Tải bản đầy đủ (.pdf) (59 trang)

Khóa luận tốt nghiệp văn học: Sự thể hiện của lời mời và lời chào trong truyện ngắn Nam Cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (668.8 KB, 59 trang )


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC




TRẦN THỊ HUYỀN




SỰ THỂ HIỆN CỦA LỜI MỜI VÀ LỜI CHÀO
TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO




KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC








SƠN LA, NĂM 2013

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC






TRẦN THỊ HUYỀN




SỰ THỂ HIỆN CỦA LỜI MỜI VÀ LỜI CHÀO
TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO



NHÓM NGÀNH: XH2a


KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC


Người hướng dẫn: ThS. Bùi Kim Tuyến




SƠN LA, NĂM 2013
LỜI CẢM ƠN

Khóa luận được hoàn thành với sự chỉ đạo giúp đỡ tận tình, sát sao của
cô giáo Th.S Bùi Kim Tuyến – giáo viên chủ nhiệm, cùng các thầy cô giáo

trong bộ môn Tiếng Việt, khoa Ngữ Văn trường Đại học Tây Bắc.
Nhân dịp khóa luận được công bố em xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn
sâu sắc tới cô Bùi Kim Tuyến và các thầy cô trong tổ bộ môn tiếng Việt đã
giúp đỡ, hướng dẫn và chỉ bảo tận tình trong quá trình thực hiện khóa luận.
Em xin chân thành cảm ơn!

Sơn La, tháng 05 năm 2013
Tác giả khóa luận
Trần Thị Huyền
K50 ĐHSP Ngữ Văn





MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn khóa luận 1
2. Lịch sử vấn đề 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2
3.1. Đối tượng nghiên cứu 2
3.2. Phạm vi nghiên cứu 2
4. Mục đích và nhiệm vụ của khóa luận 3
5. Ý nghĩa của khóa luận 3
5.1. Ý nghĩa lý luận 3
5.2. Ý nghĩa thưc tiễn 3
6. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu 3
6.1 Phương pháp nghiên cứu. 3
6.2 Nguồn ngữ liệu 4
7. Cấu trúc của khóa luận 4

CHƯƠNG 1: NHỮNG CƠ SỞ LÍ THUYẾT CHUNG 5
1. Hành vi ngôn ngữ 5
1.1. Lí thuyết về hành động nói 5
1.1.1 Hành động tạo lời 5
1.1.2 Hành động ở lời 5
1.1.3 Hành động mượn lời 6
1.2. Điều kiện sử dụng các hành động ở lời 7
1.2.1 Điều kiện nội dung mệnh đề 7
1.2.2 Điều kiện chuẩn bị 8
1.2.3 Điều kiện chân thành 8
1.2.4 Điều kiện căn bản 9
2. Lý thuyết hội thoại 9
2.1. Khái niệm cặp kế cận 9
2.2. Cấu trúc được ưa chuộng 11
3. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt 12
CHƯƠNG 2: SỰ THỂ HIỆN CỦA LỜI MỜI TRONG TRUYỆN NGẮN
NAM CAO 17
2.1. Lí thuyết về lời mời 17
2.1.1. Khái niệm lời mời 17
2.1.2. Tác dụng của lời mời 17
2.1.3. Vấn đề nhận diện lời mời 18
2.1.3.1 Một số cách thức mời trong tiếng việt 19
2.2 Sự thể hiện của lời mời trong truyện ngắn Nam Cao 27
CHƯƠNG 3: SỰ THỂ HIỆN CỦA LỜI CHÀO TRONG TRUYỆN NGẮN
NAM CAO 31
3.1. Lí thuyết về lời chào 31
3.1.1 Khái niệm lời chào 31
3.1.2. Tác dụng của lời chào 31
3.1.3. Cấu trúc lời chào tiếng Việt 33
3.1.3.1. Lời chào trực tiếp 33

3.1.3.2. Lời chào gián tiếp 34
3.1.4. Nghi thức chào trong tiếng Việt 35
3.1.4.1. Nghi thức chào gặp mặt 35
3.1.4.2. Chào chia tay 40
3.1.5.Cách thức chào hỏi (chào theo vai giao tiếp) 42
3.1.5.1. Lời chào của người vai dưới với người vai trên 42
3.1.5.2. Lời chào giữa những người ngang vai giao tiếp 43
3.1.5.3. Lời chào của người vai trên với người vai dưới 43
3.2. Sự thể hiện của lời chào trong truyện ngắn Nam Cao 43
KẾT LUẬN 49
TÀI LIỆU THAM KHẢO 51


1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn khóa luận
Trong quan niệm của các nhà nghiên cứu văn hóa, lời chào, lời mời ra đời
cùng với sự ra đời của văn hóa giao tiếp của mỗi dân tộc, thể hiện phép lịch sự,
tôn trọng, khiêm nhường, trình độ văn hóa của mỗi con người trong quá trình
giao tiếp. Nó góp phần tạo lập, củng cố, duy trì, phát triển các mối quan hệ
giao tiếp. Vì thế, nó trở thành đối tượng của nhiều ngành nghiên cứu khoa học
khác nhau trong suốt nhiều thập kỉ, đặc biệt là ngành khoa học xã hội: Văn
hóa, dân tộc, văn học, ngôn ngữ học. Cho đến nay việc nghiên cứu về lời chào,
lời mời đã được nhiều công trình nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này và đã có
những kết luận có ý nghĩa về mặt khoa học. Tuy nhiên, chưa có một công trình
chuyên biệt nào nghiên cứu về sự thể hiện của lời mời và lời chào trong truyện
ngắn Nam Cao.
Nam Cao (1917 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh trong một gia
đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân,
tỉnh Hà Nam. Ông là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương, gắn bó

sâu nặng, giàu ân tình với quê hương và những người nghèo khổ bị áp bức,
khinh miệt trong xã hội cũ. Đó chính là một trong những lí do dẫn Nam Cao đến
với con đường nghệ thuật hiện thực “vị nhân sinh” và tạo nên những tác phẩm
thấm đượm tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Nam Cao là nhà văn có biệt tài viết
truyện ngắn, cũng là người tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Ông đặc
biệt thành công khi viết về hai mảng đề tài: người nông dân nghèo và người trí
thức nghèo. Văn Nam Cao có giọng điệu riêng: buồn thương chua chát, dửng
dưng, lạnh lùng mà đầy thương cảm, đằm thắm yêu thương. Sáng tác của ông
đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách
lại càng ngời sáng. Thời gian càng lùi xa, những tác phẩm của ông lại càng
bộc lộ ý nghĩa hiện thực phê phán sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ
đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối
với việc hoàn thiện truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên quá trình hiện đại
hóa ở nửa đầu thế kỉ XX.

