Tải bản đầy đủ (.pdf) (107 trang)

LINH sơn và QUAN NIỆM về TIỂU THUYẾT của CAO HÀNH KIỆN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (772.16 KB, 107 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Lâm Nhựt Anh

LINH SƠN VÀ QUAN NIỆM VỀ
TIỂU THUYẾT CỦA CAO HÀNH KIỆN

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Lâm Nhựt Anh

LINH SƠN VÀ QUAN NIỆM VỀ
TIỂU THUYẾT CỦA CAO HÀNH KIỆN

Chuyên ngành : Văn học nước ngoài
Mã số

: 60 22 30

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. ĐINH PHAN CẨM VÂN


Thành phố Hồ Chí Minh - 2012


LỜI CÁM ƠN
Tôi xin gửi lời cám ơn đến phòng Sau Đại học, quý thầy cô khoa Ngữ
Văn, những người thầy đã hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong thời gian qua và cung
cấp cho tôi nhiều kiến thức quý báu giúp tôi có nền tảng kiến thức để thực
hiện luận văn này
Tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành đến người thầy hướng dẫn của tôi
Tiến sĩ Đinh Phan Cẩm Vân vì sự hướng dẫn, giúp đỡ, động viên của cô trong
suốt quá trình tôi tiến hành nghiên cứu. Chính cô đã hỗ trợ và tư vấn cho tôi
trong tất cả giai đoạn của luận văn. Giúp tôi có được một cách nhìn toàn diện
hơn cho luận văn của mình. Bên cạnh đó tôi xin gửi lời cám ơn của mình đến
PGS.TS. Hồ Sĩ Hiệp, người thầy đã tạo điều kiện cho tôi tiếp xúc với nền văn
học Trung Quốc.
Lời cám ơn cuối cùng tôi xin gửi đến ba mẹ tôi, những người bạn của
tôi, đặc biệt là những người bạn trong lớp Cao học Văn học nước ngoài khoá
21, đã đồng hành cùng tôi trong suốt khoá luận.
Tôi xin gửi đến tất cả lời cám ơn chân thành.
TP. Hồ Chí Minh ngày 30 tháng 9 năm 2012.
Người viết luận văn

Lâm Nhựt Anh
Lớp Cao học Văn học nước ngoài khoá 21


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi. Và kết
quả trong luận văn này chưa từng được công bố ở các công trình khác.


TP.Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 9 năm 2012
Người viết luận văn

Lâm Nhựt Anh
Lớp Cao học Văn học Nước ngoài Khóa 21


MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cám ơn
Lời cam đoan
Mục lục
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài .................................................................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề ...................................................................................................... 2
3. Phương pháp nghiên cứu ..................................................................................... 6
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ....................................................................... 7
5. Đóng góp của luận văn ........................................................................................ 7
6. Cấu trúc luận văn ................................................................................................. 7
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG .................................................................. 9
1.1. Linh Sơn và Tác giả Cao Hành Kiện ................................................................ 9
1.1.1. Tác giả Cao Hành Kiện .............................................................................. 9
1.1.2. Tiểu thuyết Linh Sơn ................................................................................ 10
1.2. Quan niệm văn chương của Cao Hành Kiện .................................................. 13
Chương 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN TRONG LINH SƠN....... 23
2.1. Quan niệm về nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong Linh Sơn của Cao
Hành Kiện ...................................................................................................... 23
2.2. Cách xây dựng cốt truyện trong Linh Sơn ...................................................... 25
2.2.1. Cốt truyện mờ hóa .................................................................................... 25

2.2.2. Cốt truyện kết cấu kép và cốt truyện lồng khung xâu chuỗi .................... 30
2.2.3. Cốt truyện siêu tiểu thuyết........................................................................ 36
Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG LINH SƠN........ 39
3.1. Quan niệm về cách xây dựng nhân vật trong Linh Sơn .................................. 39
3.2. Xây dựng nhân vật phân mảnh trong Linh Sơn .............................................. 45
3.2.1. Đại từ “tôi”- cái tôi trong cuộc hành trình vật lý ..................................... 45
3.2.2. Đại từ “anh”- cái tôi trong cuộc hành trình tâm linh ............................... 52


3.2.3. Đại từ “nàng” - Cái tôi nữ tính trong một cơ thể nam tính .................... 60
3.2.4. Đại từ “hắn” - cái tôi xa lạ ....................................................................... 65
Chương 4: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG KHÔNG GIAN TRONG LINH SƠN ..... 71
4.1. Quan niệm về không gian trong Linh Sơn ...................................................... 71
4.2. Xây dựng không gian lồng ghép trong Linh Sơn ............................................ 73
4.2.1. Không gian thực ....................................................................................... 73
4.2.2. Không gian phi thực ................................................................................. 84
KẾT LUẬN .............................................................................................................. 92
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 94


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Giải Nobel văn học năm 2000 trao cho nhà văn người Trung Quốc đầu
tiên: Cao Hành Kiện. Là một nhà văn lưu vong, so với một số nhà văn hiện
đại khác của Trung Quốc như Mạc Ngôn, Vương Mông, Thẩm Tùng Văn thì
cái tên Cao Hành Kiện không mấy “mặn mà” với đất nước này. Tác phẩm của
Cao Hành Kiện không dễ đọc, nó pha trộn giữa tinh thần phương Đông và bút
pháp hiện đại phương Tây. Cao Hành Kiện có nhiều đóng góp trong việc xây

dựng một loại hình tiểu thuyết mới. Vì vậy, ông đã đưa ra nhiều quan niệm về
tiểu thuyết mới trong các sáng tác của mình cũng như trong những bài phát
biểu của ông tại giải Nobel và ở các trường Đại Học.
Linh Sơn là quyển tiểu thuyết đoạt giải Nobel của ông và cũng chính là
quyển sách minh chứng cho những quan niệm tiểu thuyết của ông. Vì vậy nó
là một quyển tiểu thuyết thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu về quan niệm
tiểu thuyết của Cao Hành Kiện. Tiểu thuyết Linh Sơn không dễ đọc, nó rất
kén độc giả. Linh Sơn đòi hỏi người đọc một khả năng tư duy và một kinh
nghiệm sống phong phú, bởi vì nó là một quyển tiểu thuyết bán tự truyện
được xây dựng từ một chuyến đi thực tế của nhà văn. Bên cạnh đó nó là
quyển tiểu thuyết phản ánh những kinh nghiệm đã trải qua trong cuộc đời tác
giả. Linh Sơn chứa nhiều quan điểm triết học và tôn giáo. Nhiều suy ngẫm về
cuộc đời đã được tác giả bộc lộ trong từng trang của Linh Sơn.
Quan niệm về xây dựng một tiểu thuyết mới được chứng minh trong
Linh Sơn bằng việc đổi mới xây dựng nhân vật, cốt truyện, yếu tố không gian
và thời gian.Vì vậy, đến với đề tài nghiên cứu về những quan niệm tiểu thuyết
trong Linh Sơn là một cách làm sáng tỏ những quan niệm tiểu thuyết của ông
và nhằm minh chứng cho việc xây dựng một quyển tiểu thuyết bằng chính
những quan điểm của tác giả.


