Tải bản đầy đủ (.pdf) (76 trang)

Tìm hiểu tác tử cú pháp thì, là, mà trong số đỏ của vũ trọng phụng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (659.4 KB, 76 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

LÊ TÂY HỒ

TÌM HIỂU TÁC TỬ CÚ PHÁP THÌ, LÀ, MÀ
TRONG SỐ ĐỎ CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS. CHIM VĂN BÉ

Cần Thơ, năm 2011


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích – Yêu cầu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG CHÍNH
CHƯƠNG MỘT. MỘT SỐ LÍ THUYẾT CHUNG
VỀ NGỮ PHÁP HỌC CHỨC NĂNG
I.

KHÁI NIỆM NGỮ PHÁP HỌC CHỨC NĂNG



II.

CẤU TRÚC CÚ PHÁP CƠ BẢN CỦA CÂU TIẾNG VIỆT

1. Khái niệm về câu
2. Khái niệm đề miêu thuật và thuyết miêu thuật
3. Phân loại đề
3.1. Ngoại đề
3.2. Nội đề
3.2.1. Đề tài
3.2.1. Đề khung
4. Mở rộng cấu trúc câu theo quan hệ ngữ đoạn: hiện tượng ghép
5. Phức tạp hoá cấu trúc câu theo quan hệ đối vị: hiện tượng phức
6. Hiện tượng ghép - phức
7. Hiện tượng phức – ghép
III.

CÁC YẾU TỐ CHUYÊN DÙNG PHÂN GIỚI VÀ ĐÁNH DẤU
ĐỀ -THUYÊT

1. Một số hiểu biết chung
1.1. Đối với thì (biến thể phát âm là thời)
1.2. Đối với mà
1.3 Đối với là


2. Các quy tắc chung về cách dùng các tác tử thì, mà, là
2.1. Quy tắc thứ nhất
2.2. Quy tắc thứ hai

2.3. Quy tắc thứ ba
3. Cách dùng tác tử thì
3.1. Bắt buộc dùng thì
3.2. Không bắt buộc dùng thì
4. Cách dùng tác tử là
4.1. Bắt buộc dùng là
4.2. Không bắt buộc dùng là
5. Cách dùng tác tử mà
5.1. Bắt buộc dùng mà
5.2. Không bắt buộc dùng mà
IV.

CÁC YẾU TỐ PHỤ TRỢ ĐÁNH DẤU THÊM PHẦN ĐỀ, PHẦN
THUYẾT, PHÂN GIỚI VÀ ĐÁNH DẤU ĐỀ - THUYẾT

1. Các yếu tố phụ trợ đánh dấu thêm đề tài
2. Các yếu tố phụ trợ đánh dấu thêm đề khung
3. Các yếu tố phụ trợ đánh dấu thêm phần thuyết, bao gồm các vị từ tình thái
4. Các phó từ dùng để đánh dấu phần thuyết
5. Các yếu tố phụ trợ phân giới và đánh dấu đề - thuyết
V.

ĐỀ TÌNH THÁI VÀ THUYẾT TÌNH THÁI

1. Khái niệm đề tình thái
2. Chức năng phân giới đề tình thái của các tác tử chuyên dùng
2.1. Đề tình thái được đánh dấu bằng thì
2.2. Đề tình thái được phân giới bằng mà
2.3. Đề tình thái được phân giới bằng là
3. Khái niệm về thuyết tình thái

4. Thuyết tình thái được đánh dấu bằng thì
5. Thuyết tình thái được đánh dấu bằng là


CHƯƠNG HAI. KHẢO SÁT VÀ PHÂN LOẠI TÁC TỬ
THÌ, MÀ, LÀ TRONG SỐ ĐỎ CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Giới thiệu sơ lược về tác giả và tác phẩm
2. Giới thiệu văn bản khảo sát và giới hạn phạm vi ngữ liệu
3. Quy ước chung về một số kí hiệu và cách viết tắt
II. THỐNG KÊ VÀ PHÂN LOẠI TÁC TỬ THÌ, MÀ, LÀ TRONG BA
CHƯƠNG CỦA SỐ ĐỎ
1. Số liệu thống kê ba thì, mà, là
2. Miêu tả thì, mà, là
2.1. Miêu tả tác tử thì
2.1.1. Thì đánh dấu phần đề và phân chia biên giới đề - thuyết
2.1.2. Thì đánh dấu phần thuyết và phân chia biên giới đề - thuyết
2.1.3. Thì đánh dấu đề tình thái
2.1.4. Thì đánh dấu thuyết tình thái
2.2. Miêu tả tác tử mà
2.2.1. Mà đánh dấu phần đề và phân chia biên giới đề - thuyết
2.2.2. Mà đánh dấu phần thuyết và phân chia biên giới đề - thuyết
2.2.3. Mà đánh dấu đề tình thái
2.3. Miêu tả tác tử là
2.3.1. Là đánh dấu phần thuyết và phân chia biên giới đề - thuyết
2.3.2. Là đánh dấu đề tình thái
2.3.3. Là đánh dấu thuyết tình thái
2.4. Miêu tả các tác tử được dùng kết hợp trong câu


PHẦN KẾT LUẬN


PHẦN MỞ ĐẦU
I.

LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Ngữ pháp học chức năng là một hệ thống lí thuyết nghiên cứu ngữ pháp tiếng
Việt hiện nay ở nước ta. Hệ thống lí thuyết này cho phép chúng ta nghiên cứu tiếng
Việt một cách khái quát hơn, toàn diện hơn so với ngữ pháp học truyền thống trước đó.
Qua tìm hiểu cụ thể, chúng tôi thấy rằng hướng nghiên cứu này có sức bao quát gần
hết câu tiếng Việt. Vì vậy, chúng tôi chọn quan điểm chức năng luận làm nền tảng
nghiên cứu cho đề tài của mình.
Hiện nay, có nhiều công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt theo quan điểm
chức năng luận. Đánh chú ý nhất là công trình Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức
năng của Cao Xuân Hạo. Theo Cao Xuân Hạo thì cấu trúc cú pháp cơ bản của câu
tiếng Việt là cấu trúc đề - thuyết. Trong quyển sách này, ông nêu ra các phương tiện
chuyên dùng để phân chia biên giới hai thành phần cơ bản này của câu, đó là thì và là.
Ngoài công trình trên, thì còn có nhiều công trình khác cũng cho rằng cấu trúc cú pháp
cơ bản của câu tiếng Việt là cấu trúc đề - thuyết. Đa số các tác giả cho rằng giữa hai
thành phần đề và thuyết có những phương tiện chuyên dùng để đánh dấu và phân giới,
trong đó chủ yếu là thì, là, mà. Sau khi tìm hiểu các công trình nghiên cứu về Ngữ
pháp học chức năng, chúng tôi thấy rằng các từ thì, mà, là có chức năng quan trọng
trong câu tiếng Việt. Chúng có nhiều chức năng, nhưng đánh chú ý nhất là chức năng
đánh dấu và phân chia biên giới đề - thuyết trong câu. Do đó, để tìm hiểu sâu hơn về
các từ này, chúng tôi chọn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng để khảo sát, mà cụ
thể là chức năng đánh dấu và phân chia biên giới đề - thuyết.
Ngoài lí do trên, chúng tôi còn muốn tìm hiểu cách dùng câu của Vũ Trọng
Phụng trong Số đỏ, để có thêm một hướng nhìn nhận về tác phẩm này theo hướng

ngôn ngữ.

II. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt quan trọng đầu tiên cần kể đến, đó
là Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam của Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê.
Trong công trình nghiên cứu này, hai tác giả đã nêu ra một số chức năng của ba “trợ
từ” thì, là, mà. Theo nhận định của Chim Văn Bé trong quyển Giáo trình ngữ pháp


chức năng tiếng Việt: Cú pháp học thì công trình Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam
“đã vượt qua giới hạn của cấu trúc luận và bước đầu tiếp cận quan điểm chức năng
luận” [1; tr. 28]. Thông qua những điều trình bày về công trình nghiên cứu Khảo luận
về ngữ pháp Việt Nam, Chim Văn Bé cũng khẳng định rằng “những gì mà tác giả
Khảo luận ngữ pháp Việt Nam đã làm được rõ ràng là bước đột phá lớn, đi trước cả
những học giả Âu – Mỹ cũng như học giả Việt Nam đến vài mươi năm” [1; tr. 38].
Kế đến đó là công trình Subject or Topic in Vietnamese? của Helge J. J. Dyvik.
Công trình đi sâu vào nghiên cứu đề ngữ và chủ ngữ, ngôn ngữ thiên chủ ngữ và ngôn
ngữ thiên đề ngữ. Tác giả cho rằng tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ thiên đề ngữ.
Trong công trình này, Helge J. J. Dyvik đã nêu ra hai chức năng của thì.
Tiếp nối các công trình nghiên cứu trước đó, Cao Xuân Hạo có công trình
nghiên cứu Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Trong công trình này, tác giả
khẳng định cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt là cấu trúc đề - thuyết, và ranh
giới giữa đề và thuyết được đánh dấu bằng các tác tử thì, là, mà. Ngoài ra, ông còn nêu
ra đề tình thái và thuyết tình thái, và các yếu tố đi kèm với thì, là, cũng, mới để đánh
dấu hai thành phần trên.
Công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt theo quan điểm chức năng luận gần
đây nhất là công trình nghiên cứu của Chim Văn Bé: Giáo trình Ngữ pháp học chức
năng tiếng Việt: Cú pháp học. Trong công trình này, tác giả cho rằng cấu trúc cú pháp
cơ bản của câu tiếng Việt là cấu trúc đề - thuyết. Ông nêu ra những điều hiểu biết
chung, các quy tắc, các cách dùng của tác tử thì, là, mà để đánh dấu và phân giới đề thuyết trong câu. Trong quyển sách này, ông nêu ra loại đề tình thái và thuyết tình thái,

và đặc biệt là các yếu tố đi kèm với thì, mà, là để đánh dấu loại đề tình thái và thuyết
tình thái này.
Ngoài các công trình nghiên cứu tiếng Việt theo quan điểm chức năng luận và
các tác tử thì, mà, là nêu trên, thì còn có các công trình nghiên cứu về ngôn từ nghệ
thuật trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.
Đỗ Đức Hiểu với bài nghiên cứu Những lớp sóng ngôn từ trong “Số đỏ”. Tác
giả cho rằng lớp sóng ngôn từ của Số đỏ là “lớp sóng ngôn từ đô thị” [12; tr. 183].
Qua những điều trình bày về những lớp sóng ngôn từ trong tác phẩm thì tác giả khẳng
định “Số đỏ là một hệ thống ngôn từ đặc sắc mang tính xã hội và tính lịch sử cụ thể.”
[12; tr. 193]. Trong bài nghiên cứu này, ông cũng cho rằng “những cách tiếp cận khác


sẽ khai thác nhiều ý tiềm ẩn phong phú của cuốn tiểu thuyết lớn này của Vũ Trọng
Phụng” [12; tr. 193].
Cùng với bài nghiên cứu được in chung quyển sách với Đỗ Đức Hiểu, Võ Thị
Quỳnh có bài nghiên cứu “Số đỏ” và sự phá sản của ngôn ngữ. Tác giả cho rằng “Khi
nào mà còn có những Xuân Tóc Đỏ chỉ biết chê nhà tù này hẹp, khoe nhà tù kia rộng
thì - Số đỏ - tiểu thyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng còn sức công phá” [12; tr. 272].
Bà cũng khẳng định thêm “Cần có sự phá sản của ngôn từ nhưng với một điều kiện:
thực tiễn tốt hơn cho ngôn ngữ sáng đẹp hơn.” [12; tr. 272]
Nói chung, tất cả các công trình nghiên cứu trước đó về chức năng thì, mà, là
trong câu theo quan điểm chức năng luận, hay các công trình nghiên cứu về ngôn từ
nghệ thuật của Số đỏ đều chưa tìm hiểu về tác tử thì, mà, là được thể hiện như thế nào
trong Số đỏ.

III. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU
1.

Mục đích


Đầu tiên, chúng tôi giới thiệu chung về hệ thống lí thuyết Ngữ pháp học chức
năng. Chúng tôi trình bày khái niệm câu, đề miêu thuật – thuyết miêu thuật. Qua đó,
cũng trình bày các chức năng cơ bản của thì, mà, là dùng để đánh dấu và phân giới đề
- thuyết các bậc. Với ba tác tử trên, chúng tôi sẽ làm rõ các cách dùng bắt buộc và
không bắt buộc của từng tác tử khi đánh dấu và phân chia biên giới đề - thuyết. Ngoài
đề miêu thuật – thuyết miêu thuật, thì còn có đề tình thái và thuyết tình thái. Tương
ứng với hai thành phần này, chúng tôi cũng trình bày các nội dung tình thái của từng
tác tử khi đánh dấu đề tình thái và các tổ hợp dùng để đánh dấu thuyết tình thái.
Sau những vấn đề lí luận chung thì chúng tôi triển khai nội dung chính của luận
văn. Dựa vào hệ thống lí thuyết đó mà chúng tôi khảo sát và thống kê các tác tử trong
một số chương cụ thể của tác phẩm, thì rút ra kết luận chung cho cách dùng từ của Vũ
Trọng Phụng trong Số đỏ.

2.

Yêu cầu

Chúng tôi trình bày kết quả khảo sát thì, mà, là trong Số đỏ của Vũ Trọng
Phụng với yêu cầu đặt ra là phải phân biệt được đề miêu thuật – thuyết miêu thuật và
đề tình thái – thuyết tình thái. Khi phân tích câu và các cách dùng tác tử thì phải đáp
ứng được lí thuyết đã nêu ra.


Thông qua kết quả khảo sát, chúng tôi sẽ chỉ rõ tổ chức nội tại của câu khi
phân tích các câu điển hình cụ thể và rút ra các cách dùng bắt buộc hay không bắt buộc
của các tác tử, và vị thế các từ này trong câu. Thông qua đó, chúng ta rút ra kết luận
chung về cách dùng các từ của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ.

IV. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Phạm vi nghiên cứu của đề tài này tập trung chủ yếu vào ba tác tử thì, mà, là.

Nhưng muốn tìm hiểu cụ thể chức năng cũng như cách dùng của từng tác tử, thì chúng
tôi dựa vào nền tảng hệ thống lí thuyết chức năng luận. Phạm vi xoay quanh đề miêu
thuật – thuyết miêu thuật, đề tình thái – thuyết tình thái, các cách dùng bắt buộc và
không bắt buộc của ba tác tử thì, mà, là.
Khi đã có những lí thuyết chung thì chúng tôi đi vào khảo sát và phân loại câu
có dùng các tác tử trong từng trường hợp cụ thể. Cuối cùng là dựa vào kết quả tìm
hiểu, chúng tôi khái quát lên cách dùng từ của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ.

