ nữ Việt Nam trong quá khứ, chúng
ta tự hào không chỉ có một Hồ Xuân Hương ngổn ngang bao nỗi dở dang, một bà
huyện Thanh Quan trang nghiêm, trăn trở trong nỗi u hoài thế sự mà còn tỏa
sáng những cái tên của giới nữ lưu những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
như: Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương, Tương Phố… Rồi đến phong trào Thơ
Mới thi đàn xuất hiện những Nguyễn Thị Kiêm, Anh Thơ, Thu Hồng, Vân Đài,
Ngân Giang, Hằng Phương, Mộng Tuyết… Trong kháng chiến và thời kì hòa
bình thơ nữ vẫn để lại những thi âm “dịu dàng mà sâu lắng lạ” của Xuân Quỳnh,
Lâm Thị Mỹ Dạ…
Cho đến hôm nay thơ nữ vẫn mang trong nó những vẻ đẹp rất riêng nhưng
rất hiển nhiên và cố hữu của văn chương. Và việc tìm hiểu về một nhà thơ nữ
cùng phong cách thơ của họ là việc làm hữu ích để kết luận thuyết phục sức sống
mạnh mẽ của thi ca Việt Nam nói chung và thơ nữ nói riêng.
Ý Nhi - một nhà thơ nữ khá nổi bật của thơ ca cuối giai đoạn chống Mỹ một gương mặt ấn tượng của thơ ca Việt Nam thời kì đổi mới. Vượt qua những
dòng thơ dễ dãi, “ngòn ngọt” của một thời, Ý Nhi tìm được một chất thơ mới lạ
với một bút pháp rất riêng. Với giải thưởng của Hội nhà văn năm 1986 cho tập
thơ Người đàn bàn ngồi đan thì Ý Nhi đã khẳng được độ chín của một tài thơ.
Người đàn bà ngồi đan trở thành “hiện tượng” của văn học một thời gian dài



sau đó vì rất nhiều vấn đề mang tính thơ ca đương đại được đặt ra và đòi hỏi tìm
hiểu. Cho đến nay nhà thơ đã có được một khối lượng sáng tác phong phú gồm
gần chục tập thơ. Ngoài ra còn có những tập sách chân dung, bút kí khá ấn
tượng. Tất cả làm nên vị trí văn học sử của nhà thơ Ý Nhi.
Cùng với sự thay đổi của đời sống, ta có thể thấy thơ Ý Nhi đã và đang
định hình một phong cách viết mới lạ buộc người đọc phải thay đổi chính mình,
trước hết là về cách đọc và cảm nhận thơ.
Ý Nhi và phong cách thơ Ý Nhi gây hứng thú cho nhiều bạn đọc yêu thơ
và các nhà nghiên cứu thơ. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ
những bài phê bình ngắn về một phương diện, hay những cảm nhận chung chung
về một tập thơ hoặc một bài thơ trên các trang báo và mạng xã hội chứ chưa
thành một hệ thống mang tính chất tổng hợp những vấn đề thi pháp hình thành
phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. Vì vậy việc thực hiện đề tài “Phong cách
nghệ thuật thơ Ý Nhi” là thử thách thú vị.
Tìm hiểu “Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi”, chúng tôi nhằm mục đích
tìm hiểu một cách đầy đủ và toàn diện sự đóng góp của Ý Nhi cho thơ ca và cố
gắng chỉ ra những thuộc tính riêng trong nội dung và nghệ thuật của nhà thơ,
nhằm khẳng định những phương diện cơ bản nhất trong phong cách sáng tác của
nhà thơ Ý Nhi.
2. Lịch sử vấn đề
Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này đã có trên dưới bốn mươi
bài viết về thơ Ý Nhi trên các báo và tạp chí đồng thời cũng đã có một luận văn
thạc sĩ nghiên cứu về quan niệm nghệ thuật của bà. Đó là những nghiên cứu có
giá trị của Mã Giang Lân, Chu Văn Sơn, Lưu Khánh Thơ, Trần Trung, Nguyễn
Hoàng Sơn, Hoàng Hưng, Nguyễn Thị Minh Thái, Ngô Thị Kim Cúc, Ngô Thị
Hoa… Nhìn chung các tác giả đều đánh giá cao thơ Ý Nhi, khẳng định giọng thơ
và vị trí thơ rất riêng của bà. Thơ của Ý Nhi có nét giản dị của cuộc sống đời
thường mà lại đậm chất suy nghĩ, chất trí tuệ. Để thấy rõ hơn quá trình phát triển



và đánh giá thơ Ý Nhi, ở phần này chúng tôi lược khảo vấn đề theo tiêu chí,
phạm vi nghiên cứu.
2.1. Những tuyển tập in thơ Ý Nhi
Theo quan điểm của chúng tôi, không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi và sáng
tác của một nhà thơ được chọn in trong các tuyển tập. Khi làm công tác tuyển
thơ, phần nào đó các nhà biên soạn đã có sự cân nhắc về vai trò và vị trí của một
nhà thơ, một tác phẩm thơ đối với đời sống văn học. Vì vậy sự chọn lọc đó, ở
một phương diện nhất định có thể được xem là một sự “định giá”. Và những bài
thơ của Ý Nhi được chọn in trong các tuyển tập thơ trong nước và thế giới phần
nào cho thấy sức hút mạnh mẽ và tính vấn đề trong thơ Ý Nhi. Có thể kể đến
những tuyển tập sau:
Cuốn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ XX (từ cuộc bình chọn do
Trung tâm Văn hóa Doanh Nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức
năm 2005) đã in tác phẩm Người đàn bà ngồi đan của Ý Nhi. Lời giới thiệu sau
đây của người soạn sách đã phần nào khái quát được đặt trưng phong cách thơ Ý
Nhi: “Sau một vài lần thử sức, Ý Nhi thờ ơ với thơ cho đến tận năm 1978, khi chị
lao động thật sự nghiêm túc để cho ra đời tập thơ Đến với dòng sông. Thơ của Ý
Nhi đầy nữ tính lại có chất trí tuệ, mang nỗi khắc khoải khôn nguôi của chị
trước những gì trông thấy và cảm nhận”.
Với 2 bài thơ Lời bài hát và Buổi sáng được (Nguyễn Đỗ?) tuyển in trong
tập Black dog, black night, Ý Nhi trở thành một trong số 15 nhà thơ Việt Nam
được vinh dự ghi tên mình vào tổng tập LitFinder (Người tìm ánh sáng).
Thơ Ý Nhi cũng có mặt trong cuốn Thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay của
NXB Phụ nữ phối hợp với NXB Feminist thuộc đại học thành phố New York
vừa ra mắt bạn đọc tại Mỹ.
Ngoài ra thơ Ý Nhi còn được chọn đăng trong các tập thơ dành riêng cho
nữ thi sĩ như: Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam, Các nhà thơ nữ Việt Nam – sáng



