Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết tạ duy anh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (711.46 KB, 113 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Lâm Thị Ái Vy

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN
CỦA TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2011


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Lâm Thị Ái Vy

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN
CỦA TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số

: 60 22 34

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC

TS. HOÀNG TRỌNG QUYỀN

Thành phố Hồ Chí Minh – 2011




LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, người viết còn nhận
được sự động viên, giúp đỡ của rất nhiều người.
Người viết xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Hoàng Trọng Quyền – giảng
viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Thủ Dầu Một. Thầy đã tận tình giúp đỡ người
viết giải quyết các vấn đề vạch ra trong đề tài, cũng như tận tình hướng dẫn người
viết trong suốt quá trình làm luận văn.
Xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong Ban chủ nhiệm Khoa Ngữ văn
phòng Sau Đại học trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều
kiện cho người viết trong suốt quá trình hoàn thành luận văn này.
Xin cảm ơn đồng nghiệp và bạn bè đã động viên, khích lệ người viết trong suốt
quá trình thực hiện luận văn.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2011
Người viết


MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cảm ơn
Mục lục
MỞ ĐẦU........................................................................................................... 1
Chương 1 : TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH TRONG SỰ VẬN ĐỘNG CỦA
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU ĐỔI MỚI ........................ 9
1.1. Tiểu thuyết Việt Nam sau đổi mới ............................................................. 9
1.2. Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh .................................................................... 16
1.2.1. Tạ Duy Anh – nhà tiểu thuyết thành công .................................... 16
1.2.2. Quan niệm về văn chương nghệ thuật của Tạ Duy Anh ............... 20
Chương 2 : TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH – NHỮNG ĐẶC SẮC VỀ HIỆN

THỰC VÀ CON NGƯỜI ......................................................... 26
2.1. Hiện thực trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh.................................................. 26
2.1.1. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực............................................... 26
2.1.2. Cách phản ánh hiện thực ............................................................... 29
2.2. Con người trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh ................................................ 32
2.2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người ............................................. 32
2.2.2. Các kiểu dạng con người trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh .............. 36
2.2.2.1. Con người tha hóa .................................................................. 36
2.2.2.2. Con người tự vấn - sám hối.................................................... 43
2.2.2.3. Con người cô đơn ................................................................... 47
2.2.2.4. Con người kiếm tìm ............................................................... 53
2.2.2.5. Con người sợ hãi, hoài nghi ................................................... 57
Chương 3: TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH – NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ
THUẬT....................................................................................... 63
3.1. Yếu tố kì ảo .............................................................................................. 63
3.1.1. Nhân vật kì ảo .............................................................................. 64
3.1.1.1. Nhân vật bào thai ................................................................... 66
3.1.1.2. Nhân vật “hắn – ngón tay trỏ” ............................................... 67


3.1.2. Chi tiết kì ảo .................................................................................. 71
3.2. Môtíp nghệ thuật ...................................................................................... 74
3.2.1. Môtíp “tội ác và trừng phạt” ......................................................... 74
3.2.2. Môtíp “giấc mơ” ........................................................................... 77
3.2.3. Môtíp “cái chết” ............................................................................ 81
3.3. Giọng điệu ................................................................................................ 86
3.3.1. Giọng chất vấn .............................................................................. 87
3.3.2. Giọng điệu giễu nhại ..................................................................... 89
3.3.3. Giọng dung tục .............................................................................. 91
3.3.4. Giọng điệu triết lý, suy ngẫm ........................................................ 93

3.3.5. Giọng trữ tình, thiết tha, sâu lắng. ................................................. 95
KẾT LUẬN .................................................................................................... 98
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 102


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tạ Duy Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam
thời kì đổi mới. Sự xuất hiện của ông trên văn đàn đã góp phần làm cho đời sống văn
học của nước ta trở nên sôi nổi. Bằng một nội lực mạnh mẽ, trong hơn 20 năm cầm
bút, Tạ Duy Anh đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị được người đọc đón nhận
một cách hăm hở, nhiệt tình và quan trọng hơn cả là chúng được đánh giá khá cao.
Từ những truyện ngắn đầu tiên, nhà văn đã được độc giả và giới phê bình quan tâm.
Và đến khi truyện ngắn Bước qua lời nguyền ra đời thì Tạ Duy Anh thực sự đã giành
được một vị trí quan trọng trên văn đàn. Không chỉ dừng lại ở thành công trong lĩnh
vực truyện ngắn, Tạ Duy Anh đã thể hiện tài năng văn chương của mình ở thể loại
tiểu thuyết. Khởi đầu hành trình viết tiểu thuyết với tác phẩm Khúc dạo đầu (1991)
chưa thành công, nhà văn không nản lòng mà dồn tâm huyết để cho ra đời 4 cuốn tiểu
thuyết gây xôn xao dư luận: Lão Khổ (1992), Đi tìm nhân vật (2002), Thiên thần
sám hối (2004) và Giã biệt bóng tối (2008). Ngoài ra, ông còn cho xuất bản cuốn tiểu
thuyết Sinh ra để chết (tại nước ngoài). Độc giả và giới phê bình quan tâm đến Tạ
Duy Anh không chỉ vì ông là một cây bút có sức viết đáng ghi nhận mà còn vì các tác
phẩm của ông “luôn làm bạn đọc giật mình và suy ngẫm”. Quả thật, các sáng tác của
ông chạm đến, bàn sâu về những vấn đề gai góc của xã hội hiện đại. Ông đã nhìn hiện
thực và con người bằng lăng kính đa chiều, phản ánh nó hết sức khách quan và bằng
giọng văn sắc lạnh, nhưng đằng sau ngòi bút ấy là một con người đầy trăn trở trước
cuộc đời. Tiểu thuyết Tạ Duy Anh không chỉ phong phú và nóng hổi tình đời, tình
người mà còn cuốn hút người đọc bởi những cách tân mạnh mẽ và sắc sảo về mặt
nghệ thuật. Chính sự tìm tòi, đổi mới trong nghệ thuật thể hiện làm cho tiểu thuyết Tạ
Duy Anh trở thành mảnh đất lạ hấp dẫn và đầy bí ẩn đối với người đọc. Độc giả tìm

đến tiểu thuyết của nhà văn này để khám phá những tầng sâu ý nghĩa qua những hình
thức thể hiện hết sức độc đáo.


