CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Khái niệm và đặc điểm từ vựng tiếng Việt
1.1.1. Khái niệm
Từ vựng là chất liệu cần thiết để cấu tạo ngôn ngữ. Bất cứ ngôn ngữ
nào cũng gồm ba mặt được phân giới rành mạch lẫn nhau, đó là thành phần
cấu tạo âm thanh, các phương tiện từ vựng và các phương tiện ngữ pháp.
Từ vựng tiếng Việt là một trong ba thành phần cơ sở của tiếng Việt, bên
cạnh ngữ âm và ngữ pháp. Từ vựng tiếng Việt là đối tượng nghiên cứu cơ
bản của ngành từ vựng học tiếng Việt, đồng thời cũng là đối tượng nghiên
cứu gián tiếp của các ngành ngữ pháp học tiếng Việt, ngữ âm học tiếng
Việt, phong cách học tiếng Việt, từ điển học tiếng Việt,... Ngành từ vựng
học tiếng Việt nghiên cứu về các khía cạnh của từ vựng tiếng Việt cũng chỉ
phát triển mạnh trong giai đoạn gần đây.
1.1.2. Đặc điểm từ vựng tiếng Việt
1.1.2.1. Nghĩa và các thành tố nghĩa của từ
Nghĩa của mỗi từ được cộng đồng ngôn ngữ thừa nhận như một quy
ước chung về quan hệ giữa vỏ âm thanh và nội dung biểu thị của từ. Nghiã
của từ là nội dung biểu thị sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan bằng
vỏ ngữ âm của từ. Hay nghĩa của từ là mối quan hệ giữa từ với sự vật hay
khái niệm, biểu tượng trong thực tế khách quan. Điều đó cũng có nghĩa
rằng sự vật, hiện tượng không phải là nghĩa từ, nó chỉ là vật quy chiếu mà
từ chỉ ra khi từ được dùng trong một hoàn cảnh nhất định. Nói khác đi,
1
nghĩa của từ không phải là chính bản thân sự vật, hiện tượng tồn tại trong
thực tế khách quan mà từ biểu thị.
Nghĩa của mỗi từ là một hợp thể phức tạp bao gồm nhiều lớp nghĩa
(nghĩa từ vựng, nghĩa ngữ pháp), mỗi từ vừa mang nghĩa khái quát của cả
một lớp từ vừa mang nghĩa của riêng nó. Trong từng hoàn cảnh, nghĩa của
từ lại được bộc lộ một cách cụ thể.
Do từ có những mối quan hệ với thực tại khách quan, với tư duy, với
người sử dụng và với hệ thống ngôn ngữ nên nghĩa của từ là một hợp thể
phức tạp bao gồm các thành phần ngữ nghĩa sau: nghĩa biểu vật, nghĩa biểu
niệm, nghĩa biểu thái và nghĩa liên tưởng.
a. Nghĩa biểu vật (Nghĩa sở thị)
Nghĩa biểu vật là phần gợi ra cái hình ảnh khái quát về sự vật hiện
tượng mà từ gợi lên trong đầu người ta khi nghe hoặc đọc từ đó. Nó được
xác định từ mối quan hệ của từ với hiện thực mà từ biểu thị. Hiện thực tồn
tại trong thực tế khách quan đa dạng, phong phú, mang tính cụ thể, riêng lẻ
nhưng nghĩa biểu vật của từ mang tính khái quát. Nó không đồng nhất với
hiện thực khách quan, bởi vì một từ không nhất thiết tương ứng với một sự
vật trong thực tế.
b. Nghĩa biểu niệm (Nghĩa sở biểu)
Sự vật hiện tượng phản ánh vào tư duy con người thành các khái
niệm. Các thuộc tính nội hàm của khái niệm được ngôn ngữ hóa thành
nghĩa biểu niệm của từ. Nghĩa biểu niệm là nghĩa được xác định từ mối
quan hệ giữa từ với sự phản ánh, sự nhận thức tư duy về những đặc điểm,
thuộc tính, tính chất… của sự vật, hiện tượng. Nói cách khác, nghĩa biểu
2
niệm là phần nghĩa biểu thị các thuộc tính bản chất riêng biệt của sự vật,
hiện tượng mà từ gợi lên trong đầu người sử dụng.
c. Nghĩa biểu thái (Nghĩa dụng pháp)
Nghĩa biểu thái là nghĩa phản ánh thái độ, tình cảm, cảm xúc,
sự đánh giá của người nói – người nghe, người viết – người đọc. Sự vật,
hiện tượng được biểu thị trong ngôn ngữ đều là những sự vật hiện tượng đã
được nhận thức, được thể nghiệm bởi con người. Do đó, cùng với tên gọi,
con người thường gởi kèm theo những cách đánh giá của mình. Chính vì
vậy mà trong ý nghĩa của từ còn có ý nghĩa biểu thái. Khi dùng và phân
tích từ ngữ phải chú ý cả ý nghĩa này. Chẳng hạn:
Chúng ta đã bắn tan xác những con quạ Mỹ. ( Nguyễn Tuân )
Từ con quạ ở đây dùng để chỉ máy bay. Cách dùng này làm mờ đi ý
nghĩa biểu niệm của từ quạ, nhưng lại tăng sắc thái biểu cảm mà người nói
cần diễn đạt, đó là sự khinh bỉ, mỉa mai kẻ thù.
Trong hệ thống từ tiếng Việt, có thể có các từ cùng nghĩa biểu niệm
nhưng lại khác nhau về ý nghĩa biểu thái. Vì vậy, khi dùng những từ này
cần chú ý đến ý nghĩa biểu thái của chúng. Ví dụ: lớp từ chỉ khái niệm chết:
qua đời, hy sinh, khuất núi, quy tiên, băng hà, thăng hà, đi xa, viên tịch,
chầu Chúa, chết, ngủm, ngoẽo, đền mạng, đền tội, đi đứt, bán muối...
1.1.2.2. Nét nghĩa và cấu trúc ý nghĩa biểu niệm
a. Khái niệm nét nghĩa
Nét nghĩa có thể được định nghĩa là những phần nghĩa thể hiện thuộc
tính sự vật mà từ biểu thị, dựa vào đó mà từ có thể thuộc vào một trong các
nhóm từ vựng – ngữ nghĩa được phân chia theo chủ đề. Theo đó từ “lưu
giữ” nghĩa của mình những thông tin về các nhóm từ vựng – ngữ nghĩa ở
3
các cấp độ khác nhau. Trong đó thông tin về mỗi nhóm là một nét nghĩa.
