Tải bản đầy đủ (.pdf) (106 trang)

Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn (LV00925)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (972.77 KB, 106 trang )

1

LỜI CẢM ƠN
Trước hết tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện,
người đã tận tình hướng dẫn, động viên giúp đỡ tôi trong suốt thời gian
nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy cô trong tổ
Lý luận văn học, các cán bộ Phòng Sau đại học - Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội 2 đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học
tập và nghiên cứu.
Những lời cảm ơn sau cùng, tôi xin dành cho gia đình, bạn bè và
đồng nghiệp đã hết lòng quan tâm, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để
tôi hoàn thành luận văn này.
Hà Nội, tháng 6 năm 2013


2

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Văn xuôi Việt Nam hiện đại với rất nhiều cây bút đã thành danh và
để lại cho đời những kiệt tác bất hủ với nhiều phong cách khác nhau. Có
những nhà văn chọn cho mình một lối viết cá tính, sáng tạo, phóng khoáng,
mạnh mẽ về hình thức và sâu sắc, chi tiết, cặn kẽ về nội dung. Nhưng cũng có
những nhà văn lại chọn cho mình một lối sáng tác thâm trầm, suy tư, kín đáo,
nhẹ nhàng như thủ thỉ, như giãi bày cùng độc giả. Những trang viết của họ vô
cùng sâu sắc, tinh tế, Bùi Ngọc Tấn là một trong những nhà văn như vậy.
1.2. Bùi Ngọc Tấn sinh ngày 03 tháng 7 năm 1943. Quê thôn Cầu Tử Hợp Thành - Thủy Nguyên - Hải Phòng. Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi
Ngọc Tấn đi học tại Thái Nguyên. Năm 1954 ông đi thanh niên xung phong
rồi làm phóng viên báo Tiền Phong và bắt đầu viết văn. Năm 1960, Bùi Ngọc
Tấn làm phóng viên báo Hải Phòng. Cuộc đời cầm bút của ông từ lúc bắt đầu


viết cho đến nay đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị mặc dù trong chiều dọc
của nghề viết có thời gian ông đã gặp trắc trở. Bùi Ngọc Tấn được xem là một
nhà văn kỳ cựu có nhiều thành tựu. Bên cạnh Chuyện kể năm 2000 (tiểu
thuyết 2000) ra đời gây nhiều tranh luận thì Bùi Ngọc Tấn còn có rất nhiều
các tác phẩm được khẳng định như: Một thời để mất (hồi ký 1995); Những
người rách việc (truyện ngắn 1996); Rừng xưa xanh lá (chân dung văn học
2002); Viết về bạn bè (tập Chân dung văn học 2003); Người gác đèn biển
(truyện ký 1962)… Đặc biệt là Biển và chim bói cá (tiểu thuyết 2008), tác
phẩm đã đoạt giải thưởng lớn trong liên hoan quốc tế về Sách và biển tại Pháp
vào tháng 4 năm 2012. Bùi Ngọc Tấn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội
viên danh dự Hội Văn bút Quốc tế; Hội viên danh dự Hội Văn bút Canađa.
Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học cao quý của: Tạp chí Văn nghệ;


3

Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Bộ Văn hóa; Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt
Nam; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng; giải thưởng Hội Nhà văn.
Văn xuôi Bùi Ngọc Tấn có sức lôi cuốn người đọc một cách kỳ lạ. Mỗi
tác phẩm của ông giống như một bộ phim quay chậm, quay tỉ mỉ hiện thực
cuộc sống. Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn đã làm cho
những trang văn của ông như cũng có tâm trạng cùng nhân loại với những số
phận, cuộc đời, với những nhân tình thế thái. Người đọc khi tiếp cận tác phẩm
của ông luôn luôn phải trăn trở, suy ngẫm và như tìm thấy chính mình trong
đó. Bùi Ngọc Tấn với cách viết dung dị, chi tiết, chân thật, khách quan đã
đóng góp cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thêm một tầm vóc mới, tự tin
đứng ngang hàng với bạn bè quốc tế.
1.3. Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn lão thành, có nhiều thành tựu lớn
trong đời viết của mình. Nghiệp văn chương như một định mệnh đã đeo đuổi
suốt cuộc đời ông. Lặn lội trên đường đời khắc nghiệt với những cay đắng,

ngọt bùi đã làm nên một Bùi Ngọc Tấn đầy bản lĩnh, đủ sức chống trọi với
những cơn cuồng phong của cuộc sống đầy xô bồ, hỗn tạp. Niềm đam mê viết
văn đã len vào từng huyết mạch của ông, đã có lúc ông tưởng như gục ngã,
"bẻ bút", "đoạn tuyệt hẳn " với bút mực, với văn chương nhưng niềm đam mê
viết đã thôi thúc ông trở lại mạnh mẽ, quả quyết, bản lĩnh và chín hơn. Ông đã
từng thổ lộ trong trang bìa của tiểu thuyết Biển và chim bói cá: "Thế hệ chúng
tôi đã chứng kiến biết bao biến động của lịch sử. Một thế hệ nhiều năm rồi
nằm trong tầm bắn tỉa của Thần Chết, đang biến mất khỏi hành tinh này
không để lại một vết xước nào. Tôi chỉ muốn thật trung thực trong khi viết để
góp phần vào việc lưu giữ ký ức của Dân tộc"; và ông nhận là "người thư ký,
là người chép sử của thời đại".
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn có thể xem như một hiện tượng văn học đáng
chú ý trong nền văn học hiện đại Việt Nam những năm sau 1975. Niềm say
mê viết của ông đã được nhiều đồng nghiệp nhìn nhận và đánh giá, khẳng


4

định chỗ đứng của ông trong văn đàn Việt Nam nói riêng và thế giới nói
chung.
Mặc dù, trong suốt chiều dọc của cuộc đời mình, đã có một khoảng thời
gian ngắn Bùi Ngọc Tấn gặp trắc trở, lận đận trong nghề viết vì quan điểm tư
tưởng của mỗi một giai đoạn lịch sử xã hội, nên cái nhìn về ông có sự hiểu
lầm. Nhưng không vì thế mà hình ảnh Bùi Ngọc Tấn nhanh chóng bị chôn vùi
cùng năm tháng, ngược lại ông vẫn còn có nhiều, rất nhiều bạn bè đồng
nghiệp hiểu và đánh giá đúng bản chất con người ông, đặc biệt là con người
văn chương trong trái tim nhà văn. Đã có rất nhiều các bài viết, phê bình,
nghiên cứu về các sáng tác của Bùi Ngọc Tấn trong một khoảng thời gian khá
dài, từ những năm 2000 trở lại đây. Đó là những bài viết của các tác giả:
Dương Tường, Vân Long, Phong Hằng, Trần Đức Hiển, Thanh Vân, Khánh

Phương… Điều này phần nào nói lên được cho dù có gặp không may mắn, có
sự hiểu lầm… nhưng tầm ảnh hưởng và vai trò của những tác phẩm văn
chương mà nhà văn Bùi Ngọc Tấn mang đến cho cuộc đời này đã được đón
nhận và ghi nhận, đã được lưu giữ cùng thời gian.
Bài viết của tác giả Dương Tường trong Chỉ tại con chích chòe (tạp
luận - 2009) với nhan đề "Bùi Ngọc Tấn và hóa học của nhân bản" đã khám
phá về một Bùi Ngọc Tấn ngồn ngộn chất sống với những trải nghiệm, hội
nhập, đồng hóa với tất cả các hạng người trong xã hội khi họ phải đối mặt với
những trầm luân của nhân sinh. Tác giả Dương Tường nhận ra trong tầng sâu
bản chất con người Bùi Ngọc Tấn một bản lĩnh, một sự nỗ lực vươn lên, đã
nhìn thấy Bùi Ngọc Tấn vượt ra khỏi sự cầm tù của nỗi đau, để bắt đầu có
những tín hiệu của một sự khởi đầu mới. Nhà văn cho rằng: "Những năm
tháng hoạn nạn - theo quy luật bù trừ của tạo hóa? - đã tạo cho Bùi Ngọc Tấn
hội nhập, thậm chí đồng hóa, vào môi trường dưới đáy, giàu thêm bao trải
nghiệm trên mọi cung bậc trầm luân của nhân sinh…".