Với tất cả những giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật vốn có của mình, tiểu
thuyết Tạ Duy Anh đã được nhiều người tìm hiểu, nghiên cứu ở những bình diện
khác nhau. Bản thân người viết cũng bị cuốn hút bởi các tác phẩm của Tạ Duy Anh
và muốn tìm hiểu những nét đặc sắc nhất - cái làm nên giá trị độc đáo trong tiểu
thuyết của nhà văn này. Việc tìm hiểu đặc trưng tiểu thuyết Tạ Duy Anh còn giúp ta
thấy được phong cách của Tạ Duy Anh và góp phần làm rõ hơn đặc điểm của tiểu
thuyết Việt Nam thời kì đổi mới. Bên cạnh đó, Tạ Duy Anh còn là một trong số ít
những nhà văn sau thời kì đổi mới có tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy
trong nhà trường (đoạn trích Cánh diều tuổi thơ được đưa vào chương trình sách
giáo khoa lớp 4, Tiếng Việt 4, tập 1 và tác phẩm Bức tranh của em gái tôi được đưa
vào chương trình giảng dạy lớp 6, Ngữ văn 6, tập 2). Chính vì thế, việc tìm hiểu về
tác phẩm của ông cũng giúp ích cho công tác giảng dạy. Đó là lí do để chúng tôi thực
hiện đề tài “Những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Tạ Duy Anh”.
2. Lịch sử vấn đề
Tạ Duy Anh xuất hiện trên văn đàn vào những năm đầu của thời kì đổi mới đất
nước làm sôi động hơn bầu không khí sinh hoạt văn hoá, văn nghệ nước nhà. Tác
phẩm của ông đã góp phần phá vỡ sự bình ổn của văn học dân tộc trong suốt thời kì
kháng chiến và thúc đẩy sự phát triển của lí luận và phê bình văn học đương đại Việt
Nam. Chính sự độc đáo, mới lạ và gây ấn tượng đậm nét cho người đọc mà tác phẩm
của Tạ Duy Anh hàm chứa đã thu hút rất nhiều ý kiến đánh giá, bàn luận về tác phẩm
của ông.
Tạ Duy Anh khi mới xuất hiện trên văn đàn đã nhanh chóng nhận được sự
quan tâm của độc giả. Các tác phẩm của ông được dư luận chú ý bởi nó “luôn làm
bạn đọc giật mình và suy ngẫm”. Với những nét độc đáo về nội dung và nghệ thuật,
tác phẩm của Tạ Duy Anh được người đọc và giới phê bình đặc biệt quan tâm. Ngay
khi truyện ngắn Bước qua lời nguyền được đăng trên báo Văn nghệ, nhiều người đã

quan tâm đến tác giả này. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã đánh giá rất cao truyện ngắn
này, ông nhận định: “Phải chăng truyện của Tạ Duy Anh là tín hiệu của một dòng
văn học mới, dòng văn học bước qua lời nguyền?”.


Các ý kiến đánh giá về nội dung tư tưởng trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh
chủ yếu là khẳng định sự đóng góp của nhà văn này:
Một bài viết trên báo Thể thao Văn hoá số 47 năm 2004 cho rằng: “Có thể coi
ông là nhà văn đạo đức, văn chương của ông có lúc hiện lên bằng một gương mặt thế
sự, đớn đau, riết róng chuyện thánh thiện, tàn ác, liêm sỉ và vô lương nhưng không
phải như những khái niệm nhân bản chết khô, mà thông qua sự cảm nhận đớn đau về
số phận…” [4, 374].
Trong bài viết “Đổi mới tư duy văn học và đóng góp của một số cây bút văn
xuôi”, Mai Hương khẳng định: “Chọn phản ánh cuộc sống từ phía “khuất lấp”, từ sự
chưa hoàn thiện, nhưng cái đích mà Tạ Duy Anh hướng đến lại là cái đẹp, cái thiện.
Từ “cái ác” để “lay thức” cái thiện. Điều này lí giải vì sao hiện thực trong tác phẩm
của Tạ Duy Anh thật gai góc, có khi như tàn nhẫn, lạnh lùng, nhưng người đọc vẫn
cảm nhận được đằng sau con chữ là những thông điệp nghệ thuật thấm đẫm chất
nhân văn. Và đó cũng là hệ quả tất yếu từ quan niệm nghệ thuật giàu chất nhân bản
của Tạ Duy Anh”. Tác giả của bài viết này cũng đưa ra những lời nhận xét rất sâu
sắc: “Từ quan niệm của mình, khi nhận thức lại lịch sử, Tạ Duy Anh có cái nhìn
thẳng thắn, không khoan nhượng với tất cả những sai lầm, những mặt trái, tiêu cực.
Tuy nhiên, nhà văn luôn đặt tất cả nhân vật của mình trong mối quan hệ với lịch sử,
thời đại để xem xét, đánh giá và có xu hướng cắt nghĩa, lý giải mọi sai lầm đã qua
thuộc về những hạn chế không thể tránh khỏi của lịch sử. Chính nhờ thế, các nhân
vật của Tạ Duy Anh khi đã trải qua hết thăng trầm, biến cố của một đời thường có
được sự bình tâm, chiêm nghiệm sâu xa, thấm thía, đậm tính nhân văn về cuộc đời và
thời cuộc”. Mai Hương còn khẳng định: “Tạ Duy Anh đã mang đến một cách nhìn,
cách đánh giá và cánh lý giải mới về hiện thực, góp vào sự đổi mới của tư duy văn
học” [47].

Nhà thơ Dương Thuấn trong buổi tọa đàm về tiểu thuyết Giã biệt bóng tối cho
rằng cuốn tiểu thuyết này “chứa đựng những nội dung hiện thực rất lớn, những vấn
đề mà cả thời đại quan tâm. Quan trọng nhất là tác giả đã đặt ra được những điều


cần thiết mà xã hội cần phải xem xét lại, đó là sự xuống cấp về nhân phẩm, sự tha
hóa về tính cách của con người” [15, 27].
Các ý kiến đánh giá về nghệ thuật tiểu thuyết Tạ Duy Anh cũng rất phong phú:
Tác giả Thụy Khê trong bài viết “Tình thế của những người viết trẻ hôm nay”
đã cho rằng Tạ Duy Anh “ít nhiều chịu ảnh hưởng của Nguyễn Huy Thiệp trong khía
cạnh: 1. Sử dụng nhân vật lịch sử để đả phá sự tôn sùng lãnh đạo. 2. Phơi bày mặt
thật của xã hội dưới cái nhìn cực thực, tàn nhẫn không nhân nhượng, không thỏa
hiệp”. Đặc biệt, Tạ Duy Anh đã “vận dụng hai yếu tố mới: tưởng tượng và huyền ảo”.
Trong bài viết “Tạ Duy Anh – người đi tìm nhân vật”, Thụy Khê còn cho rằng với tác
phẩm Đi tìm nhân vật, Tạ Duy Anh đã “viết theo cấu trúc mở, đưa người đọc vào
những mê lộ đầy bí ẩn, không lối thoát, tác phẩm bao trùm những khía cạnh tối tăm
của con người mặt nạ, sống trong một xã hội mật vụ luôn luôn bị theo dõi, hoặc
chính mình theo dõi người khác” [55].
Phùng Gia Thế khi trả lời phỏng vấn trong bài viết “Một cái nhìn về thực tiễn
văn chương hậu hiện đại” đã cho rằng: “Đọc truyện ngắn Tạ Duy Anh, có thể thấy
trong đây sự khác nhau đa dạng các điểm nhìn trần thuật, sự chồng xếp các lớp thời
gian sự kiện, sự soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau các môtíp, chủ đề, nhân vật”
[91].
Trong bài “Khi nhà văn Tạ Duy Anh giã biệt bóng tối”, Nguyễn Thanh Bình
nhận định rằng: “Giã biệt bóng tối là một lối kết cấu theo kiểu Tạ Duy Anh: Không
thấy đâu là ranh giới của tác giả và nhân vật. Tác giả nhiều lúc phải chen ngang mới
có cơ hội xuất hiện, đôi khi chỉ để đính chính hoặc giải thích cho lời kể của nhân vật
rồi lại bị nhân vật “thô bạo” ngắt lời. Các nhân vật trong tác phẩm phải tự giới thiệu
về mình, người thì xưng tôi, người xưng tao, xưng tớ…và đôi khi cùng một sự kiện,
mỗi người nhớ hoặc kể lại một khác” [22].

