Tải bản đầy đủ (.pdf) (129 trang)

tinh thần nhân văn trong thơ thiền tuệ trung

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (655.77 KB, 129 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Đỗ Thị Vân Oanh

TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG
THƠ THIỀN TUỆ TRUNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Đỗ Thị Vân Oanh

TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG
THƠ THIỀN TUỆ TRUNG
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS ĐOÀN THỊ THU VÂN

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013


LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân, chưa từng được công bố từ
trước đến nay. Tất cả số liệu sử dụng đều do người viết tự thông kê, tổng hợp, không sao
chép lại từ thành quả của người đi trước.

Người viết luận văn

Đỗ Thị Vân Oanh

1


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 1
MỤC LỤC .................................................................................................................... 2
MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 4
1. Lí do chọn đề tài..............................................................................................................4
2. Lịch sử vấn đề .................................................................................................................5
3. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................13
4. Đối tượng, mục đích nghiên cứu .................................................................................13
5. Đóng góp của đề tài ......................................................................................................13
6. Kết cấu đề tài .................................................................................................................14

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG .............................................................. 15
1.1. Khái niệm nhân văn và những biểu hiện của tinh thần nhân văn trong văn học
............................................................................................................................................15
1.1.1. Khái niệm nhân văn ..............................................................................................15
1.1.2. Những biểu hiện của tinh thần nhân văn trong văn học .......................................19
1.2. Thời đại Lý – Trần và thơ Thiền Tuệ Trung ..........................................................25
1.2.1. Thời đại Lý – Trần và Phật giáo Thiền tông thời Lý Trần ...................................25
1.2.2. Tuệ Trung và thơ Thiền Tuệ Trung trong văn học Lý – Trần ..............................30


CHƯƠNG 2: NỘI DUNG TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN
TUỆ TRUNG ............................................................................................................. 35
2.1. Nhân văn trong quan niệm về cuộc đời và con người ............................................35
2.1.1. Thấu suốt lẽ “vô thường” ......................................................................................35
2.1.2. Thấu thị tinh thần “vong nhị kiến” .......................................................................40
2.1.3. Tự tin, tự lực để “kiến tánh thành Phật” ...............................................................44
2.2. Nhân văn trong cách ứng xử và hành động ............................................................49
2.2.1. Phá chấp để đạt đến tự do, an lạc cho tâm hồn .....................................................49
2.2.2. Hòa quang đồng trần để đem đạo đến cho đời .....................................................56
2.2.3. Tùy duyên, linh hoạt để sống hợp lẽ và hành động có ích, có hiệu quả ...............62
2.2.4. Tận tâm trong sự dẫn dắt, khai ngộ cho mọi người ..............................................67

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG
THƠ THIỀN TUỆ TRUNG...................................................................................... 75
3.1. Ngôn ngữ.....................................................................................................................75
3.1.1. Ngôn ngữ có sức biểu cảm mạnh:.........................................................................75
3.1.2. Ngôn ngữ tượng trưng, ẩn dụ................................................................................79
2


3.1.3. Ngôn ngữ phi logic : .............................................................................................84
3.2. Thể thơ ........................................................................................................................88
3.2.1. Thể Đường luật .....................................................................................................88
3.2.2. Thể cổ phong ........................................................................................................93
3.3. Giọng điệu...................................................................................................................98
3.3.1. Giọng thuyết giảng hùng biện, sắc sảo .................................................................98
3.3.2. Giọng tự tình tự do, phóng khoáng .....................................................................102
3.3.3. Giọng trào lộng hóm hỉnh, ý nhị .........................................................................105


KẾT LUẬN .............................................................................................................. 111
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 113
PHỤ LỤC ................................................................................................................. 117

3


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong giới Thiền học Việt Nam, Tuệ Trung Thượng Sĩ không phải là một cái tên quá
xa lạ. Ở các thiền viện, những bài thơ thiền và ngữ lục của Tuệ Trung được giảng dạy như
một giáo lý, một phương pháp thực hành thiền tập đem lại lợi ích thiết thực cho người học
đạo. Với các nhà nghiên cứu văn học, nhất là văn học Phật giáo Việt Nam, tác phẩm thơ
Tuệ Trung mở ra cả một thế giới vừa mênh mông phóng khoáng, vừa thâm sâu vi diệu. Các
tác phẩm của Tuệ Trung, bất luận được lý giải ở phương diện nào, đều có những điểm thú vị
và giá trị đặc biệt riêng. Xem Tuệ Trung là một tác giả văn học trung đại cũng đúng, mà
xem Tuệ Trung là một nhà Thiền học cũng không sai. Do vậy, vấn đề đặt ra là, cần nghiên
cứu tác phẩm thơ Thiền Tuệ Trung từ góc nhìn nào cho thật sự toàn vẹn và đầy đủ? Nếu chỉ
nhìn ở góc độ văn chương thuần túy, vô tình chúng ta sẽ làm giảm đi một phần không nhỏ
chiều sâu triết lý của tác phẩm – điều mà chỉ có thể dùng đến quan điểm Phật giáo để giải
thích. Ngược lại, nếu chỉ đặt thơ Thiền Tuệ Trung trong cái nhìn của Thiền tông thuần túy
sẽ làm cho tác phẩm mang nặng yếu tố triết thuyết, kinh viện – trong khi thơ Thiền Tuệ
Trung vốn rất thiết thực, rất đời.
Xuất phát từ vấn đề trên, luận văn mong muốn đưa ra một cách nhìn nhận mới về thơ
Thiền Tuệ Trung: đánh giá thơ Thiền Tuệ Trung trong sự giao thoa giữa “đạo” và “đời”,
giữa triết lý Thiền học và văn chương. Cách nghiên cứu này có thể cung cấp cho người đọc
một cái nhìn toàn vẹn hơn về Tuệ Trung - một tác giả khá đặc biệt của văn học trung đại
Việt Nam và thiền phong Tuệ Trung – đạo thiền của những con người “biết sống” đúng
nghĩa nhất. Nó sẽ giúp chúng ta lý giải phần nào về con người và thời đại Lý – Trần, một
thời đại hoàng kim “có một không hai” trong lịch sử Việt Nam.

Văn học Việt Nam đã đi qua nhiều chặng đường dài. Mỗi một chặng đường văn học
có một diện mạo riêng. Tuy nhiên, có những chuẩn giá trị tương đối thống nhất, là yêu cầu
chung của mọi thời đại: Tinh thần nhân văn, nhân đạo và khả năng bao quát, phản ánh hiện
thực đời sống. Một tác phẩm văn học chỉ thật sự “sống” được khi nó chứa đựng được các
giá trị ấy – giá trị căn bản và cần thiết nhất của văn chương. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài:
TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG. Nói đến TINH THẦN
NHÂN VĂN là nói đến điểm nhìn của văn chương, của cuộc đời. Còn nói đến THƠ THIỀN
là nói đến quan điểm của giáo lý Thiền tông. Theo chúng tôi, giá trị của thơ Thiền Tuệ
4


Trung không chỉ dừng lại trong giới hạn của văn chương trung đại hay thiền học Phật giáo,
mà trước hết và trên tất cả, đó là một “cách sống đúng chuẩn”, là “cảnh giới tâm linh” mà
con người mong muốn đạt tới. Như vậy, đi vào đề tài này, chúng tôi sẽ đưa ra một cách lý
giải dựa trên điểm nhìn “giao thoa” giữa văn học của đời sống và triết lý của Thiền tông; để
từ đó khẳng định giá trị của thơ Thiền Tuệ Trung về mặt lý thuyết nghiên cứu văn học Phật
giáo và cả thực tiễn thiền tập để đem lại cho con người một đời sống thật sự bình an và hỷ
lạc.

