Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Văn hóa an toàn bài học kinh nghiệm tai nạn lò phản ứng hạt nhân chernobyl

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (130.61 KB, 10 trang )

1

VĂN HÓA AN TOÀN:
BÀI HỌC KINH NGHIỆM TAI NẠN
LÒ PHẢN ỨNG HẠT NHÂN Chernobyl
Tai nạn Chernobyl, trước tiên ở bậc 7 trên thang INES [1], gây ra các hậu quả nghiêm trọng
trực tiếp trên con người là: hơn 35 ngàn người chết, trên 5 triệu người bị bức xạ ở các mức độ
có thể dẫn đến trong đời họ khoảng 500 trường hợp bệnh bạch cầu và 6 ngàn trường hợp gây
tử vong ung thư, nhất là ung thư tuyến giáp ở trẻ em; và Valery Legassov tự sát năm 1988 [2].
Thêm vào còn việc di tản gấp rút 116 ngàn người dân và sự nhiễm xạ lâu dài quan trọng trong
khu vực rộng lớn của vùng lãnh thổ Ukraine, Belarus và Nga.
Nguồn tin kỹ thuật chính cho bài viết này là bản Báo cáo INSAG 7 của Cơ quan Năng lượng
Nguyên tử Quốc tế IAEA.
Sau khi ghi lại những sự kiện chính của tai nạn, bài viết này tóm tắt các bài học kinh nghiệm
đặc biệt về yếu tố con người để đưa tới các khái niệm về Văn hoá An toàn - bài học quan
trọng nhất. Vì vậy thông tin chi tiết về ước tính của các liều hấp thụ sẽ không được thảo luận
ở đây. Hơn nữa, bản chất thống kê của các ước tính này đã tạo ra nhiều tranh cãi không ngừng
giữa các chuyên gia trong ngành bảo vệ bức xạ. Sau cùng, các sửa đổi ở Pháp sau vụ tai nạn
này cũng sẽ được đề cập.

1. Tiến trình của tai nạn hạt nhân
1.1. Địa điểm và lò phản ứng
Nhà Máy Điện Hạt Nhân (NMĐHN) Chernobyl ở cách Kiev (thủ đô của Ukraine) 110km,
cách Chernobyl (có 12.500 dân) 15 km và cách Pripryat (thành phố mới - nơi định cư của các
gia đình nhân viên nhà máy, có 50000 người) 3 km. Cơ sở nhà máy bao gồm bốn lò phản ứng
đang hoạt động thuộc họ lò RBMK [3]. Tai nạn xảy ra trên lò mới nhất số 4, công suất 3200
MWnhiệt, bắt đầu vận hành vào năm 1983.

1.2. Sơ lược diễn biến
Sau tai nạn, việc thiết lập lại thật chính xác các hiện tượng hoá lý đã xảy ra rất là khó khăn,
nên phần dưới đây chỉ ghi lại các điều đã được công nhận chính thức :


– Ngày 25/4/1986, lúc 01:00 công suất lò bắt đầu được giảm để thực hiện một thử nghiệm về
điện [4]. Thử nghiệm này phải được khởi đầu với một công suất giữa khoảng 700 và
1000 MW nhiệt.
– Khoảng 13:00. Công suất hạ một nửa tới 1600 MWnhiệt, theo đúng chương trình thử
nghiệm, một trong hai nhóm tuabin phát điện xoay chiều được tách rời việc cấp hơi nước. Hệ
làm nguội cứu trợ khẩn cấp cũng bị cô lập, nhưng lý do lại không rõ ràng.


