Tải bản đầy đủ (.pdf) (128 trang)

chính sách của liên bang nga đối với cộng đồng các quốc gia độc lập (sng) tư 1992 đến 2008

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.16 MB, 128 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Thủy

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Thành phố Hồ Chí Minh – 2011


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Thủy

Chuyên ngành : Lịch sử Thế giới
Mã số
: 60 22 50

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

TS. LÊ PHỤNG HOÀNG

Thành phố Hồ Chí Minh – 2011


LỜI CẢM ƠN

Xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, Phòng Sau Đại học, Khoa Lịch sử Trường Đại


học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện cho tôi hoàn thành đề tài nghiên
cứu của mình.
Với lòng kính trọng, tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc nhất đến Tiến sĩ Lê Phụng
Hoàng, người thầy kính mến đã nhiệt tình giúp đỡ, dạy bảo, động viên và dành nhiều thời
gian, tâm huyết hướng dẫn tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận
văn tốt nghiệp.
Tôi trân trọng cảm ơn công lao giảng dạy của các thầy cô giáo Trường Đại học Sư
phạm Thành phố Hồ Chí Minh và các thầy cô trong Hội đồng chấm luận văn vì những đóng
góp quý báu giúp tôi hoàn thiện đề tài nghiên cứu.
Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cô, chú, anh, chị làm việc tại Thư viện trường Đại
học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh và Thư viện Học viện
Ngoại giao Hà Nội đã nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi tìm kiếm tài liệu trong quá trình học
tập và thực hiện luận văn.
Tôi chân thành gửi lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu Trường Dự bị Đại học TP. HCM và
Trường THPT An Đông – hai ngôi trường mà tôi đã nhiều năm gắn bó, cùng các anh chị,
bạn bè đồng nghiệp nơi tôi công tác đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôi yên tâm tham gia
và hoàn thành khóa học.
Xin cảm ơn bố mẹ, anh chị và các em yêu quý đã luôn động viên, giúp đỡ tôi học tập,
làm việc và hoàn thành luận văn.
Nguyễn Thị Thủy


MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cám ơn
Mục lục
Danh mục chữ viết tắt
MỞ ĐẦU .................................................................................................................1
Chương 1. CHÍNH SÁCH CỦA LIÊN BANG NGA ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG
CÁC QUỐC GIA ĐỘC LẬP DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG B.

YELTSIN (1992 – 1999) ........................................................................7
1.1. Những nhân tố cơ bản tác động đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của
Liên bang Nga trong thời kỳ Tổng thống Yeltsin (1992 – 1999) .......................7
1.1.1. Bối cảnh quốc tế .......................................................................................7
1.1.2. Bối cảnh trong nước .................................................................................9
1.2. Vị trí của Cộng đồng các quốc gia độc lập trong chính sách đối ngoại của Yeltsin
(1992 – 1999)....................................................................................................12
1.3. Chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập dưới thời
Tổng thống B.Yeltsin từ (1992 – 1999) ...........................................................13
1.4. Chính sách của Liên bang Nga đối với một số nước thuộc SNG dưới thời Tổng
thống Yeltsin (1992 – 1999) .............................................................................19
1.4.1. Đối với Belarus .......................................................................................19
1.4.2. Đối với Ukraina ......................................................................................21
1.4.3. Đối với Gruzia ........................................................................................25
1.4.4. Đối với khu vực Trung Á ........................................................................26
Chương 2. CHÍNH SÁCH CỦA LIÊN BANG NGA ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG
CÁC QUỐC GIA ĐỘC LẬP DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG V. PUTIN
(2000 – 2008).........................................................................................31
2.1. Những nhân tố cơ bản tác động đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của
Liên bang Nga trong thời kỳ Tổng thống Putin (2000 – 2008) ........................31
2.1.1. Bối cảnh quốc tế .....................................................................................31
2.1.2. Bối cảnh trong nước ...............................................................................33
2.2. Vị trí của Cộng đồng các quốc gia độc lập trong chính sách đối ngoại của Putin
(2000 – 2008)....................................................................................................35


2.3. Chính sách của Liên bang Nga đối với SNG dưới thời Tổng thống Putin (2000 –
2008) .................................................................................................................37
2.4. Chính sách của Liên bang Nga đối với một số nước thuộc SNG dưới thời Tổng
thống Putin (2000 – 2008) ................................................................................39

2.4.1. Đối với Belarus .......................................................................................39
2.4.2. Đối với Ukraina ......................................................................................41
2.4.3. Đối với Gruzia ........................................................................................46
2.4.4. Đối với khu vực Trung Á ........................................................................49
Chương 3. NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH CỦA LIÊN BANG NGA ĐỐI VỚI CỘNG
ĐỒNG CÁC QUỐC GIA ĐỘC LẬP (1992 – 2008) – TRIỂN VỌNG
QUAN HỆ GIỮA LIÊN BANG NGA VỚI CÁC THÀNH VIÊN SNG
...............................................................................................................60
3.1. Một số nhận xét về chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc
gia độc lập từ 1992 – 2008 ...............................................................................60
3.2. Chính sách của Liên bang Nga đối với SNG trong nhiệm kỳ Tổng thống D.
Medvedev .........................................................................................................64
3.5. Triển vọng hợp tác giữa Nga và các nước thành viên SNG .............................68
KẾT LUẬN ...............................................................................................................77
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................80
PHỤ LỤC


DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
: Российская Федерация
: Содружество Независимых Государств – Cộng đồng các
quốc gia độc lập
Boris Nikolayevich Yeltsin
: Борис Николаевич Ельцин
Vladimir Vladimirovich Putin : Владимир Владимирович Путин
NATO
: North Atlantic Treaty Organisation – Tổ chức Hiệp ước Bắc
Đại Tây Dương
EU
: European Union – Liên minh châu Âu

APEC
: Asia – Pacific Economic Cooperation – Diễn đàn Hợp tác
Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương
ASEM
: The Asia-Europe Meeting – Diễn đàn hợp tác Á–Âu
OPEC
: Organization of Petroleum Exporting Countries - Tổ chức
các nước xuất khẩu dầu lửa
NAFTA
: North American Free Trade Agreement – Hiệp định Thương
mại Tự do Bắc Mỹ
IMF
: International Monetary Fund – Quỹ tiền tệ
IBRD
: International Bank for Reconstruction and Development –
Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển
WB
: World Bank – Ngân hàng thế giới
G8
: Group of Eight – Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển nhất
thế giới
IEA
: International Energy Agency – Cơ quan năng lượng quốc tế
SCO
: Shanghai Cooperation Organisation
(Tiếng Nga :Шанхайская организация сотрудничества) –
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải
CSTO
: Collective Security Treaty Organisation (Tiếng Nga:
Организация Договора о Коллективной Безопасности) –

Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể
EEC
: European Economic Community – Cộng đồng kinh tế Á Âu
NPT
: Nuclear Non-Proliferation Treaty – Hiệp ước không phổ
biến vũ khí hạt nhân
Liên Bang Nga
SNG


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ra đời năm 1991 với tư cách là quốc gia kế tục Liên Xô, Liên bang Nga đã có những
thuận lợi hơn hẳn các nước cộng hòa khác trước đây thuộc Liên Xô. Ngoài việc được thừa
hưởng vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các Đại sứ quán, lãnh
sự quán của Liên Xô ở tất cả các nước, Liên bang Nga được thừa hưởng từ Liên Xô 70%
lãnh thổ, hơn 50% dân số, phần lớn tiềm lực về kinh tế, quân sự và khoa học – kỹ thuật…
Chính vì vậy, dù đã đánh mất đi địa vị siêu cường nhưng Liên bang Nga vẫn là một nước
lớn và vẫn đóng vai trò hàng đầu trong quan hệ quốc tế trước hết là ở châu Âu, sau đó là ở
những khu vực có ý nghĩa chiến lược trên thế giới, trong đó có vùng châu Á – Thái Bình
Dương.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga theo đuổi mục tiêu tìm kiếm sự công nhận quốc
tế trong vai trò quốc gia chính thừa kế Liên Xô. Chính vì vậy, trong đường lối đối ngoại của
mình Liên bang Nga luôn tìm cách điều chỉnh, mở rộng hoạt động ngoại giao theo chiều
hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, với tư tưởng chủ đạo là độc lập, tự chủ, ưu tiên hàng
đầu cho lợi ích của Nga, hài hòa với lợi ích của cộng đồng quốc tế, phù hợp với xu thế toàn
cầu hóa và tăng cường vị trí của Nga trên trường quốc tế.
Trong những hướng phát triển quan hệ đối ngoại của mình, Liên bang Nga luôn coi việc
hợp tác với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) là ưu tiên số một. Bởi vì trong chiến
lược địa chính trị, cũng như địa kinh tế, Cộng đồng các quốc gia độc lập là không gian quan

