Tải bản đầy đủ (.pdf) (112 trang)

về cấu trúc “vị từ + tên gọi bộ phận của cơ thể người” (kiểu như mát tay, lên mặt, nóng ruột…)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (693.98 KB, 112 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
_________________

Lê Thị Khánh Hòa

VỀ CẤU TRÚC “VỊ TỪ + TÊN GỌI
BỘ PHẬN CỦA CƠ THỂ NGƯỜI”
(KIỂU NHƯ MÁT TAY, LÊN MẶT, NÓNG RUỘT…)

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2011


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
_________________

Lê Thị Khánh Hòa

VỀ CẤU TRÚC “VỊ TỪ + TÊN GỌI
BỘ PHẬN CỦA CƠ THỂ NGƯỜI”
(KIỂU NHƯ MÁT TAY, LÊN MẶT, NÓNG RUỘT…)

Chuyên ngành : Lí luận ngôn ngữ
Mã số

: 602201

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC



Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. Trịnh Sâm

Thành phố Hồ Chí Minh – 2011


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan những kết quả trình bày trong luận văn này là kết quả tự
nghiên cứu của bản thân, không sao chép từ bất cứ công trình nào có trước của người
khác.
Người viết luận văn
Lê Thị Khánh Hòa


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này người viết đã nhận được sự giúp đỡ quý báu từ nhà
trường, các thầy cô, gia đình và bạn bè. Cho phép người viết bày tỏ lòng cảm ơn chân
thành và sâu sắc của mình đến:
- Trường Đại học Sư phạm thành phố hồ Chí Minh, khoa Ngữ Văn, phòng Sau
đại học, thư viện nhà trường đã tạo điều kiện giúp đỡ người viết trong suốt quá
trình học tập và thực hiện luận văn.
- PGS. TS Trịnh Sâm, người hướng dẫn khoa học cho luận văn này. Người viết
chân thành cảm ơn sự hướng dẫn quý báu, tận tình của thầy.
- Các thầy cố đã giảng dạy trong thời gian người viết học sau đại học tại trường.
- Gia đình, bạn bè đã luôn ở bên giúp đỡ, động viên người viết trong quá trình
học tập và thực hiện luận văn này.
Một lần nữa người viết xin chân thành cảm ơn.

Người viết luận văn



MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 0
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 1
MỤC LỤC .................................................................................................................... 2
DẪN NHẬP .................................................................................................................. 1
1. Lí do chọn đề tài ...................................................................................................................2
2. Mục đích của đề tài ..............................................................................................................2
3. Phạm vi nghiên cứu ..............................................................................................................3
4. Lịch sử vấn đề ......................................................................................................................4
5. Phương pháp nghiên cứu ......................................................................................................6
6. Bố cục luận văn ....................................................................................................................8

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT ............................................................ 9
1.1. Một số quan niệm về ẩn dụ trước quan niệm ẩn dụ tri nhận .............................................9
1.1.1. Một số quan niệm phổ biến trên thế giới ...................................................................9
1.1.2. Một số quan niệm ở Việt Nam..................................................................................12
1.2. Ẩn dụ tri nhận ..................................................................................................................14
1.2.1. Phân loại ẩn dụ ý niệm ............................................................................................15
1.2.2. Một số khái niệm và thuật ngữ liên quan đến ẩn dụ ý niệm ....................................16

Chương 2: VỀ NHỮNG BỘ PHẬN XUẤT HIỆN TRONG CẤU TRÚC “VỊ TỪ
+ TÊN BỘ PHẬN CỦA CƠ THỂ NGƯỜI” ........................................................... 21
2.1. Đặt vấn đề ........................................................................................................................21
2.2. Nghĩa của từng bộ phận trong cấu trúc “vị từ + tên gọi bộ phận cơ thể người” .............22
2.3. Tiểu kết ............................................................................................................................66

Chương 3: NHỮNG ẨN DỤ Ý NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN CẤU TRÚC “VỊ TỪ +
TÊN GỌI BỘ PHẬN CỦA CƠ THỂ NGƯỜI” ...................................................... 67

3.1. Đặt vấn đề ........................................................................................................................67
3.2. Một số ẩn dụ tri nhận cụ thể ............................................................................................68
3.2.1. Ẩn dụ bản thể ...........................................................................................................68
3.2.2. Ẩn dụ cấu trúc ..........................................................................................................77
3.2.3. Ẩn dụ định hướng .....................................................................................................82
3.3. Tiểu kết ............................................................................................................................84

KẾT LUẬN ................................................................................................................ 85
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................ 87
PHỤ LỤC ................................................................................................................... 91


DẪN NHẬP
“Ngôn ngữ học tri nhận là một trường phái mới của ngôn ngữ học hiện đại, tiến
hành nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm và sự tri giác của con người
về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người phạm trù hóa và ý niệm
hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó” [33, tr. 13]. So với những
trường phái ngôn ngữ học khác thì ngôn ngữ học tri nhận có tuổi đời khá trẻ, mới hơn
20. Tuy vậy trong khoảng 20 năm tồn tại của mình ngôn ngữ học tri nhận đã thu hút
được rất nhiều sự quan tâm. Đối tượng cụ thể của ngôn ngữ học tri nhận là ngôn ngữ
với tư cách là một trong những khả năng tri nhận và một trong những cấu trúc tri
nhận của con người (cùng với tri giác, tư duy, kí ức, hành động). Ẩn dụ tri nhận là
một trong những hình thức ý niệm hóa, một quá trình tri nhận có chức năng biểu hiện
và hình thành những ý niệm mới mà không có nó thì con người khó có thể nhận được
tri thức mới. Ẩn dụ tri nhận đáp ứng năng lực của con người khái quát và nắm bắt sự
giống nhau giữa những cá thể và những lớp đối tượng khác nhau. Một trong những
nội dung quan trọng mà ngôn ngữ học tri nhận nghiên cứu là ẩn dụ tri nhận. Ẩn dụ tri
nhận là các ánh xạ có tính chất hệ thống giữa hai miền ý niệm: miền nguồn là một
phạm trù trải nghiệm được ánh xạ hay phóng chiếu vào miền đích. Cơ thể con người
là một trong số các miền nguồn thường gặp. Những trải nghiệm của con người với

thế giới xung quanh tạo nên ý nghĩa và quyết định phương thức con người hiểu thế
giới. Thực tế tiếng Việt đã chứng minh điều này. Trong tiếng Việt được sử dụng hàng
ngày, dễ dàng tìm thấy những kết hợp dạng “vị từ + tên gọi bộ phận của cơ thể
người” như sôi máu, cao tay, mát ruột…. Những kết hợp trên không đơn giản là
những cách nói võ đoán, nó thể hiện một lối suy nghĩ, một cách nhìn của người Việt
về thế giới. Người làm đề tài mong muốn vận dụng cơ sở lí thuyết về ẩn dụ tri nhận
và tính nghiệm thân của ngôn ngữ học tri nhận để miểu tả và giải thích những kết cấu
cố định trên. Ngược lại đề tài này sẽ làm rõ phần nào những lý thuyết quen thuộc của
ngôn ngữ học tri nhận trên cứ liệu tiếng Việt và hơn nữa, nó mở ra cho chúng ta một
cái nhìn vào đầu óc của người bản ngữ. Nó sẽ phần nào trả lời cho câu hỏi người Việt