2
Việc nghiên cứu về sự thể hiện của lời mời và lời chào trong truyện ngắn
Nam Cao sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn sâu rộng hơn về những biểu hiện
của lời mời và lời chào trong giao tiếp tiếng Việt, đồng thời cho thấy phong cách
nghệ thuật của nhà văn. Đó chính là những lý do chính yếu quyết định đến việc
chúng tôi lựa chọn khóa luận “Sự thể hiện của lời mời và lời chào trong truyện
ngắn Nam Cao”.
2. Lịch sử vấn đề
Hiện nay, chúng ta nhận thấy đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về
hành vi ngôn ngữ trong tiếng Việt. Việc nghiên cứu về hành động chào, mời
trong tiếng việt đều đã được các nhà ngôn ngữ học đề cập. Chẳng hạn như tác
giả Nguyễn Thị Thu Hương với nghiên cứu: “Lời chào không nghi thức trong
giao tiếp thông thường của người Việt”. Tác giả Vũ Tiến Dũng với nghiên cứu:
“Lời chào với từ chào và lời mời với từ mời trong giao tiếp tiếng Việt”. Tác giả
Nguyễn Thị Thu Thủy với: “Lời mời và văn hóa ứng sử lịch sự của người Việt

trong cách từ chối lời mời”. Các tác giả đã tìm hiểu khá sâu sắc về các kiểu dạng
mời chào khác nhau trong giao tiếp tiếng Việt. Tuy nhiên do mục đích nghiên
cứu của mỗi đề tài là khác nhau nên kết quả đạt được cũng khác nhau.
Thực tế cho thấy chưa có một đề tài chuyên biệt nào nghiên cứu về sự thể
hiện của lời mời và lời chào trong truyện ngắn Nam Cao. Vì vậy, chúng tôi
quyết định lựa chọn khóa luận này trên cơ sở thừa nhận kết quả nghiên cứu của
các tác giả đã nghiên cứu trước đó và bước đầu tìm hiểu về sự thể hiện của lời
mời và lời chào trong truyện ngắn Nam Cao.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là nghiên cứu những lời thoại hẹp hơn
là những lời thoại liên quan đến lời mời, lời chào trong truyện ngắn Nam Cao.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của khóa luận chủ yếu là nghiên cứu lời mời, lời
chào qua những lời thoại trong truyện ngắn Nam Cao.


3
4. Mục đích và nhiệm vụ của khóa luận
Mục đích của khóa luận này là tìm hiểu sự thể hiện của lời mời và lời
chào trong truyện ngắn Nam Cao.
Từ mục đích trên khóa luận cần giải quyết một số nhiệm vụ sau:
a. Nghiên cứu lý thuyết về lời mời và lời chào trong giao tiếp tiếng Việt.
b. Khảo sát chỉ ra lời mời và lời chào trong truyện ngắn Nam Cao.
c. Chỉ ra phong cách nghệ thuật của nhà văn Nam Cao.
5. Ý nghĩa của khóa luận
5.1. Ý nghĩa lý luận
Trên cơ sở nghiên cứu về sự thể hiện của lời mời và lời chào trong truyện
ngắn Nam Cao giúp chúng ta có cái nhìn sâu rộng hơn về những biểu hiện của
lời mời và lời chào trong giao tiếp tiếng Việt, đồng thời cho thấy phong cách

nghệ thuật của nhà văn Nam Cao.
5.2 . Ý nghĩa thưc tiễn
Trên cơ sở nghiên cứu về lời mời và lời chào trong truyện ngắn Nam Cao
giúp chúng ta có cách hiểu linh hoạt, thích ứng nhanh chóng hơn với hành động
nói trong hoạt đông giao tiếp. Trên cơ sở đó, khóa luận sẽ góp phần thêm một
tiếng nói hữu ích giáo dục cho thanh niên biết cách chào mời hợp với nghi thức
lời nói của người Việt.
6. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu
6.1 Phương pháp nghiên cứu.
Khóa luận sử dụng các phương pháp nghiên cứu như khảo sát, thống kê,
điều tra, miêu tả, quy nạp. Phương pháp miêu tả giúp cho chúng tôi tránh được
những kết luận có tính tư biện, võ đoán. Việc miêu tả những lời chào, lời mời sẽ
là cơ sở giúp chúng ta có những kết luận khoa học vững chắc về sự thể hiện của
lời mời và lời chào trong truyện ngắn Nam Cao. Phương pháp chủ đạo mà khóa
luận sử dụng là phương pháp quy nạp. Đây là phương pháp được thực hiện trong
sự phân tích lý thuyết đã có, đặc biệt quan trọng là phân tích nguồn ngữ liệu thu
thập được và từ đó khái quát hóa thành những kết luận. Thông qua phân tích cứ

4
liệu thu thập về hành động chào, mời lịch sự, khóa luận đã xác định được cách
thức chào, mời thường dùng trong giao tiếp tiếng Việt.
6.2 Nguồn ngữ liệu
a. Nguồn ngữ liệu chủ yếu mà khóa luận sử dụng là những lời mời và lời
chào trong truyện ngắn Nam Cao. Các lời thoại này đã được gọt giũa theo ý đồ
của nhà văn nhưng nó vẫn không mất đi tính đặc trưng (tính cảm tính, tính cụ
thể, tính cảm xúc) và các chức năng (giao tiếp lí trí, tạo tiếp, cảm xúc) của
phong cách sinh hoạt hàng ngày dưới cách nhìn của phong cách chức năng.
b. Ngoài ra khóa luận còn sử dụng những ghi chép về hành động chào,
mời trong hoạt động giao tiếp thường ngày.
7. Cấu trúc của khóa luận

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, khóa luận có cấu
trúc gồm 3 chương cụ thể:
Chương 1: Những cơ sở lí thuyết chung
Chương 2: Sự thể hiện của lời mời trong truyện ngắn Nam Cao
Chương 3: Sự thể hiện của lời chào trong truyện ngắn Nam Cao







