Tải bản đầy đủ (.pdf) (129 trang)

chính sách năng lượng của liên bang nga đối với các nước khu vực trung á dưới thời tổng thống v putin (2000 2008)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.43 MB, 129 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Đỗ Thị Minh Trang

CHÍNH SÁCH NĂNG LƯỢNG CỦA LIÊN BANG NGA
ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC KHU VỰC TRUNG Á
DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG V.PUTIN (2000-2008)

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2011


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Đỗ Thị Minh Trang

CHÍNH SÁCH NĂNG LƯỢNG CỦA LIÊN BANG NGA
ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC KHU VỰC TRUNG Á
DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG V.PUTIN (2000-2008)
Chuyên ngành: Lịch sử thế giới
Mã số: 60 22 50

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. NGÔ MINH OANH

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2011




2

LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình hoàn thành luận văn tôi đã gặp không ít khó khăn nhưng
bên cạnh đó tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ thầy cô, cha mẹ, bạn bè và
đồng nghiệp...
Tôi xin chân thành gởi lời cảm ơn trước tiên đến người hướng dẫn là
PGS.TS. Ngô Minh Oanh – người đã hướng dẫn rất nhiệt tình cho tôi trong quá
trình làm luận văn
Tôi cũng xin cảm ơn cha mẹ và các anh chị khóa 20 Cao học ngành Lịch sử
thế giới đã đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện để tôi hoàn thành luận văn.
Tôi cũng xin cảm ơn bạn Châu Thanh Phương đã hết sức giúp đỡ tôi trong
quá trình làm luận văn.
Xin chân thành cảm ơn!

Học viên
Đỗ Thị Minh Trang


3

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 5
1. Lý do chọn đề tài ................................................................................................... 5
2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................................ 8
3. Phạm vi nghiên cứu ............................................................................................. 10
4. Phương pháp nghiên cứu.................................................................................... 10
5. Đóng góp của đề tài ............................................................................................. 11

6. Bố cục đề tài ......................................................................................................... 11
CHƯƠNG 1: LIÊN BANG NGA VÀ KHU VỰC TRUNG Á............................. 12
1.1. Vị trí địa-chính trị của các nước Trung Á ..................................................... 12
1.2. Trung Á-khu vực khu vực ảnh hưởng truyền thống của Liên bang Nga ... 16
1.3. Liên bang Nga và chính sách năng lượng đối với các nước khu vực Trung
Á trong những năm 1991-1999............................................................................... 20
1.3.1. Tiềm năng năng lượng của các nước Cộng hòa Trung Á ............................ 20
1.3.2. Chính sách năng lượng của Liên bang Nga đối với các nước khu vực Trung
Á trong những năm 1991-1999 ................................................................................. 27
TIỂU KẾT................................................................................................................ 35
CHƯƠNG 2: CHÍNH SÁCH NĂNG LƯỢNG CỦA LIÊN BANG NGA ĐỐI
VỚI CÁC NƯỚC KHU VỰC TRUNG Á DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG
V.PUTIN (2000-2008) ............................................................................................. 38
2.1. Chính sách năng lượng của Nga ..................................................................... 38
2.1.1. Tầm quan trọng của vấn đề năng lượng đối với Liên bang Nga .................. 38
2.1.2. Con đường trở thành “cường quốc năng lượng” của Liên bang Nga .......... 42
2.2. Đặc điểm “chính sách năng lượng” của Liên bang Nga đối với các nước
khu vực Trung Á dưới thời Tổng thống V.Putin (2000-2008) ............................ 46
2.3. Con đường và phương thức thực hiện chính sách năng lượng của Nga đối
với khu vực Trung Á ............................................................................................... 49
2.3.1. Tăng cường sự liên kết về an ninh và kinh tế trong khu vực ....................... 49
2.3.2. Sự tăng cường các hoạt động quân sự .......................................................... 53


4

2.3.4. Các con đường và phương thức hợp tác khác .............................................. 63
2.3.4.1. Công ty dầu khí - những cánh tay đắc lực và những dự án đầu tư.. ...... 63
2.3.4.2. Các đường ống dẫn dầu khí ở Trung Á và những hợp đồng năng
lượng…………………………………………………………………………………….76

2.4. Tác động của “chính sách năng lượng” ở Trung Á đối với Nga.................. 82
TIỂU KẾT................................................................................................................ 87
CHƯƠNG 3: ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT CHÍNH SÁCH NĂNG LƯỢNG CỦA
LIÊN BANG NGA DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG V.PUTIN VÀ TRIỂN VỌNG
CHÍNH SÁCH NĂNG LƯỢNG CỦA NGA ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC KHU VỰC
TRUNG Á ................................................................................................................ 91
3.1. Một vài nhận xét, đánh giá về chính sách năng lượng của Nga đối với
Trung Á .................................................................................................................... 91
3.2. Những yếu tố thách thức chính sách năng lượng của Liên bang Nga ở khu
vực Trung Á ............................................................................................................. 95
3.3. Triển vọng về mối quan hệ năng lượng giữa Liên bang Nga và các nước
khu vực Trung Á ................................................................................................... 103
TIỂU KẾT.............................................................................................................. 109
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 111
PHỤ LỤC ............................................................................................................... 115
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 124


5

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong nhiều thế kỉ, con người thu được năng lượng cần thiết từ sức lao động
thủ công, từ lửa và từ sức kéo động vật, sau đó sức kéo được khai thác qua các cối
xay gió và quạt gió, và dòng chảy của nước được sử dụng làm quay các cối xay
nước. Ngày nay năng lượng cần thiết đối với con người có phần phức tạp hơn,
trong đó dầu mỏ và khí tự nhiên cung cấp khoảng 2/3 năng lượng được sử dụng
trên toàn thế giới.
Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc trong World Energy Assessmnet
Overview (2004 Update) 1, tổng dự trữ năng lượng hóa thạch đã xác minh trên toàn

thế giới cho tới hiện nay là 778 Gtoe 2, trong đó dầu mỏ là 143 Gtoe, khí thiên
nhiên là 138 Gtoe và than là 566 Gtoe. Như vậy, nếu mức khai thác và sử dụng của
năm 2001 là dầu mỏ 3,51 Gtoe/năm, khí thiên nhiên 2,16 Gtoe/năm… thì lượng tài
nguyên hóa thạch này chỉ đủ dùng trong 41 năm đối với dầu mỏ, 64 năm đối với
khí thiên nhiên… Hệ quả là, nếu không được phát hiện thêm thì ngay trong thế kỉ
21, dầu mỏ và khí thiên nhiên sẽ không còn giữ vai trò cung ứng năng lượng chính
cho thế giới và viễn cảnh thế giới không còn dầu khí vào thế kỉ này sẽ là nỗi kinh
hoàng đối với nhân loại vì con người lệ thuộc quá nhiều vào dầu khí đến nỗi không
ai có thể hình dung được cuộc sống một ngày thiếu dầu khí.
Trên thế giới, Nga hiện đang là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất,
chiếm tới 27% trữ lượng khí đốt của cả thế giới và còn là nước xuất khẩu dầu mỏ
lớn thế hai thế giới sau Saudi Arabia. Ở phương Tây người ta thường nói: “Nếu
Brejnev có tên lửa thì Putin có khí đốt”, ngụ ý rằng nước Nga sau thời kì Boris
Yeltsin đã sử dụng khí đốt làm vũ khí chiến lược. Quả thật vậy, chính nguồn tài
nguyên dồi dào về khí đốt và dầu mỏ đã tạo nên sức mạnh cho nước Nga hiện nay
và biến Liên bang Nga thành một “đế quốc năng lượng” trên thế giới. Điều này
góp phần củng cố vị trị cường quốc của Nga trên chính trường quốc tế, bởi, các
1