tác và phê bình, Thơ nữ Việt Nam, Tuyển chọn 1945 – 1995, Tinh hoa thơ
Việt (cuốn 2)…
2.2. Những bài bình luận, nhận định, đánh giá về các tập thơ của Ý Nhi
Sau khi tập thơ Người đàn bà ngồi đan ra đời và đoạt giải A của Hội nhà
văn Việt Nam năm 1985, thơ Ý Nhi trở thành tâm điểm của những người yêu
thơ, của các nhà phê bình, nghiên cứu… Thơ Ý Nhi thành công ở một chặng
đường mới mẻ, phù hợp với tâm thế của một đất nước vừa hùng dũng bước ra
khỏi chiến tranh vừa ngập ngừng trong cuộc sống hòa bình đầy bất trắc.
2.2.1. Về tập thơ Người đàn bà ngồi đan và bài thơ cùng tên
Ngay khi tập thơ ra đời, Mã Giang Lân viết bài Người đàn bà ngồi đan và
khẳng định hướng tìm tòi và phẩm chất thơ Ý Nhi là hướng vào nội tâm. Ông
cho rằng Ý Nhi có những mạnh bạo trong tư duy sáng tạo, câu thơ có độ khái
quát, độ sâu, bút pháp chính là hồi tưởng. Thơ Ý Nhi tuy không dễ cảm nhận
nhưng lại là một giọng thơ khiến người đọc yêu mến vì sự chân thành tột bậc.
Với Người đàn ngồi đan, Ý Nhi thật sự đã thể hiện một bản lĩnh nghệ thuật khá
cứng cỏi và sắc sảo.
Trong bài viết Trò chuyện về thơ với “Người đàn bà ngồi đan”, Nguyễn
Thị Minh Thái nhận định đây là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp thơ Ý Nhi; là tập
thơ đánh dấu một phong cách, giọng điệu thơ rất riêng của Ý Nhi. Từ đó, tác giả
khái quát thơ Ý Nhi là bút pháp của một con người bên ngoài thì lạnh lùng
nhưng trong lòng thì hôi hổi cảm xúc: “đằng sau cái vẻ ngoài gần như lạnh lùng
khép kín ấy, là trái tim ấm nóng, cái tình chín muộn của người đàn bà làm thơ”.
Nguyễn Hoàng Sơn trong Ý Nhi qua tuyển thơ phát hiện thơ Ý Nhi là
“một giọng thơ mới lạ, đương vào độ chín” ngay khi tập Người đàn bà ngồi đan
xuất hiện.
Ý Nhi có nhiều bài thơ gây ấn tượng với bạn đọc nhưng được biết đến
nhiều nhất có lẽ vẫn là bài Người đàn bà ngồi đan. Bài thơ được xem là một
trong số những bài thơ hay nhất của thế kỉ XX và nhận được khá nhiều ý kiến



bình luận, phân tích khác nhau trên các blog cá nhân và phương tiện thông tin.
Trong số đó, có thể kể đến sự chú ý của Nguyễn Hoàng Sơn về sự “ngắn gọn,
không vần, lập tứ rất vững” và biểu tượng đẹp, kiêu sa, bí ẩn của cuộc đời thông
qua hình tượng người đàn bà ngồi đan. Hay như Khánh Phương đã thấy được ý
nghĩa dự báo của bài thơ: “Ngoài ý nghĩa về sự nước đôi của sự sống, cái gì
cũng có thể vừa là nó vừa là điều ngược lại, bài thơ còn mang ý nghĩa dự báo”.
Hà Ánh Minh lại khai thác “cánh cửa nhiều chiều” của cuộc sống qua nghệ thuật
ẩn dụ và suy tưởng của nhà thơ. Từ đó thấy được ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và
quan niệm sáng tạo nghệ thuật của nữ thi nhân. Còn tác giả Trần Trung trong
một bài bình về tác phẩm cũng đã khẳng định vẻ đẹp giản dị về nội dung, hình
thức và sức gợi của bài thơ.
Tập thơ Người đàn bà ngồi đan và bài thơ cùng tên đã đánh dấu một mốc
quan trọng trong sự nghiệp thơ Ý Nhi. Từ sau khi tập thơ và bài thơ này ra đời
tên tuổi nhà thơ trở thành niềm tự hào của thế hệ các nhà thơ đương đại Việt
Nam. Cùng với tuổi đời và tuổi nghề, những tập thơ: Ngày thường, Mưa tuyết,
Gương mặt, Vườn đã khẳng định những đóng góp tích cực đáng quí của phong
cách thơ Ý Nhi trong nền thơ ca Việt Nam.
2.2.2. Về những tập thơ khác
Sau Người đàn bà ngồi đan, tập Ngày thường của Ý Nhi cũng nhận
được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Một số bình luận của Chu Văn Sơn
theo chúng tôi là rất xác đáng. Trong bài Sự giải tỏa bằng thơ Chu Văn Sơn cho
rằng tập Ngày thường “một lần nữa làm sáng danh cho định nghĩa “thơ trước hết
là sự giải tỏa của tâm trạng”. Ở đó Ý Nhi đang “gắng hình dung ra khuôn mặt
tinh thần” của những người mà bà yêu mến cả tài năng và phẩm hạnh. Theo ông,
những chân dung đó thực ra đều là những “bức tự họa” của chính cái Tôi tác giả.
Trong bài viết này Chu Văn Sơn nhận ra một cách sắc sảo một lối thơ khác của
Ý Nhi. Đó là việc nhà thơ “phổ cái Tôi của mình vào nhân vật, ngay cả những
nhân vật vốn có, những số phận xác định” bằng “kỹ thuật ký họa nhanh”, “chớp