2
– 14:00, Sở phát điện yêu cầu Nhà máy ngừng hạ công suất và tiếp tục cung cấp điện cho
mạng. Lò vẫn ở công suất (1600 MWnhiệt) như vậy trong 9 tiếng đồng hồ. Kết quả là độ
nhiễm độc Xenon trở thành tối đa; để bù trừ hiệu ứng này, các « thanh » điều khiển được rút
ra dần dần. Ngoài ra, các nhân viên vận hành đã không kích hoạt lại hệ làm nguội cứu trợ
tâm lò: việc vận hành kéo dài với một hệ an toàn bị ức chế đã không được coi là nghiêm
trọng (!).
– Khoảng 23:00 công suất được tiếp tục giảm.
– Lúc 00:30 ngày 26/4, công suất lò xuống tới 500 MWnhiệt, việc chuyển hệ điều tiết công
suất từ tự động qua bằng tay bị trục trặc. Công suất bị sụt tới 30 MWnhiệt, sự nhiễm độc
Xenon lại tăng thêm, hơi nước xuất ra rất ít. Nhưng để thực hiện thử nghiệm, cần phải nâng
công suất và nhân viên khai thác đã rút ra một số lượng lớn các thanh điều khiển - dù điều
này bị cấm trong các chỉ thị vận hành.
– Khoảng 01:00, công suất ổn định ở 200 MW nhiệt, lò không còn ở trong trạng thái hoạt
động ổn định (công suất dưới 700 MWnhiệt và dưới 30 thanh điều khiển ở trong tâm lò).
Nhóm vận hành, vì không nhận thức được vấn đề này nên quyết định thực hiện thử nghiệm
theo đúng kế hoạch cuả chương trình ban đầu.
– Lúc 1:03 và lúc 1:07, hai máy bơm tuần hoàn bổ sung được khởi động như dự kiến trong
chương trình thử nghiệm, do đó lưu lượng nước trong tâm lò tăng rất mạnh, vượt khỏi giới
hạn bình thường được cho phép. Vì công suất tâm lò thấp hơn dự kiến trong việc chuẩn bị thử
nghiệm nên rất khó duy trì áp suất hơi nước và mực nước trong bình phân cách ở trong phạm
vi bình thường. Nhân viên bèn chặn tín hiệu dập lò khẩn cấp liên quan đến các thông số

này, theo đúng quy định của chương trình thử nghiệm.
– Lúc 1:22, vì sự tích tụ của Xenon, nên chỉ còn tương đương từ 6 đến 8 thanh nhúng trong
tâm lò (dù rằng theo qui định an toàn thì đã phải dập lò khẩn cấp khi chỉ còn tương đương 15
thanh nhúng trong tâm lò). Máy tính cuả lò cho biết thông tin này nhưng lại không có quyết
định tự động. Sự phân bố của thông lượng nơtron rất bất bình thường trong tâm lò (dọc trục
và theo bán kính), và theo hiệu ứng cuả sự tăng thêm độ phản ứng, thông lượng có thể trở nên
rất bất bình thường cục bộ. Tuy nhiên, nhân viên vẫn quyết định tiếp tục thử nghiệm và để có
thể lặp lại thử nghiệm nếu cần thiết, họ đã chặn tín hiệu dập lò khẩn cấp gắn với sự ngừng
nhóm tuabin phát điện xoay chiều thứ hai.
– Lúc 01:23:23 đóng các van đầu vào hơi nước cho các tua-bin, nhưng lại không ngừng lò
phản ứng. Máy bơm tuần hoàn (được máy tuabin phát điện xoay chiều cung cấp) chạy chậm
lại, lưu lượng giảm đi, nước nóng lên và sôi bốc hơi. Các hiệu ứng chân không làm tăng độ
phản ứng của tâm lò. Công suất lò tăng lên và tạo ra hơi nước nhiều hơn. Lò phản ứng rơi vào
trạng thái trên tới hạn.
– Lúc 01:23:40 đi đến yếu tố quyết định : Trưởng nhóm điều hành nhấn nút dập lò khẩn cấp,
các thanh điều khiển rơi xuống, nhưng hiệu quả lại ngược lại với mong đợi bởi vì phần