5
CHƯƠNG 1
NHỮNG CƠ SỞ LÍ THUYẾT CHUNG
1. Hành vi ngôn ngữ
1.1. Lí thuyết về hành động nói
Với cuốn sách how to do things with words (tạm dịch là: người ta hành
động như thế nào bằng lời nói), Austin được coi là người xây dựng và đặt nền
móng cho lí thuyết về hành động nói. Và nhờ việc phân biệt phát ngôn khảo
nghiệm và phát ngôn ngôn hành, Austin đã phát hiện ra bản chất của ngôn ngữ.
Ông gọi hành động nói là hành động phát ngôn, hành động nói năng. Mệnh đề mà
ông phát hiện ra là “khi tôi nói tức là tôi hành động”, tức là chúng ta thực hiện
một hành động đặc biệt mà phương tiện là lời nói. Đó chính là hành động nói.
Theo Austin có ba loại hành động nói lớn:
- Hành động tạo lời (locutionary act).
- Hành động mượn lời (perlocutionary act).
- Hành động ở lời (illocutionary act).
1.1.1 Hành động tạo lời
Hành động tạo lời là hành động sử dụng các yếu tố ngôn ngữ như: ngữ

âm, từ vựng, các kiểu kết hợp từ thành câu… để tạo ra một phát ngôn về hình
thức và nội dung. Một bộ phận của hành động tạo lời là đối tượng nghiên cứu
của ngôn ngữ tiền dụng học. Chẳng hạn có một câu nói cụ thể:
(1).“Tôi ăn cơm”
Ở đây người nói đã sử dụng các từ: “ tôi, ăn, cơm” và các quy tắc đặt câu của
tiếng Việt như: chủ ngữ đặt trước vị ngữ và bổ ngữ “cơm” đặt sau động từ trung
tâm “ăn”.
1.1.2 Hành động ở lời
Hành động ở lời là hành động người nói thực hiện ngay khi nói năng.
Hiệu quả của chúng là những hiệu quả thuộc ngôn ngữ, có nghĩa là chúng gây ra
một phản ứng tương ứng với chúng ở người nhận. Ví dụ:
(2). - Could you lend me open, please?
- Yes, ofcause.

6
- No, I can’t.
Đặc điểm của hành động ở lời là có ý định (đích ở lời hay đích ngôn
chung), có tính quy ước, có thể chế mặc dù quy ước và thể chế đó không hiển
ngôn nhưng mọi người trong cộng đồng ngôn ngữ đó vẫn tuân thủ một cách tự
giác. Chẳng hạn, người Việt chúng ta hỏi thường bộc lộ sự quan tâm, chào bộc
lộ sự tôn trọng, hỏi có khi không dùng để hỏi mà để mời chào…
Nắm được ngôn ngữ không có nghĩa là chỉ nắm được âm, những từ ngữ,
câu của ngôn ngữ đó mà còn phải nắm được quy tắc điều kiển các hành động ở
lời của ngôn ngữ đó. Chằng hạn, hỏi phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng ngữ cảnh.
Trong trường hợp hai người ngồi cùng chuyến xe ô tô hỏi nhau về tên, tuổi, hôn
nhân, công việc… với người Việt thì đó là sự quan tâm còn đối với người
phương Tây thì đó là hành động khiếm nhã.
Hành động ở lời khác với hành động mượn lời và tạo lời là nó làm thay
đổi tư cách pháp nhân của người đối thoại. Chúng đặt người nói và người nghe
vào những nghĩa vụ và quyền lợi mới so với tình trạng của họ trước khi thực

hiện hành động đó. Khi ta hứa với ai một điều gì đó thì ta phải có trách nhiệm
thực hiện lời hứa còn người nghe có quyền chờ đợi kết quả của lời hứa đó.
Điểm đáng lưu ý là lý thuyết về hành động nói chủ yếu liên quan đến
hành động ở lời. Các phát ngôn ngôn hành là sản phẩm, cũng là phương tiện của
hành động ở lời.
1.1.3 Hành động mượn lời
Hành động mượn lời là những hành động “mượn” các phương tiện ngôn
ngữ hay nói đúng hơn là mượn các phát ngôn để gây ra một hiệu quả ngoài ngôn
ngữ nào đó ở người nghe, người nhận, hoặc chính người nói.
(3). Đồng chí hiệu phó phụ trách chuyên môn của một trường phổ thông
trung học có sinh viên về thực tập tuyên bố:
- Ngày mai, tôi sẽ đi dự một số tiết có sinh viên thi giảng.
Có hai trường hợp mà hành động mượn lời của phát ngôn này có thể xảy ra:
+ Với những sinh viên chăm chỉ, tập giảng nhiều và có năng lực chuyên
môn tốt thì sẽ rất vui mừng vì có dịp được thể hiện mình, được cọ sát về chuyên
môn nhiều hơn.

7
+ Với những sinh viên nghiệp vụ sư phạm còn yếu lại tỏ ra lo lắng, sợ có
người dự sẽ run thêm và giờ giảng của mình bị đánh giá khắt khe hơn.
1.2. Điều kiện sử dụng các hành động ở lời
Austin xem các điều kiện sử dụng các hành động ở lời là những điều kiện
“may mắn” (Felicity conditions) nếu chúng được bảo đảm thì hành động mới
“thành công”, đạt hiệu quả nếu không nó sẽ thất bại. Với các điều kiện “may
mắn” đưa ra, Austin cho rằng: hành động ở lời là cái được thực thi một cách trực
tiếp bởi một hiệu lực có tính quy ước đi liền với một kiểu phát ngôn nhất định
phù hợp với thủ tục có tính quy ước. Chính vì vậy, hành động ở lời có tính xác
định (xác định theo quy ước) .
Trên cơ sở lời hứa trong tiếng Anh, Searle đã điều chỉnh và bổ sung điều
kiện thực hiện các hành động tại lời của Austin. Theo quan điểm của Searle, mỗi