2

Từ những lí do trên chúng tôi đã lựa chọn đề tài “Linh Sơn và quan
niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện”. Ở đề tài này chúng tôi mở rộng
nêu những quan điểm đổi mới về tiểu thuyết do Cao Hành Kiện đề xuất trong
những bài phát biểu của mình. Đồng thời đề tài cũng chỉ ra sự vận dụng
những quan điểm của ông vào trong tiểu thuyết như một sự kết hợp giữa lý
thuyết và thực hành. Qua đó giúp chúng ta hiểu được mục đích mà tác giả
muốn đổi mới trong tiểu thuyết, giúp chúng ta thấy được phong cách Trung

Hoa độc đáo trong tác phẩm cũng như trong con người ông. Đề tài cũng là
một sự minh chứng Cao Hành Kiện xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu của
Trung Hoa.
2. Lịch sử vấn đề
Là một tác giả lớn mang tầm cỡ quốc tế, nhiều tác phẩm của Cao đã
được dịch ra nhiều thứ tiếng. Vì vậy, nghiên cứu về tác phẩm của Cao Hành
Kiện là công việc của nhiều nhà phê bình trong nước và thế giới.
Những công trình nghiên cứu về Linh Sơn được chú ý nhiều nhất trên thế
giới là những công trình nghiên cứu về vấn đề văn hoá trong Linh Sơn. Nhiều
học giả cũng như sinh viên quốc tế đã đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa
văn hoá học và văn học trong tiểu thuyết Linh Sơn. Công trình đầu tiên phải
kể đến là công trình của giáo sư Mabel Lee tại trường đại học Sydney, một
dịch giả nổi tiếng đã dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh tác phẩm Linh Sơn.
Công trình với tên gọi “Comparative Literature and Culture” (tạm dịch là “So
sánh văn chương và văn hoá”). Ngoài ra, giáo sư Lee còn nghiên cứu về vai
trò của đại từ trong tác phẩm Linh Sơn “Pronouns as Protagonists: On Gao
Xingjian’s Theories of Narration” (tạm dịch là “Đại từ như vai chính: lý
thuyết về tường thuật của Cao Hành Kiện”). Trong công trình nghiên cứu này,
giáo sư Lee nói đến việc sử dụng đại từ trong Linh Sơn (“Pronouns in Soul
Mountain”), việc sử dụng nhiều kỹ thuật và thí nghiệm về ngôn ngữ trong


3

quyển tiểu thuyết ( “Experimentation with Language and Technique”) và về
một hình thức mới cho tường thuật (“A new Form of Narration”). Nghiên cứu
về những ảnh hưởng của văn hoá trong Linh Sơn còn phải kể đến những công
trình nghiên cứu của Li Xia “Cross-Cultural Intertextuality in Gao Xingjian's
Novel Lingshair: A Chinese Perspective” (tạm dịch là : “Sự giao thoa văn hoá
trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện: một phối cảnh Trung Quốc”).

Trong công trình nghiên cứu này tác giả cũng đề cập đến lý thuyết về sự
tường thuật trong tiểu thuyết Linh Sơn. Bên cạnh đó, tác giả còn nói đến sự
ảnh hưởng của phương Tây trong Linh Sơn như việc sử dụng thủ pháp dòng ý
thức, so sánh giữa Cao Hành Kiện và Samuel Beckett, giữa tiểu thuyết Linh
Sơn cùng với Ngọn núi thần kỳ của Thomas Mann. Bên cạnh đó còn có những
công trình nghiên cứu như “Gao Xingjian's Novel Lingshan (Soul Mountain):
A Long Journey in Search of a Woman?” ( tạm dịch là: “Tiểu thuyết Linh Sơn
của Cao Hành Kiện: Một chuyến đi dài trong việc tìm kiếm một người phụ
nữ” ) của Marian Galik, “Styles of Truth in Gao Xingjian's Soul Mountain”
(tạm dịch là : “Văn phong của sự thật trong Linh Sơn của Cao Hành Kiện” )
của Timothy Hoye, “Gao Xingjian and “Soul Mountain" : Ambivalent
Storytelling” (tạm dịch là: “Cao Hành Kiện và Linh Sơn : Những mâu thuẫn
trong cách kể” ) của Robert Nagle, “Gao Xingjian and the Asian
Experimentation in Postmodernist Performance" ( tạm dịch là: “Linh Sơn và
cuộc thử nghiệm của khuynh hướng hậu hiện đại ở Châu Á” của Kwok-kan
Tam
Ở Việt Nam, số lượng nghiên cứu về Linh Sơn cũng như về tác giả Cao
Hành Kiện còn khá khiêm tốn so với nước ngoài, ngay cả đến nay. Đã có một
số bài dịch về những bài phát biểu của ông tại các hội thảo khoa học. Các nhà
văn Việt Nam đọc cuốn tiểu thuyết này ít nhiều có phân vân, trăn trở và gợi
mở cả về nội dung và kỹ thuật viết. Sự phân thân của ta, mi, nàng (hay tôi,