2. Lịch sử vấn đề
Bàn về thơ Thiền Tuệ Trung Thượng Sĩ, từ trước đến nay từng có không ít các bài
viết, công trình nghiên cứu. Trong đó, các tác giả thường đi vào lý giải về một khía cạnh,
một vấn đề nào đó trong tác phẩm của Tuệ Trung. Có thể thấy thiên hướng rõ rệt khi tìm
hiểu về thơ Thiền Tuệ Trung ở các công trình này là đi vào nghiên cứu và lý giải thơ Thiền
Tuệ Trung gắn liền với giáo lý Thiền tông thuần túy. Điều này đã góp phần không nhỏ trong
việc khẳng định vị trí của Tuệ Trung trong giới Thiền tông Việt Nam như một bậc thiền sư
đã qua trải nghiệm và thực chứng tâm linh. Tuy nhiên, nghiên cứu thơ Thiền Tuệ Trung một
cách tập trung, độc lập và có hệ thống thì đến nay hầu như vẫn chưa có một công trình cụ
thể nào.
Để thuận tiện trong việc theo dõi, chúng tôi thống nhất cách sắp xếp các công trình,

bài nghiên cứu về thơ Thiền Tuệ Trung hoặc có liên quan đến thơ Thiền Tuệ Trung theo hai
hướng: Hướng thứ nhất là các công trình, bài nghiên cứu mang tính khái quát về thơ Thiền
Tuệ Trung. Hướng thứ hai là các công trình trực tiếp, tập trung nghiên cứu về một tác
phẩm hoặc một vấn đề cụ thể trong thơ Thiền Tuệ Trung.
* Ở định hướng nghiên cứu thứ nhất, có thể kể đến các công trình sau:
- Thơ Thiền Việt Nam – Những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật của
tác giả Nguyễn Phạm Hùng (1998). Chuyên luận chia thành 2 phần: Phần 1 - Thơ ca Phật
giáo Việt Nam, những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật; Phần 2 – Tuyển tập thơ Thiền
Việt Nam. Trong phần 1, chương V, khi đề cập đến Thơ Thiền đời Trần, tác giả chọn Tuệ
Trung Thượng Sĩ Trần Tung là một trong các tác giả tiêu biểu của thơ Thiền đời Trần. Nhà
nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng đã đưa ra những nhận xét khá xác đáng và thú vị về thơ
Thiền Tuệ Trung:
5


+ “Cái độc đáo của nội dung thơ Thiền Trần Tung là ở tư tưởng “phóng cuồng” hết
sức mãnh liệt. Cái độc đáo của hình thức thơ Thiền Trần Tung là sự mở rộng các biện pháp
biểu hiện, từ thơ tới ca. Ca từ bằng chữ Hán của Trần Tung khó có tác gia Thiền nào sánh
kịp” [11; tr152]
+ “Thơ ông diễn tả tâm trạng phóng túng và say sưa của con người học đạo và hành
đạo đã đạt tới sự giác ngộ, giải thoát, tự do, tự tại, khi con người vượt lên trên sự sống chết,
mất còn, khi đạt tới sự “vô phân biệt” giữa phàm thánh, tăng tục, khi con người không còn
nệ vào trì giới, nhẫn nhục” [11; tr156].
- Tuệ Trung – Thượng sĩ, Nhân sĩ, Thi sĩ của Nguyễn Duy Hinh (1998). Công trình
chia thành 3 chương:
Chương 1: Tuệ Trung - nhân sĩ, nhằm xác định vị trí nhân vật trong lịch sử đất
nước và lịch sử Thiền tông
Chương 2: Tuệ Trung – thượng sĩ, tập trung minh họa, lý giải một số vấn đề
Thiền học mà Tuệ Trung đã đưa ra.
Chương 3: Tuệ Trung – thi sĩ, nghiên cứu về tâm hồn và nghệ thuật thơ ca Tuệ

Trung.
Ở đây, chúng tôi chủ yếu quan tâm đến nội dung chương 2 và chương 3. Trong
chương 2, sau khi đưa ra những luận giải, tác giả cho rằng Tuệ Trung đến với đạo Thiền là
vì: “Đời không mãn nguyện quay sang Đạo” [8;tr162]. Theo tác giả, cái cơ sở của Tâm Tuệ
Trung là: “Xuất phát từ thất bại không thỏa mãn được lòng ham muốn vinh hoa phú quý
theo như tự đánh giá, Tuệ Trung nhận thấy đời như mộng, phú quý như phù vân và thoát thế
tiêu dao. Đó là tư tưởng Vô Vi và Tiêu Dao của Lão Tử và Trang Tử diễn đạt trong Đạo
Đức Kinh và Trang Tử (tức Nam Hoa Kinh) (….) Nếu Phật Tâm là cơ sở thì Tuệ Trung đã
xuất gia. Nhưng vì Vô Vi và Tiêu Dao là cơ tầng Tâm Tuệ Trung cho nên ông thả chiếc
thuyền con trên mặt nước mênh mông ngắm hoa nở, nghe chim hót” [10; tr163]
Ở chương 3, khi nghiên cứu về thơ Thiền Tuệ Trung, tác giả chia 49 bài thơ của Tuệ
Trung thành 2 nhóm: Thơ Thiền lý (20 bài) và thơ Thiền ý (29 bài). Theo Nguyễn Duy Hinh:
“Con đường thơ ca của Tuệ Trung xuất phát tự tâm sự bất đắc chí của một quý tộc tự đánh
giá mình cao hơn triều đình đánh giá (…) Tuệ Trung là một nhân sĩ quý tộc, một thượng sĩ
hạng trí giả, một nhà thơ thiền mà chất Lão Trang đậm đà trong hình tượng thơ ca. Tuệ
6


Trung không phải thi tăng, là nhà thơ thiền duy nhất của nước Việt Nam. Không một nhà
thơ thiền nào kể cả thi tăng có nhiều bài thơ thiền như ông (….) Thơ Thiền Tuệ Trung thoát
tục mà không xuất thế. Cuồng mà không say” [8; tr 250 – 254]
- Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn của tác giả Trần Lý Trai với đề tài Giá trị văn học trong
tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm (2008): Trong công trình này, tác giả tập trung làm rõ
những giá trị về nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện của các tác phẩm trong thiền phái
Trúc Lâm, trong đó có Tuệ Trung Thượng Sĩ.
- Bài viết Cảm hứng giải thoát trong thơ Vương Duy và Tuệ Trung Thượng Sĩ
của tác giả Lê Thị Thanh Tâm với có đề cập đến cảm hứng giải thoát của thơ Thiền Tuệ
Trung trong khi so sánh thơ Vương Duy và Tuệ Trung. Tác giả cho rằng thơ Thiền Tuệ
Trung mang đậm thiền lực, còn thơ Thiền Vương Duy mang mang đậm thiền vị. Sau khi
phân tích, khảo sát một số bài thơ tiêu biểu của Vương Duy và Tuệ Trung, tác giả kết luận

rằng: “Thế giới thơ ca Vương Duy phản ánh rõ nét cốt cách và tầm vóc của ông. Nhìn từ
góc độ cảm hứng giải thoát, chúng tôi nhận thấy: thơ ông chứa đựng không gian thiên
nhiên có màu sắc nội tâm u huyền, cảm thức vũ trụ mang nội dung mỹ cảm thiền tông, yếu
tố “nhàn tĩnh” trong con người nhàn và thơ có giọng than. Đây là những yếu tố rất tương
hợp và thống nhất với cốt cách tài hoa, tài tử của ông, mang rõ những ảnh hưởng văn hóa
mỹ học của thời thịnh Đường mà ông là một trong những đại diện tiêu biểu nhất. Thế giới
thơ ca Tuệ Trung lại mang âm hưởng “học phong Đông A” – nền học phong đặc thù của
một giai đoạn lịch sử rực rỡ nhất thời trung đại. Đó là khuynh hướng duy tình trong triết
luận, nhưng lại đặt trọng tâm vào sự thể hiện đạo học, trí tuệ giải thoát vào thơ. Sáng tác
của ông mang nội dung thiền lực cao sâu, đi kèm với giọng thuyết giáo, làm nên một chân
dung đặc sắc của một nhân cách lớn về đạo lẫn ở đời”[tài liệu trên internet].
- Quyển Những sáng tác văn học của các thiền sư thời Lý – Trần (2010) của tác
giả Thích Giác Toàn trong chương 2 – Những sáng tác văn học của các thiền sư thời Lý –
Trần đã đi vào luận giải , chứng minh tinh thần nhân bản trong sáng tác của các thiền sư qua
bốn mối liên hệ chính: 1. Sự hiện hữu của con người và sự cảm nhận về thân phận con
người trong cuộc sống; 2. Những bài ca về sự sống và cái chết của con người; 3. Sự cảm
nhận của con người trước cảnh sắc thiên nhiên; 4. Con người quay về với chính mình hay
một định hướng sống hiền đẹp. Trong quá trình phân tích, lý giải các vấn đề đặt ra, tác giả
đã sử dụng một số bài thơ Thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ để làm dẫn chứng minh họa cho
7