hành động tại lời cần phải có những điều kiện mà còn gọi là những quy tắc để cho
việc thực hiện nó đạt đúng hiệu quả của nó. Searle cho rằng: có bốn điều kiện,
mỗi điều kiện là một điều kiện cần còn toàn bộ hệ điều kiện là điều kiện đủ.
1.2.1 Điều kiện nội dung mệnh đề
Nội dung mệnh đề thường chỉ ra bản chất nội dung của hành động nói.
Nội dung mệnh đề có thể là mệnh đề đơn giản (đối với hành động xác tín, miêu
tả) hay một hàm mệnh đề (đối với câu hỏi khép kín). Gọi là hàm mệnh đề vì
phát ngôn ngôn hành tương ứng với hành động hỏi đưa ra hai khả năng người trả
lời chọn lấy một mà trả lời. Nội dung của mệnh đề có thể là hành động của
người nói (như hành động hứa, thề, cam kết) hay hành động của người nghe
(như hành động ra lệnh, yêu cầu). Chẳng hạn:
(4). a. Bạn đã đến.
b. Bạn đã đến rồi à?
c. Bạn đến nhé!
d. A! Bạn đến.
Bốn câu thơ trên đều có chung nội dung thông báo là “anh đến”, song
hành động ở lời trực tiếp của bốn câu trên là khác nhau


8
4a – là hành động thông báo
4b – hành động trực tiếp là hỏi
4c – hành động trực tiếp là cầu khiến
4d – hành động thông báo và bộc lộ cảm xúc
1.2.2 Điều kiện chuẩn bị
Điều kiện chuẩn bị bao gồm những hiểu biết của người phát ngôn về năng
lực lợi ích, ý định của người nghe và về các mối quan hệ của người nói và người
nghe. (Chẳng hạn trong hành động ra lệnh người nói phải tin rằng người ra lệnh
có khả năng thực hiện được hành động quy định trong lệnh, trong yêu cầu).
Đồng thời, vị thế xã hội của người nói và người nghe được tính toán để có lợi

cho người nói hơn. (Với hành động hứa đòi hỏi người hứa phải muốn thực hiện
lời hứa và người nghe cũng muốn lời hứa được thực hiện. Tuy nhiên, cũng có
trường hợp người hứa không muốn thực hiện lời hứa và người nghe cũng không
muốn người hứa thực hiện hành động hứa đó. Ví như trường hợp giáo viên hứa
sẽ kỉ luật nghiêm minh đối với học sinh mắc lỗi.
1.2.3 Điều kiện chân thành
Đây là điều kiện về trạng thái tâm lý tương ứng của người phát ngôn. Xác
tín, khảo nghiệm đòi hỏi niềm tin vào điều mình xác tín; ra lệnh thì đòi hỏi lòng
mong muốn; hứa hẹn đòi hỏi ý định của người nói; hỏi thì mong muốn được giải
đáp điều mình hỏi.
Ví dụ:
(5).
a. Thầy giáo chủ nhiệm là người rất quan tâm tới lớp.
b. Bạn hãy tận tâm với công việc hơn!
c. Bạn có thấy quyển sách của tôi đâu không?
d. Chị hứa hè này sẽ đưa bọn em đi chơi.
Trong ví dụ trên, thì ví dụ 5a là hành động khảo nghiệm xác tín, đòi hỏi
người nói phải tin điều khẳng định là đúng, 5b là hành động cầu khiến: mong muốn
anh tốt hơn trong công việc, 5c là hành động hỏi: tôi mong muốn được trả lời, 5d là
hành động hứa: đòi hỏi chị phải thực hiện việc cho các em đi chơi vào hè này.

9
1.2.4 Điều kiện căn bản
Đây là điều kiện đưa ra kiểu trách nhiệm mà người nói và người nghe bị
ràng buộc khi hành động đó đã được phát ra. Trách nhiệm đó có thể rơi vào
hành động sẽ được thực hiện (hành động hứa, thỉnh cầu) hoặc với tính chân thực
của nội dung đã được trình bày.
2. Lý thuyết hội thoại
Hội thoại là hình thức giao tiếp thường xuyên và phổ biến của ngôn ngữ
đồng thời nó cũng là hình thức cơ sở của mọi hoạt động ngôn ngữ khác. Hội

thoại là hoạt động giao tiếp bằng lời ở dạng nói giữa các nhân vật giao tiếp nhằm
trao đổi các nội dung miêu tả và liên cá nhân theo đích được đặt ra.
Hội thoại đã được tìm hiểu từ những năm 1970 trong phân ngành ngôn
ngữ học Mĩ, sau đó được tiếp tục nghiên cứu ở Pháp và các nước thuộc cựu lục
địa, ngày nay hội thoại đã được bàn đến ở hầu hết các nước trên thế giới. Các
cuộc hội thoại có nhiều kiểu loại khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều có
những điểm chung nhất định về mặt cấu trúc.
Có nhiều quan niệm khác nhau về cấu trúc hội thoại,theo trường phái
phân tích cấu trúc hội thoại ở Mĩ thì đơn vị cơ sở của hội thoại là lượt lời và cấu
trúc của hội thoại được làm thành từ những cặp kế cận.
2.1. Khái niệm cặp kế cận
Các hành vi ngôn ngữ không tồn tại một cách độc lập, riêng rẽ. Trong hội
thoại, mỗi phát ngôn đều có mối quan hệ với những phát ngôn đi trước hoặc sau
nó. Mỗi hành vi ngôn ngữ đều ảnh hưởng tới những hành vi khác xung quanh
nó. Nó có thể là hệ quả của hành vi ngôn ngữ đứng trước và là tiền đề cho hành
vi ngôn ngữ phía sau, lượt lời kéo theo lời sau nó. Tất cả hình thành nên các cặp
kế cận hay cặp thoại.
Có thể hiểu cặp kế cận là các lượt lời thường đi liền với nhau lập thành
một cặp gần như tự động.
Ví dụ:
(6).
SP1: Mấy em ơi. Vô ăn ủng hộ món mới nào
SP2: Hết tiền rồi bác ơi

