Tải bản đầy đủ (.pdf) (81 trang)

Tìm hiểu phép thế trong truyện ngắn nam cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (824.96 KB, 81 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

LÊ KIM HOÀI

TÌM HIỂU PHÉP THẾ TRONG TRUYỆN NGẮN
NAM CAO

Luận văn tốt nghiệp
Ngành ngữ văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP

Cần Thơ, năm 2011


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
MỞ ĐẦU
1.1 Lý do chọn đề tài
1.2 Lịch sử vấn đề
1.3 Mục đích, yêu cầu
1.4 Phạm vi nghiên cứu
1.5 Phương pháp nghiên cứu

NỘI DUNG
CHƯƠNG I: KHÁI LƯỢC VỀ PHÉP THẾ
I. Quan điểm của một số tác giả về phép thế
1. Quan điểm của Trần Ngọc Thêm
2. Quan điểm của Diệp Quang Ban


3. Quan điểm của Nguyễn Thị Ảnh
4. Quan điểm của các tác giả trong Tiếng Việt thực hành
II. Nhận xét

CHƯƠNG II: KHÁI QUÁT VỀ PHÉP THẾ TRONG TRUYỆN
NGẮN NAM CAO
I. Đôi nét về nhà văn Nam Cao và đặc điểm truyện ngắn của Nam Cao
1. Nam Cao và sự nghiệp sáng tác
2. Đặc điểm truyện ngắn của Nam Cao
II. Các dạng thức của phép thế trong truyện ngắn Nam Cao
1. Thế đại từ
2. Thế đồng nghĩa
3. Thế đồng sở chỉ
III. Cách biểu hiện phương thức thế
1. Hồi chiếu
2. Khứ chiếu


CHƯƠNG III: CHỨC NĂNG CỦA PHÉP THẾ TRONG
TRUYỆN NGẮN NAM CAO
1. Chức năng liên kết và tránh lặp từ vựng
2. Chức năng cung cấp thông tin và chức năng biểu thị tình thái

KẾT LUẬN


MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
Phép thế một phương thức liên kết, được sử dụng trong giao tiếp, trong văn bản
và trong sáng tác văn học. Phép thế được sử dụng linh hoạt trong các sáng tác văn học

nghệ thuật, bởi tính liên kết của nó. Ngoài ra nó còn thể hiện được dụng ý nghệ thuật
của nhà văn, cũng như những tâm tư tình cảm mà nhà văn muốn gửi gắm.
Với mục đích muốn tìm hiểu sâu hơn chức năng của phép thế cũng như tài năng
sử dụng phép thế trong việc sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Chúng tôi chọn đề tài
Tìm hiểu phép thế trong truyện ngắn Nam Cao.
Chúng tôi chọn Nam Cao không chỉ đơn thuần đây là nhà văn hiện thực xuất
sắc mà ở nhà văn còn có những tài năng, phong cách cũng như những quan niệm nghệ
thuật rất đặc sắc. Một nhà văn tâm huyết với nghề, với đời...
Thực hiện đề tài Tìm hiểu phép thế trong truyện ngắn Nam Cao, chúng tôi có
thể vận dụng những lý thuyết về Ngữ pháp văn bản vào việc lĩnh hội tác phẩm. Đồng
thời khi tìm hiểu đề tài này, chúng tôi còn hiểu biết thêm về cuộc sống, tâm tư tình
cảm, vẻ đẹp tâm hồn của nhà văn Nam Cao, cũng như tài năng trong việc vận dụng
phương thức thế trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

II. Lịch sử vấn đề
Đề tài Tìm hiểu phép thế trong truyện ngắn Nam Cao là một đề tài mới. Tuy
nhiên việc nghiên cứu về phép thế, về nhà văn Nam Cao thì có nhiều nhà nghiên cứu,
bàn luận đến.
(1). Về phép thế
Quyển Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt của Trần Ngọc Thêm đã đề cập đến
phương thức thế. Từ góc độ ngữ pháp văn bản, tác giả phân loại phép thế thành hai
dạng: phép thế đồng nghĩa và phép thế đại từ. Mỗi dạng tác giả đi vào phân tích, khái
quát hình thức, phạm vi sử dụng, đồng thời cũng có sự đối chiếu, so sánh để thấy được
những nét khác biệt của hai dạng phép thế này.
Trong quyển Văn bản và liên kết trong văn bản, tác giả Diệp Quang Ban tìm
hiểu phép thế thuộc hệ thống liên kết. Tác giả xét trên hai quan niệm: Quan niệm thứ
nhất, “Coi liên kết văn bản thuộc về mặt cấu trúc của hệ thống ngôn ngữ. Và liên kết
được khai thác ở các bộ phận phương tiện hình thức lẫn cả về mặt ý nghĩa”, tác giả kết
luận liên kết hiểu theo quan niệm này gọi là liên kết nội dung và liên kết hình thức. Với



liên kết nội dung và liên kết hình thức, tác giả cũng đưa ra hai dạng của phép thế: phép
thế đồng nghĩa và phép thế đại từ. Ở đây, tác giả tiếp thu ý kiến của Trần Ngọc Thêm.
Quan niêm thứ hai, xem “liên kết với tư cách là một khái niệm chuyên môn. Liên kết
không thuộc cấu trúc mà thuộc về ý nghĩa, và các phương tiện hình thức của ngôn ngữ
thực hiện chức năng đó mới thuộc liên kết”. Liên kết theo quan niệm này tác giả gọi là
liên kết phi cấu trúc tính. Trong liên kết phi cấu trúc tính, tác giả cũng đề cập đến phép
thế nhưng ở phần này tác giả chỉ giới hạn trong việc sử dụng đại từ thay thế.
Trong quyển Tiếng Việt thực hành, Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp
cũng đề cập đến phép thế. Các tác giả, đã đề cập đến thay thế đồng nghĩa, thay thế
danh từ, tính từ, số từ bằng các đại từ thích hợp. Các tác giả xác định chúng nằm trong
liên kết quy chiếu. Tuy nhiên, các tác giả chỉ dừng lại ở việc xác định, chưa đi sâu vào
phân tích và triển khai các dạng thức.
Quyển Tiếng Việt thực hành của tác giả Nguyễn Thị Ảnh cũng đề cập đến
phương thức thế. Theo tác giả, phương thức thế có hai dạng biểu hiện: thế đồng sở chỉ
và thế đại từ. Tác giả cũng có phân tích một số vấn đề nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn
đề chưa được giải quyết rõ.
Các tác giả Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng, trong quyển Tiếng Việt thực
hành cũng thể hiện quan niệm về phép thế. Phép thế cũng được thể hiện ở hai dạng:
thế đại từ và thế bằng từ đồng nghĩa, gần nghĩa.
(2). Về nhà văn Nam Cao
Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc, ông đã có những đóng góp quan trọng
trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của Nam Cao đã phản ánh
chân thật cuộc sống ngột ngạt, đen tối của xã hội phong kiến, thể hiện sinh động thân
phận khổ đau, bế tắc của những người tiểu tư sản nghèo và nông dân nghèo những
năm 1940 - 1945. Nhiều nhà nghiên cứu đã viết về Nam Cao, cuộc đời và tác phẩm.
Trong các bài viết, các tác giả đã thể hiện quan điểm khách quan của mình về nhà văn
Nam Cao xung quanh các vấn đề có liên quan như: tài năng, phong cách, quan điểm
nghệ thuật và những vấn đề về con người và tác phẩm của nhà văn, những giá trị cũng
như những đóng góp của nhà văn trong tiến trình phát triển của nền văn học dân tộc.

