BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH
Lê Linh Chi
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH
Lê Linh Chi
Chuyên ngành
: Lý luận ngôn ngữ
Mã số
: 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
Người Hướng dẫn Khoa học:
PGS. TS. NGUYỄN THỊ LY KHA
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
LỜI CẢM ƠN
Đầu tiên tác giả luận văn xin chân thành cảm ơn Khoa Ngữ văn , Phòng Sau
đại học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc
học tập, nghiên cứu và nhiệt tình giúp đỡ tác giả trong suốt quá trình làm luận văn.
Bằng tất cả tình cảm chân thành, tác giả luận văn xin được bày tỏ lòng kính
trọng và biết ơn sâu sắc đến cô hướng dẫn PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha – người đã
tận tâm hướng dẫn, chỉ bảo tận tình trong suốt thời gian nghiên cứu và hoàn thiện
luận văn.
Bên cạnh đó, tác giả cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô
trong Khoa Ngữ văn, cùng các anh chị học viên cao học chuyên ngành Ngôn ngữ
học khóa 19 đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tác giả trong
quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.
Cuối cùng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình, những người
thân và các bạn bè đã luôn động viên, giúp đỡ tác giả. Đó là nguồn động lực rất lớn
cho tác giả trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện luận văn của mình.
Tác giả luận văn
Lê Linh Chi
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các bảng
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA LOẠI TỪ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ
CỦA LƯỢNG TỪ TRONG TIẾNG HÁN HIỆN ĐẠI ....................10
1.1. Loại từ ................................................................................................................10
1.1.1. Đặc trưng ngữ pháp của loại từ ................................................................10
1.1.2. Đặc trưng từ vựng – ngữ nghĩa của loại từ ...............................................12
1.1.3. Đặc trưng ngữ dụng của loại từ ................................................................14
1.1.4. Định tố cái. ...............................................................................................15
1.2. Lượng từ .............................................................................................................15
1.2.1. Định nghĩa và phân loại ............................................................................16
1.2.2. Chức năng ngữ pháp của lượng từ........................................................... 21
1.2.3. Một số hiện tượng liên quan đến ngữ nghĩa của lượng từ ....................... 22
Chương 2. LOẠI TỪ TIẾNG VIỆT VÀ LƯỢNG TỪ TIẾNG HÁN HIỆN ĐẠI
TRONG NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT .............................................29
2.1. Khảo sát và đánh giá loại từ trên ngữ liệu tiếng Việt.........................................29
2.1.1. Khảo sát loại từ trên ngữ liệu tiếng Việt ..................................................29
2.1.2. Đánh giá tình hình sử dụng loại từ trên ngữ liệu tiếng Việt .................... 51
2.2. Khảo sát và đánh giá lượng từ trên ngữ liệu tiếng Hán hiện đại .......................56
2.2.1. Khảo sát lượng từ trên ngữ liệu tiếng Hán hiện đại .................................56
2.2.2. Đánh giá tình hình sử dụng lượng từ trên ngữ liệu tiếng Hán hiện đại ....64
Chương 3: MỘT VÀI ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT GIỮA LOẠI TỪ
VÀ LƯỢNG TỪ ................................................................................72
3.1. Bình diện ngữ pháp ............................................................................................72
3.2. Bình diện từ vựng – ngữ nghĩa...........................................................................74
3.3. Bình diện ngữ dụng ............................................................................................78
KẾT LUẬN ..............................................................................................................82
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................83
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1 ....................................................................................................................31
Bảng 2.2 ....................................................................................................................32
Bảng 2.3 ....................................................................................................................32
Bảng 2.4 ....................................................................................................................36
Bảng 2.5 ....................................................................................................................36
Bảng 2.6 ....................................................................................................................39
Bảng 2.7 ....................................................................................................................39
Bảng 2.8 ....................................................................................................................44
Bảng 2.9 ....................................................................................................................45
Bảng 2.10 ..................................................................................................................48
Bảng 2.11 ..................................................................................................................50
Bảng 2.12 ..................................................................................................................51
Bảng 2.13 ..................................................................................................................51
Bảng 2.15 ..................................................................................................................65
Bảng 2.16 ..................................................................................................................66
Bảng 2.17 ..................................................................................................................67
Bảng 2.18 ..................................................................................................................67
Bảng 2.19 ..................................................................................................................68
Bảng 2.20 ..................................................................................................................68
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Loại từ là từ loại gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu ngôn ngữ. Đầu tiên
là sự bất đồng trong việc xác định tư cách từ loại: loại từ là hư từ hay thực từ. Tiếp
theo, các nhà Việt ngữ học cho loại từ là hư từ hoặc thực từ lại tiếp tục bất đồng ý
kiến về cách phân loại, liệt kê, xác định chức năng ngữ nghĩa, ngữ pháp của nhóm
từ này. Trong các công trình nghiên cứu gần đây, Cao Xuân Hạo đặt lại vấn đề loại
từ với cách tiếp cận rất mới lạ so với ngữ pháp truyền thống. Tác giả khẳng định tư
cách danh từ của các nhóm từ vốn được xem là loại từ, khẳng định vị trí trung tâm
của các từ này trong danh ngữ, và trong danh ngữ, các từ này có chức năng chỉ hình
thức phân lập của các đơn vị cá thể trong khi chức năng chỉ loại lại thuộc về danh từ
khối vì bản chất của danh từ khối là chỉ chất liệu. Tuy hiện nay vẫn chưa tìm được
giải pháp triệt để để có thể thống nhất về mặt lý luận, nhưng các lý lẽ mà các nhà
Việt ngữ học đưa ra trong lúc tranh luận đã chứng tỏ tính cách quan trọng, phức tạp
và mở của loại từ trong tiếng Việt.
Về phía người sử dụng, thiếu vắng loại từ sẽ gặp khó khăn trong việc suy nghĩ,
diễn đạt trước hết là trong nhu cầu đếm số lượng, nhu cầu cấu trúc hóa thế giới
khách quan theo trật tự đã được cộng đồng ước định. Cũng khó khăn tương tự nếu
sữ dụng tiếng Hán mà thiếu kiến thức về lượng từ. Tuy thường được định nghĩa
ngắn gọn “Lượng từ là từ dùng để tính lượng các sự vật hay động tác” nhưng thao
tác tính lượng trong tiếng Hán bao hàm cách phân loại sự vật hết sức phức tạp. Thế
giới khách quan qua cách tạo ký hiệu đầy tính tượng hình của chữ Hán như được
con người sắp xếp lại, vừa chi phối số lượng, vừa chi phối ngữ nghĩa lượng từ,
trong đó có nghĩa hình tượng và nghĩa sắc thái, tạo giá trị về cho lượng từ trong cả
hai phương khoa học và nghệ thuật. Với các lý do đó, người viết đã chọn đề tài
nghiên cứu là: “Nhóm loại từ chỉ bất động vật trong tiếng Việt và các từ tương
đương trong tiếng Hán hiện đại”.
