Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

quá trình hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh biên hòa từ 1867 đến 1945

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (711.7 KB, 122 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trần Thị Thùy Dung

QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH
GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO TỈNH BIÊN HÒA
TỪ 1867 ĐẾN 1945

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Trần Thị Thùy Dung

QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH
GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO TỈNH BIÊN HÒA
TỪ 1867 ĐẾN 1945
Chuyên ngành:
Mã số:

Lịch sử Việt Nam
60 22 54

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học
TS. TRẦN THỊ THANH THANH



Thành phố Hồ Chí Minh - 2012


MỤC LỤC

Trang phụ bìa
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
Chương1: THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC VIỆT NAM – YẾU TỐ
QUAN TRỌNG TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG GIÁO
DỤC - ĐÀO TẠO TỈNH BIÊN HÒA........................................ 9
1.1 Âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp ............................................. 9
1.2 Biên Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp .............................. 14
Tiểu kết chương 1 .......................................................................................... 27
CHƯƠNG 2: CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC CỦA THỰC DÂN PHÁP Ở
NAM KÌ- YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP ĐẾN HOẠT
ĐỘNG GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO TỈNH BIÊN HÒA ........29
2.1 Biên Hòa trong chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với Nam Kỳ..... 29
2.1.1 Về chính trị....................................................................................... 29
2.1.2 Về kinh tế ......................................................................................... 34
2.2 Biên Hòa trong chính sách giáo dục của chính quyền thực dân Pháp đối
với Nam Kỳ ...................................................................................................................... 37
2.2.1. Giáo dục – một phương tiện cai trị ................................................. 37
2.2.2 Chính sách giáo dục của chính quyền thuộc địa .............................. 41
2.2.3 Biên Hòa trong chính sách giáo dục của chính quyền thực dân Pháp
đối với Nam Kỳ................................................................................. 56
Tiểu kết chương 2 .......................................................................................... 58



CHƯƠNG 3: CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO TỈNH BIÊN HÒA
TỪ 1867 ĐẾN 1945 ............................................................. 59
3.1 Hoạt động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa trước năm 1867 ..................... 59
3.1.1 Văn miếu Trấn Biên và giáo dục thời các chúa Nguyễn ................. 59
3.1.2 Giáo dục thời các vua Nguyễn ......................................................... 63
3.2 Hoạt động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa từ 1867 – 1930 ..................... 71
3.2.1 Giáo dục phổ thông .......................................................................... 71
3.2.2 Trường École professionnelle de Bienhoa (nay là Trường Cao đẳng
mỹ thuật trang trí Đồng Nai)............................................................. 75
3.2.3 Hệ thống trường học Thiên chúa giáo ............................................. 84
3.2.4 Hệ thống giáo dục tư thục, dân lập .................................................. 86
3.3 Hoạt động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa từ 1930 - 1945 ....................... 87
3.3.1 Cuộc đấu tranh chống nền giáo dục nô dịch của Đảng Cộng sản
Đông Dương...................................................................................... 87
3.3.2 Hoạt động giáo dục dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa từ 1930 - 1945 ... 99
3.3.3 Hội truyền bá quốc ngữ Biên Hòa ................................................. 103
Tiểu kết chương 3 ........................................................................................ 107
KẾT LUẬN .................................................................................................. 110
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 112


MỞ ĐẦU
1.

Lý do chọn đề tài

Trong công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất
nước, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm và tạo điều kiện để phát
triển giáo dục, xác định “Giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhằm
nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” [68, tr,13] như Đại hội

đại biểu lần thứ VIII khẳng định. Hơn nữa, thời đại ngày nay là thời đại của
công nghệ thông tin, thời đại của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoàn cảnh quốc tế đó đòi hỏi các quốc gia phải có nhận thức đúng, đầy đủ về
vai trò và vị trí hàng đầu của giáo dục để đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi
nước.
Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước, lao động cần
cù, thông minh và tinh thần hiếu học. Hiểu được vai trò quan trọng của giáo
dục, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa ra đời, Trung ương Đảng và Chính phủ đã coi việc chống nạn mù
chữ, xây dựng nền giáo dục mới là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng
đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nhiệm vụ chống giặc dốt ngang hàng với
chống giặc ngoại xâm và giặc đói. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay,
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi giáo
dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa mở cửa tiến vào tương lai.
Rõ ràng, giáo dục và đào tạo có một vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng
và giữ nước. Vì vậy, việc nhìn lại tình hình hoạt động giáo dục của nước ta
nói chung và tỉnh Biên Hòa nói riêng thời kì 1867 – 1945 sẽ góp phần tìm
hiểu lịch sử giáo dục Việt Nam, rút ra những bài học lịch sử cần thiết cho
công cuộc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, hiện đại, hướng tới
một xã hội học tập nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao


phẩm chất toàn diện của con người Việt Nam trong thời đại mới, thúc đẩy tiến
bộ xã hội.
Tìm hiểu hoạt động giáo dục của tỉnh Biên Hòa trong thời kỳ 1867 1945 là tìm hiểu một phần của lịch sử địa phương (Đồng Nai), góp phần vào
công cuộc nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương, đóng góp tư liệu vào
công tác biên soạn lịch sử giáo dục của địa phương nói riêng và lịch sử của cả
vùng đất Đồng Nai nói chung.
Tìm hiểu hoạt động giáo dục của tỉnh Biên Hòa trong thời kì 1867 –
1945 góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử của địa phương, củng cố, tăng

cường tri thức về lịch sử Việt Nam, mặt khác giúp tôi rèn luyện khả năng tự
nghiên cứu. Đồng thời, đây cũng là món quà nhỏ tôi muốn gửi tới quê hương
- mảnh đất Đồng Nai nơi tôi sinh ra, lớn lên và được trưởng thành trong
ngành giáo dục.
Vì những lý do trên, tôi chọn đề tài “Quá trình hoạt động của ngành
giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa từ 1867 đến 1945” làm luận văn tốt nghiệp
của mình.
2.

Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả đề
cập ở những mức độ khác nhau đến vấn đề tình hình giáo dục – đào tạo của
tỉnh Biên Hòa trong thời kỳ từ năm 1867 – 1945.
Tác phẩm Nền giáo dục Việt Nam trước 1945 của giáo sư Vũ Ngọc
Khánh với, là một trong những ấn phẩm đầu tiên viết về giáo dục Việt Nam.
Tác phẩm giúp người đọc có một cái nhìn khái quát về nền giáo dục cổ truyền
Việt Nam với những nét cơ bản về nội dung, tổ chức và truyền thống giáo
dục.
Tác phẩm Nền giáo dục Việt Nam thời cận đại của Phan Trọng Báu đề
cập đến quá trình phát sinh phát triển của nền giáo dục trước Cách mạng


Tháng Tám và ảnh hưởng của nó đối với nền giáo dục dân chủ nhân dân sau
này. Cuốn sách đã phác họa một bức tranh toàn cảnh của một giai đoạn
chuyển đổi của giáo dục nước ta, từ giáo dục khoa cử phong kiến sang nền
giáo dục thực nghiệm. Người Pháp đã cố gắng tổ chức một nền giáo dục hoàn
chỉnh thông qua 2 cuộc cải cách giáo dục; song kết quả đạt được lại không
đáng kể. Người Pháp đã không thành công trong việc dùng trường học để
thực hiện ý đồ “đồng hóa” dân tộc ta. Song song với hệ thống giáo dục của

người Pháp là dòng giáo dục yêu nước của các sỹ phu phong kiến, là dòng
giáo dục cách mạng với Nguyễn Ái Quốc là người tiên phong, là những
trường học sau song sắt, “biến nhà tù thành trường học cách mạng”.
Nhằm kỷ niệm vùng đất Biên Hòa – Biên Hòa tròn 300 tuổi, Ban chỉ
đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Biên Hòa đã xuất bản tác phẩm
Biên Hòa 300 năm hình thành và phát triển. Đây là một công trình tập thể do
các nhà khoa học, nghiên cứu ở Biên Hòa biên soạn. Quyển sách gồm 9
chương, giới thiệu vùng đất Biên Hòa trên tất cả các lĩnh vực: địa lý, khảo cổ,
lịch sử truyền thống, kinh tế, văn hóa, xã hội,…Trong đó, có dành 1 phần nhỏ
để khái quát tình hình hoạt động giáo dục đào tạo tỉnh Biên Hòa từ buổi đầu
đến năm 1975. Đến năm 1864, nền giáo dục và khoa cử ở Biên Hòa – Đồng
Nai về cơ bản vẫn trong khuôn khổ của chế độ phong kiến. Năm 1858, thực
dân Pháp xâm lược Việt Nam, sau khi chiếm Biên Hòa, sau đó là cả Nam Kỳ
lục tỉnh, thực dân Pháp thực hiện chính sách giáo dục nô dịch với mục đích:
đào tạo đội ngũ giúp việc, hạn chế và đi đến xóa bỏ Nho học. Từ đây, giáo
dục Biên Hòa đã có nhiều thay đổi.
Địa chí Biên Hòa (tập 5 – Văn hóa xã hội) đã dành hơn 70 trang để đề
cập đến tình hình hoạt động giáo dục đào tạo của tỉnh Biên Hòa từ năm 1698
khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh xác lập bộ máy hành chính đến năm
1998. Trong đó, có những nhận xét, đánh giá về tình hình hoạt động giáo dục


của tỉnh nhà qua các giai đoạn khác nhau. Từ năm 1698 – 1861, giáo dục và
khoa cử tỉnh Biên Hòa vẫn nằm trong khuôn khổ giáo dục phong kiến. Từ
năm 1861 – 1945, do tác động của chính sách văn hóa giáo dục của thực dân
Pháp, tình hình hoạt động giáo dục của Nam Bộ nói chung và tỉnh Biên Hòa
nói riêng có nhiều thay đổi.
Tác giả Lê Văn Giạng với tác phẩm Lịch sử giản lược hơn 1000 năm
nền giáo dục Việt Nam, đã trình bày tổng quan về lịch sử hơn 1000 năm nền
giáo dục Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 2000. Nền giáo dục Việt Nam bắt

đầu từ hệ thống giáo dục Nho học từ thế kỷ XI đã có tác dụng tích cực góp
phần củng cố nhà nước và xã hội phong kiến ở giai đoạn mới hình thành và
đang đi lên. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, Pháp coi nền Nho
học cũ ở Việt Nam là nơi đào tạo những người trung thành với chế độ vua
quan phong kiến và không có ích cho bộ máy cai trị của thực dân. Vì thế,
Pháp đã ngay lập tức xóa bỏ hệ thống giáo dục cũ ở Nam Kỳ. Từ năm 1878,
chữ Hán không được dùng trong giấy tờ, văn bản công mà được thay bằng
chữ quốc ngữ và chữ Pháp; đồng thời Pháp đã xây dựng nền giáo dục mới
thay thế giáo dục cũ ở Việt Nam. Ý đồ của thực dân Pháp trong việc xây dựng
nền giáo dục Pháp – Việt nhằm phục vụ cho mục đích khai thác và bóc lột
thuộc địa. Việc xóa bỏ nền giáo dục Nho học cũ và thay thế bằng nền giáo
dục Pháp – Việt được tác giả đánh giá là một cuộc cải cách giáo dục lớn trong
lịch sử nước ta; cuộc cải cách này vừa có tính chất lạc hậu, phản động do ý đồ
của thực dân Pháp, vừa có tính chất tiến bộ ngoài và trái với ý muốn đó.
Cuốn Khoa cử và giáo dục của Nguyễn Q. Thắng đề cập đến lịch sử
giáo dục Việt Nam từ 1075 – 1975. Cuốn sách đã trình bày một cách sơ lược
về các trường học và sự kiện giáo dục Việt Nam trước năm 1945 và một phần
giáo dục ở miền Nam Việt Nam đến năm 1975.


Ngoài ra, còn có các bài viết trên các tạp chí như Nguyễn Anh, Vài nét
về giáo dục ở Việt Nam từ sau Đại chiến thế giới lần thứ I đến trước Cách
mạng Tháng Tám, NCLS số 102 tháng 9/1967; Nguyễn Anh, Vài nét về giáo
dục ở Việt Nam từ khi Pháp xâm lược đến cuối chiến tranh thế giới lần thứ
nhất, NCLS số 98 năm 1967; Nguyễn Trọng Hoàng, Chính sách giáo dục
của thực dân Pháp ở Việt Nam, NCLS số 96 tháng 3/1967.
Những công trình trên đã giúp chúng tôi nhiều tư liệu quý và đã hình
thành được những nét lớn về hệ thống tổ chức, nội dung chương trình của nền
giáo dục Việt Nam trong thời kỳ 1867 – 1945. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc
kết quả nghiên cứu của các tác phẩm nêu trên, luận văn bước đầu tìm hiểu,

phân tích ảnh hưởng, tác động của hoàn cảnh lịch sử giai đoạn 1867 – 1945
đến hoạt động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa.
3.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

