Tải bản đầy đủ (.doc) (147 trang)

Chất trữ tình trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (726.75 KB, 147 trang )

Bộ giáo dục và đào tạo
Trờng đại học vinh

Thái thị thanh huyền

Chất trữ tình trong truyện ngắn
nguyễn ngọc t

luận văn thạc sĩ ngữ văn

Vinh - 2009
1


Bộ giáo dục và đào tạo
Trờng đại học vinh

Thái thị thanh huyền

Chất trữ tình trong truyện ngắn
nguyễn ngọc t

chuyên ngành: lý luận văn học
mã số

: 60.22.32

luận văn thạc sĩ ngữ văn

Vinh - 2009
2




MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU ....................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài .....................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề .........................................................................................2
3. Nhiệm vụ nghiên cứu ..............................................................................6
4. Phạm vi nghiên cứu .................................................................................6
5. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................7
6. Cấu trúc của luận văn ..............................................................................7
CHƯƠNG 1: GIỚI THUYẾT VỀ CHẤT TRỮ TÌNH TRONG
TRUYỆN ...................................................................................................8
1.1. Quan niệm chung về chất trữ tình .......................................................8
1.1.1. Chất trữ tình trong đời sống và trong nghệ thuật .............................8
1.1.2. Chất trữ tình trong văn học ...............................................................8
1.1.3. Quan niệm về chất trữ tình của luận văn ..........................................10
1.2. Chất trữ tình và chất thơ .......................................................................10
1.2.1. Chất thơ .............................................................................................10
1.2.2. Phân biệt chất thơ và chất trữ tình ...................................................11
1.3. Từ chất trữ tình đến truyện ngắn trữ tình .............................................13
1.4. Đặc trưng của truyện ngắn trữ tình ......................................................14
1.4.1. Quan niệm chung về truyện ngắn trữ tình ........................................14
1.4.2. Đặc trưng của truyện ngắn trữ tình ..................................................16
CHƯƠNG 2: CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN
NGỌC TƯ, NHÌN TỪ TÌNH HUỐNG ..................................................20
2.1. Giới thuyết về tình huống .....................................................................20
2.2. Tình huống trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ....................21
2.2.1. Tình huống lưu lạc ............................................................................22
2.2.2. Tình huống bi kịch tình yêu ...............................................................32

2.2.3. Tình huống bi kịch gia đình ..............................................................43
2.3. Ý nghĩa của tình huống trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ..............48
2.3.1. Ý nghĩa của tình huống đối với diễn biến mạch truyện .....................48
2.3.2. Ý nghĩa của tình huống đối với việc thể hiện tư tưởng chủ đề tác
phẩm ...........................................................................................................54
3


CHƯƠNG 3: CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN
NGỌC TƯ, NHÌN TỪ NHÂN VẬT ........................................................57
3.1. Giới thuyết về nhân vật ........................................................................57
3.1.1. Khái niệm nhân vật ...........................................................................57
3.1.2. Vai trò của nhân vật ..........................................................................57
3.1.3. Phân loại nhân vật trong truyện ngắn ..............................................58
3.2. Nhân vật “kiểu con người tình cảm” trong truyện ngắn Nguyễn
Ngọc Tư .......................................................................................................60
3.2.1. Con người cô đơn trên những chặng đường lưu lạc ............................63
3.2.2. Con người BUỒN - ĐAU khi dang dở tình yêu ..................................70
3.2.3. Con người BUỒN - ĐAU với tình yêu thầm lặng ................................75
3.2.4. Con người BUỒN - ĐAU với nỗi mặc cảm tội lỗi ...............................79
3.2.5. Con người BUỒN - ĐAU với bi kịch gia đình .....................................83
3.3. Các thủ pháp miêu tả, thể hiện nhân vật trong truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư ..........................................................................................88
3.3.1. Nghệ thuật miêu tả tâm lý ....................................................................89
3.3.2. Các thủ pháp ngoại hiện ......................................................................94
CHƯƠNG 4: CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN
NGỌC TƯ, NHÌN TỪ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU ..........................103
4.1. Giới thuyết về ngôn ngữ và giọng điệu ...................................................103
4.1.1. Ngôn ngữ ............................................................................................103
4.1.2. Giọng điệu ..........................................................................................104

4.2. Ngôn ngữ giàu chất thơ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ...................106
4.2.1. Ngôn ngữ giàu cảm xúc, cảm giác .......................................................106
4.2.2. Ngôn ngữ hài hoà về âm thanh, giàu nhịp điệu ....................................110
4.2.3. Những hình ảnh biểu tượng .................................................................115
4.3. Giọng điệu trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ..........................121
4.3.1. Giọng cảm thương, ngậm ngùi ............................................................121
4.3.2. Giọng tưng tửng, hóm hỉnh ..................................................................127
4.3.3. Giọng trữ tình- triết lý .........................................................................131
KẾT LUẬN .................................................................................................136
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..........................................................................139
4


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Sự giao thoa giữa các thể loại là một thực tế tồn tại từ xưa đến nay
trong đời sống văn học. Đó là hiện tượng thể loại này “vay mượn” đặc điểm nào
đó của thể loại kia để làm giàu thêm khả năng biểu đạt của mình. Điều đó chứng
minh rằng trong sáng tác văn học, mọi ranh giới giữa các thể loại chỉ là tương
đối. Thể loại văn học luôn tồn tại ở dạng “mở”, nghĩa là nó luôn sẵn sàng mở
rộng địa hạt đón nhận sự gia nhập của các yếu tố “ngoại lai”. Đây đó, chúng ta
vẫn thấy nhắc đến những khái niệm như: kịch thơ, truyện thơ, tiểu thuyết bằng
thơ hoặc những vấn đề như yếu tố tự sự trong thơ, chất thơ của văn xuôi, chất
trữ tình trong truyện ngắn… Thậm chí, có những sáng tác có sự đan dệt của cả
ba yếu tố tự sự, trữ tình, kịch. Sự pha trộn giữa các thể loại như thế không chỉ
làm gia tăng phẩm chất, giá trị của mỗi thể loại, tạo ra các “thể lai ghép”, mà
còn giúp nhà văn thể hiện một cách tối ưu những ý đồ nghệ thuật của mình. Hơn
thế, đó còn là một phương tiện góp phần làm nên diện mạo, phong cách của một
tác giả. Đây là một trong những biểu hiện của tính năng động, linh hoạt của thể
loại văn học hiện đại. Nó là vấn đề mới mẻ, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà

nghiên cứu.
1.2. Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn trẻ nổi lên như một “hiện tượng lạ”, một
“luồng gió mới” (Nguyên Ngọc) của văn xuôi Việt Nam đương đại. Từ tập
Ngọn đèn không tắt khiêm nhường lặng lẽ, qua Cánh đồng bất tận khuấy động
văn đàn, đến Gió lẻ và 9 câu chuyện khác nóng hổi mới ra mắt độc giả, tác phẩm
của nhà văn nữ đất Mũi Cà Mau này được nhắc đến rất nhiều trên các báo, tạp
chí, các phương tiện truyền thông; được thẩm định qua các giải thưởng trong
nước và khu vực. Nguyễn Ngọc Tư tự so sánh sáng tác của mình với “quả sầu
riêng”, và đã không ít lần “sản vật” đặc trưng của Nam Bộ ấy đã vượt địa hạt
vùng miền, quốc gia, đến với độc giả khắp nơi, kể cả nước ngoài. Được đánh giá
cao trong giới chuyên môn, được nhiều nhà xuất bản săn đón, lọt vào tầm ngắm
không ít nhà đạo diễn sân khấu, điện ảnh, tác phẩm của nữ văn sĩ này thực sự có
được vị trí chắc chắn trong bức tranh văn học hiện nay… Nhiều người tìm đọc
Nguyễn Ngọc Tư vì họ đã “bắt được sóng” (Hữu Thỉnh) từ trái tim và tài năng
của chị. Là một nhà văn nữ, Nguyễn Ngọc Tư đã mang vào trong văn của mình
5


cái đằm thắm của nữ tính làm nên chất giọng mềm mại, có duyên. Văn chương
của chị lôi cuốn người đọc bởi cái "trữ lượng tình cảm" hết sức dồi dào. Ấy là
thứ văn như chắt ra từ thương yêu. Có thể nói rằng, chất trữ tình trong truyện
của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là một “dư vị” khó quên mà còn báo hiệu một
phong cách đang được định hình. Chính chất trữ tình đặc sắc đó đã gợi dẫn
chúng tôi đến với đề tài nghiên cứu này.
1.3. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đã có những lúc “văn xuôi mở
cuộc xâm lăng tràn vào thơ”. Đó là thời kì khởi phát Thơ mới. Ngược lại, cũng
có những giai đoạn chất thơ xâm nhập vào văn xuôi tự sự, làm thành dòng
truyện ngắn trữ tình với nhiều phong cách nổi bật như Thạch Lam, Thanh Tịnh,
Hồ Dzếnh… Tìm hiểu chất trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, chúng
tôi hi vọng sẽ góp phần nhận diện đặc điểm tác phẩm của một cây bút còn rất