2
Loại từ trong luận văn này được lựa chọn dựa theo quan điểm của Nguyễn Tài
Cẩn. Đó là các từ thuộc tiểu loại danh từ chỉ các đơn vị tự nhiên, có chức năng phụ
là phân định sự vật thành từng loại dựa vào một đặc trưng nào đó của sự vật. Loại
từ được xem xét trong danh ngữ có loại từ là thành tố trung tâm hoặc trong một tổ
chức trong đó loại từ kết hợp với tính từ, động từ để tạo thành một tổ hợp có thể chỉ
sự vật thay thế danh từ nên chúng tôi vẫn xét đến các trường hợp loại từ dùng để
định đơn vị cho động từ.
Việc lựa chọn các lượng từ tương đương với loại từ chỉ có sự chính xác tương
đối do phạm vi, mục đích của luận văn và do sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ.
Lượng từ trong luận văn được lựa chọn dựa vào định nghĩa về lượng từ được
trích dẫn trong tài liệu của Hà Kiệt:“Từ biểu thị số lượng đơn vị sự vật hay động tác
gọi là lượng từ. Lượng từ có hai loại: tính đơn vị sự vật gọi là vật lượng từ, tính
đơn vị động tác gọi là động lượng từ” [19.6]. Các lượng từ chúng tôi sử dụng trong
luận văn cũng được sử dụng trong tài liệu này. Thuật ngữ số từ chúng tôi dùng trong
luận văn là số từ số học, tức không sử dụng ước số để khỏi lẫn lộn với lượng từ
trong tiếng Việt. Chúng tôi cũng sử dụng một số lượng từ tương đương với các từ
chỉ đơn vị quy ước không chính xác như miếng, cục, đoạn là những từ không được
Nguyễn Tài Cẩn xem là loại từ nhằm mục đích so sánh , đối chiếu cách dùng loại từ
và lượng từ giữa hai ngôn ngữ.
2. Tiến trình nghiên cứu loại từ và lượng từ
2.1. Tiến trình nghiên cứu lượng từ và loại từ của các nhà Việt ngữ học
Lượng từ được xem là một từ loại với các tên gọi khác nhau trong lịch sử
nghiên cứu tiếng Việt như: lượng số chỉ định từ ( Trần Trọng Kim), ngữ vị chỉ số
(Lê Văn Lí), lượng từ, thuộc tiểu loại lượng từ phỏng chừng và lượng từ bất định
(Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê), lượng số chỉ định từ chỉ một lượng nhiều
hay ít (Bùi Đức Tịnh), lượng từ và lượng số từ, ước từ (Trần Ngọc Ninh), từ kèm (
Nguyễn Kim Thản), từ chỉ số lượng khái quát (Diệp Quang Ban). Quan niệm và
cách liệt kê các từ thuộc từ loại này có sự khác nhau giữa các tác giả nhưng nói
chung đều xem lượng từ là những từ chỉ số lượng nhiều hoặc ít một cách tổng quát,
3
đó là từ ” mang phạm trù lượng số trong thành phần danh để chỉ định danh từ đếm
được về lượng số” (8.235), “Lượng từ là tiếng đặt trước thể từ để hạn chế về số
lượng nghĩa tổng quát hay bất định của thể từ chính” [6.305] , “các lượng số chỉ
định từ chỉ một lượng nhỏ, chỉ mỗi đơn vị của một toàn số, và chỉ một lượng lớn hay
một toàn số” (13.62), “Từ đi kèm danh từ chuyên làm dấu hiệu về lượng” (11.57).
Các từ mang ý nghĩa lượng từ được liệt kê ra không hoàn toàn giống nhau ở các tác
giả nhưng nói chung là các từ: những, các, một, mỗi, từng, vài, mọi, mấy, nhiều, tất
cả, toàn. Vậy, lượng từ trong tiếng Việt gần với số từ, không có chức năng xác định
hình thức phân lập của sự vật và phân loại sự vật, tức không mang các đặc điểm của
loại từ.
Loại từ được xem là một từ loại trong tiếng Việt. Trong các công trình nghiên
cứu ngữ pháp tiếng Việt, khi phân từ loại tiếng Việt, các nhà Việt ngữ học đều đề
cập đến từ loại này: “Loại từ là tiếng đứng trước tiếng danh từ để chỉ định tiếng
danh từ ấy thuộc loại nào” [5.49]. “Loại từ là tiếng đặt trước một danh từ khái quát
để làm cho ý nghĩa của danh từ ấy được rõ ràng, đầy đủ” (13.51). “ Loại từ là
những chứng tự của tự loại A (tự loại A là danh từ): chúng cho phép ta nhận định
được những từ nào thuộc tự loại A, và đồng thời chúng cũng xếp những tự ngữ đó
vào một loại riêng biệt nữa” (7.50). “Loại từ là tiếng đặt trước thể từ cho ta biết
thể từ chính trỏ sự vật thuộc loại, hạng nào, vì tùy theo sự vật thuộc loại hạng nào
mà ta dùng loại từ thích hợp” (6.281). Nguyễn Tài Cẩn (1960) xem loại từ là
thành tố phụ của danh từ trung tâm. Về sau, trong Ngữ pháp Tiếng Việt (1989), ông
xem là một tiểu loại của danh từ: danh từ chỉ đơn vị tự nhiên có vai trò trung tâm 1
trong một danh ngữ và là “trung tâm về mặt ngữ pháp”. Nguyễn Kim Thản gọi loại
từ là phó danh từ (1963) sau đó là danh từ phụ thuộc (1981). Trong những năm 60,
Lưu Văn Lăng xếp loại từ thành một nhóm nhỏ gọi là từ chỉ loại nằm trong phạm
trù danh từ nhưng sau đó lại xếp các từ này vào một nhóm nhỏ mang tên là hạn từ.
Diệp Quang Ban xem loại từ là danh từ chỉ loại. Cao Xuân Hạo xem loại từ thực
chất là một số từ trong danh từ đơn vị, phủ nhận sự tồn tại của loại từ trong tiếng
Việt theo nghĩa là nhóm từ có chức năng phân loại.