Quyển Nam Cao về tác gia và tác phẩm, là công trình nghiên cứu tập hợp
những bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình, các nhà giảng dạy văn học, nhà văn,
đã được công bố trên sách, báo về cuộc đời và văn nghiệp Nam Cao. Quyển sách gồm


bốn phần. Phần một: Văn và người – gồm những bài viết khẳng định chân dung và sự
nghiệp Nam Cao trong các giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám… Phần hai:
Tác phẩm – tiếp nhận và thưởng thức, từ nhiều góc độ và cách nhìn khác nhau, các bài
viết đi sâu vào phân tích và cảm thụ các tác phẩm đặc sắc của Nam Cao. Phần ba:
Phong cách và nghệ thuật gồm những bài viết tập trung vào các giá trị tiềm ẩn của một
tài năng văn chương trong nghệ thuật ngôn từ với một phong cách sáng tạo độc đáo và
hiện đại, vượt lên trên mọi thách thức của thời gian. Phần bốn: Hồi ức và kỉ niệm gồm
những kỉ niệm đầy cảm động về con người nhà văn trong kí ức bạn bè, đồng nghiệp và
người thân hơn nửa thế kỉ qua.
Trong quyển Nam Cao - Đời văn và tác phẩm, Hà Minh Đức đã giúp độc giả
gần gũi hơn với nhà văn Nam Cao ở nhiều góc độ. Tác giả giới thiệu quá trình sáng tác
và một số nhận định về Nam Cao. Đồng thời, tác giả đi sâu tìm hiểu và ghi nhận lại
những giá trị, những đóng góp, cũng như những vấn đề còn nhiều tiềm ẩn ở nhà văn
Nam Cao. Thực sự, đây là một công trình nghiên cứu có đóng góp quan trọng trong
việc tìm hiểu cũng như nhìn nhận lại những giá trị, đóng góp của nhà văn Nam Cao
trong tiến trình văn học Viêt Nam.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu kể trên, còn có nhiều công trình nghiên cứu
tiêu biểu như: Nam Cao phác thảo sự nghiệp và chân dung (Phong Lê); Luận đề về
Nam Cao (Trần Ngọc Hưởng), …
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đều tập trung vào cuộc đời và tác phẩm
của nhà văn Nam Cao, những giá trị, những đóng góp của nhà văn Nam Cao trong tiến
trình phát triển của nền văn học Việt Nam.
Tuy chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu vào việc sử dụng các phương
tiện liên kết trong tác phẩm của Nam Cao nhưng những công trình nghiên cứu này sẽ
là nguồn tài liệu phong phú cho đề tài luận văn mà chúng tôi đang thực hiện, giúp

chúng tôi bổ sung kiến thức vào việc thực hiện đề tài.

III. Mục đích, yêu cầu
Với đề tài Tìm hiểu phép thế trong truyện ngắn Nam Cao, chúng tôi bước đầu
tiến hành tổng hợp kiến thức về phép thế cũng như đôi nét về tác giả Nam Cao. Trên
cơ sở hệ thống lý thuyết về phép thế, chúng tôi đi sâu tìm hiểu, khảo sát các dạng thức
của phép thế, sau đó, phân tích những chức năng của phép thế trong một số truyện
ngắn của nhà văn Nam Cao.


Việc tìm hiểu này sẽ giúp chúng tôi hiểu thêm về giá trị sử dụng phương thức
thế trong truyện ngắn Nam Cao nói riêng và trong các tác phẩm văn chương nói
chung. Mặt khác, chúng tôi có thể nhận thức rõ hơn sự độc đáo trong việc sử dụng
ngôn từ của nhà văn Nam Cao.

IV. Phạm vi nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, trước tiên chúng tôi đi sâu tìm hiểu lý thuyết về phép thế
nằm trong hệ thống các phương thức liên kết từ một số công trình nghiên cứu. Trên cơ sở
đó, chúng tôi khảo sát các dạng thức của phép thế trong một vài truyện ngắn Nam Cao.
Trong điều kiện cho phép, chúng tôi chỉ khảo sát một số truyện ngắn của Nam
Cao như:
Chí Phèo
Nghèo
Trẻ con không được ăn thịt chó
Dì Hảo
Đời thừa

V. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành đề tài Tìm hiểu phép thế trong truyện ngắn Nam Cao, trước hết
chúng tôi tiến hành sưu tầm tài liệu liên quan về phép thế, về tác giả và tác phẩm Nam

Cao. Sau đó, chúng tôi sử dụng phương pháp tổng hợp tài liệu. Bằng phương pháp
thống kê, chúng tôi tiến hành thống kê, phân loại các dạng thức của phép thế trong một
số truyện ngắn của Nam Cao. Trên cơ sơ đó, chúng tôi sử dụng thao tác phân tích,
chứng minh nhằm triển khai, làm sáng tỏ vấn đề hiệu quả sử dụng phép thế trong
truyện ngắn Nam Cao.


NỘI DUNG
CHƯƠNG I: KHÁI LƯỢC VỀ PHÉP THẾ
I. Quan điểm của một số tác giả về phép thế
1. Quan điểm của Trần Ngọc Thêm
Trong quyển Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Trần Ngọc Thêm đã cho
rằng, vấn đề đầu tiên được giới ngôn ngữ học chú ý đến là văn bản không là phép cộng
đơn giản giữa các câu. Giữa các câu trong văn bản có những sợi dây liên hệ chặt chẽ.
Hiện tượng này về sau được gọi là tính liên kết.
Tác giả kết luận “Tính liên kết chính là nhân tố quan trọng nhất có tác dụng
biến một chuỗi câu trở thành văn bản” [13; 19]. Tính liên kết được thể hiện ở hai bình
diện là liên kết nội dung và liên kết hình thức. Theo tác giả, “Giữa hai mặt liên kết nội
dung và liên kết hình thức có mối quan hệ chặt chẽ liên kết nội dung được thể hiện
bằng một hệ thống các phương tiện liên kết hình thức và liên kết hình thức chủ yếu
dùng để diễn đạt sự liên kết nội dung. Vì vậy mỗi văn bản phải có đủ hai mặt liên kết
nội dung và liên kết hình thức.” [13; 21].
Theo tác giả, liên kết nội dung được thể hiện ở hai bình diện: liên kết chủ đề và
liên kết logic, và liên kết hình thức được thể hiện qua các phương thức liên kết sau: các
phương thức liên kết chung, các phương thức liên kết hợp nghĩa, các phương thức liên
kết trực thuộc.
Trần Ngọc Thêm cho rằng, có năm phương thức liên kết là tài sản chung mà cả
ba loại phát ngôn (câu tự nghĩa, câu hợp nghĩa, ngữ trực thuộc) đều có thể sử dụng
được là: phép lặp, phép đối, phép thế đồng nghĩa, phép liên tưởng và phép tuyến tính,
có ba phương thức liên kết hợp nghĩa: phép thế đại từ, phép tỉnh lược yếu, phép nối