lấy những khoảnh khắc xuất thần trong hình thể nhân vật”. Điều này giúp Ý Nhi
phác họa được tâm trạng nhân vật đồng thời bộc lộ được nỗi niềm của mình:
“dùng triết luận như hỏa lực mạnh đột phá vào tâm trạng rồi phổ vào đó nỗi
niềm của chính mình”. Khi tập Mưa tuyết và Gương mặt xuất bản, Chu Văn
Sơn lại có bài Đến với từng bông tuyết. Trong bài này, tác giả đã thấy được sự
nhất quán giữa thơ và đời của Ý Nhi. Từ hình tượng “những bông tuyết nhẹ
nhàng, tinh trong, buốt giá”, tác giả đã nghĩ đến “sự trầm tĩnh và chất thơ của sự
trầm tĩnh” trong con người Ý Nhi. Khi so sánh hai tập thơ, Chu Văn Sơn cũng đã
chỉ ra đặc trưng riêng của từng tập, giúp người đọc thấy được sự khổ công, tận
tụy của người làm nghệ thuật. Ông cho rằng: “Mưa tuyết nghiêng về Thiên tính
phụ nữ, Gương mặt lại nghiêng về Thiên tính nghệ sĩ, nhưng tựu trung đều là
chuyện chân ngã”.
Tập thơ Vườn của Ý Nhi cũng nhận được sự quan tâm của bạn đọc qua
các bài viết như: Nỗi khắc khoải từ miền kí ức của Lưu Khánh Thơ, Thơ tình
của một đời người của Thúy Nga…Mỗi tác giả đều có những phát hiện rất riêng
trên các bình diện khác nhau của tập thơ. Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh
thơ thì nhận ra nhiều khoảnh khắc tâm trạng, loại tâm trạng được dồn nén bởi
suy tư và cảm xúc của nhà thơ trong một khuôn khổ “luôn bị phá vỡ”, một “ngôn
ngữ thơ văn xuôi chắt lọc, giàu suy tưởng và hết sức kiệm lời” và nhịp điệu là
“nhịp điệu của tâm trạng”. Còn tác giả Thúy Nga thì phát hiện sự đan xen giữa
tình yêu và nỗi buồn trong tập thơ, một “tình yêu lại đậm đặc, đậm đặc hơn
nhiều tập thơ của những ngày trẻ hơn” và “nỗi buồn không đau đớn vật vã,
không gọi tên được, nhưng cứ âm ỉ trong lòng, cứ trong ngần như những giọt
nước mắt lặng lẽ”.
2.3. Những nhận định, phân tích, đánh giá chung về thơ Ý Nhi
Trong bài viết Thơ Ý Nhi, nhà thơ Hoàng Hưng đã khẳng định bút pháp
thơ Ý Nhi là bút pháp “trữ tình gián cách” và cảm xúc thơ Ý Nhi là “cảm xúc
được kiềm nén hoặc để nguội”. Lời nhận định này được Ý Nhi rất tâm đắc vì nó



đúng với tâm hồn và quan niệm về thơ của bà. Ngoài ra Hoàng Hưng còn nhắc
đến thể thơ “không vần, lắm lúc văn xuôi một cách triệt để”. Cũng như các nhà
nghiên cứu khác, ông cũng thấy được tính nghịch lí hai mặt trong thơ Ý Nhi và
cho rằng: “đây là lối thơ hiếm thấy trong đời sống thơ ca quen thuộc lâu nay ở
Việt Nam”.
Trong bài Ý Nhi – một nghiệp thơ không bao giờ hết dây dưa, Khánh
Phương chủ ý nêu lên phạm vi phản ánh trong thơ Ý Nhi. Thơ Ý Nhi phản ánh
cuộc sống trên phạm vi rộng với rất nhiều cảnh vật và con người, nhưng ở đó Ý
Nhi thường “soi mình vào nhiều kiểu người khác nhau trong xã hội để phần nào
vẽ nên chân dung của bản thân”. Và cuối cùng Khánh Phương đã rút ra một nét
cá biệt trong thơ Ý Nhi, đó là: “nhà thơ luôn mong muốn là người khám phá sắc
sảo đối với tất cả các góc cạnh cuộc sống”.
Tác giả Hà Ánh Minh cũng là người có sự quan tâm khá sâu sắc đối với
thơ Ý Nhi. Trong bài Mạch đập thơ Ý Nhi – dòng ưu tư chảy xiết, Hà Ánh
Minh đã rất tinh tế khi phát hiện và phân tích tính cảm xúc và trí tuệ trong thơ Ý
Nhi. Với một lối thơ “không thể ngâm, chỉ có thể đọc, không thể trở thành lời
của bài hát” nhưng “sức trào dâng vẫn dào dạt” đã khẳng định một nét phong
cách rất riêng của thơ Ý Nhi. Trong một bài viết khác, bài Lửa từ trái tim trần
run rẩy, Hà Ánh Minh lại thấy được sức ảnh hưởng của tinh thần nghệ sĩ đã
bùng lên ngọn lửa yêu thơ trong lòng người đọc: “Một giọng thơ buồn nhưng
không lụy, một trái tim trần run rẩy trước nỗi đau và hạnh phúc nhưng đầy kiêu
hãnh về phẩm giá con người, những bài thơ không dễ trình bày trước đám đông
nhưng sẽ để lại nỗi nhớ sâu đậm trong lòng người đọc...”
Trong bài Thơ tình Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Minh Thái
viết: “Ý Nhi có một lối thơ tình kín đáo, dịu dàng và đắm đuối như hoa quỳnh
hiếm hoi, nở muộn, chỉ nở một lần, thơm một lần và dâng hiến một lần vào thời
khắc ngắn ngủi vào giữa đêm”. Cách cảm nhận này giàu thi cảm và sức gợi,
dường như đã “điểm” trúng một huyệt đạo thơ quan trọng của Ý Nhi. Đó là một