-

Đối tượng nghiên cứu:

Trong luận văn này, vấn đề “Quá trình hoạt động của ngành giáo dục –
đào tạo tỉnh Biên Hòa từ 1867 đến 1945” được hiểu là kết quả của những tác
động, ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước lúc bấy giờ: cuộc
xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam nói chung và Nam Kì
nói riêng. Hoàn cảnh lịch sử thời kì 1867 – 1945 là nhân tố quan trọng ảnh
hưởng đến tình hình giáo dục Việt Nam, trong đó có Biên Hòa. Vì vậy, đối
tượng nghiên cứu trực tiếp của đề tài chính là các yếu tố của hoàn cảnh lịch sử
đã chi phối, tác động đến hoạt động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa.
Các nhân tố của hoàn cảnh lịch sử đã tác động như thế nào đến hoạt
động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa từ 1867 đến 1945, có tác dụng thúc
đẩy hay kìm hãm sự phát triển nền giáo dục tỉnh nhà, góp phần tạo nên một
diện mạo mới cho nền giáo dục Biên Hòa giai đoạn 1867 – 1945, đó là nhiệm
vụ đề tài cần tìm hiểu và trả lời.


Vì vậy, cấu trúc luận văn sẽ được xây dựng dựa trên các yếu tố của
hoàn cảnh lịch sử đã ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên
Hòa. Quá trình hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa từ 1867
đến 1945 là kết quả chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đó.
-


Phạm vi nghiên cứu:

+ Thời gian nghiên cứu: từ năm 1867 đến năm 1945
+ Không gian nghiên cứu: luận văn chỉ nghiên cứu những hoạt động
của ngành giáo dục – đào tạo trong phạm vị tỉnh Đồng Nai ngày nay.
Từ năm 1792, Nguyễn Ánh hoàn toàn làm chủ đất Trấn Biên, Gia Định.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định,
Trấn Biên dinh thành Biên Hòa trấn. Đến năm 1808, lại đổi trấn Gia Định ra
Gia Định Thành thống quản trấn Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh
Thanh, Hà Tiên; Nguyễn Văn Nhơn làm tổng trấn, Trịnh Hoài Đức làm hiệp
tổng trấn. Đến năm 1812, Lê Văn Duyệt làm tổng trấn.
Năm 1832, Lê Văn Duyệt mất. Nguyễn Văn Quế và Bố chánh Bạch
Xuân Nguyên vốn có hiềm khích, dựng vụ án Lê Văn Duyệt. Vua Minh Mạng
cho xiềng mộ Lê Văn Duyệt, bãi bỏ chức tổng trấn, chia các trấn thành lục
tỉnh. Tỉnh Biên Hòa có từ đây.
Tỉnh Biên Hòa với cải cách của Minh Mạng, lấy đơn vị hành chính là
tỉnh. Tỉnh Biên Hòa thuộc lục tỉnh Nam Kì, vào năm 1836, tỉnh Biên Hòa rất
lớn: nằm suốt từ tả ngạn sông Sài Gòn ra tới bờ biển Thái Bình Dương (tức
biển Đông).
Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường,
Biên Hòa (1862) và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên
(1867), thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chánh cũ của triều
Nguyễn. Khoảng năm 1868, Nam Kỳ Lục tỉnh có hơn hai mươi hạt (địa hạt)
do tham biện cai trị.


Năm 1899, thực dân Pháp ra nghị định, đổi tên hạt thành tỉnh, tham
biện đổi thành chủ tỉnh, lục tỉnh Nam Kỳ chia thành 20 tỉnh, trong đó Biên
Hòa chia thành ba tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một.

Đồng Nai với vị trí địa lý nằm ở 10022’30’’ đến 10036’ vĩ Bắc và
107010’ đến 10604’15’’ kinh Đông, giao thoa giữa cao nguyên Trung bộ và
đồng bằng Bắc bộ; phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, Bắc giáp Lâm Đồng, Tây
Bắc giáp Bình Dương, Bình Phước; Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, Nam
giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; có quốc lộ trực tiếp đến các đô thị trong khu
vực, đường sắt xuyên Việt qua địa bàn Đồng Nai dài 85 km, sân bay quốc tế
Tân Sơn Nhất và sân bay quân sự Biên Hòa là cầu hàng không thường trực;
bến cảng Thị Vải, đủ để giao thương với tàu vạn tấn đến từ khắp nơi.
4.

Phương pháp nghiên cứu

Về mặt phương pháp luận, chúng tôi đứng trên quan điểm của chủ
nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để phân tích, nhìn nhận và đánh
giá vấn đề.
Phương pháp lịch sử và phương pháp logic là hai phương pháp được
chúng tôi sử dụng trong quá trình thực hiện luận văn. Đồng thời, luận văn
cũng sử dụng những kĩ thuật nghiên cứu cụ thể như: thu thập, tổng hợp, thống
kê tư liệu,… để trình bày và giải quyết các vấn đề đề tài đặt ra.
5.

Đóng góp của đề tài

- Hệ thống hóa những hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh
Biên Hòa diễn ra trong thời kì 1867 – 1945.
- Bước đầu phân tích một cách toàn diện, có hệ thống, khách quan
những hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa dưới tác động
của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ: cuộc xâm lược của thực dân Pháp, các
chính sách văn hóa – giáo dục của Pháp và sự ra đời, lãnh đạo của Đảng trên
tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa giáo dục.



- Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được dùng làm tài liệu tham
khảo cho cơ quan chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở Biên Hòa – Đồng
Nai đề ra những chính sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục – đào
tạo ở địa phương.
- Cung cấp những tư liệu, luận cứ khoa học cần thiết cho việc nghiên
cứu toàn diện lịch sử phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Biên Hòa –
Đồng Nai.
- Bên cạnh những đóng góp nói trên, tư liệu và kết quả nghiên cứu của
luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho phần lịch sử địa phương
trong giảng dạy và nghiên cứu.
6.

