BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
….o0o….
NGUYỄN THỊ KIM DUNG
KHẢO SÁT TẬP THƠ “HẢI ÔNG THI TẬP”
CỦA ĐOÀN NGUYỄN TUẤN
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh, 2011
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
….o0o….
NGUYỄN THỊ KIM DUNG
KHẢO SÁT TẬP THƠ “HẢI ÔNG THI TẬP”
CỦA ĐOÀN NGUYỄN TUẤN
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh, 2011
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU...................................................................................................................................................5
1- Lí do chọn đề tài ...............................................................................................................................5
2- Lịch sử vấn đề ...................................................................................................................................6
3- Phạm vi nghiên cứu ..........................................................................................................................9
4- Phương pháp nghiên cứu ................................................................................................................10
5- Cấu trúc luận văn: ...........................................................................................................................11
6- Đóng góp của luận văn ...................................................................................................................12
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÀ THƠ ĐOÀN NGUYỄN TUẤN ..................................13
1.1- Thời đại ........................................................................................................................................13
1.1.1- Cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến trên phạm vi cả nước:........................................13
1.1.2- Phong trào nông dân Tây Sơn ...............................................................................................16
1.1.3- Triều đại Nguyễn – Tây Sơn .................................................................................................23
1.2- Cuộc đời.......................................................................................................................................28
CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ NỘI DUNG CỦA TẬP THƠ “HẢI ÔNG THI TẬP”.......................................32
2.1- “Hải Ông thi tập” – hình ảnh khúc xạ của hiện thực đương thời .................................................32
2.1.1- Ánh hào quang của một triều đại ..........................................................................................32
2.1.2- Vị thế của một dân tộc bất khuất: .........................................................................................42
2.1.3- Bức họa Thăng Long thành: .................................................................................................53
2.2- “Hải Ông thi tập” – bức chân dung con người cá nhân nhà thơ ..................................................64
2.2.1- Nỗi nhớ quê nhà ....................................................................................................................65
2.2.2- Nỗi niềm dâu bể ....................................................................................................................72
2.2.3- Nỗi ân hận lầm sa vào vòng tục lụy ......................................................................................75
CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TẬP THƠ “HẢI ÔNG THI TẬP” .................................94
3.1- Ngôn ngữ nghệ thuật....................................................................................................................94
3.1.1- Từ ngữ...................................................................................................................................94
3.1.2- Câu ........................................................................................................................................95
3.2- Giọng điệu nghệ thuật ................................................................................................................109
3.2.1- Giọng tự hào, sảng khoái ....................................................................................................112
3.2.2- Giọng u buồn ......................................................................................................................114
3.2.3- Giọng cảm thương, ngậm ngùi ...........................................................................................115
3.3- Thời gian nghệ thuật ..................................................................................................................119
3.4- Không gian nghệ thuật ...............................................................................................................126
3.1.1- Không gian xa cách.............................................................................................................127
3.1.2- Không gian sông nước ........................................................................................................133
KẾT LUẬN ...........................................................................................................................................139
TÀI LIỆU THAM KHẢO.....................................................................................................................142
MỞ ĐẦU
1- Lí do chọn đề tài
Văn học trung đại là một giai đoạn có vị trí hết sức quan trọng trong
tiến trình vận động của nền văn học nước ta. Trải qua mười thế kỉ với biết bao
biến cố lớn của lịch sử, văn học trung đại đã lưu giữ những di sản tinh thần
quý giá của cha ông ta như một minh chứng cho bản sắc văn hóa của dân tộc
không hề mai một. Tìm về với văn học trung đại là tìm về với bản lĩnh văn
hóa Việt Nam, với những giá trị truyền thống của con người Việt Nam.
Trong việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, có thể nói văn học
thời Tây Sơn chiếm một vị trí khá khiêm tốn. Văn học thời kì này không có
nhiều công trình đồ sộ, lực lượng sáng tác cũng không đông đảo và đặc biệt là
thời gian tồn tại của nó quá ngắn ngủi. Bởi vậy, nhắc đến văn học thời kì này
người ta thường chỉ nghĩ ngay đến tác gia Ngô Thì Nhậm, người đứng đầu
dòng văn học yêu nước thời Tây Sơn. Tuy nhiên, bên cạnh Ngô Thời Nhậm,
văn học thời kì này còn có nhiều tác giả, tác phẩm văn học khác chưa được
giới nghiên cứu chú ý nhiều. Đoàn Nguyễn Tuấn là một trong số đó. Ông có
số lượng sáng tác khá dày dặn (khoảng 250 bài), lại là nhà thơ hình thành
được cho mình một phong cách riêng. May mắn cho chúng tôi được tiếp cận
với tập thơ “Hải Ông thi tập” của ông do viện Hán Nôm dày công biên soạn.
Điều đó giúp chúng tôi có thể bước đầu mở cánh cửa đi vào thế giới nghệ
thuật của ông, từ đó khám phá sự đa dạng, phong phú của văn học Tây Sơn.
Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn ít nhiều đã được chú ý nhưng chưa được nghiên
cứu một cách hệ thống. Đó là lí do mà chúng tôi muốn đi vào khảo sát toàn bộ
tập thơ “Hải Ông thi tập” với hi vọng có thể xác định được những đóng góp
của Đoàn Nguyễn Tuấn trong nền văn học Tây Sơn nói riêng và văn học trung
đại Việt Nam nói chung.
2- Lịch sử vấn đề
Sách Tây Sơn thuật lược (không rõ tác giả) cho biết: “Ở trong làng
mình, ông (Đoàn Nguyễn Tuấn) đã từng làm một ngôi nhà sàn giữa vườn hoa
gọi là Phong nguyệt sào (Tổ gió trăng) để thường đến đấy ngâm vịnh, tự gọi
là Sào Ông, dường như tự cho mình là Sào Phủ.”
Theo đánh giá của Ngô Thì Nhậm, người cùng thời với Đoàn Nguyễn
Tuấn: Thơ ông "đầy ý vị, ai oán mà hài hoà, trầm tư mà ngay thẳng".
Viện nghiên cứu Hán Nôm trong Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn – Hải
Ông thi tập, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982 đã đề cập đến tiểu sử Đoàn
Nguyễn Tuấn và khảo sát các văn bản thơ ông.