chúng ta đã tư duy như thế nào, đã quan niệm thế giới như thế nào để tiếng Việt lại có
diện mạo như ngày nay.
1. Lí do chọn đề tài
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp phổ biến nhất và là công cụ của tư duy. Ngôn
ngữ và tư duy là hai mặt của một từ giấy. Ngôn ngữ thể hiện tư duy một cách rõ nét.
Có thể thấy đơn giản trong giao tiếp hằng ngày, ngôn ngữ của một cá nhân có thể hé
lộ phần nào về tư duy của người đó. Tư duy rõ ràng thể hiện qua ngôn ngữ rõ ràng, dễ
hiểu, mạch lạc. Ngược lại, ngôn ngữ không mạch lạc “tố cáo” rằng người đó chưa
thật sự hiểu vấn đề. Đi sâu hơn, ta có thể thấy cách phản ánh thế giới khách quan vào
ngôn ngữ của các ngôn ngữ của các cộng đồng người khác nhau là khác nhau. Dựa
vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy có thể giải thích được điều này. Nói như
vậy không có nghĩa là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau đó là vì tư duy của con
người ở những cộng đồng khác nhau thì khác nhau. Tư duy của con người thực tế là
có nhiều điểm tương đồng. Những khác biệt trong sự phản ánh thế giới khách quan
vào ngôn ngữ là do sự tác động của môi trường sống. Môi trường bao gồm hoạt động
lao động, sản xuất, văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của cộng đồng. Chính
những yếu tố đó tác động đến cách mọi người nhìn nhận, nhận xét thế giới khách
quan và từ đó ảnh hưởng đến cách họ phản ánh thế giới đó vào ngôn ngữ. Như vậy có

thể thấy tìm hiểu một ngôn ngữ phải bao gồm cả việc tìm hiểu về cách tư duy của
cộng đồng người sử dụng ngôn ngữ đó về thế giới, tìm hiểu điều đó tức là phần nào
đi giải thích vì sao ngôn ngữ của cộng đồng đó lại như vậy. Tiếng Việt thể hiện cách
người Việt nhìn nhận thế giới và những kết hợp kiểu “vị từ + tên gọi bộ phận của cơ
thể người” là những kết hợp rất đặc sắc, thú vị của tiếng Việt, liên quan nhiều đến
văn hóa cộng đồng. Tìm hiểu nó có thể coi như là một cách để nhìn vào đầu óc của
cộng đồng người Việt và tìm hiểu văn hóa của cộng đồng người Việt.
2. Mục đích của đề tài
Vẫn biết giữa hai mặt cái biểu đạt và cái được biểu đạt của tín hiệu ngôn ngữ có
mối quan hệ võ đoán nhưng không phải tất cả đều là võ đoán, có những phần hoàn
toàn có thể giải thích được. Đề tài này nhằm miêu tả và giải thích những kết hợp hiểu


“vị từ + tên gọi bộ phận của cơ thể người” như sôi máu, cao tay, mát ruột… tức là
muốn giải thích phần nào những phần có thể giải thích ấy. Nói rõ hơn, đề tài này
nhằm tìm hiểu cách tư duy của người Việt được phản ánh trong những kết hợp kiểu
“vị từ + tên gọi bộ phận của cơ thể người”
Như tên gọi, đề tài này cố gắng miêu tả và giải thích theo quan điểm ngôn ngữ
học tri nhận những kết hợp kiểu “vị từ + tên gọi bộ phận của cơ thể người” trong
tiếng Việt. Để làm được điều đó người viết chia thành những mục tiêu nhỏ hơn.
Thứ nhất, tìm hiểu bản chất của ẩn dụ tri nhận.
Thứ hai, vận dụng những lí thuyết ẩn dụ tri nhận để miểu tả, giải thích những
hiện tượng kết hợp “vị từ + tên gọi bộ phận của cơ thể người” Người viết sẽ vận dụng
một số kết luận mà những nhà ngôn ngữ học tri nhận đi trước đã đạt được. Tuy nhiên
những kết luận đã có có thể không đủ để giải thích tất cả cứ liệu tiếng Việt mà người
viết có. Vì vậy trong khả năng cho phép người viết sẽ đưa ra một vài kết luận của cá
nhân. Những kết luận này chắc chắn phải dựa vào ngữ liệu, bên cạnh đó người viết
cũng sẽ liên hệ đến những quan niệm liên quan đến văn hóa của người bản ngữ vì
như đã nói văn hóa để lại dấu ấn khá rõ nét trong ngôn ngữ. Mục đích lớn nhất mà đề
tài đặt ra là góp phần trả lời câu hỏi rằng quan niệm của người Việt về thế giới phản

ánh qua ngôn ngữ như thế nào.
3. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài này sử dụng ngữ liệu lấy từ “Từ điển Tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên),
“Đại từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý chủ biên). Có một số kết hợp nghe rất quen
thuộc như xấu mặt, hả dạ, … nhưng không có trong từ điển người viết cũng không
khảo sát. Đề tài sẽ miêu tả, giải thích trên cơ sở quan điểm tri nhận những kết hợp
kiểu “vị từ + tên gọi bộ phận của cơ thể người” dựa trên kiến thức ngôn ngữ học và
liên hệ kiến thức về văn hóa.
Về tên gọi những bộ phận của cơ thể người, ở đây người viết xin nói rõ rằng khi nói
đến tên gọi các bộ phận cơ thể người, người viết không đề cập đến những tên gọi Hán
– Việt như tâm, thận, can, phế, tì… dù thực tế là tâm xuất hiện khá nhiều trong
những kết hợp kiểu như “vị từ + tên gọi bộ phận cơ thể người” và rất nhiều người


hiểu rằng tâm là tim. Song đó chỉ là một cách hiểu đơn giản và không đúng. Thực ra,
tâm, thận, can, phế, tì… là những khái niệm vừa cụ thể, vừa trừu tượng. Chúng
không phải là một bộ phận cụ thể của cơ thể.
“Chúng rất động: đó không phải là những cơ quan cụ thể trong cơ thể con người mà
là những nhóm chức năng: thận chủ về nước, là nơi chứa tinh (thận tàng tinh), trông
coi sự phát dục; quả cật chỉ là một đại diện tiêu biểu của nó. Tâm chủ về huyết mạch,
là nơi chứa thần minh (tâm tàng thần) – tâm huyết kém thì thần chí suy, sinh mất ngủ,
mê sảng, lo âu, hay quên, quả tim chỉ là một đại diện tiêu biểu của nó…” [35, tr. 8081]
Luận văn này không đề cập đến những kết hợp chỉ triệu chứng của các bệnh liên
quan đến các bộ phận cơ thể như chết não, sổ mũi, đau bụng…và những kết hợp khác
mà trong đó tên bộ phận cơ thể được dùng với nghĩa gốc và không có ý nghĩa tượng
trưng nào đặc biệt như bỏ xác, quáng mắt… hoặc những kết hợp kiểu như rửa tay,
rụng tóc, đen da… vì những kết hợp đó không có tính cố định .
4. Lịch sử vấn đề
Tính đến thời điểm này ngôn ngữ học tri nhận không còn là “người lạ” ở Việt
Nam. Đã có nhiều công trình nghiên cứu tiếng Việt theo quan điểm tri nhận và đạt

