Tải bản đầy đủ (.doc) (122 trang)

Đóng góp của y ban cho truyện ngắn việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (561.97 KB, 122 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

NGUYỄN THỊ KIM QUYÊN

ĐÓNG GÓP CỦA Y BAN
CHO TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

NGHỆ AN - 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

NGUYỄN THỊ KIM QUYÊN

ĐÓNG GÓP CỦA Y BAN
CHO TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60.22.34

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. BIỆN MINH ĐIỀN

NGHỆ AN - 2012



MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU...................................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài...................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề nhiên cứu.......................................................................................2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.........................................................................6
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu........................................................................6
5. Phương pháp nghiên cứu.......................................................................................7
6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn.......................................................................7
Chương 1
TRUYỆN NGẮN CỦA Y BAN
TRONG BỐI CẢNH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Tổng quan về truyện ngắn Việt Nam đương đại................................................8
1.1.1. Khái niệm thời đương đại và truyện ngắn Việt Nam đương đại.....................8
1.1.2. Diện mạo, thành tựu và xu thế truyện ngắn Việt Nam đương đại.................10
1.2. Vị trí truyện ngắn của Y Ban trong truyện ngắn Việt Nam đương đại............18
1.2.1. Y Ban – một gương mặt tiêu biểu của văn xuôi tự sự Việt Nam đương đại,
đặc biệt ở thể loại truyện ngắn.................................................................................18
1.2.2. Hành trình truyện ngắn và những thành công cơ bản của Y Ban..................19
Chương 2
ĐÓNG GÓP CỦA Y BAN CHO TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM
ĐƯƠNG ĐẠI TRÊN PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG – TƯ TƯỞNG
2.1. Truyện ngắn của Y Ban với vấn đề nhận thức và phản ánh hiện thực........... ..28
2.1.1. Những vấn đề hiện thực đương đại đặt ra cho văn học nghệ thuật...............28
2.1.2. Hiện thực đương đại qua nhận thức và phản ánh của truyện ngắn Y Ban.....30
2.2. Truyện ngắn của Y Ban và quan niệm độc đáo về con người trong cuộc sống
đương đại.................................................................................................................45



2.2.1. Các dạng thái con người trong truyện ngắn Y Ban.......................................45
2.2.2. Những nét mới trong quan niệm về con người của truyện ngắn Y Ban........63
Chương 3
ĐÓNG GÓP CỦA Y BAN CHO TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM
ĐƯƠNG ĐẠI TRÊN PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN
3.1. Loại hình truyện ngắn của Y Ban....................................................................74
3.1.1. Kiểu truyện ngắn cổ điển...............................................................................74
3.1.2. Kiểu truyện ngắn hiện đại..............................................................................76
3.1.3. Kiểu truyện ngắn mi ni..................................................................................78
3.2. Nghệ thuật xây dựng truyện và tạo tình huống, xung đột.................................81
3.2.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện.....................................................................81
3.2.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống, xung đột....................................................84
3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật..........................................................................90
3.3.1. Khái niệm nhân vật........................................................................................90
3.3.2. Người phụ nữ – nhân vật nổi bật nhất của Y Ban..........................................92
3.3.3. Xây dựng nhân vật qua khắc họa ngoại hình, hành động..............................95
3.4. Cách sử dụng ngôn ngữ và tạo giọng điệu....................................................…99
3.4.1. Sử dụng ngôn ngữ......................................................................................…99
3.4.2. Giọng điệu....................................................................................................105
KẾT LUẬN...........................................................................................................112
TÀI LIỆU THAM KHẢO...................................................................................114


5

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Truyện ngắn là hình thức ngắn của tự sự, mang những đặc trưng
riêng về tính chất, về dung lượng so với các thể loại khác. Truyện ngắn có thể
kể cả một cuộc đời hay một đoạn đời, một sự kiện hay một “chốc lát” trong

cuộc sống nhân vật, nhưng cái chính của truyện ngắn không phải ở hệ thống
sự kiện, mà ở cái nhìn tự sự đối với cuộc đời. Truyện ngắn đã hàm chứa cái
thú vị của những điều sâu sắc trong một hình thức nhỏ, gọn và đầy truyền
cảm, truyền dẫn cực nhanh những thông tin, nhanh cũng là một thế mạnh để
truyện ngắn chinh phục độc giả đương đại. Tác giả truyện ngắn thường hướng
tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân
sinh hay đời sống tâm hồn con người. Chính vì vậy trong truyện ngắn thường
rất ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay
truyện ngắn dường như luôn trú trọng đến vai trò “người lính xung kích” của
mình. Từ khi ra đời cho đến nay, truyện ngắn Việt Nam đã có những bước
phát triển và có nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn văn học
đương đại.
1.2. Ở Việt Nam những năm sau đổi mới, cùng với sự thay đổi lớn lao
của đời sống văn học, thể loại truyện ngắn gắn liền với các tên tuổi như
Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái,… Rất đáng chú ý là truyện
ngắn của các nhà văn nữ, không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn đổi mới
từ nội dung phản ánh đến hình thức thể hiện, với nhiều gương mặt nữ nổi bật:
Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Lý
Lan, Y Ban… Tiếp cận đặc sắc của truyện ngắn Việt Nam đương đại thông
qua đóng góp của các tác giả, tác phẩm tiêu biểu là một công việc hứa hẹn
nhiều điều thú vị.
1.3. Y Ban xuất hiện trên văn đàn vào những năm đầu của thập kỷ 90
thế kỷ XX với sáng tác thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Truyện ngắn là


6

lĩnh vực mà nhà văn này có nhiều thành công, được độc giả nhiệt tình đón
nhận. Y Ban là một trong những nhà văn nữ có những đóng góp đáng kể cho
truyện ngắn Việt Nam đương đại. Là tác giả hơn 20 đầu sách với gần 200

truyện ngắn đã được in, tuy số lượng tác phẩm không nhiều nhưng đã ghi lại
những mốc son trong tiến trình phát triển truyện ngắn đương đại Việt Nam.
Có thể nói, nhà văn Y Ban đã dám “xé rào” đi vào lãnh địa mà nhiều nhà văn
còn ngần ngại để phản ánh những góc khuất của đời sống, xã hội, từ đó mang
đến cho bạn đọc những cảm nhận mới, chân thực và sinh động về hiện thực.
1.4. Cho đến thời điểm này, những bài nghiên cứu, phê bình về Y Ban,
phần lớn chỉ tập trung ở một số bài giới thiệu trên sách báo, chưa có một công
trình nghiên cứu chuyên biệt về truyện ngắn Y Ban. Tìm hiểu những Đóng
góp của Y Ban cho truyện ngắn Việt Nam đương đại, trước hết cho ta thấy
những nét riêng của truyện ngắn Y Ban trong bức tranh chung của truyện
ngắn Việt Nam đương đại. Vì vậy, theo chúng tôi việc tìm hiểu nghiên cứu
đánh giá toàn diện về truyện ngắn Y Ban để thấy rõ đóng góp của nhà văn cho
truyện ngắn Việt Nam đương đại là việc cần thiết. Qua đó, có một cái nhìn
toàn diện hơn về tác giả cũng như sáng tác của Y Ban.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
2.1. Lịch sử nghiên cứu về Y Ban
Là một tác giả khá thành công trong văn học đương đại, Y Ban cùng với
thế hệ nhà văn nữ cùng thời như Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Trần
Thuỳ Mai, Thuỳ Dương, Lý Lan, Lê Minh Khuê… đã thực sự khẳng định
được phong cách riêng của mình. Bà được đánh giá là nhà văn có những đóng
góp mới mẻ trong việc viết về người phụ nữ. Tuy nhiên, với giới nghiên cứu
phê bình, truyện ngắn Y Ban chưa được chú ý đúng mức. Trên thực tế số
lượng các bài viết, các công trình nghiên cứu, phê bình và giới thiệu về con
người và sự nghiệp của nhà văn Y Ban chưa nhiều. Có thể kể đến một số bài
phỏng vấn đăng rải rác trên các báo, các trang website, và một số luận văn
Thạc sĩ…