trọng đối với Nga, nơi không chỉ đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế cho Nga mà còn
đóng vai trò quan trọng hàng đầu giúp Nga khôi phục vị thế cường quốc của mình trên thế
giới.
Xét về lợi ích kinh tế, Cộng đồng các quốc gia độc lập là cơ sở sản xuất nguyên vật liệu
quan trọng và là thị trường hàng hóa to lớn của Nga, sự phục hồi và chấn hưng của nền kinh
tế Nga không thể tách rời khỏi sự hợp tác với các nước này.
Về mặt chính trị, an ninh của Nga không thể đảm bảo nếu an ninh Cộng đồng các quốc
gia độc lập không được đảm bảo hoặc các nước này rơi vào tình trạng chia rẽ, xung đột, vì
đó sẽ là cơ hội tốt cho các thế lực khác bên ngoài thâm nhập, lôi kéo từng nước đi theo họ.
Do vậy, những nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga với Cộng đồng
các quốc gia độc lập là: chống lại mưu toan của các nước thứ ba nhảy vào chỗ trống hình
thành sau khi Liên Xô tan rã; duy trì ảnh hưởng của Nga đối với Cộng đồng các quốc gia


độc lập; đảm bảo an ninh biên giới vòng ngoài SNG và ổn định tình hình ở các điểm nóng
do sự lỏng lẻo của biên giới các nước này. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn và
phức tạp. Vì thế, dù Cộng đồng các quốc gia độc lập là ưu tiên số một trong chính sách đối
ngoại của mình nhưng Nga rất khó hoặc còn lâu mới có thể giành lại được vị thế lãnh đạo,
độc tôn như dưới thời Liên bang Xô Viết trước đây. Mặc dù vậy, nhìn chung Nga vẫn tiếp
tục theo đuổi chiến lược để hướng tới một không gian kinh tế, quốc phòng và đối ngoại
chung đối với các quốc gia này.
Mặt khác về thực tiễn, có thể thấy rằng quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên bang
Nga ngày nay là sự kế thừa và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Xô hơn nửa
thế kỷ qua. Bước sang thế kỷ 21, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, cả
hai nước đều thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và đều có nhu cầu
phát triển hợp tác tầm đối tác chiến lược vì lợi ích thiết thực của mỗi nước. Hiện nay, Việt
Nam vẫn xem Liên bang Nga là đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực trong đó quan trọng
hơn cả là lĩnh vực an ninh quốc phòng. Tìm hiểu chính sách của Liên bang Nga đối với
SNG sẽ góp phần giúp cho Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc hoạch
định chính sách đối ngoại của mình không chỉ với Liên bang Nga mà còn với nhiều nước và

khu vực trên thế giới.
Chính vì vậy, việc lựa chọn, nghiên cứu “Chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng
đồng các quốc gia độc lập (SNG) từ 1992 đến 2008” và dự đoán chiều hướng phát triển của
nó trong tương lai sẽ góp phần phác họa một giai đoạn lịch sử đặc biệt của Liên bang Nga –
thời kỳ hậu Xô viết, chủ yếu dưới hai đời Tổng thống B.Yeltsin (1992 – 1999) và V. Putin
(2000 – 2008). Luận văn sẽ cung cấp một phần tư liệu nhỏ bé cho những ai quan tâm đến
nước Nga, một cường quốc thế giới dù đã trải qua những thăng trầm, đảo lộn lịch sử nhưng
đã và đang để lại những dấu ấn đặc biệt của mình trong đời sống nhân loại.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Chính sách của Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) là vấn đề mang tính
thời sự, chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập một cách đầy đủ và liên tục vấn đề này.
Trong các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành và trong những cuốn sách về chính sách
đối ngoại của Nga có tìm hiểu những đường lối chung hoặc phân tích chính sách của Nga
đối với một số nước trong SNG.
Một nhóm tác giả thuộc Viện nghiên cứu Châu Âu trong cuốn “Cộng đồng các quốc gia
độc lập – quá trình hình thành và phát triển” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm


2007 (Nguyễn Quang Thuấn chủ biên) đã phân tích bối cảnh ra đời, quá trình phát triển và
triển vọng của các nước SNG. Có thể nói, đây là công trình nghiên cứu mang tính toàn diện
về sự phát triển của Cộng đồng các quốc gia độc lập. Các tác giả cũng nhấn mạnh vai trò
của Nga đối với tổ chức này, mối quan hệ giữa Nga với một số thành viên trong SNG, cũng
như việc Nga xem SNG là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của Nga bởi vị trí địa
chính trị - kinh tế của SNG. Tuy nhiên, các vấn đề này chỉ được đề cập một cách khái quát
chưa đi vào cụ thể.
“Nước Nga trên trường quốc tế, hôm qua, hôm nay và ngày mai” là tác phẩm nổi tiếng
của tác giả Hà Mỹ Hương. Cuốn sách đã trình bày những chặng đường lịch sử mà nước Nga
đã và đang trải qua theo logic của từng vấn đề: quá khứ, hiện tại và tương lai của Nga trên
trường quốc tế. Trong tác phẩm tác giả cũng dành một phần để phân tích chính sách đối
ngoại của Nga, cũng như đề cập đến mối quan hệ của Nga với một số thành viên trong

SNG, qua đó đánh giá triển vọng trong quan hệ giữa Nga với các nước khác trong SNG.
Đây là một công trình nghiên cứu có giá trị tham khảo rất lớn đối với những ai quan tâm
đến nước Nga.
Tác phẩm “Liên bang Nga - quan hệ kinh tế đối ngoại trong những năm cải cách thị
trường” của tập thể các tác giả do Nguyễn Quang Thuấn chủ biên, phân tích tác động của
những nhân tố bên trong và bên ngoài đến sự phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại của Liên
bang Nga, những quan điểm mới, các nội dung mới và xu hướng phát triển những quan hệ
kinh tế đối ngoại chủ yếu của Liên bang Nga với một số nước và khu vực. Trong đó, SNG
cũng là một khu vực mà Liên bang Nga quan tâm. Một phần của tác phẩm có đề cập về mối
quan hệ thương mại giữa Nga với SNG trong những năm gần đây.
“Liên bang Nga trên con đường phát triển những năm đầu thế kỷ XXI” của tập thể các
tác giả do Nguyễn An Hà chủ biên. Tác phẩm phân tích bối cảnh mới bao gồm cả quốc tế,
khu vực và trong nước, những nhân tố tác động tới quá trình phát triển của nước Nga những
năm đầu thế kỷ XXI, những vấn đề cơ bản nhất trong đường lối đối nội cũng như đối ngoại
của Liên bang Nga được các tác giả chọn lọc phân tích và đánh giá. Ngoài ra, các tác giả
còn tập trung nghiên cứu, phân tích những đối sách, chiến lược của Liên bang Nga nhằm
giải quyết những vấn đề cơ bản này trong giai đoạn tới năm 2010, dự báo tới năm 2015,
những tác động của sự phát triển nước Nga tới khu vực và thế giới nói chung. Vì là công
trình nghiên cứu chung về sự phát triển của Nga những năm đầu thế kỷ XXI nên những
chính sách của Nga đối với SNG được đề cập trong tác phẩm rất hạn chế.