3
dưới của các thanh đó (khi đi vào tâm lò) không chứa chất hấp thụ nơtron và làm tăng độ
phản ứng của tâm lò [5] !
Các tính toán cho thấy rằng công suất tức thời của lò phản ứng đã tăng lên 100 lần giá trị danh
định trong 4 giây. Phản ứng hạt nhân dây chuyền đã tự dừng bởi hiệu ứng của độ phản ứng
âm do làm nóng nhiên liệu (hiệu ứng Doppler) và sự phân tán nhiên liệu.
Các nhân viên vận hành nghe thấy hai tiếng nổ liên tiếp, lần nổ thứ hai mạnh hơn lần thứ nhất,
làm tung cao 14m tấm bê tông nắp lò (2000t) và đưa đến sự phá hủy của các cấu trúc thượng
tầng của tòa nhà.
Nhiên liệu, thành phần tâm lò và các cơ cấu đã bị tung lên mái của các tòa nhà kế cận và rơi
xuống đất, tạo nên việc thải vật liệu phóng xạ qui mô lớn ra môi trường.
Các mảnh vỡ của tâm lò tạo ra 30 đám cháy trên các mái nhà gần đó (phòng máy và phần còn

lại của nhà lò phản ứng). Những đám cháy, thông qua các ống dẫn cáp, cũng đe dọa lò phản
ứng số 3.

2. Xử lý tai nạn
2.1. Cuộc chiến chống hoả hoạn
Đội cứu hoả trong nhà máy cùng với các đội từ Pripyat và Chernobyl phản ứng rất nhanh (14
lính cứu hoả trong 4 phút và 250 lính trong 95 phút sau khi tai nạn xảy ra). Tất cả các ngọn
lửa đều bị dập tắt lúc 04:50. Các nhân viên cứu hoả đã không được trang bị hiệu nghiệm
chống lại nhiễm xạ và bỏng. 28 người trong số họ chết trong mấy ngày sau. 2 người khác có
mặt ở tấm bêtông trên lò chết ngay vì bỏng và vì đa chấn thương (polytrauma).
Nước được bơm rất nhanh chóng vào tâm lò để làm nguội và ngăn ngừa cháy than graphit,
nhưng không có kết quả và 20 giờ sau, lửa (do khí được tạo nên từ tác động của hơi nước trên
than graphit và Zirconi) lại bùng lên. Kết quả là một ngọn lửa cao 50 m cuốn vật liệu phóng
xạ lên tới độ cao 1500m, và làm cho vât liệu bị di chuyển rất xa dễ dàng.

2.2. Đóng gắn kín tâm lò bị nóng chảy
– Một phần của tâm lò sụp đổ. Các mảnh vụn từ nhiên liệu và than graphite tràn xuống sàn bê
tông ở dưới. Sàn dày 1,8 m bị ăn mòn tới 1m.
Để ngăn chặn cháy tâm lò và sự phát tán chất phóng xạ, 5000 tấn vật liệu hỗn hợp (cát, bo,
đất sét, đôlômit, chì) được thả từ 1800 chuyến bay trực thăng từ ngày 27/4 đến ngày 10/5. Bởi
vì tầm nhìn hạn chế và mức độ phóng xạ rất cao không cho phép tới gần, họ đã phải thả áng
chừng theo hướng của các lỗ thủng thậm chí thả ngay trên các mái nhà bốc cháy.
– Do sự thả không chính xác, tâm lò chỉ được lấp một phần và than graphit không ngừng
cháy. Tâm lò lại nóng lên do công suất dư không được tải đi, và từ ngày 2/5 đến ngày 5/5 việc
thải sản phẩm phân hạch tăng lên. Một phần của vật liệu thả xuống trộn với urani thành chất
"xỉ gắn kết” tâm lò (corium) [6].


4
Bắt đầu từ ngày 5/5, nitơ lỏng dưới áp suất cao được bơm vào lò phản ứng để làm nguội chất

xỉ gắn kết và nền móng.
– Từ tháng 5 đến tháng 11, một kết cấu bê tông 300000 t (« quách tang » lò phản ứng) được
xây để cách li lò 4. Độ bền của quách thấp do điều kiện khó khăn lúc xây dựng. Vì vậy, một
vỏ bao thêm đã được dự trù từ năm 1990. Nhiều công trình cũng được thực hiện vào năm
1995 để hạn chế nước mưa thấm qua.