7


Cao Minh trong bài viết Lát cắt Y Ban, đã giới thiệu những nét khái quát
nhất về cuộc đời Y Ban, về những quyết định thay đổi cuộc đời táo bạo của
bà và quan trọng nhất, tác giả đã nhận diện “lát cắt” nổi bật nhất trong chân
dung nhà văn chính là cá tính bộc trực, thẳng thắn: “Y Ban sẵn sàng đốp vỗ
mặt chẳng chút kiêng dè. Những chuyện người khác không dám nói hay cố
giấu đi thì qua miệng Y Ban, nó thật mạch lạc, đúng bản chất người nghe và
thấy thật tự nhiên” [35].
Tác giả Thu Hương trong bài viết Nhà văn Y Ban và những giấc mơ về
hạnh phúc, đã nhận định yếu tố chính để tạo nên tác phẩm Y Ban chính là sự
trải nghiệm đời thường của chính bản thân nhà văn: “Chị nhặt nhạnh những
mẩu đối thoại hay hay chợt nghe được, những truyền thuyết được kể lại thành
cốt truyện. Ngoài những thành công khi viết về thân phận phụ nữ, Y Ban còn
rất tâm đắc với những truyện liêu trai mang màu sắc ma quái” [22].
Vũ Thị Mỹ Hạnh trong bài viết Văn hóa dân gian trong văn xuôi đương
đại Việt Nam thì cho rằng “Với nhà văn Y Ban, khi viết về đề tài người phụ
nữ là chị “đang vẽ chân dung đồng giới mình”. Chị hóa thân vào họ, thể hiện
tâm hồn, gương mặt họ bằng cái nhìn chân thật nhất”.
Nằm trong những bài nghiên cứu về chân dung tác giả, Bình Lê viết bài
Y Ban, người đàn bà nảy lửa in trên báo An ninh thế giới đã xem Y Ban là
người “nảy lửa”, “rất đỗi đàn bà” ngay trong sự tổng hợp của nhiều sắc thái
cá tính đối lập nhau: “Người đàn bà rất đỗi đàn bà trong cái quyết liệt, sắc
sảo, thông minh, trong cái chao chát, đanh đá và chua ngoa và trong cả cái
mong manh yếu mềm trong những lúc vấp váp… ” [10].
Trong bài “Lý Lan muốn góp ý với Y Ban về I am đàn bà”, Lý Lan đã
nhận xét về Y Ban “chị ấy là nhà văn có tài có tâm” [1]. Điều này thể hiện rất
rõ trên trang viết của chị “Y Ban viết từ nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn
người đàn bà luôn khao khát một tình yêu tuyệt mĩ. Đôi khi cũng chống
chếnh, chênh vênh giữa bổn phận của người vợ và một thế giới siêu thực nào
đó, nhưng rồi chị lại thản thốt giật mình quay về duy trì tổ ấm bình yên” [12].



8

Nhìn chung, các bài viết về chân dung nhà văn đều chỉ ra những nét khái
quát nhất trong con người Y Ban như tính cách táo bạo, mãnh liệt, bộc trực,
nhiều trải nghiệm... và mang đậm dấu ấn của một người đàn bà viết văn.
Những tài liệu này sẽ giúp ích cho chúng tôi trong quá trình tìm hiểu về
những đóng góp của chị cho truyện ngắn Việt Nam đương đại.
2.2. Lịch sử nghiên cứu về truyện ngắn Y Ban
Truyện ngắn Y Ban đã và đang được độc giả quan tâm đón nhận. Ngắn
gọn, súc tích, những câu chuyện của bà mang đậm không khí thời đại, chuyển
tải được nhiều chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời và con người.
Tác giả Nguyễn Thị Thích (Đại học Vinh – 2009) trong luận văn thạc sĩ
của mình với tên gọi Phong cách truyện ngắn Y Ban đã chỉ ra một số đặc
trưng cơ bản về phương diện đề tài, nội dung, tư tưởng và một số đặc sắc về
nghệ thuật của truyện ngắn Y Ban. Tuy công trình vẫn còn nhiều chỗ hạn chế,
nhưng đã nhìn nhận sáng tác của Y Ban dưới một cái nhìn tập trung và hệ
thống để nhận diện phong cách tác giả giữa rất nhiều cây bút nữ đương đại.
Năm 2010, Y Ban được nghiên cứu một cách hệ thống hơn qua luận văn
Thạc sĩ của Mai Thị Thu (Đại học Vinh) với đề tài Người đàn bà trong sáng
tác Y Ban. Tác giả đã khái quát một cách hệ thống những đặc điểm trong sáng
tác của Y Ban, nhất là nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm người đàn bà. Công trình đã đem lại một cái nhìn tương đối toàn diện hơn về
sáng tác, cũng như những cách tân táo bạo cả về nội dung tư tưởng lẫn hình
thức biểu đạt của nhà văn Y Ban trong giai đoạn văn xuôi tự sự đương đại
đang khởi sắc.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến những tác phẩm tiêu
biểu của Y Ban. I am đàn bà tuy không phải là tập truyện ngắn đầu tay của bà
nhưng nó lại gây ấn tượng mạnh mẽ và thu hút đông đảo người đọc. Nhà văn
Dạ Ngân khi trả lời phỏng vấn báo Thể thao & Văn hoá về tác phẩm đã nhận
định: “Y Ban đã vượt lên chính mình, đã thoát khỏi chuyện tình cảm đàn ông