Tác giả Hồng Thanh Quang với tác phẩm “Vladimir Putin sự lựa chọn của nước Nga”,
gồm 17 chương, giới thiệu một cách khái quát bức chân dung về Putin, những chính sách
của Putin khi ông lên cầm quyền và những thành tựu trong 2 năm đầu tiên dẫn dắt nước
Nga. Tác phẩm cũng là một nguồn tài liệu tham khảo bổ ích khi nghiên cứu về nước Nga.
“Nước Nga thời Putin” của tác giả Ngô Sinh cũng là một tài liệu tham khảo có giá trị.
Tác phẩm đã giới thiệu một cách khá toàn diện tình hình nước Nga với những thành tựu
cũng như những “khoảng tối” dưới bàn tay trị vì của Putin. Trong tác phẩm cũng đã nêu bật
lên được những đường lối chiến lược đối ngoại của Nga đối với các nước, khu vực trên thế

giới nói chung và khu vực SNG nói riêng. Tác phẩm là nguồn tư liệu để người đọc nhìn
nhận về nước Nga một cách toàn diện hơn.
Một tác phẩm đề cập khá chi tiết về chính sách đối ngoại của Nga sau Chiến tranh lạnh là
“Những tháng năm trong nền chính trị lớn” của tác giả Primacov. Ông nguyên là Bộ trưởng
ngoại giao Nga đã sống cùng những năm tháng thay đổi thăng trầm của Liên Xô trước đây
và nước Nga hiện tại nên đã cung cấp một lượng thông tin rất đáng tin cậy về sự điều chỉnh
chính sách đối ngoại của nước Nga trong nửa sau thập niên 90 của thế kỷ XX.
Tác giả Đỗ Thanh Hải trên tạp chí Châu Mỹ ngày nay số 7-8/2005 có bài viết “Cạnh
tranh ảnh hưởng Nga – Mỹ ở Trung Á và Cápcadơ sau sự kiện 11/9”. Bài viết tập trung
phân tích những điều chỉnh chính sách của Nga đối với Trung Á và Kavkaz sau khi sự kiện
11/9. Tuy nhiên do khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo nên các sự kiện trước 11/9 và những
khu vực khác thuộc không gian hậu Xô viết chưa được phân tích sâu sắc.
Những năm đầu thế kỷ XXI, khi các cuộc “cách mạng sắc màu” bùng nổ ở một số nước
SNG, đã có hàng loạt bài viết của các tác giả trong và ngoài nước phân tích, bình luận về
nguyên nhân, tác động của “cách mạng sắc màu”. Trong hồ sơ sự kiện (chuyên san của Tạp
chí Cộng sản) số ra ngày 30/10/2007 đã đăng tải nhiều bài viết của các tác giả: Hà Mỹ
Hương với bài viết “Cách mạng sắc màu trong không gian hậu Xô viết”; tác giả Quang Lợi
với bài viết “Giằng co giữa các cường quốc xung quanh cách mạng sắc màu”…
Tác giả Nguyễn Quang Thuấn cũng có bài phân tích “Các cuộc cách mạng màu sắc ở
một số nước SNG: thực trạng và vấn đề” trên báo tuổi trẻ ngày 22/3/2006… và nhiều bài
viết của các tác giả về “cách mạng sắc màu” trong thời gian gần đây đăng tải trên các báo
điện tử… đây là những bài viết nghiên cứu sâu về tình hình SNG, về âm mưu và ý đồ của
Mỹ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Nga tại không gian hậu Xô viết. Những bài viết
này là nguồn tư liệu bổ ích cho tác giả thực hiện đề tài nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, các


bài viết trên cũng chỉ mới dừng lại phân tích một hiện tượng chính trị đặc biệt của Cộng
đồng các quốc gia độc lập còn các vấn đề như: chính sách của Liên bang Nga đối với các
nước sau cuộc “cách mạng sắc màu”, tình hình ở các nước sau khi “cách mạng sắc màu”…
thì chưa đề cập đến.

Các tác giả của những công trình nghiên cứu nêu trên đã phác họa một cách khái quát
chính sách đối ngoại của Liên bang Nga sau Chiến tranh lạnh, nhưng chính sách của Liên
bang Nga đối với SNG từ 1992 – 2008 lại chỉ được trình bày một cách khái quát, trong khi
chính sách này là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự đảm bảo an ninh
quốc gia và khôi phục vị trí siêu cường của Liên bang Nga trên trường quốc tế. Thế nên, để
có cái nhìn toàn diện, khách quan thì đòi hỏi “Chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng
đồng các quốc gia độc lập (1992 – 2008)” – giai đoạn cầm quyền của hai vị tổng thống Nga
là B. Yeltsin và V. Putin cần phải được quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn
thiện.
3. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
Về thời gian, luận văn nghiên cứu chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các
quốc gia độc lập (SNG) từ 1992 đến 2008, chủ yếu dưới hai đời Tổng thống B. Yeltsin và
V. Putin.
Không gian nghiên cứu của vấn đề là các nước trong SNG, tập trung vào các quốc gia có
biến động lớn trong quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga trong thời gian vừa qua như:
Ukraina, Gruzia.
4. Phương pháp nghiên cứu
Về mặt phương pháp luận, trong suốt quá trình nghiên cứu, trên cơ sở phương pháp luận
của chủ nghĩa Mác – Lênin, tác giả vận dụng và kết hợp các phương pháp nghiên cứu
chuyên ngành và liên ngành.
Phương pháp chuyên ngành gồm Phương pháp lịch sử và phương pháp logic. Phương
pháp lịch sử được sử dụng nhằm tái hiện bức tranh sinh động về thực trạng chính sách của
Nga đối với các quốc gia khác trong SNG từ 1992 đến 2008. Còn phương pháp logic được
chúng tôi sử dụng để rút ra bản chất của vấn đề và phân tích những nhân tố quốc tế cũng
như khu vực tác động đến chính sách của Nga đối với SNG.
Phương pháp liên ngành: vì đối tượng nghiên cứu cụ thể là một nội dung của quan hệ
quốc tế nên luận văn còn vận dụng phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế nhằm tìm hiểu
các sự kiện, các vấn đề quốc tế; phương pháp khu vực học nghiên cứu mối quan hệ giữa



Liên bang Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập; đồng thời sử dụng các kiến thức của địa
– kinh tế, địa – văn hóa, địa – chính trị… nhằm hiểu rõ nguồn gốc chính sách của Liên bang
Nga đối với SNG.
Ngoài ra, các phương pháp nghiên cứu chung khác như tiếp cận hệ thống, phân tích, so
sánh, tổng hợp … và dự báo được sử dụng bổ trợ cho hai hệ thống phương pháp nghiên cứu
chủ yếu nêu trên.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn trình bày một cách tương đối đầy đủ có hệ thống và toàn diện về chính sách
của Liên bang Nga đối với SNG từ 1992 đến 2008, trong đó nhấn mạnh chính sách của Nga
đối với một số nước trong SNG có biến đổi trong quan hệ với Nga, cụ thể như Ukraina,
Gruzia. Qua đó, góp phần hình thành bức tranh toàn cục về chính sách của Liên bang Nga
đối với SNG sau Chiến tranh lạnh.
Mặt khác, thông qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi đưa ra dự đoán về chiều hướng phát
triển mối quan hệ giữa Nga và SNG trong tương lai.
Bên cạnh những đóng góp trên, tư liệu và kết quả nghiên cứu của luận văn có thể phục
vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy và những ai quan tâm đến Nga nói chung và
chính sách của Liên bang Nga đối với SNG nói riêng.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:


Chương 1: Chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập
dưới thời Tổng thống B.Yeltsin (1992 – 1999)



Chương 2: Chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập
dưới thời Tổng thống V. Putin (2000 – 2008)




Chương 3: Nhìn lại chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc gia
độc lập (1992 – 2008) – triển vọng quan hệ giữa Liên bang Nga với các thành viên
SNG.