Mai Quốc Liên trong công trình nghiên cứu Ngô Thời Nhậm trong văn
học Việt Nam, Sở văn hóa thông tin Nghĩa Bình, 1985, dành một phần nhỏ
đánh giá về Đoàn Nguyễn Tuấn: “Ra cộng tác với Tây Sơn năm Canh Tuất
(1790), Đoàn Nguyễn Tuấn (? - ?) được sung vào sứ bộ giao hiếu với nhà
Thanh. Ông đã sống những ngày say sưa, mới mẻ, con mắt và tấm lòng mở
rộng: “Nhất bôi thiên địa ky hoài khoát, Mã thủ giang sơn lão nhãn minh”
(Đất trời một chén lòng xa rộng, Sông núi bên đường mắt mở to). Đoàn
Nguyễn Tuấn có một chuyển biến sâu sắc và mãnh liệt hơn trong tình cảm,
nhận thức,và sự chuyển biến đó được ghi lại trong thơ. Trong hơn 500 bài thơ
còn lại của ông, nổi bật lên những bài phản ánh khí thế chiến thắng và lòng tự
hào dân tộc thời đại Quang Trung. Chính những bài thơ như vậy giữ Đoàn
Nguyễn Tuấn ở lại với văn mạch dân tộc.”
Trong công trình này, Mai Quốc Liên cũng đánh giá vị trí của Đoàn
Nguyễn Tuấn trong sự so sánh với các nhà thơ cùng thời:
“Ra đi từ một chân trời cũ, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy
Tấn…đã đến với một chân trời mới, rộng mênh mông của lịch sử dân tộc.
Điều đáng tiếc là sáng tác của họ về chủ đề này chỉ lóe lên như một ánh chớp
đẹp. Chất lượng những bài thơ văn ấy dù cao sâu, nhưng số lượng quả là quá
ít, không đủ để định nghĩa sáng tác của mỗi người. Những bài thơ ấy của họ
đã đề cập đến những vấn đề quan trọng của lịch sử đương thời, đã mang được
cảm hứng tự hào về dân tộc thật là rạng rỡ, nhưng dù sao vẫn còn là quá ít để
nói về một thời đại.[…] Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn chỉ triển khai một,
hai mô-típ của chủ đề yêu nước, còn ở Ngô Thời Nhậm thì đã triển khai hầu
như tất cả các mô típ. Điều quan trọng đặc biệt là chủ đề ấy được Ngô Thời
Nhậm khơi sâu với một chiều sâu hiếm thấy bằng tâm huyết, tài năng, tư
tưởng của mình, tạo nên một ngọn núi hùng vĩ trong thơ văn yêu nước của thế
kỉ XVIII.”
Phương Lựu trong Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung
đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1997 có đề cập đến một bài thơ của Đoàn
Nguyễn Tuấn qua lời bình của Ngô Thời Nhậm: “Những bài tựa, bài bạt, bài
bình nói chung là cho cả một tập thơ, nhưng thảng hoặc cũng bắt gặp được
những lời bình cho riêng một bài thơ đã đi sâu vào thế giới nghệ thuật hết sức
tinh tế, đặc sắc. Thí dụ về bài “Quá Tam Điệp” của Đoàn Nguyên Tuấn […]
Ngô Thời Nhậm đã bình như sau: “Từ bụi hồng, tông tích là hai dốc của cảnh
đèo thứ nhất. Từ cây biếc, quan hà rọi chiếu xuống đường thế gập ghềnh là
hai dốc của lớp đèo thứ hai. Từ thổn thức, bóng ta xúc động tới tiếng chim đa
đa là hai dốc của lớp đèo thứ ba. Núi Tam Điệp của tạo vật là cảnh, câu tam
điệp của nhà thơ là tình. Đem tình hiện tại đặt sát liền với cảnh quá khứ và
tương lai, hết thảy khiến vô hạn hoài niệm về xuân thu, vô số hoài niệm về
kim cổ của con người, không trốn thoát ra khỏi những vần thơ này được. Ta
bảo sáu đợt tình của nhà thơ còn cao hơn gấp bội so với ba đợt đèo của núi
Tam Điệp”. Phát hiện cái thế Tam Điệp trong cấu trúc của lời thơ, gợi được
cái tình cùa nhà thơ, mà cuộc đời nhiều phen bôn ba càng gập ghềnh lên
xuống hơn cả đèo Ba Dội, lời bình thơ cùa Ngô Thời Nhậm quả là siêu việt”.
Nguyễn Thạch Giang (chủ biên) trong Tinh tuyển văn học Việt Nam
(Tập 5- Quyển hai),Văn học thế kỉ XVIII, Nxb Khoa học Xã hội, 2004, trình
bày sơ lược về tiểu sử Đoàn Nguyễn Tuấn. Về sự nghiệp sáng tác: “Ông đã để
lại cho chúng ta một tập thơ – Hải Ông thi tập – ngót 250 bài. Nội dung thơ
ông cho ta thấy ông là con người trầm mặc, thanh cao, chân thành, giản dị,
thiết tha với quê hương, với tổ quốc. Thơ ông lời chải chuốt, thanh thoát, gợi
cảm, ít điển cố. Một số bài ca ngợi triều đại Tây Sơn, nhiệt liệt ngưỡng mộ
Quang Trung, hào hứng trước quang cảnh đất nước dưới triều đại mới.”
Trong Từ điển Văn học (bộ mới), Đỗ Đức Hiểu (chủ biên), Phùng Văn
Tửu, Trần Hữu Tá, Nxb Thế giới, 2004, mục Đoàn Nguyễn Tuấn, Phạm Tú
Châu viết khái quát về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ. Về thơ
Đoàn Nguyễn Tuấn, tác giả chú ý đến khía cạnh tư tưởng: “Nhìn chung thơ
Đoàn Nguyễn Tuấn dù sáng tác dưới thời Quang Trung (1788-92) hay Quang
Toản (1792-1802), đều có những bài chân thành và hào hứng ca ngợi triều đại
mới, ca ngợi võ công đánh quân Thanh, dẹp Nguyễn Ánh của đội quân Tây
Sơn, mang lại cảnh thanh bình thịnh trị cho đất nước […]; hoặc biểu lộ niềm
tự hào về nền văn hiến dân tộc […] Đoàn Nguyễn Tuấn còn cho thấy niềm
phấn khởi, lòng tin, ý mong muốn đóng góp nhiều cho thời đại mới. Nhà thơ
cũng không giấu giếm những ý nghĩ tiêu cực, buồn nản để lộ rải rác trong thơ.