4

bạn và nàng) là cái cá nhân cô đơn đi tìm đồng vọng, là cái một mình đối chọi
cái toàn thể, nhiều mình, là cái hôm nay tìm về, tìm lại hôm qua, ngược nguồn
văn hóa, lịch sử để may ra có thể thấy được “bản lai chân diện mục” của
mình. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã không tiếc lời để khen Cao Hành Kiện
và Linh Sơn của ông: “Cao Hành Kiện là một nhân tài. Ông là một nghệ sĩ đa

năng...Ngòi bút Cao Hành Kiện thâm thuý và khốc liệt, kiểu viết độc đáo và
hầu như chưa có tiền lệ...Nhiều tình tiết cho thấy tác giả am hiểu khá tường
tận lịch sử, phong tục tập quán, tâm lý của dân tộc Trung Hoa...Một năng lực
sáng tạo không thể phủ nhận, một tài năng và một tri thức không dễ gì có
được” [63]. Công trình nghiên cứu tiếp theo về Linh Sơn ở Việt Nam là
“Những điểm tương đồng giữa Linh Sơn và Hồng Lâu mộng” của tiến sĩ Đinh
Phan Cẩm Vân, trong Kỷ yếu khoa Ngữ Văn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy,
sau đó tham gia hội thảo quốc tế về văn học Cận hiện đại Trung Quốc tại Đại
học Bình Đông, Đài Loan. Trong công trình nghiên cứu của mình tiến sĩ Đinh
Phan Cẩm Vân đã chỉ ra điểm giống nhau giữa Linh Sơn và Hồng Lâu Mộng
là: “Cao Hành Kiện cũng như Tào Tuyết Cần đã cùng chung một thao tác là
trình bày đan xen vào nội dung tác phẩm những quan niệm nghệ thuật mới
của mình” [44, tr.223]. Điều đó đã gợi một số điểm quý báu cho luận văn này.
Một bài viết của Trương Thái Du với nhan đề “ Đọc Linh Sơn của Cao Hành
Kiện”, trong Tham luận ở hội thảo “Tác phẩm tiểu thuyết và sân khấu của
Gao Xingjjian, giải Nobel văn học 2000” tại Aix-en-Provence, Pháp, 1/2005,
người viết đã không ngừng ca ngợi tác phẩm Linh Sơn và nghệ thuật viết của
Cao Hành kiện như sau: “Linh Sơn, tác phẩm chính đưa lại giải Nobel văn
học cho Gao Xingjian, có thể gọi là một tiểu thuyết bách khoa. Xuất bản lần
đầu ở Đài Loan năm 1991 nó chỉ bán được khoảng 90 cuốn. Sang năm sau số
bán còn thấp hơn nữa, chừng 60 cuốn. Nhưng rồi cùng với thời gian, Linh
Sơn trở thành cuốn sách bán chạy (bestseller), thành một hiện tượng văn học


5

lớn”, “81 chương đoạn Linh Sơn là 81 bậc cầu thang đưa Gao đến sự giác
ngộ, sự thanh lọc (cathasis). Gao không thành Phật, ông vẫn là con người,
con người không biết thỏa mãn bao giờ. Nhưng ông đã đến được chốn Linh
Sơn của mình, dù ông vẫn chẳng hiểu nó là gì. Cuốn tiểu thuyết của Gao, vì

thế, khó đọc, nhưng cũng hấp dẫn, vì thế” [49]…. Bài viết của Phạm Xuân
Nguyên phỏng vấn Cao Hành Kiện tại nhà riêng của ông khi sang Pháp dự
hội thảo “Tác phẩm tiểu thuyết và sân khấu của Cao Hành Kiện, giải Nobel
Văn học 2000” với tiêu đề: “Cao Hành Kiện: cứu mình bằng văn chương
nghệ thuật”. Trong bài viết này tác giả cũng có đề cập đến một số quan điểm
về văn học mà họ Cao đã trình bày “Văn học chỉ phơi bày thực trạng đời sống
con người, nêu lên những vấn đề nhân bản của nó. Đừng hoang tưởng là có
thể giải quyết được hết mọi vấn đề của con người, của cuộc sống. Tôi viết về
thực tế cuộc sống như nó đang diễn ra, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở
nhiều nơi khác. Con người với những vấn đề tồn tại cơ bản của nó, bất kỳ ở
đâu, là điều quan tâm chính của tôi. Điều này lớn hơn số phận của một quốc
gia, đất nước. Tôi cũng tin như nhiều người hiện nay rằng các hệ thống đại tự
sự đã thuộc về quá khứ” [61]. Bài viết góp một phần để biết quan điểm về văn
học của Cao Hành Kiện, để từ đó có cái nhìn đúng đắn về những giá trị văn
học mà tác giả thể hiện trong tác phẩm của mình. Và nhiều bài viết khác viết
về Cao Hành Kiện như “Tản mạn quanh Linh Sơn” của Nguyễn Khắc Phê,
“Cao Hành Kiện độc hành trên đường nghệ thuật” của Trường Minh.
Bên cạnh đó còn có một số bài phát biểu của họ Cao tại các hội thảo
như bài diễn từ của Cao Hành Kiện về “Lý do của văn học” đọc tại Hàn Lâm
viện Thụy Điển ngày 10- 12- 2000, bài phát biểu của Cao Hành Kiện tại Đại
học Hồng Kông ngày 31- 1- 2001 với nhan đề “Một hành trình của văn học”,
“Ngòi bút và bạo chúa” trích diễn văn Nobel văn chương của Cao Hành Kiện
do tác giả đọc ngày 10- 12- 2000, “Không có chủ nghĩa” bài phát biểu của


6

Cao Hành Kiện tại Đài Loan…Qua những bài diễn thuyết đó, chúng ta cũng
thấy được phần nào quan niệm về văn học của tác giả.
Những công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đã

đưa ra những lí giải sâu sắc về Linh Sơn. Tuy nhiên chưa có công trình nào
tổng quát những quan niệm tiểu thuyết của Cao Hành Kiện trong Linh Sơn.
Dù vậy, những công trình ấy là những gợi ý và tài liệu tham khảo cần thiết
cho việc nghiên cứu của luận văn.
3. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng những phương pháp sau:
Phương pháp Loại hình giúp khu biệt loại hình tiểu thuyết với các loại
hình nghệ thuật khác.
Phương pháp Thống kê giúp chúng tôi tìm ra những chi tiết trong Linh
Sơn có liên quan đến đề tài mà chúng tôi khảo sát
Phương pháp So sánh giúp chúng tôi so sánh đối chiếu với những tác
phẩm khác của Cao Hành kiện như tiểu thuyết Kinh thánh của một người,
những truyện ngắn của ông cùng với những vở kịch mà ông đã sáng tác.
Phương pháp Hệ thống giúp chúng tôi sắp xếp lại những dữ liệu, giúp
quá trình thực hiện đề tài tiết kiệm được thời gian và tránh được nhiều sai sót
trong quá trình tiếp cận.
Phương pháp Kí hiệu giúp giải mã những biểu tượng trong tác phẩm.
Phương pháp lịch sử- xã hội để tìm ra mối quan hệ giữa thời đại- nhà
văn- tác phẩm.
Ngoài ra trong luận văn còn sử dụng phương pháp phê bình Tiểu sử để
giúp chúng tôi tìm hiểu được những ảnh hưởng rõ nét của cuộc đời tác giả lên
trên tác phẩm của ông.