4
2.2. Tiến trình nghiên cứu lượng từ trong tiếng Hán
Ngữ pháp Trung Quốc trong năm đầu thập niên 30 chịu ảnh hưởng rất lớn về
mặt lí luận của ngữ pháp phương Tây. Năm 1943, trong cuốn Ngữ pháp Trung
Quốc hiện đại, (1985) Vương Lực xem lượng từ là một tiểu loại của danh từ và gọi
đó là danh từ đơn vị. Sau đó, trong Từ loại, ông nhắc lại quan niệm này: ” Tôi cho
rằng lượng từ là danh từ và tôi gọi là danh từ đơn vị”.( trích từ Hà Kiệt.3) Tuy chưa
xác lập một vị trí độc lập cho lượng từ, nhưng Vương Lực được kể là người đầu
tiên đã xem lượng từ là một bộ phận trong cơ cấu từ loại tiếng Hán.
Đến đầu thập niên 40, Lã Thúc Tương xuất bản cuốn Trung Quốc ngữ pháp
yếu lược trong đó ông gọi lượng từ là Từ đơn vị, ông viết: ”Trong văn bạch thoại,
số từ không thể đứng trước danh từ để kết hợp trực tiếp với danh từ mà phải có từ
chỉ đơn vị đứng trước danh từ”. Sau đó, trong sách Học ngữ pháp, ông xem lượng
từ chỉ là một loại từ ngữ hỗ trợ thêm cho danh từ và gọi là phó danh từ. Tuy Lã
Thúc Tương vẫn xem lượng từ thuộc phạm trù danh từ nhưng ông là người đầu tiên
gọi tên từ loại này là lượng từ: “ Phó danh từ là từ chỉ đơn vị người hay sự vật, còn
được gọi là danh từ chỉ đơn vị hay lượng từ” (1982. trích từ Hà Kiệt. 3). Lã Thúc
Tương cho rằng, khác với danh từ, phần lớn các phó danh từ không có ý nghĩa cụ
thể. Lã Thúc Tương cũng đưa ra các nét khu biệt giữa danh từ và lượng từ, các đặc
trưng ngữ pháp của tổ hợp số từ - lượng từ. Đáng tiếc là cho đến thời điểm ấy lượng
từ vẫn chưa được xem là một từ loại độc lập.
Cao Danh Khải trong Bàn về ngữ pháp tiếng Hán đã gọi lượng từ là số vị từ
và xem số vị từ là đặc trưng của hệ ngôn ngữ Hán - Tạng.
Lục Chí Vĩ trong Các từ đơn âm trong tiếng Bắc Kinh đã xếp lượng từ thành
một loại của đại từ chỉ thị với tên gọi là trợ danh từ. Cách phân loại này cho thấy lý
luận của ông về từ loại tiếng Hán vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của ngữ pháp Ấn - Âu.
Trần Vọng Đạo xem lượng từ là từ nêu ra cái cần tính toán, gọi là kế tiêu,
cách gọi này có ý nhấn mạnh tác dụng đếm đơn vị của lượng từ. Theo ông, gọi các
từ nêu ra vật cần đếm là phó danh từ là cách nhìn thiếu toàn diện vì vật cần đếm
số lượng không chỉ có vật tĩnh mà còn có sự động.
5
Đàm Chính Bích trong cuốn Ngữ pháp cơ bản gọi lượng từ là phụ danh từ hay
còn gọi phó danh từ hoặc lượng từ.
Năm 1957, Trương Chí Công trong Hán ngữ ngữ pháp thường thức đã gọi
lượng từ là số lượng từ vì theo ông, thông thường từ chỉ số và từ chỉ đơn vị đi liền
nhau. Đinh Thanh Thụ trong Bàn về ngữ pháp tiếng Hán hiện đại cho thấy khi
nghiên cứu về từ loại ông đã không những dùng tên gọi lượng từ mà còn xem đây là
một từ loại độc lập để phân tích, nghiên cứu.
Đến cuối thập niên 50, lượng từ chính thức được xác định tên gọi: “Từ biểu
thị số lượng đơn vị sự vật hay động tác gọi là lượng từ. Lượng từ có hai loại: tính
đơn vị sự vật gọi là vật lượng từ, tính đơn vị động tác gọi là động lượng từ” [19.6]
và trở thành 01 trong 11 từ loại tiếng Hán hiện đại.
Năm 1961, Chu Đức Hi trong bài giảng về ngữ pháp tiếng Hán hiện đại ở Đại
học Bắc Kinh đã chính thức công nhận lượng từ là một từ loại của tiếng Hán, ông
đưa ra một định nghĩa về lượng từ “ Lượng từ là từ có thể đi liền sau số từ”. Nhưng
vấn đề về lượng từ vẫn chưa kết thúc ở đây mà vẫn có rất nhiều cuộc tranh luận
chung quanh từ loại này kéo dài đến những năm 70.
Cuối cùng, sau hơn 50 năm, qua 16 cái tên khác nhau, đến nửa sau thập niên
50 lượng từ được xác định tên gọi và đến những năm 70 thì được phổ biến rộng rãi.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Đề tài được thực hiện trên cơ sở thừa nhận lí thuyết về loại từ tiếng Việt theo
quan điểm của tác gỉa Nguyễn Tài Cẩn qua cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (1998) và lí
thuyết về lượng từ của tác giả Hà Kiệt qua cuốn Nghiên cứu lượng từ tiếng Hán
hiện đại(2000). Các tác phẩm văn chương dùng để minh họa cho các lí thuyết này
bao gồm những 30 tác phẩm của 05 nhà văn Việt Nam và 30 tác phẩm của 05 nhà
văn Trung Quốc, cụ thể là:
• Hồ Biểu Chánh: Đóa hoa rừng, Hai Thà cưới vợ, Lòng dạ đàn bà, Thầy
Chung trúng số, Thầy thông ngôn.
• Sơn Nam: Bốn cái ngu, Hương rừng Cà mau, Một kiểu anh hùng, Tình nghĩa
giáo khoa thư, Yêu cho được.
6
• Nguyễn Minh Châu: Bến quê, Bức tranh, Chiếc thuyền ngòai xa, Khách ở
quê ra, Mảnh trăng cuối rừng.
• Phạm Thị Hoài: Bao giờ cho đến bốn năm sau, Man nương, Thiên sứ, Thực
đơn chủ nhật, Tiệm may Sài gòn.
• Nguyễn Ngọc Tư: Cải ơi, Cánh đồng bất tận, Dòng nhớ, Làm mẹ, Một mối tình.
• Lỗ Tấn: Cố hương - 故乡, Khổng Ất Kỷ - 孔乙己, Nhật kí người điên - 狂人
日记, Thuốc 药, Lễ chúc phúc - 祝福 .
• Đinh Linh: Gió mưa nhớ Tiêu Hồng - 风雨中忆萧红, Mộng Kha 梦珂, Nhật kí
Sa – phỉ - 莎菲女士的日记, Bay đến trời tự do - 我怎样飞向了自由的天地, Đêm
(夜).
• Tam Mao: Bối ảnh - 背影, Tuổi mưa không trở lại - 雨季不再来, Lạc đà
khóc - 哭泣的骆驼, Cô dâu bé con - 娃娃新娘, Đêm dịu dàng - 温柔的夜 .