5

Tác giả Vân Long với bài viết Hiện thực Bùi Ngọc Tấn trong Những
người rót biển vào chai (chân dung văn học), Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
2010 đánh giá và nhìn nhận Bùi Ngọc Tấn là một trong những nhà văn "bản
lĩnh" hơn cả. Nhà văn Vân Long nhìn nhận sự trở lại văn đàn của Bùi Ngọc
Tấn như sau: "Sau thời gian im lặng, ngòi bút hiện thực của anh được nâng
cao hẳn lên một mức của sự tinh xác, độ lượng và hóm hỉnh một cách "ma
quái"… sự trải nghiệm đời những năm im lặng làm anh sâu sắc hơn, chân
thiện hơn!". Tác giả bài viết đánh giá, trong nghiệp viết của mình, chưa bao
giờ Bùi Ngọc Tấn rời xa bút pháp hiện thực, thậm chí ông còn đằm mình sâu
hơn vào lòng của hiện thực để trải nghiệm và viết.
Báo Trong đời sống hôm nay, số 197, tháng 5 năm 2012, tác giả Trần

Đức Hiển có bài viết: “Một ngày vui với nhà văn Bùi Ngọc Tấn’’ đã đánh giá
Bùi Ngọc Tấn là một con người cởi mở, dễ gần, không có dấu ấn của một
người đã phải chịu nhiều những thăng trầm, đã mất mát trong đời sống tinh
thần. Sau hơn 20 năm "ngủ yên" (1968-1995), Bùi Ngọc Tấn đã "bừng tỉnh"
và liên tục cho ra đời các tác phẩm gây được nhiều sự chú ý của người đọc
như: Một thời để mất, Những người rách việc, Rừng xưa xanh lá… Bùi Ngọc
Tấn đã được trả về đúng với vị trí của ông trên văn đàn. Các giải thưởng của
Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bộ Văn hóa, Nhà xuất bản Hội
Nhà văn… đặc biệt là tiểu thuyết Biển và chim bói cá xuất bản năm 2008,
dịch ra tiếng Pháp và đoạt giải thưởng danh giá mang tên nhà văn Pháp nổi
tiếng Henri-Queffélec trong liên hoan quốc tế Sách và biển đã chứng minh
điều đó. Hơn thế nữa, Bùi Ngọc Tấn còn là Hội viên danh dự Hội Văn bút
Quốc tế và Hội Văn bút Canađa.
Các bài viết khác của các tác giả Vân Long; Phong Hằng; Thanh Vân;
Dương Hướng… về Bùi Ngọc Tấn trong khoảng thời gian mười năm gần đây
đều đi chung vào một nhận định ông chính là người thư ký trung thành của


6

thời đại. Với lối viết dung dị, tỉ mỉ, Bùi Ngọc Tấn cần mẫn, lặng lẽ như con
ong chắt lọc những giọt mật cho đời, cho dù có những giọt mật đắng.
Tuy nhiên, những bài viết, nghiên cứu, tìm hiểu về các sáng tác của Bùi
Ngọc Tấn mới chỉ dừng lại ở cái nhìn, đánh giá tổng thể, khái quát chung về
đời viết của ông. Hiện nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu về Bùi Ngọc
Tấn và những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà, đặc biệt là ở thể
loại tiểu thuyết còn là khoảng đất trống. Vì vậy, chúng tôi đã chọn đề tài
nghiên cứu: Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi
Ngọc Tấn. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên tập trung phân tích nghệ
thuật tự sự trong cuốn tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn.

Chọn đề tài này, chúng tôi mong muốn có thêm tiếng nói của những người
yêu mến văn chương khẳng định những đóng góp của Bùi Ngọc Tấn cho sự
phát triển của văn học dân tộc nói chung và tiểu thuyết Việt Nam hiện đại nói
riêng.
2. Mục đích nghiên cứu
Từ những lí do đã nêu ở trên, mục đích của luận văn nhằm đi sâu vào
tìm hiểu phương diện nghệ thuật tự sự, qua đó nhận diện được phong cách tự
sự của Bùi Ngọc Tấn. Chỉ ra được những đặc điểm về nghệ thuật tự sự thể
hiện trong các tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn nói chung, Biển và chim bói cá
nói riêng.
Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu tiểu thuyết Biển và chim bói cá để thấy
được những đóng góp tài năng của Bùi Ngọc Tấn đối với văn xuôi hiện đại
Việt Nam, cụ thể hơn là ở thể loại tiểu thuyết.
Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, luận văn không có tham vọng tìm
hiểu, nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong tập hợp nhiều tiểu thuyết của Bùi
Ngọc Tấn nên chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu nghệ thuật tự sự trong một cuốn
tiểu thuyết của ông đó là Biển và chim bói cá.


7

3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Thông qua việc đọc và tìm hiểu chi tiết tiểu thuyết Biển và chim bói cá
để làm rõ phong cách nghệ thuật tự sự độc đáo trong tiểu thuyết của Bùi Ngọc
Tấn nói chung cùng Biển và chim bói cá nói riêng.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn tập trung khảo sát chủ yếu tiểu thuyết Biển và chim bói cá
(Tiểu thuyết 2008).
4.2. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu văn học là một quá trình, cho nên để có cái nhìn và sự đánh
giá toàn diện, khách quan về văn phong độc đáo cũng như những sáng tạo
trong quá trình sáng tác của nhà văn, người viết có tham khảo so sánh tiểu
thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn với: Biển xa (tập truyện ngắn)
của Bùi Đức Ái, Đứng trước biển (tiểu thuyết) của Nguyễn Mạnh Tuấn.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để tiếp cận một tác phẩm văn chương có rất nhiều các con đường đến
khác nhau, tuy nhiên luận văn đã lựa chọn một số phương pháp phù hợp với
việc tìm hiểu nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá như:
- Phương pháp so sánh đối chiếu: Với bản thân các sáng tác của nhà
văn ở các thời điểm khác nhau. Với một số nhà văn khác cùng chung đề tài về
biển như: Bùi Đức Ái, Nguyễn Mạnh Tuấn…
- Phương pháp phân tích thống kê.
- Phương pháp tổng hợp.
6. Những đóng góp của luận văn
Đây là luận văn đầu tiên đặt ra vấn đề nghiên cứu nghệ thuật tự sự
trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn, để tiếp tục khẳng
định phong cách rất riêng, độc đáo của nhà văn ở thể loại tiểu thuyết. Qua


8

việc nghiên cứu này, người viết muốn làm rõ hơn sự đóng góp rất lớn của Bùi
Ngọc Tấn đối với sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
Vì đây là bài tiểu luận đầu tiên, nên trong quá trình nghiên cứu không
tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế, người viết mong được sự bổ sung, góp
ý của thầy cô và đồng nghiệp.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm ba chương:
Chương 1. Bức tranh đời sống xã hội trong tiểu thuyết Biển và chim

bói cá.
Chương 2. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá.
Chương 3. Đặc sắc trong kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, cốt truyện.