7

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Văn bản chính mà chúng tôi sử dụng chính trong luận văn là tiểu thuyết
Linh Sơn do Ông Văn Tùng dịch. Ngoài ra luận văn còn sử dụng tiểu thuyết
Kinh thánh của một người như một sự hỗ trợ làm rõ thêm về quan niệm tiểu

thuyết của Cao Hành Kiện. Bên cạnh đó còn một số truyện ngắn cùng kịch
của ông .
Đối tượng mà chúng tôi tiến hành khảo sát ở đây là “Quan niệm về tiểu
thuyết của Cao Hành Kiện” qua Linh Sơn. Thông qua các bài viết và các bài
báo cáo của ông và những bài nghiên cứu phê bình của độc giả trong nước và
thế giới, chúng tôi muốn một phần nào đó làm rõ hơn và ứng dụng những
quan niệm ấy vào tiểu thuyết của ông.
5. Đóng góp của luận văn
Nhà văn Cao Hành Kiện là một tên tuổi khá nổi tiếng, được bạn đọc
trong nước và thế giới biết đến. Vì vậy luận văn như là một đóng góp nhỏ bé,
như một viên gạch góp phần xây dựng thêm tên tuổi của nhà văn người Trung
Quốc này.
Đến với luận văn chúng tôi mong mỏi giúp cho người đọc dễ dàng tiếp
cận những tác phẩm của Cao Hành Kiện nếu như hiểu được quan niệm về
nghệ thuật của ông.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài hai phần dẫn nhập và kết luận, phần nội dung luận văn được chia
thành bốn phần
Chương 1 bàn về những vấn đề chung. Chương này gồm hai phần chính.
Phần giới thiệu tác giả Cao Hành Kiện và tiểu thuyết Linh Sơn và phần những
quan niệm văn chương của ông. Chương này mục đích là giới hạn phạm vi
nghiên cứu trong Linh Sơn chỉ dừng lại ở những quan niệm tiểu thuyết được
tác giả nhắc đến trong quyển tiểu thuyết này. Đồng thời qua chương một,


8

chúng tôi muốn cung cấp một số thông tin về cuộc đời tác giả và quyển tiểu
thuyết mà chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu.
Chương 2: Nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong Linh Sơn. Chương

này gồm hai phần: những quan niệm về xây dựng cốt truyện và cách xây dựng
cốt truyện. Chương này nhằm giới hạn những vấn đề lý thuyết về cốt truyện
trong phạm vi tiểu thuyết Linh Sơn. Từ đó nổi bật lên sự vận dụng của những
lý thuyết ấy vào trong tiểu thuyết.
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Linh Sơn. Chương này
gồm hai phần chính: những quan niệm về cách xây dựng nhân vật trong Linh
Sơn và phần xây dựng nhân vật phân mảnh trong Linh Sơn. Chương này mục
đích nêu lên được một số vấn đề lý thuyết về quan niệm xây dựng nhân vật
của Cao và đồng thời cũng làm nổi bật lên được sự vận dụng khéo léo của
Cao những quan niệm của mình vào trong tiểu thuyết
Chương 4: Chương này bao gồm có hai phần chính phần lý thuyết và
phần ứng dụng về cách xây dựng không gian trong Linh Sơn. Giúp cho chúng
ta thấy rằng không gian trong Linh Sơn là sự đan xen giữa không gian thực và
không gian tưởng tượng.


9

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Linh Sơn và Tác giả Cao Hành Kiện
1.1.1. Tác giả Cao Hành Kiện
Cao Hành Kiện sinh năm 1940 tại Giang Tây, Trung Quốc. Ông là con
trai cả trong một gia đình có hai anh em. Bố là nhân viên nhà băng, mẹ là
diễn viên nghiệp dư. Mẹ ông đọc rất nhiều văn học phương Tây, từ Balzac,
Zola đến Steinbeck. Chính bà là người khuyến khích con trai đến với sân
khấu. Nhưng khi Cao 20 tuổi, mẹ ông trẫm mình xuống sông tự vẫn khi đang
sống trong một trại lao động. “Dù không hẳn là trí thức, bà vẫn phải đi cải
tạo như bao nhiêu người khác”, nhà văn nói. Nhớ lại thời kỳ mà con người
“không thể tự do bày tỏ những điều người ta nghĩ, ngay cả trong gia đình
mình”, nhà văn cho biết: “Tất cả những gì người ta nói lúc đó đều giả dối.

Mỗi người đều mang một cái mặt nạ. Qua văn chương, bạn sẽ tìm thấy cuộc
sống thực, đằng sau lớp vỏ của hư cấu, sự thật được hé lộ” [ 67].
Cao Hành Kiện sinh năm 1940, thời kỳ mà Trung Quốc đã bị xâm
chiếm của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Ông sinh ra trong hoàn cảnh chiến
tranh, lớn lên trải qua cuộc biến động của Cách mạng văn hóa, cuộc sống
không bình yên đã được nén lại trong những trang viết của ông. Bên cạnh đó,
trong một cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ ông bị chẩn đoán nhầm bệnh ung
thư phổi, căn bệnh mà đã giết chết cha của ông cách đây mười năm. Trong lúc
chờ đợi kết quả kiểm tra một lần nữa, ông đã tự tìm cho mình một thú vui là
tìm kiếm một cái nghĩa địa cũ ở một miền quê xa xôi, nơi mà không khí ít bị ô
nhiễm và trải qua thời gian để đọc sách. Mặc dù là tâm điểm của cuộc tấn
công trên diễn đàn văn học lúc bấy giờ, nhưng Cao Hành Kiện với thái độ
dửng dưng đã đặt cho mình vị trí của kẻ bên ngoài trong cuộc tranh giành ồn
ào trên văn đàn. Tấm chụp X-rays cuối cùng đã xác định rằng, tất cả những


10

phán đoán trước kia đều là sai, ông là một người hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy
nhiên trong khoảng thời gian chờ đợi con người đến với cái chết, trong phút
giây sắp chạm trán với tử thần ấy đã cho ông một sự sắp xếp lại những sự việc
đã xảy ra trong cuộc đời. Nên với tác giả họ Cao, sự trì hoãn cái chết là một
sự tái sinh lần nữa, khiến ông quyết tâm viết một quyển tiểu thuyết. Khi
những suy nghĩ, những sợ hãi về cái chết sắp xảy ra đã tiêu tan thì một tin đồn
Cao sẽ đi Thanh Hải để cải tạo. Một vài người bạn của ông cũng đã được gửi
đến đó, nhưng chỉ một trong số mười người đi là có thể trở về. Điều này đã
khiến ông càng muốn rời khỏi Bắc Kinh hơn nữa.
Cao Hành Kiện là một nhà văn, nhà viết kịch và là một họa sĩ có tài.
Mặc dù cuộc đời là một nhà văn lưu vong nhưng ông vẫn cống hiến hết mình
cho sự nghiệp văn học. Dù ở bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào đi nữa, nhà hoạt