Hữu Đạt nhận định rằng với tiểu thuyết Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh đã “cố
gắng thay đổi cái bộ mặt cấu trúc của tiểu thuyết truyền thống. Sự đổi mới này đương
nhiên sẽ phá vỡ luôn cả thói quen về cách đọc – tức là cách tiếp nhận văn bản theo
lối thông thường” [15; tr73].


Nhân vật trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan
tâm:
Việt Hoài trong bài “Tạ Duy Anh giữa lằn ranh thiện ác” khẳng định: “Nhân
vật của Tạ Duy Anh không có sự trung gian, nhờ nhờ, xam xám về ngoại hình…
Nhưng bản chất con người thì luôn ở ranh giới thiện – ác. Nhân vật nào cũng luôn
luôn bị đặt trong trạng thái lựa chọn – đấu tranh với xã hội, với môi trường, với kẻ
thù, với người thân, với chính bản thân mình” [44].
Thụy Khê trong bài “Tạ Duy Anh – người đi tìm nhân vật” nhận định rằng
những nhân vật của Tạ Duy Anh “gắn bó mật thiết với nhau trong một tương quan
chặt chẽ, họ hàng, làng nước. Họ xuất thân cùng ở làng Đồng, họ cùng tiềm ẩn thù
hận dòng họ, hận thù giai cấp” [55].
Ngoài ra, một số luận văn thạc sĩ lấy đề tài từ tác phẩm của Tạ Duy Anh:
- Tạ duy Anh và việc làm mới nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyễn Thị Hồng
Giang).
- Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Lê Vũ Lan Hương).
- Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Võ
Thị Thanh Hà).
- Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Tạ Duy Anh (Nguyễn Thị Ninh).
- Đặc điểm truyện ngắn Tạ Duy Anh (Trần Văn Viễn).
Như vậy, với một tác giả có nhiều sáng tác để lại dấu ấn ở cả lĩnh vực truyện
ngắn và tiểu thuyết như Tạ Duy Anh thì việc có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu
tìm hiểu tác phẩm của ông là điều tất yếu. Nhìn chung, ý kiến đánh giá và các công
trình nghiên cứu đã có về tác phẩm của Tạ Duy Anh là khá phong phú. Từ các công
trình nghiên cứu trước, chúng tôi có được cái nhìn tổng thể về nét đặc sắc trong nội

dung và nghệ thuật của tác phẩm Tạ Duy Anh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một
công trình nào nghiên cứu về tiểu thuyết của tác giả này một cách toàn diện và hệ
thống. Khi thực hiện đề tài này, với việc kế thừa các công trình nghiên cứu trước một
cách chọn lọc và có chủ kiến, người viết tiến hành khảo sát toàn bộ tiểu thuyết của Tạ


Duy Anh cho đến thời điểm hiện tại, từ đó phân tích, tổng hợp và đánh giá những đặc
trưng cơ bản trong tiểu thuyết của tác giả này.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi nhằm khẳng định được vị trí và đóng góp của
tiểu thuyết Tạ Duy Anh trong dòng chảy của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Để đạt
được mục đích trên, người viết hướng đến những mục tiêu cụ thể là tổng hợp, phân
tích, so sánh để thấy được nét độc đáo trong cách cảm nhận về hiện thực và con
người của nhà văn. Đồng thời, người viết cũng chỉ ra những cách tân, sáng tạo trong
bút pháp nghệ thuật của nhà văn. Từ đó, đề tài làm nổi bật được những đặc sắc về nội
dung tư tưởng và nghệ thuật của tiểu thuyết Tạ Duy Anh. Đó là những mục tiêu cơ
bản nhất mà đề tài hướng đến.
4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
Xuất phát từ mục đích nghiên cứu, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu bao
gồm các tiểu thuyết sau của Tạ Duy Anh:
- Lão Khổ (1992)
- Đi tìm nhân vật (2002)
- Thiên thần sám hối (2004)
- Giã biệt bóng tối (2008)
Ngoài ra, để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về thế giới nghệ thuật thống nhất
của Tạ Duy Anh nhằm nghiên cứu hiệu quả hơn tiểu thuyết của ông, chúng tôi còn
khảo sát hơn 50 truyện ngắn của Tạ Duy Anh. Đó là những truyện ngắn được in trong
các tập truyện: Bước qua lời nguyền(1989), Quả trứng vàng (1989), Hiệp sĩ áo cỏ
(1993), Luân hồi (1994), Con dế ma (1999), Ánh sáng nàng (2000), Vó ngựa trở về
(2000), Ngày hội cuối cùng (2000), Những truyện không phải trong mơ (2003),

Truyện ngắn chọn lọc Tạ Duy Anh (2003), Bố cục hoàn hảo (2004), Lãng du
(2011). Chúng tôi còn tìm hiểu thêm tác phẩm Những giấc mơ của tôi (2008) làm cơ
sở để lí giải môtíp giấc mơ trong tác phẩm của ông.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích - tổng hợp:


Trên cơ sở tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản, chúng tôi sử dụng phân tích
và tổng hợp để đưa ra những luận điểm chính cho luận văn.
- Phương pháp lịch sử - xã hội: Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đặt
hiện tượng văn học vào bối cảnh xã hội, từ đó làm rõ sự tác động của bối cảnh lịch sử
- xã hội đến đời sống văn học.
- Phương pháp so sánh: Nhằm khẳng định được nét đổi mới, riêng biệt và đặc
sắc của tiểu thuyết Tạ Duy Anh so với các tác giả khác ở nhiều phương diện.
Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp vận dụng các thao tác phân loại và hệ thống
trong quá trình nghiên cứu của mình nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
6. Đóng góp của luận văn
Chọn Tạ Duy Anh - một trong những tác giả tiêu biểu của văn học thời kì đổi
mới, chúng tôi muốn tìm thấy những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong tiểu
thuyết của nhà văn này. Những đặc sắc trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh cũng chính
là những đặc điểm quan trọng và nổi bật của tiểu thuyết Việt Nam sau thời kì đổi
mới. Thông qua đề tài, người viết khẳng định phong cách và đóng góp của Tạ Duy
Anh cho nền văn học nước nhà.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, phần nội dung của luận văn sẽ được triển khai
trong ba chương:
Chương 1: Tiểu thuyết Tạ Duy Anh trong sự vận động của tiểu thuyết
Việt Nam sau đổi mới
Ở chương này, người viết trình bày những nhận định khái quát về tiểu thuyết
Tạ Duy Anh trên nền tiểu thuyết Việt Nam sau đổi mới.