được những kết quả nhất định. Ở Việt Nam, có thể nói Lý Toàn Thắng là một trong
những nhà ngôn ngữ học đầu tiên giới thiệu những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ học
tri nhận và nghiên cứu ẩn dụ theo quan điểm ẩn dụ ý niệm. Tác phẩm nổi bật trong
những công trình nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận nói chung và ẩn dụ tri nhận nói
riêng của tác giả Lí Toàn Thắng là tác phẩm Ngôn ngữ học tri nhận từ lí thuyết đại
cương đến thực tiễn tiếng Việt và công trình nghiên cứu sự tri nhận không gian: Ngôn
ngữ và sự tri nhận không gian trên tạp chí Ngôn ngữ số 4, 1 – 10.
Tác giả Trần Văn Cơ cũng đã giới thiệu những ghi chép của ông, góp phần thúc
đẩy việc nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận ở Việt Nam.
Bên cạnh đó cũng phải đề cập đến công trình của tác giả Nguyễn Đức Tồn,
Nghiên cứu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt. Tác
phẩm này tìm hiểu về đặc trưng văn hóa – dân tộc của sự phạm trù hóa và định danh


thế giới khách quan, của ngữ nghĩa và tư duy ngôn ngữ ở người Việt có so sánh với
những dân tộc khác trên cơ sở một số trường từ vựng ngữ nghĩa cơ bản. Trong tác
phẩm này tác giả Nguyễn Đức Tồn có xem xét độ sâu phân loại trong sự phạm trù
hóa hiện thực trên cứ liệu trường từ vựng – ngữ nghĩa tên gọi bộ phận cơ thể người,
đặc điểm dân tộc của cách định danh bộ phận cơ thể con người, so sánh với tiếng
Nga, và một phần quan trọng trong tác phẩm là những kết luận của tác giả về biểu
tưng tâm lí – tình cảm của tên gọi bộ phận cơ thể.
Bên cạnh đó là rất nhiều luận án, luận văn, bài nghiên cứu về ngôn ngữ học tri
nhận trong thời gian qua. Những công trình này chủ yếu áp dụng lí thuyết của ngôn
ngữ học tri nhận nói chung và ẩn dụ tri nhận nói riêng để nghiên cứu một bộ phận
nào đó của tiếng Việt:
- Võ Thị Dung (2003), Tìm hiểu ẩn dụ tiếng Việt từ góc độ ngôn ngữ học tri
nhận, Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh
- Hoàng Kim Ngọc (2003), Ẩn dụ hóa: Một trong những cơ chế cấu tạo các đơn
vị định danh bậc hai, Ngôn ngữ, số 8, 22 – 26
- Hoàng Kim Ngọc (2004), So sánh ẩn dụ trong ca dao trữ tình của tiếng Việt (từ

góc nhìn ngôn ngữ - văn hóa học), Luận án tiến sĩ, Thư viện Viện Ngôn ngữ và thư
viện quốc gia
- Lí Toàn Thắng (2004), Ngôn ngữ học tri nhận: Thử khảo sát ý niệm RA, Ngôn
ngữ và đời sống số 9, 4 – 8
- Nguyễn Hòa (2007), Sự tri nhận và biểu đạt thời gian trong tiếng Việt qua các
ẩn dụ không gian, Ngôn ngữ số 7, 1-8
- Trần Văn Cơ (2008), Nghiên cứu ngôn ngữ Hồ Chí Minh dưới góc nhìn của
ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ số 5, 26-42
- Hồng Hạnh (2008), Bước đầu khảo sát mối quan hệ giữa ẩn dụ và cấu trúc hình
thức của thành ngữ, Ngôn ngữ số 11, 57-63
- Lê Đình Tường (2008), Thử phân tích một bài ca dao hài hước từ bình diện
ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ số 9, 51-57


- Nguyễn Ngọc Vũ ( 2008), Hoán dụ ý niệm “Bộ phận cơ thể người biểu trưng
cho sự chú ý” trong thành ngữ chứa yếu tố “mắt”, “mũi” và “tai” tiếng Anh và tiếng
Việt, Ngôn ngữ số 9, 17-23
- Nguyễn Đức Tồn (2008), Đặc trưng tư duy của người Việt qua ẩn dụ tri nhận
trong thành ngữ (kì I), Ngôn ngữ số 12, 20-27
- Nguyễn Đức Tồn ( 2009), Đặc trưng tư duy của người Việt qua ẩn dụ tri nhận
trong thành ngữ (Tiếp theo và hết), Ngôn ngữ số 1, 12-24
- Phan Thế Hưng (2009). Ẩn dụ dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận (trên cứ liệu
tiếng Việt và tiếng Anh). Luận án tiến sĩ, Đại học Sư phạm TP. HCM
- Nguyễn Đức Dân (2009), Tri nhận thời gian trong tiếng Việt, Ngôn ngữ số 12,
1-16
- Ly Lan (2009), Biểu trưng tình cảm bằng các bộ phận cơ thể từ góc nhìn tri
nhận của người bản ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, Ngôn ngữ số 12, 25-37
- Ly Lan ( 2009), Về các ý niệm và phạm trù tình cảm cơ bản của con người
(Trên dẫn liệu tiếng Anh), Ngôn ngữ và đời sống số 9, 21-26
- Nguyễn Lai (2009), Suy nghĩ về ẩn dụ khái niệm trong thế giới thơ ca từ góc

nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ số 10, 1-11
- Lê Hồng Linh (2009), Đặc trưng văn hóa dân tộc trong ngôn ngữ (Một số liên
hệ với tiếng Việt và tiếng Anh ), Ngôn ngữ và đời sống số 5, 22-28
- Trần Bá Tiến (2009), Ẩn dụ về sự tức giận và niềm vui trong tiếng Anh và
tiếng Việt, Ngôn ngữ số 7, 22-35
- Lưu Trọng Tuấn (2009), Ẩn dụ tình yêu trong thơ ca, Ngôn ngữ số 10, 23-29
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chính mà luận văn sử dụng để nghiên cứu là phương pháp miêu tả.
Phương pháp miêu tả là hệ thống những thủ pháp nghiên cứu được vận dụng để thể
hiện đặc tính của các hiện tượng ngôn ngữ trong một giai đoạn phát triển nào đó của
nó. Đây là phương pháp phân tích đồng đại. Những thủ pháp của phương pháp miêu
tả rất đa đạng trong đó thủ pháp mà luận văn này sử dụng nhiều nhất là thủ pháp phân
tích ngôn cảnh.