đàn bà để hướng vào thân phận đàn bà chung hơn, lớn lao hơn”. Khi được hỏi


9

ý kiến về phong cách văn chương Y Ban, Dạ Ngân cho rằng: “Y Ban bạo liệt
hơn, có những đoạn văn băm bổ. Âu cũng là cái tạng viết, tạng người. Hãy
đọc kĩ Y Ban hơn nữa để thấy rằng đây vẫn là cây bút biết tìm tòi, bứt phá
không yên với chính mình”.
Tác giả Việt Hà trong bài viết “I am đàn bà” và thế giới “nửa đàn ông
là đàn bà” đã khái quát đặc trưng các kiểu nhân vật nữ trong sáng tác Y Ban:
“Thân phận người đàn bà Việt – đây là tứ lớn cho hầu hầu hết các câu chuyện
trong tập sách. Ngoài một số truyện nói về người đàn bà Việt trong vẻ đẹp
nhân hậu, thuần phác (như trong truyện “Cái Tý”), hay cả trong những ấm ớ
dễ thương (như trong “Gà ấp bóng”) còn lại nhiều nhân vật nữ của Y Ban
khắc khoải, vô vọng trên con đường đi tìm một cuộc sống ấm no, một tình
yêu hoàn thiện trong một thế giới “nửa đàn ông là đàn bà” còn biết bao bất
trắc...” [20].
Trong bài viết Nhà văn Y Ban và Hành trình của tờ tiền giả, Thuỷ Chi
đã xác định phong cách viết văn của Y Ban là “viết theo xu hướng hiện đại”.
Tính hiện đại được thể hiện ở mặt hình thức “văn chương của chị không dài
dòng, không dùng nhiều chữ bởi chị cho rằng viết như thế dễ làm người đọc
mệt mỏi” và được thể hiện ở nội dung: “Y Ban được nhận xét là một nhà văn
rất giàu chi tiết và rất táo bạo trong việc đưa chi tiết vào truyện. Chị đã nhặt
nhạnh chi tiết cho tác phẩm của mình từ trong cuộc sống hàng ngày trong lúc
đi làm, lúc đưa con đi học, khi đi chợ…”. [13]
Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp cận những bài phỏng vấn Y Ban trên các
báo như: Đối thoại Y Ban - Nguyễn Khắc Phục (dep.com.vn), Y Ban: “Muốn
bị đập một cái vào mặt”(vietbao.com), Y Ban: “Cái nhân tình không ai bán
cả” (vnexpress), Y Ban: “Sex là giải trí và văn hoá” (vnexpress), Y Ban:

“Hãy lắng nghe tác phẩm của các nhà văn nữ”(vnexpress), Nhà văn Y Ban
và đàn bà xấu (SGTT Nguyệt san)…
Nhìn chung ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu, phê bình về truyện
ngắn của Y Ban còn ít. Hơn nữa các bài viết chỉ dừng lại ở cái nhìn cảm tính


10

chưa có công trình nào nghiên cứu đóng góp của Y Ban ở thể loại truyện
ngắn.
Đề tài Đóng góp của Y Ban cho truyện ngắn Việt Nam đương đại của
chúng tôi muốn có một cái nhìn hệ thống và chuyên sâu hơn về những khám
phá, đóng góp của tác giả cho thể loại truyện ngắn trong văn học Việt Nam
đương đại.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi, giới hạn của đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu: những đóng góp của Y Ban cho truyện ngắn
đương đại.
3.2. Giới hạn của đề tài
- Đề tài bao quát toàn bộ truyện ngắn của Y Ban, khảo sát và xác định
những đóng góp của Y Ban cho truyện ngắn Việt Nam đương đại.
- Văn bản tác phẩm truyện ngắn của Y Ban, luận văn dựa vào các cuốn:
1. Người đàn bà có ma lực, Nxb Hà Nội, 1993
2. Đàn bà sinh ra từ bóng đêm, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995
3. Vùng sáng kí ức, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996.
4. Miếu hoang, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000.
5. Cẩm cù, Nxb Hà Nội, 2001.
6. I am đàn bà, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2007.
7. Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ Nxb Hội Nhà văn, 2003.
8. Cưới chợ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2004.
9. Hành trình của tờ tiền giả, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.

10. Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy?, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2011
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Qua khảo sát toàn bộ truyện ngắn hiện có của Y Ban, luận văn nhằm xác
định những đóng góp của tác giả cho truyện ngắn Việt Nam đương đại.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu


11

4.2.1. Đưa ra một cái nhìn chung về sáng tác của Y Ban trong bối cảnh
truyện ngắn Việt Nam đương đại.
4.2.2. Khảo sát, phân tích, xác định những đóng góp của Y Ban cho
truyện ngắn Việt Nam đương đại trên phương diện nội dung, tư tưởng.
4.2.3. Khảo sát, phân tích và xác những đóng góp của Y Ban cho truyện
ngắn Việt Nam đương đại trên phương diện nghệ thuật thể hiện.
Cuối cùng, rút ra một số kết luận về đóng góp của Y Ban cho truyện
ngắn Việt Nam đương đại.
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, luận văn sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu
khác nhau, trong đó có các phương pháp chính: Thống kê – phân loại, phân
tích – tổng hợp, so sánh – loại hình, cấu trúc – hệ thống…
6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
6.1. Đóng góp của luận vănCó thể xem luận văn là công trình tập trung
tìm hiểu, nghiên cứu, xác định những đóng góp của Y Ban cho truyện ngắn
Việt Nam đương đại với cái nhìn hệ thống.
Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho
việc tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận truyện ngắn của Y Ban nói riêng, truyện
ngắn Việt Nam đương đại nói chung.
6.2. Cấu trúc của luận văn

Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận
văn được triển khai trong 3 chương:
Chương 1: Truyện ngắn của Y Ban trong bối cảnh truyện ngắn Việt
Nam đương đại
Chương 2: Đóng góp của Y Ban cho truyện ngắn Việt Nam đương đại
trên phương diện nội dung – tư tưởng
Chương 3: Đóng góp của Y Ban cho truyện ngắn Việt Nam đương đại
trên phương diện nghệ thuật thể hiện


12

Chương 1
TRUYỆN NGẮN CỦA Y BAN
TRONG BỐI CẢNH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Tổng quan về truyện ngắn Việt Nam đương đại
1.1.1. Khái niệm thời đương đại và truyện ngắn Việt Nam đương đại
Đầu thế kỷ XX đến nay được xem là thời kỳ hiện đại trong văn học Việt
Nam. Cho đến nay, giới nghiên cứu về cơ bản đều xác định văn học Việt Nam
từ 1986 trở lại đây là một thời kỳ nước ta thực hiện đổi mới toàn diện, trong
đó có văn học nghệ thuật. Văn học đã thoát hẳn lối viết minh họa phơi bày
được hiện thực cuộc sống đang diễn ra trước mắt. Thế kỷ XIX trở về trước
thuộc phạm trù văn học trung đại, từ thế kỷ XX thuộc phạm trù văn học hiện
đại. Văn học Việt Nam hiện đại lại được chia thành hai thời kỳ. Thời kỳ thứ
nhất: từ đầu thế kỷ XX đến 1945 – thời kỳ văn học được hiện đại hóa. Thời
kỳ thức hai: từ 1945 đến nay – thời kỳ được không ít ý kiến xem là văn học
đương đại (thời kỳ văn học đương diễn ra như thời kỳ của hiện đại).
Khái niệm văn học đương đại (ở Việt Nam), chúng tôi dùng ở đây xin
giới hạn từ 1986 đến nay (tức văn học thời kỳ đổi mới và hội nhập). Có rất
nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu khi đề cập đến khái niệm

truyện ngắn.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, truyện ngắn: “là tác phẩm tự sự cỡ
nhỏ”, “nội dung của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời
sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn
được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ”, “Truyện
ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất
trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế, trong
truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp... Truyện ngắn thường