V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trong đề tài nghiên cứu này, chúng tôi dùng hai phương pháp nghiên cứu
chính. Đó là phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp.
Phương pháp phân tích được chúng tôi dùng vào việc phân tích câu, chia tách
câu từ cấp độ lớn đến cấp độ nhỏ. Sau đó trình bày thành sơ đồ phân tích cú pháp câu
và xem xét mối quan hệ giữa các thành phần trong câu.
Phương pháp tổng hợp được chúng tôi thực hiện sau khi đã khảo sát và phân
tích từng câu văn cụ thể có chứa tác tử. Chúng tôi tổng hợp các kết quả lại và miêu tả
chúng thành các mục, tiểu mục trong văn bản.

***


CHƯƠNG MỘT. MỘT SỐ LÍ THUYẾT CHUNG VỀ
NGỮ PHÁP HỌC CHỨC NĂNG

I. KHÁI NIỆM NGỮ PHÁP HỌC CHỨC NĂNG
Hiện nay có rất nhiều định nghĩa về Ngữ pháp học chức năng, trong số đó có
định nghĩa của Chim Văn Bé mà chúng tôi cho là hoàn chỉnh nhất. Chúng ta có thể
tham khảo định nghĩa của ông:
“Ngữ pháp học chức năng là hệ thống lí thuyết ngữ pháp có nhiệm vụ nghiên
cứu, xác lập hệ thống các cấp độ đơn vị ngôn ngữ hay ngôn từ, song song với nhiệm

vụ rút ra hệ thống các quy tắc tổ chức, hoạt động của các cấp độ đơn vị này trong hệ
thống – cấu trúc và trong hoạt động giao tiếp. Các quy tắc tổ chức, hoạt động của cấp
độ đơn vị ngôn ngữ và ngôn từ trong hệ thống – cấu trúc cũng như trong hoạt động
giao tiếp được xem xét, lí giải trong mối quan hệ quy định mang tính chức năng giữa
nội dung và hình thức, giữa mục đích và phương tiện.” [1; tr. 45]

II. CẤU TRÚC CÚ PHÁP CƠ BẢN CỦA CÂU TIẾNG VIỆT
8. Khái niệm về câu
Việc xác định cấu trúc cú pháp cơ bản và định nghĩa câu tiếng Việt còn chưa
thống nhất, tuy nhiên với hướng tiếp cận này, thì chúng tôi có khái niệm cơ bản về câu
tiếng Việt như sau:
Theo tác giả Ngữ pháp học chức năng tiếng Việt: Cú pháp học thì “Câu là sản
phẩm hoàn chỉnh nhỏ nhất của lời mà có giá trị thông báo, được tạo ra bằng cách kết
hợp tuyến tính những hình thức biểu đạt có sẵn theo những quy tắc có sẵn trong ngôn
ngữ. Câu phản ánh hành động nhận định của tư duy trong mối liên hệ với một, một vài
sự tình trọn vẹn hay tương đối trọn vẹn thế giới bên ngoài, gắn liền với ngôn cảnh hay
tình huống giao tiếp cụ thể, nhằm đạt được mục đích giao tiếp cụ thể.” [1; tr. 48]

9. Khái niệm đề miêu thuật và thuyết miêu thuật
Nghiên cứu tiếng Việt theo quan điểm chức năng luận hiện nay có nhiều khái
niệm về đề miêu thuật. Trong Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Cao Xuân Hạo
đưa ra khái niệm về đề như sau:


“Đề là thành tố trực tiếp của câu nêu rõ cái phạm vi ứng dụng của điều được
nói bằng thành tố trực tiếp thứ hai: phần thuyết” [7; tr. 149]
Còn trong Giáo trình Ngữ pháp học chức năng tiếng Việt: Cú pháp học, Chim
Văn Bé định nghĩa “Đề là thành phần trực tiếp thứ nhất của câu, nêu lên phạm vi hiệu
lực của nội dung được triển khai tiếp theo trong thành phần trực tiếp thứ hai: phần
thuyết” [1; tr. 49].

Cả hai khái niệm đều có quan điểm riêng của nó. Tuy nhiên, Cao Xuân Hạo
nêu ra thành tố trực tiếp thứ hai mà không nêu ra thành tố trực tiếp thứ nhất. Khi đó,
định nghĩa của Chim Văn Bé thì rõ ràng và lô gích hơn. Vì vậy, chúng tôi chọn khái
niệm của Chim Văn Bé làm cơ sở đi vào xem xét đề và thuyết.
Chúng ta xem các câu sau đây, những từ ngữ in nghiêng là đề, từ ngữ gạch
dưới là thuyết.
1) Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả. (VTP: SĐ)
2) Bệnh tật khủng khiếp và đói khổ triền miên đã tận diệt cuộc sống nơi đây.
(BN: NBCT)
3) Ông lẩy bẩy đứng dậy. (LL: TXV)

10. Phân loại đề
Trong các công trình nghiên cứu trước đó của Cao Xuân Hạo và Chim Văn Bé
thì đều cho rằng đề miêu thuật có hai loại: ngoại đề và nội đề. Ngoại đề thì hai tác giả
đều thống nhất với nhau về quan điểm. Tuy nhiên, nội đề thì hai ông có quan niệm
khác nhau. Cao Xuân Hạo cho rằng, nội đề bao gồm chủ đề, khung đề. Khi đó, Chim
Văn Bé thì khác, ông cho rằng nội đề bao gồm đề tài, đề khung.
Theo chúng tôi, bộ khái niệm của Cao Xuân Hạo có vấn đề không ổn. Thứ
nhất, ông dùng không thống nhất về thuật ngữ, đáng lẽ sau chủ đề, khung đề là tình
thái đề thì ông gọi là đề tình thái. Thứ hai, giữa chủ đề của ông và chủ đề thuộc lĩnh
vực văn học không đồng nhất về nội hàm, điều này được Chim Văn Bé trình bày rất rõ
ràng trong Giáo trình Ngữ pháp học chức năng: Cú pháp học (xem [1; tr. 53]). Chim
Văn Bé thì dùng bộ khái niệm có sự thống nhất về thuật ngữ, và giữa đề tài của ông có
cùng nội hàm với lĩnh vực văn học. Như vậy sẽ không dẫn đến sự chồng chéo về thuật
ngữ. Vì vậy, chúng tôi chọn bộ khái niệm của Chim Văn Bé.