Ngôn cảnh (context) là một loại môi trường phi ngôn ngữ, trong đó ngôn ngữ
được sử dụng [12, tr. 43]. Ngôn cảnh gồm ngôn cảnh tình huống và ngôn cảnh văn
hóa. Ngôn cảnh tình huống là ngôn cảnh của một hiện tượng ngôn ngữ, của một văn
bản, của một trường hợp cụ thể của ngôn ngữ. Nó có thể bao gồm sự hiểu biết về vị
trí, thời gian và không gian, sự hiểu biết về phép xã giao trong xã hội và sự hiểu biết
về mã ngôn ngữ được dùng, sự hiểu biết về nội dung giao tiếp và bối cảnh giao tiếp.
Ngôn cảnh tình huống bao gồm cả sự chấp nhận ngầm của người nói và người nghe
về tất cả các quy ước, các niềm tin và các tiền đề được coi là đương nhiên của các
thành viên trong cộng đồng của người nói và người nghe. Ngôn cảnh văn hóa là ngôn
cảnh của ngôn ngữ với tư cách là một hệ thống. Ngôn cảnh văn hóa bao gồm hàng
loạt nhân tố văn hóa như phong tục, tập quán, chuẩn tắc hành vi, quan niệm giá trị,
sự kiện lịch sử, những tri thức về tự nhiên và xã hội, về chính trị và kinh tế. Phân tích
ngôn ngữ theo quan điểm tri nhận có mối liên hệ với thủ pháp phân tích ngôn cảnh vì
để hiểu tư duy của người Việt thể hiện trong ngôn ngữ cần có sự hiểu biết về văn hóa,
phong tục tập quán của người Việt cũng như cần đặt ngôn ngữ trong mối quan hệ với

những hiểu biết của người Việt về tự nhiên, xã hội. Ví dụ, những hiểu biết của người
Việt về cơ thể người thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ và nghiên cứu ngôn ngữ theo
quan điểm tri nhận cần tính đến những hiểu biết đó.
Thủ pháp thứ hai người viết sử dụng là phân tích văn cảnh. Văn cảnh (co-text) là
những hình thức ngôn ngữ cùng xuất hiện trên văn bản có hiệu tượng ngôn ngữ được
khảo sát. Nếu đối tượng khảo sát là một âm thì văn cảnh là những âm kết hợp với nó;
nếu đối tượng khảo sát là một từ thì văn cảnh là những từ bao quanh hay đi kèm theo
từ đó tạo cho nó tính xác định về nghĩa. Nếu đối tượng là câu thì văn cảnh là những
câu đặt trước hay những câu đặt sau nó. Tùy theo văn cảnh, từ có thể có những ý
nghĩa khác nhau. Ngoài ý nghĩa trí tuệ, văn cảnh còn bổ sung thêm những sắc thái
hình tượng cảm xúc. Luận văn này liên quan đến nghĩa ẩn dụ của từ do đó việc đặt từ
trong văn cảnh để hiểu đúng ý nghĩa được sử dụng là việc rất cần thiết. Ví dụ: mát
ruột có thể được dùng với hai ý nghĩa: 1. có cảm giác dễ chịu, khoan khoái trong
người do vợt bớt được cái nóng, xót trong ruột: trời nóng, ăn bát canh bầu mát ruột.
2. hả hê, vui thích trong lòng do được thỏa ý: con cái giỏi giang, cha mẹ mát ruột.


Cần có văn cảnh để xác định trong trường hợp nào mát ruột được dùng với nghĩa ẩn
dụ.
Bên cạnh đó, người viết còn sử dụng thủ pháp thống kê toán học. Luận văn này
có sử dụng một số lượng ngữ liệu thống kê từ trong Từ điển tiếng Việt chính vì vậy
không thể bỏ qua việc xử lí số liệu dù đó chỉ là những thao tác xử lí rất đơn giản.
6. Bố cục luận văn
Luận văn này được tổ chức thành các phần như sau:
Dẫn nhập: Đây là phần có tính chất giới thiệu. Người viết sẽ giải thích lí do chọn
đề tài, lịch sử nghiên cứu về vấn đề hoặc những vấn đề có liên quan cũng như trình
bày các vấn đề về phương pháp, phạm vi nghiên cứu của đề tài.
Chương 1: Một số vấn đề lí thuyết
Như tên gọi của nó, ở chương này người viết điểm lại một số quan niệm về ẩn
dụ từ trước đến nay trên thế giới và ở Việt Nam nhằm cung cấp một cái nhìn sơ bộ về

vấn đề.
Chương 2: Về những bộ phận xuất hiện trong cấu trúc “vị từ + tên gọi bộ phận
của cơ thể người”
Chương này người viết sẽ trình bày kết quả thống kê, khảo sát về tên gọi những
bộ phận của cơ thể người xuất hiện trong cấu trúc “vị từ + tên gọi bộ phận của cơ thể
người” theo hương chú trọng vào ý nghĩa tri nhận của từng bộ phận.
Chương 3: Những mô hình tri nhận liên quan đến cấu trúc “vị từ + tên gọi bộ
phận của cơ thể người”
Từ kết quả khảo sát, thống kê ở chương hai người viết sẽ đưa ra những mô hình
tri nhận mà người viết xác định được dựa trên những hiểu biết về ẩn dụ tri nhận và
ngữ liệu đã thu thập được.
Kết luận: Phần này tổng kết lại vấn đề đã được nói đến trong luận văn đồng thời
nêu ra một số nội dung có thể tiếp tục nghiên cứu.


Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT
Trong lý thuyết ngôn ngữ học cổ điển, ẩn dụ được coi là vấn đề thuộc ngôn ngữ
chứ không phải là vấn đề của tư duy. Lối nói ẩn dụ được coi là không có trong ngôn
ngữ thông tục hàng ngày. Thế nhưng gần đây quan niệm cho rằng ẩn dụ xuất hiện
hàng ngày trong cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và ẩn dụ gắn bó chặt
chẽ với tư duy ngày càng phổ biến.
“Lần theo sự phát triển của quan niệm về ẩn dụ và hoán dụ từ truyền thống đến
tri nhận, hiện nay chúng ta đã đạt đến những điểm quan trọng. Trong hoàn cảnh
trước khi ngôn ngữ học tri nhận ra đời, Black đã nhận ra rằng ẩn dụ là một công cụ
tri nhận. Điều này có nghĩa là ẩn dụ không chỉ là một cách diễn đạt ý tưởng bằng
phương tiện ngôn ngữ mà còn là một cách tư duy. Hơn nữa, các nhà tâm lí học và
ngôn ngữ học theo trường phái tri nhận đã chỉ ra rằng ẩn dụ và hoán dụ là những
công cụ tri nhận rất hiệu quả để ý niệm hóa những phạm trù trừu tượng.” [51, tr.
114]
Có thể thấy quan niệm về ẩn dụ có sự thay đổi khá nhiều từ khi nó bắt đầu xuất

hiện. Dưới đây người viết sẽ trình bày lại một cách sơ lược những quan niệm về ẩn
dụ trong lịch sử ngôn ngữ học.
1.1. Một số quan niệm về ẩn dụ trước quan niệm ẩn dụ tri nhận
1.1.1. Một số quan niệm phổ biến trên thế giới

Trong tác phẩm “Thuật hùng biện” (Rhetoric) và “Thơ ca” (Poetics), Aristotle đã
định nghĩa: “ẩn dụ là phương thức chuyển tên gọi.”. Theo ông, có bốn cách chuyển:
chuyển từ chủng sang loài, từ loài sang chủng, từ loài sang loài và chuyển theo
nguyên tắc tương suy.
- Chuyển từ chủng sang loài
Ví dụ với hành động đậu, đó là khái niệm chủng dùng cho động vật biết bay như
chim, bướm, … chỉ sự dừng chân trên một vật nào đó và ngừng bay: Con chim đậu
trên cành cao sang khái niệm loài dùng cho những sự vật không biết bay như thuyền,
tàu: thuyền đậu trên bến sông.
- Chuyển từ loài sang chủng


Ví dụ của Aristotle: “Vâng, ông ấy đã thực hiện hàng vạn việc làm từ thiện.” Ở
đây, từ hàng vạn được dùng như một ẩn dụ (hàm chỉ một số lượng lớn, rất nhiều)
biểu hiện khái niệm chủng vốn do khái niệm loài (số đếm, trăm, ngàn, vạn …)
chuyển sang.
- Chuyển tên gọi từ loài sang loài
Ví dụ:
(1) Lá úa lìa cành.
(2) Chim lìa tổ.
(3) Đầu lìa cổ.
(4) Cậu bé lìa quê hương.
Trong tất cả các trường hợp này, lìa đều mang khái niệm loài, đều có nghĩa là rời
khỏi, song trong (2), (3), (4), từ lìa được dùng như ẩn dụ, đó là kết quả của việc
chuyển tên gọi từ lìa trong (1) sang.

- Tương suy, theo Aristotle, là trường hợp khi từ thứ hai quan hệ với từ thứ nhất
tương tự như từ thứ tư quan hệ với từ thứ ba. Do đó thay cho từ thứ hai có thể điền
vào từ thứ tư, và thay cho từ thứ tư có thể điền vào từ thứ hai.
Ví dụ: (5) Tuổi già (a) của cuộc đời (b).
(6) Buổi xế chiều (c) của một ngày (d).
Theo phép tương suy của Aristotle, ta có thể thay từ một ngày trong (6) bằng
cuộc đời trong (5) để có: buổi xế chiều của cuộc đời.
Từ Aristotle trở đi lịch sử nghiên cứu ẩn dụ chứng kiến hai quan điểm trái ngược
nhau về khả năng sử dụng ẩn dụ:
- Các nhà triết học-duy lí người Anh cho rằng lời nói trước hết là phục vụ cho
việc biểu đạt tư tưởng và truyền đạt kiến thức, và để thực hiện chức năng này chỉ cần
những từ được dùng với nghĩa đen.
- Các nhà triết học và các học giả thuộc típ lãng mạn thì ngược lại, họ cho rằng
ẩn dụ là phương thức duy nhất không những biểu hiện tư tưởng mà còn biểu hiện bản
thân tư duy.


Vấn đề ẩn dụ đã được các nhà triết học phân tích đề cập đến, song điều họ quan
tâm không phải là chính bản thân ẩn dụ mà là mệnh đề có chứa ẩn dụ. Vấn đề ẩn dụ
trong phạm vi Triết học phân tích trải qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn I (1910 – 1940)
Ẩn dụ được hiểu như một khái niệm hay một mệnh đề mà ý nghĩa của nó không
thể xác định theo kiểu nghĩa đen.
- Giai đoạn II (1950 – 1970)
Đây là giai đoạn mà ẩn dụ bắt đầu được chấp nhận. Giai đoạn này nghiên cứu
ngôn ngữ như một tập hợp những ẩn dụ có quan hệ qua lại với nhau.
- Giai đoạn III (từ 1970)
Khởi đầu giai đoạn này là nhà triết học Mĩ D. Davidson 1984. Ông đưa ra lí
thuyết chỉnh thể luận ngôn ngữ (holisme), theo đó không tồn tại khả năng “trừu suất”
một cách trừu tượng những từ ngữ, khái niệm hoặc mệnh đề từ văn cảnh ngôn ngữ.

Davidson đề nghị phân tích ẩn dụ theo những tiêu chí sau đây:
1. Ẩn dụ được xác định trong mối quan hệ với khái niệm nghĩa đen;
2. Nghĩa đen là một thuộc tính của từ, chứ không phải của ý niệm hoặc mô hình
thế giới;
3. Ý nghĩa của ẩn dụ cần phải được xem xét cả trong mối quan hệ với cái mà nó
biểu hiện trực tiếp và với cả cái ý nghĩa hàm ẩn nào đó mà nó đem đến cho người
nghe
Tóm lại, theo Davidson, việc xác định tính ngụy của mệnh đề là cái chìa khóa để
hiểu ẩn dụ nếu trong nó có một “nghĩa ẩn” nào đó. Còn làm sao để có thể xác định
được tính ngụy của một mệnh đề, nếu không sử dụng thước đo cổ điển về nghĩa đen?
Davidson luôn bảo vệ tư tưởng: ẩn dụ là phương thức tư duy. Ông không thừa
nhận ẩn dụ hoàn toàn phụ thuộc vào nghĩa đen của từ, nó không phải là một nghĩa
của từ đa nghĩa. Ẩn dụ liên quan đến cách dùng từ, nghĩa là nó thuộc phạm vi lời nói.
Tiếp theo sau Davidson, một nhà triết học nổi tiếng khác là Max Black đưa ra
“quan điểm thay thế đối với ẩn dụ”. Theo đó, biểu thức ẩn dụ là yếu tố thay thế cho
biểu thức nghĩa đen có cùng một nghĩa.