13

không nhắm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt
trong tương quan với hoàn cảnh” [18, 371].
Trong 150 thuật ngữ văn học, Lại Nguyên Ân cũng quan niệm truyện
ngắn là: “Thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề
cập hầu hết các phương diện đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của
truyện ngắn là sự giới hạn của dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp
với người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền một mạch không nghỉ” [4, 371].
Nhà văn Nguyễn Công Hoan – một cây bút truyện ngắn xuất sắc trên
văn đàn Việt Nam quan niệm: “truyện ngắn không phải là truyện mà là một
vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ và bằng thái độ với
cách đặt câu dùng tiếng có cân nhắc… Muốn truyện ngắn ấy là truyện, chỉ
nên lấy một trong ngần ấy ý làm ý chính, làm chủ đề cho truyện… Những chi
tiết trong truyện chỉ nên xoay quanh chủ đề ấy thôi” [17, 25]. Nguyễn Kiên
cho rằng: “mỗi truyện ngắn là một trường hợp” và theo ông: “trong quan hệ
giữa con người và đời sống, có những khoảnh nào đó một mối quan hệ nào đó
được bộc lộ. Truyện ngắn phải nắm bắt được cái trường hợp đó”, “Truyện
ngắn thường chỉ phản ánh một khoảnh khắc, một mẩu nhỏ nào đó của cuộc
sống. Nhưng cuộc sống không phải diễn ra trên một mặt phẳng nên các mẩu

nhỏ đó vẫn là một khối – hơn nữa một khối chuyển động”.
Bùi Việt Thắng đặt truyện ngắn bên cạnh tiểu thuyết và xác định: “nếu
tiểu thuyết là một hình thức tự sự cỡ lớn, miêu tả cuộc sống trong quá trình
phát triển, với một cấu trúc phức tạp (nhiều cốt truyện, chủ đề, nhân vật) với
nhiều số phận tính cách đan xen thì truyện ngắn là hình thúc tự sự cỡ nhỏ, chỉ
thể hiện một bước ngoặt, một trường hợp hay một tâm trạng nhân vật” [55].
Có rất nhiều khái niệm về truyện ngắn, mỗi người cố tìm cho mình nột
định nghĩa, vì thế có hàng trăm khái niệm truyện ngắn, có thể nói như K. Pa
tôpxki: “truyện ngắn là một truyện viết ngắn gọn, trong đó, cái không bình
thường hiện ra như một cái gì bình thường và cái gì bình thường hiện ra như
một cái gì không bình thường ” (dẫn theo Bùi Việt Thắng).


14

Trong văn xuôi hiện nay, truyện ngắn là một trong những thể loại năng
động nhất, thường được các nhà văn lựa chọn để nhận thức và phản ánh đời
sống, truyện ngắn đương đại là truyện ngắn được viết trong thời đại hiện nay,
mang những đặc điểm của thể loại truyện ngắn nói chung. Với tư cách là một
thể tài tự sự, truyện ngắn đương đại là một kiểu tư duy nghệ thuật mới một,
cách nhìn mới về cuộc đời. Các nhà văn thường tìm đến truyện ngắn để thể
hiện những vấn đề thế sự đời tư, những nghĩ suy, những băn khoăn, trăn trở
trong thời hiện đại vì tính năng động, cập nhật đời sống của thể loại này.
1.1.2. Diện mạo, thành tựu và xu thế của truyện ngắn Việt Nam
đương đại
1.1.2.1. Diện mạo và thành tựu của truyện ngắn Việt Nam đương đại
Trong tiến trình văn học của Việt Nam, mỗi thời đại, mỗi thế kỷ đều có
những thành tựu nổi bật. Cùng với sự xuất hiện đa dạng phong phú của các
trào lưu văn học, văn học thế kỉ XX đã có nhiều thành tựu nổi bật, mặc dù vẫn
còn những mặt tồn tại của nó. Tuy nhiên, văn học đã phản ánh hiện thực cuộc

sống và con người một cách toàn diện và sâu sắc hơn, đa dạng và phong phú
hơn. Văn học thế kỷ XX phát triển theo hướng hiện đại hoá đã thoát khỏi
nhiều khuôn mẫu của văn học trung đại với những trào lưu văn học xuất hiện
những năm 30 – 45 như trào lưu lãng mạn (tiêu biểu như: Thế Lữ, Xuân Diệu,
Hàn Mặc Tử, Huy Cận...), trào lưu hiện thực phê phán (tiêu biểu như: Nam
Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng...), trào lưu cách mạng (tiêu biểu như:
Hồ Chí Minh, Tố Hữu...), trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa (tiêu biểu như:
Quang Dũng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Đình Thi...).
Từ 1986, văn học Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, xuất hiện nhiều
nhà văn tiêu biểu có những đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật như Nguyễn
Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Phiên chợ Giát; Lê
Lựu với Thời xa vắng; Nguyễn Huy Thiệp với Tướng về hưu; Bảo Ninh với
Nỗi buồn chiến tranh và nhà văn nữ tiêu biểu Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng


15

Anh, Võ Thị Hảo, Y Ban... đã góp phần vào thành tựu của văn học đương đại,
đặc biệt là văn xuôi tự sự…
Nằm trong mạch vận động chung của văn xuôi Việt Nam sau 1986,
truyện ngắn với ưu thế nhỏ gọn của hình thức, sự chuyển tải nhanh nhạy
những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội đang có nhiều khởi sắc. Bàn về văn
xuôi sau 1975, Nguyên Ngọc nhận định: “đến đây bỗng thấy một quy luật rất
thú vị về sự phát triển của thể loại văn học. Truyện ngắn bỗng nổi bật lên
hàng đầu. Những năm trước truyện ngắn gần như lịm đi, bị đè bẹp dưới sức
nặng của tiểu thuyết dã chiến ngồn ngộn. Bây giờ len qua kẽ hở của vô số tiểu
thuyết ngổn ngang kia, nó ngoi lên và bừng nở. Tôi có cảm giác chúng ta
đang đứng trước một một vụ được mùa truyện ngắn. Truyện ngắn đông,
nhiều và thật sự có một số truyện ngắn hay” [37]. Qua một vài con số thống
kê, ta có thể thấy được tốc độ phát triển của truyện ngắn. “Chỉ có ba cuộc thi

truyện ngắn (của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn TPHCM và Tạp chí Văn nghệ
quân đội tổ chức) sơ bộ đã có tới gần 7000 truyện dự thi. Nếu tính cả truyện
ngắn đăng trên báo, tạp chí trong năm, con số ấy sẽ lên tới hàng vạn” [24].
Theo Bùi Việt Thắng, “cuộc thi truyện ngắn 2001 – 2002 do Tạp chí Văn
nghệ quân đội tổ chức có gần 2000 tác phẩm dự thi bằng số lượng truyện
ngắn của bốn năm 1978 – 1979, 1983 – 1984” [53]. Điều đó cho thấy tiềm lực
rất lớn của thể loại tự sự cỡ nhỏ. Có thể nói, chưa bao giờ truyện ngắn lại phát
triển phong phú về số lượng lẫn hiệu quả nghệ thuật như thời kỳ này, “ở các
lĩnh vực khác như thơ, tiểu thuyết, ký, kịch bản sân khấu đã có lúc đem lại
hứng thú nghệ thuật với độc giả, song cũng có lúc rơi vào sự thờ ơ lãnh đạm
bởi không đáp ứng kịp thời phần nào đời sống tinh thần và thẩm mĩ đang biến
đổi và nâng cao trong công chúng. Với truyện ngắn, từ sau 1975, nhất là trong
thời kỳ đổi mới dường như lúc nào cũng đáp ứng được tâm lý thị hiếu của độc
giả” [54]. Người đọc thích tìm đến với truyện ngắn bởi nó gần gũi với đời
sống hàng ngày, súc tích dễ đọc lại thường gắn liền với hoạt động báo chí nên
tiếp xúc với nó cũng khá dễ dàng, thuận tiện. Nếu tiểu thuyết chiếm lĩnh đời