lỏng và có hai phương thức liên kết trực thuộc: phép nối chặt, phép tỉnh lược mạnh.
Theo Trần Ngọc Thêm, phép thế là một trong các phương thức liên kết văn bản.
Nó đóng vai trò quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong việc tạo liên kết trong văn
bản. Theo tác giả, phép thế được thể hiện ở hai dạng: thế đồng nghĩa và thế đại từ
- Phép thế đồng nghĩa
Theo Trần Ngọc Thêm, “Phép thế đồng nghĩa là một phương thức liên kết thể
hiện ở việc sử dụng trong chủ ngôn và kết ngôn những ngữ đoạn (từ hoặn cụm từ)
khác nhau có cùng một nghĩa (chỉ cùng một đối tượng)” [13; 114] Tác giả cho rằng,
trong phép thế đồng nghĩa, sự đồng nhất về nghĩa (biểu vật hoặc biểu niệm) của chủ tố


và thế tố là cơ sở cho chức năng liên kết phát ngôn.
Ví dụ:
Sài Gòn làm cho thế giới kinh ngạc. Sức sống của thành phố mãnh liệt không
sao lượng nổi.
Tác giả cho rằng, phép thế đồng nghĩa là một sự đồng nhất được thừa nhận mà
không cần tuyên bố [13; 114].
Căn cứ vào đăc điểm của các phương tiện dùng làm chủ tố và thế tố, có thể
phân loại phép thế đồng nghĩa thành bốn kiểu: thế đồng nghĩa từ điển, thế đồng nghĩa
phủ định, thế đồng nghĩa miêu tả, thế đồng nghĩa lâm thời.
+ Thế đồng nghĩa từ điển
Theo Trần Ngọc Thêm, “Thế đồng nghĩa từ điển là kiểu thế đồng nghĩa ổn định
mà cả hai yếu tố liên kết là những từ đồng nghĩa (thường được cố định trong các từ
điển đồng nghĩa)” [13; 115]. Hay gặp nhất ở kiểu thế đồng nghĩa từ điển là động từ,
tính từ và danh từ đồng nghĩa.
Ví dụ:
Phụ nữ lại càng phải học. Đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới.
(Hồ Chí Minh. Chống nạn thất học)
Tác giả khẳng định, vì quan hệ đồng nhất giữa chủ tố và thế tố ở kiểu thế đồng
nghĩa này đã có sẵn trong vốn từ của từng ngôn ngữ cho nên kiểu thế này có chức

năng liên kết là chính. Nó cũng có cả chức năng thông tin phụ, song chủ yếu không
phải thông tin phụ về sự đồng nhất, mà là thông tin về sự đánh giá.
+ Thế đồng nghĩa phủ định
Theo tác giả, “Thế đồng nghĩa phủ định là kiểu thế ổn định mà một trong hai
yếu tố liên kết là cụm từ cấu tạo từ từ trái nghĩa của yếu tố liên kết kia cộng với từ phủ
định” [13; 116]
Mô hình của chủ tố và thế tố là: A=B, trong đó B A , “” thể hiện bằng một
trong những từ phủ định: không, chưa , chẳng...

Ví dụ:
Người Pháp đổ máu nhiều. Dân ta hi sinh cũng không ít.
(Hồ Chí Minh)
Chức năng chủ yếu của kiểu thế đồng nghĩa là chức năng liên kết tránh lặp từ


vựng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, kiểu thế đồng nghĩa này cũng mang chức
năng cung cấp thông tin phụ. Đó là thông tin phụ về những sắc thái nghĩa mà lặp từ
vựng không thể diễn đạt được.
Ví dụ:
Nó phải đi hết chỗ này chỗ nọ, để kiếm cái nhét vào dạ dày.
Để nó sống
Vì nó chưa chết
(Nguyễn Công Hoan. Hai cái bụng)
+ Thế đồng nghĩa miêu tả
Trần Ngọc Thêm cho rằng, “đây là kiểu thế không ổn định có ít nhất một trong
hai yếu tố liên kết là cụm từ miêu tả một thuộc tính điển hình nào đó đủ để đại diện
cho đối tượng mà nó biểu thị.” [13; 117].
Ví dụ:
Ông lão há miệng ra như bị bò cạp chích. Ông biết thừa là bọn chúng chẳng
lạ gì gia đình ông, nhưng ông vẫn cứ ngạc nhiên như vậy.

(Nguyễn Thi. Ở xã Trung Nghĩa ).
Theo tác giả, đây là kiểu đồng nghĩa mà chức năng cung cấp thông tin phụ được
nổi bật lên rõ rệt. Với ví dụ trên, chúng ta thấy hình ảnh há miệng ra như bị bò cạp
chích là (dấu hiệu của) sự ngạc nhiên ở ví dụ này người đọc sẽ thu nhận thêm được
một quan sát thú vị.
+ Thế đồng nghĩa lâm thời
Tác giả cũng khẳng định, “đây là kiểu thế không ổn định mà chủ tố và thế tố là
những từ vốn không phải từ đồng nghĩa song có quan hệ ngữ nghĩa bao hàm (theo
kiểu giống loài), trong đó từ có ngoại diên hẹp hơn (chỉ giống) bao giờ cũng phải làm
chủ tố, còn từ kia (có ngoại diên rộng hơn) bao giờ cũng làm thế tố.” [13; 119]
Ví dụ:
Một số phường săn đến thăm dò để giăng bẫy con cọp xám. Nhưng con ác thú
tinh lắm, đặt mồi to và ngon đến đâu cũng không lừa nổi nó.
(Truyện cổ tích. Nghè hóa cọp)
Chức năng của thế đồng nghĩa lâm thời là vừa tạo nên những thông tin phụ
trách đánh giá, vừa cho phép nó thực hiện tốt chức năng tránh lặp từ vựng.