3.1. Ngoại đề
Theo Chim Văn Bé, “Ngoại đề là đề có chức năng đưa đẩy, dẫn nhập vào sự
tình được nêu trong câu, cú chính. Nó thường nêu lên đối tượng như sự vật ngoại tại,

có mối quan hệ nào đó với sự tình được câu, cú chính biểu đạt. Câu, cú có thể có một
hay một vài ngoại đề có quan hệ đẳng lập về mặt ngữ pháp [1; tr. 52]. Ngoài ra, ngoại
đề xuất hiện không phổ biến. Vì vậy, ngoại đề không thuộc cấu trúc cú pháp cơ bản
của câu tiếng Việt.
Xét các câu sau, những từ ngữ gạch dưới là ngoại đề:
4) Thưa ngài, tôi, tôi là một người mọc sừng! (VTP: SĐ)
5) Còn tôi, tôi chỉ là con nhà hạ lưu mà thôi! (VTP: SĐ)
6) Tôi, tôi là một nhân viên quản nữa kia thưa thầy! (VTP: SĐ)
7) Tôi, tôi cứ sợ mình người trần mắt thịt, không biết chiều ý cậu thì cậu lại
đòi về. (VTP: SĐ)

3.2. Nội đề
3.2. 1. Đề tài
Chúng ta tham khảo khái niệm chủ đề của Cao Xuân Hạo:
“Chủ đề, là phần câu chỉ cái đối tượng được nói đến trong phần thuyết, cái
chủ thể của sự nhận định.” [7; tr. 154]
Đối với khái niệm này, Cao Xuân Hạo dùng bất ổn vì chủ đề chỉ cái đối tượng
được nói đến trong phần thuyết, suy ra là đề và thuyết có cùng quy chiếu vào một sự
vật nào đó. Và trong khái niệm của ông, ông đã dùng dấu phẩy một cách bất thường.
Vì vậy, theo chúng tôi khái niệm của Chim Văn Bé thì rõ ràng và khái quát hơn. Ông
chỉ ra phạm vi của đối tượng được đề nêu lên rất rõ ràng, cụ thể.
“Đề tài là loại đề nêu lên đối tượng mang tính chất chủng loại, tập hợp hay cá
nhân, cá thể mà phần thuyết sẽ triển khai tiếp theo” [1; tr. 53]
Các câu sau đây có đề là đề tài:
8)

Chó thì nó câu bẫy. (MVK: XG)

9)


Mắt cậu trời bỗng sáng lên vui mừng. (NHT: ĐHLT)

10) Hai chiếc L.19 đã bay lộn lại. (NK: RĐ)


3.2. 2. Đề khung
Khái niệm khung đề của Cao Xuân Hạo được định nghĩa như sau: “Khung đề
là phần câu nêu rõ những điều kiện làm thành cái khung về cảnh huống, thời gian,
không gian, trong đó điều được nói đến ở phần thuyết có hiệu lực.” [7; tr. 154]
Còn chúng tôi thì thống nhất với khái niệm của Chim Văn Bé.
“Đề khung là loại đề nêu lên một cái khung về thời gian, không gian, trạng
huống, điều kiện, số lượng...mà nội dung được triển khai tiếp theo trong phần thuyết
có hiệu lực” [1; tr. 54].
Chúng tôi chọn khái niệm của Chim Văn Bé vì ông vạch ra phạm vi của cái
khung rất rõ ràng, bao gồm: thời gian, không gian, trạng huống, điều kiện, số lượng.
Khi đó, Cao Xuân Hạo thì không nêu ra điều kiện và số lượng. Mà theo khái niệm của
ông thì cảnh huống, thời gian, không gian là tiểu loại của điều kiện.
Chúng ta xem các câu sau, có phần gạch dưới là đề khung:
11) Lần này thì bà đã bỏ cái áo dài, cái khăn vành dây. (VTP: SĐ)
12) Bao giờ dân ta đến trình độ ấy? (VTP: SĐ)
13) Nỗi bực như tăng lên gấp đôi. (MVK: MĐ)
14) Hôm thì người mất gà. Hôm thì người mất chó. (MVK: XG)
Lưu ý: đề tài hay đề khung thông thường được đặt trước thuyết, và nếu không
có thành phần phụ đứng trước thì nó thường mở đầu câu, cú. Và khi lô gích ngôn từ
trong câu rõ ràng và khôn gây nhằm lẫn thì đề tài của câu có thể dễ dàng bị lược bỏ.

11. Mở rộng cấu trúc câu theo quan hệ ngữ đoạn: hiện tượng ghép
Câu tiếng Việt có thể được cấu tạo bằng một cấu trúc đề - thuyết duy nhất. Tuy
nhiên, chúng ta cũng bắt gặp những trường hợp câu có nhiều đề, nhiều thuyết hay
nhiều cấu trúc đề - thuyết ghép lại với nhau theo một trật tự tuyến tính hay bằng các

kết từ. Hiện tượng này gọi là hiện tượng ghép.
15) Công trình Thuỷ điện Sông Đà hoàn thành, điện phát sáng bừng một vùng
trời Tây Bắc. (MVK: NS)


12. Phức tạp hoá cấu trúc câu theo quan hệ đối vị: hiện tượng phức
“Phức tạp hoá là hiện tượng câu có phần đề hay/và phần thuyết hay/và phụ tố
(định tố, bổ tố) trong phần đề, phần thuyết được cấu tạo bằng cấu trúc đề - thuyết
dưới bậc, có thể phát triển thành nhiều bậc” [1; tr. 55]
Sau đây là các câu có hiện tượng phức tạp hoá.
16) Lúc đó bà Phó Đoan mới nhận ra rằng dân Việt Nam không những ngu
mà còn đáng thương. (VTP: SĐ)
17) Nếu nói đúng giờ thì số này phải bồ côi sớm. (VTP: SĐ)

13. Hiện tượng ghép - phức
Theo Chim Văn Bé, “Ghép – phức là hiện tượng câu có nhiều đề, thuyết hay
có nhiều cú ghép lại với nhau. Ngoài ra, đề, thuyết của câu, cú, hay phụ tố trong hai
thành phần này được phức tạp hoá bằng tiểu cú, có thể phát triển thành nhiều bậc.”
[1; tr. 60]. Câu sau đây có hiện tượng ghép – phức.
18) Nhưng mà theo lối kim thì mấy đời chồng cũng được, miễn tử tế thì thôi.
(VTP: SĐ)

14. Hiện tượng phức – ghép
Chim Văn Bé cho rằng: “Phức – ghép là hiện tượng câu có đề hay/và thuyết
hay phụ tố trong hai thành phần này được phức tạp hoá bằng tiểu cú, có thể phát triển
thành nhiều bậc. Qua đó, tiểu cú được mở rộng theo quan hệ ngữ đoạn” [1; tr. 61].
Chúng ta xem xét câu sau, có hiện tượng phức – ghép.
19) Hôm qua, lúc tan hát, đi qua ngõ Sầm Công thì có ba bốn chị chạy ùa ra,
vây chung quanh, kéo tay, níu áo, tình bỏ mẹ ra ấy! (VTP: SĐ)


III. CÁC YẾU TỐ CHUYÊN DÙNG PHÂN GIỚI VÀ ĐÁNH DẤU
ĐỀ - THUYÊT
6. Một số hiểu biết chung
Trong tiếng Việt, có ba yếu tố chuyên dùng để đánh dấu và phân giới đề thuyết trong câu, đó là thì, mà, là, được gọi là các tác tử cú pháp. Trong Giáo trình
ngữ pháp học chức năng tiếng Việt: Cú pháp học, Chim Văn Bé đã nêu ra một số hiểu
biết chung về ba tác tử thì, mà, là như sau:


1.1. Đối với thì (biến thể phát âm là thời)
- Thì đánh dấu phần đề và phân chia biên giới đề - thuyết khi đề mang tính chất
đối sánh với đề khác, được nêu ra hay mang tính chất tiền giả định.
- Thì đánh dấu phần thuyết và phân chia biên giới đề - thuyết khi đề của câu,
cú, tiểu cú là đề khung chỉ điều kiện, thời gian, không gian, cảnh huống hay số lượng,
và không mang tính chất đối sánh.