luận điểm thứ 2, đồng thời đưa ra nhận định về Tuệ Trung: “Mỗi hành động của Tuệ Trung
Thượng Sĩ là một phong cách hiển lộ nhằm khai thị cho học nhơn một cái nhìn mới liễu ngộ
cảnh trí Phật pháp. Mỗi bài thơ, bài kệ của Tuệ Trung Thượng Sĩ là những ngôn ngữ thơ ca
mang tính đặc thù của Thiền tông là nhằm chỉ thẳng tâm người, làm cho người bừng tỉnh
trước những vọng duyên sở chấp, tự chứng, tự mãn trên đường tu tập” [42; tr120]. Công
trình này đã khẳng định cho chúng ta thấy phần nào những đóng góp của mảng văn học Phật
giáo, nhất là Phật giáo Thiền tông đối với nền văn học nước nhà và thực tiễn đời sống của
con người. Tuy nhiên, có lẽ, vì là một tu sĩ, nên điểm nhìn trọng tâm của tác giả trước sau

vẫn thiên về giáo lý nhà Phật hơn là văn chương trần thế. Do vậy, công trình không chú
trọng đi sâu nghiên cứu về hình thức biểu hiện trong các tác phẩm thơ Thiền. Tức là, tác giả
chỉ dừng lại ở khía cạnh nội dung những sáng tác thiền học của các thiền sư thời Lý – Trần
mà chưa quan tâm nhiều đến phương diện nghệ thuật thể hiện nội dung ấy.
- Quyển Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam của các tác giả Nguyễn
Hữu Sơn – Trần Đình Sử - Huyền Giang – Trần Ngọc Vương – Trần Nho Thìn – Đoàn Thị
Thu Vân (NXB Giáo dục, 2010), ở chương 3 – Vấn đề con người trong văn học thời đại Lý
Trần có đề cập đến hình tượng con người trong thơ Thiền Tuệ Trung: “Đó là con người “dĩ
bất biến ứng vạn biến”, làm chủ trong mọi biến ảo. Có thể nói đó là con người tự do nhưng
tự do hướng nội, tự do vứt bỏ tất cả để tạo lập một thế giới riêng” [29; tr 163]
* Ở định hướng nghiên cứu thứ hai, trước tiên phải kể đến bài viết của tác giả
Nguyễn Huệ Chi: Trần Tung – Một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền thời Lý – Trần
đăng trên Tạp chí Văn học số 4 năm 1977, tr 116. Trong bài viết này, ngoài việc minh định
lại thân thế của Tuệ Trung Thượng Sĩ, tác giả tập trung phân tích, lý giải những nét “lạ”
trong sáng tác thơ ca của Thượng Sĩ: “Vả chăng, Trần Tung lại là nhà Thiền học vào hàng
đặc biệt, người không chịu rời bỏ cuộc sống thế tục lấy một ngày nào. Vì thế, việc trộn lẫn
giữa Thiền và tục và Thiền trong tục trong thơ ông biết đâu lại chẳng là điều kiện của sự
thăng hoa, giúp ông đạt đến những sáng tạo đặc sắc, đánh dấu một cấp độ thẩm mĩ mới của
thơ ca thời đại này”
Bên cạnh đó, có thể kể đến các bài nghiên cứu trong quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ
với Thiền tông Việt Nam do Viện Khoa học xã hội – Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm biên
soạn (Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2000 và tái bản năm 2011). Trong số 33 bài

8


nghiên cứu, có 10 bài trực tiếp đề cập đến thơ Thiền Tuệ Trung, 01 bài đề cập đến tính nhân
văn trong trong thơ Thiền.
- Trong bài “Tính nhân văn nơi các thiền sư tiêu biểu của Phật giáo Trúc Lâm đời
Trần”, tác giả Thích Giác Toàn chỉ ra tính nhân văn nơi các thiền sư biểu hiện chủ yếu qua

cách sống, cách hành xử đối với con người và cuộc đời. Với Tuệ Trung, tính nhân văn ấy
gắn với tư tưởng “hòa quang đồng trần”, tư tưởng “bất nhị” hay “quay về chính mình”.
- Trong bài viết “Tuệ Trung Thượng Sĩ – con mắt thông tuệ rừng thiền ba phía”,
tác giả Nguyễn Văn Hồng nhận xét về triết thuyết và con người Tuệ Trung Thượng Sĩ:
“Không xa lánh cuộc sống, nhập thế để xuất thế, sống để hiểu cuộc sống. Tuệ Trung
Thượng Sĩ tham gia vào việc giữ gìn sáng tạo và nhận biết giải thích cuộc sống. Toàn bộ
triết thuyết của ông xuất phát từ Tâm muốn tìm một con đường để con người sống tốt hơn
đẹp hơn, và như vậy quả thực ông đã như một nhà tư tưởng triết học mang đậm màu sắc
riêng” [23;tr 100]
- Với bài viết Tuệ Trung Thượng Sĩ và Phật giáo thiền tông, tác giả Lê Văn Sáu tập
trung tìm hiểu về những nét đặc sắc, độc đáo trong tư tưởng Thiền của Tuệ Trung về mặt
bản thể luận. Ông cho rằng: “Quan niệm Thiền của cư sĩ rất độc đáo, sống hết mình theo
quy luật, theo Tâm, không cần ai, không cầu cạnh ai, đó là Thiền rồi (…). Tiếp cận với
những tác phẩm của Tuệ Trung, chúng ta có thể cho rằng nhà cư sĩ uyên thâm này đã sớm
đi từ những luận điểm của Thiền tông đặt ra và giải đáp những vấn đề cơ bản của triết học
trên cơ sở bản thể luận và nhận thức luận dưới dạng độc đáo của môn phái Thiền tông”.
[23; tr112]
- Với Tuệ Trung Thượng Sĩ – Một khuôn mặt đặc biệt của thiền tông đời Trần,
ngay từ những dòng đầu tiên, tác giả Huỳnh Công Bá đã đánh giá rất cao vị trí, vai trò của
Tuệ Trung Thượng Sĩ: “Trong giới Thiền học đời Trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ là một
khuôn mặt khá đặc biệt. Đạo học của Thượng Sĩ rất uyên thâm và hành trạng của Thượng
Sĩ có nhiều độc đáo. Thượng Sĩ là ngọn đuốc sáng nhất của Thiền học đời Trần.” [23;
tr57]. Trong bài nghiên cứu này, tác giả tập trung tìm hiểu về Thượng Sĩ trên hai bình diện
là tư tưởng và hành động với những lí giải khá thú vị và sâu sắc.
- Cùng đi vào tìm hiểu về Thiền phong của Thượng Sĩ, tác giả Tống Hồ Cầm với
Thiền lực của Tuệ Trung Thượng Sĩ là sức sống tâm linh rất mãnh liệt lại chú ý đến
“tinh thần phá chấp triệt để” của Tuệ Trung, xem đây là nét đặc biệt của tư tưởng Thiền
9