- Thế đại từ
Theo Trần Ngọc Thêm, “Phép thế đại từ là một phương thức liên kết thể hiện ở
việc sử dụng trong kết ngôn mà đại từ (hoặc từ đại từ hóa) để thay thế cho một ngữ
đoạn nào đó ở chủ ngôn.” [13; 142]
Ví dụ:
Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn
luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
( Hồ Chí Minh. Đạo đức cách mạng)
Trần Ngọc Thêm xác định, phép thế đại từ khác phép thế đồng nghĩa chủ yếu ở
việc sử dụng đại từ làm thế tố. Tác giả cho rằng, đại từ là một trong số những từ loại
có chức năng liên kết văn bản rõ rệt nhất.
Theo tác giả, ngoài chức năng liên kết, phép thế đại từ còn có chức năng rút gọn

văn bản và chức năng đa dạng hóa văn bản.
Trần Ngọc Thêm phân loại đại từ theo hai hướng:
+ Theo đối tượng thay thế: các đại từ có thể chia thành bảy tiểu loại: chỉ người
(N); chỉ sự vật (V); chỉ số lượng (L); chỉ thời gian (T); chỉ không gian (K); chỉ dấu
hiệu (D); chỉ cách thức (C)
+ Theo quan hệ với tọa độ gốc: có thể chia thành bốn tiểu loại: chỉ điểm gốc
(1); chỉ điểm gần (2); chỉ điểm xa (3) và có tính nghi vấn – phiếm chỉ (4).
Bảng phân loại:


N

1

2

3

4

Điểm gốc

Điểm gần

Điểm xa

Nghi vấnphiếm chỉ

TÔI, TAO,
tớ...


MÀY, cậu, anh, y, ông,
đồng chí...

Người

TA

HẮN,
Y, thị,
HỌ

NÓ,
CHÚNG,
TẤT CẢ

AI

MÌNH, NHAU

V

Sự vật

L Số lượng BÂY NHIÊU

T

K


Thời
gian

BÂY GIỜ,
NAY

Không
gian

ĐÂY

BẤY NHIÊU
BẤY GIỜ

BAO GIỜ
NÃY, MAI
ĐẤY,
trên, sau...
ĐÓ

D Dấu hiệu
C

Cách
thức

NÀY

BAO NHIÊU


KIA

NỌ, ẤY
THẾ, VẬY

NÀO
SAO

Theo Trần Ngọc Thêm, tùy trường hợp mà các đại từ có thể thực hiện một trong
hai chức năng: liên kết hiện diện và liên kết khiếm diện. [13; 146]
Tác giả chỉ ra những nhóm từ thường chủ yếu thực hiện chức năng liên kết
khiếm diện – đó là những nhóm đại từ chỉ tọa độ gốc. Tọa độ gốc bao gồm: người phát
tin (N1) – người nhận tin (N2) – thời gian gốc (T1) – không gian gốc (K1) và tất cả
những nhóm khác thuộc tiểu loại 1 (L1, D1, v.v.)
Tác giả khẳng định, chức năng liên kết khiếm diện của các đại từ chỉ tọa độ gốc
chỉ phổ biến trong lời nói khẩu ngữ. Trong văn bản, đại từ với chức năng liên kết
khiếm diện thực thụ chỉ có thể gặp khi cần “đưa” chính tọa độ gốc vào văn bản.
Ví dụ: Ấy là một sáng mùa đông. Trên con đường nhựa ven cửa ô thành phố có
hai dòng người...
(Hoàng Tích Chỉ. Em bé Hà Nội)


Trần Ngọc Thêm cho rằng, ở những đoạn đối thoại trong văn bản truyện, kí, v.v.
thì đại từ với những mối liên kết khiếm diện của chúng bao giờ cũng được văn bản
hóa. Tức là các liên kết thế đại từ đã được hiện diện hóa. Thường diễn ra giữa lời tác
giả với lời nhân vật.
Ví dụ:
Huấn cầm tay Hằng nói:
- Tay em có hơi đen đi nhưng anh lại thấy em đẹp hơn ngày anh mới gặp.
(Nguyễn Thị Ngọc Tú. Buổi sáng)

Trong lời nói đối thoại thì anh, em sẽ có liên kết khiếm diện vì nó trỏ vào những
đối tượng nhất định của hiện thực. Nhưng trong văn bản thì những đối tượng của hiện
thực đã được hiện diện hóa thành Huấn, Hằng trong lời của tác giả trước đó. Vì vậy,
liên kết khiếm diện đã trở thành liên kết hiện diện.
Theo tác giả, ngược lại với xu hướng hiện diện hóa liên kết khiếm diện là xu
hướng khiếm diện hóa giả tạo liên kết thế đại từ hiện diện. [13; 148]
Ví dụ:

LUYỆN VỚI BIỂN

Ông bị ngọng từ bé. Tại sao? Không thể biết rõ. Nhưng ông quyết chữa bằng
được. Ông tập đọc, tập nói ở trong phòng, một mình. Học, nói từng chữ, từng câu. Rồi
ông ra bãi biển, mồm ngậm sỏi, gào thi với sóng nước.
Chẳng những chữa khỏi tật, mà ông còn trở thành nhà hùng biện của một thời:
CÓOCNÂY.
Nhờ sự liên kết hiện diện hóa bằng câu quan hệ chuyển nghĩa ở cuối văn bản
mà người đọc xác định được chủ tố của đại từ ông tưởng như khiếm diện trong suốt cả
văn bản: ông = CÓOCNÂY.
Trần Ngọc Thêm cho rằng, “nếu như những liên kết khiếm diện và hiện diện ở
các đại từ không có ranh giới rõ ràng thì chức năng liên kết hồi quy và chức năng liên
kết dự báo ở chúng lại được khu biệt rõ rệt.” [13; 149]
Các đại từ ở tiểu loại 4 có thể có chức năng liên kết dự báo khi chúng được sử
dụng với nghĩa nghi vấn.
Ví dụ: Tri thức là gì? Tri thức là hiểu biết.
(Hồ Chí Minh. Sửa đổi lối làm việc)
Đại từ gì báo trước sự xuất hiện của các phát ngôn tiếp theo và thay thế cho chủ
tố hiểu biết.


Nhóm đại từ thuộc các tiểu loại 1- 2- 3 có thể mang chức năng liên kết hồi quy.

Những đại từ liên kết hồi quy có tần số sử dụng cao nhất tập trung vào hai khu vực N,
V-3 và K, D, C.
Theo tác giả, các đại từ trong khu vực N, V-3 thường thay thế cho danh từ hoặc
danh ngữ chỉ người hoặc sự vật.
Ví dụ:
Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi
thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta.
(Hồ Chí Minh. Những nhiệm vụ cấp bách, 9 - 1947)
Theo tác giả, nếu chủ tố không chỉ người hoặc sự vật thì tùy theo đặc điểm của
nó mà lựa chọn đại từ trong các tiểu loại L, T, K, C.
Ví dụ:
Chắc chắn là mấy đêm trước đơn vị vẫn cử người lần mò vào tận đây tìm tôi.
Hẳn là đơn vị anh Nhâm cũng thế.
(Triệu Bôn. Mầm sống)
Trong ví dụ trên chủ tố đã được thay thế bằng đại từ thuộc tiểu loại C (thế).
Tác giả khẳng định có hai tiểu loại đại từ có khả năng thay thế cho một phát
ngôn, một chuỗi phát ngôn. Đó là các đại từ nhóm K và C. Cả hai tiểu loại đều có thể
sử dụng trong kết hợp các từ nối để thay thế cho phát ngôn, chuỗi phát ngôn trong mọi
trường hợp. Còn khi sử dụng độc lập thì chúng được quy định chặt chẽ hơn.
Các đại từ nhóm C có thể sử dụng độc lập để thay thế cho phát ngôn, chuỗi phát
ngôn trong hai trường hợp: 1- khi đại từ làm vị ngữ hoặc bổ ngữ trong kết ngôn; 2- khi
đại từ làm chủ ngữ trong nồng cốt quan hệ đồng nhất (đứng trước từ là).
Ví dụ:
Nước ta là một nước văn hiến. Ai cũng bảo thế.
(Nguyễn Công Hoan. Công dụng của cái miệng)