Đó là một sự thật khó tránh. Là một trí thức có gia đình, bạn bè, thân thích
đều là những đại thần của triều đại cũ mà nhiều người trong họ cũng như
chính tác giả đã từng ôm chí khôi phục nhà Lê nhà Trịnh, Đoàn Nguyễn Tuấn
trong tập thơ của mình thành thực nhận rằng ông chưa rũ bỏ được hết nỗi băn
khoăn, day dứt – những mâu thuẫn và đấu tranh khi đã đi theo Tây Sơn. Tuy
nhiên, cuối cùng Đoàn Nguyễn Tuấn đã vượt được dư luận, vượt được giáo lý
và những mặc cảm của đời và của mình để phục vụ thủy chung cho triều đại
mới. Hải ông thi tập cũng đã ghi nhận điều đó”.
Trong bài viết này, Phạm Tú Châu chú ý đến bài thơ “Không đề”, xem
nó là một bài thơ tình thực sự và cho rằng: “Đó là nét độc đáo của Đoàn
Nguyễn Tuấn so với thơ đi sứ nói chung cũng như so với thơ trữ tình của
người cùng thời như Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, v.v…”
Nguyễn Tiến Đoàn trong Đoàn Nguyễn Tuấn đề thơ trên Hoàng Hạc
Lâu (www.honvietquochoc.com.vn) cung cấp thông tin về hành trình đi sứ
đặc biệt (do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung) của đoàn sứ bộ Việt
Nam trong đó có Đoàn Nguyễn Tuấn.
Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam đánh giá Hải Ông thi tập như
sau: "Hải Ông thi tập ghi lại tâm tư và hoạt động trong thời gian làm quan của
Đoàn Nguyễn Tuấn. Có những bài bày tỏ niềm hào hứng, ca ngợi chiến thắng
Đống Đa hoặc tự hào về đất nước. Cũng có những bài phản ánh ý nghĩ buồn
nản, chán chường”.
Dư Vân trong Văn học nghệ thuật thời Tây Sơn nhận xét: “Đoàn
Nguyễn Tuấn là anh vợ của Nguyễn Du, làm quan triều Lê, nhưng sau này
cùng anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ theo phò Tây Sơn, làm quan đến Thị
lang bộ Lại, được phong tước Hải Phái Hầu. Như Ngô Thì Nhậm và Phan
Huy Ích, ông từng đi sứ đối đáp với triều Mãn Thanh và làm thơ phản ảnh
một niềm tự hào dân tộc rất đĩnh dạc, khác hẳn văn phong yếm thế hay tôn
sùng Trung Hoa của các danh sĩ cùng thời. Tác phẩm của ông để lại có Hải
Ông thi tập”. (o/index.php/sach-viet/van-hoa-am
thuc/chitiet/xem/ 4398/ van-hoc-nghe-thuat-thoi-tay-son-du-van)
Như vậy có thể thấy thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn đã ít nhiều được các
nhà nghiên cứu chú ý nhưng khảo sát toàn bộ tập thơ một cách hệ thống vẫn
là một công việc còn bỏ ngỏ.
3- Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi là toàn bộ tập thơ “Hải Ông thi tập”.
Văn bản mà chúng tôi lựa chọn là: Viện nghiên cứu Hán Nôm, Thơ văn Đoàn
Nguyễn Tuấn – Hải Ông thi tập, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982:
Lí do chúng tôi lựa chọn văn bản này để khảo sát là do văn bản được Viện
nghiên cứu Hán Nôm biên soạn công phu, tỉ mỉ, có sự so sánh đối chiếu với
nhiều bản khác. Ở phần đầu tập thơ, nhóm biên soạn đã trình bày cách làm
của mình một cách khoa học:
“ Tóm lại, với 9 quyển sách trong ít nhiều có chép thơ văn Đoàn
Nguyễn Tuấn kể sơ qua ở trên, chúng tôi nhận định rằng: chỉ có “ Hải Ông thi
tập” [ H.O.T.T] ( A. 2603) là một văn bản có giá trị và đáng tin cậy hơn cả.
Chúng tôi đã sử dụng nó như một bản nền. Riêng 8 bản còn lại cũng đã giúp
chúng tôi:
1- Lấy thêm những bài mà sách [H.O.T.T] (A. 2603) không thấy
chép.
2- Bổ sung những chữ mà “ Hải Ông thi tập” ( A.2603) do bị rách
nên thiếu, hoặc chữ mờ và chép sót, cũng như xác định lại một số
chữ có thể chép sai, v.v…”
4- Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi sử dụng phương pháp hệ thống để nghiên cứu toàn bộ tác
phẩm thơ Đoàn Nguyễn Tuấn, nhằm đem đến một cái nhìn toàn diện, khái
quát về nội dung tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của ông. Mặt
khác, chúng tôi cũng đặt thơ Đoàn Nguyễn Tuấn trong hệ thống thơ ca trung
đại Việt Nam nói chung và thơ ca Việt Nam cuối thế kỉ XVIII nói riêng để
tìm ra những nét tương đồng và dị biệt. Đối với từng tác phẩm chúng tôi cũng
xem xét nó như một chỉnh thể nghệ thuật với sự thống nhất giữa các yếu tố
nội tại.
Bên cạnh phương pháp hệ thống, phương pháp loại hình cũng được
chúng tôi vận dụng để tìm hiểu thơ Đoàn Nguyễn Tuấn. Thơ ông thuộc phạm
trù thơ trung đại với những đặc trưng riêng hoàn toàn khác với thơ ca dân
gian hay thơ hiện đại. Do đó cần nghiên cứu thơ Đoàn Nguyễn Tuấn dưới góc
độ loại hình để thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ông theo quan niệm của thơ
trung đại vốn mang những nét đặc thù riêng.
Phương pháp xã hội học cũng hết sức cần thiết cho chúng tôi khi
nghiên cứu thơ Đoàn Nguyễn Tuấn. Không ai có thể phủ nhận mối liên hệ
chặt chẽ giữa văn học với điều kiện lịch sử, xã hội sản sinh ra nó. Hơn nữa,
thời đại mà ông sống là một thời đại đầy bão táp và tập thơ Hải Ông thi tập
thực sự là một tập nhật kí bằng thơ về cuộc đời ông, về thời đại ông. Vận
dụng phương pháp xã hội học không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác
phẩm mà qua đó còn thấy được những đóng góp của nhà thơ trong việc ghi lại
hiện thực xã hội đương đời.