Quan điểm chuyển hóa nghĩa đen là một biến thể của “lí thuyết ngôn ngữ hình
ảnh”. Theo lí thuyết này, bất kì một phát ngôn nào có chứa sự biến đổi ngữ nghĩa
(chứ không đơn thuần là biến đổi cú pháp, chẳng hạn, đảo trật tự từ) đều xảy ra hiện
tượng chuyển hóa nghĩa đen. Nhiệm vụ của người đọc là khôi phục lại nghĩa đen cũ.
Lịch sử vấn đề ẩn dụ còn chứng kiến một quan điểm rất quan trọng – đó là “quan
điểm so sánh đối với ẩn dụ”. Lí thuyết nghĩa hình ảnh của ẩn dụ: nghĩa hình ảnh của
ẩn dụ là nghĩa đen của sự so sánh tương ứng (simile). Lí thuyết này không phân biệt ý
nghĩa của ẩn dụ và ý nghĩa so sánh tương ứng với nó và không cho phép nói về ý
nghĩa hình ảnh hoặc ý nghĩa đặc biết của ẩn dụ.
1.1.2. Một số quan niệm ở Việt Nam

Ở Việt Nam, ẩn dụ không phải là vấn đề xa lạ. Đã có nhiều nhà ngôn ngữ học

Việt Nam nghiên cứu ẩn dụ. Ở đây người viết xin khái lược lại một số quan niệm và
ẩn dụ tiêu biểu.
a. Ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi [11] dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật
hiện tượng được so sánh với nhau. Căn cứ vào tính chất của sự giống nhau có thể
chia ẩn dụ thành những các kiểu sau:
+ Sự giống nhau về hình thức (mũi người  mũi thuyền)
+ Sự giống nhau về màu sắc (màu da trời, màu rêu)
+ Sự giống nhau về chức năng (đèn dầu hỏa, đèn điện)
+ Sự giống nhau về một thuộc tính, chức năng nào đó (đất khô  tình cảm khô)
+ Sự giống nhau về một đặc điểm, một vẻ ngoài nào đó (Thị Nở, Hoạn Thư)
+ Những ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng (nắm tay  nắm tình hình)
+ Chuyển tên các con vật thành tên người (con chó của mẹ, con mèo của anh)
+ Chuyển tính chất của sinh vật sang sự vật hay hiện tượng khác (thời gian đi,
con tàu chạy)
b. Ẩn dụ là sự định danh thứ hai mang ý nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương
đồng hay giống nhau giữa A và B [22]
Cù Đình Tú cũng cho rằng ẩn dụ dựa trên mối quan hệ liên tưởng về nét tương
đồng giữa hai đối tượng.


Giá đành trong nguyệt trên mây
Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa

(Truyện Kiều)

Hoa (B) mang ý nghĩa ẩn dụ, chỉ người phụ nữ có nhan sắc (A)
Đinh Trọng Lạc phân loại ẩn dụ như sau:
+ Căn cứ vào từ loại hay chức năng, có thể chia ẩn dụ ra ba loại: ẩn dụ định danh
(đầu làng, chân trời), ẩn dụ nhận thức (băng tuyết giá lạnh, lịch sử sang trang), ẩn dụ
hình tượng (hoa  người)

+ Căn cứ vào các đặc điểm ngữ nghĩa, ẩn dụ được chia ra hai loại:
- Ẩn dụ ngôn ngữ: dựa trên những mối quan hệ liên tưởng khách quan được
phản ánh trong những dấu hiệu hàm chỉ thông báo hoặc kinh nghiệm thực tế của một
cộng đồng ngôn ngữ hoặc về kiến thức văn hóa – lịch sử của cộng đồng đó. Ví dụ:
biển  biển lúa, biển người
- Ẩn dụ lời nói: dựa vào văn cảnh cụ thể, những hàm chỉ của ẩn dụ lời nói
thường không phản ánh cách nhìn của một cộng đồng ngôn ngữ, mà là cách nhìn của
cá nhân về thế giới, có tính cách chủ quan và ngẫu nhiên.
Ví dụ: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim…

(Tố Hữu)

Ẩn dụ tu từ Bừng nắng hạ và mặt trời chân lí chói qua tim mang dấu ấn của nhà
thơ và chỉ hiểu được ý nghĩa của các ẩn dụ tu từ này qua bài thơ này của Tố Hữu.
c. Ẩn dụ bổ sung hay ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (ví dụ: thính giác + nhiệt: giọng
chị ấy ấm hơn) thuộc nhóm ẩn dụ tu từ, là sự kết hợp của hai hay nhiều từ chỉ những
cảm giác phát sinh từ những trung khu cảm giác khác [21]. Trong văn xuôi nghệ
thuật hay thi ca, ẩn dụ bổ sung là phương tiện tu từ có tác dụng tạo ra những hình ảnh
nghệ thuật, gợi lên những cản giác lạ lùng, thú vị.
- Chao ơi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như
nối lại chiêm bao đứt quãng. (Nguyễn Tuân)
- Thu tới ngoài kia
d. Ẩn dụ tượng trưng: sự kết hợp của một khái niệm trừu tượng với một khái
niệm về cảm giác (nỗi buồn dìu dịu, những ý nghĩ đắng cay). Ẩn dụ tượng trưng là
đặc điểm của ngôn ngữ thơ:


- Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn

Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi (Huy Cận)
Và là một phương tiện tu từ trong văn xuôi nghệ thuật:
Mặt trời đen xạm những xao xuyến, lo âu. (Tô Hoài)
1.2. Ẩn dụ tri nhận
Ở trên là một vài quan điểm tiền tri nhận về ẩn dụ. Mở đầu cho việc nghiên cứu
ẩn dụ tri nhận là hai nhà nghiên cứu G.Lakoff và M.Johnson với tác phẩm lí luận:
Metaphors We Live By (Chúng ta sống bằng ẩn dụ). Theo đó, ẩn dụ là một cơ chế
cực kì quan trọng để nhận thức thế giới bằng tư duy con người. Cơ chế này bảo đảm
việc chuyển những tri thức về những lĩnh vực, khái niệm đã được biết tốt hơn sang
những lĩnh vực ít được biết hơn, rất chú trọng đến những dữ liệu nhận được qua kinh
nghiệm cảm tính trực tiếp, do đó có thuật ngữ “kinh nghiệm luận”. Đối với nhiều
người ẩn dụ là một công cụ trong thi ca và là một biện pháp tu từ, vấn đề thuộc về
ngôn ngữ bậc cao chứ không phải thuộc về ngôn ngữ hằng ngày. Hơn nữa, ẩn dụ
thường chỉ được xem là vấn đề ngôn ngữ thuần túy, vấn đề của từ ngữ hơn là vấn đề
thuộc phạm trù tư tưởng và hành động. Vì vậy, nhiều người cho rằng họ không cần
đến ẩn dụ. Trái lại, Lakoff và Jonhson cho rằng không chỉ trong ngôn ngữ mà cả
trong tư tưởng, hành động, hệ thống khái niệm thông thường của chúng ta về bản chất
mang tính ẩn dụ. Theo Lakoff và Johnson, ẩn dụ là một cơ chế tri nhận bao gồm một
miền mà một phần được ánh xạ, tức là được phóng chiếu vào miền khác. Miền ánh xạ
được gọi là miền nguồn, và miền mà sơ đồ ánh xạ tác động lên là miền đích. Ví dụ
với ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH sơ đồ ánh xạ như sau:


Lữ khách 

 người yêu nhau

Phương tiện di


 mối quan hệ

chuyển 

tình yêu

Đích đến 

 mục tiêu trong

Những khó khăn

tình yêu

của chuyến đi 

 những khó khăn
trong mối quan hệ

Miền nguồn: cuộc hành trình

Miền đích: tình yêu

1.2.1. Phân loại ẩn dụ ý niệm

1.2.1.1. Ẩn dụ cấu trúc
Loại ẩn dụ này ý niệm hóa từng miền riêng lẻ (miền đích) bằng cách chuyển
sang chúng sự cấu trúc hóa một miền khác (miền nguồn). Nói cách khác ẩn dụ loại
này làm cho người tiếp nhận hiểu về miền đích thông qua những kiến thức đã có về
miền nguồn. Một ví dụ tiêu biểu cho loại ẩn dụ này là ẩn dụ ý niệm THỜI GIAN LÀ

SỰ CHUYỂN ĐỘNG. Trong ẩn dụ trên ý niệm đích là thời gian được hiểu thông qua
ý niệm nguồn là sự chuyển động.
1.2.1.2. Ẩn dụ bản thể
Loại ẩn dụ này phạm trù hóa những bản thể trừu tượng bằng cách vạch ranh giới
của chúng trong không gian. Nói cách khác, nó giúp người nói diễn đạt những trải
nghiệm dưới dạng sự vật, chất liệu hay vật chứa. Ẩn dụ bản thể khiến chúng ta hiểu
những khái niệm trừu tượng một cách dễ dàng hơn. Những cách nói như: “Nỗi sợ hãi
lớn dần lên trong lòng nó.” Hay “Cuộc đời xô đẩy ông ấy vào đường cùng.” là những
cách nói sử dụng ẩn dụ bản thể vì nó đã giúp cho người đọc hiểu “nỗi sợ hãi” hay


“cuộc đời”, vốn là những khái niệm trừu tượng, một cách dễ dàng hơn khi biến chúng
thành những khái niệm có hình thù (lớn dần lên) hay thành con người (xô đẩy).
1.2.1.3. Ẩn dụ định hướng
Loại ẩn dụ này cấu trúc hóa một số miền và tạo nên một hệ thống ý niệm hóa
chung cho chúng; chúng liên quan đến việc định hướng trong không gian với những
kiểu đối lập như lên – xuống, vào – ra, trung tâm – ngoại biên…. G. Lakoff và M.
Johnson đã đưa ra một số ẩn dụ định hướng sau:
CÁI TỐT ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN
HẠNH PHÚC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN
CÓ QUYỀN LỰC HOẶC SỨC MẠNH ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN
SỨC KHỎE VÀ SỰ SỐNG ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN
CÁI THỤ ĐỘNG ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI
BẤT HẠNH ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI
BỆNH TẬT VÀ CHẾT CHÓC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI
VÔ THỨC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI

1.2.2. Một số khái niệm và thuật ngữ liên quan đến ẩn dụ ý niệm

1.2.2.1. Tính nghiệm thân

Tính hiện thân của ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong lý thuyết của
ngôn ngữ học tri nhận. Cảm nhận của con người về thế giới ảnh hưởng đến cách con
người sử dụng ngôn ngữ. Nói một cách khác, điều này có nghĩa rằng những cảm nhận
của chúng ta đối với thế giới bên ngoài làm nền tảng và được thể hiện trong ngôn ngữ
chúng ta sử dụng để mô tả về sự vật hiện tượng đang được chúng ta nói tới. Vì vậy,
ngữ nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ với những trải nghiệm về mặt sinh học của con
người chúng ta; điều này trái khác với quan điểm của ngữ pháp truyền thống, đặc biệt
là ngữ pháp tạo sinh rằng ngữ pháp và ngữ nghĩa hoàn toàn độc lập với nhau, và ngữ
nghĩa phụ thuộc vào điều kiện xác tín, không phụ thuộc vào chủ thể của lời nói. Khái
niệm về tính nghiệm thân của ngôn ngữ bắt nguồn từ quan điểm cho rằng nhận thức
của chúng ta mang tính nghiệm thân; các quá trình xử lý của trí não của chúng ta làm


cho chúng ta tương tác với những môi trường, ngoại cảnh quanh ta; và kết quả là
những quá trình xử lý thông tin đó được hình thành và chịu sự ảnh hưởng bởi ngoại
cảnh mà chúng ta tương tác. Do đó, mỗi một chúng ta có một cách nhìn riêng về thế
giới, bắt nguồn từ sự khác nhau về mặt sinh học của cơ thể mỗi chúng ta. Từ khi mới
sinh ra, con người bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh thông qua những
tương tác của cơ thể với thế giới, và cảm nhận nó qua các giác quan của mình; và từ
đó phát triển thành các khái niệm trừu tượng về sau này. Tất cả những thông tin
chúng ta có được đều phải đi qua bộ lọc tri giác của chúng ta. Những cơ quan giúp
chúng ta tích lũy thông tin có thể là mắt, mũi, tai, chân tay, v.v... Và dĩ nhiên là khi
chúng ta tường thuật lại những thông tin chúng ta có được, những thông tin đó đã trải
qua một quá trình lọc của nhận thức của chúng ta và điều đó mang tính chủ quan của
từng chủ thể. Điều này có thể thấy rất rõ ở việc khi cho chúng ta xem một bức tranh
hay đọc, nghe một bài thơ, mỗi người đều có cảm nhận riêng về bức tranh hay bài thơ
vừa được thưởng thức. Sự khác nhau trong cách cảm nhận đó là do trải nghiệm của
mỗi người trong cuộc sống. Ngôn ngữ giúp ta miêu tả nhận thức của chúng ta đối với
thế giới bên ngoài chứ không miêu tả trực tiếp cái thế giới đó.
1.2.2.2. Thuyết điển dạng