• Quỳnh Giao: Song ngoại - 窗外 (Chương I - V), Xóm vắng - 庭院深深
(chương I – V ), Mùa thu lá bay - 彩云飞 (chương I - VI), Dòng sông ly biệt 烟雨朦朦 (chương III), Hải âu phi xứ - 海欧飞处 (chương I - IV).
• Giả Bình Ao: Thiên Cẩu - 天狗, Tần xoang - 秦腔 (chương I-III), Hút thuốc
- 烟 , Bạn - 朋友, Làm người tự do - 做个自在人朋友.
• Mặc Ngôn: Đàn hương hình - 檀香刑 (chương 1 -III), Báu vật của đời 丰乳肥臀 (chương I - III), Cao lương đỏ - 红高粱 (chương I - III), Đại phong 大风, Mưa phùn đêm xuân - 春夜雨霏霏.
Đối với các văn bản tiếng Việt chúng tôi sử dụng 25 loại từ sau đây để khảo
sát trên các văn bản: con, cái, tấm, bức, trận, cơn, miếng, viên, hòn, cục, cọng, bụi,
ngọn, chiếc, gốc, cây, dòng, xấp, mớ, vũng, đoạn, khúc, giọt, tiếng, ổ.
Đối với các văn bản tiếng Trung chúng tôi chọn các 61 lượng từ tương đương
như sau:
7
con, cái: 个, 张, 口, 条, 只, 道, 床, 把, 釘, 方, 根, 面, 盏, 眼,杯, 架,件,具,
辆,领,盤,艘, 座, 纸, 篇.
tấm, bức: 幅, 封, 堵, 幀.
trận, cơn: 阵, 场.
miếng: 片, 面, 块.
viên, hòn: 颗, 发, 粒,丸,员.
cục: 块, 挂.
cọng: 枝
bụi: 蓬, 墩.
ngọn: 盏
chiếc: 根
gốc, cây: 枝, 棵.
dòng: 股
xấp, mớ: 沓, 刀, 批, 撇.
vũng: 片, 汪.
đoạn, khúc: 段, 则, 阙.
giọt: 滴
tiếng: 声
ổ: 窝
8
Trong một văn bản, một loại từ hay lượng từ xuất hiện từ 02 lượt trở lên sẽ
được ghi số trong dấu ngoặc đơn. Thứ tự trình bản văn bản sẽ được xếp theo thứ tự
A,B,C, đối với các văn bản tiếng Trung sẽ dựa theo cách viết phiên âm. Các văn
bản được trích xuất từ các trang web và được thống kê bằng phần mềm của
Microsoft.
Phạm vi khảo sát sự xuất hiện của loại từ trong tiếng Việt và lượng từ tiếng
Hán qua các tác phẩm văn chương chỉ giới hạn ở nội dung sau:
- Tần số xuất hiện
- Cách sử dụng
- Nêu một vài nhận xét về chức năng ngữ nghĩa của loại từ trên sơ sở xem
ngôn ngữ là một trong những khả năng tri nhận và một trong những cấu trúc tri
nhận của con người.
4. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài này sẽ được tiến hành thực hiện với các phương pháp sau:
Phương pháp phân tích, tổng hợp: Trên cơ sở ngữ liệu thống kê được chúng
tôi sẽ tiến hành phân tích ngữ liệu để nhận xét về chức năng ngữ nghĩa, ngữ pháp
của loại từ tiếng Hán tiếng Việt qua tần số xuất hiện và qua cách dùng
Phương pháp so sánh đối chiếu: Chúng tôi sẽ so sánh đối chiếu việc sử dụng
loại từ trong tiếng Hán trong tiếng Việt qua các tác phẩm văn chương để tìm những
điểm giống nhau và khác nhau giữa hai ngôn ngữ trong phạm vi từ loại
5. Dự kiến kết quả nghiên cứu và đóng góp của đề tài
Với đề tài trên, chúng tôi hy vọng sẽ góp một phần nhỏ công sức của mình
vào việc tìm hiểu loại từ trong hai ngôn ngữ và qua đó, nâng cao năng hiểu và dùng
từ loại này vừa ở phương diện khoa học vừa ở phương diện nghệ thuật. Chúng tôi
cũng mong muốn được đóng góp vài nhận xét về các điểm giống nhau và khác
nhau qua cách dùng từ loại này của hai dân tộc.
9
6. Kết cấu luận văn
Nội dung luận văn của chúng tôi, ngoài hai phần Dẫn nhập và Kết luận, bao
gồm 03 chương sau:
• Chương 1: Cơ sở lí luận của loại từ trong tiếng Việt và của lượng từ trong
tiếng Hán hiện đại.
• Chương 2: Loại từ tiếng Việt và lượng từ tiếng Hán hiện đại qua các tác
phẩm văn chương
• Chương 3: Một vài điểm tương đồng và dị biệt giữa loại từ và lượng từ.
10
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA LOẠI TỪ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CỦA
LƯỢNG TỪ TRONG TIẾNG HÁN HIỆN ĐẠI
1.1. Loại từ
Trong Ngữ pháp tiếng Việt(1989.203) thuật ngữ loại từ với các đặc trưng về từ
vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng được nêu ra khi tác giả miêu tả tổ chức của
danh ngữ. Một danh ngữ gồm có bộ phận trung tâm - do danh từ đảm nhiệm - chiếm
vị trí giữa lòng đoản ngữ và các thành tố phụ (gọi là định tố) phân bố ở trước và sau
danh từ tạo nên phần đầu và phần cuối của đoản ngữ.
Ví dụ: phần đầu
phần trung tâm
phần cuối
Ba
người
này
Cả hai
tỉnh
nhỏ ấy
Tất cả những cái
chủ trương
chính xác đó
Về mặt từ loại, định tố đầu nhiều trường hợp đều do những từ có nghĩa không
chân thật đảm nhiệm trong khi định tố cuối phần lớn do những từ có nghĩa chân thật
đảm nhiệm. Về mặt số lượng, những từ làm định tố đầu có số lượng hạn chế nên có
thể lập một danh sách trong khi số lượng từ có khả năng làm thành tố cuối rất lớn.
Về mặt tổ chức, các định tố đầu tuyệt đại đa số không có khả năng phát triển thành
một đoản ngữ mới như định tố cuối. Về mặt phân bố vị trí, mỗi kiểu định tố bao
gồm một số từ có chung ý nghĩa luôn giữ một vị trí ở phần định tố đầu trong khi
không có sự tương tự như thế ở phần định tố sau. Về mặt ý nghĩa, định tố đầu không
gây tác động đến ngoại diên của khái niệm nêu ở danh từ trong khi định tố cuối lại
tạo được tác động đó.