16

sống trong toàn bộ sự toàn vẹn, đầy đặn và ngồn ngộn của nó thì truyện ngắn
lại thường nhằm khắc hoạ “một lát cắt của đời sống”. Lát cắt ấy được nhà văn
khám phá trong một khoảnh khắc xuất thần nào đó, hay là kết quả của một sự
chiêm nghiệm đời sống trong phút giây thoảng qua. Cố nhiên cái xuất thần và
thoảng qua ấy chỉ có thể có ở những con người luôn trăn trở, suy tư về cuộc
sống. “Truyện ngắn tự nó đã hàm chứa cái thú vị của những điều sâu sắc
trong một hình thức nhỏ gọn và truyền dẫn cực nhanh những thông tin mới
mẻ. Đây là thể loại văn học có nội khí một lời mà thiên cổ, một gợi mà trăm
suy” [55]. Truyện ngắn thời kỳ đổi mới đi vào mọi vấn đề của cuộc sống
thường nhật. Đó là nỗi đau của chiến tranh để lại, là sự mất mát của người

lính bước ra khỏi cuộc chiến, là nỗi hận thù của dòng họ, gia tộc, là cái khắc
nghiệt của đói khát và sự cô đơn. Có cả những vấn đề của cõi tâm linh, tiềm
thức và vô thức. Có niềm hân hoan hạnh phúc, có nỗi xót xa cay đắng... Mọi
cảm xúc, mọi cung bậc của đời sống đều sống dậy trong những câu chữ giản
dị. Bao nhiêu phức tạp ồn ào bao nhiêu dư vị đắng chát của cuộc sống thời
đổi mới đều được truyện ngắn phản ánh chân thực. Những khoảnh khắc chốc
lát được ghi lại đủ sức soi tỏ chân xác một phương diện nào đó của đời sống,
mà ngày mai khi nhìn lại, ta vẫn thấy ở đó có cái nhất thời và cái vĩnh viễn
của một giai đoạn trong guồng quay vô tận của bánh xe lịch sử. Truyện ngắn
giờ đây không còn là “mũi khoan thăm dò nhỏ và nhẹ” (Nguyên Ngọc) mà đã
mang sức nặng của những sự khái quát, qua mỗi câu chuyện có thể thấy cả
một cảnh đời, một kiếp người, một vận hội, một thời đại. Dung lượng truyện
ngắn tăng có thể xem là đặc điểm nổi bật của truyện ngắn Việt Nam sau 1986.
Truyện ngắn Việt Nam từ sau Đổi mới đến nay, chỉ chưa đầy ba mươi
năm phát triển nhưng cũng giống như tiểu thuyết, nó đã chứng kiến sự trưởng
thành của nhiều thế hệ nhà văn. Thế hệ đầu tiên vẫn phải kể đến Nguyễn
Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai…
Thế hệ trung gian chứng kiến sự trưởng thành và khẳng định tài năng một
cách mạnh mẽ của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh,


17

Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Lý Lan, Thuỳ Dương, Trần Thuỳ
Mai, Võ Thị Xuân Hà… Và ở thời điểm hiện tại là sự góp mặt của một đội
ngũ đông đảo những cây viết trẻ như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc
Thuần, Đỗ Hoàng Diệu, Dương Bình Nguyên, Cấn Vân Khánh, Trang Hạ…
Với đội ngũ sáng tác như vậy, truyện ngắn Việt Nam đương đại đem lại
cho người đọc nhiều tác phẩm mới mẻ và có thể được xem là thể loại tự sự
đáp ứng được đầy đủ nhất nhu cầu đọc của độc giả. Không chỉ được đọc ở

Việt Nam, nhiều truyện ngắn tiêu biểu đã được dịch và giới thiệu với công
chúng nước ngoài như tác phẩm của Hồ Anh Thái, Lý Lan, Y Ban, Phan Thị
Vàng Anh, Võ Thị Hảo… Các nhà văn nữ thời gian này cũng khẳng định
mình trên thể loại truyện ngắn với những tác phẩm gây được tiếng vang, được
bạn đọc đặc biệt yêu thích như Hậu thiên đường, Nào, ta cùng lãng quên,
Giai nhân, Xin hãy tin em, Rồi cũng tới nơi thôi, Tân cảng… (Nguyễn Thị
Thu Huệ); Hồn trinh nữ, Goá phụ đen (Võ Thị Hảo), Nơi bình yên chim hót,
Chiêm bao thấy núi, Đất khách, Người đàn bà kể chuyện (Lý Lan), Người
đàn bà có ma lực, Đàn bà sinh ra từ bóng đêm, I am đàn bà, Cưới chợ, Chợ
rằm dưới gốc dâu cổ thụ (Y Ban). Tập truyện ngắn mới của Nguyễn Thị Thu
Huệ Nào, ta cùng lãng quên, Y Ban Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa
đấy ?... vừa mới ra, cũng được hào hứng đón đọc. Có những cây viết trẻ, vừa
mới xuất hiện tác phẩm đầu tay, như Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhắm mắt
vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Nguyễn Ngọc Tư với những truyện
ngắn tiêu biểu là truyện ngắn Cánh đồng bất tận và Phương Trinh với Mây
bay ngang rồi mây bay qua, Quả táo, là những truyện ngắn khá tinh tế đã
được người đọc chú ý và hứa hẹn nhiều mới lạ….
Với những tác phẩm này, truyện ngắn Việt Nam đương đại được đánh
giá là “tập trung được nhiều nhất yếu tố có tính cách tân trong văn xuôi thời
kỳ đổi mới và có nhiều kết tinh hơn hẳn các thể loại khác” [9, 217]. Không
phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đây là thời kỳ “lên ngôi” của truyện ngắn.
Có thể nói rằng, trong văn xuôi, truyện ngắn là thể loại đã khẳng định được vị