Chương 1.
CHÍNH SÁCH CỦA LIÊN BANG NGA ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG CÁC
QUỐC GIA ĐỘC LẬP DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG
B. YELTSIN (1992 – 1999)
1.1. Những nhân tố cơ bản tác động đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của Liên
bang Nga trong thời kỳ Tổng thống Yeltsin (1992 – 1999)
1.1.1. Bối cảnh quốc tế
Tháng 12/1991, Liên Xô sụp đổ và cùng với sự kiện này là sự tan vỡ của hàng loạt các
nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng của thế kỷ XX, tác
động sâu sắc đến cục diện thế giới. Thế giới chấm dứt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cuộc chạy
đua vũ trang giữa hai phe đối đầu - xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ và
Liên Xô cũng kết thúc. Môi trường quốc tế này vừa tạo ra những cơ hội, vừa tạo ra những
thách thức đối với Liên bang Nga.
Trước hết, Chiến tranh lạnh kết thúc đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế.
Mặc dù trật tự thế giới mới sau Chiến tranh lạnh vẫn đang trong quá trình chuyển động
mạnh mẽ, song có thể thấy xu hướng đối thoại, hợp tác đang thay thế dần xu thế đối đầu
trước kia. Đây là điều kiện thuận lợi để Liên bang Nga với vị thế địa chính trị của một nước
lớn nhất thế giới nằm vắt ngang Âu – Á dễ dàng mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực
với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước tư bản chủ nghĩa. Từ đó có thể tận
dụng được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật hiện đại nhất của các nước tư bản chủ nghĩa phát
triển mà Liên bang Nga thiếu hụt phục vụ cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế – xã hội
để đạt mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, khẳng định lại vị thế
của Liên bang Nga trên trường quốc tế cho tương xứng với tiềm năng của Nga.
Thứ hai, sự chấm dứt trật tự thế giới hai cực đã đưa thế giới bước vào thời kỳ không ổn

định với một siêu cường còn lại giữ vai trò chủ đạo trong các công việc quốc tế. Tuy nhiên,
một trật tự thế giới mới được hình thành sẽ không hoàn toàn là thế giới một cực bởi vì thực
lực của Mỹ – siêu cường còn lại cũng suy yếu tương đối, trong khi vị thế của Tây Âu, Nhật
Bản ngày càng gia tăng cạnh tranh với Mỹ và sự trỗi dậy của một số nước đang phát triển
với vai trò độc lập hơn trong quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó cũng phải kể đến Nga với mong
muốn giành lại địa vị siêu cường kế thừa Liên Xô mà chỗ dựa chủ yếu là vũ khí hạt nhân.


Trong xu thế vận động của quan hệ quốc tế sau khi trật tự thế giới hai cực bị phá vỡ,
người ta thấy rõ Mỹ đang tìm cách điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại để ngăn chặn
sự suy giảm kinh tế và củng cố vai trò siêu cường của mình. Trong khi đó, một số nước tư
bản phát triển có tiềm lực cũng không chịu tụt hậu và đều đang tận dụng thời cơ nhằm mở
rộng phạm vi ảnh hưởng và nâng cao địa vị quốc tế. Tiêu biểu cho các nước này là Cộng
hòa Liên bang Đức và Nhật Bản – những cường quốc kinh tế và tiền tệ đang vươn lên mạnh
mẽ. Sự vươn lên của Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế và chính
trị được đánh giá là sự phát triển có ý nghĩa chiến lược và sâu sắc của thế giới trong thập kỷ
90 của thế kỷ XX. Những thương lượng kinh tế căng thẳng giữa Mỹ với hai nước này, cuộc
đấu tranh về vấn đề an ninh châu Âu làm xuất hiện xu thế châu Âu tách khỏi ảnh hưởng của
Mỹ, sự giành giật vai trò chủ đạo trong việc ổn định tình hình và cải tạo các nước hậu Xô
viết theo chuẩn mực phương Tây cho thấy tính gay gắt của mâu thuẫn và sự suy giảm ảnh
hưởng của Mỹ ở châu Âu. Các nước đang phát triển tiêu biểu như Trung Quốc, Ấn Độ –
những quốc gia lớn về lãnh thổ và dân số đang có những thành công trong lĩnh vực kinh tế
và cũng tìm cách vươn lên giữ vai trò nhất định trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là ở khu vực
châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, giai đoạn đầu sau khi Liên Xô tan rã, tương quan lực
lượng nghiêng hẳn về phía các nước tư bản phương Tây với ưu thế thuộc về Mỹ. Mỹ đã trở
thành siêu cường duy nhất trên thế giới xét về sức mạnh tổng hợp của quốc gia ở tất cả các
lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao. Giới cầm quyền Mỹ cũng như một số
nước Tây Âu vẫn coi Liên bang Nga là một trong những đối thủ lớn trong cuộc chạy đua
giành vị trí bá quyền thế giới. Mỹ và các nước phương Tây vẫn chú trọng đến tầm cỡ của

Nga với tư cách là nước kế thừa chủ yếu của Liên Xô. Vì vậy, các nước này sẵn sàng đặt
quan hệ ngoại giao với Nga với chính sách hai mặt vừa thân thiện, vừa kiềm chế. Trong
hoàn cảnh Liên Xô tan rã, nước Nga đang gặp rất nhiều khó khăn do đấu tranh chính trị giữa
các phe phái và khủng hoảng kinh tế trầm trọng cả về thể chế lẫn cơ cấu, Mỹ và các nước
phương Tây nhanh chóng thay đổi thái độ với Nga từ đối đầu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh
sang hòa bình, thân thiện với chủ trương duy trì một nước Nga tương đối ổn định không có
nội chiến lớn làm tan rã chính quyền có thể tạo ra làn sóng người tỵ nạn tràn vào các nước
Tây Âu gây mất ổn định ở đây. Bên cạnh đó, các nước này cũng tìm cách hạn chế ảnh
hưởng của Nga trong không gian hậu Xô viết với các kế hoạch Đông tiến của NATO và EU.
Riêng với Mỹ, việc hợp tác, giúp đỡ Nga trong hoàn cảnh này còn để đạt được mục đích


duy trì một nước Nga tương đối ổn định làm nhân tố quan trọng nhằm kiềm chế tham vọng
thống trị châu Âu của một số cường quốc Tây Âu, muốn cạnh tranh vai trò lãnh đạo của Mỹ
ở khu vực này. Tuy nhiên, Mỹ cũng hạn chế thế mạnh của Nga bằng cách giảm thiểu tiềm
lực hạt nhân của Nga, ngăn chặn rò rỉ nguyên liệu, kỹ thuật hạt nhân ở đây sang các nước
khác trên thế giới, nhất là tránh rơi vào tay các nước ở Trung Cận Đông và lực lượng khủng
bố quốc tế, cũng như thu hẹp phạm vi ảnh hưởng tại các khu vực truyền thống của Nga.
Bên cạnh những chuyển biến mang tính đột phá của quan hệ quốc tế, sự phát triển như
vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, sự tăng tốc của quá trình toàn cầu hóa, quốc
tế hóa – một xu thế khách quan có tác động nhiều mặt, ngày càng gia tăng và để lại hậu quả
rõ rệt đối với các nước, trong đó có Liên bang Nga.
Quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa gia tăng mạnh mẽ với sự phát triển lớn mạnh của
EU, Hiệp định buôn bán tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái
Bình Dương (APEC)… Điều này không chỉ làm thị trường thế giới mở rộng, lưu thông tiền
tệ, đầu tư trực tiếp nước ngoài trên quy mô toàn cầu gia tăng, quá trình chuyển giao khoa
học và công nghệ được thúc đẩy trên toàn cầu mà còn làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau
của các nước trên tất cả các lĩnh vực. Sự phụ thuộc đó thực sự đã mang tính chất toàn cầu và
làm cho hệ thống quan hệ quốc tế trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Xét một cách khách
quan, sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và quá trình toàn cầu hóa không chỉ đặt ra thách

thức mà còn tạo ra cơ hội để các nước, đặc biệt là những nước đang chuyển đổi như Liên
bang Nga có thể mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và khu vực trên thế giới, đẩy nhanh
sự phát triển kinh tế trong nước, giành lại vị thế siêu cường của mình.
Mặt khác, tuy Chiến tranh lạnh chấm dứt, song những mâu thuẫn sắc tộc, dân tộc, tôn
giáo lại bùng lên làm xuất hiện chủ nghĩa ly khai, thậm chí chủ nghĩa khủng bố. Đặc biệt,
quá trình phát triển tôn giáo, nhất là Hồi giáo đang được triển khai rộng khắp đã làm thay
đổi địa chính trị thế giới. Nổi bật nhất là phạm vi ảnh hưởng của Hồi giáo không chỉ ở
Trung Đông mà còn mở rộng ra vùng Trung Á – khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga,
vùng Kavkaz… Điều này tác động sâu sắc đến việc quyết định chính sách đối ngoại của
Nga trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và xác lập địa vị quốc tế của mình.
Tất cả những yếu tố trong bối cảnh quốc tế ở thập niên 90 của thế kỷ XX kể trên đã tạo
ra thời cơ, thách thức cũng như có tác động rất lớn trong việc hoạch định chính sách đối
ngoại của Nga trong những năm đầu thời kỳ hậu Xô viết.
1.1.2. Bối cảnh trong nước