Cỏ may trên bờ đường đi đã tàn. Người trong làng ra đồng gặt lúa. Trên mênh
mông chỉ còn trơ lại những gốc rạ khô. Thế là mùa rét đã tới.
(Tô Hoài. Dế mèn phiêu lưu kí)



Các đại từ K chỉ có thể sử dụng độc lập để thay thế cho phát ngôn, chuỗi phát
ngôn khi nó làm chủ ngữ nồng cốt trong quan hệ đồng nhất (đứng trước từ là).
Ví dụ:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.
(Hồ Chí Minh. Báo cáo chính trị tại Đại hội II, 2-1951)
Ở những trường hợp cần thay thế cho phát ngôn, chuỗi phát ngôn mà không
thỏa mãn các điều kiện đã nêu trên thì tác giả cho rằng, phải dùng đến kết hợp từ
“danh từ khái quát (danh từ loại thể) + đại từ dấu hiệu D”. Các danh từ khái quát dùng
kèm với đại từ phổ biến nhất là: điều, việc, chuyện, cái, thứ, v.v. Các đại từ dấu hiệu
thường dùng kèm với danh từ khái quát là: này, ấy, ấy, đó.
Ví dụ:
Keng phải may một bộ cánh. Việc này không thể cho bố biết được.
(Nguyễn Kiên. Anh Keng)
Theo tác giả, chức năng thứ nhất của danh từ khái quát ở đây là một chức năng
thuần túy ngữ pháp. Đó là chức năng danh ngữ hóa phát ngôn (hoặc chuỗi phát ngôn)
để chúng có khả năng làm thành phần phát ngôn.
Chức năng thứ hai của danh từ khái quát ở đây là định loại cho chủ tố, cũng tức là
cung cấp thêm thông tin phụ về nó. Tác giả khẳng định, khi tính cụ thể của danh từ càng
tăng (tính khái quát càng giảm) thì chức năng cung cấp thông tin phụ càng nổi lên và đồng
thời chức năng thay thế của đại từ D càng mờ đi. Tới khi đứng trước danh từ dấu hiệu
không phải là danh từ khái quát nữa mà là một danh từ có nghĩa hết sức cụ thể (danh từ
đơn thể) thì bắt đầu xuất hiện một phép thế đồng nghĩa bên cạnh phép thế đại từ. [13; 157]
Ví dụ:
Sau hết, tôi có dịp ghé lại nhà chồng chị Nghị. [Tôi bước xuống nhà dưới, và
cũng như lần trước, chỉ có một mình Nghị trong nhà. Bà mẹ chồng Nghị lúc này đã trở
ra sau vườn. Cha chồng Nghị đi đào hầm làm xã chiến đấu chưa về. Chị sáu đi họp,
con Hiếu theo mẹ.] Tôi cho đó là sinh hoạt bình thường trong gia đình này.
(Trần Hiếu Minh. Sóng Cửu Long)
Trong ví dụ trên, cặp nhà – gia đình là thế đồng nghĩa, còn cặp “... chồng cô

Nghị - … này” là thế đại từ.
Đặc biệt, Trần Ngọc Thêm chú ý đến sự “rỗng nghĩa” của các đại từ khiến cho
chúng có khả năng thay thế rất lớn, song cũng cần chú ý để đại từ thay thế phải được


lựa chọn sao cho phù hợp với chủ tố về tiểu loại và các nét phạm trù khác. Việc vi
phạm điều kiện này sẽ dẫn đến lỗi sử dụng phép thế đại từ. [13; 159]

2. Quan điểm của Diệp Quang Ban
Sau khi tổng kết một số công trình nghiên cứu trong và ngoài nước Diệp Quang
Ban khi trình bày khái niệm liên kết đã đưa ra hai giới thuyết.
Quan niệm thứ nhất: “coi liên kết văn bản thuộc mặt cấu trúc của hệ thống
ngôn ngữ. Và liên kết được khai thác ở các mặt hình thức lẫn ở mặt nghĩa.”[2; 119]
Quan niệm thứ hai xem: “liên kết với tư cách một khái niệm chuyên môn, không
thuộc về cấu trúc ngôn ngữ, mặc dù bản thân các yếu tố cấu trúc trong ngôn ngữ là có
thuộc tính liên kết.” [2; 119]
Tác giả gọi tên cho liên kết hiểu theo quan niệm thứ nhất là liên kết nội dung và
liên kết hình thức; liên kết hiểu theo cách hiểu thứ hai là liên kết phi cấu trúc tính.
Tác giả xác định, mối quan hệ giữa liên kết nội dung và liên kết hình thức được
bình luận như sau: “Giữa hai mặt liên kết nội dung và liên kết hình thức có mối quan
hệ biện chứng chặt chẽ: Liên kết nội dung được thể hiện bằng hệ thống các phương
thức liên kết hình thức, và liên kết hình thức chủ yếu dùng để diễn đạt sự liên kết nội
dung liên kết” [2; 120]
Ở phương diện liên kết hình thức, tác giả cũng phân loại theo ba nhóm theo
hướng phân loại của Trần Ngọc Thêm gồm:
- Các phương thức liên kết chung gồm các phương thức liên kết:
+ Phép lặp
+ Phép đối
+ Phép thế đồng nghĩa
+ Phép liên tưởng

+ Phép tuyến tính
- Các phương thức liên kết hợp nghĩa gồm các phương thức liên kết:
+ Thế đại từ
+ Tỉnh lược yếu
+ Nối lỏng
- Các phương thức liên kết trực thuộc gồm các phương thức liên kết:
+ Tỉnh lược mạnh
+ Nối chặt


Như vậy, việc xác định các phương thức liên kết hình thức so với Trần Ngọc
Thêm thì Diệp Quang Ban không đưa ra kiến giải mới, mà tiếp thu kết quả phân loại
của Trần Ngọc Thêm, có thay đổi một số tên gọi.
Ở đây, phương thức thế được thể hiện ở hai dạng:
- Thế đồng nghĩa
Diệp Quang Ban cho rằng, “Thế đồng nghĩa là việc sử dụng trong câu kết yếu tố (từ,
cụm từ) có cùng nghĩa với yếu tố tương ứng ở câu chủ, để tạo liên kết giữa hai câu.” [2; 125]
Căn cứ vào đặc điểm của các phương tiện sử dụng để liên kết, tác giả cũng chia
phép thế đồng nghĩa thành bốn kiểu nhỏ:
+ Đồng nghĩa từ điển
+ Đồng nghĩa phủ định
+ Đồng nghĩa miêu tả
+ Đồng nghĩa lâm thời
Ví dụ:
(1). Phụ nữ lại càng cần phải học. Đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp
nam giới.
(Thế đồng nghĩa từ điển)
(2). Nó phải đi hết chỗ này chỗ nọ, để kiếm cái nhép vào dạ dày.
Để nó sống.
Vì nó chưa chết.