Các phương pháp trên được sử dụng một cách linh hoạt, kết hợp với
các thao tác: tổng hợp, phân tích, thống kê và so sánh đối chiếu.
5- Cấu trúc luận văn:
Luận văn gồm 3 phần
PHẦN DẪN NHẬP
PHẦN NỘI DUNG CHÍNH
Chương 1- Giới thiệu chung về nhà thơ Đoàn Nguyễn Tuấn
1.1- Thời đại
1.2- Cuộc đời
Chương 2- Giá trị nội dung của tập thơ “Hải Ông thi tập”
2.1- “Hải Ông thi tập” - hình ảnh khúc xạ của hiện thực đương thời:
2.1.1- Ánh hào quang của một triều đại
2.1.2- Vị thế của một dân tộc bất khuất
2.1.3- Bức họa Thăng Long thành
2.2- “Hải Ông thi tập”- bức chân dung con người cá nhân nhà thơ:
2.2.1- Nỗi nhớ quê hương
2.2.2- Nỗi niềm dâu bể
2.2.3- Nỗi ân hận vì trót sa vào vòng tục lụy
Chương 3: Giá trị nghệ thuật của tập thơ “Hải Ông thi tập”
3.1- Ngôn ngữ nghệ thuật
3.2- Giọng điệu nghệ thuật
3.3- Thời gian nghệ thuật
3.4- Không gian nghệ thuật
PHẦN KẾT LUẬN
6- Đóng góp của luận văn
Khảo sát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của toàn bộ tập thơ “Hải
Ông thi tập” nhằm giới thiệu một gương mặt thi ca có đóng góp cho văn học
dân tộc.
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÀ THƠ ĐOÀN NGUYỄN
TUẤN
1.1- Thời đại
1.1.1- Cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến trên phạm vi cả nước
• Ở Đàng Ngoài
Vào đầu những năm 50 của thế kỉ XVIII, cuộc đấu tranh của nông dân
tạm thời lắng xuống ở vùng đồng bằng. Trước tình trạng điêu tàn của đất
nước, chúa Trịnh hết sức lo lắng, đã ban hành nhiều chính sách nhằm khôi
phục nền sản xuất nông nghiệp, đưa nông dân lưu tán về với ruộng đồng.
Những chính sách này cùng với sự nỗ lực của nhân dân, nhiều làng xóm
nhanh chóng được hồi phục. Tuy nhiên sự hồi phục đó chỉ mang tính chất tạm
thời vì khi dân trở về làm ăn vẫn bị bọn cường hào áp bức, ruộng đất bỏ
hoang vừa được khai phá lại bị ngay bọn quyền quý chiếm đoạt. Mặt khác,
nhằm thưởng công cho những người tham gia đàn áp phong trào nông dân,
phủ chúa đã ban cấp nhiều ruộng đất, thái ấp. Mất mùa, đói kém lại xảy ra.
Tình trạng đói kém càng thường xuyên hơn ở thập niên 70, 80, đặc biệt là
năm 1786.
Trong tình hình khó khăn đó, nội bộ chính quyền Lê – Trịnh ngày càng
mâu thuẫn. Năm 1767, Trịnh Doanh chết, con là Trịnh Sâm lên thay, chuyên
quyền và tàn bạo. Thái tử Lê Duy Vĩ bị vu oan và bị giết. Em Trịnh Sâm là
Trịnh Lệ mưu giết anh để cướp ngôi, cuối cùng bị bắt bỏ ngục. Trịnh Sâm say
mê Đặng Thị Huệ, bỏ bê việc triều chính. Y truất thế tử Trịnh Khải để đưa
con thứ còn ít tuổi là Trịnh Cán, con của Thị Huệ, lên thay. Phe phái của
Đặng Thị Huệ là nhóm quận công Hoàng Đình Bảo – Đặng Thị Huệ được dịp
nắm hết quyền hành. Em trai của Thị Huệ cũng nhân đó cậy thế làm càn,
khiến kinh thành náo động. Năm 1782, Trịnh Sâm chết. Phe Trịnh Khải nổi
dậy đánh giết nhóm Hoàng Đình Bảo – Đặng Thị Huệ, phế Trịnh Cán. Quân
Tam phủ – chỗ dựa chính của Trịnh Khải, được thế cậy công, thả sức tung
hoành. Chúng còn kéo nhau đi cướp bóc, phá phách các phố phường, không ai
chế ngự nổi. Nhân dân gọi đó là “loạn kiêu binh”. “Loạn kiêu binh” đánh dấu
sự tan rã của thế lực họ Trịnh, gây nên một sự đối lập lớn giữa nhận dân và
quân sĩ. Tình thế đó kéo theo hậu quả là một mặt bọn quan lại địa phương mà
phần lớn là nhờ tiền bạc mà có chức quyền, tha hồ vơ vét, đục khoét nhân
dân, mặt khác, dòng họ Lê tìm cách nâng cao uy thế mong có ngày khôi phục
địa vị trước đây. Mặc dầu, từ năm 1774, nhân cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng
nổ, chúa Trịnh đã cử quân vào chiếm đất Thuận Hóa, sự suy sụp về chính trị,
kinh tế – xã hội của Đàng Ngoài vẫn ngày càng trầm trọng.
• Ở Đàng Trong
Những ưu thế của đất Đàng Trong đã giúp các chúa Nguyễn giữ được
tình trạng ổn định của xã hội trong một thời gian khá dài. Nhưng rồi những
mâu thuẫn cố hữu của chế độ phong kiến cũng dần dần phát huy tác dụng và
từ giữa thế kỉ XVIII, đưa Đàng Trong vào cuộc khủng hoảng.
Từ 1669, ruộng đất ở vùng Thuận Quảng phần lớn đã là ruộng công,
nhưng do tô thuế phiền phức, nặng nề, nhân dân không đóng nổi, nhà chúa
buộc phải “châu phê” cho bán đoạn làm ruộng tư hoặc bọn hào lí tự viết là
ruộng đất tư đem bán đoạn hết. Ở vùng Gia Định (Nam bộ nay) đất đai rộng
lớn, trù phú, người ít, thế nhưng phần lớn ruộng đất nằm trong tay địa chủ,
nông dân nghèo vẫn phải cày thuê cuốc mướn hoặc đi khai hoang ở các vùng
xa. Chính sách thuế khóa nặng nề của chúa Nguyễn đã làm cho cuộc sống của
nông dân ngày càng khổ cực.