Chương 2: Tiểu thuyết Tạ Duy Anh – những đặc sắc về hiện thực và con
người
Trong chương thứ hai, tác giả đề tài tập trung đi sâu tìm hiểu quan niệm về
hiện thực và con người của Tạ Duy Anh cũng như những đặc điểm về hiện thực và
con người trong tiểu thuyết của nhà văn này.
Chương 3: Tiểu thuyết Tạ Duy Anh - những đặc sắc nghệ thuật


Ở chương này, người viết trình bày những yếu tố nghệ thuật đặc sắc nhất làm
nên giá trị của tiểu thuyết Tạ Duy Anh, bao gồm : Yếu tố kì ảo, môtíp nghệ thuật và
giọng điệu nghệ thuật.


Chương 1
TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH TRONG SỰ VẬN ĐỘNG CỦA TIỂU
THUYẾT VIỆT NAM SAU ĐỔI MỚI

1.1. Tiểu thuyết Việt Nam sau đổi mới
Tiểu thuyết là một thể loại văn học hết sức quan trọng. Điều đó thể hiện không
chỉ ở phạm vi phản ánh mà cả khả năng phản ánh: “Đóng vai trò then chốt trong đời
sống văn học, tiểu thuyết có những khả năng và ưu thế đặc biệt trong việc bao quát
tầm vóc hiện thực và khám phá những vấn đề của thân phận con người… nghĩa là
tiểu thuyết có năng lực phản ánh hiện thực cả ở bề rộng lẫn chiều sâu của của nó”
[111, 537]. Để phản ánh hiện thực được cả ở bề rộng lẫn chiều sâu, tiểu thuyết đã liên
tục làm mới, thay đổi mình. Bakhtin từng nhận định: “Tiểu thuyết là thể loại văn
chương duy nhất luôn luôn biến đổi, do đó nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn,
nhạy bén hơn sự chuyển biến của bản thân hiện thực” và “tiểu thuyết báo trước sự
phát triển tương lai của toàn bộ văn học” [19, 27]. Như vậy, tiểu thuyết thực sự là thể
loại có vai trò cốt yếu đối với toàn bộ nền văn học. Ở nước ta, tiểu thuyết cũng luôn
làm tốt vai trò đó của mình. Nó luôn có sự thay đổi, chuyển mình để bắt kịp những

nhu cầu của thời đại.
Văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt từ sau giai đoạn đổi mới có những
chuyển biến hết sức quan trọng. Trong đó, có sự đóng góp to lớn của thể loại tiểu
thuyết. Trước đó, vào những năm 1945 – 1975, nhân dân ta đang tiến hành cuộc
chiến tranh giữ nước tuy gian khổ, đau thương, mất mát nhưng hết sức anh dũng. Do
đó, yêu cầu của nền văn học trong giai đoạn này là “phản ánh chân thực và hùng hồn
cuộc sống mới, con người mới” hay “phản ánh hiện thực trong xu thế cách mạng của
nó”. Thế nhưng, sau chiến tranh, thực tiễn cuộc sống mới đòi hỏi văn học nghệ thuật
phải có những sự thay đổi. Nghĩa là, văn học nghệ thuật không được hiểu đơn giản là
công cụ chính trị hay vũ khí công tác tư tưởng, hoặc phương tiện tuyên truyền, giáo


dục quần chúng mà là “một bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng văn hóa, là
bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hóa, thể hiện khát vọng của con người về chân,
thiện, mĩ, có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế
hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội…” [110].
Trong khoảng mười năm sau 1975, văn học Việt Nam có sự chuyển tiếp từ văn
học sử thi thời chiến tranh sang thời kì hậu chiến. Giai đoạn này có thể gọi là bước
chuẩn bị cho sự chuyển đổi. Vì thế, văn học chưa hoàn toàn đổi mới, chỉ bắt đầu có
sự nhạt dần chất sử thi và cảm hứng ngợi ca. Bên cạnh nhu cầu tái hiện lịch sử, nhà
văn có điều kiện tập trung vào xây dựng tính cách nhân vật, phân tích và lí giải các sự
kiện, biến cố lịch sử. Lúc này, từ đỉnh cao của chiến thắng trọn vẹn, các tác giả đã
nhìn lại và tái hiện những khó khăn, tổn thất, thậm chí cả những thất bại tạm thời của
ta trong chiến tranh. Đó cũng chính là một cách khẳng định những giá trị lớn lao của
sự hi sinh và ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng. Bên cạnh đó, một số cây bút đã kịp phản
ánh những vấn đề mới nảy sinh trong buổi giao thời từ chiến tranh sang hòa bình, mà
cuộc sống ở mọi nơi hiện ra không chỉ có niềm vui của hòa bình, chiến thắng, đoàn tụ
mà còn với bao phức tạp, khó khăn và cả những mâu thuẫn mới nảy sinh. Đến đầu
những năm 80, cùng với những khó khăn chồng chất của nền kinh tế, văn học dường
như cũng chững lại. Nhiều tác giả bối rối không tìm thấy phương hướng sáng tác. Ý

thức nghệ thuật của người sáng tác chưa bắt kịp được với sự chuyển biến của thực
tiễn xã hội, những quan niệm và cách tiếp cận hiện thực vốn quen thuộc trong thời kì
trước đã tỏ ra bất cập trước hiện thực mới và đòi hỏi của người đọc. Nhưng đây cũng
chính là khoảng thời gian mà nhiều nhà văn trăn trở, vật vã, tìm tòi thầm lặng để đáp
ứng được nhu cầu của thời đại mới. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản
Việt Nam (11/1987) đã mở ra hướng đi mới cho văn học, mở ra một cách nhìn mới
về vị trí và chức năng của văn nghệ. Từ đó, nhà văn hiểu rõ sứ mệnh của văn chương
và sứ mệnh của mình đối với cuộc sống. Những sáng tác của họ không nhằm minh
họa cho các khẩu hiệu hay cổ vũ cho các phong trào, giúp thực hiện các chủ trương,
chính sách của nhà nước mà “tập trung miêu tả số phận con người, mang đến cho con
người cái đẹp, tình yêu cuộc sống cũng như sự từng trải làm phong phú thêm kinh


nghiệm sống của mỗi cá nhân, đồng thời phải nghiên cứu những vấn đề của xã hội
đang diễn ra hay đi lùi vào quá khứ, từ đó rút ra bài học, những tư tưởng mang tính
khái quát, không chỉ quan trọng về triết học, đạo đức, nhân sinh mà còn mang ý
nghĩa chính trị lớn lao” [102, 18].
Từ 1986 đến đầu thập kỉ 90 là thời kì văn học đổi mới sôi nổi, mạnh mẽ. Văn
học lúc này đã có sự khởi sắc, đặc biệt là văn xuôi với thể loại chủ yếu là tiểu thuyết.
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì này đứng trước nhu cầu đổi mới tư duy và nó bộc lộ ưu
thế của mình trong cách nhìn thẳng vào sự thật, bao quát được những vấn đề cơ bản
của đời sống xã hội và số phận con người. Hàng loạt những tiểu thuyết mới lạ, táo
bạo và sâu sắc, chân thực ra đời đã khẳng định được điều đó.
Về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực lúc bấy giờ, các nhà nghiên cứu đã
nhìn nhận “yêu cầu văn học trong điều kiện lịch sử mới phải giúp vào sự hoàn thiện
bức tranh hiện thực còn trong dạng phác thảo của một thời đã qua, sao cho chân
thực hơn, được soi tỏ dưới nhiều góc cạnh hơn” [58, 106]. Giờ đây, trước yêu cầu
mới, nhiệm vụ của văn học phải thay đổi, nó không chỉ phản ánh thế giới khách quan
mà còn thể hiện thế giới chủ quan. Lê Ngọc Trà chỉ ra cái hạn chế của văn học trong
việc phản ánh hiện thực giai đoạn trước đó: Việc nhấn mạnh quá mức bản chất phản