9

Chương 1
BỨC TRANH ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
TRONG TIỂU THUYẾT BIỂN VÀ CHIM BÓI CÁ
1.1. Đề tài về biển và những người lao động trên biển trong văn học Việt
Nam nửa cuối thế kỷ XX
Văn chương luôn là một tấm gương phản chiếu chính xác hiện thực
cuộc sống. Ở mỗi một giai đoạn lịch sử xã hội nhất định, bộ mặt của đời sống
sẽ có những nét khác nhau. Đất nước trải qua một thời gian dài đắm chìm
trong khói lửa của chiến tranh. Con người phải oằn mình, kiên cường đối mặt
với mất mát, đau thương để giành lại nụ cười rạng rỡ trong ngày độc lập.
Ngoảnh nhìn lại gần một thế kỷ, Tổ quốc phải chịu nhiều những đau đớn, đổ
nát bởi bom đạn, bởi thuốc súng. Giờ phút tự do như tia nắng mặt trời chiếu
rọi xuống làm ấm, sáng từng số phận, từng cuộc đời của mỗi người dân Việt
Nam. Cả nước vặn mình đứng lên, vượt qua những tổn thất, những đớn đau
nở nụ cười rạng rỡ đón chào một kỷ nguyên mới, cho dù phía trước còn muôn
vàn những thử thách, chông gai.
Sau nhiều năm tìm đường xây lại ngôi nhà bị đổ nát, Đất Nước đã có
những đổi thay nhất định. Như những bước chân của Phù Đổng năm xưa, cả
nước đứng lên quyết đem lại cho cuộc sống một tư thế mới. Tất cả các lĩnh
vực kinh tế được đánh thức, ầm ầm, sôi động, hăng hái vào cuộc, để vực lại
một dáng đứng tự tin, khang trang, sang trọng. Văn học chính là con mắt dõi
theo và truyền lại quá trình vặn mình đó của dân tộc. Như một người thư ký
trung thành, mỗi tác phẩm văn học của nhà văn đều ghi chép lại rất chi tiết,

chính xác từng bước đi của cuộc sống. Ở đó có niềm vui, có nỗi buồn, có nỗi
thất vọng của sự thất bại, có nụ cười của sự thành công, có đau đớn, chua chát
nhưng cũng có niềm hy vọng, lòng vững tin.
Bên cạnh rất nhiều đề tài để văn học ghi chép, phản ánh thì đề tài về
biển luôn là đối tượng được nhiều nhà văn quan tâm.


10

Một trong những chủ trương để đất nước có một nền kinh tế vững chắc,
đứng ngang hàng với bạn bè quốc tế trong khu vực chính là mô hình kinh tế
biển. Tuy nhiên, trong lăng kính của văn học nghệ thuật cuộc sống lao động
của những người công nhân gắn liền với biển cả lại rất sinh động với nhiều
gam màu, cung bậc khác nhau. Biển trong cái nhìn của người nghệ sĩ có rất
nhiều dáng hình, tính tình, vẻ đẹp. Trong thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Xuân
Quỳnh... biển đẹp, lãng mạn, thơ mộng, hiền hòa như sự ngọt ngào, đắm say
của tình yêu đôi lứa. Như một bài ca bất tận về vẻ đẹp chung thủy, ồn ào,
nồng cháy bởi các cung bậc của tình yêu. Nhưng biển cũng lại có một hình
hài khác, một tư thế khác khi gắn biển với nhịp thở của cuộc sống đời thường.
Cho nên đề tài về biển và cuộc sống của những người lao động trên biển trong
văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX xuất hiện khá sinh động. Điều này
giúp cho chúng ta có được cái nhìn từ nhiều góc độ khác nhau về biển, về
những người cả một đời song hành cùng với sóng nước mênh mông nơi đại
dương bao la.
1.1.1. Tập truyện ngắn Biển xa (1961) của Bùi Đức Ái
Hòa vào dòng chảy chung của văn học khi viết về xã hội Việt Nam
những năm cuối của thể kỷ XIX. Bùi Đức Ái cũng có một góc nhìn khá sinh
động về cuộc sống của những người lao động trên biển. Tập truyện ngắn Biển
xa ra đời năm 1961 lại là một sự cảm nhận mới rất riêng của tác giả dành cho
biển và những người lao động gắn với biển. Tập truyện bao gồm có mười

truyện cùng chung chủ đề: Chuyến lưới máu, Người đào hát, Về làng, Con
đường phía trước, Bức tranh để lại, Người gác đèn biển, Con cá song, Một
người chú ở Lộng Dương, Cứu thuyền, Chuyện riêng. Ở mỗi truyện là một
mảng sống đầy nhọc nhằn, lam lũ của những người dân chài.
Trong Chuyến lưới máu, Bùi Đức Ái viết về những số phận của người
lao động trong bối cảnh xã hội cũ. Tác giả thuật lại trong một chuyến đi biển,


11

vì ham một mẻ cá lớn, Tư Hưng là ông chủ của con thuyền đã không lỡ bỏ mẻ
cá để cho thuyền vào bờ kịp thời nhằm mục đích chữa trị cho một chú bé
đánh cá thuê có tên là Vọi. Vọi đã vì cố sức kéo một mẻ cá lớn nên bị gãy
chân. Cuối cùng, chú bé phải chấp nhận để mất đi vĩnh viễn một bên chân của
mình trên biển bởi vết thương đã quá lâu mà không được chạy chữa. Vì mưu
sinh, vì phải tiếp tục sống nên cho đến hết cả cuộc đời, Vọi sẽ phải làm thuê
trên đôi chân đi nạng của mình.
Cuộc sống của những người đi biển với muôn màu, ở mỗi gam màu lại
hiện lên một mảng màu sắc khác nhau, tạo nên bức tranh đa dạng sắc màu
trong đời sống dân chài. Ở truyện ngắn Cứu thuyền, nhà văn thuật lại quá
trình chuẩn bị đi cứu một chiếc thuyền bị nạn ở ngoài khơi của bà con một
làng đánh cá theo đạo. Trong câu chuyện này, tác giả vừa nêu lên tinh thần
hết lòng quan tâm, giúp đỡ, bao bọc lẫn nhau của bà con xứ đạo, đồng thời là
lời tố cáo vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của những tên trùm đạo rắp tâm
phá hoại cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà cụ thể ở đây là phản đối chủ
trương xây dựng hợp tác xã.
Đến truyện Người gác đèn biển, Bùi Đức Ái kể lại câu chuyện về một
người nghèo khổ, trôi dạt trên bãi biển và trở thành người gác đèn sống xa đất
liền mấy chục năm. Những năm tháng sống xa đất liền, sống xa ánh đèn và
âm thanh của thành phố, người gác đèn biển đã cứu sống một em nhỏ bị bão

làm đắm thuyền và nuôi nấng, cưu mang em nhỏ đó dần khôn lớn. Anh đã bỏ
qua quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mình, bỏ qua nhu cầu tất yếu
trong cuộc sống đời thường, không một mái ấm gia đình riêng chỉ vì ánh sáng
của cây đèn biển. Đứa trẻ được anh cứu sống và nuôi nấng đã trưởng thành,
người gác đèn lại một lần nữa gạt đi tình cảm gắn bó giữa hai ông cháu, đồng
ý cho đứa bé lên bờ để có điều kiện học hành và có một tương lai tốt đẹp hơn.
Người gác đèn biển lại tiếp tục trở về với cuộc sống lẻ bóng, cô đơn cùng với
cây đèn biển ngoài khơi cho đến lúc rời xa vĩnh viễn cuộc đời vì bệnh tật.