Lý tưởng nhất là số lượng nét nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu niệm của một
từ bằng đúng số nhóm từ vựng – ngữ nghĩa mà nó thuộc vào.
b. Cấu trúc ý nghĩa biểu niệm
Ý nghĩa biểu niệm của từ là tập hợp của một số nét nghĩa chung và
riêng, khái quát và cụ thể, theo một tổ chức, một trật tự nhất định. Giữa các
nét nghĩa có những quan hệ nhất định. Tập hợp này ứng với một hoặc một
số ý nghĩa biểu vật của từ. Chính vì ý nghĩa biểu niệm là một tập hợp có tổ
chức, có quan hệ; cho nên, còn có thể gọi nó là cấu trúc biểu niệm. Nói
khác đi, ý nghĩa biểu niệm bao giờ cũng có một cấu trúc ý nghĩa biểu niệm.
Ví dụ:
* Từ bàn: [( đồ dùng ), ( có mặt phẳng được đặc cách mặt nền một
khoảng x nào đó bởi các chân ), ( bằng nguyên liệu rắn ), ( dùng đạt
để các đồ vật khác )]
* Từ đoàn: [( tập hợp chỉ người ), ( số lượng lớn ), ( có tổ chức ),
( không có sự phân hóa ), ( dùng với sắc thái trang trọng )]
Như đã nói, sự vật, hiện tượng có rất nhiều thuộc tính, nhưng không
phải các thuộc tính đều trở thành các nét nghĩa trong ý nghĩa biểu niệm.
Thế mới gọi là cấu trúc ý nghĩa. Do đó, để phát hiện ra các nét nghĩa, cần
phải tìm ra những nét nghĩa chung đồng nhất trong nhiều từ, rồi lại đối lập
những từ có nét nghĩa chung đó với nhau để tìm ra những nét nghĩa cụ thể
hơn. Cứ như vậy, cho đến khi chúng ta gặp những nét nghĩa chỉ có riêng
trong một từ. Chẳng hạn, để chỉ một tập hợp số đông người ta có các từ:
đoàn, đội, bọn, lũ, toán, tổ, nhóm, pha, cánh, phái...
Bằng sự đồng nhất và đối lập, ta sẽ có những tiêu chí để phân chia.
Từ những tiêu chí này ta sẽ tìm được nét nghĩa của từ ngữ:
4
1. Phân chia theo tiêu chí số lượng, ta có:
-
Số đông người lớn: ( đoàn , lũ , bọn , phe, ... )
-
Số đông người nhỏ: ( đội, toán, tổ, nhóm, ... )
2. Phân chia theo tiêu chí tổ chức, ta có:
-
Số đông người không có sự phân hóa: ( đoàn, lũ , bọn,... )
-
Số đông người có sự phân hóa: ( phe, cánh,...)
-
Số đông người có tổ chức : ( đoàn , đội,...)
-
Số đông người không có tổ chức : ( bọn, lũ,...)
3. Phân chia theo tiêu chí sắc thái, ta có:
-
Số đông người dùng trang trọng: ( đoàn , đội,...)
-
Số đông người dùng không trang trọng: ( bọn, lũ,...)
Như vậy, nếu liệt kê nghĩa của một từ, ta sẽ có các nét nghĩa vừa
phân tích theo những tiêu chí nói trên như sau:
đoàn: [( số đông người lớn ), ( không có sự phân hóa ), ( có tổ chức ),
( dùng trang trọng )]
bọn: [( số đông người lớn ), ( không có sự phân hóa ), ( không có tổ chức ),
( dùng không trang trọng )].
Trên cơ sở này, chúng ta khẳng định được trong tiếng Việt có các
phạm trù sự vật, hoạt động, trạng thái, tính chất, là vì các từ sau đây đồng
nhất và đối lập với nhau theo nét nghĩa đó. Ðồng nhất là đồng nhất trong
nhóm; đối lập là đối lập khác nhóm. Riêng phạm trù sự vật ta có thể tách ra
ba nét nghĩa lớn. Mỗi nét nghĩa qui tụ một số từ:
Ðồ vật: nhà, bàn, ghế, xe...
Thực vật: cây, trái, lá, cỏ...
Sinh vật: người, chó, mèo, chim...
1.1.2.3. Trường nghĩa
5
Hiện nay, có rất nhiều quan niệm khác nhau về trường từ vựng, tuy
nhiên, trong luận văn này, chúng tôi sử dụng các cơ sở lý thuyết của Đỗ
Hữu Châu làm cơ sở chính. Theo Đỗ Hữu Châu, “Mỗi tiểu hệ thống ngữ
nghĩa được gọi là một trường nghĩa. Đó là tập hợp đồng nhất với nhau về
nghĩa” [3,tr67]
Ví dụ như trường biểu vật về hoạt động của người gồm:
- Hoạt động trí tuệ: suy nghĩ, tư duy, ngẫm nghĩ, nghiền ngẫm, phân
tích, phán đoán, tổng hợp, kết luận,..
- Hoạt động của các giác quan để cảm giác: nghe, nhìn, trông, thấy,
ngó, liếc, nếm, ngửi, sờ, chạm,..
1.1.2.4. Hiện tượng đa nghĩa
Ngôn ngữ có quy luật tiết kiệm: dùng cái hữu hạn để biểu hiện cái vô
hạn. Quy luật này thể hiện ở tất cả các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Về
mặt từ vựng, quy luật tiết kiệm thể hiện ở chỗ: cùng một hình thức ngữ âm
có thể diễn đạt nhiều nội dung khác nhau. Vì vậy hiện tượng từ nhiều nghĩa
được xem là một trong những quy luật có tính phổ quát của các ngôn ngữ.
So với các ngôn ngữ khác trên thế giới, hiện tượng từ nhiều nghĩa
trong tiếng Việt cũng có những đặc điểm riêng của mình. Để biểu thị
những sự vật, hiện tượng hoặc khái niệm mới ra đời, tiếng Việt có thiên
hướng cấu tạo các đơn vị từ vựng mới hơn là phát triển nghĩa của các đơn
vị từ vựng đã có từ trước. Số đơn vị từ có nhiều nghĩa cũng như số nghĩa
trong những từ đa nghĩa của tiếng Việt đều thấp so với nhiều ngôn ngữ
khác. Trong khi đó, số lượng các đơn vị từ vựng mới tăng lên rất nhanh,
đặc biệt là những đơn vị hai âm tiết.