sung sức, nhiều triển vọng; thấy được dòng truyện ngắn trữ tình không phải chỉ
dừng lại ở những đỉnh cao của văn học quá khứ, mà còn được tiếp nối ở các nhà
văn đương đại với nhiều sắc thái mới mẻ. Hơn nữa, việc nghiên cứu đề tài này
còn mang một ý nghĩa thiết thực: giúp cho việc giảng dạy những tác phẩm văn
xuôi mang đậm màu sắc trữ tình trong nhà trường được thấu đáo hơn.
2. Lịch sử vấn đề
Kể từ khi xuất hiện trên văn đàn đến nay, Nguyễn Ngọc Tư đã khiến giới
phê bình tốn không ít giấy mực. Như trên đã nói, Nguyễn Ngọc Tư có lí khi so
sánh truyện của mình với sầu riêng. Đó là loại quả không phải người nào cũng
ưa, nhưng nếu đã thích thì say mê thật sự, thậm chí nó còn “gây nghiện” cho
không ít người. Văn của nữ sĩ đất Cà Mau ấy cũng vậy, kẻ chê, người khen, với
những ý kiến trái chiều ở nhiều góc tiếp cận.
Trong số hàng loạt bài phê bình trên báo, tạp chí cũng như trên các trang
web viết về Nguyễn Ngọc Tư và tác phẩm của chị, đây đó cũng có những ý kiến,
cảm nhận về chất trữ tình, chất thơ trong các truyện ngắn riêng lẻ. Chúng tôi tập
hợp ở đây những ý kiến liên quan đến đề tài, xem đó là những gợi mở hữu ích
cho chúng tôi trong công việc nghiên cứu.
Khi tập truyện đầu tay Ngọn đèn không tắt đoạt giải của Hội Liên hiệp
văn học nghệ thuật Việt Nam, cái tên Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu được các nhà
văn lớp trước như Nguyễn Quang Sáng, Chu Lai, Nguyên Ngọc, Dạ Ngân... để
ý. Trong lời tựa tập truyện này, Nguyễn Quang Sáng đã có nhận xét rất đáng chú
6


ý: “Với giọng văn mộc mạc bình dị, với ngôn ngữ đời thường, Nguyễn Ngọc Tư
đã tạo nên một không khí rất tự nhiên về màu sắc, hương vị của mảnh đất cuối
cùng của Tổ quốc (…). Qua ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư , những con người lam
lũ, giản dị, bộc trực ấy chứa đựng bên trong cả một tâm hồn vừa nhân hậu, vừa
tinh tế qua cách đối nhân xử thế” [45]. Trong bài viết Nguyễn Ngọc Tư như thế
nào, Dạ Ngân không ngần ngại bày tỏ sự trân trọng, yêu mến của mình đối với

một cây bút thuộc thế hệ sau nhưng đã nhanh chóng chiếm cảm tình của một số
lượng lớn độc giả: “Đọc Nguyễn Ngọc Tư thấy vấn vương xao xuyến, muốn đọc
tới đọc lui, vì nó đánh thức nỗi nhớ quê trong lòng người xa xứ… Nguyễn Ngọc
Tư làm ta ngạc nhiên, rất đỗi ngạc nhiên, vì đang lưng ta bỗng đầy, đang đi ta
bỗng gặp, đang chờ ta bỗng có…” [33]. Rõ ràng, các nhà văn đã gián tiếp chỉ ra
chất trữ tình đằm thắm nằm sâu bên trong lời văn, câu chữ của truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư, nhưng chưa định danh bằng những khái niệm của lí luận văn
học.
Tuy nhiên, những cảm nhận về chất thơ, chất trữ tình của truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu được hình dung một cách cụ thể hơn khi Cánh đồng
bất tận ra mắt người đọc. Đào Duy Hiệp có cả một bài viết Chất thơ trong
“Cánh đồng bất tận”. Ở đây, tác giả bài viết khẳng định: “Cánh đồng bất tận là
một bài thơ bằng văn xuôi. Chất thơ đó nằm trong sự lặp lại ở các cấp độ từ ngữ,
hình ảnh thấm tình người, được diễn đạt bằng một giọng văn dung dị hiền lành”
[19]. Theo tác giả, chất thơ của truyện ngắn này có được là nhờ những nỗi nhớ
trùng điệp như lớp sóng cồn cào, nhờ những biểu tượng - ẩn dụ cánh đồng, dòng
sông và những câu văn mang âm hưởng và cấu trúc thơ. Phải nói rằng, dù chỉ là
những phát hiện ban đầu, theo trực cảm là chính, chưa có sự phân tích kĩ luỡng
về “cơ chế” hình thành chất trữ tình trên các phương diện cụ thể, nhưng bài viết
của Đào Duy Hiệp đã thể hiện một cách tiếp cận có nhiều sức gợi.
Cũng nằm trong loạt bài tìm hiểu về Cánh đồng bất tận, bài viết của Đoàn
Ánh Dương “Cánh đồng bất tận” nhìn từ mô hình tự sự và ngôn ngữ trần thuật
đã nhấn mạnh một số điểm mà theo chúng tôi, có ý nghĩa nhất định trong việc lí
giải chất trữ tình của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nói chung. Trước hết, tác giả
bài viết cho rằng Cánh đồng bất tận là “một câu chuyện mở, một tác phẩm được
dệt bởi sự đan cài giữa cảm xúc và suy tưởng của nhân vật… Lọc qua tâm lí
nhân vật, hành trình khám phá tác phẩm là một sự bóc tách từ bình diện ngôn
7



ngữ trần thuật đến bình diện những tri nhận ẩn ức đã lắng đọng thành các biểu
tượng ám ảnh đời sống nội tâm nhân vật” [14]. Đoàn Ánh Duơng cũng đã có lí
khi cho rằng kĩ thuật tự sự của Nguyễn Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận đã đẩy
sang bình diện mới, ở đó, nhân vật men theo sức hút của mạch tâm trạng, cốt
truyện sự kiện bị phân rã, thay vào đó là một cốt truyện khác: cốt truyện tâm lí.
Theo đó, ngôn ngữ tâm trạng cũng lấn lướt ngôn ngữ miêu tả. Ngôn ngữ của tác
giả chi phối nhiều yếu tố, kể cả ngôn ngữ nhân vật nên lời văn mang đậm màu
sắc chủ quan. Và người đọc cũng bị cuốn theo cái dòng chảy miên man của cảm
xúc mà “quên bẵng” cốt truyện. Mặc dù phân tích khá sâu sắc mô hình tự sự và
ngôn ngữ của Cánh đồng bất tận, nhưng tác giả vẫn chưa tiến đến việc khẳng
định đó là những yếu tố làm nên chất trữ tình - một biểu hiện rất độc đáo của
văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư.
Trần Hữu Dũng - một giáo sư kinh tế học ở Mĩ vì “mê” văn Nguyễn Ngọc
Tư nên đã thiết kế một trang web riêng dành cho nữ văn sĩ này - nhận thấy “văn
của Nguyễn Ngọc Tư nghe như nhạc. Nhiều câu trong trẻo và buồn (nhưng
không nghẹn ngào) như một bản vọng cổ hoài lang… Văn Nguyễn Ngọc Tư là
văn của lời nói. Cách ngắt câu của cô là cách ngắt của âm điệu. Cái tài của
Nguyễn Ngọc Tư là đem những cảnh tượng rất bình thường, khoanh lại, biến nó
thành châu báu” [11]. Trong bài báo Cảm hứng cảm thương trong sáng tác của
Đỗ Bích Thuý và Nguyễn Ngọc Tư đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 1
năm 2007, Phạm Thuỳ Dương đã đi sâu vào khảo sát giọng điệu cảm thương ở
truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, chỉ ra nguyên nhân và những biểu hiện cụ thể của
nó. Tác giả viết: “Gắn với cảm hứng cảm thương là giọng điệu cảm thương, xót
xa với những số phận con người nhỏ bé. Chỉ khi thực sự xúc động, trái tim đập
những nhịp đập chân thành, nồng nhiệt, người nghệ sĩ mới tạo được tiếng nói,
giọng điệu có sức truyền cảm lớn” [13]. Có thể nói, trong những phương diện
biểu hiện chất trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, thì ngôn ngữ, giọng
điệu là yếu tố được người đọc cảm nhận nhiều nhất. Giáo sư kinh tế học Trần
Hữu Dũng và tác giả Phạm Thuỳ Dương không phải là ngoại lệ. Có lẽ giọng
điệu trữ tình chính là một trong những nét đặc sắc nhất của văn phong Nguyễn