Bố cục của luận văn

Ngoài phần dẫn luận, kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam – yếu tố quan trọng tác
động đến hoạt động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa
Chương 2: Chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Nam Kỳ - yếu tố
tác động trực tiếp đến hoạt động giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa
Chương 3: Các cơ sở giáo dục – đào tạo tỉnh Biên Hòa từ 1867 đến
1945


Chương1:
THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC VIỆT NAM – YẾU TỐ
QUAN TRỌNG TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
– ĐÀO TẠO TỈNH BIÊN HÒA

Thời bấy giờ, Biên Hòa là tỉnh đầu tiên của Nam Kỳ lục tỉnh, khi đi từ
Bình Thuận vào miền Nam. Năm 1698, đất Biên Hòa – Đồng Nai ngày nay
thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định. Năm 1808, vua Gia
Long cho đổi là trấn Biên Hòa thuộc thành Gia Định. Năm 1836, vua Minh
Mạng đổi là tỉnh Biên Hòa .
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Năm 1861,
Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Biên Hòa lọt vào tay thực dân Pháp. Từ đây,
Biên Hòa đã có những thay đổi về các mặt kinh tế, chính trị và văn hóa, đặc
biệt là giáo dục.
1.1 Âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp
Âm mưu này bắt nguồn từ những năm đầu thế kỉ XVII, và ngày càng
phát triển mạnh mẽ, nhất là vào giữa thế kỉ XIX.
Từ thế kỉ XV, trong lòng chế độ phong kiến Tây Âu đã manh nha xuất
hiện nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Thương nhân phương Tây muốn đẩy
mạnh sản xuất nhằm thu lợi nhuận cao, nâng cao địa vị chính trị của mình và
xúc tiến sự định hình phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cũng trong thời
điểm này, các cuộc phát kiến địa lí đã diễn ra, những miền đất mới đã được
khám phá. Thành quả của phát kiến địa lí đã mở ra những con đường buôn
bán mới, tạo ra thị trường mới, mở đầu cho giai đoạn giao lưu quốc tế giữa
các quốc gia và các nền văn minh, văn hóa khác nhau.
Người Pháp không phải là người phương Tây đầu tiên có mặt ở Việt
Nam. Từ thế kỉ XVI, đã có những thương nhân Tây phương Hà Lan, Bồ Đào


Nha,… đến giao lưu buôn bán ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Người Pháp đến
buôn bán với Đại Việt khá muộn. Năm 1669, chiếc tàu đầu tiên của công ti
Đông Ấn Pháp đến xin chúa Trịnh cho phép lập thương điếm ở Phố Hiến,
nhưng mãi đến năm 1681 đề nghị này mới được chúa Trịnh chấp nhận. Năm
1682, một chiếc tàu khác sang nhưng không được đón tiếp niềm nở, cho nên
công ty Đông Ấn Pháp tạm đình chỉ buôn bán, chỉ để lại các giáo sĩ ở Đàng

Ngoài. Năm 1740, thương nhân kiêm giáo sĩ Poavrơ đã đến Đàng Trong thăm
dò. Năm 1744, Poavrơ đã gửi về nước một bản báo cáo khá chi tiết về tình
hình Đàng Trong trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa.
Đầu thế kỉ XIX, chính phủ Pháp mong muốn có được đặc quyền buôn
bán tại Việt Nam, cho nên trong khoảng thời gian từ 1817 đến 1831, người
Pháp cố gắng liên lạc với vua Nguyễn với mục đích khuyến khích triều đình
Huế giao thiệp với Pháp. Năm 1817, vua Pháp phái thuyền trưởng A.de
Kergariou mang quốc thư tới nước ta, nhưng không được vua Gia Long tiếp.
Năm 1822, vị đặc sứ Courson de la Ville Hélio được chính phủ Pháp phái tới
Việt Nam, nhưng vị này không được vua Minh Mạng tiếp đón. Năm 1831,
vua Pháp cử Laplace tới Đà Nẵng với nhiệm vụ thiết lập sự thông thương giữa
hai nước, nhưng không thành công. Không những thế, lãnh sự quán Pháp
được đặt tại Huế từ năm 1821 phải đóng cửa vào năm 1829. Sau sự thất bại
năm 1831, chính phủ Pháp đã từ bỏ mọi ý định thiết lập bang giao chính thức
giữa hai nước.
Từ những năm 30 của thế kỉ XIX, nước Pháp tiến hành cách mạng công
nghiệp và phát triển mạnh vào những năm 1850 – 1870. Kết quả là nền kinh
tế Pháp vươn lên mạnh mẽ, công nghiệp Pháp đứng hàng thứ 2 thế giới sau
Anh. Bộ mặt Paris và các thành phố khác thay đổi rõ rệt, một hệ thống đại lộ,
nhà ga, cửa hàng được dựng lên thay thế các phố cũ chật hẹp.


Thế kỉ XIX đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và
châu Mỹ. Những năm 50, 60 của thế kỉ XIX, nhiều cuộc cách mạng tư sản
diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau: thống nhất ở Đức và Italia, cải cách
nông nô ở Nga, nội chiến ở Mỹ,… điều này khẳng định sự toàn thắng của
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, chủ nghĩa tư bản đã đẩy mạnh
công cuộc xâm lược thuộc địa để mở rộng thị trường. Các thuộc địa có vai trò
đặc biệt đối với các nước đế quốc, là nơi cung cấp nguồn nhân công giá rẻ,
nguồn nguyên nhiên liệu dồi dào và là một thị trường tiêu thụ rộng lớn các

hàng hóa của chính quốc. Châu Á, Phi và Mỹ la tinh đã nằm trong tầm mắt
của các nước tư bản. Việt Nam giữa thế kỉ XIX cũng nằm trong bối cảnh lịch
sử đặc biệt đó.
Trong cuộc chạy đua với các nước khác, tư bản Pháp ngày càng bám
sâu vào Việt Nam. Công cụ đắc lực của Pháp là Hội truyền giáo nước ngoài
Pháp và người tiêu biểu là Alexandre de Rhodes. Alexandre de Rhodes đến
Việt Nam năm 1624, ở Việt Nam khoảng 17 năm, tích cực truyền bá đạo thiên
chúa. Năm 1645, Alexandre de Rhodes mở cuộc vận động lập các tòa giám
mục Pháp ở Viễn đông và hệ thống công giáo bản xứ. Năm 1664, Hội truyền
giáo hải ngoại Pháp được thành lập ở Paris. Trong các năm tiếp theo, các giáo
hội tích cực hoạt động, vừa truyền đạo vừa buôn bán, tích cực chuẩn bị cho
một dự án xâm lăng Việt Nam.
Thực dân Pháp đã kết hợp hoạt động của giáo sỹ với nhà buôn. Giám
mục Palluy là người tích cực cổ vũ ngành hàng hải Pháp, thúc đẩy việc thành
lập Công ty Đông Ấn của Pháp (1664); giám mục Daydier được vua Louis
XVI ủy quyền giao thiệp với vua Lê, chúa Trịnh để thiết lập thương điếm
Pháp trên lưu vực sông Hồng,…Thủ đoạn của Pháp không chỉ là nhà buôn
khoác áo giáo sỹ mà còn là chiếc áo choàng đen đi trước và lính xâm lược
theo sau. Năm 1737, Toàn quyền Pháp ở Pongdiseri (thuộc Ấn Độ) trình với