10
Hoặc:
(7).
SP1: Khoai tây bao tiền 1kg vậy chị?
SP2: Mười nghìn.
Những phát ngôn như trên làm thành cặp kế cận. Như vậy thể hiện cặp kế

cận là hai phát ngôn gần kề nhau, do hai người nói khác nhau nói ra, nó được tổ
chức thành bộ phận thứ nhất và bộ phận thứ hai trong đó bộ phận riêng thứ nhất
đòi hỏi phải có bộ phận riêng thứ hai. Trong một cặp kế cận, lượt lời thứ nhất có
chức năng định hướng cho lượt lời thứ hai tức là khi nói ra một điều gì đó thì
người ta mong muốn hoặc dự đoán hay chờ đợi một điều gì đó khác sẽ xảy ra.
Hai lượt lời này có sự liên kết với nhau rất chặt chẽ.
Các cặp kế cận thông thường hay gặp là những cặp hành vi ngôn ngữ như:
hỏi – trả lời; chào – chào; cầu khiến – chấp nhận/từ chối cầu khiến; cám ơn –
đáp lời cám ơn; xin lỗi – đáp lời xin lỗi v.v
Ví dụ:
(8).
a. Hỏi – Trả lời
SP1: Bạn đã ăn cơm chưa?
SP2: Tớ chưa ăn.
b. Chào - Chào
SP1: Cháu chào bác ạ!
SP2: Ừ. Chào cháu.
c. Cầu khiến – Chấp nhận/từ chối
SP1: Lấy hộ anh quyển sách.
SP2: Vâng.
Hoặc SP2: Anh tự đi mà lấy.
d. Cảm ơn – Đáp lại lời cảm ơn
SP1: Cảm ơn anh nhiều.
SP2: Có gì đâu mà ơn với huệ.


11
e. Xin lỗi – Đáp lại lời xin lỗi
SP1: Xin lỗi mình không cố ý.
SP2: Không sao chuyện nhỏ mà.

2.2. Cấu trúc được ưa chuộng
Thông thường một cặp kế cận được tạo thành từ hai bộ phận, bộ phận thứ
nhất (lượt lời thứ nhất) và bộ phận thứ hai (lượt lời thứ hai). Với cùng một lượt
lời thứ nhất thì ở lượt thứ hai sẽ có nhiều khả năng xảy ra.
Ví dụ:
(9).
SP1: Lấy hộ anh quyển sách.
SP2:
a. Vâng!
b. Anh tự đi mà lấy.
c. Giá sách cao lắm, em không với được đâu.
d. Sao em phải có trách nhiệm lấy hộ anh?
e. Em đang rất vội vì hôm nay trường em khai giảng, em lại có
nhiệm vụ cầm biển lớp nữa, anh tự đi lấy được không?
Như vậy, cùng một lượt lời thứ nhất có thể gây ra nhiều lượt lời thứ hai
khác nhau, trong đó những lượt lời ưa dùng hơn và những lượt lời ít dùng hơn. Ở
ví dụ trên thì lượt lời ở a thường ưa dùng hơn lượt lời ở b, c, d và e. A là một sự
tiếp nhận tích cực của SP1 trước một yêu cầu của SP2, a đáp ứng đúng mục đích
mà SP2 đang hướng tới, về mặt hình thức a thường có cấu trúc ngắn gọn, đơn
giản. Ngược lại, lượt lời ở b, c, d và e thường ít dùng, nó là một sự tiếp nhận tiêu
cực trước yêu cấu của SP2, nó không đáp ứng được nhu cầu của SP2, về mặt hình
thức thì lượt lời tiếp nhận tiêu cực thường có cấu trúc phức tạp, đa dạng.
Ví dụ trên cho thấy trong những bộ phận thứ hai của một cặp kế cận có
thể có những bộ phận đáp ứng đích của người nói đặt ra ở bộ phận thứ nhất cũng
như thỏa mãn hành vi tạo ra ở bộ phận thứ nhất. Các cấu trúc gồm bộ phận thứ
nhất và bộ phận thứ hai thỏa mãn hai tiêu chí nói trên lập thành cấu trúc được ưa
chuộng. Cấu trúc được ưa chuộng gồm hai loại: Những hành vi được ưa chuộng

12
và những hành vi không được ưa chuộng. Phần được ưa chuộng là hành động

tiếp theo được mong đợi, phần không được chuộng là hành động tiếp theo không
được mong đợi. Một số khuôn hình chung của cấu trúc được ưa chuộng:
PHẦN THỨ NHẤT
PHẦN THỨ HAI

Yêu cầu
Khen tặng
Mời
Nhận định
Mắng
Hỏi

Phê bình

Được chuộng
Chấp thuận
Tiếp nhận
Nhận lời
Tán thành
Cãi
Trả lời theo sự
chờ đợi
Phủ định
Không được chuộng
Từ chối
Khước từ
Từ chối
Không tán thành
Thừa nhận
Trả lời không thuận theo sự

chờ đợi
Tiếp thu


Như vậy trong cấu trúc dược ưa chuộng không phải chỉ có phần được tạo
ưa chuộng mà còn bao gồm cả phần không ưa chuộng.
Cấu trúc được ưa chuộng hay không được ưa chuộng không phải do ý
thích hay cảm xúc của cá nhân chi phối mà nó được xã hội quy định. Không thể
khẳng định cấu trúc có bộ phận thứ hai không được ưa chuộng là ít gặp hơn so
với cấu trúc có bộ phận thứ hai được ưa chuộng, chỉ có điều chúng ta luôn nhận
thấy là trong giao tiếp người ta thường cố gắng làm sao để ngăn chặn cấu trúc có
bộ phận thứ hai không được ưa chuộng xuất hiện nhiều mà thôi.
3. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt
Trong thế giới chúng ta đang sống có hai loại hiện tượng: hiện tượng xã
hội và hiện tượng tự nhiên. Hiện tượng tự nhiên là những hiện tượng phát sinh,
phát triển, mất đi một cách tự nhiên không phụ thuộc vào con người và xã hội
loài người. Ví dụ như các hiện tượng: mưa, nắng, sấm, chớp, bão…Hiện tượng
xã hội là những hiện tượng phát sinh, phát triển, mất đi phụ thuộc vào ý muốn