Ngọc Tư.
Một số bài viết khác đề cập đến thế giới nhân vật, tình huống của truyện
ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Trong bài viết Một số đặc sắc nghệ thuật của truyện
8


ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Đàm Thị Thanh Tùng kết luận: “nhân vật của Nguyễn
Ngọc Tư luôn rơi vào những tình cảnh éo le, trắc trở, những tình huống đổ vỡ
mà ở đó, họ chỉ có thể đối diện với chính lòng mình” [68]. Theo tác giả này,
sáng tạo những tình huống trữ tình là chính là cách Nguyễn Ngọc Tư bộc lộ cái
nhìn đầy chất nhân văn với con người. Cũng chính vì thế, Nguyễn Ngọc Tư đã
tìm đến một giọng điệu đầy nữ tính, lời văn nghệ thuật trong truyện Nguyễn
Ngọc Tư mang nặng cảm xúc trữ tình, thể hiện nỗ lực của nhà văn trong việc đi
sâu tìm hiểu thế giới tâm hồn ẩn chứa nhiều góc khuất của con người.
Gió lẻ và 9 câu chuyện khác ra đời trong sự chờ đợi của nhiều người. Ấy
là chờ đợi một sự bứt phá làm mới mình của Nguyễn Ngọc Tư. Người ta chỉ sợ,
những cú dập không đáng có đầu đời có thể làm một nhà văn trẻ như Ngọc Tư
nản lòng. Nhưng dường như Gió lẻ đã khiến cô tìm ra cách xoay chuyển tình
thế: một kiểu viết khác, một cuộc tìm kiếm khác, để tạo nên phong cách đa dạng
hơn và cũng nhiều triết lý hơn. Chính Nguyễn Ngọc Tư đã thú nhận về Gió lẻ:
“Gió lẻ không thơ mộng lắm, nhưng tôi thấy nó cũng dịu dàng. Những nhân vật
của Gió lẻ chạy trốn con người nhưng luôn tìm kiếm con người, chối bỏ yêu
thương mà luôn khao khát yêu thương, và dù đời có buồn đến đâu, họ vẫn cố
gắng sống” [69]. Dù không gây ra một cơn sốt như Cánh đồng bất tận, nhưng
Gió lẻ vẫn được đánh giá khá cao, và cảm nhận chung của giới phê bình vẫn là
giọng điệu dịu dàng nữ tính, giàu cảm xúc như một nét phong cách không trộn
lẫn vào đâu được của Nguyễn Ngọc Tư. Hồ Trung Tú trong bài viết giới thiệu về
Gió lẻ ở Tạp chí Văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long đã nhận xét: “Gió lẻ được
viết với hình thức của một kịch bản phim. Với ngôn ngữ giàu hình ảnh, cấu trúc
phân đoạn, chuyển cảnh mạnh này, truyện không cần giới thiệu dẫn dắt hay đưa

đẩy. Tất cả được cô đọng lại tinh tế như những bài thơ đứng cạnh nhau. Chính vì
vậy không ai đọc thơ một lần” [63].
Trên báo Lao động cuối tuần số 38 năm 2008, Minh Thi đã giới thiệu về
tác phẩm mới của Nguyễn Ngọc Tư: “Lối hành văn của Nguyễn Ngọc Tư trong
Gió lẻ phức tạp hơn nhiều so với Cánh đồng bất tận, đa nghĩa hơn, giàu chất thơ
hơn. Tuy nhiên, cũng vì thế mà đôi khi, cái chân chất bị bay đi ít nhiều, để lại
chút cầu kỳ, làm dáng và một vài chi tiết hơi lộ. Nhưng trên tất cả là sự làm mới
mình, ngòi bút vẫn đủ sức lay gợi, kỹ thuật viết cũng tốt hơn” [60]. Lê Anh Thu,
người đã “săn đuổi sáng tác Nguyễn Ngọc Tư bằng chính tình yêu của mình”
9


cũng đã đọc nhiều hơn ba lần 50 trang truyện, bút giấy ghi chép trên tay và lên
tiếng về Gió lẻ: “Nguyễn Ngọc Tư đã rất cố gắng chọn lọc câu chữ hợp điệu,
thích vần. Truyện vì vậy đã rất gần với thơ văn xuôi” [63].
Nhìn chung, xung quanh việc nghiên cứu chất trữ tình trong truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư còn có một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tuy đã có những cảm nhận, phân tích, đánh giá về chất trữ tình
trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở mức độ
bước đầu và nhỏ lẻ. Chưa có một công trình nghiên cứu nào khảo sát toàn
ngắn

bộ truyện

của nhà văn này ở phương diện chất trữ tình như một biểu hiện xuyên suốt

và ổn định.
Thứ hai, khái niệm chất trữ tình trong truyện ngắn vốn đã được nhiều bài
viết nhắc đến, nhưng chưa được xem là khái niệm trung tâm và chưa được minh
định một cách rõ ràng. Trong một số công trình nghiên cứu, khái niệm “chất

thơ” đã được sử dụng. Đây là khái niệm có liên quan nhiều đến chất trữ tình.
Nói rõ hơn, chất thơ là một biểu hiện của chất trữ tình, dù hai khái niệm này
không đồng nhất với nhau. Ở những bài viết cảm nhận, phân tích về chất thơ
trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, sự phân biệt chất thơ với chất trữ tình cũng
chưa được chú ý đúng mức.
Do tồn tại những vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu chất trữ tình trong
truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư vẫn là điều cần thiết. Công trình của chúng tôi
được triển khai trong bối cảnh ấy.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Giới thuyết về khái niệm chất trữ tình trong truyện ngắn làm cơ sở lí
thuyết để tiến hành triển khai tìm hiểu chất trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn
Ngọc Tư.
3.2. Phát hiện, nghiên cứu về những biểu hiện của chất trữ tình ở các
phương diện then chốt nhất đối với thể truyện ngắn: tình huống, nhân vật, ngôn
ngữ (giọng điệu và lời văn).
4. Phạm vi nghiên cứu
Từ năm 2000 đến 2008, Nguyễn Ngọc Tư liên tiếp cho ra đời 7 tập truyện
ngắn. Với đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu như trên, chúng tôi tiến hành khảo
sát tất cả truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong các tập sau: Ngọn đèn không tắt,
Giao thừa, Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và 9 câu
chuyện khác. Đây là 5 tập truyện tuyển chọn những tác phẩm hay nhất và mới

10


nhất của Nguyễn Ngọc Tư. Tổng số truyện chúng tôi khảo sát là hơn 50 tác
phẩm.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này chúng tôi sử dụng các phương pháp chủ yếu sau đây
- Phương pháp thống kê phân loại

- Phương pháp phân tích
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp hệ thống
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn triển khai
thành 4 chương:
Chương 1: Giới thuyết về chất trữ tình trong truyện
Chương 2: Chất trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nhìn từ
tình huống
Chương 3: Chất trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nhìn từ
nhân vật
Chương 4: Chất trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nhìn từ
ngôn ngữ và giọng điệu.