Tuệ Trung. Trong bài viết, tác giả đã phân tích, lí giải những biểu hiện của “tinh thần phá
chấp triệt để” trong thơ Thượng Sĩ, đó là: đập phá thái độ bám víu vào khái niệm và đập
phá về quan niệm lưỡng nguyên giữa thiện ác, mê ngộ, sanh tử, có không, thánh phàm…
Cuối cùng, tác giả đi đến kết luận: “Tinh thần phá chấp của Tuệ Trung có thể nói giống như
tinh thần phá chấp của Lục Tổ Huệ Năng là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, lột
bỏ những kiến chấp, khái niệm mơ hồ qua ngôn ngữ văn tự (…). Tuệ Trung sống hòa quang
đồng trần là để đưa đạo vào đời, nên đối với ông hình thức tại gia, xuất gia không quan
trọng. Vì vậy, tư tưởng Thiền của ông toát ra một sức sống tâm linh có mãnh lực khai mở
cửa tự ngộ cho người khác” [23; tr 105-106]
- Trong bài Pháp môn bất nhị - tư tưởng thiền trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ
Lục tác giả Thích Thanh Kiểm đi vào phân tích, luận giải về “pháp môn bất nhị” của Thiền
tông thông qua một số “công án” Thiền trong Kinh Phật, một vài đoạn trong phần “Tụng
cổ” của Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục” và 2 bài thơ của Thượng Sĩ. Từ đây, tác giả giúp
cho chúng ta hiểu thêm một phần quan trọng trong tư tưởng Thiền Tuệ Trung: quan niệm về
sự bình đẳng, vô sai biệt.
- Với Tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ tác giả Thích Phước Sơn đã
chỉ ra 5 điểm then chốt trong tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ là: 1. Quán triệt
lẽ vô thường của môn pháp; 2. Vạn pháp do tâm tạo; 3. Cổ vũ tinh thần tự lực; 4. Phá bỏ
quan niệm lưỡng cực; 5. Tự tại giải thoát. Và, tác giả kết luận rằng: “Tuy nhiên, con người
của ông rất đa dạng, ngoài phong thái siêu quần, hành vi thoát tục, Tuệ Trung lại có tài văn
chương, diễn tả tư tưởng rất độc đáo, sắc sảo, mạnh mẽ và trực tiếp. Ông không những là
một nhà tư tưởng lớn mà còn là một thi sĩ tài hoa, hình như đây là một hiện tượng đặc thù
và hi hữu trong thiền sử Phật giáo.” [23; tr175]
- Khác với phần lớn những bài nghiên cứu về Tuệ Trung Thượng Sĩ, trong Tuệ
Trung Thượng Sĩ – kẻ rong chơi giữa sống và chết tác giả Thích Phước An không đi vào
luận giải về tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung mà chỉ điểm qua và bình luận về 11 bài thơ
khá tiêu biểu của Thượng Sĩ là: Dưỡng chân, Giang hồ tự thích, Chiếu thân, Thị học, Ngẫu
tác, Thoát thế, Đề tịnh xá, Trụ trượng tử, Thị đồ, Tự đề, An định thời tiết. Bên cạnh đó, tác
giả còn điểm qua hành tung đặc biệt của Thượng Sĩ trong lịch sử, từ đó cho thấy tâm thế của
một bậc xuất trần thượng sĩ, an nhiên rong chơi giữa sống chết, thành bại, được mất của

cuộc đời. Theo Thích Phước An, hành trình rong chơi của Thượng Sĩ là hành trình đi tìm và
10


thưởng ngoạn cái đẹp của đời, và: “Tuệ Trung Thượng sĩ khuyên ta nên trở về tìm kiếm cái
đẹp ngay bên trong, chứ đừng tìm bên ngoài. Nếu ngày nào đó ta vẫn cứ tiếp tục lang thang
tìm kiếm bên ngoài, thì ngày đó ta vẫn chỉ gặp toàn thất vọng và đau khổ mà thôi” [23;
tr181]
- Trong Chất thiền Đại Việt trong thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ, Nguyễn Thị Thanh
Xuân đưa người đọc vào thế giới thơ Thiền Tuệ Trung với những cảm xúc, suy tư của Tuệ
Trung đối với hiện thực cuộc sống trong đó có giáo lý Thiền. Theo tác giả, “thơ Tuệ Trung
bay bổng cùng đất trời và hòa cùng tâm hồn Đại Việt đang phơi phới vươn lên tự khẳng
định mình” [23; tr220]. Cuối cùng, Nguyễn Thị Thanh Xuân kết luận: “Chất Thiền Đại Việt
trong thơ Tuệ Trung là tâm hồn ông, trí tuệ ông và hành động của ông. Thơ ấy chính là
Thiền. Thiền ấy chính là Tuệ Trung, chính là Đại Việt” [23; tr229]
- Với Thiền ngữ trong thi ca của Tuệ Trung Thượng Sĩ, tác giả Thích Tuệ Đăng
đưa ra kết luận: “Tuệ Trung đã sống với chính thực tại nhiệm màu, sống đời tự tại vượt
ngoài động tĩnh, vượt ngoài đối đãi phân biệt, bóp nát ý thức, phá vỡ danh tướng… Bởi vậy,
ngôn ngữ của Tuệ Trung là một thứ ngôn ngữ giác ngộ, tự nó vốn viên thành chẳng tìm
ngoài mà được, cốt quay về tự tính làm hiển lộ cái “mười phương thế giới hiện toàn chân”.
Đó chính là tinh thần nhân bản của đạo Phật vậy.”[23; tr246]. Nhận định này đã góp phần
gợi mở cho chúng tôi thấy thêm được điểm “giao thoa” giữa tính nhân văn trong văn
chương và tinh thần nhân bản của đạo Phật, cụ thể là Phật giáo Thiền tông.
- Với Tuệ Trung Thượng Sĩ và Thiền phong đời Trần tác giả Đoàn Thị Thu Vân
khẳng định giá trị đặc biệt, thiết thực của Thiền phong Tuệ Trung: “Đối với Tuệ Trung,
Thiền không chỉ là một tôn giáo mà là một cách sống, một đạo sống đẹp giúp con người đạt
đến một hạnh phúc đích thực nơi trần thế với sự tự do tự tại và hài hòa cùng vạn vật vũ trụ”
[23; tr 14-15]
Nhìn chung, ở các công trình nghiên cứu trong quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ với
Thiền tông Việt Nam, các tác giả đều tập trung lý giải về thiền phong đặc biệt của Tuệ

Trung Thượng Sĩ. Hầu như các tác giả đều đồng nhất trong quan niệm về tư tưởng và lối
sống Thiền của Tuệ Trung, đó là lối sống “siêu thoát nhưng không xa rời thực tại, tâm hồn
bồng bềnh với trăng gió nước mây, nhưng hai chân vẫn trụ chắc trên mảnh đất quê hương”
[23; tr228]

11


- Trong Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng Sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
(luận văn thạc sĩ Ngữ Văn năm 2009), Trần Thị Thu Hiền đi vào tìm hiểu và chỉ ra những
đóng góp về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của Tuệ Trung cho thơ Thiền Việt Nam. Ở
đây, tác giả luận văn đã nắm bắt được những nội dung tư tưởng cốt lõi của Tuệ Trung
Thượng Sĩ: tư tưởng tùy duyên, tinh thần phá chấp triệt để, tinh thần tự tin vào bản thân,
tinh thần dung hợp Tam giáo.
- Tác giả Thích Đức Thắng trong bài Con trâu đất – Một biểu tượng độc đáo của
Tuệ Trung đã đi sâu phân tích và chỉ rõ cái hay, cái độc đáo của biểu tượng “con trâu đất”
trong thơ Thiền Tuệ Trung. Theo tác giả, “con trâu đất” chính là một “công án thiền” mà
Thượng Sĩ Tuệ Trung muốn đưa ra để khai ngộ cho người học Phật: “Tóm lại, ai muốn thấy
được cái độc đáo trong con trâu đất của Tuệ Trung thì phải tham thấu lọt qua công án này
mới mong thấy được BẢN LAI DIỆN MỤC của chính mình” [tài liệu trên internet]
- Gần đây nhất, trong bài Tư tưởng nhập thế của Tuệ Trung qua bài “Phật Tâm
ca” của tác giả Phước Tâm in trong quyển VĂN HỌC PHẬT GIÁO VỚI 1000 NĂM
THĂNG LONG HÀ NỘI (do HT. Thích Giác Toàn và PGS.TS Trần Hữu Tá chủ biên, Nhà
xuất bản Văn hóa Thông tin, 2010) một lần nữa khẳng định giá trị đích thực và tích cực của
Thiền phong Tuệ Trung: “Chủ trương của cả bài thơ Phật tâm ca chính là đem việc tu thiền
dung nhập vào đời sống hằng ngày. Ông cho rằng Phật pháp không thể tách rời thế gian.
Sự tu tập pháp môn đốn ngộ mà ông khởi xướng không phải dùng các hình thức tu tập cố
định như tọa thiền, tụng kinh, bái Phật… Giác ngộ với ông, phải là đạt được từ trong cuộc
sống hiện thực này. Từ công việc, các thao tác, hành vi, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười… trong
cuộc sống mà đạt được trí tuệ” [40;tr 489]