1.1.1. Đặc trưng ngữ pháp của loại từ
Từ những kết luận như thế rút ra từ danh ngữ, tác giả cho rằng loại từ, nhóm từ
thành viên của định tố đầu, chỉ là thành phần phụ bổ nghĩa cho danh từ đi sau.
Nhưng khi xem xét, so sánh các danh ngữ có phần định tố đầu tổ chức tương tự
nhau: từ chỉ số lượng, từ chỉ đơn vị kế toán, từ chỉ sự vật cần kế toán như:
11
1) Một anh sinh viên, một cuốn sách
2) Một đoàn sinh viết, một tạ sách
Tác giả nhận thấy có sự mâu thuẫn trong cách nhìn nhận trước đây đối với
loại từ. Trong trường hợp (1) anh, cuốn luôn bị xem là thành tố phụ trong khi ở
trường hợp (2) đoàn, tạ do được đánh giá là những thực từ, lại trở thành thành phần
trung tâm trong danh ngữ. Sự mâu thuẫn cũng diễn ra tương tự nếu so sánh các kiểu
câu hỏi anh nào?, cuốn gì? với kiểu câu trả lời anh sinh viên, cuốn sách. Anh, cuốn
trong câu hỏi được xem là thành phần trung tâm trong khi sinh viên, sách lại là
thành phần trung tâm trong các câu trả lời tương ứng với câu hỏi. Để giải quyết sự
“mâu thuẫn lớn” đó, tác giả đưa ra giải pháp hai trung tâm, trong đó các từ chỉ đơn
vị, trong đó có loại từ, là trung tâm ngữ pháp trong danh ngữ (gọi là T1). Các danh
từ đơn vị ở vị trí T1 luôn có thể kết hợp với từ chỉ số lượng nên thuộc về tiểu loại
danh từ trực tiếp đếm được đối lập với tiểu loại danh từ không trực tiếp đếm được là
những danh từ nắm giữ vai trò trung tâm về ngữ nghĩa (gọi là T2). Danh từ chỉ đơn
vị được chia thành danh từ chỉ đơn vị tự nhiên (gồm có người, động thực vật, khái
niệm trừu tượng) và danh từ chỉ đơn vị quy ước (gồm có cân, thước, sào…). Danh
từ nào chỉ có thể kết hợp với danh từ chỉ đơn vị quy ước được gọi là danh từ không
biệt loại đối lập với danh từ có biệt loại là những danh từ có thể kết hợp được với
danh từ đơn vị quy ước lẫn danh từ đơn vị tự nhiên. Từ chỉ xuất cái luôn ở vị trí
trước danh từ chỉ đơn vị, đây là tiêu chí để phân loai danh từ chỉ xuất được đối lập
với danh từ không chỉ xuất được. Trong tiếng Việt, các danh từ ở T1 là những danh
từ chỉ xuất được trong khi các danh từ ở T2 không chỉ xuất được (trừ nhóm danh từ
chỉ chất liệu). Những từ chỉ số lượng những, các khi kết hợp với danh từ chỉ đơn vị
sẽ tạo ý nghĩa ngữ pháp số nhiều đối lập với những từ một, zê-rô chỉ số ít. Danh từ
không có định tố cái mà cũng không có từ chỉ đơn vị đi trước thường không kết
hợp được với định tố chỉ số lượng, danh từ trong trường hợp này sẽ mang ý nghĩa
số trung.
Danh từ chỉ đơn vị có thể đảm đương vai trò làm thành phần câu như một
danh từ thường: có thể làm chủ tố, làm bổ tố, định tố, vị tố. Chúng cũng có thể trở
12
thành trung tâm của một danh ngữ với đầy đủ mọi thành tố phụ của danh ngữ. Nhìn
chung, từ chỉ số lượng và danh từ không thể trực tiếp kết hợp với nhau mà phải có
loại từ đứng trước danh từ tuy cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn
không thể nói vài muối nhưng lại có thể nói vài khuyết điểm.
Như vậy, theo Nguyễn Tài Cẩn, loại từ là nhóm từ giữ vị trí trung tâm ngữ
pháp trong danh ngữ (T1), có chức năng tính đơn vị sự vật do danh từ biểu thị, tạo
các thế đối lập có tác dụng phân tiểu loại cho danh từ như: trực tiếp đếm được/
không trực tiếp đếm được, biệt loại / không biệt loại, chỉ xuất được/ không chỉ xuất
được, số ít /số nhiều /số trung dựa vào khả năng kết hợp của danh từ với các định tố
đầu trong danh ngữ.
1.1.2. Đặc trưng từ vựng – ngữ nghĩa của loại từ
Quan điểm cho loại từ là thành phần phụ xuất phát từ việc xem các từ này là
hư từ, chúng không tác động đến ngoại diên của khái niệm nêu ở danh từ trung tâm.
Khi nói Ba anh sinh viên ấy hoặc Cuốn sách này thì sinh viên và sách mới là sự vật
được nêu ở danh ngữ, và từ chỉ đơn vị anh, cuốn , nếu có thay đổi cũng không làm
thay đổi nghĩa biểu niệm của danh từ. Vì vậy khi xác định phần trung tâm của danh
ngữ, trong năm 1960, Nguyễn Tài Cẩn đã cho rằng anh, cuốn chỉ là thành tố phụ
bên cạnh bộ phận trung tâm sinh viên, sách và anh, cuốn là hư từ. Khi tham gia biên
soạn sách Ngữ pháp phổ thông dạy thí nghiệm ở Hà Nôi (1963), tác giả đã đánh giá
lại vai trò của danh từ chỉ đơn vị trong trung tâm danh ngữ và mối quan hệ giữa
danh từ chỉ đơn vị quy ước và danh từ chỉ đơn vị tự nhiên trong tiếng Việt, từ đó
đưa ra kết luận loại từ là thực từ và là một danh từ tuy có phần trống nghĩa “Tuy
rằng chỉ những khái niệm có nội hàm nghèo nàn và có ngoại diện rộng nhưng
chúng vẫn còn là những từ chỉ khái niệm sự vật” (Tr.211). Chưa kể trong tiếng
Việt, ngoài các từ chuyên dùng để chỉ đơn vị còn có các từ khác có thể lâm thời
dùng làm từ chỉ đơn vị. Phần lớn các từ lâm thời này có nguồn gốc danh từ (như lá,
cây, cốc, thúng…), một số ít có nguồn gốc động từ (như xâu trong một xâu cá, gánh
trong một gánh lúa…). Từ chỉ đơn vị có thể chia thành hai tiểu loại: tiểu loại một là
các nhóm từ chỉ đơn vị tự nhiên, có tính cá thể (như người, tên, đứa, thằng, anh,
13
chị…) và các nhóm từ chỉ thực vật, đồ đạc, khái niệm trừu tượng (như con, cây,
quả, cái, chiếc, bức, tấm, …). Tiểu loại này còn có danh xưng loại từ vì ngoài chức
năng chỉ đơn vị tự nhiên các từ này còn có chức năng mô tả, phân định sự vật thành
từng loại dựa vào các đặc trưng của sự vật. Tiểu loại thứ hai gồm các nhóm từ chỉ
đơn vị quy ước.Tiểu loại này gồm những từ chỉ đơn vị chính xác (như cân, tạ,
thước, mẫu…), những từ chỉ đơn vị không chính xác (miếng, cục, đoạn, bầy, dãy,
loại…).