6
Hiện tượng đa nghĩa của tiếng Việt chủ yếu xảy ra ở các từ. Hiện
tượng đa nghĩa của tiếng Việt có hai kiểu sau đây:
•
Hiện tượng đa nghĩa của các từ độc lập về nghĩa, hoạt động tự do.
Hiện tượng này có tính năng động, phát triển. Nghĩa tự do là nghĩa
liên hệ trực tiếp với sự phản ánh các hiện tượng của thực tế khách
quan. Sự hoạt động của các nghĩa này không bị hạn chế vào các ngữ
cố định, mà có mối quan hệ rộng rãi, nhiều vẻ. Bởi vì rằng mối quan
hệ của các từ có nghĩa tự do với các từ khác không phải do quy luật
nội tại của hệ thống từ vựng quy định mà do bản thân những mối liên
hệ có thật tồn tại giữa những sự vật, hiện tượng khách quan được các
từ này biểu thị, quy định.
•
Hiện tượng đa nghĩa của các từ độc lập về nghĩa, hoạt động hạn chế.
Nghĩa hạn chế là nghĩa chỉ được thể hiện trong những kết hợp hạn
chế. Có lẽ đối với tiếng Việt, nghĩa hạn chế là hiện tượng phổ biến
hơn các ngôn ngữ khác. Chính các nghĩa hạn chế góp phần tạo ra
tính cố định của các cụm từ.
Trong các nghĩa của một từ đa nghĩa có một nghĩa là nghĩa cơ bản
còn các nghĩa khác là nghĩa phái sinh. Nghĩa cơ bản thường phải là nghĩa
tự do. Trường hợp từ có một vài nghĩa tự do thì có một nghĩa tự do là cơ
bản, các nghĩa khác là nghĩa tự do phái sinh.
1.1.2.5. Hiện tượng đồng nghĩa
Trong lịch sử ngôn ngữ học, khái niệm từ đồng nghĩa được xác định
một cách khác nhau. Một số người căn cứ vào nghĩa sở chỉ coi từ đồng
nghĩa là những tên gọi khác nhau của cùng một sự vật, hiện tượng của thực
tế khách quan. Sự thống nhất trong hàng loạt đồng nghĩa chủ yếu là chức
7
năng gọi tên. A.A. Reformatskiy viết: “… hai từ cùng gọi tên một sự vật
nhưng tương quan với sự vật đó với những khái niệm khác nhau và chính
vì vậy mà qua cách gọi tên bộc lộ ra nhiều thuộc tính khác nhau của sự vật
đó” [6,tr59]. Quan niệm này có từ rất lâu, gắn liền với việc nghiên cứu các
hiện tượng đồng nghĩa trong lĩnh vực danh từ. Tiêu chuẩn này dễ dàng áp
dụng cho trường hợp các từ cùng biểu thị một sự vật, hiện tượng cụ thể
trong thực tế mà chúng ta có thể tri giác được.
Nói về bản chất hiện tượng đồng nghĩa, các từ đồng nghĩa thường
được định nghĩa một cách đơn giản: Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa
giống nhau hay gần giống nhau. Quan niệm này bị phê phán vì nhiều mặt.
Thứ nhất, nó không tính tới một cách nghiêm túc hiện tượng nhiều nghĩa
của các từ. Trừ những trường hợp một nghĩa, hầu hết các từ nhiều nghĩa chỉ
đồng nghĩa với nhau ở một hay một vài nghĩa nào đó. Thứ hai, do không
phân biệt nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm, định nghĩa này cũng không chỉ
rõ được trong các từ đồng nghĩa thì nghĩa nào giống nhau là cơ bản, nghĩa
biểu vật hay nghĩa biểu niệm? Trừ những từ đồng nghĩa tuyệt đối, tuyệt đại
bộ phận các từ đồng nghĩa khác nhau đôi chút về ý nghĩa biểu niệm. Sự
khác nhau về ý nghĩa biểu niệm bộc lộ đặc biệt rõ ràng trong các trường
hợp đồng nghĩa lời nói. Trong lời nói, các từ có thể hoàn toàn đồng nhất về
ý nghĩa biểu vật, nhưng trong ngôn ngữ, các từ đã khác nhau về ý nghĩa
biểu niệm thì thế nào cũng khác nhau về ý nghĩa biểu vật. Định nghĩa trên
còn bị phê phán ở một phương diện nữa: nó chỉ dựa vào một tiêu chuẩn duy
nhất là tiêu chuẩn ý nghĩa mà theo một số nhà ngôn ngữ học là mơ hồ, dễ
chịu ảnh hưởng của sự suy luận chủ quan của người nghiên cứu. Đúng là
những từ đồng nghĩa có thể thay thế cho nhau được trong những ngôn cảnh
giống nhau mà ý nghĩa của ngôn cảnh không thay đổi. Nhưng không phải
8
tất cả các từ đồng nghĩa đều có thể thay thế nhau trong cùng một ngôn
cảnh. Mặt khác có những từ thay thế được cho nhau trong một ngôn cảnh
mà ý nghĩa của ngôn cảnh không thay đổi về cơ bản nhưng chúng không
phải là những từ đồng nghĩa.
Tóm lại, để xác định từ đồng nghĩa, không chỉ dựa vào từng tiêu chí
hay ngôn cảnh tách rời: phải sử dụng cả hai tiêu chí, song chủ yếu vẫn là
tiêu chí ý nghĩa. Quan niệm đúng đắn về hiện tượng đồng nghĩa có thể đạt
được nếu chúng ta vận dụng tất cả những thành tựu trong các lĩnh vực
khác về ngữ nghĩa để rút ra kết luận:
•
Đồng nghĩa trước hết là một hiện tượng có phạm vi rộng khắp trong
toàn bộ từ vựng, chứ không chỉ bó hẹp trong những nhóm với một số
có hạn những từ nhất định. Nói khác đi, đồng nghĩa trước hết là quan
hệ về ngữ nghĩa, giữa các từ trong toàn bộ từ vựng. Đó là quan hệ
giữa các từ ít nhất có chung một nét nghĩa.
•
Các từ chỉ đồng nghĩa với nhau khi đã cùng thuộc một trường nghĩa.
Một số từ có nhiều nghĩa tức là một từ có thể thuộc nhiều trường
nghĩa, do đó có thể đồng nghĩa với nhiều nhóm từ khác nhau. Các
nhóm từ khác nhau đồng nghĩa với một từ nhiều nghĩa là những
nhóm từ ở các trường nghĩa khác nhau
•
Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có nhiều mức độ tùy theo số
lượng các nét nghĩa chung trong các từ. Mức độ đồng nghĩa thấp
nhất khi các từ chỉ có chung một nét nghĩa đồng nhất. Mức độ đồng
nghĩa cao nhất xảy ra khi các từ đó có tất cả các nét nghĩa hoặc đại
bộ phận các nét nghĩa trùng nhau, chỉ khác một hoặc vài nét nghĩa cụ
thể nào đó.
