GIẢI PHÁP QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUÁ TRÌNH ĐỔI
MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY
Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) là một yêu cầu tất yếu trong sự nghiệp đổi mới giáo
dục – đào tạo của nước ta. Đây cũng đang là vấn đề cấp bách không chỉ được toàn ngành giáo
dục quan tâm mà cũng là sự quan tâm trong đường lối lãnh đạo công tác giáo dục của Đảng, từng
được ghi trong các Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) và Nghị quyết Trung ướng 2 (khoá
VIII), Luật giáo dục.
Vấn đề đổi mới PPDH không phải là mới đối với nhà trường phổ thông. Nó đã được đề
cập, phát động dưới nhiều cách thức khác nhau trong các nhà trường từ thập kỷ 70 (thế kỷ XX).
Đội ngũ giáo viên phổ thông của ta ít nhiều cũng đã được các nhà trường sư phạm trang bị vốn
liếng về các PPDH tích cực. Vậy thì tạ sao vấn đề đó bây giờ chuyển động vẫn rất chậm chạp,
vẫn được đánh giá là yếu kém. Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Song nguyên
nhân quan trọng nhất là: công tác quản lý, từ cấp quản lý hệ thống tới quản lý ở các cơ sở trường
học còn nhiều bất cập. Phần đông các chủ thể quản lý (nhất là hiệu trưởng nhà trường) chưa thực
sự vào cuộc, thậm chí chưa được quan tâm trong công tác chỉ đạo, quản lý. Bởi vậy, muốn quá
trình đổi mới PPDH ở nhà trường phổ thông có hiệu quả, cần đổi mới công tác quản lý, nhằm
giải quyết những bất cập, những trở ngại cho quá trình này.
1. Nhận diện những khó khăn ảnh hưởng tới quá trình đổi mới phương pháp dạy học ở
trường phổ thông.
1.1. Về chất lượng đội ngũ giáo viên
Giáo viên là lực lượng quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới PPDH. Tuy hiện nay
chúng ta có một đội ngũ giáo viên phổ thông đã đảm bảo số lượng (nhiều nơi dư thừa), đa dạng
về trình độ, mức sống được đảm bảo khá hơn trước, nhưng trên thực tế đời sống trường học,
chúng ta vẫn thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng để đảm nhận dạy học theo hướng đổi mới.
Cụ thể, giáo viên còn nhiều bất cập trong nghiệp vụ sư phạm, thể hiện qua các kỹ năng
phân tích, lựa chọn kiến thức cơ bản và trọng tâm; các kỹ năng xác định, lựa chọn và sử dụng
PPDH bộ môn; kỹ năng hướng dẫn cách thức cho học sinh học tập; kỹ năng kiểm tra đánh giá
kết quả học tập của học sinh theo hướng đổi mới …
Đổi mới giáo dục chẳng những đòi hỏi người giáo viên phải từ bỏ hàng loạt những thói
quen tư duy và thói quen dạy học đã ăn sâu thành nếp qua nhiều năm học mà còn phải “lao tâm
khổ tứ”, vất vả tìm hiểu từ những tinh thần đổi mới của ngành, của bộ môn mình đảm nhiệm nói
chung đến những bài dạy, tiết dạy cụ thể. Đây là bước chuyển từ nhận thức tư tưởng tới hành
động thực tiễn, từ đổi mới trên lý luận tới đổi mới trên những công việc giáo dục, giảng dạy thực
tiễn hàng ngày. Đây là quá trình hoàn toàn không dễ dàng gì.
1.2. Về nội dung chương trình
1
Hiện nay, chương trình và nội dung dạy học phổ thông đang được đổi mới và có nhiều tiến
bộ đáng kể. Tuy nhiên, tiếng nói từ thực tiễn nhà trường vẫn cho rằng, vẫn còn tình trạng quá tải
về kiến thức do cấu trúc chương trình còn nặng, vẫn có xu hướng trình bày kiến thức với liều
lượng nhiều mà nhẹ về hướng dẫn phương pháp và tổ chức cho học sinh làm việc. Điều này dẫn
đến tình trạng: giáo viên chỉ lo “chạy” cho hết bài, kịp thời gian tiết học mà không có điều kiện
tổ chức các phương án học tập để học sinh theo đó khai thác kiến thức và thực hành luyện tập,
qua đó mà học cách học.