Sự phối hợp giữa danh từ đơn vị và danh từ thường được dựa trên một số
nguyên tắc: danh từ chỉ chất liệu chỉ đi được với từ chỉ đơn vị quy ước (một miếng
thịt, một cốc nước…), danh từ chỉ người, động vật, đồ đạc có thể đi với cả hai loại
từ chỉ đơn vị (có thể đi với loại từ như tổ hợp một cậu học sinh, một con mèo, một
cây tre, một cuốc sách…hoặc đi với từ chỉ đơn vị quy ước như một đoàn học sinh,
một bầy mèo, một tạ sách…). Việc phối hợp loại từ và các nhóm danh từ không chỉ
người có sự tương ứng chặt chẽ hơn. Loại từ con thường phối hợp với danh từ chỉ
động vật trong khi cây , quả thường đi trước danh từ chỉ thực vật, cuốn chỉ dùng để
phối hợp với các danh từ chỉ thư tịch, ngôi dùng cho các danh từ chỉ về nhà cửa…
Do chỉ có khoảng 40 loại từ và sự phối hợp giữa loại từ và danh từ có sự tương
ứng tương đối chặt chẽ nên có thể lập ra một danh sách liệt kê các nhóm danh từ và
sự tương ứng của từng nhóm vói một loại từ thích hợp. Chẳng hạn có nhóm danh từ
tương ứng với loại từ cái, nhóm tương ứng với loại từ con, cây, hoặc bức, quyển
v.v…Tuy nhiên ranh giới giữa các nhóm có những vấn đề cần chú ý:
Có những trường hợp phạm vi của hai nhóm hoàn toàn tách rời nhau. Chẳng
hạn nhóm danh từ phối hợp với lá sẽ không bao giờ phối hợp với ngôi.
Có những trường phạm vi của hai nhóm không hoàn toàn tách rời nhau, một
số danh từ trong nhóm này có thể phối hợp với loại từ được xem là tương ứng với
nhóm khác. Ví dụ loại từ bức vốn được dùng để phối hợp với các danh từ tường,
trướng, vách, ảnh, màn, địa đồ, các danh từ này cũng có thể dùng để phối hợp vối
loại từ tấm.
14
Có những phạm vi của nhóm này hoàn toàn lồng vào phạm vi của nhóm khác.
Ví dụ các danh từ đi với lọai từ cây như cột, bút, sào, đàn, súng, chổi, gậy hoàn toàn
có thể phối hợp với loại từ cái.
Kết quả là một danh từ có thể thuộc về nhiều nhóm khác nhau, có thể phối hợp
với nhiều loại từ khác nhau. Quyết định chọn một loại từ để phối hợp cho các danh
từ thuộc loại này phụ thuộc ý nghĩa của danh từ thường đi sau :
Ví dụ: Một cây chuối, một quả chuối, một cây cam, một quả cam.
Tóm lại, loại từ là thực từ tuy nhìn chung nghĩa của loại từ trống, thậm chí rất
trống so với danh từ thường. Cũng vì vậy, nghĩa của loại từ phụ thuộc vào nghĩa của
danh từ thường vốn nắm giữa vai trò trung tâm về ngữ nghĩa trong danh ngữ.
1.1.3. Đặc trưng ngữ dụng của loại từ
Trong phần lớn trường hợp, việc lựa chọn loại từ phụ thuộc vào ngữ nghĩa của
danh từ mà loại từ có nhiệm vụ bổ nghĩa nhưng đôi khi sự lựa chọn lại do ngữ cảnh
quyết định. Chẳng hạn như việc lựa chọn loại từ để phối hợp với danh từ chỉ người
lệ thuộc vào tuổi tác của đối tượng, giới tính của đối tượng, mối quan hệ vị thế giữa
người nói và người được nói đến, thái độ đánh giá khinh trọng về đối tượng do danh
từ biểu hiện.
VD:
Một ông thợ (trung hòa).
Một bác thợ (tôn trọng).
Một thằng thợ (khinh thị).
Sự lựa chọn loại từ có khi còn tùy thuộc ở cái nhìn chủ quan của người nói.
Chẳng hạn với các cách dùng loại từ khác nhau như một con thuyền, một lá thuyền,
một chiếc thuyền loại từ không tác động nhiều đến nghĩa mà có giá trị bộc lộ cái
nhìn chủ quan của con người đối với sự vật do danh từ biểu thị.
Việc dùng hay lược bỏ danh từ thường trong danh ngữ tùy thuộc vào bối cảnh.
Khi muốn nhấn mạnh vào tính đơn vị và văn cảnh cho phép thì có thể lược bỏ danh
từ thường. Lúc này, sự vật tồn tại như một chỉnh thể có hình thức phân lập, có thể
đếm được.
15
Như vậy, dựa vào đặc trưng ngữ pháp và ngữ nghĩa mà việc sử dụng loại từ
còn tùy thuộc vào mục đích, hoàn cảnh của người sử dụng ngôn ngữ.
1.1.4. Định tố cái.
Loại từ cái biểu thị ý nghĩa cá thể, định tố cái là từ dùng để chỉ xuất sự vật.
Trong lúc chỉ xuất, có khi biểu lộ thái độ khinh thị, nhiếc móc.
Về vị trí, loại từ cái dùng làm trung tâm danh ngữ và có thể được thay bởi một
loại từ khác. Ví dụ: một cái/chiếc/dãy bàn. Định tố cái thì thường đứng trước vị trí
trung tâm và không thể thay bằng một từ khác. Ví dụ: cái chiếc/ dãy bàn này.
Về khả năng kết hợp, loại từ cái chỉ có thể đứng trước danh từ chỉ đồ đạc trong
khi định tố cái có thể đặt trước bất kì danh từ nào.
Tóm lại, theo quan điểm của Nguyễn Tài Cẩn (1989) loại từ thuộc từ loại danh
từ, là một bộ phận của danh từ chỉ đơn vị giữ vị trí trung tâm ngữ pháp trong ngữ
danh. Ngoài chức năng định đơn vị cho danh từ loại từ có ý nghĩa phân định sự vật.