9
Căn cứ vào mức độ đồng nghĩa về ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu
niệm và ý nghĩa biểu thái – tức là những ý nghĩa thuộc hệ thống ngữ nghĩa
của từ vựng, có thể phân chia các từ đồng nghĩa thành:
•
Từ đồng nghĩa tuyệt đối: Đó là những từ đồng nghĩa nhất về ý nghĩa
biểu vật, ý nghĩa biểu niệm, ý nghĩa biểu thái, chỉ khác ở phạm vi sử
dụng, về kết cấu cú pháp.
•
Từ đồng nghĩa sắc thái: Là hiện tượng đồng nghĩa giữa các từ khác
nhau nhiều hay ít ngay trong các thành phần ý của chúng.
•
Từ đồng nghĩa biểu niệm: Là những từ đồng nghĩa khác nhau ở một
hoặc một vài nét nghĩa nào đó. Các từ đồng nghĩa biểu niệm thường
khác nhau về ý nghĩa biểu vật.
Tiếng Việt rất phong phú về hiện tượng đồng nghĩa. Sự phong phú
đó thể hiện ở số lượng, ở các biện pháp tạo ra chúng và nhất là mặt chất
lượng. Chất lượng của các từ đồng nghĩa tiếng Việt được đánh giá ở hai
mặt, thứ nhất ở các khu vực từ vựng – tức các trường và các miền trong
trường – có các từ đồng nghĩa và thứ hai, ở các nét nghĩa đối lập với nhau.
Hiện tượng đồng nghĩa là bằng chứng rất thuyết phục về cái giàu, cái đẹp
và cái trong sáng của ngôn ngữ Việt Nam. Hiện nay, các từ đồng nghĩa mới
đang tiếp tục xuất hiện. Có thể nói, một trong những quy luật phát triển của
từ vựng tiếng Việt là đồng nghĩa hóa các khái niệm, các từ. Dường như một
khái niệm, một sự kiện, một tính chất mới được phát hiện và đi vào tiếng
Việt thì nó đều có khả năng làm nảy sinh một số từ đồng nghĩa sắc thái hóa
nó.
Hiện tượng đồng nghĩa như thế vừa là biểu hiện tập trung của một
loại quan hệ ngữ nghĩa trong từ vựng: quan hệ đồng nghĩa, vừa là một hiện
10
tượng có tính chất xã hội, phản ánh những kết quả nhận thức, thực tế của
một dân tộc nào đó. Nó cũng đồng thời vừa là hệ quả, vừa là phương tiện
của những yêu cầu của sự diễn đạt, giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Tuy bản chất là tích cực nhưng cũng có khi hiện tượng này bị đẩy lên
thái quá, gây cồng kềnh cho ngôn ngữ, làm trở ngại cho tư duy và cho diễn
đạt giao tiếp. Cần biết tránh không tạo them những từ đồng nghĩa mà sự đối
lập sắc thái ý nghĩa quá chi tiết, khó phân biệt, do đó khiến cho chúng gần
trở thành những từ đồng nghĩa tuyệt đối.
1.1.2.6. Hiện tượng trái nghĩa
Từ trái nghĩa là một trong những biện pháp tổ chức từ vựng theo sự
đối lập. Có thể định nghĩa từ trái nghĩa là những từ khác nhau về ngữ âm,
đối lập về ý nghĩa biểu hiện khái niệm, tương phản về logic, nhưng tương
liên lẫn nhau .
Từ trái nghĩa bộc lộ các mặt đối lập của các khái niệm tương liên,
gắn liền với một phạm vi sự vật. Các từ đối lập nhưng biểu hiện các khái
niệm không tương liên thì không phải là các từ trái nghĩa.
Một định nghĩa khác thường gặp về từ trái nghĩa: từ trái nghĩa là
những từ đối lập, trái ngược nhau về ý nghĩa. Định nghĩa này thường đi
kèm với nhận xét cho rằng các từ trái nghĩa phải là những từ có chung một
ý nghĩa nào đó. Nếu khác tiêu chí, chúng chỉ đơn giản là những từ khác
nghĩa. Quan niệm này có nhược điểm là chỉ xem từ trái nghĩa như là cái gì
riêng lẻ, ngẫu nhiên, không có hiện tượng ngữ nghĩa khác trong từ vựng,
không giúp đưa ra phương pháp phát hiện và giải thích ý nghĩa của chúng,
sự chuyển hóa những từ khác nghĩa thành những từ trái nghĩa.
11
Các từ trong một trường nghĩa dọc có quan hệ đồng nhất và đối lập
với nhau, còn các từ thuộc các trường nghĩa khác nhau thì khác biệt nhau
về ngữ nghĩa. Một nét nghĩa rộng có thể được phân hóa thành những nét
nghĩa hẹp hơn. Như thế, có thể nói rằng nét nghĩa rộng đó là tiêu chí chung
làm cơ sở cho sự đồng chất của các từ trái nghĩa. Khi nó bị phân hóa một
cách cực đoan thành hai cực sẽ tạo thành từ trái nghĩa, khi các từ đồng nhất
với nhau ở một trong hai cực đó sẽ tạo thành từ đồng nghĩa.
Nói cách khác, trái nghĩa trước hết là một dạng quan hệ giữa các từ
trong cùng một trường, cùng tính chất với hiện tượng nhiều nghĩa. Trái
nghĩa và đồng nghĩa chỉ là những biểu hiện cực đoan của quan hệ đồng
nhất và đối lập.
Trái nghĩa là hiện tượng xuất hiện khi chúng ta phân hóa trường lớn
thành các trường nhỏ hay nhóm nghĩa nhỏ đối lập với nhau, trái ngược
nhau. Hiện tượng trái nghĩa là hiện tượng đồng loạt không chỉ là hiện tượng
giữa hai từ. Hàng loạt từ ở cực này trái nghĩa với hàng loạt từ ở cực kia.
Hiện tượng trái nghĩa cũng không phải xảy ra đối với toàn bộ ý nghĩa
của một từ, mà có tính chất của bộ phận, tức là một ý nghĩa của từ trái
nghĩa với từ này, một ý nghĩa kia trái nghĩa với từ khác. Một từ có thể trái
nghĩa với một số từ mà những từ này không đồng nghĩa với nhau.