Thêm nữa, trong chương trình hiện hành việc xác định mục tiêu bài học ở một số bộ môn
còn chung chung, chưa tường minh, chưa thực sự là những đích cần đạt có thể định lượng, chưa
thực sự là những chuẩn mực để theo đó giáo viên tiến hành và đo đếm chất lượng học tập được
thuận lợi.
Sách giáo khoa hiện hành trong nhiều năm qua kiến thức còn nặng; cách trình bày còn
nghèo nàn, đơn điệu, mang nặng tính “thông báo kiến thức”; tính định hướng PPDH còn mờ
nhạt; việc hướng dẫn học sinh học tập và dạy cách học cho họ chưa được quan tâm thể hiện
trong đó. Tài liệu tham khảo, tài liệu ôn tập chồng chéo, theo kiểu giải sẵn nhiều hơn tài liệu hệ
thống hoá kiến thức và hướng dẫn cách học. Hiện nay, việc biên soạn lại sách giáo khoa theo
định hướng đổi mới đang khắc phục dần tình trạng trên.
1.3. Về phương tiện dạy học
Với ý nghĩa là hệ thống công cụ hỗ trợ dạy học, thiết bị giáo dục vừa có ý nghĩa như một
nguồn tri thức cần khai thác, vừa như một điều kiện kích thích tính tích cực học tập ở người học.
Tuy nhiên, trong trường phổ thông ở ta hiện nay, vẫn thiếu trầm trọng các phương tiện dạy học
thông thường cũng như hiện đại. Điều này dẫn đến tình trạng buộc người giáo viên vẫn phải thiết
kế và tiến hành dạy học theo lối thuyết trình hoặc hỏi-đáp là chủ yếu mà không đủ điều kiện để
thực hành các PPDH mới. HS cũng chủ yếu theo đó mà nghe và ghi, ít được thực hành, nghiên
cứu trên những công cụ, phương tiện vật thật, nên không phát huy hứng thú, óc tò mò và tư duy
khoa học.
1.4. Về kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học
Kiểm tra, đánh giá theo hướng nào, việc dạy học sẽ theo hướng đó. Rất tiếc, khâu này ở
nước ta lạc hậu khiến cho đổi mới PPDH khó thực hiện. Cụ thể: thi và kiểm tra các cấp, các lớp,
chủ yếu nhằm vào tái hiện, học thuộc; tham về trình bày kiến thức; hình thức bài làm đơn điệu,
dẫn đến tình trạng học sinh học theo bài mẫu, triệt tiêu sự sáng tạo. Khi đánh giá bài thi, bài kiểm
tra, giáo viên ít tôn trọng cá tính sáng tạo của học sinh, lấy kiến thức của sách, của thầy làm
chuẩn. Các cấp quản lý đánh giá chất lượng của giáo viên, của lớp học, trường học dựa theo tỷ lệ
% thi cuối kỳ, cuối năm, nên triệt tiêu những nỗ lực đổi mới PPDH của đội ngũ giáo viên cũng
như của các nhà trường.
2
2. Những giải pháp tổ chức, quản lý nhằm nâng cao chất lượng quá trình đổi mới PPDH ở
trường phổ thông
2.1. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ GV trong nhà trường về vấn đề đổi mới PPDH.
a. Về mục đích:
+ Trang bị những tri thức cần thiết, làm cho mọi GV, mọi bộ phận trong trường nâng cao
nhận thức, thống nhất tư tưởng về ĐMPPDH;
+ Tạo ra sự kích thích đội ngũ trong lao động sáng tạo thực hiện vận dụng phương pháp
mới nhằm góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
b. Về nội dung: Làm cho giáo viên và cán bộ trong trường nhận thức rõ:
+ Tính cấp thiết của đổi mới PPDH: một mặt, làm cho tập thể sư phạm cần thống nhất
nhận thức: đây là yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, là hạt nhân của việc thực hiện chương
trình, sách giáo khoa mới, là điều kiện trực tiếp để nâng cao chất lượng giáo dục; mặt khác, cần
coi đây là thách thức đội ngũ mà đội ngũ cần phải đáp ứng, nhưng cũng là cơ hội phát triển của
mỗi giáo viên và của mỗi nhà trường.
+ Những định hướng cơ bản của đổi mới PPDH hiện nay:
•
- Phát huy tính tích cực tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh;
•
- Bồi dưỡng phương pháp tự học;
•
- Rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn;
•
- Tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS.