động nghệ thuật họ Cao vẫn chọn cho mình lối đi tiên phong, xây dựng những
nẻo đường nghệ thuật mới. Ông đạt được một số thành công trong lĩnh vực
kịch thực nghiệm và xây dựng một hình thức tiểu thuyết mới. Ma Jian (Mã
Kiến), nhà văn người Anh gốc Trung - tác giả cuốn Beijing Coma (Bắc Kinh
liệt vị) nhận định: “Cao Hành Kiện vừa là nhà cách tân ngôn ngữ, vừa là nhà
văn chân chính. Những tác phẩm của ông đã nhấn mạnh lần nữa tầm quan
trọng của cái tôi cá nhân trên cái tập thể. Ông là một trong những nhà văn
đầu tiên thời hậu Mao Trạch Đông biết hấp thu tinh hoa văn học và triết học
phương Tây để trộn lẫn với những giá trị cổ điển của Trung Quốc, tạo ra một
hình thức mới cho kịch và tiểu thuyết” [67].
1.1.2. Tiểu thuyết Linh Sơn
Cao Hành Kiện đạt giải Nobel văn chương năm 2000 với tiểu thuyết
Linh Sơn. Ông là người Trung Quốc đầu tiên đoạt giải NoBel. Trong thông
cáo ngày 12 tháng 10 năm 2000 Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã đánh giá về tác
phẩm Linh Sơn như sau “Giải văn chương Nobel năm 2000 tặng thưởng nhà


11

văn Hoa ngữ Cao Hành Kiện cho một trước tác có tầm cỡ thế giới, mang dấu
ấn đắng cay trong nhận thức và nét tinh tế của ngôn từ, mở ra nhiều nẻo
đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và sân khấu Trung Quốc” [22, tr.647].
Cuốn sách nhỏ với nhan đề Khám phá kỹ năng viết tiểu thuyết hiện đại viết
năm 1981, đã đề cập đến những hướng tiếp cận khác nhau đối với tiểu thuyết
và những kỹ năng cần thiết để thực hiện. Cuốn sách đã gây tranh cãi về chủ
nghĩa hiện đại đối lập chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc vào những năm 1980.
Và Linh sơn là quyển tiểu thuyết mà tác giả đã viết dựa trên những quan điểm
đó. Linh Sơn là một quyển tiểu thuyết bán tự truyện của Cao Hành Kiện dựa
trên một chuyến đi năm tháng có thật dọc theo con sông Dương Tử, vùng nội
địa của miền Nam Trung Quốc từ tháng bảy đến tháng mười hai năm 1983.

Linh Sơn là quyển tiểu thuyết mà chủ đề và nội dung của nó là vết tích từ hai
cuộc chấn thương trải qua trong cuộc đời Cao Hành Kiện: sự khủng bố trong
thời kỳ Cách mạng văn hóa và việc chẩn đoán nhầm căn bệnh ung thư, những
điều khiến tác giả quyết tâm làm một chuyến đi dài để viết Linh Sơn. Bên
cạnh đó, Linh Sơn còn là một quyển sách xây dựng trên một nền tảng văn hóa
rộng lớn, nền văn hóa phương Nam Trung Quốc, dọc sông Dương Tử, nơi mà
những quy luật nghiêm ngặt của Khổng giáo đã mờ nhạt, thay vào đó là một
nền văn hóa dựa trên tư tưởng của Đạo giáo và Phật giáo như: những tập tục
thờ cúng dân gian thần bí, những lễ hội cùng những trò mê tín, những đền đài
và chùa chiền trong nghi lễ Phật giáo…Linh Sơn xứng đáng là một quyển từ
điển về nền tảng văn hóa của khu vực miền Nam Trung Quốc.
Bên cạnh thành công trong lĩnh vực miêu tả văn hóa, Linh Sơn còn là
cuộc hành trình của một con người đi tìm bản ngã của chính mình, bản ngã
của dân tộc. Linh Sơn xây dựng hình ảnh một con người hoài nghi với tất cả,
một căn bệnh của con người hiện đại, hoài nghi sự tồn tại của chính bản thân,
hoài nghi mối quan hệ giữa con người trong xã hội, giữa con người và môi


12

trường tự nhiên, giữa con người và lịch sử của nhân loại. Linh Sơn là hình ảnh
một con người cô độc, đi tìm lại cái hồn dân tộc, tìm lại bản ngã của chính
bản thân mình trên nền móng văn hóa đồ sộ của dân tộc Trung Hoa. Linh Sơn
mang đậm dấu ấn hậu hiện đại, với kiểu con người phân mảnh, hoài nghi
chính bản thân mình do hậu quả của nền kinh tế thị trường gây nên. Từng
nhân vật, từng chương của Linh Sơn luôn là những câu hỏi “Ta là gì? Ta cần
gì? Ta phải làm gì?”.
Bên cạnh thành công về mặt nội dung, Linh Sơn còn mang những nét
đặc sắc về nghệ thuật trong xây dựng nhân vật, cốt truyện. Linh Sơn từ bỏ
cách xây dựng theo kiểu truyền thống từ cốt truyện, đề tài, nhân vật. Tất cả

mọi thứ trong Linh Sơn, từ con người đến sự vật, đều phủ lên nó một làn
sương mù mờ ảo: không thấy không gian, không thấy thời gian, không thấy
mặt người và cũng chẳng nghe tiếng nói. Những điều này đã tạo cho Linh Sơn
một sắc thái tiểu thuyết riêng, không lẫn lộn dù là tiểu thuyết của phương
Đông hay phương Tây. Linh Sơn sử dụng “thủ pháp dòng ý thức” để đi sâu
vào nội tâm, khai thác từng ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn con người,
những suy nghĩ của họ về bản thân, về dân tộc, về ý nghĩa của con người cá
nhân trước cộng đồng, trước quá khứ và tương lai. “Thủ pháp dòng ý thức”
mang đậm bút pháp của chủ nghĩa hiện đại phương Tây, nhưng cái mục đích
mà nó hướng đến là một tâm hồn Trung Quốc, đậm chất Á Đông. Ngoài ra,
Linh Sơn là một tác phẩm kết cấu tổng hợp nhiều hình thái và thể loại sáng
tạo văn chương. Trong đó, hồi ký, chuyện tình, phóng sự xã hội, thực tế, hư
cấu, triết lý, hoạt kê, hội thoại, đối thọai, độc thoại... quyện vào nhau như trái
núi mang nhiều vẻ hiện thực và kỳ bí tùy theo thời gian và thế ngắm.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc phủ nhận Cao Hành Kiện là nhà văn
Trung Quốc theo nghĩa quốc tịch, nhưng chắc chắn Cao Hành Kiện là một
nhà văn và nhà viết kịch Trung Quốc, theo nghĩa ngôn ngữ, chứ không phải