Qua các bài viết, các công trình nghiên cứu về Tuệ Trung và thơ Thiền Tuệ Trung,
có thể thấy thiền học không phải là vấn đề thuần túy tôn giáo mà luôn gắn liền với thực tế
đời sống. Thiền là một cách sống, một phương pháp sống đem lại lợi ích lớn lao cho người
thực hành thiền tập. Do vậy, cần đặt giáo lý thiền vào dòng chảy của đời sống nói chung,
văn chương nói riêng để thấy được giá trị tích cực và đích thực của nó.
Dù chưa đi vào khai thác cụ thể vấn đề TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ
THIỀN TUỆ TRUNG, các công trình nghiên cứu trên đã cung cấp thêm cho chúng tôi một
cái nhìn về giá trị của thơ Thiền nói chung, thơ Thiền Tuệ Trung nói riêng. Trên cơ sở ban
đầu này, chúng tôi sẽ bắt tay tìm hiểu, luận giải thêm về thơ Thiền Tuệ Trung với mong
12


muốn góp thêm tiếng nói mới trong cách nhìn nhận, đánh giá về mảng văn học đặc biệt của
dân tộc – văn học Phật giáo Thiền tông.

3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp phân tích – tổng hợp được sử dụng trong quá trình nghiên cứu các đơn
vị tác phẩm riêng rẽ, làm dẫn chứng minh họa cho các luận điểm trong bài nghiên cứu.
Phương pháp này áp dụng tập trung ở chương 2 và 3 và là phương pháp chủ đạo, xuyên suốt
trong luận văn của chúng tôi.
Phương pháp hệ thống: Chúng tôi sử dụng phương pháp này để tổng hợp, khái quát
vấn đề, đưa ra các luận điểm, định hướng triển khai vấn đề.
Phương pháp so sánh: Nhằm mục đích làm nổi bật giá trị đặc biệt của thơ Thiền Tuệ
Trung, chúng tôi sẽ tiến hành so sánh, đối chiếu thơ Thiền Tuệ Trung với một số bài thơ,
nhà thơ trung đại khác. Phương pháp này cũng sẽ được sử dụng chủ yếu ở chương 2 và 3
Phương pháp liên ngành: Với mong muốn đi vào nghiên cứu thơ Thiền Tuệ Trung ở
góc nhìn giao thoa giữa Thiền học và thơ ca, chúng tôi sẽ đặt các bài thơ Thiền, ngữ lục của
Tuệ Trung trong nhiều mối quan hệ khác nhau (văn hóa, xã hội, tôn giáo) để xem xét, lý
giải. Phương pháp này sẽ được áp dụng chủ yếu trong chương 2.


4. Đối tượng, mục đích nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Tinh thần nhân văn thể hiện trong thơ Thiền Tuệ Trung
Ngữ liệu sử dụng nghiên cứu:
- Các bài thơ của Tuệ Trung - 49 bài
- “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục”
Mục đích nghiên cứu: Chỉ ra nội dung nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung và nghệ
thuật thể hiện tinh thần nhân văn của thơ Thiền Tuệ Trung, qua đó khẳng định giá trị của
thơ Thiền Tuệ Trung trong nền văn học trung đại nói chung, văn học Phật giáo nói riêng.

5. Đóng góp của đề tài
Như trên đã nói, khi lựa chọn đề tài, chúng tôi dựa trên cơ sở kết hợp nghiên cứu văn
học và nghiên cứu giáo lý thiền học trong tác phẩm Tuệ Trung để đưa ra những đánh giá,
luận giải và đi đến khẳng định giá trị đặc trưng của thơ thiền Tuệ Trung. Qua đó cho thấy
13


tác dụng tích cực, thiết thực của văn học và Thiền học đối với cuộc sống con người. Đó
không phải là lý thuyết sách vở thuần túy, mà trước hết và trên tất cả đó là “phương pháp
sống”, “phương pháp hành xử” cần có của con người trước cuộc đời - một xã hội hiện đại,
đầy đủ đến dư thừa những nhu cầu hưởng thụ về vật chất hiện nay.
Nghiên cứu vấn đề dựa trên điểm nhìn giao thoa “đạo – đời” chính là đóng góp mới
mà luận văn hy vọng có thể đem đến cho người đọc. Chúng tôi mong muốn thông qua
những kết quả khảo sát thuộc về “lý thuyết” của văn học và Thiền học có thể cung cấp cho
người đọc một phần nhỏ phương pháp “thực hành” trên con đường trải nghiệm và kiếm tìm
hạnh phúc đích thực và bền vững nhất giữa đời sống còn lắm bộn bề, xáo động hiện nay.
Chúng tôi cho rằng giữa văn học và Thiền học luôn có những “điểm chung” nhất
định. Và, “điểm chung” đầu tiên chính là con người cùng với thực tế đời sống xung quanh
ta. Nó làm nên sự gặp gỡ thú vị giữa tinh thần nhân văn của văn học và quan niệm về từ bi,
bình đẳng, bác ái của Phật giáo Thiền tông. Văn học trao cho con người sự cảm thông, chia
sẻ giữa bộn bề cuộc sống trần gian, còn Thiền học đưa con người trở về với chân nguyên giá

trị của bản thân và đồng loại trong mênh mông vũ trụ này. Nhờ vậy mà con người chúng ta
sống tốt hơn, ý nghĩa hơn và bình an hơn.

6. Kết cấu đề tài
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG. Trong chương này, chúng tôi tập trung làm
rõ những vấn đề mang tính lý luận cơ bản, làm nền tảng để triển khai và giải quyết những
nội dung trọng tâm ở chương 2 và 3.
Chương 2: NỘI DUNG TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ
TRUNG. Trong chương này, chúng tôi đi vào phân tích, lý giải những biểu hiện cụ thể của
tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung trên cơ sở kết hợp hai điểm nhìn: tinh thần
nhân văn trong văn học và quan điểm Phật giáo Thiền tông.
Chương 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ
THIỀN TUỆ TRUNG. Với chương này, chúng tôi sẽ đi vào tìm hiểu các hình thức thể hiện
nội dung nhân văn của thơ Thiền Tuệ Trung để thấy được nét đặc sắc, đặc trưng riêng của
Tuệ Trung so với các tác giả cùng thời.

14


CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Khái niệm nhân văn và những biểu hiện của tinh thần nhân văn trong văn
học
1.1.1. Khái niệm nhân văn
Trong nghiên cứu văn học, chúng ta thường bắt gặp không ít những cụm từ như chủ
nghĩa nhân văn, tư tưởng nhân văn, chất nhân văn, tinh thần nhân văn…. Nhân văn là từ
được sử dụng khá phổ biến trong chuyên ngành nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, chúng ta lại
ít khi quan tâm đến ý nghĩa đầy đủ của khái niệm “nhân văn”. Trong nhà trường phổ thông,
đôi lúc chúng ta dùng “nhân văn” để thay thế cho khái niệm “nhân đạo” hay “nhân bản”.
Xét về tổng thể, ba từ này có những tương đồng nhất định về nghĩa. Song, xét về ý nghĩa và
phạm vi sử dụng, giữa chúng vẫn có sự khác biệt.