11


Chương 1
GIỚI THUYẾT VỀ CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN
1.1. Quan niệm chung về chất trữ tình
1.1.1. Chất trữ tình trong đời sống và nghệ thuật
Trong cuộc sống, chất trữ tình là một khái niệm được nhắc đến khá phổ
biến ở nhiều lĩnh vực. Đây đó, chúng ta từng bắt gặp những cách nói như: bản
nhạc trữ tình, khung cảnh trữ tình, vẻ đẹp trữ tình, áng tóc trữ tình, dòng sông
trữ tình… Có thể thấy, ở những trường hợp trên, “trữ tình” được dùng với tư
cách là một định ngữ, chỉ một sắc thái, một tính chất. Vậy có thể hiểu nội hàm
của hai chữ trữ tình này như thế nào? Muốn hiểu điều này, có lẽ chúng ta phải đi
tìm nguồn gốc của nó.
Tính từ trữ tình trong tiếng Việt được dịch từ lyric/lyrical của tiếng Anh và
một số ngôn ngữ châu Âu. Còn danh từ “tính chất trữ tình” là lyricalness xuất

xứ từ lyre là tên một loại nhạc cụ dây mà các nhà thơ và ca sĩ hát rong ở Châu
Âu thời xa xưa dùng để đệm cho các chuyện kể, bài hát, hay sử thi của họ.
Những chuyện kể ấy người ta gọi là lyricist, nó không chỉ có các sắc thái nhẹ
nhàng, êm ái, du dương, tha thiết mà còn có cả hùng tráng, dữ dội, đau khổ, phẫn
nộ…
Trữ tình trong tiếng Việt lại là một từ gốc Hán. Theo nghĩa Hán tự, trữ là
kéo ra, rút ra, bộc lộ, bộc bạch; tình là cảm xúc, tình cảm (tình cảm nói chung,
không giới hạn hay loại trừ sắc thái nào). Tuy nhiên, nguời Việt hiện tại thường
dùng từ gốc Hán trữ tình trong chất trữ tình như một tính từ chỉ sắc thái nhẹ
nhàng, tha thiết… (trong âm nhạc), và sắc thái mềm mại, dịu dàng, nên thơ, hiền
hoà, gợi cảm, mơ mộng… (trong hội hoạ và trong miêu tả các sự vật khác)
Tóm lại, chất trữ tình trong đời sống thường được quan niệm như một sắc
thái, tính chất thuộc bản chất của sự vật tồn tại một cách khách quan mà con
người có thể cảm nhận được.
1.1.2. Chất trữ tình trong văn học
Trước hết, để tìm hiểu khái niệm chất trữ tình, chúng ta phải đi từ khái
niệm trữ tình trong lí luận văn học. Trữ tình là thuật ngữ của lí luận văn học
được sử dụng trước hết để chỉ một loại hình văn học nhằm phân biệt với các loại
hình văn học khác như tự sự, kịch. Trữ tình là một phương thức biểu hiện chủ
12


quan mà dấu hiệu của nó là cảm xúc của chủ thể tự biểu hiện với nhiều sắc thái
khác nhau. Thế giới chủ quan với những suy nghĩ, đánh giá, cảm xúc thể hiện
cái nhìn (quan điểm) trữ tình của chủ thể. Muốn biểu hiện được cái nhìn trữ tình
ấy trong tác phẩm, chủ thể sáng tạo phải sử dụng những phương tiện, những
cách thức nào đó. Phương tiện, cách thức ấy, người ta gọi là bút pháp trữ tình
hay nghệ thuật trữ tình: “Bút pháp trữ tình là một lối thể hiện cuộc sống thông
qua sự bộc lộ tình cảm, cảm xúc của chủ thể sáng tạo” [66, 6].
Nhiều học giả đã nghiên cứu về thuật ngữ trữ tình trong văn học. Hêghen,

nhà triết học cổ điển Đức nhận xét: “ở trữ tình có sự trùng hợp của chủ thể và
khách thể trong một ngôi…Ở tự sự, nhân vật tách rời tác giả, được dùng làm
nội dung cho tác giả, thì nhân vật trung tâm của tác phẩm trữ tình lại chính là
người tạo ra tác phẩm, trước hết là thế giới bên trong của anh ta” [3, 346].
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học, Lại Nguyên Ân định nghĩa: “cái nhìn trữ
tình là sự thể hiện thái độ riêng của mình đối với thế giới xung quanh. Bởi vậy,
cái tôi tự biểu hiện có vai trò đặc biệt trong trữ tình… Cái nhìn trữ tình được thể
hiện chủ yếu ở các tác phẩm thơ, nhưng cũng có thể được thể hiện ở văn xuôi và
kịch nhất là khi tác giả văn xuôi muốn nói như những tuyên ngôn, định đề, hoặc
nhân vật kịch độc thoại, tạo thành những đoạn tương đối độc lập” [3, 348].
Như vậy, khác với chất trữ tình trong đời sống thường được quan niệm như
một cái gì tồn tại khách quan, chất trữ tình trong văn học là sự kết hợp thống
nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo,
cái nhìn chủ quan của nhà văn. Tính chất trữ tình được quy định bởi cái nhìn
(quan điểm, điểm nhìn) trữ tình của chủ thể sáng tạo và bút pháp trữ tình được
sử dụng như là cách thức, phương tiện biểu hiện cái nhìn trữ tình ấy trong tác
phẩm.
Có thể thấy các nhà nghiên cứu lí luận đều giới thuyết khái niệm trữ tình
trong sự đối sánh, phân biệt với tự sự và kịch. Họ cũng khẳng định một thực tế
là cái nhìn trữ tình không chỉ có ở các tác phẩm trữ tình. Ở bất kì một tác phẩm
nào có cái nhìn trữ tình của chủ thể sáng tạo chi phối, có nghệ thuật trữ tình
được sử dụng như một phương tiện để bộc lộ thế giới chủ quan thì ở tác phẩm
đó có tồn tại chất trữ tình. Nói cách khác, đó là hiện tượng giao thoa giữa các thể
loại văn học. Các yếu tố tự sự có thể xâm nhập vào tác phẩm thơ, đồng thời các
tố trữ tình cũng thâm nhập vào văn xuôi tạo nên những thể tài lai ghép như thơ
13


tự sự - trữ tình, thơ văn xuôi, truyện ngắn trữ tình... Trong luận văn này, chúng
tôi chỉ xin được đề cập đến chất trữ tình trong tác phẩm tự sự, cụ thể là truyện

ngắn, từ đó cố gắng cắt nghĩa đặc điểm truyện ngắn trữ tình trên cơ sở nghiên
cứu truyện ngắn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
1.1.3. Quan niệm về chất trữ tình của luận văn
Chất trữ tình là một phẩm chất được tạo ra bởi nhiều yếu tố. Không chỉ ở
tác phẩm trữ tình, mà ở hầu hết thể loại khác, chất trữ tình đều có thể được tồn
tại, phát triển và chuyển hoá. Có thể hiểu chất trữ tình như là những yếu tố vốn
làm nên tính đặc thù của thể loại trữ tình được các thể loại khác vay mượn để
làm giàu thêm khả năng biểu đạt, tạo nên một phẩm chất thẩm mĩ đặc biệt, một
đặc sắc nổi trội cho thể loại đó.
Các yếu tố của thể loại trữ tình được vay mượn tạo nên chất trữ tình là rất
đa dạng, từ cái nhìn trữ tình và sự ưu tiên biểu hiện tâm tình chủ quan của người
nghệ sĩ, việc miêu tả thế giới thiên về nắm bắt những nét tinh lọc, thi vị của thế
giới khách quan, đến việc khám phá chiều sâu của đời sống nội tâm phong phú,
phức tạp của con người và biểu hiện nó một cách tinh tế; từ sự tìm kiếm những
vẻ đẹp sâu lắng bên trong con người đến lối viết đề cao ý nghĩa ám gợi của
những hình ảnh, tính nhạc của những câu văn… Tất cả những nhân tố ấy nếu
được thể hiện một cách hài hoà và nhất quán trong một tác phẩm thì có thể coi
tác phẩm ấy mang đậm chất trữ tình.
Cái lõi của chất trữ tình là bộc lộ tình cảm. Nhưng tình cảm không chỉ biểu
hiện trong nội dung, mà tình cảm còn phải hoá thân vào các khía cạnh hình thức.
Chính vì thế, tìm hiểu chất trữ tình trong một tác phẩm, chúng ta phải khảo sát
trên rất nhiều phương diện để thấy sự xuyên thấm, hoà quyện giữa các yếu tố đó
đã tạo nên chất trữ tình như thế nào trong tác phẩm chứ không nhìn nhận theo
hướng cắt xẻ, nhỏ lẻ. Chất trữ tình trong một tác phẩm không phải là phép cộng
giản đơn của các yếu tố riêng lẻ.
1.2. Chất trữ tình và chất thơ
1.2.1. Chất thơ
Chất thơ là một khái niệm được nói đến khá nhiều. Có thể điểm qua
những quan niệm của nhiều người cả trong lĩnh vực nghiên cứu lẫn sáng tác về
chất thơ.