World Energy Assessmnet Overview: 2004 Update-[ />
2

1 Gtoe = 1 tỷ toe (toe = tonner of oil equivalent: đơn vị tấn dầu tương đương)


6

vấn đề năng lượng vốn dĩ làm nền tảng cho những nỗ lực ngoại giao, cho nền chính
trị thế giới và thậm chí là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh.
Thông tấn xã Việt Nam ngày 7-1-2006: “Nga chơi trò dầu khí để giải quyết

các vấn đề địa-chính trị” (TLTKĐB) có những đoạn như sau:
“… Cách đây hàng chục năm, người ta đã hiểu được tầm quan trọng của
việc phải cung ứng dầu mỏ ổn định. Nhưng cho đến lúc này, khi trữ lượng dầu chỉ
còn đủ dùng một vài thập kỉ, thì hàng loạt vấn đề mới nổi lên…
… Hồ sơ mật được các cơ quan lưu trữ Anh công bố vài năm trước đây cho
thấy năm 1973 Mỹ đã vạch kế hoạch đánh chiếm các mỏ dầu ở Saudi Arabia,
Kuwait và Abu Dhabi để ứng phó với sự cấm vận dầu mỏ của các nước Arabia …
… Liên minh châu Âu, do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng từ các
khu vực... Hai phần ba nhu cầu nhiên liệu, năng lượng của EU vào năm 2020 là
nhờ nhập khẩu; đến thời điểm đó, riêng khí đốt tự nhiên, EU phải nhập tới 75%
nhu cầu của mình…
… Cũng vì dầu khí mà hàng loạt vụ tranh chấp lãnh thổ, biên giới đã và
đang xảy ra. Và ngoại giao phải giải quyết. Nói chung là “ngoại giao dầu, khí” sẽ
còn tiếp tục được đẩy mạnh trong thế kỉ 21 này.”
Như vậy, nhu cầu năng lượng cho thế kỉ này đã tăng rất nhanh do sự gia
tăng bùng nổ sản xuất trong thời đại toàn cầu và hội nhập các nền kinh tế thế giới,
cũng như do sự gia tăng dân số quá nhanh với mức sống nâng cao hơn nhiều so với
thế kỉ trước. Đồng thời, năng lượng cũng trở thành một vấn đề nhạy cảm của an
ninh thế giới. Nó không còn là hoàn toàn thuần túy là nhiên liệu sản xuất nữa,
không hoàn toàn là vấn đề kinh tế mà đã thực sự trở thành vấn đề an ninh quốc gia
của tất cả các nước. Do đó, nguy cơ mất an ninh năng lượng đe dọa đến sự phát
triển ổn định của các nền kinh tế thế giới đang là mối lo của nhiều quốc gia, nhất là
các nước đang phát triển. Vì vậy, quốc gia nào tự chủ được năng lượng, giàu có về
năng lượng thì sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ và gìn giữ được độc
lập dân tộc, thậm chí năng lượng còn mang đến sức mạnh trên trường quốc tế cho


7

quốc gia đó. Đối với nước Nga- một đế quốc năng lượng thì đây là vũ khí chiến

lược lợi hại để nước này thể hiện sự ảnh hưởng của mình trên thế giới.
Trung Á vốn là khu vực giàu nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên mà thị
trường thế giới rất cần, là rốn dầu lớn thứ hai thế giới sau Trung Đông. Nơi đây
còn được coi là “căn cứ năng lượng của thế kỷ 21” 3. Với nguồn tài nguyên lớn về
dầu lửa, khí đốt và vị trí địa lý của mình, Trung Á được xem là vùng đệm chiến
lược của các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc và cũng là tâm điểm tranh giành
ảnh hưởng của các nước này, tuy nhiên từ xưa tới nay khu vực này vẫn được coi
khu vực ảnh hưởng truyền thống [5,tr.5] của Nga.
Về mặt địa lý, nơi đây là cửa ngõ đi vào vùng chiến lược dầu khí xung
quanh vùng biển Caspian thông qua Trung Á, Nga không chỉ có thể cùng với Iran,
Ấn Độ giành được sự liên thông đường ống năng lượng, mà còn giành được con
đường quan trọng của cảng biển phía nam. Đối với Nga, điều quan trọng nhất đó là
bảo đảm vị trí khai thác và vận chuyển dầu mỏ, khí đốt của mình tại Trung Á, đồng
thời ngăn chặn không cho bất cứ một cường quốc nào giành được vị trí chiến lược
tại đó. Vì thế, khu vực Trung Á mang một vị trí địa-chiến lược quan trọng đối với
nước Nga hiện đại.
Từ những lợi ích trên mà nước Nga thời Putin đã rất chú trọng tới yếu tố
năng lượng trong chính sách ngoại giao, đặc biệt là đối với khu vực nhiều tiềm
năng và mang lợi ích về địa-chính trị, địa-chiến lược như Trung Á.
Chính vì những lí do trên đây mà tôi đã chọn đề tài Chính sách năng lượng
của Liên bang Nga đối với các nước khu vực Trung Á dưới thời Tổng thống
V.Putin (2000-2008).
Tìm hiểu chính sách năng lượng của Liên bang Nga đối với Trung Á thời
Tổng thống V.Putin góp phần bổ sung nguồn kiến thức về quan hệ quốc tế nói
chung và quan hệ quốc tế hiện đại nói riêng, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa
học và công tác giảng dạy.

3

/>


8

2. Lịch sử vấn đề
Chính sách năng lượng của Liên bang Nga thời Tổng thống V.Putin (20002008) là một đề tài mang tính thời sự, do đó chưa có công trình nghiên cứu nào
trình bày một cách hoàn chỉnh về vấn đề này, nếu có thì chỉ là những bài viết đăng
trên các tạp chí như Nghiên cứu châu Âu, Nghiên cứu quốc tế, Kinh tế và chính trị
thế giới và các thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam. Nhìn chung, các bài viết này
chủ yếu nói về việc Nga sử dụng dầu khí như một vũ khí năng lượng và sự tranh
chấp của các cường quốc lớn ở khu vực Trung Á chứ chưa đề cập một cách cụ thể
và hoàn chỉnh đến chính sách năng lượng của Nga đối với khu vực này.
Năng lượng đang là vấn đề nóng bỏng trên thế giới hiện nay và các nước
ngày càng có xu hướng sử dụng năng lượng như là một công cụ chính trị trong các
vấn đề ngoại giao. Tác giả Ngô Duy Ngọ đã có bài viết Chính trị hóa vấn đề năng
lượng trong quan hệ quốc tế đăng trên tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 2-2008,
khẳng định xu hướng trên trong quan hệ quốc tế. Qua đó ta cũng hiểu được vì sao
Nga lại chú trọng đến năng lượng của vùng Trung Á-căn cứ năng lượng của thế kỉ
XXI.
Khu vực Trung Á bao gồm những nước thuộc Liên Xô trước kia, thời kì hậu
Xô viết vị trí của Nga ở các nước này bị suy giảm và đương nhiên, lợi ích về mặt
năng lượng cũng bị ảnh hưởng. Điều này được tác giả người Nga Vadim
Makarenco viết rõ trong cuốn Nước Nga trước thềm thế kỉ XXI, NXB Công an
nhân dân (2002). Tác phẩm cũng đề cập đến các đường ống dẫn dầu và khí đốt
được các nước nước lớn và Trung Á đã và đang xây dựng nhằm làm mất đi ưu thế
độc quyền của Nga đối với lĩnh vực quan hệ vận tải của các nước Trung Á với thế
giới bên ngoài, chính thực trạng này mà chúng ta có thể thấy được sự nỗ lực của
Tổng thống Putin là lớn lao thế nào.
Trong cuốn Cộng đồng các quốc gia độc lập-quá trình hình thành và phát
triển do Nguyễn Quang Thuấn chủ biên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007) đã
có những khái quát về quan hệ của Nga đối với các nước SNG, trong đó có các