18

trí của mình và có tầm ảnh hưởng rộng rãi nhất đối với đời sống văn học:
“Chưa bao giờ truyện ngắn Việt Nam lại tung phá và biến ảo như thời kì này”
(Hoàng Minh Tường).
Truyện ngắn vốn là một thể nổi trội trong văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Từ thời kỳ đổi mới, truyện ngắn cũng được đa dạng hóa về các kiểu loại.
Truyện ngắn là thể loại tập trung nhiều yếu tố của một nền văn học đang đổi
mới. Truyện ngắn phát triển ồ ạt về số lượng mạnh mẽ về chất lượng. Tất cả
những bề bộn, đa chiều của cuộc sống đều được đưa vào truyện ngắn một
cách cụ thể, sinh động. Do đặc trưng của một thể loại nhỏ nên có thể luồn
lách vào mọi ngõ ngách tâm hồn con người, luôn bám hiện thực đa chiều của
cuộc sống, soi vào tâm linh con người.
Về thành tựu, trước hết là sự thay đổi về tư duy, tư duy lúc này là tư duy
“hiện thực đang sinh thành”. Hiện thực đang thay đổi buộc lòng tư duy cách
nghĩ, cách làm phải thay đổi. Không thể lấy con mắt cũ để nhìn cuộc đời mới,
càng không thể lấy cái nhìn cũ để đo hiện thực mới. Thay đổi về tư duy, văn
học buộc lòng phải thay đổi cảm hứng. Giờ đây văn học không còn lấy cảm
hứng sử thi – lãng mạn nữa mà là “những cảm hứng mới về sự thật” (Phong
Lê). Những đề tài lớn thuộc về dân tộc, về con người công dân nhường chỗ
cho những đề tài về con người đời tư – thế sự. Văn học đương đại quan tâm
nhiều đến sự giải phóng cái tôi cá nhân, con người cá nhân tự do và hiện sinh.
Chủ đề giới tính xuất hiện ngày càng nhiều trong văn học với rất nhiều tên
tuổi như Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư,
Y Ban, Lý Lan…Con người không phải được nhìn nhận trong mối quan hệ
với cái ta cộng đồng mà cái chính là các quan hệ của cái tôi mang tính đời tư
– thế sự. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, bên cạnh những đề tài nói về con
người cá nhân – những dục vọng nhân tính, những giằng xé phức tạp như tác
phẩm Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, văn học sau 1986 có một mảng ưu
tiên cho hạnh phúc gia đình, viết về người phụ nữ của các cây bút nữ như Lý
Lan, Y Ban, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Phan Thị Vàng Anh.


19

Hình thức thể hiện cũng là một điểm đáng chú ý của truyện ngắn Việt

Nam sau 1986. Nhiều hướng tìm tòi mới cũng được công khai thể hiện, đặc
biệt là các cây bút trẻ như: Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ,
Thuận. Dưới ảnh hưởng của triết học và tư duy phương Tây, truyện ngắn đã
mang vào mình nhiều hình thức như cắt dán, sử dụng cái kỳ ảo, hình thức
nhại, truyện ngắn mi ni…
Những phân tích trên cho thấy, truyện ngắn sau 1986 không chỉ tăng
nhanh về số lượng mà còn đổi mới từ nội dung phản ánh đến hình thức thể
hiện. Cùng với sự gia tăng những tên tuổi mới và số lượng tác phẩm, truyện
ngắn thời kỳ này đã mở ra nhiều hướng tìm tòi cả trong tiếp nhận hiện thực
lẫn thi pháp thể loại. Đó là chiều sâu triết lý và những cảm nhận về nỗi cô
đơn, của thân phận con người, là sự đan cài giữa cái ảo và cái thực, giữa chất
thơ và văn xuôi... Những bước cách tân ấy đã tạo nên sắc diện mới và sự lôi
cuốn cho thể loại. Bên cạnh những phức âm, những pha trộn, người đọc cũng
có thể nhận thấy một khuynh hướng tương đối độc lập, phát triển ngày càng
mạnh mẽ và có nhiều thành tựu, đó là văn chương của các cây bút nữ. Khác
với truyền thống, các cây bút nữ này đồng hành trong tư tưởng và tương tác
cho nhau để làm nên một khuynh hướng gọi là văn học nữ quyền. Có thể nói
rằng, trong văn xuôi, truyện ngắn là thể loại đã khẳng định được vị trí của
mình và có tầm ảnh hưởng rộng rãi nhất đối với đời sống văn học đương đại.
1.1.2.2. Xu thế của truyện ngắn Việt Nam đương đại
Truyện ngắn thế sự nhằm thể hiện một mảnh nhỏ của dòng đời chảy trôi
vô biên, truyện ngắn triết luận rất gần với ngụ ngôn, truyện ngắn như là tiểu
thuyết viết gọn lại, truyện ngắn gần với bút ký ghi lại cảm xúc của một cá
nhân… Đó là những loại truyện phổ biến hiện nay. Loại truyện “mi ni” được
rộ lên ở một thời điểm, như là sự chống lại lối viết truyện ngắn quá dài trong
truyền thống. Truyện ngắn đương đại dường như đang lên ngôi, đang gặt hái
một vụ mùa bội thu. Không chỉ nhiều về số lượng, truyện ngắn với ưu thế thể
loại của mình đã sục vào mọi ngõ ngách của đời sống, đào xới mọi vỉa tầng



20

của hiện thực, phơi bày không né tránh mọi bi kịch của nhân sinh. Về hình
thức, truyện ngắn cũng trở nên hết sức đa dạng, vượt lên trên mọi cách phân
loại thông thường của lý luận văn học: truyện ngắn cổ điển, truyện ngắn kỳ
ảo, truyện ngắn trữ tình, truyện rất ngắn, truyện ngắn liên hoàn, truyện ngắn
nhại cổ tích, nhại ngụ ngôn…Và đặc biệt, truyện ngắn đang làm mờ đi ranh
giới giữa nó với tiểu thuyết. Trước hết về dung lượng, nếu tiểu thuyết có xu
hướng rút ngắn lại (Tấm ván phong dao của Mạc Can, Ngõ lỗ thủng của
Trung Trung Đỉnh, Cõi người rung chuông tận thế Hồ Anh Thái, Thiên thần
sám hối của Tạ Duy Anh, Đàn bà xấu thì không có quà, Xuân từ chiều của Y
Ban…), thì nhiều truyện ngắn lại có xu hướng kéo dài ra, mở rộng không gian
thời gian, dõi theo những số phận có thăng trầm, biến đổi, giống với hình thức
những truyện vừa hay tiểu thuyết rút gọn.
Truyện ngắn có xu hướng vươn ra độ dài như tiểu thuyết: Tiếng thở dài
qua rừng kim tước (Hồ Anh Thái), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư),
Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu)… Xuất hiện một số truyện ngắn có kết cấu theo lối
chương hồi (Tướng về hưu, Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp). Đặc biệt, trong
thời gian này, hình thức truyện ngắn hiện đại của nước ngoài là truyện cực
ngắn cũng gây được sự quan tâm đặc biệt của các nhà văn (Y Ban được biết
có gần 100 bản thảo truyện cực ngắn chưa công bố). Tiểu thuyết lại có xu
hướng co hẹp lại như một truyện vừa (Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan, Xuân
Từ Chiều của Y Ban). Cả truyện ngắn và tiểu thuyết đều có tham vọng dung
nạp thơ, tiểu sử, các câu chuyện dân gian vào trong tác phẩm của mình. Nhìn
sự vận động của chúng, tuy ranh giới thể loại không bị xoá nhoà, người ta
thấy rất rõ sự thâm nhập, pha trộn, chuyển hoá lẫn nhau giữa các thể loại.
Chính từ những vùng sóng giao thoa này, các thể loại cũ đã có thêm những tố
chất, khả năng biểu hiện mới.
Cùng với khả năng bao quát những thăng trầm của số phận theo chiều
dài thời gian là sự mở rộng không gian phản ánh, là sự đan xen nhiều tuyến