14


Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc
Phi định nghĩa: “Chất thơ là chỉ những sáng tác văn học (bằng văn xuôi hoặc
văn vần) giàu cảm xúc, nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu”
[18, 310]. Hà Minh Đức cho rằng: “Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được
tạo nên từ nhiều nhân tố. Những nhân tố này cũng có thể có trong nội dung cấu
tạo của các thể loại khác, nhưng ở trong thơ được biểu hiện tập trung hơn và
được hoà hợp, liên kết một cách vững chắc để tạo nên những phẩm chất mới…
Chất thơ gắn liền với những rung động và những cảm xúc trực tiếp. Thơ là ở
tấm lòng nhưng cũng chính là cuộc sống, thơ gắn liền với trí tưởng tượng và
chất thơ cũng gắn liền với cái đẹp” [17]. Nói đến vị trí của chất thơ trong văn
xuôi, Pauxtopxki có viết: “Văn xuôi là sợi cốt, thơ là sợi ngang. Cuộc sống được
miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ trở thành thô thiển, thành một
thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc giục, không dẫn dắt ta đi đâu cả”
[42]. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng cũng cho rằng: “Chất thơ của văn xuôi
chính là sự phát hiện ra cái bên trong của đời sống nội tâm đa dạng, phong phú
của con người” [66].
Từ những ý kiến trên, chúng ta có thể hiểu chất thơ cũng là một phẩm
chất của mọi loại hình tác phẩm văn học, được xem xét trên nhiều khía cạnh,
nhưng chủ yếu là được xem xét trong sự đối lập với chất văn xuôi. Chất thơ thể
hiện chiều sâu của thế giới nội tâm, nó có tính hướng nội. Còn chất văn xuôi có
tính hướng ngoại, đó là hiện thực bề bộn, ngổn ngang của cuộc sống, có phàm
tục, có thanh cao, có cái đẹp, cái xấu, có cái cao cả, cái tầm thường… Xét trên
phương diện mĩ học, chất thơ được xem là cái đẹp của tâm hồn, của cuộc sống
và cao hơn nữa là cuộc sống với một lí tưởng đẹp. Xét trên phương diện cảm
hứng, chất thơ gắn liền với cảm hứng bay bổng, lãng mạn. Xét ở phương diện
ngôn ngữ, chất thơ gắn liền với tính nhạc của lời văn.

Tìm hiểu chất thơ trong văn xuôi tức là tìm hiểu những đặc tính đặc thù
của thể loại thơ đã được văn xuôi tiếp nhận và chuyển hoá làm nên màu sắc
thẩm mĩ riêng biệt, độc đáo cho tác phẩm văn xuôi ấy.
1.2.2. Phân biệt chất thơ và chất trữ tình
Trước hết phải khẳng định giữa chất thơ và chất trữ tình có những điểm
chung. Trong lịch sử nghiên cứu, không ít người đã đồng nhất hai thuật ngữ này.
Điều này xuất phát từ nguồn gốc phương diện loại hình: Thơ gắn liền với
15


phương thức biểu hiện trữ tình, nên nó ưu tiên cho sự bộc lộ tâm tình chủ quan
của người nghệ sĩ. Vì thế một tác phẩm giàu chất thơ, tác phẩm ấy cũng đậm
yếu tố trữ tình. Chất thơ trong văn xuôi hay chất trữ tình trong một tác phẩm đều
có được từ sự hoà hợp giữa hai yếu tố khách quan và chủ quan, nghĩa là sự kết
hợp thống nhất cuả những phẩm chất của đối tượng được miêu tả và cảm xúc
trực tiếp chủ quan của nhà văn đối với đối tượng ấy.
Mặt khác, chất thơ và chất trữ tình đều có được nhờ sự khám phá đời sống
tâm lí sâu thẳm bên trong con người với những khát vọng, mơ ước, ở chiều
hướng miêu tả thiên về nắm bắt những gì tinh tế và gợi cảm của thiên nhiên con
người và biểu hiện nó một cách ngắn gọn, cô đúc, ở sự ở sự đẽo gọt câu văn, chú
trọng tính hài hoà của những yếu tố ngữ âm, từ vựng, cú pháp, ở lối kết cấu tác
phẩm dựa trên sự vận động của mạch tâm trạng, ở cách xây dựng hình ảnh như
những ẩn dụ đầy ám gợi…
Tuy nhiên khái niệm chất trữ tình và chất thơ không hoàn toàn trùng khít.
Chúng ta vẫn có thể phân biệt hai khái niệm này dựa vào một số yếu tố. Trước
hết là ở nội hàm cuả hai khái niệm thơ và trữ tình. Như trên đã nói, chất thơ gắn
với cảm hứng lãng mạn bay bổng, và những gì đẹp đẽ lí tưởng, mơ mộng được
coi là chất thơ. Còn chất trữ tình có nội hàm rộng hơn. Cảm hứng làm nên chất
trữ tình không chỉ giới hạn ở cảm xúc đối với cái đẹp, cái lí tưởng mà đó là tình
cảm nói chung với nhiều sắc thái khác nhau phong phú hơn. Nói cách khác, chất

thơ có nghĩa hẹp hơn chất trữ tình, chỉ là một nội dung của chất trữ tình.
Mặt khác, nếu như chất thơ phản ánh ấn tượng trực tiếp cái cảm giác nhẹ
nhàng, lãng mạn, đẹp đẽ mà tác phẩm tạo ra trong ấn tượng người đọc thì chất
trữ tình được thể hiện một cách sâu lắng hơn, kín đáo hơn, nên nhiều khi đọc tác
phẩm một lần không thấy được chất trữ tình ẩn sâu trong đó.
Người ta thường cảm nhận chất thơ bằng trực giác, cảm giác. Nhận diện
chất thơ trong một tác phẩm văn xuôi, người đọc nhiều khi chỉ cần có cái nhìn
tinh tế, nhạy cảm, giàu cảm xúc. Nhưng để nghiên cứu chất trữ tình được hình
thành từ đâu, chúng ta không chỉ cần có sự nhạy cảm tinh tế mà cần phải bắt đầu
từ những vấn đề cơ bản nhất của lí luận. Ví dụ tìm hiểu chất trữ tình trong một
thể cụ thể là truyện ngắn cần bắt đầu từ tình huống, kết cấu, cốt truyện, nhân
vật… những yếu tố được coi là then chốt, cơ bản của thể truyện ngắn. Vấn đề
này, chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau luận văn.
16


Như vậy, có thể thấy chất thơ là một dạng tinh chất của chất trữ tình. Giữa
chúng có mối quan hệ thống nhất nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau.
Vì thơ là dạng tinh chất của phương thức biểu hiện trữ tình, là thể đặc trưng nhất
trong các tác phẩm trữ tình, nên một tác phẩm có chất thơ nghĩa là tác phẩm ấy
có chất trữ tình, nhưng chưa hẳn tác phẩm có chất trữ tình thì sẽ có chất thơ. Tuy
nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta thường đồng nhất hai khái niệm này mà
không phân biệt ranh giới giữa chúng. Sự phân biệt trên đây có thể cho ta thấy
rõ hơn phạm vi biểu hiện của hai khái niệm chất thơ và chất trữ tình trong tác
phẩm văn học.
1.3. Từ chất trữ tình đến truyện ngắn trữ tình
Như đã nói, vấn đề trung tâm của luận văn này là khái niệm chất trữ tình
trong tác phẩm tự sự mà cụ thể là truyện ngắn - một vấn đề còn khá mới mẻ.
Tìm chất trữ tình trong truyện ngắn chính là tìm những yếu tố vốn là đặc thù của
thể loại trữ tình được truyện ngắn - một thể loại tự sự - tiếp nhận, nhằm làm

phong phú thêm khả năng biểu đạt của mình. Nói cách khác, đó là tìm hiểu sự
giao thoa giữa các thể loại, một vấn đề đang được xem là một xu hướng tự
nhiên, khá phổ biến trong văn học hiện đại.
Truyện ngắn là một thể khá năng động, nó có thể mở rộng "lãnh địa" của
mình để cho phép du nhập những yếu tố ngoại lai. Theo ý kiến của nhiều nhà
nghiên cứu, truyện ngắn càng ngày càng có khuynh hướng tiến gần hơn với thơ,
nghĩa là có sự “cựa quậy” để vượt ra ngoài những nguyên tắc thi pháp ban đầu
của nó. Đỗ Ngọc Thạch trong bài viết Truyện ngắn - Đặc trưng thể loại cho
rằng: “Truyện ngắn là một dạng cấu trúc đặc biệt của thơ…Cái được gọi là thơ ở
đây là chất trữ tình sâu lắng trong những trạng huống của tâm trạng nhân vật…
chứ không phải là sự uốn éo cầu kì trong câu văn hay sự loè loẹt của tả cảnh”
[54]. Frank O`connor (1903 - 1966 ), tác giả truyện ngắn tài ba, nhà phê bình lí
luận của Ailen có nói: “Thể loại gần nhất với thơ trữ tình là truyện ngắn” [41].
Và K.Pauxtôpxki cũng khẳng định: “Cái chính là ở chỗ khi văn xuôi đạt tới mức
hoàn thiện, toàn mĩ thì về bản chất nó đã thực sự là thơ” [54]. Còn Kuranop, nhà
nghiên cứu người Nga lại khẳng định: “Trong nền văn học hôm nay, chúng ta
chứng kiến sự xích lại gần nhau giữa thơ và văn xuôi. Sự xích lại này làm cho
văn xuôi chúng ta thêm nồng ấm, run rẩy, nhiều chất hội hoạ, cô đọng hơn trong
những ẩn dụ thấm vào từng câu từng đoạn. Việc xích lại gần với thơ làm cho
17