nước Trung Á. Tuy nhiên, quan hệ về mặt năng lượng với các nước này chỉ là một


9

phần nhỏ và chưa được hệ thống lại mà chỉ nằm rải rác ở các chính sách dành riêng
cho các nước Trung Á.
Gazprom-tập đoàn dầu khí lớn nhất Liên bang Nga-nhiều người đã ví
Gazprom như là “xương sống của nền kinh tế” nước này, là cánh tay đắc lực trong
công cuộc tìm lại sức mạnh cho người Nga trên trường quốc tế, và đương nhiên
trong chính sách năng lượng đối với các quốc gia Trung Á, Gazprom tất nhiên
đóng một vai trò quan trọng. Thông qua “người khổng lồ” Gazprom, Nga đã có
công cụ để gây sức ép với các công ty năng lượng nước ngoài cũng như đảm bảo vị
trí của Nga ở Trung Á. Về vấn đề này, chúng tôi có tham khảo trong bài viết của
tác gỉa Đỗ Trọng Quang: Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom và tầm cỡ của nó
trên thị trường năng lượng thế giới, tạp chí Nghiên cứu châu Âu (số 4-2009).
Ngoài ra, các bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu châu Âu như: Dầu khí và
chiến lược năng lượng của Nga (Nguyễn Cảnh Toàn, số 9-2008), Chiến lược của
Nga ở khu vực Trung Á (Đỗ Trọng Quang, số 5-2007), Nga triển khai chiến lược
toàn cầu về dầu mỏ (Ngô Duy Ngọ, số 2-2008)… hay các tài liệu từ Thông tấn xã
Việt Nam: Chính sách của nước Nga ở Trung Á, (TLTKĐB, ngày 24-3-1994),
Trung Á-khu vực quan trọng đối với Nga (TLTKĐB, ngày 12-2-2003), Triển vọng
khu vực dầu khí tại Trung Á và Capcadơ (TLTKĐB, ngày 30-11-2003)… cũng đề
cập đến chính sách năng lượng của Nga ở khu vực Trung Á.
Về phần tài liệu tiếng Anh, chúng tôi cũng thu thập được một số tài liệu sau:
Trong báo cáo chuẩn bị cho các thành viên và các Uỷ ban của Quốc hội năm
2009, Steven Woehrel-chuyên gia nghiên cứu châu Âu đã có bài báo cáo Russian
Energy Policy toward Neighboring Countries (Chính sách năng lượng của Nga đối
với các nước láng giềng). Báo cáo có đoạn: “dầu và khí đốt tự nhiên của Nga đã
trở thành chìa khóa sức mạnh (key players) trong thị trường năng lượng toàn

cầu…”, như vậy Steven Woehrel đã vạch ra những lợi ích của nước Nga trong vấn
đề sử dụng vũ khí năng lượng. Tác giả đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế
năng lượng của nước Nga cũng như phân tích vì sao nước Nga phải thi hành chính
sách năng lượng đối với các nước láng giềng, trong đó có các nước vùng Trung Á.


10

Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là tài liệu phân tích chi tiết về chính sách năng
lượng của Liên bang Nga đối với khu vực Trung Á.
Robert L. Larsson thuộc FOI-Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển
trong cuốn Russia’s Energy Policy: Security Dimensions and Russia’s Reliability
as an Energy Supplier xuất bản năm 2006 đã trình bày không những tổng quan về
nền năng lượng Nga thời hậu Xô viết, tầm quan trọng của ngành kinh tế năng
lượng, quan điểm về năng lượng của người Nga mà còn phân tích chính sách năng
lượng của nước này đối với một số quốc gia và khu vực trên thế giới, tất nhiên có
cả vùng đất Trung Á đầy tiềm năng nhưng cũng không thiếu những xung đột, bất
ổn.
Ngoài những tài liệu trên tôi còn tham khảo một số nguồn tài liệu từ các
website trong và ngoài nước…
3. Phạm vi nghiên cứu
- Năng lượng thế giới bao gồm năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo,
tuy nhiên trong bài luận văn, tôi chỉ xin đề cập đến phần năng lượng hóa thạch là
dầu mỏ và khí đốt vì chính dầu mỏ và khí đốt đã mang lại sức mạnh cho nước Nga
hiện đại.
- Không gian: giới hạn trong 5 nước Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan,
Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Nga là chủ thể tác động lên các nước này
về vấn đề năng lượng.
- Thời gian: đề tài luận văn chỉ giới hạn trong thời gian 8 năm tổng thống
Nga V.Putin cầm quyền (2000-2008).

4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện tiểu luận tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên
cứu như sau:
- Về cơ sở phương pháp luận: chúng tôi đứng trên quan điểm chủ nghĩa
Macx- Lenin để xem xét, nhìn nhận vấn đề.
- Về phương pháp nghiên chuyên ngành (cụ thể): chúng tôi sử dụng phương
pháp lịch sử để trình bày các sự kiện theo trình tự thời gian trong bối cảnh quốc tế


11

và khu vực; dùng phương pháp logic để khái quát lí luận vấn đề và dự báo triển
vọng của vấn đề; dùng phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế để đặt vấn đề
trong bối cảnh khu vực, quốc tế, tìm những nhân tố khu vực, quốc tế chi phối vấn
đề này. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp khác như: phương pháp
diễn dịch và phương pháp quy nạp, phương thống kê ….
5. Đóng góp của đề tài
Luận văn góp phần hệ thống lại chính sách năng lượng của Nga đối với
Trung Á từ năm 2000 đến 2008 và phần nào đề cập đến sự cạnh tranh của các nước
lớn ở Trung Á trong giai đoạn này, từ đó rút ra một số kết luận có tính chất hệ
thống. Ngoài ra, chúng tôi cũng dự báo triển vọng của mối quan hệ năng lượng
Nga-Trung Á trong những năm tới cũng như những khả năng có thể xảy ra xung
quanh vấn đề năng lượng của Nga đối với khu vực này.
6. Bố cục đề tài
Luận văn, ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo gồm 3
chương:
CHƯƠNG 1: Trung Á-khu vực ảnh hưởng truyền thống của Liên bang Nga
CHƯƠNG 2: Chính sách năng lượng của Liên bang Nga đối với các nước
khu vực Trung Á dưới thời Tổng thống V.Putin (2000-2008)
CHƯƠNG 3: Một số đặc điểm, nhận xét chính sách năng lượng của Liên

bang Nga đối với các nước khu vực Trung Á dưới thời Tổng thống V.Putin
(2000-2008) và triển vọng, xu hướng giải quyết mối quan hệ năng lượng giữa
Liên bang Nga và các nước khu vực Trung Á