12

Hay trong Một người chú ở Lộng Dương, nhà văn Bùi Đức Ái khắc họa
tính cách một người đánh cá tên là Năm Hỏa. Bản chất Năm Hỏa là một
người tốt, nhưng ông phải chịu để cho một người bạn thân sỉ nhục là người
xấu, chỉ vì ông không chịu cho người bạn vay tiền mua lưới làm ăn cá thể.
Trong thâm tâm, ông muốn giúp bạn bằng cách đưa bạn vào tập đoàn đánh cá.
Truyện Con cá song được xem là tiêu biểu nhất trong Biển xa. Câu
chuyện kể lại cuộc đấu tranh giữa hai bố con của một người đánh cá. Trong
một chuyến đánh cá, chỉ vì lợi ích tư hữu nên người cha đã bán con cá song to
nhất trong mẻ lưới. Người cha cho rằng hành động đó của ông sẽ không có ai
biết và nghĩ rằng đó cũng là lẽ đương nhiên để bù lại cho những thiệt thòi của
ông. Mặc dù, đây là mẻ lưới chung của cả tập đoàn đánh cá. Anh con trai
không đồng ý, khuyên cha nếu đã bán thì hãy đem trả lại số tiền đó cho tập
đoàn. Câu chuyện kết thúc bằng hành động người cha đã làm theo sự khuyên
nhủ của anh con trai.
Có thể thấy rất rõ trong những câu chuyện trên, nhà văn Bùi Đức Ái
bằng việc khắc họa chân dung những con người lao động rất bình thường với
muôn vàn những tình huống, ứng xử trong cuộc sống tưởng như cũng rất bình
thường nhưng chứa đựng bao điều trăn trở về hiện thực cuộc sống. Tập truyện

đã đề cập đến rất nhiều những vấn đề khác nhau trong nếp sinh hoạt đời
thường: số phận của những người lao động trong xã hội cũ; lòng yêu nước
nồng nàn; lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Điều nổi bật hơn cả trong
tập truyện còn là vấn đề về mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và tập thể. Đây
chính là vấn đề có ý nghĩa rất lớn lao mà bất kỳ giai đoạn lịch sử xã hội nào
cũng cần phải lưu tâm tới.
1.1.2. Tiểu thuyết Đứng trước biển (1983) của Nguyễn Mạnh Tuấn
Cùng chung nguồn mạch về đề tài biển với những người lao động trên
biển trong xã hội trước thời kỳ đổi mới. Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh


13

Tuấn lại có quy mô lớn hơn Biển xa của Bùi Đức Ái. Trong Đứng trước biển,
Nguyễn Mạnh Tuấn xông vào những hiện thực mới xuất hiện của xã hội đó là
vấn đề giữa con người và sản xuất. Tác phẩm ra đời được xem như là một sự
kiện văn chương của giai đoạn văn học đương thời.
Nguyễn Mạnh Tuấn viết Đứng trước biển khi nền kinh tế trên khắp đất
nước ta ở tất cả các ngành nghề đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về cách làm
ăn theo những chỉ thị, nghị quyết mới của Trung ương. Kết cấu của Đứng
trước biển xoay quanh sự trả lại vị trí thích hợp của một cán bộ quản lí gắn
với số phận của một xí nghiệp đánh cá. Trong tiểu thuyết này, nhà văn nêu lên
phương pháp, cách thức của một lối quản lí, hoạt động sản xuất, làm kinh tế
theo lối mới. Ẩn sau đó còn là vấn đề xã hội, vấn đề nhân sinh.
Tiểu thuyết Đứng trước biển đã công phá cái tiêu cực với những biểu
hiện và những tính chất khác nhau trong tư tưởng, tâm lí con người. Những
nhân vật phản diện trong tác phẩm như: Chín Tâm, Năm Miên, Sáu Kình... đã
bộc lộ rõ bản tính cơ hội, ích kỷ, chuyên quyền. Nhưng dụng ý của tác giả là
ở chỗ những nhân vật này với nét tính cách trái chiều đã làm nền để tô điểm
cho những nhân vật mang tính tích cực như: Ba Đức, Năm Dũng, Út Cần, Sáu

Hớn, Lê Tám... Nguyễn Mạnh Tuấn đã phản ánh khá chi tiết hiện thực xã hội
trước cải cách, đổi mới cả hai mặt sáng và tối.
Đứng trước biển là bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam. Giống
như biển có dòng trong dòng đục, hiện thực xã hội cũng có mảng sáng, mảng
tối. Từ sự đúng đắn trong suy nghĩ của Ba Đức, lòng chân thật, cao thượng
của Lê Tám, đạo đức cách mạng trong sáng của Sáu Hớn, cái nhìn sắc sảo và
nghiêm khắc của Út Cần, đức tự tin và năng lực dồi dào của nhân vật Thành...
cho đến sức mạnh tập thể của tàu H14 với người đứng đầu là thuyền trưởng
đủ phẩm chất, bản lĩnh và uy tín như Năm Dũng. Chính những dòng nhân vật
này trong tiểu thuyết Đứng trước biển đã nhấn mạnh vẻ đẹp của biển, nhấn
mạnh vẻ đẹp rõ rệt dòng trong của lòng biển, mảng sáng của hiện thực.


14

Bên cạnh đó dòng đục của biển, mảng tối của hiện thực được tác giả
tập trung miêu tả qua sự trụy lạc, phản phúc của Sáu Kình, sự lỗi thời, cơ hội
của Năm Miên, đặc biệt là sự vô dụng, bất tài, lộng hành, ích kỷ của Chín Tâm...
Các nhân vật trong tiểu thuyết đã chứng tỏ cái nhìn khách quan của
Nguyễn Mạnh Tuấn khi nhìn hiện thực xã hội trong tác phẩm không đơn giản,
một chiều. Ở đây, có dòng trong, dòng đục, có mảng sáng, mảng tối và thậm
chí có cả dòng trong đục, mảng sáng tối lẫn lộn.
Tập thể tàu H15 là sự phức hợp đó. Các nhân vật như Hai Tiến, Ba Phi,
Liên... cũng chính là sự pha trộn giữa hai dòng. Hai Tiến giỏi về chuyên môn,
nhưng sớm co mình trong cái vỏ phận sự của công chức, Ba Phi là một thuyền
trưởng xứng đáng nhưng lại quen lối sống tự do đến buông thả; Liên sống
thiết tha, có sự gắn bó với công việc nhưng không phải đã tìm được ngay một
thái độ cần có trong cuộc đấu tranh với cái tiêu cực ở cuộc đời.
Tuy nhiên, vấn đề chính của bức tranh hiện thực đời sống trong Đứng
trước biển vẫn là sự nổi bật, vượt lên hơn cả của dòng trong, mặt sáng, điểm