2.3. Tẩy độc môi trường nhiễm xạ
Trước mức độ rộng lớn của công tác và cần phải giảm thiểu liều cá nhân, Nhà nước Xô Viết
đã kêu gọi một số lượng rất lớn các nhân viên, quân sự hoặc dân sự từ toàn thể Liên Xô tình
nguyện làm đổi công để làm sạch môi trường, kéo dài từ 1986 đến 1990. Số lượng tổng kết
những người đi « thanh lí » này là khoảng 600 ngàn người. Họ có nhiệm vụ xây dựng quách
lò, tẩy xạ các cơ sở và các đường giao thông, lưu trữ chất thải, xây dựng các đập nước và nhà
ở mới cách 50 km cho nhân viên của 3 lò còn lại (vẫn còn hoạt động). Trong số các người đi
« thanh lí » này, 35.000 người đã chết và 95.000 bị tàn tật.

2.4. Việc chậm sơ tán dân cư
– Tối ngày 26/4, mức phóng xạ lên tới 10 mSv/h ở Pripyat (giới hạn bức xạ cho phép trên
toàn bộ cơ thể cho công chúng là 1 mSv/năm), nhưng không ai biết đến và vẫn chưa có chỉ
thị, thông báo nào cho dân chúng. Các nhà chức trách chỉ nhận ra mức độ nghiêm trọng vào
khoảng 22g, sau khi một phái đoàn của Moscow tới nơi.
Quyết định sơ tán đã được đưa ra ban đêm và 1200 xe ca được sử dụng cho việc này.
– Giữa trưa ngày 27/4, dân chúng ở Pripyat được thông báo của đài phát thanh để sơ tán, từ
14g tới 17g, đến một quận ở Ukraine cách đó khoảng 50km. Họ định cư tại đó cho tới cuối
tháng 8 trước khi được chuyển đến Kiev.
– Từ ngày 2/5 đến cuối tháng 8, tổng cộng 116 ngàn người (sống ở Ukraine, Belarus và Nga,
trong vòng bán kính 30km quanh cơ sở) đã được sơ tán.

2.5. Truyền thông
– Đội ngũ lãnh đạo địa phương đã không nắm bắt được ngay lập tức tầm quan trọng của thảm
họa. Đến 4 giờ ngày 26/4, Giám đốc Nhà máy mới gọi Bộ Năng lượng, nói rằng tâm lò phản

ứng có thể là không bị hư hại. Việc hoài nghi tính chất nghiêm trọng của tai nạn đã làm trì
hoãn các quyết định cần thiết.
– Tổng thống Gorbachev chỉ được chính thức thông báo ngày 27/4. Với sự đồng ý của Bộ
Chính Trị (Politburo), ông nhờ đến KGB để có được thông tin đáng tin cậy. Ngày 14/5(!),ông
mới công bố trên đài truyền hình tầm quan trọng của thảm họa.
– Sáng ngày 28/4, mức độ bất thường của phóng xạ được nhận thấy trong NMĐHN Forsmark
ở Thụy Điển, gây ra việc di tản ngay lập tức toàn bộ cơ sở vì sợ bị rò rỉ phóng xạ bên trong.