12

CHƯƠNG 1: LIÊN BANG NGA VÀ KHU VỰC TRUNG Á
1.1. Vị trí địa-chính trị của các nước Trung Á
Trung Á là một vùng thuộc châu Á, giáp biển Caspian, biển kín Aral nhưng
lại không tiếp giáp với đại dương. Khu vực Trung Á phiá đông giáp Trung Quốc và
Mông Cổ, phía bắc giáp Liên bang Nga, phiá tây giáp châu Âu và biển Caspian, còn
phiá nam là Iran và Afganistan. Khu vực này gồm 5 nước Cộng hòa Hồi giáo:
Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Địa hình chủ yếu
là hoang mạc và bán hoang mạc.
Trung Á có diện tích 3.994.300 km2, bao gồm một số các khu vực dân cư
thưa thớt nhất trên thế giới với dân số chỉ hơn 80 triệu người, chiếm 2% số dân châu
Á 4, bao gồm hơn 100 nhóm dân tộc khác nhau, từ người Đức và Áo đến người Tây
Tạng và Triều Tiên... Nhóm dân tộc lớn nhất là người Uzbek (khoảng 20,5 triệu),
chiếm đa số trong thành phần các tộc người ở khu vực này 5.
Trung Á là nơi từng xuất hiện nhiều đế chế du canh du cư cũng như mang
trong mình nhiều trung tâm Hồi giáo trong khu vực. Trong nhiều thế kỷ, hàng trăm
madrasahs 6, hoặc các trường cao đẳng Hồi giáo ở Bukhara và Samarkand thu hút
sinh viên đến từ xa như Morocco và Indonesia. Bukhara được nhiều người Hồi giáo
xem như là một nơi hành hương và là thành phố quan trọng nhất trong đạo Hồi sau
Mecca, Medina và Jerusalem.
Trong lịch sử, Trung Á từng là nơi xuất hiện “con đường tơ lụa”, từng là
điểm trung chuyển hàng hóa giữa Đông Á, Nam Á, Trung Đông và châu Âu. Cũng
chính vì thế từ rất sớm khu vực này đã có một vai trò quan trọng nhất định trên bản
đồ thế giới. Brenzinski đã nhận định về Trung Á như sau: “Trung Á là khu đệm, là

nơi giáp ranh hội đủ các nền văn minh chính giáo, Hồi giáo, Trung Hoa và Ấn Độ.
Một bãi đáp tuyệt vời để kiểm soát vùng Âu – Á từ cả bốn phía của thế giới” [1]. Từ
thế kỷ XIX, do vị trí địa-chiến lược, là cửa ngõ sang các nước Trung Đông.
4

/>
5

/>
6

Madrasahs: có nguồn gốc từ tiếng Do Thái: midrash để chỉ loại hình tổ chức giáo dục, cho dù là thế tục hay tôn giáo

(của bất cứ tôn giáo).


13

Về an ninh, do tôn giáo chính ở khu vực Trung Á là Hồi giáo và chủ nghĩa
Hồi giáo cực đoan ở đây có nguy cơ khủng bố cao, đặc biệt khu vực này lại là cửa
ngõ sang Trung Đông. Về kinh tế, Trung Á cũng là nơi có trữ lượng dầu khí và
khoáng sản lớn. Giá trị của Trung Á càng được nhân lên trong cơn sốt dầu khí hiện
nay. Và trong vài thập niên cuối thế kỉ XX, Trung Á nổi lên như một khu vực đầy
tiềm năng về năng lượng và trở thành miếng mồi ngon đối với nhiều nước trên thế
giới, đặc biệt đối với những nước khát năng lượng. Về mặt địa lý, nơi đây là cửa
ngõ đi vào vùng chiến lược dầu khí xung quanh vùng biển Caspian thông qua Trung
Á. Khu vực này vốn giàu nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên mà thị trường thế giới
rất cần, là rốn dầu lớn thứ hai thế giới sau Trung Đông, còn được coi là “căn cứ
năng lượng của thế kỷ XXI”.
Trong mắt các nhà địa-chính trị thế giới thì Trung Á còn được gọi là “điểm

nóng” của tình hình chính trị thế giới đầu thế kỉ XXI do những lợi ích kinh tế, chính
trị to lớn. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang tiềm ẩn những vấn đề nổi
cộm như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa ly khai. Nơi
đây cũng được coi là vũ đài đấu tranh giành năng lượng của các nước lớn tiêu biểu
như Mỹ, Nga, Trung Quốc… Trung Á còn nằm trên ngã tư chiến lược giữa châu Âu
– vành đai Địa Trung Hải, Trung Đông và khu vực châu Á nên trở thành tâm điểm
trên mọi lĩnh vực. Với những yếu tố thuận lợi ấy dễ dàng hiểu tại sao Trung Á như
một “thỏi nam châm” 7 có sức hút kì lạ, đã và đang khiến nhiều lãnh đạo cấp cao của
các nước chú ý đến.
Báo Độc lập của Nga ngày 16/3/1994 đã đăng bài của U.Kassenov, giám đốc
Viện nghiên cứu chiến lược trực thuộc Tổng thống nước Cộng hòa Kazakhstan, viết
về các nước Cộng hòa Trung Á như sáu: “Tầm quan trọng chiến lược-địa lí của các
nước Cộng hòa Trung Á với tư cách là chủ thể độc lập trong các quan hệ quốc tế
thể hiện ở chỗ, trước hết, các nước này rất giàu nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên
mà thị trường thế giới rất cần; thứ hai, nằm bên cạnh hai trong số năm cường quốc

7

Đặng Thanh Toán, Phan Thị Hoài Thu (2007), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)-những bước phát triển mới, Nghiên cứu châu Âu,

số 4, tr.46.


14

hạt nhân là Trung Quốc và Nga; thứ ba, qua Iran và Afghanistan có lối thông với
vịnh Persian và Ấn Độ Dương. Với việc hoàn thành hệ thống đường sắt xuyên châu
Á, phát triển hệ thống đường bộ và đường không, hệ thống dẫn dầu và khí đốt, thì
tầm quan trọng chiến lược-địa lí của vùng Trung Á lại càng lớn bởi vì việc vận
chuyển hàng từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương sang châu Âu và Tây Á và ngược