Trong ngôn ngữ, hiện tượng trái nghĩa xảy ra nhiều nhất trong khu
vực các tính từ, tiếp đến là các động từ. Cũng có các danh từ trái nghĩa
nhưng ít hơn và phải có điều kiện. Cần phân biệt hai kiểu đối lập trong từ
trái nghĩa:
12
•
Sự đối lập về mức độ của các thuộc tính, phẩm chất của sự vật, hiện
tượng. Ví dụ: già – trẻ, thấp – cao, lớn – bé.
•
Sự đối lập loại trừ nhau. Ví dụ: giàu – nghèo, mua – bán, vào – ra
vv…
Từ trái nghĩa tiếng Việt đồng thời gắn liền với tính cân xứng, nghĩa
là dung lượng ngữ nghĩa của các từ trái nghĩa phải tương đương với nhau
trong khi hướng theo các chiều khác nhau. Mỗi vế của cặp trái nghĩa có thể
hình dung như phản ánh của vế kia qua một tấm gương phẳng.
1.1.2.7. Hiện tượng đồng âm
Đồng âm là hiện tượng phổ biến của mọi ngôn ngữ nhưng trong từng
ngôn ngữ cụ thể, hiện tượng đồng âm có những đặc điểm riêng, tùy theo cơ
cấu nội bộ của ngôn ngữ ấy.
Những đơn vị đồng âm là những đơn vị giống nhau về hình thức ngữ
âm nhưng khác nhau về ý nghĩa. Nói rõ hơn, các đơn vị đồng âm là những
đơn vị không có quan hệ đồng nhất và đối lập về ngữ nghĩa với nhau.
Chúng chỉ là những đơn vị khác biệt về ngữ nghĩa. Về mặt này, các đơn vị
đồng âm có tính chất ngẫu nhiên, không bị chi phối bởi các quy luật ngữ
nghĩa của ngôn ngữ.
Trong hệ thống ngôn ngữ, có những hình vị đồng âm với từ mà có
những từ đồng âm với các cụm từ do hay cố định. Đồng âm tuy là hiện
tượng xảy ra ở phương diện hình thức ngữ âm nhưng thực chất vẫn thuộc
về lĩnh vực ngữ nghĩa. Không dựa vào ý nghĩa thì không thể xác nhận được
bất cứ hiện tượng ngôn ngữ nào, trong đó có hiện tượng đồng âm.
13
Hiện tượng đồng âm trong tiếng Việt xuất hiện khá nhiều trong khu
vực những từ một âm tiết. Hiện tượng này sẽ giảm hẳn khi với hình vị một
âm tiết chúng ta tạo ra các từ phức hai âm tiết trở lên. Vì vậy, tạo ra các từ
phức là một trong những cách khắc phục hiện tượng đồng âm.
Hiện tượng đồng âm của từ và các đơn vị từ vựng khác trong tiếng
Việt có thể hình thành từ những con đường sau đây:
•
Do sự tiếp nhận các từ nước ngoài. Nhìn chung, những từ gốc Pháp
và gốc Hán tạo nên một số lớn các loạt từ đồng âm trong tiếng Việt.
•
Do sự biến đổi ngữ âm. Bản thân các từ ngoại lai khi vào tiếng Việt
đã có sự biến đổi ngữ âm và do đó đồng âm với nhau hoặc đồng âm
với một từ vốn có của tiếng Việt. Ngoài ra có những cặp từ đồng âm
là kết quả của quá trình biến đổi ngữ âm trong tiếng Việt. Ví dụ
dì
→ dì
chi → gi
•
mlời → lời, nhời
blát → trát
lợi
trát → trát
→ lời
Do sự phân hóa ý nghĩa của từ đa nghĩa. Về mặt đồng đại, hiện
tượng đồng âm tiếng Việt bao gồm không những các đơn vị khác
nhau về nguồn gốc, giống nhau về ngữ âm mà cả các đơn vị cùng
một nguồn gốc nhưng đã phát triển xa nhau về ngữ nghĩa.
•
Do sự hình thành các đơn vị từ vựng mới trên cơ sở chất liệu vốn có.
Ví dụ: từ hai yếu tố “anh” và “nuôi” đã tạo nên hai từ ghép khác
nhau: “anh nuôi 1” là “người anh không phải do bố mẹ mình đẻ ra
mà bố mẹ mình nuôi như con” và “anh nuôi 2” là “người đàn ông
làm nghề cấp dưỡng”.
14
Sự thực, hiện tượng đồng âm và hiện tượng nhiều nghĩa kể cả trong
lời nói về bản chất là một. Chúng phản ánh mâu thuẫn lớn của ngôn ngữ:
mâu thuẫn giữa tính có hạn của cái biểu hiện và tính vô hạn của cái được
biểu hiện. Như vậy, hiện tượng đồng âm có thể xem là sự “tới giới hạn”
của hiện tượng nhiều nghĩa. Điều chủ yếu là phải thấy được các mức độ
trong một vận động chung, xét trong hệ thống từ vựng có thể có những
mức độ sau đây:
•
Một hình thức ngữ âm, một nghĩa.
•
Một hình thức ngữ âm, nhiều nghĩa, nhưng hiện tượng nhiều nghĩa
bao gồm cả các nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm và cả nghĩa ngữ
pháp. Tính đồng loạt khá cao. Đó là các trường hợp chuyển loại lớn
hay chuyển tiểu loại đã dẫn hay trường hợp chuyển từ danh từ chỉ đồ
vật sang danh từ chỉ đơn vị (một chai rượu, một đấu gạo và cái chai,
cái đấu...), hoặc trường hợp chuyển tên gọi hoạt động sang tên gọi
đơn vị, sự vật do hoạt động đó mà có (một nắm xôi, một bó củi và
nắm, bó...)
•
Một hình thức ngữ âm, nhiều nghĩa. Hiện tượng nhiều nghĩa chỉ bao
gồm các nghĩa biểu vật chứ không bao gồm nghĩa ngữ pháp nhưng
tính đồng loạt vẫn cao biểu hiện trong sự chuyển nghĩa theo cùng
một hướng của những từ trong cùng một trường (mặt, tay, chân,
lung, bụng, lòng… và mặt ghế, tay ghế, lung ghế, chân ghế, bụng lò,
lòng súng…)
•
Một hình thức ngữ âm, nhiều nghĩa. Hiện tượng nhiều nghĩa bao
gồm nghĩa biểu vật, tính cùng hướng không rõ rang, tuy nhiên, vẫn
có thể đoán được cơ chế chuyển nghĩa (theo ẩn dụ, hoán dụ hay rút
gọn) như lùa vịt, lùa cơm vào miệng, cái lùa của thợ vàng bạc; cái
15
liềm cắt cỏ và cái liềm để xeo giấy, đầm trong ao đầm và đầm trong
lệ đầm thấm khăn…
•
Một hình thức ngữ âm, nhiều nghĩa nhưng không có tính đồng loạt,
không nhận ra cơ chế, tính nhiều nghĩa hoàn toàn cá biệt. Đó là
những trường hợp như đi trong đi giày, đi găng và những trường hợp
đồng âm ngẫu nhiên do nhiều nguyên nhân mà có.