Ngoài những tác động của bối cảnh quốc tế như đã nêu ở trên không thể bỏ qua việc xem
xét sự chi phối của các nhân tố bên trong đối với biến động trong chính sách đối ngoại của
Liên bang Nga trong thời kỳ này.
Liên bang Nga bước ra vũ đài quốc tế sau Chiến tranh lạnh với quy chế đặc biệt “Quốc
gia kế tục Liên Xô”. Liên bang Nga đã có những thuận lợi hơn hẳn các nước cộng hòa khác
trước đây thuộc Liên Xô. Ngoài việc được thừa hưởng vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng
bảo an Liên hợp quốc, Liên bang Nga còn được thừa hưởng phần lớn tiềm năng kinh tế,
khoa học, kỹ thuật và quân sự... . Đồng thời Liên bang Nga cũng đối mặt với hàng loạt khó
khăn trong nước.
Về chính trị, diễn biến tình hình chính trị sau khi Liên Xô sụp đổ vẫn mất ổn định và hết
sức phức tạp. Mâu thuẫn và đấu tranh quyền lực giữa các phe nhóm, đảng phái là đặc điểm
nổi bật ở Liên bang Nga. Trong đó, quyết liệt nhất là cuộc đấu tranh giữa lực lượng của
Tổng thống B.Yeltsin (chủ trương thiết lập thể chế nhà nước Cộng hoà Tổng thống) với lực
lượng do Phó Tổng thống A.Ruskoi và Chủ tịch Xô viết tối cao R.Khasbulatov đứng đầu

(chủ trương thiết lập thể chế Cộng hoà Nghị viện). Đỉnh cao của cuộc khủng hoảng quyền
lực diễn ra vào 9/1993, Tổng thống Yeltsin ra sắc lệnh đặc biệt về quyền hành đất nước,
đồng thời dùng vũ lực trấn áp sự chống đối của phe đối lập. Cuối cùng, phe Tổng thống
cũng đã giành thắng lợi, sau đó Hiến pháp năm 1993 được thông qua – đánh dấu sự ra đời
của chế độ chính trị mới ở Liên bang Nga – thể chế Cộng hoà Tổng thống. Tuy nhiên,
những lực lượng chính trị vẫn âm ỉ trong suốt nửa sau thập niên 90 của thế kỷ XX, trong đó
chủ yếu là mâu thuẫn giữa Quốc hội và Tổng thống về các vấn đề liên quan đến chính sách
đối nội, đối ngoại của Nga. Sự không ổn định về chính trị sẽ cản trở việc thực hiện thống
nhất và có hệ thống những đường lối, chính sách của Chính phủ Liên bang Nga trên nhiều
lĩnh vực, nhất là đường lối đối ngoại.
Về kinh tế, Liên Xô sụp đổ và sự xuất hiện của các quốc gia độc lập đã làm đảo lộn một
chỉnh thể thống nhất được xây dựng trong thời gian dài. Thêm vào đó, sự giải thể của Hội
đồng tương trợ kinh tế (SEV) mà Liên Xô là trụ cột đã phá vỡ các mối quan hệ kinh tế đối
ngoại quan trọng. Hơn nữa, mô hình quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung được hình thành
và tồn tại quá lâu trong thời kỳ Xô viết vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế Nga. Vì vậy, việc
phát triển kinh tế ở Liên bang Nga thời kỳ hậu Xô viết gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng
sản xuất trì trệ, thiếu hụt triền miên tư liệu sản xuất và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu


cầu trong nước như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Liên bang Nga thực sự có nguy
cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước phát triển ở châu Âu và trên thế giới.
Về xã hội, cuộc khủng hoảng sâu sắc trên các lĩnh vực và sự sụp đổ của Liên Xô thực sự
đã tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần, tạo nên sự phân hóa sâu sắc thái độ, tư tưởng
của người dân. Nhìn chung, người dân đã mất dần niềm tin vào những người lãnh đạo đất
nước, vào thể chế nhà nước. Giới trẻ, đặc biệt là những trí thức trẻ rất háo hức trông chờ sự
biến đổi của Liên bang Nga. Bên cạnh đó, đa số những người cao tuổi từng sống và làm việc
ở thời kỳ Liên Xô, đã quá quen với cơ chế quản lý, phương thức làm việc cũ lại tỏ ra buồn
phiền và tiếc nuối kỷ nguyên Xô viết. Mặt khác, cùng với sự mất ổn định chính trị, các
khoảng trống pháp luật đã làm cho tình trạng tội phạm, bạo lực ngày càng gia tăng. Điều
này kết hợp với thu nhập giảm sút, lo sợ trước tương lai không thể định hướng đã làm tâm

lý xã hội căng thẳng với mức độ trầm uất cá nhân tăng cao. Xã hội Liên bang Nga rơi vào
tình trạng mất niềm tin và phương hướng vào tương lai. Ngoài ra, Liên bang Nga là quốc
gia rộng lớn, đa dân tộc với lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng, để duy trì một trật tự xã hội
ổn định trên toàn Liên bang sau hàng loạt những biến động chính trị, xã hội cuối thập niên
80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX là hết sức khó khăn. Các mâu thuẫn chủ yếu về dân tộc,
sắc tộc, tôn giáo… sẽ là nguy cơ tiềm ẩn để chủ nghĩa ly khai xuất hiện và ảnh hưởng trực
tiếp đến an ninh, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga.
Trong lĩnh vực an ninh quốc gia và đối ngoại, Liên bang Nga đang đối mặt với những
nguy cơ cả bên trong lẫn bên ngoài. Nguy cơ bên ngoài đến từ ba hướng: hướng Tây,
NATO có xu hướng mở rộng sang phía Đông, áp sát biên giới Nga; hướng Đông, Nhật Bản
với quần đảo Kuril và sự mở rộng Liên minh quân sự Mỹ – Nhật và hướng Nam, khu vực
Kavkaz và Trung Á luôn bất ổn. Nguy cơ bên trong là chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng
bố, nổi cộm là vấn đề Chesnhia. Nguy cơ thứ ba là nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới sau Chiến tranh lạnh, Liên bang Nga không có kẻ thù công khai và
trực tiếp, nhưng cũng không có đồng minh. Các nước Đông Âu XHCN trước đây có xu
hướng ngã theo phương Tây còn Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thì chỉ là một liên
minh lỏng lẽo, “hữu danh vô thực”. Nước Nga hầu như đứng tách biệt khỏi xu thế khu vực
hóa, quốc tế hóa, toàn cầu hóa sau Chiến tranh lạnh.
Như vậy, Liên bang Nga ra đời trong bối cảnh trong nước và quốc tế phức tạp, điều này
đặt ra cho chính quyền của Tổng thống B.Yeltsin đứng trước những vấn đề nan giải trong
việc hoạch định và thực thi chính sách đối nội, đối ngoại thật khôn khéo để đưa nước Nga


sớm thoát ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình chính trị trong nước, khôi phục lại vị thế
của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
1.2. Vị trí của Cộng đồng các quốc gia độc lập trong chính sách đối ngoại của Yeltsin
(1992 – 1999)
Cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ XX, thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng sâu
sắc trong hệ thống XHCN Đông Âu và hậu quả là sự sụp đổ của chế độ chính trị ở các nước
này và sự tan rã của Liên Xô. Ngay sau đó, các mảnh vỡ của Liên Xô đã tập hợp nhau lại để