hồn thơ của đêm, trong đêm và tạo ra những đắm đuối, yên lặng của đêm. Một
đề xuất rất có giá trị.
Ở mảng này một lần nữa phải nhắc đến Chu Văn Sơn. Những nhận định,
bình giải về thơ Ý Nhi luôn được ông nghiên cứu sâu và đầy đủ. Lời nguyện cho
nỗi yên hàn là một bài viết rất tinh tế và sâu sắc về thơ Ý Nhi cả về nội dung lẫn
nghệ thuật.
Cũng cần phải kể đến bài viết khá xuất sắc về thơ Ý Nhi của một tác giả
nữ đầy cá tính – Lê Hồ Quang - bài Thơ Ý Nhi hành trình trong lặng lẽ. Bài
viết đã đánh giá rất đúng mực những nét đẹp tâm hồn cũng như yếu tố trí tuệ
thông qua những triết luận về cuộc sống và con người rất riêng của Ý Nhi.
Những bài viết trên là nguồn tư liệu phong phú giúp khơi mở những luận
điểm cho đề tài Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng chính của luận văn là đặc điểm phong cách thơ Ý Nhi thông
qua những biểu hiện mang tính hình thức như ngôn ngữ, thể loại, kết cấu; đồng
thời cũng cố gắng tìm hiểu những nét triết luận đặc trưng của Ý Nhi như là một
điểm nhấn của phong cách về mặt nội dung.
Về phạm vi khảo sát, luận văn nghiên cứu thơ Ý Nhi qua các tập thơ đã
được xuất bản:
- Trái tim nỗi nhớ (1974)
- Đến với dòng sông (1978)
- Cây trong phố - chờ trăng (1981)
- Người đàn bà ngồi đan (1985)
- Ngày thường (1987)
- Mưa tuyết (1991)
- Gương mặt (1991)
- Vườn (1999)
- Thơ Ý Nhi (2000)



- Thơ với tuổi thơ (2002)
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích, hệ thống
Qua việc phân tích tác phẩm thơ cụ thể, phân tích những biểu hiện nghệ
thuật cụ thể chúng tôi tìm ra những nét đẹp đặc biệt, thường xuyên xuất hiện, có
tính tương đối bền vững của thơ Ý Nhi. Từ đó, chúng tôi cố gắng gọi tên những
nét riêng đó và đưa chúng vào một chỉnh thể có thứ tự, lớp lang.
- Phương pháp so sánh
Việc so sánh thơ Ý Nhi và các nhà thơ khác chắc chắn sẽ cho chúng ta cái
nhìn khách quan về tính độc đáo, riêng biệt của thơ bà.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Đặt thơ ý Nhi trên nhiều bình diện khác nhau để nghiên cứu, chúng tôi
mong nhìn thấy vẻ đẹp trọn vẹn của phong cách thơ Ý Nhi. Cụ thể, ở luận văn
này chúng tôi đặt thơ Ý Nhi trong cái nhìn mang tính mỹ học (chủ yếu ở quan
niệm về cái đẹp), và cái nhìn của văn hóa học (chủ yếu ở phương diện đời sống
xã hội) để làm nổi bật tính triết lý trong thơ Ý Nhi.
Ngoài ba phương pháp chính trên, chúng tôi còn sử dụng bổ sung thêm
thao tác thống kê, phân loại và áp dụng cách phân tích thi pháp học.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo, luận văn được phân
thành ba chương, triển khai các luận điểm như sau:
Chương 1: Những vấn đề chung
Chương này khái lược những vấn đề cơ bản về nghiên cứu phong cách nghệ
thuật, giới thiệu cuộc đời sự nghiệp thơ Ý Nhi và lý giải sự hình thành phong
cách thơ Ý Nhi, bao gồm các tiểu mục như sau:
1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật
1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi
1.3. Khái lược về các chặng đường sáng tác thơ Ý Nhi



Chương 2: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ ngôn ngữ,
thể loại, kết cấu
Chương 2 cụ thể hóa những vấn đề đặt ra từ chương 1, phân tích, đánh giá
những đặc điểm nổi bật của thơ Ý Nhi trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại,
kết cấu, gồm các tiểu mục:
2.1. Phong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật
2.2. Phong cách nghệ thuật
2.3. Phong cách kết cấu
Chương 3: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về
cái đẹp và đời sống
Chương 3 khai thác chất triết luận trong thơ Ý Nhi qua cách nhìn về cái đẹp
và đời sống, gồm các tiểu mục:
3.1. Cơ sở nghiên cứu
3.2. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về cái đẹp
3.3. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triêt luận về đời sống