ánh và nhiệm vụ mô tả hiện thực của văn học là một trong những nguyên nhân dẫn
đến tình trạng “suy tư tưởng” của khá nhiều tác phẩm văn học trong mấy chục năm
vừa qua… Người sáng tác phần đông đều chọn cách viết an toàn nhất, mà lại “đúng”
nữa, là tập trung ghi chép mô tả, kể cho thật nhiều về đời sống…, còn cái quan trọng
là bản thân anh, chính anh, riêng anh nghĩ gì, đau gì thì hoặc là lờ đi, giấu biến đi,
hoặc thành thật tin một cách ngây thơ là nó nhỏ bé, vô nghĩa, không đáng được thể
hiện [ 103, 24]. Từ cách phản ánh hiện thực ấy, con người trong văn học cũng chưa
được chạm đến tầng sâu của đời sống tâm hồn riêng tư, những thân phận cá nhân
không được nhắc đến :
“Trong hoàn cảnh ấy, các nhà văn mới chỉ có điều kiện quan tâm chủ yếu đến
cái chung chứ chưa phải cái riêng và do đó vấn đề số phận con người chưa có được
vị trí xứng đáng của nó trong văn học. Chúng ta vẫn bắt gặp con người, nhưng phần


lớn đó là con người – tập thể, con người – quần chúng, con người – nhân dân, chứ
chưa phải là những cá nhân, những số phận. Các nhà văn thường tập trung nói lên
quyết tâm, ý chí, sức mạnh của con người chứ chưa diễn tả được hết sự phong phú,
kể cả nỗi cô đơn và sự yếu ớt của nó – cái cô đơn trong vinh quang và quyền lực,
trong cả phút giây hạnh phúc, cái cô đơn của mọi tìm tòi, của những ai dám nghĩ,
dám sáng tạo, dám nói điều ngay thẳng và sự yếu ớt không phải lúc nào cũng chỉ như
biểu hiện của hèn nhát mà còn là dấu hiệu của cái đẹp, của một tâm hồn dịu dàng,
phong phú” [103, 38].
Vấn đề bản chất của văn học cũng được Lê Ngọc Trà đặt ra trong một loạt bài
nghiên cứu của mình. Theo ông, “tác phẩm văn học là tiếng nói của những ấn tượng,
những suy nghĩ vừa như xác định, vừa như chưa xác định, vừa như trọn vẹn, vừa như
chưa trọn vẹn, vừa như có ý giới hạn lại vừa như miên man, vô bờ bến. Đó là những
cảm giác mang tính hình tượng. Nhà văn sáng tác khi cảm thấy đau ở đâu đấy trong
tâm hồn, khi có điều gì đó muốn chia sẻ, gửi gắm. Văn học chính là nỗi buồn về cái
đẹp, về lí tưởng, là nỗi đau giằng xé về số phận con người, là sự cắn rứt lương tri
không yên, là cuộc đấu tranh nội tâm giữa hai phần tối và sáng, giữa thiện và ác, khi

con người đã có khả năng tự phân đôi” [98].
Nguyễn Văn Hạnh, trong “Văn học trên con đường đổi mới”, đã khẳng định:
“Tư tưởng văn học bậc nhất mà đại hội Đảng lần thứ VI đã trang bị cho nhận thức xã
hội trong thời kì đổi mới, cũng là tư tưởng đổi mới, cũng là tư tưởng đã tạo nên bước
ngoặt thật sự trong tư duy nghệ thuật mấy năm qua, chính là tư tưởng tôn trọng sự
thật, nhìn thẳng vào sự thật. Bởi sự thật luôn luôn là linh hồn của nghệ thuật chân
chính, nghệ thuật tiến bộ” [38]. Nguyễn Kiên cũng nhận định về văn học giai đoạn
này trong việc phản ảnh hiện thực : “Văn xuôi ta những năm gần đây cũng giàu chất
thực hơn. Nó đang cố gắng như thế và cuộc sống hôm nay cũng buộc nó phải như
thế. Có những bút kí, truyện ngắn và truyện dài miêu tả cuộc sống trần trụi, phơi bày
sự băng hoại đạo đức, những quan hệ dị dạng, con người què quặt về tinh thần…”
[73]. Có thể nói, nhận thức hiện thực trong trạng thái đời thường, cảm nhận và phản
ánh sự thật về hiện thực, đó là biểu hiện của đổi mới văn học.


Đại hội lần thứ VI của Đảng đã xác định đường lối đổi mới toàn diện, mở ra
một thời kì mới cho đất nước vượt qua khủng hoảng để bước và giai đoạn phát triển
mạnh mẽ và ngày càng vững chắc. Đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI và
tiếp theo đó là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị dành riêng cho Văn hóa - Văn nghệ,
tất cả những điều đó đã thổi một luồng gió mới vào đời sống văn học nghệ thuật nước
nhà, mở ra thời kì đổi mới của văn học Việt Nam trong tinh thần đổi mới tư duy và
nhìn thẳng vào sự thật. Nhận định về tiểu thuyết trong thời đại mới, Cao Tiến Lê đã
khái quát: “Tiểu thuyết của ta mấy năm gần đây đã khởi sắc, nhất là những năm
1988, 1989, 1990, có sự đổi mới, tự do hơn, nêu được nhiều vấn đề… Văn học đã đi
vào đời thường. Mỗi một con người đều bình đẳng trước cái nhìn của nhà văn. Tất cả
mọi người trước nhà văn đều là nhân vật, nhà văn coi trọng ở chỗ số phận của họ
đóng góp được gì cho văn học” [57].
Với công cuộc đổi mới trên toàn xã hội, văn xuôi đang chuyển mình một cách
mạnh mẽ. Giờ đây nó “không xuôi chiều kiểu êm dầm mát mái nữa, nó mạnh dạn
phanh phui các mặt trái của xã hội, các uẩn khúc hoặc tráo trở của lòng người. Nó

bắt người đọc phải tự vấn lương tâm, nó có tham vọng đánh thức dậy lòng nhân ái
giữa một cuộc sống cộng đồng đang xuống cấp nghiêm trọng bởi những tính toán vụ
lợi, những mưu đồ hèn hạ” [73]. Đến với những tác phẩm giai đoạn này, người đọc
tìm thấy mọi cung bậc của tình cảm vốn có của con người: từ buồn bã, cô đơn cho
đến công phẫn, xót xa. Văn học giai đoạn này đã làm một cuộc “cách mạng” thực sự.
Nó giàu chất thực hơn, miêu tả cuộc sống trần trụi và mạnh dạn phơi bày sự băng
hoại đạo đức nếu thấy cần thiết. Giờ đây, yêu cầu tái hiện lịch sử phải đi sâu vào số
phận mỗi cá nhân, phải đặt lại mọi vấn đề, suy nghĩ lại mọi niềm tin và có thể vượt
qua mọi cấm đoán kiêng kị. Điều này được Phan Cự Đệ ghi nhận: “Các nhà văn đã đi
sâu vào tâm lí bên trong, để cho nhân vật soi bóng vào nhau hoặc tự khám phá mình,
như là một sự lắng lại, suy ngẫm về cuộc đời đã qua… Nhân vật nhìn bản thân mình,
tự đối diện với mình như một sự tự phán xét về nhân cách nhằm hướng tới một nhân
cách hoàn thiện” [32, tr152-153].