Với bản chất danh từ, loại từ có thể đứng trước động từ và tính từ để tạo thành một
tổ hợp có thể dùng để chỉ sự vật và để thay thế danh từ.
1.2. Lượng từ
Lượng từ là từ chỉ số lượng đơn vị người, sự vật hay động tác. Lượng từ đi
kèm với danh từ hoặc số từ để chỉ các vật thể có thể đo lường, đếm hoặc tính toán
mức độ. Lượng từ còn được dùng để phân loại sự vật do danh từ biểu thị dựa vào
hình dáng và công dụng của sự vật đó.
Có rất nhiều các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Hán tạo được những
ảnh hưởng quan trọng. Cụ thể là trong nước có 28 công trình và ở nước ngoài có 01
công trình nghiên cứu về việc phân loại các tiểu loại trong tiếng Hán hiện đại. Có
thể kể đến các cách phân loại lượng từ như sau: (1) Vật lượng từ và động lượng từ.
(2) Lượng từ cân đo và lượng từ không liên quan đến cân đo, (3) Lượng từ đơn
thuần và lượng từ phức hợp, (4) Lượng từ cân đo và thể hình đơn vị lượng từ, (5)
Lượng từ cân đo, lượng từ bộ phận, phạm từ, (6) Vật lượng từ, động lượng từ, hình
lượng từ, (7) Vật lượng từ, động lượng từ, phức hợp lượng từ, (8) Vật lượng từ,
động lượng từ, phức hợp lượng từ, phức âm lượng từ, (9) Trực tiếp phân thành một
16
số loại (7 loại, 8 loại, 9 loại).
Sự khác nhau trong cách phân loại lượng từ là do các nhà nghiên cứu có
những bất đồng trong tiêu chí phân loại. Luận văn này dựa vào văn bản Nghiên cứu
lượng từ tiếng Hán hiện đại của tác giả Hà Kiệt Trứ để phân loại lượng từ như sau:
1.2.1. Định nghĩa và phân loại
1.2.1.1. Danh lượng từ
Danh lượng từ đứng sau số từ để biểu thị số lượng người hay sự vật. Danh
lượng từ có thể phân thành: lượng từ cá thể, lượng từ tập hợp, lượng từ bộ phận,
lượng từ chuyên dùng, lượng từ mượn dùng và lượng từ lâm thời.
- Lượng từ cá thể (loại biệt từ)
Là nhóm lượng từ tiêu biểu nhất của danh lượng từ và nói chung là của lượng
từ tiếng Hán, dùng để chỉ các sự vật cá thể. Do vậy, danh từ đi kèm với lượng từ cá
thể phải là danh từ cụ thể có thể đếm được. Chẳng hạn như lượng từ cá thể 只 chỉ có
thể kết hợp với các danh từ cụ thể có thể đếm được như: 教 师, 医生, 学 者…mà
không thể kết hợp với các danh từ trừu tượng như: 思 想, 主 义…hoặc các danh từ
không đếm được như: 沙 子, 牛 奶…Sự kết hợp giữa danh từ và lượng từ cá thể có
quy tắc khá ổn định. Từ 条 thường dùng để chỉ đơn vị cá thể các vật thể có hình
dàng dài. Lượng từ 张 dùng cho những vật thể có thể mở ra, 颗, 粒 dùng với những
vật thể nhỏ và tròn. Trong danh lượng từ cá thể, 个 là lượng từ có phạm vi sử dụng
rộng rãi nhất, có thể phối hợp với rất nhiều danh từ. Giữa lượng từ cá thể và danh từ
cá thể không dùng 的, nhưng giữa một lượng từ cá thể trùng điệp dạng ABB hoặc
dạng AABB và từ trung tâm thì có thể dùng 的.
VD: * 一匹的马
一匹匹的马
一匹一匹的马
Thông thường, một danh chỉ có thể kết hợp được với một lượng từ cá thể. Tuy
vậy, cũng có khi một danh từ có thể kết hợp với các lượng từ khác nhau và trong
17
một số trường hợp sẽ tạo nét riêng về sắc thái địa phương hoặc về phong cách ngôn
ngữ.
Lượng từ cá thể là tiểu loại tiêu biểu nhất trong lượng từ tiếng Hán với các nét
riêng về ngữ nghĩa, ngữ pháp, giá trị tu từ…Tính hình tượng và tác dụng tu từ của
lượng từ cá thể là nét độc đáo của tiếng Hán mà ngôn ngữ Ấn Âu không sao có
được. Điều này đã khiến lượng từ cá thể trở thành bộ phận ngôn ngữ có vẻ đẹp tinh
tế, sống động nhất trong lượng từ tiếng Hán.
- Lượng từ chỉ tập hợp
Dùng để chỉ các sự vật có số lượng từ hai đơn vị trở lên và được phân thành
hai tiểu loại: (a) định lượng từ và (b) bất định lượng từ
(a) Định lượng từ
Dùng để biểu thị một số lượng cố định như: đôi, cặp, bộ, tá, tuần (双, 对, 佐,
星 旗…). Một định lượng từ đã mang trong nó một số lượng nhất định, cho dù có đi
với đại từ nào, với số từ là bao nhiêu thì số lượng đó vẫn không đổi.
VD: 双, 对 biểu thị người hoặc vật gồm có hai đơn vị như Đôi vợ chồng này
(这 对 夫 妻), Cặp gối kia ( 那 双 冘 头).
(b) Bất định lượng từ
Biểu thị một số lượng không xác định như: bọn, bầy, đội, đám, xấp, bộ (伙 ,
群, 队, 把, 批, 副 ). Số lượng người trong cách diễn đạt này có thể là mười mấy
nhưng cũng có thể là mấy trăm, mấy ngàn hoặc hơn nữa. Khi từ trung tâm là một
danh từ trừu tượng thì lượng từ chỉ có thể kết hợp với số từ một (一) . Lượng từ bất
định ngoài chức năng biểu thị số lượng, đếm số lượng còn có chức năng tạo hình
tượng biểu lộ cảm xúc. Trong nhóm lượng từ bất định thì hai từ 些、点儿 có tần
suất sử dụng cao nhất. Trước các lượng từ bất định có thể dùng các đại từ chỉ thị
như 这, 那, 这 么, 那 么.
- Lượng từ bộ phận
Lượng từ bộ phận biểu thị lượng của một bộ phận trong mối quan hệ đối lập
với chỉnh thể của nó.