+ Những đặc trưng cơ bản của phương pháp tích cực:
•
- Dạy học thông qua tổ chức các hoạt động của học sinh;
•
- Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh;
•
- Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập cá thể, phối hợp với hoạt động học tập hợp
•
- Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò.
tác;
c- Về hình thức tổ chức:
•
- Tổ chức cho giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng hè do Sở, Bộ tổ chức;
•
- Tổ chức học tập, nghiên cứu các tài liệu lý luận nghiệp vụ tại tổ, trường;
•
- Tăng cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trong nhóm, tổ chuyên môn và vận dụng
giải quyết từng vấn đề theo yêu cầu ĐMPPDH.
•
- Tổ chức các đợt học tập xen kẽ, lồng ghép vào các sinh hoạt chuyên môn, rèn luyện tay
nghề hàng tuần, hàng tháng trong tổ chuyên môn hoặc các kỳ hội giảng, thi giáo viên giỏi các
cấp.
2.2. Tổ chức, chỉ đạo thường xuyên các hoạt động thực hành đổi mới phương pháp dạy học
trong năm học.
a- Xác định trọng tâm chỉ đạo:
3
Thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện những hoạt động đổi mới phù hợp, có thể
thực hiện được ngay như sau:
Một là: Đổi mới cách xác định mục tiêu bài học: Việc xác định mục tiêu bài học cần đảm
bảo 2 yêu cầu cơ bản: 1) Định lượng được mức độ, chuẩn mực kiến thức, kỹ năng và thái độ học
sinh phải đạt được sau bài học để thực hiện, đồng thời lấy đó làm căn cứ đánh giá kết quả bài
học một cách khách quan, tránh tình trạng đánh giá cảm tính đối với một bài học. 2) Chú trọng
mục tiêu xây dựng phương pháp học tập, đặc biệt là phương pháp tự học qua mỗi giờ học, bài
học;
Hai là: Đổi mới cách soạn giáo án trên cơ sở 3 định hướng sau: 1) Chuyển trọng tâm từ
thiết kế các hoạt động của thày sang hoạt động của trò; 2) Giáo án phải thực sự là một bản kế
hoạch lên lớp trong đó mọi hoạt động đều được tính đếm theo một quy trình hợp lý và có sự phối
kết hợp rất chặt chẽ các nguồn lực: người dạy, người học, sách giáo khoa, thiết bị dạy học…; 3)
Cần dự tính các phương án và cách thức có thể tiến hành để kiểm soát chất lượng làm việc của
học sinh
Ba là: Tăng cường tổ chức cho học sinh hoạt động với hai hình thức, hoặc làm việc độc lập
theo nhịp độ phân hoá cá nhân, hoặc làm việc theo nhóm; sử dụng triệt để các phiếu hoạt động
học tập; tăng cường giao tiếp thày – trò kết hợp mở rộng giao tiếp trò – trò;
Bốn là: Nâng cao chất lượng các câu hỏi trong tiết học và đề kiểm tra, giảm số câu hỏi tái
hiện sự kiện, tăng tỷ lệ các câu hỏi yêu cầu tư duy tích cực sáng tạo, chú trọng nhận xét sửa chữa
các câu trả lời cho học sinh.
Những hoạt động đổi mới trên cần được Hiệu trưởng quán triệt đồng bộ đối với tất cả các
giáo viên, ở tất cả các bộ môn. Tinh thần chỉ đạo chung là: trong mỗi tiết học bình thường, học
sinh được hoạt động nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn và quan trọng hơn là
được suy nghĩ nhiều hơn trong quá trình lĩnh hội nội dung học tập.
b-Lập kế hoạch tổ chức các hoạt động thực hành đổi mới phương pháp trong từng thời gian:
tuần, tháng, học kỳ, năm học (trên cơ sở kế hoạch chuyên môn của các tổ nhóm chuyên môn và
của nhà trường).
c- Tổ chức thực hiện:
•
Chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn chú trọng tất cả các khâu trong quy trình hoạt động: xác
định những yêu cầu đổi mới, bàn bạc, xây dựng thiết kế giáo án mẫu theo hướng đổi mới, lần
lượt cử giáo viên dạy thử nghiệm và tập thể dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm, so sánh với bài dạy
trước đó để thấy mặt tiến bộ và hạn chế.