Thế giới xung quanh ta bao gồm vô số sự vật và hiện tượng mà con người phải
nhận diện, phân loại và đặt tên dựa trên sự tương tự chứ không phải giống hệt nhau.
Sự phân loại đó là được gọi là “sự phạm trù hóa” và kết quả của nó là “các phạm trù
tri nhận” hay “ý niệm”.
Giữa các phạm trù tri nhận không có ranh giới rõ ràng, tuyệt đối mà đó là một
ranh giới mờ. Làm sao chúng ta chuyển sự đa dạng này thành ý nghĩa của những từ
mà chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được và tại sao chúng ta thành công được ngay
cả với những trường hợp hầu như không có sự phân biệt rõ ràng nào, như giữa màu
đỏ và cam hay xanh lá cây và xanh dương? Tâm lí học thực nghiệm chỉ ra rằng
chúng ta sử dụng những màu tâm điểm hay màu điển hình như những điểm định
hướng, chúng ta cũng quan sát để so sánh những phạm trù thể hiện hình dạng, loài
vật, cây cối và những vật thể nhân tạo. [51, tr. 1]


Sự phân biệt các thành viên trong một phạm trù không phải là sự phân biệt có –
không mà là sự đánh giá theo thang độ về tính điển hình và được xếp theo thứ tự từ ví
dụ đạt nhất đến ví dụ tệ nhất. Điển dạng được hiểu như là ví dụ đạt nhất của phạm
trù. Rosch-Heider đã khảo cứu các lĩnh vực về hình dáng, các sinh vật và vật thể và
bà có được kết quả như sau:
Đối với người Mỹ các điển dạng của các phạm trù là:
Phạm trù chim: chim cổ đỏ (robin)
Phạm trù quả: cam (orange)
Phạm trù xe cộ: ô tô (automobile)
Phạm trù đồ nội thất: ghế (chair)
Phạm trù vũ khí: súng (gun)
Chúng ta có thể kết luận một cách thận trọng. Những phạm trù tri nhận, như
chúng ta đã thảo luận trong chương này, được lí trí chứa đựng dưới dạng những ý
niệm tinh thần và được đánh dấu bằng từ, vì vậy có người có thể nghĩ rằng chúng
tương đương với nghĩa của từ. Tuy vậy, nếu chúng ta xem từ chỉ màu sắc không chỉ
thể hiện màu sắc mà chúng cũng có thể thể hiện những đảng phái chính trị, chim

không chỉ nói đến một loài vật có cánh mà ít nhất thỉnh thoảng cũng nói đến một cô
gái đẹp, ghế có thể chỉ chủ tịch trong một cuộc họp và cup (cup), đĩa (bowl, người
dịch không dịch là tô vì ở Việt Nam tô không phải là phần thưởng phổ biến) có thể là
giải thưởng trong thể thao thì rõ ràng không có mối quan hệ một – một giữa phạm
trù (hoặc ý niệm) với từ. Thực tế, việc một từ chỉ nhiều phạm trù hay nói theo thuật
ngữ ngôn ngữ học là từ đa nghĩa là việc hoàn toàn bình thường [51, tr. 18].
1.2.2.3. Lược đồ hình ảnh
Hình ảnh là biểu trưng của trải nghiệm cụ thể, mang tính nghiệm thân, là cái
nhìn của con người về thế giới bên ngoài qua mối quan hệ không gian, thời gian và cả
cơ chế cảm nhận của con người.
Lược đồ hình ảnh không phải là những hình ảnh cụ thể mà có tính trừu tượng
hay lược đồ trong tâm trí của con người.
Một vài lược đồ phổ biến:


- Lược đồ bình chứa: Một vật hoặc ở trong hoặc ở ngoài bình chứa. Nếu bình
chứa A nằm trong bình chứa B và X nằm trong A thì X nằm trong B
Ví dụ: TẦM NHÌN CỦA CON NGƯỜI LÀ VẬT CHỨA, vậy nên có những
cách nói: trong tầm nhìn, ngoài tầm nhìn
- Lược đồ bộ phận - toàn thể: Nếu A là bộ phận của B thì B không thể là bộ phận
của A được; A không thể là bộ phận của A. Không thể có toàn thể tồn tại mà bộ phận
không tồn tại; các bộ phận có thể tồn tại mà không nhất thiết phải hợp thành toàn thể.
Ví dụ: GIA ĐÌNH LÀ BỘ PHẬN, XÃ HỘI LÀ TOÀN THỂ
- Lược đồ tâm – biên: Lo-gic của lược đồ này là ngoại biên phụ thuộc trung tâm
và không có điều ngược lại.
Ví dụ: Các lý thuyết đều có nguyên tắc chính và nguyên tắc phụ. ĐIỀU QUAN
TRỌNG LÀ ĐIỀU CHÍNH YẾU
- Lược đồ đường đi: nếu chúng ta đi từ một điểm xuất phát đến đích theo một lộ
trình nào đó, chúng ta phải đi qua những điểm trung gian trên lộ trình, tuy nhiên
đường đi càng xa thì thời gian đến đích càng lâu

Ví dụ: MỤC ĐÍCH TRONG CUỘC ĐỜI LÀ ĐÍCH ĐẾN và để đạt mục đích
con người phải làm nhiều việc, những việc đó như những điểm trung gian trên lộ
trình.
1.2.2.4. Mối quan hệ ẩn dụ - hoán dụ
Nếu như ẩn dụ là phương thức nhận thức sự vật này trong thuật ngữ của sự vật
khác thì hoán dụ có chức năng cơ bản là chức năng quy chiếu, nghĩa là nó cho phép
một bản thể này thay thế cho bản thể khác. trong hoán dụ miền đích cũng được hiểu
theo miền nguồn nhưng khác với ẩn dụ, ở hoán dụ hai miền này phải thuộc vùng một
miền lớn bao hàm. Như vậy hoán dụ cũng phục vụ cho quy trình tri nhận của con
người. Ví dụ hoán dụ BỘ PHẬN THAY CHO TOÀN THỂ tiền giả định sự tồn tại
của nhiều bộ phận có khả năng thay thế cho cái toàn thể. Việc lựa chọn một bộ phận
nào đó quyết định sự chú ý tập trung ở bên nào của cái toàn thể. Khi nói “Dự án cần
có những cái đầu sáng” thì “đầu sáng” ở đây là những người thông minh. Ở đây vấn
đề không phải chỉ là dùng bộ phận (cái đầu) để thay thế cho cái toàn thể (con người)
mà là chúng ta chọn một đặc điểm riêng lẻ của con người, cụ thể là sự thông minh gợi


lên mối liên hệ với cái đầu. Như vậy, hoán dụ ở một mức độ nào đó cũng phục vụ cho
những mục đích như ẩn dụ và được sử dụng theo kiểu giống nhau, nhưng hoán dụ
cho phép tập trung chú ý chính xác hơn trên những mặt xác định của cái được biểu
hiện. Cũng như ẩn dụ, hoán dụ không đơn thuần thuộc về ngôn ngữ mà là một bộ
phận cấu thành của tư duy. Chính vì lẽ trên, người viết cho rằng dưới góc độ trri nhận
có thể coi hoán dụ là một kiểu ẩn dụ và trong nhiều trường hợp ẩn dụ và hoán dụ có
sự tương tác với nhau. Luận văn này sẽ có một số ví dụ minh họa sự tương tác đó.


×