1.2. Đối với mà
- Mà đánh dấu phần đề và phân giới đề - thuyết khi đề và thuyết có quan hệ bất
thường về mặt lô gích theo sự nhìn nhận của người nói.
- Mà đánh dấu phần thuyết khi đề là đề khung nêu lên điều kiện, còn phần
thuyết nêu hệ quả nghịch thường về mặt lô gích theo sự nhìn nhận của người nói. Khi
đề khung nêu điều kiện, phần thuyết nêu lên hệ quả thông thường, thì phần thuyết có
thể đánh dấu bằng thì.

1.3 Đối với là
- Trong câu, là có thể là tác tử chuyên dùng khi nó có tác dụng thuyết hoá
những ngữ đoạn phi thuyết tính (phi vị từ tính). Khi đó, là đánh dấu phần thuyết và
phân giới đề - thuyết.
- Ngoài chức năng trên, là còn có thể là vị từ quan hệ. Trong trường hợp này,
là không có tác dụng phân giới đề - thuyết, mà nó thuộc phần thuyết và có chức năng
đánh dấu phần thuyết.


7. Các quy tắc chung về cách dùng các tác tử thì, mà, là
Trong Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Cao Xuân Hạo đã đưa ra 7
thông lệ về các cách dùng thì, là trong câu. Chúng tôi quan niệm, khi nghiên cứu thì
cần phải có những quy tắc cụ thể, chứ không thể dùng những thông lệ một cách chung
chung, mang tính chất thói quen được. Vì vậy, chúng tôi thấy cần phải có những quy
tắc về cách dùng một cách chính xác.
Theo Giáo trình Ngữ pháp học chức năng tiếng Việt: Cú pháp học, Chim Văn
Bé nêu ra 3 quy tắc chi phối cách dùng thì, mà, là. Và ông cũng đưa ra các cách dùng
bắt buộc và không bắt buộc các tác tử thì, mà, là trong câu. Sau đây chúng tôi trình
bày các quy tắc cũng như cách dùng cụ thể của từng tác tử.


2.1. Quy tắc thứ nhất
Ở cùng một bậc quan hệ đề - thuyết, thì, mà, là được dùng không hạn chế về số
lượng, nhưng thường không quá bốn lần. Xem xét các câu dưới đây:
23) Hàng rong, bồi, bếp, phu xe, ăn mày, những người ấy chỉ sau khi thầy
cảnh sát đã cắm đầu đạp xe khỏi phố thì mới đái đường, thì mới đánh nhau, chửi
nhau... (VTP: SĐ)
24) Dò mãi mới biết rằng tên của vợ ông là Văn, của ông là Minh thì ông đặt
ngay là Văn Minh, tên vợ ở trên tên ông, tên ông đội dưới, cho nó có vẻ nịnh đầm.
(VTP: SĐ)
25) Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa. (TN)
26) Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa. (TN)

2.2. Quy tắc thứ hai
Ở hai bậc quan hệ đề - thuyết gián cách, thì, mà, là cũng có thể được dùng
nhiều lần. Xem xét câu sau đây:
27) Trẻ con mà cứ chụp ảnh là một, khai sinh là hai, là chúa độc đấy. (NCH: BĐC)


2.3. Quy tắc thứ ba
Ở hai bậc đề - thuyết kế cận nhau, thì, mà, là hoặc là chỉ được dùng phân giới
kết cấu đề - thuyết bậc trên, hoặc là chỉ được dùng phân giới kết cấu đề - thuyết bậc
dưới. Chẳng hạn như các câu sau:
28) Mồng bốn cá đi ăn thề.
Mồng tám cá về cá vượt vũ môn. (TN)
Trong câu này chúng ta có thể dùng thì để kiểm tra biên giới đề - thuyết của 2
bậc quan hệ khác nhau.
Cách kiểm tra thứ nhất là chúng ta đưa thì vào kiểm tra biên giới đề - thuyết
bậc câu.
Mồng bốn (thì) cá đi ăn thề.
Mồng tám (thì) cá về cá vượt vũ môn. (+)
Cách kiểm tra thứ hai là chúng ta đưa thì vào kiểm tra biên giới đề - thuyết bậc
tiểu cú.
Mồng bốn cá (thì) đi ăn thề.


Mồng tám cá (thì) về cá vượt vũ môn. (+)
Tuy nhiên chúng ta không thể đưa thì vào hai vị trí cùng lúc được.
Mồng bốn (thì) cá (thì) đi ăn thề.
Mồng tám (thì) cá (thì) về cá vượt vũ môn. (-)
Chúng ta xem tiếp câu dưới đây:
29) Ai ơi chớ vội cười nhau
Cười người hôm trước, hôm sau người cười. (CD)
Chúng ta có 2 vị trí đứa thì vào câu. Thứ nhất là:
Ai ơi chớ vội cười nhau
Cười người hôm trước, (thì) hôm sau người cười. (+)
Thứ hai là:
Ai ơi chớ vội cười nhau
Cười người hôm trước, hôm sau (thì) người cười. (+)

Tuy nhiên ta không thể đưa thì vào 2 vị trí cùng lúc.
Ai ơi chớ vội cười nhau
Cười người hôm trước, (thì) hôm sau (thì) người cười. (-)
Thực tế, cũng xuất hiện rất ít những trường hợp không theo quy tắc này. Mà
theo Chim Văn Bé, đó là câu mở đầu bằng đề tình thái thôi đặt trước thì (= thôi thì), có
xu hướng cố định hoá. Hay là là trong đề tình thái đã được thành ngữ hoá chả là, nhất
là đi với là phân giới đề - thuyết bậc dưới kế cận.

8. Cách dùng tác tử thì
3.1. Bắt buộc dùng thì
3.1.1. Bắt buộc dùng thì trong kiểu câu có đề là đề khung, mà nếu vắng thì cấu
trúc đề - thuyết không rõ ràng, dễ bị lẫn lộn với kiểu cấu trúc khác, có nội dung biểu
đạt khác hoặc cấu trúc đề - thuyết sẽ khó nhận diện.
3.1.2. Thì được dùng bắt buộc trong kiểu câu ngắn và kiểu câu tục ngữ có dạng
cô đúc, gồm ba từ. Kiểu câu này có đề là đề khung.
3.1.3. Câu có đề là đề tài, thuyết lại ngắn, biên giới đề - thuyết khó nhận diện,
thì thì cũng được dùng bắt buộc.