13
của con người và xã hội loài người. Ví dụ như chính trị, pháp quyền, tôn giáo,
ngệ thuật, giáo dục…
Ngôn ngữ được xem là một hiện tượng xã hội vì: Ngôn ngữ sinh ra do
nhu cầu giao tiếp của con người. Ngôn ngữ phát triển cùng với sự phát triển của
xã hội loài người (ngôn ngữ là người bạn đồng hành trong xã hội loài người).
Ngôn ngữ sẽ mất đi khi không còn xã hội loài người và ngôn ngữ chỉ có trong xã
hội loài người.
Không chỉ là một hiện tượng xã hội, ngôn ngữ còn được xem là một hiện
tượng xã hội đặc biệt. Trước hết bởi ngôn ngữ có chức năng, có quy luật phát
triển riêng (chức năng của ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất

của con người, đồng thời ngôn ngữ còn là công cụ của tư duy); ngôn ngữ phát
triển từ từ liên tục, tích góp, không đột biến, không nhảy vọt. Mặt khác ngôn ngữ
không do hạ tầng cơ sở đẻ ra, cũng không thuộc thượng tầng kiến trúc. Cơ sở hạ
tầng là toàn bộ quan hệ sản xuất của xã hội ở một giai đoạn phát triển nào đó; kiến
trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, tôn giáo,
nghệ thuật,…của xã hội và các cơ quan tương ứng chúng. Không ai đồng nhất
ngôn ngữ với cơ sở hạ tầng, nhưng ý kiến coi ngôn ngữ thuộc kiến trúc thượng
tầng lại khá phổ biến. Ngôn ngữ không thuộc kiến trúc thượng tầng bởi vì:
Mỗi kiến trúc thượng tầng đều là sản phẩm của một cơ sở hạ tầng, trong
khi đó ngôn ngữ không phải do cơ sở hạ tầng nào đẻ ra mà là phương tiện giao
tiếp của toàn thể xã hội, được hình thành và bảo vệ qua các thời đại. Khi cơ sở hạ
tầng cũ bị thủ tiêu thì kiến trúc thượng tầng của nó cũng sụp đổ theo và thay thế
vào đó một kiến trúc thượng tầng mới tương ứng với một kiến trúc hạ tầng mới.
Ngôn ngữ biến đổi liên tục, không đếm xỉa đến tình trạng của cơ sở hạ tầng,
nhưng nó không tạo ra một ngôn ngữ mới mà chỉ hoàn thiện cái đã có mà thôi.
Kiến trúc thượng tầng luôn luôn phục vụ cho giai cấp nào đó, còn ngôn
ngữ không có tính giai cấp. Luận điểm chính của cái gọi là “ học thuyết mới về
ngôn ngữ” của Mac là tính giai cấp của ngôn ngữ. Ông cho rằng, không có ngôn
ngữ nào không có tính giai cấp. Sự thực không phải như vậy. Ngôn ngữ ra đời
cùng với xã hội loài người, nhưng xã hội loài người không phải ngay từ đầu đã

14
phân chia thành các giai cấp. Cho nên không thể nói tới ngôn ngữ giai cấp trong
thời kì đó. Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận thời kì cộng sản nguyên thủy là
ngôn ngữ chung thống nhất cho toàn xã hội. Nhưng khi xã hội đã phân chia
thành các giai cấp thì ngôn ngữ có biến thành ngôn ngữ giai cấp hay không?
Những người ủng hộ tính giai cấp của ngôn ngữ cho rằng nếu không có xã
hội thống nhất mà chỉ còn các giai cấp thì cũng không có ngôn ngữ thống nhất
nữa. Sự thực ngược lại. Các giai cấp đối địch vẫn phải liên hệ về kinh tế với
nhau, giai cấp tư sản vẫn phải dựa vào giai cấp vô sản để mà sống, giai cấp vô

sản cũng phải bán mình cho giai cấp tư sản để kiếm miếng ăn. Như vậy nếu
không có ngôn ngữ chung cho các giai cấp thì xã hội sẽ ngừng sản xuất, sẽ tan rã
và không tồn tại với tư cách là một xã hội nữa.
Có lẽ học thuyết về tính giai cấp của ngôn ngữ chỉ có cơ sở ít nhiều ở sự
tồn tại của các tiếng lóng, biệt ngữ giai cấp. Trong khi vận dụng ngôn ngữ
chung, các giai cấp đều lợi dụng nó để phục vụ cho nhu cầu của riêng mình, vì
vậy đã đưa vào ngôn ngữ chung những từ ngữ riêng của họ.Nhưng những biệt
ngữ ấy chưa phải là ngôn ngữ bởi vì chúng không có hệ thống ngữ pháp và từ
vựng riêng biệt; chúng chỉ lưu hành trong những phạm vi hẹp chứ không thể
dùng làm phương tiện chung của xã hội. Vì thế, tiếng lóng và biệt ngữ là những
nhánh phụ của ngôn ngữ dân tộc, thiếu hẳn tính độc lập của một ngôn ngữ và chỉ
sống một cách vất vưởng.
Kiến trúc thượng tầng không trực tiếp liên hệ với sản xuất, nó chỉ liên hệ
với sản xuất một cách gián tiếp qua cơ sở hạ tầng. Điều đó chứng tỏ phạm vi tác
động của kiến trúc thượng tầng là nhỏ hẹp và có hạn. Trong khi đó ngôn ngữ
liên hệ trực tiếp với hoạt động sản xuất của con người, và không những với hoạt
động sản xuất mà còn cả với mọi hoạt động khác của con người, trên tất cả mọi
lĩnh vực công tác, từ sản xuất đến hạ tầng, từ hạ tầng đến thượng tầng. Phạm vi
tác động của ngôn ngữ rộng hơn thượng tầng rất nhiều và hầu như không có giới
hạn nào cả.
Như vậy ngôn ngữ không thuộc hạ tầng, cũng không thuộc thượng tầng
kiến trúc. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Đặc thù riêng của hạ tầng

15
là nó phục vụ xã hội về mặt kinh tế. Đặc thù riêng biệt của thượng tầng là nó
phục vụ xã hội bằng những ý niệm về chính trị, pháp lí và các mặt khác nữa.
Vậy đặc thù riêng biệt của ngôn ngữ, đặc thù giúp ta phân biệt ngôn ngữ với các
hiện tượng xã hội khác là gì? Là ngôn ngữ phục vụ xã hội, làm phương tiện giao
tiếp giữa mọi người, làm phương tiện trao đổi ý kiến trong xã hội, làm phương
tiện giúp cho người ta hiểu biết lẫn nhau… Những đặc thù ấy chỉ riêng ngôn ngữ

mới có, và chính vì chỉ ngôn ngữ mới có nên ngôn ngữ mới thành đối tượng
nghiên cứu của một khoa học riêng biệt là: ngôn ngữ học.