văn xuôi vừa trở nên vừa sâu sắc hơn, vừa dễ hiểu hơn. Thứ dòng chảy ngầm
này rất cần cho mọi truyện ngắn. Nó giúp cho truyện có thể ngắn gọn mà vẫn
súc tích” [62].
Thực ra, sự xâm nhập của thơ vào văn xuôi có nhiều dạng. Ở đây, chúng
tôi không nói đến thể thơ văn xuôi như một loại hình thơ độc lập của tư duy hiện
đại, hoặc những tác phẩm truyện được triển khai dưới hình thức thơ như truyện
thơ chẳng hạn. Chúng tôi cũng không đề cập đến những trường hợp tác phẩm
văn xuôi mà ở đó, thơ được đưa vào như một bộ phận trong cấu trúc tổng thể và

chứa đựng một giá trị thẩm mĩ nhất định. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
rất tiêu biểu cho hình thức này. Chính việc đưa một số đoạn thơ, bài thơ vào
trong truyện làm nên một nét phong cách độc đáo trong nghệ thuật trần thuật của
nhà văn này.
Từ một phía khác, chúng ta có thể thấy được hiện tượng giao thoa giữa trữ
tình và tự sự không phải chỉ ở cấu trúc bề ngoài mà là từ “cái nhìn bên trong”.
Chính sự kết hợp, trộn lẫn, xuyên thấm giữa các yếu tố hình thức và “cái nhìn
bên trong” của thể loại khác nhau đã làm gia tăng khả năng biểu đạt của thể loại.
Mỗi thể loại đồng thời là nó, đồng thời không chỉ là nó mà giàu có hơn bản thân
nó. Tuy nhiên, sự giao thoa này ở từng hiện tượng văn học, từng tác phẩm rất
khác nhau ở mức độ. Có sự kết hợp tạo ra thể mới như truyện ngắn trữ tình 1930
- 1945 với các tên tuổi như Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh… Có sự kết hợp
chỉ tạo nên một màu sắc thẩm mĩ mới, chất mới cho tác phẩm, trường hợp như
truyện ngắn Pauxtopxki, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều…
Luận văn của chúng tôi đề cập đến chất trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn
Ngọc Tư, một nhà văn trẻ của nền văn học đương đại. Qua tác phẩm của nhà
văn này, chúng tôi thử nhận diện một số đặc điểm phong cách truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư như một biểu hiện của sự tiếp nối dòng truyện ngắn trữ tình
trong văn học đương đại Việt Nam.
1.4. Đặc trưng của truyện ngắn trữ tình
1.4.1. Quan niệm chung về truyện ngắn trữ tình
Đã có khá nhiều tác giả nghiên cứu dòng truyện ngắn lãng mạn 19301945. Hầu hết các tác giả đều đi từ đặc điểm của truyện ngắn lãng mạn mà khai
quát thành đặc điểm chung của một loại truyện ngắn hiện đại rất giàu chất trữ
tình: đó là truyện ngắn trữ tình. Bùi Việt Thắng trong Lời giới thiệu Tuyển tập
18


truyện ngắn lãng mạn 1930 - 1945 đã khẳng định: “Các nhà văn lãng mạn trong
đó có nhiều thi nhân, khi viết truyện ngắn đã tạo nên thứ văn xuôi giàu chất thơ,
hay nói cách khác là kiến tạo ra loại tự sự-trữ tình… Với cái nhìn thi ca, lãng

mạn, họ đã làm cho chất liệu cuộc đời và cảm xúc của tác giả đã luyện thành
một thứ hợp kim nhuyễn từng phân tử” [57, 6]. Tác giả Lê Minh Truyên trong
bài viết Cộng cảm của cái tôi trữ tình Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ
Tốn đã nhận xét về đặc điểm nổi bật chung của tác giả dòng truyện ngắn trữ tình
là “ít đi sâu vào những vấn đề có tính chất bức xúc trực tiếp của xã hội Việt
Nam… mà thường đi từ cái tôi trữ tình cá nhân, cá thể, để cảm nhận giao tiếp
với cuộc sống và xây dựng một thế giới nghệ thuật của riêng nhà văn. Có thể
nói, hình tượng cuộc sống đi vào tác phẩm thông qua lăng kính chủ quan của
nhà văn nhưng nhà văn đã thuộc về cuộc sống. Một cuộc sống không chỉ diễn ra
ở bề ngoài mà là ở thế giới của những tâm hồn, những bí mật bên trong theo
hướng tìm vào nội tâm, cảm giác. Tất cả được thổi vào đời sống các nhân vật
trong các truyện ngắn đậm chất trữ tình” [64].
Cho đến nay, công trình nghiên cứu sâu sắc và hệ thống nhất về đặc điểm
của dòng truyện ngắn trữ tình là luận án tiến sĩ của Phạm Thị Thu Hương: Ba
phong cách truyện ngắn trữ tình trong văn học Việt Nam: Thạch Lam, Thanh
Tịnh, Hồ Dzếnh. Trong công trình này, tác giả đã kết luận về đặc điểm của
truyện ngắn trữ tình: tình huống truyện phần lớn là hồi cố, kết cấu là kết cấu hoà
hợp giữa nội tâm và ngoại cảnh, không gian sóng đôi đồng hiện quá khứ - hiện
tại. Phạm Thu Hương cũng nhấn mạnh sự hiện diện của chất thơ trong loại
truyện ngắn này: “Chất thơ ấy thể hiện ở việc cái tôi trữ tình bày tỏ nỗi buồn và
sự cô đơn của cuộc đời, niềm hoài nhớ dĩ vãng được lọc qua hồi tưởng, trân
trọng và nâng niu cái đẹp bị đánh mất, phát hiện và đề cao vẻ đẹp của tâm hồn
con người” [25, 161].
Như vậy, điểm qua một số công trình nghiên cứu về dòng truyện ngắn
lãng mạn 1930 - 1945, chúng ta có thể nhận diện một số đặc điểm chung của
truyện ngắn trữ tình theo quan niệm của các tác giả như sau: Đó là một loại
truyện rất giàu chất thơ, ở đó, các nhà văn có xu hướng ít khai thác những đề tài
hiện thực khắc nghiệt mà chỉ chú tâm đi sâu biểu hiện thế giới cảm xúc tinh
nhạy, phong phú của con người. Đằng sau những trang viết đầy cảm giác, ngôn


19


ngữ giàu nhạc điệu, thấp thoáng cái tôi trữ tình của nhà văn, một cái tôi giàu
lòng cảm thương và trắc ẩn trước những cái đẹp, những buồn đau của cuộc đời.
Có thể thấy, các tác giả đã dày công nghiên cứu những đặc điểm về nội
dung, nghệ thuật của dòng truyện ngắn trữ tình 1930 - 1945, chỉ ra được những
đóng góp của các nhà văn dòng văn học này, tuy nhiên để khái quát thành khái
niệm về truyện ngắn trữ tình nói chung như là một sản phẩm của quá trình giao
thoa thể loại thì chưa thật rõ ràng và hệ thống. Mặt khác, từ những năm 30 của
thế kỉ trước, cho đến nay đã là một khoảng thời gian không hề ngắn ngủi, với
những sự cách tân không ngừng, nhiều thế hệ nhà văn đã liên tục làm phong phú
thêm những đặc trưng của thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn trữ tình cũng không
nằm ngoài quy luật phát triển của lịch sử văn học. Thực tế đã chứng minh, thể tài
này đã không kết thúc sự sống của nó ở những năm 40 thế kỉ trước mà cho đến
nay vẫn tồn tại với tư cách là một kiểu loại truyện ngắn đặc biệt, được rất nhiều
nhà văn trẻ thời kì đương đại tiếp nối. Vì vậy, giới thuyết về đặc trưng truyện
ngắn trữ tình vẫn là một công việc nên làm đối với người nghiên cứu.
1.4.2. Đặc trưng của truyện ngắn trữ tình
Trong luận văn này, chúng tôi cố gắng khái quát và đưa ra một cách hiểu
về truyện ngắn trữ tình, lấy đó là căn cứ để triển khai tìm hiểu chất trữ tình trong
truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.
Vậy hiểu thế nào là truyện ngắn trữ tình?
Trước hết phải phải khẳng định rằng, truyện ngắn trữ tình là dạng truyện
ngắn mà trong đó yếu tố trữ tình nổi trội lên như một đặc sắc, tạo nên nét khác
biệt về phong cách thể loại. Ở truyện ngắn trữ tình, yếu tố trữ tình xuyên thấm
vào tất cả các phương diện cơ bản nhất của nó. Mặt khác, dù có sự tham gia của
các yếu tố trữ tình nhưng truyện ngắn trữ tình về cơ bản vẫn thuộc phương thức
tự sự, nghĩa là các yếu tố đặc trưng của thể loại tự sự vẫn là điều cốt lõi nhất.
Như đã nói ở trên, sự xâm thực và chuyển hoá các yếu tố trữ tình vào trong