3.1.4. Bắt buộc dùng thì khi câu có phần thuyết biểu đạt nội dung tình thái, đã
được thành ngữ hoá, tiểu biểu như: thì thôi, thì chết, thì nguy, thì khốn, thì phải biết,
thì đâu đến nỗi, thì hết chỗ nói, thì hết xẩy, thì bỏ mẹ,.v.v.
3.1.5. Thì cũng được dùng bắt buộc ở đầu câu và cuối câu như sau: dùng thì
đầu câu khi phần đề đã bị tỉnh lược dựa vào ngôn cảnh hay tình huống và dùng thì ở
cuối câu, khi thuyết bị bỏ lửng vì một lí do nào đó.
Sau đây là một số câu minh hoạ cho cách dùng bắt buộc của thì:
30) Một cô đầm đi vào buồng thay quần áo thì Xuân cũng biến mất. (VTP: SĐ)
28) Trước kia bàn mãi không ra, nhưng bây giờ thì cái gì cũng cụ thể, cũng có
thể hình dung được. (NK: MCĐ)
29) - Hai hào! Hai hào một lá, có bằng lòng thì.... (VTP: SĐ)


3.2. Không bắt buộc dùng thì
3.2.1. Không bắt buộc dùng thì để đánh dấu đề hay thuyết và phân giới đề thuyết khi biên giới đề - thuyết đã rõ ràng, nhờ đề mang tính xác định, hay khi đề mang
tính chất đối sánh.
3.2.2. Không bắt buộc dùng thì khi câu có đề khung là đại từ hồi chiếu thế, vậy
thay thế cho sự tình nào đó đã được nói đến.
3.2.3. Hay là trong các câu tục ngữ được cấu tạo bằng hai vế đối xứng nhau, thì
cũng không bắt buộc dùng.
Các câu sau đây có thì không bắt buộc dùng. Chúng tôi thêm tác tử thì trong
ngoặc.
30) Ông cụ (thì) tỉnh cơn ngủ gật tức khắc, lôi ngay cái bút lông gài ở tai
xuống nhanh nhẹn chẳng kém những thầy cảnh sát lúc biên phạt. (VTP: SĐ)
31) - Bẩm ngài, dù là xấu, dù là chẳng may, thì mọc sừng cũng là chịu thiệt
hại. Vậy (thì) ngài định mọc sừng cũng là chịu thiệt hại. Vậy (thì) ngài định đền bù tôi
ra làm sao? (VTP: SĐ)
Ngoài các trường hợp bắt buộc và không bắt buộc dùng thì nêu trên, thì khi đề
của câu, cú xác định và không mang tính đối sánh, thì chúng ta không thể dùng thì.


Ngoài ra thì còn được dùng với chức năng khác, đó là: thì là kết từ, làm chuyển
ngữ của câu (một loại thành phần phụ của câu), hay thì kết hợp với rồi, tạo thành tổ
hợp rồi thì, được dùng ở đầu câu, cú, khi đó thì là chuyển ngữ.

9. Cách dùng tác tử là
4.1. Bắt buộc dùng là
4.1.1. Bắt buộc dùng là trong câu luận định. Bao gồm các kiểu câu: câu định
tính, câu định lượng, câu định vị, câu đẳng thức, câu trùng ngôn.
4.1.2. Trong kiểu câu có thuyết là ngữ đoạn phi vị từ tính như giới ngữ, tiểu cú,
tiểu cú có kết từ đứng trước (có chuyển tố tiền đính), danh ngữ xác định, từ trực chiếu,
đại từ hồi chiếu, khứ chiếu...

4.1.3. Bắt buộc dùng là khi người nói muốn nhấn mạnh nội dung biểu đạt của
phần thuyết hay nhấn mạnh cả sự tình trong mối quan hệ đối sánh với sự tình khác đã
nêu ra hay được tiền giả định, thì là được dùng phối hợp với phó từ có ý nghĩa hạn
định chỉ, mới: chỉ là, chỉ...là, mới là.
4.1.4. Trong kiểu câu phản bác - cải chính mang tính chất đối thoại hay độc
thoại, thì là được dùng bắt buộc.
4.1.5. Bắt buộc dùng là trong kiểu câu có phần thuyết biểu đạt tình thái, được
thành ngữ hoá, tiêu biểu là một số tổ hợp: là may, là phúc, là giỏi, là cùng, là cái chắc,
là khác, là được,...
4.1.6. Là được dùng bắt buộc ở đầu câu, khi đề tài của câu hay đề tài tiểu cú
làm đề khung của câu bị tỉnh lược dựa vào ngôn cảnh hay tình huống. Trong cách
dùng này, là có thể được thay thế bằng nghĩa là.
4.1.7. Hay là được dùng ở cuối câu khi phần thuyết bị bỏ lửng vì một lí do nào
đó.
Sau đây là một số câu là được dùng bắt buộc:
32) Anh Hoàng là một nhà văn, nhưng đồng thời cũng là một tay chợ đen rất
tài tình. (NC: ĐM)
33) Chỉ có vợ chồng Văn Minh là biết rõ sự thật. (VTP: SĐ)
34) - Bẩm tương lai là mai sau, chứ có phải ngay lúc ấy đâu? (VTP: SĐ)


4.2. Không bắt buộc dùng là
4.2.1. Không bắt buộc dùng là trong các kiểu câu định luận có phần thuyết giải
thích nguồn gốc, nguyên nhân, quyền sở hữu, thời gian, nguyên nhân...của sự vật được
nêu trong phần đề.
4.2.2. Trong những tục ngữ có cấu trúc đối sánh nhịp nhàng thì là được dùng
không bắt buộc.
Xem xét các câu sau, là không bắt buộc phải dùng:
35) Ăn (là) ra trần, mần (là) vô áo. (TN)
36) Cầu cao (là) ván yếu. Ngựa chạy (là) tứ linh. (TN)

Ngoài các trường hợp nêu trên về cách dùng bắt buộc và không bắt buộc, thì là
còn thực hiện một số chức năng khác như: đánh dấu quan hệ chính - phụ; đặt sau từ
chỉ mức độ hay số lượng; dùng ở cuối câu cảm thán có thuyết là từ láy... Khi đó là
không có chức năng phân giới đề - thuyết. Và ngoài ra, là có khả năng kết hợp đa dạng
với các yếu tố khác tạo thành một số tổ hợp có xu hướng cố định hoá được dùng trong
câu.

10. Cách dùng tác tử mà
5.1. Bắt buộc dùng mà
5.1.1. Bắt buộc dùng mà khi đề và thuyết có mối quan hệ bất thường về mặt lô
gích theo sự nhìn nhận của người nói.
5.1.2. Bắt buộc dùng mà đánh dấu thuyết và phân chia biên giới đề - thuyết các
bậc, khi đề là đề khung nêu điều kiện, và quan hệ đề - thuyết mang tính chất nghịch
thường về mặt lô gích theo sự nhìn nhận chủ quan của người nói.
5.1.3. Mà được dùng bắt buộc đánh dấu đề tiểu cú và phân giới đề - thuyết tiểu
cú làm đề khung chỉ điều kiện trong kiểu câu mà nếu vắng mà, đề khung sẽ trở thành
đề tài.
5.1.4. Khi đề tài là đại từ phiếm chỉ ai hay danh ngữ phiếm định, và phần
thuyết không có phó từ lại biểu thị sự bất thường làm yếu tố đánh dấu phụ trợ, thì mà
được dùng bắt buộc đánh dấu phần đề và phân chia biên giới đề - thuyết các bậc.
5.1.5. Trong kiểu câu phủ định - phản bác có sắc thái cảm xúc mạnh thì mà
cũng được dùng bắt buộc.


Các câu sau có tác tử mà dùng bắt buộc để đánh dấu và phân chia biên giới đề thuyết các bậc:
37) - Quần với áo mà đến thế thì chả còn... che đậy gì được mấy tí. (VTP: SĐ)
38) Tôi mà dại thì cả cái xóm Am này phải ngu như con bò. (TH: BNK)
39) Ai mà lấy thúng úp voi
(Úp sao cho khỏi lòi vòi, lòi đuôi) (CD)
40) Ai mà quyết chí tu hành.