Tiểu kết
J.L.Austin cho rằng hành động nói được chia làm ba loại hành vi ngôn
ngữ lớn, đó là hành vi tạo lời, hành vi ở lời và hành vi mượn lời. Trên cơ sở tiếp
thu các điều kiện sử dụng hành vi ở lời của J.L.Austin, Searle cho rằng một hành
vi ở lời phải có bốn điều kiện. Mỗi điều kiện là một điều kiện cần, còn toàn bộ
hệ điều kiện là điều kiện đủ để có được hành vi ở lời. Đó là điều kiện nội dung
mệnh đề, điều kiện chuẩn bị, điều kiện chân thành và điều kiện căn bản.
Trong hội thoại, các hành vi ngôn ngữ không tồn tại một cách độc lập,
riêng rẽ mà luôn có mối quan hệ khăng khít với các hành vi ngôn ngữ khác đứng
trước và sau nó, mỗi hành vi ngôn ngữ đều ảnh hưởng tới những hành vi khác
xung quanh nó, nó có thể là hệ quả của hành vi ngôn ngữ đứng trước và là tiền đề
cho hành vi ngôn ngữ phía sau, lượt lời trước kéo theo lượt lời sau nó. Tất cả hình
thành nên cặp kế cận . Một cặp kế cận luôn gồm có hai bộ phận, bộ phận thứ nhất
và bộ phận thứ hai. Trong đó bộ phận riêng thứ nhất phải đòi hỏi có bộ phận riêng
thứ hai. Bộ phận thứ hai của một cặp kế cận có thể có hai cấu trúc, cấu trúc được
ưa chuộng và cấu trúc không được ưa chuộng. Trong quá trình giao tiếp khi thực
hiện bộ phận thứ hai với cấu trúc không được ưa chuộng người nói phải cố gắng
làm sao để cấu trúc có bộ phận thứ hai không được ưa chuộng ít xuất hiện, để
không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với người đối thoại.
Ngôn ngữ được xem là một hiện tượng xã hội. Và khi đề cập tới một hiện
tượng xã hội, người ta thường xem xét chúng trên cơ sở của hai phạm trù của

16
một cơ cấu xã hội: cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Dĩ nhiên, không thể
xếp ngôn ngữ vào cơ sở hạ tầng, bởi nó chỉ là phương tiện mà con người dùng
để giao tiếp với nhau. Cũng không thể xếp ngôn ngữ vào thiết chế thuộc thượng
tầng kiến trúc vì mọi thiết chế của thượng tầng kiến trúc như nhà nước, pháp

luật, thể chế chính trị, tôn giáo đều dựa trên cơ sở của hạ tầng. Cơ sở hạng
tầng còn thì kiến trúc thượng tầng còn, cơ sở hạng tầng thay đổi thì kiến trúc
thượng tầng cũng thay đổi theo. Trong khi, với tư cách là công cụ giao tiếp và tư
duy, ngôn ngữ không bị biến đổi khi cơ sở hạ tầng thay đổi. Mặt khác, ngôn ngữ
không phải là tài sản riêng của một giai cấp nào, nó là tài sản của toàn xã hội. Vì
lẽ đó, các nhà ngôn ngữ đều nhìn nhận ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nhưng
là một hiện tượng xã hội đặc biệt.
Khóa luận sẽ tiếp nhận các quan điểm trên làm cơ sở cho sự phân tích,
đánh giá sự thể hiện của lời mời và lời chào trong truyện ngắn Nam Cao.




17
CHƯƠNG 2
SỰ THỂ HIỆN CỦA LỜI MỜI TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO
2.1. Lí thuyết về lời mời
2.1.1. Khái niệm lời mời
Lời mời là hành động của người nói thể hiện thái độ thân thiện, lịch sự,
tôn kính, trân trọng và hiếu khách của người mời đồng thời xuất phát từ phương
diện lợi ích có được thì lời mời là hành vi mang lại lợi ích cho người được mời.
Mời thể hiện thái độ tích cực của người nói trong việc mong muốn duy trì quan
hệ thân hữu với người nghe; đồng thời cũng là hành vi nhằm tôn vinh thể diện
của người được mời.
Trong giao tiếp, người ta có rất nhiều lí do để mời mọc nhau. Với bản
chất là lợi ích có được của người nghe thì lời mời được xếp vào hành động cầu
khiến hòa đồng. Và xét theo tiêu chí để phân loại hành động ở lời thì lời mời
được xếp vào loại hành động điều khiển theo quan niệm của J.Searle. Đích của
hành động ở lời này là đặt người nghe vào trách nhiệm thực hiện một hành động
tương lai; có hướng khớp ghép là hiện thực - lời (tức là hiện thực phải phù hợp

với phát ngôn). Trạng thái tâm lí của một hành vi ngôn ngữ được Searle xác
định là trạng thái thực có của Sp1 trong khi phát ngôn. Trạng thái tâm lí của
hành vi mời là mong muốn của Sp1, nội dung mệnh đề của hành vi mời là hành
động tương lai của Sp2. Chẳng hạn:
(10). - Mời bác dùng trà.
- Mời chị xơi nước.
2.1.2. Tác dụng của lời mời
Trong đời sống văn hoá của người Việt, lời mời có một vị trí hết sức quan
trọng. Lời mời không chỉ là một nghi thức giao tiếp mà còn trở thành nét văn
hóa xã giao của người Việt.
Với người Việt, đời sống sản xuất nông nghiệp lúa nước đã tạo nên sự kết
nối bền vững trong cộng đồng. Lối sống trọng tình đã ảnh hưởng sâu sắc đến các
hành vi giao tiếp. Xu hướng cởi mở, thân thiện nhằm kéo gần các mối quan
hệ thể hiện rõ ở các hành vi giao tiếp trong đó có lời mời.