truyện ngắn làm nên chất trữ tình cho truyện, nó là một phẩm chất rất đáng quý,
là một màu sắc thẩm mĩ mới của thể loại truyện ngắn, chứ không hoán cải được
bản chất thể loại.
Chất trữ tình trong một truyện ngắn nếu chỉ được thể hiện một cách nhàn
nhạt, bàng bạc, thì chỉ là chất xúc tác làm cho tác phẩm thi vị hơn, lãng mạn
hơn. Còn nếu được thể hiện đậm đặc, hài hoà trên nhiều phương diện của truyện
20


ngắn sẽ làm cho truyện ngắn đó bước qua ranh giới phân xuất thể loại, trở thành
một thể lai ghép, trung gian giữa tự sự - trữ tình rất đặc biệt: đó là truyện ngắn
trữ tình. Trong truyện ngắn trữ tình, yếu tố trữ tình cần phải được “tự sự hoá”,
nghĩa là nó phải ngấm vào các bình diện của hình thức tự sự. Vì thế, tìm hiểu
đặc trưng của truyện ngắn trữ tình, chúng ta phải đi từ những bình diện nghệ
thuật cấu thành cái thực thể sinh động của nó. Nói cách khác, chúng ta phải đi từ
yếu tố cơ bản nhất của phương thức tự sự, cụ thể ở đây là thể loại truyện ngắn.
Những yếu tố tạo nên đặc trưng thể loại truyện ngắn rất phong phú, nhưng có
thể kể đến đó là: tình huống, cốt truyện, kết cấu, nhân vật, cảnh vật, giọng điệu,
ngôn ngữ…
Trước hết là phương diện tình huống. Tình huống được xem là vấn đề
then chốt, là hạt nhân của cấu trúc truyện ngắn. Dựa vào tính chất của tình
huống, người ta phân ra ba loại truyện ngắn tương ứng với 3 dạng tình huống:
truyện ngắn giàu kịch tính chứa tình huống hành động, truyện ngắn giàu triết
luận chứa tình huống nhận thức và truyện ngắn trữ tình chứa tình huống tâm
trạng. Như vậy, xét trên phương diện tình huống, diện mạo truyện ngắn trữ tình
được quy định bởi tình huống tâm trạng bao trùm lên toàn bộ thiên truyện. Tình
huống tâm trạng là một sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó, nhân vật rơi vào
một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Trong
truyện ngắn trữ tình, nhà văn thường ít phản ánh những xung đột lớn, gay gắt
của xã hội mà chỉ chú ý khai thác những xung động nội tâm của con người. Nói

cách khác, sự kiện cuộc sống được nhà văn tái tạo lại nhằm dựng thành tình
huống cho truyện ngắn trữ tình thường chỉ là cái cớ cắt nghĩa cho sự biến đổi
nào đó trong tâm lí nhân vật mà thôi. Truyện ngắn của Thạch Lam, Thanh Tịnh,
Hồ Dzếnh thường xây dựng những tình huống tâm trạng như thế.
Vì là tình huống tâm trạng, nên nhân vật tương ứng với tình huống này
thường là kiểu nhân vật: con người tình cảm. Nghĩa là kiểu nhân vật được hiện
lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó. Tác giả truyện ngắn trữ tình thường
thể hiện ngòi bút nhạy cảm tinh tế trong việc khám phá chiều sâu nội tâm của
con người và biểu hiện nó một cách tinh tế nhất. Thế giới nội tâm phức tạp, đa
chiều của nhân vật với những trăn trở, suy tư, niềm vui, nỗi buồn, sự say mê,
lòng hoan hỉ, khát vọng, nhớ tiếc… đã được phơi bày, mổ xẻ tinh vi trong từng
trang viết. Nhà văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ
21


thống chất liệu là cảm giác, cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng.
Còn các khía cạnh khác (như ngoại hình, hành động, lí tính…) ít được quan tâm.
Tình huống tâm trạng và kiểu nhân vật tình cảm ấy lại đem đến một hệ
quả tất yếu là truyện ngắn trữ tình nghiêng về kiểu kết cấu tâm lí. Tuy nhiên, kết
cấu tâm lí không phải là độc quyền của truyện ngắn trữ tình, nhưng ở loại truyện
này, dạng kết cấu này là phổ biến. Mặt khác, kết cấu tâm lý ở truyện ngắn trữ
tình vẫn có đặc trưng riêng, đó là kiểu tổ chức tác phẩm men theo dòng cảm
giác, cảm xúc và những phức hợp cảm xúc, chứ không nghiêng về những suy
xét, suy tưởng.
Cũng do lối kết cấu tâm lí mà truyện ngắn trữ tình thường có cốt truyện
đơn giản. Nhân vật không nhiều, sự kiện được giản lược một cách tối đa. Truyện
ngắn trữ tình thường không có cốt truyện li lì, éo le hay chứa những mâu thuẫn
lớn lao của xã hội, của hiện thực khắc nghiệt mà chủ yếu tìm đến những đề tài
nhỏ nhặt, bình dị, những câu chuyện diễn ra bình thường trong đời sống hàng
ngày của con người. Tác giả viết truyện ngắn trữ tình nhiều khi không phải để

kể lại một câu chuyện mà ngẫm nghĩ về một câu chuyện với ý thức tự vấn.
Chính vì thế, trong truyện ngắn trữ tình, cốt truyện, cái làm nên chất tự sự, cái
tạo nên bản sắc thẩm mĩ của thể loại tự sự nói chung, đã bị đẩy xuống bình diện
thứ hai. Người đọc sẽ rất khó khăn trong việc tóm tắt lại cốt truyện, vì các nhân
vật sự kiện không xuất hiện với các xung đột, sự kiện theo trình tự, lớp lang mà
nó chỉ là những cái cớ để nhân vật bộc lộ dòng ý thức hoặc chỉ là phương tiện để
nhà văn khảo sát những xung động tình cảm của nhân vật mà thôi. Tuy nhiên, dù
cốt truyện đơn giản, nhưng do nhà văn đã đạt đến chiều sâu nhân bản trong khi
khai thác nội tâm nhân vật, nên truyện ngắn trữ tình vẫn thể hiện được những
quan niệm nhân sinh sâu sắc, giàu ý nghĩa triết học.
Một phương diện thể hiện chất trữ tình trong truyện ngắn trữ tình đó là
cảnh vật. Như chúng ta biết, đặc trưng của phương thức tự sự là tái hiện, miêu tả
lại bức tranh cuộc sống sinh động, phong phú. Trong bức tranh ấy, có con người
và cả không gian cảnh vật là bối cảnh trong mối quan hệ với đời sống con
người. Có thể thấy, ở truyện ngắn trữ tình, thiên nhiên được hiện lên không chỉ
là những bức tranh thiên nhiên thuần tuý với những vẻ đẹp tự nhiên của nó mà là
những bức tâm cảnh. Nói cách khác, thiên nhiên đã trở thành “một mảng trữ tình
vì khi nó góp phần soi sáng nội tâm của tác giả, của nhân vật thì nó hiện ra như
22