18
VD: Đoạn văn (段 文 章) có chỉnh thể là bài văn (篇文 章)
Tép tỏi (瓣蒜 ) có chỉnh thể là củ tỏi (头蒜 )
Lượng từ bộ phận bán (半 ) là một hiện tượng đặc biệt vì bán ( 半 ) vừa có
thể giữ vai trò của lượng từ vừa có thể giữ vai trò của số từ. Khi là lượng từ,
半 chỉ có thể kết hợp với số từ một (一 ). Ngoài bán (半 ) ra, lượng từ bộ phận
có thể kết hợp tự do với số từ.
- Lượng từ chuyên chức
Lượng từ chuyên chức là lượng từ chỉ có độc một chức năng là biểu thi lượng,
đếm lượng cho một số danh từ nào đó. Ví dụ từ đao (刀) là lượng từ chuyên chức
của danh từ giấy (纸). Từ giấy (纸) có thể đi với lượng từ trang (张) nhưng 张
không chỉ làm chức năng tính toán lượng mà còn biểu thi ý nghĩa về hình dạng của
sự vật nên đây không phải là lượng từ chuyên chức. Phạm vi sử dụng của lượng từ
chuyên chức rất hẹp. Sự kết hợp giữa lượng từ chuyên chức và danh từ có tính cố
định. Chẳng hạn như danh từ ngựa (马) chỉ có thể dùng lượng từ thất (匹). Danh từ
cá thể nào cũng có lượng từ chuyên chức của mình. Chẳng hạn như danh từ 书 đi
với 册, 戏剧 đi với 部…
- Lượng từ mượn dùng
Một số danh từ có thể tạm thời đóng vai trò lượng từ được gọi là lượng từ
mượn dùng như trong các trường hợp: 两 壶 酒、一 桌子 饭 菜… Một số lượng từ
mượn dùng có khả năng 儿 hóa hoặc kết hợp được với một (一),trong trường hợp
này, phía sau có “的”,thể hiện ý “đầy cả” như 一桌子(的)菜 (Thức ăn đầy
khắp bàn)
Danh lượng từ mượn dùng có thể phân thành hai loại nhỏ:
- Danh lượng từ vật đựng như: 杯, 碗, 盆, 壶…
- Danh lượng từ vận chuyển như: 车, 船, 轿…
Danh lượng từ mượn dùng có các đặc điểm ngữ pháp như sau: có thể kết hợp
tự do với số từ, có thể có hình thức trùng điệp, sau lượng từ mượn dùng có thể dùng
19
đích (的). Do danh lượng từ tạm mượn thực chất là các danh từ dùng để dựng vật
chứa hoặc để chuyên chở nên còn được gọi là dung tải lượng từ.
- Lượng từ lâm thời
Danh từ được dùng như lượng từ và có vị trí sau số từ sẽ tạo ra lượng từ lâm
thời. Lượng từ lâm thời có các đặc trưng sau:
Có tính tạm thời rất rõ, chẳng hạn lượng từ thất (匹) không cần đứng sau số từ
vẫn có thể thực hiện chức năng của lượng từ trong khi 脸 phải đi sau số từ thì mới
có thể trở thành lượng từ (一 脸 汗).
Đại bộ phận danh từ lâm thời không thể có hình thức trùng điệp.
Danh lượng từ lâm thời chỉ có thể đứng sau số từ một (一).
VD: Chẳng thấy chút vui vẻ gì. (一 肚 子 不 高 兴)
Danh lượng lâm thời khi đi sau số từ một (一) biểu thị một số lượng không
xác định có ý nghĩa “đầy” và có tính biểu cảm .
Lượng từ mượn dùng và lượng từ lâm thời đều lấy danh từ để tạm dùng như
lượng từ. Ngữ pháp truyền thống xem hai tiểu loại này là một. Tuy nhiên, hai tiểu
loại này có những giá trị ngữ nghĩa và đặc trưng ngữ pháp đối lập nhau. Chẳng hạn
danh từ trong danh lượng từ mượn dùng là những danh từ chỉ vật chứa, có thể có
hình thức trùng điệp, kết hợp không hạn chế với số từ. Trong khi đó, danh từ trong
danh lượng từ lâm thời là những danh từ chỉ bộ phận của cơ thể ngừời, không có
hình thức trùng điệp và chỉ kết hợp được với số từ một (一)
- Lượng từ đo lường
Đây là những từ dùng để tính toán, đo lường các sự vật và được pháp luật
công nhận. Các lượng từ này có tính khoa học, kĩ thuật vì vậy đòi hỏi phải có tính
chuẩn xác. Lượng từ đo lường có thể được phân thành các tiểu loại sau:
- Tạo ra từ môi trường mua bán như: phân (分), tấc (寸), trượng (丈), đôi
(两), cân (斤), tiền (钱), tạ (石), con (头), thưng (升), mẫu (亩), dặm,(里), khoảnh
(顷)…
- Tạo ra từ môi trường từ nhà nước như: 米, 公米, 公里, 公斤, 公升, 公 顷…
20
- Tạo ra bằng cách du nhập từ ngoại lai: 盎 司, 使 士, 英 寻, 分 贝…
- Tạo ra từ thời cổ đại: thặng (乘), tôn (樽), tầm (寻), tuần (巡)…
1.2.1.2. Động lượng từ
Biểu thị lượng đơn vị của động tác hoặc thời gian diễn ra động tác, chủ yếu
làm bổ ngữ trong câu.
- Động lượng từ chuyên dụng
Là lượng từ chuyên biểu thị số lượng hành vi, động tác. Số từ kết hợp với
động lượng từ tạo thành kết cấu số - lượng từ, số từ trong kết cấu kiểu này thường
không hạn định.
Động lượng từ chuyên dụng chủ yếu có các từ: :次, 下, 回, 顿, 阵, 场, 趟, 遍,
番等.
Động từ chuyên dụng không chỉ biểu thị số lượng của động tác mà còn tính
toán lượng thời gian diễn ra động tác. Chẳng hạn như từ lần trong xem ba lần
(看三次 ), từ ngày trong xem ba ngày (看三天 ). Các động lượng từ chuyên
dùng mang các ý nghĩa khác nhau và khả năng kết hợp với động từ của chúng
cũng không như nhau. Chẳng hạn như từ 次 và 下(儿) có thể kết hợp với
rất nhiều động từ trong khi 趟 chỉ có thể đi với ba động từ 去 , 走, 跑 .
- Động lượng từ mượn dùng
Đây vốn là các danh từ chỉ các bộ phận cơ thể hoặc các công cụ mà nhờ đó
một động tác được thực hiện nên còn được gọi là động lượng từ công cụ.
1.2.1.3. Lượng từ kiêm chức
Lượng từ kiếm chức là lượng từ vừa làm danh lượng từ vừa làm động
lượng từ như 把 trong hai ngữ cảnh sau:
VD:
Con dao (把刀 )
Lôi một cái (拉一把 )
1.2.1.4. Lượng từ phức hợp
- Loại kết hợp