Như vậy có thể nói, tiểu thuyết Việt Nam thời kì này đã phản ánh những diễn
biến tinh vi nhất về cuộc sống mới đa dạng và phức tạp. Văn học nói chung và tiểu
thuyết nói riêng trở lại chính bản thân nó với các vấn đề : Nhận thức về mối quan hệ
giữa văn học và hiện thực, nhận thức mối quan hệ giữa văn học với chính trị. Nó tập
trung mô tả hiện thực với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”. Chính vì thế, văn học
giai đoạn này phát triển mạnh khuynh hướng nhận thức lại hiện thực với cảm hứng
phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản. Các nhà văn mạnh dạn nhìn lại hiện thực
của thời kì đã qua với tất cả những gì nó có, sẵn sàng phơi bày những mặt trái còn bị
che khuất. Họ cũng không ngần ngại lên án những lực lượng, những tư tưởng và thói
quen đã lỗi thời, trở thành vật cản trên bước đường phát triển của xã hội. Tuy nhiên,
việc viết về cái xấu, cái tiêu cực trong giai đoạn này không có nghĩa là phủ nhận
những điều tốt đẹp đã có mà chỉ là một cách phản ánh hiện thực ở tất cả các mặt hiện
tồn của nó. Chiến tranh cũng được nhận thức lại từ sự tác động ghê gớm của nó đến
tính cách và số phận con người với bao nỗi đau khó có thể xoa dịu.
Sau chiến tranh, khi tư duy nghệ thuật thay đổi, văn học không chỉ nhìn lại quá

khứ bằng việc miêu tả hiện thực đời sống chiến tranh hay trở lại những vấn đề lịch sử
dưới một cái nhìn mới mà quan trọng hơn là đi sâu vào số phận mỗi cá nhân, mỗi gia
đình, mỗi làng quê. Cuộc sống được phản ánh vào tác phẩm không chỉ là cái phần
anh hùng cao cả mà còn thấm thía nỗi buồn của con người thời hậu chiến. Đó là cuộc
sống đời thường vừa nhân hậu ấm áp, vừa bận rộn nhưng cũng không kém phần sôi
động quyết liệt. Đặc biệt, con người cá nhân - một thế giới đầy bí ẩn - trở thành đối
tượng thực sự trong văn học. Con người lúc này hiện lên trên trang viết của các nhà
văn một cách toàn diện; được hình dung nhiều mặt, không chỉ có ý chí, tư tưởng, tình
cảm mà còn được khắc họa ở phương diện bản năng vô thức, tâm linh, nghịch lý.
Những người chiến sĩ, những anh hùng không còn ở vị trí trung tâm mà được thay thế
bằng những con người đời thường – thậm chí tầm thường. Do đó, khuynh hướng sử
thi và cảm hứng lãng mạn phải nhường chỗ cho cảm hứng thế sự đời tư với những
trăn trở tìm tòi. Nhiệt tình ca ngợi, khẳng định được thay thế bằng sự phê phán. Điều
này hầu như được thể hiện trong những tác phẩm có giá trị lúc bấy giờ: Bến không


chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Cỏ
lau và Mùa trái cóc ở miền Nam của Nguyễn Minh Châu, Thời xa vắng của Lê Lựu,
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh…
Văn học nghệ thuật trong thời đại mới trở về với thiên chức vốn có của mình là
“món ăn tinh thần” đặc sắc nhất mà không một ngành nghệ thuật nào đạt được. Văn
học mang sứ mệnh to lớn như vậy nên người nghệ sĩ cũng xác định nhiệm vụ của
mình trong nghệ thuật phải sáng tạo, phải thể nghiệm mình. Có thể nhận thấy trong
những trang tiểu thuyết của văn học giai đoạn này, những mặt trái, những hiện tượng
tiêu cực trong đời sống mà trước đây bị lờ đi, bị gác lại thì nay được các ngòi bút văn
xuôi với các thế mạnh riêng lật xới lại. Những nhân vật xấu trước đây chỉ được miêu
tả như những thiếu sót, những khuyết điểm có thể sửa chữa được, còn về cơ bản vẫn
là người tốt thì nay hoàn toàn khác. Những kẻ xấu là những kẻ mang bộ mặt đạo đức
giả. Chúng trù dập người khác nhằm nâng cao uy tín của bản thân, của gia đình và
dòng họ mình. Phong Lê nhận xét: “Tiểu thuyết thời kì này không ngần ngại “vục vào

cái sự thật tối tăm oan khổ” nhưng đem lại hiệu quả “thanh lọc, tẩy rửa” [59, 130].
Tiểu thuyết giai đoạn này tập trung viết về những số phận riêng với những bi
kịch rất đời thường của con người trong xã hội mới. Điều này đã từng được văn học
trước cách mạng tháng Tám đề cập đến. Song cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm buộc
văn học phải quan tâm đến những cái chung còn những vấn đề cá nhân đời thường, số
phận riêng của mỗi con người phải tạm gác sang một bên. Giờ đây, khi chiến tranh
kết thúc, cảm hứng thế sự đời tư với những trăn trở tìm tòi được thể hiện đậm nét
trong những tác phẩm văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Các tác phẩm như Mùa lá
rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Sao đổi ngôi của Chu Văn, Chim én bay của
Nguyễn Trí Huân… Trong lĩnh vực truyện ngắn, cảm hứng thế sự cũng được khai
thác mạnh mẽ. Cỏ lau, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Bi kịch nhỏ (Lê Minh
Khuê), các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… đều có những khám
phá mới mẻ về cuộc đời con người. Con người hiện lên sắc sảo với cách ứng xử thấu
đáo và những suy nghĩ sâu sắc, được soi chiếu ở cả phần thể chất lẫn tâm hồn nên
vừa nồng nàn trong niềm khát khao giao cảm lại vừa bận rộn với những toan tính


trong cuộc mưu sinh. Ngòi bút của các nhà văn dường như luồn thật sâu vào mọi
ngóc ngách trong tâm hồn con người để lần tìm những rung động dù rất nhỏ. Cuộc
sống thường nhật cũng như đời sống tâm hồn được miêu tả chân thực hơn. Ở đấy
không chỉ có hạnh phúc, chiến thắng mà còn có đau đớn, tủi nhục, bất hạnh. Cuộc
sống con người hiện lên trên trang viết thật phong phú, đa dạng; các nhà văn đã tiếp
cận con người từ nhiều chiều và thể hiện những cảm nhận về con người bằng nhiều
cách khác nhau. Giờ đây, cuộc chiến đã kết thúc nhưng dư âm về nó vẫn còn; chiến
tranh được tái hiện trên nhiều bình diện nhưng đằm lại, sâu lắng hơn. Hình tượng
người chiến sĩ gần hơn với đời thường bởi không phải chỉ được soi rọi ở ánh hào
quang, ở vẻ đẹp của người anh hùng dân tộc mà còn ở cả những nét riêng tư, cá nhân.
Như vậy, quan niệm về hiện thực và con người là vấn đề then chốt trong quá
trình chuyển đổi cảm hứng nghệ thuật. Sự đổi mới tư duy nghệ thuật, văn xuôi nói
chung và tiểu thuyết nói riêng trong giai đoạn này đã thực sự mở rộng đường biên,