Nhân văn vốn là một từ Hán – Việt. “Nhân” là người. “Văn” tức là vẻ đẹp. Vẻ đẹp ở
đây được hiểu bao hàm cả vẻ đẹp bên trong lẫn bên ngoài. Do vậy, khái niệm “nhân văn”
thường dùng để nói đến sự khẳng định, đề cao cái đẹp hay những giá trị đẹp đẽ của con
người từ hình thể đến tâm hồn, nhân cách, tinh thần, ý chí, khát vọng, hoài bão,…
Nói tới nhân văn là nói tới con người, khái niệm “nhân văn” xuất hiện khi xã hội
loài người đã phát triển ở trình độ cao, gắn liền với thái độ, tư tưởng, tình cảm của con
người đối với cuộc sống. Chính ý thức về giá trị của hạnh phúc, khát vọng hạnh phúc, mong
muốn giải thoát khỏi mọi khổ đau, ước mơ về một xã hội tốt đẹp của con người là những
nhân tố đầu tiên cho sự hình thành tinh thần nhân văn, tư tưởng nhân văn. Như vậy, khái
niệm “nhân văn” được dùng để chỉ chung cho những giá trị tinh thần của nhân loại, xuất
phát từ sự tôn trọng giá trị, nhân phẩm con người, lòng thương yêu con người, niềm tin vào
năng lực và sức sáng tạo không cùng của con người. Từ đó, thuật ngữ “chủ nghĩa nhân
văn” có thể hiểu theo nhiều cấp độ, khía cạnh khác nhau.
Nhắc đến khái niệm “nhân văn”, không thể bỏ qua thuật ngữ “chủ nghĩa nhân văn”
trong văn học. Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử chủ biên, NXBGD
Hà Nội) định nghĩa “chủ nghĩa nhân văn” như sau:
“Ở cấp độ thế giới quan, chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm,
tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ
đẹp. Chủ nghĩa nhân văn không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần mà còn bao hàm
15


cả cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả năng, bản chất,…)
trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và đồng loại.
Ở cấp độ lịch sử, chủ nghĩa nhân văn là một trào lưu văn hóa – tư tưởng nảy sinh ở
I-ta-li-a và một số nước khác ở Châu Âu thời Phục hưng (thế kỉ XIV – XVI). Những người
khởi xướng trào lưu này chủ trương giải phóng văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói
chung khỏi sự bảo trợ của nhà thờ Cơ Đốc giáo và giải phóng cá nhân con người. Họ quan
niệm không phải thần linh mà là con người tự định đoạt lấy số phận của mình. Con người
có khả năng vô tận để hoàn thiện môi trường của mình. Trong hoạt động văn hóa nghệ

thuật, họ chủ trương đi sâu nghiên cứu những thành tựu rực rỡ giàu sức sống và vẻ đẹp hồn
nhiên của văn hóa cổ đại Hy Lạp – La Mã đã bị quên lãng trong suốt thời Trung cổ, nhằm
khôi phục những giá trị nhân văn của chúng. Họ hướng văn học nghệ thuật vào sự sáng tạo
và ca ngợi cái đẹp trần thế, lành mạnh, tự nhiên, đề cao những khát vọng cao đẹp và niềm
tin vào sức mạnh toàn năng của con người.”[7; tr 88 - 89]
Từ đây, chúng ta có thể thấy khái niệm “nhân văn” được sử dụng ở phạm vi khá
rộng, bao gồm tất cả các lĩnh vực, vấn đề có liên quan đến con người: văn hóa, xã hội, chính
trị, văn học, nghệ thuật, mỹ học… Do vậy, không khó để lí giải vì sao khái niệm này lại
được sử dụng phổ biến, thậm chí có khi bị lạm dụng. Theo đó, thuật ngữ “chủ nghĩa nhân
văn” cũng trở nên thông dụng không kém: Chủ nghĩa nhân văn trong văn học, chủ nghĩa
nhân văn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, xã hội, mỹ thuật, hội họa, âm nhạc… Bởi lẽ,
trong đời sống, không có lĩnh vực nào không liên quan hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến con
người. Mà, con người lại là trung tâm hướng đến của tinh thần nhân văn, chủ nghĩa nhân
văn.
Để có cái nhìn đầy đủ hơn, chúng ta cần đi vào làm rõ hai khái niệm thường được sử
dụng song hành, thậm chí có khi dùng để thay thế cho khái niệm “nhân văn”, đó là khái
niệm “nhân đạo” và “nhân bản”.
Cũng giống như “nhân văn”, thuật ngữ “nhân đạo” vốn là từ Hán – Việt. “Đạo” là
đường lối, phương pháp, cách thức; “đạo” còn được hiểu rộng ra là lí lẽ, đạo đức, đạo lí. Từ
đây, chúng ta có thể hiểu khái niệm “nhân đạo” theo 3 nghĩa: 1. Đường lối, đường đi của
con người (con đường của đạo lí, đạo đức); 2. Chỉ lòng yêu thương giữa loài người với
nhau; 3. Đạo đức, đạo làm người giữa cuộc đời. Khái niệm “nhân đạo” gắn liền với đạo
đức, đạo lí của con người, cách hành động, cư xử của con người đối với nhau, thường được
16


sử dụng trong lĩnh vực văn học đối với những vấn đề có liên quan đến đạo đức của con
người (Chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng nhân đạo, tinh thần nhân đạo, tình cảm nhân đạo…).
Nói đến “nhân đạo” là nói đến lòng thương người, đến sự đồng cảm trước nỗi khổ đau bất
hạnh của con người; mong muốn những điều tốt lành, niềm hạnh phúc đến với con người.

“Tư tưởng nhân đạo” gắn liền với thái độ đạo đức với con người, xem con người là đối
tượng chính của tình yêu thương. “Chủ nghĩa nhân đạo” không chỉ đòi hỏi sự thương yêu
hay đồng cảm với con người mà còn là tích cực hành động, lên tiếng đòi quyền sống, quyền
được hưởng hạnh phúc cho con người, đấu tranh, bênh vực cho những con người chịu áp
bức, bất hạnh.
Về khái niệm “nhân bản”, “bản” có nghĩa là: gốc, nguồn gốc, cội rễ. “Nhân bản” là
cái gốc làm người, là lấy con người làm gốc. “Nhân bản” thường gắn liền với cái thuộc về
bản chất, cái vốn có, sẵn có bên trong của con người. “Chủ nghĩa nhân bản” nhấn mạnh
đến khía cạnh bản thể của con người, xem con người không phải là thần thánh mà là một
thực thể sinh vật, có nhu cầu của cuộc sống, chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên. Chính vì
quan niệm trên, “chủ nghĩa nhân bản” nhắc nhở đừng nên tuyệt đối hóa, lý tưởng hóa, coi
con người là siêu phàm, công nhận và tôn trọng những nhu cầu chính đáng, hợp quy luật
khách quan của con người về vật chất và tinh thần, không áp chế con người theo những
khuôn mẫu, định ước có sẵn nào đó mà phải có sự thấu hiểu, cảm thông, “thể tất nhân tình”
bởi “thịt da ai cũng là người”. “Chủ nghĩa nhân bản” mang lại một cái nhìn khách quan,
đầy tinh thần khoa học hiện đại đối với con người. So với hai khái niệm “nhân văn”
và“nhân đạo”, khái niệm “nhân bản” có phạm vi sử dụng hẹp hơn. “Nhân bản” thường
được sử dụng trong lĩnh vực nghiên cứu triết học, tâm lý xã hội.
Như vậy, có thể tạm sắp xếp 3 khái niệm trên theo thứ tự giảm dần về phạm vi sử
dụng như sau: NHÂN VĂN – NHÂN ĐẠO – NHÂN BẢN. Từ đây, chúng ta có thể thấy
được điểm khác nhau cơ bản giữa 3 khái niệm:
+ Nhân bản: Thường được sử dụng trong lĩnh vực triết học, nhấn mạnh giá trị gốc
vốn có của con người, đối lập con người với thần thánh, đòi hỏi xã hội phải đáp ứng những
nhu cầu trần thế của con người. Nó xem con người là một thực thể sinh vật, có nhu cầu cuộc
sống, chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên. Khi nói đến “nhân bản”, “chủ nghĩa nhân bản”,
“tính nhân bản”, “tinh thần nhân bản” cũng tức là chúng ta đang muốn nói đến phần “con”
trong một con người. Đã có một thời chúng ta từng lên án, phê phán, thậm chí cố tâm chối
17