Chương 1
CƠ SỞ NGHIÊN CỨU PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ CÁC
YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI
1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật
Do tiếp cận đề tài trên bình diện phong cách của một tác giả chứ không
phải phong cách nghệ thuật nói chung hay phong cách của các trào lưu, phong
cách dân tộc, phong cách thời đại nên luận văn không đi sâu trình bày lịch sử
những vấn đề lý luận về phong cách học và những mối quan hệ đa dạng, phức
tạp của nó với các phạm trù khác của lý luận văn học. Ở phần này, chúng tôi chỉ
dừng lại ở việc lược thuật những quan niệm về phong cách. Trên cơ sở đó chúng
tôi tiến hành khảo sát, đối chiếu cụ thể vào văn bản nghệ thuật của Ý Nhi nhằm
hệ thống hóa những nét độc đáo, tiêu biểu, nhất quán, có ý nghĩa thẩm mỹ cao

trong sáng tác thơ ca của bà.
Trên thế giới quan niệm về phong cách lâu nay vẫn tồn tại dưới rất nhiều
định nghĩa khác nhau. Theo Khrapchencô trong Cá tính sáng tạo của nhà văn
và sự phát triển của văn học, có thể có trên dưới mười quan niệm khác nhau về
phong cách. Tác giả đưa ra các quan niệm tiêu biểu của D.Likhachev,
A.Grogorian, V.Turbin, V.Jirrmunxki, V.Kôvalép, L.Nôvichencô, V.Đnéprov,
R.Yakobxưn…Về cơ bản, chúng ta có thể hiểu: phong cách chủ yếu và trước hết
biểu hiện qua ý thức nghệ thuật, qua cách nhìn, qua cách cảm nhận thế giới độc
đáo của nhà văn…Với cách quan niệm này, ta thấy theo Khrapchencô phong
cách nghệ thuật liên quan rất sâu đậm với nội dung tư tưởng tác phẩm.
Ở Việt Nam, khái niệm phong cách được đề cập qua các tài liệu lý luận
thường dùng trong nhà trường như: Nhà văn – Tư tưởng – Phong cách của
Nguyễn Đăng Mạnh, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của
Phan Ngọc, Một số vấn đề thi pháp học của Trần Đình Sử, Con mắt thơ của Đỗ
Lai Thúy, Từ ký hiệu học đến ngôn ngữ học của Hoàng Trinh, Phong cách học


tiếng Việt của Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa, Văn học và học văn của
Hoàng Ngọc Hiến… Tất nhiên khi đề cập tới khái niệm này các tác giả thể hiện
những cách hiểu khác nhau về phong cách nghệ thuật. Chẳng hạn Lê Bá Hán,
Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi quan niệm phong cách chỉ thuần túy được biểu
hiện ở hình thức, qua hình thức tác phẩm [35]; hay Phan Ngọc thì cho rằng
phong cách được biểu hiện cả ở nội dung lẫn hình thức: phong cách là một chỉnh
thể nghệ thuật thống nhất các yếu tố nội dung và hình thức [73]; hay Từ điển
văn học tập 2 thì cho rằng phong cách biểu hiện thành những đặc điểm hình thức
nhưng những đặc điểm này có nguồn gốc từ trong ý thức nghệ thuật của nhà văn
nghĩa là hình thức phải mang tính nội dung [81]. Tuy mỗi người có các cách
quan niệm khác nhau về phong cách nhưng nhìn chung đều thống nhất ở một
điểm: Phong cách là thước đo tài năng và bản lĩnh của nhà văn trong sáng tạo
nghệ thuật [109].

Từ việc tìm hiểu các công trình nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của
một tác giả, chúng tôi thấy: các nhà nghiên cứu dựa trên cơ sở các định nghĩa đã
có để từ đó thể hiện quan niệm về phong cách của mình tùy thuộc vào đặc trưng
riêng của nhà văn, nhà thơ mà mình nghiên cứu. Bằng cách này, chúng tôi đã
tổng hợp thành hệ thống những hiểu biết của mình về phong cách nhằm dùng nó
để tiếp cận các tác phẩm thơ Ý Nhi với tư cách là một chỉnh thể toàn vẹn làm nổi
bật phong cách nghệ thuật của bà.
Một số quan điểm nghiên cứu chúng tôi nhấn mạnh như cơ sở của đề tài,
bao gồm:
a) Khái niệm phong cách hay phong cách văn học, phong cách nghệ thuật
đã xuất hiện từ lâu trong sáng tác cũng như nghiên cứu khoa học ngữ văn. Phong
cách được viết theo tiếng Pháp là “Style”, tiếng Hy Lạp cổ đại là “Stylos”, tiếng
La Tinh là “Stylus”. Ban đầu phong cách dùng để chỉ dụng cụ để viết, về sau
dùng để chỉ “nét bút” rồi sau cùng mang nghĩa là “cách viết”.


b) Ngày nay phong cách không chỉ được dùng trong lĩnh vực văn học
nghệ thuật mà còn được dùng phổ biến trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời
sống xã hội. Nhưng dù ở lĩnh vực nào, phong cách bao giờ cũng là hệ thống
những đặc điểm tạo nên tính độc đáo của một hiện tượng, khu biệt hiện tượng
này với hiện tượng khác.[40]. Chính vì vậy chúng ta dễ dàng nhận thấy không
phải ai cũng có phong cách, không phải nhà thơ nào cũng tạo dựng được một
phong cách, một “khuôn mặt tinh thần” của riêng mình. Chỉ những nhà văn, nhà
thơ có tài năng, có bản lĩnh nghệ thuật, biết sử dụng các phương tiện hình thức
theo một cách nào đó rất riêng mà vẫn tạo được thể thống nhất mang sức hấp
dẫn, khơi gợi mỹ cảm nơi người khác mới được xem là có phong cách.
c) Tuy phong cách có thể được xét ở nhiều cấp độ, trên nhiều bình diện,
nhưng trong nghiên cứu văn học, nghiên cứu về phong cách của một nhà văn,
một tác giả là quan trọng nhất. Bởi vì suy cho cùng, phong cách của nhà văn góp
phần làm nên đặc điểm phong cách của thời đại và phong cách của nhà văn luôn