Thương nghiệp, thủ công nghiệp cũng sút kém dần so với trước. Ngoại
thương thì sụt hẳn do số thuyền bè nước ngoài đến thưa thớt mà sự hạch sách
của chúa và các quan tuần ti ngày càng không chịu nổi. Các đô thị như Hội
An, Thanh Hà, Nước Mặn sa sút hẳn. Một vài thị tứ như Bến Nghé, Nông Nại
hoạt động bình thường nhưng việc buôn bán chủ yếu nằm trong tay Hoa kiều.
Về chính trị, như đã nói ở phần trước, từ năm 1744, Nguyễn Phúc
Khoát xưng vương, xây dựng Phú Xuân thành kinh đô, tổ chức lại bộ máy
nhà nước. Các gia đình quý tộc, quan lại cao cấp cũng nhân đó xây dựng dinh
thự la liệt hai bên bờ thượng lưu sông Phú Xuân và con sông nhỏ ở Phù Cam.
Họ đua nhau ăn chơi xa xỉ, nuôi các đội tuồng chèo, ca kĩ chuyên phục vụ các
cuộc yến tiệc.
Nguyễn Phúc Khoát chết, Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên thay.
Quyền hành thực tế do Trương Phúc Loan thâu tóm, tự xưng là Quốc phó.
Một mình y chiếm đoạt 5 cửa nguồn, hàng năm thu lợi 4-5 vạn quan tiền. Y
còn nắm bộ Hộ để hạch sách các thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Nội
bộ chính quyền phân chia bè cánh. Những người chống Trương Phúc Loan
đều bị giết hại, cách chức. Phủ huyện, làng xã nằm trong tay bọn quan lại
cường hào tham nhũng. Một xã hồi đó có đến 17 tướng thần (quan thu thuế)
và 20 xã trưởng. Chính trị thối nát.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn vì cái gọi là nạn “tiền hoang”.
Nguyên là Đàng Trong phải mua đồng của Đàng Ngoài thông qua các lái
buôn ngoại quốc; khi chính quyền Đàng Ngoài tìm cách cấm ngặt việc đó và
thương thuyền nước ngoài ít đi thì chúa Nguyễn buộc phải dùng kẽm đúc
tiền. Kết quả dân Gia Định nhiều thóc không bán lấy tiền mà thương nhân
cũng không muốn đổi hàng hóa lấy tiền kẽm, buôn bán do đó không thông,
thóc gạo miền Nam không ra được Thuận, Quảng, làm cho giá gạo ở đây cao
vọt lên không phương cứu vãn. Năm 1752, một nạn đói lớn đã xảy ra, dân bị
chết đói rất nhiều. Từ năm 1769, trong khoảng 4 – 5 năm liền, đói kém diễn ra
liên miên. Đặc biệt là năm 1774, Thuận Hóa bị đói lớn.
Người nông dân đã nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa lớn nhật được nhân dân
truyền tụng là cuộc khởi nghĩa của “chàng Lía” ở Quy Nhơn (Bình Định).
Vốn là một nông dân nghèo, tên là Đoan, anh phải đi ở cho địa chủ, nuôi sẵn
chí căm thù. Anh lại khỏe mạnh, giỏ võ, khí khái. Nạn đói xảy ra, anh trốn
vào rừng, tụ tập dân nghèo khởi nghĩa lấy Truông Mây làm căn cứ. Nghĩa
quân đánh giết bọn cường hào, lấy của cải phân phát cho dân nghèo. Nghĩa
quân bị đàn áp, Lía chết nhưng hình ảnh của anh mãi mãi khắc sâu vào lòng
nhân dân.
Chế độ phong kiến Đàng Trong bước vào giai đoạn suy tàn, chuẩn bị
cho một cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại làm rung chuyển cả đất nước.
1.1.2- Phong trào nông dân Tây Sơn
Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở đất Tây Sơn, do ba anh
em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Tây Sơn thuộc huyện
Phù Ly, phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam vốn gồm hai vùng: vùng rừng núi
gọi là Thượng đạo (nay thuộc Gia Lai – Kontum) và vùng đồng bằng gọi là
Hạ đạo (nay thuộc Bình Định) bấy giờ rừng núi rậm rạp thuận lợi cho việc
xây dựng căn cứ. Không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột và hoành hành của bọn
quan lại chúa Nguyễn, không yên lòng trước cảnh sống khổ cực của những
người nông dân cùng ấp, huyện, từ sớm 3 anh em đã liên kết với các bạn cùng
chí hướng cũng như các tù trưởng dân tộc ít người, luyện võ, hội bàn chuẩn bị
khởi nghĩa.
Năm 1771, nhân bị tên đốc trưng Đằng ức hiếp, Nguyễn Nhạc cùng hai
em dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn, giương cao khẩu hiệu “Đánh đổ quyền
thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Phúc Dương “ (Phúc Dương là
cháu đích tôn của Nguyễn Phúc Khoát, bị Trương Phúc Loan phế truất). Nhờ
sách lược khôn khéo đó, nghĩa quân đã thu hút được sự ủng hộ và hưởng ứng
của nhiều tầng lớp nhân dân. Đồng thời với khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia
cho người nghèo”, nghĩa quân đi đến đâu, dân nghèo tham gia đến đó.
Mùa thu năm 1773, nghĩa quân đã chiếm được phần lớn phủ Quy
Nhơn. Thanh thế nghĩa quân lên cao. Nguyễn Nhạc nhân đó dùng mưu kế
đem quân đánh chiếm phủ lị Quy Nhơn rồi tiến lên chiếm nốt Quãng Ngãi.
Năm 1777, Nguyễn Nhạc tự xưng Tây Sơn Vương, phong Nguyễn Huệ
làm phụ chính, xây lại thành Đồ Bàn làm thủ phủ.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Thái Đức,
phong Nguyễn Huệ làm Long nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm tiết chế.
Các năm 1782, 1783, quân Tây Sơn hai lần đánh vào Gia Định. Quân Nguyễn
Ánh thất bại nặng nề, tạm bỏ Gia Định chạy trốn sang Xiêm.