5
Nhưng các khảo sát ban đầu xác nhận rằng nhiễm xạ đến từ phía đông bên ngoài nhà máy
Thuỵ Điển. Vào buổi chiều, Agence France-Presse thông báo sự việc này.
– Tháng 8 năm 1986, tại một cuộc họp đặc biệt của IAEA, đại diện Liên Xô ông Legassov
cung cấp thông tin đầu tiên về tai nạn. Chủ yếu, ông đổ tội cho các lỗi lầm về vận hành khai
thác như là không tuân thủ điều kiện hoạt động dự kiến và vi phạm các quy tắc an toàn. Giám
đốc Nhà máy và Kỹ sư Trưởng Phòng điều khiển đã bị kết án và phạt tù.
– Cuối cùng đến năm 1991, Uỷ ban Nhà nước về An toàn Hạt nhân của Liên Xô đã công
nhận, trong một báo cáo, các lỗi trong thiết kế của Chernobyl 4, và nói chung là của các lò
phản ứng RBMK. Ủy ban nhận định mức độ quan trọng của vụ tai nạn là do sự «thiếu hiểu
biết» của cấp lãnh đạo khoa học về hiệu ứng của chuẩn độ hơi nước trên độ phản ứng trong
tâm lò. Các nhà vận hành khai thác lò phản ứng đã bị kết án được trả tự do.

3. Phân tích nguyên nhân
Các nguyên nhân gây tai nạn được phân thành ba loại:

3.1. Khuyết điểm của thiết kế :
Thiết kế cuả lò tuy đã được phê chuẩn nhưng không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn có hiệu lực
tại Liên Xô ngay lúc xây lò, và thậm chí nó bao gồm một số đặc tính nguy hiểm, thí dụ:
* Sự bất ổn định rất cao của tâm lò ở mức công suất thấp do hệ số chân không dương rất lớn
của nước làm nguội [7].

* Thời gian rơi quá dài của các thanh điều khiển; hơn nữa đoạn nối dài của các thanh làm tăng
độ phản ứng của tâm lò vào lúc bắt đầu rơi.
* Ít tự động hóa các động tác để bảo vệ mà lại cho nhiều khả năng ức chế.
* Thiếu nhà che chắn lò có hiệu quả. [8]

3.2. Vận hành sai lầm :
* Trong ngày đầu tiên: Đã vận hành quá lâu với công suất thấp hơn 700 MW nhiệt – trạng
thái công suất mà lò phản ứng hoạt động không ổn định. Cần lưu ý rằng trạng thái này không
được chỉ định trong các phương thức vận hành.
* Vi phạm các chỉ thị an toàn:
- Các thanh điều khiển thả rơi vào tâm lò có tương đương dưới 30 thanh rất nhiều.
- Ngăn dập lò khẩn cấp do báo động mức nước thấp, hay do báo động áp suất hơi nước
trong bình phân cách.
- Ngăn nạp nước cứu trợ khẩn cấp.

3.3. Thiếu Văn hoá An toàn trên phương diện Hạt nhân ở cả cấp quốc gia lẫn
địa phương, được thể hiện trong các sự kiện sau đây:
3.3.1 Ở cấp độ địa phương:
* Các liên quan của thử nghiệm với vấn đề an toàn đã không được khảo sát trước bởi Nhóm
Phân tích An toàn tại Nhà máy.


6
* Cơ quan quyết định ít hiệu lực và không đủ khả năng để chống lại các áp lực chỉ có lợi cho
việc sản xuất điện năng.
* Sự thiếu hiểu biết của nhân viên khai thác về các vấn đề an toàn của nhà máy.

3.3.2 Ở cấp độ quốc gia
* Nghiên cứu nghèo nàn về an toàn: Rất ít các khảo sát vật lý lò phản ứng liên quan đến cách
hoạt động của lò phản ứng.