này đã giữ vai trò chủ đạo trong tác phẩm. Mặc dù, cái xấu vẫn tiếp tục vùng
quẫy và gây lên nhiều tác hại ghê gớm.
Nguyễn Mạnh Tuấn đã gửi quan điểm của mình, lí tưởng thẩm mỹ của
mình qua những nhân vật tích cực như Ba Đức, Bảy Thu, Út Cần, Sáu Hớn.
Tác giả cho rằng, muốn có suy nghĩ đúng thì điều đầu tiên phải có can đảm
nhìn thẳng vào thực chất của sự vật. Sự tránh né hoặc tạo ra ảo tưởng bằng
cách này hay cách khác trong nhìn nhận hiện thực không có sự cải tạo được
hiện thực. Nhà văn xây dựng nhân vật Bảy Thu với nét tính cách ưa nói thẳng
vào sự thật, nói thẳng vào tội lỗi, ưa phanh phui ý nghĩa trần tục của hiện
tượng. Bảy Thu "không quen gọi những tên ăn cắp với hán từ đồng nghĩa là
"tham ô" [45, tr.60], những tên tham ô là "hủ hóa", những kẻ u tối, bất tài là
thiếu năng lực, những hậu quả phá hoại là "vô trách nhiệm". Vì theo Bảy Thu,


15

cách nói như vậy sẽ khiến cho những "kẻ tội lỗi có vẻ sạch sẽ, do đó giá trị
thật của đạo đức và liêm sỉ bị rẻ rúng đi" [45, tr.60].
Vào thời kỳ quá độ, không phải lúc nào cái tích cực, tốt đẹp cũng thắng
thế. Cho nên, tác giả quan niệm điều quan trọng bậc nhất trong mối quan hệ
giữa con người với con người là đừng để mất lòng tin. Sáu Hớn là một nhân
vật tích cực trong tác phẩm đã từng nghĩ một cách thấm thía: "mất gì thì mất
chứ không thể để mất lòng tin của quần chúng"[45, tr 226].
Nguyễn Mạnh Tuấn gửi gắm nỗi trăn trở, suy tư của người cách mạng
trong một xã hội đang có sự chuyển mình ở chỗ người cách mạng chân chính
phải xả thân vì công việc chung, phải dám đứng ra gánh chịu trách nhiệm
trước cái ngưng trệ, thậm chí thối rữa của hiện thực. "Để những gia đình công
nhân phải chịu đựng vô lí trong sự cùng cực này thêm một ngày là ta có tội
một ngày...; "không phải tụi đầu nậu lưu mạnh mà chính chúng ta phải chịu
trách nhiệm"[ 45, tr.83]. Điều này có nghĩa là trong bất kỳ tình huống nào,

như Bảy Thu nói "người cách mạng chân chính, không thể vô trách nhiệm khi
đứng trước biển được".
Vậy trong Đứng trước biển, Nguyễn Mạnh Tuấn đặt ra vấn đề cấp bách
là người cách mạng lúc này phải làm gì? Và làm như thế nào? Bởi vì, lí tưởng
tốt đẹp cần được thể hiện bằng hiệu quả sinh động trong thực tế. Ba Đức hoàn
toàn có cơ sở khi nghĩ rằng "tạo ra nguồn của cải vật chất đầy đủ cho xã hội...
sẽ là sợi giây níu giữ tốt người ta ở lại với Tổ quốc"[45].
Xây dựng nhân vật Ba Đức, tác giả chủ yếu muốn đưa ra một mẫu
người hành động. Cuộc tranh luận giữa Ba Đức và Hai Tiến về mối quan hệ
giữa dũng khí, hiểu biết và cách làm của người cách mạng có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng đối với việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
Nguyễn Mạnh Tuấn là một nhà văn có tính cách thẳng thắn, bộc trực
bởi chính tác giả cũng xuất thân từ tầng lớp lao động, cũng là người thợ. Cho
nên, trong Đứng trước biển tác giả đã đề cập đến những vấn đề rất "nóng" của


16

xã hội lúc bấy giờ. Sự ảnh hưởng của gia đình - người cha của Nguyễn Mạnh
Tuấn cũng bị đánh giá là lập trường, tư tưởng có vấn đề, cho nên tác giả đã
không được thi đại học. Những năm tháng là một người thợ ở Quảng Ninh đã
giúp nhà văn có cái nhìn thấu đáo vào hiện thực xã hội, hiện thực cuộc sống
của người công nhân. Đứng trước biển ra đời được xem là một sự kiện văn
chương.Thời gian tiểu thuyết xuất hiện trên văn đàn Văn học là lúc ở các địa
phương, các ngành, nền kinh tế đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về cách làm
ăn theo những chỉ thị, nghị quyết mới của Trung ương.
Nội dung cốt lõi của Đứng trước biển là sự đề cập thẳng của nhà văn
vào nhiều vấn đề xã hội phức tạp được thu nhỏ lại trong một xí nghiệp đánh
cá đang trên con đường phát triển. Sự trì trệ và đi xuống của xí nghiệp đánh
cá Sao Mai do lối làm ăn quan liêu, bao cấp, bảo thủ, giáo điều và thiếu tinh

thần trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo đã được phản ánh khá chi tiết.
Nhà văn không né tránh hiện thực. Sự đi xuống của nền kinh tế không phát
triển trong xã hội đương thời là do nếp quản lí lạc hậu và trình độ thấp kém.
Đồng thời, nguyên nhân còn là sự thiếu năng động, chây lười của một bộ
phận công nhân, thủy thủ.
Có thể nói, cùng chung đề tài viết về biển, trong Đứng trước biển, cái
nhìn của Nguyễn Mạnh Tuấn đã dám thẳng thắn nhìn thẳng vào hiện thực.Tác
giả đã nhìn thẳng vào những vấn đề còn bất cập trong xã hội để từ đó đưa ra
mục tiêu cần có một con đường mới phù hợp để đưa nền kinh tế nước nhà
phát triển.
1.2. Sáng tác về biển của Bùi Ngọc Tấn
1.2.1. Những sáng tác viết về biển trước tiểu thuyết Biển và chim bói cá
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng được đánh giá là người thư ký trung thành
của thời đại. Mỗi bước đi của đất nước đều được nhà văn dõi theo và phản
ánh khá chân thành, chi tiết. Nền kinh tế Việt Nam những năm đầu đổi mới


17

với nhiều những cái mới, cái hay nhưng cũng không thiếu những mảng tối đã
không qua khỏi cặp mắt của tác giả. Vốn cũng là một người thợ, Bùi Ngọc
Tấn hiểu rất rõ "gan ruột" của một nền kinh tế đang muốn đi lên đã có dấu
hiệu của những chứng bệnh nào. Vì là người con của Hải Phòng, lại có thời
gian khá dài Bùi Ngọc Tấn là nhân viên Quốc doanh đánh cá Hạ Long (1975-1995)
nên biển chính là một trong những nguồn cảm hứng lớn để nhà văn gửi gắm
nỗi niềm thông qua những trang viết.
Trong một bài Bùi Ngọc Tấn trả lời phỏng vấn của phóng viên Phong
Hằng, nhà văn đã bộc bạch duyên nợ của ông đối với biển. Bùi Ngọc Tấn cho
rằng ông có một món nợ rất lớn đối với biển. Những sáng tác về biển của nhà
văn thấm đẫm hương vị biển với nhiều sự cảm nhận khác nhau. Ông đã thổ lộ