(Thế đồng nghĩa phủ định)
(3). Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp […]. Chị Dậu, nghiến hai hàm răng
[…] túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp
với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chõng queo trên mặt đất […]
(Thế đồng nghĩa miêu tả)
(4). Một số phường săn đến thăm dò để giăng bẫy bắt con cọp xám. Nhưng con
ác thú tinh lắm, đặt mồi to và ngon đến đâu cũng không lừa nổi nó.
(Thế đồng nghĩa lâm thời)
- Thế đại từ
Diệp Quang Ban cho rằng, “Thế đại từ là việc sử dụng trong câu kết yếu tố đại
từ tính (đại từ, tổ hợp từ có tính chất đại từ) thay thế cho yếu tố tương ứng với nó ở
câu chủ, để tạo liên kết.” [2; 129]. Tác giả phân biệt hai trường hợp: liên kết hồi chiếu


(còn gọi là hồi chỉ, hồi quy) và liên kết khứ chiếu (khứ chỉ, dự báo)
+ Liên kết đại từ hồi chiếu diễn ra khi yếu tố được thay thế đứng trước yếu tố
thay thế (tức đại từ)
Ví dụ:
Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn
luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố.
(Hồ Chí Minh. Đạo đức cách mạng)
+ Liên kết đại từ khứ chiếu có mặt khi yếu tố thay thế (tức đại từ) đứng trước
yếu tố thay thế.
Ví dụ:
… Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn và cho hắn khổ đến nông
nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân
hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo.
(Nam Cao, Chí Phèo)
Về liên kết phi cấu trúc tính, Diệp Quang Ban đã tiếp thu và vận dụng vào tiếng
Việt cách miêu tả của Haliday và Hansan. Và tác giả gọi tên là liên kết phi cấu trúc

tính. Theo tác giả, “liên kết theo quan điểm “phi cấu trúc tính” cũng lấy nghĩa làm cơ
sở. Nét riêng của quan điểm này là tính đến các phương tiện hình thức tạo liên kết,
trên cơ sở đó mà xếp loại các phương tiện liên kết.” [2; 142]
Về “liên kết phi cấu trúc tính” tác giả đề cập đến khái niệm quy chiếu, tác giả
khẳng định, cần phân biệt hai trường hợp quy chiếu: quy chiếu đến tình huống và quy
chiếu đến văn bản.
- Quy chiếu đến tình huống
Theo tác giả, “Quy chiếu trước hết là thiết lặp mối quan hệ trực tiếp giữa
những từ ngữ chỉ vật với vật được gọi bằng từ ngữ đó, cũng tức là đưa tên gọi
vật đến với vật được gọi tên ở ngoài ngôn ngữ. Tên gọi ở đây không chỉ được
diễn đạt bằng một danh từ mà có thể là đại từ hoặc bằng cả cụm từ, vì vật khi
cần thiết có thể dùng yếu tố định danh để gọi tên vật, việc.” [2; 142- 143]. Như
vậy, tác giả đã khẳng định khi muốn xác định yếu tố cần định danh thì phải quy
chiếu đến tình huống đang diễn ra để biết được sự vật, sự việc mà người nói
hướng đến. Cách quy chiếu như thế tác giả gọi là quy chiếu đến tình huống hay
quy chiếu ngoại hướng.


- Quy chiếu đến văn bản
Diệp Quang Ban cho rằng, “Quy chiếu đến văn bản là thiết lập mối quan hệ về
mặt nghĩa giữa yếu tố ngôn ngữ này với yếu tố ngôn ngữ kia cùng nằm trong một văn
bản; và cách quy chiếu này được gọi là quy chiếu đến văn bản hay quy chiếu nội
hướng.” [2; 143]. Tác giả cũng khẳng định chỉ có quy chiếu nội hướng mới có tác
dụng liên kết. Vì vậy, quy chiếu nội hướng được coi như một tiêu chuẩn của liên kết.
Theo tác giả, quy chiếu đến văn bản được thực hiện dưới hai dạng cơ bản là hồi
chiếu (còn gọi là hồi chỉ) và khứ chiếu (còn gọi là khứ chỉ).
Hồi chiếu là trường hợp yếu tố được giải thích xuất hiện trước, yếu tố được giải
thích xuất hiện sau. Vì vây, muốn hiểu được yếu tố được giải thích thì phải “quay trở
lại” với yếu tố giải thích nằm trong phần lời đã nói trước đó. [2; 145]
Khứ chiếu là trường hợp yếu tố được giải thích xuất hiện trước, yếu tố giải

thích xuất hiện sau. Muốn hiểu yếu tố giải thích thì phải “tiến tới” đi sâu vào phần lời
tiếp theo để tìm yếu tố giải thích. [2; 146]
Diệp Quang Ban cho rằng, việc liên kết câu này với câu kia được thể hiện bằng
các phép liên kết sau: phép quy chiếu, phép thế, phép nối, phép tỉnh lược, phép liên kết
từ vựng.
- Phép quy chiếu
Theo tác giả, “Phép quy chiếu trong việc liên kết câu với câu là thuộc về cấp độ
nghĩa, tức là chưa quan tâm đến vai trò ngữ pháp của các yếu tố có quan hệ quy chiếu
với nhau. Phép quy chiếu xuất phát từ yếu tố ngôn ngữ có nghĩa chưa cụ thể ở một câu
nào đó cần được giải thích bằng yếu tố ngôn ngữ có nghĩa cụ thể ở một câu khác, trên
cơ sở hai câu liên kết với nhau.” [2; 148]
Ví dụ:
Thứ cười gượng, không nói gì. Đêm hôm ấy y thức rất khuya.
(Nam Cao. Sống mòn)
Trong ví dụ trên, Thứ là yếu tố có nghĩa cụ thể - yếu tố giải thích; y là yếu tố có
nghĩa chưa cụ thể - yếu tố được giải thích.
Căn cứ vào các phương tiện ngôn ngữ dùng ở vị trí yếu tố có nghĩa chưa cụ thể,
phép quy chiếu gồm ba trường hợp sau đây:
+ Quy chiếu chỉ ngôi
Diệp Quang Ban cho rằng, “Quy chiếu chỉ ngôi là trường hợp sử dụng các yếu


tố chỉ ngôi (ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba). Với tư cách là những yếu tố có
nghĩa chưa cụ thể ở câu này xét trong mối quan hệ với yếu tố có nghĩa cụ thể ở câu
khác, trên cơ sở hai câu chứa chúng liên kết với nhau.” [2; 149]
Ví dụ:
Thứ trầm ngâm bằng cái vẻ quen thuộc của y. San khe khẽ cười vô cớ. Họ rất
sợ tỏ ra mình là những người khó tính.
(Nam Cao. Sống mòn)
+ Quy chiếu chỉ định