Chính quyền chúa Nguyễn đã bị đánh đổ nhưng Nguyễn Ánh vẫn
không chịu từ bỏ mong muốn khôi phục cơ đồ của dòng họ. Sang Xiêm, Ánh
xin vua Xiêm đem quân đánh Tây Sơn, cứu giúp mình. Cho đến cuối năm đó,
gần một nửa đất Gia Định đã thuộc về quân Xiêm – Nguyễn Ánh. Tướng Tây
Sơn là Trương Văn Đa giữ vững hai thành Gia Định và Mỹ Tho. Kiêu căng
với thắng lợi nhanh chóng của mình, quân Xiêm mặc sức cướp phá, đốt nhà
lấy của, giết người rất tàn bạo. Nhân dân Gia Định chất chứa căm thù, ngày
ngày mong đợi quân Tây Sơn tiến vào giải phóng cho họ.
Tin báo về, Nguyễn Huệ được lệnh cầm quân tiến vào giành lại đất Gia
Định. Đầu tháng 1 năm 1785, quân Tây Sơn vào đóng lại ở Mỹ Tho. Bấy giờ
quân Xiêm – Nguyễn Ánh đang đóng ở Sa Đéc, chuẩn bị tấn công Mỹ Tho.
Trận quyết chiến diễn ra trên khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút
(về sau được gọi là trận Rạch Gầm – Xoài Mút) vào sáng ngày 19-1-1975.
Nguyễn Huệ nhử quân địch vào trận địa mai phục và đánh cho chúng tan tành
chỉ còn vài ngàn quân chạy bộ về nước.
Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút thể hiện tài năng quân sự kiệt xuất
của vị chủ soái Nguyễn Huệ và tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết liệt của
quân đội Tây Sơn. Chiến thắng đó cũng khẳng định quyền làm chủ xứng đáng
của nghĩa quân Tây Sơn đối với đất Đàng Trong.
Sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm và bè lũ Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ
củng cố lại chính quyền Tây Sơn ở Gia Định rồi rút về. Thắng lợi to lớn đó đã
làm nảy sinh ý tưởng chiếm lại Phú Xuân ở các thủ lĩnh Tây Sơn. Được
Nguyễn Hữu Chỉnh gợi ý và sẵn sàng góp sức, Nguyễn Nhạc đã quyết định cử
Nguyễn Huệ làm tiết chế quân thủy bộ cùng Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu
Chỉnh tiến ra Phú Xuân. Dùng mưu li gián Hoàng Đình Thể và Phạm Ngô
Cầu, nghĩa quân Tây Sơn nhanh chóng hạ thành Phú Xuân rồi nhân đà thắng
lợi, tiến ra chiếm nốt các dinh còn lại ở nam sông Gianh. Đất Đàng Trong
hoàn toàn thuộc về quân Tây Sơn.
Ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào Thăng
Long. Chính quyền của họ Trịnh bị lật đổ. Nguyễn Huệ trao lại quyền hành
cho vua Lê Hiển Tông và được vua Lê phong tước Uy quốc công. Vua Lê
cũng nhường cho Tây Sơn đất Nghệ An, gọi là để thưởng công. Sau khi hoàn
thành mọi việc, Nguyễn Huệ rút quân về Nam.
Quân Tây Sơn rút về, Bắc hà rối loạn. Nạn đói hoành hành, nhân dân
cực khổ, vua Lê Chiêu Thống kế vị Lê Hiển Tông, bất lực trong việc chống
chọi với thế lực họ Trịnh do Trịnh Bồng đứng đầu, đang cố sức phục dựng cơ
đồ cũ. Dựa vào sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Chỉnh (sau khi quân Tây Sơn rút,
đã trở lại Bắc hà), Chiêu Thống đánh bại quân Trịnh, đốt phá phủ chúa.
Nguyễn Hữu Chỉnh nhân đó lộng quyền, chống lại Tây Sơn, cho người vào
đòi lại Nghệ An. Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ (Bắc Bình Vương, làm chủ
vùng đất từ Phú Xuân ra Bắc theo sự phân chia của Nguyễn Nhạc) cử Ngô
Văn Sở, Vũ Văn Nhậm đem quân ra diệt Chỉnh. Trước sức tấn công dữ dội
của quân Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh và Lê Chiêu Thống rủ nhau chạy lên
phía bắc. Giữa đường, quân sĩ bỏ trốn hết. Hữu Chỉnh chạy đến Yên Thế (Bắc
Giang) thì bị bắt và bị giết. Lê Chiêu Thống trốn thoát rồi vượt biên giới chạy
sang đất Quảng Tây. Nhà Lê sụp đổ sau gần 4 thế kỉ trị vì đất nước. Vũ Văn
Nhậm thu xếp mọi việc, lập một người họ Lê là Lê Duy Cẩn làm giám quốc
bù nhìn. Được thông báo về sự lộng quyền của Nhậm, Nguyễn Huệ vội vã ra
Bắc, bắt giết Nhậm và cử Ngô Văn Sở lên thay, đồng thời thu nhận một số
quan lại, sĩ phu tiến bộ Bắc hà như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn
Thế Lịch, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn,… giao quyền hành, chức vụ cho
họ, thể hiện đúng ý thức trọng dụng người hiền tài.
Như vậy là sau hơn 15 năm khởi nghĩa, đánh nam, dẹp bắc, quân Tây
Sơn ngày càng lớn mạnh đã hoàn thành một sự nghiệp to lớn: đánh đổ 3 tập
đoàn phong kiến thống trị Nguyễn, Trịnh, Lê, làm chủ cả đất nước. Tuy
nhiên, cũng cần thấy rằng vào năm 1788 này, thế lực họ Lê vẫn còn lay lắt và
trong bước đường cùng đã cầu cứu nhà Thanh, còn ở mặt nam, nhân cuộc
xung đột, bất hòa của an hem Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và nhân sự thoái
hóa của Nguyễn Nhạc, sự bất lực của Nguyễn Lữ, từ đất Xiêm, Nguyễn Ánh
đã trở về, một lần nữa dựa vào bọn đại địa chủ ở đây chiếm lại Gia Định. Sự
nghiệp của phong trào Tây Sơn vẫn chưa trọn vẹn.
Thoát sang được Quảng Tây, vua tôi Lê Chiêu Thống vội đến cầu cứu
tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh và viết thư cho Tổng đốc Lưỡng
Quảng là Tôn Sĩ Nghị. Cả hai, mặc dầu có ý sợ quân Tây Sơn “một phen ra đã
đánh đổ được cả triều đại 300 năm”, vẫn tỏ thái độ sẵn sàng giúp vua Lê để
nhân đó đặt thú binh giữ lấy An Nam, làm một việc mà được hai công.