13

quốc tịch. G.S. Nguyễn Lân Dũng lại “phong” cho ông rất nhiều phẩm chất
tốt đẹp: “ Cao Hành Kiện là một nhân tài. Ông là một nghệ sĩ đa năng...Ngòi
bút Cao Hành Kiện thâm thuý và khốc liệt, kiểu viết độc đáo và hầu như chưa
có tiền lệ...Nhiều tình tiết cho thấy tác giả am hiểu khá tường tận lịch sử,
phong tục tập quán, tâm lý của dân tộc Trung Hoa...Một năng lực sáng tạo
không thể phủ nhận, một tài năng và một tri thức không dễ gì có được...”.
Tiểu thuyết Linh Sơn của ông được Viện hàn lâm Thụy Điển đánh giá như
sau: “Tác phẩm tầm cỡ nhất của Cao Hành Kiện, tiểu thuyết Linh Sơn là một
trong những sáng tạo văn học hiếm hoi tự lấy mình làm tham chiếu chứ không

thể đem so sánh với một tác phẩm nào khác” [22, tr.647]. Linh Sơn được tác
giả bắt đầu cấu tứ từ mùa hè năm 1982, viết nó trong những năm 1983, năm
1984 và hoàn thành vào năm 1989 tại Paris, là một quyển tiểu thuyết chứa
đựng những giá trị sâu sắc về nội dung và những cách tân về hình thức. Giáo
sư Mabel Lee, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh đã nhận định:
“Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong”
[64].
1.2. Quan niệm văn chương của Cao Hành Kiện
Trong bài phát biểu của Cao Hành Kiện với nhan đề “Một hành trình
văn học”, phần đi tìm một hình thức tiểu thuyết mới cho văn học, nhà văn họ
Cao đã bày tỏ những quan tâm của mình về một hình thức tiểu thuyết mới.
Ông đã đặt ra cho mình những câu hỏi chung như “văn học là gì”, “cái gì sẽ
được truyền tải trong văn học” và những câu hỏi riêng về tiểu thuyết như
“tiểu thuyết là gì ?” và “hình thức tiểu thuyết là gì”. Điều đó có nghĩa, việc
tìm một hình thức tiểu thuyết mới là điều mà tác giả Cao Hành Kiện muốn
hướng đến trong tác phẩm của mình. Trong Kinh thánh của một người tác giả
bày tỏ mong muốn xây dựng một nền văn học mới, thay thế cho nền văn học
trì trệ phát triển của nước nhà “Thời đại mới, cuộc sống mới vì vậy phải có


14

văn học mới. Mặc dù không hiểu cuộc sống mới, văn học mới là như thế nào,
nhưng anh hình dung chắc chẳng giống với các bài dân ca mới “Đại nhảy
vọt” hay những tác phẩm người tốt việc tốt đăng trên báo chí tập san” [23,
tr.134]. Trong tiểu thuyết nổi tiếng của ông, Linh Sơn, nhà văn bày tỏ rõ ràng
quan điểm của mình trong việc xây dựng một hình thức tiểu thuyết mới
“những người loạng choạng sẽ loạng choạng và tiểu thuyết cách mạng của
văn học đả đảo mê tín với cách mạng mang tính tiểu thuyết, số mạng của tiểu
thuyết” [21, tr.404]. Là một tác gia đoạt giải Nobel, Cao Hành Kiện có nhiều

bài phát biểu trình bày những quan niệm của ông về một hình thức tiểu thuyết
mới như “Không có chủ nghĩa”, “Sự cần thiết của cô đơn”, “Kỹ thuật hiện
đại” và “Tính dân tộc”… Nhìn chung, những bài phát biểu của Cao Hành
Kiện là hướng đến một mục đích chung là sự tự do đối với người viết và
người đọc. Vì vậy, những quan niệm về tiểu thuyết của ông hầu hết đều trình
bày về sự tự do, đối với bản thân người sáng tác nói chung và bản thân ông
đặc biệt nói riêng. Tự do đối với người sáng tác điều cần thiết nhất là sự tự do
trong suy nghĩ và tự do trong cách diễn đạt. Tự do trong suy nghĩ theo tác giả
họ Cao đã từng phát biểu “bất kể về chính trị hay văn học, tôi không thuộc
phái nào hết, trong đó bao gồm cả chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc”
và nhà văn tự coi mình là “người đàn ông mảnh khảnh, luôn tìm cách thoát
khỏi sự kiềm tỏa của nhà chức trách để nói với thế giới bằng chất giọng của
chính mình” [67]. Với nhà văn việc sáng tác văn học trước tiên là vấn đề cá
nhân, quan điểm này đã được tác giả đề cập đến trong bài diễn từ Nobel “Lý
do của văn học” ông đã cho rằng “Văn học là vấn đề cá nhân: ở đây tôi muốn
nói văn học cũng chỉ có thể là tiếng nói của cá nhân, mà vốn xưa nay vẫn
thế” [22, tr.651]. Để tìm giá trị cho mỗi cá nhân vì thế trong tác phẩm của họ
Cao luôn vẽ nên hình ảnh một con người luôn luôn hoài nghi: hoài nghi về giá
trị của bản thân, hoài nghi về giá trị mỗi cá nhân trong xã hội, hoài nghi về