vua Pháp một dự án xâm nhập Đàng Ngoài. Năm 1748, Giám đốc công ty
Đông Ấn Pháp đề ra kế hoạch chiếm Cù lao Chàm gần cửa Hội An. Sang thế
kỷ XVIII, thất bại trong cuộc chiến tranh 7 năm (1756 – 1763) với Anh, Pháp
bị mất các thuộc địa ở Canada, Ấn Độ, Pháp càng muốn có thuộc địa ở Viễn
Đông.
Như vậy, việc mở rộng truyền bá Thiên chúa giáo ra phạm vi thế giới
từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX đã có sự gắn kết với tham vọng bành trướng
của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Chủ nghĩa tư bản châu Âu sử dụng các
giáo sĩ của các đoàn truyền giáo làm người đi tiên phong cho công cuộc xâm

lược. Họ có điều kiện len lỏi vào các vùng đất mới, tìm hiểu kĩ về địa lí, tài
nguyên, dân cư, phong tục, khả năng kinh tế và năng lực quốc phòng của từng
vùng. Đây là những hiểu biết bước đầu, nhưng cơ bản về đối tượng cần chinh
phục của các nước tư bản.
Trong khi đó, Việt Nam thế kỉ XVIII được gọi là thế kỷ nông dân khởi
nghĩa, đặc biệt với phong trào nông dân Tây Sơn (1771).
Cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn – Nguyễn Ánh diễn ra quyết liệt. Biên
Hòa là một trong những vùng chiến sự của cuộc nội chiến này. Quân Tây Sơn
và quân Nguyễn đã chiến đấu không phút ngơi nghỉ, góp phần làm tan rã
bước đầu cơ cấu làng xã từng được chúa Nguyễn gây dựng ở Biên Hòa. Từ
năm 1776 đến 1785, quân Tây Sơn sáu lần tiến công, kể cả lần Nguyễn Huệ
đưa đại quân tiến vào Mỹ Tho chống quân Xiêm, đất Gia Định và vùng Biên
Hòa nói riêng là những nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, không tránh khỏi bị
tàn phá nặng nề. Ở Biên Hòa, trung tâm Cù Lao phố đã bị tàn phá trong trận
chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh năm 1776 “từ đấy chỗ này biến thành gò
hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được
một phần trăm lúc trước” [27, tr.26].


Năm 1784, sau năm lần thua liên tiếp quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh trực
tiếp nhờ tư bản Pháp giúp binh lính, súng đạn, tàu chiến. Về phía Pháp, sau
một năm điều tra, do thám Việt Nam, Pháp nhận thấy rằng cơ hội của chúng
đã tới nhờ sự suy yếu của chế độ phong kiến chuyên chế Việt Nam. Và Bá Đa
Lộc là người đã kịp thời nắm bắt cơ hội cho tư bản Pháp can thiệp vào Việt
Nam. Cơ hội đến lúc Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực ngoại bang. Và cũng
chính Bá Đa Lộc đã thay mặt Nguyễn Ánh kí với đại diện vua Pháp Louis
XVI bản Hòa ước Versailles.
Hòa ước Versailles gồm 10 điều khoản, phía Nguyễn Ánh cam kết
nhượng hẳn cho nước Pháp quyền sở hữu cảng Hội An, đảo Côn Lôn, cho
Pháp độc quyền buôn bán ở Việt Nam, cam kết gửi binh lính, lương thực, tàu

chiến và mọi trang bị khi Pháp đánh nhau với một nước khác. Phía Pháp hứa
giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại đất đai cai trị, giúp 4 tàu chiến, 1650 binh
lính, và vũ khí trang bị.
Với hòa ước Versailles, Nguyễn Ánh đã đặt quyền lợi của dòng họ lên
trên quyền lợi của dân tộc, đồng thời hòa ước đã mở đầu cho tư bản Pháp thực
hiện âm mưu, kế hoạch xâm lược Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tình thế cách mạng tư sản Pháp 1789, hòa ước
Versailles không được thực hiện, nhưng ý đồ của Pháp xâm lược Việt Nam
vẫn không dừng lại, bởi vì việc đánh chiếm Việt Nam là một quốc sách của
chính phủ Pháp. Mặc dù không thực hiện được, Hòa ước Versailles đã cột
chặt Gia Long vào ảnh hưởng của nước Pháp và Hội truyền giáo Paris.
Ngày 16/9/1856, tàu chiến Catinat đến Đà Nẵng có phái viên cầm quốc
thư sang Việt Nam, nhưng triều đình Huế lo ngại không chịu tiếp. Ngày
22/4/1857, Napôoléêôonng III quyết định cử ra Hội đồng Nam Kì để xét lại
Hiệp ước Versailles đã được kí kết năm 1787 giữa Bá Đa Lộc, đại diện cho
Nguyễn Ánh và Montmorin, đại diện cho Lui XVI. Âm mưu của tư bản Pháp


lúc đó là muốn dựa vào văn kiện bán nước đầu tiên của Nguyễn Ánh để "hợp
pháp hóa" việc mang quân sang đánh chiếm Việt Nam. Năm 1857, Napoléon
III thành lập Ủy hội nghiên cứu vấn đề Việt Nam gồm nhiều nhân vật thông
thuộc vấn đề Viễn Đông. Ủy hội đưa ra ý kiến cần chiếm cứ 3 thương cảng
chính của Việt Nam: Đà Nẵng, Sài Gòn, Kẻ Chợ, điều này sẽ có lợi cho Pháp
về mặt chính trị và thương mại.
Tư bản Pháp đã lấy cớ trả thù việc triều đình Huế không tiếp nhận quốc
thư của Pháp do tàu chiến Catinat đem đến tháng 9 năm 1856, cho là “làm
nhục quốc kì” Pháp. Mặt khác, chúng còn lấy cớ “bênh vực đạo”, “truyền bá
văn minh công giáo” để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận công giáo
ở Pháp và Việt Nam. Nhưng tất cả những lí do đó đều không che đậy nổi
nguyên nhân sâu xa bên trong của âm mưu xâm lược. Đó là yêu cầu tìm kiếm