18
Với người Việt Nam, việc mời nhau là việc thể hiện nhân cách giữa tôi và
anh, nó cho biết anh dựa trên văn hóa nào để ứng xử. Qua hành vi mời tự nó sẽ
nói lên vị thế của mình trong xã hội. Tuổi càng cao, chức vị càng lớn thì nhân
cách phải càng được chú trọng, thái độ ứng xử nói năng càng phải để mọi người
tôn trọng. Điều này luôn được các thế hệ tiếp theo học hỏi, phát triển tốt hơn, trở
thành truyền thống đạo đức trong lời mời của người Việt. Đặc biệt lời mời trong
bữa cơm gia đình Việt phản ánh rõ nét mối quan hệ sâu sắc giữa các thành viên
trong gia đình. Lời mời xuất hiện suốt bữa cơm gia đình, xen lẫn những câu
chuyện khác tạo nên sự đầm ấm, vui vẻ. Với người Việt, xét quan hệ giao tiếp
theo tuổi tác thì người trẻ mời người già trước, theo địa vị xã hội thì người có
địa vị thấp mời người có địa vị cao trước, xét tính chất quan hệ giao tiếp thì chủ
mời khách trước…
2.1.3. Vấn đề nhận diện lời mời
Trong ngữ pháp truyền thống khi muốn nhận diện một hành động nói nào

đó ta dựa vào phương diện hình thức. Việc nhận diện hành vi mời cũng dựa trên
cơ sở này, tức là những hành vi có chứa động từ ngữ vi “mời” trong phát ngôn
thì được coi là hành vi mời.
Ví dụ:
(11). - Mời cậu ngồi xuống em thưa chuyện. [28, tr.93]
- Mời các ông xơi rượu rồi ăn cơm. [34, tr.155]
Tuy nhiên, không phải hành vi mời nào cũng được biểu hiện bởi dạng
thức đó, bởi có những hành vi mời còn được biểu hiện bằng những dạng ngữ
pháp khác nữa, chẳng hạn những lời mời nguyên cấp.
Ví dụ:
(12). Anh dừng tay vào uống nước đã. [28, tr.78]
Rõ ràng muốn nhận diện lời mời, chúng ta không nên chỉ dựa vào phương
diện hình thức ngữ pháp đơn thuần, cần phải có cái nhìn cụ thể hơn. Chẳng hạn
với các nhà nghiên cứu về hành động nói (như Searle…) thì lại chủ trương dựa
vào các điều kiện thực hiện của lời mời để phân loại chúng.

19
Trong khi thực hiện lời mời, thường thì Sp2 là người được lợi, còn Sp1 là
người chịu thiệt. Song không phải tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Cũng có
khi Sp1 thực hiện lời mời với mục đích để Sp2 tiếp tục thực hiện mong muốn
cho Sp1. Tuy nhiên trong phạm vi của vấn đề đang quan tâm, đề tài chưa đi sâu
vào phân tích các hành động mời mang tính tế nhị và cũng hết sức phức tạp này.
2.1.3.1 Một số cách thức mời trong tiếng việt
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn đặt mình và duy trì các mối
quan hệ với những người xung quanh. Mối quan hệ đó có phát triển tốt đẹp hay
không là dựa vào khả năng giao tiếp của mỗi chúng ta. Khả năng giao tiếp lại
được biểu hiện dưới nhiều hoạt động mang tính thú vị như chào, mời, hỏi
thăm…
Trong hoạt động giao tiếp, hành động mời nếu xem xét ở hình thức thể
hiện cũng có thể phân chia thành ba dạng:

- Mời bằng ngôn ngữ
- Mời bằng ngôn ngữ + điệu bộ cử chỉ
- Mời bằng điệu bộ, cử chỉ
Trong khuôn khổ của đề tài, người viết quan tâm hơn tới hình thức mời
bằng ngôn ngữ, tức là hành vi mời được thể hiện qua lời mời.
Lời mời cũng hết sức đa dạng (mời họp hành, mời tham quan du lịch, mời
hội hè đình đám, mời ăn uống tiệc tùng, mời sinh nhật…). Song căn cứ vào đích
hướng tới của phát ngôn thì cơ bản lời mời được phân thành hai loại:
- Những lời mời không đích thực
- Những lời mời đích thực
a. Những lời mời không đích thực
Thực tế giao tiếp cho thấy rằng không phải bất kì phát ngôn nào có chứa
động từ ngữ vi mời đều là những hành vi mời đích thực. Nhiều phát ngôn mời
dưới dạng tường minh hoặc hàm ẩn xét trên phương diện lợi ích – tổn thất thì
không hề mang lại lợi ích cho Sp2. Trong những ngữ cảnh cụ thể, những phát
ngôn mời này có thể được hiểu như là hành vi ngôn ngữ khác như hành vi chào,
hành vi bộc lộ, hành vi yêu cầu…

20
Mời để chào
* Mời để chào khi gặp mặt
Ví dụ: Một bạn sinh viên đến thăm nhà thầy giảng viên trong khoa. Trong
lúc gia đình thầy đang ăn cơm, thấy sinh viên đến, thầy mời:
(13). Sp1: Em vào nhà dùng cơm với gia đình
Sp2: Vâng, nhà thầy đã dùng bữa rồi đấy ạ?
Lượt lời của Sp1 là một lời mời nguyên cấp, tức là hành vi mời không sử
dụng động từ ngữ vi mời. Xét trong ngữ cảnh cụ thể này, phát ngôn của Sp1
được hiểu như là một lời chào. Bởi vì, nếu coi lượt lời của Sp1 là hành vi mời
thì sự tiếp nhận lời mời này ở Sp2 có hai khả năng:
- Sp2 nhận lời và cùng dùng cơm.

- Sp2 từ chối lời mời.
Trong ngữ cảnh cụ thể này, dựa vào sự hồi đáp của Sp2 là một câu hỏi để
chào “vâng, nhà thầy… ạ?” mà chúng ta dễ nhận ra phát ngôn của Sp1 có đích ở
lời là chào.
Thực tế trong đời sống giao tiếp của người Việt, Sp2 không thể tiếp nhận
lời mời dùng cơm với gia đình Sp1 được vì lượt lời của Sp1 trong bối cảnh giao
tiếp trên cũng được Sp1, Sp2 ước tính như là một lời chào chứ không phải là
một lời mời. Trong giao tiếp tiếng Việt, có thể hiểu đây là hình thức mời để
chào.
Tương tự như vậy, chúng ta cũng nhân ra cách thức mời để chào qua đoạn
hội thoại sau:
A và B học cùng một lớp, B chưa biết xóm trọ của A. Một hôm tình cờ B
đi qua xóm trọ của A, thấy A đang đứng trước cửa.
Ví dụ :
(14). Sp1: Hoa đi đâu đấy?
Sp2: Thế ra Linh ở xóm trọ này à?
Sp1: Ừ, Hoa vào phòng Linh chơi đã.
Sp2: Thôi, để khi khác Linh nhé. Hoa đang bận chút việc.

×