15

lịch sử nơi sáng tạo ra giá trị của dân tộc. Con người cá nhân để tìm thấy được
giá trị của bản thân mình nên họ phải soi chiếu mình trong mối quan hệ với
cộng đồng, với xã hội. Vì thế trong Kinh Thánh của một người, tác giả cũng
bày tỏ quan niệm của mình về giá trị bên trong của sự vật “tất cả mọi vật trên
thế gian này hoạt động trong đều rất bình thường, nhưng nếu xem xét kỹ càng
thì lại sâu sắc vô cùng” [23, tr.54]. Cao Hành Kiện là người đề cao sự tự do
trong cách diễn đạt và việc sử dụng bút pháp của các trào lưu văn học. Nhà

văn không câu nệ việc sử dụng bút pháp phương Tây trong những tác phẩm
của mình. Với ông việc học tập những thủ pháp lẫn nhau trong sáng tác như là
một sự trao đổi và học hỏi. Nhà văn không tự gán cho mình bất cứ tên gọi của
một trường phái hay chủ nghĩa nào nhất định, ông tự nhận mình là một cá
nhân “Không chủ nghĩa”. Trong bài phát biểu “Không có chủ nghĩa” tại hội
nghị 40 năm văn học Trung Quốc, Cao Hành Kiện đã thừa nhận rằng “Văn
học phương Tây, nhất là văn học hiện đại phương Tây có rất nhiều quan niệm
và phương pháp giúp tôi khám phá rất lớn, nhưng không nhận ra rằng lôi
thẳng về như thế là có thể dẫn tới những tác phẩm tốt. Do đó tôi càng xem
trọng tác phẩm, không nghĩ tới chuyện gán cho mình cái nhãn hiệu chủ
nghĩa” [22, tr.680]. Với ông, về kỹ thuật viết có thể học tập lẫn nhau, nhưng
cái tinh thần trong tác phẩm vẫn là một tinh thần Trung Hoa. Biến cái bút
pháp phương Tây ấy trở nên hợp với phong vị truyền thống của dân tộc mình.
Tác giả họ Cao không đặt cho mình bất cứ một trình tự nào trong cách diễn
đạt. Trong chương 58 của Linh Sơn, Cao đã bày tỏ quan niệm của mình về
tính không logic khi sử dụng ngôn ngữ “Anh chỉ muốn kể lại từ đầu bằng thứ
ngôn ngữ vượt quá nhân quả và logic. Thiên hạ kể nhiều chuyện chẳng ra đâu
vào đâu, anh cũng có thể như thế” [21, tr.313]. Trong chương 8 của Linh Sơn,
Cao Hành Kiện cũng đã bày tỏ rõ quan điểm của mình khi đoạn tuyệt với
logic, đoạn tuyệt với sự sắp xếp tình tiết cốt truyện, trình tự không gian và


16

thời gian theo một trình tự logic nhất định “Bản thân cuộc sống cũng chẳng
tuân theo một logich nào, thế mà tại sao người tôi lại cứ muốn suy diễn ý
nghĩa cuộc sống bằng logich? Hơn nữa, logich là cái gì? Tôi nghĩ có lẽ tôi
phải tách ra khỏi suy nghĩ bởi vì mọi đau khổ, buồn phiền của tôi bắt nguồn
từ đây” [21, tr.51]. Và tác giả mong muốn xây dựng một trình tự logic cho
riêng mình, đó là logic được tính bằng “cấu trúc trái tim” “Tôi đã lập cho

mình một kiểu trình tự, nói cách khác là một kiểu logic, một hệ nhân quả.
Những trình tự, logic, nhân quả trong thế giới hỗn độn này đều do con người
lập nên để khẳng định mình. Sao tôi không tạo ra một trình tự, logic, nhân
quả cho riêng mình nhỉ? Tôi có thể ẩn nấp trong đó sống yên ổn với lương
tâm tôi” [21, tr.283]. Điều đó có nghĩa quyển tiểu thuyết Linh Sơn của Cao là
một quyển tiểu thuyết viết cho cá nhân tác giả, viết để tìm sự tự do trong linh
hồn người cầm bút, chối từ một trình tự, một sự sắp đặt sẵn về bất cứ sự việc
hay một tư tưởng nào đó. Bên cạnh đó, Cao Hành Kiện lại có sự phân định rõ
ràng giữa văn học- lịch sử và triết học, điều này là một cách tân về một hình
thức mới so với hình thức tiểu thuyết cổ điển là văn học, sử, triết bất phân.
Như vậy, quan điểm tự do trong tác phẩm của Cao Hành Kiện là quan điểm
xuyên suốt, chi phối ngòi bút của ông. Giúp ông sáng tạo nên những tác phẩm
có nội dung phong phú, gắn bó cuộc đời thật, phản ánh tâm hồn ông. Với
Cao, viết văn chỉ là vì để thỏa niềm đam mê, không vì mục đích vụ lợi cá
nhân “Văn chương lạnh tất nhiên không tạo nên tin tức trên báo chí và chẳng
gây chú ý nơi công chúng. Nó hiện hữu chỉ vì con người tìm kiếm một sinh
hoạt thuần tuý tinh thần bên ngoài những ước muốn thoả mãn vật chất” [54].
Tự do trong cách suy nghĩ và tự do đối với đối tượng thưởng thức, vì vậy ông
đã trở nên miễn nhiễm với cái văn đàn ồn ào ngoài kia. Bên cạnh quyền tự do
đối với tác giả, Cao còn bày tỏ tinh thần tự do của mình đối với người đọc.
Đối với ông người đọc có quyền hiểu tác phẩm của tác giả theo nhiều chiều


17

hướng khác nhau, và ông cho rằng không nên gán ghép bất cứ một ý nghĩa bắt
buộc nào của tác phẩm đến người đọc: “Quan hệ giữa tác giả và độc giả luôn
luôn là một mối thống trị tinh thần xuyên qua những văn bản được viết; họ
không cần phải gặp nhau hay giao lưu xã hội. Nhà văn không chịu một trách
nhiệm nào đối với độc giả, và độc giả không cần phải khống chế nhà văn.