thị trường và căn cứ ở Viễn Đông, nhất là ở miền Nam Trung Quốc của chủ
nghĩa tư bản Pháp đang chuyển mạnh lên con đường đế quốc chủ nghĩa. Thực
dân Pháp đã hiện thực hóa âm mưu của mình vào năm 1858. Ngày 31/8/1858,
tiếng súng xâm lược bùng nổ tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Sự kiện này
đánh dấu một biến cố lớn trong lịch sử Việt Nam – một mâu thuẫn đối kháng
đã phát sinh: mâu thuẫn giữa một bên là dân tộc Việt Nam có truyền thống
giữ nước anh hùng và một bên là chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược.
Như vậy, quá trình xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã được
chuẩn bị lâu dài với mục đích bành trướng, xâm chiếm, mở rộng thị trường.
1.2 Biên Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Chiều 31/8/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha với 3000 binh lính và
sỹ quan, trên 14 chiến thuyền, kéo tới cửa biển Đà Nẵng, âm mưu đánh chiếm
Đà Nẵng, rồi tấn công ra Huế, buộc nhà Nguyễn đầu hàng. Sáng 1/9/1858,
Pháp gửi tối hậu thư buộc trấn thủ Trần Hoàng phải trả lời trong vòng hai giờ.
Không đợi hết hạn, chúng ra lệnh cho tàu chiến bắn đại bác và cho quân đổ bộ


lên bán đảo Sơn Trà. Được tin mất bán đảo Sơn Trà, triều đình Huế đã cử
Nguyễn Tri Phương làm tổng chỉ huy mặt trận Quảng Nam để lo việc chống
giặc. Với chiến thuật “vườn không nhà trống”, ông cùng quân dân ta đã gây
cho liên quân Pháp – Tây những thiệt hại đáng kể. Kết quả là sau 5 tháng
chiến tranh, chúng hầu như giẫm chân tại chỗ, quân ta bước đầu làm thất bại
âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp – Tây. Về sau, Tây Ban Nha rút
khỏi cuộc chiến.
Biên Hòa và các tỉnh miền Đông Nam Kì bị chiếm
Tháng 2/1859, De Genouilly đưa 2000 quân và 8 chiến thuyền vào Sài
Gòn. Ngày 9/2/1859, Pháp đến ngoài khơi Vũng Tàu. Sáng 10/2/1859, tàu
chiến Pháp tập trung ở Vũng Tàu, bắn phá các pháo đài phòng thủ của ta, mở
đường ngược sông Cần Giờ. Vấp phải sự kháng cự của quân dân ta ở hai bên
bờ, tàu địch tiến rất chậm, mãi đến ngày 16/2, mới ngược được sông Bến

Nghé vào đậu sát thành Gia Định.
Thành Gia Định là một thành vuông vức mỗi bề 475m, với 2000 quân,
200 khẩu đại bác, thuốc súng 80kg, nhiều bạc nén, nhiều thóc đủ nuôi một
vạn quân trong một năm.
Sáng 17/2, quân địch bắt đầu cuộc tấn công, đưa chất nổ đến phá thành,
đánh thủng cửa đông, dùng thang leo lên thành. Đến trưa ngày 17/2, quân chủ
thành rút lui, Pháp – Tây chiếm xong thành Gia Định. Đề đốc Trần Trí, bố
chánh Vũ Thực, lãnh binh Tôn Thất Năng lui về ụ Tây Thái, đốc thần Vũ Duy
Ninh, án sát Lê Từ tự vẫn. Thực dân Pháp nhận thấy rằng khó có thể giữ được
thành quá rộng lớn nên quyết định phá hủy thành, dùng thuốc nổ phá hủy
nhiều đoạn tường thành, đốt dinh thự kho tàng bên trong, và rút hết xuống
thuyền.
Lúc này, số quân Pháp ở Sài Gòn không quá 300 tên do phải điều động
lực lượng sang tham chiến ở châu Âu và Trung Quốc. Trong khi đó, quân


triều đình dưới sự lãnh đạo của Tôn Thất Hiệp nhiều hơn gấp hai chục lần,
nhưng chỉ bao vây không chịu tiến công. Từ tháng 4/1860, lực lượng quân
Pháp tăng từ 300 lên 555 và 800 tên, Pháp liền mở rộng phạm vi chiếm đóng,
chúng xây dựng công sự mới gọi là “đồn đất” nằm giữa thành Gia Định bị phá
và bờ sông.
Tháng 3/1860, Nguyễn Tri Phương được điều động từ Đà Nẵng vào chỉ
huy mặt trận Gia Định. Ông đã huy động quân dân gấp rút xây dựng một hệ
thống phòng ngự kiên cố, lấy đại đồn Chí Hòa làm đại bản doanh, tập trung
quân sĩ, đề phòng giặc đánh rộng ra. Theo Trần Văn Giàu, đại đồn là một cái
đồn rộng, dài 3000m, ngang 1000m, chia thành năm khu, khu này cách khu
kia bằng một bờ rào gỗ có cửa. Vách thành đại đồn xây bằng đất sét và đá ong
cao 3,5m, dày 2m, có nhiều lỗ châu mai. Trên mặt tường đồn, bố trí 150 đại
bác đủ loại bắn đạn gang. Từ Đại đồn về phía chùa Cây Mai, ta đắp một chiến
lũy dài và xây “đồn hữu” làm điểm tựa, và một điểm tưạ “đồn tả” từ Đại đồn

đến rạch Thị Nghè.
Nguyễn Tri Phương tin rằng thực dân Pháp sẽ không thể vượt qua Đại
đồn và phải rút quân như đã từng làm ở Đà Nẵng.
Tuy nhiên, chiến sự đồn Chí Hòa diễn ra theo chiều hướng khác. Cuối
tháng 2/1861, sau khi cùng các nước tư bản phương Tây can thiệp vũ trang
vào Trung Quốc thắng lợi, thực dân Pháp dồn quân vào mặt trận Gia Định,
bắt đầu tấn công đồn Chí Hòa dưới sự lãnh đạo của Charner. Ngày 24 tháng 2
năm 1861, hơn 8000 quân Pháp nổ súng bắn vào đồn, quân bộ được yểm trợ
bằng súng cối chạy vào đồn đánh giáp lá cà với quân trong đồn. Thế yếu,
quân Nguyễn Tri Phương chống cự tới kiệt sức đành tháo chạy, lỗ châu mai
trong đồn bắn vào quân Pháp đủ để quân rút lui an toàn. Đồn Chí Hòa chỉ
trong phút chốt thất bại nặng nề. Đại đồn xây dựng hơn một năm nhưng mất
trong một ngày. Nguyễn Tri Phương đem quân trú đồn Thuận Kiều.