tạo nên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Ngày 8/12/1991, các nhà lãnh đạo Nga,
Ukraina và Belarus gặp mặt tại Belavezhskaya Pushcha để đưa ra tuyên bố Liên bang Xô
viết đã bị giải tán. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, SNG đã chính thức ra đời vào ngày
21/12/1991 với 11 thành viên gồm: Azerbaizan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan,
Moldova, Liên bang Nga, Tadjikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, và Ukraina. Gruzia gia
nhập muộn nhất: hai năm sau đó. Mục đích của SNG là điều phối sự hợp tác giữa các quốc
gia “anh em” sau cú sốc Liên Xô sụp đổ, chia sẻ lợi ích, những giá trị chung, cùng giúp đỡ
nhau phát triển.
Toàn bộ lãnh thổ của các quốc gia thuộc SNG nằm gọn trong diện tích Liên bang Xô viết
trước kia. Song, SNG không phải là tổ chức kế thừa trực tiếp Liên bang Xô viết. SNG là
một cộng đồng mới của các cơ cấu kinh tế và chính trị đôc lập, mà quá trình hình thành
những cơ cấu này chỉ mới bắt đầu. Cộng đồng không phải là một quốc gia, nó không có
ngân sách thống nhất và quốc tịch chung như Liên Xô. Cộng đồng này phi tập trung hóa
quyền lực, mỗi thành viên là những chủ thể pháp lý quốc tế, có quyền đặt quan hệ với các
nước, các tổ chức khu vực trên thế giới.
Giai đoạn đầu tiên khi mới thành lập, SNG không hề tồn tại dưới bất cứ cơ cấu, thể chế
thực sự nào. Sau tám tháng đầu tiên tồn tại (đến mùa thu 1992), trong rất nhiều quyết định
được Cộng đồng thông qua, chỉ có 1% được thực hiện. Hầu hết các nước đều lâm vào khủng
hoảng trầm trọng. Xu thế ly tâm đã trở nên phổ biến ở hầu hết thành viên SNG trong giai
đoạn này. Thay vì phối hợp hành động để hợp tác, thoát khỏi khủng hoảng, bảo đảm an ninh
quốc gia… các nước SNG lại bất đồng sâu sắc với nhau về chia tài sản liên bang, nợ liên
bang, tranh chấp lãnh thổ, dựng lên hàng rào thuế quan, phong tỏa nhau về kinh tế… Không
ít nước thành viên SNG, kể cả Nga có xu hướng “hướng ngoại”, hy vọng sự giúp đỡ bên
ngoài để thoát khỏi tình cảnh khó khăn trong nước.


Từ năm 1994, khi quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây không đạt được kết quả như
mong muốn và trong tình hình Mỹ, NATO, các nước phương Tây đang mở rộng ảnh hưởng
về phía Đông và cụ thể hơn là các nước trước đây là đồng minh của Nga thời Xô viết, ban
lãnh đạo Nga dần điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình. Nga cần có một chính sách

đối ngoại cho phép bảo đảm hòa bình, an ninh ở các vùng biên giới, tránh được sự cô lập
quốc tế để bảo vệ lợi ích của Nga ở những khu vực có ý nghĩa sống còn đối với mình. Trong
bối cảnh địa chính trị mới, Nga không thể trở thành cường quốc thực sự nếu không có đồng
minh, trước tiên là các đồng minh trong không gian Xô viết cũ. Để có được vị thế xứng
đáng trên trường quốc tế, trước hết Liên bang Nga phải xác lập được vị thế cường quốc
trong SNG. Xét về lợi ích địa chính trị, có thể nói các lợi ích của Nga vượt ra ngoài biên
giới nước Nga, gắn liền trước tiên với việc bảo đảm an ninh quốc gia. Vì thế, ban lãnh đạo
Nga đã xác định Nga có ba vòng đai lợi ích địa chính trị: một là, các nước Cộng hòa Liên
Xô cũ; hai là, các nước Đông Âu; ba là, các nước ngoài khác. Lợi ích sống còn của Nga đòi
hỏi nước Nga phải có cách nhìn khác đối với SNG. An ninh của Nga không thể đảm bảo
nếu an ninh các nước SNG không được đảm bảo hoặc các nước SNG phân tán, chia rẽ, xung
đột, vì đó là cơ hội cho các thế lực khác từ bên ngoài thâm nhập, lôi kéo từng nước đi theo
họ. Bởi vì, các nước SNG có vị trí ở phía Đông châu Âu và phía Tây Nam châu Á và đặc
biệt có đường biên giới chung với Nga, tạo thành một hành lang bảo vệ biên giới phía Tây
cho nước Nga. Vì thế, từ năm 1994 – 1999, Tổng thống B.Yeltsin đã thay đổi chiến lược đối
ngoại từ “định hướng Đại Tây Dương” sang “chiến lược Âu – Á”, cân bằng các mối quan hệ
với cả phương Tây, phương Đông lẫn phương Nam. Trong đó, các nước SNG được đưa lên
vị trí ưu tiên hàng đầu.
1.3. Chính sách của Liên bang Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập dưới thời
Tổng thống B.Yeltsin từ (1992 – 1999)
Để đưa nước Nga thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và tiếp tục duy trì vai trò cường
quốc trên trường quốc tế, ban lãnh đạo Nga đã phác họa đường hướng phát triển của nước
Nga với các mục tiêu chiến lược tổng quát như sau: một là, ổn định và phát triển nền kinh tế
thị trường trên cơ sở tư nhân hóa; hai là, ổn định tình hình chính trị – xã hội trong nước, xây
dựng một thể chế chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng và dân chủ hóa mô thức phương
Tây; ba là, giữ vững tiềm lực quân sự vốn có, trên cơ sở đó củng cố vị trí, vai trò cường
quốc của Nga trên trường quốc tế

[9, tr.104].



Căn cứ vào các mục tiêu chiến lược có tính định hướng trên, chính sách đối ngoại của
Nga được hoạch định và điều chỉnh thông qua thực tiễn hoạt động đối ngoại.
Nhìn chung, Liên bang Nga chủ trương từ bỏ ý thức hệ trong quan hệ quốc tế, thiết lập
quan hệ đối ngoại kiểu mới với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở hợp tác, đối tác theo
nguyên tắc hai bên cùng có lợi, hay nói một cách khác là “tối thiểu tư tưởng, tối đa lợi ích,
ưu tiên trước hết cho lợi ích quốc gia – dân tộc” [9, tr.104].
Trên thực tế có thể thấy rõ đặc điểm nổi bật của chính sách đối ngoại Nga trong những
năm 1991 – 1993 là đặt trọng tâm vào việc xây dựng các mối quan hệ với các nước phương
Tây, trước hết là Mỹ và các nước phát triển Tây Âu. Do vậy, chính sách đối ngoại của Nga
trong những năm này được khái quát bằng thuật ngữ “Chính sách đối ngoại định hướng Đại
Tây Dương”. Ban lãnh đạo Nga khẳng định, tuy tiếp nhận quy chế là “quốc gia kế tục Liên
Xô” trên trường quốc tế, song Liên bang Nga không phải là Liên Xô; Liên bang Nga không
có lợi ích đối nghịch với các nước phương Tây, mà có những quan niệm giá trị chung, có
“mẫu số chung” về dân chủ, tự do, kinh tế thị trường. Hơn nữa, xét về mọi phương diện lịch
sử, văn hóa, địa – chính trị, địa kinh tế, nước Nga là một bộ phận không thể chia cắt của
châu Âu, vì vậy sự phát triển của “nước Nga mới” không thể tách rời sự phát triển của châu
Âu [9, tr.105]. Xuất phát từ những quan niệm trên, trong những năm đầu sau khi Liên Xô
tan rã, ban lãnh đạo Nga đã khai thác nhiều khả năng, thực hiện nhiều biện pháp, kể cả
nhượng bộ và thỏa hiệp vô điều kiện nhằm đạt được mục tiêu đưa Nga hòa nhập thế giới
phương Tây. Vị thế yếu ớt của Nga được thể hiện rõ, khi lãnh đạo Nga lúc đó thực hiện các
hành động đối ngoại có tính thỏa hiệp, nhượng bộ các nước phương Tây và Mỹ mà không
đòi hỏi một sự cam kết xứng đáng nào từ phía họ, chẳng hạn như: trong một ký kết trong
chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 6/1992, Tổng thống B.Yeltsin đã tuyên bố: “Nga và Hoa Kỳ
không coi nhau như kẻ thù tiềm năng”. Tháng 1/1993, Giữa Liên bang Nga và Mỹ đã ký
một thỏa thuận mới về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (START 2), theo đó đến năm
2003, cả hai nước phải đạt được thỏa thuận giảm 2/3 vũ khí hạt nhân so với mức quy định
của hiệp ước START 1; Nga đã hỗ trợ Mỹ trừng phạt kinh tế chống lại Iraq, tham gia các
biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế đối với Nam Tư… hành động đối ngoại thỏa hiệp của
Nga chỉ với hy vọng nhận được nguồn viện trợ lớn từ Mỹ và phương Tây.