Tháng 11 năm 1788, quân Thanh ồ ạt tiến vào nước ta. Tướng Tây Sơn
đóng ở Lạng Sơn là Phan Khải Đức đầu hàng. Trên cơ sở phân tích tương
quan lực lượng của hai bên, thời xưa và thời nay, Ngô Thời Nhậm không tán
thành chủ trương của Nguyễn Văn Dụng và đề nghị: tạm rút lui vào đóng giữ
phòng tuyến Tam Điệp (Ba Dội – Ninh Bình) – Biện Hóa (Thanh Hóa) để cho
quân Thanh vào Thăng Long rồi cho người cấp báo với Nguyễn Huệ đem
quân ra tiêu diệt chúng, tựa như “cho chúng ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi đi”.
Ngô Văn Sở đã tán thành đề nghị đó, một mặt hạ lệnh cho quân sĩ một mặt rút
về Tam Điệp – Biện Sơn, một mặt cử Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa về Phú
Xuân cáo cấp.
Được sự dẫn đường và nội ứng của tàn quân Lê Chiêu Thống, ngày 17
tháng 12 năm 1788, quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị kéo vào chiếm đóng Thăng
Long. Làm chủ được Thăng Long và các xứ phía Bắc, Tôn Sĩ Nghị hống
hách, thả cho quân sĩ mặc sức làm càn, cướp bóc nhà giàu có, hãm hiếp đàn
bà, không còn kiêng sợ gì cả. Trong lúc đó thì Lê Chiêu Thống một mặt trả
thù, báo oán rất ti tiện, một mặt hàng ngày đến chầu chực ở bản doanh của
Tôn Sĩ Nghị rất nhục nhã và bị chúng khinh bỉ. Một số quan tướng nhà Lê sốt
ruột, xin Tôn Sĩ Nghị xuất quân. Nghị kiêu ngạo, từ ngày 25 tháng chạp năm
Mậu Thân (20-1-1789) thả cho quân sĩ chơi bời, quậy phá đón xuân.
Nhận được tin cấp báo, ngày 22 tháng 12 năm 1788 (25 tháng 11 Mậu
Thân) Nguyễn Huệ sai người lập đàn ở phía nam núi Ngự Bình (Huế), tế cáo
trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức ra quân.
Ngày 26, Quang Trung đến Nghệ An, đóng quân lại một thời gian để mộ thêm
quân. Chỉ trong mấy ngày, thanh niên trai tráng địa phương nô nức kéo về,
hăng hái tòng quân làm cho quân số tăng lên đến trên 10 vạn. Rồi tiếp đó,
Quang Trung kéo quân ra Thanh Hóa tuyển thêm lính mới. Ngày 20 tháng
chạp Mậu Thân (15-1-1789) đại quân Tây Sơn tập kết ở phòng tuyến Tam
Điệp – Biện Sơn. Nghe báo cáo của Ngô Văn Sở, Quang Trung tỏ ý tán thành
chủ trương của Ngô Thời Nhậm và cùng các tướng chuẩn bị cuộc tổng tấn
công.
Kế hoạch tác chiến đã sẵn sàng. Nhiệm vụ của các đạo quân đã được
xác định. Quang Trung nghĩ đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc và vào ngày
cuối tháng chạp năm Mậu Thân, quyết định mở tiệc khao quân, gọi là ăn Tết
trước. Rồi sau đó, lễ “thệ sư” được tổ chức trong không khí hồ hởi, quyết
chiến của toàn quân, giữa đêm Giao thừa thanh vắng, Quang Trung đã đọc
vang lời hịch:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Nửa đêm ngày mồng 3 tết, quân Quang Trung bao vây đồn Hà Hồi
(Thường Tín – Hà Tây) đúng vào lúc quân Thanh đang say sưa trong giấc
ngủ. Theo đúng kế hoạch đã định, Quang Trung cho bắc loa gọi hàng, hốt
hoảng, bất ngờ khi nghe tiếng loa vang như sấm dậy, lũ giặc bó tay xin hàng.
Đồn Hà Hồi bị diệt gọn.
Ngày mồng 5 Tết Kỉ Dậu (30-1-1789) lúc trời còn chưa sáng, đội tượng
binh của Quang Trung bất thần tiến nhanh về phía Ngọc Hồi. Trước sức tấn
công như vũ bão của quân ta, địch không chống nổi, quay đầu bỏ chạy tán
loạn.
Trưa ngày mồng 5 Tết Kỉ Dậu (31-7-1789) vua Quang Trung ngồi trên
lưng voi, áo bào xạm đen khói súng, đi đầu đại quân tiến vào Thăng Long
giữa cảnh mừng vui khôn xiết của nhân dân.
Trong vòng chưa đầy 5 ngày đêm vừa hành quân thần tốc vừa chiến
đấu quyết liệt, cơ động và đầy sáng tạo, dưới sự chỉ huy quân sự thiên tài
Quang Trung, quân ta đã đập tan hoàn toàn mộng tưởng xâm chiếm nước ta
của quân Thanh cũng như mưu đồ “rước voi về giày mả mồ” của bè lũ Lê
Chiêu Thống, giữ vững nền độc lập dân tộc. Chiến thắng oanh liệt Ngọc Hồi –
Đống Đa cũng như tên tuổi của người anh hùng áo vải Quang Trung mãi mãi
sáng ngời trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc anh
hùng của dân tộc ta. Đặc biệt, sau ngày chiến thắng, làm chủ Thăng Long,
Quang Trung phát ngay lời chiếu kêu gọi giặc ra hàng, phàm những quân tan
nát mà ta bắt được đều cấp cho lương ăn, tìm nơi an trí rồi đưa trả sang cửa
quan.
Từ một cuộc khởi nghĩa ở đất Tây Sơn phát triển lên thành một phong
trào nông dân rộng lớn, đánh đổ các tập đoàn phong kiến đang thống trị và
đến đây, với cuộc kháng chiến chống xâm lược Mãn Thanh, phong trào Tây
Sơn đã trở thành một phong trào dân tộc vĩ đại. Truyền thống yêu nước hầu
như lắng xuống trong nhiều thế kỉ, giờ đây lại bừng lên rực rỡ.