Theo tác giả, “Quy chiếu chỉ định là trường hợp sử dụng các tổ hợp danh từ có
nghĩa cụ thể cũng như các danh từ chỉ loại cùng với các chỉ định từ này, kia, nọ, ấy,…
để tạo ra những tổ hợp có tính chất xác định (hiểu trong thế đối lập với phạm trù
phiếm định của danh từ), nhưng nghĩa chưa cụ thể như bà ấy, anh ấy, cái bàn ấy, em
học sinh này..., cái đó, con ấy, việc này..., và đặt chúng trong mối quan hệ nghĩa với
những yếu tố có nghĩa cụ thể trong câu khác; trên cơ sở đó tạo được tính liên kết giữa
hai câu chứa chúng.” [2; 152]
Ví dụ:
Một con bồ các vang lên. Cái con này bao giờ cũng vừa bay vừa kêu cứ như bị
ai đuổi đánh.
(Duy Khán. Tuổi thơ im lặng)
+ Quy chiếu so sánh
Tác giả cho rằng, quy chiếu so sánh là trường hợp sử dụng trong câu những tổ
hợp có nghĩa chưa cụ thể và chứa các từ mang nghĩa so sánh, và đặt chúng trong mối
quan hệ nghĩa với yếu tố có nghĩa cụ thể trong câu khác.
Ví dụ:
Bạn tôi thích áo màu đỏ. Tôi thì tôi thích màu khác kia.
- Phép thế
Theo Diệp Quang Ban, “Phép thế là việc sử dụng ở câu này các đại từ thay thế
như đó, đây, kia… thế cho danh từ (cụm danh từ), vậy, thế, đó…thế cho động từ (cụm
động từ), tính từ (cụm tính từ), mệnh đề (cú) tương ứng có mặt trong câu khác, trên cơ
sở đó hai câu đang xét liên kết được với nhau.” [2; 158]
Tác giả cho rằng, trong phép thế cái được quan tâm là yếu tố được thay thế. Các
yếu tố được thay thế có thể là:


+ Danh từ (cụm danh từ)
Ví dụ:
Thứ và San phải hơi cúi xuống để chui qua cổng. Mới bước vào một cái nhà
ngang, mặt trước trông hốc hoác như quán chợ. Đó là nhà bếp.

(Nam Cao. Sống mòn)
Đại từ đó thay thế cho cụm danh từ một cái nhà ngang, mặt trước trông hốc
hoác như quán chợ và được giải thích bằng cụm từ ấy.
+ Động từ / Tính từ (cụm động từ / cụm tính từ), từ ngữ chỉ cách thức đi với
động từ, tính từ.
Ví dụ:
Đáng lẽ vấn đề phải trình bày rõ ràng, gãy gọn, thì anh đã nói một cách úp
mở, lờ mờ và chẳng có qua cái gì gọi về bằng cớ. Chính anh cũng cảm thấy thế.
(Vũ Thị Thường)
Đại từ thế thay thế cho cụm động từ đã nói một cách úp mở, lờ mờ và chẳng có
qua cái gì gọi về bằng cớ và được giải thích bằng cụm động từ đó.
+ Mệnh đề (còn gọi là kết cấu chủ- vị, hay cú)
Ví dụ:
Nước ta là một nước văn hiến. Ai cũng bảo thế.
(Nguyễn Công Hoan)

3. Quan điểm của Nguyễn Thị Ảnh
Theo Nguyễn Thị Ảnh, “Tính liên kết được coi là một thuộc tính của đoạn văn
nói riêng, của văn bản nói chung. Nó là điều kiện tối thiểu và là nhân tố quyết định
làm cho một chuỗi phát ngôn trở thành một đoạn văn, một văn bản. [1; 177-178]
Tác giả cho rằng, tính liên kết cũng được thể hiện ở hai mặt: liên kết nội dung
và liên kết hình thức và chúng có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ. “Liên kết nội dung
được thể hiện bằng một hệ thống liên kết hình thức và liên kết hình thức được dùng để
diễn đạt liên kết nội dung”. [1; 178]
Theo Nguyễn Thị Ảnh, có bốn phương thức liên kết hình thức: phương thức
lặp, phương thức thế, phương thức liên tưởng, phương thức nối.
Trong quyển Tiếng Việt thực hành, Nguyễn Thị Ảnh cho rằng, “Phương thức
thế là việc dùng một từ ngữ đồng sở chỉ ở kết ngôn thay cho tên gọi ở chủ ngôn.”



[1; 180]
Theo tác giả, phép thế được thể hiện ở hai dạng: thế đồng sở chỉ và thế đại từ.
- Thế đồng sở chỉ
“Sở chỉ là sự vật mà một cách biểu đạt bằng ngôn ngữ muốn biểu thị.” [1;180]
Theo Nguyễn Thị Ảnh, “Thế đồng sở chỉ là thay thế một tên gọi nào đó ở chủ
ngôn bằng tên gọi khác ở kết ngôn. Hay nói khác đi, một sở chỉ được gọi bằng hai hay
nhiều cách khác nhau.” [1; 180]
Ví dụ:
Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp […], chị Dậu nghiến hai hàm răng […]
túm lấy cổ hắn, ấn giúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp
với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chõng quèo trên mặt đất.
(Ngô Tất Tố)
Thế đồng sở chỉ ngoài tác dụng tránh lặp từ vựng vô ý thức gây nhàm chán cho
người đọc, còn có tác dụng cung cấp thêm sự đánh giá của người nói (viết).
Ở ví dụ trên, việc gọi cai lệ bằng anh chàng nghiện đã bao hàm sự đánh giá: sự
sa đọa của giai cấp thống trị. Cũng như vậy, việc gọi chị Dậu là người đàn bà lực điền
cho thấy thái độ của người viết: chỉ ra sự đối lập và sự thắng thế của người dân lao
động đối với bọn người ăn chơi.

- Thế đại từ
Theo tác giả, thế đại từ là thế đồng sở chỉ nhưng có đặc điểm là bằng cách dùng
đại từ.
+ Dùng những đại từ và những đại từ hóa ở kết ngôn để thay cho tên gọi đã nêu
ở chủ ngôn.
+ Các đại từ thường được dùng: đây, đấy, đó, ấy, vậy, kia, thế, này, nọ, nó,
chúng, họ, v.v…
+ Những từ ngữ đại từ hóa như: anh, chị, cô, bác, ông, người ấy, ở trên, đang
xét, đã nói, vừa dẫn, v.v…
Ví dụ:
Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn

luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố.
(Hồ Chí Minh)