bỏ phần “con” ấy. Tuy nhiên, nếu không có nó, sẽ không có một sinh vật cao cấp được gọi
là “con người”. Nhìn nhận lại và chấp nhận những nhu cầu chính đáng trong đời sống con
người sẽ giúp chúng ta có cách hành xử đúng đắn hơn, khoan dung hơn về chính mình và
đồng loại. Đây là một thái độ khoa học đối với con người, là sự nhận thức về cái CHÂN của
con người. CHÂN ở đây được hiểu là cái chân thực, vốn có, tự nhiên, như nhiên. CHÂN
cũng có nghĩa là chân tính, bản tính gốc của mỗi con người, cái không thể thay đổi.
+ Nhân đạo: Thường sử dụng trong lĩnh vực đạo đức, luân lý, nhấn mạnh lòng yêu
thương con người, thái độ bênh vực, bảo vệ con người. Nói cách khác, khái niệm nhân đạo
thiên về sự thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ với con người về mặt tinh thần. Khái niệm “nhân
đạo”, “chủ nghĩa nhân đạo”, “tinh thần nhân đạo” thường liên quan trực tiếp đến phần
“người” trong con người. Đương nhiên, phần “người” này chủ yếu được nhìn nhận ở góc độ
tích cực, ở mặt tốt, mặt thiện hay còn gọi là “thiên tính” của con người. Đó là sự nhận thức
về cái THIỆN của con người. Cái THIỆN thường gắn với cái tốt, cái cao cả. Cái THIỆN sẽ
giúp nâng cao giá trị của con người trong cuộc sống.
+ Nhân văn: Được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, chính trị, văn
học, nghệ thuật, mỹ học…, nhấn mạnh thái độ thương yêu, trân trọng, đề cao, bảo vệ những
giá trị đẹp đẽ của con người ở mọi mối quan hệ xã hội. Khái niệm “nhân văn”, “chủ nghĩa
nhân văn”, “tinh thần nhân văn”, “tư tưởng nhân văn”.... quan tâm đến cả hai mặt vật chất
và tinh thần của con người. Nó mang lại cho chúng ta cách nhìn nhận, đánh giá và hành xử
đúng mực hơn đối với bản thân và đồng loại. Bởi lẽ, con người chúng ta sống trong đời
không chỉ hướng đến cái CHÂN, cái THIỆN mà còn cả cái ĐẸP được. Ban đầu, con người
ta cần sống chân thật, cần nhìn nhận, tìm hiểu về bản thân mình nên yêu cầu phải có cái
CHÂN. Về sau, khi đã được “tồn tại” như một thực thể đúng nghĩa, con người ta muốn
“sống”, muốn hướng thiện, muốn có cái THIỆN. Song, khát vọng sống của con người là vô
tận. Con người không chỉ muốn muốn sống hướng thiện, sống đúng với thực thể của chính
mình mà còn muốn sống đẹp. Đó chính là cái MĨ. Suốt hàng ngàn thậm chí hàng vạn vạn
năm tồn tại trên cõi đời, con người không ngừng tìm kiếm, không ngừng hướng đến CHÂN
– THIỆN – MỸ. Đó cũng chính là hướng đến của tinh thần “nhân văn”. Do vậy, có thể nói,
nhận thức chủ đạo và định hướng hành động chủ đạo của tinh thần nhân văn, tư tưởng nhân
văn hay chủ nghĩa nhân văn xét cho cùng chính là sự nhận thức về cả ba mặt CHÂNTHIỆN – MỸ nơi con người.

18


Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, 3 khái niệm “nhân bản”, “nhân đạo”, “nhân văn”
vẫn có những nét tương đồng nhất định. Các khái niệm này đều có liên quan đến thái độ ứng
xử, quan niệm triết học, văn hóa của con người. Nó tập trung xây dựng, khẳng định giá trị,
vai trò, ý nghĩa của con người trong đời sống cộng đồng. Do vậy, trong một chừng mực nào
đó, sự phân biệt và giới hạn về phạm vi sử dụng của 3 khái niệm trên chỉ mang tính tương
đối, tùy theo dụng ý, mục đích nghiên cứu, đánh giá vấn đề.
1.1.2. Những biểu hiện của tinh thần nhân văn trong văn học
Nói đến nhân văn là nói đến con người, đến tất cả những gì liên quan đến con người.
Hơn bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống, văn chương nghệ thuật luôn dành sự ưu ái đặc biệt
cho con người, lấy con người làm trung tâm để hướng đến. Tùy vào từng điều kiện, đặc
điểm địa lý, văn hóa, thể chế xã hội khác nhau mà tinh thần nhân văn có những biểu hiện
khác nhau ở mỗi quốc gia, mỗi thời đại, mỗi giai đoạn văn học. Song, nhìn chung, tất cả các
tác phẩm văn học chứa đựng tinh thần nhân văn đều có chung một số nội dung như: bộc lộ
thái độ yêu thương con người; thể hiện khả năng cảm thông, chia sẻ với những đau khổ, mất
mát của con người; ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn con người, khẳng định những giá trị của con
người; đề cao cuộc sống trần thế, chủ trương sống trọn vẹn với thực tại; lên án, tố cáo các
thế lực chà đạp con người….“Một tác phẩm văn học có tính nhân văn là tác phẩm văn học
thể hiện con người với những nét đẹp của nó, đặc biệt là những giá trị tinh thần như trí tuệ,
tâm hồn, tình cảm, phẩm cách… Tác phẩm đó hướng đến khẳng định, đề cao vẻ đẹp của con
người” [51; tr5]
Nhìn lại một cách tổng thể về những giai đoạn, những chặng đường đã qua của văn
học Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận ra một điều: dù thời đại có đổi thay; xã hội có thịnh
suy, biến cải; tư duy, quan niệm của con người trước - sau, cổ - kim có khác biệt nhưng
điểm nhìn nhân văn trong văn chương là bất biến. Chỉ có biểu hiện cụ thể của tinh thần nhân
văn là thay đổi tùy theo thời đại, lịch sử, xã hội, giai đoạn văn học.
Ở giai đoạn sơ khai của văn học, khi chữ viết chưa có mặt, văn học dân gian mang
đến cho người đọc vẻ đẹp hồn nhiên, dung dị của tinh thần nhân văn. Đó là tiếng nói chân

thật, như nhiên, không rào đón, chẳng che đậy của tình yêu thương lẫn nỗi oán hờn, hận tủi
trong ca dao – dân ca một thời đã qua. Đó là kiểu tư duy “rất người”, rất trần gian của các vị
thần và cả con người trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích xưa. Đó là ước mơ vá trời lấp
biển, kiến công lập nghiệp, bảo vệ cộng đồng của những anh hùng sử thi từ thuở hồng
19