nhân vật. Truyện ngắn hôm nay cũng không dừng lại với hình thức “một hoặc


21

vài ba nhân vật” mà đôi khi nó còn là câu chuyện của nhiều người, cả gia
đình, cả dòng họ, cả làng, cả một thời (Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp,
Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh). Nhiều truyện ngắn của Nguyễn
Quang Thân, Ma Văn Kháng, Võ Thị Hảo, Trần Thuỳ Mai, Y Ban…cũng có
xu hướng mở rộng dung lượng như thế. Lê Minh Khuê nhận xét: “Nhiều
người đọc thích các truyện ngắn mang dáng dấp tiểu thuyết cực ngắn, nghĩa là
truyện này mà viết dài ra thì thành tiểu thuyết hẳn hoi nhưng tác giả đã dồn nó
vào hai trang báo” [51, 78].
Đặc biệt vào những năm 90, trên văn đàn xuất hiện một loại “truyện
rất ngắn”, còn gọi là “truyện ngắn mi ni”. Tiền thân của dạng truyện này là
những “mẩu chuyện”. Sức hấp dẫn của truyện ngắn mi ni chính là sự hàm
súc, đúc đọng của ý tưởng và ngôn từ, trong đó có sự kết hợp giữa triết lý ngụ
ngôn và chất thơ, giữa tính biểu tượng và hình ảnh thực, giữa cảm xúc và
nhận thức lý tính. Sự đăng đàn của truyện ngắn mi ni cho thấy độ co giãn của
thể loại đang có nhiều biến động. Cuộc thi truyện rất ngắn do Tạp chí Thế
giới mới tổ chức năm 1995 đã thuyết minh cho sự tồn tại độc lập của thể loại
truyện này. Tuy nhiên, đây mới là những thể nghiệm bước đầu bởi truyện rất
ngắn đòi hỏi một độ nhạy cảm cao và sự dẫn dắt khéo léo, nếu không rất dễ
trở thành những câu chuyện ngụ ngôn hiện đại.
Khái quát qua một số đặc điểm của thể loại truyện ngắn, trong văn học
Việt Nam đương đại, trên cơ sở đánh giá số lượng và chất lượng của tác phẩm
lẫn đội ngũ sáng tác có thể thấy, thể truyện ngắn trong văn học thời kì này
đang chiếm nhiều ưu thế. Truyện ngắn tuy chưa có nhiều cách tân như thơ,
nhưng những đóng góp to lớn của nó đã tạo nên diện mạo đặc trưng của văn
học Việt Nam đương đại. Trong tương quan so sánh với văn học giai đoạn

trước, có thể thấy văn học Việt Nam đương đại có sự trưởng thành và phát
triển phong phú, đa dạng ở mảng văn xuôi tự sự, thể hiện ở sự tiếp nối của
nhiều thế hệ sáng tác, sự đa dạng của đề tài, sự phong phú và phức tạp của tư
tưởng, cảm hứng, sự đổi mới về hình thức nghệ thuật…


22

1.2. Vị trí của truyện ngắn của Y Ban trong truyện ngắn Việt Nam
đương đại
1.2.1. Y Ban – một gương mặt tiêu biểu cho văn xuôi tự sự Việt Nam
đương đại, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn
Truyện ngắn Việt Nam đương đại đang thật sự chuyển mình, với sự xuất
hiện hàng loạt cây bút trẻ đầy triển vọng. Trong số đó, một hiện tượng độc
đáo đang gây được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu và phê bình đó là
sự xuất hiện đông đảo của đội ngũ sáng tác các nhà văn nữ: Lê Minh Khuê,
Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Lý Lan, Võ Thị Hảo, Trần Thị
Trường,… đến thế hệ nhà văn 7x như Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ
Hoàng Diệu, Di Li và gần đây nhất là thế hệ các nhà văn trẻ tuổi 8x như Cấn
Vân Khánh, Trang Hạ, Từ Nữ Triệu Vương, Nguyễn Quỳnh Trang… Họ đã
tạo nên dấu ấn riêng trong văn học đương đại. Có thể nói rằng, chính sự xuất
hiện của các cây bút truyện ngắn nữ đã làm cho văn học nước nhà có nhiều
khởi sắc. Các nữ văn sĩ ấy là những gương mặt sáng giá của “thể loại nhỏ” và
làm cho văn học giàu nữ tính hơn, mềm mại hơn. Họ đã gây được ấn tượng
cho người đọc nhờ cách trình bày cuộc sống theo hình thức “lạ hóa” đối
tượng – cái khả năng, chỉ có thể có ở những người cầm bút mà cách nhìn cuộc
sống thật phóng túng, giàu trí tưởng tượng, uyển chuyển, linh hoạt mặc dù
mỗi người một vẻ không ai giống ai.
Trong số những cây bút nữ viết văn ấy, tuy không phải là nhà văn tài
năng nhất, có vai trò tiên phong đi đầu và mặc dù các tác phẩm còn có nhiều ý

kiến khen, chê khác nhau nhưng bà vẫn làm theo sự lựa chọn của mình, làm
theo những gì mình cho là đúng, là đích thực. Là tác giả của 2 tiểu thuyết, 3
tập truyện vừa, 10 tập truyện ngắn, Y Ban đã từng bước khẳng định vị trí của
mình trên văn đàn. Bà bắt đầu sáng tác là thể loại truyện ngắn, với sáng tác
đầu tay và cũng đem đến thành công cho bà khi tác phẩm Bức thư gửi mẹ Âu
Cơ ra đời và ngay lập tức được giả thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí
Văn nghệ quân đội. Y Ban nổi lên như một nhà văn có sức sáng tạo không


23

ngừng, điều này được thể hiện trước hết ở khả năng sáng tác không ngơi nghỉ
và số lượng tác phẩm của bà. Y Ban sáng tác nhiều thể loại nhưng thế mạnh
của bà trong các thể loại văn xuôi tự sự là truyện ngắn, bên cạnh đó thể loại
tiểu thuyết cũng được bà quan tâm nhưng chỉ là một thử nghiệm bước đầu
trong sự nghiệp viết văn của bà. Văn phong của bà không triết lý suông, vụn
vặt mà mọi ý tưởng đều được chắt lọc từ những tình cảm của đời sống. Là
người phụ nữ tinh tế và nhạy cảm nên lựa chọn đầu tiêu trong truyện ngắn của
Y Ban đề tài về tình yêu và đề tài hôn nhân gia đình, đặc biệt bà viết khá
thành công về đề tài người phụ nữ.
Ở bà luôn có ý thức về nghề nghiệp, gần như các tác phẩm của bà được
viết ra đều đều không ngừng nghỉ, bà quan niệm “chỉ viết khi nào mình không
cảm thấy rỗng tuếch” [26], “trăm bó đuốc bắt con ếch chứ không mơ con gà
đẻ trứng vàng”. Y Ban là tác giả của hơn 200 truyện ngắn với nhiều tác phẩm
thành công như: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, I am đàn bà, Tự, Gà ấp bóng, Hành
trình của tờ tiền giả, Này hởi thật đã nhìn thấy gì chưa đây?... Không chỉ
dừng lại ở đấy, Y Ban còn khẳng định năng lực sáng tạo của mình ở thể loại
tiểu thuyết, với hai cuốn tiểu thuyết có dung lượng vừa phải là Đàn bà xấu thì
không có quà và Xuân Từ Chiều. Chính Y Ban cũng đã thừa nhận rằng: “Một
truyện ngắn của tôi thường tranh thủ viết không quá hai ngày. Xuân Từ Chiều