* Chất lượng thấp kém của các phương thức và chỉ thị đã đặt nhóm khai thác trước các suy
diễn khó khăn.
* Trong nhiều năm, Bộ Năng lượng của Liên bang Xô Viết để cho khai thác các lò phản ứng
RBMK với các bất ổn định vật lý nơtron, mà không để ý đến các tín hiệu bất thường và lặp đi
lặp lại từ các hệ an toàn liên quan đến các mức công suất và cũng không đòi hỏi mở rộng điều
tra ở các tình trạng khẩn cấp.
* Trao đổi thông tin quan trọng về an toàn không thích đáng và vô hiệu quả giữa các Nhà khai
thác cũng như giữa các Nhà khai thác và Nhà thiết kế như : hiệu ứng dương của các thanh
điều khiển đã được quan sát vào năm 1983 ở NMĐHN Ignalina. Bộ phận nghiên cứu các vấn
đề của lò phản ứng RBMK đã thông báo cho các Nhà máy khác và chỉ ra rằng thiết kế này sẽ
được sửa đổi để giải quyết vấn đề. Tuy vậy, Bộ phận này đã không thay đổi thiết kế và đề
nghị sửa đổi chi tiết quy trình vận hành nhà máy đã không được thông qua. Họ không tin vào
hậu quả nghiêm trọng do tăng độ phản ứng khi thanh điều khiển rơi vào tâm lò. Vậy mà điều
này thực sự đã xảy ra trong sự việc dẫn đến tai nạn ở Chernobyl 4 !
* Bỏ qua các phản hồi kinh nghiệm : một tai nạn vào năm 1975 tại Leningrad 1 (được coi như
là một tiền thân của Chernobyl 4) và một « Trục trặc » nứt vỏ nhiên liệu ở Chernobyl 1 vào
năm 1982 đã cho thấy nhiều điểm yếu nghiêm trọng trong các đặc trưng và vận hành của các
lò RBMK. Nhưng các bài học này đã được giữ kín (! ).

4. Bài học kinh nghiệm và ứng dụng
4.1. Trên phương diện quốc tế
* Một đợt thảo luận quốc tế được bắt đầu với sự bảo trợ của IAEA đã dẫn đến các khái niệm
về Văn hoá An toàn. INSAG đã lập ra « Nhóm tư vấn quốc tế cho An toàn Hạt nhân » và xác
định một học thuyết quốc tế chung thông qua các văn bản :"Nguyên tắc cơ bản An toàn cho
các NMĐHN" (1990), "Văn hoá An toàn " (1991), "An toàn của Năng lượng Hạt nhân"
(1993), "Phòng thủ theo chiều sâu" (1997)
* Thêm vào các việc thành lập sau đây:
- Hệ thống INES : INES được xác định từ các bậc cảnh báo của Pháp lập ra sau thảm
họa Chernobyl. Hệ thống này có 7 bậc : từ bậc 1 tương ứng với một « bất thường » đơn giản
mà không có hậu quả gì về an toàn tới bậc 7 nguy hại nhất.



7
- Một hệ thống báo cáo các « Trục trặc » (IRS) cung cấp thông tin hỗ tương ở cấp độ
quốc tế.
- “Hội thế giới các Nhà khai thác hạt nhân" : Các Nhà khai thác đã phát triển nền Văn
hóa An toàn tổng quát.
- Một hiệp định quốc tế về mức độ nhiễm xạ của hàng hóa thực phẩm trong thương
mại quốc tế đã được ký kết.
* Hiệp định ký kết trong Cộng đồng Âu châu về thông tin nhanh chóng một tai nạn hạt nhân
và hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp phóng xạ từ nước này sang nước khác.

4.2. Tại Pháp trong các lĩnh vực :
4.2.1. Thiết kế
* Xác định toàn bộ các khả năng của tai nạn độ phản ứng trong tất cả các loại lò.
* Đối với các thế hệ tiếp theo của lò PWR, có quy định mới nhằm đảm bảo sự làm nguội tâm
lò nóng chảy và đảm bảo tính toàn vẹn dài hạn cuả các tòa nhà che chắn lò.