lại sẽ là rất đáng kể” [38]. Chính tầm quan trọng về mặt địa-chiến lược của khu vực
này mà ngày càng có nhiều nước để mắt tới nên theo các gọi của các nhà địa-chính
trị thì Trung Á đã trở thành “điểm nóng” 8 của thế giới ngày nay.
Trong quá khứ, vai trò của Trung Á tạm thời bị lu mờ trong thời kỳ chiến
tranh lạnh do khu vực này được hiểu nằm trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô. Sự
sụp đổ của Liên Xô đã dẫn đến sự độc lập của nhiều nước Trung Á và đặc biệt sau
sự kiện 11-9-2001, khu vực Trung Á được các nước lớn, nhất là Mỹ, Tây Âu, Nga
và Trung Quốc chú ý về cả lý do an ninh, kinh tế và địa chiến lược. Việc Liên Xô
sụp đổ đã dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng về mặt địa-chính trị đối với quốc gia
này là sự nổi lên mạnh mẽ của nhiều đối thủ cạnh tranh về mặt chính trị và thương
mại để kiểm soát các nguồn tài nguyên năng lượng rộng lớn của các quốc gia mới
độc lập của vùng ngoại Capcaz và Trung Á.
Với nguồn tài nguyên lớn về dầu lửa, khí đốt và vị trí địa lý của mình, Trung
Á được xem là vùng đệm chiến lược của các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc
và cũng là tâm điểm tranh giành ảnh hưởng của các nước này, tuy nhiên từ xưa tới
nay khu vực này vẫn được coi khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga.
Đối với Nga, Trung Á không chỉ có lợi về mặt năng lượng mà khu vực này
còn đóng vai trò to lớn về mặt địa-chính trị. Trong tư duy chiến lược của Nga thì
các quốc gia khu vực Trung Á còn là người canh cửa cho biên giới phía nam của
Nga, đặc biệt là Kyrgyzstan và Tajikistan. An ninh của hai nước này cần thiết cho
an ninh khu vực. Vị trí chiến lược của Tajikistan giáp biên giới Afghanistan khiến
an ninh của nước này trở nên thiết yếu đối với việc bảo vệ khu vực và phòng thủ
8

Đặng Thanh Toán, Phan Thị Hoài Thu (2007), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)-những bước phát triển

mới, Nghiên cứu châu Âu, số 4, tr.45.


15


“biên giới phía nam”(giới tuyến phía nam) 9 của Nga. Người Nga phải giữ một vị
thế ở Tajikistan nếu họ muốn kiềm chế Trung Á không ngả về phương Tây và tăng
cường khả năng ảnh hưởng của mình đối với các nước khác trong khu vực. Nga ủng
hộ chế độ của Tổng thống Imomali Rakhmonov và công khai can thiệp vì lợi ích
chế độ đó trong cuộc nội chiến của Tajikistan thời gian 1992-1997, Nga đã giữ sư
đoàn bộ binh cơ giới 201 ở Tajikistan từ thời Xô Viết và sau đó đã tăng cường thêm
lực lượng quân sự của mình ở nước này nhằm tăng sự ảnh hưởng của mình lên
Trung Á.
Về khía cạnh địa-chiến lược, Nga không muốn các thế lực bên ngoài lợi dụng
để phát động “cách mạng màu” tại Trung Á như đã từng diễn ra tại một số nước
Đông Âu, làm thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của mình nhất là trong bối cảnh NATO
mở rộng tới sát biên giới phía Đông của Nga, và Mỹ có kế hoạch lập hệ thống
phòng thủ tên lửa tại Cộng hòa Czech và Ba Lan. Trung Á chính là sự cân bằng của
Nga với Mỹ và châu Âu.
Mỹ vốn không muốn phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ của Trung Đông, một
khu vực bất ổn quá nhiều, nên muốn thò tay vào “căn cứ năng lượng” này. Đồng
thời, nếu kiểm soát được khu vực này sẽ tạo điều kiện cho Mỹ khống chế hai đại lục
Á-Âu, bởi từ đây có thể kiềm chế được Nga ở phía bắc, kiểm soát Ấn Độ ở phía
nam, Trung Quốc ở phía đông và cả châu Âu ở phía tây.
Khu vực này cũng được châu Âu coi là nguồn cung cấp năng lượng đầy hứa
hẹn, giúp làm dịu tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường dầu thế giới và
sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga. Đồng thời Trung Á cũng
là khu vực trung chuyển năng lượng của Nga và các quốc gia Trung Á sang các
nước Nam Âu, Đông Âu.
Đối với Trung Quốc, các nước Trung Á cũng có một vị trí chiến lược trong
chính sách đối ngoại của họ. Một mặt, nếu có quan hệ tốt đẹp với các quốc gia này,
Trung Quốc có thể tìm lại sự ổn định cho khu tự trị Tân Cương của người Ngô Duy
Nhĩ ở giáp biên giới các nước này. Như vậy, đây là vành đai an ninh hết sức quan
9


Đỗ Trọng Quang (2007), Chiến lược của Nga ở khu vực Trung Á, Nghiên cứu châu Âu, số 5, tr.15.


16

trọng không chỉ đối với Nga mà với cả Trung Quốc. Thứ hai, sự phát triển của nền
kinh tế Trung Quốc trong những năm qua đã làm gia tăng nhu cầu về năng lượng.
Nhập khẩu dầu thô của nước này trong năm 2003 đã tăng lên tới 80 triệu tấn 10,
chiếm gần 30% tổng nhu cầu dầu lửa của nước này. Trong một thời gian ngắn,
Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu thứ hai và là nhà khai thác dầu thứ 6
thế giới (năm 2005). Do đó, Trung Quốc cũng “khát dầu” của Trung Á như nhiều
nước khác.
Các quốc gia Trung Á không chỉ mang mang vị trí địa-chính trị đối với nhiều
nước mà bản thân khu vực này cũng đang nóng lên hàng ngày bởi trữ lượng dầu khí
đang tồn tại ở đây. Hiện tại, các tổ chức quốc tế, các cường quốc đánh giá cao giá
trị của vùng đất thuộc châu Á này bởi cả hai khía cạnh: địa-chính trị và năng lượng,
do đó, Trung Á từ những năm cuối thế kỉ XX đến đầu thế kỉ XXI nhanh chóng trở
thành điểm nóng của thế giới, là nơi gặp gỡ của nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn dầu
khí lớn trong tham vọng muốn làm chủ nguồn năng lượng Trung Á.
1.2. Trung Á-khu vực khu vực ảnh hưởng truyền thống của Liên bang Nga
Trung Á là một bộ phận thuộc Liên Xô với 5 nước Cộng hòa: Kazakhstan,
Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Năm 1991, khi Liên Xô sụp
đổ, các quốc gia thành viên cũ đã lần lượt tách ra để trở thành các nước độc lập và
gia nhập tổ chức Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG (SIC, 21/12/1991), trong đó
có năm quốc gia thuộc khu vực Trung Á nói trên.
Cho rằng các nước Cộng hòa Trung Á thuộc khu vực khu vực ảnh hưởng
truyền thống của Nga bởi vì dù các quốc gia này đã tách ra thành các quốc gia độc
lập, thế nhưng những dấu ấn và ảnh hưởng của nền văn hóa-kinh tế-xã hội của Liên
bang Nga thời Xô Viết vẫn còn, thậm chí chính những điều này đã chi phối cuộc

sống của dân cư ở đây.

10

Nguyễn Đình Phúc (2008), Hợp tác năng lượng trong tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nghiên cứu

châu Âu, số 3, tr.57.