Căn cứ vào các mức độ trên, chỉ có thể xem trường hợp thứ ba là
đồng âm. Những trường hợp còn lại là những từ nhiều nghĩa.
1.1.2.8. Hiện tượng từ tương tự
Đó là những nhóm từ gần nhau về mặt âm thanh và ý nghĩa. Ví
dụ: bắc và bấc giống nhau ở âm đầu và gió bắc hay gió bấc như nhau,
nhưng không hoàn toàn giống nhau vì không thể thay thế phương
bắc bằng phương bấc. Căn cứ vào ngữ âm của từ ngữ, có thể chia từ tương
tự trong tiếng Việt thành ba loại:
•
Trùng nhau ở âm đầu: bám, bấu, bíu; buộc, bó, băng; chầu, chờ,...
•
Trùng nhau ở phần vần: băm, bằm, vằm; bấu, cấu; cái, mái, nái;...
•
Trùng nhau ở cả âm đầu và phần vần: băm, bằm; lui, lùi; xoăn,xoắn;
đớp, đợp; vấp, vập;...
Căn cứ vào ngữ nghĩa của từ ngữ, có thể chia hiện tượng từ tương tự
trong tiếng Việt thành ba loại:
•
Có quan hệ tương đồng về nghĩa:
Vd: mồm, miệng, mép, mỏ, môi, mõm, miệng, mồi (mồm dùng cho
người, miệng như trong súc miệng, mỏ như trong mỏ vịt,...);
•
Có quan hệ tương cận về nghĩa:
16
Vd: bú và vú, chêm và nêm, đan và nan, đệm và nệm,... (quan hệ hành
động - đối tượng); gạn và cạn, giết và chết; đập và giập, thắt và chặt,...
(quan hệ hành động - kết quả)...
•
Có quan hệ tương đồng về tính chất tượng hình, tượng thanh:
V í d ụ: bét, bẹt, dẹt, kẹt, tẹt,...; bức bối, nhức nhối, bực bội, tức tối,...
1.1.2.9. Các lớp từ phân chia theo phạm vi xã hội
a. Thuật ngữ khoa học và từ nghề nghiệp
Thuật ngữ khoa học, kĩ thuật bao gồm các đơn vị từ vựng được dung
để biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm… trong những
ngành kỹ thuật công nghiệp và trong những ngành khoa học tự nhiên hay
xã hội.
Khác với từ vựng thông thường, thuật ngữ có ý nghĩa biểu vật trùng
hoàn toàn với sự vật, hiện tượng… có thực trong thực tế, đối tượng của
ngành khoa học kỹ thuật và ngành khoa học tương ứng. Ý nghĩa biểu niệm
của chúng cũng là những khái niệm tồn tại trong tư duy. Về mặt nội dung,
ở các thuật ngữ không xảy ra sự chia cắt thực thể khách quan theo cách
riêng của ngôn ngữ. Mỗi thuật ngữ như là một “cái nhãn” dán vào đối
tượng này tạo nên chính nội dung của nó. Tính hệ thống về mặt ngữ nghĩa
của thuật ngữ là do tính hệ thống của bản thân đối tượng và khái niệm
trong ngành khoa học và kỹ thuật đó quyết định.
Do đặc tính trùng hợp giữa ý nghĩa biểu vật với sự vật, hiện tượng,
đối tượng của khoa học kỹ thuật và trùng hợp giữa ý nghĩa biểu niệm với
khái niệm về các sự vật hiện tượng đó, các thuật ngữ còn có những đặc
điểm như sau:
17
Tính chính xác: A.A Reformatskiy nói rất đúng: “hệ thuật ngữ, là
•
một đặc điểm của khoa học, kỹ thuật, chính trị, tức là của những lĩnh
vực hoạt động xã hội đã được tổ chức một cách trí tuệ”. Các khái
niệm khoa học, kỹ thuật về căn bản là những hiểu biết tương đối
đúng đắn, khách quan mà nhân loại đã đạt được trong suốt cả một
quá trình lâu dài nhận thức và chinh phục thế giới khách quan. Tuy
vậy, không phải khái niệm khoa học bao giờ cũng là khái niệm tuyệt
đối đúng. Tính đúng đắn hay sai lầm của các khái niệm khoa học
không quyết định tính chính xác uẩ các thuật ngữ. Có những thuật
ngữ gọi tên những khái niệm đúng, có những thuật ngữ gọi tên khái
niệm sai. Điều quan trọng là ở chỗ các thuật ngữ phải biểu thị cho
đúng cái khái niệm mà chúng gọi tên. Một thuật ngữ chính xác là
một thuật ngữ khi nói ra, viết ra, người nghe, người đọc hiểu một và
chỉ một khái niệm khoa học ứng với nó mà thôi.
Tính quốc tế: Các thuật ngữ nhất là các thuật ngữ khoa học có tính
•
quốc tế cả về ngữ nghĩa, cả về hình thức. Tính quốc tế về ngữ nghĩa
của các thuật ngữ là một điều hiển nhiên bởi vì các khái niệm khoa
học mà chúng hiển thị
b. Biệt ngữ và tiếng lóng
Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ chỉ dùng trong một nhóm người nhất
định. Vd:
- Trứng : điểm không --- biệt ngữ của học sinh, sinh viên.
- Phao : tài liệu dùng để quay bài khi thi --- biệt ngữ của học sinh, sinh
viên.
- Cháy giáo án : hết giờ mà dạy chưa hết giáo án ---- biệt ngữ của giáo viên.