Biên Hòa lọt vào tay thực dân Pháp
Trước việc mất Chí Hòa, triều đình Huế tức tốc phái Nguyễn Bá Nghi
giữ chức Khâm sai đại thần cùng Tôn Thất Đính làm Đề đốc đem 4000 quân
vào Biên Hòa tiếp viện, mộ thêm binh lính với hy vọng sẽ giữ được các tỉnh
còn lại: Biên Hòa, Định Tường, An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên.
Về phía Pháp, sau khi chiếm được Chí Hòa, tham vọng của thực dân
Pháp là mở rộng địa bàn hoạt động quân sự. Rút kinh nghiệm thất bại của
Charner, tướng Bonard chủ trương chưa đánh sâu vào các làng xã mà khẩn
trương đánh chiếm những tỉnh thành. Và kế hoạch đánh chiếm Biên Hòa và
Vĩnh Long liền được thảo ra. Kế hoạch nhanh chóng được thực hiện nhằm mở
rộng khả năng càn quét, bao vây, tiêu diệt các lực lượng chống đối trên một
địa bàn rộng lớn từ sông Đồng Nai đến sông Tiền, sông Hậu.
Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ chặt chẽ ở Biên Hòa đã gây nhiều khó
khăn cho Pháp. Một kế hoạch đánh chiếm Biên Hòa đã được các tướng tá
Pháp hoạch định một cách kĩ lưỡng.

Theo Địa chí Đồng Nai, Biên Hòa cách Gia Định 30 km theo đường
chim bay. Phía tây nam Biên Hòa có một chiến lũy Mỹ Hòa (nay thuộc Bình
Dương) với 3000 quân trấn đóng, phía nam Biên Hòa có tiền đồn Gò Công
(nay thuộc TPHCM) và một số ổ đề kháng phòng thủ. Dưới sông Đồng Nai từ
Nhà Bè đến Biên Hòa đều có cản gỗ, cản đá, trên bờ được xây dựng pháo đài,
bố trí súng thần công yểm trợ khi cần thiết.
Tháng 10/1861, phó đô đốc Bonard với quyết tâm đánh chiếm Biên
Hòa. Kế hoạch đánh chiếm Biên Hoà của quân Pháp được vạch ra bởi chính
đô đốc Bonard. Để dọn đường cho cuộc tấn công Biên Hòa, tướng Bonard sai
hai toán quân đi thám thính. Một đội đến Suối Sâu (nay thuộc huyện Vĩnh
Cửu, tỉnh Đồng Nai), thì bị quân Việt đánh đuổi; một đội khác đến hai thôn là
Bình Thuận và Bình Chuẩn (đều thuộc Biên Hòa), thì bị Phó đề đốc Lê Quang


Tiến cho quân tập kích, làm đối phương cũng phải tháo lui.
Thành Biên Hòa không lớn lắm, thành được xây bằng đá ong “chu vi
338 trượng (khoảng 1350m), tường cao 8 thước 5 tấc (khoảng 3,4m), dày 1
trượng (4m), hào rộng 4 trượng (16m), sâu 6 thước (khoảng 2,4m)” [21,
tr.180]. Sau khi thành Gia Định thất thủ (17/ 2/1859), tiếp theo là đại đồn Chí
Hòa cũng bị đánh chiếm (24/2/1861), quân và dân Biên Hòa đã làm xong 8
cái cản bằng gỗ và một cản bằng đá ong trên sông Đồng Nai nhằm ngăn chặn
quân Pháp theo sông Bến Nghé lên tấn công. Và hễ dưới sông có cản, thì trên
bờ có đồn lũy, đại bác cùng những chiếc thuyền con chở đầy thuốc nổ để
dùng cho đánh hỏa công.
Theo kế hoạch, Bonard sử dụng chiến thuật gọng kìm vừa tấn công
bằng đường thủy và đường bộ để hạ thành Biên Hòa. Các đơn vị được huy
động trong trận đánh hạ thành Biên Hòa gồm: đại đội khinh binh, pháo binh,
kị binh, đơn vị cứu thương, 300 lính thủy đánh bộ, lính Tây Ban Nha và hai
đại bác bắn tạc đạn, các hạm thuyền cùng hai pháo hạm.
Sau nhiều lần do thám và hoạch định kế hoạch, ngày 13 tháng 12 năm

1861, Chuẩn đô đốc Bonard gởi tối hậu thư cho Nguyễn Bá Nghi đòi triệt
thoái các pháo đài và vật cản trên sông Đồng Nai. Chưa nhận được trả lời,
ngày 14 tháng 12 năm 1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha với khoảng một
ngàn người được chia làm 4 đạo tấn công vào thành Biên Hòa
Cánh quân thứ nhất gồm hai đại đội khinh binh và 100 lính Tây Ban
Nha, 50 lính kị binh, và 4 khẩu pháo tiến vào rạch Gò Công, hạ đồn Gò Công,
tiến về phía lũy Mỹ Hòa.
Cánh quân thứ hai gồm 100 lính Tây Ban Nha, một đại đội lính thủy
đánh bộ đi thẳng từ Sài Gòn lên Mỹ Hòa.
Cánh quân thứ ba gồm hai đại đội lính thủy theo sông Đồng Nai bắn
phá các đồn và chướng ngại vật rồi cũng đổ bộ lên Mỹ Hòa.


Cánh quân cuối cùng đi ngược từ Rạch Chiếc phía nam Gò Công phá
các vật cản trên rạch Gò Công rồi hội quân ở Mỹ Hòa.
Quân triều đình chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng phải bỏ lũy Mỹ
Hòa rút chạy. Sáng 17 tháng 12 năm 1861, quân Pháp sau khi triệt thoái các
điểm án ngữ của quân đội nhà Nguyễn đã tiến thẳng đến trước thành Biên
Hoà. Chuẩn đô đốc Bonard đích thân chỉ huy trận tấn công trên tàu Ondine.
Các cánh quân địch trên bộ và tàu địch dàn trận rồi nã đại bác vào thành Biên
Hoà. Quân đội nhà Nguyễn chống trả quyết liệt. Tuy nhiên, với hoả lực mạnh,
đại bác địch liên tục nã pháo phá thành, đêm 17/12 Nguyễn Bá Nghi ra lệnh
cho quân đội rút khỏi thành Biên Hòa, bỏ lại 48 cổ đại bác, 15 chiến thuyền và
nhiều thuốc đạn nơi thành Biên Hòa.. Ngày 18 tháng 12 năm 1861, quân Pháp
tiến vào thành Biên Hoà bỏ trống, thu nhiều chiến lợi phẩm.
Quân triều đình rút chạy về hướng Bà Rịa, quân Pháp truy đuổi. Tại
Long Thành, lãnh binh Nguyễn Đức Ứng chỉ huy quân lính và nghĩa quân địa
phương chặn đánh địch. Hơn một ngày giao tranh quyết liệt, nghĩa quân bị tổn
thất nặng nề, Nguyễn Đức Ứng bị thương nặng. Ngày 28/12/1961, Long
Thành rơi vào tay giặc. Ngày 7/1/1862, quân Pháp chiếm được Phước Tuy,