khơi sâu bản chất trong việc phản ánh của văn học. Văn học đã thực sự được cởi trói,
cho nên chủ đề, đề tài được mở rộng, không bị gò ép, không bị giới hạn. Văn học đã
tìm về với “con người đời thường”, “con người cá nhân” nhưng vẫn “mới”, vẫn
không dẫm lên lối cũ mà đầy sáng tạo trong cuộc vận động không ngừng của cuộc
sống mới. Văn học thực sự được trả lại thiên chức của mình trong việc phản ánh đời
sống và điều ấy tạo nên giọng điệu đa thanh trong tác phẩm. Tiểu thuyết cũng ngày
một khẳng định được vị thế quan trọng, là “cột sống của nền văn học”, có vai trò
quyết định diện mạo của toàn bộ nền văn học.
1.2. Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh
1.2.1. Tạ Duy Anh – nhà tiểu thuyết thành công
Khi nói đến các tiểu thuyết gia Việt Nam đương đại, chúng ta không thể không
nhắc đến tên tuổi Tạ Duy Anh. Ông được xem là một hiện tượng văn học trẻ nhưng
đã có những thể nghiệm, tìm tòi đảo lộn các kinh nghiệm cũ, thay đổi lối nhìn đơn
giản, xuôi chiều quen thuộc, làm thức dậy nhu cầu nhận thức và tự nhận thức những
vấn đề của hiện tại và quá khứ. Bằng lời văn sắc lạnh của mình, nhà văn để cho người
đọc chạm đến nỗi đau tận cùng của nhân thế, thậm chí đến mức người ta không dám


đối diện với nó. Nhưng đằng sau những lời văn lạnh lùng ấy, nhà văn gửi gắm vào đó
tất cả những xót xa, thương cảm về số kiếp con người để rồi người đọc lại nhận ra
những triết lí về nghệ thuật về cuộc sống một cách tự nhiên.
Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Viết Đãng. Ông còn có các bút danh khác như Lão
Tạ, Chu Quý, Quý Anh, Bình Tâm, … Tạ Duy Anh quê ở Làng Đồng Trưa (tên chữ
là Cổ Hiền, sau đổi thành An Hiền), xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
Ông tốt nghiệp Trung cấp Thí nghiệm đất đá, làm cán bộ giám sát bê tông các công
trình ngầm tại nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tại đây ông bắt đầu viết văn và truyện
ngắn đầu tay ra đời năm 1980 được in trên báo Lao động cùng với bút danh Tạ Duy
Anh. Sau đó, ông tham gia quân đội đóng tại Lào Cai, lúc xuất ngũ với quân hàm
trung sĩ. Ông là học viên khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du (từ 1989 đến 1992).
Sau khi nhận bằng cử nhân, ông ở lại trường công tác (với biên chế ngạch giảng viên

bộ môn sáng tác) đến năm 2000. Hiện nay ông là Biên tập viên văn học ở Nhà Xuất
bản Hội Nhà văn Việt Nam. Tạ Duy Anh bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 1991 và
trong suốt 20 năm, ông đều đặn cho ra đời những tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét
trong lòng người đọc. Mỗi tiểu thuyết của ông được xuất bản đều tạo ra một làn sóng
dư luận xôn xao. Nếu như Khúc dạo đầu (1991) là thể nghiệm đầu tay chưa thành
công thì chỉ một năm sau đó, Tạ Duy Anh cho ra đời cuốn Lão Khổ (1992) - Tác
phẩm này được dư luận đánh giá là “cuốn tiểu thuyết quan trọng”, nó mở ra một tiềm
năng tiểu thuyết đáng được chờ đợi. Với tiểu thuyết này, Tạ Duy Anh đã trình bày
triết lý về số phận người nông dân trong sự nhào nặn của lịch sử. Theo ông, người
nông dân vừa là nạn nhân của thời cuộc, của chính mình, đồng thời họ cũng là tội
nhân. Lão Khổ là hiện thân của một kiếp người thăng trầm bị làm khổ và tự làm khổ,
chống lại cái ác và sản sinh cái ác. Với cách nhìn mới về người nông dân như vậy,
Lão Khổ đã cho người đọc thấy được những diện mạo khác của người nông dân. Có
thể nói, cùng với các nhân vật khác như lão Khúng (Phiên chợ Giát - Nguyễn Minh
Châu), Giang Minh Sài (Thời xa vắng - Lê lựu), Bằng (Cơn giông - Lê Văn Thảo),
Tâm (Cơ hội của chúa – Nguyễn Việt Hà),… Lão Khổ của Tạ Duy Anh đã tạo ra
một kiểu nhân vật mới: nhân vật lưỡng hóa. Đó là những con người phải đứng trước


sự thử thách và lựa chọn trên các cực đối lập. Như vậy, Lão Khổ thực sự là một đóng
góp quan trọng của Tạ Duy Anh đối với tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Chính vì
vậy mà cho đến nay, tiểu thuyết này vẫn có nhiều độc giả say mê.
Sau thành công với Lão Khổ, Tạ Duy Anh liên tục cho ra đời nhiều truyện
ngắn. Và đến đầu năm 2002, nhà văn trình làng một tiểu thuyết mới khiến nhiều
người quan tâm, đặc biệt là giới nghiên cứu. Với Đi tìm nhân vật, Tạ Duy Anh đã
đánh dấu sự thay đổi và trưởng thành của mình trong lối viết. Đi tìm nhân vật là “một
lối tìm cách nói khác về xã hội và lịch sử đương đại”. Tạ Duy Anh “như muốn xé
rách cả tấm màn che phủ lên hiện thực hằng ngày để làm phơi lộ ra một thực trạng
xã hội trong Đi tìm nhân vật” [68]. Có thể nói, Đi tìm nhân vật đã đạt đến lối viết đa
âm hiện đại, có sự mới mẻ về cấu trúc, phong cách ngôn ngữ. Đây thực sự là một