là sản phẩm của bức tranh trữ tình” [66, 20]. Như vậy, trong truyện ngắn trữ
tình, thiên nhiên là một phương thức trữ tình đặc biệt. Qua những màu sắc, hình
dáng của cảnh vật, cả tính chất ám dụ, tượng trưng mà nó gợi ra, chúng ta cảm
nhận được thái độ, tình cảm và quan điểm nhân sinh của tác giả. Nói cách khác,
thiên nhiên được xây dựng như những hình ảnh ẩn dụ có sức gợi và sức ám ảnh
lớn. Những ẩn dụ ấy là kết tinh của sự hoà hợp giữa nội tâm và ngoại giới, giữa
tả và gợi, giữa hình ảnh thực trước mắt và hình ảnh trong tâm tưởng. Truyện
ngắn trữ tình rất phong phú những bức tranh thiên nhiên như thế.
Giọng điệu trữ tình là yếu tố không thể thiếu trong những truyện ngắn trữ

tình, bởi vì nó biểu hiện cho hình tượng tác giả trong tác phẩm. Giọng điệu
không đơn giản là một tín hiệu âm thanh đặc thù để nhận ra người nói mà là một
giọng điệu mang nội dung tình cảm, thái độ ứng xử trước các hiện tượng đời
sống. Tất cả tác phẩm văn học đều biểu hiện tư tưởng tình cảm thái độ của nhà
văn trước thế giới khách quan. Thông thường, trong tác phẩm trữ tình, tình cảm
chủ quan của tác giả được thể hiện trực tiếp, còn ở tác phẩm tự sự lại được thể
hiện gián tiếp qua việc miêu tả các sự kiện đời sống. Nhưng ở truyện ngắn trữ
tình, tình cảm của tác giả lại rất dạt dào nên dường như nó đã phô diễn thấm
đượm trên từng câu chữ, và biểu hiện rõ nhất ở giọng điệu. Nhờ giọng điệu của
tác phẩm, chúng ta có thể hình dung được một cái tôi tác giả thấp thoáng đằng
sau mỗi trang viết. Đây là đặc trưng khá nổi bật của truyện ngắn trữ tình.
Ngôn ngữ đầy chất thơ chính là điểm dễ nhận thấy nhất ở truyện ngắn trữ
tình. Ở truyện ngắn trữ tình, lời văn nghệ thuật rất giàu cảm xúc, đó là thứ ngôn
ngữ thơ - văn xuôi, rất giàu hình ảnh và sức biểu hiện, có khả năng khơi gợi cảm
xúc liên tưởng ở người đọc. Các yếu tố ngữ âm, từ vựng cũng được tổ chức một
cách hài hoà, nên câu văn rất giàu nhạc điệu. Hầu hết các truyện ngắn trữ tình
đều rất phong phú những câu văn như thế.
Như vậy, ở truyện ngắn trữ tình, chất trữ tình được thể hiện trên rất nhiều
bình diện, nhưng ít nhất là trên bốn bình diện căn bản: tình huống truyện, nhân
vật truyện, giọng điệu và ngôn ngữ trần thuật, nghĩa là từ vĩ mô đến vi mô, từ
hạt nhân đến chất liệu. Bốn bình diện ấy song hành và xuyên thấm vào nhau mà
làm nên hình hài của truyện ngắn trữ tình.

23


Chương 2
CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN
NGUYỄN NGỌC TƯ, NHÌN TỪ TÌNH HUỐNG
2.1. Giới thuyết về tình huống

Tình huống là vấn đề hạt nhân, chủ chốt trong truyện ngắn. Không có
tình huống thì không thể có truyện ngắn. Sự sống còn của một truyện ngắn phụ
thuộc vào tình huống mà tác phẩm xây dựng được.
Có thể nói rằng, tình huống truyện, xét đến cùng, là một hoàn cảnh đặc
biệt của đời sống. Cụ thể hơn, tình huống là một sự kiện đặc biệt trong cuộc
sống con người được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm theo lối “lạ hoá”. Nói “lạ
hoá” có nghĩa là nhà văn đã làm sống dậy trong sự kiện ấy một tình thế bất
thường của quan hệ đời sống (quan hệ giữa các nhân vật tham gia vào sự kiện,
hoặc giữa nhân vật với ngoại cảnh, ngoại giới). Tại sự kiện ấy, bản chất nhân vật
được hiện hình rõ nét, đồng thời, ý đồ nghệ thuật, tư tưởng của tác giả cũng
được bộc lộ trọn vẹn.
Với văn bản truyện ngắn, tình huống đóng vai trò là nhân tố tổ chức của
thiên truyện. Những thành tố khác như nhân vật, bố cục, kết cấu, lời trần thuật,
ngôn ngữ… đều chịu sự chi phối của tình huống. Ngược lại, tình huống được
làm sống dậy bởi các thành tố này. Diện mạo của một truyện ngắn, xét đến cùng
là do tình huống quyết định.
Với tác giả truyện ngắn, xây dựng được một tình huống đặc sắc của riêng
mình được xem như thành công bước đầu rất đáng kể trong công việc sáng tạo
của nhà văn. Có được tình huống, nhà văn sẽ định hướng được những công việc
tiếp theo: xây dựng nhân vật, xây dựng cảnh vật, chuẩn bị ngôn ngữ, xác định
kết cấu, cấu trúc tác phẩm… Có được một tình huống đạt yêu cầu là hứa hẹn
một tác phẩm thành công.
Tình huống trong truyện ngắn thường được phân thành ba loại sau đây
(dựa trên tính chất, đặc trưng của nó): Tình huống hành động, tình huống trữ
tình, tình huống nhận thức. Ba loại tình huống này sẽ quy định tính chất của
truyện ngắn mang chứa chúng. Ở luận văn này, chúng tôi chỉ cung cấp một quan
niệm về tình huống trữ tình làm căn cứ tìm hiểu tình huống trong truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư.
24



Tình huống trữ tình (còn gọi là tình huống tâm trạng) là loại sự kiện đặc
biệt của đời sống mà ở đó nhân vật bị rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến
động nào đó trong thế giới tình cảm (cảm giác hẫng hụt, tâm trạng ai oán, bi
phẫn…). Kiểu tình huống này dẫn đến loại nhân vật là kiểu con người tình cảm.
Nhân vật được xây dựng chủ yếu bằng những cảm xúc, cảm giác, tâm trạng…
Diễn biến tình huống cũng thường được tổ chức dựa theo dòng cảm giác, cảm
xúc và phức hợp những cảm xúc của nhân vật. Còn những phương diện khác
như lý trí, ngoại hình, hành động ít được nhà văn chú tâm miêu tả. Kiểu truyện
ngắn trữ tình là hệ quả của loại tình huống này. Truyện ngắn Thạch Lam, Hồ
Dzếnh, Thanh Tịnh là những ví dụ tiêu biểu.
2.2. Tình huống trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
Đọc Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta có thể nhận ra, truyện ngắn của nhà văn
nữ đất Mũi Cà Mau này thường không phản ánh những hiện thực khắc nghiệt,
nóng bỏng xô bồ mà chỉ là những câu chuyện đời thường, giản dị. Thử sức ở
những đề tài bình dị, những câu chuyện đời thường vụn vặt, đi đâu ta cũng gặp,
ở đâu ta cũng thấy, nhưng truyện ngắn của nhà văn bao giờ cũng mang lại một
cảm giác mới mẻ, một phát hiện về những điều không xa lạ với bất cứ ai. Những
trang văn của Nguyễn Ngọc Tư luôn day dứt lòng người đọc bởi những thân
phận, những mảnh đời nhỏ nhoi. Trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư, người
tốt không phải bao giờ cũng được sung sướng, hạnh phúc, người tốt luôn chịu
thiệt thòi, mất mát, chị nói: “tốt mà được đền đáp thì người ta đã rủ nhau đi sống
tốt hết rồi” [69]. Bởi thế, nhân vật trong tác phẩm của chị không bao giờ có
được sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn. Họ luôn rơi vào những tình cảnh éo
le, trắc trở, những tình huống đổ vỡ mà ở đó họ chỉ có thể đối diện với lòng
mình với nỗi cô đơn, lẻ loi, hẫng hụt, tuyệt vọng, đau đớn, xót xa, tủi hổ…Nói
cách khác, đó là những tình huống tâm trạng, tình huống trữ tình. Hạt nhân của
truyện là những tình huống tâm trạng như thế, nên truyện của Nguyễn Ngọc Tư
thiên về loại truyện trữ tình.
Qua việc khảo sát tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi tiến hành

phân loại, quy tình huống trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư thành một số dạng
chủ yếu như sau: tình huống lưu lạc, tình huống bi kịch tình yêu, tình huống bi
kịch gia đình. Đây là sự phân loại một cách tương đối, căn cứ vào mức độ xuất
hiện các dạng tình huống này trong tác phẩm của tác giả này. Mặt khác, có thể
25


×