4. Quan điểm của các tác giả trong Tiếng Việt thực hành
Theo các tác giả trong Tiếng Việt thực hành, “tính liên kết là cơ sở để tạo nên
chỉnh thể của văn bản. Tính liên kết thể hiện ở cả hai phương diện của văn bản: liên
kết nội dung và liên kết hình thức của sự liên kết.” [16; 26]
Các tác giả cũng chỉ ra rõ các phương tiện liên kết, trong đó có phương thức
thế. Các tác giả chia phép thế theo hai dạng: thế đại từ và thế bằng từ đồng nghĩa, gần
nghĩa.
- Thế đại từ
Câu đi sau dùng đại thay thế cho một từ, một ngữ ở câu trước.
Ví dụ:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.
(Hồ Chí Minh)
Những bất bình đẳng về kinh tế thường dẫn đến sự bùng nổ của đấu tranh cánh
mạng. Chúng ta cần giữ quan điểm ấy khi nghiên cứu lịch sử các nước.
- Thế bằng từ đồng nghĩa, gần nghĩa:
Ví dụ:
Ông Tám Xẻo Đước chết làm cho quân giặc khiếp sợ. Sự hi sinh của ông khiến
cho đồng bào quyết tâm hơn

II. Nhận xét
Qua việc khảo sát một số công trình nghiên cứu về phép thế, chúng tôi nhận
thấy rằng, phép thế là một trong những phương thức liên kết văn bản được sử dụng
rộng rãi và được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Các tác giả đã phân loại theo nhiều
quan điểm khác nhau. Nhìn chung sự phân loại phép thế giữa các tác giả ít nhiều chịu
ảnh hưởng sự phân loại của Trần Ngọc Thêm.
Tuy nhiên, sự phân loại giữa các tác giả cũng không hoàn toàn đồng nhất với nhau.

Quyển Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt của Trần Ngọc Thêm là một công trình
nghiên cứu về hệ thống các phương thức liên kết khá hoàn chỉnh và trong đó phép thế
cũng được tác giả đề cập khá chi tiết. Theo quan điểm của tác giả, phép thế được thể
hiện ở hai dạng: thế đại từ và thế đồng nghĩa. Với phương thức thế, tác giả tìm hiểu,
phân tích sâu mỗi dạng thức, cũng như chỉ ra được giá trị, chức năng của mỗi dạng
thức. Quan điểm của Diệp Quang Ban, trong quyển Văn bản và liên kết trong tiếng
Việt, trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Trần Ngọc Thêm có thay đổi một số tên gọi. Bên


cạnh, tác giả mở rộng trình bày phần “liên kết phi cấu trúc tính”, phép thế được tác giả
đề cập với một số nét khác biệt so với hệ thống liên kết của Trần Ngọc Thêm. Ở đây,
tác giả đánh giá cao vai trò của thế tố, đưa ra một số ví dụ để chứng minh. Tác giả
Nguyễn Thị Ảnh, trong quyển Tiếng Việt thực hành, cũng đưa ra hai dạng thức của
phép thế: thế đồng sở chỉ và thế đại từ. Tác giả đã khái quát, phân tích một số vấn đề
xung quanh hai dạng thức, nhưng chưa thật sự đi sâu vào phân tích cụ thể hai dạng
thức này. Quan điểm của nhóm tác giả Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng trong
quyển Tiếng Việt thực hành cũng có đề cập đến phép thế, theo các tác giả, phép thế
được thể hiện ở hai dạng: thế đại từ và thế bằng từ đồng nghĩa, gần nghĩa. Các tác giả
cũng chưa đi sâu vào phân tích các giá trị cũng như chức năng của chúng.
Phép thế đóng vai trò là một trong những phương thức liên kết có tác dụng liên
kết hai phát ngôn trong một văn bản (hay nhiều đoạn văn bản). Ngoài việc tạo liên kết
thống nhất nhằm duy trì chủ đề cho phát ngôn, tránh lặp từ vựng. Nó góp phần làm
cho việc tổ chức văn bản đảm bảo tính khoa học, đạt hiệu quả cao về mặt chất lượng
thể hiện, tránh được sự nhàm chán ở người đọc, người nghe.
Sau khi khảo sát một số công trình nghiên cứu về phép thế chúng tôi tạm phân
biệt các trường hợp : thế đồng nghĩa, thế đại từ và thế đồng sở chỉ (quy chiếu).

(1). Thế đồng nghĩa
Phép thế đồng nghĩa là phép liên kết thể hiện ở việc sử dụng trong chủ ngôn và
kết ngôn những từ đồng nghĩa để thay thế cho nhau.

Nếu gọi A là chủ tố (trong chủ ngôn), B là kết tố (trong kết ngôn). Ta có thể
thấy rằng, A cùng nghĩa biểu vật hoặc biểu niệm với B.
Theo chúng tôi, phép thế đồng nghĩa thể hiện ở hai dạng: thế đồng nghĩa từ
điển và thế đồng nghĩa phủ định.
- Thế đồng nghĩa từ điển
Thế đồng nghĩa từ điển là kiểu thế ổn định mà cả hai yếu tố liên kết là những từ
đồng nghĩa (được cố định trong từ điển đồng nghĩa)
Hay gặp nhất ở kiểu thế đồng nghĩa từ điển là danh từ, động từ và tính từ.
Mô hình:
A (Chủ ngôn)
Từ (danh từ, động từ, tính từ)

B (Kết ngôn)
Từ (danh từ, động từ, tính từ)


Trong đó: A; B là những từ đồng nghĩa
Ví dụ:
Ông Tám Xẻo Đước chết làm cho quân giặc kiếp sợ. Sự hi sinh của ông khiến
cho đồng bào quyết tâm hơn.
Do kiểu thế đồng nghĩa này có sẵn trong vốn từ của từng ngôn ngữ, được cố
định trong từ điển đồng nghĩa nên kiểu thế này chủ yếu có chức năng liên kết là chính.
- Thế đồng nghĩa phủ định
Thế đồng nghĩa phủ định là dạng thế mà một trong hai yếu tố liên kết là cụm từ
được cấu tạo từ trái nghĩa của yếu tố liên kết kia kết hợp với từ phủ định. Có thể nói,
thế đồng nghĩa phủ định là sự phủ định lại từ trái nghĩa của nó.
Mô hình:
A (Chủ ngôn)

B (Kết ngôn)


Từ (động từ, tính từ)

Từ phủ định + trái nghĩa của A

Ví dụ:
Người Pháp đổ máu đã nhiều. Dân ta hi sinh cũng không ít
(Dẫn theo Trần Ngọc Thêm; [13, 116])
(2). Thế đại từ
Thế đại từ là phép liên kết thể hiện ở việc sử dụng những đại từ và những từ
ngữ đại từ hóa ở kết ngôn để thay thế cho yếu tố được nhắc đến ở chủ ngôn.
Ví dụ:
Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn
luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố.
(Dẫn theo Trần Ngọc Thêm; [13, 142])
Cũng như phép thế đồng nghĩa, phép thế đại từ cũng có chức năng liên kết văn
bản là chính, tránh lặp từ vựng. Ngoài ra nó còn có chức năng đa dạng hóa văn bản và
rút gọn văn bản.
Phép thế đại từ chủ yếu được thể hiện ở ba dạng:
- Sử dụng các đại từ chỉ ngôi ở kết ngôn để thay thế cho yếu tố được nhắc đến ở
chủ ngôn, trên cơ sở đó chúng tạo liên kết.


×