4.2.2. Cải thiện Tổ chức An toàn
* Thiết lập thêm một nấc thang mức độ nghiêm trọng và sau đó đã được dùng để dựng INES.
* Hướng các tiêu chuẩn lựa chọn các Trục trặc ảnh hưởng đến an toàn, về trục trặc tiền thân
và về hậu quả tiềm tàng.
* Hành động trong trường hợp xảy ra tai nạn:
- Trong tai nạn nghiêm trọng, phân phát iôt cho những người ở gần Nhà máy.
- Chú trọng thêm vào các Kế hoạch Khẩn cấp Nội bộ PUI, các Kế hoạch Hành động
Đặc biệt PPI [9] nhất là việc hợp thức hóa chúng qua thực hành.
* Nâng cao chất lượng thông tin đại chúng bằng cách tăng cường vai trò của các Uỷ ban
Thông tin Địa phương (CLI) để :
- Tôn trọng « minh bạch ».
- Thành lập các nhóm công tác về việc phổ biến thông tin về năng lượng hạt nhân và

các nguy cơ của nó.
- Khuyến khích công dân liên lạc với CLI.
* Các điều lệ của Cơ quan An toàn hạt nhân ASN và Viện Bảo vệ và An toàn Hạt nhân IPSN
(chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ ASN) đã được sửa đổi để giúp họ được độc lập hơn đối với chính
phủ và quyền lợi công nghiệp trong lúc thi hành nhiệm vụ của họ.


8

Kết luận
Lò phản ứng đầu tiên AES Obninsk-RBMK bắt đầu cung cấp điện ngày 27/6/1954 tại Liên
Xô. Mặc dù đã có 32 năm kinh nghiệm hoạt động với NMĐHN mà thảm họa Chernobyl vẫn
còn xảy ra vào ngày 26/4/1986, điều này cho thấy rõ sự cần thiết phải thường xuyên cảnh giác
trong việc vận hành NMĐHN.
Nếu tai nạn TMI [10], đã làm nổi bật tầm quan trọng của các lỗi vận hành, thảm họa
Chernobyl đã cho thấy sự cần thiết của một nền Văn hoá An toàn được áp dụng cho tất cả mọi
giới trong công nghệ hạt nhân kể từ thiết kế, xây dựng, khai thác đến kiểm tra an toàn.
Tại Pháp, thiết kế của các lò PWR khác hẳn với Chernobyl 4. Hơn nữa, mức độ an toàn (các
phương thức, điều khiển khai thác, bổ sung phương thức ngăn ngừa tai nạn cũng như đào tạo
nhân viên và tổ chức công việc đã được hưởng kết quả bài học cuả tai nạn TMI. Cho nên
[thay Cho nên bằng "Do vậy," ] những sửa đổi chủ yếu do kinh nghiệm Chernobyl là ở chỗ
chất lượng quản lý sau tai nạn để hạn chế hậu quả: một mặt, tăng tính minh bạch và chất
lượng thông tin đại chúng, và mặt khác tăng cường mạng lưới các phép đo liên tục phóng xạ
toàn quốc cũng như các phương tiện hữu hiệu để trợ giúp nạn nhân sơ tán cùng với việc khử
xạ các khu vực lớn.
TMI đã chứng minh kết quả tính toán về hiện tượng nóng chảy tâm lò; tai nạn này là một tổn
hại kinh tế cho Nhà khai thác, nhưng còn có thể chấp nhận được cho con người vì không có
liều lượng hấp thụ bức xạ nào vượt quá giới hạn quy định cho phép. Còn Chernobyl đã
chuyển đổi các dự đoán phát tán sản phẩm phân hạch cũng như các biểu đồ phát tán trong khí
quyển thành bi kịch của con người trong thời gian dài và gây ra sự phản đối điện hạt nhân

của dân các nước láng giềng (như Đức và Thụy Điển) cùng những cuộc tranh luận kịch liệt
giữa các chuyên gia.
Mặc dù nhiều sửa đổi dựa trên các bài học từ Chernobyl đã được thực hiện trong thế giới hạt
nhân từ 25 năm nay, thảm hoạ này vẫn mang đến cho các quốc gia bắt đầu trong lĩnh vực
điện hạt nhân nhiều lý do và đề tài để suy nghĩ cân nhắc về vấn đề phát triển năng lượng hạt
nhân quốc nội.