Sau mấy năm thực hiện “Chính sách đối ngoại định hướng Đại Tây Dương”, những kết
quả đạt được quá ít ỏi. Thành công đáng kể nhất là Nga được kết nạp vào Quỹ tiền tệ quốc
tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (IBRD), thiết


lập quan hệ với G7… nhờ đó nhận được một khoản tín dụng và viện trợ tài chính nhất định.
Nhìn chung, nước Nga khi đó vẫn còn đứng ngoài lề quá trình liên kết kinh tế sôi động ở cả
hướng Tây lẫn hướng Đông và cũng chưa tìm được chỗ đứng trong các tổ chức chính trị,
quân sự quan trọng khác do các nước phương Tây lập ra thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nước
Nga hầu như bị cô lập hoàn toàn. Mỹ và các nước phương Tây không coi Nga là kẻ thù,
song cũng không coi Nga là bạn bè đồng minh, thậm chí không coi Nga là đối tác bình đẳng
trong các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hơn nữa, đường lối nhượng
bộ và thỏa hiệp phương Tây đã làm Nga mất đi vai trò của một trong những nước chủ yếu
quyết định quá trình sắp xếp lại lực lượng ở châu Âu thời kỳ “hậu Liên Xô”. Kết quả là các
nước phương Tây hiển nhiên giành được quyền xác định xu hướng, tính chất, nhịp độ của
quá trình đó. Thực chất Mỹ và các nước phương Tây thực hiện chính sách hai mặt vừa hợp
tác, vừa kiềm chế – đối với Liên bang Nga sau Chiến tranh lạnh. Mặt khác, để sớm cải thiện
quan hệ với Mỹ và đồng minh của Mỹ, Nga phải tiến hành cải cách nóng vội, thiếu các tiền
đề vật chất cũng như tư tưởng cần thiết. Điều này càng đẩy nước Nga vào cuộc khủng
hoảng trầm trọng hơn. Tình trạng thất nghiệp, lạm phát tăng nhanh, các cuộc đấu tranh
giành quyền lực giữa các phe phái chính trị bùng nổ… những tệ nạn này khiến người dân
Nga bất bình. Một làn sóng phản đối chính sách thân phương Tây dấy lên. Đường lối đối
ngoại của giới lãnh đạo Nga đã không tạo được sự đồng tình trong nước. Nhà nước Nga
đang dần được phục hồi, giới chính trị Nga muốn nhìn thấy Nga là một cường quốc, được
tôn trọng trong các vấn đề quốc tế chứ không phải chỉ là một cái “bóng” của Mỹ và phương
Tây.
Một điều đáng nói nữa là, ở thời kỳ này, do các nhà lãnh đạo Nga quá chú trọng vào
quan hệ với phương Tây nên chưa có những chính sách tích cực với những khu vực khác
trên thế giới như: châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và đặc biệt là các nước thuộc SNG.
Đối với các nước thuộc Liên Xô cũ, Nga thực hiện chính sách “thoát li”, nghĩa là không can

thiệp trước mọi vấn đề xảy ra ở các nước này, thả nổi quyền lợi chính trị ở đây cho Mỹ và
các nước Tây Âu. Điều đó đúng với mong muốn của Mỹ đang tìm cách lôi kéo các nước
này hội nhập với thế giới phương Tây để uy hiếp, cô lập Nga, ngăn chặn sự thành lập liên
minh giữa các nước này.
Những bài học thất bại cay đắng của chính sách đối ngoại phiến diện, chứa đầy ảo tưởng
về thế giới phương Tây những năm đầu thập niên 1990 đã thức tỉnh ban lãnh đạo Nga. Bắt
đầu từ năm 1994, chính sách đối ngoại của Nga không chỉ tập trung vào phương Tây mà


còn có những biện pháp tích cực nhằm khôi phục lại ảnh hưởng của Liên Xô trước đây, đặc
biệt ở các nước SNG. Nga tăng cường quan hệ với các nước này để khôi phục lại ảnh hưởng
của mình ở đó. Đồng thời, quan hệ này giúp Nga khắc phục được sự lệ thuộc quá lớn vào
phương Tây, giúp Nga đảm bảo an ninh quốc gia và vị trí trên trường quốc tế.
Có thể nói, từ năm 1994, Nga đã bắt đầu có những điều chỉnh quan trọng, căn bản, có
tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại. Nội dung bao trùm của quá trình điều chỉnh đó
là lấy “định hướng Âu – Á” thay cho “định hướng Đại Tây Dương”. Sự khẳng định chính
sách đối ngoại mới của Nga được Tổng thống Yeltsin nhấn mạnh trong thông điệp Liên
bang đọc trước Đuma quốc gia ngày 24/2/1994: “Chúng ta phải chấm dứt những sự nhượng
bộ đã trở thành một thói quen xấu… Nước Nga không phải là một vị khách ở châu Âu mà là
một nước tham gia đầy đủ vào Cộng đồng châu Âu và có quyền được hưởng phúc lợi của
Cộng đồng. Chúng ta sẽ xuất phát từ tiền đề này…” [9, tr.107].
Lúc này, sự thống nhất của Nhà nước Liên bang Nga được giữ vững nên Nga nhận thấy
lợi ích của các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) không thể tách rời khỏi
lợi ích của Nga. Việc Mỹ tranh thủ sự xa rời của Nga đối với các nước này trong thời kỳ đầu
để tìm cách lôi kéo họ đi theo Mỹ, hòng cô lập Nga đã uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh
quốc gia của Nga. Do vậy, Liên bang Nga thấy rằng cần xác lập lại vị trí của mình trong
phạm vi những biên giới mới, thiết lập quan hệ với các nước trước đây hầu như là một bộ
phận cấu thành và xác định những lợi ích quốc gia mới của mình. Trong đường lối đối
ngoại, Nga đã thay đổi thái độ thoát li khỏi các nước SNG trong thời kỳ đầu sau khi Liên Xô
tan rã bằng tuyên bố: “Nga có trách nhiệm đặc biệt đối với khu vực thuộc Liên Xô trước đây

và có lợi ích đặc biệt ở Đông Âu. Lực lượng vũ trang Nga có thể lập căn cứ quân sự ở khu
vực thuộc Liên Xô cũ, chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh toàn khu vực” [109, tr.3]. Như vậy,
sau một thời gian tạm rút lui, Nga đã bắt đầu lên tiếng khẳng định vị trí của mình. Tháng
02/1995, Tổng thống B.Yeltsin đã nêu lên một cách toàn diện các mục tiêu chiến lược đối
ngoại của Nga và chỉ rõ mục tiêu hàng đầu là tăng cường nhất thể hóa về kinh tế, chính trị,
quân sự với các nước SNG; còn với Mỹ và các nước phương Tây chỉ còn là quan hệ bạn bè
bình đẳng. Tổng thống Yeltsin cũng yêu cầu Mỹ công nhận vị trí đặc biệt của Nga trong khu
vực Liên Xô trước đây và phản đối Mỹ đơn phương can thiệp vào việc duy trì hòa bình trên
phần lãnh thổ Liên Xô cũ.
Với lập trường như vậy, có thể nói rằng chính sách ngoại giao của Nga đã chuyển từ
đường lối thân phương Tây sang mục tiêu “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu”, đặc biệt từ khi


E.Primacov lên làm ngoại trưởng, đường lối đối ngoại của Nga ngày càng cứng rắn hơn.
Primacov đã khẳng định một số nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga và gọi
đó là chính sách “ngoại giao đa phương”, “ngoại giao tích cực”: thứ nhất, tạo những điều
kiện đối ngoại tốt nhất, thuận lợi nhất cho việc củng cố toàn vẹn lãnh thổ Nga; thứ hai, củng
cố các xu thế hướng tâm, liên kết trên lãnh thổ Liên Xô cũ, loại trừ khả năng để bất cứ thế
lực bên ngoài nào chia rẽ Nga và các nước SNG vì mục đích trên; thứ ba, phát triển các mối
quan hệ có hiệu quả giữa các quốc gia, ngăn chặn sự hình thành các lò lửa căng thẳng mới”
[22, tr.32].
Chính sách đối ngoại của Nga tiếp tục được thể hiện trong “Học thuyết an ninh quốc gia
của Liên bang Nga” được thông qua vào tháng 12/1997. Học thuyết nêu rõ, để bảo vệ quyền
lợi dân tộc trên trường quốc tế, Nga sẽ tiến hành đường lối đối ngoại tích cực, củng cố vị trí
cường quốc của mình, tăng cường liên kết với các nước SNG…
Trong chính sách đối ngoại của Nga, các nước SNG luôn ở vị trí ưu tiên hàng đầu, điều
này không chỉ vì lợi ích an ninh quốc gia, kinh tế mà còn góp phần đảm bảo các quyền công
dân cho khoảng 25 triệu người Nga vẫn đang sinh sống và làm việc ở các nước SNG.
Tháng 9/1995, Tổng thống Yeltsin cho phổ biến một văn kiện chính thức về chính sách
của Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập như sau: mục tiêu chính trong chính sách