Bà Rịa.
Trước tin Pháp chiếm được Biên Hòa, Bà Rịa, triều đình Huế phái
Tuần vũ Nguyễn Đức Hoan, án sát Lê Khắc Cẩn mộ dân chúng đứng dậy
chống giặc. Nhưng tình thế ngày càng khó khăn, không cứu vãn được. Quan
quân triều đình rút về Bình Thuận án ngữ. Ba tỉnh miền đông Nam Kì bị Pháp
chiếm đóng.
Giặc chiếm được tỉnh thành nhưng không khuất phục được nhân dân ta.
Phong trào ứng nghĩa nổi dậy khắp nơi, cả trong vùng địch tạm chiếm, đoàn
nghĩa binh của Trương Định có 6000 người, của Nguyễn Thành Ý có 2000
người, của Phan Trung có 2000 người. Bất cứ ở đâu, đội quân viễn chinh


Pháp đều vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quần chúng nhân dân. Nhân dân
Biên Hòa, những nơi chưa bị giặc chiếm đóng vẫn tiếp tục chiến đấu, thực
hiện “vườn không nhà trống”, dân cư gần những vùng giặc chiếm đều bỏ trốn.
Chiến thắng Nhật Tảo ngày 10/12/1861 của Nguyễn Trung Trực làm nức lòng
nhân dân và được nghĩa quân nhiều nơi áp dụng. Đầu năm 1862, phong trào
kháng chiến của nhân dân đã buộc Pháp phải rút khỏi các đồn Gò Công, Chợ
Gạo, Gia Thạnh, Cái Bè. Nghĩa quân đã chiếm lại được các huyện Tân Hòa,
Phước Lộc, Tân An, cả một vùng đất từ Gò Công lên Chợ Lớn đã được giải
phóng. Thực dân Pháp buộc phải “chinh phục những đất đai đã chinh phục” ở
Gia Định, Định Tường.
Giữa lúc phong trào kháng chiến của nhân dân đang dâng cao và đạt kết
quả, triều đình Huế đã kí hiệp ước dâng ba tỉnh miền đông Nam Kì cho Pháp.
Chính thực dân Pháp cũng ngạc nhiên phải thốt lên “may mắn thay, đang lúc
phải đón đợi lấy một tình thế xấu, thì Huế lại yêu cầu kí hòa ước” 1, giữa lúc
tình hình chiến sự bất lợi cho thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đề nghị
giảng hòa, hiệp ước Nhâm Tuất được kí kết.
Hiệp ước Nhâm Tuất là hiệp ước kí ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài
Gòn giữa đại diện triều Nguyễn (thời vua Tự Đức) là chánh sứ Phan Thanh

Giản và phó sứ Lâm Duy Hiệp với đại diện của Pháp là Bonard và đại diện
của Tây Ban Nha là Guttiere sau khi Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông
Nam Kỳ. Đây là hiệp ước đầu tiên của triều Nguyễn kí với nước ngoài, mở
đầu cho sự đô hộ của Pháp ở Việt Nam.
Hòa ước Nhâm Tuất có 12 khoản, trừ các điều khoản có tính cách ngoại
giao, thì 8 khoản sau đây được coi là quan trọng hơn cả:
Khoản 1: Từ nay về sau, hòa bình sẽ mãi mãi được thiết lập giữa một
1

Prosper Cultru, Histoire de la Cochinchine des origines à 1883, dẫn theo Nguyễn Khánh Toàn (CB) (1985),

Lịch sử Việt Nam (tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.42


bên là Hoàng đế Pháp và Nữ hoàng Tây Ban Nha và một bên là vua An Nam.
Tình hữu nghị toàn diện và lâu bền cũng sẽ được thiết lập giữa thần dân ba
nước dù họ ở bất cứ nơi đâu.
Khoản 2: Thần dân hai nước Pháp và Tây Ban Nha được hành đạo Gia
Tô ở nước Đại Nam, và bất luận người nước Đại Nam ai muốn theo đạo Gia
Tô, đều sẽ được tự do theo, nhưng những người không muốn theo đạo Gia Tô
thì không được ép họ theo.
Khoản 3: Chủ quyền trọn ba tỉnh là Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh
Định Tường, cũng như đảo Côn Lôn, do hiệp ước này, được hoàn toàn
nhượng cho hoàng đế nước Pháp. Ngoài ra, các thương gia Pháp được tự do
buôn bán và đi lại bằng bất cứ tàu bè nào trên sông lớn của xứ Cam Bốt và
trên tất cả các chi lưu của con sông này; các tàu binh Pháp được phép đi xem
xét trên con sông này hay trên các chi lưu của nó cũng được tự do như vậy.
Khoản 4: Sau khi đã nghị hòa, nếu có nước ngoài nào muốn, bằng cách
gây sự hoặc bằng một hiệp ước giành lấy một phần lãnh thổ của nước Đại
Nam, thì hoàng đế nước Đại Nam sẽ báo cho hoàng đế nước Pháp biết bằng

một sứ thần,.. để hoàng đế nước Pháp được hoàn toàn tự do đến tiếp cứu nước
Đại Nam hay không. Nhưng, nếu trong hiệp ước với nước ngoài nói trên, có
vấn đề nhượng địa, thì sự nhượng địa này có thể được thừa nhận nếu có sự
ưng thuận của hoàng đế nước Pháp.
Khoản 5: Người các nước Pháp và Tây Ban Nha được tự do buôn bán
tại ba hải cảng là Tourane (Đà Nẵng), Ba La (Ba Lạt) và Quảng An. Người
nước Đại Nam cũng được tự do buôn bán tại các hải cảng của nước Pháp và
Tây Ban Nha như vậy, nhưng phải theo thể thức luật định...
Khoản 8: Hoàng đế nước Đại Nam sẽ phải bồi thường một số tiền là
bốn triệu piastre, trả trong 10 năm. Vì nước Đại Nam không có tiền piastre sẽ
được tính bằng 72% lạng bạc.


×