luôn được thể hiện thông qua tác phẩm, làm nên phong cách của tác phẩm…
Chúng tôi xem phong cách của nhà văn chính là phẩm chất sáng tạo cao nhất
trong quá trình hiện thực hóa đời sống bằng phương tiện ngôn từ nghệ thuật. Nói
như M. Gorki rằng: người nghệ sĩ cần lấy cái gì là của riêng mình …(bởi vì) một
người không có cái gì của riêng mình thì người đó chẳng có cái gì hết. Người
nghiên cứu phải đặc biệt chú ý những yếu tố được lặp đi lặp lại, những yếu tố nổi
trội, những điểm-nhấn-sáng thường xuyên xuất hiện trong hệ thống tác phẩm với
sự bền vững, nhất quán ở tất cả các yếu tố cấu thành nên nó khiến cho những
sáng tác của nhà văn đó có diện mạo, cốt cách riêng biệt, độc đáo không thể trộn
lẫn với bất kì ai khác.
d) Luận văn quan niệm phong cách nghệ thuật là một chỉnh thể không tách
rời giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa hình thức và nội dung. Phong cách có vẻ
được nhìn thấy rõ hơn trên phương diện hình thức nhưng cái nền tảng triết học
của hình thức ấy vẫn là một nội dung rộng rãi, sâu xa. Vì vậy, cái cuối cùng của


phong cách vẫn là cái đẹp được thể hiện một cách độc đáo, làm nên “cốt cách”,
“khí chất”, “phong vị” của tác phẩm.
Nghiên cứu các lý thuyết về phong cách và soi chiếu vào các văn bản nghệ
thuật cụ thể, chúng tôi hiểu rằng phong cách được thể hiện trong suốt quá trình
hoạt động sáng tạo của nhà văn. Phong cách có thể được hình thành ngay từ lúc
nhà văn mới cầm bút và từ đây bắt đầu vận động, phát triển và chịu ảnh hưởng
của thế giới quan, của môi trường sống, của bối cảnh thời đại, của các nhà văn
mà họ yêu thích. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ khi bắt đầu cầm bút
mới là lúc họ may mò, lựa chọn và dần định hình phong cách. Phong cách từ thế
tiềm năng được khơi dậy mạnh mẽ và phát tiết thành tài năng. Vì thế nên có rất
nhiều ý kiến thống nhất rằng: phong cách một mặt do tài năng bẩm sinh của
người nghệ sĩ, nhưng mặt khác quan trọng hơn là kết quả của quá trình đào luyện
lâu dài, quá trình lăn lộn trải nghiệm đời sống, quá trình tổng hợp và phát triển
không ngừng nghỉ của tâm hồn, trí tuệ, công học hỏi và rèn luyện của nhà văn.

Phong cách được hình thành trên cơ sở tài năng nhưng nếu nhà văn không khổ
công lao động nghệ thuật thì tài năng ấy cũng dừng lại ở dạng tiềm năng và đôi
khi không được nhận ra hoặc đôi khi nhận ra nhưng lại không tránh khỏi sự mai
một. Để khẳng định được phong cách đòi hỏi nhà văn phải lao động nghệ thuật
một cách nghiêm túc, bền bỉ và say mê.
Trên cơ sở nhận thức về phong cách như vậy, cùng với sự trợ giúp của các
phương pháp nghiên cứu, chúng tôi cố gắng vận dụng để tìm hiểu phong cách
nghệ thuật thơ Ý Nhi.
1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi
1.2.1. Hoàn cảnh xã hội – thời đại
Mối quan hệ giữa nhà văn và thời đại là mối quan hệ khăng khít, khó tách
rời. Điều này cũng giống như con người sống và hít thở bầu không khí ở miền
đất nào, ăn hạt gạo, uống ngụm nước của vùng quê nào thì nói được cái giọng
của vùng quê ấy mà thôi. Đối với Ý Nhi thì sự ảnh hưởng của thời đại đến sự


hình thành và phát triển phong cách nghệ thuật của bà là vô cùng lớn lao. Có lần
tôi đã được nghe nhà thơ nói về sự may mắn của mình khi cảm hứng sáng tạo
của người nghệ sĩ đồng điệu với những vận động, đổi thay của thời đại. Theo Ý
Nhi, nhờ sự đồng điệu đó mà thơ bà được chú ý.
Quả vậy, Ý Nhi trưởng thành và bắt đầu sự nghiệp thơ trong giai đoạn
kháng chiến chống Mỹ - khi cả dân tộc cùng dốc lòng thực hiện nhiệm vụ cứu
nước vẻ vang của lịch sử. Thời đại ấy là cơ sở để hình thành một chặng đường
mới của văn học dân tộc mà chủ nghĩa anh hùng cách mạng là xu thế chủ đạo.
Cũng từ cuộc sống hào hùng ấy đã tạo dựng một lớp người có tư tưởng và hành
động lớn, xứng tầm dân tộc. Họ bước vào cuộc chiến một cách tình nguyện, đầy
trách nhiệm và tràn say mê. Không khí xã hội khi ấy đã là điểm tựa cho cô gái
trẻ Ý Nhi tin tưởng một cách mãnh liệt và tôn trọng tuyệt đối những giá trị lớn
lao về cái gọi là tâm hồn dân tộc mà chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở Việt Nam
đem lại.