Chính độc giả chọn đọc hay không đọc một tác phẩm” [54].
Cao Hành Kiện quan niệm rằng văn học cũng là một cách bổ sung cho
lịch sử. Lịch sử theo tác giả chỉ là một loạt những quy luật phát triển, những
trào lưu mù lòa đến rồi lại đi, mà chẳng có một tiếng nói cá nhân trong ấy. Vì
vậy, nói về tiếng nói yếu ớt của cá nhân cũng là một cách bổ sung thêm cho
lịch sử “Những quy luật lớn lao của lịch sử khi không thể giãi bày loài người
được, thì con người cũng có thể lưu lại tiếng nói của chính mình” [23,
tr.663]. Con người cá nhân để tìm thấy được giá trị của bản thân mình nên họ
phải soi chiếu mình trong mối quan hệ với cộng đồng, với xã hội. Vì thế trong
Kinh Thánh của một người, tác giả cũng bày tỏ quan niệm của mình về giá trị
bên trong của sự vật “Tất cả mọi vật trên thế gian này hoạt động trông đều
rất bình thường, nhưng nếu xem xét kỹ càng thì lại sâu sắc vô cùng” [23,
tr.54].
Với tác giả họ Cao, văn học sẽ không bị gò bó bởi bất cứ quan niệm
chính trị hay bất cứ chính đảng nào. Nhà văn phê phán lối sáng tác bị ảnh
hưởng bởi quan niệm chính trị, dùng chính trị để gò bó tư tưởng sáng tác của
nhà văn, tước mất quyền tự do trong suy nghĩ cá nhân của nhà văn. Họ Cao đã
thừa nhận rằng văn chương của mình không nhằm để phục vụ chính trị, không
theo bất cứ tôn giáo và học thuyết nào, ông viết là chỉ vì bản thân, vì sự cô
đơn của bản thân mà thôi “Văn học một khi đã uốn thành tụng ca của quốc
gia, kì xí của dân tộc, miệng lưỡi của chính đảng, hoặc phát ngôn của một
giai cấp hoặc một tập đoàn, cho dù có thể vận dụng thủ đoạn tuyên truyền,


18

mở rộng thanh thế, rợp trời kín đất chi nữa, cái loại văn học đó cũng chôn vùi
mất bản tính, không thành văn học, mà biến thành công cụ của quyền lực
hoặc lợi ích” [22, tr.651]. Quay về đúng với tiếng nói bản thân mình, nhà văn
sẽ không biến mình thành công cụ của chính trị. Và nền văn học như thế với

ông là nền “Văn học lạnh”: “Văn chương lạnh là loại văn chương không bị
chi phối bởi độc giả hay chính trị. Nhà văn chỉ viết lại những hồi ức, những
kỷ niệm của bản thân mình. Nhà văn không cần nổi danh, không cần tham gia
vào một đoàn phái nào cả. Vì vậy nhà văn phải tự mưu sinh, vì viết văn chỉ là
hoạt động tinh thần, không mưu cầu danh vọng vật chất” [54]. Trong mười
năm của Cách mạng văn hóa, với Cao là một nỗi ám ảnh bởi vì đã đưa chính
trị vào văn học “Cách mạng văn học và văn học cách mạng đều cùng đưa văn
học với cá nhân vào chỗ chết”. Thời kỳ Cách mạng văn hóa, thời kỳ mười
năm đen tối của lịch sử Trung Quốc “Mười năm Cách Mạng Văn Hóa là một
thời kỳ bi thảm trong lịch sử nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, gây nên
hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh
tế, văn hóa xã hội của đất nước” [29, tr.348], và những cá nhân muốn tồn tại
trong thời kỳ văn học này, muốn nói tiếng nói của mình, theo tác giả họ Cao
thì “trừ ra câm lặng chỉ còn cách đào thoát” [22, tr.652]. Với ông nhà văn
chỉ có trách nhiệm với ngôn ngữ của mình, với những gì mình viết, và với
quyết tâm chối bỏ ý thức hệ của người khác, của những gì mà chính trị đã bắt
ông phải tuân theo, ông đã chọn cho mình lối sống “Không cần chủ nghĩa”:
“Văn học một khi thoát li cái công lợi của hiện thực, mới thắng được cái tự
do trọn vẹn” [22, tr.681]. Ông đã chọn con đường lưu vong để bảo vệ tiếng
nói cá nhân của mình.
Vấn đề cô đơn trong mỗi cá nhân cũng được nhà văn trình bày trong
quan niệm về văn chương của mình. Viết văn đối với họ Cao chỉ là một cách
làm vơi bớt nỗi cô đơn của bản thân, nó là nhân tố giúp cho con người đạt


19

được khả năng nhận thức cao nhất “Và tư duy phản tỉnh chỉ có thể bắt đầu khi
con người ở trong cô đơn” [55]. Trong Kinh Thánh của một người, tác giả đã
một lần nữa nhắc lại giá trị của “cô đơn”: “Anh bảo cô đơn tĩnh mịch anh

chẳng hề sợ, chính vì thế mà không bị hủy diệt, ngược lại nỗi cô đơn, tĩnh
mịch nội tâm đã bảo vệ anh” [23, tr.109]. Ở Linh Sơn cũng vậy, trong bài
diễn từ về “Lý do của văn học”, tác giả họ Cao đã thừa nhận quyển tiểu thuyết
Linh Sơn của ông là viết để xua đi nỗi cô đơn trong lòng “Tôi viết nó thuần
chỉ vì muốn xua đi nỗi cô đơn trong lòng, viết cho riêng mình, chẳng hề mong
cầu có khả năng phát biểu” [21, tr.652]. Và trong chương 72 của Linh Sơn,
tác giả một lần nữa lại nhắc đến “Hắn vội nói những cái mác đó đều do các
hạ dán vào, hắn viết tiểu thuyết để thoát khỏi cô đơn, tìm lấy thú vui” [21,
tr.402]. Sáng tác văn chương với ông là vì thỏa niềm cô đơn “Người đọc và
người viết tự ý tham dự. Vì thế, văn chương không có nhiệm vụ gì đối với đám
đông hay xã hội; và những phán xét đạo đức hay luân lý bị gán ghép bởi đám
phê bình gia thích xía vào chuyện của người khác thì chẳng hề hấn gì đến nhà
văn” [54].
Quan niệm của ông về văn học là phải vì con người và cần sự trung
thực trong cách phản ánh cuộc sống. Ông thừa nhận trong các sáng tác của
mình là “Tôi viết về thực tế cuộc sống như nó đang diễn ra, không chỉ ở
Trung Quốc, mà còn ở nhiều nơi khác”, giá trị cá nhân con người trong tác
phẩm của Cao Hành Kiện là rất lớn “Con người với những vấn đề tồn tại cơ
bản của nó, bất kỳ ở đâu, là điều quan tâm chính của tôi. Điều này lớn hơn số
phận của một quốc gia, đất nước. Tôi cũng tin như nhiều người hiện nay rằng
các hệ thống đại tự sự đã thuộc về quá khứ” [23, tr.663]. Vì vậy, những tác
phẩm của Cao Hành Kiện đều phản ánh hiện thực cuộc sống, nhưng cuộc
sống mà tác giả họ Cao phản ánh không chỉ là bề mặt nổi của cuộc sống, mà
là cái sâu thẳm bên trong của nó “Và dù có là tưởng tượng hay hư cấu đi nữa


×