cuốn tiểu thuyết khó đọc. Khó đọc bởi sự đan cài các sự kiện theo trật tự thời gian thứ
cấp – thời gian bên trong của tâm trạng, thời gian vụt hiện của những mảng hồi ức,
những mảng ý nghĩ chợt đến, chợt đi. Khó đọc bởi tất cả được diễn đạt bằng thứ ngôn
ngữ lạnh lùng, khô khốc, khinh bạc. Khó đọc bởi các vấn đề được đặt ra khiến người
đọc phải suy ngẫm, phải giật mình, thậm chí hoảng sợ. Người đọc buộc phải nhìn lại
hiện thực cuộc sống, nhìn nhận lại bản thân và chắc hẳn không tránh khỏi lo sợ về sự
băng hoại đạo đức, sự đánh mất bản thân của con người.
Chỉ hai năm sau Đi tìm nhân vật, Tạ Duy Anh cho ra đời Thiên thần sám hối.
Cuốn tiểu thuyết không quá 200 trang này đã được đón nhận nồng nhiệt. Người đọc
có ấn tượng mạnh với sự độc đáo, mới lạ mà tiểu thuyết này mang lại. Ở đây, Tạ Duy
Anh đã thể nghiệm một lối viết hoàn toàn mới, từ việc sáng tạo nhân vật đến cách dẫn
truyện, cách thức kết cấu… Tất cả đều cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của tác giả trong
việc tìm kiếm những giá trị mới mẻ cho văn học. Trong Thiên thần sám hối, hiện
thực cuộc sống được khám phá bởi một bào thai – sáng tạo độc đáo của Tạ Duy Anh.
Nhờ nhân vật phi lý này, hiện thực cuộc sống được nhìn dưới góc độ hài hước pha
chất giễu nhại tự trào, phê phán và đau xót. Hiện thực nghiệt ngã ấy khiến người đọc
bị ám ảnh, phải giật mình hoài nghi, tra vấn lại con người và chính mình.


Chưa bằng lòng với những thành công đã gặt hái được, Tạ Duy Anh tiếp tục
xuất bản tiểu thuyết Giã biệt bóng tối (2008). Ngay khi Giã biệt bóng tối được trình
làng, Viện Văn học đã tổ chức buổi tọa đàm về tiểu thuyết này. Có nhiều ý kiến đánh
giá khác nhau, song chung quy lại hầu hết các ý kiến đều ghi nhận sự đóng góp và nỗ
lực của Tạ Duy Anh trong việc làm mới tiểu thuyết. Với tiểu thuyết này, Tạ Duy Anh
đã có ý thức lựa chọn nhiều điểm nhìn và đi liền với nó là nhiều cách kể, ngôi kể
khác nhau. Nhà văn thông qua tác phẩm đã đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm của
cuộc sống và quá khứ. Tạo ra một thế giới hiện thực “không đáng tin cậy”, Tạ Duy
Anh đã trao cho người đọc quyền nhận xét, cắt nghĩa, lí giải nó. Người đọc không
phán xét hiện thực ấy có thực hay không mà chỉ khám phá hiện thực ấy đã chạm đến
những vấn đề gì trong cuộc sống. Tạ Duy Anh viết về cái ác để đưa người đọc hướng

đến cái thiện. Cái ác tồn tại vô hình, lẩn khuất quanh ta và chỉ cần mất cảnh giác thì
ta sẽ bị nó điều khiển, trở thành tay sai đắc lực của nó. Con người sẽ phải rất vất vả
trong hành trình hướng thiện, tránh xa cái ác. Hành trình ấy không có hồi kết và trên
hành trình ấy con người khẳng định được nhân cách, phẩm chất của mình.
Như vậy, trong khoảng thời gian chưa đầy hai mươi năm, Tạ Duy Anh viết
năm tiểu thuyết, đi từ lãng mạn đến hiện thực, rồi phi lí; từ lối viết cổ điển đến hiện
đại. Quá trình chuyển biến, trưởng thành ấy trong lối viết đã minh chứng cho tinh
thần làm việc không mệt mỏi của nhà văn. Tạ Duy Anh đã không ngừng đổi mới
mình qua những sản phẩm tinh thần mà ông tạo ra. Người đọc háo hức đón đợi tác
phẩm của ông và cũng say sưa khám phá, nhận định về nó trên nhiều phương diện.
Tiểu thuyết Tạ Duy Anh đã chạm được đến nhiều vấn đề gai góc của cuộc sống và
nhà văn đã biết cách thể hiện những vấn đề ấy một cách mới mẻ, độc đáo. Các thủ
pháp nghệ thuật trong việc lựa chọn kết cấu, lựa chọn điểm nhìn, cách kể, ngôi kể;
trong việc sử dụng các yếu tố huyền thoại, kì ảo, phi lí; trong việc sử dụng triệt để
giọng điệu giễu nhại đã hỗ trợ một cách đắc lực cho việc thể hiện nội dung tư tưởng
của tác phẩm.
Với tất cả những đóng góp cho nền tiểu thuyết Việt Nam, Tạ Duy Anh xứng
đáng được coi là tác giả tiêu biểu cho nền tiểu thuyết Việt Nam đương đại.


1.2.2. Quan niệm về văn chương nghệ thuật của Tạ Duy Anh
Mỗi một nhà văn đều có những quan niệm riêng về văn chương nghệ thuật.
Quan niệm ấy sẽ chi phối cách thể hiện tác phẩm như thế nào. Tạ Duy Anh là một
nhà văn có quan niệm hết sức nghiêm túc về văn chương nghệ thuật. Điều đó được
thể hiện rõ trong các tác phẩm cũng như trong các bài trả lời phỏng vấn của ông. Là
một nhà văn có bản lĩnh và khát vọng cách tân, Tạ Duy Anh đã mạnh dạn khước từ
thứ văn chương chăm chăm giáo huấn, áp đặt chân lí cho người đọc, tuyên chiến với
những kinh nghiệm thẩm mĩ quen thuộc. Ông muốn người đọc có sự đổi mới trong
cách đọc, trong tư duy đánh giá tác phẩm.
Nguyễn Hưng Quốc cho rằng : “Đức tính lớn nhất đối với một người cầm bút

không phải là thành thực hay khiêm tốn mà, theo tôi, chính là sự táo bạo. Không táo
bạo, không thể sáng tạo. Trong lĩnh vực văn học, người dám xông thẳng vào bụi rậm
và gai góc để lần mò một lối đi riêng bao giờ cũng có triển vọng đi xa hơn những kẻ
khôn ngoan phóng mình theo lối mòn có sẵn. Ở đây, người ta chỉ ghi nhận thành tích
của những người trèo lên những đỉnh núi cao, dẫu trèo một cách chậm chạp, ì ạch,
khổ sở, thậm chí có khi thất bại” [83]. Có thể coi táo bạo là phẩm chất nổi bật ở Tạ
Duy Anh. Nhà văn luôn lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc để không lặp lại
những người đi trước và không lặp lại chính mình. Tạ Duy Anh xây dựng tác phẩm
bằng một lối đi rất riêng, rất lạ. Ông không phải là người mở đường cho những đột
phá về nhận thức xã hội, quan niệm văn chương, đổi mới cách viết, cách thể nghiệm
trần thuật – công lao đó thuộc về Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp,
Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài…, nhưng ông là người có những thể
nghiệm tìm tòi đảo lộn các quan niệm cũ, thay đổi lối nhìn đơn giản, xuôi chiều quen
thuộc, làm thức dậy nhu cầu nhận thức và tự nhận thức những vấn đề của hiện tại và
quá khứ.
Tạ Duy Anh sớm gặt hái thành công ngay từ tác phẩm đầu tay Bước qua lời
nguyền, song nhà văn không dừng lại ở đó, ông tỉnh táo để vượt qua chính mình. Với
ông, sáng tạo đồng nghĩa với quá trình tự “tiêu hóa”, “tự làm sạch mình”, nhà văn
không nên và không thể thỏa mãn với những gì đã có. Tạ Duy Anh khẳng định “Điều


×