17

Trên phương diện văn hóa, Nga đã có sự gắn bó lâu đời với các nước Trung
Á. Có khoảng 10,6 triệu người Nga sống ở Trung Á vào năm 1992 11, người Nga
cũng chiếm 30% tổng dân số nước Kazakhstan-nước lớn và đông dân nhất trong 5
quốc gia Trung Á. Mọi hoạt động và sinh hoạt ở các nước Trung Á trong các lĩnh
vực giáo dục, văn hóa, kinh tế, kĩ thuật, quản lí… vẫn có liên hệ trực tiếp với các
ngành của Nga.
Về ngôn ngữ, hiện nay 5 nước Trung Á vẫn sử dụng tiếng Nga làm ngôn
ngữ giao dịch giữa các nước. Dù các văn bản pháp quy không quy định tiếng Nga là
tiếng quốc ngữ nhưng các nước này hầu như vẫn chưa xa rời được tiếng Nga. Đến
thời Boris Yelsin, báo chí và cơ quan truyền thông đại chúng của Kazakhstan và
Kyrgyzstan vẫn sử dụng trên 80% tiếng Nga. [5, tr.3-7]
Về góc độ kinh tế, Trung Á còn là nơi cung cấp nguồn tài nguyên cho Nga
và cũng là thị trường truyền thống của Nga.
Chỉ tính riêng năm 1992, hàng hóa nhập khẩu từ Nga chiếm 68% trong kim
ngạch ngoại thương của Kazakhstan, 58% của Uzbekistan, 51% của Kyrgyzstan và
48% của Tajikistan và Turkmenistan 12. Kim ngạch ngoại thương của Nga đối với
các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG là 23%, trong đó chủ yếu là
với các nước Trung Á. Năm 2000, Nga chiếm 30% trong kim ngạch ngoại thương
của Kazakhstan, chiếm 44% trong kim ngạch ngoại thương của Turkmenistan.

Chính vì còn phụ thuộc Nga nhiều về kinh tế nên việc đồng rúp bị phá giá đã có
những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế các nước này.
Ngoài ra các nước Trung Á còn là thị trường đầu tư lớn của Nga. Đầu tư và
ngoại thương ở khu vực này đã đóng gớp phần đáng kể vào tổng sản phẩm quốc
dân của Nga [5, tr.3-7].
Trong lĩnh vực quân sự, các nước Trung Á thừa hưởng không ít căn cứ quân
sự lớn của Liên Xô. Đó là các trạm radar báo động sớm về tấn công tên lửa, các trận
địa phòng không, các thao trường… Ngoài ra, có rất nhiều người Nga trong lực

11
12

/> />

18

lượng lao động kĩ thuật – quản lý, sĩ quan quân đội và bộ máy an ninh ở Trung Á.
Thiếu những người đó nhất thời sẽ gây ra những khó khăn không nhỏ cho các nước
này.
Trung Á là một khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Nga. bên
cạnh việc mang trong mình trữ lượng năng lượng dồi dào, khu vực này còn là cửa
ngõ đi vào vùng chiến lược dầu khí xung quanh vùng biển Caspian, từ đây Nga có
thể kiểm soát được con đường tiến xuống Nam Á và tây Á, xuống vùng Ấn Độ
Dương, ngăn chặn sự xâm nhập của các thế lực tôn giáo cực đoan vào khu vực phiá
nam của Nga và có thể duy trì ổn định cho những cư dân theo đạo Hồi của Nga sinh
sống ở vùng này.
Có thể thấy rõ rằng, ngoài vị trí quan trọng về địa-chính trị thì lợi ích chủ
yếu của Nga ở khu vực Trung Á là dầu mỏ. Đối với Liên bang Nga, dầu mỏ luôn là
vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế vì 40% nguồn thu ngoại tệ của Nga là từ dầu
mỏ. Do vậy, việc kiểm soát được “căn cứ năng lượng của thế kỷ 21” này mang ý

nghĩa sống còn đối với nước Nga hiện đại.
Để duy trì ảnh hưởng và những lợi ích truyền thống đó, Nga luôn tìm cách
duy trì vai trò thủ lĩnh đối với các nước này. Vào đầu những năm 1990, cựu Tổng
thống Nga Boris Yeltsin đã tuyên bố rằng các nươc cộng hòa thời kì hậu Xô Viết là
khu vực quyền lợi sống còn của Nga. Nhưng đằng sau những lời nói cần có những
hành động cụ thể, và thực tế đã không diễn ra được như vậy. Nguyên nhân là vì
những năm đầu sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn đối
với nền chính trị trong nước cũng như tái cấu trúc lại nền kinh tế của mình, do đó
trong đối ngoại tương đối “lơ là” với các nước Cộng hòa Trung Á. Thế nhưng từ
những năm 1996-1999, nước Nga đã có những chính sách tích cực hơn đối với các
nước Trung Á.
Với mục đích muốn các quốc gia Trung Á phụ thuộc nhiều hơn vào mình,
Nga đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn sự tự thống nhất khu vực, cản trở sự
phát triển kinh tế của các nước này.


19

Nga cố gắng thuyết phục các nước Trung Á không thành lập lực lượng vũ
trang riêng, duy trì tiếng Nga trên lãnh thổ của họ, hạn chế quan hệ với thế giới bên
ngoài và không đặt đường ống dẫn dầu tới các cảng biển ở Địa Trung Hải và các
nước Arabia. Nga không chịu công nhận hoặc tìm mọi cách năng chặn việc hình
thành liên minh các nước Trung Á, các quá trình liên minh kinh tế, chính trị, đặc
biệt là quân sự giữa các nước này. Ngoại giao Nga tiến hành chính sách phân biệt
và chỉ lập quan hệ với các nước Trung Á trên cơ sở hai bên, không muốn các nước
này phát triển quan hệ với các nước khác trên thế giới.
Nga đặc biệt lo ngại về việc các nước Trung Á tham gia các Tổ chức hợp tác
kinh tế, Ngân hàng phát triển châu Á, tổ chức Hội nghị đạo Hồi… vì các nước này
không muốn trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho Nga. Việc Kazakhstan kí hợp
đồng với tập đoàn năng lượng Chevon của Mỹ và các hãng khai thác dầu khí lớn

khác, Uzbekistan với các hãng khai thác kim loại quý, cùng với Iran đòi bình đẳng
với Nga trong việc đánh cá, đi lại và các hoạt động khác trên biển Caspian, việc
phát triển giao thông về phía nam đã khiến cho Nga cảm thấy bị đe dọa về mặt lợi
ích chiến lược và kinh tế qua trọng của mình.
Trong lĩnh vực kinh tế, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô ở Trung Á, đặc
biệt là Azerbaijan và Kazakhstan, đã cố gắng để khai thác tài nguyên thiên nhiên
của họ, vì họ coi dầu là phương tiện chính của việc đảm bảo sự độc lập kinh tế và
chính trị. Tuy nhiên, lợi dụng sự phụ thuộc kinh tế và tài chính của các quốc gia non
trẻ này, bằng cách ngừng cung cấp các sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là năng
lượng và sản phầm dầu, Nga đã làm mất ổn định tình hình kinh tế các nước Trung
Á. Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan nhờ xuất khẩu tài nguyên nên còn trụ
được, riêng Kyrgyzstan và Tajikistan thì rơi vào tình trạng nặng nề.
Trong lĩnh vực chính trị, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Nga
gây sức ép chính trị đối với các nước Trung Á, buộc họ là cực quyền theo kiểu châu
Á, dân tộc chủ nghĩa, tìm cách đẩy người Nga ra khỏi khu vực, bành trướng chủ
nghĩa chính thống đạo Hồi…