với phóng viên Phong Hằng như sau: "Tôi đã làm nhân viên ở một xí nghiệp
đánh cá quốc doanh 20 năm. Là một thành viên, một tế bào của cái cơ thể
phập phồng hơi thở có một đối tượng lao động là biển cả này, tôi vui niềm vui
của những ngày biển lặng gió êm, những chuyến biển tàu về đầy ắp cá, tôi lo
lắng cho những người bạn của tôi đang chịu gió mùa, tránh bão; tôi chia sẻ
nỗi buồn với những thủy thủ khi những chuyến biển bị gãy..." [Tuổi trẻ thứ
Sáu, 20-4-2012].
Tuy nhiên, những sáng tác về biển của nhà văn trước khi Biển và chim
bói cá ra đời lại mang một gam màu rất khác.
Ở Người gác đèn biển (Truyện ký - 1962) và Người gác đèn cửa Nam
Triệu, Bùi Ngọc Tấn phác họa chân dung của những người gắn bó với biển
nhưng ở một dòng khác. Họ không phải là những thủy thủ trực tiếp với những
mẻ lưới nặng, vơi, với mùi tanh nồng của tôm cá. Họ là những người định
hướng, là ngọn đèn soi sáng, dẫn đường, chỉ lối cho những con tàu ra khơi.
Người làm nhiệm vụ gác đèn biển như những chú chim Hải âu, đơn độc giữa
biển khơi, sóng nước. Bạn với họ chỉ là nỗi cô đơn và tiếng sóng biển. Nhưng,


18

trong tâm hồn họ, những người gác đèn biển, chưa bao giờ họ thấy mình lẻ loi.
Bùi Ngọc Tấn đã phác họa họ như những tượng đồng, đối mặt với phong ba,
với gió biển, với nỗi cô đơn và nếp sống sinh hoạt đời thường. Họ vẫn vững
vàng, kiên định, vững chắc.
Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn rất khéo trong việc đặt tên cho tác phẩm
của mình. Mỗi một nhan đề tác phẩm đã phần nào chứa đựng đầy đủ nội dung.
Tác phẩm Người gác đèn cửa Nam Triệu là một trong những đứa con tinh
thần của nhà văn khi chào đời, cái tên đã hàm chứa đầy đủ những điều tác giả
muốn nói. Đây là một tác phẩm đầy chất vui sống. Đọc câu chuyện này,
người đọc sẽ không nhận thấy sự lẻ loi của những người ngày ngày phải đối

mặt với đầu sóng ngọn gió. Họ rất lạc quan. Xuyên suốt Người gác đèn cửa
Nam Triệu, nhà văn tập trung khắc họa chân dung người anh hùng Phùng Văn
Bằng, một con người gắn bó trọn đời với tháp đèn, với những hiểm nguy nơi
cửa biển bao la. Tác phẩm đã được giải thưởng của Bộ Văn hóa.
Để khẳng định tình yêu của mình dành cho biển, Bùi Ngọc Tấn đã có
rất nhiều cách tiếp cận biển. Thậm chí, nhà văn không ngần ngại khi nhìn biển
ở những nét tính cách đối lập nhau. Ngoài Người gác đèn biển, Người gác đèn
cửa Nam Triệu, Ngày và đêm trên vịnh Bái Tử Long, thì tác phẩm có thể được
xem là thành công nhất, thể hiện rõ nhất tình yêu của ông với biển, sự hiểu
biết về biển và về người lao động trên biển phải kể đến tiểu thuyết Biển và
chim bói cá (2008). Cuốn tiểu thuyết này ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt
lớn trong đời viết của Bùi Ngọc Tấn. Tác phẩm không chỉ khẳng định tình
yêu của ông dành cho biển, cho con người, không hề vơi cạn, phôi pha, xao
lãng mà còn là nỗi niềm suy tư, trăn trở về số phận của mỗi người công nhân
khi gắn với biển.
Trong Biển và chim bói cá, nhà văn thu vào tầm mắt của mình cả hai
mảng sáng và tối. Ông viết về những con người lao động trên biển với một sự


19

trân trọng, thương xót. Dù nhà văn có phê phán nhưng cũng là sự phê phán
bao dung, rộng rãi của một con người luôn có lòng vị tha trung thực. Cho nên,
đầy ắp trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá là tiếng cười.
1.2.2. Đề tài và chủ đề tiểu thuyết Biển và chim bói cá
Đề tài là phạm vi hiện thực để nhà văn lựa chọn và miêu tả, thể hiện tạo
thành chất liệu của thế giới hình tượng trong tác phẩm, đồng thời là cơ sở để
từ đó nhà văn đặt ra những vấn đề mà mình quan tâm.
Đề tài của tác phẩm thường gắn chặt với hiện thực cuộc sống của thời
đại mà nhà văn đang sống, cho nên đề tài mang tính lịch sử sâu sắc.

Trong Biển và chim bói cá, Bùi Ngọc Tấn chọn biển và những người
công nhân trực tiếp lao động với biển là đề tài sáng tác. Tuy nhiên, thường
trong mỗi tác phẩm văn học không phải chỉ có một đề tài mà có rất nhiều đề
tài liên quan đến nhau, bổ sung cho nhau để tạo thành một hệ thống đề tài.
Pospelôp cho rằng: "Hệ đề tài là toàn bộ đề tài của tác phẩm hoặc sáng tác".
Biển và chim bói cá không chỉ là những người lao động trực tiếp hoặc gián
tiếp trên biển mà còn là thái độ phê phán của tác giả về mặt trái trong quản lí
của những cán bộ quan liêu, thoái hóa về phẩm chất, đạo đức. Họ là nguyên
nhân dẫn đến sự trì trệ trong lao động, sản xuất.
Chủ đề là vấn đề chủ yếu, trung tâm, là phương diện chính yếu của đề
tài. Chủ đề là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm, nêu lên
trong tác phẩm mà nhà văn cho là quan trọng nhất.
Dễ nhận thấy chủ đề trong Biển và chim bói cá là thân phận những
người thủy thủ - họ có những người thuộc biên chế trên biển nhưng vì lí do cơ
chế nên phải nằm bờ, chờ việc và ăn lương thất nghiệp. Phần lớn những thủy
thủ có mặt trong phần một của tiểu thuyết được ra khỏi. Tuy nhiên cuộc sống
của họ vô cùng bấp bênh, chìm nổi như những đợt sóng trên biển cả.
Bên cạnh những người lao động thuộc khối dưới nước là những người
làm việc ở khối trên bờ. Cuộc sống, cuộc đối thoại của họ trong công việc đã


20

chứng tỏ sự suy sụp của một cơ chế quan liêu bao cấp và những con người
sống trong cơ chế đó đang muốn vùng vẫy để thoát ra. Họ muốn có điều gì đó
sẽ thay đổi về cuộc sống trong tương lai.
Chủ đề và đề tài thường có sự gắn bó với nhau nhưng nhiều khi chủ đề
vượt qua giới hạn của đề tài cụ thể mà nêu lên những vấn đề khái quát hơn.
Từ sự đánh giá về đề tài và chủ đề như trên, có thể thấy rõ đề tài và chủ
đề trong Biển và chim bói cá tập trung ở một số phương diện sau:

1.2.2.1. Mối quan hệ của con người trong lao động sản xuất
Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn cần mẫn, chăm chỉ. Đọc truyện nào, sáng
tác nào cũng thấy đầy ắp vốn sống, ngồn ngộn chi tiết và lấp lánh nét tài hoa,
gợi mở.
Trong Biển và chim bói cá, nhà văn đề cập đến số phận của những
người lao động mà chỗ họ cần dựa lấy để mưu sinh chính là đại dương bao la.
Xuyên suốt tác phẩm là một sự phong phú về chi tiết, đầy ắp chất liệu
sống và đặc sệt phong cách Bùi Ngọc Tấn. Với kinh nghiệm hơn hai mươi
năm là thành viên của xí nghiệp đánh cá Hạ Long, Bùi Ngọc Tấn đã chứng
kiến đủ những chìm nổi, ngang trái của cuộc sống và con người trong một bầu
không khí cũ.
Ở tiểu thuyết này, quan hệ của những người công nhân trong quốc danh
đánh cá Biển Đông rất bình đẳng, rõ ràng, cảm thông và chia sẻ. Tất nhiên,
quan hệ này chỉ có được ở những thủy thủ trực tiếp xuống tàu như Trần Bôn,
Chơn, Lê Mây, Thuyền... vì họ đơn thuần chỉ là những thủy thủ bên cạnh tâm
huyết làm giàu cho Tổ quốc, họ còn có cả một gánh nặng gia đình trên đôi vai.
Đọc Biển và chim bói cá, người đọc sẽ nhận thấy tiểu thuyết này lạ ở
chỗ không có đầu, không có đuôi, không có cốt truyện. Cả tác phẩm là sự tiếp
nối liên tục các chi tiết, sự kiện, những câu nói, những nhân vật. Có thể nói vô
vàn các chi tiết kết nối nhau chạy dọc theo chiều dài của tiểu thuyết. Hàng


21

trăm, hàng nghìn chi tiết lớn nhỏ. Nhưng ẩn chứa trong từng chi tiết nhỏ ấy là
các mối quan hệ đan xen của những nhân vật ở cả hai chiều tích cực và ngược lại.
Trung tâm trong Biển và chim bói cá là hình ảnh của một xí nghiệp
đánh cá Biển Đông. Tuy nhiên mối quan hệ không chỉ dừng lại ở đó. Trong
câu chuyện nhà văn đưa ra là một móc xích mà mỗi nhân vật là một mắt xích
gắn kết chặt chẽ với nhau. Có quan hệ giữa các thủy thủ trên tàu; quan hệ của

các thủy thủ với những bộ phận trên bờ; thậm chí các thủy thủ ngoài mối quan
hệ với đồng nghiệp, họ còn có mối quan hệ với gia đình bố mẹ, vợ con, làng
quê. Xa hơn nữa, khi tàu đi đến Lạch Trường miền Trung, tới Cà Mau miền
Nam, rồi đặc biệt khi bước vào thời kỳ đổi mới, họ còn có quan hệ giao
thương với các nước ngoài Singapore, Nhật Bản... Cho nên, xuất hiện trong
tiểu thuyết, các thủy thủ được giới thiệu rất phong phú từ nguồn gốc, quê
quán, nơi ở, hoàn cảnh rất khác nhau, tất cả những chi tiết đó đã tạo nên tính
hấp dẫn cho tác phẩm.
Tiểu thuyết Biển và chim bói cá có rất nhiều nhân vật, ngồn ngộn hàng
mấy chục nhân vật trong Quốc doanh đánh cá của một thành phố biển ở nước
ta. Nhân vật gồm cả những người "trực tiếp sản xuất" trên biển và những
người "ăn theo" trên bờ.
Mối quan hệ của họ có sự gắn bó song hành với công việc trong sản
xuất, có niềm vui, nỗi buồn. Người ta hài lòng, tự hào về những thủ thủy có
tay nghề vững chắc như Lê Mây, Trần Bôn, những thủy thủ có tâm huyết như
Cương... Mặc dù số phận của họ khi ra khơi không được may mắn như nhau
nhưng ở những thủy thủ này vẫn toát lên một vẻ đẹp cao thượng của những
người lao động. Họ có sự chia sẻ, thấu hiểu.
Thủy thủ Chơn, một con người tâm huyết với nghề biển. Những tháng
ngày đằng đẵng lênh đênh trên biển đã khiến cho Chơn không có thời gian
nhiều dành cho gia đình. Nỗi đau quá lớn khi Chơn hay tin ở nhà vợ đã có


22

mang với một người đàn ông khác. Giận vợ. Thương vợ. Chơn tự trách mình,
tự thấy một phần nguyên nhân dẫn đến nỗi đau mất mát này là bởi anh đã
dành phần lớn quỹ thời gian cho biển. Nỗi đau dần nguôi ngoai vì trên tàu,
đồng nghiệp, bạn bè đã khỏa lấp dần nỗi buồn trong anh. Sự thông cảm, yêu
mến, chia sẻ của họ đã giúp Chơn tự tin vào hạnh phúc sẽ đến với mình trong

tương lai. Cuộc sống với miếng cơm manh áo hàng ngày đã khiến những thủy
thủ như Chơn phải lặn lội, bươn chải và như thế đồng nghĩa với việc vô tình
họ đã đánh mất đi phần nào hạnh phúc của mình.
Cương lại khác. Con chim bói cá này được nhà văn xây dựng là một
trong những thủy thủ rất say nghề. Tâm huyết với nghề. Có kinh nghiệm đi
biển nhờ vào những năm tháng học tập trong nhà trường. Nhưng khi vào nghề,
Cương chưa một lần được làm thủy thủ chính thức trên bất cứ một con tàu
nào. Anh chỉ là người thế chân. Tuy vậy, Cương không thấy bi quan, bất mãn,
chán nghề. Biển vẫn có ma lực hút anh. Những thuyền trưởng trên các tàu,
những thủy thủ vẫn thường xuyên ra khơi rất thấu hiểu và thông cảm với cảnh
ngộ của những người như Cương. Họ chia sẻ. Không khinh bạc. Không coi
thường. Ngược lại, thông cảm và thấu hiểu, mặc dù có lúc trong họ có những
chuyện ngủng ngoẳng, mất đoàn kết với nhau.
Hay như: Lê Mây, Quân, Mai, Giáp... những thủy thủ này chính là hiện
thân của những con chim đi săn trên biển. Mỗi người một số phận, một cảnh
ngộ nhưng ở họ vẫn toát lên một niềm yêu đời, lạc quan cho dù hiện thực xã
hội họ đang sống, đang lao động còn muôn vàn những bất cập.
Trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá, ngoài sự gắn bó của các thủy thủ
trên tàu có sự thấu hiểu, chia sẻ và cùng chung một khát vọng, hoài bão lớn
đó là: một cuộc sống no ấm, hạnh phúc thì sợi dây vô hình liên kết họ sau mỗi
chuyến biển chính là gia đình vợ con.
Bùi Ngọc Tấn đã tạc lên những nhân vật rất đời thường. Ông đã đi sâu,
rất sâu vào trong từng nghĩ suy, ước muốn của họ. Những thủy thủ ngày đêm