•
Chỉ đạo điểm những giờ dạy học sinh phương pháp học tập, chú trọng hướng dẫn học
sinh tự học trên lớp và ở nhà dưới sự hướng dẫn của GV.
•
Tổ chức học tập, nghiên cứu, cải tiến cách thức kiểm tra kết quả học tập của học sinh
theo định hướng đổi mới: sử dụng hợp lý hai hình thức kiểm tra: tự luận và trắc nghiệm.
4
•
Đổi mới hoạt động của Thư viện nhà trường và Thiết bị dạy học, chú trọng chỉ đạo việc
làm và sử dụng đồ dùng dạy học, phục vụ có hiệu quả cho quá trình đổi mới phương pháp dạy
học.
•
Tổ chức các đợt thao giảng, hội thi giáo viên giỏi các cấp theo tinh thần đổi mới phương
pháp, thường xuyên mời các giáo viên giỏi trong cụm hoặc các chuyên gia về dự giờ, trao đổi.
•
Tổ chức cho giáo viên tham quan, học tập các đơn vị tổ, trường có phong trào và chất
lượng dạy học tốt ở trong và ngoài địa phương.
2.3. Kiểm tra, đánh giá các hoạt động ĐMPPDH
Kiểm tra, đánh giá các hoạt động ĐMPPDH với nhiều hình thức khác nhau vừa có tác dụng
điều chỉnh vừa có ý nghĩa thúc đẩy đối với chính quá trình này.
Thứ nhất, ban giám hiệu, ban
trí dục nhà trường thường xuyên phân công tham gia, theo dõi và điều chỉnh các hoạt động đổi
mới nói trên thông qua vai trò của Tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, đặc biệt thông qua việc
tăng cường hoạt động của Thanh tra chuyên môn nhà trường.
Thứ hai, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên môn cần được đổi mới theo hướng coi trọng
chức năng phát hiện để phòng ngừa, điều chỉnh, tư vấn cho giáo viên hơn là chỉ tập trung truy
tìm sai sót.
Thứ ba, một mặt,cần kết hợp giữa đánh giá của cá nhân với đánh giá của tổ chuyên môn và
của ban giám hiệu để xác định những vấn đề chung cần giải quyết trong tình hình thực hiện
ĐMPPDH trong tập thể tổ nhóm và mỗi giáo viên; mặt khác, đổi mới việc kiểm tra chuyên môn,
thay lối kiểm tra hành chính thủ tục bằng coi trong kiểm tra hoạt động dạy học trên lớp của GV
và HS;
Thứ tư, cần đổi mới công tác đánh giá thi đua trên cơ sở chú trọng những tiêu chí, những
quy định của nhà trường trong việc tham gia thực hiện ĐMPPDH của mỗi bộ phận, cá nhân.
Thứ năm, cải tiến công tác thi đua trong nhà trường trên cơ sở đánh giá đúng và có chế độ
khuyến khích, động viên kịp thời các hoạt động đổi mới PPDH có hiệu quả.
2.4. Tăng cường xây dựng hệ điều kiện cho quá trình ĐMPPDH
2.4.1. Đa dạng hoá, tích cực hoá hoạt động bồi dưỡng GV tại cơ sở nhà trường
Giáo viên là người hiện thực hoá các PPDH khi tiến hành các hoạt động dạy học ở trên lớp,
đồng thời cũng là lực lượng quyết định sự thành bại của quá trình ĐMPPDH. Bởi vậy, cần đẩy
mạnh các hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngay tại nhà trường. Cách làm có hiệu quả nhất là
thông qua các hoạt động học tập, rèn luyện ở tổ nhóm, nhất là hoạt động thực hành các kỹ năng
sư phạm theo hướng đổi mới trong giờ lên lớp hàng ngày là vấn đề cần được quan tâm tổ chức
thường xuyên. Hiệu quả của các hoạt động thực hành đổi mới PPDH cụ thể ấy là góp phần thiết
thực vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ và nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên. Đồng
thời, khi trình độ người giáo viên được nâng cao hơn thì quá trình ĐMPPDH lại càng được tiến
hành một cách chủ động, sáng tạo và có chất lượng hơn .
5
2.4.2. Tăng cường đầu tư xây dựng và khai thác thiết bị giáo dục.
Muốn tổ chức quá trình đổi mới PPDH có hiệu quả, cần coi trọng vai trò của các phương
tiện dạy học như hệ thống tài liệu học tập bao gồm sách giáo khoa, sách tham khảo cùng với các
loại học liệu khác và hệ thống thiết bị dạy học.