250 trang cũng viết tranh thủ trong vòng hai tháng không hơn”. Bà luôn có ý
thức tìm tòi và sáng tạo ra cách viết mới mẻ không gây sự nhàm chán cho
người đọc, vì vậy mỗi khi xuất hiện, sáng tác của Y Ban đều đủ sức tạo nên
những làn sóng nhỏ trên văn đàn.
1.2.2. Hành trình truyện ngắn và những thành công cơ bản của Y Ban
1.2.2.1. Hành trình của truyện ngắn Y Ban
Tình hình xã hội và sự phát triển của giai đoạn, đã góp phần tạo nên
phong phú và đậm đà bản sắc cho văn học đương đại. Trong số những nhà
văn đương đại mà chúng ta được biết, Y Ban là một nhà văn tuy chưa thật sự
nổi bật trên văn đàn, nhưng bà đã để lại dấu ấn riêng với một quá trình tìm tòi


24

và sáng tạo không ngừng của bản thân. Với giọng nói trong trẻo, lạc quan, bà
cuốn hút người nghe bằng những câu chuyện không đầu không cuối. Bà đã
từng làm đủ loại nghề để nuôi con, nuôi chồng, nhưng Y Ban vẫn giữ cho
mình sự lãng mạn, tinh khiết của tâm hồn. Y Ban tốt nghiệp Đại học Y khoa,
đã từng dạy học tại Trường Cao đẳng, bà đến với văn chương như một chuyện
tình cờ rất ngẫu nhiên, với lối viết nhẹ nhàng không triết lý sâu xa như Lý
Lan, ít đặt nhân vật vào tình huống éo le như Trần Thị Trường, Y Ban có một
lối viết riêng khi đi vào tìm hiểu từng tâm trạng riêng tư của con người. Y Ban
luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những giây phút riêng tư nhất, những
trạng thái tâm hồn tinh vi nhất trong đời sống nội tâm của nhân vật, đặc biệt là
người phụ nữ.
Y Ban được độc giả cả nước biết đến từ truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu
Cơ và Chuyện một người đàn bà, đó là những sáng tác đầu tay được đăng vào
cuối những năm 80. Ngay khi tác phẩm ra đời đã được bạn đọc đón nhận và
giành được giả thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Với truyện Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, bà gần như là nhà văn đầu tiên minh oan,

cảm thông cho những cô gái phải đi giải quyết, những nỗi đau rất đàn bà, nỗi
đau ở vai trò làm mẹ của những cô gái trẻ khi bước vào đời. Không chỉ dừng
lại ở đó, Y Ban vẫn giữ được “phong độ” sáng tác liên tục và dồi đào của
mình sau hơn 20 năm cầm bút. Từ 1993 trở lại đây, bà đã liên tục cho ra đời
những tác phẩm như: năm xuất bản Người đàn bà có ma lực (1993) đây là
tập truyện ngắn đầu tay của bà. Hai năm sau đó lại xuất bản tập Đàn bà sinh
ra từ bóng đêm, Vùng sáng ký ức (1996), tập truyện ngắn Y Ban (1998), Miếu
hoang (2000), Cẩm cù (2001). Tiếp sau đó năm 2004, bà liên tiếp xuất bản
một tập truyện ngắn Cưới chợ và tiểu thuyết Đàn bà xấu thì không có quà.
Đặc biệt xuất bản tập truyện I am đàn bà (2007), tập truyện ngắn đã gây
không ít dư luận về Y Ban nhưng cuối cùng vẫn giành được giải Nhì cuộc thi
truyện ngắn của báo Văn nghệ. Sau tập truyện I am đàn bà, người ta thấy một
Y Ban chín chắn hơn trong cách viết, mặc dù bà vẫn duy trì lối viết cũ với


25

tiểu thuyết Xuân Từ Chiều xuất bản năm 2008, đó là điều đáng ghi nhận và
đáng trân trọng đối với nhà văn này.
Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay Xuân Từ Chiều với thủ pháp viết không
xuống dòng ra mắt gây rất nhiều sự chú ý của bạn đọc, Y Ban cho ra mắt bạn
đọc tập truyện ngắn mới, với tựa đề Hành trình của tờ tiền giả (2010) với 14
truyện viết trong khoảng gần 2 năm, ghi lại dấu ấn cuộc sống của tác giả và
của xã hội. Ý thức nữ quyền sâu sắc luôn là đề tài không bao giờ thiếu trong
truyện ngắn Y Ban, Sau chớp là dông bão, gà ấp bóng, Tự; Tôi và anh, thằng
bé và con rắn, Người đàn bà có ma lực. Đề tài về đời sống tâm linh cũng
được Y Ban chú trọng tạo nên luồng sinh khí mới trong truyện ngắn của bà:
Chợ rằm dưới gốc cây cổ thụ, Chuyến xe đêm, Tay thiêng, Đất thiêng… Ngoài
ra những truyện như: Cuộc tình silicon, Cuộc chiến tranh giữa các nền văn
hóa, Hàng khuyến mại, Đi câu mực ở bãi biển Sầm Sơn, Tò he là sự tiếp thu

văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa trong mỗi con người.
Tính đến 2007 Y Ban đã là tác giả với hơn 20 đầu sách. Nhìn vào hành
trình sáng tác của bà chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước sự sáng tác liên
tục không ngừng nghỉ của bà, hầu như mỗi một năm Y Ban đều cho ra đời
một tác phẩm. Các sáng tác này là sự đánh dấu bước tiến vượt bậc của nhà
văn Y Ban về kỹ thuật viết.
Cho đến nay, nhìn lại toàn bộ sáng tác truyện ngắn Y Ban người đọc dễ
nhận thấy một sự thay đổi lớn ở tác giả này. Ngày trước, nhắc đến Y Ban
người ta nhớ tới những truyện ngắn trắc ẩn, nhiều day dứt, với những câu văn
mượt mà. Còn bây giờ, đọc truyện Y Ban, độc giả nhận ra một Y Ban xoáy
sâu vào những cái xấu, với kiểu ngôn ngữ “thô”, gần với đời thường. Tập
truyện mi ni Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy? đây là một minh chứng
cho điều này. So với các sáng tác trước đây của Y Ban, dường như tập truyện
này bà viết mà không cần “tưởng tượng” nhiều. Y Ban “chỉ nhặt rời rạc những
mảnh đời, những gương mặt, những câu nói, những nếp nghĩ... của người đời
để viết chúng ra thôi”. Cái nhìn của nhà văn không còn quanh quẩn ở những


×