Năm 1964, giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Trường Đại học Tổng hợp đã sơ
tán về Đại Từ, Thái Nguyên. Năm đó Ý Nhi vừa học hết học kì I năm thứ nhất
khoa Ngữ văn của trường cũng cùng bao bạn bè tham gia khám phá những tháng
ngày cực khổ nhưng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của đời mình ở vùng sơ tán. Nhà
thơ kể rằng: “những người thầy của chúng tôi, giáo sư Hoàng Xuân Nhị, giáo sư
Hoàng Như Mai, giáo sư Lê Đình Kỵ, giáo sư Kim Đính… đứng giữa lớp học
bằng tre nứa, say sưa nói về V.Hugô, Banzac, Molie, Gôgôn, Lỗ Tấn, Quách
Mạc Nhược, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Huy Cận, Nguyễn Bính, Quang
Dũng…” [43]. Quả thật đây là những năm tháng người sinh viên học trong say
mê vì cả thầy và trò được dẫn dắt bởi lí tưởng thay đổi vận mệnh dân tộc. Đồng
thời họ cũng khao khát tham gia vào đời sống văn học, chính trị của một thế giới
mới đang có những vận động lớn lao và sâu sắc.
Thời nào cũng vậy, giới trẻ luôn có những đam mê cuồng nhiệt. Ngày nay
người trẻ nói chung và sinh viên nói riêng phần nhiều yêu thích âm nhạc, điện


ảnh và thần tượng những người làm nên nó. Có lẽ vì tính phổ quát và sức hút
phù phiếm của nó khiến họ tìm thấy niềm vui. Cùng tính chất tâm lý nhưng khác
hoàn cảnh xã hội, thanh niên ngày ấy lại đam mê vô cùng thơ và những người
làm nên thơ. Lý giải điều này không khó. Một mặt thơ ca đã là sản phẩm tinh
thần phát nguyên từ cội nguồn dân tộc với ca dao, dân ca dễ thuộc, dễ nhớ. Mặt
khác thơ đã có sẵn trong trái tim đang cuộn trào xúc cảm thời đại, chỉ cần “xuất
khẩu” là “thành thơ”; đã vậy không cần dụng công mà thơ đã có sẵn nơi đầu lưỡi
vì tâm hồn họ tràn trề thơ mà cả một lớp người, thậm chí toàn dân tộc khi ấy
đang có chung một hồn thơ. Thành ra họ mê mẩn, thần tượng Xuân Quỳnh, Bằng
Việt, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Đỗ Chu… Họ thuộc Về Nghệ An
thăm con, Trở lại trái tim mình của Bằng Việt; Vườn trong phố, Thôn Chu
Hưng của Lưu Quang Vũ; Tiếng gà trưa, Hoa dọc chiến hào của Xuân
Quỳnh…Ý Nhi từng công nhận ngày ấy “quả là thời của thơ” mà! Đây chính là
không gian văn hóa giúp hình thành cảm thức sáng tạo thi ca ở Ý Nhi, nhất là

những sáng tác trước ngày giải phóng như Trái tim nỗi nhớ (in năm 1974 cùng
với thơ Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó là những trang thơ giàu cảm xúc, ghi hình tư thế
xung trận của tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ. Đó còn là tinh thần của dân tộc
mà những cô thanh niên như Ý Nhi vô cùng ngưỡng mộ và theo đuổi. Những
người bạn – đồng chí Ý Nhi từng gặp hoặc nghe kể, những vùng đất thời chiến Ý
Nhi đã từng sống, chiến đấu, lao động và học tập là những kí ức tuổi trẻ đã trở đi
trở lại trong hành trình sáng tạo của thơ Ý Nhi làm nên những hình tượng thơ vô
cùng độc đáo.
Kể từ chiến thắng mùa xuân năm 1975, lịch sử dân tộc đã mở sang một
trang mới, đồng thời nền văn học nước nhà cũng bước vào một chặng đường
mới. Ngay sau niềm vui chiến thắng đất nước ta rơi vào khó khăn và khủng
hoảng kinh tế trầm trọng. Nền văn học như dòng nước đang cuộn chảy bỗng bị
ngăn đập nên chững lại và dồn đẩy phần lớn văn nghệ sĩ vào tình cảnh bối rối,
mất phương hướng sáng tác. Nhưng càng bị dồn đẩy dòng nước càng nhanh tự


tìm hoặc tự tạo lối thoát. Đó là quy luật tự nhiên. Và quy luật ấy cũng ứng với
đời sống văn học giai đoạn sau chiến tranh. Ngay khi ấy xuất hiện một đội ngũ
văn nghệ sĩ đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Vì vậy ta dễ dàng
nhận thấy, mặc dù vẫn tiếp nối nền văn học Cách mạng trước đó với khuynh
hướng sử thi và cảm hứng ngợi ca, văn học thời này cũng đã có những bước
chuyển mình đáng khích lệ với “người mở đường tinh anh và tài năng” Nguyễn
Minh Châu. Kể từ sự mở đường này, người làm văn nghệ đã bắt đầu tiếp cận
“hiện thực” với một cự li rất gần khi hướng sự quan tâm của mình vào các vấn
đề thế sự và đời tư. Bức tranh đời sống lúc này không chỉ đơn điệu một màu
hồng của sự ngợi ca, con người cũng không phải là “cây đàn độc điệu” thuần
nhất một âm vực cao hay thấp, sáng hay tối, trong hay đục, mà hiện thực được
nhìn ở nhiều mặt, nhiều chiều.
Cần phải nhắc đến những sự kiện tác động lớn lao đến đời sống văn học.
Trước hết đó là năm 1986, cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn đổi mới toàn

diện trên đất nước Việt Nam ta với Đại hội Đảng lần thứ VI do Bí thư Nguyễn
Văn Linh khởi xướng. Từ đây, đất nước dần vượt qua thời kì khủng hoảng để
bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và ngày càng vững chắc. Kế tiếp phải
nhắc đến một sự kiện tác động trực tiếp đến đời sống văn học. Đó là cuộc gặp
của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ sĩ vào cuối năm
1987 để triển khai nghị quyết 05 của Bộ chính trị. Tất cả cho ta thấy một cuộc lột
xác lớn lao trong đời sống dân tộc ta. Mọi phương diện xã hội từ chính trị, kinh
tế, văn hóa… đều phải tuân theo nhịp vận động mới của thời cuộc. Người nghệ
sĩ vì vậy cũng cần thay đổi cách thức sáng tạo cũng như mở rộng biên độ tư duy
nghệ thuật nhằm chuyển tải thành công những biến chuyển mới mẻ của đời sống
xã hội.
Trong hoàn cảnh đó có thể thấy Ý Nhi là một trong số rất ít nữ thi sĩ bước
được cả hai chân qua bên kia miệng vực để nhanh chóng thoát khỏi“khoảng
chân không trong văn học” (Nguyên Ngọc), nắm bắt được những vận động còn