23

lênh đênh trên biển, làm bạn với sóng nước mênh mông đã ấp ủ trong mình
những hạnh phúc rất giản dị.
Trần Bôn, thuyền trưởng tàu Hạ Long H14. Một thuyền trưởng giỏi, có

kinh nghiệm trong mỗi chuyến ra ngư trường. Vậy mà, ngay khi anh quyết
định cất mẻ lưới cuối cùng để làm tổng vệ sinh, Trần Bôn đã nghĩ ngay đến
người vợ ở nhà. Niềm hạnh phúc này ở Trần Bôn quá ư giản dị. Tàu cập bến,
anh nhảy vội lên bờ, không mang theo gì cả. Trần Bôn quẳng lại tất cả, không
một con cá đem về cho vợ con, nhẩy ngay lên xe, chỉ kịp ngoái lại dặn "Các
ông ấy có hỏi thì bảo mình lên trạm xá một chút rồi về ngay. Đấy. Bây giờ lại
đau. Có lẽ dạ dày dở chứng thật rồi" [38, tr.25]. Cương, thuyền phó dự bị rất
tâm lí. Rất hiểu, Cương đã đứng ra bảo đảm cho sự vắng mặt của thuyền
trưởng trên tàu mình trong một "cuộc họp quan trọng" như là có lí do rất tự
nhiên, rất chính đáng: "Báo cáo, thuyền trưởng cầm y bạ đi khám bệnh rồi ạ"
[38, tr.70].
Trần Bôn, cũng giống như nhiều thủy thủ khác, lênh đênh trên biển dài
ngày. Về thăm vợ. Trần Bôn đi rất nhanh vì nhớ vợ. Anh thèm được nhìn thấy
gương mặt người phụ nữ của anh. Thèm được cảm nhận không khí của một
gia đình.
Hoặc như cuộc sống với bộn bề khó khăn không làm cho những thủy
thủ có cái nhìn vào cuộc sống tăm tối. Cái tài của Bùi Ngọc Tấn là ở chỗ đó.
Câu chuyện của bác cấp dưỡng già dưới tàu có tên là Tích đã chứng
minh cho người đọc thấy được vẻ lạc quan đó: "...Chúng mày biết gái Thủy
Nguyên đập lúa rồi chứ gì. Khăn mỏ quạ bịt kín mặt chỉ để hở hai con mắt,
chẳng biết già trẻ xấu tốt ra sao. Đập xong, tất cả ra về, chỉ còn tao và một cô
ở lại quét dọn, về sau. Đến khi ra cầu ao, cô ấy cởi khăn ra giũ. Ối trời! Đẹp
quá. Má hồng rực, tóc mai dính bết, mắt bồ câu long lanh. Hai đứa xắn quần
lội xuống bậc gạch bên dưới. Cô ấy cúi xuống. Tao cũng cúi xuống nhưng


24

chưa vục nước ngay mà còn nhìn sang cô nàng. Hai bắp chân trắng như cá
chép ngâm dưới nước. Cô ấy cũng nhìn lại tao cười, má cứ rực lên rồi lại cúi

xuống ao, hai bàn tay khum khum định vốc nước lên mặt. Tao mới đưa tay
sang xoa xoa vào mặt nước chỗ khuôn mặt cô ấy. Cô ấy cười tủm tỉm, rồi
nắm lấy tay tao, giữ chặt không cho tao khỏa nước nữa. Lại còn đưa một tay
sang xoa chỗ ao tao đang soi xuống. Trả miếng đấy. Có đi có lại đấy. Ăn chết
rồi! Tao cũng nắm lấy tay cô ấy, giữ tay cô gấy lại, bóp một cái thật mạnh. Cô
nàng nhăn nhó há miệng ra chiều đau. Chỉ há miệng chứ không kêu thành
tiếng. Chà! Cái nhăn mặt ấy mới chết người" [38, tr.114].
Tác giả đã quá thấu hiểu họ. Hơn 20 năm, có lúc chính nhà văn cũng
từng ra khơi. Nỗi niềm, tâm trạng của những thủy thủ. Tác giả hiểu rõ hơn ai
hết. Cho nên, phần lớn trong các sáng tác của Bùi Ngọc Tấn, hình như ông đã
để cho ngọn bút và con mắt quan sát cùng những kinh nghiệm trường đời của
mình được cố định trên trang giấy.
Những con chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn vì thế cũng đáng được
hưởng tình yêu đàn bà con gái. Bởi những ngày dài đằng đẵng của họ ở dưới
tàu, chỉ có trên là trời dưới là nước. Và cũng vì những ngày đêm họ đã cật lực
làm việc cho xí nghiệp.
1.2.2.2. Số phận của người lao động trong xã hội đương thời
Tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn nhìn tổng thể từ hai
góc độ có thể xem như một phóng sự dài. Tiểu thuyết Biển và chim bói cá ra
đời đã chứng minh Bùi Ngọc Tấn không chỉ là một nhà tiểu thuyết đơn thuần
mà ông còn dùng chất liệu báo chí để viết. Cho nên, Biển và chim bói cá có
thể xem là một tiểu thuyết tư liệu, bởi chứa trong suốt chiều dọc của tiểu
thuyết có đến vài chục ngàn chi tiết lớn, nhỏ, chi tiết nào cũng hóm hỉnh
khiến người đọc phải bật cười tức khắc, lay động những cảm giác sâu kín của
lòng trắc ẩn, lương tri...


25

Biển và chim bói cá là cuốn tiểu thuyết đồ sộ gồm khoảng hai mươi

nhân vật, được nhà văn miêu tả như những hình tượng đa phương, có phần
lỏng lẻo trong một tác phẩm sắp đặt của loại hình nghệ thuật thị giác, nói
bằng thứ ngôn ngữ trực quan của mồ hôi, nước mắt, máu và cả tiếng thở dài.
Trong mỗi một nhân vật, nhà văn gửi vào đó một số phận, may mắn có,
bất hạnh có, lạc quan có, đau đớn, thất vọng có. Đó là một xã hội thu nhỏ,
mỗi nhân vật là một tiếng nói, là một miếng ghép tưởng là độc lập nhưng lại
rất gắn kết để làm nên một bức tranh hoàn bích về xã hội Việt Nam trong
những năm đầu đổi mới.
Lật giở từng trang tiểu thuyết Biển và chim bói cá, người đọc sẽ tìm
thấy chân dung những con người luôn khao khát hạnh phúc mà không bao giờ
đạt đến hạnh phúc đích thực.
Phần 1 của tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn vẽ lên chân dung, cuộc sống của
những thủy thủ trực tiếp lao động trên ngư trường. Tuy nhiên, câu hỏi mà tác
giả ngầm lưu lại trong lòng mỗi người khi đọc xong tiểu thuyết này là: những
số phận thủy thủ trong Quốc doanh đánh cá này họ có hạnh phúc hay không?
Và đến bao giờ thì họ có nổi hạnh phúc?
Trong phần 2 của tác phẩm, Bùi Ngọc Tấn vẽ lên cuộc sống của những
con chim bói cá "ăn theo" tại vô số ban bệ trên bờ. Nhìn tổng quát tiểu thuyết
không né tránh hiện thực. Mỗi nhân vật là một góc nhìn toàn diện về số phận
người công nhân trong xã hội đương thời. Nhà văn đã khắc họa thực tế đời
sống thực thể và tinh thần đầy éo le, sóng gió, trôi dạt của anh em thủy thủ,
công nhân viên tại một cơ sở đánh cá quốc doanh, Bùi Ngọc Tấn muốn đào
xới đến kiệt cùng hiện thực nhọc nhằn của sinh tồn, bao gồm cả sinh kế và
nhân sinh. Mỗi hành động sống đều bị đẩy đến ranh giới của một tồn tại khác,
thứ tồn tại buộc người ta phải tự vấn đến cùng để soi lại vị trí của bản thân
trong những thang bậc của tính người, của tư cách con người.


×