Tiếng lóng là một bộ phận từ ngữ do những nhóm, những lớp người
trong xã hội dùng để gọi tên những sự vật, hiện tượng, hành động,... vốn đã
18
có tên gọi trong vốn từ vựng chung, nhằm giữ bí mật trong nội bộ nhóm
mình, tầng lớp mình. Mỗi tầng lớp xã hội, nói đúng hơn là mỗi một “tiểu xã
hội” đều có thể có những từ ngữ riêng (nhiều hay ít), được sử dụng riêng,
nhằm giữ bí mật riêng hoặc vui đùa riêng. Ví dụ: Bộ đội phòng không–
không quân có những từ ngữ như: lính phòng không (chưa vợ), lái F (vợ
còn trẻ, chưa có con), lái bà già (vợ đã có vài con, vợ đã cứng tuổi), đi Rờ,
đi bán kính (tranh thủ về nhà trong khoảng cách gần),...Ngay cả sinh viên
cũng có tiếng lóng của họ: phao (tài liệu sử dụng gian lận trong kì
thi), chết (thi hỏng), ngánh (nhìn trộm bài), phim (ghi sẵn bài vào giấy để
xem trộm), a lô(ra hiệu cầu cứu hoặc bảo cho bạn),...
c. Từ toàn dân và từ địa phương
Từ toàn dân là lớp từ được mọi người trong cộng đồng tiếp nhận và
sử dụng. Mỗi ngôn ngữ đều có lớp từ này và lớp từ này đóng vai trò cơ bản
trong hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ. Lớp từ này cũng chĩnh là lớp từ
chuẩn của một ngôn ngữ, được dùng chủ yếu trên các văn bản viết. Hiện
nay, từ toàn dân trong tiếng Việt được ngầm hiểu là lớp từ gắn liền với lớp
từ vựng của tiếng Hà Nội- tiếng nói của người dân Thủ đô, đã có quá trình
hình thành gần 1000 năm. Ðó là các từ chỉ những sự vật, hiện tượng, hoạt
động, tính chất gắn liền với cuộc sống thường ngày: cha, mẹ, nhà, xe; ăn,
uống, ngủ, nghỉ; lớn, nhỏ, già trẻ...
Từ địa phương là lớp từ gắn liền với một phạm vi sử dụng hẹp của
một địa phương, thường là một miền, có đôi khi phạm vi sử dụng hạn hẹp ở
một tỉnh. Lớp từ này thường được sử dụng trong giao tiếp khẩu ngữ, đôi
khi cũng được người dùng trên cả văn bản viết. Và tất nhiên việc dùng
nhiều từ địa phương có thể gây trở ngại cho giao tiếp chung; nhưng sự xuất
hiện của từ địa phương cũng góp phần làm phong phú thêm cho lớp từ
vựng chung- từ toàn dân. Như vậy, vẫn đề nhìn nhận từ địa phương cũng
19
cần có cái nhìn biện chứng, thích hợp. Thường trong tiếng Việt, các nhà
ngữ học nhìn nhận có hai lớp từ vựng địa phương cơ bản, đó là từ địa
phương Bắc bộ, thường được đánh đồng là từ toàn dân, và từ địa phương
Nam bộ, thường được đánh đồng là từ địa phương ( nhận định này hơi máy
móc ). Về lớp từ vựng địa phương có thể nêu ra một số đơn vị tiêu biểu
như: má, u, bầm, me; thầy, bố, tía, ba; heo, bắp, mùng, mền; coi, ngó,
bệnh; ốm, béo...
1.1.2.10. Các lớp từ phân chia theo mức độ sử dụng
a. Từ vựng tích cực và từ vựng tiêu cực
Tích cực và tiêu cực ở đây được hiểu là từ ngữ có đóng vai trò tích cực
trong đời sống giao tiếp hay không, tức là chúng có thường xuyên được sử
dụng hay không. Trong thực tế, có rất nhiều từ ngữ luôn luôn được mọi
người sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc. Nghĩa là chúng thường xuyên xuất hiện
trong giao tiếp (ở dạng này hay dạng khác, nói hay viết, độc thoại hay đối
thoại…). Chúng thuộc lớp từ tích cực vì được sử dụng "một cách tích cực".
Ngược lại, có những từ ngữ rất ít được sử dụng, hoặc chỉ sử dụng trong bối
cảnh giao tiếp nào đó (vì không phải là quen thuộc với đa số người trong xã
hội). Chúng thuộc lớp từ tiêu cực vì chỉ được sử dụng "một cách tiêu cực".
Ví dụ, trong tiếng Việtm, các từ: am, lệ (sợ), thái thú, suất đội… là những
từ tiêu cực; còn: nhà, người, đi, đẹp… là những từ tích cực. Vậy những
thuật ngữ khoa học, kĩ thuật thuộc các lĩnh vực chuyên môn hẹp và sâu,
những từ địa phương không có khả năng phổ biến; đặc biệt là những từ đã
cổ, đã lỗi thời, hoặc vừa mới nảy sinh chưa được xã hội biết đến và sử dụng
đều thuộc lớp từ này.
Mỗi địa phương, mỗi tầng lớp xã hội, mỗi lứa tuổi, giới tính, mỗi nghề
nghiệp và ngay cả mỗi cá nhân… đều có từ vựng tích cực và tiêu cực của
riêng mình, bởi vì việc tích luỹ, xây dựng và sử dụng từ ngữ ở các đối
20
tượng đó không thể đồng đều, như nhau được, và do rất nhiều nhân tố tác
động, ảnh hưởng.
Lớp từ ngữ tích cực là thành phần cơ bản, trụ cột của từ vựng. Chứng cớ
là: để dạy tiếng cho người nước ngoài, người ta thường biên soạn những từ
điển tối thiểu, bao gồm những từ ngữ hay được dùng nhất để cung cấp cho
họ. Từ điển này sẽ góp phần giúp họ nhanh chóng nắm bắt được những từ
ngữ thường được dùng một cách tích cực nhất và nhanh chóng đi vào đời
sống giao tiếp chung với người bản ngữ.
b. Từ mới
Có nhiều con đường dẫn tới việc xuất hiện từ ngữ mới, phần lớn do du
nhập từ nước ngoài. Chẳng hạn hiện nay trong tiếng Việt các từ ngữ: tin
học, phần cứng, phần mềm, đầu vào, đầu ra… mới được nói tới trên một số
phương tiện thông tin đại chúng. Từ vựng của mọi ngôn ngữ được phong
phú hoá, đa dạng hoá không phải chỉ ở chỗ có những từ ngữ mới xuất hiện.