rất nhỏ nhẽ mà tinh vi của đời sống văn học, hòa mình vào dòng chảy sôi nổi, táo
bạo, lạ lùng của một thời thơ mới. Đặc biệt với tập thơ Người đàn bà ngồi đan,
Ý Nhi đã khẳng định được phong cách, giọng thơ riêng của mình, góp phần cùng
những nhà thơ khác tạo nên một diện mạo mới cho thơ ca Việt Nam giai đoạn
sau 1975.
1.1.2. Nền tảng quê hương, gia đình và đặc điểm con người nhà thơ
Nền tảng quê hương, gia đình là cội nguồn hình thành cá tính và là mầm
mống của sự phát triển tài năng. Đó là lớp văn hóa nền xác lập nơi nhà văn
những cảm thức đầu tiên và lâu bền về thế giới nghệ thuật, góp phần khơi dậy
thiên hướng nghệ thuật cho nhà văn đồng thời cũng giúp nhà văn rèn giũa, tôi
luyện, bổ sung xúc cảm và trí tuệ. Nhờ vậy phong cách nghệ thuật của họ được
định hình và phát triển.
Từ Hội An ra Hà Nội, qua Hải Phòng là quãng đời lưu dấu nhiều kỉ niệm
tuổi thơ của Ý Nhi. Vùng đất Hội An ban cho bà vẻ đẹp của sự thâm trầm, huyền

bí trong nét văn hóa Chămpa. Cả thời học sinh trải dài trên những con đường đi
về phía biển ở vùng đất Hải Phòng làm nên một Ý Nhi cởi mở và tràn trề sức
sống. Gần ba mươi năm sống trên đất thủ đô ngàn năm văn hiến làm nên nét
quyến rũ, kiêu kì, lịch thiệp nơi con người bà. Tổng hòa tất cả là một Ý Nhi đời
và thơ rất riêng. Trong thơ Ý Nhi ta thường bắt gặp những cảnh vật, con người,
sự việc diễn ra ở những vùng đất thân quen đó. Nó vừa là kí ức, vừa là tiềm thức
làm nên những hình tượng nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà thơ.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, Ý Nhi hiển nhiên hoặc may mắn
mang trong mình tâm hồn của một nghệ sĩ. Dù chưa phát tiết nhưng vẫn có
phong vị của kẻ lãng du. Ông nội nhà thơ là một nhà Nho hay chữ vừa làm thơ
vừa bốc thuốc cứu người. Cha là nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian tài năng –
Nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký. Được biết ông là người học chữ Nho,
đọc nhiều thơ chữ Hán và làm thơ từ rất sớm. Những câu thơ của ông được Ý
Nhi đánh giá là “tinh tế và trau chuốt”. Về sau ông đọc nhiều thơ hiện đại bằng


tiếng Pháp và cũng thay đổi cách viết văn, viết nghiên cứu, phê bình và cả làm
thơ. Ý Nhi may mắn thừa hưởng từ cha và ông lối tư duy khúc chiết, mạch lạc.
Phải chăng điều này làm nên tính triết luận trong tư duy thơ của bà. Mẹ là người
yêu thơ Mới (thơ 30-45), bà thuộc nhiều bài thơ của các nhà thơ Mới tên tuổi
như Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh… Nền tảng xuất thân như thế khiến Ý Nhi
tự nhận thấy mình yêu thơ và thích làm thơ cũng là lẽ tự nhiên, dễ hiểu. Thêm
một lần nữa, hoặc hiển nhiên hoặc may mắn nữa, khi đến tuổi “theo chồng” Ý
Nhi được yêu và sống cùng người chồng là một nhà nghiên cứu và giảng dạy văn
học đáng kính - giáo sư Nguyễn Lộc. Tất cả tạo cho Ý Nhi những điều kiện
thuận lợi để đến với thơ, suy nghĩ về thơ và tạo dựng phong cách thơ cho riêng
mình.
Điểm lại bước đường làm thơ của Ý Nhi, ta thấy được con-người-thơ của
bà. Từ rất nhỏ Ý Nhi đã làm thơ nhưng chỉ là những câu thơ “non” của tuổi học
trò. Phải đến khi đạt giải khuyến khích trong một cuộc thi thơ ở trại viết dành

cho các nhà văn trẻ vào năm 1969, Ý Nhi mới ý thức được khả năng thơ ca của
mình. Có niềm tin, bà mạnh dạn tuyển chọn, tập hợp những bài thơ lẻ để in
chung với nhà thơ đã có tên tuổi lúc bấy giờ - Lâm Thị Mỹ Dạ trong tập Trái tim
– Nỗi nhớ. Tiếp cận được với công chúng, thơ Ý Nhi nhận được phản hồi và nhà
thơ nhanh chóng thấy được “nghề thơ còn lắm gian nan” khi ngòi bút của mình
còn thiếu thiếu một cái gì vô cùng quan trọng. Bà hiểu rằng, thơ không phải là
sản phẩm của sự hời hợt, làm thơ là một nghề đỏi hỏi sự suy tư nghiêm túc, thơ
là tấm gương phản chiếu trí tuệ và tâm hồn … Và đừng đùa giỡn với thơ.
Từ đây bà suy nghĩ thật sự nghiêm túc về thơ và dần lựa chọn cho mình
một lối đi. Con đường thơ bắt đầu in dấu những bước chân còn nhiều lúng túng
của kẻ dò đường. Đi sao cho thỏa đam mê, đi sao để đam mê đến được cái nơi
mà nó ngự trị, đi sao để đam mê đến được vinh quang. Sự trăn trở này bộc lộ khá
rõ trong tập Đến với dòng sông (1978).


×