20

Trong lĩnh vực quân sự: trên đất Trung Á còn duy trì nhiều căn cứ quân sự
và một lực lượng quân đội của Nga từ thời Liên Xô và Nga muốn duy trì các căn cứ
này và đặt chúng dưới quy chế của Nga. Dù các nước này không phản đối việc sử
dụng một số căn cứ quân sự đó theo nguyên tắc phòng ngự vừa đủ và theo Hiệp ước
về an ninh tập thể được kí tại Taskent ngày 15-5-1992, nhưng ngày càng thấy rõ là
Nga muốn duy trì sự có mặt quân sự của mình không chỉ để ngăn chặn nguy cơ từ
ngoài mà còn để duy trì và củng cố sự kiểm soát tình hình tại các nước này, hạn chế
chủ quyền của họ, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại… Để
kiểm soát tình hình các nước này, Nga còn lợi dụng tình hình bất ổn của các nước
Trung Á, đứng đằng sau giật giây một số cuộc đảo chính khu vực. Chính sách này

của Nga đặc biệt thành công ở Tajikistan bởi cuộc nội chiến ở nước này từ 19921997 đã giúp Nga thành biến Tajikistan thành nước bị bảo hộ…
Với những hành động trên, rõ ràng Liên bang Nga đang muốn ràng buộc các
nước Trung Á một cách chặt chẽ hơn nữa vào Nga, bởi nếu các nước Cộng hòa này
không đứng cùng nhau trong một tổ chức khu vực hay tìm kiếm sự bảo hộ từ bên
ngoài thì khi đó Nga vẫn còn có thể tiếp tục chi phối 5 nước này một cách sâu sắc.
1.3. Liên bang Nga và chính sách năng lượng đối với các nước khu vực Trung
Á trong những năm 1991-1999
1.3.1. Tiềm năng năng lượng của các nước Cộng hòa Trung Á
Ngoài khu vực Trung Đông với nguồn năng lượng giàu có, từ những năm 90
của thế kỷ trước thế giới đã để mắt đến một “Trung Đông thứ hai” – đó là khu vực
Trung Á”, với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà không thể thoát ra khỏi hai
nguồn năng lượng đó là dầu mỏ và khí đốt. Sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh
tế thế giới cũng như sự bất ổn của Trung Đông đã tạo điều kiện cho Trung Á trở
thành khu vực giàu tiềm năng về năng lượng được nhiều quốc gia chú ý đến.
Tại Trung Á, khu vực có nhiều tiềm năng về dầu khí nhất là các nước
Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan và một phần biển Caspian 13 thuộc phần
13

Biển Caspian vẫn đang nằm trong sự tranh chấp của 5 quốc gia Liên bang Nga, Turkmenistan, Kazakhstan, Iran và

Azerbaijan.


21

lãnh thổ của Kazakhstan và Turkmenistan. Trung Á chiếm chiếm 6% trữ lượng dầu
mỏ và gần 40% trữ lượng khí đốt của thế giới. [40, tr.195]
Kazakhstan có diện tích là 2.717.300 km2, sở hữu nhiều nguồn tài nguyên
khoáng sản và nhiên liệu hoá thạch. Quốc gia này hiện cũng đứng hàng 11 về trữ
lượng đã được chứng minh của cả dầu mỏ và khí tự nhiên 14.

Dự trữ dầu của Kazakhstan được ước tính vào khoảng 9 tỷ m3 và 17,6 tỷ
thùng. Khu vực có nhiều mỏ dầu nhất là Tengiz, Uzen, Karachaganak, và
Kashagan. Trong đó, mỏ Kashagan được xem là phát hiện dầu lớn nhất trong 30
năm qua. Kazakhstan có 65-70 TCF (tỷ feet khối) khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, cơ sở
hạ tầng đường ống dẫn cho việc di chuyển khí đang thiếu và rất nhiều khí đang
bùng lên.
Theo Vladimir Paramonov và Aleksey Strokov trong Russian Oil and Gas:
Projects and Investments in Central Asia của Học viện Quốc phòng Vương quốc
Anh thì Kazakhstan có một số mỏ dầu khí lớn ở lục địa mà Nga tham gia khai thác
như:
- Mỏ Karachaganak nằm phía tây bắc Kazakhstan, là một trong những
mỏ lớn nhất Kazakhstan. Trữ lượng dầu khí đã được chứng minh bao gồm
khoảng 1.350 tỷ m³ khí đốt tự nhiên và 1,2 tỷ tấn dầu. Khí đốt ở đây chiếm hơn
40% tổng trữ lượng của Kazakhstan
- Giếng dầu Severnyye Buzachi (tỉnh Mangistau, miền Tây Kazakhstan)
với trữ lượng dầu ước tính là khoảng 80 triệu tấn.
- Mỏ Alibekmola và Kozhasai (tỉnh Aktobe): ước tính khoảng 70 triệu
tấn dầu và khoảng 13 ngàn tấn khí ngưng tụ.
- Giếng dầu Karakuduk (tỉnh Mangistau, miền tây Kazakhstan). Dự trữ
dầu được ước tính khoảng 45 triệu tấn.
- Mỏ dầu khí Karazhanba có trữ lượng hơn 340 triệu thùng.
Ngoài ra cũng phải kể đến mỏ dầu Tengiz và Korolev 15 ở vùng tây bắc
Kazakhstan, dọc theo bờ biển phía đông bắc của biển Caspian. Tengiz là mỏ dầu
14

International Crisis Group, 2007, Central Asia’s Energy Risks, Asia Report No.133. ( />

22

lớn thứ sáu trên thế giới với dự trữ ước tính lên đến 25 tỷ thùng. Dự trữ của mỏ

Korolev khoảng 6 - 9 tỷ thùng. Korolev và Tengiz cũng có trữ lượng lớn khí đốt tự
nhiên lớn nhưng chưa xác định rõ là bao nhiêu.
Tuy sở hữu lượng dầu khí dồi dào nhưng tính đến năm 2000, Kazakhstan chỉ
có 3 nhà máy lọc dầu tại nước này, nằm ở Atyrau, Pavlodar và Shymkent và thực tế
là những nhà máy này không đủ năng lực xử lý tổng sản lượng dầu thô khai thác vì
thế đa phần các tuyến đường vận chuyển quá cảnh và đường ống dẫn dầu của
Kazakhstan vẫn dẫn dầu xuất khẩu chủ yếu vào Liên bang Nga. Dầu đại diện 15%
tổng giá trị xuất khẩu của Kazakhstan 16. Đó cũng là nguyên nhân chính phủ
Kazakhstan đã cố gắng thu hút các nhà đầu tư vào các dự án khai thác các nguồn
năng lượng ở đất nước mình. Việc phát triển và khai thác dầu mỏ, khí tự nhiên, và
khoáng sản đã thu hút hơn 40 tỷ USD đầu tư nước ngoài tại Kazakhstan từ năm
1993 và chiếm khoảng 57% sản lượng công nghiệp quốc gia (hay xấp xỉ 13% tổng
sản phẩm quốc nội). Ngoài ra, Kazakhstan cũng đang bắt đầu khai thác tiềm năng
khí đốt to lớn của mình và có kế hoạch trở thành nhà xuất khẩu chuyên khí đốt tự
nhiên trong thời gian tới.
Uzbekistan có 171 mỏ dầu khí. Khoảng 60% các khu mỏ nằm trong khu vực
Bukhara-Kiva, chiếm khoảng 70% sản lượng dầu của nước này. Lớn thứ hai là khu
vực thung lũng Fergana, trong đó có khoảng 20% các mỏ dầu của Uzbekistan.
Uzbekistan có khoảng 600 triệu thùng dầu dự trữ. Các mỏ dầu mới đã được
khám phá ở Tây Nam Uzbekistan ở những nơi như Kokdumalak, Pjico Song, Olan,
Urgin và Nam Tandirchi. Cao nguyên Ustyurt và Biển Aral cũng có mỏ dầu lớn.
Dự trữ khí đốt tự nhiên Uzbekistan ước tính khoảng 66,2 nghìn tỷ feet
khối. Dự trữ dầu lớn nhất tại nằm trong khu vực Ustyurt. Tổng cộng có 52 mỏ khí
tự nhiên. Gazli, Pjico Song, Pamuk, và Khauzak là những vùng có mỏ dầu lớn. Có
thể kể đến những mỏ dầu khí lớn sau [50, p.11]:

15

/>
16


/>

23

- Mỏ khí Shakhpakhty (cao nguyên Ustyurt, miền Tây Uzbekistan).
Mỏ khí này được phát hiện vào năm 1962 và trữ lượng được ước tính vào
khoảng 46,5 tỷ m³ khí (bao gồm cả khí ngưng tụ) và 7,7 triệu tấn dầu.
- Các mỏ khí đốt Kandym - Khauzak - Shady (tỉnh Bukhara, miền
trung Uzbekistan). Trữ lượng khí đốt ở đây được ước tính vào khoảng 283-329
tỷ m³ (nhiều nhất là ở mỏ Kandym, ước tính trên 150 tỷ m³), trữ lượng dầu
khoảng 8 triệu tấn.
- Mỏ dầu và khí đốt Zhambay ở vùng biển Aral thuộc sở hữu của
Uzbekistan. Dự trữ khí đốt ở đây ước tính khoảng 1000 tỷ m³ với 150 triệu tấn
dầu.
- Một loạt các mỏ dầu và khí đốt phía tây nam Gissar (khu vực nằm
giữa biên giới Kashkadarya và tỉnh Surkhandarya, miền nam Uzbekistan, gần
thành phố Karshi) và mỏ miền Trung Ustyurt (Karakalpakstan). Ước tính trữ
lượng khí của các mỏ này là 150 tỷ m³ khí và khoảng 50 triệu tấn dầu.
- Một loạt các mỏ khí ngưng tụ trên cao nguyên Ustyurt. Đặc biệt, dự
trữ khí đốt ở nhóm mỏ Urga - Kuanysh - Akhchalak ở cao nguyên này được
ước tính trong khoảng 1.000-1.270 tỷ m³ khí.
Dù cơ sở hạ tầng của ngành dầu khí chưa cao nhưng nước này đã cố gắng
thu hút nhiều vốn đầu tư bên ngoài để phát triển ngành năng lượng nước mình. Năm
1992, Uzbekistan còn nhập của Nga gần 5 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ và khí đốt
nhưng kể từ cuối 1995, nước này đã tự túc được năng lượng (năm 1997 tổng sản
lượng dầu và khí hóa lỏng đã đạt được hơn 7 triệu tấn, hơi đốt hơn 50 tỷ m3). Năm
1997, Uzbekistan đã xuất khẩu 2 triệu tấn dầu mỏ. Công nghiệp hóa dầu phát triển
rất mạnh - công suất 2,5 triệu tấn ở thành phố Bukhara, nhà máy lọc dầu ở Fergana
năm 1997 được sửa chữa với sự đầu tư của Nhật, nâng công suất lên đến 12 triệu

tấn. Đã đưa vào sử dụng trạm nén khí ở mỏ Kokdumalak. Uzbekistan nhận đảm bảo
toàn bộ nhu cầu về khí đốt của Tajikistan (gần 1 tỷ m3). Uzbekistan được coi là
nước có điều kiện thuận lợi nhất trong khu vực, thu hút tổng vốn đầu tư nước ngoài
lên đến hơn 6 tỷ USD [18, tr.376-377].


24

Ở Turkmenistan, có những cơ sở chắn chắn để cho rằng 400.000 trong sống
480.000 m2 của nước này là những vùng đầu dầu mỏ và khí đốt. Lưu vực sông
Amur Darya giàu có về nhiên liệu chỉ sau các vùng dầu mỏ ở Ả rập – Iran và Tây
Siberi. Trữ lượng được khẳng định qua thăm dò 30% lãnh thổ Turkmenistan vào
khoảng 21.000 tỷ m3 hơi đốt và 12 tỷ tấn dầu [18, tr.112]. Theo những thông tin
mới hơn thì trữ lượng khí đốt được dự đoán trong tương lai của Turkmenistan là
24.600 tỷ m3, đứng vị trí thứ ta thế giới và chiếm khoảng 12,7% tổng trữ lượng
toàn thế giới [32, tr.15-22].
Các mỏ khí đốt lớn nhất ở Turkmenistan là ở vùng Nam Yolotan – Osman
và Yashlar. Theo dự kiến bao đầu, trữ lượng khí đốt của mỏ Nam Yolotan –
Osman từ 4-14 nghìn tỷ m3. Khu mỏ này dài 75 km và rộng 35 km, có một cột khí
là 500 m và có khả năng giữ 6 nghìn tỷ m3 khí. Mỏ Yashlar nắm giữ khoảng 7001.500tỷ m3.
Mặc dù cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt đến các khách hàng còn khá đắt
đỏ nhưng Turkmenistan cũng đang tìm cách đẩy mạnh việc sản xuất khí đốt tự
nhiên, các tuyến đường đa phương để xuất khẩu khí đốt cũng đã được đề xuất ra.
Trong 5 nước Trung Á, Cộng hoà Kyrgyzstan sở hữu nhiều nguồn tài nguyên
khoáng sản nhưng có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên thấp (có khả năng phía nam
nước này có mỏ năng lượng nhưng chưa được khảo sát kĩ lưỡng), nước này phải
nhập khẩu dầu mỏ và khí gas. Trong năm 2000, Kyrgyzstan đã có các cuộc khảo sát
giếng dầu. Dự trữ dầu trong thung lũng Fergana ước tính trên 700 triệu thùng, và
tổng dự trữ của các khu vực Chuy, Alay, Issyk-Kul, và At-Bashi có thể lên đến 1,52,2 tỷ thùng. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số chưa xác thực và cho đến năm
2000, dự trữ dầu thô của Kyrgyzstan chỉ có 40 triệu thùng.

Trong khi đó, Cộng hòa Tajikistan thì nằm kín trong lục địa, và là nước nhỏ
nhất vùng Trung Á tính theo diện tích. Là nước có những mỏ uran giàu có nhất thế
giới và có rất ít tài nguyên dầu mỏ hay khí đốt. Thăm dò trong những năm 20062007 cho thấy có mỏ khí ở Sargazon (vùng Dangarinskiy, tỉnh Khatlon) và mỏ
Rengan (gần Dushanbe). Trữ lượng khí đốt ở các mỏ này ước tính khoảng 65 tỷ m³.


×