(Có đi Yên Tử mới đành lòng tu) (CD)
41) Tôi mà làm thành công ấy a! (TH: BNK)

5.2. Không bắt buộc dùng mà
5.2.1. Khi đề là đại từ phiếm chỉ ai hay danh ngữ phiếm định và phần thuyết có
phó từ lại biểu thị sự bất thường làm yếu tố đánh dấu phụ trợ thì mà không bắt buộc
dùng.
5.2.2. Không bắt buộc dùng mà để đánh dấu thuyết và phân giới đề - thuyết
tiểu cú làm đề khung chỉ điều kiện của câu.
5.2.3. Mà cũng không bắt buộc đánh dấu đề tiểu cú và phân giới đề - thuyết
làm tiểu cú làm thuyết của câu.
Xem câu dưới đây có mà không bắt buộc dùng.
Cái kiến mầy ở trong nhà
42) Tao (mà) đóng cửa lại mày ra đàng nào? (CD)
Ngoài ra, mà còn có các chức năng khác ngoài các chức năng nêu trên. Mà có
thể được dùng với chức năng đánh dấu quan hệ chính - phụ hay đẳng lập trong một số
tổ hợp là danh ngữ, hoặc là kết nối đề, thuyết, hay cú có quan hệ đẳng lập....v/v. Và mà
cũng có khả năng kết hợp với một số yếu tố tạo thành tổ hợp mang tính chất cố định,
và tuỳ trường hợp mà mà được dùng khác nhau.


IV. CÁC YẾU TỐ PHỤ TRỢ ĐÁNH DẤU THÊM PHẦN ĐỀ,
PHẦN THUYẾT, PHÂN GIỚI VÀ ĐÁNH DẤU ĐỀ - THUYẾT
Ngoài các yếu tố chuyên dùng để đánh dấu và phân giới đề - thuyết nêu trên,
Chim Văn Bé còn nêu ra các yếu tố sau có chức năng phụ trợ đánh dấu phần đề, phần
thuyết, phân chia biên giới đề - thuyết.

6. Các yếu tố phụ trợ đánh dấu thêm đề tài
Bao gồm các đại từ hồi chiếu và từ trực chiếu (này, ấy, đó, nọ, kia), đại từ nhân
xưng ngôi thứ ba (nó, hắn, họ, người ta).


7. Các yếu tố phụ trợ đánh dấu thêm đề khung
Các yếu tố phụ trợ đánh dấu thêm đề khung chỉ điều kiện bao gồm các yếu tố
là một số kết từ như nếu, hễ, giá, ví, dẫu,... Và các yếu tố phụ trợ đánh dấu thêm đề
khung chỉ thời gian, không gian bao gồm một số danh từ chỉ thời gian, không gian như
sáng, chiều, hôm, ngày, đêm,... nơi, chỗ, chốn.

8. Các yếu tố phụ trợ đánh dấu thêm phần thuyết, bao gồm các vị từ
tình thái
3.1. Nhóm liền, bèn, lập tức, tức khắc, tức thì (tức thời): đặt trước ngữ vị từ
biểu thị hành động nào đó.
3.2. Nhóm ắt, khắc, tất (tất nhiên), chắc chắn, chắc hẳn: mở đầu phần thuyết,
nêu lên tính tất yếu của hành động, quá trình nào đó.
3.3. Nhóm đích, hẳn, rõ, thật (thực, thiệt), đích thực: mở đầu phần thuyết,
khẳng định tính chân thực của hành động, quá trình, tính chất,...
3.4. Nhóm chợt, sực, bỗng, bỗng dưng, bỗng nhiên, đột nhiên, (bất) thình lình:
nêu lên trạng huống bất ngờ của hành động, quá trình,...
3.5. Nhóm chực, suýt

9. Các phó từ dùng để đánh dấu phần thuyết
4.1. Phó từ cầu khiến hãy (hẫng), đừng, chớ, nên, khoan, chớ nên, hãy khoan:
biểu thị mệnh lệnh, yêu cầu hay lời khuyên nhủ thực hiện hay không thực hiện một
hành động, quá trình nào đó.
4.2. Phó từ mức độ hơi, khá (khí), rất, cực kì, tối, tuyệt: biểu thị mức độ của
tính chất, trạng thái, tư thế.


4.3. Phó từ hạn định mới.

10. Các yếu tố phụ trợ phân giới và đánh dấu đề - thuyết

5.1. Các cặp đại từ phiếm định – xác định hô ứng với nhau: gì - nấy/ấy; ai nấy/ấy; nào - nấy/ấy; sao - vậy; đâu - đấy/đó; ở đâu - ở đấy; đến đâu - đến đấy; thế
nào - thế ấy; bao nhiêu - bấy nhiêu; bao giờ - bấy giờ.
5.2. Các đại từ phiếm định kết hợp sóng đôi với phó từ cũng: ai, gì, nào, sao,
bao giờ, bao nhiêu,...
5.3. Các cặp phó từ hô ứng với nhau: có - mới; mới – đã; vừa – đã; chưa – đã;
đang (đương) - lại; đã - lại; không/chẳng – cũng; càng – càng; mỗi - mỗi/một.

V. ĐỀ TÌNH THÁI VÀ THUYẾT TÌNH THÁI
6.

Khái niệm đề tình thái

Theo Giáo trình ngữ pháp học chức năng tiếng Việt: Cú pháp học thì: “Đề tình
thái là loại đề nêu lên sự nhìn nhận, đánh giá chủ quan của người nói về sự tình hay
sở thuyết được nêu tiếp theo.” [1; tr. 133]
Đề tình thái có thể thuộc nhiều bậc: câu, cú, tiểu cú. Đề tình thái cũng có thể
được phân giới với phần còn lại bằng các tác tử thì, là, mà.
Cao Xuân Hạo gọi đây là “yếu tố tình thái” và ông đã nêu ra một số cách dùng
thì và là để đánh dấu “yếu tố tình thái”. Còn Chim Văn Bé thì đưa ra một số cách dùng
để phân giới đề tình thái của các tác tử. Chúng tôi thấy rằng cách miêu tả các nội dung
tình thái mà tác tử đánh dấu của Chim Văn Bé có sức thuyết phục và khái quát hơn
Cao Xuân Hạo. Những nội dung tình thái mà Chim Văn Bé nêu ra phong phú và đa
dạng. Vì thế, chúng tôi chọn hệ thống phân loại của Chim Văn Bé về cách dùng của
các tác tử khi đánh dấu đề tình thái và thuyết tình thái.

7. Chức năng phân giới đề tình thái của các tác tử chuyên dùng
2.1. Đề tình thái được đánh dấu bằng thì
2.1.1. Giới hạn giá trị chân thực của sự tình được nêu tiếp theo vào một góc nhìn
nào đó, có thể là người nói hay người khác. Nếu gọi x là góc nhìn, thì nội dung tình
thái này được biểu đạt bằng các dạng thức: theo x, theo ý x, theo suy nghĩ của x, theo

tin x, theo lời x, đối với x, với x (thì),...
43) Theo ông ấy, thì đàn bà ai cũng phải là thị này, thị nọ. (NC: ĐM)