của Nga đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập là thành lập một Liên hiệp các quốc gia
hợp nhất về kinh tế và chính trị, có khả năng đòi cho mình một vị trí xứng đáng trong cộng
đồng thế giới… để củng cố, nước Nga được coi như lực lượng chủ đạo trong việc hình
thành một hệ thống mới về quan hệ kinh tế – chính trị giữa các quốc gia trên lãnh thổ của
không gian hậu Xô viết. Liên bang Nga cũng yêu cầu phải tăng cường các mối quan hệ
chính trị – quân sự giữa Nga và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, thành lập
một Bộ chỉ huy quân sự chung, lực lượng vũ trang các nước thuộc Cộng đồng này phải liên
kết bằng một hiệp ước chính thức, và đường biên giới “phía ngoài” của Cộng đồng phải đặt
dưới sự kiểm soát tập trung của Nga và lực lượng vũ trang phải có vai trò quyết định trong
các hoạt động gìn giữ hòa bình bên trong Cộng đồng. Đồng thời, Nga cũng đòi hỏi một
chính sách đối ngoại chung phải được xây dựng trong Cộng đồng, các cơ quan chủ yếu của
Cộng đồng phải đặt tại Moscow và Tổng thống Nga sẽ chủ tọa các cuộc họp thượng đỉnh
của Cộng đồng.
Văn kiện tháng 9/1995 còn tuyên bố: “Phải bảo đảm hoạt động của truyền hình và phát
thanh Nga trong các “nước ngoài gần”, phải hỗ trợ việc phát hành rộng rãi báo chí Nga


trong vùng và nước Nga phải đào tạo cán bộ cho các nước thuộc Cộng đồng”. Đồng thời,
“Phải đặc biệt chú ý đến việc khôi phục vị thế của nước Nga là trung tâm giáo dục chủ yếu
trên lãnh thổ của không gian hậu Xô viết, luôn ghi nhớ sự cần thiết phải giáo dục thế hệ trẻ
trong các nước thuộc Cộng đồng, trong tinh thần hữu nghị của Nga” [ 19, tr.124].
Trong năm 1995, Nga đã kí với các nước SNG một loạt các hiệp ước đa phương: Hiệp
ước xây dựng Khu vực mậu dịch tự do, Hiệp ước về Liên minh thuế quan, Hiệp ước về
thành lập Hội đồng kinh tế quốc gia, ngân hàng chung… nhưng trên thực tế không thực hiện
được. Chính người Nga hiểu ra rằng trách nhiệm này trước tiên thuộc về họ. Liên Bang Nga
là nước lớn nhất trong Cộng đồng các nước SNG. Nga phải có những hành động thiết thực
hơn, mạnh mẽ hơn để thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia này phát triển lên một tầm cao
mới. [16, tr.266]
Vào những năm cuối của thập niên 90, người Nga đã chủ động hơn trong việc xây dựng
mối quan hệ với các nước SNG. Năm 1998, tại Moscow diễn ra cuộc họp cấp cao thường kỳ

SNG với sự tham gia của nguyên thủ các nước thành viên. Tuy đã có sự thay đổi về quan
điểm của Nga nhưng vấn đề căn bản trong quan hệ kinh tế Nga – SNG vẫn chưa tập trung,
chưa tạo được không gian kinh tế thống nhất. Mặc dù không thể phủ nhận rằng, mối quan hệ
về kinh tế giữa Nga và các nước SNG đã tiến triển tích cực hơn so với thời kỳ 1991 – 1993
nhưng nhiệm vụ hợp tác toàn diện trong tổ chức SNG chưa đạt được hiệu quả là mấy. Mối
quan hệ Nga – SNG còn bộc lộ nhiều nhược điểm không thể giải quyết trong một sớm một
chiều. Đó cũng chính là vấn đề đặt ra cho mối quan hệ này ở giai đoạn sau.
Trong lĩnh vực quân sự, theo như hiệp định đã được kí kết năm 1992 (đến năm 1999 còn
6 thành viên Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tadjikistan) [16, tr.217]. Nga
có trách nhiệm tham gia bảo vệ biên giới của tất cả các nước SNG. Thời điểm này 6 thành
viên hoạt động trên lĩnh vực an ninh rất hiệu quả. Biên giới SNG nói chung, đặc biệt là biên
giới giáp với Afganistan được kiểm soát nghiêm ngặt. Tổng thống B.Yeltsin quyết định sử
dụng tất cả nhân lực và vật lực không chậm trễ, viện trợ cả kỹ thuật lẫn quân sự để duy trì
ổn định cho khu vực vành đai phía Nam SNG. Tuy nhiên, ngay tại “sân nhà” của mình Nga
cũng gặp trở ngại bởi Mỹ và phương Tây luôn tìm cách lôi kéo các nước SNG vào quỹ đạo
của họ.
Tháng 01/1996, trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng ngoại giao,
E.Primacov cho biết ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga vẫn là
các nước SNG. Tổng thống Kazakhstan đưa ra ý tưởng thành lập Liên minh Âu – Á. Đây là


cơ sở để phát triển mối quan hệ lâu dài trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự giữa
Nga và SNG. Hoạt động có giá trị trong quan hệ Nga – SNG là mối quan hệ chính trị giữa
Nga và Belarus. Ngày 01/7/1997, Tổng thống B.Yeltsin và người đồng nhiệm là Tổng thống
A.Lukashenko ký tắt 3 hiệp định: Hiệp ước về liên minh Nga – Belarus; Điều lệ liên minh
Belarus; Bị vong lục về hiểu biết lẫn nhau giữa Nga và Belarus. Tuy nhiên, các văn kiện vẫn
chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Như vậy, dù đã có những tiến triển nhất định nhưng trên thực tế mối quan hệ giữa Nga
và các nước SNG chưa có gì gọi là khởi sắc dù cho, Liên bang Nga vẫn luôn coi trọng và
đặt mối quan hệ với các quốc gia này lên hàng đầu. Có nhiều lý do, song một trong những lý

do quan trọng là Tổng thống B.Yeltsin ít thực hiện các chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa
nguyên thủ quốc gia Nga và các nước lân cận để bàn bạc, tìm cách giải quyết kịp thời những
vấn đề lớn trong quan hệ song phương giữa Nga với từng quốc gia SNG cũng như quan hệ
đa phương trong khuôn khổ SNG.
1.4. Chính sách của Liên bang Nga đối với một số nước thuộc SNG dưới thời Tổng
thống Yeltsin (1992 – 1999)
Trong thời kỳ Liên Xô, nước Nga có vai trò như một người “anh cả”, là “đầu tàu” của
các nước còn lại trong Liên bang Xô viết. Khi Liên Xô sụp đổ và SNG được thành lập thì
khoảng “không gian hậu Xô viết” được người Nga coi là khu vực an ninh chiến lược, là
vùng đệm của Nga đối với thế giới. Tuy nhiên, khi trở thành một chủ thể độc lập thì mỗi
thành viên trong SNG lại có những tính toán riêng để đem lại lợi ích cho quốc gia. Mặt
khác, do tình hình quốc tế sau Chiến tranh lạnh đã thay đổi, Mỹ và phương Tây đã can thiệp
ngày càng sâu vào không gian hậu Xô viết và Nga cũng không còn mạnh như Liên Xô trước
đây. Vì vậy, nếu xét từ góc độ quan hệ với Nga thì trong nội bộ các nước SNG đã có sự chia
rẽ, một số nước “thân thiết” với Nga, ủng hộ Nga trong nhiều vấn đề mà điển hình là
Belarus; một số nước có xu hướng ngã theo Mỹ và phương Tây, thi hành chính sách không
hữu nghị, thậm chí thù địch với Nga như Ukraina và Gruzia; một số nước có lập trường
không ổn định ban đầu ngã theo phương Tây nhưng sau đó lại trở về là đồng minh của
Nga… Tình hình đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo Nga phải lựa chọn những chính sách phù hợp
để không mất đi vùng ảnh hưởng truyền thống của mình.
1.4.1. Đối với Belarus
Do sự gắn kết về lịch sử, dân tộc, tôn giáo, Belarus là nước có quan hệ hữu hảo nhất đối
với Nga, hai nước đã có sự hợp tác qua lại cả về quân sự lẫn kinh tế. Trong bài báo của Phó


×