TS. Tô Lệ-Hằng
Nguyên là nhân viên Viện Bảo vệ và An toàn Hạt nhân tại Pháp


9

Giải thích các Ghi chú
[1] "International Nuclear Event Scale », là một « thang » quốc tế chỉ mức độ nghiêm trọng
của các sự việc có ảnh hưởng đến an toàn.
[2] Valery Legassov, một quan chức cấp cao của Liên Xô phụ trách về Hạt nhân, đã tự sát
ngày 27/4/1988 sau khi được biết rõ cách xử trí tai nạn của các nhà chức trách. Bài viết của
ông "Bổn phận cuả tôi là phải nói ra" được đăng trong Pravda 20/5/1988.
[3] Viết tắt của tên của lò phản ứng của Nga có đặc điểm là : uranium được làm giàu ít, làm
chậm nơtron bằng than graphit, tải nhiệt bởi nước sôi trong ống nhiên liệu.
[4] Thử nghiệm để xác minh rằng trong trường hợp mất lưới điện bên ngoài, các hệ an toàn
vẫn có thể được tiếp tục cung cấp điện khi tuabin phát điện chậm lại trong lúc chờ phục hồi
khẩn cấp bằng các nhóm điezen .
[5] Mỗi thanh có ở đầu dưới một đoạn nối dài bằng than graphit. Khi thanh rơi xuống tâm lò,
đoạn nối dài này đẩy ra khỏi tâm lò một cột nước tương ứng và như vậy làm tăng thêm độ
phản ứng ở nơi này thay vì giảm nó.
[6] Một loại "dung nham" phức hợp chất hóa học ổn định. Sự phân phối của nó giữa các tầng
nền và các phần trên của lò phản ứng không được biết rõ.
[7] Với một tỷ lệ chân không dương của nước làm nguội, lò phản ứng càng nóng thì càng sinh

nhiều hơi nước, độ phản ứng tăng lên theo và hệ thống trở thành trên tới hạn.
[8] Không chắc một nhà che chắn hiện tại nào chịu được sức nổ như vậy. Đối với các lò
PWR, thiết kế lúc đầu công nhận rằng loại tai nạn độ phản ứng không thể xảy ra bởi vì khi
nước làm nguội tâm lò mất đi thì phản ứng dây chuyền sẽ bị dập tắt ; vì vậy nhà che chắn chỉ
để dự phòng bảo vệ chống hậu quả của các tai nạn khác. Sau đó, với việc phát hiện ra khả
năng pha loãng bất đồng nhất, nguy cơ này đã xuất hiện trở lại và được chống lại bằng các
biện pháp phòng ngừa. Đối với các lò phản ứng nơtron nhanh, các tai nạn độ phản ứng chung
cho toàn bộ tâm lò được xem xét ngay từ lúc thiết kế ; trong trường hợp của SPX (ở Pháp),
nhà che chắn được thiết kế để chống lại sức nổ tới 800 MJ.
[9] « Kế hoạch Khẩn cấp Nội bộ » PUI áp dụng bên trong các cơ sở hạt nhân và thuộc trách
nhiệm của Nhà khai thác. Các nhiệm vụ chính là:
– Điều khiển và bảo toàn cơ sở.
– Cứu trợ người bị thương trong cơ sở.
– Bảo vệ nhân viên trong cơ sở.
– Báo động và thông tin cho chính quyền.
« Kế hoạch Tác động Đặc biệt » PPI tổ chức, dưới trách nhiệm của các Tỉnh trưởng, việc cứu
hộ để bảo vệ dân cư và môi trường bên ngoài cơ sở
[10] Ngày 28/3/1979, các Trục trặc khai thác của lò PWR số 2 (900MWđiện) tại Three Mile
Island (USA) đã đưa tới sự nóng chảy của tâm lò nhưng nhà che chắn đã hoàn thành phận sự:


10
phóng xạ thải ra vẫn còn rất hạn chế (những người bị chiếu xạ nhiều nhất vẫn ít hơn 1 mSv).
Tai nạn này được xếp vào bậc 5 của INES.



×