Nó còn thể hiện ở việc tạo dựng nghĩa mới cho những từ hiện có; hoặc tìm
tòi những cách dùng mới cho đúng. Lẽ đương nhiên, ở đây phải luôn luôn
lưu ý tới những cách dùng, những sáng tạo cá nhân. Rất có thể một tác giả,
một cá nhân nào đó trong khi dử dụng ngôn từ có thể xây dựng, đưa ra một
cách dùng mới, một sắc thái mới trong nội dung cho từ; và cách dùng đó,
sắc thái mới đó rất độc đáo. Khi một từ vừa mới xuất hiện, chắc chắn chưa
có nhiều người trong phạm vi xã hội biết đến. Tuy vậy, nếu sau đó, từ này
được chấp nhận và phổ biến trong xã hội một cách rộng rãi thì nó lại nhanh
chóng đi vào lớp từ vựng tích cực.
1.3.
Các phương pháp giảng dạy từ vựng
1.3.1. Phương pháp phân tích ngôn ngữ
21
- Khái niệm:
Phương pháp phân tích ngôn ngữ là phương pháp trong đó giáo viên
hướng dẫn học sinh tìm hiểu các hiện tượng ngôn ngữ, trên cơ sở đó rút ra
những nội dung lí thuyết hoặc thực hành cần ghi nhớ.
- Cơ sở khoa học:
Dựa trên đặc điểm, quy luật hoạt động của tiếng Việt để tổ chức cho học
sinh nhận thức về các hiện tượng ngôn ngữ cần tìm hiểu.
- Sự thể hiện của phương pháp:
Sự thể hiện của phương pháp nằm ở chính quá trình phân ngữ liệu ra
thành từng bộ phận theo nguyên tắc cấp bậc để phân tích.
- Quy trình vận dụng: Gồm 4 bước:
Bước 1: Cung cấp ngữ liệu hoặc cung cấp hiện tượng ngôn ngữ cần phân
tích. Ngữ liệu phải đảm bảo tính đặc trưng, chuẩn mực của ngôn ngữ, được
mọi người thừa nhận không gây tranh cãi; ngắn gọn, phù hợp với tâm lí
tiếp nhận của học sinh.
Bước 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát, phân tích ngữ liệu theo
định hướng của nội dung bài học thông qua một hệ thống câu hỏi gợi ý có
tính định hướng cho các em.
Bước 3: Khái quát những điều đã phân tích thành lí thuyết để cung cấp
cho học sinh. Từ kết quả của việc phân tích trên một ngữ liệu cụ thể, giáo
viên khái quát nâng lên thành nội dung lí thuyết cần ghi nhớ.
22
Bước 4: Củng cố và vận dụng lí thuyết đã học vào việc luyện tập phân
tích một số hiện tượng ngôn ngữ.
- Lưu ý: Để giúp học sinh hiểu sâu và củng cố nội dung lí thuyết vừa học,
giáo viên cần cho học sinh luyện tập thông qua hệ thống bài tập nhận diện
và bài tập vận dụng.
1.3.2. Phương pháp luyện theo mẫu
- Khái niệm:
Là phương pháp giáo viên sử dụng mẫu cụ thể về lời nói (mô hình lời
nói) để hướng dẫn học sinh tìm hiểu đặc điểm của mẫu, qua đó học sinh
biết cách tạo ra những lời nói theo định hướng của mẫu.
- Cơ sở khoa học:
+ Cơ sở của phương pháp chính là vấn đề về quy luật nhận thức trong triết
học: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng; từ tư duy trừu tượng
đến đến thực tiễn.
+ Phù hợp với tâm lí và khả năng tiếp nhận của học sinh.
- Sự thể hiện của phương pháp:
Học sinh tạo ra các đơn vị ngôn ngữ, lời nói bằng việc mô phỏng các đơn
vị ngôn ngữ, lời nói được giới thiệu thông qua mẫu
- Quy trình vận dụng: Gồm 4 bước:
Bước 1: Cung cấp mẫu.
23
Vì đây là phương pháp luyện theo mẫu nên mẫu cần đạt đến sự chuẩn
mực và ngắn gọn.
Bước 2: Phân tích đặc điểm, cấu tạo của mẫu.
Đây là bước quan trọng và khó nhất, quyết định kết quả tạo lập sản phẩm
ngôn ngữ cuả học sinh; đồng thời có thể giúp các em tránh được tình trạng
rập khuôn, máy móc theo mẫu. Vì vậy, giáo viên cần nắm rõ đặc điểm của
mẫu để tổ chức cho học sinh phát hiện được các đặc điểm đó một cách chủ
động, sáng tạo.
Bước 3: Học sinh tạo ra lời nói theo định hướng của mẫu.
Giáo viên tổ chức cho học sinh dựa vào đặc điểm của mẫu để tạo ra
những sản phẩm riêng dưới nhiều hình thức thích hợp.
Bước 4: Đánh giá chất lượng lời nói trong sự đối chiếu với mẫu.
Dựa vào đặc điểm của mẫu, giáo viên sẽ đánh giá kết quả luyện tập của
học sinh.
1.3.3. Phương pháp giao tiếp
- Khái niệm:
Là phương pháp sắp xếp các hiện tượng và ngữ liệu ngôn ngữ sao cho
các tài liệu ấy vừa bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ của hệ thống ngôn ngữ,
vừa phản ánh được đặc điểm chức năng của chúng trong hoạt động giao
tiếp. Mục đích của phương pháp giao tiếp là phát triển lời nói cho học sinh.
- Cơ sở khoa học:
24
Cơ sở của việc đề xuất phương pháp này chính là dựa vào chức năng
giao tiếp của ngôn ngữ và mục đích của việc dạy tiếng trong nhà trường.
- Sự thể hiện của phương pháp:
Sự thể hiện phương pháp trong dạy học tiếng Việt rất đa dạng:
+ Tổ chức, sắp xếp, trình bày các yếu tố ngôn ngữ theo quan điểm chức
năng.
+ Nâng cao tính thực hành trong dạy tiếng Việt.
+ Khi giảng dạy các đơn vị ngôn ngữ cần đặt đơn vị bậc thấp trong lòng
đơn vị bậc cao.
+ Lựa chọn kiến thức, tài liệu dạy học sao cho phù hợp với thực tiễn.
+ Chú ý rèn luyện cả bốn dạng hoạt động ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết
cho học sinh.
- Quy trình vận dụng: Gồm 4 bước:
Bước 1: Miêu tả tình huống giao tiếp giả định.
Sự miêu tả này cần tập trung làm rõ những nhân tố để lại dấu ấn trong lời
nói, ví dụ như: đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao
tiếp…
Bước 2: Phân tích tình huống giao tiếp giả định để lựa chọn đưa ra những
lời nói phù hợp với tình huống được nêu ở bước 1.
25