1.1.3- Triều đại Nguyễn – Tây Sơn
Sau những thắng lợi bước đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đặc biệt là
đối với vùng đất phía nam, năm 1788, Nguyễn Nhạc tự xưng hoàng đế, đặt
niên hiệu Thái Đức, lấy thành Đồ Bàn (Bình Định) làm kinh đô với tên mới là
thành Hoàng Đế. Nguyễn Huệ được phong làm phụ chính, Nguyễn Lữ làm
thiếu phó. Nhiều tướng lĩnh khác cũng được phong chức tước. Khi Nguyễn
Huệ đem quân ra đánh Bắc hà, lật đổ chúa Trịnh, Nguyễn Nhạc sợ em lộng
quyền, vội vã đem một số tuỳ tùng đi nhanh ra Thăng Long, rồi cùng Nguyễn
Huệ bí mật rút quân về Quy Nhơn. Mâu thuẫn giữa hai anh em nảy sinh và từ
mâu thuẫn bùng lên thành xung đột gay gắt. Sau 3 tháng đánh nhau, hai anh
em giải hoà, lấy Bến Ván (Quảng Nam) làm giới mốc chia đôi đấy nước.
Cuộc xung đột đã ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ cục diện của phong trào Tây
Sơn. Từ đó, Nguyễn Nhạc chỉ cai quản vùng đất từ Quảng Ngãi đến Bình
Thuận.
Cuối năm 1788, nhận tước Bắc Bình Vương do Nguyễn Nhạc phong,
Nguyễn Huệ trở thành người cai quản thực sự vùng đất Quảng Nam trở ra
Bắc, mặc dầu Bắc hà còn tồn tại chính quyền của vua Lê. Năm 1788, khi quân
Mãn Thanh vào Thăng Long, Nguyễn Huệ đã lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi
hoàng đế với niên hiệu Quang Trung. Cuộc kháng chiến kết thúc với thắng lợi
rực rỡ của dân tộc, triều đại Quang Trung ra đời, hoàn toàn thay thế cho Nhà
nước Lê - Trịnh trước đó. Trong bối cảnh của xã hội Đại Việt ở cuối thế kỉ
XVIII, việc lên ngôi của Nguyễn Huệ, xây dựng triều đại mới là một lẽ tất
yếu.
• Tổ chức chính quyền
Từ năm 1788, sau khi tiêu diệt lực lượng của Nguyễn Hữu Chỉnh, Bắc
Bình Vương Nguyễn Huệ đã cử các võ tướng của mình cai quản các trấn ở
Bắc hà. Năm 1789, triều đình mới được tổ chức quy củ.
Hàng ngũ quan lại bao gồm thân thuộc của nhà vua (như Bùi Đắc
Tuyên) các võ tướng Tây Sơn và các cựu thần nhà Lê, tự nguyện hợp tác với
triều Tây Sơn (như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn
Thế Lịch, Trần Bà lãm, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Thiếp, Bùi Dương Lịch
v.v...). Quang Trung rất trân trọng những nho sĩ này và thường giao cho các
chức vụ quan trọng. Đặc biệt, Quang Trung đã 3 lần viết thư trực tiếp mời La
Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp việc triều chính.
Để tiện việc điều hành, Quang Trung quyết định chọn đất thành lập
kinh đô mới. Việc xây dựng được xúc tiến ngay sau khi chọn vùng chân núi
Dũng Quyết (gần Bến Thuỷ – Nghệ An) làm trung tâm với tên gọi Phượng
Hoàng trung đô.
Quân đội được kiện toàn và củng cố, bao gồm thuỷ binh, bộ binh,
tượng binh, kị binh và pháo binh. Chiến thuyền có nhiều loại, có loại lớn chở
được voi chiến, trang bị 50, 60 đại bác, hoả nổ. Để huy động lực lượng nhân
dân, Quang Trung đã tiến hành việc lập lại sổ hộ ở các xã. Tất cả trai tráng,
không phân biệt sang hèn, xuất thân đều phải ghi tên vào sổ hộ. Để tránh tình
trạng ẩn lậu, trốn tránh, nhà nước phát thẻ tín bài trên khắc 4 chữ “Thiên hạ
đại tín” cho mọi dân đinh, đi đâu đều phải mang theo vì có ghi họ tên, quê
quán và điểm chỉ.
• Phục hồi và phát triển kinh tế
Tình hình Bắc hà những năm 1788 - 1789 hết sức khó khăn, luôn năm
mất mùa đói kém, ruộng đất bỏ hoang hoá khắp nơi. Do đó, một trong những
việc làm đầu tiên của triều vua Quang Trung là nhanh chóng phục hồi sản
xuất nông nhiệp. Năm 1789, “Chiếu khuyến nông” được ban bố.
Về công thương nghiệp: với mong muốn xây dựng một nền kinh tế
công thương nghiệp phát triển, chính quyền Quang Trung chủ trương khuyến
khích phục hồi và mở rộng các làng thủ công cũng như việc trao đổi buôn bán
trong nước và với nước ngoài. Đối với thương nhân nước ngoài, Quang Trung
khuyến khích họ chở hàng hoá đến trao đổi, tránh việc chở vũ khí viện trợ
cho nhóm Nguyễn Ánh. Ở vùng biên giới Việt – Trung, Quang Trung cũng đề
nghị nhà Thanh cho thương nhân trong nước được qua lại buôn bán ở vùng
Cao Bằng, Lạng Sơn, Nam Ninh...
Về tài chính: chính quyền Quang Trung cho đúc tiền mới để tiêu dùng.
Thuế khoá được định lại từ thuế ruộng đất các loại đến thuế thân, phụ thu, các
loại thuế công thương nghiệp...
Nhìn chung, sau một thời gian thực hiện khẩn trương các chính sách
kinh tế, cuộc sống của nhân dân ở vùng đất của triều đại Quang Trung trở lại
ổn định với một số biểu hiện mở rộng về mặt công thương nghiệp.
• Văn hoá, giáo dục
Cũng như các triều đại phong kiến trước, chính quyền Quang Trung
vẫn tôn sùng Nho giáo nhưng tỏ ra rất rộng rãi với các tôn giáo khác. Một số
chùa được phục hồi, tu bổ. Những nhà sư có đạo đức, sùng đạo đều được
phép trụ trì ở các chùa, tiếp tục giảng đạo hàng năm, những kẻ trốn việc quan
đi ở chùa, “sư hổ mang” đều bị bắt hoàn tục. Các giáo sĩ đạo Kito được tự do
truyền đạo và được tôn trọng nếu họ chỉ làm việc tôn giáo của mình.