hoang của dân tộc…. Như vậy, với văn học dân gian, tinh thần nhân văn chính là nơi chứa
đựng những khát vọng, ước mơ, tâm tư tình cảm của con người.
Về sau, khi xã hội phát triển hơn, những thể chế xã hội bắt đầu được thiết lập, các
vương triều phong kiến hình thành, hưng thịnh rồi suy tàn, tinh thần nhân văn trong tác
phẩm văn học lại có thêm những diện mạo mới. Trong buổi đầu dựng nước và giữ nước,
tinh thần nhân văn là tiếng nói ngợi ca, trân trọng đối với con người và thời đại mới. Khi đất
nước bị ngoại xâm, tinh thần nhân văn của văn chương trở thành khúc hát lẫm liệt, hào
hùng, đầy tự tin vào ngày chiến thắng của những trái tim yêu nước. Lúc các vương triều sắp
suy tàn, nhà nước phong kiến rơi vào khủng hoảng, hơn lúc nào hết, tinh thần nhân văn
trong văn học trở thành điểm tựa cho tâm hồn, tình cảm của con người và thời đại. Lúc này,
nhân văn không còn giản đơn là ngợi ca, yêu thương mà còn đòi hỏi cả sự cảm thông, chia
sẻ trước nỗi đau con người, thậm chí, đó còn là lời tố cáo, lên án, phê phán những gì chà đạp
lên quyền sống, nhân phẩm của con người.
Khi thể chế xã hội thay đổi, nhà nước phong kiến kết thúc nhiệm vụ lịch sử, dân tộc
Việt Nam bước vào giai đoạn hiện đại, tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, tinh
thần nhân văn lại bổ sung thêm những yếu tố mới. Không dừng lại ở tiếng nói cảm thông;
tình yêu thương; sức mạnh cổ vũ, phê phán đối với con người, tinh thần nhân văn mang đến
tấm gương phản chiếu để con người có cơ hội nhận thức chính mình, thành thật và nghiêm
túc nhìn nhận lại “bản ngã” của nhân sinh giữa những chuyến du hành phiêu bạt của cõi
người. Ở đó, chúng ta không chỉ có gương mặt của thiên thần mà còn cả tâm địa của quỷ dữ.
Ở đó, đôi khi đau khổ cũng có giá trị như niềm hạnh phúc. Ở đó, ranh giới giữa phải – trái,
tốt – xấu không bao giờ thuần túy là bức tường thành vững chắc, mà trái lại, nó hết sức
mong manh, khó lòng phân định rạch ròi…

Tóm lại, biểu hiện của tinh thần nhân văn nhìn từ tác phẩm văn học luôn biến hiện
với muôn hình vạn trạng, tùy theo từng thời đại lịch sử, từng giai đoạn văn văn học nhất
định. Trong giới hạn của đề tài nghiên cứu, ở đây, chúng tôi chỉ điểm qua những nét cơ bản
nhất về biểu hiện của tinh thần nhân văn trong các tác phẩm văn học Việt Nam thời phong
kiến với mong muốn đem đến cho người đọc một cái nhìn bao quát nhất về tinh thần nhân
văn của văn học trung đại.
Lịch sử phong kiến Việt Nam đã được duy trì trong một thời gian khá dài, trải qua
nhiều triều đại với không ít thăng trầm, biến cải. Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả các
20


triều đại ấy đều in dấu trong những tác phẩm văn chương. Ở giai đoạn đầu của các vương
triều phong kiến, những ngày mới “lập quốc”, văn học tập trung khắc họa vẻ đẹp của con
người. Đó là tư thế uy dũng, hiên ngang của vị chiến tướng trong ngày khải hoàn:
Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
(Trần Quang Khải - Tụng giá hoàn kinh sư) [22; tr568]
(Bến Chương Dương cướp giáo giặc
Cửa Hàm Tử bắt quân Hồ
Buổi thái bình nên dốc toàn sức lực
Thì non sông này muôn đời dài lâu)
(Phò giá về kinh)
Hay những phút trăn trở, suy tư về vận nước của người anh hùng thời loạn:
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma
(Đặng Dung - Cảm hoài) [22; tr719]

(Giúp vua, có lòng định đỡ trục đất,
Rửa gươm, tiếc không đường kéo nổi sông Ngân
Nợ nước chưa đền đầu đã sớm bạc
Luống tiếc bao phen mài gươm Long Tuyền dưới bóng trăng)
có khi đấy là phút giây “vô ngôn” đầy thi vị sau những ngày binh lửa:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
21


Mục đồng địch lý quy ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
(Trần Nhân Tông - Thiên Trường vãn vọng) [22; tr582]
(Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ
Bóng chiều nửa như có, nửa như không
Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết
Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng)
(Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường)
hay đơn giản chỉ là một “khoảng lặng” tâm linh của con người đã “đạt ngộ” trần gian:
Đường trung đoan tọa tịch vô nghiên (ngôn)
Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên
Tự thị quyện thời tâm tự túc
Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền
(Tuệ Trung – Ngẫu tác) [22; tr550]
(Ngồi ngay ngắn giữa nhà lặng lẽ không nói
Thảnh thơi nhìn một tia khói trên núi Côn Luân
Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt
Chẳng cần niệm Phật, chẳng cần Thiền)
(Chợt hứng làm thơ)
Như vậy, có thể nói, biểu hiện của tinh thần nhân văn trong văn học thời kì này khá

đa dạng, phong phú. Tiếng nói chủ đạo của tinh thần nhân văn lúc bấy giờ gắn liền với cảm
hứng ngợi ca hào sảng, phóng khoáng, tràn đầy nhiệt huyết đối với con người và thời đại.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng, cảm hứng ngợi ca ở đây không hoàn toàn đồng nghĩa với cái
nhìn mang tính “lý tưởng hóa” về con người theo kiểu văn chương ước lệ truyền thống về
sau này. Và, cái phóng khoáng trong cách suy nghĩ, hành xử của con người giai đoạn này
cũng không mang hơi hướm của sự “phá cách”, “nổi loạn” kiểu nhà Nho như Nguyễn Công
Trứ. Vẻ đẹp đặc trưng của tinh thần nhân văn trong các tác phẩm này chính là sự hồn nhiên,
22


chân thành của tác giả khi chưa có quá nhiều “khuôn phép” và sự ràng buộc của lễ giáo
phong kiến.
Về sau, khi xã hội phong kiến bắt đầu thiết lập hệ thống những thể chế, kỷ cương
nghiêm ngặt hơn, tinh thần nhân văn cũng theo đó mà thay đổi cách biểu hiện. Không còn
chiến tranh giữ nước, hình ảnh người anh hùng không còn được tập trung ngợi ca. Quá bận
bịu với vô vàn gánh nặng cuộc đời, con người mất dần cốt cách ưu du, nhàn tản. Mải lo
danh lợi, uy quyền, con người “quên” đi hành trình tìm kiếm và gìn giữ sự bình an cho
chính tâm hồn mình. Thay vào đó, tình cảm nhân văn được hướng đến những đối tượng
khác trong xã hội: người tài hoa tài tử mà bạc mệnh, người phụ nữ tài sắc mà truân chuyên,
người dân nghèo một đời lầm than cơ cực…. Tinh thần nhân văn thời kì này có thay đổi đôi
chút: bên cạnh thái độ ngợi ca, trân trọng đối với con người, văn học tập trung nhiều hơn,
sâu sắc hơn vào việc tố cáo, phê phán các thế lực chà đạp lên nhân phẩm và quyền sống của
con người. Vì vậy, tinh thần chủ đạo của văn chương bấy giờ trở thành tiếng nói đấu tranh,
phản kháng vì con người và bảo vệ con người khỏi những tổn hại, khổ đau trong xã hội.
Khi các vương triều phong kiến dần “lao dốc”, đi vào con đường khủng hoảng và suy
vong, tinh thần nhân văn lại tập trung nhiều hơn vào việc đấu tranh cho khát vọng sống
chính đáng của con người. “Không khí nhân văn” trong văn học lúc này càng trở nên “đậm
đặc” hơn bao giờ hết. Tinh thần nhân văn trong các tác phẩm biểu hiện qua cách “giải tỏa”
nỗi lòng, “gửi gắm tâm huyết” của mình đối với con người và thời đại. Đó là “nỗi đau đứt
ruột”, là “tiếng khóc lớn” suốt một đời Nguyễn Du:

“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
(Nguyễn Du – Truyện Kiều) [58; tr13]
Đó là cách suy nghĩ đầy chất “nổi loạn” của Hồ Xuân Hương:
“Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”
(Hồ Xuân Hương – Đề đền Sầm Nghi Đống) [54; tr62 ]
Đó là lời tâm tình đầy bế tắc của Uy Viễn tướng công:
Kiếp sau xin chớ làm người
23


×