2.1.2. Cải chính điều được nêu tiếp theo mới là chân thực, chính xác so với nhận
định hay sự tình nào đó đã được đưa ra, hay được xem như tiền giả định. Các dạng
thức biểu đạt: sự thật, thật sự, thật ra, kể, kể ra, xem ra, nói đúng hơn, nói cho đúng
(thì),...
44) Sự thật thì thằng bé chẳng sao cả! (VTP: SĐ)
2.1.3. Nhận định sự tình hay sở thuyết được nêu tiếp theo mới là hợp lí, hợp lẽ
thường, nhưng nó đã không xảy ra. Dạnh thức biểu đạt: lẽ ra, lí ra, đáng ra, đáng lí,
đúng ra, đúng lí ra, đáng lẽ, đáng lẽ ra (thì),...
45) Đáng lẽ phải là một ngưòi thợ thì sư thầy lại đã đi tu. (NT: CĐ)
2.1.4. Nhận định sự tình được nêu tiếp theo là điều tất nhiên, không thể khác đi.
Dạng thức biểu đạt rất đa dạng:
Thế nào (thì) ... cũng..., bất luận thế nào (thì) ... (cũng)...
Dù sao/dẫu sao (thì) ... , dù thế nào (đi nữa) (thì) ... cũng/vẫn...
Đàng nào (thì) ... cũng... , trước sau/trước sau gì (thì) ... cũng ...
Sớm muộn/sớm muộn gì (thì) ... cũng ...
Chẳng chóng thì chầy, chẳng sớm thì muộn, nói gì thì nói, gì thì gì,...
46) Dù sao thì việc cũng đã xẩy ra rồi. (VTP: SĐ)
2.1.5. Nhận định sự tình được nêu tiếp theo là kết quả, khả năng tối đa hay kết
quả, khả năng cùng cực. Dạng thức biểu đạt: may ra, may lắm, quá lắm, giỏi lắm, cao
lắm, hết mức, bất quá, cùng lắm, nói cho cùng (thì),...
47) May ra, để anh đèo mày.(BN: NBCT)
2.1.6. Nhận định sự tình được nêu tiếp theo là có cơ may hay nguy cơ xảy ra,
nhưng đã không xảy ra, và điều đó được xem là may mắn hay rủi ro. Dạng thức biểu
đạt: suýt nữa, suýt chút nữa, tí nữa, một tí nữa, thiếu (một) chút nữa (thì),...
48) Suýt nữa thì con cá chuối lọt lưới. (TH: BNK)
2.1.7. Nhìn nhận sự tình được nêu tiếp theo là tích cực hay tiêu cực so với sự tình

được xem là tích cực hay tiêu cực. Dạng thức biểu đạt: đàng này (thì)...
49) Trong bóng đá, liên đoàn và các đội bóng phải gần gũi nhau và có tác động
hỗ tương như môi và răng. Đàng này thì vì “phần” VFF mang tài trợ về mà buộc các


CLB phải chấm dứt hợp đồng (cũng là làm ăn và là chiến lược phát triển kinh tế của
các CLB), rõ ràng VFF chỉ nghĩ cho phần mình và quyền lợi của mình. (BBĐ)
2.1.8. Biểu thị thái độ chấp nhận sự tình được nêu tiếp theo một cách miễn cưỡng,
ngoài ý muốn. Dạng thức biểu đạt: thôi thì...
50) Thôi thì cũng đành. (BN: NBCT)
2.1.9. Đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá sự tình được nêu tiếp theo. Các dạng thức
biểu đạt: nhìn chung, nói chung, nói nôm na, suy cho cùng, xét cho cùng, về cơ bản, về
đại thể (thì),...
51) Nói chung những kẻ yếu bóng vía rất khó sống ở đây. (BN: NBCT)

2.2. Đề tình thái được phân giới bằng mà
2.2.1. Đánh giá sự tình hay sở thuyết được nêu tiếp theo là điều may mắn xét
trong mối quan hệ với tình huống. Các dạng thức biểu đạt thường gặp: may, cũng may,
may sao (mà).
52) May mà vẫn đi giầy sẵn và chưa mắc màn! (LL: TXV)
2.2.2. Phỏng đoán về tính khả năng của sự tình được nêu tiếp theo, và đánh giá đó
là điều tích cực hay tiêu cực xét trong mối quan hệ với tình huống. Các dạng thức biểu
đạt: may ra, chẳng may, chẳng may ra, lỡ, nhỡ, ngộ nhỡ, nhỡ ra, rủi, kẻo, khéo, không
khéo, khéo không (mà),...
53) Khéo không mà có ai biết thì chết! (VTP: SĐ)
2.2.3. Nêu lên sự hoài nghi về tính chân thực của sự tình hay sở thuyết được nêu
tiếp theo. Dạng thức biểu đạt: lẽ nào, có lẽ nào, có lí nào (mà),...
54) Lẽ nào cậu ta phải hứng chịu tất cả những lời lẽ cay độc xỉ vả nặng nề của
Hương? (LL: TXV)
2.2.4. Phủ định tính hợp lí của sự tình hay sở thuyết được nêu tiếp theo. Dạng

thức biểu đạt: hơi đâu, cớ chi, hà cớ chi, can chi (mà),...
55) Hơi đâu mà lo trước? (NC: BHQN)
2.2.5. Khẳng định sở thuyết hay sự tình được nêu tiếp theo là chân thực hay là
khả năng cùng cực. Dạng thức biểu đạt: có mà, được thành ngữ hoá.


56) (- Làm gì có nhiều mật mà ngọt). Có mà ăn cho no bụng là phúc rồi.
(NC:NG)
2.2.6. Phủ định tính chân thực của sự tình hay sở thuyết được nêu tiếp theo. Dạng
thức biểu đạt: dễ gì, làm sao, làm gì, biết đâu, biết thế nào, chẳng biết thế nào, chẳng
biết đâu, đời nào, mấy đời, có đời nào, chả đời nào, chẳng đời nào, không đời nào,
không khi nào, có khi nào, chưa bao giờ, không bao giờ, chả bao giờ, chẳng bao giờ,
có bao giờ (mà),...
57) Biết đâu mà chọn giàu sang
Biết đâu mà chọn những trang anh hùng. (CD)
2.2.7. Nhận định sự tình nêu ra tiếp theo là không rõ lí do hay nguyên do nào đó.
Các dạng thức biểu đạt: khi không, bỗng không, tự dưng, bỗng dưng, tự nhiên, không
hiểu sao, không hiểu tại sao, chẳng hiểu vì sao, không dưng, không phải ngẫu nhiên
(mà),...
(Có làm thì mới có ăn)
58) Không dưng ai dễ mang phần tới cho. (CD)
2.2.8. Nhận định sự tình được nêu tiếp theo là một phát hiện tình cờ, nhờ biết
được nguyên nhân của nó. Dạng thức biểu đạt: hèn chi, hèn gì, hèn nào, thảo nào
(mà),...
59) Hèn chi tụi lính bót nó mê cũng phải... (AĐ: HĐ)
2.2.9. Nhận định sự tình hay sở thuyết được nêu tiếp theo là không hợp lí, không
cần thiết phải thực hiện. Các dạng thức biểu đạt: tội gì, tội tình gì, dại gì, không dại gì,
không dại dột gì, việc gì, cần gì, hơi đâu, hơi sức đâu, can chi (mà),...
(Tới đây chiếu trải trầu mời,)
60) Can chi mà đứng giữa trời sương sa. (CD)

2.2.10. Giả định về tính hiện thực của sự tình hay sở thuyết được nêu tiếp theo,
kèm theo thái độ tiếc rẻ: phải chi (mà),...
61) Phải chi anh có cánh như chim,
(Bay lên đáp xuống đi tìm bạn xa) (CD)
2.2.11. Nhìn nhận sự tình hay sở thuyết được nêu tiếp theo là điều tuỳ nghi, tuỳ
thích thực hiện, không bị hạn chế. Các dạng thức biểu đạt: tha hồ, mặc sức (mà),...


×