Xây dựng và tăng cường nguồn lực sách cho Thư viện;
Kết hợp giữa đầu tư mua sắm thiết bị thí nghiệm với huy động khả năng sáng tạo của đội
ngũ giáo viên trong tự làm đồ dùng dạy học;
Chú trọng xây dựng hệ thống phòng học bộ môn;
Tổ chức các hoạt động đa dạng và phong phú nhằm phát huy vai trò tác dụng của Thiết bị
dạy học và Thư viện trường học, cần coi đây là một trong những trọng tâm của công tác tổ chức
chỉ đạo đổi mới PPDH.
2.4.3. Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong và ngoài nhà trường:
Quản lý quá trình đổi mới PPDH ở trong nhà trường cần được tiến hành song song với việc
tổ chức tốt hoạt động của các lực lượng nội bộ như giáo viên chủ nhiệm, Chi bộ, Công đoàn,
Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên và các lượng ngoài trường như Hội phụ huynh, Hội khuyến
học… Trên cơ sở đó, tạo ra mối quan hệ kết hợp khăng khít, chặt chẽ, nhằm xây dựng môi
trường giáo dục lành mạnh, cùng chăm lo đôn đốc, tổ chức học sinh học tập và rèn luyện tại gia
đình cũng như trong thôn xóm.
2.4.4. Đổi mới công tác quản lý chỉ đạo đối với các hoạt động đổi mới PPDH
+ Hiệu trưởng cần có nhận thức và quan điểm chỉ đạo tập trung, ưu tiên đối với hoạt động
đổi mới PPDH, tránh tình trạng “chạy quanh chuyên môn”.
+ Luôn xác định đây là hoạt động trọng tâm trong kế hoạch công tác của Tổ chuyên môn,
của nhà trường hàng tuần, hàng tháng, hàng kỳ, tránh tình trạng một năm chỉ tổ chức 2 đợt Hội
giảng thể hiện tinh thần phương pháp dạy học mới mang nặng tính phong trào.
+ Tăng cường đầu tư tài chính cho các hoạt động dạy học, đặc biệt tạo mọi điều kiện để
nâng cấp trang thiết bị cho các phòng học bộ môn.
+ Xây dựng các quy định mang tính chế tài và phân cấp quản lý cho Tổ nhóm chuyên môn
để quản lý có hiệu quả nền nếp và chất lượng các hoạt động đổi mới PPDH trong nhà trường;
2.4.5. Nâng cao vai trò gương mẫu và năng lực chỉ đạo chuyên môn của Hiệu trưởng và đội
ngũ cán bộ quản lý trong nhà trường.
“Cán bộ nào phong trào ấy”, khi đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường cùng thống nhất trong
nhận thức về ý nghĩa và sự cần thiết của quá trình ĐMPPDH trong việc nâng cao chất lượng giáo
dục, cùng đồng tâm nhất trí dồn trí và lực để thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các hoạt động
đổi mới theo kế hoạch chỉ đạo đã được bàn bạc, hoạch định, cùng đánh giá mọi hoạt động của
mỗi tổ nhóm, mỗi bộ phận, mỗi giáo viên, mỗi lớp học dựa trên tiêu chí chất lượng và hiệu quả
6
của các hoạt động đổi mới PPDH thì nhất định quá trình đổi mới PPDH sẽ đạt được những kết
quả tốt.
Tài liệu tham khảo
• 1. Trần Bá Hoành, Phương pháp tích cực, Tạp chí NCGD, số 3/1996.
• 2. Đặng Thành Hưng,
• 3. Trần Kiều, Một vài suy nghĩ về đổi mới phương pháp dạy học trong trường phổ thông nước ta,
Tạp chí nghiên cứu giáo dục, số 5/1995.
• 4. Hoàng Đức Nhuận, Những vấn đề lý luận cơ bản trong đổi mới phương pháp dạy học, Tạp chí
Thông tin KHGD, số 45/1994.
• 5. Nguyễn Ngọc Quang, Phương pháp dạy học, NXB Giáo dục, 1987.
• 6. Thái Duy Tuyên, Tìm kiếm chiến lược phát triển phương pháp dạy học phổ thông, Tạp chí
NCGD, số 1/1991.
Phạm Quang Huân, Viện NCSP, ĐHSP Hà Nội
7